Danh tướng Việt Nam - Tập 4

<< < (15/15)

hoi_ls:
Phụ lục 6
A. BÀI THƠ ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI CỦA NGUYỄN BIỂU
1

      Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi 2
      Gia hào thêm có cỗ đầu ngừời.
      Nem công chả phượng còn thua béo,
      Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
      Ca lối Lộc Minh so cũng một 3
      Vật bày thỏ thủ bội hơn mười 4.
      Kia kìa ngon ngọt tày vai lợm
      Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời 5.
.

B. BÀI HỌA THƠ CỦA TRÙNG QUANG ĐẾ
6

      Nguyên văn bài thơ tiễn của Trùng Quang Đế :

      Mấy vần thơ cũ ngợi Hoàng hoa,7
      Trịnh trọng rày nhân vẳng khúc ca.
      Chiếu phượng8 mấy hàng tơ cặn kẽ,
      Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.
      Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ 9,
      Khương quế 10 thêm cay tính tuổi già.
      Việc nước một mai công ngõ vẹn.
      Gác Lân 11 danh tiếng dõi lâu xa.

      Nguyên văn bài hoạ của Nguyễn Biểu :

      Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa,
      Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca.
      Đường mây gió kị lần lần trải,
      Ải tuyết cờ mao thức thức pha.
      Há một cung tên lồng chí trẻ,
      Bội mười vàng sắt đúc gan già.
      Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối 12.
      Dịch lộ 13 ba ngàn dám ngại xa.





-------------------------------------------------------
(1) Bài thơ Nôm Ăn cỗ đầu người tương truyền là của Nguyễn Biểu chứ không ai dám khẳng định chắc chắn là của Nguyễn Biểu. Tuy nhiên, do thấy văn khí rất phù hợp với hình trạng và phẩm cách của Nguyễn Biểu, cho nên, đời xưa nay vẫn cho là của Nguyễn Biểu. Chúng tôi xin giới thiệu phiên âm mà không thể giới thiệu được văn bản chữ Nôm, lí do chỉ đơn giản là vì kĩ thuật vi tính chưa cho phép.
(2) Ý nói của ngon vật là đều đã nếm đủ.
(3) Ý nói còn hơn cả yến tiệc Thiên tử đãi sứ giả. Bữa yến tiệc này từng được tả đến trong bài Lộc Minh của Kinh Thi.
(4) Thỏ thủ nghĩa là đầu thỏ. Chữ lấy trong Kinh Thi : hữu thỏ tư thủ : có đầu thỏ ấy, chỉ việc đãi yến.
(5) Phàn ở đây là Phàn Khoái, một trong những võ tướng rất trung thành của Hán Cao Tổ. Trong một bữa tiệc do Hán Cao Tổ tổ chức tại Hồng Môn, tướng Hạng Võ định tìm cách giết chết Hán Cao Tổ, nhưng Phàn Khoái biết được ý định ấy liền xông đến, lấy cớ là thấy có tiệc rượu, xin vào uống rồi trợn mắt để uy hiếp Hạng Võ, khiến Hạng Võ phải từ bỏ ý định giết chết Hán Cao Tổ, đã thế, tự tay Hạng Võ còn đem rượu thịt cho Phàn Khoái. Phàn Khoái vừa uống rượu vừa ăn hết cả một vai lợn. Hạng Võ khen là bậc tráng sĩ. Ở đây, Nguyễn Biểu có ý tự ví khí khái của mình trong bữa ăn cỗ đầu người cũng chẳng khác gì khí khái của tráng sĩ Phàn Khoái.
(6) Khi Nguyễn Biểu đi sứ, Trùng Quang Đế có làm bài thơ Nôm Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ và Nguyễn Biểu đã làm bài hoạ. Để hiểu rõ hơn về bài học của Nguyễn Biểu, chúng tôi xin giới thiệu thêm ở đây nguyên văn bài của Trùng Quang Đế. Nhưng một lần nữa, vì lí do kĩ thuật vi tính nên chúng tôi chưa thể giới thiệu nguyên bản chữ Nôm của bài này.
(7) Hoàng hoa là chữ lấy từ bài Hoàng hòang giả hoa trong Kinh Thi, chỉ việc vua sai bề tôi đi sứ.
(8. Chỉ tờ chiếu màu ngũ sắc quý giá mà nhà vua sai sứ giả đem đi.
(9) Ý nói chí trai đã quyết từ lúc còn trẻ.
(10) Khương quế : gừng và quế, hai thứ càng già càng cay nồng.
(11) Gác Lân là gác vẽ hình các bậc công thần của nhà Hán. Ý nói tiếng thơm của Nguyễn Biểu sẽ được đời lưu truyền mãi mãi, chẳng khác gì tên tuổi của các bậc công thần nhà Hán.
(12) Tài chuyên đối : chữ lấy trong Luận ngữ (sứ ư tứ phương bất năng chuyên đối : đi sứ bốn phương, không thể một mình đối đáp) ý rằng không dám tự tiện.
(13) Dịch lộ là đường cái quan, trên từng chặng nhất định của con dường này đều có nhà để nghỉ tạm. Nhà ấy gọi là dịch trạm.

hoi_ls:
Phụ lục 7
VĂN TẾ NGUYỄN BIỂU

Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng

      Than rằng :
      Sinh sinh hoá hoá, cơ huyền tạo mờ mờ,
      Sắc sắc không không, bụi hồng trần phơi phới.
      Bất cộng thù, thiên địa chứng cho,
      Vô cùng hận, quỷ thần thề với.
      Nhớ thuở tiên sinh cao giơ mũ trãi,
      Chăm chắm ở nơi đài gián, đành làm cột đá để ngăn dòng.
      Tới khi tiên sinh xa gác vó câu, hăm hăm chỉ,
      Cán cờ mao bỗng trở gió vàng bèn nên nỗi.
      Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn hăm,
      Gan thiết thạch Tô Công dễ đổi.
      Quan Vân Trường gặp Lữ Mông dễ sa cơ ấy,
      Mảng thấy chữ "phệ tề hà cập" dạ những ngùi ngùi.
      Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn mong trả thù này,
      Nghĩ đến câu "thường đảm bất vong" lòng thêm dọi dọi.
      Sầu kia khôn lấp cạn dòng,
      Thảm nọ dễ xây nên núi.
      Lấy chi báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ,
      Vơi vơi mươnn chuốc ba tuần.
      Lấy chi uỷ thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu,
      Thăm thẳm ngõ thông chín suối.


Phụ lục 8
BÀI CẦU SIÊU CHO NGUYỄN BIỂU

Thiền Sư chùa Yên Quốc

      Chói chói một vừng tuệ nhật,
      Đùn đùng mấy đoá từ vân.
      Tam giới soi hoà trên dưới,
      Thập Phương trải khắp xa gần.
      Giải thoát lần lần nghiệp chướng,
      Quang khai chốn chốn mê tân.
      Trần quốc xảy vừa mạt tạo,
      Sứ Hoa bỗng có trung thần.
      Vàng đúc lòng son một tấm,
      Sắt rèn tiết cứng mười phân.
      Trần kiếp vì đâu oan khổ,
      Phương hồn đến nỗi trầm luân.
      Tế độ dặn nhờ từ phiệt,
      Chân linh ngõ được phúc thần.

hoi_ls:
   2. VÕ TƯỚNG NGUYỄN SÚY

   Trong tất cả thư tịch cổ mà chúng tôi hiện có, không một dòng nào cho biết về năm sinh cũng như nguyên quán của võ tướng Nguyễn Suý. Tên ông được sử chính thức chép đến kể từ tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409). Sau trận Bô Cô (tháng 12 năm 1408), buồn về nỗi thân sinh của mình bị giết oan, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã chạy ra Thanh Hoa đón Trần Quý Khoáng về Chi La và cùng đồng lòng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế. Tại Chi La, là một trong những người có công tôn lập, Nguyễn Suý được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng phong cho làm Thái Phó. Như vậy, Nguyễn Suý đứng hàng thứ hai trong hàng Tam Công (Thái Sư, Thái Phó và Thái Bảo), tức là còn cao hơn cả Thái Bảo Nguyễn Cảnh Dị và Đồng Bình Chương Sự Đặng Dung.

   Ngay sau khi Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế, lực lượng của nhà Hậu Trần cũng dần dần bị suy yếu nghiêm trọng bởi những cuộc công kích lẫn nhau, giữa một bên là quân sĩ của Trần Ngỗi với một bên là quân sĩ của Trần Quý Khoáng. Để nhanh chóng ngăn chặn và hơn thế nữa, để chấm dứt tình trạng nguy hiểm này, chính Nguyễn Suý là người đã vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công rất bất ngờ vào đại bản doanh của Giản Định Đế Trần Ngỗi tại thành Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Giản Định Đế Trần Ngỗi bị bắt cóc đem về Nghệ An. Tại Chi La, Trần Ngỗi đã dược Trần Quý Khoáng tôn lên làm Thượng Hoàng còn Trần Quý Khoáng thì chỉ ở ngôi Hoàng Đế. "Lúc bấy giờ, trời u ám đã lâu, thế mà bỗng dưng trở nên quang đãng, bốn bề rực rỡ sắc mây vàng, mọi người đều lấy đó làm kinh ngạc". Nhưng cách hợp nhất lực lượng theo kiểu áp đặt ấy chỉ có ý nghĩa rất tạm bợ. Một không khí ngờ vực luôn bao trùm lên mọi hoạt động của nghĩa quân mà diễn biến của trận Hạ Hồng - Bình Than (tháng 7 năm Kỉ Sửu, 1409) đã thể hiện rất rõ điều đó. Bấy giờ, ưu thế đã và đang có phần nghiêng về phía nghĩa quân thì nhà Minh sai Anh Quốc Công Trương Phụ đem đại binh tới cứu viện. Thượng Hoàng Trần Ngỗi thấy khó bễ chống đỡ nên đã lẳng lặng rút quân về Thiên Quan (Thiên Quan nay thuộc tỉnh Ninh Bình và một phần nhỏ của tỉnh Hoà Bình. Chính ở cuộc rút lui này, Trần Ngỗi đã bị Trương Phụ bắt được. Cùng bị bắt với Trần Ngỗi còn có Thái Bảo Trần Hy Cát). Nghe tin đó, Trùng Quang Đế ngờ là Thượng Hoàng có ý khác liền lập tức sai Nguyễn Suý đem quân đuổi theo nhưng không kịp.

   Trận thắng quan trọng, có ý nghĩa mở đầu cho sự nghiệp cầm quân của Nguyễn Suý có lẽ là trận Bài Lâm, diễn ra vào tháng 9 năm Tân Mão (1411). Bằng lối đánh úp rất bất ngờ vốn là sở trường riêng của mình, Nguyễn Suý đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng quân Minh đóng tại đây và bắt giết được tên tay sai của giặc là Nguyễn Chính.

   Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412), Nguyễn Suý và các tướng lĩnh xuất sắc nhất của nghĩa quân như Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã có một cuộc đọ sức quyết liệt với quân Minh ở Mô Độ. Nhưng đang lúc đôi bên chưa phân thắng bại thì do hợp đồng tác chiến và nhất là mệnh lệnh chỉ huy thiếu chặt chẽ. Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị đã rút lui quá sớm. Tướng giặc là Trương Phụ đã triệt để khai thác chỗ yếu kém này để điên cuồng tổ chức phản công. Nghĩa quân phải chịu tổn thất rất nặng nề.

   Tháng giêng năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng, đem quân vượt biển tiến ra tận Vân Đồn để đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau. Một là thăm dò thực lực của quân Minh ở vùng duyên hải đông bắc, hai là sẵn sàng tổ chức tấn công giặc khi có điều kiện và ba là thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nguyễn Suý đã rất cố gắng nhưng rất tiếc là lực bất tòng tâm. Tháng ba cùng năm 1413 ông buộc phải theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng và các tướng lĩnh khác trở về Nghệ An, lúc đi quân sĩ mười phần thì khi về chỉ còn lại chừng ba bốn phần.

   Tháng 9 năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý là một trong những vị tướng có vinh dự được trực tiếp cầm quân tham gia vào trận tấn công rất lớn ở Thái Gia (cũng tức là Sái Già) : Trong trận đánh có ý nghĩa quyết định số phận ấy, lại thêm một lần nữa, do hợp đồng tác chiến không chặt chẽ và đặc biệt là do hiệu lệnh chỉ huy của nghĩa quân trên dưới không thống nhất, cho nên, tướng giặc là Trương Phụ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội thuận tiện này để lật ngược tình thế và đã chuyển bại thành thắng.

   Sau trận Thái Gia, toàn bộ lực lượng của nhà Hậu Trần kể như đã hoàn toàn bị tan rã, tuy nhiên, Nguyễn Suý vẫn cố gắng tổ chức thêm được một trận mai phục nhỏ vào tháng 10 năm Quý Tị (1413). Bấy giờ, Trương Phụ dốc quân thuỷ bộ đi lùng bắt tàn quân của Trần Quý Khoáng. Thấy việc canh phòng của chiến thuyền Trương Phụ có vẻ lơi lỏng nên Nguyễn Suý đã bố trí cho ba thích khách cùng bí mật núp dưới bè cỏ rỗi bất ngờ leo lên chiến thuyền, định sẽ giết chết Trương Phụ. Nhưng, cơ mưu này không thành.

   Vào cuối tháng 11 năm Quý Tị (1413), Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cùng với các tướng lĩnh cao cấp nhất của nghĩa quân như Nguyễn Suý, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều bị giặc Minh bắt được. Nguyễn Cảnh Dị thì bị giết ngay khi vừa bị bắt còn Trùng Quang Đế, Đặng Dung và Nguyễn Suý thì bị giặc giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường bị áp giải, nhân lúc lính canh sơ hở, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã nhảy xuống nước để tự tử, Đặng Dung cũng nhảy xuống chết theo. Riêng tướng Nguyễn Suý thì có cách xử trí rất khác. Sử cũ chép rằng Nguyễn Suý "ngày ngày chơi cờ với viên Chỉ huy coi giữ mình, dần dần thấy quen nên hơn không hề phòng bị, (Nguyễn Suý) bèn bất ngờ lấy bàn cờ đánh hắn ngã xuống nước chết, xong, (Nguyễn) Suý cũng nhảy xuống nước tự tử".

   Nguyễn Suý là nhân vật cao cấp cuối cùng của nhà Hậu Trần đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp cứu nước. Cùng với các anh hùng hào kiệt lừng danh khác như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu... ông thực sự xứng đáng là một trong những biểu tượng sáng ngời của ý chí quật khởi, xứng dáng được đời đời kính trọng. Ông đã góp phần chứng minh một cách thật sinh động rằng : "chính khí trong khắp cõi trời đất bao la, dẫu có sấm sét gầm vang, dẫu có gió bão dữ dội cũng không sợ, dẫu có hung hăng như lũ quỷ thần cũng chẳng dám tới gần."

hoi_ls:
3. LA BÌNH VƯƠNG PHẠM NGỌC

   Phạm Ngọc là thế danh của một Thiền Sư nhưng hiện vẫn chưa ai rõ đạo hiệu của ông là gì. Chính sử thời Nguyễn cho biết rằng ông người làng An Lão, nay đất làng quê ông thuộc thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Sinh thời, Phạm Ngọc là người rất mộ Phật, từng tu hành tại chùa Đồ Sơn.

   Sau thất bại của Trần Quý Khoáng (1413), quân Minh đã thẳng tay tiến hành hàng loạt những cuộc đàn áp rất tàn khốc. Mặc dù vậy, các phong trào đấu tranh với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau vẫn liên tục nổ ra. Phạm Ngọc là một trong số những lãnh tụ của các phong trào đấu tranh sôi động đó. Dẫu đang là một nhà tu hành, Phạm Ngọc cũng không sao có thể chịu khoanh tay ngồi nhìn cảnh giết chóc rất dã man của giặc. Các bộ chính sử của ta tuy chép rất sơ sài nhưng truyền thuyết dân gian vùng Hải Phòng và La Bình Vương thần tích cho biết : để có danh nghĩa chính thống cho việc tập hợp lực lượng nồi dậy, Phạm Ngọc đã cho phao tin đi khắp nơi rằng ông là người được Trời tin cậy ban cho ấn thiêng và gươm báu, đồng thời, sai xuống địa giới và cho nắm quyền làm chủ cả thiên hạ. Vì thế, ông xưng là La Bình Vương và đặt niên hiệu là Vĩnh Ninh.

   Tin này vừa mới được truyền đi thì lập tức, một số thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh ở những vùng lân cận đã nô nức đem lực lượng của mình theo về với Phạm Ngọc. Trong số đó có :
   - Trịnh Công Chứng và Lê Hành ở Hạ Hồng (Nay Hạ Hồng tương ứng với đất dai của các huyện Gia Lộc, Thanh Môn, Ninh Giang và Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương).
   - Phạm Thiên ở Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).
   - Nguyễn Đặc ở Khoái Châu.
   - Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang.

   Khi lực lượng đã tương đối hùng hậu, vào cuối năm Kỉ Hợi (1419) Phạm Ngọc liền thành lập một guồng máy chính quyền (thực chất đây chỉ mới là bộ chỉ huy của nghĩa quân) với sự tham gia của các bậc hào kiệt đương thời như :
   + Ngô Trung làm Nhập nội Hành Khiển.
   + Đào Thừa làm Xa Kị Đại Tướng Quân.
   + Phạm Thiện làm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tả Tướng Quân.
   + Lê Hành làm Tư Không.

   Cũng ngay vào cuối năm Kỉ Hợi (1419), Phạm Ngọc đã bất ngờ cho quân tấn công vào Kiến An và đã dễ dàng chiếm được toàn bộ vùng này. Tại đây, ông đã cho xây dựng một số chiến luỹ kiên cố, đồng thời, biến Kiến An thành một sào huyệt khá vững chắc, thanh thế của lực lượng Phạm Ngọc vì thế mà nổi lên rất nhanh.

   Thắng lợi đầu tiên rất to lớn nhưng cũng khá dễ dàng đã khiến cho Phạm Ngọc và bộ chỉ huy nghĩa quân có phần chủ quan. Tháng 6 năm Canh Tí (1420), khi tướng Tổng Binh của nhà Minh (lúc này là Lý Bân) đưa đại quân tới đàn áp, thay vì bình tĩnh tìm cách bảo toàn lực lượng và cố gắng phát hiện cho dược chỗ yếu nhất của giặc để đánh thì Phạm Ngọc đã tổ chức một trận nghênh chiến ở ngay tại Kiến An. Chỉ trong một trận tập kích chớp nhoáng, Lý Bân đã phá vỡ hoàn toàn thế trận của Phạm Ngọc, dồn tất cả lực lượng của Phạm Ngọc mới tập hợp và còn rất non nớt trong kinh nghiệm trận mạc vào tình thế hết sức bi đát. Các tướng như Phạm Thiện và Ngô Trung đều bị bắt và giải về Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay). Phạm Ngọc và một số tì tướng phải chạy ra Đông Triều nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn thì mất. Đông đảo nghĩa sĩ đã bị bắt và bị giết. Do chưa rõ năm sinh nên cũng chưa rõ là khi mất, Phạm Ngọc hưởng thọ bao nhiêu tuổi.

   Trong số những nhân vật quan trọng nhất của Phạm Ngọc may mắn thoát được vòng vây của Lý Bân có Tư Không Lê Hành. Ông chạy về Đa Cẩm và tập hợp tàn binh, hợp nhất với lực lượng của Đào Cường để đánh giặc. Nghĩa binh Lê Hành và Đào Cường có lúc đông đến 8.000 người, nhưng, tất cả cũng chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn thì bị Lý Bân đánh bại.



4. THIÊN THƯỢNG HOÀNG ĐẾ LÊ NGÃ

   Lê Ngã người làng Tràng Kênh, huyện Thuỷ Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) sinh năm nào chưa rõ. Ông xuất thân là gia nô của Trần Thiên Lại và nổi tiếng là người có tướng mạo rất đẹp, từng đi nhiều nơi, đến đâu cũng được mọi người cúng dưỡng. Khi quân Minh tràn sang xâm lược và đô hộ nước ta, Trần Thiên Lại là một trong những tên quý tộc đầu hàng giặc sớm nhất. Nhân lúc loạn li, Lê Ngã bỏ chủ, đổi họ tên là Dương Cung rồi bỏ đi.

   Tháng 11 năm Kỉ Hợi (1419), Lê Ngã đã đến đất Đan Ba (nay thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Cũng như tất cả những người sục sôi ý chí cứu nước, Lê Ngã đã quyết chí tập hợp lực lượng để chiến đấu một mất một còn với quân Minh. Bấy giờ, các phong trào đấu tranh tuy đều bị đàn áp rất tàn khốc, nhưng bất chấp tất cả, Lê Ngã vẫn dũng cảm khởi xướng và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa riêng. Tại đất Đan Ba, Lê Ngã được Phụ Đạo của xứ Lạng Sơn là Bế Thuấn gả con gái cho, lại còn tôn làm minh chủ. Để có thêm thuận lợi cho việc huy động và tập hợp lực lượng, Lê Ngã đã nhận mình là huyền tôn (tức là cháu 4 đời) của Hoàng Đế Trần Duệ Tông vừa mới từ nước Lão Qua trở về. Ông tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên và hơn thế nữa, Lê Ngã còn tổ chức đúc tiền riêng cho guồng máy chính quyền của mình. Chẳng mấy chốc, quân số của Lê Ngã đã đông tới vài vạn người. Đan Ba đã nhanh chóng trở thành một khu căn cứ kiên cố.

   Từ Đan Ba, Lê Ngã đã liên tục tiến hành những cuộc tấn công ồ ạt vào quân Minh, trong đó, nổi bật hơn cả, gây được tiếng vang lớn hơn cả là ba trận cùng diễn ra vào giữa năm Canh Tí (1420) :
   - Đánh vào Bình Than tịch thu hàng loạt khí giới và quân lương của giặc.
   - Đánh vào An Bang và chiếm được trại Hồng Doanh.
   - Thiêu trụi thành Xương Giang.

   Khi nghĩa quân Lê Ngã đang ráo riết hoạt động trên một phạm vi ngày càng rộng lớn và gây cho giặc những tổn thất rất nặng nề thì Trần Thiên Lại xuất hiện. Hắn xin vào yết kiến và phát hiện ta rằng Lê Ngã chính là gia nô cũ của mình. Vừa mới từ đại bản doanh của Lê Ngã đi ra, Trần Thiên Lại đã tuyên bố rằng : hắn vốn là gia nô của ta, việc gì ta phải lạy nó. Đó thực sự là câu nói kết tinh sâu sắc nhất bản chất phẫn bội đê hèn của Trần Thiên Lại. Lê Ngã biết được thì lập tức cho người đuổi theo để bắt lại nhưng không kịp nữa.

   Bởi bản chất phản bội đê hèn này, thay vì tìm cách ủng hộ Lê Ngã và thiết thực góp phần vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, "Trần Thiên Lại đã truyền hịch đi khắp các phủ huyện, tự xưng là Hưng Vận Quốc Thượng Hầu, kêu gọi dấy quân để đi đánh Lê Ngã, nhưng việc chưa thành, hắn đã bị Lê Ngã giết chết."

   Tên phản bội Trần Thiên Lại tuy đã bị trừng trị rất đích đáng nhưng lực lượng nghĩa quân cũng bị tổn thất rất nặng nề. Tướng nắm quyền Tổng Binh của giặc lúc bấy giờ là Lý Bân nói : "Thiên Lại và Lê Ngã chỉ như hai con thú thôi". Hắn lập tức cho quân sĩ tới đàn áp. Sau nhiều trận ác chiến kịch liệt, Lê Ngã thua, bèn cùng với Bế Thuấn (nhạc phụ, cũng là chỗ dựa rất tin cậy và là người sát cánh chiến đấu đắc lực nhất của mình), nhân đêm tối bỏ trốn đi. Số phận của Lê Ngã (cũng như của Bế Thuấn) về sau ra sao chưa rõ.

hoi_ls:
VÀI LỜI CUỐI SÁCH

      Bạn đọc yêu quý !
   Sau khi hoàn tất những dòng cuối cùng của bản thảo, tác giả thấy tập 4 của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM sao mà khô khan quá gần như chỉ gồm toàn những trang chữ dày đặc. Bao nhiêu hình tư liệu chụp được thì đã cho in trong mấy chục cuốn sách xuất bản trước rồi, không thể và cũng không nên cho in lại nữa. Đang lúc lúng túng chưa biết phải xoay xở như thế nào thì may mắn thay, một số bạn đồng nghiệp đã hào hiệp ra tay giúp đỡ. Tiến sĩ Phạm Hữu Công và Nghiên cứu sinh Sử học Phí Ngọc Tuyến (hiện đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh) đã cấp tốc liên hệ với một số nhà Bảo tàng của các tỉnh. Và chỉ mấy ngày sau, Nghiên cứu sinh Sử học Phí Ngọc Tuyến đã hồ hởi đem đến tặng tôi ít số tấm ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và Bảo tàng tỉnh Nghệ An gửi vào. Tôi thật sự cảm kích và trân trọng sử dụng những tấm ảnh đó với lời chú thích nguồn gốc cụ thể và rõ ràng.

   Một trong số những đồng nghiệp mà tôi đặc biệt quý mến là Thạc sĩ Võ Văn Tường, do quá bộn rộn công việc, hầu như chúng tôi không hề có dịp để đàm đạo với nhau, nhưng hễ tôi cần bất cứ tấm ảnh tư liệu nào thì chỉ cần gọi điện thoại tới là anh gửi tặng tôi ngay. Bạn đọc gần xa hẳn đã rõ, anh là Thạc sĩ về Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng cũng đồng thời là một nhà nhiếp ảnh rất chịu khó và cũng rất có tài, là tác giả của cuốn VIỆT NAM DANH LAM CỔ TỰ rất nổi tiếng và một số công trình nghiên cứu khác về chùa chiền Việt Nam. Cũng như những lần trước, anh lại tiếp tục gửi tặng tôi một số tấm ảnh mà tôi muốn có, không kèm theo bất cứ một điều kiện nhỏ nào. Tự đáy lòng mình, tôi chân thành cảm ơn anh.

   Nhân nói về ảnh tư liệu, tác giả xin một lần nữa cảm ơn bà Hoàng Phương Châm ở Bảo tàng Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) và Thượng Toạ Thích Thiện Bảo ở tuần báo Giác Ngộ những người đã gửi tặng cho tác giả hàng chục tấm ảnh quý về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Ấn Độ. Tác giả đã trân trọng sử dụng và chú thích đầy đủ xuất xứ trong các bộ sách đã xuất bản trước đây.

   Sách mang tên tôi nhưng tên tôi lại gắn bó rất chặt chẽ với những tình cảm nồng hậu của các bạn đồng nghiệp đang sống và làm việc ở khắp mọi miền của đất nước. Những người bạn có cái tâm luôn luôn ngời sáng và vô tư.

NGUYỄN KHẮC THUẦN


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

   I. TÀI LIỆU CHỮ HÁN CỦA TRUNG QUỐC

   01. Âu Dương Tu - Tống Kỳ : TẤN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   02. Âu Dương Tu - Tống Kỳ : TÂN ĐƯỜNG THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   03. Ban CỐ : TIỀN HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   04. Cát Hồng : BÃO PHÁC TỬ NỘI NGOẠI THIÊN. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   05. Cốc Ứng Thái : MINH SỬ KỈ SỰ BẢN MẠT. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   06. Hoài Nam Vương Lưu An : HOÀI NAM TỬ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   07. Lịch Đạo Nguyên : THUỶ KINH CHÚ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn
Thư Quán.
   08. Ngụy Trưng : TUỲ THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán
   09. Phạm Việp : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   10. Phòng Kiều : TẤN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán
   11. Trần Thọ : TAM QUỐC CHÍ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
   12. Tư Mã Thiên : SỬ KÍ TƯ MÃ THIÊN. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn
Thư Quán.
   13. Nhạc sử : THÁI BÌNH HOÀN VŨ KÍ. Kim Lăng ấn bản.
   14. Thung Đình Ngọc : MINH SỬ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán

      II. TÀI LIỆU CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

   01. Khuyết danh : ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC.
   02. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê : ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ.
   03. Quốc Sử quán triều Nguyễn : KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC.
   04. Quốc Sử Quán triều Nguyễn : ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ.
   05. Ngô Thì Sĩ : VIỆT SỬ TIÊU ÁN.
   06. Phan Huy Chú : LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ.
   07. Vương Duy Trinh : THANH HOÁ QUAN PHONG.


      III. TÀI LIỆU CHỮ VIỆT CHỌN LỌC

   01. Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn : LỊCH SỬ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM (tập 1) Nxb. Giáo dục. Hà Nội. 1960.
   02. Phan Huy Lê : LỊCH SỬ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM (tập 2) Nxb. Giáo dục Hà Nội. 1960.
   03. Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lương Ninh : LỊCH SỬ VIỆT NAM (tập 1). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội 1983.
   04. Nguyễn Khắc Thuần : CÁC ĐỜI ĐỀ VƯƠNG TRUNG QUỐC. Nxb Giáo dục. 2002.
   05. Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM. Nxb. Giáo dục, tập 2 - 2000 và tập 3 - 1998.
   06. Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ CỔ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Nxb. Văn hoá - Thông Tin 2002.
   07. Nguyễn Khắc Thuần : TRÔNG LẠI NGÀN XƯA (tập 2) Nxb Giáo dục. 1998.

      IV. THẦN TÍCH, TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VÀ CÁC HỔ SƠ KHẢO SÁT THỰC ĐỊA
(vì số lượng quá nhiều nên chúng tôi xin phép miễn phần liệt kê danh mục cụ thể).





Hết

Navigation

[0] Message Index

[*] Previous page