Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:41:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn Bảo Ninh  (Đọc 39560 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 01:47:35 pm »

Người Thăng Long quê Đàng Trong

Ở dọc phố tôi bây giờ những người cùng thời với tôi, bạn bè một lứa lớn lên bên nhau, chung nhau những năm tháng tuổi học trò thuở trước chiến tranh, chẳng còn lại bao nhiêu. Hầu hết đã vào sống ở Sài Gòn, ở Cần Thơ, hay là Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Nguyên, Đà Lạt. Các bạn lớp 10, bạn thời đại học và cả bạn đồng ngũ nữa cũng vậy, người rời Hà Nội từ ngay mấy năm đầu đất nước thống nhất, người mới gần đây.

Thương binh nặng như anh Vũ, nhà ở đầu phố, bị mìn mo thổi mất gần hết phần thân bên phải: mắt phải, tay phải, chân phải, hòa bình rồi cũng chỉ chịu ra hưởng sự chăm sóc bao bọc của gia đình có đúng một năm qua hai cái Tết là đã vội chống nạng lên tàu trở lại với đất cũ chiến trường. Giờ thì anh đã hoàn toàn là một ông già Nam Bộ vợ con đề huề vui thú điền viên tận trong sâu tít miệt vườn Cái Bè. Thành thử có câu “vào Nam ra Bắc” mà tôi chỉ thấy đa phần người ta từ đây vào đấy làm ăn gây dựng chứ chẳng mấy ai từ đấy ra đây lập nghiệp. Ngoài này là ký ức của những đời người, còn trong đó là chí hướng, nói vậy có phải chăng?

Ngày nay thì chắc là không phải rồi, nhưng xưa kia thì đúng là như thế. Xưa, người dân quê tận trong Đồng Nai lục tỉnh ngàn trùng cách trở khó lòng có dịp một lần về thắp hương nơi mộ phần tổ tiên gốc gác ông bà. Có chăng chỉ những vị quan và binh lính quê đàng trong được triều đình điều ra trấn thủ các tỉnh thành mạn Bắc.
 Còn nhớ hồi nhỏ đang học trường Sinh Từ, tôi có hai đứa bạn cùng lớp, con nhà thợ rèn ở Kim Mã, họ Đài, giọng nói nghe là lạ. Thầy giáo bảo đấy là giọng Quảng Nam đã qua nhiều đời hòa trong giọng Bắc. Thầy bảo họ Đài phố Kim Mã là cháu chắt một tùy tùng của Tổng đốc Hoàng Diệu. Hà Thành thất thủ, Tổng đốc tự tận, người tùy tùng ấy dạt vào sống trong dân, không trở về quê nữa. Hơn hai chục năm sau đấy, mặc dù đã không còn là lính, ông vẫn dự vào cuộc binh biến “Hà Thành đầu độc” do Đội Nhân chỉ huy. Mưu sự không thành, ông bị Tây bắt và xử trảm ở vườn hoa Canh Nông.

Không hiểu những người họ Đài ở Kim Mã có biết gốc gác nhà mình là như thế, mà cũng không rõ ngày nay họ có còn theo nghề rèn ở phố đó hay là đã trở vào với cố hương trong ấy. Còn về hai chị em họ Đài cùng một lớp với tôi ở trường Sinh Từ thì người em trai tên Thìn không biết hiện nay thế nào, nhưng người chị, khi vào viếng Nghĩa trang bộ đội Trường Sơn tôi đã gặp bia mộ khắc tên: Đài Thị Hường, sinh 1950, hy sinh 1968. Hường nằm lại ở khu liệt sỹ Thủ đô.

Người Hà Nội gốc tích trong Trung đã hiếm, gốc Nam Bộ lại càng hiếm lắm. Vào ngay ngày Tiếp quản mồng 10 tháng 10 năm 1954, khi cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết chưa có mặt tại Hà Nội, trong khắp thành phố số lượng những nhà gốc quê trong ấy có lẽ chỉ đếm được trên dầu ngón tay: tiệm cầm đồ Khánh Hội ở ngã ba Sinh Từ -Văn Miếu; hiệu buôn nước mắm nơi góc ô Đống Mác của gia đình bà Trứ “Phú Quốc”; thầy tu xuất tên Tư quê Gia Định bán cá vàng cây cảnh trên dốc Yên Phụ; ông người Chàm coi giữ Chùa Tây đen...

Bây giờ ở Hàng Đẫy không biết có còn ai nhớ Chúa Chổm, người Sài Gòn xịn, tá túc trên áp mái nhà 47 hồi những năm trước 1960. Chúa Chổm phố Hàng Đẫy, thực tên là Hai, nhờ may mắn sao đó được làm rể một chú Chệt mà anh khoe là giàu nhất nhì Chợ Lớn. Hầu hết của nả đều trong Nam, nhưng bố vợ anh cũng sở hữu cả loạt cửa hàng cửa hiệu ở Hà Nội. Đình chiến, ông tống tháo bán đi tất cả, nhưng đã tiết tàn Xuân năm 1955 rồi mà một số tay nhà buôn ngoài “kẻ chợ” mua tài sản của ông vẫn ghìm tiền lại chưa chịu chuyển vào trả. Chàng rể bị phó cho trọng trách đi đòi. Chân ướt chân ráo ra Bắc, chưa thâu nổi một cắc đã hết hạn 300 ngày, chẳng kịp chạy xuống Cảng, vậy là bị kẹt, anh kể thế. Nhưng hàng phố thì lại kháo rằng bởi mấy trăm lượng vàng đòi được đã nướng sạch vào chiếu bạc, nên chàng rể không dám vác mặt vào Nam gặp nhạc phụ nữa. Tự dưng được làm người Thủ đô, nhưng nhẵn nhụi tiền bạc, anh Hai phải tới xin bà Phầu đồng hương Phúc Kiến đằng vợ cho ăn nhờ ở đậu trên áp mái nhà số 47, và để đắp đổi qua ngày anh đành vay nợ cả phố, hẹn năm 1956 sẽ trả tất một lần. Hai năm chờ “Tổng tuyển cử” chẳng làm ăn gì, túi chẳng một xu thế mà Chúa Chổm vẫn nhậu, nhậu tối ngày, rồi cả o mèo nữa. Rất nhiều cô trong phố thích anh, có cô yêu anh ra mặt. Họ ưa giọng nói miền Nam của anh, thích cung cách anh chuyện trò phong độ, phục anh tính đàn ông, không tiền mà tiêu pha bạt mạng, nhất là họ say tiếng đờn câu ca của anh. Hàng tối, với ấm trà chai rượu cây ghi ta anh trải chiếu ngồi sân thượng ca vọng cổ, nghe sầu bi ướt át hết mức nỗi lòng. Có hồi bị ngờ là gián điệp hay phản động gì đó anh phải nằm khám mất mấy tháng. Cuối năm 56, không còn hòng gì vào nổi Chợ Lớn tải tiền ra trả người ta, anh xin khất, hứa là sẽ tự thân cày cuốc để hoàn nợ. Anh vay cố được một món chừng chục bạc sắm bộ đồ thợ cạo. Cắt tóc rong ở Bờ Hồ tới đầu năm 60, anh gác dao kéo, tình nguyện đi “khai phá miền Tây”. Anh không một mình ra đi. Một cô ở ấu Triệu, con chiên, nhà lành, mạnh bạo bỏ phố phường, trốn thầy mẹ tót theo anh lên núi cao xây dựng hạnh phúc.

Cũng là người Sài Gòn như Chúa Chổm còn có hai anh em ông Câm cua-rơ, nhà ở chân núi Bò đầu xóm nghèo Vạn Phúc. Hai anh em nhà này định cư tại Hà Nội từ trước thế chiến. Tuy chỉ có ông em phải nói năng bằng ra hiệu, thiên hạ vẫn kêu cả hai là “ông Câm” bởi họ giống nhau y chang, to lớn lực lưỡng, râu tóc lồm xồm, da dẻ đen cháy. Thời trẻ cả hai cùng là dân đua xe nhà nghề. Trong một cuộc đua vòng quanh Đông Dương, qua Hà Nội, họ cùng đi hát, rồi cùng ham, cùng si một nàng ở xóm cô đầu Trại Găng. Si tới độ bỏ nghiệp thể thao, bỏ cả Sài Thành, ở lại hẳn ngoài này làm lụng nuôi nàng. Là người ta kể thế. Người ta kể rằng ba người đó cứ bìu ríu sống với nhau mười mấy năm trời một góc khuất ngoại ô, không can dự thời cuộc, không đi kháng chiến, và cũng không nhập dòng di cư năm 54. Tuy nhiên sang thời ta, do không được phép tùy tiện như trong thời Tây, họ phải rạch ròi phân ra thành hai hộ. Hộ độc thân là ông anh trai. Hộ gia đình là ông em bị câm với người đàn bà. Vợ chồng người em không có con, còn người anh thì mãi mãi độc thân, và họ cứ vậy mãi mãi bên nhau, cách nhau chỉ tấm phên nứa ngăn đôi túp nhà tuềnh toàng, tường gạch mộc, mái lợp tôn. Bên chái, họ mở một cái hiệu bơm vá và sửa chữa xe đạp. Năm 69, trước khi đi bộ đội, tôi vẫn còn thấy ba con người kỳ lạ, đã luống tuổi và yêu thương nhau vô hạn độ ấy sống ở đó, dưới núi Bò, nhưng năm 75, khi từ trong Nam ra, tôi không thấy họ nữa, túp nhà và hiệu sửa xe cũng không còn. Chỗ đất đó bây giờ lọt trong khuôn viên Đại Sứ quán Thụy Điển.

*

Đoàn cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết đầu tiên đã theo tàu Kilinxki của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan ra tới Sầm Sơn từ cuối mùa Thu năm 1954. Và vào khoảng tháng 11 thì đã có những tiểu đoàn bộ đội tập kết về đóng quân ở Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn Nam Bộ chốt tại Liễu Giai, chỗ khách sạn La Thành bây giờ, tên là Ba Sơn, người Hà Nội, nhà ở phố Yên Thế. Ba Sơn đi Nam Tiến từ đầu năm 46. Sau đằng đẵng chín năm trời chiến tranh và ly biệt, anh trở về nhà thì nhà anh, toàn gia không sót một ai, đã di cư vào Nam. Đất nước bị chia cắt, hạnh phúc hòa bình bị cứa ngang có nghĩa là như vậy đấy, như tình cảnh anh Ba Sơn và bao đồng chí đồng đội của anh, một niềm hạnh phúc ngậm thương đau, thương đau làm nghẹn ngào niềm vui được chào đón hòa bình.

Tuy nhiên, do cảnh ngộ của đất nước bị chia cắt mà hai mươi năm ấy, từ sau ngày hòa bình lập lại năm 54 tới ngày Toàn thắng năm 75, là những năm có lẽ duy nhất trong lịch sử, Hà Nội có được đông đảo những người con của miền Nam quây quần về sinh sống dài lâu đến như thế. Những năm ấy, cán bộ và bộ đội tập kết chuyển ngành về công tác ngày một nhiều hơn ở mọi bộ mọi ngành, mọi cấp chính quyền và đoàn thể, tham gia và hòa nhập vào mọi lĩnh vực, mọi sinh hoạt của đời sống thành phố. Nhiều người là cán bộ trung cao cấp, nắm trọng trách, song cũng rất nhiều người sống cuộc đời thường nhật đầy gian nan túng thiếu, trăm bề vất vả của phần đông cán bộ công nhân viên chức hạng loàng xoàng và hạng thấp thời bấy giờ. Họ ngày một thêm gần gũi và thân thuộc với bà con hàng phố. Như ở phố tôi chẳng hạn, hồi năm 59, 60, hộ tịch viên là anh Hải, quê Biên Hòa; Bí thư Đoàn khối phố là chị Ngọc quê Quảng Ngãi. Hay như bác Thịnh, công nhân xe điện, trong suốt nhiều năm chuyên nghiệp giữ nhiệm vụ chuyển mối nối đường ray hai tuyến Hà Đông và Cầu Giấy tại điểm giao nhau nơi góc tường Văn Miếu, là một thương binh quê Quảng Trị. Ở trường Sinh Từ, thầy hiệu trưởng thời trước năm 64 là thầy Đắc thương binh quê Bà Rịa, cô Liễu dạy toán quê Bến Tre, thầy Toản thể dục quê Quảng Nam, và bác Năm lao công, giữ nhịp trống trường hàng ngày cũng là thương binh tập kết quê ở sâu xa tận trong Cà Mau.

Bản thân tôi cũng là một người Hà Nội gốc “đàng trong”, theo như cách nói của bà tôi. Tuy nhiên tôi không thuộc diện con em gia đình cán bộ miền Nam tập kết, bởi vì song thân tôi và hầu hết họ hàng nội ngoại đã phải rời xa quê hương từ trước năm 54 nhiều năm, từ ngay ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến. Ngày đó, đàn ông trai tráng trong nhà gia nhập Vệ Quốc đoàn, chiến đấu trên khắp các mặt trận Trung Bộ, người già, phụ nữ và trẻ nhỏ thì rời Huế tản cư ra Khu Bốn. Hòa bình lập lại, họ mạc tản mát mọi miền tập kết cả về đoàn tụ ở Hà Nội. Mẹ tôi từ Vinh, cha từ Lào, một bác từ Việt Bắc, một bác từ chiến khu Ba Rền, một chú từ Khu học xá... Cho đến bây giờ cả nhà vẫn giọng Huế, riêng tôi bởi hồi đó đang nhãi ranh nên chỉ dăm bữa nửa tháng bi đáo khăng xèng ngoài vỉa hè là đã sang hết giọng Bắc. Cha mẹ chẳng phiền trách, nhưng bà nội thì không ưa chút nào cái cách tôi phai lạt quá nhanh giọng nói quê nhà.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 01:48:45 pm »


Nông nỗi “ngày Bắc đêm Nam” trong tâm trạng của người miền Nam tập kết là như thế nào, tôi có thể cảm nhận qua cha mẹ, cô dì chú bác, qua bà tôi. Cho đến khi qua đời, suốt ba chục năm trời xa Huế, bà tôi vẫn chỉ thực sống ở Huế. Trong chuyện trò, trong tâm tưởng, bà tôi chưa hề đi đâu xa khỏi Hộ Thành, cửa Thượng Tứ, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, Đập Đá, Kim Long, Vĩ Dạ... Năm 1946, ngày nổ súng, lên đường đi tản cư, bà tôi nghe thiên hạ kháo nhau rằng chỉ phải tản cư chừng dăm hôm thôi là Tây bị đánh tan, mình lại về nhà. Của nả thu vén mang theo chỉ một tay nải, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà bà khóa kỹ càng, chùm chìa khóa bà nhét vào góc trong dưới mái che bể nước mưa ở sân sau để cha tôi với các bác các chú “đánh Tây xong, trở về sớm thì có chìa khóa mà vào nhà”! Chùm chìa khóa ấy thường trực trong ý nghĩ của bà, khiến bà không ngớt nghĩ ngợi lo lắng về nó, khiến cho ngày tản cư luôn luôn chỉ như là ngày hôm qua đối với bà. Mùa đông năm 69, hôm tôi rời Hà Nội lên đường đi Bê, đang ốm nặng, không dậy được, bà tôi gọi tôi với mấy đứa bạn tân binh của tôi tới bên giường, bà nói: các con đi chân cứng đá mềm, mau vào chiếm lại thành Huế... Rồi bà dặn tôi về tìm chùm chìa khóa dưới mái che bể nước mưa phía sân sau ngôi nhà lớn của gia tộc, ở đường Mã Khái trong Hộ Thành kề bên Đại Nội. Chùm chìa khóa có mười hai chìa tất cả...

Định cư ở Hà Nội từ năm 54 nhưng mà cha mẹ tôi có lẽ chỉ thực sự sống nhập mình hoàn toàn vào đời sống Hà Nội từ sau năm 75. Suốt hai chục năm ròng trước 30 tháng tư trong đời sống gia đình như luôn canh cánh nỗi buồn thương khôn xiết. Ngày Tết ngày lễ, mặc dù đã cố giấu, mặc dù không bộc lộ nhưng tâm trạng của cha tôi mẹ tôi, và nói chung của những người lớn trong dòng họ, của các chú bác đồng hương với gia đình tôi dường như lại còn buồn hơn tâm trạng những ngày thường. Nhất là từ sau Tết Bính Thân, 1956.

Từ năm 56, không chỉ niềm hy vọng mong manh về hiệp thương tổng tuyển cử đã hoàn toàn tiêu tan mà từ năm ấy tin dữ tại khắp các địa phương miền Nam dội ra Bắc ngày một thêm dồn dập, cào xé lòng người: chính sách tố cộng, luật 10/59, đàn áp, bắt bớ, giết chóc, thảm sát... Hôm hay tin vụ thảm sát Phú Lợi, cả nửa Hà Nội mà trước nhất là tất cả cán bộ và bộ đội tập kết chít khăn tang. Tôi thấy người ta khóc ròng trong đoàn biểu tình, khóc khi đang đi trên đường phố, trên tàu xe, trong lớp học, các bà các chị òa khóc giữa chợ. Cô giáo Liễu, người Bến Tre, khóc lặng, ngã ngất đi trên bục giảng khi nghe loa phóng thanh ở sân trường truyền đi tin dữ Mỹ- Diệm đã giết hại ông Hoàng Lệ Kha.

Tuy nhiên, đau thương vô bờ những năm 56, 57, 58, 59 ấy không nhận chìm ý chí con người vào tuyệt vọng, trái lại đã làm thành sức mạnh vô bờ. Từng theo cha dự đón giao thừa năm 59 ở Câu lạc bộ Thống Nhất, và mặc dù còn nhỏ tuổi, tôi vẫn cảm thấy được thế nào là đau thương biến thành sức mạnh. Không, không phải do ngày nay nghĩ lại mà mường tượng ra như thế. Mà thực sự là như vậy, đêm giao thừa ấy, mới tý tuổi đầu tôi đã cảm thấy trời long đất lở trong lòng mình. Có thể nói tôi linh cảm về con sóng lừng thời đại mới đang thẳng tới bến bờ Tổ Quốc. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng vì nghĩa lớn, thời của tình yêu và của lòng quả cảm. Từ sau Tết Canh Tý, 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời và cao trào Đồng Khởi bùng cháy khắp làm bừng sáng niềm vui sống, niềm hy vọng trong lòng mỗi người, mỗi gia đình cán bộ tập kết. Tôi có thể nhận thấy rõ ràng điều đó ở gương mặt, ở ánh mắt, ở lời nói, nụ cười của những người thân trong gia đình, những người đồng hương, bạn bè thân hữu. Bắt đầu từ năm đó lần lượt lẳng lặng hết người này tới người khác không còn thấy xuất hiện nữa trong các cuộc họp đồng hương. Trong những cuộc gặp mặt toàn gia, lễ tết, giỗ chạp họ cũng vắng bóng. Nhiều người vĩnh viễn khuất bóng, nhiều người mãi sau 75 mới có tin tức. Khác với lứa chúng tôi về sau này lên đường đi Bê công khai trong những năm cao đỉnh của chiến tranh, những cán bộ tập kết trở về Nam lượt đầu tiên những năm đầu 60 đã ra đi âm thầm, bí mật, chịu đựng vô vàn những hy sinh lớn lao mà lặng lẽ, và phần lớn đã phải hy sinh hạnh phúc riêng.

Ở chiến trường bắc Công Tum ít ai không biết chị Nhụ, người Bình Định, bác sĩ dân y Huyện 67. Chị vốn là bác sĩ nhi bệnh viện Xanh Pôn, đi Bê năm 1961, khi mới 27 tuổi và mới lập gia đình với một cán bộ ngoại giao. Năm 69, chị bị địch bắt, giam giữ tại nhà lao Công Tum và không được trao trả năm 73. Năm 75, bộ đội ta tìm thấy chị trong ngục tối, tàn phế, toàn thân bị cắt xẻo, hai bàn tay bị chặt cụt. Được ra Hà Nội điều trị, nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị trở về quê, mặc dù Tam Quan quê chị sau chiến tranh cực độ hoang tàn. Người chồng ngày xưa bởi nhận được tin chị mất tích nên đã lập gia đình mới.

Ở phố tôi có trường hợp anh Hải, công an hộ tịch, đi Bê năm 63, sau chị Nhụ, nhưng số phận nghiệt ngã không kém. Là công an, lại là người miền Nam tập kết, vậy mà Hải lại đem lòng yêu chị Loan con nhà thành phần tư sản ở Cửa Nam. Bất chấp can gián và ngăn trở của tổ chức và gia đình, anh chị yêu nhau tha thiết. Nhưng bởi chính mối tình ấy mà đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu của anh Hải không được chấp nhận, mặc dù đã có tin chính thức rằng ba má anh, cả hai là cán bộ tỉnh ủy, đều đã bị địch giết hại. Phải chọn giữa thù nhà nợ nước với tình yêu, anh Hải buộc phải công khai cắt đứt với cô gái Hà Nội thành phần tư sản. Nhưng để minh bạch lòng mình vì chẳng đặng đừng, chứ không phải muốn bội tình, anh thề là sẽ không bao giờ lấy ai ngoài chị. Chiến đấu trong lực lượng An ninh Giải phóng, bị thương và bị bắt trong Mậu Thân, anh bị giam giữ ở Phú Quốc. Năm 73 được trao trả, năm 74 anh ra Bắc. Và đã xảy ra một trùng hợp thảm thương: vừa khi anh Hải tìm tới nhà chị Loan thì gia đình chị nhận phải giấy báo tử con gái. Chị Loan, sau nhiều lần đâm đơn tình nguyện, cuối cùng đã được thỏa nguyện. Chị lên đường đi Bê đầu năm 68, hy sinh ngay trong Tổng tấn công đợt hai ở Bà Rịa, rất gần Biên Hòa quê anh.

Y lời thề ngày ra trận, anh Hải không lập gia đình. Anh ở lại làm việc tại Hà Nội, và sống cùng bố mẹ chị Loan, như một người con rể. Có thể nói anh Hải là một trong số rất hãn hữu cán bộ miền Nam tập kết còn ở lại Hà Nội sau năm 75.

Tính riêng ở phường tôi thì hiện giờ chỉ còn có ba bác già, đã về hưu, cùng người Quảng Ngãi. Ba bác đều độc thân. Cả ba bác đều quê Sơn Tịnh, nhưng ở ba xã khác nhau. Chỉ có điều là toàn bộ gia đình của cả ba người, rộng ra là toàn bộ làng xóm của họ đều bị quân Pắc Chung Hy thảm sát.

Đúng là bây giờ rất hiếm người trong ấy sinh sống ở ngoài này. Tuy nhiên, ngày Tết thì lại khác. Như ở phường tôi, năm nào cũng thật nhiều các cô con dâu người miền Nam ra ăn Tết ngoài nhà chồng ở Hà Nội. Anh Vũ, nhà đầu phố, là thương binh nặng nhưng không Tết nào không đưa vợ con ra. Năm xưa anh là chiến sĩ trinh sát của tỉnh đội Mỹ Tho. Tiềm nhập điều nghiên căn cứ địch, anh vướng mìn, bị thương rất nặng. Chị chẳng phải bộ đội, chẳng phải du kích, đã lặn lội cõng anh về băng bó, cứu chữa và nuôi giấu suốt nửa năm trời trong nhà mình ở giữa ấp chiến lược ngay kề thị xã. Khi được bí mật chuyển thương về cứ, anh vẫn trong trạng thái mê lịm bất động gần như sống thực vật, chị thậm chí không biết tên anh, tên đơn vị. Vậy mà sau Tết năm 76, chị vẫn tìm được tới gia đình anh ở Hà Nội, đưa được anh vào Nam với mình... Năm nào anh chị Vũ ra ăn Tết cũng đưa được theo cả chục cành mai vàng cho gia đình và biếu láng giềng.

Cuộc đời của anh chị Vũ, của anh Hải, chị Nhụ, và của bao người khác nữa, những người “đàng trong xứ ngoài”, thôi thúc ký ức của tôi và quá khứ của tôi, thôi thúc tình yêu của tôi đối với Hà Nội, thành phố quê hương thứ hai.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 03:07:26 pm »

Khắc dấu mạn thuyền

Đời tôi, đi đây đó đã nhiều, nhưng lại rất hiếm dịp được thấy Hà Nội. Chỉ một lần thuở bé, rồi một lần hồi chiến tranh, và mấy năm sau này thêm đôi lần nữa. Thành thử, ở Hà Nội, ngoài hồ Hoàn Kiếm với cầu Long Biên, tôi chỉ đại khái biết một ngôi nhà là nhà ga Hàng Cỏ và một con đường là đường xe điện. Nhưng, mặc dù như vậy, mỗi khi nhắm mắt lại nhìn sâu vào những nẻo đường của ký ức, bao giờ tôi cũng thấy hiện lên, tuy rất đỗi mơ hồ, bóng dáng của Hà Nội phố xá. Cái thành phố sâu thẳm, xa lạ, chẳng chút thân thuộc ấy, từ lâu lắm rồi đã lẳng lặng ăn vào đời tôi như là một trong những miền đất thân yêu nhất, dẫu rằng đấy là một tình thân yêu tưởng như không đâu, một duyên nợ hầu như vô cớ. Không hẳn là một nỗi niềm mà chỉ là bâng quơ một cảm giác, không thành một câu chuyện mà chỉ như là một nốt sầu còn vương lại của thời trai trẻ chiến tranh, một thời tuổi trẻ đã hoàn toàn mai một nhưng dư âm vọng suốt đời. Như tiếng mưa rơi. Như tiếng gió lùa. Như tiếng lá rụng. Mà không bao giờ quên.

Từ bấy tới nay, thời gian mất đi đã hai chục năm tròn. Hà Nội thuở đó với Hà Nội bây giờ có lẽ đã như là một trời một vực.

Ngày ấy, từ mặt trận Quảng Trị, tôi lái xe đưa chỉ huy sư đoàn ra họp Bộ tư lệnh đang đóng ở rìa thủ đô. Khi chúng tôi ra tới nơi, thành phố đang ngất trời bom đạn. Đây thực sự là cuộc đụng đầu sống mái, một trận quyết chiến vì lẽ mất còn. Giữa huống cảnh chung nước sôi lửa bỏng như thế, chẳng dám màng gì một chuyến về quê, tôi chỉ xin được rảo vào phố để rải non chục lá thư của anh em đồng đội người Hà Nội đã gửi gắm. Tôi muốn trao thư tận tay các gia đình, để có thể nhận được ngay hồi âm mang ngược vào đơn vị cho lính ta sướng. Lựa ngày Nô-en, cấp trên thuận cho tranh thủ. Hạn đến 0 giờ phải trở về trình diện.

Tôi vào thành phố, dưới mưa chiều. Mưa phùn mùa đông buồn bã. Mái nhà, lòng đường, vòm cây một mầu thẫm ướt. Xe cộ phóng rất nhanh, người đi bộ gấp bước.

Mặc dù không biết phố nào vào với phố nào, lại ôm trong mình những chín lá thư, nhưng thoạt đầu tôi nghĩ không việc gì phải lo. Chỉ cần hỏi tới một địa chỉ, rồi từ đấy lần lượt nhờ người ở địa chỉ trước đưa mình đến địa chỉ sau. Không dè, rốt cuộc, cả chín lá thư tôi đều phải lùa vào phòng qua khe cửa. Ngày hôm ấy, dường như cả Hà Nội đã khóa trái cửa, bỏ nhà đấy mà đi.

Xong được lá thư chót, trời đã tối sầm. Phố dài vắng ngắt ngâm mình trong mưa, tù mù những vùng đèn đường. Tôi hỏi được về Vọng. Một anh dân phòng diện ủng, vận áo tơi bạt, tận tình dẫn tôi đi một đoạn khá xa đường. Đến ngã ba nọ, trước khi chia tay, anh chỉ xuống cặp ray đường tầu điện chạy sát vỉa hè và bảo tôi cứ bám theo đó mà đi là đến.

Sụp mũ cối xuống, dựng cổ áo lên, tôi lần sâu vào trong màn mưa phùn mờ mỏng dưới trời đêm lạnh buốt. Hai vệt ray loáng ướt, chẳng khác nào một lối mòn độc đạo xuyên qua rừng rậm nhà cửa tối đen. Thành phố chiến tranh như bên bờ vực, hun hút hoang vắng. Tôi cắm cúi bước, thui thủi, tê dại. Thăm thẳm nối nhau những chặng đường khuya không ánh sáng đèn, không một bóng bộ hành, không bóng một hàng quán. Hơi thở lạnh ngắt của đêm mưa ngấm vào tận cái dạ dày tôi trống rỗng. Các khớp xương cóng nhức cứng đơ như đang rời cả ra và rơi rụng. Cơn sốt âm ỉ từ chiến trường dâng lên dọc sống lưng, tôi sởn gai ốc, và không ngớt rùng mình. Đầu óc chậm chạp chung chiêng, đầu gối những muốn khuỵu xuống. Đi chưa được mấy đường, tôi đã bắt đầu đếm bước. Màn đêm ướt át như đông lại. Không nhìn thấy gì trước mắt, suýt nữa thì tôi đã xô người tới va mặt vào một cái đầu tầu điện đen ngòm đậu chết cứng giữa lòng đường.

Chuệnh choạng, tôi rẽ lên vỉa hè, rồi lảo đảo tấp vào dưới mái hiên một ngôi nhà. Răng va lập cập trong miệng, tôi tựa lưng vào cánh cửa đóng chặt, rồi từ từ trượt người xuống, ngồi phệt lên cái bậc tam cấp ướt đẫm hơi mưa và lạnh như một cây nước đá. Rét mướt buốt tim, tôi rên hừ hừ và rồi cũng không rên nổi nữa. Cũng không sao ghìm lại được cơn run, cứ run bắn lên, run cầm cập. Thân nhiệt của mình lúc này có lẽ chỉ còn bằng với người đang ngắc ngoải, cái đầu đã tê cóng của tôi lờ đờ nghĩ, không khéo mà khốn đến nơi rồi, không khéo mà là một cơn ác tính. Những người bị sốt rét ác tính nằm chết trên võng giữa rừng sâu, còn mình thì chết ngồi, chắc thế, và sẽ hóa thành tảng đá co ro trước cửa nhà người ta.

Trên đầu tôi, mái tôn rách nát run bần bật. Dưới vẫn mưa gió. Gió phả mưa vào tận thềm. Đã ướt lại ướt thêm một lượt nữa, tôi thở hắt, mặt mày xây xầm. Biết là cần phải dốc toàn lực bình sinh mà đứng dậy và bước đi, song hết rồi, nghị lực đã tê bại. Sinh lực xuống nhanh như mực nước trong một cái bình bị đập vỡ đáy, sự sống trong tôi xoay tròn một vòng và từ từ, lặng lẽ lật nghiêng. Đúng khi đó, sau lưng tôi, cửa kẹt mở. Tôi nghe thấy nhưng mà không ý thức được tiếng động ấy. Cơn choáng ngất gần như là một nỗi yếu mềm, một sự buông lơi, như thể một tiếng thở phào, nhẹ nhàng ru tôi ra khỏi tôi...

Thời gian ngưng lại, không biết là trong bao nhiêu lâu. Tôi từ từ mở mắt. Tâm trí đậu xuống ở đâu đó bên rìa một vầng ánh sáng rất mờ. Vẫn còn bồng bềnh, vẫn còn u u minh minh, song tôi biết là lúc này mình đã ở trong một căn buồng, chứ không phải đang ở giữa chừng cơn mê sảng. Tường phòng hình như là quét vôi ve nhưng mà có lẽ do lâu ngày nên mầu vôi đã bợt. Trần nhà u tối. Không khí ấm sực mùi dầu long não. Tôi khẽ đụng cựa. Dưới lưng, nan giường ót ét. Người tôi ủ trong chăn, đầu kê lên gối. Yên tĩnh, khô ráo và ấm áp đến khó tin. Tôi trở mình. Từ trên chiếc bàn con kê ở góc buồng, ngọn lửa đèn dầu nhỏ liu điu im lìm tỏa ra một quầng sáng tù đọng mầu vàng đục. Tích tắc đều đều trong đêm vắng, tiếng đồng hồ để bàn một mình rả rích với thời gian.

Chợt nhớ đến giờ giấc, tôi giật mình, rên lên.
- Ôi, anh... - Một bàn tay nào đó êm ái áp vào má tôi, một giọng nói se sẽ, nhỏ nhẹ, thì thầm: - Ôi, anh tỉnh rồi. Ôi, em lo quá...
Tim như thể đứng dừng lại, lại như thể đập loạn xạ, tôi ngây người. Chuyện gì thế này nhỉ, cô gái nào thế này?
- Tôi... - Mãi mới mở miệng nổi, tôi nói, nhưng ấp úng, lưỡi ríu vấp, chẳng nói gì được - Tôi ở đâu đây... đây là đâu?
- Đây là nhà em mà anh, - Bàn tay cô gái nhẹ nhàng đưa lướt trên trán tôi. - Anh là khách của em mà. Tôi cố định thần, cố lấy sức, thở dốc, và nặng nhọc xoay người sang phía chủ nhà. Cô ngồi ở mép giường, nhưng gương mặt lại lùi khỏi vùng chiếu sáng của ngọn đèn. Tôi chỉ thấy được hai bờ vai với phần một mái tóc của cô buông xõa.
- Anh vẫn còn hơi sốt đấy, nhưng vậy là đỡ nhiều rồi. May quá đi mất. Chứ cư như lúc thoạt đầu thì sợ quá. Ôi lúc ấy anh làm em hết cả hồn.
- Nguy rồi... - Thều thào tôi nói - Quá phép mất rồi... Tôi, tôi phải đi đây...
- Ô kìa anh, anh đi đâu thế nào được. Ra ngoài rét bị lại còn nguy hơn. Với lại quần áo của anh phải hong bếp lúc nữa, chứ chưa mặc được đâu, còn ẩm lắm.
- Cái gì? Tôi hoảng hồn, sực tỉnh, đưa tay sờ nhanh lên đùi, lên ngực. Người tôi tái dại đi, nhưng muốn co rúm lại. Dưới tấm chăn bông, thằng tôi đã như trần trụi! - Bây giờ để em xuống bếp đưa cháo lên anh ăn nhé. - Thản nhiên, cô gái nói, sẽ sàng đứng dậy, rời khỏi giường. - Bộ quần áo em để cạnh gối, anh mặc tạm. Cũng là đồ bộ đội đấy.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 03:13:51 pm »

Nói đoạn, không cầm theo cây đèn, cô quay lưng đi ra phía cửa, bước mò trong bóng tối. Tôi tung chăn, ngồi nhỏm dậy. Từ trong chăn, hơi dầu gió nóng hực phả ra cay mắt. Tôi xỏ vội xỏ vàng vào quần áo. Bộ Tô Châu hăng mùi băng phiến, còn mới và khá vừa với tôi. Đàng hoàng trong quân phục, tôi như lấy lại được sinh khí, dẫu rằng toàn thân vẫn đau nhừ, đầu óc váng vất, và trong tai, phần còn lại của cơn sốt vẫn đang kêu o o. Nhưng mặc dù nhọc mệt đến thế, tôi vẫn kịp ngửi thấy lập tức mùi cháo nóng, khi cô chủ nhà còn chưa vào hẳn trong buồng. Cô bước đi rất nhẹ, đôi guốc chạm rất khẽ trên sàn gỗ. Cô để mâm xuống bàn, vặn cao bấc đèn lên.

- Tạnh mưa rồi anh ạ. - Cô nói, và không hiểu sao, lại thở dài. Trong nhập nhoạng tranh tối tranh sáng của căn phòng, tôi lặng nhìn. Người con gái xa lạ tuyệt vời ấy như thể một ảo giác hiện thoáng lên trước mắt tôi, một ảo giác tuyệt trần, xinh đẹp và hiền dịu. Xinh đẹp và hiền dịu, gương mặt, cặp mắt, đôi môi, thực thế, mặc dù thật ra tôi đã không thể kịp nhìn rõ cô. Bởi vì, giờ của thành phố này đã điểm. Chỉ trong nửa phần của một tích tắc, trời đất không kịp trở tay, không kịp cả đến rùng mình. Một cái gì đó kinh khủng, một cái gì đó choáng hồn, như một nhát chém sả, đột ngột xé toạc sự tĩnh lặng ra làm đôi. Chiếc phản lực trinh sát, chỉ một chiếc thôi, bất thần cắt ngọt một đường bay sấm sét, khoan thủng thinh không, là sát sàn sạt mái ngói những ngôi nhà, tuốt dọc sống lưng thành phố. Trong phòng, cả đến ánh đèn dầu cũng như chết lặng đi, nín thở...
- Hình như qua rồi, - Cô gái lên tiếng, gần như thì thầm, và run run, phác một nụ cười nhợt nhạt - Hình như nó chỉ dọa.
- ừ, - Tôi nói - Nó chỉ là một thằng thám báo bay vụng đánh lén mà thôi. Đừng... Tôi định trấn tĩnh cô, định bảo rằng không việc gì phải sợ, thì còi báo động rú lên, cướp lời tôi. Mặc dù qua mấy đêm rồi đã nghe quen, và mặc dù đã đón trước, tiếng còi vẫn làm tôi lạnh cả tim. Dường như chưa đêm nào lời cảnh báo của chết chóc lại vang lên dễ sợ đến nhường ấy. Và B52, B52, B52... B52 đang tiến vào, loa phóng thanh khẩn thiết cấp báo, giục giã. B52. Cách Hà Nội chín mươi cây số. Tám mươi cây số.
- Bọn Mỹ! - Tôi nói - Chúng nó đang vào. Thằng Mỹ vừa nãy là thằng bay mở đường.
- Vâng. B52 đấy. Lại một đêm nữa.
- Phải ra hầm thôi! - Tôi không nén nổi hồi hộp - Chúng nó vào sát rồi. Mau lên!
- Nhưng, anh thấy trong người thế nào? - Cô gái thở dài, đầy vẻ lo âu trẻ thơ - Ngoài trời rét lắm. Cảm giác lâm nguy đột ngột trở nên nhức nhối.
Miệng tôi như khô đi, họng thắt lại, trống ngực nện thình thịch. Xưa nay linh tính không khi nào đánh lừa tôi.
- Anh phải ăn đi một tý đã. Cho nóng...
- Không! - Tôi nói, giọng khàn hẳn - Nóng nguội gì. Bom xuống bây giờ đấy. Rải thảm vào đây đấy!
- Sao anh biết? - Cô gái thốt lên kinh ngạc.
- Ngửi thấy chứ còn sao! Mau lên, ra hầm!
- Tôi sẵng giọng, như quát. Thổi tắt ngọn đèn, cô gái nắm lấy cổ tay tôi kéo nhanh ra khỏi buồng. Sự căng thẳng nơi tôi đã truyền sang cô nỗi hãi hùng. Cô thở hổn hển. Tiếng guốc gõ mau, gấp gáp. Chúng tôi xuống cầu thang, sau đó còn phải qua một hành lang rất hẹp, ẩm ướt và sâu hun hút, rồi mới ra đến ngoài đường. Trời đã tạnh mưa và màn đên thì như có phần nào quang ra trong bầu không khí trong suốt rờn rợn. Giữa lòng đường, trước cửa nhà, cái đầu xe điện vẫn lù lù đứng đấy như một chiếc tàu mắc cạn. Cái hố cá nhân bằng xi măng đúc, miệng mở ra đen ngòm ở mép vỉa hè. - Chúng mình ra hầm công cộng đi anh, - Cô gái nói trong hơi thở gấp - Những cái hố tròn này em chẳng bao giờ dám xuống. Dưới đó đầy nước. Rợn chân lắm.
- Lại còn thế! - Tôi gắt.
- Ngay kia thôi mà, anh. Với lại ở đó đông người, đỡ sợ.
Chúng tôi bước lao đi, ngược chiều gió thốc. Cả thành phố đã ẩn mình. Trên mặt đất chết lặng chỉ còn trơ vơ có hai chúng tôi, sóng đôi nhau trong nỗi kinh hoàng. Thời khắc từng giây từng giây một như bị nuốt đi mà chặng đường trốn chạy thì hầu như không cùng. Một ngã ba. Rồi nữa một ngã tư. Cái hầm công cộng của cô gái đâu mãi không thấy. Mà vì vướng đôi guốc nên cô nàng không chạy được. Với lại, trời ơi, có chạy cũng không kịp nữa rồi. Vùng ngoại vi đã khai hỏa. Các trận địa pháo 100 ly đồng loạt cất tiếng gầm. Chớp giật sáng lóe. Và tên lửa, từng cặp, từng cặp rẽ trần mây, ầm ầm lao lên, vạch những luồng đỏ rực. Nhưng, giữa sấm sét của quân ta đang cấp tập giành đòn, bằng kinh nghiệm máu xương và sự sống chết rủi may của một thằng lính chiến trường, tôi đã nghe thấy từ trên đỉnh trời đêm thăm thẳm cái mà tai tôi còn chưa thể nào nghe thấy, cái mà linh tính đã báo trước. Và tôi biết, với hai chúng tôi, thế là hết. Bom rồi. Bom sẽ phang chính diện đoạn đường này. Đang lúc này, số phận lại tàn nhẫn đặt chúng tôi lọt vào giữa một quãng phố rất dài, mà hai bên đường không hề có nhà cửa, chỉ có hai chặng bờ tường cao chạy liền một mạch. Và dưới ánh chớp của những đường đạn cao xạ, tôi không thoáng thấy một chút hầm hố nào ở hai bên vỉa hè. Một tọa độ tuyệt vời của cái chết. Có cố rảo thêm vài bước chân nữa cũng thế thôi.
- Nó cắt bom rồi! - Tôi nói, và nắm nhanh lấy khuỷu tay cô gái, kéo cô đứng dừng lại.
- Kìa anh. Chỉ đoạn nữa thôi!
- Không kịp đâu, - Tôi thong thả nói, bình tĩnh đến ghê người - Bom đang thả xuống đây đấy. Nằm xuống mau lên đi. Và đừng có hoảng.Cô gái ngoan ngoãn nằm áp xuống cạnh tôi, dưới chân bức tường gạch. Hẳn là cô rất hoang mang, nửa tin nửa ngờ trước lời khẳng định chết người ấy của tôi. Song, chỉ mười giây nữa không hơn, tôi biết thảm bom sẽ chạm đất. B52, những con khủng long giời sầu đất thảm ấy, tôi còn lạ gì. Trong kia, chúng bay ban ngày ở độ cao vừa phải, đội hình khi sáu chiếc khi ba chiếc, lừng lững càn quanh trời, cày vào thinh không những luống dài khói đặc, ồ ồ dội bom như mưa trời. Những giọt mưa bom có thể xô đổ một rặng núi, có thể chôn sống một dòng sông, vằm nát một đại ngàn. Còn bây giờ thì không phải là mưa, mà cả một trời bom đang giáng xuống. Và không phải núi, không phải rừng mà là nhà cửa, phố xá. Bầu trời bao la tột độ hung tàn. Thành phố thì nhỏ như lòng bàn tay. Sức hủy diệt thì tối đa, và mạng người mong manh biết mấy. Tôi nghĩ. Người gồng lên, căng nhức, chờ đợi.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 03:17:26 pm »

Nhưng, tôi hầu như không nghe thấy tiếng nổ. Mặc dù đã đón trước, vẫn cứ bị bất ngờ. Thình lình, tối tăm mặt mũi. Mặt đất rùng mình, rướn lên. Không gian méo lệch đi. Rồi cái gì đó nóng bỏng, rực lửa, nhọn hoắt, và tung tóe, đập vào mặt. Hơi bom nóng đặc xộc đầu phổi. Cô gái lăn sát vào tôi. Tìm sự che chở. Cô nép sát tấm thân lạnh cóng vào người tôi, thở sát vào khuôn mặt tê dại nhưng đẫm mồ hôi của tôi, tóc cô tung xõa ra. Lại một dây bom nữa, lần này như ngay ở bên kia bờ tường. Đất đá, xi-măng, gạch ngói, nhà cửa cùng một lúc nổ tung. Trời đất rống kêu, rền vang như gang vỡ. Sóng xung kích ào qua ập lại.

Chết này! Chết này! Chết - ết - ết...! Tôi nghiến răng ôm ghì lấy cô gái, đợi cái chớp mắt cuối cùng tan xương nát thịt. Bom à à rơi, hú vang, man rợ, nối nối vào nhau rồ rồ. Cứ mỗi luồng tiếng nổ và hơi bom quạt tới, thân thể chúng tôi càng xoắn vào nhau. Nhừ tử vì sức ép, cả hai đờ đẫn, ngất ngư. Thình lình, cái chết nhả móng vuốt. Bầu trời như sập cửa đánh sầm một cái. Rồi hẫng đi, lặng phắc. Tiếng nổ của quả bom cuối cùng dập tắt mọi tiếng nổ. Chúng tôi vẫn nằm, ôm riết lấy nhau. Dường như cả hai đã hoàn toàn tê liệt, không thể nào ý thức được, không thể nào cảm nhận nổi cái sự sống sót ngoài dự kiến này. Lặng đi như thế khá lâu, cô gái mới đụng cựa thân mình, duỗi người ra khỏi tôi. Chậm chạp, tôi đỡ cô đứng dậy. Một bên vai áo rách toang, tóc xõa rối, ánh mắt sợ hãi, cô luống cuống quờ quờ chân tìm đôi guốc, không biết để làm gì cái đôi guốc cao gót ấy. Khói đặc trôi là là. Mùi thuốc bom khét cháy. Trời mây bầm đỏ. Trong khi đã đỡ tiếng ù, tôi nghe thấy từ đâu đó phía trước rất gần, dậy lên tiếng kêu cứu. Rồi cả đoạn phố ầm ầm lên huyên náo. Từ phía sau, rầm rập một đám đông đổ tới cuốc xẻng, xà beng, với cáng thương, hối hả tràn qua.
"Đứng ì ra thế à! - Ai đó giận dữ quát lên với tôi, gay gắt, đau đớn, khàn đặc - Hầm sập, người thì chết, ngay trước mắt kia kìa, giời ơi-ơi...!"
- Ôi giời ơi, hình như chỗ hầm công cộng, anh ơi! ở đó bao nhiêu là người... - Cô gái kêu lên thảng thốt.
- Anh phải lại đó góp một tay. Em về trước đi. Anh về sau! - Tôi nói.
Và vùng ra khỏi tay cô, tôi hộc tốc chạy băng theo đám đông. Vừa chạy vừa ngoái lại, xua xua tay, gân cổ hét "Về đi! Chờ ở nhà!".
Khi chạy đến bãi bom, trước khi cùng mọi người lao khuất vào trong vùng phố xá vừa bị hủy diệt, vừa ngổn ngang, vừa tanh bành, ngập khói, tôi còn kịp ngoảnh nhìn lại một lần nữa, và nhờ thế mà còn được nhìn thoáng thấy qua màn đêm sẫm mầu lửa cái hình bóng thân yêu và hư ảo ấy một lần cuối cùng... Lẽ ra thì đấy không thể là lần cuối cùng, bởi vì lẽ ra thì tôi đã trở về được căn phòng hồi đêm ấy và gặp lại được người con gái ấy của tôi. Khi đó đã báo yên từ lâu, trời đã sáng hẳn. Cứ theo đường tầu điện, con đường mòn độc đạo hồi đêm, tôi rảo bước quay trở lại ngôi nhà. Thoạt tiên, tôi chẳng để tâm, chỉ lẳng lặng bước tránh lên vỉa hè. Buổi sớm mai giá lạnh, phố xá thưa người, cái tầu điện già lão và sặc mùi gỉ sắt ấy không buồn thúc chuông, thả sức lao uỳnh uỳnh, hàng bánh sắt nện rầm rập, rít lên, tóe lửa. Động cơ điện rú è è chói tai. Nhưng nó vừa vụt qua thì lập tức tôi sững người, như thể bị một roi vút thẳng vào tim, sực tỉnh song chết lặng đi. Phố dài hun hút, thẳng tắp, không có lối rẽ. Dọc hai bên đường nhà liền nhà, san sát và hoàn toàn đơn điệu, nhà nào cũng y như nhà nào. Một mặt tiền ảm đạm cau có dưới một mái hiên lợp bằng những tấm tôn gỉ. Một cửa ra vào và một bậc tam cấp bước hẳn xuống vỉa hè. Trước mỗi nhà đều có một hố tròn bằng xi-măng đúc sẵn. Tầu điện đã chạy rồi, vật chuẩn độc nhất đã di động, nên giờ đây điều duy nhất tôi còn có thể xác định được là ngôi nhà ấy nằm ở phía trên vỉa hè bên nào. Song bên nào mà chẳng thế. Mấp mô, trồi sụt, lênh láng những vũng nước đọng trước những bậc thềm. Những mái hiên dột nát, những mảng bờ tường. Những cây bàng. Những cây cột điện... Không còn thời gian nữa, nhưng hồi lâu, như thể nhấm nháp nỗi tuyệt vọng, tôi vẫn cứ bước thấp bước cao, dạo đi dạo lại nhìn vào cửa những ngôi nhà, nhìn vào mặt những người từ trong đó đi ra. Cho đến khi lại một chuyến tầu điện leng keng chạy tới, tôi mới chịu khuất phục. Mặt mày vẫn nhem nhuốc tro than, tay chân xây xát, quần áo tả tơi và vẫn còn loang lổ vết máu của những người bị nạn trong đêm, tôi nặng nhọc lê bước, đầu cúi gầm, men theo cặp ray xe điện, đi về phía cửa ô.

Trở về sau chiến tranh, khi họa hoằn có dịp nào qua Hà Nội thì tôi vẫn chỉ một lối mòn xe điện ấy để đi. Cứ như thế thôi, chẳng phải để tìm thấy một cái gì, cũng chẳng phải là để đi đến đâu. Lần gần đây nhất xuống ga Hàng Cỏ, tôi mất dấu con đường mòn. Hà Nội đã xóa bỏ tầu điện. Phố xá huy hoàng. Nhà cửa đẹp đẽ. Đời sống sung sướng... Có lẽ đến một ngày nào đó, người ta có thể hình dung nổi đã có thời tồn tại chính trên xứ sở tươi đẹp này những cảnh tượng đại loại như cảnh tượng tôi từng thấy hai chục năm về trước, khi tôi còn rất trẻ.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:45:25 am »

(vnthuquan.net)

Mây trắng còn bay

Máy bay cất cánh trong mưa. Tiếng càng bánh xe gấp lại có vẻ mạnh hơn bình thường dội độ rung vào thân máy bay. Tôi tiếc là đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu.
Máy bay hẫng một cái như hụt bước. Tay vận complet ngồi bên cạnh tôi mặt nhợt đi, mắt nhắm nghiền, cặp môi run run. Tôi bấu chặt các ngón tay vào thành ghế. Con người tôi bé tí hin treo trên vực sâu đang càng lúc càng sâu thẳm.

- Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên.
Chiếc TU đã lấy được độ cao cần thiết, bắt đầu bay bằng. Hàng chữ điện "Cài thắt lưng an toàn" đã được tắt đi. Nhưng ngoài cửa sổ vẫn cuồn cuộn mây.
- Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Bà cụ nói - Y thể cây lá ngoài vườn.
Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.
- Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?
Tay nọ làm thinh.
- Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?
Không được trả lời, bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Cô gái ân cần giải thích để bà cụ yên tâm rằng giá của suất ăn này đã được tính gộp trong tiền vé.

- Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc - bà cụ nói - Vậy mà lúc biếu già tấm vé các chú không quân cùng đơn vị với con trai già ngày nọ bảo là tốn có trăm ngàn. Các chú ấy cho già thì có, chứ còn tính ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó.
Bà cụ hạ chiếc bàn gấp xuống song không bày bữa ăn lên đấy. Tất cả các thứ hộp thứ gói trên khay bà dồn hết vào chiếc làn mây. Bà chẳng ăn chút gì. Lúc người ta mang đồ uống đến, bà cũng chỉ xin một cốc nước lọc. Bà hỏi cô tiếp viên:
- Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?
- Dạ thưa - Cô gái nhìn đồng hồ đeo tay - Còn chừng dăm phút nữa ạ. Nhưng thưa cụ vì chúng ta bay trên biển nên không ngang qua sông mà sẽ chỉ ngang qua vùng trời vĩ tuyến 17.
- Lát qua đấy con bật dùm già cái cửa tròn này con nhé, cho thoáng.
- ấy chết, mở thế nào được ạ. Cô gái bật cười.

Ngoài cửa sổ nắng lóe lên, cánh máy bay lấp lánh, nhưng chỉ trong chốc lát. Trên rất cao này, trời vẫn còn mây. Người tôi nôn nao như ngồi trên đu quay. Chưa chuyến nào thấy mệt như chuyến này. Có lẽ vì cơn bão đang hoành hành ở miền trung nên không trung đầy rẫy ổ gà. Máy bay chòng chành, dồi lắc, bên thân và dưới sàn khe khẽ phát ra những tiếng răng rắc như sắp rạn.
Tay vận complet xòe diêm châm thuốc. Là dân nghiện nhưng lúc này tôi thấy gai với khói. Lẽ ra y nên xuống phía dưới mà thả khí chứ chẳng nên phớt lờ hàng chữ "không hút thuốc" sáng nay trước mũi y như vậy, tôi sẽ uể oải thầm nghĩ, đậy tờ báo lên mặt và nhắm mắt lại. Giấc ngủ thiu thiu chầm chậm trườn tới.
- Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!
Tôi giật bắn mình. Tôi bị giằng khỏi giấc ngủ không phải vì tiếng quát, tay ngồi cạnh tôi không quát to tiếng, chỉ nạt, nạt khẽ thôi, đủ nghe. Nhưng âm hưởng của nỗi hoảng hốt và sự cục cằn trong giọng y như tát vào mặt người ta. Thận trọng, tôi liếc nhìn. Khói thuốc và cặp vai to đùng của y che khuất cả bà cụ già, cả ô cửa sổ.
- Này, cô kia, cô nhân viên! - Y sang trọng đứng dậy mắng - Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?
- Van bác... - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác... Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.

Tay nọ gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lối đi. Bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt.
Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.

Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.
Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.

Khói nhang nhả nhè nhẹ, bốc lên dìu dịu, mờ mỏng trong bầu không khí lành lạnh của khoang máy bay. Những cây nhang trên trời thẳm tỏa hương thơm ngát. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:53:36 am »

(vnthuquan.net)

Rửa tay gác kiếm

Giờ đây nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội, lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng. Kể từ ngày sau đỉnh cao của hạnh phúc, ngày chiến thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hòa bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi quá mau. Khi đón tôi từ mặt trận trở về, cha mẹ còn chưa hưu trí, vậy mà bây giờ cha mẹ đã ngoài bảy mươi. Anh em ruột thịt mỗi người mỗi phương và thấm thoắt luống tuổi cả rồi. Con trai tôi Tết này đã bằng tuổi tôi ngày nhập ngũ. Vợ tôi, vốn được tiếng là trẻ lâu, nhưng bởi nắng mưa sóng gió sinh kế đoạn trường nay cũng không còn được trẻ như mấy năm trước nữa. Tôi lặn lội kiếm sống, trải nhiều nghề, rốt cuộc thành nhà văn, song văn chương gì tôi, viết lách đã chẳng bao nhiêu lại chẳng ra thế nào, chỉ tổ ngày một thêm lạc lõng và ngày một thêm bơ phờ. Thời gian và cuộc sống nhấn chìm tôi.
Nếu như được phép làm lại nhỉ. Biết làm lại từ đâu. Quá khứ lúc mờ lúc tỏ. Bãi bể nương dâu vật đổi sao dời đã lấp mất lối tôi về với chí lớn năm xưa, với thời trai trẻ vinh quang, với cuộc đấu tranh gian khổ. Hơi hướng bao năm dài trận mạc chẳng còn tăm tích. Ngay đến những kỷ vật quân ngũ cũng theo nhau mất dần. Ba lô, tăng võng, hai bộ Tô Châu, một đôi dép đúc, chiếc mũ tai bèo, rồi sổ quân bạ, giấy chứng thương, thư từ, nhật ký. Tất cả đã mai một. Không phải là do tôi để thất lạc mà bởi nỗi người lính chiến trong tôi không còn trong tôi nữa.

Anh em đồng đội kiến giả nhất phận, hàng năm trời không lần sum họp, không khỏi quên dần mất nhau. Dạo trước chẳng cần phải chỗ bạn bè, chẳng cần phải cùng đơn vị, chỉ cần biết người đó gốc gác ở Mặt trận K, ở Cánh Đồng Chum, ở cổ thành Quảng Trị, thì dù mới chỉ lần đầu gặp gỡ, tôi đã lập tức thấy thiện cảm, có thể nói đã dành ngay một tình thân ái đầy thiên vị cho người anh em chưa mấy quen biết ấy. Nhưng dần dần cái thói phàm tục của đời sống thị thành thản nhiên và tàn tệ này đã khiến tôi không còn muốn xích gần tới với bất kỳ ai. Thậm chí tôi đã gần như quên hẳn đi rằng ông trưởng phòng tổ chức nơi tôi đang làm việc chính là đồng chí trưởng xe chiếc T54 đã dẫn đầu trung đội xung kích chúng tôi đột phá cửa mở Lăng Cha Cả tấn công phi trường Tân Sơn Nhất. Từng sát cánh bên nhau, sống chết có nhau một thời như vậy mà giữa cuộc bon chen kịch liệt hôm nay lắm lúc giáp mặt chạm vai chẳng chào. Như thể đã hoàn toàn bỏ bẵng dĩ vãng, hơn hai chục năm trời sau chiến tranh hôm nay tôi mới một chuyến trở lại Sài Gòn. Khi vừa từ cầu thang máy bay đặt chân xuống mặt bê-tông đường băng, tôi chợt thấy trong lòng nhói lên một điều gì đó không rõ là điều gì, một điều gì đó say ngủ từ lâu giờ đây bỗng cựa mình. Một đám mây thẫm mầu tạt qua dưới mặt trời ngả một bóng râm mờ trên phi đạo mênh mông nắng chiều.

Trong chốc lát, dường như có một không gian khác và một thời gian khác đáp cánh xuống sân bay làm hiện hình lên trong tâm trí tôi toàn cảnh Tân Sơn Nhất của một ngày cuối tháng tư xa thẳm thuở xưa. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh trong chớp mắt. Tiếng gầm của một chiếc Bô-ing đang chạy lấy đà chứ không phải tiếng gầm thét long trời của cuộc tấn công. Phi trường trải rộng một cõi bao la, sạch tinh, sáng loáng. Chỉ có cái lầu chỉ huy không lưu là dấu vết duy nhất ngày xưa bây giờ tôi còn nhận ra. Nhưng lá quân kỳ Quyết Thắng của sư 10 mà vừa nãy tưởng chừng vẫn thấy đó trên đỉnh lầu, cuồn cuộn tung bay trong gió, một chớp mắt thôi tôi đã không còn thấy nữa. Tôi nhìn quanh. Đâu là hướng dẫn vào trại Mác Vi? Và đâu là khu vực trại Đa Vít, vị trí kết thúc chiến tranh của trung đoàn 24? Tại đó trung đoàn trưởng Vũ Tài, người anh cả thân yêu, súng ngắn trong tay cùng tiểu đội chúng tôi từ quanh tháp xe tăng ùa xuống lao vào vòng tay dang ra mừng đón của các cảm tử quân. Phái đoàn bốn bên. Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt tưởng đã khóc cạn với nhau rồi vào giờ phút tuyệt đỉnh đời người, giờ phút đất rộng trời cao lòng người nhập một ấy, lạ sao bây giờ lại tràn mi, nóng rực và nhói đau như kim châm trong tròng mắt.
*
Những ngày vui chiến thắng qua đi, bao nhiêu xúc cảm bước vào thời kỳ mới nhiệm vụ mới, tiểu đoàn này tiến gấp ra biên giới chặn quân Pôn Pốt, tiểu đoàn kia chuyển sang làm kinh tế, hoặc là phân tán về các vùng mới giải phóng gỡ mìn, san lấp hố bom, làm công tác dân vận, hoặc như tôi trở lại chiến trường Tây Nguyên thu gom hài cốt đồng đội. Chẳng may tôi bị sốt rét ác tính vật khi đang tham gia đội công tác tử sĩ trong rừng rậm Đông Sa Thầy. Được trực thăng đưa về Sài Gòn, tôi nằm điều trị ở quân y viện, đến khi bình phục không trở lại đơn vị nữa mà vào trại an dưỡng ăn không ngồi rồi đợi ngày giải ngũ.

Trại an dưỡng này thời ngụy là doanh trại của một trường đào tạo nhân viên bình định, nằm bên bờ một dòng sông lớn. Sông nước mùa mưa biến khu trại thành một hòn đảo. Nhiều đêm nước lụt bò qua rào kẽm gai, tràn lên sân, tấp vào tận thềm các ngôi nhà đủ thứ tàn tích tanh tưởi của quân chiến bại ứ lại từ mùa khô, còn vương vãi cùng khắp trong trại và trong các đồn bốt công sự hầm hào xó xỉnh bụi bờ hang hốc dọc hai bên bờ sông. Chưa năm nào mực nước sông cao như năm ấy. Mùa mưa hòa bình cũng dài ê ẩm chẳng khác những mùa mưa trong chiến tranh. Quang cảnh những ngày tháng năm rực rỡ nắng nhường chỗ cho tiết thu lê thê hoàng hôn. Nước tràn lênh láng và mưa rơi tối ngày. Tiếng mưa rơi trên mái tôn khi mưa nhỏ hạt thì nghe như tiếng côn trùng rền rĩ, khi mưa lớn hạt thì gầm gào cào xé vỡ màng tai. Bao nhiêu các thứ rau củ chúng tôi tăng gia được đều chết úng, chỉ sót lại có rau muống. Sân bóng làm ra đấy nhưng rồi ngập bùn không bóng đá bóng chuyền gì được. Không khí như õng nước, ngay cả trong buồng cũng nhờ nhờ một chút sương tỏa ra từ người ngợm và quần áo.

Chúng tôi bị mưa mùa nước lụt cầm chân, chẳng đi chơi được đâu cả, chỉ quanh quẩn trong khuôn viên của trại. Đánh bài chơi cờ, tụ quần lại đấu láo tán dóc, bật đài thật to om sòm nghe thơ nghe nhạc. Nhưng vẫn không thể át hẳn được nỗi buồn mùa mưa. Không khí ướt át, uể oải như ngấm vào xương làm cho da dẻ mãi không hồng hào lên nổi. Hơi ẩm cùng cảnh nhàn rỗi khiến chúng tôi phải làm quen lại với đủ các thứ ốm đau lặt vặt thời bình. Có hôm già nửa trại nhức đầu sổ mũi phải báo cháo. Nghiện cách chữa trị bình dân của bà con trong nam, nhiều tay người lúc nào cũng thơm hắc mùi dầu Nhị thiên đường, trán bầm vết cạo gió và lưng đầy những dấu giác hơi.

Đêm nào ở giường bên cạnh giường tôi Khương cũng nghiến răng, nói mơ và rên rỉ. Anh không la to chỉ ư ử trong đáy họng, khe khẽ và dai dẳng. Ban ngày, nom anh hoàn toàn bình thường, không khỏe hơn cũng không yếu hơn mọi người. Tính nết anh hồn hậu, cởi mở và cũng ham vui chứ tuyệt nhiên không phải con người nhiều u uẩn. Song cứ đến nửa đêm... Khương bảo rằng hồi đang đánh nhau chẳng hề bị như vậy, chỉ từ hòa bình, nhập trại an dưỡng mới sinh ra thế. Thuốc men chẳng ích gì bởi những cơn vật vã hàng đêm ấy không phải là do các vết thương tái phát mà là đau đớn của giấc mơ. Trong giấc ngủ, Khương mơ thấy lại cảm giác đau của những lần bị thương trước đây. Người chỉ huy trinh sát lừng danh này của Mặt trận B3 đã vào trận ngay từ mùa khô đầu tiên bộ binh Mỹ tham chiến ở Tây Nguyên. Ăn đạn hàng chục lần, vỡ thịt toác xương xối máu, tuy nhiên chưa lần nào là một vết tử thương cho nên chưa lần nào gục ngã, dù nặng đến đâu, cuối cùng rồi Khương cũng nghiến răng gượng dậy được và lại trở về với đội trinh sát của mình. Dường như là chiến trận đã nâng đỡ anh, giúp anh dịu đau đớn, dường như là các thương tích trong mùa khô sau đã khỏa lấp đi thương tích những mùa khô trước. Và bây giờ, hàng đêm, trong giấc ngủ, Khương như thể lần hồi duyệt lại các vết thương, lần lượt, từ đầu, từng vết thương một, từng nỗi đau. Bác sĩ của trại cho rằng không có gì đáng sợ, những cơn thống giác trong tiềm thức sẽ dần dần bị ngăn lại. Song ai mà biết chắc được. Khi đang mở mắt thao láo thì còn đủ sức gắng gượng quên đi mọi sự nhưng đã ngủ thiếp đi rồi thì ai mà có thể đưa tay ra cản lại mộng mị.

Chẳng riêng gì Khương, tất cả anh em trong phòng đều ít nhiều gặp phải những ác mộng di chứng từ trận mạc. Bao giờ cũng là những ác mộng sinh động. Tú chẳng hạn, luôn sống lại với trái bom CBU ném xuống rừng cao-su Xuân Lộc. Hầm sập và Tú ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn tôi, tôi mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy những rừng già trên sườn Ngọc Bơ Biêng bị bom Mỹ biến thành những đại ngàn củi khô. Hồi đó, suốt mấy tháng ròng, ngày nào cũng như vậy, bầu trời Ngọc Bơ Biêng luôn hiện hình những chiếc Caribou C123 chầm chậm trườn theo các sườn, từ từ và kỹ lưỡng thả mưa độc tưới ướt rừng xanh. Nhưng vào ngày đầu tiên, giờ đầu tiên chúng tôi không kịp hiểu là bọn Mỹ giở trò gì, không ai biết điều kinh khủng gì đã xảy ra.
Tiếng động cơ ì ì uể oải của máy bay vận tải chẳng làm ai lưu tâm. Khu rừng đại đội chúng tôi trú đêm mặc dù là rừng thưa nhưng ẩn mình kín đáo trong một cái thung nhỏ lọt sâu giữa bốn bề núi cao, phi pháo khó lòng nện trúng. Song linh cảm về một sự bất trắc buộc chúng tôi phải rời võng. Mặt tôi lành lạnh ẩm ướt. Những hạt nước li ti, cay cay, bám trên mi mắt. Tôi vuốt mặt, dụi mắt, chật vật ngồi dậy, ngáp dài, đờ đẫn bước ra khỏi võng, toàn thân mỏi dừ, mệt nhọc khác thường. Tiếng máy bay không còn ngay trên đầu nữa nhưng vẫn từ đâu đó xa xa ù ù vọng tới. Lòng rừng mờ mịt sương mù.

Tuy nhiên, không phải sương. Có lẽ là khói, nhưng là một thứ khói ướt nhoẹt và đặc sệt. Các mái tăng che trên những cánh võng đều ướt đẫm hơi nước và dính lá rụng. Tóc tai, mặt mày, vai áo, lưng áo của tôi cũng vậy, ươn ướt, khó chịu. Những người khác cũng thế. Lính tráng ngấm hơi nước nom ỉu xìu. Tôi đưa bàn tay lấm tấm những hạt nước lên gần mũi. Chẳng thấy mùi gì cả. Nhưng tại sao trong không khí lại ngàn ngạt một mùi gì là lạ, tựa như mùi nước bị oi khói. Tôi ngước lên, nhìn. Rừng đang đổ lá. Mái rừng tróc từng mảng rộng, hở ra, rụng xuống như bị lột da. Không một phẩy gió, cây cối bất động vậy mà tơi tả chẳng khác nào đang trong một trận động rừng. Một trận động rừng câm lặng, lay chuyển ngàn cây nhưng mà lại im phăng phắc. Lá, hoa, quả và cả cành non nữa trút như mưa song không một tiếng xào xạc. Chẳng phải lá vàng chẳng phải lá xanh, lá to lá nhỏ tất cả đều là những xác chết thâm xịt và nhầu nhĩ như bị vò. Cỏ dưới đáy rừng cũng đang rũ chết, ngả dẹp xuống và đã bắt đầu biến mầu... Trước đó, cũng như sau đó, dọc đường chiến tranh, tôi đã trải qua những tình thế còn bội phần ghê sợ hơn. Tuy nhiên ám sâu nhất vào tâm trí tôi đến trọn đời vẫn là cảnh tượng thiên nhiên bị bọn Mỹ giết hại một cách rùng rợn như thế trong cái tháng mầu Da Cam ấy.
*
Ngay sáng đầu tháng năm, còn chốt trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi đã biên gấp một lá thư gửi ra Hà Nội báo tin còn sống. Nhưng cứ như là đang trong thời chiến, mãi cuối tháng 10 sắp được ra quân đến nơi rồi tôi mới nhận được thư nhà. Không chỉ là thư. Quân bưu trao cho tôi hẳn một bưu kiện nặng ký rưỡi, của mẹ. Nhưng, khi mở ra thì thật không thể tin nổi. Gói quà đã được gửi đi từ tận mùa hè năm 73. Cả trại an dưỡng truyền nhau xem cái gói quà từ quá khứ ấy. Nó đã truân chuyên qua bao nhiêu tháng ngày, lưu lạc qua hai thời đại. Mẹ tôi đã bao gói rất kỹ. Hai lượt ni lông dày, một lượt giấy xi măng. Song ngàn dặm mùa khô đường Trường Sơn lụt trong lửa, mùa mưa thì sình thối, rữa nát dưới bùn sâu, thư mẹ chẳng còn chữ nào đọc được, kẹo chảy nước, thuốc lá mốc meo, bánh bích quy vữa ra, chỉ có kim chỉ, đá lửa, dầu cao Con hổ là còn dùng tốt và sẽ là vô cùng quý giá nếu như đang trong chiến tranh.

Trong chiến tranh, có lần, vào cuối mùa mưa, xác của một người lính quân bưu từ vùng núi cao phía tây đã xuôi theo dòng lũ sông Pô Cô trôi về, tấp vào một bãi lau gần chỗ đơn vị tôi trú quân. Thi thể anh bị đạn đại liên khoan toác ra những lỗ thủng lớn. Anh chết đã nhiều ngày, thân thể ngâm lâu dưới nước đã biến dạng và bị cá rỉa tung tóe. Có lẽ anh bị trực thăng vồ khi đang vượt qua một đoạn suối nào đó trên thượng nguồn. Cái bồng vải dù chật cứng thư bám trên lưng anh lỗ chỗ vết đạn. Thư từ chảy nước, ướt nhoẹt mầu mực và mầu máu. Ngay những bức thư không bị đạn xé thì địa chỉ và tên tuổi trong phong bì cũng đã bị nước gột đi hết, chỉ còn mờ mờ dấu vết cái triện mầu đỏ của bưu điện các tỉnh ngoài miền bắc. Đành phải để tất cả những lá thư vô chủ ấy được chôn theo thi thể của người lính quân bưu vô danh. Từ đó tôi không viết thư về nhà và cũng dứt khoát không bận lòng mong ngóng thư nhà nữa. Thư từ của lính lành ít dữ nhiều, tôi có cảm giác như thế. Ngay cả khi đã hòa bình rồi.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:55:04 am »

Cùng đợt tôi nhận được gói quà của mẹ, trong phòng còn có Quang cũng được thư. Mặc dù Quang rất chăm viết thư nhưng cũng giống như tôi đến mãi bấy giờ anh mới được hồi âm. Song lá thư cho anh hay một cái tin rất tệ. Vợ anh đã bỏ nhà theo trai. Cô ta tằng tịu với một gã thủy thủ đường sông, đến nỗi mang bầu nên phải bỏ làng bán xới theo gã vào nam ngay sau ngày hòa bình. Bị phải cái tin điếng người ấy, Quang tỏ ra bình tĩnh. Anh thông cảm với vợ. "Lấy nhau mới được có bảy ngày là tớ lên đường đi B. Như vậy là cô ấy đã phải vò võ chịu đựng những mười năm giời có lẻ chứ nào ít ỏi gì đâu, thế mà sức người thì có hạn - Quang điềm đạm lý giải một cách phân minh - Thêm nữa nhà tớ lại kề ngay một bến sông nhộn nhịp, tứ xứ thuyền bè qua lại, sự thể như thế tất phải xảy ra. Trách ai được bây giờ. Thôi thì sự đã vậy thì đành vậy, tớ chẳng thiết!". Miệng anh nói vậy nhưng bụng anh nói khác. Đêm đêm, giữa canh khuya, Quang chỉ toàn nằm mộng thấy kẻ bội bạc, anh nấc lên tên cô ta và rên ư ử vừa nói lảm nhảm. Có đêm tôi nghe thấy trong màn anh vẳng ra tiếng khóc thút thít sụt sịt. Vợ chồng anh chưa có con, nhưng có tới một nửa những thứ trong ba lô của anh là đồ chơi. Còn lại là quà cho vợ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy anh loay hoay hết dỡ ra lại xếp vào những xấp vải và những cuộn len, những mớ đồ lót mỏng manh lụa có viền đăng ten, rồi những lọ nước hoa tí xíu, những vốc hạt trai, hạt cườm, những vòng đeo tay, đeo cổ lóng la lóng lánh. Anh chẳng trà, chẳng thuốc, chẳng uống rượu để dành được cả một cục tiền. Và ngày ngày anh bỏ thật nhiều thì giờ để cặm cụi ngồi viết cho vợ những bức thư thật dài, gần như là mỗi ngày một bức, nhưng không gửi, tồn tại thành một xấp dày. Cho mãi tới buổi chiều trước hôm từ giã chúng tôi để lên đường về quê lẳng lặng Quang mang xấp thư ấy đi xuống bờ sông, lần lượt giở từng bức ra ngồi đọc đi đọc lại, rồi chậm rãi xé nhỏ, rắc xuống nước, như thể thả mồi nuôi cá. Những mảnh tình cảm nát vụn xuôi thành một vệt trắng trôi ngang qua chỗ tôi và Tú buông câu. Nhiều mảnh vướng vào phao. Tú bảo:
- Thật đúng là những bức tình thư gửi cho cá chép.
Hôm ấy, được một buổi chiều bỗng nhiên tạnh mưa, trời quang mây, thế gian hửng nắng, tôi và Tú bỏ chơi bài, mò ra ngồi câu. Vừng dương ló ra trong trời chiều, không gian tràn ngập những đợt sóng vàng lấp lánh lan theo chiều gió, trải từ tây sang đông. Các đường chân trời dường như được nới rộng ra. Khắp nơi cuộc sống thanh bình muộn màng, trỗi dậy trong buổi hoàng hôn thoáng đãng, dưới gầm trời tự do. Tôi nghe thấy tiếng thở dài khoan khoái của dòng sông. Chiều hôm nay mùa khô tựa hồ đã áp sát bờ bên kia. Mây mù bao ngày tan đi, mặt nước như sống lại. Bên kia sông, phía trời xa, thành phố vĩ đại bám đầy nắng chiều và hơi ẩm đang chậm rãi xoay mặt về hướng vừng dương đang từ từ xuống thấp. Dọc con lộ ngang qua đồng trống những chiếc xe vận tải trông như đang bay lơ lửng trong sương.
Ngồi cả buổi chẳng câu được gì nhưng tôi và Tú chỉ quay về khi nhà ăn thúc kẻng báo giờ cơm. Tiếng dùi sắp đập vào vỏ gang của quả bom câm vang dội, lan xa trên mặt sông bát ngát chiều tà. Đi qua chỗ Quang đang ngồi ngây lặng tôi kéo anh cùng về. Tú nói đùa:
- Ngày mai tới phiên anh được ra bắc rồi vậy mà hôm nay định trầm mình hay sao thế, anh Quang?
Người Quang gầy nhom, võ vàng, lưng gù gù.
- Tớ chưa định về quê - Quang nói - Tớ còn phải đi tìm cô ấy. Tớ sẽ đi khắp mọi miền, sẽ đi tìm dọc theo các con sông. Khó khăn đến thế nào tớ cũng sẽ gặp được. Với lại bây giờ đã mùa khô rồi, sẽ đỡ khó khăn hơn.
- Phải rồi, đã mùa khô...
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:56:35 am »

Khi mùa khô đến, tình thế nhất định sẽ phải khá lên, ấy là niềm hy vọng được lặp đi lặp lại đã trở thành như là một thói quen, hoặc có thể nói, như là một tín điều của tất cả những người lính đã trải nhiều năm chiến trường. Mùa mưa âm u lâu dài bất tận nhưng rồi cũng đến lúc phải ngừng. Và thế là cùng với vừng dương rực rỡ, cùng với khung cảnh nắng ráo, lòng người lại trỗi dậy niềm tin tưởng quen thuộc rằng mọi sự sẽ tốt đẹp lên và cuộc sống sẽ lại bắt đầu dưới ánh mặt trời.
Lần đầu tiên sau non nửa năm sống chung buồng với nhau ở trại an dưỡng, tôi thấy Quang không ủ rũ. Buổi tối hôm đó, trong cuộc nhậu chúng tôi tổ chức để tiễn đưa anh, anh uống nhiều, và dường như bội phần hăng lên.
- Tớ đã ngẫm kỹ rồi. Mai mốt khi đã tìm được nhau, vợ chồng tớ sẽ ở lại luôn trong này chứ không ra bắc. - Anh mơ mộng - Trong nam này, đất đai đồng ruộng vô vàn, sông hồ cũng mênh mông bát ngát, lo gì không chốn nương thân. Với lại, người dân trong này hợp tính với tính mình. Họ không cổ hủ, đúng không. Và họ rất rộng lòng...
Hôm sau, Quang khoác ba lô rời trại song không lên ô tô mà một mình cuốc bộ. Và không đi về phía thành phố, không đi lên hướng bắc, chậm rãi anh đi xuôi dòng sông, lẳng lặng bắt đầu cuộc rong ruổi đường trường đi tìm lại người thân yêu thuở xưa và đi tìm miền nương thân mới.
Mấy bữa sau đến lượt Khương. Rồi Tú.
Trại an dưỡng vãn dần. Không có nhiều những ước hẹn gặp lại. Lặng lẽ chúng tôi xiết chặt tay nhau, nhìn vào mắt nhau thầm an ủi và động viên nhau lần chót. Chúng tôi đã từng đông đảo biết bao và hùng mạnh biết bao. Và chúng tôi không phải chỉ là một đạo quân, chúng tôi còn là cả một sự nghiệp lớn lao, một sự đồng lòng vĩ đại. Giờ đây, mỗi người mỗi ngả, bèo dạt mây trôi, song lòng dạ không đổi thay, lý tưởng chiến đấu cháy bỏng suốt thời trai trẻ sẽ còn sáng mãi đến trọn đời anh em chúng tôi.
Trước hôm rời trại ít lâu, tình cờ tôi đã được gặp Loan, người bạn gái cùng phố và cùng lớp ngày xưa. Cô vận quân phục, hàm thiếu úy quân y, tóc cắt ngắn, người gầy, xanh tái, mang súng ngắn và xà cột theo tháp tùng một vị tướng thầy thuốc. Tôi đứng ở cửa phòng, nhác thấy ai đó có nét tựa như Loan giữa đám quan khách vừa từ ô tô xuống đi ngang qua sân trại, liền gọi liều lên "Loan! Loan sữa!". Vậy mà đúng là Loan thật. Cô giật mình, đứng sững lại. Nhận ra tôi, người Loan như run lên, mặt nhợt đi, môi lẩy bẩy một nụ cười yếu ớt. Tôi mời Loan vào phòng. Đến hôm đó quân số của phòng còn lại có một tôi. Căn phòng trống vắng và có vẻ gì như âm u. Tôi mở toang các cửa ra, và quơ gọn màn chiếu vào góc lấy một chỗ ở đầu giường cho Loan ngồi, rồi tôi pha trà, tôi bày bánh kẹo lên bàn. Bàn kề cửa sổ, trông ra vườn. Gió chiều nhẹ thổi, phảng phất hương thơm và tiếng lá rì rào. Loan bảo là đã bao năm rồi mới có người gọi tên cô lên kèm với cái biệt danh thuở học trò, cái biệt danh ngọt ngào và thân ái như vậy mà buồn cười làm sao hồi ấy cô lại luôn luôn coi là một lời chế nhạo tai ác của bọn con trai trong lớp. Bây giờ thì trái lại, nó làm cô muốn khóc. Chỉ có điều bây giờ có lẽ chỉ còn được một nửa của Loan "sữa" ngày ấy, mà cũng có thể là chẳng còn gì, Loan bảo thế. Còn bọn con trai tai ác ngày ấy thì giờ đây nào biết ai còn ai mất.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi một tiếng đồng hồ, khi vị tướng của Loan đi thăm suốt lượt khu trại, Loan và tôi ngồi cạnh nhau, bên ô cửa sổ rộng mở, ký ức dạt dào và chứa chan hoài cảm, chẳng khác nào cặp uyên ương của một mối tình già đang chậm rãi chuyện trò và sưởi nắng. Không để ý đến thời khắc hàn huyên đang trôi qua chóng vánh, chúng tôi mải mê trò chuyện với nhau về khu phố, về trường Bưởi, về lớp 10C và về những người bạn thuở thiếu thời, một lứa bạn bè mà như Loan nói là đã cùng nhau trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và đã cùng nhau hy sinh ở chiến trường.

Sau Tết năm Quý Sửu 1973, Loan kể thế, năm hòa bình ở miền bắc, ngay trước ngày nhập ngũ Loan được dự cuộc họp mặt của các học trò cũ lớp 10C tổ chức tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Trong buổi họp lớp ấy, cánh con trai chỉ có mỗi mình Khoa "cô chiêu", mới tốt nghiệp đại học văn khoa ở Liên Xô về, còn thì toàn bọn gái. Thành thử không khí của buổi họp lớp nặng nỗi ngậm ngùi. Vui tươi tưng bừng sao được khi một lớp học vắng mặt đến quá nửa, và nhất là hễ cứ hỏi đến ai trong số những người vắng mặt thì lại phải nghe trả lời rằng người đó đã hy sinh, hoặc hình như đã hy sinh, hoặc từ lâu không nhận được tin tức. Tin tức về các bạn trai của Loan ở những lớp 10 khác cũng vậy, và cả ở khu phố nữa. Cho tới hôm nay tôi gần như là người duy nhất trong đám bạn bè con trai đã ra đi ngày ấy mà Loan còn gặp lại.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:57:16 am »

Thực ra, ngoài tôi, Loan còn gặp được một người nữa cùng phố, tên là Hải. Hai người gặp nhau tại trạm phẫu tiền phương mặt trận Thượng Đức, mùa mưa năm 1974. Trước khi vào chiến trường, Hải là công an hộ tịch ở khu phố nên thoáng thấy Loan là anh nhớ ra ngay, nhưng Loan thì trước đây không hề biết Hải, mà dẫu có từng biết cũng không tài nào nhận ra. Hải bị vết thương rất nặng, người nát dập ra, cả khuôn mặt cũng vậy, chỉ còn chừa đôi mắt, mở to, ráo hoảnh, ngời lên vì đau đớn. Sau cuộc giải phẫu, khi đã tan thuốc mê, đau đớn tột cùng, vậy mà Hải lại cực độ tỉnh táo. Suốt đêm, trong căn hầm hậu phẫu, Loan không một lúc rời Hải, cô cùng anh thao thức chờ đón bình minh. Ngoài hầm mưa rừng như thác đổ và tiếng đại bác nổ khi cấp tập khi cầm canh. Hải bảo Loan nằm xuống bên cạnh, anh bảo cô luồn tay dưới gáy để anh được nằm gối đầu lên tay cô. Hải chết lúc tảng sáng, nhưng sau khi đã chết người anh không cứng ra và không lạnh đi ngay, mà con lưu mãi hơi ấm cho đến lúc Loan gỡ mình khỏi thi thể của anh.
Tôi nhẹ nắm bàn tay Loan. Bóng chiều êm ả và những kỷ niệm nặng trĩu khiến hai chúng tôi như mê mẩn dần đi trong nỗi đau buồn và tình thân ái. Mãi đến khi ngoài sân còi ô tô đã bấm inh lên gọi Loan, chúng tôi mới như sực tỉnh. ánh hoàng hôn hồng rực lửa qua ô cửa sổ, tràn ngập căn phòng.
Ngoài vườn cây gió chiều lộng thổi, dào dạt sóng lá. Tôi giữ lấy tay Loan, níu chặt.
- Đừng, - Loan nói, thầm thì, nhè nhẹ rút tay ra - Loan mừng vì có được buổi chiều nay. Chiều nay một buổi chiều thật đẹp cho nên đừng nên có gì hơn nữa.
Lặng lẽ chúng tôi ngã vào nhau, và chỉ trong giây lát thôi, một nụ hôn mơ hồ, rồi lặng lẽ dứt khỏi nhau, Loan chạy vội ra xa, còn tôi đứng lại trong phòng.
Hai hôm sau tôi nhận tờ lệnh giải ngũ. Vĩnh biệt cuộc đời bộ đội.
Tôi ra đi lúc hừng đông. Mặt đất ẩm ướt bập bùng dưới chân. Từ cổng khu trại an dưỡng mà ở trong đó giờ đây đã chỉ còn là những dãy nhà gần như trống vắng vẫn thong thả vang lên hồi kẻng báo thức quen thuộc của nhịp sống quân ngũ mỗi ngày. Tiếng rền của quả bom bắt đầu sự trở mình thức dậy của phong cảnh vùng ven sông.
Nắng lóe chếch vào tận mặt, tôi sụp vành mũ cối xuống và im lặng rảo bước.
Mùa khô mới đó mà như thể đã đến từ lâu trên miền ngoại ô mù mịt bụi, trên những trục đường cằn cỗi, thẳng đuột, không có lối rẽ còn rải rác xác xe tăng, trên những nghĩa địa ven đường, trên mái những dãy nhà kho và xưởng máy đã bị lột hết tôn lợp, trên các tấm pa nô quảng cáo ăn đầy vết đạn liên thanh, trên nóc nhọn những ngôi nhà thờ nhem nhuốc vùng ven thị, trên các bờ tường sụt lở, các cổng gạch đổ xiêu trên những cánh cửa vỡ nát, trên những bãi chợ và trên sân các xa cảng đang dần dần tấp nập trở lại. Cõi trời nam sau công cuộc Thống nhất dẫu còn nửa hoang tàn nhưng đã mở ra biết bao nhiêu là triển vọng huy hoàng của tương lai xán lạn. Chặng đường đi tới tương lai còn xa vời vợi nhưng mà tuổi đời của hầu hết anh em chúng tôi, những chiến binh của sư đoàn Chiến Thắng còn dư đủ để được sống tới ngày chạm tay vào tương lai tốt đẹp.
Chỉ có điều, khi mang nặng trên vai dĩ vãng chiến tranh nặng nghìn năm tuổi thì dù còn đang trẻ đến đâu, đối với chúng tôi phần đời đáng sống nhất đã sống rồi. Nếu rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả bởi có thấm thía gì đâu, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh, và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào chúng tôi cũng biết chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua. Chiến tranh và đồng đội ấy là tình yêu của chúng tôi, lớp trẻ trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và làm nên ý nghĩa cuộc đời mình trong trận mạc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM