Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:27:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quốc Triều chính biên toát yếu  (Đọc 87761 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #220 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:09:06 am »

Ngày Giáp Dần, sao Thái Bạch mọc giữa ban ngày; lại có sao chổi mọc phương đông nam đuôi trỏ qua tây bắc dài chừng 7,8 thước.

Khiến quan Hiệp tá đại học sĩ lãnh Lại bộ Thượng thơ là Phan Đình Bình đi Kinh lược Quảng Bình. Mới cho lãnh trưng thuế quế trong tỉnh Quảng Nam.
Năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh năm đầu (1886), tháng giêng, Nguyễn Loan1  ở Quảng Ngãi hiệp với Bùi Điền, Đặng Đề ở Bình Định tụ đảng chia làm ba đạo, kéo tới khuấy rối tỉnh Quảng Ngãi. Quan Sơn Phòng là Nguyễn Thân đón đánh phá tan.

Ngài cho Nguyễn Hữu Độ làm Toàn quyền đại thần, Nguyễn Thuật làm Phó toàn quyền đại thần, đưa tờ hòa ước về việc khai khoáng, qua lầu sứ cùng quan Khâm sứ Hách Tô hai bên giao thuận với nhau.

Khi hòa ước rồi, Ngài truyền làm quốc thơ, sắm phẩm vật tặng hảo đức Giám quốc Đại Pháp và các quan Đại Pháp ở Bắc Kỳ. Sai Nguyễn Hữu Độ ra Hà Nội tuyên ý chỉ Ngài cho các quan Đại Pháp rõ.

Từ khi Kinh thành có việc, mấy đảng giặc ngoài Hải Dương hoành hành trong các phủ huyện; hoặc yên bức huyện Mỹ Hào và huyện Cẩm Giàng, hoặc đánh đuổi huyện Bình Giang, bắt quan huyện Gia Lộc; còn các phủ huyện khác cũng dần dần mất cả. Quan Tổng đốc là Nguyễn Thành Ý đem việc ấy tư Cơ mật xin tâu Ngài rõ.

Tháng 2, tỉnh Thanh Hóa có hơn 300 tên dân (nhơn bữa chợ phiên, giả cách cu ly, giấu dao vào trong đòn ống) mưu vào trong thành đánh lén. Việc ấy phát giác, chúng nó bị bắt, liền chạy trốn cả.

Khiến Phan Liêm làm Khâm sai đại thần, Phạm Phú Lâm làm phó Khâm sai, cầm cờ tiết mao đi từ Quảng Nam trở vào, khắp trong các tỉnh hiểu dụ thân hào phải nên về thú. Lại cho hai ông Khâm sai nghĩ thảo một tờ cáo thị dâng Ngài ngự bút sửa lại. Rồi truyền Sử quán in ra 100 tờ dụ và 100 tờ cáo thị giao hai ông Khâm sai tới đâu yết đó.
Tháng 3, tặng hảo đức Giám quốc và các quan Đại Pháp 112 cái Long bội tinh (mày đay rồng). Quan Quyên kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Trọng Hợp đem tình thế ngoài ấy tư Cơ mật viện. Khi ấy sự thế Bắc Kỳ đã khác, không thể mỗi việc tâu báo được, cho nên mỗi năm chỉ một hai lần tư vào Cơ
mật tâu lên Ngài rõ.

Đảng thân hào Bình Thuận phá phủ Ninh Thuận, kéo tới vây tỉnh thành; Tuần phủ, Bố chánh, Án sát đều bỏ trốn; chúng nó liền giữ tỉnh.

Tháng 4, đảng thân hào Quảng Bình bắt giết quan Khâm phái là Võ Bá Liêm. Truy tặng Võ Bá Liêm hàm Thị giảng học sĩ, bọn Suất đội cũng được truy tặng.

Quan Thương tá Quảng Trị là Lê Thâm phó Lãnh binh Lê Xuân Tranh đi tuần trấp đến làng. Võ Xã (thuộc về phủ Triệu Phong) bị giặc đánh; Lê Thâm bị bắt, Lê Xuân Tranh bị giết.

Ngài nghĩ rằng: phía Nam phía Bắc lâu nay chưa yên, nhưng từ Quảng Nam trở vào đã sai Khâm sai đi phủ trấp rồi; Ngài muốn ngự về Thanh Hóa trở vào phía Nam dần dần tới đâu dẹp loạn yên dân đó. Truyền Cơ mật tư ra quan Toàn quyền Bắc Kỳ. Được ít lâu, thấy trả lời rằng: "thành Hà Nội đã triệt phá rồi, xin đạo ngự đóng tại Thanh Hóa thời yên ổn vững vàng hơn".

Tháng 5, cho quan Sứ Sơn Phòng Nghĩa Định là Nguyễn Thân thăng hàm Tham tri bộ Binh, phong tước Diên Lộc Nam, sung chức Nghĩa Định chiêu thảo xử trí sứ.

Ngài 16 là ngày Đinh Vị, đạo ngự từ Kinh đô khởi hành.

Quan Toàn quyền đưa thơ nói: "trong số tiền bạc xin chia một nửa giao lại nước mình, một nửa chở về quý quốc đúc bạc đồng để cấp lương lính tập trong hai năm và chi phí về việc công tác". Ngài truyền Thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ kiểm nhận. Hai bên biên giao với nhau làm bằng.

---------------------
1 Loan người huyện Mộ Đức, con quan Tổng đốc Nguyễn Bá Nghị.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #221 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:11:16 am »

Ngài ngự đóng tại Châu Thị, truyền sắp ngự xem dân phong, ban bạc cho Linh mục ở làng Yên Ninh và các giáo dân xứ ấy; còn mấy người tị nạn thời ban cho một trăm đồng bạc.

Quan tỉnh Quảng Bình cấp 800 phương gạo cho các giáo dân bị đốt phá, quan Đại Pháp cũng cấp cho 250 đồng bạc. Linh mục Bùi Quang Lộc lại xin trù tể nữa. Cơ mật đem việc ấy thương với quan Khâmsứ, quan Khâm sứ trả lời: không cho, nhưng sức cho các người Linh mục và các quan Đại Pháp ở tỉnh ấy biết.

Ngài ngự tới Quảng Bình, truyền yết sức những tên cừ mục phải ra đầu thú.

Đảng thân hào trong Bình Định phân tạo ra khuấy rối tỉnh Quảng Ngãi. Chiêu thảo sứ Nguyễn Thân đánh phá chạy tan.

Tháng 8, Ngài định ngự về Kinh; vì Thánh thể hơi se, ở lâu không tiện. Rồi cho ông quan Ba ra Hà Nội thương với quan Toàn quyền cho tàu hỏa tới cửa Nhật Lệ rước Ngài. Ngày 7 là ngày Đinh Mão, quan quân theo hầu Ngài ngự xuống tàu; ngày mai tới Kinh.

Tỉnh Quảng Trị hiệp với quan Đại Pháp đánh phá giặc tại phía Nam cửa Việt, bắt được tướng giặc là Hoàng Văn Phúc, đem chém ngay.

Tháng 9, cho ông Hoàng Tá Viêm khai phục hàm cũ mà sung Hữu trực kỳ yên phủ kinh lược sứ1 lãnh cờ tiết mao, được phép tự tiện làm việc; nhưng trước phải ra Quảng Bình xử trí cho yên, rồi tới Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa tuỳ nghi sắp đặt. Ngài dụ các thân hào rằng: "Hào kiệt biết thời mới phải, quân tử đổi lỗi là hơn. Năm ngoái Kinh thành có việc, vua Hàm Nghi ra đi. Trong các thân hào có người tức vì việc nước, khởi lên giúp vua, như người trót cỡi cọp, bước xuống cũng gay, nên  phải trốn trong rừng rú, thường thường mượn tiếng phò vua Hàm Nghi. Đã mấy phen xuống dụ rước vua Hàm Nghi về, phong cho tước Công hoặc làm Tổng trấn Bắc Kỳ; còn thân hào ai ra thú, đều được tha tội. Mới đây, ta lại ngự ra đổng nhung, tới Quảng Trị trước, hào mục phần nhiều cứ còn tụ hội, Vã chăng, trong Triều có lời chiếu khoan dung mà ngoài dân không chút lòng thành ứng, bụng nghĩ làm sao? Hay là bảo rằng: nước mình không thể bảo toàn được chăng? Sao không nghĩ bây giờ đại cuộc thiên hạ đã định, cách chánh trị đổi mới, hòa với Đại Pháp đều giữ như cũ, chánh lệnh thi hành đều là quyền mình tự chủ, nào có ai trở ngại? Sao còn mấy điều làm ngờ mà thập thò như chuột? Hay là chúng mầy bảo rằng nếu bây giờ vua Hàm Nghi trở về, e không quyền lộc, chúng mầy cũng không được nhờ gì chăng? Chúng mầy phải biết thời muốn giàu; Hàm Nghi là em ta, ta nay suy rộng tỉnh Thanh, Nghệ, Tỉnh, cấp bổng lộc rất hậu, đồ thường dùng cũng như vua, chớ có biếm truất gì đâu? Nay ta cho tôi cũ là Hoàng Tá Viêm khai phục hàm Đông các đại học sĩ, sung làm Hữu trực kỳ Yên phủ kinh lý đại sứ; thế là lòng ta muốn xếp cho yên, không phải muốn đánh cho được. Từ nay trở đi, thân hào chúng mầy nên mau tỉnh ngộ, đuổi hết quân lính bó thân về với Triều đình, hoặc tới tỉnh, hoặc tới các sở quân thứ đầu thú. Trừ ra tên Lê Thuyết (tức là Tôn Thất Thuyết) Triều đình không thể dùng lại được, nhưng nếu nó biết trở về, thời cho nó chức quan cũ như: Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Nguyễn Chư, Lê Mô Khởi, Nguyễn Nguyên Thành, Phan Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Ngô Xuân Quỳnh, sẽ cho chiếu theo nguyên hàm bổ làm quan từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào mấy tỉnh phía nam, để lo báo bổ về sau. Còn mấy tên trước chưa có chỉ tha như Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng, nếu biết về thú, quả có thiệt trạng, xét như thiệt sẵn lòng đổi lỗi, thời cũng khoan giảm tội cũ, sẽ thưởng phẩm hàm, để yên người phản trắc. Còn mấy tên khác, khi nào về thú, xét quả thiệt lòng, rồi sẽ nghĩ. Những  mấy khoản nói trên đó, khi trước quan Toàn quyền Côn Pha (Paul Bert) tới Kinh vào yết, ta đã thương miệng, ông ấy cũng đã bằng lòng; chắc là không nói sai đâu. Chúng mầy còn dùng dằng không quyết, ngu dại, không biết lo trước, đến khi đại binh kéo tới, ngọc đá đều phải ra tro, ta tuy sẵn lòng thương, cũng không biết nghĩ sao cho chúng mầy nhờ được !".

Nhường sở Trấn Bình đài cho Pháp, phá súng đồng đúc tiền để tiêu việc công tác.

Khiến Quang  lộc tự khanh Hoàng Hữu Xứng coi làm sách Địa dư nói về giới hạn nươc mình. Sách làm rồi, các người dự làm sách đều được thưởng.

-------------------
1 Hữu trực là Quảng Trị, Quảng Bình, Hữu kỳ là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #222 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:14:01 am »

Quân Đại Pháp đi tuần tiễu trong huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, đánh phá tan đồn Trung Lộc.

Tháng 11, quan Phó Khâm sứ Tả trực kỳ là Phạm Phú Lâm có tội bị cách chức, cho sai phái chuộc tội. (Phạm Phú Lâm sợ quá, không kịp đợi chỉ đã về Kinh chịu tội trước).

Cho ông Nguyễn Tri Phương dự thờ trong miếu Hiền Lương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Trương Văn Uyển đều được khai phục nguyên hàm.

Cho quan Hưu trí là Võ Trọng Bình mỗi tháng được lãnh hưu bổng 20 quan tiền và 3 phương gạo1.
 
Tháng 12, các Cừ mục trong bọn thân hào Bình Định tới tỉnh đầu thú rất nhiều. Truyền ân chỉ cho 7 người được chiếu theo nguyên hàm bổ làm việc tỉnh ấy, còn bao nhiêu cho về làm ăn.

Cừ mục tỉnh Quảng Bình trở vào đều được yên lặng.

Năm Đinh Hợi thứ II (1887) , tháng giêng, cho Tuần phủ Hưng Yên Hoàng Cao Khải thực thọ Tổng đốc kiêm chức Tiễu phủ sứ. Khi ấy giặc Bải Sậy kéo tràn qua phía đông bắc; quyền Kinh lược là Nguyễn Trọng Hợp tâu: "Hoàng Cao Khải có tài cán mưu lược, lại quen thuộc tình thế xứ đó". Cho nên Ngài xuống chỉ ấy.

Quân Đại Pháp ở tỉnh Thanh phá tan toán quân Phạm Bành2  tại đồn Ba Đình (thuộc về huyện Nga Sơn). Nguyên khi trước Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng giữ chỗ hiểm lập đồn, quân Đại Pháp đánh không được, kéo về; rồi phi tư ra Ninh Bình, Nam Định lấy thêm quân vào hội vây đến vài tháng, bọn Phạm Bành xông vây chạy ra; Quân Đại Pháp phá được đồn ấy.

Tháng 2, chẩn cấp các dân mọi phiêu lưu thuộc về phủ Tương và phủ Quỳ. Bởi vì hai phủ ấy thường bị giặc phá, dân mọi chạy vào huyện Hương Sơn, (tỉnh Hà Tĩnh). Cho nên truyền chỉ ban cấp.

Tháng 3, quan Đại Pháp ở đồn Minh Cầm (thuộc về huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình) bắn chết Nguyễn Phạm Tuân. Triều đình tặng hảo một cái Kim Khánh trung hạng.

Tháng 4, Phạm Bành ở tỉnh Thanh thấy con là Phạm Tiêu bị bắt, Bành tới tỉnh đầu thú; Phạm Tiêu được tha; liền đêm ấy Phạm Bành tự tử. Hoàng Bật Đạt bị dân bắt giải tới, quan Đại Pháp giết ngay, Đinh Công Tráng sau trốn vào phủ Tương tỉnh Nghệ, cũng bị quan quân bắn chết.

Lập trường dạy chữ và tiếng Đại Pháp. Cho Diệp Văn Cương làm Chưởng giáo, Nguyễn Hữu Mẫn làm Trợ giáo3.

Tháng 4 nhuần, quan Đại Pháp ở Hà Nội bắt quan Bố chánh cũ là Nguyễn Cao; Nguyễn Cao không chịu khuất, tự tử.

Quan Đại Pháp ở Nghệ An bắt được Đốc học Nguyễn Xuân Oân. Tháng 4 năm sau giải về Kiinh, các quan thương với quan Khâm sứ cho ở ngoài khỏi giam. Được ít lâu, Nguyễn Xuân ôn bị bệnh mất.

Quan Đại Pháp ở Bình Định bắt được Mai Xuân Thưởng4, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận và từ Phó tướng trở xuống cả thảy 11 người, đều chém cả.

Tháng 5, đòi Hữu trực kỳ Khâm mạng đại sứ là Hoàng Tá Viêm về Kinh đợi chỉ. Lại cho ông Nguyễn Hữu Độ ra làm Kinh lược đại sứ ngoài Bắc Kỳ.
Tỉnh Thanh bắt được Tú tài Nguyễn Phương và con là Nguyễn Quýnh5. Nguyễn Phương liền tự tử.

------------------
1 Khi ấy chưa có lệ được ăn hưu bổng.
2 Phạm Bành nguyên Thị độc lãnh Án sát Nghệ An, khi khởi sự xưng Tán lý.
3 Diệp Văn Cương hàm kiểm thảo, kiêm quản sở Hành Nhơn, Nguyễn Hữu Mẫn làm Tư vụ sở Hành Nhơn.
4 Mai Xuân Thưởng đậu Cử nhơn khi khởi nghĩa tự xưng Nguyên soái.
5 Nguyễn Phương tự xưng phó Đô thống, Nguyễn Quýnh tự xưng Lãnh binh.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #223 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:17:16 am »

Gặp ngày Chánh trung, quan Khâm sứ xin duyệt binh trước lầu Ngọ Môn, rước Ngài lên Ngũ phụng lâu xem duyệt binh. Ngự xem duyệt binh từ đây là đầu.

Tháng 6, Nguyễn Thân đánh phá toán quân Nguyễn Hiệu tại núi An Lâm, chém những người cừ mục, lấy được khí giới tiền lương nhiều lắm. (Hiệu đậu Phó bảng, hàm Hường lô tự khanh).

Tháng 7, ngày Nhâm Tuấtn, có vì sao chạy, tiếng kêu như sấm. (Sao ấy từ đông nam chạy qua tây bắc rồi rớt xuống, sắc xanh xen sắc đỏ, khi  đầu nghe ầm một tiếng như súng lớn, rồi sau nổ hai ba tiếng như sấm nhỏ).

Nguyễn Thân tìm ra bọn Nguyễn Hiệu ở miền thượng nguyên Phước Sơn, bắt sống được 8 người cừ mục và thân quyên.

Nguyễn Thân sai người bắt được Nguyễn Hiệu, chạy cờ đỏ về báo tiệp, bỏ Nguyên Hiệu vào củi giải về Kinh. Khoản trong 10 ngày, cừ mục ra thú rất nhiều. Tỉnh Quảng Nam yên lặng.

Thân hào tỉnh Nghệ ra thú 442 người; đều cho về nhà làm ăn.

Cho Khâm sai đại thần là Nguyễn Thân gia hàm Thượng thơ nhưng sung Nghĩa Định Tiễu phủ sứ; lại thưởng thêm một cái Kim khánh hạng lớn khắc 4 chữ "Lao năng khả tưởng".

Cho Nguyễn Thuật làm chức Tả trực kỳ1 Tuyên ủy xứ trí đại thần, Nguyễn Thuật đem tình hình điêu háo trong tỉnh Quảng Nam tâu lên, xin rằng trong năm Hàm Nghi, tỉnh ấy còn thiếu thuế đinh và thuế các hạng bao nhiêu xin gia ân tha hết. (Trừ thuế nha phiến, thuế yến sào, thuế mỏ than và thuế rượu thời phải chiếu lệ nạp đủ). Ngài cho.

Tháng 10, quan Văn minh điện đại học sĩ tước Phò nghĩa tử là Phan Đình Bình bị việc, định tội chết.
 
Tháng 11, người tỉnh Nghệ là Hường lô tự thiếu khanh Nguyễn Thành ra thú. Được ít lâu, bị bệnh mất.

Tháng 12, quan Đại Pháp giao lại miếu Công thần và các đại trại lính ở trong Kinh thành từ cửa tây nam đến cửa Chánh Tây, còn các sở chưa giao lại.

Năm Mậu Tý thứ III (1888), tháng giêng, đặt nha Kinh lược ngoài Bắc Kỳ.

Tháng 2, quan Toàn quyền là ông Công Tăng tới Kinh vào yết và dâng quốc thơ nước Đại Pháp. Trong thơ đại ý nói rằng: đức Giám quốc mới thiệt sẵn lòng về việc giao hiếu. Ngài ngự qua lầu sứ hỏi thăm, truyền phủ Tôn Nhơn và Đình thần làm thơ đáp lại.

Cho học trò trường Hành nhơn được ăn lương và được trừ xâu thuế. Ấy là theo lời Diệp Văn Cương xin.

Tháng 3, đặt tỉnh Phương Lâm ngoài Bắc Kỳ. Tỉnh lỵ đóng tại làng Phương Lâm thuộc về huyện Bất Đạt. Đem đạo Mỹ Đức trong tỉnh Sơn Tây và các hạt dân Mọi, dân Thổ trong tỉnh Ninh Bình lập thành tỉnh ấy, giao quan Công sứ quản trị.

Tháng 4, quan Đại Pháp mới lập sở Đại Nam nhật báo.

Sai các quan thầy thuốc mình qua lầu sứ học phép trồng đậu. Trong tỉnh Nghệ đất mọc lông (dài hơn 2 tấc, sắc đen).
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị chứng dịch.

Đặt nha Điển Nông trong tỉnh Quảng Ngãi. Vì các quan tỉnh tâu rằng: "người tỉnh ấy có quan quyền Bố chánh cũ là Võ Duy Tĩnh trình rằng: trong hạt ấy những đất ruộng bỏ hoang và những chỗ đầm lầy cát bồi có thể khai khẩn được hãy còn nhiều lắm, xin khai khẩn hết để thêm địa lợi. Võ Duy Tĩnh lại xin làm chủ việc ấy và xin lựa một người Thổ trước đặt làm Bang tá, phái thêm vài người tỉnh thuộc

---------------------
1 Tả trực là tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghãi; Tả kỳ là tỉnh Bình Định, Phú Yên.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tám, 2009, 01:31:46 pm gửi bởi Midaxudavo » Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #224 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:19:35 am »

với Hiệp quản, Suất đội đem 100 quân đóng thành một sở để làm việc. Còn bổng hướng, trâu bò, cày bừa, xin quyên thại mà cấp. Đợi ba năm rồi sẽ chiếu số thành hiệu nghĩ định thưởng phạt".

Tháng 5, chuẩn cho đem tiền nạp thuế; cứ mỗi hộc lúa nạp 8 quan tiền.

Tháng 6, Tây buôn tên là Đô Phối xin rằng: trước ông ấy đã lãnh trưng thuế gỗ, nứa, mây, thuộc về tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ. Bây giờ xin trưng hạn trong ba năm hết thảy các thuế sản vật trên rừng. Ngài xuống chỉ giao bộ Hộ bàn định điều lệ giao cho ông ấy nhận làm.

Tháng 7, quan Khâm sứ Hách Tô giao lại một quyển sách chữ Pháp đã dịch rồi của ông quan ba Lô Sơ coi về việc địa đồ. Cơ mật tâu xin giao cho quan tỉnh xét trong tỉnh người  nào quan thuộc tình thế trên mọi, thời cho phẩm hàm, phái lên các xứ mọi thám xét.

Tháng 8, đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp.

Tháng 9, đổi nha Kinh lý An Khê làm huyện Bình Khê (thuộc tỉnh Bình Định) đặt quan lại coi việc huyện ấy.

Tháng 10, quan Đại Pháp đóng đồn ở Quảng Bình rước ngài Hàm Nghi về cửa Thuận An; rồi rước lên tàu hỏa qua ở xứ Anh Xe Nhi (Algérie). Nguyên khi trước Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Trình tới đồn Đại Pháp đầu thú, xin dẫn quan Đại Pháp qua miền Thượng nguyên huyện Tuyên Hóa gọi là xứ Thằng Cuội, rước Ngài Hàm Nghi về Cửa Thuận; rồi quan Toàn quyền tới thương xin rước qua ở xứ khác, đợi khi nào trong nước yên lặng rồi sẽ đưa về. Ngài ngự truyền quan Cơ mật là Đoàn Văn Bình tới cửa Thuận hầu thăm, về tâu. Rồi tàu hỏa nhổ neo đi ngay.
Tháng 11, người tỉnh Quảng Bình tên là Lê Trực1 đem hơn 100 quân và khí giới tới đồn Thuận Bài đầu thú.

Các quan Cơ  mật thấy biên lời khẩu cung Lê Trực nói nhiều câu vô phép, liền thương hỏi quan Toàn quyền xử trí thế nào. Quan Toàn quyền thương rằng: "khi Lê Trực ra thú quý quan trót đã hứa cho tha tội  mà lại hậu thưởng; nay nên đừng thưởng nữa, nhung tha nó khỏi tội, để khiến nó dụ giặc ra thú, chắc rằng nó cũng hết lòng gắng sức". Quan Cơ mật đem việc ấy tâu lên, Ngài cho.

Quan Toàn quyền là ông Lê  Na thương rằng: tiền chi phí về khoản đức Hàm Nghi đi thời nước ta cứ mỗi năm chịu 4.981 đồng bạc, và 1 tên bồi hầu mỗi năm cấp lương 299 đồng.

Tháng 12, Ngài se, ngày 27, Ngài băng ! Ngài có 6 ông Hoàng tử và 3 Công chúa. Các quan thấy mấy ông Hoàng còn nhỏ chưa nối ngôi được, mới rước con thứ bảy đức Cung Huệ Hoàng Đế2 vào nối ngôi.


-  ./. -

----------------
1 Lê Trực trước đậu Tiến sĩ võ, sau làm quan đến Đề đốc.
2 Cung Huệ Hoàng Đế là ông Dục Đức. Đến triều Thành Thái mới truy tôn, chớ khi trước bị bỏ chưa có miếu hiệu.

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tám, 2009, 05:50:06 am gửi bởi Midaxudavo » Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #225 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2009, 01:49:30 pm »

Quốc Triều chính biên toát yếu - Tổng Tài Quốc sử quán triều Nguyễn Cao Xuân Dục chủ biên, quyển VI, ghi đến ngày vua Đồng Khánh băng hà . Để Quý vị tiện theo dõi, tôi đưa lên hình Phả hệ nhà Nguyễn:
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2009, 05:06:04 am gửi bởi Midaxudavo » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM