Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:30:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75094 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #60 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 09:14:25 am »

Lệnh của tên chỉ huy sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy: Dù còn một chiến xa hay một người lính cũng phải lên Cửa Việt để cắm lá cờ 3 sọc của ngụy quyền Sài Gòn. Chúng rất đau khi mất Cửa Việt là vị trí trọng yếu một cửa khẩu nối liền với vịnh Bắc Bộ qua sông Thạch Hãn, sông Bồ Điền với cảng sông Đông Hà.  Chiếm Cửa Việt, kiểm soát sông Thạch Hãn làm một ranh giới thiên nhiên để tiếp tục chia cắt hai miền đất nước.

Mặt khác chúng cố giành thắng lợi để tạo thế lợi cho chúng ở Hội nghị Hòa đàm Pan.  Chúng lao vào Cửa Việt như những con thiêu thân, ,kết thúc bằng sự thất bại thảm hại. Thiết đoàn 20 ngụy bị xóa sổ, thương vong lớn. Sau này, chính viên Chuẩn tướng chỉ huy trưởng thiết giáp binh ngụy quân đã phải thú nhận là công tác tham mưu của cấp trên rất bê bối, từ tuyến xuất phát đến các mục tiêu dài 10km không có một tuyến kiểm soát nào, không có lực lượng dự bị, không có kế hoạch bảo đảm nhiên liệu đạn dược, không có hải quân, không quân yểm trợ, tiến lên phía trước thì phía sau bị đánh... Từ ngày 20-1-1973 đến lúc kết thúc không có một phi vụ nào yểm trợ vì - không dám bay qua Cửa Việt, hải pháo chỉ có một khẩu bắn được.  Thật là một kế hoạch phiêu lưu.

Điều đó chứng tỏ Mỹ rút thì ngụy quân giảm khả năng tác chiến.  Tiểu đoàn 66 - Trung đoàn 202 đã tham gia trận phản công xuất sắc, diệt 16 xe tăng, thiết giáp, thu 3 xe M48, 3M41 và 5 xe M113. Đại đội 1 được tuyên dương Anh hùng ngày 23-9- 1973. Trận Cửa Việt ta chiếm được xe M48, đồng chí Vũ Văn Nhật lái xe đã dùng xe (địch trước đồng chí chưa sử dụng bao giờ) kéo 3 xe tăng và 2 xe thiết giáp địch về căn cứ an toàn giữa bom địch.

Chiến dịch Quảng Trị (kể cả đợt phản công của địch) kéo dài từ 30-3-1972 đến 31-1-1973 là chiến dịch Trung đoàn tham gia dài ngày nhất, thử thách gay go ác liệt nhất- lập nhiều chiến công xuất sắc, đồng thời cũng bị thiệt hại lớn so với các chiến dịch và đợt hoạt động trước đó. Nhưng “vàng 10 không sợ lửa” Trung đoàn đã nhanh chóng chỉnh đốn tổ chức và tiếp tục làm nhiệm vụ mới.

Hướng Trị Thiên trên 10 tháng, kéo dài 308 ngày đêm trên không gian rộng, bên cạnh các sư đoàn và Binh chủng thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung đoàn 202 có nhiều trận đánh thắng nổi bật là trận thọc sâu vào Triệu Phong, Hải Lăng ngày 27-4 và chiến thắng Cửa Việt 31-1-1973, cũng có trận không thành công. Nhiều đồng chí đã ngã xuống. Tiểu đoàn 66 đã bị thiệt hại trên 60% xe trong đợt tiến quân ngày 2-4-1972 (tính số xe vượt qua sông Bến Hải).

Thất bại là mẹ thành công. Quyết định thắng lợi do lãnh đạo đúng đắn và chỉ huy giỏi của cấp trên, nhưng quyết định thắng lợi trong từng trận xét cho cùng là do cán bộ, chiến sĩ giáp mặt với kẻ thù làm nên. Trong đó vai trò cán bộ có tính quyết định. Cán bộ xe tăng không phải chỉ là người chỉ huy chung mà còn là người trực tiếp điều khiển chỉ huy xe mình, trực tiếp ra lệnh cho phân đội và thành viên của chính xe mình diệt địch, như tấm gương của đại đội trưởng Nguyễn Văn Giới. Đó là mẫu người chỉ huy phân đội tốt.

Chiến dịch đã tôi rèn Trung đoàn thành lực lượng bộ binh cơ giới vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng các đơn vị bộ binh cơ giới sau này. Trung đoàn được tổ chức thành Lữ đoàn 202 (ngày 25-10-1973) và sau này nằm trong biên chế Quân đoàn 1. Lữ đoàn tham gia cuộc hành quân thần tốc giải phóng miền Nam mùa xuân 1975.

Sau chiến dịch Quảng Trị, tôi chính thức rời Trung đoàn, chuẩn bị vào B2 nhận nhiệm vụ mới.  Là người Chính ủy Trung đoàn trong 8 năm (1965 - 1972), tôi đã chứng kiến sự lớn lên từng ngày và đặc biệt trưởng thành vượt bậc qua chiến dịch Trị Thiên. 

Với những dòng này tôi bùi ngùi xúc động biết bao nhiêu khi nhớ lại tình đồng chí thân thiết, nếp kỷ luật chặt chẽ của một Binh chủng kỹ thuật. Điều tâm đắc nhất của công việc mình làm là cùng với tập thể tạo nên đội ngũ cán bộ mạnh từ xe trưởng trở lên và có một tổ chức Đảng mạnh từ cơ sở.

Thành phố Hồ Chí Minh
Mùa xuân Quý Mùi 2-2003
V N.H
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #61 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:08:43 am »

VƯỢT ĐỘ CAO 1800M TIẾN VÀO SẢM THÔNG – LONG CHẸNG

Đại tá Nguyễn Tằng - Nguyên phó Chính ủy
Trung đoàn 202 trong chiến dịch



Sảm Thông - Long Chẹng là căn cứ địa của tướng phỉ Vàng Pao, nằm ở phía Tây - Bắc nước Lào. Tên tướng phỉ này đặt cho căn cứ cái tên là “Đất thánh”, là “Thủ đô của người Mẹo” - Hắn lừa bịp những người Mẹo đi theo chúng, nào là: Đất thánh rất thiêng, người ngoài không ai có thể xâm phạm được, nào là người Mẹo ở “đất thánh” đạn bắn trúng không chết v.v. . . 

Đứng về mặt quân sự mà xét, quả thật địa hình ở khu vực này rất hiểm trở, rừng núi điệp trùng, dốc núi đá lởm chởm, cheo leo. Nhân dân đa số là người Mẹo, sống rải rác trên các triền núi cao đó là những con người khỏe mạnh, chất phác nhưng dân trí thấp nên rất tin những lời lừa phỉnh bịp bợm của bọn phỉ. . . 

Người Mỹ hết sức chú ý các đặc điểm trên, nên ra sức viện trợ và lôi kéo người Mẹo, lập nên đội quân người Mẹo, do tên Vàng Pao cầm đầu. Mỹ sử dụng đội quân này để đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng của lực lượng Cách mạng Lào. Chính quyền Ních - Xơn huy động quân phái hữu Lào, quân Thái Lan hợp sức cùng quân phỉ Vàng Pao dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân Mỹ để đánh chiếm cao nguyên cánh đồng Chum.

Sau đợt một và đợt hai chiến dịch từ 17-12-1971 đến 20-1-1972; Liên quân Việt - Lào đã giải phóng toàn bộ vùng Cánh Đồng Chum và vùng đệm đến sát khu vực Sảm Thông - Long Chẹng. Đợt hai B dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch ở Sảm Thông - Long Chẹng.

Lực lượng tham gia chiến dịch có Sư đoàn bộ binh 312, Sư đoàn bộ binh 316 (thiếu) và Trung đoàn đặc công 866. Về binh khí, kỹ thuật có các tiểu đoàn pháo 130 - 122mm; Tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp 195. Trong hội nghị phổ biến nhiệm vụ, các đồng chí Vũ Lập và Huỳnh Đắc Hương - Tư lệnh và Chính ủy Mặt trận 31 - đã nhấn mạnh: Bằng mọi cách phải đưa được xe tăng vào chiến đấu ở Sảm Thông - Long Chẹng.

Sau hội - nghị, đồng chí Đào Huy Vũ, Phó Tư lệnh Binh chủng nhắc nhở tôi thêm: Đồng chí Tuân trung đoàn phó về nước đi học, cậu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn tăng 195 hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu của đợt 2B chiến dịch, phải đưa bằng được xe tăng vào Sảm Thông - Long Chẹng.

Vâng, nhất định chúng tôi phải đưa được xe tăng vào Sảm Thông - Long Chẹng, song cái trở ngại lớn nhất là làm sao xe tăng có thể vượt qua được đỉnh cao 1800 loét có độ dốc lớn, có đoạn còn vượt quá khả năng vượt dốc của xe tăng về mặt tính năng kỹ thuật. 

Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 195 được trang bị hai loại xe. Xe thiết giáp K63 và xe tăng T34 là loại rất cũ, sản xuất từ đầu đại chiến thế giới lần thứ hai, lại hoạt động ở chiến trường lâu nên về kỹ thuật không còn tốt, mặt khác là loại “quá cổ” nên các mấu xích bám đất cũng giản đơn không như loại xe tăng T54 hay T55, vì vậy độ leo dốc chỉ cao 300. Đây là nói về đường loại trung bình có độ bám là còn ở đây là đường quân sự làm gấp nên độ bám thấp hơn.

Viết đến đoạn này tôi phân vân và suy nghĩ để tự giải đáp: Vì sao Tư lệnh và Chính ủy Mặt trận lại nhấn mạnh đối với lính xe tăng chúng tôi? Phải bằng mọi cách đưa được xe tăng vào chiến đấu ở Sảm Thông - Long Chẹng, còn Trung đoàn trưởng Trung đoàn 312, được giao nhiệm vụ đánh Sảm Thông - Long Chẹng, khi anh đề nghị phối thuộc cho Trung đoàn một đại đội xe tăng, thì lại bị phê phán là “Vũ khí luận”.

Trong bài viết không phải là “Vũ khí luận” thiếu tướng Nguyễn Chuông - NXB Quân đội nhân dân 2002 - Sách dặm dài trên đất Triệu Voi - Trang 145 - 146).  Anh Nguyễn Chuông báo cáo với Chính ủy Mặt trận Huỳnh Đắc Hương:

- Trung đoàn tổ chức ba đội đột kích, mỗi đội từ 40 đến 59 tay súng. Trên cho đại đội Tăng và Tiểu đoàn pháo 130 ly mới đảm bảo chắc tay, đánh nhất định thắng. Chính ủy Huỳnh Đắc Hương cắt ngang: Sao lại phải có tăng, pháo mới đánh được? Anh lại “Vũ khí luận” phải không?

Quả thật nhìn vào tình hình Trung đoàn 165 lúc đó đã đánh suốt từ trận mở đầu chiến dịch cho đến lúc đó đã hơn hai tháng. Bốn trận đánh tập trung cả Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và nhiều trận đánh ở cấp tiểu đoàn, cấp đại đội đều thắng lợi. “Khí thế Trung đoàn rất cao, song quân số hao hụt lớn, một số bị thương, hy sinh, ốm đau chưa được bổ sung nên mỗi đại đội chỉ còn mười lăm hai mươi tay súng” (Sđd - Trang 142). Như vậy theo tôi cần có xe tăng và pháo binh là yêu cầu chính đáng.

Ngày đó chúng tôi, những người lính xe tăng quyết vượt mọi trở ngại về địa hình tham gia đánh Sảm Thông - Long Chẹng ngoài là một nhu cầu đòi hỏi của các đơn vị bộ binh, đó còn là sự đòi hỏi của chiến thắng, và hơn thế nữa xe tăng xuất hiện sẽ đập tan câu chuyện “Đất thánh bất khả xâm phạm” và quân phỉ Vàng Pao sẽ suy sụp tan rã . . .

Từ ngày 1 đến ngày 4-3-1972 đồng chí Hàn - Tham mưu trưởng Sư đoàn 312, đồng chí Tháp - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh đã cùng với cán bộ xe tăng ra khu vực chân đỉnh cao để kiểm tra công tác của Tiểu đoàn 17 công binh chuẩn bị cho xe tăng vượt dốc. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #62 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:09:07 am »

Các đồng chí Khung - tiểu đoàn trưởng, Tuyên chính trị viên, Thúy - tiểu đoàn phó công binh báo cáo: Mọi công tác hạ độ dốc, cọc chuẩn, đường vòng tránh đã xong, như vậy công binh chiến dịch và Sư đoàn 312 đã mở đoạn đường gần 10km và khó khăn nhất là điểm cao 1800m đã chuẩn bị xong có thể tổ chức cho xe tăng vượt thử để rút kinh nghiệm.

Tôi 5-3-1972, hai xe tăng T34 số 451 và 456 của Đại đội xe tăng 9 được tổ chức vượt dốc đầu tiên. 20 giờ 30 phút xe tăng 451 khởi động bắt đầu vượt dốc, mọi người vẫn theo dõi, được 1/3 dốc do vấp phải một đoạn gỗ, xe khựng lại và trượt dài xuống phía sau, mọi người phải tránh dạt sang hai bên sườn dốc, xe 451 bị tụt xuống tận gần chân dốc, gặp chỗ ngoẹo, xe bị trượt nhanh nhưng không bị lật, cả trưởng xe, pháo thủ, lái xe đều bị thương, riêng đồng chí Đỗ Văn Chinh lái xe bị thương nặng phải băng bó cấp cứu. 

24 giờ xe tăng 456 tiếp tục khởi động vượt dốc sau khi đã rút kinh nghiệm của xe 451. Do độ dốc quá cao, độ dài của dốc khá lớn, nên quá trình vượt dốc xe phải luôn dừng tạm nghỉ và nhiều lần bị quay trượt. Lên được ¾ dốc xe lại quay trượt tại chỗ. Thế là đến 4 giờ 30 phút ngày 6-3 cuộc vượt dốc lần đầu thành công. 

Sáng 6-3 chúng tôi, cán bộ công binh, cán bộ tham mưu Sư đoàn 312 ra tận đỉnh cao 1800m để rút kinh nghiệm tìm biện pháp để tiếp tục đưa xe tăng vượt dốc. Các cán bộ cơ quan Sư đoàn 312 đều được huy động ra giúp xe tăng vượt dốc. Các anh mỗi người chặt hai cọc gỗ đường kính từ 5-10cm, mang ra chân dốc để công binh đóng cọc, đã đóng hàng nghìn cọc ở những đoạn dốc dễ bị quay trượt.

Còn các cán bộ chiến sĩ xe tăng chuẩn bị những đoạn gỗ lớn đẽo vạt thành hình tam giác cử hai người khiêng theo xe tăng để khi tạm dừng hoặc đuối lực thì chèn ngay đề phòng trượt dốc, để tạm thời khắc phục, về phía xe tăng chúng tôi mang toàn bộ số đạn pháo 85mm ra ngoài để giảm bớt trọng lượng, trưởng xe, pháo thủ cũng không ngồi trên xe, chỉ để một lái xe điều khiển (lái xe mặc áo bông, đội mũ công tác quấn thêm vải để đề phòng xe trượt dốc không bị chấn thương nặng).

Đến 20 giờ ngày 6-3 là đêm thứ hai tổ chức vượt dốc chúng tôi cho các xe thiết giáp K-63 vượt trước để rút kinh nghiệm. Đến 24 giờ cả 3 xe K-63 đều lần lượt vượt dốc an toàn, sang tạm giấu ở bản Đào phía chân bên kia đỉnh 1800m.

1 giờ ngày 7-3 xe tăng T34 số 456 tiếp tục vượt dốc, khi xe vượt được ¾ dốc đến đoạn vòng khó khăn thứ 5 thì xe bị tụt rất nhanh xuống chân dốc.  Lần thứ 3 vào 20 giờ ngày 7-3 chúng tôi tiếp tục tổ chức vượt đỉnh cao, lần này chúng tôi tổ chức cho xe dắt (xe kéo xe tăng) vượt trước dự kiến. Khi xe lên đỉnh dốc, xe dắt sẽ làm điểm tựa cố định, sau đó dòng dây cáp thả xuống một đoạn dài nhất định để dự phòng cứu kéo khi có xe bị sự cố.

Vào 21 giờ xe dắt đã vượt dốc an toàn nhưng đến 22 giờ xe tăng 424 bắt đầu vượt dốc mới được ½ dốc thì bị máy bay địch đến bắn phá thả bom toàn bộ khu vực bom thả trúng đoạn dốc xe tăng đang vượt, xe bị tụt rất nhanh xuống chân dốc, đồng chí Vũ Trọng Phái lái xe bị thương nặng, nhưng xe không bị lật. 

Thấy tình hình căng thẳng, khó có thể tiếp tục cho xe tăng vượt dốc, đồng chí Hàn, Tham mưu trưởng Sư đoàn 312 đã thống nhất với chúng tôi tạm ngừng tổ chức vượt đỉnh cao 1800m và xin chỉ thị của Bộ chỉ huy Mặt trận để có kế hoạch tiếp theo. 

Như vậy sau 3 lần vượt dốc, xe tặng T34 không thể vượt qua được, chỉ vượt được 3 xe thiết giáp (K63) và một xe dắt (xe kéo xe tăng). Sức mạnh của xe tăng là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố. Hỏa lực pháo, xích sắt và vỏ thép (sức nặng) nhưng xe tăng không vào được cứ điểm thì phải phát huy được một trong sức mạnh ấy. Vì thế, theo đề nghị của cán bộ xe tăng Bộ chỉ huy chiến dịch, cho sửa một quãng đường khác và đưa 3 xe tăng T34 vào Sa Nóc dùng hỏa lực pháo 85 ly bắn trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công các điểm cao: 1476, 1486.

Ngày 11-3, ba xe tăng T34 đã bắn 55 phát đại bác phá sập nhiều công sự của địch.  Còn 3 thiết giáp và xe dắt đã cùng Trung đoàn Bộ binh 141 tiến công địch trên đồi vành khăn. Ngày 18-3 xe thiết giáp đã vượt lên trước bộ binh đột phá vào cổng chính. Địch phát hiện không có bộ binh đi cùng xe tăng thiết giáp nên chúng xông ra định bám lên xe thiết giáp lính thiết giáp đã mở nắp xe, dùng lựu đạn, tiểu liên diệt địch, và cũng là lúc bộ binh vào kịp, ta diệt gọn cứ điểm.

Điều đặc biệt làm những người lính xe tăng chúng tôi vô cùng phấn khởi đó là chiếc xe dắt cũng xông vào diệt giặc. Xe dắt là loại xe phần dưới giống như xe tăng, cũng có xích sắt và vỏ thép dầy, nhưng trên không có tháp pháp và pháo. Xe này nhiệm vụ chính và công dụng của nó là đi trong đội hình xe tăng để cứu kéo các xe tăng bị sa lầy. . . Còn ở đây khi đánh mỏm số 3, xe dắt đã xung phong, để bẹp thép gai, dùng xích sắt chà xát các ổ đề kháng của địch và sử dụng súng 12,7 milimét bắn chi viện cho bộ binh đánh chiếm mỏm 3 và 4...

Các bạn Công binh, Bộ binh ạ, bao công sức của các bạn tạo cho lính xe tăng chúng tôi vượt độ dốe l800m thật hào hùng và là một trang hiệp đồng oanh liệt.

Thái Bình
Tháng 10 năm 2003
(ĐT. 035. 781716)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #63 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:39:20 am »

VẾT THƯƠNG CÒN NHỨC NHỐI

Nguyễn Thế Tưởng
Nguyên chiên sĩ lái xe tăng Trung đoàn 202


Cường tuổi Thìn - Nhâm Thìn - nam nay kể cả tuổi mụ là 42, thật đang sức tráng niên. Vậy mà những lúc có chuyện bực mình Cường lại hay nghĩ lẩn thẩn như một ông già, thường hay nhớ lại những kỷ mềm thời chống Mỹ mà anh có tham gia để tự an ủi. Ở một bến xe hay bến tàu vô tình bắt gặp đám lưu manh ức hiếp người nhà lành Cường cũng nắm tay trợn mắt mà lẩm bẩm: “Cứ như còn ở đơn vị xe tăng, ông sẽ nghiền nát bọn mày.” Anh hay kể với vợ và bạn bè những mẩu chuyện bắt đầu bằng câu: “Cái hồi ở bộ đội...” Nói chung là dường như Cường có máu AQ, một kiểu “phép thắng lợi tinh thần” đời mới.

Ở cái thị xã nhỏ bé này, Cường thuộc diện mất sức có phụ cấp thương binh hàng tháng, anh cũng có viết báo viết văn nhì nhằng, có đôi ba bài được để ý. Một lần chị cán bộ hội Phụ nữ phụ trách tuyên truyền vận động anh viết bài về vận động sinh đẻ có kế hoạnh anh liền lôi ngay hai đứa con gái mà nói: Cái hồi tôi ở bộ đội quen nói thẳng, tôi mới có hai cháu gái, tôi và vợ tôi sẽ chiến đấu tiếp cho đến khi nào được một thằng “tăng con” mới thôi. Vậy tôi có thể lên giọng đạo đức mà rao giảng “Mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con” không?

Chị phụ nữ vẫn cười và khuyên anh viết. Chị nói: “Viết là viết về một đạo lý chung, còn cuộc đời thiếu gì nỗi éo le riêng biệt, tôi biết anh viết được, vốn sống đã dày lại đã qua thời bộ đội. Nghe đến “cái thời bộ đội” Cường giật nảy mình” ứ nhỉ, cái thời tôi ở bộ đội . . . có cái chuyện này tôi kể cho chị nghe, chị hay ai đó viết giùm, cũng có tác dụng tới việc đặt vòng, à quên, xin lỗi là cái công tác chiến lược kế hoạch hóa gia đình.”.

 Cường nói một mạch, và chị phụ nữ ngồi lắng nghe, chị biết là đã điểm đúng huyệt của anh chàng cựu binh hơi lẩn thẩn mà dễ mến. Trong phút chốc đôi mắt Cường dại đi như một thứ kỹ xảo mờ chồng trên phim truyện? và ký ức hiện lên, những hình ảnh xa xăm của một thời trận mạc bỗng hiện về rõ rệt, gồ ghề đầy màu sắc và hình khối như thể giơ ra là sờ nắn ngay được. . .  .

Hồi -ấy, sau khi tham gia chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch mà đơn vị tôi được cấp trên đánh giá là “tham gia 6 trận thắng 4 thua 2” chúng tôi rút về miền Bắc bổ sung, đóng ở vùng đồi thuộc xã Xuân Nguyên, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Có lẽ nhờ hai trận “lãi ròng” trên đây mà Đại đội một của chúng tôi và cả Tiểu đoàn 66 xe tăng thiết giáp đều trở thành đơn vị anh hùng. Nói thật với chị, làm lính cựu binh ở một đơn vị thường thì còn được chiều chuộng, thỉnh thoảng còn được thượng máu công thần - chứ ở đơn vị anh hùng thì chua cay lắm, mọi cái đều phải gương mẫu. Đất Xuân Nguyên thì rắn như đá. Có cậu đã viết:

Xuân Nguyên ơi ta đã về đây
Đất như đá nuôi cây sim cây sể
Nước xói mòn chia bãi thành mô


Lại viết:

Đời lính nghèo chi đến là nghèo
Không đủ tiền mua cho người yêu một hào kẹo bột


- Ấy sao chị lại nhíu mày thế, chị không muốn nghe thì thôi vậy . . . Ý tôi là . . .

- Không sao, không sao, anh cứ kể đi, tôi vẫn nghe đây tại tôi .

- Ấy là ý tôi muốn nói, cái hồi ở bộ đội, chuyện nó lâu quá rồi, bây giờ giở lại lục tích phải có đầu có cuối, phải có gợi lại cảm hứng, nhưng thôi, tôi vào chuyện ngay đây, một câu chuyện sát với đề tài đặt vòng, à lại quên, chiến lược dân số của chị. Lúc nãy tôi kể đến đâu rồi nhỉ, đến đoạn bộ đội đi xin tre chưa? Chưa hả, à đây rồi, đơn vị đóng ở Tĩnh Gia là đơn vị anh hùng v.v...  đây chuyện đây rồi... Giọng Cường trầm xuống vẻ bí hiểm làm chị cán bộ phụ nữ cũng phải chùng người 1 nghiêng tai . . .

Đó là vào mùa giáp hạt năm 1974. Mùa giáp hạt là của nông dân, chúng tôi lại vào mùa huấn luyện. Hình - như không chỉ riêng gì Thanh Hóa mà cả miền Bắc đều bị đói. Dân đói, cán bộ đói, lính cũng đói. Tiêu chuẩn lương thực của tụi tôi từ 8 lạng tụt xuống 6,5 lạng rồi 4 lạng mỗi ngày. Mỗi buổi sáng cả bọn nhăn mặt nhận cái bánh mỳ hấp to bằng cái nắp chuông xe đạp. Ngày hai bữa cơm sau hai buổi huấn luyện lính hăng hái xếp sáu hàng dọc, hau háu nhìn vào nhà ăn, ăn xong chúng tôi lao xuống bếp vơ cháy, có bữa sợ heo trong chuồng mất phần, anh nuôi đổ nước gạo vào nồi cơm cháy.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #64 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:40:02 am »

Anh hùng thì anh hùng nhưng lính xe tăng mà đói thì gay quá. Một lần không biết ông trợ lý nào đó nảy ra “sáng kiến” quá quắt là cắt bữa ăn sáng để dồn cho hai bữa chính để cho lính đỡ đói sau giờ huấn luyện. Sáng hôm ấy khoảng 8 giờ, sau khi đánh xe ra bãi chuẩn bị tập, đại đội trưởng tập hợp 55 chiến sĩ lại và hô: Khoa mục!  Tất cả đứng nghiêm lại chuẩn bị nghe nội dung khoa mục sắp tập bỗng nghe “uỵch” một cái. Cậu Tuân đứng cạnh tôi bỗng đổ nhào, sùi bọt mép. Cả đại đội nhốn nháo. 

- Nghiêm! Đại đội trưởng hét, đồng chí Cường và đồng chí Huấn khẩn trương khiêng đồng chí Tuân về quân y cấp cứu.

Hô khẩu hiệu như thế nhưng chỉ nửa phút sau cả đại đội đều nghỉ để đưa Tuân về. Có cấp cứu gì đâu, chỉ đổ cháo vào là Tuân khỏi. Tội nghiệp nó, là lái xe người to con, nhiều tỷ tế bào phải nuôi quá.  Tôi cũng là lái xe, người cũng to, cũng đói lắm . . .  chúng tôi là cựu binh, đã qua chiến trường, đã có cái ranh ma của người từng trải qua trận mạc, phải nghĩ cách thoát khỏi cơn đói kinh niên này, chí ít cũng kéo tới mùa lúa chín. Rồi dịp may cũng đến. Đơn vị làm thêm “ga ra” xe cần một số vật liệu là tranh và tre.

Tranh thì phải đi cắt trên rừng. Tre thì vào xin đồng bào ở các xã lân cận. Không suy nghĩ lâu la gì, tôi xin ngay vào tổ xin tre. Lúc đầu không ai dám theo, cậu nào cũng ngán mục này. Riêng tôi mặt đã lỳ như thớt từ những ngày huấn luyện ở trường lái. Tôi rỉ tai thêm hai thằng bạn thân nửa, chúng khoái quá giơ tay luôn. Đó chính là Tuân biệt hiệu là Tuân vịt và thằng Hoán, tác giả của mấy câu thơ chị đã nghe ở trên.

Thế là cứ sáng sáng tổ tam tam chúng tôi sấn xuống bếp ép “thủ kho” xúc cho hai lon gạo đầy để ăn trưa với kế hoạch khoán hẳn ba lính sáu tre mỗi ngày. Cầm được hai lon gạo, ba chúng tôi lên đường vừa đi vừa đồng ca bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội . Thỉnh thoảng gặp một gái làng xinh tươi, cái cậu Hoán lại hăng hái đọc thơ:

Tôi là người lính thiết binh cô ạ
Ba mươi ngày chỉ có năm đồng thôi
Thuốc bàn chải hết đồng rưỡi rồi
Cười làm chi cho thêm phiền tuổi trẻ
Thôi cô để tôi đi cô nhé
Một nụ cười hết cả nửa tháng lương.
 

Rồi cười rần rật với nhau.

Phải nói rằng việc xin tre với chúng tôi không khó nếu như trước đó một đơn vị bộ binh đóng ở phố Còng đã không “dợt” qua một lượt. Tuy nhiên được cái Hoán là tay vui vẻ văn thơ, tôi lại có ý chí, còn Tuân Vịt thì thuộc loại “thánh” trong khoản này. Đến nơi có tre, Tuân vịt cất mũ từ ngoài sân, hơi khom lưng tiến vào và hát điệp khúc sau đây:

Thưa cụ (hoặc bà, hoặc bác, hoặc chị . . . tùy lứa tuổi) sau chiến dịch đỏ lửa ở Quảng Trị, Lữ đoàn xe tăng 202 chúng con cần phải làm gấp một số nhà xe, cần một số vật liệu và là tranh và tre. Tổ tam tam chúng con đến đây trước hết là để thăm sức khỏe của cụ (bà, bác, chị) sau nữa là...”

Những lúc hát bài ca này tất cả sự ranh mãnh biến mất, khuôn mặt và sắc diện cậu Tuân trở nên dễ thương vô hạn. Khó có một trái tim sắt đá nào có thể từ chối nó. Được một tuần như vậy, ngày nào chúng tôi cũng được một bữa trưa lưng bụng và sáu cây tre vác về nộp. Thế rồi đi lâu cũng có ngày gặp. . . thủ trưởng. 

Sáng hôm ấy, khi chuẩn bị đong gạo thì tay thủ kho giáp mặt đại đội trưởng, hắn đỏ tai cúi gằm mặt đổ vào đãy của tôi một lon gạo gạt ngang miệng lon rồi dùng tay bốc thêm nắm nữa coi như đủ khẩu phần ba đứa.  Không cãi được chúng tôi đành lên đường. Thật “họa vô đơn chí” hôm ấy suốt cả buổi sáng ba đứa chúng tôi mới xin được một cây tre. Đã thất bại thì thường nản chí, chúng tôi không dám tìm vào nhà ngói sân gạch mà đi mãi đến gần 12 giờ trưa mới rẽ vào ngôi nhà tranh hơi có vẻ tồi tàn mượn xoong nồi nấu cơm.

Trong nhà tranh tối tranh sáng, một người đàn bà xanh xao đang nằm ở giường. Chị có vẻ lả lướt đói hơn là bệnh tật. Nghe chúng tôi trình bày, chị vội vàng ngồi dậy cao giọng gọi lên:
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #65 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:40:38 am »

- Cái Thảo, cái Mẩy, cái Chót, Chít, Chát ơi! Về mẹ biểu?

Loáng cái có chừng một tiều đội con nít từ vườn sau chạy ra đứng trước mắt chúng tôi. Mắt đứa nào đứa nấy thao láo; Có đứa cầm quả cà pháo vừa hít mũi vừa nhai rồi phướn cổ nuốt.

Chị chủ nhà phán tiếp:

- Mấy đứa bây vô lấy nồi ra nấu cơm cho các chú bộ đội. Bầy trẻ a lên một tiếng táo tác chạy lấy nồi, đưa ra giếng múc nước sẵn. Không kịp suy nghĩ thêm, chúng tôi thở phào ném “bao gạo” ra sân cho lũ trẻ rồi ngồi nghỉ. Mãi nhiều năm về sau tôi mới phân tích được cái hoàn cảnh và tâm trạng lúc ấy của chị chủ nhà và bọn trẻ, tôi cứ bị ám ảnh mãi cái thoáng chốc bất chợt tia mắt của chúng sáng lên khi nghe mẹ nó phát âm ra từ “nấu cơm” nghe nghe như tiếng reo vui. 

Quá 12 giờ trưa, mệt mỏi và đói meo, sau khi rửa ráy bằng nước giếng trong và mát, chúng tôi tự động lấy bát đũa từ trong chạn, gạt tro than trịnh trọng bơng nồi cơm lên. Lúc này lũ trẻ lại đứng túm tụm cuối sân nhìn theo nồi cơm. Chị chủ nhà mệt mỏi ngồi gian dưới. Gian dưới lại cách gian trên một lớp cót nan mỏng, nói thì nghe rõ nhưng không nhìn thấy nhau. 

Chúng tôi mở vung cơm lên và ba cái đầu lập tức chụm vào như để ngửi mùi cơm. Sáu bàn tay quen cầm cần lái xe tăng bây giờ nắm chắc bát đũa. Bụng chúng tôi đều réo ùng ục, nhưng hạnh phúc thì đã ngay trước mặt trắng xóa, thơm lừng trong tầm tay. Thiếu chút nữa thì chúng tôi bỏng mồm vì cơm. Mỗi đứa đều vừa và cơm vừa phà hơi ra cho đỡ nóng, mắt long lanh vì sung sướng. Bỗng từ gian dưới vọng lên tiếng chị chủ nhà lúc này nghe rất rành rọt:

- Kìa các con, vào ăn cơm với các chú bộ đội cho vui.  Chúng tôi ngớ người, ừ nhỉ, cũng phải xới cho trẻ con chứ. Cậu Hoán vốn nhanh mồm nhanh miệng nuốt ực miếng cơm rồi buột miệng:

- Các cháu ơi?

- Kìa các con, các chú đã mời thì vào ăn với các chú.

Tôi nhìn xuống xoong cơm, chỉ còn lưng hai bát nữa chưa kể phần cháy, mà hình như nồi cơm nhỏ chưa đủ độ nóng để kết cháy đâu. Ngoài sân thì lố nhố đến chục đứa con nít đang chuẩn bị kéo vào. Chúng tôi thì chưa hết hoa mắt vì đói. Bỗng Tuân, chính cái cậu Tuân vịt với điệp khúc xin tre muôn thùa đã giơ tay lên vẫy lũ trẻ. Hắn vẫy rất nhẹ nhưng lại nói rất to:

- Các - cháu - vào - đây - ăn - cơm - với - các - chú. 

Tôi nhìn ra, lũ trẻ nháo nhác tiến vào mắt long lanh, trong khoảng khắc bỗng chúng đứng dừng cả lại ngơ ngác như một đàn gà con lạc mẹ. ánh mắt của chúng bị hút về phía Tuân. Bất ngờ tôi nhìn sang thấy cậu Tuân. Vâng, thưa chị, chính Tuân bạn tôi, một hạ sĩ lái xe tăng có hạng đã lập chiến công ở chiến trường - Quảng Trị, mắt hắn trợn ngược lên, bàn tay nắm thành quả đấm. Từ dưới bếp giọng chị chủ nhà như quát lên:

- Mấy cái Thảo, cái Thít dẫn em vào ăn cơm với các chú bộ đội, còn đứng đó chi nữa.

Một lần nữa lũ trẻ lại mạnh dạn bước vào nhưng vừa mới ngước lên đã bắt gặp ngay cặp mắt của Tuân.  Tội nghiệp chúng, như thể nhìn thấy ông thiện ông ác trong chùa, tiến lên một bước rồi dừng lại. Sau phút bàng hoàng, tôi cố tĩnh trí lại nhìn kỹ lũ trẻ. Chúng có vẻ xác xơ quá ốm nhách, ốm nheo như những cây sậy được treo móc vài mảnh vải mỏng màu đất. Một thằng cu chừng năm tuổi trần truồng, bụng ỏng đít beo một tay đút vào miệng, một tay nắm chặt gấu áo chị nó. Cái Thảo là con bé lớn nhất chừng 12 tuổi gầy tong teo, gương mặt đầy vẻ nhẫn nhục cam chịu nhăn nhúm như một bà già. Nó, chính là con bé chị lớn nhất đám cao chừng 1m25 nặng không tới 25kg này là tâm điểm chịu toàn bộ sức nặng từ những tiếng quát tháo của người mẹ, từ mùi cơm bay ra từ chỗ chúng tôi ngồi và đôi mắt trợn ngược của Tuân. Chừng 5 đến 6 phút, sau khi đã đứng sững lại, chính cái con bé lớn có tên Thảo này đã khóc òa lên, tức tưởi lùa lũ em ra vườn sau nhà.  Tiếng nấc của người đàn bà khiến Cường dừng phắt câu chuyện.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #66 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:41:39 am »

- Đừng kể nữa, đừng kể nữa, tôi van anh, anh cũng có con mà tôi cũng có con mà anh.

Cường ngồi lặng đi một lúc rồi thì thào:

- Tôi đã nói trước ai bảo chị ép tôi. Chị biết không ngay sau đó thấy mình có lỗi, còn cái thằng Tuân lúc ấy thì lúng búng trong mồm chào chủ nhà và chúng tôi đã lặng lẽ rút khỏi căn nhà ấy, để lại cả cây tre còi mới xin được hồi sáng. Còn Tuân thì ân hận vì lối đùa tai quái và không đúng chỗ ấy. Tối hôm ấy, đại hội gọi cả ba chúng tôi lên chất vấn vì không hoàn thành nhiệm vụ.  Tuân Vịt ngồi cúi gằm mặt xuống một lúc rồi chạy ra sau đồi khóc. Tôi kể sư qua cho đại đội trưởng nghe chuyện hôm ấy. Ông im lặng, mặt đanh lại. Hôm sau không thấy ông bảo chúng tôi đi xin tre nữa. Chuyện tôi kể có liên quan đến việc kế hoạch hóa gia đình, đẻ nhiều con mất mùa thì khổ. Chuyện thật 100% đấy, không tin thì chị gặp các cậu Hoán, Tuân . . . à quên . . .  xin lỗi.

Sao lại xin lỗi, anh quên cái gì, hai người bạn của anh ở đâu?

- Chị đã nghe đến đây thì tôi cũng xin kể hết. Hai người bạn chí thân ấy của tôi đều không còn nữa. Hoán, cái thằng vui tính hay làm thơ ấy hy sinh ngay trận mở màn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, còn thằng Tuân thì mãi đến Xuân Lộc vào tới cửa ngõ Sài Gòn xe hắn mới trúng đạn bốc cháy. Hắn cùng pháo thủ bắn hết cơ số đạn trong xe rồi nhảy ra bị hỏng hết mặt mày, lại hứng luôn một tràng AR15 qụy xuống. Nhưng có điều lạ là nằm trong trạm giải phẫu tiền phương, cậu Tuân vịt ấy phều phào nhắn tôi đến.

Mặt trận tạm yên ổn tôi giấu xe vào bãi rồi băng đến trạm. Hắn nằm, mắt mờ dại đi. Tôi cúi xuống và chợt nhận ra cái mặt vàng ủng như sáp ong và đôi mắt lờ đờ của nó chợt sáng lên. Bằng rất nhiều cố gắng đến tuyệt vọng, hắn nhấc tay chỉ vào túi áo ngực và phều phào hai âm tiết gì đó nghe không rõ. Tôi mở túi áo quân phục xe tăng của hắn lôi ra một nắm tiền giơ lên, hắn lại phều phào hai từ gì đó, đôi mắt có vẻ bằng lòng rồi tắt thở. Tôi cầm nắm tiền đứng ngẩn ngơ quên cả vuốt mắt cho đồng đội Tuân vịt! Thế là tôi mất luôn người bạn tri kỷ cuối cùng. Chị có hiểu không?

Mãi đến gần một tháng sau, trong một đêm đang ngủ rất ngon mắt giữa đô thành Sài Gòn mới giải phóng tôi như bị dựng dậy bởi một ý nghĩ vừa lóe lên: “tiềm thức và vô thức vừa hòa nhập giải mã cho tôi hai cái từ vô nghĩa phều phào giữa hai làn môi đã cứng lại của Tuân.

Ngày ra Bắc, tôi theo lời trăng trối của Tuân, tôi mua một bao gạo trắng muốt loại tốt nhất của Nam Bộ vác về để chình ình trên xe làm mọi người cười ầm bảo tôi hâm tỷ độ. Ngày đó, vâng, sau chiến thắng ngày 30-4-75, mọi người về quê, ai cũng đem theo bao thứ làm quà, còn tôi thì đèo bao gạo, có lẽ hâm thật chăng?! Tôi nín nhịn. Đi ba ngày từ Sài Gòn đến Thanh Hóa, ngang qua phố Còng tôi lẳng lặng ném bao gạo xuống rồi nhảy xuống theo; lúc ấy mới hiểu là không còn nhớ đi về hướng nào.

- Anh không nhớ à?

- Không nhớ! Chị bảo làm sao tôi nhớ được một căn nhà tồi tàn vô tình ghé qua rồi ngậm tăm rút biến trong cả chục ngày đi xin tre lang thang khắp huyện Tĩnh Gia. Tôi ngồi trên bao gạo gần nửa buổi mới biết: mình bất lực hoàn toàn trong lúc các bà buôn thúng bán mẹt cứ xoắn suýt xung quanh đòi mua. Chao ôi!  ước gì trong đám các bà các chị ấy hiện ra khuôn mặt xanh xao lả lướt ốm o của người đàn bà và lũ trẻ ấy- Chính hôm ấy tôi đã ngầm thề với thằng Tuân sẽ giữ kín chuyện này mãi mãi. Vậy mà hôm nay tôi lại kể cho chị nghe, thế là tôi đã xóa đi lời thề đồng đội, cũng bởi nhiều chục năm trôi qua rồi, tôi đã đủ sức giở áo lên nhìn lại vết thương lòng. Đôi khi thời gian cũng là một vị thuốc phải không chị. Vả chăng tôi cũng mong câu chuyện này được viết lên mặt báo như thể một kiểu nhắn tin, một lời cáo lỗi may ra nó đến tay được những đứa em năm xưa không biết bây giờ đã trưởng thành? Chúng nó đọc và có thể tha thứ cho chúng tôi được chút ít nào chăng?

Đồng Hới
30-4-2003
N.T.T
(ĐT. 052. 824796)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #67 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 11:39:55 am »

NGỌT BÙI NHỚ LÚC “KHỞI ĐẦU NAN”

Đại tá Dương Đăng Giang
nguyên Hiệu trưởng đầu tiên
trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp (1973 - 1979)


Ngày 10 tháng 4 năm 2003, Trường Sỹ quan Tăng - Thiết giáp tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống - ngày thành lập tại khu vực núi Đanh. Nơi đây đã gắn bó cuộc đời “lính xe tăng - của tôi trên một chặng đường dài (1959 - 1979).

Thăm lại trường, xem các khu sinh hoạt (nhà khách mới xây khá sang trọng), khu học tập 2 toà nhà 3 tầng gồm nhiều lớp học, các phòng nghiên cứu, thí nghiệm . . .  của một trường đại học, thật rộng rãi, khang trang; trong bầu không khí vui vẻ, tưng bừng của ngày lễ, khối sĩ quan lễ phục chỉnh tề, quân hàm huân chương sáng ngời. Khối sĩ quan tương lai trẻ măng; thêm nữa những tà áo dài đủ màu sắc”  trong khối hạ sĩ quan, nhân viên phục vụ tung bay trong gió...

Tôi cảm thấy lòng vui trước sự trưởng thành của nhà trường. Tôi nhớ lại những năm tháng đầu tiên xây dựng nhà trường với bao kỷ niệm không thể nào quên, có những điều mà thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên ngày nay không thể hình dung mà cả thế hệ đầu tiên ngày đó cũng ít người được biết.

Tôi nhớ đến câu ngạn ngữ “Vạn sự khởi đầu nan”, người xưa nói quả chẳng sai, mọi sự trên đời này, dù việc to hay nhỏ, cái thùa ban đầu bắt tay vào làm thật khó khăn, gian khổ, thuận lợi cũng có, song chỉ có vượt qua được bao khó khăn ở cái thùa ban đầu mới có thể chạm tay với được cái thuận lợi. . . Quả là mọi sự khó khăn của “sự khởi đầu nan”.

Ấy xin các bạn đừng cho tôi, người Hiệu trưởng đầu tiên ngày ấy kể công nhé, mà kể công thì được cái gì nhỉ? Khi đã ở cái- tuổi “cổ lai hi rồi”, tôi cũng như bao anh em khác chỉ muốn viết để cho thế hệ sau cùng suy ngẫm. Có phải thế không? Chỉ một việc nhỏ thế này cũng đủ để các bạn nghĩ đến cái ngày ấy: Lúc đó từ Tiểu đoàn 10, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp củng cố lại “nâng cấp” lên thành Đoàn 10, với quyết tâm xây dựng thành một trường để đào tạo sĩ quan Tăng - Thiết giáp.  Ngày đó, tôi đang giữ nhiệm vụ tham mưu trưởng, Đảng ủy viên Đảng ủy Binh chủng, nên tôi hiểu và tán thành quyết tâm ấy.

Nhưng Đoàn 10, thì vẫn là Đoàn 10, thế là tôi nhận Quyết định giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp ngày 20-10-1972, nhưng sau nhiều lần bàn bạc, kiến nghị mãi đến 10-4-1973 mới có quyết định thành lập trường. Điều đó có nghĩa là tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng để xây dựng trường, nhưng ngân sách của trường thì không có, phải dựa vào sự san sẻ ngân sách của Binh chủng, và muôn vàn khó khăn cũng phát sinh ra từ đó. . .

Song phải nói là thuận lợi cũng rất lớn, đó là sự nhìn xa và quyết tâm xây dựng trường của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh chủng. . . Với chức năng tham mưu cho Quân ủy và Bộ Quốc phòng về xây dựng và chiến đấu của Binh chủng Thiết giáp, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh chủng đã sớm nhận thấy nhu cầu mới, nên đã kiến nghị về thành lập trường Sĩ quan Thiết giáp sớm báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu từ những năm 1971, sau chiến dịch đường số 9 - Nam Lào.

 Tôi được biết anh Đào Văn Xuân - Phó chính ủy, phó Bí thư Đảng ủy Binh chủng đi họp trên Bộ đã gặp nhiều Thủ trưởng cấp trên trình bày về nhu cầu thành lập trường. Các đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đều đồng ý, chả hiểu do một khâu nào đó ở Hội đồng nhà trường của Bộ chưa tán thành, nên chưa ra được quyết định. Lúc đó “trường” vẫn chỉ là Đoàn 10.

Anh Đào Văn Xuân, tôi biết, cũng rất bức xúc về chuyện này. Tôi được anh Xuân cho biết: khoảng đầu năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm Binh chủng, anh Đào Văn Xuân báo cáo tình hình chậm ra quyết định thành lập trường, lúc đó Đại tướng nghiêm nét mặt nói với anh Tống Thái - Cục trưởng Cục Quân lực: “Tôi cho phép anh ra quyết định về trường Sĩ quan Thiết giáp. . .”. Chúng tôi hiểu đó chỉ là lời nhắc nhở nghiêm túc của Tổng tư lệnh, Bí thơ Quân ủy Trung ương. . . và thật may sau sự kiện đó ngày 10 tháng 4 năm 1973, Bộ có quyết định chính thức thành lập trường Sĩ quan Thiết giáp.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 11:40:19 am »

Trường Sĩ quan Thiết giáp mới thành lập, tiếp quản một cơ ngơi “quá rộng lớn” ngoài của Đoàn 10 còn có khu sơ tán của Bộ Tư lệnh. Hai cơ sở này ở rải rác tại nhiều thôn, xóm như: Gô, Láng, Đồng Bông, Lan Đình, Cao Sơn. . . thuộc 2 xã liền nhau là xã Kim Long, huyện Bình Xuyên và xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ nhà ở, lớp học. . . trừ hội trường bằng gỗ, lợp ngói, còn lại đều là tranh nứa là do bộ đội ta khai thác, tự làm, sử dụng đã nhiều năm, có nhà làm từ thời Tiểu đoàn 10 nên đã dột nát nhiều, khi trời mưa, anh em phải che nilông để học và để. . . ngủ, có nhà mái đã sụp, phải chống ở bên trong, anh em nói vui “nhà mái bằng”. Tuy vậy, có nhà còn tàm tạm, nép dưới lũy tre xanh, trước nhà có giàn thiên lý là nhà của Chính ủy Binh chủng sau là nhà Hiệu trưởng rất “thơ mộng” khi trăng thanh gió mát:

Nhà tôi tọa ở ven đồi
Có giàn hoa lý, thiếu người. . . tôi thương

Cơ sở “doanh trại” quá nghèo nàn, phân tán như vậy song nhà trường lại tiếp nhận được một “vốn quý” mà cái “vốn quý” đó là do tầm nhìn xa và quyết tâm của Thường vụ và Bộ Tư lệnh, điều động bổ sung về đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và quản lý giáo dục đã qua công tác thực tiễn và ba năm như các anh nguyên là Đoàn trưởng (phó), chỉnh ủy Đoàn 10: anh Lệ Quang Phước được bổ nhiệm làm Phó chính ủy kiêm Phó bí thư Đảng ủy, anh Nguyễn Văn Lãng làm phó hiệu trưởng. Nhiều đồng chí đang công tác ở Đoàn 10 như các anh: Nguyễn Viết Thường, Trần Văn Hồng, Trần Hữu Đạt, Hà Văn Đa, Nguyễn Văn Sóc được bổ nhiệm phụ trách các phòng; đội ngũ giáo viên có các anh: Hà Cao Lộc Trần Quý Cầu, Phạm Toán, Lưu Kim Giao... được bổ nhiệm làm chủ nhiệm các khoa giáo viên.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên này là nòng cốt, với cán bộ, giáo viên mới bổ sung về cùng sát cánh vai nhau, hỗ trợ cho nhau để xây dựng nhà trường trong giai đoạn vạn sự khởi đầu nan” ấy.

Hàng loạt vấn đề là nhân tố quyết định đến chất lượng dạy và học của nhà trường được đặt ra cho Ban giám hiệu mới và toàn thể nhà trường phải giải quyết- đó là:

- Phải phấn đấu trong thời gian nhất định để có “Trường ra trường, lớp ra lớp” từ bán kiên cố đến kiên cố lâu dài.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng và chất lượng - phẩm chất đạo đức giỏi chuyên môn, phương pháp sư phạm, lúc đầu nhà trường chỉ có 58 giáo viên các bộ môn và 10 giáo viên văn hóa, năm 1979 - 1980, nhà trường đã có trên 100 giáo viên theo yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy.

- Phải tạo ra nhiều cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, xóa bỏ tận gốc “giảng chay, học chay”.

- Cải thiện đời sống của bộ đội - quân số học viên theo quy định là 600 - 700. Trên thực tế thường xuyên là trên 1000 học viên, có lúc lên tới 1760 học viên. Việc lo ăn, cải thiện đời sống bộ đội là một cố gắng lớn của toàn nhà trường (có lần, gạo mậu dịch ở cây số 8 thiếu, nhà trường phải vay gạo nhà máy chè và nông trường). 

Sang năm thứ hai (1974) các khu đất hoang hóa xung quanh khu vực đóng quân tiếp tục được khai phá, mở rộng các vườn rau đủ loại, liên hệ với địa phương cấy thêm hàng chục mẫu ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm.  Toàn trường đã có đàn trâu bò trên 50 con, bình quân 10 người nuôi một con lợn và hàng trăm đàn gà, vịt, ngan ngỗng và đào ao thả cá. Kết hợp với vệ sinh phòng bệnh nên sức khỏe của bộ đội được nâng lên làm đà để phát triển cho những năm tiếp theo. 

Vấn đề gay gắt nhất vẫn là trường lớp. Tình trạng nhà, lớp ở phân tán, dột nát. Tối, chủ yếu là đèn dầu (máy nổ chạy theo thời gian hạn chê) nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học cũng như rèn luyện nề nếp chính quy cho bộ đội, học viên, được nhà trường đặt lên hàng đầu.

Ngoài được sự chi viện của Bộ tư lệnh về tài chính, còn lại, nhà trường phải tự túc từ khoản tiền thu được trong hợp tác lao động với tỉnh Vĩnh Phú về khai thác vật liệu xây dựng và lưới điện cao thế. Nhà trường còn khai thác gỗ để đóng bàn ghế, giường phản và đồ dùng học tập... Với sự phấn đấu liên tục trong vài năm, nhà trường đã đạt được bước tập trung toàn trường vào một khu vực, lấy trung tâm làm khu giảng đường, hiệu bộ.  Bám xung quanh là khu nhà ở, lớp học bán kiên cố, vách tróc xi, mái lợp ngói, nền xi măng, riêng phòng họp kiêm phòng khách, nhà ở của Hiệu trưởng, Chính ủy thì xây bằng gạch lợp ngói, vì đây được coi là tiêu biểu của bộ mặt nhà trường. Có năm nhà trường đã tiếp đón gần 10 đoàn khách trong nước và quốc tế.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 11:40:44 am »

Điện đã được thắp sáng trong sinh hoạt và học tập. Tất cả những cái đó đã góp phần đẩy mạnh công tác trung tâm của nhà trường mà còn góp phần cho sinh hoạt của bà con lối xóm thêm vui. Quảng cảnh khang trang đó, tôi Hiệu trưởng bị “cái oan Thị Kính”. Đó là lần đồng chí Trung tướng Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng đi công tác, tạt qua trường thăm con trai là đồng chí Quảng, đang là giáo viên chiến thuật của trường.  Đồng chí Tài nói: “Mình hỏi thăm qua Đào Huy Vũ, anh Vũ nói: Cứ đến xóm X, cái nhà nào đẹp nhất là nhà của Hiệu trưởng Đằng Giang!”, Chao ôi! Nghe câu nói đó, tôi thấy lòng mình nặng trĩu.

Không phải mọi việc đều suôn sẻ cả, mặc dù trên và dưới đều quyết tâm xây dựng trường.  Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều người cho rằng các cơ sở huấn luyện quân sự của quân đội ngụy được Mỹ xây dựng chắc là “ghê gớm lắm”, nên có ý kiến đưa trường Sĩ quan Thiết giáp vào tiếp quản trường sĩ quan ngụy ở Nước Trong. Đồng chí Tư lệnh Binh chủng cũng đồng tình - Tư lệnh ngày đó là anh Đào Huy Vũ. Song thực tế không phải như vậy. 

Khi đồng chí Tư lệnh cùng cố vấn Tư lệnh (sĩ quan Liên Xô) và tôi Hiệu trưởng vào khảo sát, hóa ra đó chỉ là một trung tâm huấn luyện cho hạ sĩ quan và lính tăng.  Ngoài một số thiết bị và bãi tập, nhà cửa thuộc loại cấp 4 gạch, ngói, xi măng xen kẽ nhà gỗ. . . và ý kiến này coi như bỏ. Khu đó sau này là cơ sở của Trường Hạ sĩ quan số 1 Binh chủng.

Tôi đề nghị một phương án “hơi bạo”: Bộ Tư lệnh chuyển về Hà Nội, giao khu vực doanh trại núi Đanh cho nhà trường. Kiến nghị này được nhiều đồng chí tán đồng trong đó có anh Đào Văn Xuân - Phó chính ủy và anh Lê Xuân Kiện - Phó tư lệnh. Song, đồng chí Tư lệnh và Chính ủy (ngày đó là anh Phạm Sinh) chưa tán thành, còn để nghiên cứu . . . có đồng chí còn đưa ý kiến:

- Nhà trường cứ ở khu vực đã tập trung hiện nay- khu vực Đồng Bông, Bộ Tư lệnh sẽ đầu tư từng bước để tiến tới doanh trại “chính quy” lâu dài. Thật ra là không được vì khu vực đó chỉ được một mặt, trường vẫn xen với thôn xóm của dân, không có đất để xây dựng một doanh trại chính quy theo đúng nghĩa. Thí dụ còn phải xây dựng các cơ sở tập luyện khác theo yêu cầu của một nhà trường chỉ huy, kỹ thuật xe tăng và phải có một bãi bắn nhỏ.

Trước tình hình đó, với tinh thần dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Binh chủng và Quân đội, tôi đành “vượt rào” báo cáo bên Bộ Tổng tham mưu, qua Cục Nhà trường. Và kiến nghị đó được đồng chí Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách công tác nhà trường và huấn luyện chấp thuận. Một số cục có liên quan như Cục Nhà trường, Cục Quân huấn, Cục Tài vụ cũng ủng hộ . . .

Doanh trại khu vực núi Đanh vốn là cơ sở của Trung đoàn xe tăng 202 một đơn vị chiến đấu, ngoài chỗ ăn ở cho 3 - 4 tiểu đoàn, 4 - 5 đại đội phục vụ và cơ quan . . .  còn có cơ sở phục vụ cho huấn luyện ngay trong doanh trại như bãi bắn nhỏ có giá rung điện để xe tập bắn trong “hành tiến”, có khối chắn tự nhiên là núi Đanh - nếu nhà trường không về khu núi Đanh thì cũng phải xây một bãi bắn nhỏ ở núi Đanh và hơn 20 lớp học - giảng đường, sân vận động có khán đài để bộ đội rèn luyện được thường xuyên qua lễ đài, như vậy ý định rời nhà trường về khu doanh trại ở núi Đanh đáp ứng được yêu cầu của một nhà trường chính quy và vẫn còn đất để mở rộng khi cần.

Sau này tôi - Hiệu trưởng được ủy nhiệm của Tư lệnh Binh chủng làm việc với Đoàn đại biểu Liên Xô (cũ) về thiết kế kỹ thuật (bao nhiêu lớp, trang bị cụ thể. . .) của trường sĩ quan mà Liên Xô chi viện cho ta thì mới rõ: Bạn chỉ giúp ta khu học tập và kỹ thuật, còn khu sinh hoạt toàn bộ là do Việt Nam tự đảm nhiệm, đồng thời Cục Tài vụ cũng báo cáo cho Bộ Tổng tham mưu rõ là “Phần kinh phí này chưa được dự liệu” vì hiểu nhầm là bạn giúp ta hoàn chỉnh một nhà trường. 

Đây là một bước ngoặt cơ bản giúp cho Trường Sĩ quan nhiều thuận lợi, góp phần cùng với nhiều nhân tố khác để hoàn thành nhiệm vụ trung tâm của mình. Còn công trình mà Liên Xô giúp thì sau khi tôi rời khỏi nhà trường (1979), vài năm sau, Binh đoàn 11 của Bộ giúp xây dựng và chính cơ ngơi này đã làm bật “thế” của nhà trường trong tầm mắt mọi người.

Trường Sỹ quan Tăng - Thiết giáp đã trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành có nhiều bước phát triển mới là một chặng đường hếch sử đầy gian nan và thử thách nhưng rất vẻ vang là mềm tự hào của nhà trường.

Hà Nội, 4-2003
D.Đ.G
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM