Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:33:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75102 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:36:25 am »

Chiều ngày 4 tháng 1, tôi họp đoàn công tác của Binh chủng nói nhiệm vụ của đoàn ở lại B2, giúp Đoàn thiết giáp 26 khôi phục sửa chữa xe, pháo, đài vô tuyến điện trên xe, còn tôi, và anh Lê Lâm, Ngô Huệ phải khẩn trương ra đường 9 gặp thủ trưởng Bộ nhận nhiệm vụ mới.

17 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1975, chúng tôi tạm biệt anh em Đoàn 26 và đoàn công tác của Binh chủng, hành quân từ B2 ra Tây Nguyên. Do yêu cầu, tôi phải khẩn trương đến khu tập kết của Bộ Tư lệnh B3. Tôi cho ngụy trang xe kín đáo và động viên lái xe liên tục lái cả ban ngày và ban đêm để vượt qua thảo nguyên trống trải trên đất Cămpuchia 70 km đến khu tập kết chiến dịch của Bộ Tư lệnh B3 gần suối Đắc Đam tỉnh Đắc Lắc.

Đúng 3 giờ 45 phút ngày 8 tháng 1, xe chúng tôi tới khu tập kết chiến dịch. 6 giờ ngày 8 tháng 1, tôi tìm đường vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Tây Nguyên - gặp anh Yên thư ký của Tư lệnh, tôi đề nghị cho gặp Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Anh Yên nói: Bộ Quốc phòng vừa điều Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Khu 5 lên làm Tư lệnh Tây Nguyên. Tôi hỏi: Thế anh Vũ Lăng làm gì? Anh Yên trả lời: Anh Vũ Lăng vẫn ở lại Tây Nguyên làm phó Tư lệnh Tham mưu trưởng.

Tôi lại hỏi: Chiến dịch Đông Xuân 1974-975, Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm những ai? Anh Yên trả lời tôi mới lên Tây Nguyên, biết có 3 anh: Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh, Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy, Vũ Lăng Phó Tư lệnh tham mưu trưởng. Nghe nói có 2 anh nữa: Nguyễn Năng, Phan Hàm, phó tư lệnh chiến dịch, nhưng tôi chưa gặp.  Sau đó anh Yên dẫn tôi đến gặp Trung tướng Hoàng Minh Thảo.

Trông thấy tôi, anh Thảo từ trong lán đi ra, tôi đứng nghiêm, chào và đề nghị gặp Tư lệnh chiến dịch. Anh Thảo cười, niềm nở bắt tay và dẫn tôi vào lán mới dựng xong, chỉ ghế cho tôi ngồi và rót cho tôi một chén trà, bảo tôi uống. Cầm chén trà, tôi mời anh Thảo, uống một ngụm rồi nói: Báo cáo Trung tướng Tư lệnh, đoàn cán bộ và thợ sửa chữa của Binh chủng Tăng - Thiết giáp vào chiến trường từ đầu tháng 10 năm 1974, đã sửa chữa xe pháo và tập huấn cho cán bộ cách đánh hiệp đồng binh chủng cho các đơn vị tăng - thiết giáp từ Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ, hiện nay Đoàn đang ở B2. Tôi và 2 trợ lý tham mưu tác chiến đi từ Nam Bộ suốt 2 ngày đêm bằng xe con  Bắc Kinh ra Tây Nguyên để kịp tham gia chiến dịch theo ý kiến anh Vũ Lăng trước khi tôi dẫn đoàn đi B2.

Anh Thảo hỏi tôi: Kiện và anh em đã ăn sáng chưa? Tôi trả lời: Suốt hai đêm ngày hành quân, cơm nắm, lương khô chúng tôi đã xài hết, sáng nay cả xe chưa ăn gì.  Anh Thảo bảo anh Yên thư ký là giao cho công vụ bắt  gà thịt làm cho mỗi người một bát phở.

Anh Thảo nói tiếp: Kiện hành quân liên tục hai ngày đêm cũng mệt đấy, sáng nay Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt quyết tâm chiến dịch, chiến đấu cho cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên. Kiện cố gắng dự hội nghị lúc 8 giờ 30 phút hôm nay. Tôi thật sự vui mừng và nghĩ thầm thật là một vị tướng xông pha chiến trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kinh nghiệm dày dạn, lại rất quan tâm thương yêu đến cán bộ cấp dưới.

Tôi nói: Thưa Tư lệnh, rất may là tôi ra Tây Nguyên kịp dự hội nghị hôm nay, đề nghị Tư lệnh cho tôi ba giờ báo cáo với hội nghị về cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia và kinh nghiệm thực tế nóng hổi của Đoàn thiết giáp 26 Đông Nam Bộ tiến công thị xã Phước Long.

Anh Thảo nói: Thời gian hội nghị chỉ có một ngày, Kiện nói ba giờ nhiều quá, một giờ có được không? Tôi lại nói: Báo cáo anh, các đơn vị bộ binh mà Bộ mới điều từ miền Bắc vào có nhiều chiến sĩ chưa biết xe tăng ta, xe tăng địch, chưa đánh hiệp đồng binh chủng có tăng - thiết giáp tham gia, nên rất cần nói những kinh nghiệm cụ thể cho cán bộ trung, sư đoàn bộ binh. Thời gian một giờ quá ít đề nghị anh cho tôi nói hai giờ trước hội nghị.  Anh Thảo cười đồng ý.

Sau hội nghị phổ biến quyết tâm chiến dịch và kế hoạch tác chiến của Mặt trận Tây Nguyên, các trung đoàn bộ binh thuộc Sư 316 đã lần lượt đến khu huấn luyện xe tăng, nghe cán bộ tăng - thiết giáp giới thiệu tính năng chiến, kỹ thuật của ta; cách phân biệt sự giống nhau, khác nhau của xe tăng - thiết giáp của ta và xe tăng - thiết giáp của địch; động tác bộ binh nhảy lên xe tăng ngồi bám ở ngoài xe khi cơ động và động tác bộ binh nhảy xuống xe khi xe tăng dừng lại.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:36:44 am »

Cán bộ, chiến sĩ các trung đoàn bộ binh nghe giới thiệu tính năng tác dụng, sức đột kích mạnh của xe tăng ta, anh em rất phấn khởi. Một số cán bộ và chiến sĩ bộ binh trong giờ nghỉ giải lao đã sờ thân xe, xích, và bánh đỡ nặng xe tăng và nói với nhau: “Xe tăng Việt Nam bây giờ chúng mình mới có dịp được học, mới được sờ vào, được trèo lên, nó oai hùng và mạnh mẽ làm sao. Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975 này, bộ binh ta có xe tăng tham gia chiến đấu hiệp đồng binh chủng chắc chắn Mặt trận Tây Nguyên sẽ thắng to”.

Hướng dẫn cho các trung đoàn bộ binh học về xe tăng xong, tôi, anh Lê Lâm, anh Ngô Huệ đến Trung đoàn tăng 273 để giúp anh em về công tác chuẩn bị chiến đấu. Trung tuần tháng 2 năm 1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức cuộc họp báo cáo với Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng kế hoạch chiến dịch và quyết tâm chiến đấu trận tiến công tiêu diệt Chi khu Đức Lập và thị xã Buôn Ma Thuộc.

Tôi may mắn được dự cuộc họp thông qua kế hoạch chiến dịch của Bộ. Tham mưu phó mặt trận B3 báo cáo xong, Thượng tướng Văn Tiến Dũng hỏi: Các anh trong Bộ Tư lệnh B3 có phát biểu bổ sung thêm không? Anh Hoàng Minh Thảo nói: Kế hoạch chiến dịch và quyết tâm chiến đấu tiến công Chi khu Đức Lập và thị xã Buôn Ma Thuộc, chúng tôi đã thông qua thống nhất như đã báo cáo với Thủ trưởng Bộ.

Anh Văn Tiến Dũng hỏi: Các binh chủng ai có ý kiến cần bổ sung thì mời phát biểu. Hội nghị một phút im lặng, anh Dũng chỉ vào tôi và nói: Kiện đại diện cho xe tăng phát biểu đi. Tôi giơ tay xin nói: Thưa Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng và các anh trong Bộ Tư lệnh Tây Nguyên. Ngay từ đầu được tham gia thảo luận kế hoạch chiến dịch và quyết tâm chiến đấu, tôi đã đề nghị tiến công Chi khu Đức Lập và thị xã Buôn Ma Thuộc.  Nhưng nếu mở màn chiến dịch ta tập trung lực lượng tiến công thị xã thì khó khăn sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, mở màn chiến dịch ta tiến công Chi khu Đức Lập, sau đó tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc thì diễn biến chiến dịch và chiến đấu có thể thuận lợi hơn. Để đảm bảo đánh thắng trận đầu, một trong sáu nguyên tắc tác chiến của quân đội ta, tôi đề nghị Thủ trưởng Bộ phê duyệt kế hoạch chiến dịch và quyết tâm chiến đấu của Mặt trận Tây Nguyên là đêm đầu tiến công tiêu diệt Chi khu Đức Lập sau đó, tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuộc.

Về sử dụng lực lượng trong chiến dịch, tôi đồng ý như kế hoạch của B3 đã chuẩn bị, Sư đoàn bộ binh 10 được tăng cường một đại đội tăng T54 làm lực lượng dự bị để tiến công tiêu diệt Chi khu Đức Lập, nhưng phải lưu ý thật cần thiết mới điều đại đội tăng vào chiến đấu ở Đức Lập vì phải bảo đảm bí mật bất ngờ khi ta sử dụng xe tăng hiệp đồng với bộ binh tiến công Buôn Ma Thuộc.

Lực lượng xe tăng - thiết giáp của B3 sẽ sử dụng tất cả để tiến công Buôn Ma Thuộc, mỗi trung đoàn bộ binh đánh vào Buôn Ma Thuộc được tăng cường một đại đội tăng T54 và tổ chức một mũi thọc sâu do một tiểu đoàn tăng và đại đội thiết giáp chở bộ binh ngồi trên xe thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy Sơ đoàn 23 của địch. Sau khi Đức Lập bị tiêu diệt, đại đội tăng dự bị của Đức Lập chuyển sang làm dự bị cho Buôn Ma Thuộc. 

Đêm 8 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn bộ binh 10 Tây Nguyên tiến công Đức Lập, tôi được phân công tham dự trận đánh tại sở chỉ huy tiền phương do Thiếu tướng Vũ Lăng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng chỉ huy. Quá trình tiến công Đức Lập, Sư bộ binh 10 đã đánh chiếm được một số mục tiêu quan trọng, nhưng còn một số mục tiêu chưa giải quyết xong, sư trưởng Sư 10 điện cho anh Vũ Lăng đề nghị cho sử dụng đại đội tăng dự bị vào chiến đấu. Anh Vũ Lăng hỏi tôi, có nên sử dụng xe tăng vào dứt điểm Đức Lập không? Tôi trả lời: Đề nghị anh gọi điện cho sư trưởng là để bảo đảm bí mật cho xe tăng khi đánh Buôn Ma Thuộc, đại đội tăng dự bị chưa sử dụng, sư đoàn kiểm tra xem tiểu đoàn bộ binh dự bị và DKZ đã sử dụng hết chưa? Nếu còn thì sử dụng bộ binh và DKZ dự bị vào đánh chiếm các mục tiêu còn lại.  Nếu lực lượng dự bị vào không dứt điểm được Đức Lập, mới cho sử dụng xe tăng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:37:01 am »

Rất phấn khởi là sau khi nhận lệnh của anh Vũ Lăng, Sư 10 điều lực lượng dự bị còn lại vào chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu còn lại.  Ngày 9 tháng 3 năm 1975, Sư 10 Mặt trận Tây Nguyên đã đánh chiếm hoàn toàn Đức Lập. Trận đầu mở màn chiến dịch tiến công đông xuân 1974-1975 đã thắng lợi giòn giã. Anh Vũ Lăng bảo tôi đi cùng anh chuyển về sở chỉ huy cơ bản để tham gia tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc.

Đêm 10 tháng 3 năm 1975, bộ đội Tây Nguyên tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc, khi pháo binh chiến dịch bắn chuẩn bị, xe tăng dùng tốc độ cao tiếp cận mục tiêu, khi pháo binh bắn chuyển làn chi viện xung phong, các đại đội tăng tăng cường cho các trung đoàn bộ binh nhanh chóng tiến lên hiệp đồng với bộ binh xung phong đánh chiếm từng mục tiêu trong thị xã.  Tiểu đoàn tăng - thiết giáp chở bộ binh nhanh chóng thọc sâu vào khu trung tâm thông tin để phát triển đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.

Địch chống cự quyết liệt mũi thọc sâu phải dừng lại củng cố, giải quyết chuyển một số thương binh về phía sau. Các trung đoàn bộ binh và đại đội tăng chiếm các mục tiêu trong thị xã cũng dừng lại. Ngày 11 tháng 3, lực lượng bộ binh, xe tăng, đặc công tiếp tục tiến công đợt II đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23, khu kho vũ khí, quân trang, quân dụng Mai Hắc Đế, dinh tỉnh trưởng ngụy quyền và các mục tiêu còn lại. 11 giờ ngày 11 tháng 3 toàn bộ địch trong thị xã Buôn Ma Thuộc đã bị tiêu diệt, bộ đội ta làm chủ chiến trường, bắt tù binh thu vũ khí.

Ngày 13 và 15 tháng 3, để cứu vãn sự thất bại ở Buôn Ma Thuộc, Tư lệnh Quân khu II ngụy, mỗi ngày điều một lữ dù đặc nhiệm đổ quân xuống phía bắc thị xã Buôn Ma Thuộc bằng trực thăng để đánh chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuộc, nhưng do Bộ Tư lệnh chiến dịch của ta phán đoán đúng, chuẩn bị trước, đã điều Sơ đoàn 10 từ Đức Lập hành quân bằng cơ giới bố trí sẵn ở phía bắc thị xã làm lực lượng dự bị cho Buôn Ma Thuộc, nên hai ngày 13 và 15 tháng 3, mỗi ngày một lữ dù đặc nhiệm ngụy đổ quân xuống thị xã đều bị Sư 10 tiến công tiêu diệt. 

Trước thất bại lớn ở Tây Nguyên, để có kế hoạch đối phó với sự tiến công của ta, Mỹ ngụy đã họp ở Cam Ranh có Tư lệnh Quân khu II Nguyễn Văn Phú tham dự. Cuối cùng chúng thống nhất quyết định rút bỏ Tây Nguyên.

Để chuẩn bị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên hạ quyết tâm tiêu diệt địch rút quân từ Pleiku về Nha Trang và Sài Gòn, anh Vũ Lăng họp một số cán bộ cơ quan tham mưu chiến dịch và đại diện các binh chủng thảo luận xem địch sẽ rút bằng đường nào? Qua thảo luận sôi nổi, cuộc họp có hai ý kiến khác nhau. Một ý kiến cho rằng Đường 19 có Sư đoàn 3 Khu 5 đã chặn từ đèo Măng Giang, địch chỉ còn đường rút từ Pleiku theo đường 14 xuống đường 21 về Ninh Hòa - Nha Trang bằng đường bộ, Bộ Tư lệnh Quân khu II của địch sẽ rút bằng đường không.

Tôi suy nghĩ là địch có thể rút từ Pleiku theo đường 14 xuống đường 7, nên hỏi: Tại sao con đường 7 từ ngã ba đường 14 đi Cheo Reo (Hậu Bổn) xuống Củng Sơn, Phong Niên đi Nha Trang không ai đề cập tới? Một đồng chí trong cơ quan tham mưu Mặt trận Tây Nguyên trả lời, con đường số 7 theo quân báo, trinh sát Khu 5, địch đã bỏ từ lâu rồi vì mặt đường hẹp, nhiều cầu cống, nhiều đoạn hỏng nặng, xe cơ giới không đi được.

Tôi nói: Đầu năm 1946, tôi đã đi trên con đường này, mặt đường rộng 4 đến 6 mét, rải nhựa. Khi tướng Lơ Cơ Lec chỉ huy quân đội Pháp đánh từ Nam Bộ ra Đắc Lắc và Tây Nguyên bằng xe tăng, xe bọc thép, bộ đội Nam tiến chúng tôi đã rút từ Buôn Ma Thuộc theo đường 14 xuống đường 7 đi Cheo Reo về Củng Sơn. Theo tôi, một con đường thực dân Pháp đã xây dựng từ lâu thì có thể quân ngụy bây giờ sẽ tận dụng, có thể mở rộng mặt đường 8 đến 10 mét để sử dụng thì đúng hơn là không dùng, bởi vì cự ly từ Pleiku đến ngã ba đường  đi Cheo Reo xuống Củng Sơn, Phong Niên rất gần và an toàn hơn đường 21, bộ đội ta không có lực lượng chặn địch trên đường 7.

Anh Vũ Lăng chỉ vào tôi và nói: Trinh sát, quân báo Khu 5 báo cáo là địch đã bỏ con đường 7 từ lâu rồi. Anh nói như là thổ công ở đấy? Tôi xin nói tiếp: Họp thảo luận thì tất nhiên có ý kiến khác nhau, không nên khẳng định một phương án. Nếu địch không rút từ Pleuku theo đường 14 xuống ngã ba đường 21 đi Nha Trang mà rút xuống ngã ba đường 7 đi Cheo Reo, Củng Sơn, Phong Niên theo đường quốc lộ 1 vào Nha Trang thì sao? Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tư lệnh B3 lưu ý địch có thể rút theo đường 7 đi Cheo Reo, Củng Sơn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:37:17 am »

Ngày 20 tháng 3 năm 1975, toàn bộ lực lượng địch ở Pleiku hơn ba vạn hai nghìn tên và vợ con ngụy quân, ngụy quyền rút theo đường 14 xuống ngã ba đường 7 đi Cheo Reo, Củng Sơn. Do Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên dự kiến đúng từ trước đã điều một bộ phận bộ binh Sư 320 ra chặn địch phía đứng sông Ba, Cheo Reo;

Khi biết tin địch rút theo đường 7 đi Cheo Reo, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên điều Sư đoàn 320 được tăng cường một tiểu đoàn tăng - thiết giáp nhanh chóng đến thị xã Cheo Reo tiến công tiêu diệt địch. Toàn bộ hơn ba vạn tên địch thuộc Quân khu II ngụy bị bộ đội Tây Nguyên đánh cho tan tác. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh, một số vứt xe pháo súng bỏ chạy, còn vợ con ngụy quân, ngụy quyền ta cho tạm ở Cheo Reo một vài ngày, sau đó động viên họ trở về quê cũ.

14 giờ hôm đó. Tôi và anh Ngô Huệ ngồi Ô tô đến thị xã Cheo Reo để quan sát tình hình và hỏi số lính ngụy đã bị bắt về người chỉ huy và lực lượng địch rút từ Pleiku về Cheo Reo, đi xem số xe tăng M-41 xe thiết giáp M113 của địch bỏ lại. Lính thiết giáp ngụy chết nhiều, có tên chết trên xe, có tên chết và bị thương dưới gầm xe. Tôi bảo đồng chí lái xe: mùa khô thượng nguồn sông Ba nước rất cạn, cho xe sang phía đông sông Ba để xem con đường số 7.

Xe tôi vừa tới bờ sông Ba thì thấy xe anh Vũ Lăng cũng vừa đến. Tôi nói: Anh Lăng ơi, hữu tình ta lại gặp ta... mời anh cùng sang bên kia xem đường sá ra sao? Anh Vũ Lăng cười và nói: Tôi cũng có ý định xem con đường số 7 địch bỏ không sử dụng hay chúng mở rộng để sử dụng. Hai xe tô chở chúng tôi lội qua sông Ba. Xe vừa lên khỏi bến lội, anh Lăng và tôi cùng xuống xe xem đường. Quan sát thấy đường địch đã san ủi rộng 10-12 mét, có đoạn đã rải nhựa. Tôi nói, anh Lăng ơi, ai nói lâu nay địch bỏ đường 7 không sử dụng là bốc phét.

Sau đó, khoảng 17 giờ, tôi bảo lái xe đưa tôi lên thành phố Pleiku để xem hệ thống công sự và tổ chức phòng thủ của địch. Vừa đến Pleiku hỏi thăm trụ sở cơ quan quân sự của ta để nhờ người dẫn đi xem căn cứ Quân khu II địch. Tôi nói với anh Ngô Huệ:

- Cậu vẽ kỹ hệ thống phòng thủ và công sự của địch, nếu không vẽ xong, sang ngày mai đến đây vẽ tiếp. Đêm hôm đó, chúng tôi nghỉ lại cơ quan quân sự tỉnh Gia Lai nấu cơm ăn.

Sáng ngày 21 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đi Ô tô đến sở chỉ huy Quân khu II ngụy xem vẽ tiếp công sự và địa hình, địa vật xung quanh. 10 giờ, chúng tôi rời Pleiku trở về sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Tây Nguyên ở Đắc Lắc.

14 giờ, anh Vũ Lăng gọi điện cho tôi nói: Chiều nay và ngày 22 tháng 3, Bộ Tham mưu B3 tổ chức một đoàn cán bộ đi lên Pleiku để xem xét cách phòng thủ và hệ thống công sự của địch mời anh cùng đi với đoàn. Tôi trả lời: Cảm ơn anh, chiều 21 tháng 3 tôi và trợ lý tham mưu của Binh chủng tăng đã đi Pleiku làm việc ấy rồi, tôi vừa ở Pleiku về Đắc Lắc trưa nay. Theo kế hoạch chiều nay tôi phải làm việc với anh Văn Tiến Dũng và anh Lê Ngọc Hiền.

14 giờ 30 phút Văn phòng Bộ gọi điện cho tôi sang làm việc với anh Dũng. Nhận điện, tôi đến Sở Chỉ huy của anh Văn Tiến Dũng. Trông thấy tôi, anh Dũng gọi vào phòng làm việc cho hút thuốc lá ba số 5 và uống cà phê Buôn Ma Thuật, loại cà phê ngon nhất của Việt Nam.

Anh Dũng nói: Anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) ở Hà Nội sẽ vào Tây Nguyên, chúng ta phải khẩn trương chuẩn bị giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Xe tăng của B3 khả năng chiến đấu tiếp có khó khăn gì?

Tôi nói: Thưa Tổng tham mưu trưởng, lực lượng xe tăng B3 sau chiến thắng Buôn Ma Thuộc, Cheo Reo, anh em rất phấn khởi và đang chuẩn bị xe pháo cho những trận chiến đấu tiếp theo. Toàn bộ xe tăng - thiết giáp của B3 qua hai trận chiến đấu tiêu diệt Buôn Ma Thuộc và Cheo Reo đều tốt, có thể cơ động tiến công Sài Gòn. Chỉ có hai xe tăng bị địch bắn hỏng, tôi đã cho kéo xuống suối dùng thuốc nổ phá hủy. Khí tài kỹ thuật, dầu ma dút, dầu nhớt, khí tài kỹ thuật còn đủ. Khó khăn lớn của lực lượng xe tăng là thiếu đạn pháo 100 ly, không đủ một xe hai cơ số đạn. Đánh Sài Gòn, mỗi xe cần có 2 - 2,5 cơ số đạn.

Anh Dũng vui vẻ nhìn tôi và nói: Cậu đã đi các kho vũ khí của B3 kiểm tra chưa?

Tôi trả lời: Trước khi mở chiến dịch, tôi đã đi các kho của B3 xem đạn pháo, đạn 12,7 ly, đạn súng máy trên xe tăng thì đạn pháo 100 ly đã hết, còn các loại 12,7 ly, đạn súng máy có nhiều.

Anh Dũng hỏi tiếp: Bây giờ làm thế nào để có đạn pháo xe tăng để đánh Sài Gòn?
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:39:41 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:37:39 am »

Tôi nói: Đề nghị Thủ trưởng điện cho Tổng cục Hậu cần chở đạn pháo 100 ly từ miền Bắc vào Tây Nguyên. Anh Dũng nói: Thời gian gấp lắm rồi, chúng ta phải giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm nay. Tôi nói: Nếu đạn pháo chở bằng ôtô từ miền Bắc vào Tây Nguyên thì không kịp. Mùa mưa ở miền Nam bắt đầu từ tháng 5, từ nay đến tháng 5, ta còn hơn một tháng, tôi đề nghị Tổng Tham mưu trưởng điện cho Tổng cục Hậu cần, lấy đạn pháo 100 ly ở Kho Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp đưa về Gia Lâm dùng máy bay IL-18 chở khoảng 2000 viên thì trong thời gian một tuần sẽ bảo đảm cho mỗi xe tăng 2-2,5 cơ số đạn 100 ly.

Thưa anh, tôi đã dùng Ô tô đi trinh sát sân bay của địch, trong số hai sân bay ở Đắc Lắc thì sân bay Hòa Bình có thể cất hạ cánh cho IL- 18, bởi vì sân bay Hòa Bình qua tìm hiểu người quản lý sân bay thì hàng ngày, khi ta chưa tiến công Buôn Ma Thuộc, địch vẫn dùng để cất hạ cánh máy bay F105 và Dakota.

Anh Dũng cười bảo: Cậu cũng hiểu về không quân à? Tôi nói: Báo cáo anh, năm 1973-1974 tôi đi học ở Học viện Liên Xô, bạn cho học về không quân đi tham quan sân bay và một số loại máy bay của bạn.

Sau đó, anh Dũng bảo: Kiện sang cơ quan tham mưu làm việc với anh Lê Ngọc Hiền và bảo anh Hiền điện cho Tổng cục Hậu cần dùng máy bay vận tải IL-18 chở đạn pháo cho Tây Nguyên hạ cánh xuống sân bay Hòa Bình ở phía nam Buôn Ma Thuộc khoảng 8 km.

Tôi đi ngay sang phòng làm việc của anh Hiền. Bước vào phòng, anh Hiền hỏi: Cậu đã làm việc với anh Dũng chưa? Tôi báo cáo đã làm việc với anh Dũng rồi, anh Dũng bảo sang làm việc với anh. Anh Lê Ngọc Hiền nói ngay: Tớ đang chờ cậu để thảo luận việc tập trung lực lượng xe tăng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Kiện xem, ta tiến công Sài Gòn cố gắng tập trung một nghìn tăng - thiết giáp có được không?

Tôi báo cáo, hiện nay lực lượng xe tăng của ta ở miền Nam có khoảng trên 400 xe. Nếu điều động lực lượng tăng thiết giáp ở miền Bắc vào để bổ sung cho các Quân đoàn thì thời gian không cho phép vì chiến dịch Hồ Chí Minh sắp bắt đầu. Lực lượng xe tăng của ta có thể tập trung được 400 xe trên các hướng đánh vào Sài Gòn - Gia Định, so với lực lượng tăng thiết giáp của ngụy quân thì số lượng của ta ít hơn nhiều, (quân ngụy có khoảng 20 thiết đoàn, khoảng gần 1700-1800 xe tăng M41, M48 và M113). 

Tuy số lượng xe tăng của ta trên chiến trường miền Nam ít hơn địch, nhưng chất lượng chiến đấu của xe tăng ta tốt hơn, với số lượng gần 400 xe trên các hướng chiến dịch, xe tăng ta bảo đảm chi viện cho các sư đoàn bộ binh tiến công tiêu diệt địch. Hiện nay, Quân đoàn I đã tập kết ở Đồng Xoài, nhưng mới có một tiểu đoàn tăng lội nước (PT-76) còn ba tiểu đoàn tăng chưa đến kịp, đề nghị thủ trưởng Bộ điều 1-2 tiểu đoàn tăng T-54 của Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp tăng cường cho B2 bổ sung cho Quân đoàn I, bảo đảm sức đột kích cho quân đoàn.

Anh Hiền nói: Mặt trận Tây Nguyên thành lập Quân đoàn 3, chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh, cậu thu xếp công việc, không ở B3 nữa mà bổ sung cho cơ quan chiến dịch Hồ Chí Minh giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch về sự lực lượng Tăng - Thiết giáp.

Thượng tuần tháng 4 năm 1975, tôi và anh Lê Lâm, Ngô Huệ trợ lý tác chiến của Binh chủng tạm biệt B3 đi theo xe anh Văn Tiến Dũng và anh Lê Ngọc Hiền đến Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.  Trung tuần tháng 4, Bộ Tư lệnh chiến dịch thông qua kế hoạch chiến dịch và quyết tâm chiến đấu của các quân đoàn trên 5 hướng tiến công vào Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, phổ biến quán triệt cho các đơn vị để khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, hành quân tiếp cận các mục tiêu địch trên các hướng phòng thủ bảo vệ Sài Gòn.

Từ ngày 25-28 tháng 4, trên các hướng tiến công của các quân đoàn đã nổ súng tiến công địch tạo điều kiện nhanh chóng đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập, trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, và các mục tiêu quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất, Quân Cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát ngụy...

Địch ở các hướng Lái Thiêu, Bầu Bàng, ngã tư Bảy Hiền, Xuân Lộc, khu thiết giáp Nước Trong và địch trên quốc lộ 4 đi Sài Gòn chống cự quyết liệt. Nhưng lực lượng tiến công của ta trên các hướng, dưới sự chi viện của pháo binh đã hiệp đồng chặt chẽ lần lượt tiêu diệt các mục tiêu địch bảo vệ vòng ngoài thành phố Sài Gòn. 

Đêm 29 tháng 4, pháo binh chiến dịch bắn mạnh vào sân bay Tân Sơn Nhất, quân cảng Sài Gòn... để chi viện cho các binh đoàn tiến công trên các hướng đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu và quan trọng. Trên các hướng bắc, tây bắc, và nam Sài Gòn, các binh đoàn đã nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu địch phòng thủ ngăn chặn, nhanh chóng đánh thẳng vào Sài Gòn chiếm dinh Độc Lập, trụ sở Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Cảnh sát ngụy... 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:37:55 am »

Đặc biệt hướng đông nam Sài Gòn, Quân đoàn II đã nhanh chóng tổ chức lực lượng thọc sâu. Lữ đoàn tăng 203 được tăng cường một trung đoàn bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn pháo cao xạ đã nhanh chóng cơ động tiến công địch trong hành tiến, tiêu diệt địch ngăn chặn ở hai đầu cầu sông Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 và lá cờ Cách mạng nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được kéo lên tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Miền Nam nước ta đã được giải phóng?

Vui mừng trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tổ thiết giáp chúng tôi, có anh Lê Lâm, Ngô Huệ, Nguyễn Văn Phước lái xe đã ôm hôn nhau, xúc động không nói lên lời. Sau đó, tôi báo cáo với Thượng tướng Văn Tiến Dũng cho phép tổ thiết giáp chúng tôi tiến vào Sài Gòn để nắm bắt tình hình các đơn vị Tăng - Thiết giáp. 

14 giờ 15 phút, chúng tôi đã có mặt tại bản doanh Bộ Tổng tham mưu ngụy, gặp đơn vị tăng 202 và 273.  Sau đó, chúng tôi đến Dinh Độc Lập liên lạc được với Lữ tăng 203.

Ngày 2 tháng 5, chúng tôi đến căn cứ Lam Sơn, trụ sở Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy để liên lạc với Đoàn thiết giáp 26 Nam Bộ, gặp các anh Mai Văn Phúc, Võ Ngọc Hải, Hà Hải và Lê Như Hòa trong niềm vui chung trước thắng lợi to lớn của đất nước và niềm vui riêng là bạn bè lâu ngày được gặp nhau ở Sài Gòn kể từ năm 1964 các anh lên đường nhận nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu.

Làm việc với các anh lãnh đạo, chỉ huy Đoàn thiết giáp Nam Bộ chúng tôi hiểu thêm được tình hình của đơn vị và tôi hôm đó, ăn cơm thân mật tại căn cứ Lam Sơn.  Ngày 3 tháng 5 năm 1975, tôi, anh Lê Lâm và anh Ngô Huệ đến bản doanh báo cáo tình hình lực lượng Tăng - Thiết giáp của ta và tăng thiết giáp của địch đã thu được với Trung tướng phó Tổng tham mưu trưởng xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.

Anh Lê Trọng Tấn hỏi tôi: Số lượng tăng - thiết giáp của địch toàn miền Nam có bao nhiêu? Tôi báo cáo: Theo tin tình báo, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, quân đội ngụy có 20 thiết đoàn, riêng tại thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận, địch có 5-6 thiết đoàn. Tổng số xe tăng - thiết giáp của địch ta chưa thống kê được. Đề nghị Thủ trưởng Bộ cho chúng tôi đi các kho của Nam Bộ, Trung Bộ để kiểm tra nắm chắc tình hình tăng - thiết giáp của địch. 

Được anh Lê Trọng Tấn đồng ý, ngày 4 tháng 5, tôi dẫn một tổ năm người lên đường đi Cần Thơ và các tỉnh nam Sài Gòn. Chúng tôi vào kho Đồng Tâm ở Cần Thơ thấy có nhiều tăng M41, thiết giáp M113 còn mới, địch chưa sử dụng.

Ngày 8 tháng 5, chúng tôi hành quân ra các tỉnh miền Trung kiểm tra từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa. Đến đâu cũng thấy số lượng tăng - thiết giáp của địch ở trong kho, trong doanh trại và dọc đường phố, do bị ta tiến công, địch hoảng loạn bỏ xe để tháo chạy thoát thân.

Để thu gom số xe này, tôi đã gặp ban quân quản các tỉnh đề nghị cho thu gom số tăng, thiết giáp của địch còn nằm rải rác nhiều nơi trong tỉnh đưa về khu kho kỹ thuật quân sự. Khó khăn của Ban quân quản là không có người lái xe tăng - thiết giáp địch, tôi đề nghị cho kiểm tra tìm trong số tù binh và số lính ngụy bỏ chạy về nhà, gọi họ đến, cấp gạo, thực phẩm và tiền cho họ, chỉ huy họ lần lượt lái xe tăng - thiết giáp tập trung về kho vũ khí, kỹ thuật.

Ngày 12 tháng 5 năm 1975, chúng tôi hành quân về thành phố Sài Gòn. Ngày 13 tháng 5, trong buổi giao ban của Bộ Tổng tham mưu, tôi báo cáo với anh Lê Trọng Tấn và nhận chỉ thị của anh Tấn dự lễ duyệt binh ngày 15 tháng 5, mừng chiến thắng, mừng cuộc tổng tiến công mùa xuân lịch sử năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, chấm dứt ách thống trị hơn 100 năm của chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Đoàn cán bộ, thợ sửa chữa kỹ thuật tăng - thiết giáp nhận nhiệm vụ của Bộ vào Nam chuẩn bị giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 chỉ diễn ra 52 ngày đêm, kết thúc bằng “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” tiến công thành phố Sài Gòn - Gia Định - sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mùa xuân đại thắng đã qua 28 năm, viết lại những dòng hồi ức này, trong tôi lại bừng lên những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp, nhất là những kỷ niệm trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tôi hình dung rất rõ những gương mặt bạn chiến đấu, những đồng đội thân thương đã dũng cảm chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đã lưu lại trong tôi những tình cảm mạnh mẽ, những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp của những năm tháng không thể nào quên.

L.X.K 
(ĐT. 04. 8370438)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 05:02:48 pm »

BỘ ĐỘI TĂNG – THIẾT GIÁP
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG NAM BỘ VÀ CỰC NAM TRUNG BỘ
(B2 - 1965 - 1975)

 
Thiếu tướng Mai Văn Phúc
 Phó tư lệnh Quân khu 7.
 Nguyên Tư lệnh Tăng - Thiết giáp Miền - B2 .


Từ những năm 1963 - 1965, Bộ Tổng Tham mưu đã trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 202 tổ chức huấn luyện hai đại đội đặc công cơ giới sử dụng thành thạo xe tăng thiết giáp để vào miền Nam chuẩn bị chiến trường cho tác chiến hợp đồng binh chủng sau này.

Đầu năm 1963, đại đội đặc công cơ giới 46B được cử vào chiến trường B2 (Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ).  Tới chiến trường miền Đông Nam Bộ, đại đội 46B được biên chế phân tán về một số đơn vị bộ binh để trực tiếp tham gia chiến đấu tiếp cận dần với phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch.

Tháng 2 năm 1964, tôi đang làm nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng xe tăng ở Trung đoàn 202 và anh Lâm Kim Chung trong đoàn cán bộ 613 của Bộ tăng cường cho B2 vào tới căn cứ của Bộ chỉ huy Miền, được biên chế ngay về Phòng Tác chiến, rồi Phòng Quân báo. Ít lâu sau, Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho tôi và anh Lâm Kim Chung tập hợp quân số của đại đội đặc công cơ giới 46B lại để thành lập Ban cơ giới Miền. Trực thuộc ban cơ giới có một trung đội đặc công cơ giới, Ban cơ giới Miền chúng tôi được giao nhiệm vụ:

- Nghiên cứu khả năng sử dụng thiết giáp ở chiến trường B2; vừa nghiên cứu các phương thức đảm bảo kỹ thuật cho công tác huấn luyện và chiến đấu của bộ đội Tăng - Thiết giáp, trước tiên ở chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ.

- Đồng thời xúc tiến nghiên cứu huấn luyện cách thức để đoạt xe địch đánh địch.

Ban cơ giới và trung đội cơ giới Miền đầu tiên ấy trở thành đơn vị tiền thân của bộ đội Tăng - Thiết giáp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.  Tháng 4 năm 1964, Đoàn cán bộ tăng thiết giáp gồm 40 cán bộ, trưởng xe, lái xe, pháo thủ được huấn luyện đặc biệt để tăng cường cho B2, đoàn đã được sáp nhập với trung đội cơ giới của Miền thành đại đội cơ giới, lấy phiên hiệu là C40.

Tháng 3 năm 1965, đoàn 711 gồm 228 cán bộ, chiến sĩ từ Trung đoàn 202 tiếp tục vào miền Đông Nam Bộ, sáp nhập với đại đội cơ giới C40 thành đoàn cơ giới Miền, lấy phiên hiệu J16. Tôi được giao trách nhiệm trưởng Đoàn J16, anh Bùi Tân - Chính ủy, anh Phạm Hà Hải làm Đoàn phó. Khi Đoàn cơ giới J16 chưa có phương tiện kỹ thuật, vũ khí, khí tài, xe pháo nên được biên chế gọn thành bốn đại đội: hai đại đội một và năm sáp nhập thành Đại đội 15, Đại đội hai và ba thành Đại đội 23; Đại đội bốn và sáu thành Đại đội 46, Đại đội 40 giữ nguyên. Một số cán bộ được Bộ chỉ huy Miền cử đi tăng cường cho các đơn vị bộ binh, công binh, đặc công, pháo binh...

Sau khi thành lập Đoàn J16, Bộ chỉ huy Miền giao cho nhiệm vụ tổ chức một số trận đánh để đoạt xe địch, trước mắt làm phương tiện huấn luyện bộ đội. Một trong những trận đánh tiêu biểu, diễn ra ngày 23 tháng 3 năm 1966, Đại đội tăng thiết giáp 40 do đồng chí Lê Như Hòa trực tiếp chỉ huy kết hợp với nội ứng, tập kích bất ngờ vào trung đoàn tăng thiết giáp số một của quân đội Sài Gòn tại căn cứ Gò Đậu (Phú Cường, Bình Dương) với sự phối hợp của ba nội ứng trong hàng ngũ quân ngụy: thiếu úy Phùng Văn Mười, thượng sĩ Nguyễn Văn Thắng, trung sĩ Ngô Văn Nhất.

Các chiến sĩ Đại đội 40 đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, làm chủ trận địa trong một thời gian dài, thu 10 xe (bốn xe M41 và sáu xe 113). Nhưng do sử dụng xe địch chưa thành thạo triển khai đội hình chiến đấu chậm, bị máy bay, xe tăng địch phát hiện, bắn phá vào đội hình, khống chế đường ta đưa xe về căn cứ, nghĩa binh Ngô Văn Nhất hy sinh, chỉ còn một chiếc M41-AL do thiếu úy nghĩa binh Phùng Văn Mười điều khiển chạy về hướng Phú Giáo, được đồng chí Vũ Đức Hùng (cán bộ kỹ thuật J16) kịp thời đón ở Bông Trang - Nhà Đỏ, lái thẳng về chiến khu Long Nghĩa.

Chiếc M41-AL trở thành phương tiện đầu tiên, duy nhất đổi bằng máu của chiến sĩ cơ giới Miền, dùng để huấn luyện kỹ thuật binh chủng cho bộ đội B2 lúc đó.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 05:03:47 pm »

Tháng 4 năm 1967, Quân ủy Miền quyết định sáp nhập Đoàn cơ giới Miền với đơn vị B18 đặc công thành Đoàn Đặc công cơ giới Miền (vẫn lấy phiên hiệu là J16), biên chế tinh gọn thành hai tiểu đoàn đặc công cơ giới mỗi tiểu đoàn có hai đại đội đặc công, một đại đội cơ giới).

Thời gian này, anh Nghiêm Xuân Đẩu làm đoàn trưởng J16, tôi (Mai Văn Phúc) làm Chính ủy, anh Phạm Hà Hải làm tham mưu trưởng, anh Mười Tân làm Chủ nhiệm chính trì. Ngoài lực lượng binh chủng J16, Bộ chỉ huy Miền còn tổ chức nhiều phân đội đặc công cơ giới, biệt phái xuống các đơn vị thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, chiến khu Rừng Sác để nghiên cứu địa hình, tiếp cận dần với phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, chờ thời cơ đoạt xe địch. Đồng thời cung cấp thông tin, giúp chỉ huy binh chủng am hiểu chiến trường, điều kiện tác chiến, chiến kỹ thuật của địch.  Trên cơ sở đó, chi viện thiết thực sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngoài việc huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ binh chủng, J16 còn tập huấn cho nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ các binh chủng bạn như đặc công, công binh, pháo binh, bộ binh... về tính năng kỹ thuật chiến thuật xe tăng M41, để khi tác chiến có thể vận dụng những kiến thức cơ bản về tăng để hạn chế tối đa điểm mạnh và khai thác hết các yếu điểm của xe tăng địch.

Điều đó có ý nghĩa quan trọng trên hai phương diện: một là giúp cấp trên am hiểu về kỹ thuật, chiến thuật xe tăng địch và yêu cầu của chiến trường đặt ra, trên cơ sở đó đề ra được phương châm, phương hướng tổ chức lực lượng, huấn luyện bộ đội tăng thiết giáp, chi viện cho chiến trường miền Nam có hiệu quả. Hai là những hiểu biết về chiến kỹ thuật cùng những thông tin mới về xe tăng..  địch sẽ gây được niềm tin cho bộ đội, nhất là bộ binh,  góp phần không nhỏ vào việc củng cố quyết tâm đánh  bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch.

Một minh họa rõ nét nhất là chiến dịch chống cuộc hành quân càn  quét Gian-sơn Xi-ty, lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta, đặc biệt là dân quân du kích đã diệt nhiều xe tăng địch bằng vũ khí tự tạo dùng cho bộ binh.  Việc nghiên cứu, tìm hiểu xe tăng địch, biên soạn giáo án huấn luyện cho bộ đội khó khăn bao nhiêu thì việc bảo vệ, đảm bảo kỹ thuật cho chiếc xe M41-AL dùng làm phương tiện học tập càng khó khăn gấp bội.  Chiếc M41-AL này được cất giấu dưới một căn hầm sâu 4m, rộng 4m, dài 8m, do một tiểu đội cảm tử cơ giới Miền bảo vệ.

Suốt ba năm ròng (1966 - 1968), trong điều kiện ngặt nghèo của chiến tranh trên chiến khu Long Nguyên, bộ đội đặc công cơ giới Miền đã giữ được tình  trạng xe tốt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Từ 292 cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp tập hợp của bốn đoàn chi viện cho chiến trường B2 cùng chiến M41-AL lấy được trong trận Gò Đậu (Bình Dương), Đoàn Đặc  công cơ giới Miền Ji6 đã tham gia năm trận tập kích, tám trận chống càn, bắn rơi hai máy bay trực thăng, phá hủy 30 xe tăng thiết giáp địch.

Tháng 9 năm 1968, Bộ chỉ huy Miền ra lệnh rút tiểu đội cảm tử và tháo các trang thiết bị, súng đạn, dụng cụ quang học, thông tin trên chiếc xe máu thịt M41-AL về cứ, còn xe phải chôn giấu và gài mìn bảo vệ dưới lòng đất Long Nguyên. Bộ đội tăng thiết giáp Miền lần nữa phải chia tay, phân tán về các đơn vị trực tiếp chiến đấu, nung nấu ý chí, chờ thời cơ đoạt xe địch đánh địch. 

Năm 1970, cách mạng miền Nam phát triển sang giai đoạn tiến công chiến lược. Hậu phương lớn miền Bắc khẩn trương chi viện cao nhất sức người, sức của và phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại cho các chiến trường. Trong bối cảnh ấy, ngày 3 tháng 3 năm 1971, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương cơ giới để chuẩn bị đón các đơn vị xe tăng từ Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp chi viện vào. Đồng chí Phạm Hà Hải được giao nhiệm vụ tập hợp số cán bộ kỹ thuật đang biệt phái ở các đơn vị về Sở chỉ huy tiền phương cơ giới Miền, làm nhiệm vụ:

- Nghiên cứu xác định vị trí ém trú quân cho các đơn vị tăng thiết giáp của Bộ sẽ vào chiến trường.  Chuẩn bị hầm lán cho xe trú quân.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo kỹ thuật cho xe tiếp tục chiến đấu.

- Chuẩn bị phương án tác chiến mới.

Theo tinh thần đó, các cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp Miền phân tán xuống các đơn vị trước đây nay lần lượt trở về Sở chỉ huy tiền phương cơ giới...  Ngày 25 tháng 5 năm 1971, Sở chỉ huy Tiền phương cơ giới quyết định rút một số cán bộ kỹ thuật ở Sở chỉ huy ra để thành lập đội thu gom tàng thiết giáp địch, lấy phiên hiệu là bộ đội 33, làm nhiệm vụ thu gom tăng thiết giáp địch, vừa huấn luyện cho bộ đội sử dụng các loại xe này trong thời gian ngắn nhất.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 05:04:44 pm »

Đến tháng 6 năm 1971, số cán bộ kỹ thuật của đoàn đặc công cơ giới Miền Ji6 biệt phái về các đơn vị trực thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và chiến khu Rừng Sác lần lượt trở về đội 33.  Quân số của đội từ chín người đã lên tới 64 người và đội 33 trở thành đơn vị tiền thân của Bộ đội Tăng - Thiết giáp miền Đông Nam Bộ, được xây dựng, duy trì và phát triển bằng con đường “từ không đến có”... 

Tháng 8 năm 1971, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đoàn thiết giáp Miền, lấy phiên hiệu là M26, nhiệm vụ đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng tại chỗ, chuẩn bị đón các đơn vị tăng thiết giáp từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Tháng 11 năm 1971, bộ đội tăng thiết giáp Miền chính thức tách khỏi đoàn pháo binh Biên Hòa để kiện toàn một bước về tổ chức. Sự kiện thành lập Đoàn M26 đánh dấu một bước trưởng thành của bộ đội tăng thiết giáp Miền theo phương châm từng bước xây dựng lực lượng và tự đào tạo cán bộ, chiến sĩ binh chủng ngay trên trường, họe thực tế là chiến trường.  Sau chiến dịch đường 6, Đầm Be, với sự trợ giúp của Công binh Miền, Đội 33 đã thu gom được năm xe thuộc bốn chủng loại: 2 xe M41, một xe M42, một xe M51, một xe AM6). Vốn liếng tài sản của Đội 33 lúc này có bảy xe (thuộc năm chủng lơ T51, M41, M24, M51 AM6). ‘  Ngày 15 tháng 1 năm 1972, Đoàn M26 quyết định thành lập Đại đội 35 tăng thiết giáp chuyên làm nhiệm vụ thu gom xe địch và huấn luyện chiến kỹ thuật cho bộ đội tăng thiết giáp toàn Miền. Sau khi thành lập Đại đội 35, Đội 33 trở thành bộ đội tăng thiết giáp chiến đấu Từ mốc thành lập Đội 33 (ngày 3 tháng 3 năm 1971) cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ đã đào tạo tại chỗ 202 chiến sĩ tăng thiết giáp, tập huấn kỹ thuật 74 cán bộ đoàn M26, huấn luyện giúp một tổ (bảy chiến sĩ) biệt động của Quân đội cách mạng Campuchia về cách đánh và thu gom xe địch. Đến đầu năm 1972, Đội 35 cử tiếp một tổ 15 đồng chí thành thạo kỹ thuật tăng thiết giáp do trung úy Nguyễn Thắng chỉ huy, phối thuộc với bộ đội đặc công Campuchia, tấn công sân bay Pô-chen’tông, giúp bạn thu gom, sửa chữa, bảo dưỡng và sử dụng tăng thiết giáp địch trên chiến trường Campuchia.  Ngày 1 tháng 4 năm 1972, Đại đội 33 tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ được lệnh trực tiếp tham gia chiến đấu hợp đồng binh chủng tại mặt trận Ma Sát - Thiện Ngôn, trên hướng thứ yếu (đường 22) trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đây là lần xuất trận đầu tiên của bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp tăng cường cho một tiểu đoàn xe tăng (phiên hiệu là T20) có 32 xe tăng T54b, ba xe cao xạ 57 ly ba xe công trình. Tiểu đoàn vừa tới vị trí tập kết, chưa kịp làm bảo dưỡng, khôi phục kỹ thuật xe thì đêm 6 rạng ngày 7 tháng 4 năm 1972, tiểu đoàn đã tham gia trận đánh hợp đồng binh chủng vào chi khu quân sự Lộc Ninh, chính thức mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ. 

Yếu tố bí mật bất ngờ trong sử dụng tăng thiết giáp lần nữa tạo điều kiện cho bộ đội Sư 5 bộ binh thực hiện thắng lợi trận đánh then chốt Lộc Ninh, tiêu diệt Chiến đoàn 9 và Thiết đoàn 52 ngụy, bắt sống đại tá chiến đoàn trưởng, mở ra vùng giải phóng Lộc Ninh.  Lộc Ninh đã trở thành một địa điểm lịch sử - Thủ đô kháng chiến của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trong chiến dịch này, Đội 35 sau 12 ngày đêm (từ ngày 2 tháng 4 đến 12 tháng 4 năm 1972) đã thu gom được tại Lộc Ninh 27 xe các loại cùng sáu tấn phụ tùng. Mơ ước đoạt xe địch để đánh địch của bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực.

Giữa những ngày chiến sự Bình Long ác liệt, từ miền Bắc lại tăng cường cho B2 Tiểu đoàn tăng thiết giáp T21: 14 xe tăng, 6 xe bọc thép, bốn xe cao xạ, hai xe công trình.

Tháng 4 năm 1972, lại được bổ sung từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ Tiểu đoàn 25A, trang bị 20 xe tăng T54, T59.

Đến tháng 7 năm 1972, tiếp nhận thêm Tiểu đoàn tăng 25B, có 20 xe tăng T54, 10 xe K63. Sau 120 ngày đêm hành quân gian khổ tới vị trí tập kết ở Bù Đốp, hai Tiểu đoàn 25A và 25B còn có 36 xe có 26 xe T54, 10 xe 63 và một xe công trình), hai đoàn này được bổ sung cho các tiểu đoàn có trước.

Tháng 8 năm 1972, lại được Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp tăng cường thêm mốt đại đội xe bọc thép bánh hơi, gồm 20 xe BTR-60PB hành quân vào chiến trường. Nhưng chỉ tới vị trí tập kết ở Bù Đốp có 8 xe, sau thu thêm được 2 xe. Như vậy đại đội xe bánh hơi nước trước khi bước vào cuộc chiến có 10 xe.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 05:05:39 pm »

Để tiếp tục chi viện cho chiến trường, ngày 19 tháng 12 năm 1972, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp tăng cường tiếp Trung đoàn 201B gồm hai tiểu đoàn chiến đấu (di và d5) được trang bị 48 xe (T54, T59, K63). Sau 70 ngày đêm hành quân, Trung đoàn 201B đã tới Bù Đốp nhưng 15 xe phải sửa chữa dọc đường phải đến tháng 11 năm 1972 mới tới chiến trường).

Sau khi tới vị trí tập kết, Tiểu đoàn 1 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 22. Tiểu đoàn 5 bổ sung cho hai Tiểu đoàn 20 và 2 1. Đại đội 1 nhập với Đại đội 35 thành Tiểu đoàn 24 huấn luyện. Đại đội thiết giáp của Trung đoàn 201 sáp nhập với đại đội thiết giáp miền Đông hồi tháng 8 năm 1972 thành Tiểu đoàn 23. 

Như vậy đến tháng 4 năm 1973, bộ đội tăng thiết giáp Miền có năm tiểu đoàn (d20, d21, d23, d25a, d25b) và hai Đại đội 33 và 52 là những đơn vị chiến đấu Ngoài ra còn có Tiểu đoàn 24 là đơn vị huấn luyện.  Song song với việc tiếp nhận Đoàn 201B, Đoàn M26 đã tổ chức bộ phận tiếp nhận phụ tùng, vật tư do Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp chuyển theo đường vận chuyển của Bộ Quốc phòng vào B2 kết hợp. Tính đến cuối năm 1974, bộ đội tăng thiết giáp Miền có tổng cộng 635 tấn, chuẩn bi cho chiến cuộc năm 1975.

Vào tháng 2 năm 1975, Bộ Tổng tham mưu điều Tiểu đoàn 3 T54 của Quân đoàn 4 tâng cường cho Đoàn M26. Vào tháng 3 năm 1975, và thêm hai tiểu đoàn tăng thiết giáp của Lữ đoàn 215 gồm 63 xe Tăng T54, T59 và K63-85 (xe tăng pháo 85 ly bơi nước). Tất cả đến chiến trường an toàn.

Sau hai ngày giao nhận tại Bù Đốp, cả ba đơn vị hành quân tham gia đội hình chiến đấu ngay. - Tiểu đoàn 1 theo hướng Tiểu đoàn 21 về Lâm Đồng  Túc Trơng - Tráng Bom - Xuân Lộc - Hố Nai.  “ - Tiểu đoàn 2 theo hướng Tiểu đoàn 23, Đại đội 33 về Hậu Nghĩa - miền Tây - Tiểu đoàn 3 theo hướng Tiểu đoàn 20 tăng cường cho Quân đoàn 4 từ hướng Xuân Lộc vào. 

Trước khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn bộ xe đều được bảo dưỡng kỹ thuật. Nhờ vậy, suốt chiến dịch ta chỉ có 13 xe phải hủy. Sau chiến dịch ta đã thu gom được của địch 478 xe tăng thiết giáp, 429 Ô tô các loại cùng nhiều vũ khí và phương tiện bảo đảm kỹ thuật. 

Suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội tăng thiết giáp trên chiến trường B2 luôn phát huy tinh thần tiến công, quyết tâm làm chủ vũ khí kỹ thuật, đêm ngày lăn lộn với xe pháo, khí tài, kiên trì học tập, rèn luyện chiến đấu từ tay không đoạt xe địch đánh địch. Lấy việc tự đào tạo tại thực tế chiến trường, kết hợp với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ binh chủng được đào tạo chính quy, tổ chức lực lượng binh chủng kỹ thuật hiện đại tại chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ bằng nguồn tại chỗ cộng nguồn hậu phương chi viện.

Bộ đội tăng thiết giáp B2 với tinh thần chủ động, sáng tạo đã biến sự hiểu biết sâu về khoa học kỹ thuật của binh chủng thành bản lĩnh của mình để khi bước vào chiến đấu phát huy được thế mạnh vũ khí trang bị của một binh chủng kỹ thuật hiện đại. Từ những phong trào thi đua “dạy hay, học giỏi”, “tiến quân vào khoa học kỹ thuật”, đến phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật “mỗi ngày một sáng kiến, mỗi ngày một chiến công” hay “óc nghĩ những điều hay, tay làm những việc tốt”... bộ đội tăng thiết giáp B2 đã không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện và hiệu suất chiến đấu cao, có những gương điển hình như chính trị viên Đại đội 1 (Tiểu đoàn 21 Anh hùng) Nguyễn Xuân Liêm, trong trận Phước Long, anh chỉ huy ba xe, khi hai xe bạn gặp khó khăn, anh mưu trí tăng tốc độ dùng xích sắt đè bẹp các lớp rào kẽm gai, thọc sâu vào căn cứ địch, tạo điều kiện cho bộ đội tấn công giành thắng lợi.

Đại đội 33 anh hùng, đơn vị tiền thân của bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ, từ một đơn vị thu gom xe địch trở thành đơn vị chiến đấu.  Trong trận đầu ra quân tại mặt trận Sa Mát - Thiện Ngôn (Tây Ninh), đại đội đã sử dụng ba loại xe mới đoạt được của địch là M24, M41. M51 bất ngờ bí mật đánh địch, giành thắng lợi giòn giã theo phương châm ‘lấy gậy ông đập lưng ông”... Với những thành tích ấy, bộ đội tăng thiết giáp đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của Binh chủng “Đã ra quân là đánh thắng”, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Bộ đội tăng thiết giáp của chúng ta tuổi trẻ mà nhiều chiến công”.

Ngày 20 tháng 10 năm 1976, Binh chủng Tăng - Thiết giáp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang. Vinh dự đó có phần đóng góp không nhỏ của bộ đội Tăng - Thiết giáp B2 và miền Đông Nam Bộ. Riêng lực lượng Tăng - Thiết giáp ở B2 cũng có 2 đơn vị được tuyên dương anh hùng: Tiểu đoàn 21, Đại đội 33 và hai cá nhân là Nguyễn Xuân Liêm và Phạm Văn Cán. 

Thành phố Hồ Chí Minh 19-5-2003
M. V. P 
165C Đường Sư Vạn Hạnh, P13, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM