Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:10:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng Việt Nam - Tập 4  (Đọc 70391 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 10:38:58 am »

Phụ lục 1
DANH SÁCH CÁC BẬC NỮ TƯỚNG CỦA HAI BÀ TRƯNG


Tiểu dẫn : Dưới đây là danh sách hơn bảy chục nữ tướng mà theo lời kể của truyền thuyết dân gian và ghi chép của một số thần tích thì đều là những người đã từng sát cánh chiến đấu dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng. Để có danh sách mang ý nghĩa tổng hợp bước đầu này, ngoài kết quả nghiên cứu riêng của mình, chúng tôi cũng đã trân trọng đối chiếu với kết quả khảo sát của rất nhiều cá nhân, cơ quan và đơn vị khác. Như đã trình bày ở trên, họ tên và tước hiệu của một số nữ tướng chỉ có giá trị để tham khảo thêm chứ không phải mọi thông tin đều đã thực sự chuẩn xác. Tên của tất cả các vị nữ tướng trong danh sách do chúng tôi tổng hợp được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Việt hiện đại.


01. Ả Huyền
02. Ả Chàng (Lê Ngọc Trinh)
03. Ả Lan
04. A Lã Nàng Dê
05. Ả Lự Đề Nương
06. Ả Long Nương
07. Ả Nang
08. Ả Nương
09. Bà Bỉ
10. Bà Bạo
11. Bà Dưỡng
12. Bà Liệt
13. Bát Nàn Công Chúa
14. Bình Phu Nhân Nguyễn Thị
15. Cao Liên Nương
16. Cung Cai Đại Vương Hoàng Hậu
17. Diệu Tiên Phu Nhân
18. Đại Liệu
19. Đạm Nương
20. Đàm Ngọc Nga
21. Đào Phương Dung Công Chúa
22. Đinh Bạch Nương
23. Đinh Tiết Nương
24. Đỗ Thị Dung
25. Đức Bà Y
26. Hồ Hác
27. Hồ Đề ( Đào Nương Công Chúa )
28. Hồng Nương
29. Hồng Thiên Bảo
30. Hoàng Ả Các
31. Hoàng Phu Nhân Đào Thị
32. Hoàng Tư Cực Nương Công Chúa
33. Lê Chân Công Chúa
34. Lê Thị Hoa
35. Loan Hoàng
36. Nàng A
37. Nàng Nội
38. Nàng Nước
39. Nàng Quế
40. Nàng Quỳnh
41. Nàng Tía
42. Ngọc Loan Công Chúa
43. Ngọc Quang Công Chúa
44. Ngọc Trân Đào Hoa
45. Nguyễn Đào Nương
46. Nguyên Nga Phương Dung Công Chúa
47. Nguyệt Hoa Công Chúa
48. Nguyệt Đê
49. Nguyệt Nga Công Chúa (Trần Thị Nga)
50. Nguyệt Thai
51. Nha Tam Nương Công Chúa
52. Phật Nguyệt Công Chúa
53. Phạm Nguyệt Nga Công Chúa
54. Phương Anh Phu Nhân
55. Phùng Ả Tú
56. Quách A
57. Quốc Nương
58. Quý Loan
59. Sa Lăng
60. Tạ Thị Tần
61. Tạ Vĩnh Gia
62. Thanh Nương
63. Thánh Thiên Công Chúa
64. Thiều Hoa Công Chúa
65. Thương Cát
66. Thu Liên
67. Thục Tôn Công Chúa
68. Tứ Hồng Nương.
69. Trần Nang
70. Trần Thị Nguyệt
71. Trương Phương Dung Công Chúa
72. Vĩnh Hoa
73. Vĩnh Huy Công Chúa
74. Xà Nương Công Chúa
75. Xuân Nương
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 01:47:10 pm »

Phụ lục 2
TIỂU TRUYỆN VỀ MỘT SỐ TƯỚNG LĨNH XUẤT SẮC CỦA HAI BÀ TRƯNG

Tiểu dẫn : Ai đó đã nói rất đúng rằng, người tài nhất chính là người có khả năng khơi dậy và sử dụng được tất cả tài năng của những người khác. Nếu lấy câu này làm tiêu chí để xét thì quả thật trong những năm đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng chính là những người tài giỏi nhất. Hai Bà Trưng và các vị tướng lĩnh từng sát cánh chiến đấu đầy hiệu quả bên cạnh Hai Bà. Họ đã được các bậc đồng nghiệp trân trọng giới thiệu trong những công trình khác nhau. Chúng tôi đánh giá rất cao giá trị của những công trình đó. Tuy nhiên, tác giả của DANH TƯỚNG VIỆT NAM (Tập 4) cũng rất muốn đứa con tinh thần của mình có một diện mạo riêng, do vậy, đã mạnh dạn thử nghiệm viết phần Phụ lục 1 này theo cách riêng của mình. Sau nhiều năm cần mẫn tiến hành khảo sát thực tế, chúng tôi đã thu tập được một lượng truyền thuyết và thần tích không nhỏ. Và, dưới đây là phần phản ánh những kết quả khảo sát riêng đó. Như trên đã nói, phần này chỉ phản ánh "một cách làm riêng " và ở chừng mực nào đó là có ý nghĩa bổ sung chứ không hề trái ngược hay phản bác thành quả của những người đi trước. Cuối cùng, danh sách Các tướng lĩnh xuất sắc của Hai Bà Trưng được trôn trọng giới thiệu dưới đây được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Việt hiện đại.

1. Ả Chàng (hay Ngọc Trinh Công Chúa)

Ngọc Trinh cũng tức là Lê Ngọc Trinh hay Ả Chàng. Hai tên gọi đầu có lẽ là do người đời sau kính cẩn đặt cho, chứ tên gọi phổ biến nhất vẫn là Ả Chàng. Theo thần tích ở đền Lũng Ngoại (cũng tức là đền Lũng Ngòi, nay thuộc xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thì Ả Chàng là em ruột của Ả Chạ (còn có tên khác là Ngọc Thanh). Hai chị em cùng nổi tiếng xinh đẹp và khoẻ mạnh.

Cha mẹ chẳng may nối nhau qua đời sớm, Ả Chạ vì có nhan sắc hơn người nên bị quan đô hộ ở địa phương bắt về làm thiếp và sau đó chưa được bao lâu thì mất, Ả Chàng tức giận, tập hợp lực lượng để chống quan lại nhà Hậu Hán. Binh sĩ Tô Định hễ đi qua khu vực Lũng Ngoại thì thế nào cũng sẽ bị Ả Chàng bất ngờ tấn công. Giặc phải bao phen thất trận, lòng rất oán ức nhưng chưa biết đối phó bằng cách nào.

Khi được tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa ở Hát Môn, Ả Chàng liền đem quân theo về. Nhờ lập được nhiều công lao nên sau khi dẹp yên Tô Định, Ả Chàng được Trưng Nữ Vương phong làm Công Chúa, chức Đại Tướng. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Ả Chàng đã chỉ huy cuộc chiến đấu rất dũng cảm tại Gò May (nay cũng thuộc xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tương truyền, có lần đang hăng hái xông trận thì thanh gươm bị rơi, Ả Chàng liễn cởi ngay dải thắt lưng, cột đá vào một đầu để làm vũ khí, vung lên đánh cho cả đám giặc đông phải hoảng sợ mà bỏ chạy tán loạn. Nhưng rồi sức tàn lực kiệt, Ả Chàng đành phải nhảy xuống đầm sen lớn ở Gò May mà tuẫn tiết. Năm đó Ả Chàng 20 tuổi. Nhân dân địa phương đã cùng nhau tôn tập đền thờ Ả Chàng tại Lũng Ngoại như đã nói ở trên.


2. Ả Nang Công Chúa và chồng là Hùng Bảo Hộ Quốc Công

Ả Nang cũng tức là Trần Nang. Đầu Công nguyên, do quan đô hộ của nhà Hậu Hán là Tô Định quá tham lam và tàn ác nên ai ai cũng đều oán hận. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ, trong đó, lớn mạnh nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Theo thần tích ở đền Tuyền Liệt (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) thì lúc bấy giờ, Ả Nang đã cùng chồng là Hùng Bảo tập hợp được trên hai trăm người và chia làm hai đội quân, tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, Trưng Nữ Vương phong cho Hùng Bảo làm Hộ Quốc Công còn Ả Nang được phong làm Công Chúa. Hai người cùng nhau về lại đất Tuyền Liệt và tổ chức khai hoang mở mang điền sản. Lúc Mã Viện đem quân sang đàn áp, cả hai vợ chồng Hùng Bảo và Ả Nang đã nhận lệnh Trưng Nữ Vương, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng sau khi Trưng Nữ Vương thua trận ở Lãng Bạc, Hùng Bảo và Ả Nang cũng phải chịu thất bại. Hai vợ chồng đã anh dũng hi sinh ở khu vực cách Tuyền Liệt không xa lắm. 


3. Bát Nàn Công Chúa

Theo truyền thuyết dân gian vùng Phú Thọ thì Bát Nàn còn có tên khác là Thục Nương 1, người trang Phượng Lâu (nay là xã Phượng Lâu, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Theo thần tích xã Phượng Lâu thì Bát Nàn là người nổi tiếng nết na và xinh đẹp. Lớn lên, Bà được gia đình hứa gả cho một chàng trai người cùng trang Phượng Lâu.

Thái Thú Tô Định nghe tiếng Bà, bèn sai người tới hỏi Bà  làm thiếp. Bị từ chối, Tô Đinh liền bí mật giết chết cha Bà và sai quân đến tận trang Phượng Lâu để bắt Bà về cho mình. Vì quá uất ức, Bát Nàn đã chém chết khá nhiều quân sĩ của Tô Định rồi chạy về trang Tiên La (nay cũng thuộc huyện Phong Châu). Ở đấy, nhờ được sự ủng hộ của nhân dân nên Bát Nàn đã tổ chức lực lượng vùng dậy chống ách đô hộ của nhà Hậu Hán.

Năm 40, khi vừa phát động khởi nghĩa, nghe tin Bát Nàn cũng là người cùng chí hướng với mình lại đang có sẵn lực lượng trong tay. Hai Bà Trưng liền cho người tới mời hợp sức. Bát Nàn đã đồng ý và kể từ đó, Bà đã từng trải bao phen trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột, đánh cho quân đô hộ Hậu Hán thất điên bát đảo. Nhờ có công lớn, Bà được Trưng Nữ Vương phong Công Chúa, chức Đại Tướng và được trao quyền chỉ huy quân tiên phong đóng tại trang Tiên La. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Bát Nàn đã chiến đấu rất anh dũng. gây cho địch những tổn thất rất lớn, nhưng rồi vì thua kém cả về thế lẫn lực. Bát Nàn đã buộc phải thua trận và tuẫn tiết ngay tại trang Tiên la.


4. Đào Nương Công Chúa

Đào Nương Công Chúa cũng tức là Đề Nương Công Chúa hay Hồ Đề, người trang Đông Cao (nay thuộc xã Đông Cao, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), sau di cư đến động Lão Mai (nay cũng thuộc huyện Mê Linh). Theo thần tích ở trang Đông Cao thì Đào Nương là người nổi tiếng xinh đẹp và võ nghệ cao cường, chưa đầy hai mươi tuổi đã có thể thuần phục được lũ ngựa bất kham và bắt sống được cả voi trắng chéo ngà rất hung dữ ở động Lão Mai.

Nhân lòng oán giận của nhân dân đối với chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán, lại thù Tô Định đã giết hại cha mình, Đào Nương đã rời trang Đông Cao đến cư ngụ ở động Lão Mai. Tại đây, được nhân dân động Lão Mai và các vùng lân cận hết lòng ủng hộ, Đào Nương đã tập hợp lực lượng để cùng nhau đánh đuổi quân đô hộ. Nghĩa quân Đào Nương từng đánh cho Tô Định nhiều trận hiểm hóc, khiến cho Tô Định rất căm tức.
Đến năm 40, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng. Đào Nương đã đem quân theo về. Nhờ giàu tài năng và lòng dũng cảm hiếm thấy, Đào Nương được Trưng Nữ Vương phong làm Đào Nương Công Chúa và trao chức Phó Nguyên Soái. Sau khi Trưng Nữ Vương qua đời, Đào Nương Công Chúa vẫn còn tiếp tục cầm quân chiến đấu thêm một thời gian nữa. Một hôm. Đào Nương Công Chúa bí mật về thăm mộ Trưng Nữ Vương, chẳng ngờ bị Mã Viện phát hiện và truy đuổi ráo riết. Đào nương Công Chúa phóng ngựa chạy mãi đến sồng Nguyệt Đức (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) rồi tuẫn tiết ở đó.

5. Lê Chân Công Chúa

Theo ghi chép của thần tích đền Nghè ở An Biên (nay thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) thì Lê Chân vốn quê ở vùng nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cha mẹ bị Tô Định hãm hại nên Lê Chân đã phái uất hận bỏ xứ mà đến đất An Biên. Chính Lê Chân là người đã đứng ra tổ chức khai hoang và lập ra làng này vào năm Bà mới 19 tuổi.

Cũng tại An Biên, Lê Chân đã lập ra đội dân binh gồm đủ cả nam lẫn nữ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho dân làng, đội dân binh An Biên còn chủ động tổ chức những trận tấn công rất bất ngờ vào lực lượng quân đô hộ. Tô Định rất tức tối nhưng cũng tỏ ra rất lúng túng trong kế sách đối phó. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lê Chân đã đem toàn bộ quân sĩ của mình theo về. Năm ấy Bà mới 22 tuổi. Quân giặc rất sợ tài thao lược của Bà, chúng gọi Bà là Đông Hải Kình Ngư (con cá kình của biển Đông). Lê Chân là một trong những nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, được Trưng Nữ Vương phong làm Lê Chân Công Chúa. Và, cũng như hầu hết các tướng lĩnh khác của Hai Bà Trưng, Lê Chân Công Chúa đã anh dũng hi sinh trong khi đang chiến đấu chống cuộc đàn áp tàn khốc của Mã Viện.





-----------------------------------------------------------------
(1) Truyền thuyết nói Bát Nàn có họ và tên đầy đủ là Vũ Thị Thục nhưng điều này chắc  là do người đời sau tự ý thêm vào chứ ở đầu Công nguyên, người Việt chưa có họ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:01:28 pm »

6. Lê Thị Hoa

Một lần nữa, họ và tên đầy đủ của vị nữ tướng này có lẽ là do hậu thế (những người soạn thảo thần tích) đã tự ý thêm vào. Theo ghi chép của thần tích đền Thượng Linh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thì Lê Thị Hoa sinh trưởng tại đây. Năm 19 tuổi, Bà kết hôn với một chàng thanh niên cùng quê, nổi tiếng có tài, tên là Mai Tiến. Sau 11 năm chung sống với Mai Tiến, Bà đã sinh hạ được tất cả bốn người con trai, dẫu vậy, nhan sắc của Bà vẫn rất mặn mòi. Tô Định biết được liền gọi chồng Bà ra tận Gia Lâm trao cho chức quan để dễ bề chiếm đoạt Bà. Không thể từ chối được, Mai Tiến buộc phải đi nhận chức nhưng ra đến nơi thì bị Tô Định lập mưu đẩy vào chỗ phải phạm tội rồi bị giết. Lê Thị Hoa liền dẫn cả 4 người con vào trú ngụ ở khu vực nay là thôn Ngũ Kiện, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, anh Thanh Hóa. Tại đây, Bà đã ra sức tổ chức khẩn hoang lập làng và không ngừng chiêu mộ lực lượng để chờ cơ hội trả thù cho chồng.

Khi Bà đang tổ chức khẩn hoang tại khu vực nay thuộc Nga Sơn thì ở Hát Môn, Hai Bà Trưng cũng chính thức phát động khởi nghĩa. Cơ hội trả thù cho chồng đã đến, Bà liễn đem toàn bộ lực lượng của mình gồm trên 2.000 người ra Bắc hăng hái tham gia. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, Bà từ chối mọi hình thức khen thưởng của Trưng Nữ Vương, chỉ xin trở lại với vùng Nga Sơn để tiếp tục tổ chức khẩn hoang. Năm 43, Mã Viện đem đại binh sang đàn áp. Một lần nữa, Bà lại đem lực lượng của mình ra chống trả rất quyết liệt. Nhưng, bức thành nhỏ chẳng thể nào ngăn nổi cơn bão lớn, nghĩa binh của Bà đã phải chịu thất bại và Bà đã anh dũng hi sinh tại Nga Sơn - quê hương thứ hai của mình. Hiện nay, ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn còn có đền thờ Bà với đôi câu đối phản ánh rất rõ lí tưởng của Bà :

Thệ báo Tô cừu, thanh Bắc khấu.
Nghĩa phù Trưng chủ, phục Nam bang.

Nghĩa là :

Thề trả mối thù với Tô Định, trừ khử giặc Bắc, 
Giữ nghĩa phò Trưng Vương, khôi phục nước Nam..

7. Nái Sơn (hay An Bình Công Chúa)

Theo thần tích đền Liễn Sơn (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) thì Nái Sơn còn có tên khác là nàng Quý Loan. Nàng vốn quê ở khu vực nay thuộc huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương), sau mới di cư đến trang Tinh Luyện (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Nái Sơn nổi tiếng xinh đẹp, nết na, hiểu biết nhiều và rất khoẻ mạnh, lại giỏi võ nghệ.

Nghe tin Hai Bà Trưng đang chiêu mộ lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ nhà Hậu Hán, Nái Sơn đã hồ hởi vượt đường xa dặm dài tìm đến Mê Linh. Tại đây, Nái Sơn dược Hai Bà Trưng tiếp đãi rất ân cần và sau đó là kết nghĩa làm chị em. Hai Bà đã giao cho Nái Sơn chiêu dụ các bậc hào kiệt và tuyển mộ quân sĩ. Tương truyền Nái Sơn đã mời gọi dược bốn bậc hào kiệt và đã tuyển mộ được 500 nghĩa dũng. Trước khi khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã tin cậy trao cho Nái Sơn chức Nội Thị Tướng Quân, ngày đêm hầu cận Hai Bà. Sau khi Tô Định bị nghĩa quân ta đánh cho tan tác, chính Trưng Nữ Vương đã đứng ra tác hợp cho Nái Sơn với Đinh Tướng Quân nên vợ nên chồng, tình chị em kết nghĩa nữa Nái Sơn với Trưng Nữ Vương vì thế mà càng trở nên sâu sắc. Bấy giờ, Nái Sơn được Trưng Nữ Vương phong làm An Bình Công Chúa.

Lúc Mã Viện đem quân tới đàn áp, Nái Sơn đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Trưng Nữ Vương ở Lãng Bạc rồi ở Cấm Khê và tương truyền, Nái Sơn là người đã chôn cất Trưng Nữ Vương trước khi đến lượt mình tuẫn tiết vì nước. Đến thờ Nái Sơn được dựng lên ở hầu khắp các địa phương Nái Sơn từng sống và chiến đấu.


8. Nàng A (hay Khâu Ni Công Chúa)

Trong số các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, có một nữ tướng rất đặc biệt, đó là Nàng A - vị nữ tướng vốn xuất thân là một nhà tu hành theo Phật giáo. Theo thần tích ở đền Nhật Chiêu (nay thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì Nàng A vốn là một cô gái xinh đẹp và rất chịu thương chịu khó (theo tờ thần tích này, Nàng A cũng có khi được chép là Quách A).

Bấy giờ, bọn tay sai nhà Hậu Hán định bắt Nàng A dâng nạp cho quan đô hộ để lấy thưởng, Nàng A đành bỏ làng vào núi để tu, cũng là để tạm lánh bọn ác quỷ. Từ đó, Nàng A có đạo hiệu là Ni cô Khâu Ni. Nơi Ni cô Khâu Ni tu hành nay chính là chùa Huyền Cổ. Vào thời ấy, quân đô hộ thi nhau ức hiếp dân lành, chúng tàn ác chưa từng thấy, người người đều oán giận, đến cả bậc tu hành từ bi như Khâu Ni cũng không thể nào chịu đựng nổi. Khâu Ni liền bí mật tập hợp những người giàu lòng yêu nước và quyết tâm giết giặc để sẵn sàng chờ cơ hội vùng lên.

Được tin Hai Bà Trưng cũng đang ráo riết chuẩn bị lực lượng cho một cuộc khởi nghĩa lớn, Khâu Ni lập tức đem toàn bộ lực lượng của mình về ra mắt Hai Bà. Hai Bà Trưng rất vui mừng, liền phong cho Khâu Ni làm Tả Tướng. Và, chính Tả Tướng Khâu Ni là một trong những vị tướng có công rất lớn trong trận đánh quyết định vào thành Luy Lâu (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), khiến cho tướng giặc là Tô Định bị đại bại, phải vất bỏ ấn tín, cạo râu, cạo tóc mà tháo chạy về Trung Quốc. Nhờ công lao này, Nàng được Trưng Nữ Vương phong làm Khâu Ni Công Chúa và cho được cai quản vùng đất nay tương ứng với Yên Lạc (Vĩnh Phúc).
Nhưng, sau ngày đại thắng chưa được bao lâu thì Khâu Ni Công Chúa đã lâm bệnh rồi qua đời. Để khắc ghi công trạng và ân đức của Khâu Ni Công Chúa, nhân dân ở nhiều địa phương nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đền thờ Bà.


9. Nàng Nội (hay Bạch Hạc Thuỷ Công Chúa)

Theo thần tích đền Minh Nông (còn có tên gọi khác là đền Kẻ Lú), xã Minh Phương, huyện Hạc Trì (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Nội là cháu gọi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bàng chú ruột. Vì căm giận ách thống trị tàn bạo của quân đô hộ nhà Hậu Hán, thân sinh của Nàng Nội và Thi Sách dự tính sẽ tổ chức nhân dân nổi dậy đấu tranh, nhưng vì kế hoạch bị bại lộ nên cả hai anh em đều bị Tô Định giết hại. Để tránh sự trả thù, hai mẹ con Nàng Nội buộc phải tạm lánh sang phía hữu ngạn sông Hồng. Nhưng, đến đó chưa được bao lâu thì thân mẫu của Nàng Nội cũng vì lo lắng và buồn rầu nên đã qua đời.

Khi nghe tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, Nàng Nội đã hăm hở xin theo. Nhờ dũng cảm, mưu trí và có tài tổ chức. Nàng Nội nhanh chóng được Hai Bà Trưng tin cậy, giao cho chỉ huy một lực lượng khá lớn. Binh lính dưới quyền chỉ huy của Nàng Nội đã đánh thắng giặc nhiều trận lớn ngay tại quê hương của mình, khiến chúng phải kính nể gọi Nàng Nội là "Nữ thần Bạch Hạc”. Dưới thời Trưng Nữ Vương, Nàng Nội được phong làm Nhập Nội Bạch Hạc Thuỷ Công Chúa và được Trưng Nữ Vương tin cậy giao phó nhiều trọng trách khác nhau trong triều đình. Truyền thuyết vùng Bạch Hạc kể rằng chính Nàng Nội đã có vinh dự được cùng với Trưng Nhị chỉ huy việc xây dựng khá nhiều thành luỹ tại khu vực Bạch Hạc.

Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Nàng Nội là tướng chỉ huy quân đội của Trưng Nữ Vương ở khu vực Bạch Hạc. Bà đã chiến đấu rất ngoan cường và gây cho giặc rất nhiều tổn thất nặng nề nhưng cuối cùng cũng đành phải chịu thất bại. Bà đã anh dũng hi sinh tại Bạch Hạc lúc tuổi đời mới vừa đôi mươi. Để mãi mãi tôn vinh và ghi nhớ công đức to lớn của Bà, nhân dân địa phương đã cùng nhau lập đền thờ Bà tại Minh Nông.


10. Nàng Nước (hay Trung Dũng Đại Tướng Quân)

Theo thần tích đền Hoàng Xá (nay thuộc xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì Nàng Nước là con của một Ni cô, thế danh là Đào Nương. Đào Nương vốn quê ở làng Kiệt Đặc (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Vì Đào Nương chẳng may mất ngay khi Nàng Nước vừa mới chào đời, cho nên, Nàng Nước được một người phụ nữ tốt bụng ở làng Hoàng Xá đem về nuôi dưỡng. Bà chính là người phụ nữ đã tìm thày truyền dạy cho Nàng Nước tinh thần thượng võ và ý chí đánh đuổi quân xâm lăng, giành lại độc lập cho đất ước Khi Nàng Nước vừa đến tuổi trưởng thành thì mẹ nuôi cũng qua đời. Bấy giờ, đất nước điêu linh, dân tình khốn khổ, quân đô hộ nhà Hậu Hán thì tác oai tác quái khắp nơi.

Nhân lòng người oán hận sục sôi, Nàng Nước đã kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đánh đuổi quân thù. Khi Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, Nàng Nước liền đem toàn bộ lực lượng của mình về hợp sức với Hai Bà để cùng chống kẻ thù chung. Nhờ can đảm và mưu lược, Nàng Nước đã liên tiếp lập được nhiễu công lao, do đó, được chính quyền Trưng Nữ Vương phong làm Trung Dũng Đại Tướng Quân.

Khi Mã Viện đem đại binh tới đàn áp, Nàng Nước đã sát cánh chiến dấu liên tục bên cạnh Hai Bà Trưng, từng có mặt trong trận ác chiến ở Lãng Bạc rồi sau đó lại có mặt trong trận ác chiến thứ hai ở Cấm Khê. Cuối cùng, vì quân tan thế yếu. Nàng Nước đã tuẫn tiết cùng với Hai Bà Trưng tại Cấm Khê.

11. Nàng Quỳnh (hay Quỳnh Nương Công Chúa) và Nàng Quế (hay Quế Nương Công Chúa)

Theo thần tích Miếu Cây QuânMiếu Cây Sấu (nay thuộc huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) thì Nàng Quỳnh và Nàng Quế là hai chị em sinh đôi, cả hai đều rất khoẻ mạnh và xinh đẹp. Lúc mới hơn mười tuổi, hai chị em đã rất giỏi cung kiếm.

Bấy giờ, nhân dân khắp cõi đều rất thống khổ bởi ách thống trị tham lam và tàn bạo của nhà Hậu Hán, ai ai cũng chỉ chờ có cơ hội thuận tiện để cùng nhau vùng dậy đánh đuổi quân thù. Lúc bấy giờ, ngay trên quê nhà của Nàng Quỳnh và Nàng Quế cũng có một cuộc khởi nghĩa nhỏ do một người con gái tên là Nàng Xuân phát động và lãnh đạo. Cả hai nàng đã cùng hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa này.

Khi Hai Bà Trưng kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đổ chính quyền Tô Định, Nàng Xuân đã cùng với Nàng Quỳnh và Nàng Quế hồ hởi dẫn quân theo về. Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã chiến đấu rất gan dạ, lập được nhiều công lao, được Trưng Nữ Vương phong làm Công Chúa, Tiên Phong Phó Tướng (Chánh Tướng lúc ấy là Công Chúa Thiều Hoa).

Lúc triều đình nhà Hậu Hán sai Phục Ba Tướng Quân Mã Viện đem đại binh sang đàn áp, cùng với Công Chúa Thiều Hoa, Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã được Trưng Nữ Vương giao trách nhiệm chỉ huy một lực lượng quân sĩ đánh giặc ở khu vực Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Tại đây, cánh quân của Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã chiến dấu rất ngoan cường và đã liên tiếp gây cho Mã Viện những tổn thất rất to lớn. Theo lời kể của truyền thuyết dân gian thì sau đó, Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã anh dũng hi sinh nhưng chưa rõ là ở vị trí cụ thể nào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:17:23 pm »

12. Nàng Trăng (hay Nguyệt Điện Công Chúa)

Theo ghi chép của thần tích đền Tây Cốc (nay thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Trăng là một cô gái đẹp người và đẹp nết, khoẻ mạnh và linh lợi, võ nghệ cao cường và lắm cơ mưu, thiên hạ khó ai bì kịp. Với người nghèo khổ và bị ức hiếp, Nàng Trăng luôn sẵn lòng che chở, với kẻ bất nhân và bạc ác, Nàng Trăng quyết không dung tha. Tuổi tuy còn rất trẻ nhưng Nàng Trăng đã thực sự là chỗ dựa tin cậy của dân cả một vùng rộng lớn. (Trong tờ thần tích nói trên, cũng có chỗ chép Nàng Trăng là Đàm Ngọc Nga. Nhưng họ và tên đầy đủ này ắt hẳn là do hậu thế vì yêu kính mà tự ý đặt cho).

Bấy giờ, quan đô hộ của nhà Hậu Hán là Tô Định khét tiếng tham lam và tàn bạo, dân khắp cõi phải chịu cảnh lầm than, Nàng Trăng ngày đêm lo nghĩ cách cứu giúp dân lành. Nàng tự mình chiêu tập được trên hai trăm tráng sĩ, hễ nơi đâu có tiếng kêu oan là lập tức nàng có mặt để trừng trị kẻ ác.

Được tin Hai Bà Trưng dựng cờ xướng nghĩa ở Hát Môn. Nàng Trăng liền đem tất cả tráng sĩ của mình về với Hai Bà. Nàng được Hai Bà tin cậy, phong làm Tiền Đạo Tả Tướng Quân, lại ban cho hiệu là Nguyệt Điện. Nàng Trăng và đội quân do Nàng chỉ huy đã chiến đấu rất dũng cảm. góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc khởi nghĩa. Nhưng rất tiếc là sau ngày đại thắng, Nàng Trăng đã lâm bệnh và qua đời. Để bày tỏ lòng đặc biệt kính trọng và thương tiếc không nguôi, nhân dân các địa phương nay thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã xây dựng khá nhiều đền thờ Nàng Trăng.


13. Nàng Xuân (hay Đông Cung Công Chúa)

Theo thần tích đền Kẻ Xoan (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Xuân vốn là con gái của Châu Mục châu Đại Man. Đất quê hương Bà nay là huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Bà là người có khi chất mạnh mẽ, giỏi võ nghệ và cương trực hơn người.

Dưới ách đô hộ tàn bạo của Thái Thú Tô Định, Bà là một trong những người đầu tiên đã thành lập dân binh và kêu gọi nhân dân vùng dậy đấu tranh. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Nàng Xuân đã đem toàn bộ lực lượng của mình (trong đó có hai nữ tướng xuất sắc là Nàng Quỳnh và Nàng Quế) theo về. Nàng Xuân được Hai Bà Trưng tin cậy, giao quyền chỉ huy các lực lượng nghĩa binh đóng ở khu vực tỉnh Phú Thọ ngày nay. (Nhiều người cho rằng, do kiêng kị chữ Xuân - tên của Nàng Xuân hay Xuân Nương, mà dân Phú Thọ thường nói trại chữ xuân thành chữ xoan).

Nhờ có rất nhiều công lao, Nàng Xuân được Trưng Nữ Vương phong làm Đông Cung Công Chúa, chức Nhập Nội Trưởng Quản Quân Cơ. Trong trận ác chiến chống cuộc đàn áp tàn khốc của quân Mã Viện, Nàng Xuân đã anh dũng hi sinh tại khu vực nay thuộc tỉnh Phú Thọ.


14. Ông Cai

Theo thần tích Miếu Mèn (ở làng Nam Nguyễn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây - tức quê ngoại của Hai Bà Trưng) thì ông Cai là một người đàn ông rất mạnh khoẻ, có khí khái, giàu lòng yêu nước và rất giỏi võ nghệ. Cũng như hầu hết người đương thời, ông rất căm  giận quân đô hộ nhà Đông Hán.

Năm 40, khi nghe tin Hai Bà Trưng truyền hịch kêu gọi cả nước cầm vũ khí đứng dậy đánh đuổi Tô Định, ông Cai đã hăng hái tham gia. Chính ông đã tập hợp được 300 trai tráng, lập thành một đơn vị có đội ngũ rất chỉnh tề. Nhưng, khi tự mình tìm đến đại bản doanh của Hai Bà để liên hệ trước, thấy từ lãnh tụ đến tướng lĩnh cao cấp và đông đảo quân sĩ đều là đàn bà con gái, vì thế, ông hạ lệnh cho tất cả nghĩa dũng của mình đều phải hóa trang thành... con gái !

Đội quân của ông Cai đã chiến đấu rất dũng cảm và lập được nhiều công lao, nhưng, phải mãi đến khi toàn thắng, ông Cai mới khai rõ sự thật và đến lúc bấy giờ, Hai Bà Trưng mới biết đó là đội quân... giả gái. Mặc dầu vậy, Trưng Nữ Vương vẫn rất khen ngợi và phong cho ông Cai đến chức Đại Tướng. Sau, ông Cai đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống lực lượng đàn áp của Mã Viện.


15. Thánh Thiên Công Chúa

Thần tích đình Ngọc Lâm (nay đình này thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cho hay : Thánh Thiên Công Chúa còn có biệt danh là Nàng Chủ. Nàng Chủ có cá tính rất mạnh mẽ và cũng là người rất có uy, tuy chỉ mới mười sáu tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng dân làng ai cũng đều nể phục, đã đồng lòng tôn Nàng làm Nữ Chủ và tặng cho Nàng biệt danh là Nàng Chủ.

Bấy giờ, bọn đô hộ Hậu Hán rất tham tàn, ai ai cũng căm tức và chỉ trông chờ có cơ hội là vùng lên diệt thù. Hiểu được ý nguyện của dân, Nàng Chủ đã thành lập một đội quân khá lớn và truyền hịch khởi nghĩa. Quân đô hộ nhiều phen đến đàn áp (trong đó có lần do đích thân Tô Định chỉ huy) nhưng không thể nào tiêu diệt được nghĩa quân của Nàng, ngược lại, còn bị quân sĩ của Nàng đánh cho thất điên bát đảo. Bấy giờ, một vùng đất rộng lớn, trên đại thể là tương ứng với tỉnh Bắc Giang và một phần tỉnh Bắc Ninh ngày nay do Nàng Chủ nắm quyền chi phối.

Khi Hai Bà Trưng kêu gọi nhân dân cả nước vùng lên đánh đuổi Tô Định, Nàng Chủ đã đem lực lượng của mình theo về, thanh thế của Hai Bà Trưng vì thế mà nhanh chóng trở nên mạnh mẽ. Nàng Chủ được Trưng Nữ Vương phong làm Thánh Thiên Công Chúa và trao cho nhiều trọng trách.

Truyền thuyết kể rằng, khi Mã Viện đem đại binh nhà Hậu Hán sang đàn áp, chính Thánh Thiên Công Chúa đã chủ động đem lực lượng của mình tiến đến tận Hợp Phố để đánh chặn..Mã Viện vì thế chịu rất nhiều tổn thất. Sau, Thánh Thiên Công Chúa anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền Trưng Nữ Vương. Hiện nay, Thánh Thiên Công Chúa được thờ chính ở đình Ngọc Lâm (Yên Dũng, Bắc Giang).


16. Thiều Hoa Công Chúa

Theo thần tích đền Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ) thì Thiều Hoa là người sinh trưởng ở sách Lăng Xương, trấn Hưng Hoá, sau mới chuyển đến định cư ở xã Hiền Quan (Lăng Xương nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ). Năm mười sáu tuổi, Thiều Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải chịu cực khổ trăm bề, cơm chẳng bao giờ được no, áo chẳng bạo giờ được lành 1. Ngay từ lúc còn trẻ, Thiếu Hoa đã nổi tiếng gan dạ và rất có tài đi săn. Nhờ được một nhà sư tận tâm chỉ dạy nên chẳng bao lâu, Thiều Hoa đã rất giỏi võ nghệ, chẳng những đủ sức để có thể tự vệ mà còn có khả năng cứu giúp người khác. Dân làng ai ai cũng đều yêu quý Thiều Hoa.

Khi Hai Bà Trưng kêu gọi cả nước vùng lên. Thiều Hoa đã nhanh chóng tập hợp lực lượng và sau đó đã hăng hái đem hơn năm trăm nghĩa sĩ của mình theo về. Hai bà .Trưng liễn phong cho Thiều Hoa làm Tiên Phong Hữu Tướng và giao trách nhiệm chỉ huy trận đánh quyết định với giặc ở Luy Lâu. Thiều Hoa lập công lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, vì lẽ đó, được Trưng Nữ Vương phong làm Đông Cung Công Chúa. Sau, Thiều Hoa Công Chúa anh dũng hi sinh trong trận ác chiến chống cuộc đàn áp của Mã Viện.





-----------------------------------------------------------------
(1) Bởi lẽ này, trong đền thờ Thiều Hoa thường có một cái rổ đựng vải vụn, ý muốn nhắc nhở về thời con gái khốn khổ của Thiều Hoa.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 02:30:26 pm »

III - TRIỆU THỊ TRINH - NỮ DANH TƯỚNG KIỆT XUẤT CỦA SỰ NGHIỆP ĐÁNH ĐUỔI QUÂN NGÔ


Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi chiến tràng xông pha
Chông gai một cuộc sơn hà
Dù khi chiến tử còn là hiển linh

(Đại Nam quốc sử diễn ca)


1. NHỮNG TRANG BI THƯƠNG MỚI CỦA LỊCH SỬ

Sau thất bại của Trưng Nữ Vương, một cuộc trả thù đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp cõi, đặc biệt là ở khu vực quận Giao Chỉ. Hàng vạn người bị giết hoặc bị bỏ đi đày viễn xứ. Chính sử của Trung Quốc cũng đã công khai thừa nhận tội ác này :

- Chỉ tính riêng ở quận Cửu Chân, nơi cách khá xa trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã giết đến hơn 5.000 người.

- Hơn 300 tuỳ tướng của Hai Bà Trưng bị Mã Viện bắt đi đày sang tận Linh Lăng 1.

Việc trả thù tàn bạo còn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Không khí nghi kị và chết chóc bao trùm lên khắp mọi miền đất nước. Bấy giờ, nhà Hậu Hán quyết tâm xoá sạch dư âm quyền lực của đội ngũ quý tộc bộ lạc cũ bằng cách đưa người Trung Quốc sang nắm giữ chính quyền đến tận cấp huyện và bãi bỏ hoàn toàn những quy định cũ về việc dùng Lạc Tướng trông coi các huyện. Chế độ trực trị hà khắc của quan lại nhà Hậu Hán đã nhanh chóng được thiết lập khẳng định. Trong điều kiện khó khăn chồng chất như vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương thuộc quận Giao Chỉ cũ buộc phải tạm thời lắng xuống, nhưng, thay vào đó là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của những phong trào ở khu vực phía Nam mà đặc biệt là tại quận Nhật Nam. Theo ghi chép của chính sử Trung Quốc 2 thì chỉ tính riêng trong thế kỉ II, vùng Nhật Nam đã liên tiếp bị chấn động dữ dội bởi những cuộc vùng dậy có quy mô rất lớn sau đây :

- Năm 100 : trên 2.000 dân Tượng Lâm (cực Nam của quận Nhật Nam) đã đồng lòng khởi nghĩa. Chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán phải huy động đông đảo quân sĩ ở các quận huyện khác tới đàn áp khá lâu mới dập tắt được.

- Năm 136 : dân Tượng Lâm mà đông đảo nhất là người Chăm đã lại nhất tề nổi dậy, đánh cho bọn quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán một phen thất điên bát đảo.

- Năm 137 : Một cuộc bạo động rất lớn của nhân dân quận Nhật Nam đã nổ ra. Nhiều quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán bị giết chết, Thứ Sử Phàn Diễn phải huy động đến hơn 10.000 quân đi đàn áp liên tiếp trong hơn một năm trời. Cuộc bạo động này đã khiến cho cả triều đình Hán Thuận Đế phải hốt hoảng 3.

- Năm 144 : được sự ủng hộ của nhân dân quận Cửu Chân, nhân dân quận Nhật Nam lại nổi lên, tấn công vào tất cả trị sở của bọn đô hộ. Một lần nữa, nhà Hậu Hán phải dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt khác nhau mới đè bẹp được.

- Năm 190 : Dưới sự lãnh đạo của Khu Liên 4, dân vùng Tượng Lâm của quận Nhật Nam (mà chủ yếu là người Chăm) đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa rất lớn. Họ đã giết được Thứ Sử của nhà Hậu Hán là Chu Phù và bọn quan lại của nhà Hậu Hán ở các huyện. Năm 192, Khu Liên lên làm vua, vương quốc của người Chăm 5 được dựng lên kể từ đó.

Như trên đã nói, từ giữa thế kỉ II, tức là kể từ thời trị vì của Hán Hoàn Đế (146 -167) trở đi, chính sự của nhà Hậu Hán ngày càng rối ren. Sang thời Hán Linh Đế (168 -189), nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của nhà Hậu Hán đã thể hiện ngày một rõ. Bọn hoạn quan rồi kế đến là bọn quyền thần (mà đứng đầu là Đống Trác) mặc sức hoành hành. Tháng 10-220, Hán Hiến Đế bị giết, nhà Hậu Hán đến đó là cáo chung và Trung Quốc lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc rất nghiêm trọng, sử gọi đó là thời Tam Quốc. Đây là thời tranh hùng quyết liệt giữa ba tập đoàn lớn :

1. Ngô cũng tức là Đông Ngô (222-280) : do Tôn Quyền (tức Ngô Đại Đế) dựng lên. Nước Ngô của họ Tôn tồn tại trước sau tổng cộng 58 năm, truyền nối được 4 đời. Lãnh thổ của nước Ngô ở phía Đông Nam của Trung Quốc. Kinh đô ban đầu của nước Ngô ở Vĩnh Xương, sau chuyển về Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh của Trung Quốc).

2. Thục (221-263) : do Lưu Bị (tức Thục Chiêu Liệt Đế) dựng lên với lãnh thổ chủ yếu là vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. Kinh đô của nước Thục là Thành Đô (ở phía Bắc của Tứ Xuyên). Nước Thục của họ Lưu tồn tại trước sau tổng cộng 42 năm, truyền nối được hai đời.

3. Ngụy (220-265) : do Tào Phi (tức Ngụy Văn Đế) dựng lên. Lãnh thổ của nước Ngụy là toàn bộ khu vực rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc. Kinh đô của nước Ngụy là Lạc Dương. Nước Nguy của họ Tào tồn tại trước sau tổng cộng 45 năm, truyền nối được 5 đời.

Trong số ba nước tranh hùng của thời Tam Quốc, nhà Ngô đã thay thế nhà Hậu Hán đô hộ nước ta. Để có đủ sức người và sức của cung đốn cho cuộc hỗn chiến tàn khốc này, nhà Ngô đã tiến hành bóc lột nhân dân ta thậm tệ chưa từng thấy.Trong hơn một ngàn năm mất nước, không triều đại phong kiến Trung Quốc nào để lại dấu ấn đô hộ tàn bạo đến mức khủng khiếp như nhà Ngô Cho nên. trong tâm khảm bất diệt của tất cả các thế hệ nhân dân ta, hễ nói đến giặc phương Bắc thì hầu như bất cứ ai cũng đều căm giận mà gọi đó là giặc Ngô, dẫu khi hung hãn tràn sang xâm lược nước ta, quốc hiệu của chúng là gì.

Đối với đất Giao Châu. đánh giá chung của chính quyền nhà Ngô là "đất rộng, người đông, hình thế hiểm trở và độc hại, dân xứ ấy thường hay làm loạn, rất khó cai trị", cho nên, chính sách bao trùm của nhà Ngô là phải “dùng binh uy để ức hiếp". Bởi chính sách bao trùm này, nhà Ngô đã bắt hàng ngàn đinh tráng của nước ta, đem xích lại rồi dẫn sang đất Ngô để bắt làm lính chiến. Chính sử của Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng : "Giặc Ngô chính hình bạo ngược, các thứ phủ liễm thu không biết thế nào cho cùng".  6

   Thời bị nhà Ngô thống trị là thời bi thương của cả dân tộc ta, thời nhân dân ta bị thống trị khắc nghiệt và bị vơ vét tham tàn, thời kẻ thù thắng tay đàn áp một cách đẫm máu, thời nặng nề không khí chết chóc và điêu linh. Nhưng nhìn ở một góc độ khác hơn, thời thuộc Ngô cũng chính là thời các tầng lớp nhân dân ta anh dũng vùng lên, thời ngân vang của những khúc tráng ca đánh giặc cứu nước.

   Trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ và giành độc lập cho nước nhà, nếu đỉnh cao của thế kỉ I là khu vực Giao Chỉ và đỉnh cao của thế kỉ II là vùng Nhật Nam, thì đỉnh cao của thế kỉ III lại là quận Cửu Chân. Thực ra, ngay từ cuối thế kỉ II, nhân dân Cửu Chân cũng đã từng phối hợp chặt chẽ với nhân dân Nhật Nam trong cuộc đấu tranh chống ách thống tri của nhà Hậu Hán. Chính họ đã góp phần không nhỏ vào quá trình tạo lập nên vương quốc của người Chăm (năm 192). Tuy nhiên, chói lọi nhất thế kỉ III vẫn là cuộc khởi nghĩa ở trung tâm quận Cửu Chân do Triệu Thị Trinh phát động và lãnh đạo.





-----------------------------------------------------------------
(1) Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
(2) Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
(3) Hán Thuận Đế (125- 144) là Hoàng Đế thứ 7 của nhà Hậu Hán. Theo ghi chép của Phạm Việp (Trung Quốc) trong HẬU HÁN THƯ thì bấy giờ, Hán Thuận Đế đã phải triệu tất cả Công, Khanh cùng trăm quan về họp để bàn kế sách ứng phó. Nhiều người đề nghị phải huy động ít nhất là 40.000 quân tinh nhuệ đi đàn áp mới mong bình định được, nhưng Đại Tướng Lý Cố đã đưa ra 7 lí do không nên đem đại quân đi, bởi vì theo Lý Cố thì "Nay ở Nhật Nam quân ít, lương cạn, giữ chẳng được mà đánh cũng chẳng xong", cho nên, tốt nhất là phải dùng kể kết hợp giữa dụ dỗ, mua chuộc với li gián. “Phải chiêu mộ dân Man đi làm lính để chúng tự đánh lẫn nhau. Ta nên chở vàng lụa tới cấp cho chúng. Kẻ nào làm được kế phản gián, lấy được đầu giặc thì nên phong cho hắn tước Hầu rồi cắt đất mà thưởng cho". Rốt cuộc, Hán Thuận Đế đã nghe theo kế hoạch hiểm độc của Lý Cố.
(4) Trong các thư tịch cổ, Khu Liên có khi còn được chép là Khu Quỳ, Khu Đạt hay Khu Vương. Có lẽ cũng tương tự như Hùng Vương trong lịch sử người Việt. Khu Liên không phải là tên người mà rất có thể là phiên âm Hán Việt của từ kurung (trong một số ngôn ngữ có ở vùng Đông Nam Á, kurung có nghĩa là tộc trưởng hay người đứng đầu). Về lên gọi của vương quốc do Khu Liên lập nên, thư tịch cổ của Trung Quốc chép là Lâm Ấp. Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) trong THUỶ KINH CHÚ giải thích rằng Lâm Ấp chính là Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng đi mà gọi là Lâm Ấp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hai chữ Lâm Ấp có thể là do phiên âm của tên tộc người, đó là tộc Krom hay Prum - tộc người chủ yếu của bộ lạc Dừa.
(5) Trong cộng đồng 54 các dân lộc anh em của Việt Nam, có dân tộc Chăm với 4 nhóm chính (đó là : Chăm Bà-la-môn, Chăm Ba-ni, Chăm Islam và Chăm Hơ-roi) mà địa bàn cư trú chủ yếu hiện nay là vùng Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và An Giang.
(6) Trần Thọ (Trung Quốc) : TAM QUỐC CHÍ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 02:39:26 pm »

2. HUYỀN THOẠI VỀ TUỔI TRẺ CỦA TRIỆU THỊ TRINH

   Khác với Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh thuộc thế hệ những người đã có họ - họ Triệu. Triệu Thị Trinh (còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu) sinh trưởng tại làng Cẩm Trướng, huyện Quân Yên (cũng tức là huyện Quan Yên), quận Cửu Chân. Vào thời nhà Nguyễn, làng Cẩm Trướng thuộc xã Cẩm Trướng (còn có tên khác là xã Cẩm Cầu) huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngày nay, làng này thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Theo truyền thuyết Bà sinh ngày 2-10-226. Quê hương của Bà Triệu cũng chính là quê hương của hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục , những người đã có công khai mạch đại khoa Nho học cho Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung 1. Bà Triệu mất năm 248, khi mới 22 tuổi. Triệu Thị Trinh là em gái của Huyện Lệnh Triệu Quốc Đạt, vì cha mẹ chẳng may qua đời sớm nên Triệu Thị Trinh ở với anh trai. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa. Bà Triệu có đến ba sự nổi tiếng.

   Một là nổi tiếng xinh đẹp, một vẻ đẹp rất kiêu sa nhưng cũng rất thánh thiện. Đương thời vì ai ai cũng đều thấy Triệu Trinh Nương quá xinh đẹp, bèn nói rằng : "Đẹp như thế thì có thể làm vợ các quan để trở thanh bà này bà nọ, ấm thân một đời được chứ". Nhưng Triệu Trinh Nương chẳng những không thèm làm vợ các quan mà còn khảng khái để lại cho đời câu nói đầy khẩu khí anh hùng : "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta" 2. Tuy nhiên, trong thư tịch cổ của Trung Quốc (và một số thư tịch cổ của ta đã sao chép lại mà không cân nhắc) dung nhan Bà Triệu được mô tả có phần khác hơn. Điều này chúng tôi xin được bàn đến ở phần sau.

   Hai là, nổi tiếng can đảm và mưu trí hơn người. Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng Cẩm Trướng hồi đó có con voi trắng một  ngà và rất hung dữ, thỉnh thoảng lại về phá hoại mùa màng, ai ai cũng phải sợ. Để trừ mối hại cho dân, Bà Triệu đã rủ chúng bạn đi vây bắt con voi trắng một ngà ấy. Bà lùa voi xuống vùng đầm lầy rồi dũng cảm nhảy lên đầu voi, sau đó kiên nhẫn tìm cách khuất phục. Con voi trắng một ngà khét tiếng hung dữ rốt cuộc cũng đã phải ngoan ngoãn vâng theo lời Bà và về sau đã trở thành người bạn chiến đấu rất thân cận và trung thành của Bà.

   Ba là nổi tiếng thẳng thắn và không bao giờ dung tha kẻ xấu. Truyền thuyết dân gian về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá kể rằng, chị dâu của Bà Triệu (vợ Triệu Quốc Đạt) là một người phụ nữ rất lăng loàn 3, bởi vậy, Bà Triệu mới tức giận, giết chết chị dâu rồi ra ở riêng tại rừng Bồ Điền, khu rừng này về sau đổi là rừng Phú Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) 4. Đây cũng chính là nơi Bà Triệu đã tụ họp nghĩa quân và phát động cuộc chiến đấu một mất một còn với chính quyền đô hộ nhà Ngô.

   Khi Bà Triệu bước vào tuổi thanh xuân thì cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Ngụy) cũng đang hồi quyết liệt nhất. Để giữ  vững tương quan về thế và lực với hai nước còn lại, đặc biệt là để có  thể tạo ra cơ may làm thay đổi cục diện theo hướng ngày càng có lợi cho mình, nhà Ngô đã tìm đủ mọi cách để vơ vét sức người và sức của trên mọi vùng đất mà chúng đang nắm quyền cai trị. Mâu thuẫn xã hội giữa một bên là toàn thể nhân dân Âu Lạc bị mất nước và bị thống trị tàn bạo với một bên là chính quyền đô hộ của nhà Ngô ngày càng trở nên gay gắt. Nhân lòng căm phẫn của nhân dân và cũng nhân cơ hội trung tâm của phong trào đấu tranh chống nhà Hán đang chuyển dịch dần ra Cửu Chân, từ đất quê hương của mình, Bà  Triệu đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rất lớn.





-----------------------------------------------------------------
(1) Cả hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ Tiên Sĩ dưới thời Đường Đức Tông (779- 805). Hai anh em đã cùng nhau sang Trung Quốc, dốc chí học tập rồi thi đỗ Tiến Sĩ. Đây là hai người Việt đỗ Tiến Sĩ đầu tiên, đỗ ngay khi nền giáo dục và thi cử Nho học ở nước ta chưa khai sinh.
(2) Truyền thuyết về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá. ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Thanh Hoá tỉnh - tập hạ) cũng chép tương tự.
(3) Cũng có truyền thuyết nói rằng, chính chị dâu của Bà Triệu là kẻ phản bội đầu tiên mật báo cho quân Ngô biết kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của hai anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh. Triệu Quốc Đạt bị giết nhưng Triệu Thị Trinh thì thoát được. Trước khi đến Phú Điền, Triệu Thị Trinh đã giết chết chị dâu để cảnh cáo tất cả những kẻ nào nuôi lòng phản trắc.
(4) Bởi lẽ này nhiều người lầm tưởng đây là sinh quán của Bà Triệu. Đó là chưa nói rằng, ở huyện Ninh Hoá (cũng tức là Yên Hoá) nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình do cũng có đền thờ Bà Triệu nên thư tịch cổ cũng có lúc nhầm tưởng đây là quê hương của Bà Triệu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 02:52:50 pm »

3. VUNG GƯƠM RA TRẬN

   Truyền thuyết dân gian vùng huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hoá) có chuyện Núi đá biết nói khá độc đáo, theo đó thì vào một đêm thanh vắng nọ, trên triền đá của núi Tùng ở Phú Điền bỗng có tiếng dõng dạc cất lên rằng :

      Có Bà Triệu tướng,
      Vâng mệnh trời ta.
      Trị voi một ngà,
      Dựng cờ mở nước.
      Lệnh truyền sau trước,
      Theo gót Bà Vương.


   Người người nghe lời ấy, ai cũng tin chắc rằng đá trên núi Tùng biết nói. Lời của đá núi được coi là lời sấm ngôn, lời thiêng liêng chuyển tải mệnh trời, rằng Bà Triệu là Thiên Tướng giáng trần, là người sẽ ra tay chỉ huy trăm họ vùng dậy cứu nước và cứu dân. Bởi niềm tin sâu sắc ấy, nhân dân khắp nơi đã nườm nượp kéo nhau theo về với Bà Triệu. Núi Tùng từ đó trở thành nơi tụ nghĩa và mãi đến sau này thiên hạ mới vỡ lẽ ra rằng, trước khi chính thức phát động khởi nghĩa, Bà Triệu đã bí mật sai người thân tín leo lên núi Tùng, khoét đá thành hang rồi nhân đêm tối, nấp kín trong hang đá mà đọc thật to mấy câu sấm ngôn nói trên 1.  Đặt trong bối cảnh chung của thời cổ và trung đại, việc lợi dụng mê tín của xã hội để rồi khôn khéo tạo ra những sự kiện đầy vẻ huyền bí nhằm tập hợp và cố kết lực lượng cũng là điều thường thấy. Cách làm của Bà Triệu cũng chỉ là một trong những thông lệ thường thấy ấy thôi. Tất nhiên, cơ mưu tạo ra các sự kiện đầy vẻ huyền bí, dù hoàn hảo và đầy sức thuyết phục đến đâu cũng không thể thay thế cho quá trình xây dựng uy tín tự thân và hoàn toàn có thật của Bà Triệu. Nhân dân khắp cõi đương thời đến với Bà Triệu trước hết và chủ yếu cũng bởi uy tín tự thân và hoàn toàn có thật này của Bà.

   Phần lớn thư tịch cố đều nói rằng toàn bộ công lao chuẩn bị cũng như phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248 là của Bà Triệu, nhưng, cũng có vài truyền thuyết dân gian và một số ít thư tịch cổ lại nói rằng Bà Triệu thực ra chỉ là người kế tục sự nghiệp còn dở dang của anh trai Bà - Huyện Lệnh Triệu Quốc Đạt. Tài liệu thư tịch, ghi chép điều này rõ hơn cả có lẽ là của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Theo đó thì : "Khi ta nội thuộc nhà Ngô, các quan Thú mục phần nhiều chỉ lo bóc lột, dân không sao chịu nổi, cho nên (Triệu) Quốc Đạt liền nổi binh chống lại. Được ít lâu, ông mất, dân chúng thấy Bà là người có tướng tài, bèn tôn Bà làm Chúa để cầm cự với quân Ngô." 2. Song, cứ như lời kể của hầu hết truyền thuyết dân gian thì rất có thể Triệu Quốc Đạt không phải là người khởi xướng nhưng ít nhất ông cũng là người ủng hộ một cách đắc lực và đầy hiệu quả cả về tinh thần lẫn vật chất cho em gái mình trong cuộc chiến đấu chống quân Ngô. Và, ông đã qua đời trước khi cuộc khởi nghĩa phát triển đến đỉnh cao.

   Năm 248, từ chân núi Tùng ở khu vực Phú Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá), Bà Triệu đã hạ lệnh xuất quân, nhất loạt tấn công quyết liệt vào các lị sở của quân Ngô tại quận Cửu Chân. Đời truyền rằng : "Bà Triệu ra trận, chân đi guốc ngà, đầu đội nón ngà, lưng thắt dải lụa, ngực che yếm vàng, mình cưỡi bành voi, dáng mạo thật oai phong lẫm liệt." 3. Bà Triệu được nghĩa sĩ của mình đồng lòng tôn làm Nhụy Kiều Tướng Quân 4. Và thề sẽ cùng Bà chiến đấu đến cùng với quân Ngô.

   Nghe tin Bà Triệu dựng cờ xướng nghĩa. đông đảo nhân dân ở khắp các địa phương mà trước hết là quận Cửu Chân đã nô nức xin theo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ... sức lực và tài nghệ tuy có cao thấp khác nhau nhưng tất cả đều quyết một lòng đánh giặc cứu nước. Lực lượng nghĩa quân của Bà Triệu vì thế mà phát triển rất nhanh. Ca dao Thanh Hoá có câu rằng :

Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muôn coi lên núi mà coi,
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Túi gấm cho lẫn túi hồng,.
Têm trầu cánh kiến cho chồng ra quân.

   Khu vực núi Tùng nhanh chóng trở thành đại bản doanh của nghĩa quân Bà Triệu. Dưới chân núi Tùng là một thung lũng nhỏ, được bao bọc bởi dải núi đá vôi thấp. Đây là cửa ngõ phía Bắc của đồng bằng Thanh Hoá, lại nằm gần biển nên có vị trí rất thuận tiện cho cả khi phòng thủ lẫn lúc tổ chức phản công. Hiện trong thung lũng nhỏ ớ dưới chân núi Tùng vẫn còn có những địa danh như :

   - Đồng Vườn Hoa (đại bản doanh của Bà Triệu).
   - Đồng Xoắn Ốc (một trong những bức thành kiên cố của bộ chỉ huy nghĩa quân).
   - Đồng Lăng Chúa (nơi có mộ của Bà Triệu).

   Sát bên núi Tùng là núi Chung Chinh, tuy hiện nay dấu tích còn lại nơi đây chỉ rất mờ nhạt nhưng người ta vẫn còn có thể sơ bộ hình dung được vị trí của bảy đồn luỹ cổ mà nhân dân địa phương cho là do lực lượng nghĩa quân Bà Triệu xây dựng nên. Tại bảy đồn luỹ cổ này, đời truyền rằng Bà Triệu đã từng trực tiếp chỉ huy hơn ba chục trận ác chiến với giặc Ngô. Đây cũng chính là một trong những địa phương còn truyền tụng rất nhiều truyền thuyết về Bà Triệu. Trước khi Bà Triệu phát lệnh khởi nghĩa, kẻ đứng đầu chính quyền đô hộ của nhà Ngô ở nước ta là Thứ Sử Lữ Đại - viên quan được chính triều đình Ngô Đại Đế coi là "cẩn thận, chu đáo và giàu phương lược mưu kế vỗ về", được tin cậy và đánh giá rất cao, nên mới phong cho Lữ Đại làm Trấn Nam Tướng Quân, tước Phiên Ngung Hầu 5. Nhưng, guồng máy thống trị do Lữ Đại cầm dầu cũng chẳng làm dược gì ngoài sự tàn ác. Lữ Đại trở thành kẻ thù không đội trời chung của các tầng lớp nhân dân ta, thành đối tượng tiêu diệt đầu tiên của Bà Triệu.

   Bởi thực sự lo sợ, giặc dã tung toàn bộ lực lượng ồ ạt đánh mạnh vào quận Cửu Chân với hi vọng có thể nhanh chóng đè bẹp được nghĩa quân của Bà Triệu, nhưng dù đã cố hết sức mình, chúng cũng không thể nào thực hiện dược điều này. Để chia rẽ nghĩa quân, giặc đã xảo quyệt phong cho Bà Triệu đến chức Lệ Hải Bà Vương (nữ vương xinh đẹp của vùng ven biển), song, Bà không một chút xao động. Để mua chuộc Bà Triệu, giặc bí mật sai tay chân thân tín tới gặp và hứa sẽ cung cấp cho Bà thật nhiều tiền bạc, song, Bà cũng chẳng chút tơ hào. Sau hơn nửa năm trời trực tiếp đối địch và cũng là hơn nửa năm trời liên tiếp chịu nhiều thất bại đau đớn, hễ nghe tới việc phải đi đàn áp Bà Triệu là binh lính giặc lại lo lắng đến bạt vía kinh hồn. Bởi vậy, đương thời mới có thơ rằng :

      Hoành qua đương hổ dị,
      Đối diện Bà Vương nan.

Nghĩa là :

      Vung gươm đánh cọp xem còn dễ,
      Đối mặt Bà Vương mới khó sao.


   Bùng lên trước hết và chủ yếu là ở khu vực quận Cửu Chân nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ và rất to lớn của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu lại nhanh chóng lan rộng khắp cả Giao Châu, đúng như chính sử của Trung Quốc đã thừa nhận là : "Cả Giao Châu đều chấn động" 6. Bấy giờ, cả triều đình Ngô Đại Đế lấy việc mất Giao Châu làm mối lo hàng đầu. Một kế hoạch đàn áp có quy mô lớn, một quyết tâm bình định Giao Châu đã gấp rút được xây dựng.Thử thách của nghĩa quân Bà Triệu vì thế mà trở nên cực kì cam go.




-----------------------------------------------------------------
(1) Truyền thuyết này có lẽ là do người đời sau hư cấu nên, cốt để cắt nghĩa vì sao nhân dân khắp nơi lại nô nức tụ họp với với Bà Triệu nhanh và đông như vậy. Thực tế là Bà Vương hay Lệ Hải Bà Vương là tước hiệu mà nhà Ngô đã dùng để mua chuộc Bà Triệu sau nhiều lên đàn áp bất thành chứ không phải là đã có ngay trong thời kì khi Bà Triệu còn chuẩn bị khởi nghĩa.
(2) ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Thanh Hoá tỉnh. Tập hạ). Tác giả xin được chú thích thêm rằng quan Thú mục tức là quan lại đứng đầu các địa phương ở dưới cấp quận.
(3) Truyền thuyết dân gian về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá.
(4) Cũng có tài liệu nói rằng tên gọi Nhuỵ Kiều Tướng Quân (vị nữ tướng quân có vẻ đẹp rất yêu kiều) là do quan Ngô đặt cho Bà Triệu, nhưng, số tài liệu này chỉ chiếm một tỉ lệ rất ít.
(5) Dẫn ý từ ghi chép của ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ. (Ngoại kỉ, quyển 4, tờ 3-b)
(6) Trần Thọ (Trung Quốc) : TAM QUỐC CHÍ (Ngô chí).


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:08:29 pm »

4. NGÀN NĂM, THANH KIẾM DÀI CÙNG MẶT TRỜI SÁNG MÃI

   Xin được mượn lời dịch của câu thơ chữ Hán Thiên thu trường kiếm dữ nhật quang 1 làm tiêu đề cho đoạn kết của phần viết về Bà Triệu - người phụ nữ đã lập nên huân nghiệp đối với lịch sử nước nhà. Mặt Trời và Mặt Trăng mãi còn, giang sơn và dân tộc này mãi còn thì tên tuổi bất khuất và thanh gươm đúc bằng chí đại định của Bà Triệu cũng sẽ mãi còn toả sáng.

   Nhưng, trước khi bàn về đoạn kết của cuộc đời Bà Triệu, có lẽ chúng ta cần trở lại với thực trạng của nhà Ngô và của cuộc chiến đấu ở khu vực núi Tùng giữa thế kỉ III. Bấy giờ, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chính quyền đô hộ đã xuất hiện ngày một rõ và nếu điều này xảy ra, nhà Ngô thật khó có thể tồn tại trước những cuộc tấn công của hai kẻ thù là Thục và Ngụy. Xuất phát từ nhận thức đó Ngô Đại Đế buộc phải điều viên tướng thuộc hàng lừng danh nhất của mình đi đàn áp Bà Triệu. Viên tướng thuộc vào hàng lừng danh nhất đó chính là Lục Dận :

Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dân sang thay phiên thần
. 2

   Lục Dận là cháu của tướng Lục Tốn - viên lão tướng rất được Ngô Đại Đế tin cậy. Trước khi lên đường, Lục Dận dược Ngô Đại Đế phong làm Thứ Sử Giao Châu, hàm An Nam Hiệu Uý. Nhà Ngô giao cho Lục Dận 8.000 quân và nhiều tuỳ tướng từng trải thử thách trong nhiều lần xuất trận khác nhau. Đó là cố gắng cuối cùng, cũng là cố gắng cao nhất của chúng. Đến Giao Châu, Lục Dận còn được quyền thống lãnh tất cả lực lượng quân Ngô đã có mặt từ trước và đang tham gia những cuộc đàn áp nghĩa quân của Bà Triệu. Đến Giao Châu, Lục Dận đã có hai quyết định hệ trọng. Một là tiếp tục thực hiện mưu đồ mua chuộc, nhưng đối tượng chính không phải là Bà Triệu mà là đội ngũ tì tướng, những người chỉ huy các đơn vị nhỏ trong lực lượng của bà Triệu. Lục Dận đã lập luận rất đúng rằng, làm sao chúng có thể mua chuộc được một con người tài cao đức trọng như Bà Triệu. Nhưng, Bà Triệu sở dĩ trở nên hùng mạnh vì chung quanh Bà và dưới quyền của Bà còn có biết bao nhiêu con người khác mà nhìn chung là khả năng nhận thức chưa thể sánh với Bà. Mua chuộc được những con người này cũng chính là đã chặt đứt dần vây cánh của Bà Triệu và đẩy Bà Triệu vào thế cô, đến đó, Bà Triệu sẽ không còn là đối thủ đáng sợ nữa. Đời truyền rằng, bởi thủ đoạn rất xảo quyệt này, Lục Dận đã khuất phục được hàng trăm tì tướng của Bà Triệu và ngót năm vạn dân. Hai là bình tĩnh và bí mật cho quân đi do thám để điều tra cho bằng được mặt mạnh và mặt yếu của Bà Triệu, tức là theo đúng tinh thần lời dạy của binh pháp Trung Quốc cổ :"Tri bỉ, tri kỉ, bách chiến bách thắng" (biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng) 3. Và, trên cơ sờ những tin tức mà chúng đã cất công thu lượm được, kết luận cuối cùng của Lục Dận về Bà Triệu là "ái khiết, uý ô" (thích sự sạch sẽ, lịch lãm và nhã nhặn, ghét sự bẩn thỉu, vô lễ và khiếm nhã). Từ kết luận cuối cùng này, Lục Dận đã tổ chức đàn áp theo kiểu nham nhở chưa từng thấy. Sử cũ chép : "Lục Dận dò biết đặc tính Bà Triệu rất ưa sự sạch sẽ và rất ghét sự bẩn thỉu, bên nghĩ ra một kế rồi mới cho hạ lệnh xuất quân. Khi Bà Triệu cưỡi voi vung gươm ra trận thì thấy tất cả quân Ngô đều trần truồng mà cầm giáo xông thẳng về phía Bà, chẳng khác gì một lũ điên cuồng rồ dại. Bà Triệu thẹn chín cả người, dẫu rất căm tức nhưng Bà cũng đành phải lui quân về một ngọn núi khác ở khu vực Bồ Điền. Sau, Bà hoá ở đây. Năm ấy Bà 23 tuổi. " 4.

   Nói khác hơn, theo lời ghi chép trên thì Bà Triệu tuy là thua trận nhưng vẫn giữ được cái duyên đằm thắm, hiền thục và nết na của một người con gái, giặc Ngô tuy thắng nhưng tiếng xấu về sự nham nhở thì còn mãi với muôn đời. Tiếng xấu ấy càng trở nên nặng nề hơn bởi sau đó, để thoả lòng căm giận, giặc đã không ngừng tìm cách bôi nhọ Bà Triệu. Chúng gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu. Trong tiếng Việt cổ, nếu Dạ là từ dùng để chỉ người phụ nữ lớn tuổi mà được kính trọng, thì ngược lại, Ẩu là từ dùng để chỉ người con gái trẻ tuổi mà bị coi thường.

   Trong nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc (và sau đó đã được một vài thư tịch cổ của ta sao chép lại), thì Bà Triệu có một chân dung rất khác thường : "Tiếng nói nghe như tiếng chuông lớn, thân cao chín thước, vú dài ba thước, lưng rộng mười ôm, mỗi ngày đi nhanh có thể được 500 dặm" 5. Thực ra, tổng số huyền thoại về những người phụ nữ có năng lực và hành trạng khác thường trong kho tàng văn học dân gian không phải là ít, nhưng truy cho đến tận cùng căn nguyên thì tất cả những huyễn thoại đó đều góp phần chứng tỏ sự bất lực hoàn toàn của giai cấp thống trị tàn bạo trước sức mạnh phản kháng quyết liệt của xã hội do chính những người phụ nữ cầm đầu. Huyền thoại li kì về Bà Triệu có lẽ cũng nằm trong xu hướng phản ánh tận cùng căn nguyên rất rõ ràng này.

   Trái với ghi chép của thư tịch cổ, chân dung Bà Triệu trong tình cảm nồng hậu của các thế hệ nhân dân ta thể hiện qua truyền thuyết dân gian, có một vẻ đẹp rất thánh thiện mà cũng thật đoan trang, rất thuỳ mị với mọi người nhưng cũng rất dũng mãnh với kẻ thù. thật xứng đáng với vinh hiệu Nhụy Kiều Tướng Quân. Lúc bấy giờ, dù xuất phát điểm của quân Ngô có chứa chất sự lừa mị và xảo quyệt đến mức độ như thế nào đi chăng nữa thì chúng cũng đã hoàn toàn đúng khi định sử dụng mĩ hiệu Lệ Hải đặt trước tước vị Bà Vương để phong cho Bà.

      Xét cụ thể từng chi tiết, tất nhiên là có những chỗ hậu thế thật khó mà đồng tình, nhưng xét về tổng thể thì rõ ràng là Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã hoàn toàn có lí khi hạ bút viết Lời phê rằng : "Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu. Nhưng, nếu nói là vú dài ba thước thì thật là quái gở và đáng buồn cười lắm." 6

   Ở khu vực núi Tùng, mộ của Bà Triệu vẫn được đời nối đời trân trọng gìn giữ, đền thờ Bà Triệu đã gần hai chục thế kỉ qua vẫn nghi ngút khói hương. Tên tuổi và sự nghiệp của Bà Triệu đã trở nên bất diệt với vạn cổ thử giang sơn (muôn đời sông núi này) 7 và mãi mãi toả sáng trong sử sách cũng như trong kí ức của các thế hệ nhân dân yêu nước :

Tùng sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.





------------------------------------------------------------------
(1) Nguyên tác Hán văn của tác giả trong bài VỊNH SỬ.
(2) Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái : ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA. Tác giả xin được chú thích thêm rằng : thay phiên thần là thay quan đô hộ, chỉ việc Ngô Đại Đế cách chức Thứ Sử Giao Châu của Lữ Đại mà trao chức này cho Lục Dận.
(3) Tôn Tử (Trung Quốc) : TÔN TỬ BINH PHÁP.
(4) ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Thanh Hoá tỉnh, Tập hạ).
(5) ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Thanh Hoá tỉnh, Tập hạ).
(6) KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Tiền biên, quyển 3, tờ 9). Tác giả xin được chú thích thêm rằng : Theo TỪ HẢI TỪ ĐIỂN (Trung Quốc) thì Thành Phu Nhân là vinh hiệu do dân ở khu vực thành Tương Dương đặt cho bà Hàn Thị là thân mẫu của tướng quân Chu Tự, người Trung Quốc đời Tấn (265-420). Bà đã tự mình vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy thực hiện việc tu bổ thành, giúp con đánh lui dược tướng giặc là Phù Phi, giữ vững thành Tương Dương. Nương Tử Quân là vinh hiệu của Công Chúa Bình Dương, con gái của Đường Cao Tổ (618-626). Lúc Đường Cao Tổ mới khởi binh chống lại nhà Tuỳ, Bình Dương Công Chúa đã cùng với chồng là Sài Thiệu, chiêu mộ và trực tiếp cầm quân giúp cha đánh đổ nhà Tuỳ. Riêng bà là thủ lĩnh của 7 vạn tinh binh. Vì lẽ này, Bình Dương Công Chúa được sử sách Trung Quốc tặng cho vinh hiệu là Nương Tử Quân.
(7) Chữ của Trần Quang Khải trong bài cảm khái ông viết sau trận đại thắng quân Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (1285).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 01:54:09 pm »

IV - DANH TƯỚNG LÝ BÔN - VỊ HOÀNG ĐẾ ĐẦU TIÊN CỦA LỊCH SỬ, NGƯỜI KHAI SINH RA NƯỚC VẠN XUÂN


Cứu dân đã quyết lời thề
Văn thần võ tướng ứng kì đều ra
Tiêu Tư nghe gió chạy xa
Đông Tây muôn dặm quan hà quét thanh
Vạn Xuân mới đặt quốc danh
Cải nguyên Thiên Đức, đô thành Long Biên.


            (Đại Nam quốc sử diễn ca)




1. TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC TỪ SAU THẤT BẠI CỦA BÀ TRIỆU ĐẾN GIỮA THẾ KỈ VI

   Nhà Ngô đàn áp được lực lượng nghĩa binh của Bà Triệu nhưng cũng ngay sau đó, chính sự của nhà Ngô bắt đầu rối ren. Năm 252 (tức là chỉ mới 4 năm sau khi Bà Triệu qua đời). Ngô Đại Đế cũng mất 1. Con út của Ngô Đại Đế là Tôn Lượng (tức Ngô Cối Kê) 2 được lên nối ngôi nhưng mới được 6 năm đã bị phế. Tôn Lượng phẫn chí mà tự tử. Thay thế cho Tôn Lượng là Tôn Hưu 3 (tức Ngô Cảnh Đế) nhưng Tôn Hưu cũng chỉ là con bài của bọn quyền thần mà cầm đầu là Thừa Tướng Tôn Sâm. Đời trị vì thứ tư (cũng là đời cuối cùng của nhà Ngô) - Ngô Mạt Đế - chỉ còn là hư vị. Nhà Ngô vẫn tiếp tục tồn tại cho đến năm 280 nhưng không phải vì nhà Ngô mạnh mà là vì cả ba nước cùng tham gia cuộc hỗn chiến Tam Quốc quyết liệt đương thời đều đã hoàn toàn kiệt quệ và đã lần lượt bị diệt vong 4. Nền thống nhất Trung Quốc dưới thời nhà Tấn thực ra cũng chỉ rất tạm bợ và mong manh. Nội chiến chẳng những không hễ bị dập tắt mà vẫn còn liên tiếp bùng nổ dữ dội ở khắp mọi nơi, sử sách của Trung Quốc gọi đó là thời Thập Lục Quốc 5, và thời Thập Lục Quốc chưa chấm dứt thì một cục diện mới - cục diện Nam-Bắc Triều - lại diễn ra 6. Trung Quốc lại lâm vào tình cảnh loạn lạc chưa từng thấy. Chính vì sự loạn lạc chưa từng thấy đó, ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc ở nước ta có phần được nới lởng hơn. Ở đây sự nới lỏng bất quá chỉ vì cơ quan đầu não của bọn đô hộ là triều đình trung ương do trải hàng loạt những cuộc xung đột ác liệt triền miên đã không còn đủ tiềm lực để có thể hung hăng như trước nữa.

   Để tránh loạn lạc và sự tham tàn của các tập đoàn thống trị đương thời, người Trung Quốc thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đã tự tìm đường di cư đến nước ta ngày một đông. Qua họ, tin tức về sự bất ổn của Trung Quốc (nhất là thời Thập Lục Quốc) đã dồn dập truyền đến với bọn quan quân đô hộ và chính điều này đã góp phần quan trọng vào quá trình thúc giục chúng thực hiện kế sách xoa dịu nhằm dễ bễ tiến hành việc xây dựng mưu đồ cát cứ. Một số nhà sử học gọi đây là lực li tâm chính trị. Các chính quyền đô hộ trước sau tuy có khác nhau nhưng tất cả đều gặp nhau ở ý định khôn khéo tìm cách tách dần ra khỏi triều đình trung ương để mặc sức tự tung tự tác và thủ lợi cho riêng thân. Nói cách khác, chúng có phần nới tay hơn không phải vì chúng bỗng dưng trở nên nhân đức hơn mà là vì tự xét thấy có những lí do chủ quan khiến chúng chưa cần thiết (và cũng chưa thể) xiết quá chặt. Tuy không phải là tất cả nhưng một phần cội nguồn của sự lắng dịu tạm thời trong phong trào đấu tranh giành độc lập từ sau thất bại của Bà Triệu (năm 248) cho đến gần giữa thế kỉ VI có lẽ là ở đây. Nhưng, quân cướp nước bao giờ cũng là quân cướp nước trong một số những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chúng có thể tạm thời từ bỏ một số tham vọng nhất định nào đó, ngoại trừ chính sách vơ vét của cải và thẳng tay đàn áp mọi sự phản kháng. Đó chính là lí do chủ yếu và sâu xa nhất dẫn đến sự bột phát của một số phong trào đấu tranh đương thời.

   Bấy giờ, ở khắp ba quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ, các cuộc vùng dậy của nhân dân tuy vẫn tiếp tục nổ ra nhưng nhìn chung thì quy mô không lớn và ảnh hưởng cũng không mạnh mẽ. Đó là chưa nói rằng, đặc trưng của các cuộc chống đối chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ trong giai đoạn lịch sử cụ thể này là rất phong phú và đa dạng, việc nghiên cứu để xác định sao cho thật đúng tính chất của từng phong trào cũng không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, lần theo những trang ghi chép của thư tịch cổ, chúng ta có thể kể tên một số cuộc khởi nghĩa tương đối nổi bật sau đây :

   1. Khởi nghĩa Lữ Hưng năm 262, chống ách đô hộ của nhà Ngô.

   2. Khởi nghĩa Triệu Chỉ năm 299 chống ách đô hộ của nhà Tấn.

   3. Cuộc phản kháng của Lương Thạc từ năm 317 đến năm 323 đối với triều đình nhà Tấn.

   4. Cuộc tấn công vào chính quyền đô hộ Giao Châu năm 411 dưới sự chỉ huy của Lư Tuần (vốn là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa ở Trung Quốc, thua trận chạy sang Giao Châu) được đông đảo nhân dân Giao Châu ủng hộ.

   5. Cuộc tấn công vào chính quyền đô hộ Giao Châu năm 412 dưới sự chỉ huy của Lư Kinh Đạo (vốn là thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc, thua trận mà chạy sang Giao Châu) được nhân dân Giao Châu ủng hộ mạnh mẽ.

   6. Cuộc khởi nghĩa năm 468 do chính Thứ Sử Giao Châu (người bản địa) là Lý Trường Nhân cầm đầu.

   Chi li ra, chúng ta vẫn có thể tiếp tục kể thêm một số các cuộc khởi nghĩa hoặc những phong trào đấu tranh khác, nhưng như trên đã nói, tất cả đều chỉ có quy mô nhỏ, phạm vi và mức độ ảnh hưởng cũng rất chừng mực. Điều đáng chú ý nhất ở đây có lẽ là đỉnh cao của các phong trào đấu tranh giành độc lập đang có xu hướng chuyển dịch dần ra quận Giao Chỉ ở phía Bắc. Đó chính là nền tảng thuận lợi cho sự nảy sinh của một cuộc khởi nghĩa rất lớn do Lý Bôn cầm đầu, nổ ra vào giữa thế kỉ VI.





-----------------------------------------------------------------
(1) Ngô Đại Đế tên thật là Tôn Quyền (182-252), ở ngôi Vương 8 năm (221-228), ở ngôi Hoàng Đế 23 năm (229-252), mất năm 252, hưởng thọ 70 tuổi.
(2) Tôn Lượng (243-260), lên ngôi lúc mới 11 tuổi, ở ngôi Vương 6 năm (252-258), bị quyền thần là Thừa Tướng Tôn Sâm phế truất, phẫn chí mà tự tử vào năm 260, hưởng dương 17 tuổi.
(3) Tôn Hưu (235-264), là con trai thứ sáu của Tôn Quyền và là anh ruột của Tôn Lượng. Tôn Hưu ở ngôi 6 năm (258-264), mất năm 264, hưởng dương 29 tuổi.
(4) Nước Ngụy của họ Tào thành lập năm 220, bị diệt vong vào năm 265. Nước Thục của họ Lưu thành lập năm 221, bị diệt vong vào năm 263.
(5) Thời Thập Lục quốc là thời tồn tại và tranh giành của 16 nước. Gồm có : 1. Tiền Triệu (304-329); 2. Thành Hán (304-347); 3. Tiền Lương (314-376); 4. Hậu Triệu (319-351); 5. Tiền Yên (337-370); 6. Tiền Tần (350-394); 7. Hậu Tần (384-417); 8. Hậu Yên (384-407); 9. Tây Tần (385-431); 10. Hậu Lương (386-403); 11. Nam Lương (397-414); 12. Nam Yên (398-410); 13. Tây Lương (400-421); 14. Hạ (407-431); 15. Bắc Yên (407-436); 16. Bắc Lương (401-439). Nói khác hơn, nhà Tấn bất quá chỉ là nước lớn nhất trong số rất nhiều nước của Trung Quốc lúc bấy giờ mà thôi.
(6) Cục diện Nam - Bắc Triều bắt đầu từ năm 420 và kết thúc vào năm 581. Nam Triều gồm 4 triều do bốn dòng họ nối nhau trị vì đó là họ Tống (của họ Lưu : 420-479), Tề (của họ Tiêu : 479-502), Lương (cũng của họ Tiêu nhưng khác chi : 502-557) và Trần (của họ Tôn : 557-589). Bắc Triều gồm có tất cả 5 triều do năm dòng họ nối nhau trị vì. Cụ thể như sau : Bắc Ngụy (của họ Thát-bạt : 386-534), Đông Ngụy (của họ Nguyên : 534-550), Tây Ngụy (cũng của họ Thát-bạt : 534-557), Bắc Tề (của họ Cao : 550-577) và Bắc Chu (của họ Vũ : 557-581). Thời Nam-Bắc Triều, các triều của Nam Triều (trừ triều Trần) đã đô hộ nước ta.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 02:17:55 pm »

2. ĐÔI DÒNG VỀ TIỂU SỬ CỦA LÝ BÔN TRƯỚC NGÀY KHỞI NGHĨA

   Tác phẩm đầu tiên của lịch sử sử học Việt Nam chép về Lý Bôn là ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC 1 nhưng tác phẩm này chỉ chép về Lý Bôn vỏn vẹn có mấy dòng sơ sài và Lý Bôn được chép là Nguyễn Bôn 2. Như một sự cố gắng bù đắp đầy thiện chí và chân tình, các tác giả của bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ đã dành hẳn một kỉ (Tiền Lý kỉ - kỉ nhà Tiền Lý) để chép về Tiền Lý Nam Đế tức Lý Bôn. Về nguồn gốc xuất thân của Lý Bôn, sách này viết : "Hoàng Đế họ Lý, huý là Bôn, người Long Hưng, tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán vì khổ về nạn đánh dẹp nên mới lánh sang đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam" 3. Theo lời ghi chép này thì Long Hưng là quê hương của Lý Bôn, nhưng, Long Hưng nay thuộc vùng nào ? Điểm lại những công trình đã được công bố, chúng tôi thấy có hai cách lí giải rất khác nhau, trong đó, có một cách lí giải hoàn toàn sai. Hai cách khác nhau đó là :

   - Cách thứ nhất cho rằng Long Hưng là tên phủ, dựa theo ghi chép của VIỆT ĐIỆN U LINH 4 một số nhà nghiên cứu nói rõ thêm rằng quê Lý Bôn thuộc huyện Thái Bình, phủ Long Hưng, từ đó suy ra, quê hương của Lý Bôn nay thuộc tỉnh Thái Bình. Những người giải thích theo cách này còn dựa vào một căn cứ khác, đó là hai làng Tử Các và Các Đông (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) 5 có lập đền thờ Lý Bôn. Xin nói ngay rằng cách giải thích này hoàn toàn sai vì huyện Thái Bình xưa không phải là tỉnh Thái Bình ngày nay. Vả chăng, hai làng Tử Các và Các Đông là hai làng mới lập, đất hai làng này thời Lý Bôn là biển, không thể có dân ở nên không thể nói là quê của Lý Bôn được.

   - Cách thứ hai thì căn cứ vào một câu ghi chép trong GIẢ ĐẠM KÍ rằng : "Từ An Nam (Tống Bình - Hà Nội) qua Giao Chỉ (Từ Liêm- Hoài Đức), Thái Bình, hơn 100 dặm thì đến Phong Châu" những người chủ xướng đã khẳng định rằng "Vậy, Thái Bình thuộc đất Sơn Tây cũ" 6. Về cơ bản, chúng tôi đồng ý với cách lí giải thứ hai, tuy nhiên, xin được bổ sung thêm một số tư liệu mà chúng tôi khai thác được. Theo chúng tôi thì trong thời Bắc thuộc, việc dựa vào thư tịch cổ của Trung Quốc để xem xét những vấn đề đại loại như thế này là rất cần thiết, trên tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số tư liệu về địa lí học lịch sử có nguồn gốc từ thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam như sau :

   - VIỆT ĐIỆN U LINH viết rằng Lý Bôn quê ở Thái Bình (Thái Bình nhân) chứ không viết là ở huyện Thái Bình (Thái Bình huyện nhân) như lời lí giải của cả hai cách nói trên. Trong TÂN ĐƯỜNG THƯ, Âu Dương Tu và Tống Kỳ (Trung Quốc) có nói đến một bức thành cũ có tên là thành Thái Bình, theo đó thì thành này nằm trong địa phận huyện Phong Khê. Huyện này chỉ mới được thành lập vào đầu Công nguyên, trên cơ sở chia đặt lại huyện Tây Vu 7. Như vậy là thành cũ Thái Bình trong địa phận của huyện Phong Khê (mới tách ra từ huyện Tây Vu) khác hẳn với Thái Bình là tên của một trong số 10 huyện của quận Giao Chỉ thời thuộc Hán 8. Sau khi phân tích thêm ghi chép của một số thư tịch cổ Trung Quốc, chúng tôi cho rằng, đất đai huyện Thái Bình xưa nay chủ yếu thuộc tỉnh Thái Bình, nhưng đó là Thái Bình huyện, không phải Thái Bình nhân là Lý Bôn.

- Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), chính quyền trung ương của họ Ngô bị khủng hoảng nghiêm trọng, các thế lực địa phương nhân đó nổi lên ở khắp nơi, đất nước lâm vào cảnh nội chiến loạn li chưa từng thấy. Bấy giờ, cả nước có 12 Sứ quân (sử gọi là loạn 12 Sứ quân) và một trong số 12 Sứ quân đó là Nguyễn Khoan. Sứ quân Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể Thái Bình là tên thành cũ Thái Bình như đã nói ở trên. Xưa, việc lấy tên quê làm hiệu cho mình là một hiện tượng rất phổ biến. Nay ở xã Minh Tân, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc 9 vẫn còn đền thờ của Sứ quân Nguyễn Khoan. Ắt hẳn Sứ quân Nguyễn Khoan đúng là một trong những Thái Bình nhân, tức là đồng hương với Lý Bôn. Thực ra, Sứ quân Nguyễn Khoan còn được thờ ở làng Vĩnh Mỗ (nay thuộc xã Cao Xá, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) nhưng đây là khu căn cứ chủ yếu của Sứ quân Nguyễn Khoan chứ không phải là quê hương của ông.





-----------------------------------------------------------------
(1) Cũng tức là VIỆT SỬ LƯỢC - tác phẩm khuyết danh. Xin vui lòng tham khảo bản dịch của Nguyễn Gia Tường do Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính và viết lời bạt. Nxb Tp. Hồ Chí Minh. 1992.
(2) Do được viết vào thời Trần nên ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC cũng như nhiều tác phẩm đương thời khác đã tuân theo điền lệ riêng của nhà Trần là đổi tất cả những người họ Lý thành họ Nguyễn.
(3) ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (Ngoại kỉ, Tiền Lý kỉ, quyển 4, tờ 14-b). Tác giả xin được chú thích thêm 4 vấn đề. Một là để phân biệt với nhân vật Lý Phật Tử là người đã lợi dụng hôn nhân để lật đổ chính quyền của Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục) giành quyền đứng đầu nhà nước Vạn Xuân cuối thế kỉ VI, thư tịch cổ thường gọi Lý Bôn là Tiền Lý Nam Đế và Lý Phật Tử là Hậu Lý Nam Đế. Hai là trong Hán tự, chữ Bôn cũng đọc là , cho nên Lý Bôn cũng được nhiều người đọc là Lý Bí. Ba là khái niệm người Bắc ở đây dùng để chỉ người Trung Quốc, còn người Nam là người Việt. Bốn là thời Tây Hán bắt đầu từ năm 206 TCN và chấm dứt vào năm 08, tồn tại trước sau tổng cộng 214 năm với 13 đời nối nhau trị vì.
(4) Triệu Việt Vương dữ Lý Nam Đế truyện (truyện Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế). Tác phẩm này được coi là của Lý Tế Xuyên Về vấn đề này, xin vui lòng tham khảo thêm Nguyễn Khắc Thuần - ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM (tập 1), Nxb. Giáo dục. 2004.
(5) Theo ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Nam Định tỉnh) thì vào thời Nguyễn đó là xã Hậu Tái (huyện Thư Trì) và xã Tử Đường (huyện Thụy Anh).
(6) Phan Huy Lê- Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn-Lương Ninh : LỊCH SỬ VIỆT NAM, tập 1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội. 1983. Trang 404-405.
(7) Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ (Mã Viện truyện) chép rằng, chính Mã Viện đã tâu xin triều đình Hán Quang Vũ (25-57) chia đất huyện Tây Vu làm hai huyện mới là Vọng Hải và Phong Khê.
(8 Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ. Sách đã dẫn.
(9) Xã này thời Nguyễn thuộc làng Vĩnh Mộ, huyện Vĩnh Lạc, trấn Sơn Tây.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM