Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:02:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75107 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 12:39:41 am »

Sông sâu nước xiết cuộn xuôi dòng,
Pháo giặc cầm canh người vắng không,
Súng, gạo gói vào trong bọc chặt,
Lao qua dòng nước lạnh ngăm ngăm.
Bụng đói cồn cào buồi nhức xương
V O nghiêng ngó cũng khinh thường,
sáu bận đi về trên nước xiết,
Nghe súng tiền phương quên đói mệt,
Lên bờ rũ nước ngoảnh nhìn sang,
Nậm Mộ hung hăng đã cúi hàng,
Cá kình cưỡi trên đầu sóng dữ,
Sá gì nguy hiểm, chấp gian nan.

                               
                                        Miền tây, ngày 13-11-1969

Phải hành quân theo đường 7 để đưa xe tăng vào Xiêng Khoảng, đi đêm, đường dốc, leo lên “cổng trời” sang Lào, đường quanh co. Chỉ một thao tác sai sót trong khi lái xe, có thể rơi xuống vực. Đường 7 trên đất Lào ít có chỗ trú quân tốt vì bị bom Mỹ phát quang sạch. Một chiếc xe tăng bị cháy khi trú quân.

Cánh đồng bản Ban rất đẹp. Mùa xuân hoa Ban nở rộ. Rất nhiều cây Me như ở Nam Bộ. Thật là tiếc cảnh đẹp nhưng không có thời giờ ngắm, vì phải hành quân khẩn trương để kịp đợt 2 của chiến dịch 139. Các phân đội theo các hướng cùng tiến vào Cánh Đồng Chum. Tôi vào làm đại diện Binh chủng tại Bộ chỉ huy Mặt trận thay anh Đào Huy Vũ. Anh Lê Quang Xì trung đoàn phó, Bùi Văn Tùng chính trị viên Tiểu đoàn đi cùng với phân đội.

Khi tôi cùng với đơn vị hành quân từ Lệ Thuỷ đến Mường Xén - Nghệ An; Tôi đã gặp anh Đào Huy Vũ tại bệnh viện dã chiến của Mặt trận. Anh bị bom ở chỉ buy sở bỏng một mắt, Mặt trận đưa anh về hậu phương bằng máy bay trực thăng để cứu chữa. Anh là cán bộ tham gia chiến đấu từ những ngày đầu kháng chiến, là phó Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp. Thay anh làm tham mưu thiết giáp cho Bộ chỉ huy Mặt trận. Tôi đã giúp một phần cho Bộ chỉ huy Mặt trận trong việc sử dụng xe tăng thiết giáp. Sau đó tôi xin phép xuống đơn vị để cùng ban chỉ huy 195 chỉ đạo chiến đấu và rút kinh nghiệm công tác Đảng - công tác chính trị phân đội nhỏ trong tác chiến.

Trên đường từ Bộ chỉ huy Mặt trận đến Cánh Đồng Chum, thình lình gặp anh Bùi Văn Tùng từ bên nước sang. Anh đưa cho tôi một món quà hậu phương vô giá: Bức thư của vợ và hình đứa con trai mới 3 tháng. Khi đi chiến trường ghé qua nhà ở Hà Nội thì vợ tôi vào bệnh viện sinh cháu được 2 ngày. Thằng bé sinh thiếu tháng.  Vợ tôi bồng con về nhà cho cha con gặp nhau. Đứa con đỏ hỏn, nhăn nheo, thế mà sau 3 tháng đã lớn đùng.  Bức thư và ảnh của con là nguồn tiếp sức cho đôi chân vạn dặm của một tình nguyện quân trên đất Lào. 

Người lính ra mặt trận đầy gian khổ nhưng yên tâm vì đằng sau có người vợ đảm đang, một nách 3 con, vừa công tác, vừa nuôi con, nuôi mẹ già. Ôi, vĩ đại thay người phụ nữ Việt Nam!

Sống trên Cánh Đồng Chum mới cảm nhận được hết vẻ đẹp hùng vĩ của nó. Một cao nguyên lớn rộng 1.600 km2, cao hơn mặt biển trên 1000 mét, nằm lọt giữa vùng rừng rậm núi cao, là nơi tập trung đông dân cư ở Bắc Lào. Đất đồi nhưng cày lên trồng bắp rất tốt, giống như đất đỏ quê tôi. Trâu bò thả rong hàng đàn.

Trên vùng đất bằng phẳng đó, ta thường gặp những thung lũng, khe suối nhỏ, hai bên bờ là những rặng thông cao. Sáng sớm cánh đồng trắng xoá một màn sương. Ngày nóng, đêm lạnh, nhân dân hiền hoà, đôn hậu. Hết mùa cày cấy thả rong trâu bò, đến mùa lại đi tìm con vật của mình về cày. Xóm này cách xa xóm kia. Nhà cất bằng gỗ thông, nhiều cái còn lợp bằng “ngói thông” rất đẹp. 

Người ta gọi là Cánh Đồng Chum, có lẽ nơi đây tập trung nhiều lu, chum bằng đá, đó là di tích của nền văn hoá lớn (Megalith) tập trung ở cao nguyên Hủa Phan - tỉnh Sầm Nưa và cao nguyên Trấn Ninh - tỉnh Xiêng Khoảng. Chum tập trung nhiều nhất ở Bản Ang, bản Lạc Sen và bản Sòi.

Tôi đã đi qua bản Ang, một cánh đồng bằng phẳng có nhiều đồi trọc bao quanh. Một trái núi lớn được thiên nhiên dựng lên trên cánh đồng, dưới chân núi có động. Có lẽ là địa điểm nơi người tiền sử dùng làm nơi hoả táng người chết. Nhiều hũ gốm đựng tro xương người đặt trong núi bản Ang trong các chum đặt trên cánh đồng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 12:40:00 am »

Chum rất nhiều, hình trụ to nhỏ khác nhau được đục đẽo sơ sài, đặt thẳng trên mặt đất hoặc chôn một phần dưới đất thành từng cụm. Hàng quân đến đây dừng chân lại, ngồi bên chum đá gợi cho ta suy nghĩ về những chặng đường văn minh của các bộ tộc Lào anh em. Có lẽ chủ nhân của những chum đá đá sống trong một hình thái xã hội phát triển cao thời bấy giờ. Một quốc gia cổ đại đã tồn tại ở đây.

Cư dân khu vực Cánh Đồng Chum đa số là người dân tộc Lào Lum và Lào Thưng. Trên vùng núi cao có người Lào Xung (còn gọi là Mẹo). Họ không phải là dân bản địa cũ mà từ phía Bắc di cư đến Lào khoảng 200 đến 300 năm nay và chỉ có ở Bắc Lào đến vùng tiếp giáp Trung Lào. Họ thường du canh, trồng lúa, ngô và thuốc phiện.

Một người Mẹo ra khỏi nhà thường mang theo con dao rất bén do họ rèn trụi. Họ tự làm súng một nòng, làm đạn, bắn giỏi, đi núi khoẻ, giàu tinh thần thượng võ. Họ có loại men ngâm rượu bằng lá cây rất tốt. Hút thuốc phiện hầu như phổ biến. Mỹ đã khai thác đặc điểm của dân tộc này, cố đưa Vàng Pao về làm lãnh tụ, chống phá cách mạng Lào và chia rẽ các dân tộc. 

Trong đợt chiến đấu này, Đoàn 195 có nhiều gương chiến đấu tốt. Tôi muốn nói đến anh Nguyễn Huy Cận, chính trị viên Đại đội xe tăng 18. Anh Cận đã được học xe tăng ở Liên Xô. Trận đánh sân bay diễn ra vào hồi 2 giờ 35 phút ngày 18-2-1970. Do hiệp đồng không chặt, xe tăng xuất kích một mình. Một xe xông thẳng vào khu trung tâm vấp mìn, bị bắn cháy. Cả xe đều hy sinh. Xe của đại đội trưởng còn nằm ngoài hàng rào. Xe của chính trị viên Cận lao vào khu A dùng hoả lực, xích sắt chà sát quân địch. Các chiến sĩ ngồi trên xe tăng dùng súng 12,7 ly và AK diệt địch. Một xe đã làm chủ một khu, tả xung hữu đột. Trường hợp đó người chính trị viên đại đội đồng thời là chỉ huy một xe tăng, một chiến sỹ chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, bằng hành động của mình đã cứu vãn tình thế và động viên bộ đội tiếp tục chiến đấu.

Trận này Đại đội 18 đi 4 xe, bị mìn nằm ngoài 2 xe, chỉ có 2 xe vào được đồn. Một xe bị bắn cháy ngay từ đầu, còn lại xe 514 của chính trị viên đại đội Nguyễn Huy Cận tiếp tục chiến đấu. Bộ binh (E148) không kịp tham gia.

Sau trận này địch núng thế, thấy không trụ nổi ở Cánh Đồng Chum nên cho máy bay bốc tàn quân địch về Long Chúng. Kết quả của đợt tham gia chiến dịch 139 và các đợt hoạt động trước đã tạo nên một khí thế mới trong toàn Trung đoàn xe tăng 202.

Cán bộ, chiến sĩ nô nức chuẩn bị về tư tưởng, trình độ chiến - kỹ thuật, sức khoẻ, hậu phương gia đình để thực hiện tốt quyết tâm: đi chiến đấu bất kỳ nơi nào Tồ quốc cần. Phong trào này đã góp vào lịch sử Binh chủng thiết giáp như một điểm sáng.

Sau chiến dịch, đơn vị trụ lại trên cao nguyên Cánh Đồng Chum, được bổ sung thêm lực lượng, tiếp tục tham gia chiến dịch 74B đường 7 và 4, góp phần giải phóng Mường Xúi, phát triển về hướng Salafukhum, tiếp theo là chiến dịch Cánh Đồng Chum - Sảm Thông.

Như vậy từ cuối năm 1969- 2/1970, một bộ phận của Trung đoàn 202 tham gia chiến dịch: 139 và 74B. Lần này tham gia chiến dịch với quy mô sử dụng xe tăng lớn hơn. Tôi còn nhớ năm 1970 khi gặp anh Phùng Thế Tài Phó Tổng tham mưu trưởng tại binh trạm đường 7, anh hỏi tôi “Sắp đến trên chiến trường Bắc Lào có sử dụng xe tăng T34 được không ?”. Tôi quả quyết trả lời nếu đảm bảo đường sá tốt thì sử dụng được.

Kinh nghiệm của Hồng quân Liên Xô năm 1945 đã đưa được tập đoàn quân cận vệ xe tăng số 6 vượt qua dãy núi Đại Hưng An diệt đạo quân Quan Đông của Nhật Bản tại Mãn Châu. Các chiến dịch lần trước ta đã đưa xe hạng nhẹ lội nước PT 76 đi được. Lần này ta quyết tâm sử dụng xe tăng hạng trung T34 (trọng lượng chiến đấu là 32 tấn).

Với kinh nghiệm đã có, cùng với sự hiệp đồng chặt chẽ với công binh, 18 xe tăng T34 nằm trong đội hình của đoàn 195 Trung đoàn 202, sau 16 ngày đêm hành quân, vượt quãng đường 750 km đã vào vị trí tập kết đúng thời gian quy định và kịp nổ súng vào ngày 18-12-1971.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 12:40:30 am »

Trong cuộc hành quân này, công tác bảo đảm kỹ thuật có tính chất quyết định. Các cán bộ kỹ thuật giỏi rất xông xáo, không bỏ sót một hư hỏng nhỏ, kịp thời sửa chữa, khắc phục khó khăn để hành quân. Đại đội 9 ba năm liền là lá cờ đầu về quản lý kỹ thuật của Binh chủng .

Công tác Đảng- công tác chính trị thành công lớn trong việc xây dựng quyết tâm chiến đấu trong hành quân và suốt quá trình chiến đấu, người chính trị viên của các đơn vị xe tăng đã thực hiện được lời dạy của Bác: “Chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”.

Qua chiến dịch này, lực lượng thiết giáp của ta đã trưởng thành vượt bậc so với chiến dịch Mường Xúi tháng 6-1969 và Cánh Đồng Chum tháng 2-1970. Sử dụng xe tăng tập trung hơn, phát huy được khả năng cơ động, sức đột kích mạnh, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh .

Trên chiến trường đường 9 Nam Lào, Trung đoàn 202 đã đưa Tiểu đoàn 397 tham gia trong đội hình chiến đấu của Binh chủng. Tháng 9- 1970, tiểu đoàn đã hành quân vào Quảng Bình cùng với 2 tiểu đoàn bạn hành quân vào tuyến đường 559.

Nằm trong thê đội 2 của chiến dịch nên đến ngày 17-2-1971 vẫn còn nằrn ở Lâm Trạch - Quảng Bình. Ngày 10-3 đã đưa tiểu đoàn vào vị trí tập kết gần bản Tà Lao (bắc Sê Pôn). Nhưng đáng tiếc là Đại đội 6, Đại đội 15 không kịp tham gia chiến đấu. Chỉ có Đại đội 3 phối thuộc cho Sư đoàn 324 tiến công địch trên cao điểm 550, tham gia diệt Lữ 147 thủy quân lục chiến bắt tên đại tá lữ trưởng vào ngày 23-3.

Tham gia trận phản công đường 9 Nam Lào trung đoàn tiến thêm một bước mới, có thêm nhiều bài học về hành quân, tiếp cận địch, tác chiến phản công. Đại đội 3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 2 và nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23-9-1973. 

Các chiến dịch Trung đoàn 202 được tham gia trên đất Lào anh em cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Về công tác chỉ huy, muốn đưa xe tăng vào chiến đấu trước hết cần phải nghiên cứu nắm vừng địa hình. Yếu tố địa hình hết sức quan trọng đảm bảo cho ta có phương án hành quân chu đáo, đưa được xe tăng đến đích an toàn, sẵn sàng chiến đấu.

Có một nhà quân sự nói đại ý rằng “Nơi nào có một con hươu đi được thì một người lính đi được, một sư đoàn có thể qua được”. Đó là câu chuyện về bộ binh với khẩu súng trường, bao gạo trên vai. Còn đưa một chiếc xe tăng với sức nặng 32 tấn, cồng kềnh thì không phải đường nào cũng đi được. Cán bộ chiến sĩ xe tăng thường nói: Công binh và Thiết giáp là bạn đồng hành.

Về chiến thuật cần hết sức chủ động, linh hoạt. Về nguyên tắc, thông thường xe tăng phải chiến đấu hợp đồng và quy mô sử dụng từng trung đội trở lên (3 chiếc) nhưng khi cần thiết và tình hình bắt buộc phải biết chiến đấu độc lập, thậm chí 1 xe. Người chỉ huy xe tăng từ người trưởng xe trở lên phải biết chỉ huy giỏi đồng thời sử dụng tốt chính chiếc xe của mình khi cần thiết chiến đấu như một người lính xuất sắc.

Về công tác kỹ thuật hành quân đường dài bằng xích từ hậu phương ra chiến trường là điều khó tránh nhưng tốn giờ máy nổ, hại tuổi thọ xe. Một xe tăng dùng 400 giờ máy nổ phải trung tu, vì thế công tác bảo đảm kỹ thuật tốt là bảo đảm 50% thắng lợi. Khẩu hiệu trung tâm là xe đến đủ, đúng thời gian, chiến đấu được ngay. Chiến công bao giờ cũng có phần đóng góp xứng đáng của công tác kỹ thuật.

Về công tác chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu không phải là khẩu hiệu trừu tượng mà cần thể hiện trên tất cả các khâu của người chỉ huy trên các linh vực chỉ huy, công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, công tác Đảng, công tác chính trị trong thời bình tạo nên sức mạnh dự trữ cho thời chiến. Làm sao tạo được cho người chiến binh có bản lĩnh chiến đấu vững vàng, một cái vốn dồi dào đủ để đối phó với mọi tình huống không thể lường trước được.

Người cán bộ chính trị công tác ở Binh chủng là người chỉ đạo tốt về công tác Đảng, công tác chính trị, đồng thời khi cần cũng có thể đảm đương trách nhiệm một người chỉ huy giỏi và là một trưởng xe tốt, thành thạo kỹ thuật, phương tiện thông tin trên xe, nhờ đó theo dõi, động viên chiến đấu Phong cách chiến đấu tốt cổ vũ rất lớn cho đồng đội, Sự kiện chính trị viên Nguyễn Huy Cận là một tấm gương tốt cho những cán bộ chính trị trong Binh chủng Xe tăng.


TP Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm lần thứ 44
ngày thành lập Trung đoàn 202
                V.N.H
(C 1 Trường Sơn, Cư xá Bắc Hải,
P15, Q10 Thành phố Hồ Chí Minh)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 07:38:46 am »

BẬT ĐÈN PHA, TIẾN CÔNG!


Đại tá Nguyễn Tằng
nguyên Phó chính ủy Trung đoàn xe tăng 202
trong Chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum năm 1971 - 1972



Tôi thật may mắn, là một trong số 202 cán bộ 1 trong toàn quân, được điều về tham gia xây dựng Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội ta.  Trung đoàn được thành lập ngày 5 tháng 10 năm 1959 - Phiên hiệu là Trung đoàn 202. Tuy không được đào tạo chính quy về “bản lĩnh” xe tăng ở nhà trường như một số đồng chí khác, song cùng được học tập chuyển binh chủng và đã thực hành bắn đại bác, lái xe tăng v.v... 

Là một binh chủng kỹ thuật mới, cán bộ chúng tôi tuy được học tập, song cái “lỗ hổng” lớn nhất là chưa có tý kinh nghiệm gì về sử dụng xe tăng trong chiến đấu, vì vậy tôi đâm ra say mê đọc và tìm hiểu qua các sách về chiến đấu của Quân đội Xô viết. Tôi thích nhất các cuốn:    - Quân đội Xô viết” (NXB Chính trị Quốc gia Mat-xcơ-va 1969) hoặc cuốn “Binh chủng xe tăng Xô viết” (NXB Quân sự Bộ Quốc phòng Liên Xô - Mat-xcơ-va 1973). 

Đọc thấy rất hứng thú, song kinh nghiệm lại quá lớn, vì đối tượng cả hai bên tham gia chiến đấu đều là những nước có nền công nghiệp hùng mạnh. Do vậy đi đôi với sự “đối chọi” của hai nền khoa học quân sự trong chiến đấu lại là sự đối chọi của số lượng và chất lượng trang bị kỹ thuật, nên khi đọc tôi luôn luôn phân vân, liệu sẽ học tập và ứng dụng được điều gì, nhất là Quân đội ta trang bị kỹ thuật còn thua xa với quân đội xâm lược Mỹ, ta lại phải chiến đấu trên một địa hình đặc biệt: Rừng, núi, sông ngòi chia cắt v.v... 

Ví dụ trận phản công ở Sta-lin-grát năm 1942, ở mũi đột kích chủ yếu là Tập đoàn quân Xô viết 65 hơn quân phát xít - về người gấp hai lần, về pháo binh gấp 4 lần, về xe tăng gấp 1,2 lần. Mật độ tập trung trên 1 km chiều rộng tấn công có 10 xe tăng, pháo và cối có 202 khẩu...

Còn trong trận “Cuốc-xcơ” năm 1943. Quân phát xít có 50 sư đoàn chiến đấu trong đó có 16 sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới (BBCG) - về vũ khí kỹ thuật chúng tập trung: 10 ngàn đại bác, 2.700 xe tăng, 2.000 máy bay chiến đấu. Còn phía Quân đội Xô viết cũng tập trung trang bị kỹ thuật khá lớn: 20 ngàn đại bác, 3.600 xe tăng và pháo tự hành, 3.130 máy bay. 

Trong trận -Quân đội Xô viết công phá Béclin năm 1945 sào huyệt cuối cùng của phát xít Hít-le, có đoạn tôi đọc rất hứng thú, vì không những Quân đội Xô viết tập trung binh lực rất mạnh: Tới 42 nghìn đại bác, 6.2 nghìn xe tăng, 8,3 nghìn máy bay chiến đấu đặc biệt nhất là đêm 16-4-1945 vào 5 giờ sáng, trời còn tối mờ mịt, bên Quân đội Xô viết đã tập trung 143 đèn pha cực mạnh, chiếu sáng trận địa phát xít, đồng thời dưới mưa bom, bão đạn mở màn cho xe tăng Xô viết tiến công...”- Tôi hình dung, trước cảnh đó, quân phát xít hoảng loạn, tháo lui...

Sau này vào Tết Mậu thân 1968, trong chiến dịch Khe Sanh, tôi được tham gia và đã nhận ra một học thuyết Quân sự Việt Nam, rất Việt Nam: Tuy trang bị kỹ thuật ta yếu hơn kẻ thù, song ta biết lấy yếu tố bí mật bất ngờ, tấn công địch, chính là ta đã tăng sức mạnh lên bội phần. Chính bí mật chuẩn bị tấn công ta đã tạo ra thế mạnh áp đảo địch trong từng trận đánh.  Nhưng còn màn công phá Béclin dưới 143 ngọn đèn pha cực mạnh, nếu hoàn cảnh ta chắc là khó... ấy thế mà ta đã bật đèn pha để tiến công địch, tôi xin kể lại chuyện này:

Sáng 18-12-1971 tôi ở Sở chỉ huy cơ bản của Trung đoàn bộ binh 141, Sư đoàn 312 tại điểm cao 1318 để theo dõi diễn biến chiến đấu của Đại đội 9 ở hướng Bắc Cánh Đồng Chum. Chúng tôi liên tiếp nhận được tin thắng lợi của Tiểu đoàn tăng 195 ở hướng Bắc báo về:

4 giờ 30 phút ngày 18-12-1971, pháo binh ta đồng loạt bắn để xe tăng ta chiếm tuyến triển khai.  5 giờ ngày 18-12 các mũi tiến công của bộ binh do xe tăng dẫn đầu nhất loạt tiến công vào GM-20, GM-21 quân Phỉ Vàng Pao và quân đánh thuê Thái Lan ở các khu vực Na Hin, Na Mon, Phai Khanh, sân bay Mường Phần, 5 Mỏm Song Le v.v...
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #44 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 07:39:54 am »

15 giờ ngày 18- 12 anh Đào Huy Vũ - Phó Tư lệnh Binh chủng từ Sở Chỉ huy Quỳnh Anh (ký hiệu của tư đoàn bộ binh 312) gọi điện cho tôi thông báo: Đại đội Tăng 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở hướng Bắc, đồng thời hỏi tôi: Đại đội Tăng 18 đã tập kết ở Phu Hê chưa? Trung đoàn Tăng dự bị có đến kịp không? ½ cơ số đạn đã lót xong chưa?

Tôi thông báo: Đại đội Tăng 18 đã tập kết đầy đủ ở Phu Hê, Trung đoàn Tăng dự bị đã đến kịp đang khẩn trương khôi phục kỹ thuật để chiến đấu, ½ cơ số đạn đã lót xong để bổ sung khi cần”.

23 giờ ngày 18- 12- 1971, tôi và đồng chí Thuyết - Trợ lý tham mưu từ Sở Chỉ huy Trung đoàn bộ binh 141 ở điểm cao 1318 xuống thăm và mang quà của đồng chí Huỳnh Đắc Hương - Chính ủy Mặt trận tặng Đại đội Tăng 18 trước giờ nổ súng.

Sau khi trao quà và chuyển lời thăm hỏi động viên của Bộ Chỉ huy mặt trận và của đồng chí Phó Tư lệnh Binh chủng Đào Huy Vũ tới đơn vị tôi thông báo tóm tắt diễn biến chiến đấu của Đại đội Tăng 9 ở hướng Bắc Cánh Đồng Chum để kịp thời động viên đơn vị, đồng thời nhắc cán bộ đại đội, trung đội phải chú trọng việc điều chỉnh chỉ huy từng xe vượt ngầm Na Nu và ngầm Bản Thưởng, qua được 2 ngầm này cũng có nghĩa là đã bảo đảm được một phần lớn thắng lợi cho trận đánh.

15 giờ ngày 19-12, chúng tôi rời Sở Chỉ huy cơ bản ở điểm cao 1318 để vào Sở Chỉ huy phía trước của Trung đoàn 141. Vừa đi khỏi địa điểm khoản 500m thì máy bay B52 đến rải thảm vào đúng khu vực của Sở Chỉ huy cơ bản. Nghe tiếng bom nổ rầm rầm và khói bụi bốc cao phía sau, chúng tôi vừa nhìn nhau vừa thầm nghĩ; đi sớm một chút cũng hơi mạo hiểm, nhưng nếu xuất phát chẩn khoảng 30 phút có lẽ đã phải nếm mùi B52 ở ngay dưới chân điểm cao 1318.

Gần tối, chúng tôi vào đến Sở Chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 141. Các Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn cho chúng tôi biết: Đồng chí Hà Tiến Tuân - Trung đoàn Phó xe tăng đi kiểm tra ngầm Nanu chưa về và yêu cầu tôi ở lại hầm Chỉ huy để cùng hợp đồng trong quá trình chỉ huy chiến đấu. 

22 giờ, anh Thái Hòa - Sư trưởng Sư đoàn 312 gọi điện cho biết: Địch ở Bản Đôn, trận địa pháo Thái Lan, Mỏm 1324, 1210 v.v... đang hoang mang dao động, lệnh cho Trung đoàn 141 và xe tăng xuất kích. Cùng lúc đó anh Đào Huy Vũ - Phó Tư lệnh Binh chủng cũng gọi điện thoại hỏi tôi: Xe tăng đến đâu rồi, đã sẵn sàng xung phong chưa?

Tôi báo cáo: Xe tăng đã đến đầy đủ phía Đông ngầm Nanu hiện nay đang vượt ngầm sẵn sàng xung phong, đồng chí Hà Tiến Tuân đi kiểm tra đường vẫn chưa về, tôi đang ở cạnh anh Tài - Trung đoàn trưởng bộ binh để trực tiếp chỉ huy xe tăng chiến đấu.

22 giờ 30 phút, sau đợt pháo dồn dập vào cả 5 cụm cứ điểm của địch, qua đài 2 oát tôi lệnh cho Đại đội Tăng 18 xung phong. Sau khi vượt qua ngầm Nanu, vì trời quá tối không nhận rõ đường và dấu chuẩn của công binh, nên xe tăng lúng túng, cơ động rất chậm.  Qua đài vô tuyến điện của xe tăng, tôi nghe rõ báo cáo của Đại đội trưởng đề nghị cho bật đèn pha để xung phong, tôi trả lời đồng ý và lệnh cho Đại đội trưởng (Định): “Xe tăng! Bật đèn pha! Tiến công”. 

Chỉ thị cho đơn vị xong tôi trao máy cho đồng chí Cường theo dõi và ra khỏi hầm chỉ huy, nhìn xuống đường quan sát đội hình tiến công của xe tăng. Dưới bầu trời mênh mông đen kịt của Cánh Đồng Chum, xen lẫn những tiếng nổ và chớp sáng của pháo binh ta đang dồn dập bắn vào các mục tiêu địch, từ phía ngầm Nanu, hàng chục ánh đèn pha sáng chói của xe tăng xuyên thủng màn đêm lao nhanh vào đồn địch, những ánh chớp của ĐKZ, cối 106,7mm trong đồn địch nổ điên loạn phía trước hòng ngăn chặn các mũi xung phong của ta nhưng vô hiệu, các mũi tiến công, những ánh đèn pha đột kích vẫn lớp lớp Xông lên!

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #45 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 07:40:04 am »

Nhìn cảnh tượng hào hùng này, tôi bỗng chợt nhớ lại chuyện 143 đèn pha cực mạnh của Quân đội Xô viết trong đêm công phá Béclin.  Hóa ra kinh nghiệm đó đã được áp dụng rất sáng tạo của bộ đội xe tăng Việt Nam, còn bản thân tôi cũng không hề nghĩ ra trước điều đó.

Khi tôi quay về hầm chỉ huy, anh Tài - Trung đoàn trưởng 141 đã vui vẻ nói: “Xe tăng cùng bộ binh đã giải quyết xong mỏm 1” ngay lúc đó đồng chí Cường trao tai nghe cho tôi, tiếng đồng chí Phan Văn Trân báo cáo rành rọt “Trung đội tăng 1 đã cùng bộ binh diệt xong trận địa pháo và Sở Chỉ huy Thái Lan, tên quan 5 Thái Lan chỉ huy pháo binh bị ta bắt sống, xe tăng đang tiến công địch ở mỏm 3”, lúc này là 23 giờ ngày 19- 12-1971. 

2 giờ ngày 20-12-1971, chúng tôi nhận được lệnh anh Vũ - phó Tư lệnh Binh chủng qua máy điện thoại từ Sở Chỉ huy Sư đoàn 312: Tổ chức ngay một trung đội xe tăng để cùng với Tiểu đoàn Bộ binh 7 Trung đoàn 209 giải quyết tiếp bọn địch đóng ở Bản Quay. 

Tôi nhanh chóng trao đổi với anh Tài, anh Vĩ - Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 141 về nhiệm vụ mới của xe tăng, sau đó qua đài 2w lệnh cho Trung đội tăng dự bị phối hợp với Trung đoàn 209 thanh toán Bản Quay.

5 giờ 30 phút xe tăng xung phong lên điểm cao và chỉ sau 30 phút chiến đấu, xe tăng và bộ binh đã diệt gọn Bản Quay, bắt sống 80 tên địch, thu toàn bộ vũ khí.

7 giờ ngày 20- 1 2- 197 1 , toàn bộ hướng nam Cánh Đồng Chum đã im tiếng súng, chúng tôi rời Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ binh để ra phía trước thăm đơn vị.  Đến ngang đường gặp anh Tuân - Trung đoàn phó, anh ôm lấy tôi nói: “Cậu chỉ huy khá lắm, đêm qua tớ đi kiểm tra ngầm không về Sở Chỉ huy kịp, nhìn thấy xe tăng bật đèn pha xung phong tớ rất khoái”. 

Như thế là cả cánh Bắc và cánh Nam Cánh Đồng Chum, xe tăng đều hoàn thành xuất sác nhiệm vụ.  Đứng trên nóc hầm Sở Chỉ huy hành quân của tên quan 5 Thái Lan ở đỉnh Phu Tôn, tôi có dịp nhớ lại những kỷ niệm cũ chính ở chiến trường này, cách đây 18 năm - ngày 16-4- 1953 Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 chúng tôi đã cùng một đơn vị Pa-thét Lào do đồng chí Thao Tu chỉ huy tiến vào giải phóng bản Ban Khang Khay, thị xã Xiêng Khoảng, quét sạch bọn thực dân Pháp và bọn tay sai ngụy Lào, giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng của bạn.

Hôm nay, cũng ở chiến trường này chúng tôi những người chiến sĩ xe tăng Việt Nam trong đội hình chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của đợt I chiến dịch, giải phóng hoàn toàn khu vực Cánh Đồng Chum. Không còn lâu nữa, đợt II của chiến dịch sẽ lại bắt đầu. Mục tiêu của chúng tôi là Xảm Thông - Long Chúng, xào huyệt cuối cùng của bọn phỉ Vàng Pao và quân phản động Thái Lan. Có thể lúc đó, những ánh đèn pha cực mạnh của xe tăng chúng tôi, của tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Lào sẽ quét sạch chúng nó trên mảnh đất cực Bắc này của bạn.

Nhân họp mặt cán bộ Trung đoàn xe tăng 202, ngày 17-8-2003, tôi viết những dòng này coi như là một bó hoa thơm kính tặng các bạn tôi, những con người đã góp phần làm nên chiến thắng của Binh chủng, và truyền thống: “Đã ra quân là đánh thắng”

Tiền Hải - Thái Bình,
tháng 8-2003
(ĐT: 036. 781716)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #46 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 07:51:24 am »

TÔI CƯỚI VỢ

Hoàng Liên
nguyên chiên sĩ xe tăng Trung đoàn 202 đầu tiên (1959 - 1965)


 
Từ xưa đến nay theo phong tục của dân tộc Việt Nam, phàm là làm việc lớn như làm nhà, dựng vợ gả chồng đều phải chọn ngày lành tháng tốt. Tập quán này bây giờ người ta lại càng coi trọng hơn. Còn về việc cưới hỏi ở quê tôi miền núi (Định Hóa, Thái Nguyên) ngày xưa còn phải xem số hai người nam nữ có hợp nhau mới được lấy. Vì thế sau khi dạm hỏi hai bên nhà trai và nhà gái phải cung cấp ngày sinh tháng đẻ của con mình cho bên kia. Sau đó hai bên nhờ thầy xem số. Đã có những đôi nam nữ rất yêu nhau nhưng chỉ vì số không hợp nên bố mẹ hai bên không cho lấy nhau, dẫn đến chuyện đau lòng. Còn từ ngày dạm ngõ đến ngày cưới phải qua nhiều bước lắm. Nào là: dạm ngõ, ngày đưa lá số, ngày ăn hỏi v.v...

Do hoàn cảnh hơi đặc biệt tôi cưới vợ thì không xem ngày, không xem số, bỏ qua tất cả các bước dạm ngõ, ăn hỏi... Tháng 2 năm 1962 tôi là lính xe tăng đang công tác ở chiến trường nước Lào, đi máy bay từ Cánh Đồng Chum xuống sân bay Gia Lâm, đi tàu hỏa, rồi đạp xe đạp về quê báo cáo với hai gia đình. Hai hôm sau thì tổ chức cưới ngay.

Nhà gái không lấy gì của nhà trai. Bố mẹ tôi đều mất cả, tôi ở với ông anh cả, nhà anh chỉ có 1 con lợn độ 30kg hơi khiêng cho nhà gái và mấy chục bò gạo, gọi là lễ, mặc dù nhà gái không yêu cầu.  Hôm trước nhà gái tổ chức cưới, hai chúng tôi ở đấy.  Hôm sau nhà trai cưới, chúng tôi lại về nhà trai không có ai phù dâu, phù rể, không ai đưa, không ai đón. Hai gia đình ở cách nhau 12km, chúng tôi lai nhau trên một chiếc xe đạp cũ kỹ. Cưới xong chúng tôi lại lai nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy về cơ quan vợ tôi làm việc (Phòng Y tế huyện Đại Từ, Thái Nguyên), cách nhà tôi 25 cây số.

Vì thời gian nghỉ phép của tôi tất cả chỉ có 15 ngày, nên sau khi cưới chúng tôi chỉ còn được ở với nhau 10 ngày. Hết hạn nghỉ phép tôi trở lại trạm tiếp đón ở sân bay Gia Lâm để sang Lào. Ngày nào trạm cũng thông báo mây mù nhiều, máy bay không bay được. Tôi nhớ vợ quá lại trốn về, vài ngày lại xuống, vẫn chưa có máy bay, tôi lại trốn lần nữa. Tôi trốn lần thứ 2 thì anh Phùng Đức Nự quân hàm trung úy (lúc đó tôi mới chuẩn úy) là cán bộ tổ chức của Bộ Tư lệnh Miền Tây gọi tôi lên mắng cho một trận. Tôi không dám trốn nữa, mặc dù rất nhớ vợ.

Chờ mãi ở trạm vẫn không có máy bay, khoảng mươi hôm sau thì cấp trên bố trí 3 chiếc Ô tô tải chở tất cả anh em đang chờ máy bay đi Lào, Ô tô theo quốc lộ số 7, loại xe mô-lô-tô-va của Liên Xô chỉ có 2 băng ghế ở hai bên, một số người được ngồi ghế, số còn lại ngồi bệt xuống sàn xe. Xe nào người cũng chật ních, đã thế đường số 7 làm từ thời Pháp thuộc, xe quân sự đi nhiều nên đường xấu lắm, người ngồi xóc tưng lên như xóc ốc. Đường nhiều chỗ cong rất gấp, vô bên này, xô bên kia, giá như bây giờ thì không chịu nổi.  Nhưng lúc đó tuổi còn trẻ, sức khỏe tốt.

Anh em tuy mỗi người một đơn vị, không ai biết ai, vì số anh em này hoặc là trả phép, hoặc đi công tác rồi trở lại Lào.  Nhưng chỉ lên xe một lúc là quen nhau ngay. Nói chuyện suốt dọc đường nên cũng quên mệt. Mỗi xe được phát mấy khẩu súng để tự vệ. Sang đến đất Lào thì xe đi đầu tiên bị trúng mìn. Xe đó khá nhiều anh em bị hy sinh. Chúng tôi lại phải tạm dừng sau khi mai táng anh em, chúng tôi phải ăn ở nhờ đơn vị bảo vệ đường số 7.

Sau đó Bộ Tổng tư lệnh cử công binh đi trước để dò mìn, xe chúng tôi đi sau. Về đến đơn vị vài ngày, tôi được ban chỉ huy tiểu đoàn gọi lên hỏi thăm tình hình gia đình và bắt viết kiểm điểm. Sau đó tôi bị thi hành kỷ luật khiển trách. Tôi không biết tại sao Ban chỉ huy tiểu đoàn lại biết việc tôi bỏ trốn. Sau đó được biết là đồng chí Anh (người miền Nam) ở cùng tiểu đoàn, đi công tác về nước, đến trạm thì biết việc tôi bỏ trốn về với vợ mới cưới.

Các bạn chắc chưa thể hiểu vì sao tôi lại cưới vợ một cách “cấp tập”như pháo hỏa chuẩn trong một trận đánh như thế. Thế này các bạn ạ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #47 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 07:52:00 am »

Tôi nhập ngũ ngày 27-3-1954 khi đó đang học lớp 7 (phổ thông cơ sở), lúc này tôi chưa yêu ai. Vào bộ đội tôi còn trẻ. lại nay đây mai đó nên cũng chưa yêu ai. Năm 1955 thì được vào học trường Văn hóa Quân đội (gọi là D126 ở Kiến An). Thời gian học văn hóa là 2 năm, nhà trường ở vùng mới tiếp quản, lại ở trong doanh trại, không có điều kiện tiếp xúc với dân nên thời gian này tôi cũng chưa yêu ai. Năm 1957 đi sang Trung Quốc học xe tăng, đến đầu năm 1960 về nước.

Sau khi về nước chúng tôi được nghỉ phép một tháng. Anh em nào chưa có vợ thì được cấp trên cho một giấy giới thiệu với chính quyền địa phương giúp đỡ tìm vợ. Như thế là tôi đi bộ đội đã được 7 năm. Tuổi đời đã 27, thời đó 27 tuổi chưa lấy vợ đã thuộc loại muộn, tự tôi cũng hơi sốt ruột rồi. Lớp trẻ hiện nay đọc đến chỗ này thì chắc ngạc nhiên và buồn cười, vì bây giờ 27 tuổi chưa lấy vợ là chuyện bình thường. Quả thật, tôi về đến nhà thì lứa tuổi tôi đã có từ 1 đến 2 con, không còn ai chưa xây dựng gia đình.

Tôi biết có xuất trình tờ giấy giới thiệu này cũng không ăn nhằm gì. Nhưng vì sốt ruột nên cũng nuôi tia hy vọng nhỏ nhoi. Thế là đưa giấy giới thiệu đến ủy ban xã. Sau khi xem giấy, các bác ở ủy ban xã rất thông cảm, nhưng cũng bó tay. Có bạn đọc đoạn này chắc nghĩ là tôi phịa. Tại sao tìm hiểu yêu đương lại nhờ chính quyền được. Bây giờ nghe rất vô lý,  ấy thế mà lại là chuyện thật trăm phần trăm. Cái ngày đó mọi việc như vậy phải được phép của cả tổ chức Đảng nữa.

Thời gian nghỉ phép, tôi đến cơ quan ủy ban huyện và Huyện ủy thăm một số anh em bạn bè thì được một số bạn bè giới thiệu tôi làm quen với nhà tôi bây giờ- Tình yêu phải có thời gian tiếp xúc lâu dài thì mới nảy sinh tình cảm. Vì mới quen biết, nên giữa hai chúng tôi chưa mặn mà gì. Vì vậy, mặc dù chưa hết phép tôi đã trở lại đơn vị.

Không biết có phải ông tơ bà nguyệt sắp đặt không mà đầu năm 1961 tôi và nhà tôi có dịp ở gần nhau một thời gian độ một tháng gì đó. Lúc đó nhà tôi đi học xét nghiệm vi trùng sốt rét ở Viện Sốt rét Trung ương - số 5 - phố Quang Trung - Hà Nội. Thật may làm sao, đúng dịp tôi được cử đến Bộ Tư lệnh Pháo binh 351 (ở phố Lý Nam Đế - Hà Nội) để nhận một số anh em chiến sĩ pháo binh hết nghĩa vụ về học pháo xe tăng. 

Qua thời gian gần gũi tuy ngắn ngủi này, nhưng hai đứa chúng tôi đã có cảm tình với nhau.  Cuối năm 1961, tôi được cử sang Lào để chuyển một tiểu đoàn xe tăng lội nước PT-76 Cho lực lượng trung lập Koong-le, vừa huấn luyện cho họ trước khi bàn giao, vừa sẵn sàng chiến đấu. Tiểu đoàn do đồng chí Trần Nam làm tiểu đoàn trưởng. Nhỡ phải ở Lào 2, 3 năm nữa thì việc lấy vợ chắc xa xăm lắm. Đặc biệt tôi và nhà tôi chỉ mới quen sơ sơ thôi, chưa hứa hẹn gì, làm sao bắt cô ấy chờ được. Thế là tôi mạnh dạn báo cáo cấp trên.

Đồng chí Tinh, chính trị viên tiểu đoàn nói với tôi: Cậu viết thư về hỏi thẳng cô ấy, nếu đồng ý lấy thì gửi lý lịch sang đây. Tôi làm đúng như lời đồng chí ấy. Một thời gian thì có thơ trả lời, cô ấy đồng ý xây dựng gia đình với tôi và kèm theo một bản lý lịch có xác nhận của cơ quan. Việc tôi đặt thẳng vấn đề với nhà tôi hồi ấy thật là hơi liều mạng, vì chúng tôi đã biết nhau nhiều nhặn gì đâu. Tôi không ngờ nhà tôi lúc đó lại…

Tôi đưa bức thơ và lý lịch của cô ấy cho đồng chi chính trị viên tiểu đoàn. Tôi nghe nói sau khi bàn bạc Đảng ủy và tiểu đoàn nhất trí cho tôi được xây dựng với nhà tôi và cho phép tôi về nước cưới vợ. Do đó mới có cuộc cưới vợ kiểu “pháo bắn cấp tập” và phá cả lệ làng như vậy. Đúng là cái duyên cái số.

Vợ chồng chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc, năm nay tôi đã 71 tuổi, vợ tôi 65 tuổi chưa hề to tiếng với nhau bao giờ. Các con tôi đều ngoan và đã trưởng thành. Tôi thấy tự hào về vai trò đảm đang của nhà tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ, vợ của một chiến sĩ quân đội, một người mẹ hiền. Hiện nay cả hái chúng tôi tuy tuổi đã cao, vẫn là chỗ dựa của nhau.

Thành phố Thái Nguyên
30-4-2003
H.L
(ĐT. 0280. 85 7501)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #48 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:06:02 am »

CHIỀU 30 TếT NĂM ẤY

Đại tá Đào Văn Xuân


Mùa xuân Mậu Thán (1968), lần đầu tiên xe tăng của quân đội ta xuất hiện trên chiến trường miền Nam. Trận đầu ra quân đã diệt gọn cứ điểm Làng Vây (7-2-1968). Làng Vây là một căn cứ phòng thủ mạnh, thuộc tập đoàn cứ điểm Khe Xanh, trong tuyến phòng thủ đường số 9. Căn cứ ở trên một - điểm cao, hướng bắc độ dốc lớn, lại có suối chạy dưới chân đồi. Căn cứ có 4 đại đội quân biệt kích ngụy Sài Gòn, khoảng 600 tên chiếm giữ, do 30 tên cố vấn Mỹ chỉ huy.

Đưa được vài chục chiến xe tăng từ nơi trú quân ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào được chiến trường đường số 9, trong hoàn cảnh đường sá còn nhiều khó khăn, không quân Mỹ ngày đêm điên cuồng đánh phá, lại giữ được bí mật tuyệt đối và bảo toàn được lực lượng, là bài toán rất “hóc búa” đòi hỏi trí tuệ Việt Nam phải có lời giải.

Để thực hiện ý định của Bộ Tổng Tư lệnh sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc các mặt về tính năng chiến thuật, kỹ thuật các chủng loại xe tăng ta có ngày đó, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Tàng - Thiết giáp chúng tôi đi đến quyết định: Đưa tiểu đoàn xe tăng hạng nhẹ PT.76 vào chiến trường.

Loại tăng PT.76 tuy sức mạnh chiến đấu không cao, sức bảo vệ của vỏ thép mỏng, sườn xe độ dày có 18 - 19mm, hỏa lực yếu, cỡ pháo nhỏ: 76mm, song sức cơ động lại cao, có thể tự bơi qua sông, qua suối, leo đồi dốc tới 38 độ, vượt dốc có độ nghiêng tới 32 độ... Chính các tính năng kỹ thuật trên là một nhân tố quan trọng đảm bảo yêu cầu bí mật bất ngờ tới phút chót, khi xe tăng ta xông lên cứ điểm quân địch mới biết...

Vì vậy sau chiến thắng, để giữ bí mật và giành thế bất ngờ đón thời cơ mới, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp quyết định tổ chức cho tiểu đoàn PT.76 ém quân tại chiến trường đường số 9.

Sau thất bại trong chiến dịch Khe Sanh, năm 1969, đế quốc Mỹ đã tiến hành nghiên cứu hàng trăm dự án về vũ khí và thiết bị điện từ bí mật (gọi tắt là STAN) để thực hiện tự động hóa cao các thủ đoạn đánh phá, giám sát và bắt các mục tiêu, quan sát và bắn phá ban đêm trên tuyến hành lang đường mòn Hồ Chí Minh. Dự án này đã cho ra đời hàng trăm loại mìn sát thương, bom điều khiển bằng laser, khí tài quan sát ban đêm, bom chùm, máy đánh hơi người, bom loại nhỏ cỡ khuy áo, máy ghi địa chấn để thu nhận tình hình phương tiện, xe pháo hành quân v.v...

Trong 2 năm 1969 - 1970, chúng đã thả hàng triệu tấn bom trên dọc đường mòn. Thôi thì đủ kiểu ném bom, nào là bom “tọa độ”- nào là bom “xăm hầm”, nào là những đợt ném bom mang các tên ký quái như: “Đốt cháy rừng”, “Sấm rền”, “Hổ thép” v.v….

Tình hình đánh phá ác liệt như vậy mà vẫn giấu quân an toàn và bí mật, để đến đầu năm 1971, trong chiến trường đường số 9 - Nam Lào, trong đội hình chiến đấu, xe tăng PT.76 mang số hiệu 555 trước đây “tả xung hữu đột” trong trận Làng Vây, nay lại làm nên bất ngờ: Xông vào trung tâm điểm cao 543, dùng xích sắt chà sát các khu thông tin, ụ súng và cuối cùng để lên hầm chỉ huy của định, tạo điều kiện cho quân ta bắt sống Lữ trưởng Lữ dù số 3, Đại tá Nguyễn Văn Thọ, ngày 25-2-1971.

Kết quả đó là sự đấu trí và lòng dũng cảm của quân đội và nhân dân ta trong quá trình giấu quân trước sứe, mạnh kỹ thuật và sắt thép của kẻ thù, tuy nhiên khó tránh khỏi mất mát hy sinh.

Khoảng đầu năm 1969, tôi được ủy nhiệm của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh dẫn một số cán bộ các cơ quan: Tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật vào kiểm tra và nghiên cứu tình hình các mặt ở tiểu đoàn xe tăng PT76. Phiên hiệu của đơn vị là Tiểu đoàn 198.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 08:06:58 am »

Thật khó quên, ngày tôi đến, tiểu đoàn sau đợt hành quân dài ngày từ Vĩnh Yên vào tới chiến trường, khi đến gần tiểu đoàn bộ, trong khi chờ đợi giao liên đến đón, anh em ào ào nhảy xuống tắm, thôi thì cười nói, đùa giỡn ồn ào. . . .

Khi đại úy Nguyễn Văn Phùng, tham mưu trưởng tiểu đoàn ra đón tôi (nay anh Phùng là đại tá đã nghi hưu) sau câu chào hỏi, anh Phùng nói: “Chết rồi thủ trưởng ơi, các máy cảm ứng âm thanh và địa chấn Mỹ nó thả xuống rất nhiều, cái thì cắm sâu xuống đất, cái là dù treo lơ lửng trên ngọn cây. Anh em mới vào chưa đượm phổ biến, nay hò reo ầm ĩ như vậy, có thể sẽ bị bom đấy...”. Thế là kịp phân tán anh em về các hầm ở các đơn vị, còn tôi ở lại tiểu đoàn bộ. 

Vâng, chẳng phải chờ đợi lâu, sáng hôm sau từng tốp máy bay Mỹ đến ném bom... chúng ném rất dài, hàng tiếng đồng hồ để xăm hầm. Tôi ngồi trong hầm chữ A rất chắc chắn, bom nổ quá gần nên chỉ thấy “ịch” một cái, hầm rung chuyển, đất đá tung lên rơi xuống nóc hầm rào rào, cây cối đổ gãy kêu răng rắc. Mặc dầu rất bình tĩnh song mỗi lần nghe tiếng “ịch” tôi cảm thấy như có luồng hơi lạnh chạy dọc sống lơng lên óc. Mỗi lần bom nổ “ịch” và hầm chao đảo, tôi lại xem đồng hồ và nghĩ: “Ta chưa chết...”. Bình tĩnh ngồi chờ cái “chết” nếu bom rơi trúng hầm...

Trong quá trình trú quân và di chuyển gấp để tránh các đợt B52, nhiều cán bộ chiến sĩ xe tăng đã hy sinh, như đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Viễn, thượng úy đại đội trưởng Nguyễn Văn Thơ, chiến sĩ, cơ công Nguyễn Tiến Chén... Trú quân ở chiến trường cũng là những trận chiến đấu không kém phần.ác liệt. ..

Khi ở Tiểu đoàn -198 ra, sau tết Canh Tuất, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ - đại úy Nguyễn Văn Viễn.  Đến nhà thấy bố anh, tóc bạc phơ đang ngồi ở dưới dàn hoa thiên lý đan rổ, tôi vô cùng xúc động... Vợ anh nghe tin chạy tới. Tất cả gia đình chưa nhận được tin về sự hy sinh của anh... Chúng tôi đã kịp giữ im lặng, chúc sức khỏe gia đình, biếu quà của Bộ Tư lệnh rồi ra về. 

Lần này sau chiến dịch đường số 9 - Nam Lào, vào khoảng cuối năm 1971, tôi và thiếu tá Hoàng Đăng Huệ, trưởng ban cán bộ (nay anh là Thiếu tướng đã nghỉ hưu ở Hà Nội), và thiếu tá Nguyễn Công Phác, trưởng ban chính sách (nay anh là đại tá đã nghỉ hưu ở Phú Thọ). Chúng tôi đi thăm hỏi một số gia đình liệt sĩ. . Tôi nhớ mãi câu chuyện xảy ra vào chiều 30 Tết năm ấy.

Chiếc xe Uoát vừa dừng ở cổng làng, một tốp các cháu nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới chạy ùa tới vây quanh chúng tôi, mắt tròn xoe như dò hỏi... Anh Hoàng Đăng Huệ, vốn là con người thận trọng, kéo tôi ra xa nói nhỏ: Thủ trưởng tạm ở ngoài này, để tôi và anh Phác vào trước xem động tĩnh ra sao đã. Hai anh vào làng, lúc này chỉ còn mình tôi nên lũ trẻ lại gần rụt rè hỏi: “Chú bộ đội hỏi nhà ai thế?”.

Tôi chợt nhớ đến câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nên nói: “Các cháu ơi, nhà chú Bùi Minh bộ đội xe tăng ấy mà, năm nay có luộc nhiều bánh chơng không?”.

Các cháu nhao nhao trả lời: Mẹ chú ấy gói nhiều, luộc một nồi “to đùng”,  vợ chú ấy cũng mua cho con bộ áo mới đấy...  Lại còn mua cả pháo để Tết đốt nữa. . .  Thế là tôi đã hiểu một phần nào rồi, gia đình có thể chưa nhận được giấy báo tử...

Hai anh Huệ và Phác ra, các anh kéo tôi ra xa lù trẻ, nói khẽ: Gia đình chưa nhận được tin Bùi Minh hy sinh đâu. Thôi hương hoa và nến ta giấu lại trong xe, chỉ mang kẹo, bánh vào thôi, coi như là đi chúc Tết thông thường. May quá, nếu không vào thăm dò trước lại lù lù mang hương, hoa nến vào nhà đúng chiều 30 Tết thì chết . . .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM