Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:55:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75231 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #90 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:51:51 pm »

Hành trang bước vào đời, theo Hoàng là bản lĩnh và ý chí. Người đàn ông ở thời nào cũng vậy cần phải có phẩm chất ấy mới tồn tại được và mới có cơ sở để tọai nguyện được ước mơ hoài bão của bản thân, sau này khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự nếu được đơn vị, quân đội tuyển dụng làm quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ quân đội lâu dài góp phần nhỏ bé xây dựng Trung đoàn ngày càng lớn mạnh. Để trở thành quân nhân chuyên nghiệp xe tăng là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rồi trong tay có một nghề thật sự ỉa chẳng bao giờ hổ thẹn với tổ tiên, dòng họ. Chứ mảnh bằng đại học đâu có khó, ôn luyện miệt mài rồi thi cũng đậu thôi đã lọt vào cổng trường đại học là có bằng. Còn trở thành một “Anh bộ đội Cụ Hồ” có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, được phục vụ quân đội lâu dài trong Trung đoàn xe tăng 202 có bề dầy truyền thống là một môi trường cực kỳ thuận lợi nhưng bản thân phải phấn đấu để có thể phát triển toàn diện.  Cần phải có ý chí, nghị lực, và cần phải có trình đội chuyên môn giỏi - Hoàng nói vậy.

Trong khi trò chuyện, tôi ngắm anh, lúc đó Hoàng mới 21 tuổi nhưng suy nghĩ thật là sâu sắc, già dặn. Vùng quê giàu truyền thống nơi anh lớn lên làm cho con người ta sớm chín chắn hơn chăng? Hoàng cho biết sang năm (1999) Trung đoàn 202 vừa tròn 40 tuổi, anh thuộc vào một trong thế hệ chiến sĩ được chuyển quân nhân chuyên nghiệp sớm ở đơn vị Anh hùng.

Hoàng nói tiếp: Chúng em càng phải thấm thía hơn, nỗ lực học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng đáng với thế hệ cán bộ chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu như Anh hùng Hoàng Thọ Mạc, Đinh Văn Hòe... nhiều người là cán bộ cấp cao trong quân đội nay đã nghỉ hưu như các bác: Đào Huy Vũ, Đặng Quang Long, Lê Xuân Kiện, Đào Văn Xuân, Nguyễn Văn Lãng, Lê Quang Phước, Võ Ngọc Hải, Hoàng Khoái, Ngô Văn Ny, Nguyễn Văn Bất... những người còn lại hôm nay đang giữ trọng trách cao trong quân đội như các đồng chí: Đại tá Hà Chính, Đại tá Đỗ Thanh Long làm giảng viên học viện cấp cao, đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Khiển phó Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị, đồng chí Đại tá Nguyễn Thiện Chất phó sư đoàn chính trị Sư đoàn 312 Quân đoàn I, đồng chí Đại tá Hồ Xuân Tiến phó sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng Sư đoàn 308 Quân đoàn 1... 

Càng đi sâu vào tìm tòi nghiên cứu và thực tiễn công tác trong mấy năm qua tôi lại càng thấm thía khi mỗi lần trao đổi bàn bạc với các đồng chí trong Đảng ủy chỉ huy Trung đoàn vạch ra chủ trương lãnh đạo và chỉ đạo đơn vị. cẩn phải chú trọng xây dựng cấp cơ sở phải mạnh. Mỗi một đơn vị cơ sở là một tế bào sống khỏe mạnh, mỗi một cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp phải là một tế bào khỏe mạnh, thì trung đoàn mới thực sự là một cơ thể cường tráng, đây cũng chính là truyền thống của Trung đoàn từ ngay những ngày đầu mới được thành lập đến nay luôn hướng về cơ sở.

Hồi các anh Đặng Quang Long, Đào Văn Xuân đảm nhiệm chức vụ chính ủy Trung đoàn rồi sau này là anh Nguyễn Đức Khiển, Nguyễn Thiện Chất... phó Trung đoàn trưởng chính trị đã chỉ đạo xây dựng đơn vị cấp trung đội, đại đội mạnh, cơ quan Trung đoàn bộ sắc bén, toàn Trung đoàn là một khôi thống nhất về ý chí và hành động để hoàn thành mọi nhiệm vụ Một điểm nữa mà ở mỗi kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung đoàn đều thống nhất đó là phải tạo cho bộ đội một không gian sống thật tốt, bộ đội có môi trường sống văn hóa, cấp trên, cấp dưới thân tình, mỗi kíp xe là một mái ấm gia đình, trong đại gia đình lớn thân tình đầm ấm đã tác động trực tiếp đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của toàn Trung đoàn, đặc biệt là chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo quản bảo dưỡng xe máy, vũ khí trang bị kỹ thuật, tăng gia chăn nuôi xây dựng quỹ vốn cải thiện đời sống bộ đội.

Quán triệt sâu sắc truyền thống quý báu đó và những chủ trương hoạch định của các kỳ Đại hội, trong những năm qua Trung đoàn luôn hướng về cơ sở, ưu tiên xây dựng đơn vị cơ sở: Doanh trại xây dựng từ đại đội tiểu đoàn trước, những chiếc máy thu thanh, truyền hình tốt nhất cũng dành cho các đại đội. Đến nay bộ đội đã được ăn ở trong những ngôi nhà khang trang, từng phòng có quạt điện, có bể nước sạch dùng.

Mấy năm gần đây Trung đoàn xe tăng 202 luôn là lá cờ đầu trong khôi thi đua trung, lữ đoàn trực thuộc Quân đoàn, luôn huấn luyện đạt loại giỏi bộ đội sống trong thời bình nhưng luôn khẩn trương tập luyện, vết xích xe tăng vẫn trải dài trên các triền đồi miền Trung du phía đông Bắc Bộ; hàng năm hết huấn luyện giai đoạn 1 là đưa quân xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, xây dựng tu sửa cơ sở hạ tầng (đường sá, mương máng, bệnh xá, trường học...) rồi sang giai đoạn 2 huấn luyện, coi trọng huấn luyện ban đêm, chuyên sâu và đồng bộ, thời gian hoạt động của bộ đội hàng tháng, hàng tuần được lên lịch sát sao.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #91 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:52:18 pm »

Do lập được nhiều thành tích trong huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và bảo quản bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật năm 2002 Trung đoàn đã giành giải cao trong hội thi vũ khí trang bị kỹ thuật Tăng - Thiết giáp toàn quân do Cục kỹ thuật - Tổng cục Kỹ thuật tổ chức, được Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi và đặc biệt năm 2000 được Đảng, Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Mỗi lần đến đơn vị nào đó trong Trung đoàn tôi lại tìm hiểu thêm về cuộc sống của từng cán bộ chiến sĩ, bởi làm cán bộ chỉ huy lãnh đạo ở các đơn vị bao giờ cũng vất vả hơn ở cơ quan. Cán bộ ở Trung đoàn phần lớn là được đào tạo cơ bản qua trường của Bộ và hầu hết là được bố trí sắp xếp đúng chuyên ngành, đây là  vốn quý, điều quý hơn là có nhiều đồng chí cán bộ cấp đại đội đã từng giữ chức gần 10 năm, thậm chí hơn 10 năm vẫn luôn xác định tốt tư tưởng, năng nổ nhiệt tình trong công tác, gương mẫu trong sinh hoạt thực sự là cây đa, cây đề, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ trẻ và chiến sĩ noi theo học tập kinh nghiệm trau dồi tri thức. 

Theo tiểu đoàn trưởng Trung tá Hà Văn Song thì kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn từ trước đến nay được lưu truyền trong đơn vị. Chiến lệ các trận đánh quan trọng vẫn đưa vào các buổi tập. Cán bộ già phải kèm cặp truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện, cách đánh cho cán bộ trẻ và bộ đội đã trở thành như cơm ăn nước uống hàng ngày, đây là phương pháp tốt nhất để mỗi đơn vị phát huy truyền thống. 

Đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của Trung đoàn 202 phần lớn quê ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, đây là điều kiện thuận lợi cho công tác huấn luyện và quản lý đơn vị. Mấy năm gần đây nhiều cán bộ trong Trung đoàn đã được cấp đất làm nhà ở gần vành đai đơn vị đứng chân, có nhiều đồng chí được Trung đoàn tạo điều kiện cho mượn một căn phòng ở nhà khách Trung đoàn (gần doanh trại) làm nhà ở khi mới xây dựng gia đình, gia đình vợ con gần đơn vị nhưng hàng ngày cán bộ vẫn phải sống, học tập công tác trong doanh trại cùng anh em chiến sĩ, mặc dù vậy họ vẫn hăng say công tác.

Qua trao đổi tôi còn được nhiều đồng chí cán bộ, trong đó có đồng chí Trần Đại Nghĩa (nay là phó tiểu đoàn trưởng chính trị Tiểu đoàn 2) là tổ trưởng tổ công tác phòng Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn xe tăng 66 Anh hùng cho biết, chiến sĩ Trung đoàn 202 rất ham đọc sách là vì các thế hệ cán bộ chính trị từ trước đến nay đều rất thích đọc và đã hướng dẫn cho chiến sĩ cách đọc. Muốn tiếp nhận được tác phẩm hay sách văn học, hay sách khoa học, quân sự... Cũng cần phải có phương pháp đọc, tôi được biết có nhiều nước có hẳn bộ môn khoa học gọi là đọc văn chương. Đâu phải cứ biết chữ là đọc được văn, phải không anh? Nghĩa nói, anh cho biết thêm khi xây dựng doanh trại không hiểu sao, những người thiết kế đã quên dành phòng đọc sách báo.  Nhưng trước yêu cầu của bộ đội, Trung đoàn đã phải xây dựng cho mỗi tiểu đoàn một phòng Hồ Chí Minh, thành lập tổ công tác hoạt động thường xuyên. 

Chiến sĩ quê ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa tính tình thật phóng khoáng, cởi mở họ trò chuyện một lát là đã thổ lộ hết tâm tư của mình; trò chuyện thẳng thắn, ghét sự nói vòng vo, dùng lời ngọt ngào để che đậy sự thật là đặc tính của người lính xuất thân từ quê hương Đinh Bộ Lĩnh và quê hương Bà Triệu.

Một buổi sáng tôi ra thao trường gặp các chiến sĩ ở đại đội mang tên người Anh hùng liệt sĩ Đinh Văn Hòe, đó là Đại đội xe tăng 1, Tiểu đoàn 66, đại đội rất vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Đang giờ nghỉ giải lao, tôi hỏi một chiến sĩ pháo thủ số hai:

- Tập luyện súng 12,7mm trên xe tăng thế này chắc nhàn hơn bộ binh?

Người chiến sĩ cười nhỏ:

- Không đâu Thủ trưởng ạ! Đã là người chiến sĩ cho dù là lính bộ binh hay xe tăng luyện tập gì để đạt loại giỏi cũng khó như nhau, lính xe tăng chúng em không phải lăn lê bò toại nhiều, không phải mang vác súng đạn như lính bộ binh, nhưng chúng em phải tiếp cận và sử dụng toàn các loại vũ khí hiện đại, loại vũ khí tập thể, phải có tính hiệp đồng tập thể, như em đã là thành viên nạp đạn trên xe tăng lại phải thuần thục sử dụng máy ổn định trên xe, nạp đạn chính xác, em còn phải sử dụng thành thạo khẩu súng 12,7mm này để sẵn sàng tiêu diệt máy bay bay thấp và cả bộ binh địch ở mặt đất nữa, muốn vậy cũng phải tính được bảng bắn thật chính xác, phải xây dựng cho mình một bản lĩnh chính trị vững vàng nữa Thủ trưởng ạ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #92 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:52:47 pm »

Tôi bày tỏ niềm vui ra mặt. Từ người chiến sĩ được tôi trò chuyện quê ở Gia Minh - Gia Viễn - Ninh Bình nhập ngũ năm 2001, Tùng phấn chấn nói:

- Quê em trước kia bùn đồng nước phèn nhưng từ năm 1995 lại đây thay đổi hẳn đã có đường bê tông, đê ngăn lũ, máng nổi bê tông, thóc gạo dơ thừa: là dân làm ruộng như gia đình em cũng đã xây dựng được nhà hai tầng, lên học phổ thông trung học là em có phòng học riêng, thôi thì chẳng thiếu gì, ti vi, máy nghe nhạc, lên lớp 12, được trang bị máy vi tính, hàng ngày đi học về là chui vào phòng riêng, em cũng có đi làm ruộng nhưng chỉ phụ giúp trong mùa gặt, gia đình em rất hy vọng em lên thành phố học đại học. Thi xong tốt nghiệp phổ thông trung học em lo luyện thi đại học, dạo bài đến 2 tháng lý thuyết học thuộc lòng như cháo chảy, các loại đề thi toán, lý, hóa khó nhất cũng đã giải được tuốt, học đến độ nằm ngủ cũng mê thấy giải bài, lòng đã thầm nghĩ đường tới giảng đường đại học với mình chẳng bao xa nữa, chỉ còn là thời gian. Nhưng sự đời đâu có chiều theo ý mình, năm ấy em trượt đại học, xấu hổ đến độ không dám ra khỏi nhà, buồn nhất là thua cả bạn gái mà em vẫn giải bài tập giùm, vậy mà trúng tuyển vào Đại học Sư phạm II Xuân Hòa. Bố mẹ và anh chị em trong gia đình trách cứ, bản thân thì hận mình, hận đời Nhưng rồi một người bác là cựu chiến binh đến động viên, khuyên em nên vào bộ đội để rèn luyện, nếu là bộ đội xe tăng càng tốt, sau này sẽ thi vào trường nào đó mới 19 tuổi, đời còn dư thời gian Thủ trưởng ạ! Và em đã nhập ngũ và được về Trung đoàn mình anh ạ.

Tùng còn thổ lộ, ngày ở nhà Tùng chỉ biết có mình, làm gì cũng vì mình:

- Vào bộ đội là phải sống trong nếp sống chung, ngay đến ăn, uống, ngủ nghỉ cũng vậy. Lúc ở nhà theo tập quán của người nông dân đồng chiêm trũng cơm nấu một nồi to, cá kho nồi đất đầy để đấy ai muốn ăn lúc nào thuận tiện thì ăn, nay ở bộ đội ăn uống ngủ nghỉ có giờ giấc. Thành ra lúc đầu em rất khó chịu, lúc nào cũng thèm ăn, đầu hôm đã ăn no nhưng nửa đêm lại thức dậy vì đói, đã tính mua hẳn một thùng mì tôm để đầu giường, lúc nào lửng bụng thì pha ăn, nhưng lại nghĩ đồng đội sẽ nhìn mình ra cái gì, phải chịu đựng thôi, thế rồi dạ quen dần, giờ thì em rất ghét thói ăn vặt, làm việc tùy tiện. Làm trai mà “ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì làm nên trò trống chi, có phải không Thủ trưởng?

Lòng tự trọng của tôi được bồi đắp khi được các cán bộ chỉ huy kể cho nghe những chuyện thời chiến tranh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trước kia của Trung đoàn, như trong trận Cửa Việt tháng 1 năm 1973 Tiểu đoàn 66 lập công xuất sắc: Trung đoàn đột kích trên hướng Bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại cầu Vĩnh Bình trong trận giao tranh một mất một còn giữa quân ta và quân địch đã xuất hiện tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình đó là người đại đội trưởng, Đại đội tăng 3 Hoàng Thọ Mạc lấy thân mình che chở cho đồng đội, chỉ huy bộ đội chiến đấu đánh hất địch ra khỏi khu vực vật cản tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta thọc sâu đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn, anh đã hy sinh trước giờ toàn thắng.

Những chuyện chân thực ấy đã cho tôi quan niệm sống, phải sống vì mọi người, nghe vậy tưởng như cũ ai chả biệt, nhưng thật tình với tôi, phải qua gần 2 năm sông trong môi trường Trung đoàn có bề dày truyền thống mới có được nhận thức đúng ấy.  Đất Nho Quan - Ninh Bình đâu đâu cũng mang đậm truyền thống cách mạng, kháng chiến. Mỗi lần bộ đội đi dã ngoại, làm công tác dân vận là một dịp học thêm truyền thống, cũng là dịp để phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thật xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng “... Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, bộ đội thiết giáp đã trưởng thành nhanh chóng, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và các binh chủng khác đã ra quân là đánh thắng, lập nhiều thành tích vẻ vang...”. Càng phấn khởi tự hào với những chiến công, thành tích và bước trưởng thành trong 44 năm qua, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn xe tăng 202 càng ghi nhớ công lao giáo dục và rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự phấn đấu không mệt mỏi của lớp lớp cán bộ chiến sĩ, đóng góp của những đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ Quốc tế cao cả và hôm nay đang miệt mài luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, phải chăng lời khen ngợi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn nóng hổi tính thời sự cho tất cả chúng ta.

Nhân ngày truyền thông Binh chủng.
Nho Quan 5-10-2003

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #93 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:01:16 am »

TỰ HÀO NGƯỜI LÍNH XE TĂNG

Nhạc và lời: Vũ Mão
(Cán bộ cao cấp Quốc hội khóa XI)

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #94 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:55:16 am »

XE TĂNG VƯỢT ĐẦM LẦY TIẾN VÀO
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Trung tá: Lê Cát Lợi
Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Tăng - Thiết giáp trường Quân sự Quân khu 7, nguyên nhân viên kỹ thuật Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 23 thuộc BTL Tăng -
Thiết giáp B2 đi cùng Đại đội 45 trong chiến dịch Hồ Chí Minh


Ngày 12 tháng 8 năm 1974, tại khu rừng Cần Đăng thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, tiểu đoàn bộ binh cơ giới được thành lập. Đồng chí Lê Như Hòa tham mưu phó Đoàn M26 đọc quyết định điều động và giao nhiệm vụ cho 3 đại đội xe BTR 60 PB (C42, C43, C44) gồm 22 xe và 1 đại đội Tăng - Thiết giáp bơi nước hỗn hợp gồm: 3 xe K63-85mm, 2 xe BTR  50PK - 23mm và BTR-50PK-14,5mm, 1 xe BTR - 50PK - 7,62mm.  Đồng chí Nguyễn Văn Thước sư đoàn phó Sư đoàn 5 Bộ binh đọc quyết định điều động và giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn bộ binh cùng với các đơn vị Tăng - Thiết giáp thành lập một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, trực thuộc sự chỉ huy của Sư đoàn 5 gồm 425 cán bộ chiến sĩ. Đồng chí Trần Minh Sơn được giao nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Lê Quang Khải làm chính trị viên trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Két làm chính trị viên phó. Đồng chí Hoàng Như Phương làm tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng, đồng chí Phan Đức Kiệm làm tiểu đoàn phó phụ trách kỹ thuật.

Sau lễ thành lập, chúng tôi khẩn trương củng cố doanh trại, ổn định nơi ăn chốn ở, bảo dưỡng trang bị kỹ thuật, ngụy trang xe máy và bước vào huấn luyện.  Bên địch đánh hơi thấy, liên tục trong nhiều ngày, pháo địch từ Mỏ Công, Bên Sỏi thi nhau bắn vào rừng.  Máy bay C130 quần thảo, thả bom xăng, rừng cháy, cây cối xơ xác. Nhưng thằng địch có mắt như mù, không bom pháo nào trúng vào đơn vị. Hành động của địch càng nhắc nhỏ chúng tôi phải khẩn trương huấn luyện và ngụy trang, che giấu kỹ trang bị để sẵn sàng chiến đấu.

Sau hơn 3 tháng huấn luyện và điều nghiên làm đường,... 17 giờ 30 ngày 26 tháng 11 đơn vị hành quân ra phía trước. Chiếc BTR 50 PK số 646 đi đầu đội hình, những cây lớn đã cưa hết, những cây vừa vừa cưa một nửa, những cây nhỏ để nguyên. Rừng cây trông vẫn bình thường, xe tiến giữa 2 hàng cọc tiêu, cây ào ào đổ rạp xuống tạo thành con đường thẳng tắp luồn dưới tán cây qua chỗ cây thưa mới nhìn thấy thấp thoáng trời xanh trên đầu. Đoàn xe nhấn ga lao tới, chúng tôi leo lên nóc xe ngồi, gió thổi ào ào qua tai mát rượi, lòng mọi người phơi phới, nét mặt ai cũng tỏ ra vui sướng, hân hoan. Xe luồn qua rừng rậm, vượt qua bãi trống, gió vi vu như tiếng quân reo. Những nhánh cây mềm mại đùa qua vành mũ như những bàn tay vẫy chào. Ai đó mở radio, tiếng phát thanh viên Hà Nội ngọt ngào càng làm phấn chấn lòng người chiến sĩ. Đêm dần buông xuống, trăng tỏa ánh sáng dịu xuống cánh rừng rộng mênh mông tưởng như hôm nay đã là ngày chiến thắng.

Đoàn xe cứ tiến mãi về phương Nam, lúc qua rừng rậm, lúc qua trảng trống, có lúc đường gồ ghề, xe chạy bồng bềnh như thuyền đi trên sông. Có lúc gặp đoạn đường khô bụi bay mù mịt. Đường đi chiến đấu đâu phải đường đi du lịch, đoạn đường thơ mộng qua mau.  Suốt mấy tháng trời chuẩn bị làm hàng chục km đường gỗ thế mà xe vẫn bị lầy. Xe lầy lại tìm cách kéo xe lên.  Nhưng đến bây giờ thì không thể đi được nữa, chiếc xe rú ga như muốn đứt hơi, bánh xe quay tít, bụng xe ép xuống bùn, chiếc chúi mũi xuống, chiếc ngẩng đầu lên.  Những cây gỗ ven đường không chịu nổi sức kéo của xe, cây thì gãy gục, cây thì trốc rễ, những cây to lớn thì trầy da, tróc vỏ và cuối cùng đứt cáp, 1 sợi cáp đứt, lồng đôi sợi chất tời gầy. Thế là đành nằm lại.

Chúng tôi chui vào gầm xe đào đất, vào rừng chặt gỗ lát đường, chờ xe xích về kéo (loại thiết giáp chạy bằng xích như xe tăng). Đã 2 giờ sáng ngày 27-11 mà vẫn chừa giải quyết được gì xe xích đã đi xa. Nếu không làm kịp sẽ bị máy bay địch oanh tác. Suốt đêm tiếng súng đì đùng, tiếng pháo rít qua đầu, tiếng máy bay ì ầm đâu đó. Rồi tiếng bom nổ, tiếng đạn 20 ly sùng sục.

Vì lo lắng nên tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tập trung tranh thủ cứu xe.  Mấy bát cơm chiều qua đã hết, bụng đói cơm, mắt đói ngủ, muỗi vằn bu lại như ong, mặc kệ cứ làm. Đến 4 giờ sáng thì mọi việc chuẩn bị đã xong, chúng tôi ngụy trang xe rồi nghỉ chờ xe xích về kéo. Trời sáng dần, xa xa thấp thoáng ánh đèn, hóa ra đây gần một Phum của người Campuchia. Chúng tôi bảo nhau mang gạo, mang nồi vào nấu cơm nhờ. Tiếng không biết, chúng tôi “nói bằng tay”, nhưng nhân dân cũng hiểu và giúp đỡ rất tận tình.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #95 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:55:36 am »

8 giờ sáng, cơm nước xong thì xe 646 quay về, mọi người hăm hở móc cáp kéo xe, chiếc xe xích chỉ rùng mình” một cái thế mà chiếc BT 60 (loại xe thiết giáp bánh lốp nên khả năng vượt lầy bị hạn chế) đã ngoan ngoãn bò theo. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc...  lần lượt được kéo lên. Đường thông, chúng tôi tranh thủ sửa đường, cho xe vào rừng ngụy trang, củng cố kỹ thuật chờ tối hành quân tiếp.

Thế là đoàn xe chúng tôi đã hành quân được một ngày và vượt qua một bãi lầy.  Rút kinh nghiệm hôm qua, chúng tôi ăn cơm rồi hành quân sớm. 4 giờ 30 xuất phát, qua hết cánh rừng thì đến một trảng cỏ tranh lớn. Đoạn này nhờ chuẩn bị tốt chúng tôi đã lát gần 1km đường toàn bằng gỗ lớn nên xe dễ dàng vượt qua.

Đoàn xe qua một khu rừng nữa rồi lại đến một trảng cỏ tranh lớn hơn. Trang này là Trảng Bà Điếc. Cỏ tranh vàng rực mênh mông, những chiếc xe đi đầu vẽ lên thảm cỏ những vết song song thẳng tắp. Chúng tôi tạm dừng, cán bộ, chiến sĩ xuống thăm đường. Sau vài phút hội ý, đơn vị hạ quyết tâm vượt trảng. Đoàn xe dàn thành đội hình hàng ngang, tiếng máy nổ dòn băng băng trên cỏ trông giống như đoàn xe đang tiến công một đơn vị địch. Bỗng “hự... hự...” hết chiếc này đến ‘ chiếc khác, chiếc chúi mũi, chiếc xệ đuôi, tiếng máy gầm rú, bánh xe quay tít mà xe không nhúc nhích được tí nào. Chúng tôi nhảy xuống thì thấy bùn đã ngập đến bụng xe. Tôi có cảm tưởng như đoàn quân của Napolêông bị Cuturốp lừa vào bãi lầy vậy. 

Chiếc 646 lại xông xáo ngang dọc, một lúc sau, nó đã kéo được 2 xe qua trảng. Nhưng rồi chính nó cũng bị lầy chúng tôi lại tập trung cứu nó. Gay quá, xe nằm rải rác khắp trảng, làm sao mà lát gỗ đến từng xe được, đã thế đêm lại buông xuống, muỗi vằn tranh thủ tấn công.  Chúng tôi phải lấy bùn trát kín hết những chỗ quần áo không che hết. May quá, giữa lúc đang bí thì Đại đội 45 cũng hành quân đến kịp. Thế là một xe xích móc kéo một xe BT 60 (bánh lốp) lúc này xe 646 cũng đã được kéo lên lại tham gia vào cứu xe khác. Nhưng cũng chỉ được vài xe rồi xe xích cũng bị lầy cả.

Trảng tranh đất cát đã nổi nước. Bánh xe lún sâu xuống bùn, một xe xích kéo một xe BT60 không nổi, phải móc 2 xe. Rồi xe xích cũng bị lầy, lại tháo cáp kéo xe xích, may mà xe xích có khả năng tự kéo nên công việc cũng đỡ. Vạt rừng xung quanh đã bị chặt quang, cây ném vào tràng không biết bao nhiêu mà kể, thế mà vẫn không cứu được xe. Đêm nay trăng lại không sáng, muỗi vằn thả sức tấn công.

Đến 4 giờ sáng, vẫn còn 4 chiếc, mọi người đều mỏi mệt, tiểu đoàn cho phép tạm dừng để nghỉ lấy sức.  Bụng đói cồn cào mà làm gì có cái gì để ăn. Chui vào xe tìm bi đông tu một hơi rồi lăn ra ngủ, quần áo đầy bùn, hơi xăng nồng nặc nên đám muỗi vằn đành chạy xa. Tôi đánh một giấc ngon lành. Khi mở mắt ra thì trời hửng sáng, lại một ngày mới bắt đầu, ngày 28- 11.

Tôi chui ra khỏi xe, dụi mắt tưởng đang còn mơ ngủ: Hôm qua nơi đây là một tràng cỏ tranh vàng óng đẹp như một tấm thảm, qua một đêm chống lẩy, bức tranh đã biến mất.  Trước mắt tôi là một cái hồ lớn, bùn đất nát bét, sền sệt như thể đêm qua vừa xảy ra một cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh vậy.

Chúng tôi cử người đi nấu cơm, số còn lại tập trung chặt cây lát đường. Ban ngày làm công việc này có nhanh hơn. Gần trưa thì đoàn xe được kéo lên hết. Chúng tôi vào nhà dân rửa mặt, ăn cơm tranh thủ nghỉ một chút rồi quay ra chuẩn bị xe để tôi hành quân tiếp.

Chiều buông xuống, đoàn xe lại hăm hở lên đường. Tiếng máy reo vang, bụi bay mù mịt, chúng tôi tưởng như sắp đến đích và không bao giờ bị lầy nữa. Vậy mà mới được vài km đã gặp tràng cỏ tranh. Con đường nhỏ chạy vắt ngang, 2 bên chi chít hố bom. Cọc tiêu của công binh cắm trắng xóa, không dám hăng hái như hôm qua nữa. Chúng tôi dừng xe xuống nghiên cứu đường. Chỗ này ít cây đoạn đường cần lát dài đến 400m nên việc lát khá vất vả. Nhưng không còn cách nào khác nên mọi người lại bắt tay vào làm việc. 

Đến 2 giờ sáng ngày 29- 11 đường lát xong. Chúng tôi tiếp tục hành quân, một xe, hai xe... đoàn xe đã qua gần hết. Xe tôi đi sau cùng, đường đã lún sâu, thành ra mới qua được 1/3 đường thì xe cũng bị lầy. Mấy chiếc đi trước gần tới bìa rừng bên kia cũng bị lầy. Chiếc xe xích 646 đã kéo lên gần hết, chỉ còn một mình xe tôi, thì xe 646 cũng bị lầy nốt. Thế là đành nghỉ chờ trời sáng, vì lúc này anh em gần như kiệt sức cả. Đầu đau như búa bổ, chân tay rã rời, người run lập cập như là mùa Đông miền Bắc vậy.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #96 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:55:53 am »

Tôi chui vào xe, ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì thấy anh em đã nấu cơm xong, anh em bảo thấy tôi mệt quá nên cứ để cho nghỉ không gọi. Ôi sao cảm động quá, cơn mệt như tiêu tan hết.  Ăn cơm xong lại làm đường kéo xe, đến 9 giờ thì kéo được xe lên. Đoàn xe tập kết vào khu rừng trước mặt.  Khu rừng này đất sỏi khô cứng nên mọc toàn gai góc, nắng hanh thiêu đốt, không tìm đâu ra một bóng cây mát, chúng tôi phải chui gầm xe, và lấy lá ngụy trang xe. Vấn đề gay cấn xảy ra là nước, nước dự trữ mang theo đã hết, chúng tôi tỏa ra rừng tìm nước. Cuối cùng cũng tìm được mấy hố bom, nước trong xanh như nước giếng khơi. Thích quá chúng tôi gọi chúng là giếng Hoa Kỳ và vục uống no nê.

4 giờ chiều, chiếc 646 lại dẫn đầu đội hình băng rừng ra đường. Một con đường đất đỏ tươi, khô cong, từ đây tới bến sông tôi nghĩ chắc không lầy nữa. Chúng tôi dừng xe kiểm tra tình hình kỹ thuật. Sắp xếp đội hình để chuẩn bị vượt sông. Những chiếc BT 60 đa số còn mới nên hệ thống bơi còn tương đối tốt, thành xe tương đối kín. Những chiếc xe xích, hệ thống lót trục cân bằng đa số bị mòn, chúng tôi phải dùng giẻ xé nhỏ tẩm mỡ chịu nước, nhét chặt vào các khe hở, dùng tre trẻ nhỏ chêm vào, khi xe chạy đến sát mép nước thì phải kiểm tra lại.

5 giờ 30 chiều, đoàn xe bắt đẩu chuyển bánh. Những chiếc KB3 - 85 (xe tăng lội nước, pháo 85 mm) hùng dũng dẫn đầu, nòng pháo ngạo nghễ hướng về phía trước. Tiếp theo là chiếc BTR 50 PK (xe thiết giáp bánh xích) với nòng 23mm và 14,5m vươn cao. Tiếp sau là đoàn BTR - 60 PB (xe thiết giáp bánh hơi) với nòng đại liên 14,5mm đen bóng. Chúng tôi ngồi lên lưng xe, hân hoan vẫy tay, vẫy mũ chào nhân dân, bộ đội đứng chật cứng hai bên đường. Ra đến lộ 13, con lộ càng rộng, đoàn xe chạy càng bon, bụi bay mù mịt, con lộ chạy thẳng về hướng đông nam. Qua khu vực Đồi Thơm Xóm Giữa thì trời mờ tối, chiếc xe cuối cùng đã đến bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Trăng 16 tỏa sáng, bến sông Lồ Cồ càng thêm lung linh, sóng sánh. Lòng sông ở đây mở rộng để đón nhánh sông từ đất Campuchia chảy sang. Hai bên bờ cây cối xanh tốt mọc sát mép nước. Xen lẫn ánh trăng bàng bạc là bóng những ngọn đèn dầu của dân chúng hai bên bờ hắt xuống, dòng sông càng thêm huyền ảo, thơ mộng.  Mọi vật đều như im ả, tĩnh mịch nghe ngóng, chờ đợi một sự kỳ lạ sắp xảy ra. Thật vậy, từ bao năm nay có bao giở dòng sông được chứng kiến cảnh này: Những con hổ thép đang chạy ầm ầm trên bờ, đột nhiên lao mình xuống nước, sau vài giây hụp đầu xuống sông, nước bắn tung tóe, chúng ngóc đầu lên, hai mắt sáng quắc dọi sang đến bờ bên kia, chúng từ từ rẽ nước bơi sang. Nhân dân, bộ đội cũng nô nức kéo ra xem đông như xem hội đua thuyền.

Để cho đỡ nặng, chúng tôi rời xe xuống thuyền, thuyền ở đây được gọi là ghe. Ghe tôi đi có một cô du kích mặc áo bà ba đen cầm lái. Tôi bắt chuyện làm quen. Cô hỏi tôi có biết chèo ghe không, tôi nói là có và xin cô cho chèo thử. Mái chèo khua trong nước, con thuyền rẽ sóng sang sông. Tôi có cảm tưởng mình đang đi du lịch, dạo mát chứ không phải đang đi chiến đấu. Tôi yêu cầu cô gái hát và thật bất ngờ như thể đã chuẩn bị từ trước giọng cô gái cất lên thật dịu dàng và thật du dương:

“Ở tận sông Hồng, anh có biết, quê hương em cũng có dòng sông. Em vẫn gọi với lòng tha thiết: Vàm Cỏ Đông, hỡi Vàm Cỏ Đông…”.

Chúng tôi không ai bảo ai đồng loạt hát theo, chỉ có điều xin anh Trương Quang Lục bỏ qua cho o du kích đã sửa lại cánh xưng hô cho hợp cảnh, hợp tình.

Sang bên bờ bên kia đơn vị tập kết, ổn định đội hình, kiểm tra kỹ thuật rồi hành quân tiếp. Nguyệt thực toàn phần, bầu trời tối om, ở đây gần địch không được bật đèn. Đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên con đường nhỏ phẳng lỳ, băng ngang cánh đồng lúa mênh mông. Chúng tôi xa dần đất Việt, tiến sâu vào vùng đất thuộc tỉnh Soài Riêng. Mặt đường chỉ cao hơn mặt ruộng một chút, sức nặng của đoàn xe đã làm cho nhiều chỗ bị lún.

Phía trước đã có mấy xe bị lầy, xe 646 đi sau không có lối lên cứu, đoàn xe bị nghẽn lại giữa con đường độc đạo trống trải. Xe tôi đi sau chạy băng băng, hình như lái xe ngủ gật, chiếc xe lao đầu xuống đường, suýt đổ Chúng tôi nhảy cả xuống xe, xúm vào chống lầy ở rừng còn có gỗ, có cây, ở đây lấy đâu ra đành phải quăng bàn ghế, giường phản xuống lót, xong xe vẫn muốn đổ, phải xả hết hơi lốp một bên xe mới có thể đứng yên.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #97 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:56:12 am »

Trời gần sáng, lại sắp sửa một ngày mới. Ngày 30-11, trăng dần dần sáng trở lại, xa xa có những dãy cây chúng tôi băng ruộng ra trảng, nhưng không có lối nào bắt buộc phải kéo qua ruộng lúa. Sương xuống dày, lại lội ruộng, áo quần ướt sũng rét run cầm cập. Phương đông đã ửng hồng, nếu đoàn xe cứ nằm phơi trên lộ thế này thì rất nguy hiểm. Tiểu đoàn quyết định điều xe 646 lội ruộng vượt lên, lúa đổ rạp dưới bụng xe, hai xích cán thành 2 vệt sâu hoắm như hai vết roi lằn sâu vào da thịt - ruộng lúa đang chín.

Nhưng nhờ sự kiên quyết đó đoàn xe đã vào được phum trước khi trời sáng. Nhân dân ra xem xe, chào đón bộ đội. Hai bên không biết tiếng nhau, nhưng nhìn cử chỉ rất thân thiện và rất thông cảm. Chúng tôi ngụy trang xe, tranh thủ nấu cơm rồi lại hành quân tiếp. Con đường mở rộng, đất khô ráo, đoàn xe băng băng qua Sóc, qua ruộng qua vườn.  Hai bên đường nhân dân Campuchia hớn hở vẫy chào các anh bộ đội Việt Nam.

3 giờ chiều chúng tôi đến Năm Căn, căn cứ mới của đơn vị. Hoàn thành chặng đường đầu tiên trên con đường tiến lên phía trước.  Năm Căn là một phum nhỏ, dân ở thưa thớt, đó đây nhiều vườn bỏ hoang và bụi tre gai. Khánh - trinh sát của tiểu đoàn, người đi tiền trạm, chỉ một bụi tre gai bảo tôi: “Nhà của anh đó”. Tôi mang đồ đạc vào, bụi tre toàn gai, gốc tre phủ dày một lớp lá, trông rất bẩn thỉu.  Tôi chợt nhớ lại hồi nhỏ, mẹ mắng: Không rửa chân tay thì ra gốc tre mà ngủ. Mẹ ơi, hôm nay thì con ngủ dưới gốc tre thật. Bụi tre cũng giống bụi tre ở nhà, nhưng con thì không còn bé, và không cố tình ở bẩn mặc dù hôm nay con bẩn thật. 4-5 ngày nay dầm mình dưới bùn, lại lên phơi nắng mồ hôi trộn đất cát trở thành thứ mùi vừa khét vừa chua. Đời lính thế đấy mẹ ạ. Nhưng con lại rất vui vì được đem sức trai ra phụng sự cho Tổ quốc. 

Năm Căn chật chội, trống trải không thuận lợi cho việc trú quân và luyện tập bộ đội. Chúng tôi chuyển cứ về Bến Cầu, rồi về Tà Nông. Nơi này là cánh rừng thưa ven nhánh sông Vàm Cỏ, rộng rãi thuận lợi cho việc đóng quân và đi lại. Tiểu đoàn ra lệnh làm nhà cửa, kho tàng. Chúng tôi không vui vì thấy xây dựng căn cứ đàng hoàng thế này thì chắc là ở lâu, biết bao giờ mới được tham gia chiến đấu. Mặc dù chúng tôi đều biết rằng, mới đầu mùa khô, mặt đất phía trên thì khô nhưng phía dưới vẫn ẩm ướt. Nhất là vùng Kiến Phong, Kiến Tường, Long An nên xe bánh lốp không thể hoạt động được.

Nóng lòng ra trận thì lo vậy thôi, chứ chúng tôi không phải chờ lâu. Ngày 7- 3 có tin ta vừa giải phóng Phước Long tối hôm qua. Đây là tỉnh ly đầu tiên hoàn toàn giải phóng. Địch không còn khả năng tái chiếm nên Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho toàn Việt Nam cộng hòa để tang Phước Long 3 ngày. Thật là nực cười.  Chúng tôi lại phấn khởi được biết chính lực lượng xe tăng của Tiểu đoàn 20 và Tiểu đoàn 21 thuộc bộ đội Tăng Thiết giáp B2 đã phối hợp với bộ binh làm nên chiến thắng này.

17 giờ chiều, Đại đội 43 và Đại đội 45 được lệnh xuất phát. Lưu luyến tiễn đưa bạn và hẹn ngày gặp nhau ở phía trước. Vì có sự chuẩn bị ky càng nên cuộc vượt sông Tà Nông rất thuận lợi, nhanh gọn. Chúng tôi đứng bên này nhìn theo vẫy tay mãi cho đến khi đoàn xe khuất trong đám bụi...

*
*    *

Sau tết Giáp Dần, chúng tôi được lệnh ra phía trước.  Không có đường bộ, chúng tôi đi theo vết xe của đơn vị bạn men theo hành lang biên giới mà đi. Đất Campuchia rộng mênh mông và nắng cháy da, có những cánh đồng bát ngát màu cỏ úa xa tít tận chân trời, lác đác mới có mấy bụi le, mấy bụi thốt nốt.

Tới Chiphu chúng tôi đi lên quốc lộ 1. Tại đây thấy cột số ghi: Sài Gòn 93 km. Sài Gòn gần thế mà chúng tôi lại đi ngược về hướng thị xã Soài Riêng. Đường của bạn cũng thực hiện tiêu khổ kháng chiến nên rất khó đi: Cứ cách vài mét lại xẻ 1 rãnh ngang đường, rãnh này so le với rãnh kia nên cứ phải chuyển hướng liên tục. Gần tới Soài Riêng, chúng tôi quẹo trái vào đường đất xuống huyện Công Pông Rồ.

Chúng tôi gặp Đại đội 45 và tiền phương Tiểu đoàn ở Thum Tà - Lốt. Đồng chí Nguyễn Đắc Liên về thay đồng chí Trần Minh Sơn làm tiểu đoàn trưởng. Thời gian này Đại đội 45 và Đại đội 33 liên tục phối hợp với bộ binh tiến đánh các đồn bốt dọc biên giới: Long Khối, Giăng Boong Boong, Thành Trị, Thái Trị, Mộc Bài, Bến Cầu, Trà Cao... đánh đến đâu địch bị tiêu diệt hoặc tháo chạy đến đó. Một tuyến biên giới dài mấy chục km từ Bến Cầu, Tây Ninh đến Kiến Phong, Kiến Tường được giải phóng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #98 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:56:31 am »

Đường xuống đồng bằng đã mở rộng, chỉ chờ lệnh của trên.  Tin chiến thắng dồn dập, ngày nay khác ngày qua.  Mới ngày 10-3 ta đánh đòn điểm huyệt, giải phóng Buôn Mê Thuộc, địch hốt hoảng rút chạy khỏi Tây Nguyên. Ta thừa thắng xốc tới giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung mà đến hết tháng 3 ta đã giải phóng một nửa miền Nam. Đà Nẵng một căn cứ liên hợp với hàng chục vạn tên địch cũng bị ta tiêu diệt.  Tiếp đến Xuân Lộc cánh cửa thép án ngữ phía đông của địch cũng bị ta tiến công.

Ngày 14-4 Bộ Chính trị cho mở chiến dịch: Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Rảnh giờ nào chúng tôi xúm vào nghe đài lúc ấy, nghe cả đài ta và nghe cả đài địch. Địch hoang mang cực độ, thấy không thể cự lại sức tiến công của ta, ngày 21-4 Thiệu từ chức, chuồn ra nước ngoài...

Chúng tôi đang vô cùng nôn nóng và phấn khởi thì ngày 22-4 tiểu đoàn triệu tập cuộc họp chỉ huy các đơn vị và các cán bộ đầu ngành để giao nhiệm vụ. Tấm bản đồ được treo lên, các mũi tiến lớn đã cho thấy năm cánh quân của ta đã áp sát Sài Gòn, chỉ còn chờ giờ nổ súng.

Binh đoàn 232 đảm nhiệm mũi tiến công theo hướng Tây Nam. Binh đoàn tiến đánh 2 hướng: Hướng chính gồm phần lớn lực lượng của binh đoàn đánh qua Đức Hòa, Đức Huệ, đánh qua Quang Trung, Phú Lâm, đánh vào Sài Gòn. 

Hướng phụ bỏ qua Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, tiến dọc sông Vàm Cỏ Tây đánh vào Long An, cắt đứt lộ 4, không cho địch ở Sài Gòn và Cần Thơ ứng cứu nhau.  Các đơn vị được phân công chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Đại đội 45 nhận nhiệm vụ vượt cánh đồng lầy cùng Sư đoàn 5 Bộ binh tiến dọc sông Vàm Cỏ tiến đánh Long An và chốt chặt lộ 4.

Đại đội 45 được tăng cường thêm 2 xe tăng lội nước K63-85mm, nâng tổng số đầu xe lên 10 chiếc. Đồng chí Nguyễn Đắc Liên trực tiếp đi cùng Ban chỉ huy đại đội.  Đại đội trưởng là đồng chí Bùi Văn Ngự, chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Ký.

Chúng tôi khẩn trương làm công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm ăn trong 10 ngày. Điều quan trọng nhất là nước uống và gỗ chống lầy, chúng tôi mua can trữ nước và xin dân cây làm gồ tự cứu, còn các thứ khác như cáp, búa rìu, dao, xẻng đã có sẵn trên xe.

Chiều ngày 26-4 đại đội xuất phát. Hai xe tăng cường chưa đến kịp, tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nguyễn Văn Ty ở lại nhận xe rồi tổ chức hành quân theo sau. Đồng chí Nguyễn Văn Két là chỉ huy chung. Tôi chỉ huy xe 072, xe này có đồng chí Phòng Trọng Lục là trưởng xe, đồng chí Sơn lái xe và đồng chí Tháp pháo thủ. Đồng chí Ty chỉ huy xe 071, xe này có đồng chí Hợp trưởng xe, đồng chí Khải lái xe và đồng chí Bàng pháo thủ.

Chúng tôi xác định đường đi trên bản đồ: Từ phum Tà - lốt thẳng tới góc biên giới hình mỏ vẹt chừng 20km gặp kinh Xàng. Đây là một phần Đồng Tháp Mười, sẽ rất lầy lội. Từ bờ kinh Xàng thẳng xuống phía Tuyên Nhơn chừng 5-6km đến rạch Ba Thằng Minh. Từ đây xe xuống rạch bơi ra thôn Trà Cú rồi bơi dọc sông Vàm Cỏ Tây chừng 54km thì đến Long An.

Đường hành quân như vậy sẽ xảy ra nhiều tình huống bất ngờ, chúng tôi không thể lường trước được nhưng xác định sẽ rất khó khăn vất vả nên chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo nhất là công tác chống lầy mỗi xe chuẩn bị 2 cây gỗ tự cứu và nhiều nước ngọt. Vì đi sau nên xe chúng tôi phải chở hết số anh em công binh, thông tin, trinh sát, hậu cần... còn kẹt lại. Riêng xe tôi không kể thành viên xe, số người ngồi trên xe đã lên đến số 20. Mặc dù lo lắng nhưng ai nấy đều rất phấn khởi, nôn nóng.

16 giờ chúng tôi xuất phát. Nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn đưa, mấy bà, mấy chị rơm rớm nước mắt và chúc chúng tôi chiến thắng. Xe qua hết mấy phum, sóc hết mấy rặng thốt nốt thì tới cánh đồng. Ngồi trên lưng xe dùng ống nhòm nhìn hết tầm mắt cũng không thấy một xóm làng nào cả. Chỉ thỉnh thoảng có vài bụi tràm thưa thớt, còn lại toàn cỏ lác, cỏ năn.

Chúng tôi cứ theo vết xe trước mà đi, càng đi cỏ càng tốt, có chỗ cỏ ngang tháp pháp, lực cản lớn, tốc độ xe càng lúc càng chậm lại. Đồng rộng như vậy nhưng không phải chỗ nào cũng đi được, trinh sát kỹ thật đã điều nghiêm đánh dấu đường nên chúng tôi không dám đi ra ngoài phạm vi quy định. Các xe đi trước đã cày nát đường, chúng tôi gặp nhiều chỗ được lát bằng cây chàm nhưng xe qua đã làm gãy ngổn ngang, có lúc phải dừng xe để sửa chữa đường xong mới qua được.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 12:56:47 am »

Màn đêm buông xuống, trăng 16 lấp ló phía chân trời trước mặt. Tiếng súng nổ đì đùng vọng lại, quanh chân trời chỗ nào cũng thấy pháo sáng. Dịch theo hướng tay phải về hướng Đông Nam có quầng sáng lớn nhất, chúng tôi đoán đó là căn cứ Tuyên Nhơn của địch. Trăng lên cao, chúng tôi đến một khu lầy lội, phải dừng lại xác định lối đi.  Những vết xe sâu hoắm, ngổn ngang cây tràm, không kém bãi lầy ở Trảng Bà Điếc, anh em xuống lát đường.  Được chừng một trăm mét thì xe Ty lầy. Tôi cho xe 072 lách sang một bên, đi được một đoạn thì xe tôi cũng bị lầy.

Nhìn bãi lầy chúng tôi biết các xe đi trước cũng từng bị lầy ở đây rồi. Nhảy xuống cứu xe, có người hăng hái cởi cả áo nhưng được một lúc phải vội mặc áo vào, vì không thể chịu được với muỗi. Những con muỗi vằn to bằng đầu tăm chích đau như kim chích. Chân tay toàn bùn không thể đập muỗi được, anh em sáng kiến lấy đầu ma dút, lấy mỡ xe bôi lên mặt người.

Chúng tôi đem gỗ tự cứu ra đặt trước đầu xe rồi dùng cáp cố định gỗ vào cho bằng 2 băng xích, đóng cọc đánh dấu chỗ cây gỗ nằm rồi chỉ huy cho xe tiến lên. Cây gỗ bị đè, chìm sâu xuống đất, chiếc xe chồm lên, khi bánh xe cuối cùng vừa qua khỏi cọc đánh dấu, lập tức dừng xe vì nếu không dừng kịp thời, cáp quấn vào bánh chủ động thì không gỡ ra được và có thể đứt xích thì nguy.

Bài học tự cứu nay được đem ra dùng. Xe tiến lên được một thân xe, bây giờ lấy cây gỗ lên mới là chuyện gian nan. Bùn đặc quánh trộn với cây lác, cây năn, quấn vào cây gỗ.  Dùng cuốc xẻng không chặt được cỏ, dùng dao không chặt được bùn. Cây gỗ ngập sâu 50-60 cm, phải mất cả giờ đồng hồ mới moi lên được. Bây giờ cây gỗ đã nặng hơn trước 2-3 lần và trơn tuồn tuột. Cả chục người xúm lại mới khiêng được cây gỗ ra mũi xe. Công việc lại lặp lại như ban đầu, nhưng lần này lấy được cây gỗ lên còn vất vả hơn vì không chỉ có cỏ quấn vào cây gỗ, mà cả những cây tràm khi xe đi qua bị gậy nằm ngang nằm dọc và bùn thì ngập gần tới sát mép trên của gờ chắn bùn. Lấy được cây gỗ lên thì trăng đã về tây. Chúng tôi quyết định nghỉ để lấy sức sáng mai ban ngày dễ quan sát dễ chỉ huy.

Sáng ra chúng tôi tổ chức lát gỗ, ghim xuống đường thật chắc. Ngay trước đầu xe, chúng tôi lát lớp dọc rồi lát lớp ngang để khi xe lên được thì không bị lầy trở lại.  Quả thật lần này xe không lầy nữa, chúng tôi thu dọn đồ nghề, cố định lên xe và hành quân tiếp. Tôi ngồi ngay trên mũi xe cạnh cửa lái xe để tiện hợp đồng với lái xe, lại quan sát được xa hơn. Tôi xác định chỗ nào cỏ màu vàng là chỗ đấy đất cứng hơn chỗ cỏ xanh. Và rút kinh nghiệm là nếu xe chạy số cao, guồng xích quay nhanh làm xe dễ lún hơn. Nếu chạy số thấp, sức nặng của xe làm xe không lướt đi được, xe cũng dễ lầy. Tôi thống nhất với lái xe cứ đi số 2, chân ga giữ đều, khi. cảm thấy xe sắp lầy thì tăng ga cho xe lướt qua.

Trước khi khởi xe, chúng tôi đi thăm đường trước vài trăm mét. Làm như vậy quả thật xe đỡ bị lầy hơn. Tôi quan sát khắp chung quanh, chân trời như chiếc bát úp, tuyệt nhiên không thấy bóng một làng nào, trừ vài bụi tràm. Như vậy là chúng tôi đang ở giữa đồng lầy. Như vậy là những chiếc xe đi đầu đã đi khá xa, không thấy bóng dáng chiếc nào ngoại trừ những vệt bùn đen sì bị xích xe cuốc lên, nổi bật trên thảm cỏ.

Tôi bất giác suy nghĩ: nếu kẻ địch dùng máy bay đánh thì chúng tôi chỉ còn một cách là dùng 12,7 mm đánh trả để bảo vệ mình, chứ không thể ngụy trang xe được... Xe lại bị lầy, chúng tôi khắc phục rồi lại đi tiếp. Lúc đầu còn nhớ ngày hôm nay xe lầy mấy lần. Còn bây giờ thì không thể nhớ nữa, không hơi sức đâu mà nhớ, mà nghĩ đến nó. Bây giờ chỉ còn nghĩ làm sao cho xe đi được là mừng, làm sao đuổi kịp đơn vị để mà chiến đấu. Thậm chí chúng tôi không còn thời gian để nghỉ, để nghe radio nữa...

Đêm lại buông xuống, chúng tôi lại chiến đấu với bùn, chiến đấu với muỗi... người muốn lả đi. Sáng ra chúng tôi đi điều nghiên đường rồi quyết định: Dù đi ra ngoài vệt xe cũ có thể dễ bị lầy hơn nhưng khi lầy tổ chức tự cứu còn dễ hơn đi vào vệt xe cũ. Chỗ nào lầy quá thì lấy cây ở vệt xe cũ lát sang, làm như vậy quả là đỡ lầy hơn nhiều.

Càng đi càng thấy dấu vết các xe đi trước lầy nhiều hơn. Đã là ngày thứ 3 mà chúng tôi vẫn ngoi ngóp giữa đồng. Tôi ngồi trên mũi xe, theo dõi chiếc xe hoạt động.  Tôi thấy chiếc xe đang bon bon bỗng chạy chậm lại, mặc dù lái xe tăng chân ga. Nhưng xe vẫn tự dừng.  Nhảy xuống đã thấy bùn ngập hết xích xe. Tôi nghĩ những lúc xe chạy chậm lại như thế nếu có thêm một lực đẩy phụ nào liệu xe có vượt qua được chỗ lầy này không? Và tôi quyết định làm cái việc mà không ai làm bao giờ: Đẩy xe tăng! Tôi đem ra bàn, anh em cười ồ, không ai nghe. Tôi nói: Phương ngôn có câu “con ruồi bâu nặng đồng cân”, ở đây chúng ta có hơn 20 người ngồi trên xe, tức là cái xe phải chở thêm hơn 1 tấn.  Trên đường khô với trọng lượng như vậy chẳng ăn thua gì với nó. Còn trên bãi lẫy này trọng lượng ấy là cả một vấn đề. Hơn nữa anh em hầu hết là lính bộ binh, đâu biết nhiều về kỹ thuật lực kéo ở bánh xe chủ động chỉ có 130 kgm. Nếu cả 20 người nhảy xuống hết thì xe nhẹ được một tấn. Nếu mỗi người đều xúm vào đẩy thêm vào xe một lực 10kg thì xe sẽ thêm một lực đẩy 200kg.  Tất nhiên đây không phải ngẫu lực như ở bánh xe chủ động nhưng làm như vậy tốt hơn là ta cứ ngồi trên xe chờ lầy rồi lấy cây tự cứu xe!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM