Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:58:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75096 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #80 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 08:18:21 pm »

Hồi 3 giờ 00 ngày 30-4-1975, tiểu đoàn triệu tập cán bộ Đại đội 1 chúng tôi, để giao nhiệm vụ và bàn phương án chiến đấu. Đại đội chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ đi đầu đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, còn trung đội 1 do tôi chỉ huy đi đầu đại đội.

Tuy được sự giúp đỡ chỉ đường của nữ chiến sĩ biệt động thành phố Nguyễn Thị Trung Kiên, song cách sử dụng xe tăng đánh trong thành phố vẫn còn là điều rất bỡ ngỡ đôi với chúng tôi, do đó phương châm tác chiến là: Tiến chắc, đánh chắc”.


Trước mắt mục tiêu là đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, đó là các điểm phải đột phá, để mở cửa tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. 5 giờ 00 trung đội tôi được lệnh xuất kích. Trung đội có 4 xe tăng, đi theo đội hình chữ chi và cách xa nhau để có thể yểm trợ bằng tất cả các loại hỏa lực cho xe đi trước.

Đi dầu trung đội là xe Đại đội trưởng - anh Tư, tiếp sau là xe 985 do anh Hoạt chỉ huy, thứ ba là xe 890 do tôi chỉ huy, xe cuối cùng do anh Thuận chỉ huy.  Đường phố lặng ngắt như ngạt thở, pháo binh của ta đang “cấp tập” từng đợt vào căn cứ địch. Thỉnh thoảng có vài tên lính ngụy chạy, có lẽ đó là những tên lính trinh sát tình hình.

Đến 6 giờ 30 Đại đội 1 chúng tôi đã đến ngã tư Bảy Hiền. Chúng tôi tạm dừng xe quan sát. Chưa thấy gì khả nghi, xe của Đại đội trưởng Tư rẽ trái tiến về phía Lăng Cha Cả. Lúc này 2 xe tăng M48 ở các ngách mới nhô ra chặn đánh. Xe Đại đội trưởng Tư bị trúng đạn bốc cháy. Thế là ngày 29-4-1975 chính trị viên Đại đội 1 của chúng tôi hy sinh khi đánh căn cứ Quang Trung, còn ngày 30-4- 1975 đại đội trưởng Tư của chúng tôi lại hy sinh tại ngã tư Bảy Hiền.

Các xe tăng 985 và 890 triển khai bắn xe tăng M48 của địch. Anh Mai Văn Hoạt chỉ huy xe tăng 985 phán đoán: Địch phục kích ở khu vực bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) nếu không diệt phân đội xe tăng M48 phục kích ở đó thì khó vượt được ngã tư Bảy Hiền. Anh Hoạt dùng máy nói trong xe báo cho tôi, yêu cầu bắn yểm trợ, rồi bất ngờ xe tăng 985 của anh rẽ phải, quả nhiên 2 xe tăng M48 của địch phục kích đã nhô ra và bắn trượt qua mũi xe tăng của anh. Tôi quan sát thấy 1 xe tăng M48 của địch nhô đầu ra khỏi góc phố. Đến đây có thể nhiều bạn đọc ngày nay chưa thể hình dung tình thế khẩn trương lúc xe tăng của ta “mặt đối mặt” với xe tăng địch ngày ấy.

M48 của Mỹ là loại xe tăng mạnh nhất ngày đó của ngụy quân. Trọng lượng chiến đấu là 45 tấn, cỗ pháo 90 milimét vỏ xe bằng thép dày từ 76 đến 100 milimét, tốp xe có 4 tên. Còn xe T54 của ta trọng lượng chiến đấu 36 tấn, cỗ pháo 100 mihmét nếu dùng đạn xuyên thép thì có thể bắn mục tiêu cao 2m50 ở cự ly xa nhất là 1.000 mét.

Như vậy hoàn toàn có thể dùng đạn xuyên thép diệt xe tăng M48 của địch, song cự ly quá gần, hơn nữa chắc chắn xe tăng M48 phục kích xe tăng ta, nên chúng đã lắp sẵn đạn xuyên thép rồi. Vì vậy lúc đó, nếu ta ra tay chậm hơn kẻ địch chỉ 1 giây thôi thì sẽ bị địch bắn trúng và chắc chắn cả kíp xe khó tránh khỏi thương vong.

Trong giây phút đó, tài của người chỉ huy ở chỗ phải quyết đoán và ra tay thật nhanh trước khi địch kịp ra tay. Qua máy vố tuyến tôi chỉ nghe anh Hoạt hô to: Lái xe, tăng tốc lao thẳng vào xe tăng quân thù”.

Chiến sĩ lái xe tăng Phùng Văn Tính hiểu ý chỉ huy anh nhấn mạnh chân dầu, gạt cần sang số điều khiển xe tăng T54 lao thẳng vào đầu xe tăng M48.  Qua kính chỉ huy tôi quan sát thấy chiếc xe tăng T54 của ta như con mãnh hổ chồm lên mũi xe tăng M48. Còn xe tăng M48 của địch như bị con sư tử oai bùng vừa ngoạm cổ, vừa dùng móng vuốt tát một cái chí mạng. Rồi xe tăng M48 rung động mạnh và chạy lùi.

Quá hoảng loạn chiếc xe tăng M48 lùi vào mặt tiền của 1 căn nhà, căn nhà ụp xuống đổ cả đống gạch, vữa của căn nhà đè lên xe tăng M48, những tên lính M48 vừa bắn trộm kia, đã vội chui qua cửa xe thoát hiểm ở gầm xe, chạy biến mất trong đống gạch đổ nát.

Thừa thắng, toàn Trung đội 1 chúng tôi và các Trung đội 2, Trung đội 3 ào ào lao lên. Đến 10 giờ 30 đơn vị đánh chiếm Lăng Cha Cả, rồi tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Sau những trận đánh tiếp đến 11 giờ 00 ngày 30-4-1975 quân ta đã làm chủ chiến trường. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Gần 30 năm đã trôi qua, khi viết lại những dòng này, tôi chỉ muốn thắp nhang cho đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vũ Thư - Thái Bình
30-4-2003
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #81 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 08:28:46 pm »

HÁT VỀ ANH HÙNG HOÀNG THỌ MẠC

Nhạc và Lời : Vũ Trang
Đại tá phó chủ nhiệm chính trị BTL Lăng Bác Hồ,
nguyên chiến sĩ D66, E202


Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:17:40 pm »

LỮ ĐOÀN XE TĂNG 203
ĐÁNH CHIẾM PHỦ TỔNG THỐNG NGỤY QUYỀN SÀI GÒN

Đại tá Nguyễn Tất Tài
nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn
xe tăng 203 - Phó tư lệnh Binh chủng


Lữ đoàn xe tăng 203 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2, cùng với Quân đoàn tham gia cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.  Trung tuần tháng 3, đơn vị xe tăng phòng thủ Cửa Việt tham gia giải phóng hai huyện còn lại của tỉnh Quảng Trị. Tiếp đến lữ đoàn tham gia giải phóng tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

Những ngày cuối tháng 3, lữ đoàn tham gia tấn công giải phóng thành phố Đà Nẵng. Để nhanh chóng tiến quân dọc duyên hải miền Trung, Lữ đoàn chia thành 2 bộ phận. Bộ phận nhẹ dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật sông ngòi gồm các loại xe tang lội nước, xe bọc thép tiến quân gấp rút vào tham gia giải phóng tuyến phòng thủ Phan Rang bảo vệ Sài Gòn và Nam Bộ của địch, sau đó tiếp tục tham gia giải phóng ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và Bình Tuy.

Bộ phận nặng gồm các đơn vị xe tăng, hậu cần và kỹ thuật với tinh thần “thần tốc và quyết thắng” hành quân gần như liên tục suốt ngày đêm.  Lính xe tăng phân công nhau chỉ huy, lái xe và ăn ngủ luôn trên xe. Mỗi ngày đêm xe dừng lại vài ba lần là để tiếp dầu, tiếp nước làm kỹ thuật và chuẩn bị cơm nước.

Bắt đầu hành quân đội hình kéo dài vì từng chiếc xe tăng phải vượt qua bằng phà trên bốn con sông lớn ở Quảng Nam, cầu bị địch phá sập. Sau đó tiếp tục khắc phục những cầu có trọng lượng thấp trên suốt quốc lộ 1.  Chỉ trong vòng mấy ngày bộ phận nặng của lữ đoàn đã vượt qua gần 1.000Km tiến về Sài Gòn và 10 giờ ngày 24 tháng 4 vào vị trí tập kết chiến dịch Hồ Chí Minh đúng thời gian quy định.

Lữ đoàn đã dùng tiểu đoàn 2 xe tăng phối thuộc cho 3 sư đoàn bộ binh đánh chiến tuyến phòng thủ Sài Gòn ở phía Đông kéo dài trên 80km từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Thành, Cát Lái đến Nước trong, Long Bình. Từ đêm 26 đến trưa ngày 29 tháng 4, tuyến phòng thủ mới được giải phóng hoàn toàn.

Để tấn công vào Sài Gòn với thời gian ngắn nhất, Tư lệnh Quân đoàn phối thuộc cho lữ đoàn một số đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh tổ chức thành lữ đoàn cơ giới thọc sâu theo trục lộ 15 và xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Với nhiệm vụ trước mắt đánh chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền và nhiệm vụ tiếp sau là tiến theo quốc lộ 4 tham gia giải phóng Cần Thơ do Bộ chỉ huy lữ đoàn trực tiếp chỉ huy.

Trên đường tiến quân bị trở ngại vì địch rút chạy phá sập cầu sông Buông, đánh địch ở Long Bình và ngã ba Vũng Tàu nên 4 giờ sáng ngày 30’4 lừ đoàn mới qua cầu sông Đồng Nai. Bộ đội đặc công Nam Bộ do đồng chí Tăng Viết Dương chỉ huy đang chiếm giữ cầu lên xe tăng cùng hiệp đồng chiến đấu.

Địch bắt đầu dùng pháo bắn chặn vào đội hình lữ đoàn dọc theo xa lộ. Một đơn vị của lữ đoàn đánh chiếm căn cứ Thủ Đức (trường Cây Mai), tại đây chiếc xe tăng 707 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh đến người chiến sĩ xe tăng cuối cùng.

Mệnh lệnh tấn công gấp rút vượt cầu Sài Gòn. Hai xe tăng dẫn đầu đội hình tăng tốc độ vượt cầu đều bị xe tăng địch đứng bên tây vòm cầu bắn cháy. Đội hình xe tăng liền triển khai phía đông bắn chi viện để lử đoàn tiếp tục tổ chức vượt cầu. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng dẫn đầu đội hình là Ngô Văn Nhỡ đứng thẳng người ở vị trí chỉ huy trên xe tăng, vừa dùng điện đài, vừa dùng ký hiệu bằng tay ra lệnh vượt cầu.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #83 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:18:18 pm »

Một loạt đạn bên tây cầu bắn sang, anh bị trúng đạn ngã gục hy sinh trên tháp pháo. Lữ đoàn phó Trần Công Minh lên chỉ huy vượt cầu. Địch còn bắn hỏng 2 xe tăng nữa ở phía đông cầu nhưng đại đội 4 xe tăng do Bùi Quang Thận đại đội trưởng và Vũ Đăng Toàn, chính trị viên, chỉ huy đã vượt qua chiếm cầu. Địch chạy về ngã tư Hàng Xanh, xe ta bám sát và bắn cháy một xe tăng địch tại đây.

Địch ngoan cố ngăn chặn tại cầu Thị Nghè, ta bắn cháy một xe tăng và một xe thiết giáp.  Trong mệnh lệnh chiến đấu lữ đoàn đã phổ biến đến ngã tư Hàng Xanh quẹo trái tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là Xô viết Nghệ Tĩnh) đánh chiếm 7 ngã tư quẹo trái là đến Dinh Độc lập, nhưng nhờ có đặc công Nam Bộ ngồi trên xe và biệt động Sài Gòn liên tục chỉ đường nên Lữ đoàn đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy bằng hai hướng: Theo đường Hồng Thập Tự và đường Thống nhất (nay là Lê Duẩn) do 2 xe tăng 843 của Bùi Quang Thận và xe tăng 390 của Vũ Đăng Toàn dẫn đầu.

Đạn súng bộ binh nổ vang trên các đường phố. Cờ vàng ba sọc vẫn trên nóc dinh Độc Lập. Pháo thủ xe 843 đề nghị trưởng xe ngắm bắn trực tiếp vào dinh vi không có dấu hiệu địch đầu hàng. Bùi Quang Thận bình tĩnh quan sát, hô tạm dừng, ra lệnh lái xe tăng tốc độ cùng với xe 390 húc đổ cổng sắt và nhanh chóng tiến vào dinh bắt sống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của y.

Thận nhảy xuống xe tay cầm cờ theo cầu thang nhanh chóng chạy lên nóc dinh xé bỏ lá cờ vàng ba sọc và kéo lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh mà lữ đoàn trao cho các xe tăng trên xe mình làm ký hiệu chiến đấu và sẽ cắm ở mục tiêu chiếm lĩnh. 

Trên đường tiến quân Lữ đoàn được trên thông báo cho biết các cánh quân tiến vào Sài Gòn đang đánh chiếm các mục tiêu quy định và tin cho biết ở miền Tây Nam Bộ, địch vẫn đang chống cự. Lừ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài, các lữ đoàn phó Trần Minh Công, Dương Xuân Tụ điều chỉnh đội hình bao vây quanh dinh đề phòng địch phản kích, phái một đơn vị ra đánh chiếm cảng Sài Gòn. Chủ nhiệm chính trị Lê Minh chỉ huy công việc trông dinh.

Để quân đội và chính quyền ngụy nhanh chóng tan rã, Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng bắt Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện do anh thảo ra và tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn. công bố trong cả nước và thế giới lúc 13 giờ ngày 30 tháng 4 năm l975.

Các trận đánh kết thúc chiến tranh, ngoài các đơn vị phối thuộc cho bộ binh, Lữ đoàn đã tổ chức thành rnũi thọc sâu của Quân đoàn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những trận chiến đấu quyết liệt cuối cùng này Lữ đoàn cũng đã bị thiệt hại và thương vong ở mức cao.

Sau đó vài ngày, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chỉ huy cánh Đông, đi kiểm tra các trận đánh, tại Cầu Sài Gòn đồng chí đã khen ngợi Tiểu đoàn 1 xe tăng chiến đấu dũng cảm nhanh chóng chiếm cầu và cảm xúc trước sự hy sinh anh dũng của tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ vài giờ trước lúc kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài này.

Trong cuộc họp quân chính cấp sư, lữ đoàn, Quân đoàn trưởng Thiếu tướng Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã chuyển lời khen của các đồng chí chỉ huy chiến dịch đến Bùi Văn Tùng đã kịp thời thảo bản đầu hàng buộc Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và dõng dạc đọc lời chấp nhận đầu hàng của người chiến thắng.

Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn xe tăng 203 được tặng cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội tuyên dương đơn vị Anh hùng và thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.

Hà Nội
30-4-1990
N.T.T
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #84 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:46:27 pm »

VẾT XÍCH XE TĂNG TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP
CÒN IN ĐẬM TRONG TÔI

Thượng tá Nguyễn Tiến Thương
nguyên Phó chủ nhiệm Chính in
Lữ đoàn xe tăng 273

Sau khi được đào tạo thành cán bộ chỉ huy xe tăng cấp trung đội ở Đoàn 10 (Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp ngày nay), tôi được giao nhiệm vụ đội trưởng đội chiếu bóng của Binh chủng, đến tháng 7-1970 được nhận nhiệm vụ Phó Chính trị đại đội xe tăng 2, Tiểu đoàn xe tăng 1, Trung đoàn xe tăng 203. Tháng 7 năm 1970 tiểu đoàn được lệnh lên đường, chuẩn bị cho chiến dịch đường số 9 Nam Lào mang phiên hiệu mời Tiểu đoàn 297.

Đầu năm 1971, sau khi tham gia chiến dịch đường số 9 Nam Lào, Tiểu đoàn 297 được điều vào chiến trường Tây Nguyên (B3) và nằm trong biên chế của Trung đoàn Xe tăng Tây Nguyên, phiên hiệu là Trung đoàn 273. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Trung đoàn 273 được tăng cường lực lượng và tổ chức thành Lữ đoàn 273 và nằm trong đội hình Quân đoàn 3.

Trong quá trình chiến đấu ở Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn xe tăng 273 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân lẩn thứ nhất ngày 3 tháng 6 năm 1976. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng huân chương, v.v. Một số được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như các anh: Bùi Đình Đột, đại đội trưởng Đại đội xe tăng 7, Đoàn Sinh Hưởng, đại đội trưởng Đại đội 9, Trần Hùng Vách, trung đội trưởng thuộc Đại đội xe tăng 6. Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng sau này được đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp (1993 - 12-2003). 

Tổ quốc Việt Nam ta vừa giành được hòa bình độc lập và thống nhất, thì vào năm 1977, bê lũ diệt chủng Pôn Pốt đã từ Campuchia vượt qua biên giới, thâm nhập vào lãnh thổ nước ta, chúng đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở Sa Mát (tỉnh Tây Ninh) từ đây những dải xích xe tăng của Lữ đoàn 273 cùng nhiều đơn vị xe tăng B2 (M26), lại chuyển động trên con đường bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc Việt Nam. 

Với tinh thần quốc tế cao cả, cán bộ chiến sĩ xe tăng cùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, sát cánh, kề vai cùng lực lượng yêu nước của nhân dân Campuchia anh em tiến hành cuộc chiến đấu nhằm tiêu diệt tận gốc bè lũ khát máu Pôn Pốt để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn “diệt chủng”.  Vết xích xe tăng lại trải dài trên đất nước Chùa Tháp anh em.

Đầu năm 1979, quân tình nguyện Việt Nam, hợp đồng cùng lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia, mở cuộc tiến công vào sào huyệt nơi cơ quan đầu não bọn diệt chủng đang chiếm đóng: Thủ đô Phnôm Pênh. Thời gian này tôi đảm nhiệm chức vụ: Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn xe tăng 273. Tôi đi cùng đội hình thê đội 2 của Lữ đoàn.

Sau khi xe tăng vượt sông Kông Pông Chàm, tiến tới ngã ba Scun, thì được tin Phnôm Pênh đã được giải phóng, đại tá Nguyễn Quốc Thước - Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 lệnh cho tôi và anh Nguyễn Văn Thiều, cán bộ phòng Tác chiến: đưa xe tăng phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 10, nhanh chóng chuyển hướng chiến đấu, phát triển theo quốc lộ 6, đánh chiếm tỉnh Kông Pông Thơm, Xiêm Riệt, truy kích bọn đầu sỏ Pôn Pốt cùng bộ phận cố vấn của chúng đang tháo chạy sang hướng Thái Lan.

Tất cả rầm rập lên đường truy kích địch. Quân ta tiến công như thế “chẻ tre”. Ngày 10-1 truy đuổi địch trên 100km giải phóng thị xã Xiêm Riệt, khi đánh chiếm khu khách sạn 5 tầng lớn nhất, bọn địch hoảng loạn, không kịp thu dọn, chăn màn, quần áo vứt ngổn ngang, trên các bàn ăn, các món ăn sang trọng còn đang bày la liệt, trên các bếp vẫn còn nghi ngút khói.

Trước cảnh lộn xộn đó, tôi liên hệ đến bao cảnh tàn ác đau thương chúng đã đổ lên đầu nhân dân Campuchia và các chiến sĩ yêu nước, tôi chợt hiểu ra: Chúng tàn ác, khát máu, man rợ, khi trong tay chúng đầy vũ khí, trước những người dân không một tấc sắt trong tay, còn khi sắt thép đổ ập lên đầu chúng thì chúng chạy trốn, hoảng loạn như những con chuột cống sợ ánh sáng ban ngày...

Đang truy lùng tàn quân địch trong thành phố, chúng tôi được lệnh khẩn trương tiếp tục truy kích đoàn xe Ô tô của bọn đầu sỏ Pôn Pốt cùng cố vấn đang chạy về biên giới Thái Lan. Đại đội xe tăng 8 phối hợp với Trung đoàn bộ binh 28, của Sư đoàn bộ binh 10. Bộ binh ngồi trên xe vận tải bám sát đội hình xe tăng trên hướng đường truy kích địch.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #85 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:46:52 pm »

Đến cầu Poi Pét, chúng đã phá cầu đoàn xe tăng truy kích không thể vượt sông.  Quân ta thu được 12 xe du lịch loại sang trọng, nhãn hiệu “Mét-xe-đét”, trong một xe, chúng chạy quá vội, còn bỏ lại hộ chiếu mang tên một thủ lĩnh “Khơme Đỏ”: Yêng Xa Ry và nhiều tài liệu.

Thừa thắng lực lượng xe tăng cùng Sư đoàn bộ binh 10 tấn công đánh chiếm thị xã Bát Tam Băng. Ngày 13 - 3-1979 ta tiếp tục phát triển tiến công theo quốc lộ 5 đánh chiếm thị xã Pu Sát. Ngày 15-3-1979 ta làm chủ thị xã Pu Sát.

Sau đó chúng tôi được lệnh quay trở lại thị xã Bát Tam Bang để làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng của nhân dân; đồng thời truy quét tàn quân của bè lũ Pôn Pốt khát máu. Chỉ huy sở tiền phương của Lữ đoàn xe tăng 273, đóng trong tòa nhà lãnh sự của ngụy quyền Sài Gòn cũ. Lúc này nhân dân Campuchia chạy trốn bọn Pôn Pốt, cũng như số nhân dân bị chúng lùa đi theo đã thoát nạn lục tục kéo về thị xã Bát Tam Băng.

Nhìn những nét mặt, tuy còn đầy nét lo âu, sợ hãi nhưng đã rạng rỡ niềm vui.  Quân tình nguyện Việt Nam đã làm hết sức mình để giúp bà con mau chóng trở lại quê hương, nói chuyện để bà con hiểu về Chính quyền Cách mạng và cuộc sống mới đang chờ bà con... Đối với đồng bào ở gần, chúng tôi cấp giấy chứng nhận để bà con đi thuận lợi. Đối với số ở quá xa, chúng tôi huy động xe Ô tô vận tải quân sự của quân tình nguyện giúp bà con hồi hương nhanh chóng.

Trên các nẻo đường, từng đoàn người tuy ăn mặc còn tiều tụy, mặt mũi hốc hác đang hối hả trở về, tốp thì ngồi trên xe có bò kéo, tốp thì xe đạp thồ, tốp thì gồng gánh, bồng bế trẻ thơ, Một cuộc hồi sinh đang trở lại với nhân dân và đất nước Campuchia anh em.

Đến cuội tháng 3-1979, chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới ở mấy “Phum” quanh thị xã Bát Tam Băng. Hàng ngày chúng tôi tổ chức các đội vũ trang đi bảo vệ lực lượng dân quân địa phương (dân quân, tự vệ được trang bị súng AR 1 5) cùng họ lần theo trục đường 10, đi sâu vào các cánh rừng để thu hồi thóc, lúa của dân bị bọn Pôn Pốt cướp, trước khi chúng tháo chạy, thu gom lại thành từng kho. Có ngày ta thu được tới 200 đến 300 bao thóc.

Số thóc thu được rất nhiều, chất đầy mấy ngôi nhà lớn. Số thóc thu được Ban công tác chúng tôi chia làm 3 phần: 30% bồi dưỡng cho lực lượng dân quân và người địa phương tham gia thu gom thóc, 20% dành lại để làm giống cho nhân dân sử dụng vào mùa sản xuất tới, còn 50% giao cho chính quyền “Phum” quản lý, dùng để trợ cấp cho các gia đình mới trở về còn khó khăn không có lương ăn, đặc biệt ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ. Việc làm này được nhân dân Campuchia hoan nghênh và qua những công việc thiết thực như vậy bà con càng hiểu và tin yêu quân tình nguyện Việt Nam.

Chính quyền của “Phum” đã có, lực lượng “dân quân”, “tự vệ” người địa phương có vũ trang bảo vệ Phum làng. Qua những việc làm thiết thực cho cuộc sống của nhân dân, nên chúng ta đã tạo ra được lòng tin cậy giữa nhân dân với chính quyền và giữa nhân dân địa phương với quân tình nguyện Việt Nam. Nhân dân đã từng bước đứng lên làm chủ cuộc sống của mình.

Có vài lần, tàn quân Pôn Pốt lén lút trở về nhằm mục đích phá hoại, nhân dân đã kịp thời phát hiện và vây bắt chúng nộp cho chính quyền mới.  Trong thời gian tham gia xây dựng chính quyền mới ở địa phương. Đoàn công tác của Lữ đoàn xe tăng chúng tôi đã gặp được bà “Má” người ở tỉnh An Giang (Việt Nam).

Má đã sang Campuchia làm ăn, sinh sống từ năm 1944. Má giúp chúng tôi rất đắc lực trong công việc phiên dịch. Má là cầu nối giữa chúng tôi và nhân dân địa phương. Chúng tôi rất quý mến Má, gọi má bằng cái tên rất chung và cũng rất riêng: “Má An Giang”.

Má không phải chỉ có phiên dịch, mà “Má An Giang” còn là một “tuyên truyền viên” đắc lực trong việc giải thích đường lối, chính sách của Đảng nhân dân Cách mạng Campuchia và sứ mệnh lịch sử của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Chùa Tháp. Chúng tôi biết ơn Má, vì chúng tôi làm tốt công việc là có sự đóng góp của Má.

Viết đến đây, tôi bâng khuâng tự hỏi: “Má An Giang nay còn hay đã khuất, Má ở đâu? còn mạnh khỏe không?”. Những người lính tình nguyện, thuộc Lữ đoàn xe tăng 273 chúng tôi luôn nhớ đến Má.

Một chuyện nữa, chúng tôi không bao giờ quên, chuyện đó cũng giống như “vết xích xe tăng” trên đất Chùa Tháp, còn hằn sâu ở trong ký ức chúng tôi.  Ở Bát Tam Băng có rất nhiều chùa cổ, chúng tôi không rõ chùa đã xây dựng từ thế kỷ nào, trong chùa có nhiều tượng. Bà con Campuchia rất tôn sùng đạo Phật. Qua “Má An Giang” chúng tôi biết các ông, bà lớn tuổi trong “Phum” muốn được lên thị xã, vào chùa lễ Phật nhưng từ “Phum” lên chùa rất xa, khoảng 4 - 5 ki-lô-mét, tình hình an mình chưa đảm bảo, chúng tôi lo đến tính mạng của nhân dân, nhất là bà con đã chịu bao đau khổ, tang tóc dưới thời Khơme Đỏ. Suy nghĩ như vậy tôi đã hỏi bà con, nhất là các cụ trong “Phum” xem có thể lễ Phật tại “Phum” được không?. Các cụ bảo được, nhưng không có Tượng Phật. Tôi đưa ra ý kiến với các cụ là “sẽ rước Phật ở chùa về ‘Phum” để các cụ lễ”. Các cụ vui vẻ và chờ đợi ngày rước Phật về.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #86 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:47:32 pm »

Tôi bàn với anh em, và được sự giúp ý kiến của “Má An Giang” chúng tôi đã chọn được một tượng Bồ Tát rất đẹp rước về một ngôi nhà to ở “Phum”. Má An Giang đã giúp chúng tôi mời các cụ đến lễ Phật. Khi các cụ đến tôi thay mặt đội công tác của Quân tình nguyện Việt Nam nói đôi lời vắn tắt “Thể theo nguyện vọng các cụ, do đường lên chùa xa xôi, mà tàn quân Pôn Pốt còn lén lút phá hoại, chúng con xin rước Phật về “Phum” để các cụ đến lễ cho gần”. Tôi đến gần pho tượng mở tấm vải đỏ phủ lên tượng.

Mới giải phóng ở Campuchia không thể tìm đâu ra mảnh vải đỏ, mọi thứ đều bị bọn Pôn Pốt phá hết, do đó tôi đành lấy lá cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng thay vải đỏ phủ lên Tượng. Khi mở lá cờ phủ Tượng Bồ Tát ra, một sự ngẫu nhiên rất kỳ lạ: ánh sáng từ ngoài sân hắt vào làm căn nhà bừng sáng, và ở chính ngay pho tượng hình như cũng có ánh hào quang tỏa sáng ra chung quanh. Các cụ đang quỳ, đều cúi rạp xuống vái lạy và râm râm, cầu khấn.
Từ buổi đó, tối nào các cụ cũng đến lễ Phật, các cụ còn hỏi tên, tuổi, vợ con từng anh em trong đoàn công tác chúng tôi để cầu Phật “phù hộ, độ trì” cho. Sau các buổi lễ các cụ không bao giờ quên “chia lộc của Phật” cho chúng tôi. Riêng tôi các cụ gọi là “Lục Thum” - tức là ông lớn, các cụ dành cho tôi nhiều “lộc” hơn. Các cụ còn hỏi nơi đóng quân của bộ đội Tình nguyện Việt Nam để đến thăm, nhưng tình hình lúc đó còn phức tạp tàn quân Pôn Pốt còn lẻn về quấy rối nên tôi đành nói dối, các cụ là đơn vị ở xa lắm. Nói dối vì sự đảm bảo an toàn cho các cụ và nhân dân Campuchia.

Sau khi chính quyền cơ sở Bát Tam Băng đã ổn định, ngày 17 tháng 4 năm 1979 Lữ đoàn xe tăng 273 được lệnh cử một đơn vị phối thuộc cho Trung đoàn 866 thuộc Sư đoàn 31 đi truy quét tàn quân địch còn bám ở căn cứ Tà Sanh, sào huyệt cuối cùng của bè lũ Pôn Pốt trên đất Campuchia, giáp biên giới Thái Lan. 

Thời điểm này đã sang tháng 5 dương lịch, ở Campuchia là cuối mùa khô, nắng như đổ lửa, không khí ngột ngạt nóng như “rang”, gió rất hiếm, nếu có gió thì là gió “Tây” như quạt lửa vào mặt. Nhìn cỏ cây chung quanh như nhuốm màu vàng úa, nhìn những “trảng” trống không có cây cối, không khí như bị nung nóng lên, trông như có những làn khói cuồn cuộn từ mặt đất bốc lên... Thật là ngột ngạt khó thở.

Có những thời gian truy quét địch liên tục hai ba ngày không gặp nguồn nước. Xe tăng vượt qua những cánh rừng “khôộc”, lá rụng khô khốc phủ kín mặt đất, xe tăng đi qua như đè lên những chiếc bánh đa đã nướng chín, tiếng lá nổ “rộp... rộp”. Mỗi mét đất xích xe tăng lăn qua là những phút lo lắng, nhưng may mắn không có xe nào chạm phải mìn chống tăng của địch... 

Tuy là tàn quân, song là những căn cứ cuối cùng của chúng, nên chúng chống cự rất quyết liệt. Chúng có xe tăng T.59 (loại xe tăng sản xuất ở Trung Quốc). Lợi dụng địa hình hiểm trở, chúng bố trí nhiều cụm phòng thủ từ xa.

Trên đường tiến quân đến căn cứ Tà Sanh, phải vượt qua khu vực “đập nước”, đây là điểm “quyết chiến” rất ác liệt. Địch lợi dụng thế ở trên cao của bờ đập nước có xe tăng làm các ụ pháo cố thủ. Các xe thiết giáp của ta dùng súng ĐK 106mm bắn từng mục tiêu địch cố thủ để chi viện cho bộ binh ta tiếp cận tiêu diệt địch một cách vững chắc.

Căn cứ Tà Sanh địch phòng thủ khá mạnh, rất nhiều hầm có nắp chắc chắn che đỡ. Trên đường chúng rải rất nhiều mìn chống tăng. Ta phải tiến đánh từng “ụ phòng thử’, có ụ ta phải chiến đấu tới hai tiếng mới diệt được...

Trước sức mạnh tiến công của ta, địch tháo chạy tán loạn. Ngày 17 tháng 5 năm 1979 ta làm chủ căn cứ Tà Sanh.

Tổng kết cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, Lữ đoàn xe tăng 273 được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang lần thứ II ngày 20 tháng 12 năm 1979.

Thời gian “thấm thoắt thoi đưa”, mới ngày nào rnà nay đã 25 năm trôi qua, tôi ghi lại những dòng này như là một nén nhang thành kính dâng lên các đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh vì non sông đất nước, vì sứ mệnh quốc tế cao cả, những đồng đội của tôi, những người lính xe tăng Anh hùng của Binh chủng Tăng - Thiết giáp Anh hùng.

Sơn Tây, tháng 7 năm 2003
(ĐT. 034. 832611)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #87 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:27:33 pm »

NHỮNG MẢNH RỜI KỶ NIỆM

Lê Trí Dũng - Họa sĩ
Nguyên trợ lý Tuyên huấn
Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp

Thuở nhỏ, tôi lớn lên giữa một tủ sách. Đơn giản là mẹ tôi làm nghề bán sách báo. Học bài xong, tôi phải trông hàng giúp mẹ và lúc vắng khách, tôi ngốn hết các loại sách từ truyện thiếu nhi, tiểu thuyết dã sử Trung Quốc đến các loại nho, y, lý, số... tạp nham. 

Trong số khách hàng quen của nhà tôi, có một chú bộ đội cao lớn, trán cao, cánh mũi nở, cặp môi cong hiền từ với giọng miền trong chân thật. So tuổi thì mẹ tôi như chị cả còn chú như em út. Chú thường nhờ mẹ tìm hộ những sách hiếm. Lần ấy trong lúc chờ chú đến lấy sách, tôi tò mò đọc: Sử nước Nam. Tập ấy là Kỷ nhà Trần, tôi thích nhất đoạn 1306 Trần Anh Tông nhân chuyến du chơi xứ Chiêm Thành, vui miệng hứa gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân, nào ngờ Chế Mân thích quá, đem 2 châu Ô, Lý làm lễ vật cưới hỏi... Tôi có ngờ đâu, cái “Ô châu ác địa” (tức Quảng Trị ngày nay) và chú bộ đội rất yêu văn học ấy chỉ mấy năm sau lại gắn sâu vào kỷ niệm đời lính của tôi.

Vào Do Linh: Hè năm ấy là một mùa hè đáng nhớ. Quảng Trị hình thành thế da báo, những trận đánh chống lấn chiếm ngày càng ác liệt. Hội nghị Paris vẫn giằng co. Tôi còng người dưới cuộn tranh cổ động mang từ ngoài Bắc vào. Dưới cổ là cái máy ảnh và chiếc cặp vẽ. Lẳng lặng theo giao liên vòng vo tránh bãi mìn, vào Lữ đoàn xe tăng 203. Hút tầm mắt là những bụi cây lúp xúp thằng nào hơi cao là bị trái phá phạt cụt ngọn.

Lữ đoàn bộ tọa trên một quả đồi nhỏ ven rừng, tất cả đều chìm trong các nhà hầm sâu dưới đất. Hai người ra đón tôi: Hồng Chi và anh Tú. Chi, trẻ hơn tuổi rất nhiều với chiếc đài bán dẫn bên sườn, chiếc răng khểnh, hỏi luôn miệng đủ chuyện. Còn anh Tú, to lớn, chậm rãi (vừa từ Hải quân sang) thì lẳng lặng chỉ cho tôi chỗ nghỉ. Rồi hai người dẫn tôi đi tắm.

Giữa đất cằn Quảng Trị, ven đồi lại có một cái giếng lạ lùng. Gọi nó là một hốc nước thì đúng hơn, nó chỉ sâu khoảng 50cm, lính ta đã be bờ lên độ một gang tay, miệng giếng chỉ bằng cái nong, ấy thế mà nước trong vắt và không biết từ đâu đùn lên không ngừng.

Chúng tôi ở trần và kỳ cọ bằng đế dép cao su làm bằng lốp xe hơi cũ. Tôi nhớ mãi buổi tắm hôm ấy vì một chi tiết: Từ cái đài bán dẫn của Hồng Chi treo trên bụi sim gần đó đột nhiên phát một bản tin giật mình (ít nhất đối với tôi): “Ngày... tháng...  năm 1973. Nhân loại đã mất đi một thiên tài, họa sĩ Pi-cat-sô đã từ trần...”.

Tôi ngẩng nhìn trời, một thằng OV10 lướt qua, văng ra cái giọng lê nhè quen thuộc kêu gọi hồi chánh. Giữa cánh rừng đầy bom đạn những người lính tăng vẫn kiên cường, bình thản. Thế giới vẫn kỷ niệm ngày mất của Pi-cat-sô... Chi bảo tôi, chốc nữa lên gặp thủ trưởng Bùi Tùng, báo cáo tình hình và nghe kế hoạch...

Nhà hầm lữ bộ đẹp hơn các nhà hầm khác bởi bụi chuối rừng đang trổ hoa, dưới mái nhà hầm, một giò phong lan lủng lẳng, chứng tỏ chủ nhân rất yêu văn nghệ. Tôi ngẩng lên: Một người cao lớn, tươi cười, miệng hơi cong, cánh mũi nở và sau khi nghe lời hỏi thăm với giọng miền trong chân thật, tôi khẳng định ngay đó chính là người lính mê sách năm nào của mẹ. 

Sau hồi báo cáo công tác là cuộc chuyện trò thân mật.  Tôi ngó quanh, trên bàn đầy sách báo, dưới chân giường bằng tre là một cái hòm pháo cỡ lớn, đầy ắp sách, tôi liếc nhìn: “Chiến tranh và hòa bình”, “Bất khuất”, Người mẹ cầm súng”, “Bông hồng vàng”... và kìa, “Sử nước Nam” mà ngày nào tôi đã từng nghiến ngấu... 

Lòng tôi trào lên một cảm giác khó tả; chúng ta đã đi vào cuộc chiến tranh này không phải chỉ bằng sức mạnh quân sự, gan dạ, hy sinh xương máu, mà còn bằng cả tri thức, văn hóa, trí thông minh, tâm hồn nghệ sĩ và kiến thức khoa học, bao nhiêu thầy giáo, kỹ sư, sinh viên đại học, và nhiều người trong số ấy đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của chiến tranh...

Và tôi cũng không thể ngờ rằng: Người lính xe tăng yêu văn học ấy chính là Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng, người đang cùng đồng đội của mình đứng nơi đầu sóng ngọn gió Quảng Trị này lại là người mà 3 năm sau cùng đoàn quân giải phóng xông thẳng vào dinh Độc Lập - dinh lũy cuối cùng của kẻ thù - tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chúng, kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ.

Ra Cửa Việt: Một người cao gầy, mặt dài, trán dô, vẻ gan góc với chiếc răng vàng hàm trên ra đón tôi. Một người nông dân mặc áo lính, gần anh, ta có cái cảm giác yên lòng giống như mỗi khi gần những người thiện tâm nhưng đầy nghị lực. Ngô Văn Nhỡ - Tiểu đoàn trưởng xe tăng là một người như thế. Tôi đã gặp bao nhiêu người như thế trên các nẻo dường chiến tranh?... Kiên cường, gan góc, bình dị... những điều đó làm kẻ thù rất khó nhằn, bất lực - giống như bao người nông dân khác trên dải đất này - anh rất ít nói.

Sau khi trao đổi công tác là hỏi thăm các cụ nhà tôi rồi anh đưa tôi xuống từng xe và bảo: từ nay, cần gì ông cứ bảo anh em... và tôi cũng không thể ngờ rằng: Sáng 30-4-1975, ba năm sau lần gặp ấy, giữa lúc muôn phần khó khăn ở chân cầu Sài Gòn, chỉ còn vài giờ nữa thôi là chiến tranh kết thúc... Một tràng tiểu liên cực nhanh của một tên lính ngụy vô danh đã bắn trúng ngực anh trên tháp pháo xe tăng khi anh đang cùng đồng đội tìm cách vượt qua cầu.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:28:57 pm »

Đêm đến, tháp pháo xe tăng là chỗ móc một đầu võng, đầu kia là những gốc phi lao cụt ngọn. Từ trên nhìn xuống, xe tăng giống như một bông hoa năm cánh mà nụ của nó là tháp pháo. Tôi lại nhớ đến bài hát truyền thống Binh chủng của Vũ Hữu (Hữu Thỉnh). 

Ban ngày, giữa những cồn cát bỏng gan bàn chân của cái thôn Phó Hội này, đây đó nổi lên những công sự đắp cao bằng những bao cát của quân ngụy xếp làm chiến hào, xe tăng nằm sâu trong đó, có mái che, sẵn sàng chờ lệnh. Lính chúng tôi, lại dưới gầm xe tăng nữa, ôn luyện kỹ chiến thuật, đánh cờ tướng... nghêu ngao chờ đợi. Rất xa, con hào chống chiến xa rộng chừng 3m làm ranh giới hai bên ta - địch mà bên này cắm cờ nửa xanh nửa đỏ có ngôi sao vàng, còn bên kia là cờ vàng 3 sọc. 

Lần đầu tiên trong chiến tranh, lính chiến hai bên tận mắt ngắm nhìn nhau mà... không làm gì cả! Chỉ đến đêm (thường về đêm) cuộc lấn chiếm mới xảy ra. Và khi ấy người ta mới thực bụng đãi nhau bằng súng đạn.  Sáng hôm sau, tôi chân trần chạy trên cát nóng sang bên kia chiến hào... Một con hình nhân khỏa thân vứt chỏng chơ, vài tập Lây boi rách mướp, xa xa ngoài biển xanh mấy cái tháp pháo M41 nhô trên sóng nước, lũ trẻ hồn nhiên như không hề biết đến chiến tranh, trần truồng nhào lộn trên sóng... rừng phi lao ven bờ cát hầu như hoàn toàn cụt ngọn, chỉ còn những khóm xương rồng là vẫn nở hoa vàng...

Tôi vẽ lại cánh rừng phi lao, chụp lại bãi xe địch, và ngoái nhìn biển xa: Nếu ta cứ đi mãi bằng thuyền ra khơi, ra mãi... ngày nào đó ta sẽ tới bờ bên kia: đó là Ca-li-phoóc-ni-a, là Săng-phrăng-xit-cô là Lốt-ăng-giơ-lét... là đất của những kẻ đang gieo rắc đau thương lên mảnh đất này, có thể ngày nào đó, tôi sẽ đến đó chăng? Có thể lắm chứ? nhưng chắc chắn tôi sẽ đến với những bức tranh, chứ không phải là súng đạn.

Lên A Sầu: Rời Triệu Phong, tôi còn lên A Sầu, A Lưới... Còn chứng kiến bao điều lạ từ những cánh rừng thiêng, những đỉnh đèo huyền thoại ở Trường Sơn, nơi vách núi trập trùng, vực sâu thăm thẳm, nơi những người lính tăng ở có bao chuyện lạ lùng: Con đường độc đạo chỉ vừa một thân xe, hai xe trước đi qua không việc gì, xe thứ ba trúng mìn... Tôi ngồi lại, lấy bút chì và sổ tay ghi lại vách núi ấy, vách núi mà một năm sau đã đi vào bức sơn mài “vượt trọng điểm” của tôi, và nhận ra trên bản đồ dã chiến trong sổ tay đường vĩ tuyến A Sầu đã thấp hơn ở Huế, chỉ còn cách Quảng Nam vài cây số đường rừng. Nơi đây đồng bào Pakôh sống là chủ yếu. 

Tiềm thức xa xôi qua cát truyện cổ tích của Tây Nguyên trong tôi là nhà Rông, là Chiêng, Ché, là khăn, khố, rượu cẩn, là những đêm lễ hội... Nhưng không, tôi chui vào một “nhà sàn”, gọi là nhà sàn thì quá, là một túp lều thì đúng hơn... cầu thang đẽo tay dẫn lên một sàn nhà chỉ cao chừng 80cm, nền đất lõng bõng phân, bùn.  Ba hòn đá làm bếp, tròng teng vài quả bầu, vài túm ngô trên gác bếp, trong góc nhà, dăm ba cái quần áo cũ, lăn lóc mấy cái gùi... Mùi hôi khẳm xông lên không thể nào chịu nổi... cách vài trăm mét mới có một nhà khác, còn lụp sụp hơn. Tối thui. Trong góc nhà, vài đứa trẻ gầy quắt, mắt thao láo... Tôi nghiến chặt hàm răng, cuộc sống như bầy Xà-niên 1 thế này, sao lòng dân lại xả hết cho cách mạng như thế...?
 
Từ đây, nếu lấy thước kẻ đặt một đường ngang sang bên phải, là Đà Nẵng đang ầm ầm thác loạn của nhịp sống đô thị, xa chút nữa là bán đảo Sơn Trà dưới gót giày quân Mỹ... Bao giờ các em bé kia được ăn no, được mặc? Chứ chưa dám nghĩ đến học, đến ánh sáng điện đèn... Tôi cởi thiếc áo lính đã cũ và để lại số lương khô mang theo... một em bé gái chạy theo tôi, nói líu lo điều gì đó, và dúi vào tay tôi một cây đàn bằng gỗ nhỏ, cần đàn có phím gắn bằng đuya-ra máy bay Mỹ, dây đàn là bốn sợi dây cước trong suốt hộp đàn được khoét bằng tay... Một cây đàn Ta-lơ nhỏ bé của một cô gái Pakoh tặng tôi...

Đằng sau em, trong ánh chiều tà của dãy Trường Sơn, ráng chiều A Sầu ấy là những khuôn mặt gầy quắt vì đói ăn, mắt mở to của đám trẻ Pakoh ấy, những ấn tượng ấy đã rung động tới đáy trái tim tôi và trong suốt quãng đời sau này tôi chẳng thể nào quên! ánh mắt long lanh, kỳ lạ ấy đã ký gửi vào những người lính tăng chúng tôi, những người đang ẩn mình chờ đợi để đến 30-4-1975... chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng số 390 húc tung cánh cổng gan lỳ, và đại đội trưởng Bùi Quang Thận tháo lá cờ trên xe tăng 843 và lao lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập... và có thể, tôi sẽ còn đi nữa sẽ đến những miền xa xôi, bất cứ nơi nào có vết xích xe tăng thân yêu mà tôi từng gắn bó... cuộc đời của những người lính xe tăng lang bạt theo năm tháng chiến tranh, theo những nẻo đường bất ngờ của nhiệm vụ mà có khi không bao giờ trở lại... nó đầy ắp những kỷ niệm mà sau khi nghe những kỷ mềm khác rung động lòng người của đồng đội; lại thấy kỷ niệm của mình sao nó nhạt nhẽo, và vô hồn...

Rồi năm tháng cứ qua đi, qua đi những mảnh rời kỷ niệm ấy bay lơ lửng chỉ còn để điểm xuyết cho những câu chuyện phiếm mỗi chiều bên cốc bia nhạt hoét... Để đến một ngày chúng ta phải cảm ơn những người lính tăng cũ, những cựu binh mà gần cả đời gắn bó, xây dựng Binh chủng này: Thủ trưởng Đào Văn Xuân, thủ trưởng Lê Xuân Kiện, thủ trưởng Phùng Minh... và đội ngũ biên tập, những người đã có công tập hợp chúng ta lại, xiết chặt đội ngũ sau chiến tranh, gom những mảnh rời kỷ niệm ấy lại. Tập họp thành một cuốn sử thi xe tăng, mà nếu không có họ những mảnh rời kỷ niệm của chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là những mảnh rời rạc và chúng sẽ bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian...

Tôi đi dọc nghĩa trang Trường Sơn, hơn 30 năm rồi còn gì... bên này là cánh rừng cao su dằng dặc, bên kia, những chiếc xe lu, xe tải đang mải miết làm con đường xuyên Việt: Đường Hồ Chí Minh rải nhựa. Tôi căng tầm mắt tìm chiến trường xưa. Động ông Do mây mù giăng kín. Ngó xuống chân thung lũng nhỏ gần đó, một gò đất cao chừng gang tay, miệng tròn như cái nong, nước đùn lên trong suốt, không ngừng, những bụi cây lúp xúp vẫn còn... nhưng những tán cây cao đã âm thầm chen phủ. Hơn 30 năm rồi còn gì, đã hơn 30 mùa thay lá đổi để chôn vùi bao nhiêu Mảnh - Rời - Kỷ - Niệm, cùng bao ký ức sâu thẳm của đời người.

Hà Nội, mùa thu 2003
L.T.D
(ĐT. 04.8522717)


__________________________
1. Xà niên: Một loại người rừng sống mông muội, lạc hậu rất ít gặp ở những cánh rừng già Tây Nguyên.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 11:51:31 pm »

CÁN BỘ, CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN XE TĂNG 202 HÔM NAY, QUYẾT XỨNG ĐÁNG VỚI LỚP CHA, ANH NGÀY TRƯỚC

Thượng tá Đỗ Thế Vượng
Phó Trung đoàn trưởng chính trị,
Trung đoàn xe tăng 202,
Đơn vị Hai lần Anh hùng

Sau nhiều năm công tác ở Lữ đoàn cao xạ 241, rồi làm trợ lý ở cục chính trị Quân đoàn I, đầu năm 1999 tôi được điều về làm chủ nhiệm chính trị, rồi Phó trung đoàn trưởng chính trị, Trung đoàn xe tăng 202, một trung đoàn có bề dày lịch sử và truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp Anh hùng. 

Nỗi lo của tôi là chưa được học chuyển Binh chủng để có khả năng cần thiết cùng với cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo chỉ huy đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với tầm vóc của một đơn vị Anh hùng cả trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay. 

Hiểu được tâm tư tình cảm của tôi, đồng chí phó Tư lệnh về chính trị thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã động viên khi giao nhiệm vụ: Đồng chí tuy chưa được học về xe tăng, nhưng đã có kinh nghiệm tham gia xây dựng nhiều năm ở bộ đội cao xạ, cũng là một đơn vị Binh chủng chiến đấu có trang bị kỹ thuật cao, đồng chí có thể phát huy những kinh nghiệm đã có vào nhiệm vụ mới.

Nhưng xe tăng vẫn là lực lượng đột kích mạnh, còn cao xạ là hỏa lực để chi viện và tiêu diệt các mục tiêu ở trên không. Cả hai đều là lực lượng xung kích, cùng hiệp đồng chiến đấu với bộ binh và cả hai đều có thể độc lập chiến đấu như ta vẫn sử dụng trong chiến tranh, nhưng vẫn có cái riêng cần biết để làm việc. Tôi thấy chỉ có một con đường là biết lắng nghe anh em và “vừa làm vừa học”, học trong thực tiễn, học anh em.

Tôi tản mạn nghĩ những ngày sắp đến, khi cán bộ chiến sĩ toàn Trung đoàn đang nô nức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trung đoàn và cũng là ngày thành lập Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Điều mà tôi lấy làm tin tưởng và vững vàng khi bắt tay vào nhiệm vụ mới là các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đều có rất nhiều bề dầy kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn, nhiều năm vinh dự được làm người lính xe tăng. 

Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong Trung đoàn là con em ở nhiều miền quê về xây dựng Trung đoàn đều có chung một tiếng nói đoàn kết một lòng, yêu mến đơn vị, luôn tự hào với truyền thống vinh quang, tự hào là người chiến sĩ xe tăng anh hùng, trẻ tuổi mà lập nhiều chiến công đúng như lời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng huấn thị, Trung đoàn lại được đứng chân trên mảnh đất của chiến khu Quỳnh Lưu, là cái nôi cách mạng ở những năm đầu tiên khởi nghĩa, được nhân dân đùm bọc, che chở, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn lập được hết thành tích này đến thành tích khác trong xây dựng trưởng thành từ khi đơn vị về đóng quân trên mảnh đất này.

Thấm thoát đã hơn 5 năm trôi qua, trong biết bao bề bộn công việc tôi vẫn nhớ mãi lời tâm sự của đồng chí Trung đoàn trưởng thượng tá Trần Tuyến khi tôi về nhận nhiệm vụ: “Điều mà tôi rất tâm đắc khi được làm cán bộ Trung đoàn là phải tạo được mạch nguồn của Trung đoàn, mà điều đầu tiên là chúng ta phải tạo cho chiến sĩ nếp sống chính quy ngay từ những ngày đầu vào đơn vị. Cán bộ các cấp phải hiểu được hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ, tính cách từng người lính, phát huy cao độ truyền thống của đơn vị Anh hùng, đề cao tinh thần dân chủ. Thời chiến tranh và trước các trận đánh, chiến dịch bộ đội đều được học tập bàn bạc theo nhiệm vụ của mình. Khi bước vào xây dựng đơn vị trong thời kỳ mới cũng vậy mọi chủ trương đều đưa ra bộ đội thảo luận, đó là chìa khóa của mọi thành công”. 

Thật quả là lời tâm sự chí lý, chí tình của đồng chí Trung đoàn trưởng. ‘Người chiến sĩ trẻ, là trưởng xe chuyên nghiệp tôi thường gặp ở phòng Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn xe tăng 66 Anh hùng tên là Nguyễn Văn Hoàng. Anh có dáng người thấp đậm, mắt sáng, ham mê thể thao, đọc sách lịch sử và hồi ký, giọng anh nói như suy nghĩ, chắt lọc từng tiếng, từng từ...

- Quê em ở Nho Quan, có chiến khu Quỳnh Lưu là cái nôi của cách mạng, đặc tính của dân quê em là rất mê sử, nói chuyện gì cũng viện dẫn sử ra chứng minh. Tốt nghiệp phổ thông trung học em thi vào khoa sừ Đại học sư phạm I Hà Nội, nhưng vì thí sinh đông, kiến thức lại có hạn nên em không đậu. Đến đầu năm 1995 em tình nguyện vào bộ đội và thiết tha được làm bộ đội 1 xe tăng và em cũng tự xác định tư tưởng cho mình, đây là thời gian làm nghĩa vụ quân sự đối với đất nước, và để chuẩn bị hành trang bước vào đời.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM