Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:55:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điểm sách-Bình sách  (Đọc 66940 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2010, 12:38:06 pm »

Những bức tường lửa công nhận hay thật. Đọc những đoạn trích "luận văn quân sự" của tướng Hùng Phong, em đang tự hỏi không biết tác giả đã lấy ai làm nguyên mẫu của nhân vật này.

Có điều chưa ổn lắm là phần đời sau này của HP được đề cập khá sơ sài, các nhân vật Lân, Côn bị ông bạn học kiêm đồng đội dùng thủ đoạn nẫng mất người yêu rồi đá thẳng cánh mà vẫn giữ tình bạn tốt với HP. Có vẻ đây là cách mà tác giả cố át đi phần tiêu cực trong con người ông này.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2010, 05:41:06 pm »

 Nhà văn của "Những bức tường lửa" lại vừa cho ra đời một cuốn tiểu thuyết mới mang cái tên rất chiến tranh - Đối chiến. Đúng như tên gọi của nó đây là một cuộc "đối chiến" giữa hai bên, một bên là những chiến sĩ của sư đoàn Đồng Bằng và một bên là quân lực VNCH mà đại diện là lữ dù 3 của đại tá Thọ trong một chiến dịch rất nổi tiếng được phía VNCH gọi là "Lam Sơn 719".

 Chắc là để cho "đối" một cách trọn vẹn nên kết cấu của cuốn tiểu thuyết cũng khá độc đáo, ta nguyên một chương thì địch cũng trọn một chương, ta gọi đối phương là "địch" thì đối phương cũng gọi ta là "địch", ta có mưu thì đối phương có kế, ta anh hùng thì đối phương cũng chẳng nhát gan,... Cuốn tiểu thuyết này có vẻ cũng đi theo trào lưu mới của những tiểu thuyết chiến tranh gần đây khi không còn mô tả đối phương như những kẻ "thập ác bất xá" chỉ biết bắn giết và trai gái, phía "bên kia" cũng có những "người hùng" của họ, có tình cảm, tình yêu và cả lòng tự tôn của người lính chiến. Đó là đại tá Sơn Đường tự dành viên đạn cuối cùng cho mình sau khi cả ba khẩu súng đã rỗng nòng trên đường rút chạy khỏi Bản Đông. Là thiếu tá dù Hoàng Xuân Thời, ngang tàng kiểu "anh hùng mũ đỏ" nhưng sợ vợ, sợ vợ mà vẫn dắt giây một mối tình với cô nữ sinh Huế đến kết trái, nở hoa và chết trong một trận phản vây lấn cùng với "hổ đội" của anh ta khi vừa rời tấm khăn sữa của con trai. Hay đại úy Thanh Vân tu nghiệp tại Mỹ về, mất chức đại đội trưởng đại đội Hắc Báo vì... đấu súng.

 Tất nhiên, tác giả đã dành những trang viết ưu ái nhất dành cho đồng đội của mình, người lính trung đoàn 64, sư 320 hiện lên trên từng trang giấy thật dung dị mà cũng không thiếu đi chất anh hùng ca của một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ...". Ta có thể gặp ở đây tiểu đoàn trưởng Thịnh tếu táo, kiêng thịt chó trước khi vào trận nhưng lại kiên quyết không chịu ăn chay, bình tĩnh đến lạnh lùng trước những thi thể của các cô thanh niên xung phong trúng B52 rải thảm nhưng cũng thật hồn nhiên khi "so kè" với đơn vị bạn được đảm nhiệm mũi chủ công. Còn chàng trợ lý tác chiến Dân trai làng Cót, "đẹp trai lồng lộng" bị bỏ bùa bởi cô trung đội trưởng dân quân quê miền "mô, tê, răng, rứa". Hay tiểu đoàn trưởng Hải Đông hy sinh vì chính những viên đạn của thương binh đối phương khi anh đứng lên ngăn chặn chiến sĩ của mình trong cơn nóng giận đang sẵn sàng bắn vào những tên thương binh của lữ dù 3 nằm đầy nhóc dưới chiến hào của "căn cứ hỏa lực 31", bỏ lại đằng sau người vợ và cô con gái nhỏ, còn thêm một "hạt sống" đang thành hình trong bụng cô dân quân Nhài yêu chỉ vì yêu nơi xóm Chát.

 Tác giả vốn trưởng thành từ lính chiến nên ngôn ngữ, câu văn rất lính. Cũng như nhiều tiểu thuyết trước của ông, ở "Đối chiến" chúng ta cũng được nhập vào cái không khí sinh hoạt, chiến đấu rất đặc trưng của lính, tếu táo đấy, ngang tàng đấy mà cũng không kém phần lãng mạn, nhân văn. Câu chuyện về chiếc bi đông chuyền tay qua ba người lính mà cả ba người đều hy sinh giá mà được khai thác, đầu tư thêm thì sẽ lột tả được hết cái khốc liệt, vô tình của chiến tranh và nêu bật được cái giá phải trả cho chiến thắng.

 Theo tôi thì cuốn tiểu thuyết mới của Khuất Quang Thụy đã không làm cho tôi - vốn là một độc giả khắt khe - phải thất vọng, tuy nó chưa vượt lên được "Những bức tường lửa" nhưng cũng không kém mấy. Có lẽ cuốn tiểu thuyết này không làm tôi thích bằng tác phẩm trước của ông một phần là bởi tác giả đã quá coi trọng cái sự "đối" cả trong khi chiến cũng như lúc "phong hoa tuyết nguyệt" của những người lính cả hai phía, đến cái chết của họ cũng có nét giống nhau.

 Nhưng nói gì thì nói, với hơn 600 trang sách ngồn ngộn không khí chiến tranh, miêu tả cuộc đối đầu giữa hai đội quân trên một chiến trường nổi tiếng thì đây cũng là một cuốn sách đáng đọc, đặc biệt với những thành viên của diễn đàn ta! Grin  
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2010, 05:52:00 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
trucngon
Thành viên
*
Bài viết: 1776



« Trả lời #102 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 03:43:17 pm »

Em hóng hớt tí! Nó đã nằm trên kệ chưa ạ? Khoảng 600 trang mà lọ mọ gõ cũng hơi lâu! Cheesy
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 05:31:31 pm »

Cuốn "Đối chiến" của nhà văn Khuất Quang Thụy đã có mặt ở Thư viện QĐ và đang được bán tại Trung tâm Phát hành sách 23 Lý Nam Đế, bạn ạ!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:13:16 pm »

Cuốn "Đối chiến" của nhà văn Khuất Quang Thụy đã có mặt ở Thư viện QĐ và đang được bán tại Trung tâm Phát hành sách 23 Lý Nam Đế, bạn ạ!

Mua hộ/tặng em 1 quyển đi sếp ơi Grin
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:35:14 pm »

Ừm, nhưng hộ hay tặng nào? Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
sapaco
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 847


« Trả lời #106 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 04:23:49 pm »

nhà xuất bản đã phát hành chưa TL, nếu có thì chắc hẳn trong TP mang tên bác cũng có, nếu có trong tạp chí VNQĐ càng hay, vì tháng nào cũng mua một cuốn để gối đầu giường, vã lại lởme6 nhà văn Khất Quang Thụy từ ngày còn là lính
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 05:21:39 pm »

Tạp chí VNQĐ là cơ quan riêng, độc lập với hệ thống phát hành sách của QĐ, bác sapaco ạ! Grin

Để em hỏi lại xem, chắc sách chưa vào đến phía Nam đâu.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
ancakho
Thành viên
*
Bài viết: 281


« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 06:26:30 pm »

Phục vụ các bác một ít đọc chơi!  Grin
------------------------------------------------------------------------------------

Phần thứ nhất

Điểm tạm dừng

Chương một

1

Tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh trở về đội hình hành quân của tiểu đoàn vào lúc rạng sáng, sau hơn một giờ được gọi lên hội ý với Ban chỉ huy trung đoàn. Anh cũng như các cán bộ chỉ huy được dự cuộc hội ý đều tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí ít nhiều hụt hẫng, tưng hửng, khi được nghe trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên phổ biến mệnh lệnh của sư đoàn trưởng vừa chuyển tới bằng vô tuyến điện. Mệnh lệnh đó chỉ tóm lại trong vài câu, trung đoàn 3 cùng với đội hình của sư đoàn tạm thời ngừng cuộc hành quân ra Bắc, dừng lại đóng quân tại vùng Tây Quảng Bình chờ lệnh mới. Mệnh lệnh này quả là “khó nuốt” khi cả sư đoàn đang hăm hở nươc “mã hồi’. Sau hai năm chiến đấu tại chiến trường Bắc Quảng Trị, những tưởng phen này được trở về hậu phương, nghĩa là được trở về Miền Bắc hẳn hoi để xây dựng, củng cố, lấy lại phong độ thực sự của một sư đoàn chủ lực của Bộ. rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện trở lại chiến trường đánh đấm cho ra trò. Khi bắt đầu rời chiến trường hành quân về hậu phương, ai cũng hăm hở vui mừng. Dọc đường hành quân, lính chỉ nói chuyện quê hương, nhiều người còn bộc lộ những dự định khá “lãng mạn” như cưới vợ, sinh con, thậm chí có anh còn nuôi mộng được giải ngũ trở về nhà để đi học một nghề mới để “thoát li” chứ không chịu trở về làm anh nông dân suốt ngày theo sau đít con trâu nữa.

Ai cũng biết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn rất lâu dài, nhưng cũng chẳng ai hăm hở muốn nhanh chóng trở lại chiến trường để ngày đêm đối mặt với bom đạn, hiểm nguy, đùa giỡn với tử thần. Chuyện đó bây giờ hãy để cho đám lính mới, hoa thơm mỗi người ngửi một tý chứ. Đó là tâm sự thật, lính tráng vẫn nói công khai với nhau, chẳng sợ bị cán bộ trù úm. Thì lòng vả cũng như lòng sung thôi. Cán bộ cũng thích nói tới một thời gian được nghỉ ngơi dài dài ở hậu phương. Chỉ những khi nào cần động viên lính, quán triệt các nghị quyết hay nói trên diễn đàn họ mới lên giọng hăng hái nói tới việc tha thiết mong mỏi được trở lại chiến trường, tiếp tục chiến đấu để nhanh chóng đi tới ngày thắng lợi cuối cùng.

Họ nghĩ vậy, mong mỏi như vậy không phải họ không yêu nước, không phải họ đã sa sút ý chí chiến đấu, mà chỉ đơn giản vì họ đã quá mệt mỏi sau hai năm chiến đấu không nghỉ trên chiến trường.

Tiểu đoàn trưởng Thịnh cũng vậy. Anh thất vọng vì hành trình về hậu phương đã sớm bị gián đoạn. Anh cũng đủ thông minh để hiểu rằng, nếu sư đoàn được lệnh dừng lại ở đây thì thời gian được xả hơi thực sự sẽ không nhiều. Từ vùng đứng chân này đơn vị anh có thể trở lại chiến trường bất kì lúc nào.

Mới chỉ tạm dừng chân gần một giờ đồng hồ nhưng lính tráng đã tranh thủ lăn ra ngủ khắp mọi bờ bụi dọc hai bên đường hành quân. Không bỏ phí phút nào. Chính trị viên Cấn Huy Pho và các trợ lí trong Ban chỉ huy tiểu đoàn cũng đã nằm rải rác bên vệ đường mà ngủ say như chết. Như vậy mới là lính chiến thứ thiệt. Chỉ còn hai cậu trinh sát tiểu đoàn được phân công cảnh giới đội hình là còn tỉnh táo.

- Thủ trưởng về rồi ạ? Hội ý gì mà lâu thế?
- Ư có chuyện mà…Cậu liên lạc đâu rồi?
- Nó nằm đâu đó. Chắc đang ngủ say.

Cậu Vân liên lạc của anh tựa vào một gốc cây, nửa nằm nửa ngồi, ba lô vẫn sau lưng, súng ôm trong lòng, ngáy pho pho, miệng liên tục hép chép như vừa được chén món gì đó ra trò. Lay mãi hắn không tỉnh, Thịnh phải thẳng chân đá vào hông mấy cái nó mới hốt hoảng vùng dậy

- Đi tiếp…đi tiếp hả?
- Tỉnh ngủ chưa? Đi truyền lệnh cho các đại đội đánh thức bộ đội dậy, chuẩn bị hành quân. Mời các đại đội trưởng và chính trị viên lên đầu đội hình hội ý. Rõ chưa ?

Vân vừa ngáp vừa càu nhàu
- Rõ. Sáng bạch đến nơi rồi. Cho lính ngủ luôn một giấc, mai đi, có hơn không?

Chính trị viên Pho cũng vừa tỉnh dậy, nghe loáng thoáng có tiếng của tiểu đoàn trưởng. Anh xốc lại ba lô, đứng dậy tiến về phía tiểu đoàn trưởng, hỏi
- Anh Thịnh về rồi hả? Có chuyện gì mà hội ý,hội báo lâu thế?

Thịnh vừa ngáp vừa uể oải trả lời!
- Chán mớ đời. Đơn vị mình được lệnh dừng lại rồi. Không “bắc tiến” nữa
- Sao lại dừng?- Chính trị viên Pho ngạc nhiên hỏi lại
- Dừng là dừng, chứ sao? Lệnh trên là thế.
- Con khỉ!
- Khỉ à?
- Là nói …lệnh trạng cái đồ con khỉ! Lính đang phấn chấn vì được về Bắc. Bây giờ biết động viên làm sao đây?
Thịnh bật cười khô khốc

- Khì… Đó là việc của ông. Phát huy vai trò đi chứ! Chính trị tư tưởng phải luôn là kim chỉ Nam
- Giá nó tiếp tục chỉ Bắc thì tốt hơn. - Chính trị viên Pho làu bàu - Có lẽ cấp trên cho lính nghỉ một vài ngày trước khi tiếp tục hành quân ra Bắc.

- Thế thì còn nói làm gì. Mệnh lệnh rõ ràng, toàn sư đoàn dừng lại tại Quảng Bình để củng cố lại lực lượng, sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

- Toi rồi. Mình đã viết thư báo tin cho vợ rằng phen này nhất định sẽ được về phép để kiếm một thằng cu. Nếu sớm quay vào chiến trường thì coi như đi đứt!
Thịnh bỗng bật cười
- Có khi cậu phải nhờ đến anh em dân quân thôi

Vừa lúc đó cán bộ các đại đội lục tục kéo tới. Thịnh kéo mọi người ngồi xuống một vạt cỏ ướt đẫm sương đêm bên vệ đường rồi bắt đầu phổ biến tóm tắt mệnh lệnh mới

- Các đồng chí đại đội trưởng và chính trị viên các đại đội. Chúng ta được lệnh …tạm thời dừng lại ít ngày - Anh ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp -Trước mắt là như vậy. Khu vực đóng quân của trung đoàn ở gần đây thôi. -Anh mở bản đồ dọi đèn pin lên rồi chỉ vào một khu vực được khoanh bằng bút chì đỏ

- Tiểu đoàn ta sẽ trú quân dọc theo con suối này. Đó là một dải đồi thấp, có rừng tái sinh. Rất gần với nương rẫy của dân. Cách vị trí đóng quân của ta chừng một cây số có hai xóm nhỏ

- Sao ta không được đóng quân trong dân - Một đại đội trưởng hỏi

- Tôi không biết. Chỉ có trung đoàn bộ và một vài đại đội trực thuộc được đóng quân trong dân. Tất cả các đơn vị còn lại đều đóng quân trong rừng, ngoài đồi. Ngay ngày mai sẽ bắt đầu đào hầm hào và làm lán trại?

- Làm lán trại? - Cả mấy ông đại đội trưởng đều la lên - Vậy …chúng ta không … về miền Bắc nữa à?

- Thì đây chẳng là miền Bắc hậu phương lớn rồi hay sao? Cấp trên chỉ nói lần này sư đoàn chúng ta dược lui quân ra Miền Bắc hậu phương lớn để nghỉ ngơi củng cố. Chứ có ai nói sẽ về tận Hà Nam nhà cậu để đóng quân đâu?

- Đúng… đúng... Cấp trên chưa bao giờ nói thế - Chính trị viên Pho như vớ đươc chiếc phao cứu sinh - Ngay trong Nghị quyết của Đảng uỷ trung đoàn cũng chỉ nói chúng ta lãnh đạo tốt cuộc hành quân lớn của sư đoàn từ chiến trường trở về Miền Bắc hậu phương lớn để củng cố. Xây dựng lại đơn vị sau hai năm chiến đấu gian khổ, ác liệt. Chúng ta xây dựng củng cố lại đơn vị để làm gì nào? Đâu phải để duyệt binh hả? Sư đoàn chúng ta là sư đoàn chủ lực cơ động của Bộ. Vậy nên, những chiến trường nào gian khổ ác liệt nhất….

- Thôi thôi - Tiểu đoàn trưởng Thịnh vội gạt đi - Ông sẽ khai hội quán triệt nhiệm vụ sau - Bây giờ, các đồng chí trở về ngay đơn vị, xốc lại đội hình. Chúng ta đã hành quân suốt đêm qua, bộ đội rất mệt mỏi, nhưng làm thế nào để đến khi trời sáng, hành quân qua khu vực dân cư cũng phải cho ra dáng bộ đội chủ lực một tí.
Nhếch nhác như đoàn quân thất trận thì mất mặt lắm. Tới nơi trú quân, các đơn vị vẫn phải tuân thủ kỉ luật phòng gian bảo mật và chế độ sẵn sàng chiến đấu cao. Đừng quên nơi này vẫn là tuyến lửa đấy. Bọn phi cong Mỹ ngoài hạm đội 7 chỉ ngáp một cái là có thể dội bom lên đầu ta rồi. Bộ đội sẽ được nghỉ đến chín giờ sáng. Sau đó các đơn vị bắt tay ngay vào việc đào hầm hào công sự phòng tránh đánh trả theo đúng đội hình tiểu đoàn bố trí. Ngày hôm nay phải đào xong hầm hào, công sự để từ ngày mai sẽ bắt đầu xây dựng lán trại

- Nhưng chúng ta chỉ có một ít xẻng cuốc, vài con dao, vài cái cưa cầm tay… lấy gì để làm lán trại

Tiểu đoàn trưởng Thịnh đứng dậy, nói dõng dạc

- Trung đoàn sẽ cố gắng thu xếp cho mỗi đơn vị một ít dụng cụ. Còn lại thì phải khắc phục. Nên nhớ, chỉ với mấy con dao găm, vài cái cưa tay thôi nhưng chúng ta cũng đã từng dựng được cả những khu vực kiềng rất hoành tráng. Thậm chí còn có cả những căn hầm lớn làm kho tàng, trạm cứu thương nữa. Không có việc gì lính không làm được. Thôi, nói vậy đủ rồi. Giả tán! Các đồng chí về đơn vị quán triệt nhiệm vụ ngay. Ba mươi phút nữa hành quân.

Khi các cán bộ đại đội đã tản đi hết, chính trị viên Pho mới thở ra một hơi dài

- Ông làm tôi hố quá. Nhưng, cũng nhẹ cả người. Rốt cuộc nói thật vẫn cứ hơn, phải không?

Thịnh xua tay

- Vớ vẩn. Việc gì cũng có lúc của nó. Ông đã được ngủ gần một giờ, khoẻ hơn tôi.Vậy hãy chạy dọc đội hình xem bộ đội của mình chỉnh đốn trang phục có ra hồn không? Đứa nào ăn mặc rách dưới, lôi thôi, bẩn thỉu quá thì bắt nó dừng lại, kiếm bộ đồ tươm tất một tý mà thay đi. Người nào không có trang phục tử tế thì dồn dịch trong tiểu đội, trung đội để mỗi đứa phải có được một bộ quần áo cho coi được. Tôi không muốn lính của tôi khi gặp dân mà trông như một đội quân ăn mày.

Chính trị viên Pho không nói gì, lặng lẽ xốc ba lô lên vai rồi chạy theo đội hình hành quân của tiểu đoàn.
Tiếng là một tiểu đoàn, nhưng vào thời điểm này tiểu đoàn của Thịnh chỉ còn hơn trăm người. So với hồi đầu năm 1968, khi đơn vị bắt đầu nổ súng tham gia chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu thân thì quân số chỉ còn một phần ba. Hai năm chiến đấu liên miên đã khiến tiểu đoàn rơi rụng mấy trăm lính. Số hi sinh số bị thương bị loại khỏi vòng chiến chiếm nhiều hơn cả. Tuy vậy cũng có một số kẻ đào ngũ và chừng vài chục người còn mất tích. Lại nhớ hôm tập hợp toàn trung đoàn để chuẩn bị hành quân ra Băc, trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên đã ngậm ngùi nói với anh em cán bộ các tiểu đoàn

- Hai năm trước trung đoàn ta ra trận với hàng ngàn quân, người lính nào cũng trẻ trung tươi đẹp như một rừng hoa, toàn quân mũ sắt sáng ngời,quân phục mới tinh, khí thế như rồng như hổ. Vậy mà hôm nay trung đoàn xơ xác thế này đây. Chúng ta đã đánh vài chục trận lớn nhỏ, lập những chiến công lẫy lừng, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ. Nhưng phải nói thẳng, chúng ta cùng thương tích đầy mình.

“Trung đoàn thì thương tích đầy mình nhưng …thế quái nào mà cái thằng ta thì lại không dính phải hòn tên mũi đạn nào nhỉ?” Đôi lúc Thịnh cũng thường tự hỏi mình như vậy và chẳng bao giờ anh tìm được câu trả lời thoả đáng. Thôi thì cái số nó may mắn thế, biết làm sao được? Nhiều lần sau những trận đánh đẫm máu, nhìn đồng đội kẻ chết, người bị thương nằm la liệt xung quanh Thịnh cũng cảm thấy chạnh lòng. Đôi lúc anh nảy ra những ý nghĩ rất lẩn thẩn” Giá như mình cũng bị vài vết thương, dù chỉ qua quít thôi thì cũng dễ ăn dễ nói hơn với anh em”. Nhưng đánh mãi mà người anh vẫn trơ ra,nhẵn thín ,thì biết làm sao? Dần dà cái chuyện tiểu đoàn trưởng Thịnh đánh mãi mà”vẫn cứ nhẵn thín” trở thành câu chuyện bàn tán trong anh em, thậm chí có nhiều người rỉ tai nhau” Ông Thịnh có quí nhân phù trợ. Cao số lắm. Đi đánh trận với ông ấy thì nhất định sẽ chắc thắng mà còn chắc gáo nữa” Vì cái niềm tin lạ lùng ấy mà họ luôn sát cánh bên anh, anh xông lên trước, có lúc cũng hơi bạt mạng, nhưng họ cũng hò nhau cùng anh xông lên chiến đấu, vì thế mà tiểu đoàn anh đánh thắng nhiều trận, trong đó có cả những trận thắng một cách may mắn lạ lùng.Vậy mà anh …vẫn chưa một lần vinh dự được bị thương! Cái chuyện kì quái này rồi cũng đến tai trung đoàn trưởng Tiên. Một hôm, trong khi đi trinh sát chuẩn bị chiến trường, ông đột nhiên hỏi anh

- Này Thịnh…Có phải cậu chưa hề bị một vết thương nào trên người ?

- Vâng. Em vẫn nhẵn thín. Không tin em cởi quần áo ra cho thủ trưởng xem ngay.

- Là tớ hỏi thế thôi. Hôm đánh tập kích bọn Mỹ ở đồi 300, nhìn thấy cậu từ đầu đến chân toàn máu là máu, tớ cứ ngỡ thế nào cậu cũng dính vài nhát.

- Toàn máu Mỹ cả đấy. Đó là trận giáp lá cà khét tiếng, thủ trưởng còn lạ gì? Trận ấy thằng Hân nó đâm quằn cả lê.đến nỗi cái lê quằn của nó lôi từ trong bụng thằng Mỹ ra một đống ruột non ruột già còn bốc khói nghi ngút. Trông phát khiếp!

Trung đoàn trưởng Tiên chép miệng than

- Tiếc quá, ngay sau đó cậu Hân cũng chết. Nếu không có thể đề nghị tuyên dương nó thành anh hùng. Một mình diệt mười hai tên Mỹ trong một trận giáp chiến. Đúng là Triệu tử Long tái thế!

- Thì nó đích thị là anh hùng ròi.Cần gì phải đợi ai tuyên dương? - Thịnh khẳng định, rồi thở dài - Nhưng nó chết cũng thảm quá. Trúng nguyên một quả pháo, bọn em chỉ nhặt được cái đầu nát bấy với hai cái cẳng chân. Không chết khi xung phong giáp chiến mà lại chết khi lui quân mới đau chứ!

Trung đoàn trưởng Tiên bỗng trở nên ưu tư

- Từ sau trận đó thằng Mỹ dường như khôn hơn. Chẳng mấy khi bọn nó để cho ta có cơ hội đến gần chơi giáp chiến nữa. Mà này. Các cậu cũng sáng ý biết giữ lại cây súng và lưỡi lê của cậu Hân. Mấy ông ngoài Tổng cục chính trị vừa rồi vào sư đoàn hứa sẽ mang ra trưng bày tại bảo tàng đấy.

Thịnh bịt miệng cười

- Đồ rởm đấy, bố ạ. Khẩu súng của thằng Hân cũng tan theo xác nó hôm ấy rồi. Hôm mấy tay phái viên sư đoàn và tổng cục gì đó xuống tiểu đoàn tôi xin thu lại khẩu súng có gắn lưỡi lê của thằng Hân để mang về làm hiện vật truyền thống. Tôi đã xuýt nói thật. May sao ông Pho sáng ý bảo “Ôi dào, súng thì khẩu nào chẳng giống khẩu nào. Cứ đưa đại cho các vị ấy một khẩu để mai này có cớ mà lưu danh cậu Hân nhà mình” “ Nhưng còn lưỡi lê bị cong vì đâm bọn Mỹ” “Thì lấy đại một cái, bẻ cong nó đi rồi gắn vào súng. Muốn cẩn thận hơn thì sang thằng Bốn quân y lấy một bịch máu khô hoà ra bôi đại vào đó. Thế là giống y như thật”.

Trung đoàn trưởng Tiên tỏ vẻ ngạc nhiên

- Các cậu…ngụy tạo hiện vật truyền thống như thế …là có tội với lịch sử đấy!

Thịnh cười xoà

- Ôi dào. Cụ cứ vân vi. Thì cái hôm đánh Thiện Xuân - Đầu Mầu xong cụ chẳng bắt anh em đơn vị tôi lên “diễn lại” cho phóng viên quân đội quay phim chụp ảnh đấy thôi. Như thế chẳng là ngụy tạo à? Khi chúng ta đánh trận, mặt mũi dáng vẻ đâu có sang trọng được như thế?

Trung đoàn trưởng trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi bật ra một câu như lời của những triết nhân:

- Phải, lịch sử mà chúng ta góp phần làm nên làm sao mà sang trọng, khôn ngoan, sạch sẽ được như lịch sử mai này người ta viết lại!
Logged

”˙ıɐ uầɹʇ ɯốnɥu ểđ ớɥɔ' ʇénb ıùɥɔ ɯăɥɔ ờıƃ ờıƃ' ƃuás ƃuơưƃ ıàđ ưɥu ɯâʇ' ềđ ồq ıộɔ àl uâɥʇ“
ancakho
Thành viên
*
Bài viết: 281


« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 06:30:31 pm »

2

Ngày thứ hai ở khu dừng chân. Tiểu đoàn trưởng Thịnh đang cùng cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn bộ dựng ngôi lán của Ban chỉ huy thì Lê Hoài Dân, trợ lí tác chiến của trung đoàn đến với một cuốn sổ nhàu nát trên tay

- Chào tiểu đoàn trưởng. Chào anh em.

Dân lớn tiếng chào khi nhận ra chẳng ai chú ý tới sự xuất hiên của mình.

Tiểu đoàn trưởng Thịnh đang thắt lại mấy mối lạt trên nóc lán với xuống chào khách

- Dân hả? Quan trung đoàn xuống có vịệc gì thế?

- Ông anh nói thế thì thằng em ngọng rồi. Cấp trên sai em xuống xem các anh triển khai xây dựng doanh trại đến đâu rồi thôi.

Thịnh đứng trên nóc nhà khoát tay

- Mới được thế này thôi. Đấy là nhà chỉ huy, được ưu tiên mọi dụng cụ có sẵn thì mới được thế này. Nhà ở của các phân đội thì vẫn đang còn ở giai đoạn san nền, đốn cây… Lính của tiểu đoàn tớ còn phải màn trời chiếu đất hàng tuần nữa

- Hầm hố công sự thì thế nào anh?

- Cái đó thì dẫu có dùng tay mà bới cũng phải xong ngay từ hôm qua rồi. Cậu cứ yên trí báo cáo với trung đoàn rằng nếu thằng Mỹ điên rồ nhảy xuống đây thì chúng tớ có thể quại ngay được.

Đợi Thịnh từ trên nóc nhà tụt xuống. Dân mứi ý tứ nói nhỏ

- Anh nói thế thôi chứ tôi vừa đi một vòng, thấy các phân đội của tiểu đoàn anh cũng đều đang dựng nhà cả rồi. Lính của anh nhanh chân nên đã kịp vào mấy xóm gần đây mượn hết dụng cụ của dân, các đơn vị khác chậm chân hơn nên còn lúng túng lắm

Thịnh bật cười ha hả

- Thế hả? Vậy mà bọn này láu cá thật, kêu các đơn vị cho người và dụng cụ lên chi viện cho Ban chỉ huy tiểu đoàn thì thằng nào cũng nhăn nhó kêu là đang múa tay trong bị. Lát nữa tớ phải dạo qua các dơn vị một lượt mới được, chứ nghe chúng nó báo cáo hồi sáng thì xem ra còn thê thảm lắm.

- Còn chuyện này nữa… -Dân rụt rè nói thêm - Lính của anh… phá rừng tợn quá. Khai thác tre gỗ làm lán thì không sao, nhưng anh em không chịu đi xa khu đóng quân, cứ nhằm những vạt rừng hai bên suối chặt hạ bừa bãi thì trống trải hết…và còn rất dễ bị lộ nơi đóng quân nữa.

- Có chuyện ấy à? Chết thật… tớ quan liêu quá. Chúng nó cứ tưởng rút ra đến đây rồi thì thằng Mỹ nó chẳng với tới được nữa. Được rồi, tớ sẽ nẹt chúng nó. Nhưng cậu đừng báo cáo trung đoàn những chuyện ấy vội nhé!

Dân cười xuê xoa

- Vâng…Thì em nói với anh trước đã. Chẳng gi em cũng từng xuất thân từ tiểu đoàn này trước khi lên làm lính trinh sát trung đoàn, ăn cây nào phải rào cây nấy chứ ạ.

Thịnh cảm động vỗ nhẹ vào vai Dân

- Tớ thích tính thẳng thắn của chú mày. Hồi còn trong chiến trường, mỗi khi ra trận mà được cậu dẫn đường là tớ tin tưởng lắm

- Vậy mà cũng có lần dẫn đường cho các anh đi chuẩn bị ở cánh Đông, em đã dẫn các anh đi lạc. Rơi đúng vào ổ phục kich của bọn biệt động. Cũng may, các anh đánh tao ngộ khá thiện nghệ nên thoát được. Nếu chẳng may có chuyện gì chắc em mang tội.

- Chuyện vặt. - Thịnh tặc lưỡi - Hồi đó đang từ cánh Tây, rừng núi trùng trùng lật sang cánh Đông toàn đồng trắng, điạ hình đơn điệu, chỗ nào cũng như chỗ nào, mà lại toàn cơ động ban đêm, không lạc mới là chuyện lạ.

Nói tới đây tự nhiên Thịnh lại nhớ sang chuyện khác

- Cậu dẫn bọn tớ đi lạc nhưng vẫn sát cánh chiến đấu cùng chúng tớ. Như vậy đâu có vấn đề gì. Cậu cũng có thể bị giết kia mà. Nhưng còn có kẻ là chỉ huy cấp cao hẳn hoi, nhưng khi dẫn lính đi lạc, gặp địch thì anh ta bỏ mặc cho anh em chúng tôi chiến đấu, còn mình thì dẫn theo cả tổ trinh sát tìm đường vượt vòng vây thoát thân. Bị địch vây đánh tứ bề, lại không nắm được địa hình, một mảnh bản đồ trong tay cũng không có, may mà chúng tôi vẫn phá được vây tìm được đường thoát.

Dân nháy mắt

- Tôi biết chuyện đó rồi. Hồi đó… tý nữa anh còn bị kỉ luật nữa kia.

- Mẹ kiếp. - Thịnh nhổ toẹt một bãi nước bọt - Nếu dám đè tớ ra mà kỉ luật thì tớ cho lão ta ra bã ngay. Cũng may mà hồi đó ông Tiên đã ngăn lão ta lại, nói thẳng với hắn rằng nếu kỉ luật thằng Thịnh thì anh sẽ phải trả lời cấp trên nhiều câu hỏi khá hóc đấy. Thế nên hắn phải dừng tay. Tiếc rằng sau đó thì hắn lại được đề bạt lên chức tham mưu phó sư đoàn. Thì để hắn bước cho khuất mắt. Chứ nếu hắn còn ở trung đoàn này thì chắc sớm hay muộn tớ cũng phải so găng với lão ta một trận ra trò.

- Bắt quả tang hai người đang nói xấu thủ trưởng cấp trên nhé!

Chính trị viên Pho đột ngột xuất hiện khiến Dân giật mình

- Anh Pho,làm tôi hết cả hồn

Thịnh cười hỏi lại

- Vậy…anh có định đi tố chúng tôi không đấy!

Chính trị viên Pho bũi môi

- Dỗi hơi …Anh rõ thật. Quên rằng thằng này cũng là nạn nhân của trận “lạc chiến “ đó sao?

- Ư nhỉ! - Thịnh bỗng bật cười - Tôi quên rằng trận đó xém chút nữa thì anh bị con dao găm của một thằng Mỹ đen cắt xoẹt mất của quí. Cũng may nhát dao của hắn đã đâm chệch vào đùi. Cô Duyên nhà anh còn may chán đấy

Dân chợt vỗ trán la lên

- Hay quá…hay quá! Anh Pho vừa bổ sung một từ tuyệt hay cho từ điển quân sự hiện đại. Xưa nay người ta chỉ nói tới một trận quyết chiến, trận vận động chiến, tập kích chiến, tao ngộ chiến, công kiên chiến…chưa ai nói tới khái niệm “lạc chiến” cả. Tôi phải ghi vào đây mới được!

Tiểu đoàn trưởng Thịnh nhăn mặt

- Vớ vẩn. Làm gì có khái niệm ‘lạc chiến”? Không khéo có người hiểu chệch đi thành “cuộc chiến lệch lạc” thì cậu toi đời đấy

Rồi anh kể: Hồi mới đi bộ đội, khi mới vào huấn luyện tân binh, thằng Thông học trò Hà Nội, cùng tiểu đội với tớ kiếm đâu về được một cuốn tiểu thuyết của Liên Xô có tên là”Chiến bại”, bảo sách hay lắm, anh nên đọc. Tớ cáu tiết vứt ngay xuống rãnh nước trước nhà, mắng cho cu cậu một trận” Rác rưởi! Là lính sắp ra trận, đọc sách gì không đọc, lại đi đọc cái thứ gọi là “chiến bại”. Nó thì ngấm vào tận tuỷ, ám ảnh cậu suốt đời đấy!”. Đến khi vào chiến trường, sau trận tiểu đoàn bị thua to ở Cam Lâm, mất hơn bốn chục thằng, một đêm nằm trong hầm không ngủ được tớ mới hỏi thằng Thông: “Này, hồi đó cậu bảo tớ đọc cuốn sách”chiến bại “ gì đó, thế nó có hay thật không?” Thông mới thủ thỉ kể cho tớ nghe toàn bộ nội dung cuốn sách, kể xong, nó hỏi “Anh có thấy hay không?” “ Hay thật”. Tớ thừa nhận như vậy. Rồi thằng Thông thâm trầm kết luận “Cuốn sách đâu có nói về tư tưởng chiến bại, mà nó nói đến một khía cạnh hết sức quan trọng, đó là trong chiến tranh nhiều khi cũng phải biết chấp nhận thất bại. Không vị tướng tài ba nào có thể thắng tất cả các trận đánh trong một cuộc chiến tranh. Điều quan trọng là anh phải chiến thắng chính mình, chiến thắng trong những trận đánh quan trọng nhất và phải giành chiến thắng trong trận đánh cuối cùng.”. Đấy, nó đã nói như thế đấy. Cái thằng học trò mặt trắng Hà Nội. Tiếc rằng…nó đã không qua được trong cái trận”lạc chiến”hay ho mà ông Pho vừa nhắc tới.

Dân ngẩng lên nhìn Thịnh rồi ngập ngừng

- Anh Thông… người mà anh vừa kể chính là cậu ruột em. Cậu ấy là em út của mẹ em. Không phải là học trò đâu,khi tình nguỵện nhập ngũ cậu ấy đang là giáo viên cấp 2 được cử đi học bổ túc thêm một năm để trở thành giáo viên cấp 3

Thịnh ngạc nhiên

- Đang là giáo viên… cậu ta điên hay sao mà lại tình nguyện nhập ngũ!

- Không phải điên… mà là do… cậu ấy thất tình…

- Thế thì còn hiểu được - Thịnh gật gù - Tớ cứ tưởng là do hồi đó cả nước như lên đồng. Ai cũng muốn cầm lấy súng lấy đao nhảy bổ ngay ra trận.

Chính trị viên Pho ngắt lời

- Thì ông cũng vậy…Chẳng phải ông cũng đang là cán bộ nhà nước viết đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội đó sao?

Thịnh cười ngặt nghẽo

- Đúng vậy. Hồi đó ai mà chả viết đơn tình nguyện đi đánh Mỹ xâm lược. Vào năm sáu sáu, sáu bảy, cả nước nơi nào cũng sôi lên sùng sục. Không viết đơn, có mà là thằng hèn à? Mà này, tớ còn viết đơn bằng máu hẳn hoi kia đấy. Hồi đó tớ đang làm việc ở một trạm thuỷ nông của Huyện, cả trạm có 12 người đàn ông thì cả mười hai người cùng viết đơn tình nguyện hết.Viết một lần, mang ra đọc cho nhau nghe, thấy lá đơn nào cũng đầy nhiệt huyết, khí thế bừng bừng. Rồi cậu Đoan. bí thư chi đoàn, chợt nhớ ra” Này các anh, hôm trước đi họp trên Huyện đoàn, tôi còn thấy nhiều nơi anh em người ta còn viết đơn bằng máu nữa kia. Bí thư Huyện uỷ mang ra cho cả hội nghị xem những lá đơn đỏ loè loè những máu là máu, cả hội trường ai cũng xúc động” Nghe chuyện đó, bọn tớ cũng lặng cả đi. Đơn mình viết như thế đã thấy hay lắm rồi, nhưng so với việc người ta viết bằng máu thì cũng chưa là gì? Thế rồi cậu Hải, nhân viên cung tiêu đứng bật dậy” Đã vậy thì… chúng ta cũng viết đơn bằng máu”. Nói hăng vậy, nhưng khi chuẩn bị dao kéo để cắt máu viết thư thì… ai cũng thấy ghê ghê. Rồi cũng chính cậu Hải nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời, câu ta chạy ra chợ mua ngay về một con vịt đàn với nửa cân măng ngâm chua. Chúng tớ lập tức cắt tiết chú vịt, lấy máu viết đơn, còn thịt vịt thì nấu một nồi canh măng, liên hoan luôn cho tiện.

Chính trị viên Cấn Huy Pho cười ngất:

- Thế mà hồi ở Động Nóc, khi nhận tân binh về bổ sung cho đại đội, tôi kể với chúng nó rằng, đại đội trưởng của các cậu ( hồi đó ông và tôi còn ở dưới đại đội,nhớ không), là một tấm gương chiến đấu rất anh hùng. Anh ấy là một trong số những người từng viết đơn tình nguyện bằng máu để được ra trận đánh Mỹ. Nghe xong đứa nào đứa nấy đều phục sát đất.

Tiểu đoàn trưởng cười hô hố rồi vỗ vai chính trị viên

- Thì… ông nói đúng đến chín mươi phần trăm. Chỉ thiếu chữ”vịt “, trừ đi mười phần trăm là được rồi. Phàm là những gì các ông chính trị viên nói mà đúng được đến chín chục phần trăm đã là phi thường rồi, phải không nào?

Mọi người cùng cười phá lên. Tiểu doàn trưởng Thịnh thấy câu chuyện sắp chuyển sang phần hết khôn dồn ra dại rồi liền đứng dậy

- ! Thôi, cà kê đủ rồi. Làm việc thôi. Cậu Dân có còn cần bọn tôi báo cáo thêm gì nữa không?

Dân cũng đứng dậy

- Thôi, đủ rồi. Em cũng nắm được đến… chín mươi phần trăm tình hình xây dựng lán trại của các anh rồi.

Thịnh dắt nắm dây rừng vào lưng, đang định leo lên mái nhà, chợt nhớ ra chuyện gì liền gọi giật

- Này Dân…Nếu anh Thông là cậu ruột của chú thì hẳn chú cũng biết đôi điều về gia đình anh ấy nhỉ?

- Vâng… Em biết chứ. - Dân trả lời - Bố mẹ anh ấy còn cả. Các cụ vãn sống bằng nghề làm vàng mã. Dĩ nhiên những năm vừa rồi thì chỉ dám làm chui thôi, nhưng vẫn sống được. Mẹ em cũng biết nghế này. Nhưng bố em không cho làm, ông ấy “bôn “ lắm!

- Thế thì đúng rồi. Hồi còn sống chung với nhau, Thông cũng kể nhiều chuyện rất hay về cái nghề làm vàng mã ở làng Cót của cậu ấy. Tớ còn nói với cậu ấy sau này hết giặc mà còn sống trở về, tớ nhất định sẽ xuống làng Cót để học nghề làm tiền giả bán lấy tiền thật. Cậu ấy cũng đã hứa là sẽ giúp tôi học nghề để trở thành nhân viên Ngân hàng địa phủ đấy

Nói rồi anh vừa cười vừa thoăn thoắt leo lên mái lán, Dân đứng bên dưới nói với lên:

- Nếu đánh Mỹ xong mà anh còn sống thì mời anh về làng Cót tìm em,em sẽ thay cậu Thông giúp anh học nghề

- Thế thì tốt rồi - Thịnh đứng chống nẹ trên mái nhà nheo mắt cười - Tớ vãn nghĩ rằng sau chiến tranh ở nước mình chỉ có nghề làm vàng mã là chắc ăn nhất.Cung sẽ luôn không đủ cầu. Tớ nhất định sẽ về làng Cót tìm cậu để nhờ cậu giúp tầm sư học đạo. Nhưng chắc gì tớ và cậu còn sống đến ngày ấy, hả?

Dân tưng hửng vừa bước đi dọc bờ suối vừa nghĩ thầm” Cái lão này sao mà độc miệng thế? Nhưng, đó cũng là điều thật đơn giản mà trong những năm chiến tranh người ta thường cố tình không nghĩ tới”Bác Hồ cũng nói “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại đàng hoàng hơn ,to đẹp hơn”. Cụ có niềm tin sắt đá rằng nhất định sẽ có ngày chúng ta đánh thắng giặc Mỹ. Vì thế cụ có thể nghĩ tới tương lai của cả dân tộc, cả đất nước. Nhưng với mỗi cá nhân, mỗi con người, nhất là với những người đang ngày đêm đối mặt với kẻ thù thì… nghĩ tới tương lai là một điều gì đó hơi xa xỉ, lãng mạn. Ai biết được ngày mai ngày kia họ có còn sống hay không để mà hoạch định những kế hoạch cho tương lai? Kể cả một tương lai giản dị như anh Thịnh vừa nói ra, còn sống để mà trở về làng Cót quê mình học nghề làm vàng mã?
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 06:38:27 pm gửi bởi ancakho » Logged

”˙ıɐ uầɹʇ ɯốnɥu ểđ ớɥɔ' ʇénb ıùɥɔ ɯăɥɔ ờıƃ ờıƃ' ƃuás ƃuơưƃ ıàđ ưɥu ɯâʇ' ềđ ồq ıộɔ àl uâɥʇ“
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM