Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:38:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75108 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:20:59 pm »

Cơ quan Bộ tư lệnh ngày đó sơ tán ở thôn Lan Đình, xã Kim Long, huyện Tam Dương (chân núi Tam Đảo). Một hôm được báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Lần ấy chúng tôi họp Thường vụ Đảng ủy Binh chủng với danh nghĩa báo cáo tình hình với đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương. Sau khi nghe báo cáo, anh Văn ôn tồn nói: “Các đồng chí hãy kiên trì lãnh đạo anh em, yên tâm xây dựng Binh chủng, giữ gìn xe tăng cho tốt. Nhất định sẽ có ngày xe tăng lên đường. Đánh lớn là phải có xe tăng”.

Trong cuộc họp ấy (lúc đó tôi là Chủ nhiệm chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Binh chủng) tôi như được anh Văn chỉ ra cho một tầm nhìn chiến lược, từ sự kiện cụ thể: Phải cất xe tăng đi bắn máy bay ấy. Quả nhiên giữa năm 1967, các đơn vị đi bắn máy bay đã trở về Binh chủng và Mùa Xuân 1968, xe tăng đã lên đường ra trận.

Lần ấy không phải là lần đầu, và cũng không phải là lần duy nhất anh Văn chủ động xuống thăm đơn vị. Tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “Chủ động xuống thăm”. Tôi không muốn đưa tên một số cán bộ cấp chiến lược khác ra đây để so sánh, song ở cương vị một Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy luôn chủ động đi các đơn vị để hiểu tình hình, đó là một nét nổi bật của anh Văn, khác với một số, từ khi tôi ở đơn vị xe tăng đến ngày nghỉ hưu, chưa hề thấy Thủ trưởng ấy xuống mặc dầu đồng chí ấy nắm những việc hệ trọng trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ và tổ chức Đảng các cấp v.v... 

Anh Văn rất tôn trọng cán bộ cấp dưới, một lần được tin anh đến chỗ Bộ tư lệnh chúng tôi sơ tán. Ô tô của Anh phải đỗ ở chân đồi, vì xe du lịch loại một cầu không leo đồi được, tôi và anh Dương Đằng Giang, Tham mưu trưởng Binh chủng ra chân đồi đón. Thời tiết mùa thu, nhưng leo đồi người nóng lên, anh Văn cởi áo khoác ngoài, vì quý Thủ trưởng cấp trên, tôi đỡ áo khoác và cầm lấy để anh đi thuận lợi. Đi được mươi bước anh Văn quay lại nhắc đồng chí cận vệ của anh và nói: Cậu cầm lấy cái áo thay anh Xuân.

Tuy là cử chỉ nhỏ, song tôi thật cảm động vì tấm lòng người Anh Cả của mình, chú ý đến em từng chi tiết, trong cách cư xử. Anh Văn rất thích gần gũi hòa hợp với cấp dưới trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, mỗi khi có dịp đi công tác cùng cấp dưới, tôi nghĩ có lẽ đó cũng là một phương pháp để anh hiểu kỹ cán bộ hơn và cũng là để bồi dưỡng cán bộ khi có điều kiện. 

Khoảng giữa năm 1971, sau chiến dịch đường 9 Nam Lào, anh Văn sang Liên Xô để bàn bạc với Bộ Quốc phòng bạn một số việc liên quan đến quân đội ta.  Đi theo tháp tùng anh có một số cán bộ đơn vị và cơ quan. Trên Bộ Tổng tham mưu có anh Tống Thái cục trưởng Cục Quân lực, anh Thanh ở Cục 2, anh Trần Văn Đông, Chánh văn phòng Quân ủy, anh Trần Sâm, Phó Tổng tham mưu trưởng, anh Minh Vân cục trưởng Cục Tác chiến. Ở đơn vị có anh Hoàng Văn Khánh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và tôi, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp. Trừ các buổi làm việc theo thể thức ngoại giao thì chỉ có ai liên quan mới được tham dự, còn các buổi chiêu đãi hay ăn cơm hàng ngày, anh Văn cùng tất cả chúng tôi, kể cả đồng chí cận vệ của anh đều ngồi chung một bàn ăn, cùng nói chuyện.

Tôi nhớ trên đường bay từ Hà Nội đi Mátxcơva, chặng đầu tiên nghỉ ở Tát-xơ-ken, Thủ đô nước Cộng hòa U-dơ-be-kit-stăng. Tiếp khách phía bạn có hai ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an nước Cộng hòa. Tất cả chúng tôi, anh Văn đều cho phép cùng dự, nhưng chúng tôi giữ nguyên tắc nếu anh Văn hoặc bạn hỏi ai thì người đó được nói, còn không thì chỉ anh Văn nói chuyện. 

Trong khi ăn, đang vui chuyện thì bạn bỗng nhiên nói: Đồng chí Đại tướng xem Trung Quốc gây căng thẳng với chúng tôi ở biên giới (ngày đó Liên Xô và Trung Quốc có xung đột vũ trang ở biên giới). Khi chúng tôi viện trợ cho các đồng chí Việt Nam qua đường sắt thì Trung Quốc ngăn cản. Các đồng chí nên nói với Trung Quốc. Anh Văn nói: Vấn đề giữa Liên Xô và Trung Quốc nó như đám mây đen nhỏ, rồi sẽ tan đi, còn con đường Liên Xô viện trợ cho Việt Nam có khó gì đâu. Các bạn có cả đường biển mênh mông, nếu ở cảng Hải Phòng mà có tàu treo cờ Liên Xô thì cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam thêm ý nghĩa biết bao. 

Nghe xong tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, còn bạn thì cười vui vẻ, đề nghị chạm cốc. Có lẽ đấy là một bài học vỡ lòng cho tôi sau này khi đi làm Tùy viên Quân sự Việt Nam tại Tiệp Khắc (1980 - 1984). Ngày nay viết tới đoạn này tôi đọc lại bản di chúc của Hồ Chủ tịch thấy Người đánh giá các sự kiện Liên Xô, Trung Quốc:

“.. Sự bất hòa của các Đảng anh em”. Người dùng chữ bất hòa cơ mà, mặc dầu có sự xung đột vũ trang ở biên giới cũng chỉ là sự bất hòa trong anh em thôi, sớm muộn sẽ được khắc phục...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết thật là rộng lớn, bao dung. Nhớ lại câu chuyện anh Văn trả lời vào thời điểm ấy sao mà tài tình thế và thể hiện đúng tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ.

Từ lúc đó trong bữa tiệc chiêu đãi chuyển sang chuyện vui. Bữa tiệc kéo dài, sau chuyến bay dài chúng tôi đã thấm mệt và cũng đã ăn khá no, bỗng anh Văn nói vui: Các bạn Liên Xô có món Xát-sơ-lức (thịt cừu xâu vào xiên sắt nướng trên lò than) rất ngon. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:22:41 pm »

Đó chỉ là câu nói vui, mang tính xã giao, vì tiệc đã gần tàn. Nào ngờ đồng chí Thủ tướng nước Cộng hòa U dơ-be-kít-xtăng nói luôn: “Xin mời Đại tướng thưởng thức món Xát-sơ-lức của Tát-xơ-ken chúng tôi. Nguy quá, các nhân viên phục vụ đã bê ra một đĩa to Xát-sơ-lức.  Anh Văn nhìn chúng tôi, mỉm cười nói khẽ: Thôi các cậu mỗi người cố ăn một xâu.

Tôi đã từng học ở Liên Xô nên đã từng ăn Xát-sơ-lức. Tuy rất ngon song lúc đó bụng đã quá no, cũng đành cầm ăn. Không hiểu sao, lúc đó tôi lại buột ra câu tiếng Nga “chút-đét-snờ” (Tuyệt vời) Anh Văn nhìn tôi cười có vẻ tán thưởng câu nói đó, nhưng anh lại bảo: Đúng là tuyệt, cậu Xuân ăn thêm sâu nữa!

Tôi sợ hết hồn, nhưng đã chót khen, đành phải ăn, và thế là cả đêm hôm ấy bụng tôi cứ óc ách và khó ngủ. Tôi lại được một bài học ngoại giao: Mỗi câu nói phải cân nhắc cho kỹ và đúng chỗ. Việc khen của tôi lúc đó là đúng, nhưng lại không đúng thời cơ nên tôi nhận hậu quả “nặng bụng”.

Thời gian làm việc ở Mátxcơva, anh Văn được Bộ Quốc phòng và Đảng bạn tiếp đón trọng thể. Anh được bố trí ở một biệt thự đẹp có vườn rộng. Chúng tôi được bố trí ở một khách sạn của Bộ Quốc phòng, nhưng hàng ngày tất cả chúng tôi đều đến nơi anh ở và cùng ngồi ăn cơm với anh quanh một cái bàn, vừa ăn vừa trò chuyện thân mật.

Một hôm anh Thanh (Cục 2) nói với tôi: Mai là chủ nhật, anh Văn có ý định làm món ăn Việt Nam đấy. Tớ và cậu làm sao tránh phải vào bếp để có thời gian ra chơi phố. Cậu quen Mátxcơva hãy dẫn mình ra Quảng trường Lênin và vào “Gum” nhé (Gum là Bách hóa tổng hợp ở Mátxcơva).

Thế là trong bữa cơm chiều ngày thứ bảy, anh Văn hỏi: Cậu nào biết làm món ăn Việt Nam thì mai ta làm một bữa. Anh Thanh nhìn tôi nháy mắt, tôi hiểu ý nên nói: Thưa anh, tôi biết luộc rau muống. Luộc cho xanh, vớt ra không nhừ, ăn ròn và chín rất khó. Tôi biết rõ ở cái đất Mátxcơva đang có tuyết thì lấy đâu ra rau muống chứ? Anh Văn nhìn tôi tủm tỉm cười, tôi toán chắc anh nghĩ: Cậu Xuân thật là láu cá. Rồi hỏi anh Tống Thái. Anh Tống Thái nhận là biết làm phở. Thế là hôm sau anh Tống Thái ở nhà làm phở còn tôi và anh Thanh thì đi ngắm Quảng trường Lênin thật thoải mái. 

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 toàn thắng, cuối năm đó Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp mở Hội nghị tổng kết toàn Binh chủng. Tôi Phó Chính ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, cùng anh Đào Huy Vũ, Tư lệnh, ủy viên Thường vụ Đảng ủy, chúng tôi chủ trì và điều khiển Hội nghị. Đồng chí Tổng Tư lệnh xuống dự tổng kết.  Đại tướng rời Chủ tịch Đoàn, đi xuống các hàng ghế cán bộ dự tổng kết. Đại tướng đi đến đâu anh em đứng dậy, Tổng Tư lệnh bắt tay anh em, còn chúng tôi thì giới thiệu tên từng đơn vị và chiến công của đơn vị ấy trong mùa xuân toàn thắng.

Tôi thấy Đại tướng tỏ vẻ hài lòng và rất vui vẻ khi trở lại vị trí Chủ tịch Đoàn, trước khi nói chuyện với Hội nghị, Đại tướng nói: Vừa rồi không phải chỉ là giới thiệu đoàn đại biểu của các đơn vị mà là giới thiệu từng trang lịch sử hào hùng của Binh chủng. Tôi cảm thấy như Tổng Tư lệnh khen mình, tôi rất vui và câu nói “giới thiệu trang lịch sử hào hùng của Binh chủng” cứ ám ảnh tôi, nên suốt những ngày nghỉ hưu tôi luôn ôm ấp một ước vọng: làm sao ghi lại được những nét sống động, chân thật lịch sử hào hùng của Binh chủng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cái ước vọng đó đã thôi thúc tôi bàn với anh em viết hồi ức chiến đấu của xe tăng và được anh em hưởng ứng. Cuốn hồi ký tập 1 - mang tên “Theo vết xích xe tăng” đã ra mắt vào tháng 10-2002.

Sau khi sách được xuất bản, tôi mang đến biếu anh Văn một cuốn, với tấm lòng kính yêu Anh của những người lính xe tăng.

Năm 2002, anh Văn đã ở tuổi 92, thế mà anh Văn vẫn dành thời giờ đọc và viết nhận xét về cuốn sách, tôi đã đến nhận bản viết tay của anh và in ở trang đầu cuốn hồi ký “Theo vết xích xe tăng” tập 2 này.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những toàn quân kính yêu, mà nhân dân cũng rất quý mến Đại tướng. Còn ở các nước phương Tây nhiều sử gia, nhà báo cũng đánh giá rất cao về Đại tướng. Nhà sử học quân sự người Mỹ Xê-xin Ca-ri, trong công trình nghiên cứu “Chiến thắng bằng mọi giá ‘ Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam” xuất bản.năm 1977 đã viết:

“(…) Ông đã trở thành một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân hiện đang còn sống (...) ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất, duy nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại . (Báo QĐND số Tết Quý Mùi - bài Thế giới với Võ Nguyên Giáp - tác giả Nhật Hoa Khanh). 

Nhân kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2004), là một chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, tôi xin kính chúc Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ - anh Văn - Người Anh Cả kính yêu của QĐND Việt Nam trường thọ.

Hà Nội 7-5-2004
Đ V X
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:36:52 pm »

BA LẦN GẶP TỔNG TƯ LỆNH

Lê Trí Dũng - Họa sĩ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (tấn phong Đại tướng ngày 28-5-1948 thời Bác Hồ và Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn ở Việt Bắc), vị chỉ huy đánh thắng hai đội quân xâm lược là Pháp và Mỹ.

Với những người làm công tác văn hóa, ông là Anh Văn thân thiết. Còn với những người lính chúng tôi, dù đang còn mặc áo lính hay đã giải ngũ, ông là vị chỉ huy suốt đời, là “ông Tướng huyền thoại” của chúng tôi. Riêng với tôi, còn có kỷ niệm không bao giờ quyên được với ba lần gặp ông. 

Lần thứ nhất. Đó là những ngày giáp Tết Nhâm Tý đầu 1972, Sư đoàn Bộ binh 338 quân tăng cường Bộ Tư lệnh Thủ đô đang cấp tập “rèn” quân ở Thạch Thành (Thanh Hóa). Ngày nào cũng đeo 10kg đá đựng trong sọt te tự đan chạy 5km, sau đó là lăn lê, xạ kích, võ thuật và đào giao thông hào.

Đại đội đóng quân trong một bản người Mán (nay là dân tộc Dao), vùng bán sơn địa. Sung sức, tôi được giao khẩu B41, nặng, và là hỏa lực chính của đại đội. Mùa đông năm ấy rất lạnh. Đêm nằm, chúng tôi mặc tất quần áo, quấn cả màn và áo mưa mà ngủ, chờ lệnh xuất quân vào B dài. 

Thế rồi, một đêm khoảng 12 giờ đột nhiên còi báo động rúc lên. Lệnh xuất quân? Toàn bộ quân trang quân dụng phải mang đi hết. Lính tráng làu bàu: Đêm hôm giá buốt, lại còn vài ngày nữa là Tết... Nhưng kỷ luật chiến trường, quân lệnh như sơn. Tôi nai nịt chặt chẽ xong, hất khẩu B41 lên vai là đi luôn.

Trời đêm đen như mực, hết đèo lại suối, người sau theo người trước mà đi. Hầu hết lính nhập ngũ năm ấy là sinh viên các trường đại học, có cả những thầy giáo và khá đông nghiên cứu sinh ở nước ngoài mới về... Đến lúc ấy các “công tử” mới thấy giá trị của những buổi đeo sọt rèn quân.

Lính Hà Nội chúng tôi còn khó vứt dời những mối tình kiểu như “biển một bên và em một bên”. Và có lúc cái nhà kho chứa rơm của hợp tác xã bị biến thành “chiêu đãi sở” của lính, và nước mắt chia ly nhiều bao nhiêu thì càng làm tăng sự đột ngột của lệnh hành quân đêm ấy. Nhưng đến tảng sáng thì chúng tôi ngã ngửa người ra khi nhìn thấy lờ mờ dãy núi đá vôi Ninh Bình. Tức là chúng tôi đã lộn ngược ra Bắc hơn 40km. 

Đến gần nơi Quang Trung hội quân để đại phá quân Thanh năm 1789. Và một tin còn bất ngờ hơn: Chuẩn bị nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh úy lạo và chúc Tết trước khi vào nơi ta cho quân Mỹ ngủ trọ!  Hôm ấy, Sư đoàn bộ đã dựng một khán đài cao, Đại tướng đứng trên đó nói chuyện, toàn Sư hàng ngũ chỉnh tề trải dài xuống ven đồi. Nhiều đơn vị ở quá xa chỉ cử đại diện. Đại tướng lên nói chừng 15 phút, chúc Tết và động viên binh sĩ, tiếng “u ra” vang rền.

Kết thúc, đơn vị chỗ nào lại về chỗ nấy. Chúng tôi còn nán lại để “xem mặt” ông. Ra đến ngoài cánh rừng bạch đàn, thấy rất nhiều binh sĩ đứng dọc hai bên đường, từ trên xe, ông nhảy xuống đi bộ giữa hai hàng quân, tay vẫy vẫy...  Đột nhiên, ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ, chỉ chừng 17 tuổi và rất “hạt tiêu’, lùng thùng trong bộ quân phục số 2.

Đối diện với người binh nhì, ông ôn tồn hỏi: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?” “Báo cáo Đại tướng - gần một tháng ạ” “Đã học chào chưa?” Người lính trẻ lúng túng, vì cảm động hơn là vì câu hỏi, và bất ngờ, Đại tướng dập gót, đứng nghiêm, giơ tay chào. Người lính cũng đứng thẳng người, chào đáp lại, hai mắt anh rực sáng, suốt đời tôi không bao giờ quên ánh mắt của người binh nhì hôm ấy.

Trong ánh mắt ấy nửa như có sự hàm ơn, nửa như mang một lời hứa.  Trong giây lát, không gian như nén lại, rồi vỡ tung ra trong tiếng “u ra” vang dội. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng cảm động và lạ lùng: Một Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận.

Giờ đây, đã hơn 30 năm, lũ trẻ sinh thành đêm hôm ấy phần lớn đã có vợ con. Còn chúng tôi không quên được cuộc hội ngộ đêm ấy. Trong tình thế ầm ầm vào trận, mạng sống quả rất mong manh. Nhưng với đạo quân “Phụ tử chi binh” ấy, người ta cũng có thể chết vì một tấm lòng, một nghĩa cử lắm chứ’ Sự thực trong đoàn quân năm ấy rất nhiều người đã không trở về, họ vĩnh viễn nằm lại Thành cổ Quảng Trị, đáy dòng Thạch Hãn, một cánh rừng nào đó ở B2, B3, chiến trường C...  Nhưng tôi biết sức mạnh của những người lính chúng tôi được tăng lên rất nhiều kể từ buổi gặp chủ tướng của mình ngày ấy.

Lần thứ hai: Vào cuối 1994. Cuộc triển lãm hội họa mang tên “Cái nhìn từ hai phía” hội tụ 40 họa sĩ Cựu chiến binh hai nước Việt Nam và Mỹ sau khi chu du vòng quanh nước Mỹ, gặt hái nhiều tiếng vang thì Lễ bế mạc được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ Thuật - Hà Nội. 

Vài hôm sau buổi lễ, tôi được Ban tổ chức mời đến để cùng tiếp một vị khách mời đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn một giờ đồng hồ, ông xem kỹ từng bức một, thỉnh thoảng trao đổi đôi lời với bọn tôi. Ông dừng lâu trước bức Chân dung Bác Hồ gắn bằng những con tem thư của họa sĩ Cựu chiến binh Mỹ Đa Vít Tô Mát và bức Cánh rừng Đi ô xin của tôi. Tôi biết, ngày nay ở Hà Nội, mỗi tuần một triển lãm, việc ông đến thăm triển lãm hội họa của những người lính cũ hai bên của cuộc chiến mà “hơi bom còn nóng hổi” là không phải điều đơn giản. Ông thích hội họa, am hiểu văn, sử, khoa học và còn là một tay chơi Pianô cũng cấp tướng, thật võ văn song toàn.

Lần thứ ba: Thời gian cứ như ngựa Ký ngựa Kỳ chạy qua cửa sổ. Nhiều lúc phóng xe trên đường tôi cứ nghĩ: “ông” tướng đã 93 tuổi rồi, đại thượng thọ rồi, không biết có còn tập Thiền nữa không?....
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:37:21 pm »

Thế rồi, một dịp bất ngờ, tôi được vẽ và chụp ảnh Đại tướng.  Một chiều tháng 9, tôi đến tư dinh ông, vườn rất rộng, um tùm và thiếu bàn tay chăm sóc. Tôi chờ trong phòng khách, phòng rộng, để nhiều quà tặng của các Quân khu gửi lên, phần lớn đậm chất lính và tình người. Rồi ông xuất hiện trong bộ lễ phục Đại tướng. Cử động chậm đi nhiều tuy rất minh mẫn.

Sau phút chào hỏi, ông bảo: Làm việc ngay, vì lát nữa là đến giờ tập Thái cực quyền rồi. Tôi bắt đầu vẽ, căn phòng lặng tờ, chỉ nghe tiếng sột soạt trên giấy. Đột nhiên, ông bảo: “Rất nhiều người nói tôi có hai đặc điểm: cái mắt và cái trán, anh lưu ý nhé”. Tôi biết ông đang mệt, dạo này thời tiết rất độc, mưa luôn.

Vừa vẽ, tôi vừa quan sát ông, đằng sau vầng trán kia ông đang nghĩ gì? Hơn 30 năm trước hằng đêm ông thức trắng nghe tin chiến sự niềm Nam từ điện thoại trực tuyến, nước mắt Tướng quân có rơi không khi nghe tin đồng chí đồng bào của mình hy sinh dưới bom đạn địch? Và ông phải chống chọi thế nào với bão giông sau cuộc chiến?

Bất thần, ông hỏi: “Nhà đồng chí ở đâu?” Tôi vừa trả lời ông vừa lựa thế đưa câu chuyện chuyển sang hướng “tâm tình”. Nhưng không, chỉ thế thôi? Ác liệt của chiến tranh và cuộc sống quân ngũ, sự cọ xát thường tình với hiểm nguy và yêu cầu quân sự đã tôi luyện vị Tổng chỉ huy thành bản lĩnh “Buồn giận không lộ ra nét mặt”.

Rồi 30 phút qua đi.  Bức họa bằng bút sắt đã xong, nhìn vẻ chưa hài lòng của tôi ông đột nhiên hỏi tùy tùng, “Mai thứ mấy?” “Thưa, thứ 7 ạ?” “Vậy mai anh lại đến nhé! “Lại bất ngờ, tôi hồi hộp: “Dạ, mấy giờ ạ?” vài tích tắc trôi mau “Ba giờ!” đến bây giờ và mãi mãi về sau, tôi không thể quên được âm thanh, ngữ điệu và hồn khí của hai từ ấy “Ba giờ”. Đại tướng nói nhanh, mạnh và sắc với thổ ngữ của người Lệ Thủy - Quảng Bình.

Không, không hẳn là vì thổ ngữ xứ đó, xứ quen trận mạc và đau thương, xứ nhân kiệt... Mà trong âm điệu ấy, cái ý toát lên một lời hẹn thì ít, mà nghe như một tiếng lệnh thì đúng hơn, đời ông, ông đã ra bao nhiêu cái lệnh như thế. Cái âm hưởng nó toát ra cái thần hồn, thần khí có tác dụng gieo vào lòng người thừa hành một lòng tin đặc biệt, chắc thắng, không do dự.

Tôi tặng ông cuốn Theo vệt xích xe tăng tập 1 và giới thiệu đây là cuốn hồi ký của bộ đội xe tăng trong chiến tranh... ông cầm cuốn sách, im lặng nhìn chiếc xe tăng vượt cổng trời nơi bìa... Chuyển cho tùy tùng cất đi và nói: “Tôi sẽ đọc”.  Rồi thay đồ để đi tập Thái cực quyền. 

Ba giờ đúng ngày hôm sau, công việc tiếp tục. Ông tươi tỉnh hơn. Thấy tôi giở máy ảnh, ông bảo: “Tôi rất ít khi được chụp một mình, bởi các đoàn thăm cứ bíu vai bíu cổ đòi chụp chung...

Lúc tôi vẽ ông, ông ngồi rất im, để phá tan cái im lặng ấy, tôi hỏi ông: “Chiều nay ông có còn tập quyền nữa không?” ông bảo: “Không!” rồi tiếp: “Tôi tập lại, trước tập rồi, bây giờ tập lại” rồi đột ngột, ông bảo “Sao Minh Đỉnh “đi” nhanh thế nhỉ?  Đang khỏe, giới họa cũng đánh giá nó nặn Bác Hồ giống nhất đấy!”... Tôi đưa cho ông xem bức họa vừa xong bằng phấn màu, ông ưng ý lắm: “Được đấy.” và gọi vợ “Hà ơi, xem này”.

Tôi đưa cây bút dạ để ông ký vào góc dưới tranh, ông cầm bút hơi rung, dưới ngón trỏ một nốt ruồi đỏ cực lớn, ông hỏi: “Ký là Văn nhé?” Tôi trả lời: “Không ạ, Đại tướng cứ ký Võ Nguyên Giáp là hơn! “Im lặng, rồi dường như lấy đà, ông phóng bút ký, đường bút đi như kiếm bay, rồi chấm một cái vào một chỗ không ngờ. Thế là bức họa hoàn thành. Ông bắt tay tôi và nói: “Cho tôi gửi lời chào toàn thể gia đình anh nhé!”. Ông là vị tướng quân của người Việt Nam, của dân tộc cấy lúa nước, là chỉ huy trưởng đoàn quân chân đất năm xưa, ông giản dị vô cùng!.

Chị Hà (Đặng Bích Hà) tiễn tôi, tôi bảo: “Ông là tài sản của nhân dân Việt Nam” chị Hà sửng sốt: “Thế à”!  Chị Hà ơi, sao chị lại sừng sốt? Ông đã lấy lại lòng tin cho chúng tôi trong bao phút ngã lòng. Đời người ta, ai không có những phút ngã lòng? Khi cái ác đè lên cái thiện, khi sự thật bị vùi lấp... Thì chúng tôi cần ông biết bao. Vì ông mãi mãi là vị Tổng Tư lệnh của những người lính chúng tôi.

14-9-2003
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:51:30 pm »

NHỚ NGÀY ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
VỀ DỰ TỔNG KẾT MÙA XUÂN ĐẠI THẮNG Ở BINH CHỦNG

Đại tá  Ngô Quang Chiến
Nguyên trưởng phòng tác chiến
Binh chủng Tăng - Thiết giáp.


Hội nghị tổng kết hoạt động của bộ đội thiết giáp trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngày 19-10-1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và phát biểu, là một sĩ quan tác chiến tôi ghi lại ý kiến của Đại tướng.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp (5-10-1959/5-10-2004) tôi xin ghi lại một số ý chính Đại tướng đã nói trong Hội nghị... 

Chủ tịch đoàn Tư lệnh Đào Huy Vũ trân trọng giới thiệu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Quân ủy TW; Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh các lực lượng Vũ trang nhân dân đến dự.

Đại tướng đứng dậy vẫy chào, tươi cười đáp lại những tràng pháo tay kéo dài của các đại biểu... 

Tư lệnh Đào Huy Vũ mời Đại tướng đi đến từng đoàn đại biểu đang ngồi ở Hội trường: Thưa đây là Đoàn 26 Thiết giáp Nam Bộ.  Tất cả cán bộ đoàn Thiết giáp Nam Bộ đều đứng dậy, Đại tướng bắt tay mọi người. Khi bắt tay đến đồng chí Hồ Hùng Thái, Đại tướng hỏi:

- Đồng chí làm cương vị gì trong Đoàn?

- Thưa Đại tướng: Tôi Hồ Hùng Thái là Phó Tư lệnh Đoàn thiết giáp Miền ạ.

Đại tướng cười vui vẻ: Chúc đồng chí làm to hơn...  Khi bắt tay đồng chí Đỗ Bể, Tiểu đoàn 6 xe tăng thuộc Sơ đoàn 968 Đại tướng hỏi:

- Đánh Lào Ngam bằng xe lội nước phải không?

- Thưa vâng, đây là xe PT76B khá hiện đại.

Nghe đồng chí Đỗ Bể trả lời Đại tướng như vậy làm tôi nhớ lại hồi tháng 5 năm 1972 ta tiếp nhận 10 xe tăng PT76B, theo lệnh Binh chủng tổ chức một đại đội do đồng chí Thái làm đại đội trưởng đưa vào bổ sung cho B1, trước khi hành quân tôi cùng bộ phận của cơ quan tham mưu theo dõi việc hướng dẫn cho trưởng xe dùng thiết bị ổn định tầm, hướng và bắn đêm bằng hồng ngoại. Đơn vị đến Nậm Bạc thì có lệnh trên chuyển thuộc cho Tiểu đoàn Tăng 6 thuộc Sư đoàn 968 để đánh địch... 

Đại tướng lần lượt bắt tay các Đoàn xe Tăng 195 Bắc Lào, Trung đoàn Thiết giáp 273 Quân đoàn 3, Trung đoàn 574 Liên khu 5, Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2, Lữ đoàn 202 Quân đoàn 1... và Đại đội xe tăng 3 thuộc Đoàn 559 sử dụng xe T34 đã tiêu diệt địch ở đồi 500 trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Sau đó Đại tướng trở về vị trí Chủ tịch đoàn và nói chuyện với Hội nghị:

“... Tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi thành tích xuất sắc của Binh chủng xe tăng lập được trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, và chuyển lời thăm hỏi của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị của đồng chí Bí thư Thứ nhất, của Tổng Quân ủy, của bộ Tổng Tư lệnh đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng.

Thắng lợi to lớn của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn kết thúc cuộc Cách mạng dân tộc, chấm dứt ách thống trị thực dân đế quốc hơn 100 năm trên đất nước ta. Mười lăm năm đầu từ khi Đảng ta ra đời là thời kỳ vận động, giác ngộ, tổ chức lực lượng để dùng bạo lực chính trị kết hợp với bạo lực võ trang tiến hành khởi nghĩa dành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8. 

Chín năm kháng chiến chống Pháp là thời kỳ vừa đấu tranh võ trang vừa từng bước tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng để có nhiều đơn vị bộ binh tập trung và bước đầu xây dựng các binh chủng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong lục quân tuy nhiên chưa có điều kiện xây dựng Binh chủng xe tăng - tuy vậy ta đã đánh thắng Pháp, điều đó nói lên vai trò của bộ binh và các binh chủng khác rất quan trọng.

Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ chúng ta tiếp tục từng bước xây dựng và phát triển lực lượng đáp ứng với quy mô tác chiến hợp đồng binh, quân chủng ngày càng lớn hơn. Với đường lối quân sự đứng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhờ tinh thần anh dũng chiến đấu của quân ta, có sự chỉ huy tài tình của Bộ Chính trị, Tùng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh nên từ kế hoạch 2 năm chúng ta chỉ thực hiện chưa đầy 2 tháng quét sạch trên 1 triệu quân ngụy, làm sụp đổ hệ thống chính quyền Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:51:40 pm »

Ba mươi năm qua cả nước là trận địa, mỗi người là một chiến sĩ trong đó lực lượng võ trang nhân dân là nòng cốt, từ chỗ không có một tấc đất tự do đến có chiến khu, có vùng giải phóng, đến nay cả nước được giải phóng. Quân đội ta từ tự vệ đỏ, đội du kích, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nay có hàng triệu quân với các quân chủng, Binh chủng - trang bị từ súng kíp tự tạo các loại vũ khí tướt được của quân Nhật, Pháp và quân Tưởng rất thô sơ, không đồng nhất, đến nay ta đã có các trang bị khá hiện đại cho Lục quân, Không quân, Hải quân. Binh chủng Thiết giáp cũng trưởng thành nhanh chóng cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Năm 1959 Trung đoàn xe tăng đầu tiên thành lập, Thiết giáp là một Binh chủng trẻ tuổi nhưng đã trưởng thành nhanh chóng và trở thành lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân... Một lần nữa tôi nhiệt liệt khen ngợi chiến công vẻ vang của bộ đội Thiết giáp anh hùng...”.

Cả hội trường vỗ tay như sấm dậy, kéo dài... Đại tướng vẫy tay ra hiệu mọi người đừng vỗ tay và hỏi:

- Các đồng chí Bùi Tùng, Nguyễn Tất Tài, Bùi Quang Thận Lữ đoàn xe tăng 203 đâu? 

Ba đồng chí được Đại tướng gọi tên đều đứng dậy, Hội trường lại sôi động những tràng pháo tay... 

Đại tướng nói tiếp: Năm mươi lăm ngày đêm Tổng tấn công và nổi dậy là một chương truyện đẹp để kết thúc cuộc trường chinh của dân tộc ta suốt 30 năm dòng dã thực hiện trọng vẹn di chúc của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, làm ngụy suy yếu và bị lật nhào”. 

Mười bảy năm xây dựng và phát triển Binh chủng Thiết giáp là thời kỳ huy hoàng vì có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhờ sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, toàn Binh chủng, có sự đoàn kết hợp đồng chặt chẽ của các binh, quân chủng bạn, nhờ sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân. Năm 1975 sử dụng Thiết giáp có nhiều sáng tạo và hiệu quả là nhờ biết nắm thời cơ chiến lược, có quyết tâm cao, táo bạo bất ngờ nên cho ta nhiều bài học quí.

Các đồng chí đang tổng kết, nhưng cũng nên coi trọng kinh nghiệm sử dụng xe tăng trong những năm 1971 - 1972. Vừa qua không quân ngụy không mạnh, không quân Mỹ không có khả năng quay lại nên khả năng phòng ngự, ngăn chặn của quân ngụy bị hạn chế, nên khi tổng kết các đồng chí cần chú ý yếu tố này. Rồi đây nếu phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Với kẻ thù có trang bị hiện đại hơn, tinh xảo hơn thì chúng ta không thể tác chiến như với điều kiện vừa rồi...”.

… “Một lần nữa tôi mong các đồng chí tổng kết cho được những kinh nghiệm quí báu về sử dụng xe tăng thiết giáp trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... “.

… “Về nhiệm vụ tới: Tổng quát chung là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng Việt Nam độc lập, thống nhất, Xã hội chủ nghĩa, có công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng hiện đại văn hóa, khoa học tiên tiến. Nhiệm vụ quân đội trong thời gian tới: Phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân thật vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang tinh gọn thiện chiến, chính qui, từng bước hiện đại”...

… “Vừa qua Thiết giáp là lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân, đã thực hiện những cuộc hành quân thần tốc trong chiến đấu, không những hiệp đồng chi viện bộ binh chiến đấu mà có lúc trở thành lực lượng thọc sâu chiến dịch rất xuất sắc trong điều kiện không quân địch yếu, nó nói lên khả năng đột kích mạnh,’khả năng cơ động tốt của Binh chủng trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 vừa qua. 

Sắp tới các đồng chí cần tiếp tục rèn luyện xây dựng lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, rèn luyện tinh thông kỹ thuật, chiến thuật sáng tạo nhiều cách đánh hay để luôn luôn là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân và đến lúc nào đó trở thành lực lượng đột kích chủ yếu của quân đội ta ...

Cuối cùng chúc sức khỏe các đồng chí, chúc mừng chiến công của Binh chủng trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ Trung ương giao cho, xứng đáng với lời khen của Bác Tôn “Binh chủng Thiết giáp tuổi trẻ mà nhiều chiến công”.

Cả hội trường đứng dậy vỗ tay kéo dài như hứa với Đại tướng nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị của Đại tướng.  Gần ba mươi năm trôi qua hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Binh chủng vẫn còn in đậm mãi trong tôi.. 

Tháng 5-2004.
N.Q.C
(ĐT. 04. 5360171)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:35:03 am »

TỪ NÚI ĐANH ĐẾN THÀNH PHỐ SÀI GÒN

Thiếu tướng: Lê Xuân Kiện
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp (1980- 1989)



Tháng 9 năm 1974, tôi đang dự Hội nghị tại Cục Khoa học Quân sự Bộ Tổng Tham mưu thảo luận phương pháp mở chiến dịch tiến công và cách đánh hiệp đồng binh chủng tiêu diệt các Chi Khu, quận lỵ của ngụy và chuẩn bị giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm.

Chiều ngày 20 tháng 9, hết giờ làm việc tôi về nghỉ tại trạm 66 thuộc Bộ Quốc phòng thì gặp anh Phạm Viễn, cán bộ Tuyên huấn phòng Chính trị Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Phạm Viễn vui vẻ nói: “Theo lệnh của Bộ, anh thu xếp công việc ở Hà Nội về ngay Binh chủng để chuẩn bị đi công tác miền Nam”. Tối hôm đó, Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu gọi điện thoại cho tôi: Đúng 8 giờ ngày mai, vào cơ quan 3ộ gặp Thủ trưởng Bộ nhận nhiệm vụ. Cả đêm tôi thao thức, ngủ không ngon giấc.

Đúng 8 giờ ngày 21 tháng 9 năm 1974, tôi vào cơ quan Bộ Tổng tham mưu được anh Văn Tiến Dũng tiếp rất thân tình và giao nhiệm vụ cho tôi: “Cậu chỉ huy ruột đoàn cán bộ và thợ sửa chữa các loại về xe tăng - thiết giáp vào miền Nam để giúp các đơn vị khôi phục, sửa chữa xe tăng - thiết giáp và tập huấn cán bộ tăng thiết giáp về cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia từ Quảng Trị đến miền Đông Nam Bộ (B2) và chuẩn bị cho hoạt động Đông Xuân 1974-1975. 

Sau khi nhận nhiệm vụ thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu giao, tôi về ngay Binh chủng và khẩn trương chuẩn bị các mặt, ngày 1 tháng 10 năm 1974, đoàn cán bộ và thợ sửa chữa tăng - thiết giáp đã tập họp về doanh trại Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp ở chân đồi phía bắc Núi Đanh để quán triệt nhiệm vụ và làm công tác chuẩn bị xe, vật chất khí tài kỹ thuật.

Đoàn cán bộ, thợ sửa chừa gồm có 32 người, cán bộ tham mưu có anh Lê Lâm, Ngô Huệ, cán bộ chính trị có anh Nguyễn Tằng, Nguyễn Tuấn, nhà thơ Hữu Thỉnh, cán bộ kỹ thuật có anh Tống Xuân Hổ, Hồ Ban và một số cán bộ kỹ thuật Tăng - Thiết giáp, cán bộ hậu cần có anh Nguyễn Quất, và các loại thợ sửa chữa Tăng - Thiết giáp, thông tin vô tuyến điện trên xe.

Ngày 5 tháng 10 năm 1974, đúng ngày truyền thống lần thứ 15 của Binh chủng Tăng - Thiết giáp, chúng tôi xuất phát từ Núi Đanh, hành quân bằng hai xe con chở cán bộ và hai xe Ô tô đại xa chở thợ sửa chữa kỹ thuật các loại và các khí tài thiết bị kỹ thuật. Tối ngày 5 tháng 10, cả đoàn nghỉ lại trạm giao liên Bến Thủy. Tối ngày 6 nghỉ lại trạm giao liên Quáng Bình.

9 giờ 30 phút ngày 7 tháng 10 năm 1974. chúng tôi đến thị xã Đông Hà và tới khu vực trú quân của Trung đoàn Tăng 203. Buổi chiều, chúng tôi làm việc với Thủ trưởng Trung đoàn, các cơ quan tham mưu, kỹ thuật Trung đoàn 203. Sau khi nghe anh Bùi Tùng chính ủy trung đoàn báo cáo tình hình biên chế, trang bị và việc khôi phục sửa chữa xe của Trung đoàn, tôi thấy chỉ cần điều tổ sửa chữa thông tin vô tuyến điện đi kiểm tra sửa chữa một số đài vô tuyến điện của các tiểu đoàn chưa thông suốt là được và dặn anh Tùng nếu sau này tình hình kỹ thuật xe Tăng - Thiết giáp của trung đoàn có yêu cầu sửa chữa thì trung đoàn điện ra Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp cử người vào giúp đỡ. 

Ngày 9 tháng 10, đoàn chúng tôi hành quân vào tiểu đoàn tăng lội nước (PT.76) phối thuộc cho Sư Bộ binh 968 ở Saravan Nam Lào. Sau mười ngày khôi phục sửa chữa xe pháo và tập huấn cho cán bộ trung, đại đội tiểu đoàn tăng lội nước, đoàn chúng tôi tiếp tục hành quân vào chiến trường Tây Nguyên (B3). 

Ngày 22 tháng 10 năm 1974, chúng tôi đến khu rừng trú quân của Trung đoàn Tăng 273 thuộc Mặt trận Tây Nguyên ở phía bắc tỉnh Kon Tum, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 273 đón chúng tôi rất thân tình, niềm nở. Sau một ngày, anh em trong đoàn chúng tôi nghỉ ngơi tắm giặt. Ngày 24 tháng 10 tôi và một số cán bộ của đoàn làm việc với anh Phùng, Trung đoàn Phó Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm kỹ thuật, hậu cần trung đoàn và anh Lê Ngọ, Trung đoàn trưởng, anh Tư, Chính ủy đi tập huấn ở cơ quan Bộ Tư lệnh B3 từ ngày 21 tháng 10 năm 1974.

Làm việc với thủ trưởng và cơ quan Trung đoàn 273, tôi nói rõ nhiệm vụ của đoàn là vào các chiến trường nắm tình hình các đơn vị Tăng - Thiết giáp, tập huấn cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia cho cán bộ Tăng - Thiết giáp, cùng đơn vị khôi phục sửa chữa xe, pháo, đài vô tuyến điện, trên xe, bảo đảm đầu xe sẵn sàng chiến đấu cao.

Hai tháng công tác tại Trung đoàn Tăng thuộc Mặt trận Tây Nguyên đã giúp cho đoàn công tác của Binh chủng hiểu sâu hơn tình hình tư tưởng bộ đội, tình hình trang bị, vật tư, khí tài, kỹ thuật tăng - thiết giáp bảo đảm cho chiến dịch Đông Xuân 1974-1975 và trình độ khả năng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:35:33 am »

Cuối tháng 12 năm 1974, đoàn chúng tôi hành quân vào miền Đông Nam Bộ (B2) để làm nhiệm vụ như đã làm ở Tây Nguyên. Trên đường hành quân đến gần cơ quan Bộ Tư lệnh B3, dọc đường đi, anh em quan sát thấy có biển đề: “Bộ Tư lệnh B3 cần gặp anh Kiện tại cơ quan Mặt trận theo mũi tên chỉ”. Anh em ngồi cùng xe hỏi tôi: Chúng ta vào cơ quan B3 cả đoàn 4 xe, hay chỉ đi một xe của anh, 3 xe chúng tôi dừng lại chờ?”. Suy nghĩ một chút, tôi trả lời: Cả đoàn 4 xe cùng đi theo xe tôi. Nhưng khi vào đến cổng gác của cơ quan Bộ Tư lệnh B3 thì 3 xe dừng lại tạt vào bìa rừng, chỉ xe của tôi và một đồng chí trợ lý tham mưu tác chiến vào cơ quan tham mưu Tây Nguyên.

Đến gần cổng gác, xe tôi dừng lại báo cho trực ban biết là tôi đã có mặt và sau đó, trực ban dẫn tôi vào bản doanh của Tư lệnh B3.  Gặp thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh B3, tôi nói: Rất lâu kể từ chiến dịch Đường 9 Nam Lào tháng 2 năm 1971, tôi mới có dịp gặp anh. Có lẽ các anh cần gặp tôi, nên mới có biển đề dọc đường giao liên? Trước hết, tôi xin thay mặt đoàn cán bộ, thợ kỹ thuật tăng thiết giáp kính chúc Bộ Tư lệnh B3 khỏe mạnh, chúc chiến trường Tây Nguyên chúng ta trong chiến dịch Đông Xuân 1974- 1975 giành thắng lợi to lớn, tạo thuận lợi cho chiến cuộc Đông Xuân toàn miền Nam, phát triển thuận lợi chiến thắng giòn giã.

Anh Vũ Lăng cười, bắt tay tôi nắm chặt khá lâu rồi nói: Bộ Tư lệnh B3 đã được Trung đoàn tăng 273 báo cáo đoàn của anh vào giúp tập huấn cán bộ, về cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia và đã liên tục khôi phục sửa chữa xe, pháo, đài vô tuyến điện trên xe cho các tiểu đoàn tăng, tạo thuận lợi cho trung đoàn tăng đầu xe sẵn sàng chiến đấu cao. Bộ Tư lệnh B3 và Trung đoàn tăng 273 chân thành cám ơn Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, và cảm ơn đoàn cán bộ, thợ sửa chữa tăng thiết giáp vào giúp đỡ chiến trường 2 tháng nay.

Anh Vũ Lăng nói tiếp: Tối nay, mời anh, đồng chí trợ lý tham mưu ăn cơm với tôi và đề nghị đoàn cán bộ và thợ sửa chữa kỹ thuật xe pháo của Binh chủng ở lại B3 đê tiếp tục giúp bộ đội Tăng - Thiết giáp B3. Sau bữa cơm thân mật với thiếu tướng Vũ Lăng, tôi trình bày nhiệm vụ của đoàn chúng tôi do Bộ Tổng Tham mưu giao là vào các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên, Nam Bộ để tập huấn cho cán bộ cách đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng - thiết giáp tham gia và khôi phục sửa chữa xe pháo, đài vô tuyến điện trên xe... để chuẩn bị cho Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975 và tiếp tục chuẩn bị để giải phóng miền Nam trong 2 năm.

Anh Vũ Lăng nghe xong nói: B3 đã và đang chuẩn bị mở chiến dịch tiến công đông xuân 1974-1975, đề nghị anh ở lại vì sáng mai, cơ quan tham mưu mặt trận Tây Nguyên họp để thảo luận kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975, mời anh tham dự.

Tôi cảm ơn, nhận lời và thông báo cho anh em trong đoàn. Sau hai tuần đoàn chúng tôi dừng lại khu trú quân của Bộ Tham mưu B3. Tôi được dự cuộc họp đã nói trên. Qua ý kiến của cán bộ tham mưu thì B3 đã điều tra chuẩn bị mở chiến dịch tiến công thị xã Gia Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Đức và Chi khu Đức Lập, nhưng điện của Bộ Tổng tham mưu là mục tiêu chủ yếu phải tấn công tiêu diệt là thị xã Buôn Ma Thuộc.

Qua mấy ngày thảo luận sôi nổi kế hoạch tác chiến Chiến dịch Đông Xuân 1974- 1975 của Mặt trận Tây Nguyên, hội nghị có hai phương án khác nhau: Phương án I là tập trung lực lượng toàn chiến trường Tây Nguyên tấn công tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuộc và Chi khu Đức Lập. phương án II là đề nghị Bộ mở chiến dịch tấn công thị xã Gia Nghĩa và chi khu Đức Lập, sau đó phát triển tiến công các mục tiêu khác.

Gần hai tuần tôi ngồi lắng nghe ý kiến phát biểu của hội nghị và chưa phát biểu ý kiến. Anh Hồ Đệ, phó tham mưu trưởng phụ trách tác chiến của Mặt trận B3 nêu 2 phương án có lập luận của mỗi phương án và đề nghị hội nghị tiếp tục thảo luận, phân tích thuận lợi khó khăn của mỗi phương án. Anh Hồ Đệ nói: Mấy hôm nay chưa nghe ý kiến Phó Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp phát biểu ý kiến đồng ý phương án nào?

Hồ Đệ nói xong, tôi giơ tay xin nói: Mấy ngày nay, tôi nghe các anh phát biểu rất sôi nổi về kế hoạch tác chiến Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975 của Mặt trận Tây Nguyên. Tôi cho rằng, hai phương án mà hội nghị thảo luận đều có lý luận và thực tiễn của nó, phương án II đề nghị Bộ tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công thị xã Gia Nghĩa tỉnh Quảng Đức và Chi khu Đức Lập vì Gia Nghĩa và Đức Lập vừa với sức của B3, cán bộ từ cấp trung, sơ đoàn đã trinh sát điều tra nghiên cứu chuẩn bị chiến trường, đã nắm được địch, địa hình của hai mục tiêu này, ta tấn công thì tiêu diệt địch nhanh, thắng lợi sẽ giòn giã.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:35:53 am »

Nếu mở chiến dịch tiến công Đông xuân 1974-1975 đánh vào thị xã Buôn Ma Thuộc thì ta gặp lực lượng địch lớn, việc phòng thủ của địch tương đối chặt chẽ, hệ thống phòng ngự ở thị xã Buôn Ma Thuộc kiên cố, vững chắc. Mặt khác thực tiễn chiến tranh đánh Mỹ, bộ đội ta chưa tiến công tiêu diệt được một thị xã lớn nào như Buôn Ma Thuộc. Để bảo đảm đánh thắng trận đầu của chiến dịch tiến công đông xuân 1974-1975, chọn mục tiêu thị xã Gia Nghĩa và Chi khu Đức Lập là vừa với sức của bộ đội B3. 

Phương án I, đề nghị Bộ tập trung lực lượng, bộ binh, xe tăng - thiết giáp, pháo binh, pháo cao xạ tấn công tiêu diệt Chi khu Đức Lập và thị xã Buôn Ma Thuộc, bởi vì, Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975, Mặt trận Tây Nguyên được Bộ tăng cường ba sư bộ binh, một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn cao xạ và bộ đội công binh. Do đó, khi mở màn chiến dịch, B3 có thể tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt chi khu Đức Lập và thị xã Buôn Ma Thuộc bằng cách tiến công tiêu diệt Đức Lập trước, sau đó, tiến công tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuộc.

Mấy ngày nay, nghe các anh thảo luận, tôi suy nghĩ nhiều và thấy rằng, cả hai phương án đều có lý luận và thực tiễn của nó. Nhưng tôi cho rằng phương án tiến công tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuộc là phương án tốt hơn. Vì Đông Xuân này, ngoài lực lượng của Mặt trận Tây Nguyên, Bộ còn tăng cường cho Tây Nguyên lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh, thông tin, hóa học tương đối lớn.

Với lực lượng này, B3 có thể dùng một sư bộ binh, tăng cường tiến công bằng hiệp đồng binh chủng tiêu diệt chi khu Đức Lập và dùng một - hai sư đoàn bộ binh được tăng cường xe tăng - thiết giáp dưới sự chi viện của pháo binh, pháo cao xạ và đảm bảo của lực lượng công binh tiến công tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuộc trong thời gian 2-3 ngày hoặc 4-5 ngày.

Theo tôi, chúng ta mạnh dạn đề nghị Bộ để bảo đảm đánh thắng trận đầu trong Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975, mở màn Chiến dịch ở Chiến trường Tây Nguyên, ngày đầu nên dùng một sư bộ binh được tăng cường lực lượng các binh chủng tiến công tiêu diệt Chi khu Đức Lập, tiếp sau đó, tập trung lực lượng tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc bằng hiệp đồng binh chủng có xe tăng trực tiếp tham gia từ đầu.

 Tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc nên làm hai bước:

Bước 1, tiến công đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 quân ngụy, khu trung tâm thông tin, bản doanh tỉnh trưởng ngụy trong thời gian 2-3 ngày.

Bước 2, tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu còn lại, như: Sân bay dã chiến, khu kho vũ khí đạn dược Mai Hắc Đế.

Trong thực tế một số chiến dịch tôi được tham gia khi Bộ và Quân ủy Trung ương đã quyết định không đánh thị xã Gia Nghĩa và Đức Lập mà tập trung lực lượng tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc bởi vì Buôn Ma Thuộc là thủ phủ (hậu phương) của Quân đoàn II (Quân khu II) ngụy, nếu ta tiến công tiêu diệt Buôn Ma Thuộc thì thủ phủ Quân khu II ngụy ở Tây Nguyên đã bị mất, địch không còn chỗ dựa, tinh thần dễ hoang mang giao động - Còn Chi khu Đức Lập, một Chi khu quan trọng của địch ở phía tây thị xã Buôn Ma Thuộc trên biên giới Việt Nam - Cămpuchia, cách Buôn Ma Thuộc 14 km, nó làm mục tiêu ứng cứu tiếp viện nhanh cho Buôn Ma Thuộc, vì vậy tôi kiến nghị với Bộ Tư lệnh B3 là đề nghị Bộ dùng một lực lượng bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công tiêu diệt Đức Lập, sau đó, dùng lực lượng đã tiếp cận xung quanh Buôn Ma Thuộc tiến công tiêu diệt Buôn Ma Thuộc bằng hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia trên các hướng, các mũi. 

Sau đó, anh Hồ Đệ tóm tắt ý kiến thảo luận của hội nghị với 2 phương án để báo cáo Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Bộ Tổng tham mưu.  Những ngày sau đó, các cơ quan B3 và các đơn vị tiếp tục chuẩn bị các mặt cho chiến dịch.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 12:36:09 am »

Ngày 20 tháng 1 năm 1975, tôi họp đoàn công tác của Binh chủng thảo luận có nên tiếp tục hành quân vào B2 nữa không? Tất cả anh em trong đoàn đều đề nghị nhiệm vụ của đoàn là phải đến lực lượng thiết giáp Nam Bộ để giúp Đoàn thiết giáp 26 khôi phục, sửa chữa xe pháo và tập huấn cho cán bộ Tăng - Thiết giáp B2. Do đó, đoàn chúng ta phải tiếp tục hành quân vào B2. 

Ngày 22 tháng 1 năm 1975, tôi gặp anh Vũ Lăng, Tư lệnh B3 báo cáo ý kiến anh em trong đoàn và đề nghị đoàn chúng tôi sẽ hành quân vào B2 để giúp lực lượng tăng thiết giáp B2 như đã làm ở B3. Anh Vũ Lăng cười và dặn tôi, anh nên lưu lại B2 một thời gian ngắn để khẩn trương ra Mặt trận Tây Nguyên.

Tôi cười bắt tay tạm biệt anh Vũ Lăng và hứa sẽ khẩn trương ra B3. Sau hai ngày đêm hành quân, đoàn chúng tôi đã đến Bù Đốp khu tập kết Đoàn thiết giáp 26-B2. Gặp các anh Mai Văn Phúc, chỉ huy trưởng kiêm chính ủy, anh Hà Hải phó chỉ huy và anh em cán bộ, chiến sĩ Đoàn thiết giáp 26, chúng tôi vui mừng xúc động và ôm hôn nhau. 

Ngày 25 tháng 1 tôi và một số cán bộ làm việc với thủ trưởng Đoàn 26 để thông báo nhiệm vụ của đoàn và đề nghị chỉ huy Đoàn 26 cho biết tình hình các mặt và nội dung cần giúp về khôi phục sửa chữa xe, pháo, thông tin vô tuyến điện. Đoàn 26 cho chúng tôi biết là xe, pháo và đang khôi phục sửa chữa về kỹ thuật để chuẩn bị cho Đông Xuân 1974-1975. Khó khăn của Đoàn 26 là hệ thống thông tin vô tuyến điện trên xe tăng thiết giáp chưa bảo đảm thông suốt, một số xe chảy dầu đang khắc phục, thời gian nổ súng cũng rất khẩn trương, đề nghị đoàn kỹ thuật Binh chủng khẩn trương giúp sửa chữa thông tin vô tuyến điện trên xe, và khắc phục một số xe bị chảy dầu.

Sau đó, anh Hà Hải nói riêng với tôi, là Đoàn 26 đang khẩn trương chuẩn bị hiệp đồng với bộ binh tiến công tiêu diệt thị xã Phước Long. Chiều 25 tháng 1, tôi họp đoàn và cử 1 số cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa thông tin vô tuyến điện và máy nổ xe tăng, thiết giáp xuống ngay các tiểu đoàn tăng - thiết giáp để sửa chữa.

Đêm 31 tháng 1 năm 1975, lực lượng bộ binh và tăng thiết giáp B2 nổ súng tiến công thị xã Phước Long bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng có xe tăng - thiết giáp tham gia. Do ta chuẩn bị chu đáo, bí mật bất ngờ cho đến khi nổ súng tiến công nên trận tiến công thị xã Phước Long diễn ra đúng kế hoạch, hiệp đồng chiến đấu trên các hướng, các mũi giữa xe tăng với bộ binh tương đối chặt chẽ, đánh mạnh và liên tục, tiêu diệt các lô cốt, ụ súng của địch đánh chiếm khu trung tâm và sở chỉ huy địch, làm chủ các mục tiêu. Đây là trận tiến công thị xã đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam giành thắng lợi giòn giã, mở ra nhiều triển vọng và kinh nghiệm tiến công tiêu diệt các chi khu, quận ly, thị xã ở chiến trường miền Nam.

Sáng ngày 2 tháng 1 lăm 1975, từ Bù Đốp, tôi và hai trợ lý tham mưu tác.chiến ngồi Ô tô đi vào thị xã Phước Long xem hệ thống lô cốt và cách phòng thủ của địch và các mũi, các hướng tiến công của bộ binh, tăng thiết giáp của ta. Gặp cán bộ bộ binh, tăng - thiết giáp tôi hỏi thủ đoạn đối phó của địch khi bộ đội ta tiến công để rút kinh nghiệm cho bộ đội tăng -thiết giáp ở Tây Nguyên.

Chiều ngày 2 tháng 1, tôi đến cơ quan Bộ Tham mưu B2 báo cáo nhiệm vụ của đoàn công tác Binh chủng. Gặp anh Hai Nhã (Nho) phó tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam, vì trước khi vào Nam chiến đấu, năm 1963, tôi có dịp gặp anh Hai Nhã và giới thiệu tính năng chiến, kỹ thuật tăng - thiết giáp cho anh Hai Nhã tại khu xe của Trung đoàn tăng 202. 

Trông thấy tôi từ xa, anh Hải Nhã đi nhanh đến niềm nở bắt tay và ôm hôn tôi. Hai chúng tôi đều phấn khởi xúc động, tôi nói: Anh Hai ơi, đúng là quả đất tròn, nên chúng ta lại có dịp gặp nhau! Anh Hai Nhã cười rất vui và dẫn tôi vào Bộ Tham mưu Miền (B2). Sau một chầu bia lon thân mật, tôi đề nghị làm việc. Tôi báo cáo tình hình nhiệm vụ của Đoàn chúng tôi và đề nghị Bộ Tham mưu Miền cho đoàn cán bộ, thợ sửa của Binh chủng Tăng - Thiết giáp ở lại Đoàn 26-B2, còn tôi và hai trợ lý tham mưu binh chủng phải khẩn trương ra đường 9 nhận nhiệm vụ (vì phải bí mật cho Buôn Ma Thuộc, tôi không nói là ra Tây Nguyên).

Tối hôm đó anh Hai Nhã, Ba Trần mời tôi ăn cơm với thủ trưởng Bộ Tham mưu Miền. Sau bữa tối, tôi cảm ơn và tạm biệt các anh Hai Nhã, Ba Trần trở về Đoàn thiết giáp 26.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM