Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:19:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo vết xích xe tăng - Tập 2  (Đọc 75109 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 05:19:56 pm »

Tên sách: Theo vết xích xe tăng-Tập 2
Nhà xuất bản: Hội Nhà văn
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, UyenNhi05

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2021, 05:10:02 pm gửi bởi ptlinh » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 07:01:46 pm »

Tặng đồng đội thân yêu,
những người đã góp phần tạo nên truyền thống
“ĐÃ RA QUÂN LÀ ĐÁNH THẮNG”




Thư của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp gửi Ban Biên tập “Theo vết xích xe tăng”:

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 07:04:04 pm »

LỜI CẢM ƠN

Sau khi tập hồi ức chiến đấu “Theo vết xích xe tăng” tập một ra mắt bạn đọc 10-2002, nhiều bạn đọc ở trong Binh chủng, ngoài Binh chủng và ngoài quân đội đã gặp trực tiếp, gọi điện thoại hoặc biên thư đến Ban biên tập để góp ý kiến và hoan nghênh việc cho ra mắt cuốn sách mà các bạn đánh giá là cuốn sử Binh chủng sinh động và hấp dẫn v.v... 

Hầu hết các bạn đều nói lên nguyện vọng mong muốn có tập hồi ức thứ 2 của những người linh xe tăng, một đơn vị “tuổi trẻ mà nhiều chiến công” ra mắt.

Đặc biệt người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuy đã ở tuổi 92, cũng đã dành thời giờ đọc và biên thư nhận xét, cổ vũ Ban biên tập và cán bộ, chiến sĩ bộ đội xe tăng. . .

Ban biên tập xin chân thành cảm ơn anh Văn, người Anh Cả kính mến, cảm ơn tất cả các bạn đọc đã đóng góp ý kiến và đã gửi bài cho tập 2.  Chúng tôi còi đây là sự cổ vũ vô giá, thúc đẩy chúng tôi đem hết sức mình để hoàn thành sớm tập hồi ức thứ 2 . 

Tập hai vẫn mang tên: “Theo vết xích xe tăng” có nhiều bài gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và chiến công vẻ vang của Binh chủng Tăng - Thiết giáp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc mà tập một chưa có dịp nói đến.

Cuối cùng Ban biên tập xin chân thành cảm ơn Những tấm lòng vàng đã tài trợ để cuốn “Theo vết xích xe tăng” tập 2 ra đời.

Hà Nội, ngày 2-9-2004
BAN BIÊN TẬP


Ban biên tập
Theo vết xích xe tăng - Tập hai

- Trưởng ban, Đại tá Đào Văn Xuân, nguyên Chính ủy Trung đoàn xe tăng đầu tiên (1964 - 1965), nguyên Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp. 

- Phó ban, Thiếu tướng Lê Xuân Kiện, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp (1980 - 1989). 

- Ủy viên, Đại tá Phùng Văn Minh, nguyên phó Tham mưu trưởng Binh chủng.

- Ủy viên, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn, nguyên trợ lý Tuyên huấn Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

- Ủy viên, Nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập báo Thể thao Việt Nam, nguyên cán bộ Trường Hạ sĩ quan Kỹ thuật Tăng - Thiết giáp (207). 

- Ủy viên, ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn xe tăng 66 - đơn vị Anh hùng LLVT. 

- Ủy viên, Họa sĩ Lê Trí Dũng, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nguyên cán bộ cơ quan chính trị Binh chủng Tăng - Thiết giáp. 

- Ủy viên thư ký Lê Đức Tuân, nguyên trợ lý Bản tin Thiết giáp 1972.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 08:22:18 pm »

HAI LẦN TÔI ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Đại tá Đào Văn Xuân
Nguyên Phó Chính ủy
Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp


Nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, tôi xin được nói lên vài cảm nghĩ của mình về Bác; nhân nhớ lại: Hai lần tôi được gặp Bác Hồ.
 
Ước mơ về ông sao Bắc Đẩu.

Tôi sinh ra trong một ngõ hẻm, nghèo ở Hà Nội - ngõ Phất Lộc (nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Ra khỏi ngõ đã thấy ngay một cái cột to bằng thép, trên đỉnh cột là chiếc đồng hồ tròn to tướng, ngày xưa nhân dân quen gọi khu vực đó là “Cột Đồng Hồ” (nay là khu vực vượt chân cầu Chương Dương).

Lúc còn nhỏ, mỗi lần ra khỏi nhà, ai gặp tôi cũng trêu, gọi tôi là “Rồng Đất”, vì tôi tuổi Thìn còn Đất là do ông, bà, bố mẹ tôi đều là những người nghèo trong cái ngõ nghèo khó ấy.

Mẹ tôi chết sớm, tôi ở với bà nội. Thương tôi mồ côi nên bà rất yêu tôi. Tôi suốt ngày quanh quẩn bên bà nội hỏi đủ thứ... Có lần tôi hỏi: Bà ơi! Tại sao nghèo lại thành “Rồng đất"? 

- Cháu ơi! đó là tại số cả.

- Thế số là cái gì?

- Bà không biết, nhưng ông bà nghèo, bố mẹ cháu cũng nghèo, nên cháu cũng sẽ nghèo, thế gọi là cái số.  Tôi chẳng hiểu ra sao chỉ ôm bà nội khóc, bà cũng khóc.

Vào những đêm có trăng sao, bà nội dẫn ra bờ đê sông Hồng để hóng mát. Nhìn lên bầu trời đầy sao lấp lánh tôi thấy có một ông sao sáng nhất. Lần nào bà nội dắt tôi ra bờ đê tôi vẫn nhìn thấy ông sao ấy.

Tôi hỏi bà nội:

- Bà ơi, cái ông sao sáng nhất kia là ông gì thế?

- Người ta nói đấy là ông sao tên là Bắc Đẩu, ông ở một chỗ để chỉ đường cho những người đi đêm khỏi lạc lối. Rồi bà tôi kể biết bao nhiêu chuyện cổ tích về sao Bắc Đẩu. Tôi thấy ông tiên Bắc Đẩu tốt thế, nên nói:
 
- Bà ơi, lớn lên cháu sẽ đi tìm ông Bắc Đẩu.

Tuổi thơ của tôi, với bao nhiêu mơ ước về ông sao Bắc Đẩu, âm thầm, lặng lẽ trôi đi bên bờ sông Nhị Hà như thế. . .

Năm 1943, tôi đã ở tuổi 15, đang học dở dang bậc thành chung (trung học cơ sở ngày nay) thì phải bỏ học, vì nhà quá nghèo. Tôi đi làm thợ điện và bước vào cuộc đời tự kiếm sống. Thế là bao ước mơ đẹp đẽ tan vỡ. Đêm đêm, tôi nằm ôm mặt khóc thầm, thương mình vì cái số phận của người nghèo nhưng quyết không phải là người hèn.

Tuy mới 15 tuổi đầu, nhưng tôi đã nếm trải biết bao cay đắng của cuộc đời người thợ và thấy bao điều tủi nhục, đau khổ của kiếp người nô lệ.  Vào một ngày năm 1944, tôi gặp bạn học cũ, anh Lê Thảo, anh còn có bí danh là Lê Chiêu (hiện nay anh Lê Chiêu là Thiếu tướng Quân đội nhân dân đang nghỉ hưu ở số nhà 16A phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Anh hoạt động cách mạng từ năm 1940). Từ đấy tôi đứng trong hàng ngũ những người cách mạng ở Hà Nội. Tôi chợt nhận ra, mình đã đứng trong vòng cung ánh sáng rực rỡ của sao Bắc Đẩu, mà tôi hằng mơ ước tìm gặp từ thuở ấu thơ.

Tôi trở thành đội trưởng một đội tự vệ chiến đấu. Đó là một tổ chức bán vũ trang bí mật dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tổ chức được hình thành ở nhiều nơi, cả ngoại thành và trong nội thành.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:01:32 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 08:22:36 pm »

Sau khi Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19-8-1945) thắng lợi, những thanh niên công nhân, học sinh Hà Nội yêu nước, đứng trong tổ chức tự vệ chiến đấu, được tổ chức lại thành các đơn vị Giải phóng quân Hà Nội dưới sự chỉ huy chung của ông Vương Thừa Vũ, còn chỉ huy trực tiếp Chi đội chúng tôi là anh Lê Chiêu (lúc đó gọi là Chi đội Lê Chiêu). 

Sáng ngày 1-9-1945, anh Lê Chiêu, chi đội trưởng nói với tôi: “Này Xuân, ngày mai cậu chỉ huy tiểu đội ra gác dưới chân Kỳ đài, nơi Chính phủ Lâm thời ra mắt Quốc dân, còn tiểu đội của Tường Kính, bố trí phía sau Kỳ đài, gần nơi còn quân Nhật đóng quân”. 

Ngày 2-9-1945 tôi không thể nhớ nổi là chúng tôi ra gác rồi nhân dân mới kéo đến, hay nhân dân đã đến đông cùng lúc chúng tôi ra gác quanh Kỳ đài... Tôi chỉ còn hình dung như đang nhìn thấy nhân dân Hà Nội, mặc những bộ quần áo đẹp đứng đông nghìn nghịt cùng rừng cờ to, nhỏ đủ loại đỏ rực cả quảng trường. Tôi hiểu để bảo vệ an ninh cho ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 có biết bao lực lượng vũ trang, an ninh đã tham gia.

Song ngày nay nhìn vào tấm ảnh lịch sử ấy, thấy rất rõ ở chân Kỳ đài sát phông vải có một người mặc dân sự cầm súng ngắn, đứng trước người thanh niên ấy là tôi và các đồng đội của tôi quanh Kỳ đài, chúng tôi mặc áo sơ mi cộc tay, quần sóc, đội mũ cát, cầm súng trường đứng gác - Đó là tiểu đội Giải phóng quân Hà Nội thuộc Chi đội Lê Chiêu.  Khi chiếc xe Ô tô con màu đen đến, Chính phủ Lâm thời đã lên Kỳ đài, cả quảng trường vang rền tiếng:

- Hoan hô... Hoan hô...

Tôi cầm chặt khẩu súng trường trong tay, ngửa cổ lên nhìn xem “ông Chủ tịch” là ai, tôi tưởng tượng chắc phải là một người dáng to lớn, quắc thước. . . Nhưng lạ quá, Chủ tịch của cả một nước sao lại thấy giản dị, bình thường như mọi ông già bình thường tôi vẫn gặp. Bộ râu đen, lại giống các cụ già nông thôn quê tôi, mặc áo rất bình thường so với nhiều người khá giả Hà Nội hồi đó. Cụ Chủ tịch lại đội chiếc mũ “cát” chả đẹp gì hơn mũ chúng tôi đội, đang đứng gác. Cụ có đôi mắt sáng kỳ lạ, giọng nói hiền từ ấm áp thu hút tâm trí tôi. . .

Tôi đọc sách có nói “ Cái thần của con người toát ra ở đôi mắt”, phải chăng đôi mắt kia toát ra cái thần của một vĩ nhân. Tất cả cái đó tạo cho tôi một cảm giác quen thuộc, quý mến và yêu thương...  Khi giọng nói miền Trung ấm áp của Bác cất lên: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được...”. Tôi thấy người bừng bừng khó tả, có những cái gì đó ở trong lồng ngực muốn tung ra.

Cuộc mít tinh của hơn 50 vạn nhân dân Thủ đô kết thúc, gặp anh Lê Chiêu tôi hỏi: “Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai thế”’. Anh Chiêu cười ôm vai tôi nói: “Cậu chưa hiểu à, cụ Nguyễn ái Quốc đấy”. Tôi buột miệng nói: “Thế mà tôi không biết”, trong óc tôi lóe lên ý nghĩ: Ôi, tôi đã tìm thấy ông sao Bắc Đẩu rồi!  Từ ngày ấy câu nói kết thúc của Bác Hồ trong lần tôi vinh dự thấy lần đầu tiên ấy vang lên mãi trong tôi:

“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập” đã đi cùng tôi suốt cả cuộc đời, từ những trận chiến đấu đầu tiên ở Hà Nội, ngày Toàn quốc kháng chiến, đến trận đánh cuối cùng đêm ngày 6-5 ở Điện Biên Phủ, tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Một kỷ vật quý giá nhất đời tôi.

Mỗi người trong đời mình có biết bao kỷ niệm và biết bao kỷ vật, song đối với tôi cài rất quý lại chính là huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” nhỏ bé, xinh xinh...  Ngày ấy cách đây đã tròn 50 năm, đơn vị tôi Tiểu đoàn 439 thuộc Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chiến đấu liên tục 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, những địa danh: đồi Tà Lựng, Đồi Xanh, đồi C1, đồi Châu Ùn (C2) gắn liền với những trận đánh ác liệt, đẫm máu của tiểu đoàn ở khu đông Điện Biên Phủ.

Sau chiến thắng, tôi cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ được đại diện cho Trung đoàn lên Mường Phăng dự lễ mừng chiến thắng.

Trong buổi lễ Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, kiêm Tư lệnh chiến dịch tuyên bố. “Bác Hồ tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch một huy hiệu, mang tên chiến sĩ Điện Biên Phủ”. .  Tất cả hoan hô vang dậy, còn tôi thì vô cùng sung sướng được có một kỷ vật quý giá của Bác cho. Trải qua 50 năm, tôi vẫn cất giữ chiếc huy hiệu, như một báu vật của đời mình bên cạnh huy hiệu “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Chấp hành mệnh lệnh của Bác, lính xe tăng lên đường.

Sau khi học trường chỉ huy, kỹ thuật xe tăng ở Liên Xô về nước, năm 1964, tôi nhận nhiệm vụ chính ủy ở Trung đoàn 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta. Thời gian này tình hình trên đất nước ta có những diễn biến mới phức tạp.

Đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam tháng 7-1964, tàu chiến Mỹ thuộc Hạm đội 7, nhiều lần xâm phạm vào vùng biển nước ta, chúng bắn phá các đảo Hòn Ngư (Nghệ Tĩnh), Hòn Mê (Thanh Hóa). Chúng dựng nên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” rồi ngày 5-8-1964 dùng không quân ném bom, bắn phá vào nhiều khu vực trên miền Bắc: Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cho kế hoạch sử dụng không quân, hải quân đánh phá trên toàn miền Bắc Tổ quốc ta. Nhân dân ta đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Tên tù binh Mỹ đầu tiên, trung úy An-va-rát-đô bị bắt sống ở Hòn Gai.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2009, 08:36:18 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 08:36:02 pm »

Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược. Từ tháng 7-1965 quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu ồ ạt đổ vào, đến tháng 9-1965 lực lượng quân đội Mỹ và chư hầu ở miền Nam đã lên tới 20 vạn tên, chúng trực tiếp tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam.

Đất nước ta từ tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hòa bình đã chuyển sang cục diện mới, rất nghiêm trọng: “Cả nước có chiến tranh”. .  Tháng 4-1965, tại kỳ họp Quốc hội khóa III, Bác Hồ đã kêu gọi cả nước: ‘Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một quyết tâm thắng giặc Mỹ xâm lược”. 

Đó là lời của Non sông kêu gọi con cháu dòng giống Lạc - Hồng đứng lên cứu nước. Toàn dân Việt Nam đã đứng lên, cả nước cuồn cuộn cao trào đánh Mỹ cứu nước.

Thời gian cả nước sục sôi khí thế đánh Mỹ, lực lượng xe tăng chưa có điều kiện lên đường, toàn Trung đoàn hừng hực khí thế đánh giặc và làm đơn tình nguyện xin đi đánh Mỹ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên đã được chọn lọc và cử lên đường vào Nam, đánh Mỹ cướp xe tăng của giặc để tổ chức thành các đơn vị xe tăng ở miền Nam.

Nhiều cán bộ học tập xe tăng ở Liên Xô, Trung Quốc tiếp tục được bổ sung về Trung đoàn 202 liên tục trong hai năm 1964 - 1965, đó chính là sự chuẩn bị điều kiện xây dựng và phát triển Bộ đội xe tàng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Kế hoạch ấy đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị từ trước. Cũng trong năm 1965 ấy, trung đoàn nhận chiến sĩ mới, thế là một trung đoàn xe tăng thứ hai (sau này có quyết định chính thức là Trung đoàn 203), với đầy đủ cán bộ, chiến sĩ để bước vào huấn luyện.

Vào năm 1965 sôi động ấy, tôi được triệu tập đi dự Hội nghị tổng kết  Cuộc vận động xây dựng Chi bộ 4 tốt và đảng viên 4 tốt toàn miền Bắc do Ban Bí thư Trung ương triệu tập. Hội nghị họp ở Hội trường Ba Đình. Một hôm đồng chí Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, người chủ trì Hội nghị tuyên bố “Bác đến thăm Hội nghị”. Cả hội trường đứng dậy hoan hô. Không biết có phải tôi chủ quan hay không, lúc đấy tôi cảm thấy đại biểu các Đảng bộ trong quân đội hoan hô to nhất.

Tất cả yên lặng, lắng nghe như nuốt lấy từng lời của Bác. Bác mặc bộ quần áo lụa màu nâu, miền Bắc gọi là quần áo cánh, còn trong Nam gọi là quần áo bà ba.  Ngắm nhìn Bác thấy sao Bác giản dị thế, gần gũi thế.  Trông Bác tôi có cảm giác như một cụ già Việt Nam hiền từ, nhân hậu đến với con cháu trong gia đình.  Tôi chưa bao giờ được nghe nói có một nguyên thủ quốc gia đến một cuộc họp long trọng mà lại mặc rất đỗi bình dân nhưng lại rất đặc biệt, rất Việt Nam như vậy.  Tôi tự lý giải bởi vì Bác là Cha Già của dân tộc, người Cha kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân. Bởi vì Bác là Hồ Chí Minh.

Điều bất ngờ nhất ngoài mong muốn của tôi, khi đồng chí Lê Đức Thọ tuyên bố. các đại biểu quân đội ra chụp ảnh với Bác. Viết đến dòng này, tôi nhìn lên tấm ảnh chụp với Bác Hồ trước Hội trường Ba Đình năm ấy, tôi chợt phát hiện ra một sự ngẫu nhiên, trùng hợp lịch sử Tôi nhớ lại: Ngày 1-9-1945 anh Lê Chiêu vừa là bạn, vừa là người chỉ huy bảo tôi:’ “Xuân ơi! Ngày mai tiểu đội của cậu ra gác trước chân Kỳ đài” và lần chụp ảnh này, anh Lê Chiêu đã là đại tá, Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, cũng tham dự Hội nghị. Hôm đó anh lại nói với tôi: “Xuân ơi! Mau lên, ta ra đứng gần Bác để chụp ảnh”. Nhưng tôi nghĩ rằng công lao, thành tích của mình còn quá ít, nên tôi đứng lui về phía sau Bác...

Nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác, ngồi viết những dòng này, tôi bâng khuâng nhớ Bác. Tôi nhớ đến cái ngày Bác đi xa cái ngày mà  …Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa “ (Thơ Tố Hữu) Thời gian ấy tôi đang giữ trách nhiệm Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Lúc Bác bệnh đã rất nặng, khó qua khỏi. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ra chỉ thị: Các cơ quan Chính trị toàn quân, phải tổ chức thường trực 24/24 để đón chỉ thị. Nếu thông báo “Ai đã đi xa” là Bác đã mất phải thông báo kịp thời cho các Đảng ủy trong Đảng bộ mình.

Hôm đó vào sẩm tối, tôi đang làm việc ở nơi sơ tán (thôn Lan Đình, xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), đồng chí thượng úy trực ban đến báo cáo:

“Thông báo của trên “Ai đã đi xa”. Vừa nghe xong, tôi không thể kìm nổi mình, ôm lấy mặt, gục đầu xuống bàn khóc nức nở...

Tôi không thể nhớ là mình khóc đã bao lâu, nhưng khi ngẩng đầu lên vẫn thấy đồng chí trực ban đứng đó ngơ ngác... Tôi nói qua tiếng nấc: “Báo tin ngay đi các nơi: Bác Hồ của chúng ta đã mất”.

Lúc đó đồng chí trực ban cũng òa khóc, vừa chạy vừa gọi to: Bác... ơi, Bác... ơi! .

Hôm nay viết những kỷ niệm về Bác Hồ, suy ngẫm suốt cả cuộc đời mình đi theo con đường của Bác và tình hình đất nước tôi xin kết thúc bằng 8 câu thơ:

                       Đường Kách mệnh, Bác chỉ ra ngày ấy,
                       Con theo đi chập chững thuở ban đầu
                       Bước tiếp bước, đạp bằng gai, sỏi, đá,
                       Đêm mênh mông đã ló áng mây hồng.
 
                       Trời đã sáng, nhưng đích còn chưa tới,
                       Đường còn xa khúc khuỷu lắm chông gai,
                       Hãy bền gan, sát cánh vai kề vai,
                       Cùng vững bước theo hướng tay Bác vẫy.


Hà Nội, nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh Bác Hồ
Ngày 19 tháng 5 năm 2003
Đ V X
(ĐT. 04.8371510)
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:01:10 pm »

CÔNG TRƯỜNG 92 NGÀY ẤY

Đại tá Dương Đăng Giang
Nguyên phó trung đoàn trưởng đầu tiên
Trung đoàn tăng 202 (1959 - 1963)



Lớp cán bộ và chiến sĩ xe tăng đầu tiên gồm 202 đồng chí từ Trung đoàn trưởng đến các kíp xe và thợ sửa chữa do anh Đào Huy Vũ làm trưởng đoàn, tôi là phó đoàn học tại Trung Quốc, thời gian khoảng 3 năm (1956 - 1959).

Vào năm học cuối, các công việc cần thiết cho việc thành lập Trung đoàn đã được chuẩn bị từng bước.  Đó là cuộc bàn về tổ chức Trung đoàn được tiến hành tại Bắc Kinh giữa các đồng chí phụ trách đoàn với các phái viên đặc trách của các Cục có liên quan (Cục Tác chiến, Cục Quân lực, Cục Cán bộ, ở “bên nhà” cử sang).

Để có “cái vốn thực tế”, được sự chuẩn y của Bộ Tư lệnh Tăng  Thiết giáp bạn, tôi và các anh Nguyễn Nhân - phó ban kỹ thuật, anh Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ tham mưu đi thăm quan một Trung đoàn xe tăng bạn tại Bắc Kinh; tiếp theo là Đoàn cán bộ xe tăng trường số 1 - Hệ chỉ huy đi thực tập ngắn ngày theo chức trách tại 2 đơn vị xe tăng bạn ở Quảng Châu (nam Trung Quốc).

Tại đây, Đoàn đã đi viếng mộ liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương.  Để chuẩn bị cho việc xây dựng doanh trại chính quy cho Trung đoàn, tôi được cử về nước để báo cáo tình hình của Đoàn với Bộ (qua Cục Tác chiến và Cục Cán bộ) . 

Sau khi làm việc với Thiếu tướng Thái Dũng, Thủ trưởng Cục Tác chiến, tôi và anh Phan Văn Cẩn - cán bộ Cục Tác chiến lên tỉnh Vĩnh Yên - nay là Vĩnh Phúc để tìm địa điểm, theo dự kiến của Cục. Qua mấy ngày công tác, xem xét tại thực địa, khu vực núi Đanh đã được Bộ phê duyệt.

Khu vực núi Đanh thuộc xã Kim Long, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên - nay là huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở kilômét số 6, trên trục đường từ thị xã Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Hồi đó, khu vực này, dân cư thưa thớt, vắng vẻ, cây cối to, rậm rạp như rừng xen kẽ đồi tranh, đồi trồng dứa của Nông trường Tam Đảo và của dân. Sáng sớm và chiều tà, đứng trên quả đồi dưới chân núi Đanh nhìn lên Tam Đảo tôi chỉ thấy mây mù che phủ, lúc ẩn lúc hiện, thật là:

Đẹp sao cảnh sắc ở đây,
Bên kia Tam Đảo, bên này núi Đanh.

Về những yêu cầu để xây dựng doanh trại chính quy cho Trung đoàn tăng và cơ sở huấn luyện lớn cho bộ đội xe tăng thì “siêu” lý tưởng. Xa khu dân cư đông đúc (thị trấn, thị xã); tiện cả ba đường giao thông vận chuyển: Đường bộ, đường sắt, đường sông.

Trong doanh trại, ngoài các khu sinh hoạt, khu kỹ thuật, kho xe, xưởng sửa chữa, khu giảng đường (khoảng 20 lớp học), còn xây dựng được bãi bắn nhỏ có sườn núi Đanh làm khối chắn, sân vận động... Các bãi tập lớn ngang dọc từ 5 - 7km như bãi bắn lớn có triền núi Tam Đảo làm khối chắn (khi thi công chính thức cũng phải di dời mấy xóm dân); bãi tập lái và bãi chiến thuật phân đội thì “thoải mái”. Các bãi tập chỉ cách doanh trại từ 3 - 5km (ở trường tăng số 1, khi đi bắn, chúng tôi vận chuyển bằng xe hơi), sau khi gặp lại đồng chí Thái Dũng, tôi trở lại Bắc Kinh. 

Tháng 8 năm 1959, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định thành lập Công trường 92, điều động lực lượng xây dựng doanh trại của Bộ lên Vĩnh Yên, khu vực núi Đanh.

Cũng tháng năm này, tôi cùng một số cán bộ được lệnh về nước trước trong đó có anh Nguyễn Nhân - phó ban kỹ thuật, coi như là “tiền trạm” của Trung đoàn với một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp nhận số cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị được điều về bổ sung cho Trung đoàn để dần dần hình thành Trung đoàn bộ, các đại đội trực thuộc trung đoàn như: Thông tin, công binh, cảnh vệ...

- Biên soạn tài liệu huấn luyện theo sát thực tế trong nước.

- Tham gia góp ý kiến với Ban chỉ huy Công trường 92 những điều cần thiết trong xây dựng, trọng tâm là khu kỹ thuật.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:02:16 pm »

Cuối năm 1959, sau khi lễ thành lập Trung đoàn, cuộc diễn tập binh chủng hợp thành đầu tiên, có bắn đạn thật với lực lượng của Sư đoàn bộ binh La Thịnh Giáo của bạn, toàn bộ xe của Trung đoàn được niêm cất. Trung đoàn để lại một bộ phận cán bộ, chiến sĩ do anh Nguyễn Chí Tam - Trưởng ban kỹ thuật phụ trách, còn từ Trung đoàn trưởng, Chính ủy lần lượt về nước để tham gia xây dựng doanh trại và các cơ sở vật chất cho huấn luyện.

Như vậy vào thời điểm này, Công trường 92, hình thành 2 lực lượng: Cán bộ, chiến sĩ đích thực của công trường chuyên trách về xây dựng các khu kỹ thuật, sinh hoạt. . . còn “công nhân công trường 92” trên danh nghĩa là lực lượng bộ đội tăng thì “nhận lại” công việc của công trường phù hợp với khả năng của mình, còn chủ yếu là đảm nhận xây dựng cơ sở vật chất cho huấn luyện trong và ngoài doanh trại. Lúc này các đại đội trực thuộc như thông tin, cảnh vệ, nhất là công binh đã đầy đủ nên cũng tạo điều kiện thuận lợi xây dựng các công trình mà bộ đội xe tăng đảm nhận. 

Để hoàn thành trước thời gian quy định, nhất là khu nhà để xe nhằm sớm đưa xe về, nên công việc rất khẩn trương, chia nhiều ca, kíp làm việc đến thâu đêm, loa đài nói, hát ra rả suốt, đêm đèn điện sáng trưng khuấy động cả một khu vực xưa vốn lẳng lặng yên tĩnh.  Thật tình mà nói, bà con thôn xóm tại chỗ và phụ cận đã “hơi biết” - vì quân ta đang ở nhờ nhà dân; “Đại bản doanh” của Trung đoàn ở tại thôn Hữu Thủ. Tại đây, đã sớm cho xây dựng nhà khách mà theo cách gọi cũ là “chiêu đãi sở” vì bà con thân thuộc của cán bộ, chiến sĩ liên tục lên thăm “người của mình”. 

Quá trình xây dựng, có một việc đáng ghi công đầu cho Đoàn trưởng Đào Huy Vũ là đồng chí đề xuất trồng cây xanh lấy bóng mát thì trồng ngay cùng với đào móng xây nhà, tuy có khó khăn trong chăm sóc giữ gìn.  Sau đó, một “chiến dịch” trồng cây được phát động toàn công trường, động viên cả hai lực lượng công nhân xây dựng và bộ đội cùng nhau chăm sóc.

Để bảo vệ cây, anh em phải đan sọt, đóng cọc xung quanh, hàng ngày phải gánh nước tưới cho cây. Trung đoàn còn liên hệ với lâm nghiệp tỉnh để trồng cây hai ven đường tính từ cổng doanh trại kéo dài ra vài cây số trên hai hướng ra thị xã và lên Tam Đảo và một số đồi trọc phụ cận doanh trại. Do phân công cụ thể, theo dõi sát sao nên gần như 100% cây sống. Chỉ vài năm sau, cây nhanh lớn, đã vượt qua nóc nhà ở, trên các đường đi nom thật bắt mắt. 

17 giờ 30 ngày 13 tháng 7 năm 1960, chuyến tàu hỏa chở những chiếc xe tăng T34 và pháo tự hành CAY-76 và một số xe chuyên dụng của Trung đoàn đã từ Trung Quốc về tới ga Vĩnh Yên. 18 giờ 33 phút cùng ngày, chiếc xe tăng mang số hiệu 114 do trung sĩ Đào Văn Bàn lái xuống tàu và dẫn đầu đoàn xe rời sân ga Vĩnh Yên về khu xe của Trung đoàn.

Trung đoàn đã tiến hành kiểm tra và niêm cất theo đúng yêu cầu kỹ thuật sau khi đã để lại một số xe huấn luyện thường xuyên. Trung đoàn chuyển sang nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, nghiên cứu cách sử dụng xe tăng ở Việt Nam. Theo chỉ đạo của Bộ, Trung đoàn tiến hành diễn tập tác chiến hiệp đồng Binh chủng với các Sư đoàn chủ lực 308, 312 và diễn tập bắn đạn thật với Sư đoàn 305, từ cuối 1960 đến 1961, đồng thời vẫn cùng Công trường 92 làm tiếp nhiệm vụ xây dựng doanh trại và cơ sở vật chất cho huấn luyện. 

Vào lúc Trung đoàn đang khẩn trương triển khai đồng thời nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng thì một tin vui đến với Trung đoàn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm đơn vị.

Theo kế hoạch đã thống nhất với cơ quan cấp trên, sáng sớm ngày 26 tháng 9 năm 1960, tôi đã có mặt tại Hà Nội để đón và đưa hai thủ trưởng về Trung đoàn. Theo ý Đại tướng, tôi ngồi cùng xe để báo cáo ngắn gọn về Trung đoàn trên đường đi.

Do chưa có hội trường, sân vận động nên Đại tướng đồng ý cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ có cả cán bộ Công trường 92, tập trung ngồi trong một nhà xe để nghe Đại tướng nói chuyện. Trước khi nói chuyện, Đại tướng nắm cổ tay đồng chí Trung đoàn trưởng giơ cao lên và hỏi: “Các đồng chí có biết ai đây không?”.

Toàn thể trả lời to: “Báo cáo Đại tướng, đó là Trung đoàn trưởng ạ”. Đại tướng cười vui: “Thế là tốt, chứng tỏ cấp trên sâu sát chiến sĩ”. Thật là một cách kiểm tra cán bộ cấp dưới thân mật, giản dị đồng thời xóa đi sự ngăn cách giữa đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của quân đội với chiến sĩ binh nhì.

Tiếp theo, Đại tướng căn dặn: “Trung đoàn tăng 202 phải trở thành một Trung đoàn xe tăng vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho sự phát triển của Binh chủng Thiết giáp sau này”.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:03:11 pm »

Sự có mặt của Bộ trưởng và Tổng Tham mưu trưởng là một sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy và Bộ Quốc phòng đối với đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta.  Vào giữa năm 1962, nhiều công trình lớn đã được xây dựng xong trong đó có khu giảng đường - các lớp học, hội trường lớn và một số bãi tập.

Vào thời điểm này, Trung đoàn lại được cấp trên thông báo “Sáng 20 tháng 7 năm 1962, thủ trưởng Trung đoàn lên Tam Đảo đến khu nhà X nhận nhiệm vụ.  Khi đồng chí Chính ủy Đặng Quang Long và tôi lên Tam Đảo vào chỗ hẹn thì được gặp đồng chí Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng. Thượng tướng cho biết đồng chí Phạm Văn Đồng - ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ sẽ đến thăm Trung đoàn. Sau đó, hai chúng tôi theo Thượng tướng lên gặp Thủ tướng. Sau khi thăm hỏi chúng tôi về tình hình đơn vị và trước khi chúng tôi ra về Thủ tướng dặn: Khi tiếp đón không cần theo nghi lễ như điều lệnh quy định. Hai chúng tôi nhìn nhau và mừng thầm, hiểu ý Thủ tướng muốn có một cuộc gặp gỡ thân mật không bị gò bó, ngăn cách. 

Sáng sớm ngày 21-7-1962, tôi lại được phân công lên Tam Đảo đón Thủ tướng - cấp phó là “chân chạy” mà - theo kế hoạch đã thống nhất, tôi dẫn đoàn xe Thủ tướng và Thượng tướng ra thẳng bãi bắn lớn ở Cam Lâm. Tại đây, đồng chí Trung đoàn trưởng, Chính ủy đã tập hợp anh em nghinh đón. Các kíp xe đảm nhiệm bắn trình diễn thì tập hợp trước đầu xe của mình, Thủ tướng ra tận xe xem xét, nắm chặt tay các chiến sĩ xe tăng thăm hỏi ân cần.

Sau khi xem bắn pháo, đoàn xe khách và chủ ra bãi tập lái xem các xe vượt qua các vật cản, nhất là khi xe tăng vượt qua “ụ sống trâu’. Thủ tướng lắc đầu, cười vui nói: “Cánh này phải cho ăn nhiều vào” - lúc này lính xe tăng - chỉ người ngồi trên xe cũng chỉ ăn “nhỉnh” hơn lính bộ binh chút xíu. Sau đó đoàn xe quay về nhà khách nghỉ ngơi và Thủ tướng nói chuyện với toàn thể cán bộ Trung đoàn tại hội trường lớn, anh em chiến sĩ tập trung nghe ở sân vận động. 

Thủ tướng nói: “Phút đầu tiên được nhìn thấy các chiến sĩ xe tăng Việt Nam lái những chiếc xe tăng đầu tiên. Tôi không nén nổi xúc động. Từ lâu, Đảng ta, nhân dân ta mong ước trong tay có loại vũ khí lợi hại này - lợi là lợi cho ta, hại là hại cho địch. Sớm muộn gì cũng phải có. Thế hệ trước chưa có, thì thế hệ sau nhất định phải có, nhất định phải làm...”.

Qua lời phát biểu của Thủ tướng, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảm thấy thấm thía sâu sắc và tự hào được là cán bộ, chiến sĩ xe tăng đầu tiên của quân đội ta, nhân dân ta, đồng thời càng thấy rõ trách nhiệm của mình trước mắt và lâu dài sau này: Đối với Binh chủng, quân đội và nhân dân, với Đảng và Đất nước. .. 

Ngoài đoàn các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội đến Trung đoàn tăng, còn có nhiều đoàn khách của các cơ quan Tổng cục, các Binh chủng bạn đến tham quan nên ít nhiều cũng tác động đến tâm lý chiến sĩ, cán bộ của Trung đoàn, và đã dẫn đến một chuyện tức cười xảy ra.

Đó là trường hợp đối với đồng chí Nguyễn Thế Hùng, ban tham mưu, không rõ đồng chí đi đâu về song ăn mặc thường phục rất tề chỉnh, bệ vệ (đồng chí vốn người to béo): đầu đội mũ lông cừu, ngoài áo da bóng loáng, chân dận đôi ủng (ủng xe tăng do bạn phát) đi vào doanh trại, anh em cảnh vệ chặn lại và xem giấy. Khi thấy trong giấy có tên Trung tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó nên vội vàng “Alô” thẳng cho Đoàn trưởng: “Có Trung tướng Song Hào đến thăm đơn vị”. 

Quá bất ngờ, vì không giống như thường lệ, nên đồng chí và một số anh em vội chạy ra cổng, lúc đó mọi người mới cười ồ lên vì: Bé cái lầm, đó là Giấy chứng nhận thay Chứng minh thư quân đội do Tổng cục Chính trị tạm thời cấp có chữ ký của Trung tướng Song Hào. 

Qua năm tháng khẩn trương lao động xây dựng, đến năm 1964, khu doanh trại chính quy đã hoàn thành bao gồm: Khu kỹ thuật - kho xe, xưởng sửa chữa, khu rửa xe . . . ; khu sinh hoạt: nhà ở, nhà ăn, nhà khách...

Khu học tập, hội trường lớn và 20 lớp học - cũ gọi là các giảng đường... với diện tích là 22.500m2, cây xanh bao phủ xung quanh các nhà ở và lối đi - đã rải nhựa và bãi bắn nhỏ, sân vận động... Đó là thành quả của cán bộ, chiến sĩ Công trường 92, có sự phối hợp và đóng góp sức lao động của toàn thể Trung đoàn.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn xe tăng đầu tiên và thế hệ tiếp theo mãi mãi ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ Công trường 92.

Cụm từ “Công trường 92”, có thời gian dài đồng thời là mật danh của Trung đoàn xe tăng đầu tiên, và cụm từ “Công trường 92” đã đi vào lịch sử Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

Hà Nội 4-2003
D.Đ.G
(ĐT: 7841994
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 11:20:35 pm »

NGƯỜI ANH CẢ CỦA QUÂN ĐỘI CHÚNG TA
(Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954 - 7-5-2004)

Đại tá Đào Văn Xuân
Nguyên Phó Chính ủy
Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp


Kể từ ngày dân tộc Việt Nam giành được độc lập từ tay Pháp - Nhật (19-8-1945) tới ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975), nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài đầy gian khổ, hy sinh nhưng cực kỳ vẻ vang - 30 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian 30 năm ấy có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, trong thắng lợi chung đó có những người đảm đương trách nhiệm chỉ huy lãnh đạo Quân đội ở cương vị chiến dịch, chiến lược, tài năng, trí tuệ của các đồng chí ấy có ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử như: các Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái; các Thượng tướng: Hoàng Minh Thảo, Trần Văn Trà, Trung tướng Vương Thừa Vũ v.v...  Song duy nhất có một người được Bác Hồ lần đầu tiên trực tiếp phong quân hàm cấp Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với lịch sử Quân đội ta từ những ngày đầu thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22 tháng 12 năm 1944 cho tới chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân toàn thắng 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người duy nhất được các thế hệ “Anh bộ đội Cụ Hồ” kính trọng và tin yêu đặt cho cái tên rất thân thương: Anh Văn - Người Anh Cả của quân đội. Một lão thành cách mạng và là một cán bộ tài năng và đáng kính.

Thượng tướng giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo từng phát biểu: “Nói về Võ Nguyên Giáp càng khó, vì đồng chí Tổng tư lệnh để lại dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực trước hết là quân sự, rồi đến chính trị, văn hóa, đạo đức v v. Tuy nhiên, tôi vẫn nói được rằng: Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lớn “của lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ XX” và “trên lĩnh vực quân sự Võ Nguyên Giáp là nhân vật nổi bật ở hàng đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và trên toàn thế giới”.

Thượng tướng nói về tình cảm của mình đối với Đại tướng Tổng tư lệnh “Những kỷ niệm của tôi với người Anh Cả của toàn quân Võ Nguyên Giáp, suốt dọc cuộc đời trường chinh gian nan và oanh liệt của dân tộc rất nhiều không sao kể xiết...”.

Còn với “chiến sĩ và cán bộ chỉ huy các cấp ngày càng hiểu và yêu thương đồng chí Tổng tư lệnh chính vì sự thực hiện triệt để trước sau như một của một Tổng tư lệnh đối với nguyên tắc: “Phải giành bằng được chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với việc giảm xuống thấp nhất thương vong của tướng sĩ” và tôi được biết đồng chí Tăng tư lệnh nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đẫm vì được tin một chiến dịch nào đó, máu chiến sĩ đổ quá nhiều mà chiến thắng thì chưa tương xứng”. (Trả lời phỏng vấn, đăng trên báo Xửa và nay sô97 tháng 8-2001)

Những ý kiến của Thượng tướng, giáo sư Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, có lẽ cũng là suy nghĩ chung của lớp “Anh bộ đội Cụ Hồ” chúng tôi, những người lính đã trải qua hai cuộc chiến tranh: Chống thực dân Pháp và chống quân xâm lược Mỹ.  Đối với riêng tôi, trong thời gian làm việc ở Binh chủng Tăng - Thiết giáp, nhiều lần tôi trực tiếp làm việc với các đồng chí chỉ huy, lãnh đạo ở cấp cao trong quân đội - cấp chiến lược, song Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp khó phai mờ.

Từ những lần đầu tiếp xúc, làm việc của mình tôi thấy ở Người Anh cả ấy tuy rất nghiêm nhưng trong cái nghiêm ấy lại toát lên một tấm lòng bao dung và thân tình, gần gũi chăm sóc các em của mình.  Tôi còn nhớ vào quãng những năm 1966 - 1967 cái thời gian mà xe tăng chưa có “đất dụng võ”, các trung đoàn xe tăng phải niêm xe và giấu xuống hầm để chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đang điên cuồng đánh phá miền Bắc. Đồng thời rút cán bộ, chiến sĩ xe tăng ra, tổ chức thành các đơn vị trang bị cao xạ 37 ly, đi tham gia bắn máy bay Mỹ. Người chiến sĩ xe tăng trở thành lính cao xạ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM