Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:47:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vasily Grossman - Nhà văn nơi chiến trường  (Đọc 55396 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #100 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2015, 06:56:40 pm »

      Một bà già đang cuốc bộ theo hướng ngược với Berlin, đầu trùm khăn. Trông bà chính xác như đang đi hành hương - cuộc hành hương về những miền đất Nga. Bà mang một cái ô trên vai, cán ô treo một cái nồi nhôm vĩ đại.

     Weissensee - ngoại ô thành phố. Tôi dừng xe. Vài chú bé táo bạo và ranh mãnh đến xin sô cô la khi nhận thấy tôi đeo túi bản đồ.

     Trái với suy nghĩ cho rằng Berlin là một trại lính khổng lồ, tại đây có rất nhiều khu vườn đang trổ hoa. Dù trên không vẫn vang lên tiếng đại bác nhưng trong những phút tạm ngừng người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng chim.

     Grossman đi theo một trong những vị chỉ huy nổi tiếng nhất của Zhukov, tướng Berzarin (3). Nguyên soái Zhukov đã kế tục truyền thống có từ thời Nga Sa hoàng khi chỉ định Berzarin, chỉ huy Tập đoàn quân Xung kích 5, làm chỉ huy quân quản Berlin vì đơn vị của ông là đơn vị đầu tiên tiến vào thành phố. Thực tế đây là một sự lựa chọn sáng suốt. Berzarin đã không chờ đến lúc chiến sự kết thúc. Ông đã có nhiều nỗ lực để khôi phục lại các hàng hoá dịch vụ thiết yếu ngay khi có thể - một nhiệm vụ khổng lồ sau khi Berlin sụp đổ - và đảm bảo cho ko người dân nào phải chết đói. Nhiều người dân Berlin kính trọng ông, và khi ông chết vài tuần sau đó trong một tai nạn mô tô có tin đồn lan truyền ông đã bị NKVD ám sát.

     Chỉ huy quân quản, tướng Berzarin, đang có buổi phỏng vấn với tờ Burgermeister. Phóng viên hỏi những người bị điều chuyển đi làm việc theo yêu cầu của quân đội sẽ được trả bao nhiêu. Thực chất câu hỏi này là để biết chính xác quyền của họ ra sao.

     Thượng tướng Berzarin, chỉ huy quân quản Berlin, là một người béo, mắt nâu, hóm hỉnh, tóc bạc trắng mặc dù còn trẻ, thông minh, rất bình tĩnh và tháo vát.

     Buổi tối trong công viên Schloss Treskow. Trong những căn phòng tối tăm có nhiều đồ sứ, tiếng chuông đồng hồ bính boong. Đại tá Petrov đang ngồi bên bếp lửa, khốn khổ vì đau răng. Qua cửa sổ có thể nghe tiếng đại bác bắn và Katyusha rít lên. Bất thần có tiếng sấm vang trên trời. Bầu trời vàng ánh lửa và có mây. Thời tiết ấm, mưa nhỏ, có mùi hoa tử đinh hương. Trong công viên có một cái ao, những bức tượng soi bóng xuống đó. Tôi đang ngồi trên một cái ghế bành bên bếp lửa. Chuông đồng hồ vẫn bính boong suốt với giai điệu du dương buồn bã, nghe giống một bài thơ.

     Trên tay tôi có một cuốn sách, in chữ nhỏ, có dòng chữ viết tay run run, có lẽ của một người già: "von Treskow". Chắc ông ta từng là chủ nhân nơi đây (4).

     Một  ông già Đức 61 tuổi có cô vợ 35 tuổi rất đẹp, ông ta là lái buôn ngựa. Họ có một con chó bull tên là Dina, "Sie ist ein Fraulein". Chúng tôi được nghe kể rằng binh lính đã lấy đi mọi thứ của họ. Người vợ khóc nức nở nhưng ngay sau đó bình thản nói với chúng tôi rằng mẹ và ba chị em của cô ta đã chết vì bom Mỹ ở Hanover. Cô ta cũng kể, với sự thích thú rõ ràng, những chuyện ngồi lê đôi mách về đời sống tình dục của Goering, Himmler và Goebbels.

     Sáng ra, chúng tôi đi cùng Berzarin và Tham mưu trưởng của ông là trung tướng Bokov tới trung tâm Berlin. Tại đây chúng tôi thấy được những trận bom của người Mỹ và người Anh đã hoàn thành nhiệm vụ tốt thế nào: Tất cả chỉ còn là địa ngục!

     Chúng tôi vượt qua sông Spree và bắt gặp hàng nghìn người Berlin trên đường phố.Một  phụ nữ Do Thái và chồng,một  người Do Thái già, đã bật khóc khi biết được số phận những người bị đưa tới Lublin.

     Một quý cô Đức khoác áo lông cừu tỏ ra rất thích tôi, cô nói: "Nhưng chắc anh không phải một chính uỷ Do Thái chứ?"

    Trong một sở chỉ huy quân đoàn bộ binh (5), chỉ huy là tướng Rosly. Quân đoàn vẫn đang chiến đấu tại trung tâm Berlin. Rosly nuôi 2 con chó (gọi vui là đồng chí), một con vẹt, một con công, một con gà Nhật Bản, tất cả chúng đều đi theo ông mọi nơi mọi lúc. Một không  khí náo nhiệt trong sở chỉ huy của Rosly, ông nói: "Giờ chúng tôi sợ cả các đơn vị bạn chứ không chỉ quân địch." Ông vừa nói vừa cười: "Tôi đã được lệnh kéo xác xe tăng ra đường dẫn tới Reichstag và Reichschancellery để chặn các đơn vị bạn. Điều đáng thất vọng nhất ở Berlin này là khi hay tin một đơn vị bạn nào đó thành công."

      Grossman đã rất quan tâm đến các hoạt động của đất nước thù địch bại trận - cách họ sẵn sàng tuân lệnh các chủ nhân mới, cách các nhóm nhỏ tiếp tục kháng cự, tất cả đều không giống như ở Liên Xô. Minh họa của ông về những người cộng sản Đức già thường xuyên lặp lại. Khi những Đảng viên này xuất hiện họ mong muốn được Hồng quân chào đón như những người đồng chí, nhưng thay vào đó họ bị khinh rẻ, nếu không thì cũng bị công khai nghi ngờ. Những công dân Soviet đã không nhận được chỉ dẫn nào từ những nhà lãnh đạo, họ không thể hiểu tại sao giai cấp cần lao Đức lại không chiến đấu chút nào để chống lại bọn Nazi. Mật vụ SMERSh và NKVD thậm chí còn bắt một số Đảng viên cộng sản Đức vì tội gián điệp. Theo quan điểm của những người Stalinist, chỉ nội thực tế là họ đã không làm du kích chiến đấu chống bọn phát xít đã đủ để nghi ngờ.

      Một ngày tại nhiệm sở của Berzarin, nơi Sáng tạo Thế giới. Người Đức, người Đức, toàn là người Đức - phóng viên Burgermeisters, giám đốc sở điện Berlin, sở cấp nước Berlin, thoát nước, công trình ngầm, tàu điện, gas, các chủ nhà máy và đủ loại nhân vật khác. Họ đều mới tiếp nhận vị trí tại nhiệm sở. Phó giám đốc lên giám đốc, lãnh đạo địa phương thành toàn quốc. Tiếng bước chân lạo sạo, tiếng trao đổi xì xào.

    Một ông cụ vốn là thợ quét vôi giơ tấm thẻ Đảng (cộng sản), ông ta là Đảng viên từ năm 1920. Tuy nhiên điều này không gây ấn tượng gì lớn, ông được mời ngồi.

    Ôi, bản chất con người mới yếu ớt làm sao! Tất cả những quan chức tai to mặt lớn này từng được Hitler nuôi dưỡng đến béo mượt, vậy mà họ đã nhanh chóng và nhiệt thành từ bỏ chế độ của họ, lãnh đạo của họ, Đảng của họ và quay sang chửi bới nó. Tất cả họ đều nói cùng một điều: "Sieg!" (Chiến thắng), đó là câu khẩu hiệu lúc này.

     Ngày 2/5, ngày Berlin đầu hàng. Thật khó để mô tả nó. Cảm xúc dâng lên cao trào. Lửa và lửa, khói, khói, và khói. Những đám tù binh Đức khổng lồ. Nét mặt chúng đầy vẻ bi kịch, nhiều khuôn mặt lộ rõ nỗi buồn không chỉ của cá nhân mà của cả một dân tộc. Hôm nay là một ngày u ám, lạnh lẽo, lất phất mưa và chắc chắn là ngày nước Đức sụp đổ. Trong khói bụi, giữa những đống đổ nát, những đám cháy là hàng trăm xác chết nằm trên các con phố. Những xác chết bị xe tăng nghiến lên, cuốn lại chỉ còn như những cái ống. Hầu hết chúng vẫn còn nắm chặt lựu đạn hoặc tiểu liên trong tay. Chúng đã chết trong trận chiến, phần lớn đều mặc áo sơ mi nâu, đó là những cán bộ Chính trị của Đảng Quốc xã tham gia bảo vệ những tuyến đường dẫn tới Reichstag và Reichschancellery.

    Tù binh bao gồm cảnh sát, cán bộ chính quyền quốc xã, người già và cả học sinh, hầu hết vẫn còn là trẻ con. Nhiều tù binh đi cùng vợ, những phụ nữ trẻ và đẹp.Một số phụ nữ đang cười, cố làm vui lòng chồng. Một tên lính trẻ đi cùng hai con một trai một gái. Một tên lính khác ngã xuống và không thể đứng dậy được, hắn khóc. Những người dân tỏ ra tốt bụng với hắn, khuôn mặt họ lộ vẻ xót thương. Họ đưa cho đám tù binh nước và những khoanh bánh mì họ đang cầm trên tay.

      Một bà già chết nửa nằm nửa ngồi trên một tấm đệm trước ngưỡng cửa, đầu tựa vào tường. Khuôn mặt bà hiện vẻ cam chịu và buồn bã, bà đã chết trong ngày tai hoạ này.Một đôi chân trẻ con đi giày và tất nằm trong vũng bùn, chắc một mảnh đạn đã cắt nó ra hoặc một chiếc xe tăng đã nghiến qua cô bé. (Đó là chân của một cô bé)

     Sự tĩnh lặng đã trở lại các con phố, các đống đổ nát đang được dọn dẹp. Phụ nữ Đức đang quét vỉa hè và các căn phòng trong nhà bằng chổi xể.

    Quân địch đã yêu cầu đầu hàng suốt đêm bằng radio. Viên tướng chỉ huy phòng thủ thành phố đã ra lệnh: "Hỡi các binh sĩ! Hitler, người mà các anh đã tuyên thệ trung thành, đã tự sát!" (6) Tôi đã được chứng kiến những phát đạn cuối cùng tại Berlin.Một nhóm SS trong một toà nhà bên bờ sông Spreecách Reichstag không xa, đã không chịu đầu hàng. Những khẩu đại pháo nã đạn lửa và đạn xuyên vào toà nhà, mọi thứ đổ sụp thành một đống đá vụn và khói đen.

    Reichstag, toà nhà khổng lồ đầy quyền lực. Lính tráng đốt một đống lửa chào mừng giữa đại sảnh và gõ lưỡi lê vào những vỏ đồ hộp.

    Có một cuộc trò chuyện gần như vô bổ lưu lại trong trí nhớ của tôi. Đó là câu chuyện với một anh đánh xe có cỗ xe ngựa như từ thời trung cổ, anh ta có bộ râu rậm mầu nâu sẫm được uốn vểnh. Anh ta đang đứng cạnh mấy con ngựa ở góc Leipzigerstrasse. Tôi hỏi anh về Berlin, và không rõ anh có thích thành phố này không.

    "Oh, anh thấy đấy," anh ta nói, "hôm qua là một ngày ầm ĩ, có đánh nhau ngay tại con phố này. Đạn pháo Đức nổ suốt, tôi đang đứng bên lũ ngựa thì xà cạp bị lỏng, tôi cúi xuống định quấn lại và một mảnh đạn bay vút qua đầu! Một  con ngựa hoảng sợ bỏ chạy mất, nó là một con non và khá nghịch. Tôi nghĩ không biết mình nên làm gì bây giờ, quấn lại xà cạp hay chạy theo con ngựa. Vâng, tôi đã xem qua Berlin! Tôi chạy suốt hai giờ trên mỗi một con phố mà vẫn chưa hết! Vừa đi tôi vừa nghĩ - vậy đấy, đó là Berlin. Chính xác đây là Berlin nhưng cuối cùng tôi cũng bắt lại được con ngựa!"
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #101 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2015, 07:01:37 pm »

      Sát phía tây toà nhà Reichstag, Grossman lang thang trong Tiergarten, công viên trung tâm Berlin, nơi mà mọi cây cối đã bị phạt trụi trong trận đánh, mặt đất bị cày xới vì bom đạn. Cây cột lớn mừng chiến thắng Seigessaule, được lính Soviet trong trận đánh gọi là "quý bà cao" vì trên đỉnh cột có bức tượng thiên thần chiến thắng, được dân Berlin gọi là "Elsa vàng". Cái "pháo đài" mà ông đề cập dưới đây là khu chuồng thú lớn đồng thời là tháp pháo phòng không, một công trình khổng lồ bằng xi măng với nhiều pháo đội phòng không trên nóc, bên trong ẩn núp hàng nghìn người. Đây từng là sở chỉ huy của Goebbels khi hắn nắm giữ chức vụ Uỷ viên hội đồng quốc phòng Đế chế, nhưng hắn đã không chết ở đây. Goebbels và vợ là Magda đã tự bắn mình trong vườn hoa toà nhà Reichschancellery sau khi Magda đầu độc chết sáu đứa con.

     Đài kỷ niệm chiến thắng Siegessaule, những toà nhà và pháo đài khổng lồ và vị trí của lực lượng phòng không Berlin. Đây là sở chỉ huy bố phòng của các lực lượng phòng thủ dưới quyền Goebbels. Người ta nói hắn đã ra lệnh đánh thuốc độc gia đình mình rồi tự sát. Hôm qua hắn đã tự bắn mình, thân xác hắn vẫn nằm đó, chân vặn vẹo phi tự nhiên, đeo cà vạt trắng.

     Chiến thắng bạo tàn. Bên đài kỷ niệm khổng lồ, một lễ mừng tự phát đang diễn ra. Những tấm giáp tăng biến mất dưới hàng đống hoa và cờ đỏ. Những nòng pháo cũng nở hoa như một thân cây mùa xuân. Mọi người đang nhảy nhót, cười đùa, ca hát. Hàng trăm quả pháo sáng đủ màu được bắn lên trời, mọi người chào đón chiến thắng bằng những loạt tiểu liên, súng trường và súng ngắn. (Sau này tôi được biết nhiều người tham gia buổi chào mừng đó là những xác chết còn sống vì đã uống phải thứ thuốc độc ghê gớm chứa trong các thùng ở nhà máy hoá chất Tiergarten. Thứ thuốc đốc này phát tác ba ngày sau khi uống và khiến người ta phải chịu một cái chết tàn khốc.)

     Cổng Brandenburg được phủ một lớp gỗ súc và bao cát dày 2 - 3m. Vòm cổng trông như một cái khung ảnh, qua đó có thể thấy toàn cảnh Berlin đang bốc cháy. Thực sự tôi chưa bao giờ được xem một hình ảnh như vậy dù đã thấy hàng nghìn vụ cháy.

     Những người nước ngoài (bị bắt tới lao động khổ sai hoặc là tù binh chiến tranh) đã chịu nhiều đau khổ. Họ vừa đi vừa mắng chửi và đe doạ những tên lính Đức và vẫy mũ với lính Nga. Mộtngười Pháp trẻ bảo tôi: "Monsieur, tôi yêu quân đội của các anh, đó là lý do tôi thấy khốn khổ cho mình khi nhìn thấy các anh chú ý tới các bà các cô. Điều đó sẽ có hại cho các anh về mặt tổng thể."

     Nạn cướp bóc: Những thùng chứa, đống gạch, đồ da, rượu vang, rượu champagne, quần áo - tất cả đều đang được chở trên những xe cộ hoặc trên những đôi vai.

    Người Đức: một số đặc biệt dễ gần và tử tế, số khác quay đi với vẻ rầu rĩ. Có rất nhiều cô gái trẻ đang khóc. Hình như họ đã phải trải qua những sự khó chịu với cánh lính tráng quân ta.

     Đây là nước Đức, chi tiết hơn là Berlin, các chiến sĩ ta thực sự bắt đầu tự hỏi không hiểu sao bọn Đức lại phải thình lình tấn công chúng ta như vậy? Tại sao người Đức lại cần phải tiến hành cuộc chiến khủng khiếp và bất công này? Hàng triệu binh sĩ ta giờ đã được thấy những nông trại giàu có ở Đông Phổ, hoạt động nông nghiệp được tổ chức cao, kho lúa xây xi măng, những phòng rộng trải thảm và tủ đầy quần áo.

     Hàng triệu chiến sĩ ta đã thấy những con đường tuyệt đẹp dù chỉ là nối làng này với làng khác, những xa lộ Đức ... Lính ta đã thấy những căn nhà hai tầng ở ngoại ô có đủ điện, gas, nhà tắm và khu vườn xinh xắn. Lính ta đã thấy villa của đám tư sản giàu có Berlin, những lâu đài, điền trang, biệt thự xa xỉ không thể tin nổi. Vậy là hàng nghìn chiến sĩ ta đã phải tức giận đặt câu hỏi này khi nhìn thấy những gì xung quanh: "Thế này mà tại sao chúng lại phải đến nước ta? Chúng còn muốn gì nữa?"

     Hầu hết lính tráng đều đến tụ tập tại Reichstag vào ngày chiến thắng. Chỉ có một số ít mà phần lớn là sĩ quan xuất hiện quanh Reichs-chancellery, họ được cho phép vào tầng trệt nhưng các tầng trên và hầm bị các đặc vụ SMERSh dưới quyền tướng Vadis ngăn lại, họ đang tìm kiếm xác Hitler. Grossman đi cùng Efim Gekhman kiếm các kỷ vật của bọn Nazi. Theo Ortenberg, Grossman kiếm được kỷ vật cuối cùng cho bộ sưu tập của mình vào ngày 2/5/1945 tại Berlin. Grossman và Gekhman đã vào nhiệm sở của Hitler buổi sáng, mở xem một bản vẽ trên bàn và
thấy bên trong có những con dấu ghi "Quốc trưởng đã xác nhận!" hay "Quốc trưởng đã chấp thuận", v.v... Grossman lấy một số con dấu đó và giờ chúng đang được lưu giữ cùng các bài báo của ông.

     Toà nhà mới Reichschancellery. Nó là một đống đổ nát khổng lồ tượng trưng cho một chế độ, một tư tưởng, một kế hoạch, mọi thứ, tất tần tật. Hitler kaputt ... Nhiệm sở của Hitler. Phòng tiếp tân. Trong phòng chờ rất lớn có một người Kazakh trẻ, da sẫm và gò má cao, đang tập đi xe đạp, ngã lên ngã xuống. Ghế và bàn làm việc của Hitler.

     Một quả địa cầu kim loại khổng lồ bẹp dúm, dính đầy mẩu gỗ nằm trên thảm. Mọi thứ lộn tùng phèo. Thật là lộn xộn. Các kỷ vật, sách vở có dòng đề tặng của Quốc trưởng, con dấu, v.v..

     Grossman cũng tới xem vườn thú Berlin toạ lạc tại góc tây nam Tiergarten.

     Những con hổ và sư tử đói khát ... đang cố bắt đám chim sẻ và chuột chạy nhốn nháo trong chuồng.

    Vườn Bách Thú. Đã có một trận chiến tại đây. Những khu chuồng tan hoang. Xác khỉ, chim nhiệt đới, gấu. Trong hòn đảo dành cho khỉ đầu chó, lũ khỉ nhỏ vẫn đang ôm xác mẹ bằng những cánh tay bé tí. Nói chuyện với một ông cụ từng là người trông coi lũ khỉ trong 37 năm. Có một cái xác gorrilla trong chuồng.

    "Nó là một giống thú dữ tợn àh?" Tôi hỏi.

    "Không. Nó chỉ hay gào lên thôi. Con người đáng sợ hơn nhiều," ông cụ trả lời.

    Trên một chiếc ghế dài, một lính Đức bị thương đang ôm chặt một cô y tá. Họ không nhìn ai. Khi tôi đi qua chỗ đó một sau, họ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Thế giới xung quanh họ không tồn tại, họ đang hạnh phúc.

    Grossman quay lại Moscow đầu tháng sáu và ở ẩn trong một nhà nghỉ nông thôn. Đầu tiên ông không thể viết gì. Ông sụp đổ vì căng thẳng thần kinh, một phản ứng thường gặp giống như rất nhiều người khác trở về từ cuộc chiến. Nhưng sau đó, với chế độ nghỉ ngơi, ko khí trong lành, câu cá và đi bộ, ông đã cảm thấy lại sẵn sàng bắt đầu công việc mà ông tự hứa với mình - tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của những chiến sĩ Hồng quân và tưởng nhớ vô số nạn nhân trong cuộc xâm lược của bọn Nazi.

                          ……………………………………….

     (1) Starosta: già làng hoặc trưởng làng do bọn Đức chỉ định, họ có lý do để sợ sự trừng phạt của NKVD và đã chạy sang Đức để trốn chạy những bước tiến của Hồng quân.

     (2) Lời đồn này sai, tướng Vlasov và phần lớn quân của hắn ở Tiệp Khắc và vào thời điểm cuối cùng đã chuyển sang phe những người nổi dậy Czech chống bọn Đức tại Praha, tuy nhiên điều này không giúp hắn trốn được số phận khi rơi vào tay những người báo thù NKVD. Vlasov đã bị một  đơn vị xe tăng Soviet bắt sống và đưa về Moscow, tại đó hắn bị tra tấn và xử tử.

    (3) Thượng tướng Nikolai Erastovich Berzarin (1904 - 1945).

    (4) Gia tộc Tresckow (thêm một chữ cái "c") là một gia tộc Phổ cổ, thành viên được biết tới nhiều nhất là thiếu tướng Henning von Tresckow (1901 - 1944), người đã bí mật gài một quả bom vào máy bay của Hitler ngày 13/3/1943, nhưng nó không nổ. Tresckow tự sát bằng lựu đạn ngày 21/7/1944. Công viên SchloB Treskow mà Grossman đang trú ngụ rất có thể là SchloB Friedrichsfelde nằm ở khu đông Berlin, tài sản của một nhánh vốn là con hoang nhưng giàu hơn nhiều trong gia tộc này, tên viết không có chữ cái "c". Nhánh gia tộc này kiếm tiền nhờ bán ngựa cho kỵ binh khắp Châu Âu. Munthe von Treskow, chủ nhân cuốn sách mà Grossman đang xem, đã bị lính Soviet tống ra khỏi nhà và theo gia đình kể lại là sau đó chết vì đói.

    (5) Đây là Quân đoàn 9 Bộ binh, chỉ huy là trung tướng I. P. Rosly, trực thuộc Tập đoàn quân 5 Xung kích của thượng tướng Berzarin.

    (6) Tướng Helmuth Weidling, chỉ huy Quân đoàn 56 Thiết giáp, được Hitler chỉ định làm chỉ huy Berlin ngày 23/4 ngay sau khi ra lệnh bắt ông ta vì tội hèn nhát với lý do không ai hiểu nổi.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #102 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2015, 07:05:11 pm »

                                                                                         28. LỜI BẠT

                   
                                                                           SỰ DỐI TRÁ CỦA CHIẾN THẮNG



       Niềm tin của Vasily Grossman vào “sự thật trần trụi của chiến tranh” bị giới chức Soviet từ chối không thương tiếc, đặc biệt khi họ muốn ém nhẹm thông tin về các vụ thảm sát người Do Thái (Holo-caust). Đầu tiên là việc phủ nhận sự tồn tại của chủ nghĩa bài Do Thái trong xã hội Soviet. Grossman phải làm ra vẻ hòa hợp với Sholokhov, người đã xúc phạm cả ông lẫn Ehrenburg khi nêu hai ông như những ví dụ điển hình của các tư tưởng phản động còn sót lại từ trước cách mạng. Sau chiến tranh, ông sớm phát hiện ra rằng bản thân những người Stalinist còn bài Do Thái hơn nhiều so với tưởng tượng của ông. Nhiều năm sau đó, khi viết cuốn “Cuộc đời và Số phận”, ông đã bộc lộ điều này công khai khi mô tả cuộc chiến nhưng cuốn sách đã ra đời quá sớm. Mặc dù có những cảnh báo nhưng tư tưởng bài Do Thái trong hệ thống chính quyền Soviet đã không bộc lộ một cách rõ ràng cho đến tận năm 1948. Nó bộc phát một cách đáng sợ năm 1952 trong chiến dịch “bài trừ chủ nghĩa quốc tế” của Stalin và việc tung ra giả thuyết về âm mưu của các bác sĩ Do Thái định sát hại các nhà lãnh đạo Soviet. Tuy chưa phải người bài Do Thái thực sự nhưng Stalin có những tư tưởng không khác mấy bọn Nazi, xuất phát từ tư tưởng bài ngoại hơn là phân biệt chủng tộc.

      Ủy ban người Do Thái chống phát xít được thành lập tháng 4/1942 theo yêu cầu từ một năm trước đó của “những người anh em Do thái” trên toàn thế giới nhằm giúp đỡ nhau trong cuộc chiến, lúc này nổi lên như một đối tượng nghi ngờ của Stalin. Trong cuộc Đại thanh trừng những năm 1937 – 1938, chỉ một dấu hiệu mơ hồ về việc có liên lạc với người ngoại quốc đã đủ để kết tội vô số nạn nhân. Chỉ đến những tháng đầu của cuộc chiến, khi đất nước đối mặt với mối đe dọa sống còn, Stalin mới suy nghĩ lại về ý tưởng để người Do Thái Liên Xô thiết lập quan hệ trực tiếp với người Do Thái tại Mỹ và Anh. Tuy thế đề nghị thành lập các Lữ đoàn quốc tế của những người nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, trong đó người Do Thái tập trung thành các đơn vị độc lập chiến đấu trong thành phần Hồng quân, đã bị chính thức bác bỏ. Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất là ngay sau khi bảo vệ thành công Moscow tháng 12/1941, hai nhân vật chính yếu đưa ra đề nghị trên là Henryk Erlich và Viktor Alter, hai người Do Thái Ba Lan, đã bị bắt. Erlich sau đó tự sát trong tù còn Alter bị xử tử.

      Nhà cầm quyền Soviet không tỏ ra phản đối Ủy ban người Do thái chống phát xít trên mặt trận tuyên truyền khi Thỏa ước Lend – Lease với người Mỹ vẫn còn rất quan trọng với sự sống còn của đất nước. Tuy nhiên hoạt động của Ủy ban ngày một mở rộng và khiến họ xung đột với chủ trương của những người Stalinist muốn che đậy các vụ Holocaust.Một  ý tưởng khác xuất phát từ Mỹ mà trong nhóm đề xướng có cả Albert Einstein, một người Do Thái Mỹ nổi tiếng, là lập ra cuốn Sách Đen. Ý tưởng này thậm chí còn bị những người Stalinist phản đối nhiều hơn, ngay cả khi Thông tấn xã Soviet đã chấp thuận đưa vào kế hoạch xuất bản năm 1943.

      Grossman, một người Nga yêu nước và Ehrenburg, một người gốc Pháp đều được xem là những người Do Thái dù cả hai vốn không bao giờ quan tâm đến những nghi lễ Do Thái giáo Chính thống. Giờ đây họ gắn mình với số phận của những người Do Thái trên khắp Châu Âu. Cũng trong mùa hè năm 1943, khi xu thế chiến cuộc đã chuyển hướng một cách quyết định sang bất lợi cho phe phát xít, cả Ehrenburg và Grossman đều phát hiện ra rằng các cơ quan xuất bản chính đã cắt bỏ hầu hết các bài viết của hai ông về đề tài tội ác chống người Do Thái của bọn Nazi.

      Chỉ còn lại một số nhỏ nhà báo người Do thái, khoảng hai mươi người trên toàn Liên Xô, là chấp nhận đề tài này, họ tập trung nỗ lực vào dự án xuất bản cuốn Sách Đen (1). Sau này Grossman có đề nghị đích thân Konstantin Simonov tham gia viết một chương về Majdanek nhưng ông này từ chối, lấy lý do là quá bận, rõ ràng ông ta không muốn hứng chịu rủi ro của việc gây thù chuốc oán với giới chức cầm quyền.

       Cuối năm 1944, giữa Ehrenburg và các thành viên khác trong nhóm văn sĩ của Ủy ban người Do Thái chống phát xít phát sinh mâu thuẫn, vì vậy Grossman phải lãnh trách nhiệm biên tập cuốn sách. Tuy nhiên tháng 2/1945, Thông tấn xã Liên Xô phê phán việc nhấn mạnh các hành động của những kẻ phản bội tại các vùng tạm chiếm khi cộng tác với bọn Đức thảm sát người Do Thái. Đây chính là điểm đã làm Grossman phản đối mạnh mẽ con người nhìn xa trông rộng Ehrenburg. Đối với nhà cầm quyền, mục đích duy nhất của cuốn Sách Đen là  một bằng chứng trong các phiên tòa diễn ra liên tục để xét xử bọn phát xít Đức.

       Sau chiến tranh, Uỷ Ban Do Thái chống phát xít nhận ra rằng không thể xin được giấy phép xuất bản cuốn Sách Đen từ giới chức cầm quyền. Tháng 11/1946, Ehrenburg, Grossman và người đứng đầu Uỷ ban là Solomon Mikhoels đã đồng gửi một lá đơn thỉnh nguyện tới Andrei Zhdanov, Bí thư Dân Uỷ Trung ương (2).

     Mãi không nhận được câu trả lời nào. Cuối cùng, sau mười một tháng tức tháng 10/1947, Uỷ ban mới được thông báo rằng cuốn sách mắc "những sai lầm Chính trị nghiêm trọng" và bị cấm xuất bản. Chiến Tranh Lạnh vừa mới bắt đầu tháng chín năm đó, và Uỷ ban Do thái chống phát xít trở thành đối tượng rất đáng ngờ vì có quan hệ với nước Mỹ, hai tháng sau nó bị giải tán, các nhà văn tham gia viết cuốn Sách Đen tứ tán mỗi người một nơi. Tháng 1/1948, Solomon Mikhoels bị một chiếc xe tải nghiền nát ở Minsk, vụ này sau đó được chứng minh là một hành động của KGB nhằm loại trừ ông. Grossman chính là người đã đưa Mikhoels ra ga trong chuyến đi định mệnh này nên chắc cũng có nhiều nghi ngờ khi nghe được tin dữ, phương pháp ám sát quá thô thiển để có thể tin là một vụ tai nạn bình thường.

      Trong các năm 1945 và 1946, sự nghiệp văn chương của Grossman vẫn tiếp tục tiến triển ngoại trừ cuốn Sách Đen.Một số bài viết của ông đăng trên tờ Krasnaya Zvezda được tập hợp và tái bản thành một cuốn sách nhỏ mang tên "Gody Voiny" (Những năm tháng chiến tranh), cuốn sách sau đó còn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Bản mới của cuốn "Nhân dân bất diệt" cũng được in và thậm chí chuyển thể thành kịch. Tuy nhiên những thành công này không kéo dài quá một năm. Tháng 8/1946 bắt đầu thời kỳ trấn áp văn hoá và ý thức hệ do Andrei Zhdanov khởi sướng, nó được đặt tên là Zhdanovschina bắt chước theo tên gọi cuộc Đại Thanh trừng là Yezhovschina. Kể cả không tính tới những việc
đã làm cho cuốn Sách Đen, một nhà văn chân thực như Grossman cũng vẫn bị buộc phải đối mặt với quãng thời gian hậu chiến khó khăn. Tháng 9, vở kịch "Nếu chúng ta tin vào Pythagor" của ông đã bị tờ Pravda chỉ trích một cách ác ý. Sau đó là những lời cạnh khoé khác về các tác phẩm của ông viết trong chiến tranh, tuy nhiên điểm chính yếu khiến cho các nhà chức trách không ưa ông vẫn là cuốn Sách Đen.

      Đòn tấn công tiếp theo vào Grossman nằm trong chiến dịch "bài trừ chủ nghĩa quốc tế" của những người Stalinist, nó bắt đầu tháng 11/1948 với việc giải tán Uỷ ban Do thái chống phát xít. (Theo logic quái gở của những người Stalinist, việc này ít nhiều trùng hợp với việc Liên Xô công nhận Nhà nước Do thái, một cuộc phân chia hoàn toàn chỉ nhằm mục đích làm hỏng kế hoạch của nước Anh).Ba tháng sau, tháng 1/1949, truyền thông Soviet bắt đầu cuộc tổng tấn công "bài trừ chủ nghĩa quốc tế" theo lệnh của Kremlin. 15 thành viên Uỷ ban bị bắt, bị thẩm vấn, tra tấn và cuối cùng bị xét xử vào tháng 5/1952. Các phiên toà đều được xử kín, 13 bị cáo bị xử tử vào tháng 8. Tháng 1/1953, một  nhóm bác sĩ hầu hết là người Do Thái bị buộc tội là âm mưu sát hại các nhà lãnh đạo Soviet. Chiến dịch bài Do Thái trắng trợn này chỉ chấm dứt sau cái chết của Stalin vào tháng ba. Viktor Komarev, Phó Giám đốc cơ quan điều tra thuộc MGB đã thẩm vấn các thành viên Uỷ ban Do thái chống phát xít và khoác lác trong một bức thư gửi Stalin rằng "tôi căm ghét những kẻ thù của nhân dân này biết bao". Ông ta khoe khoang về những việc làm tàn bạo của mình và sự sợ hãi của các nạn nhân.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2015, 07:11:58 pm »

     "Tôi đặc biệt căm ghét và đối xử không thương xót với những tên quốc gia Do thái, những kẻ mà tôi xem như kẻ thù nguy hiểm và hung ác nhất. Vì lòng căm thù đối với chúng mà tôi tự cho mình là người bài Do Thái không chỉ với những bị cáo này mà cả với các cựu nhân viên MGB người Do Thái." Một  trong các bị cáo, Boris Shimeliovich, đã bị tra tấn đến mức phải ra toà trên cáng.

     Vasily Grossman và Ilya Ehrenburg đã cực kỳ may mắn khi không bị liệt vào số những kẻ hợp tác với Uỷ ban Do thái chống phát xít bị bắt đợt đầu. Họ bị triệu đến thẩm vấn tháng 3/1952 để chuẩn bị cho phiên xét xử nhưng được để ngồi một mình tự viết bản cung. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Grossman về Stalingrad "Vì Chính Nghĩa" đã được xuất bản dài kỳ trong năm đó sau khi ông bị buộc phải sửa đổi nhiều đoạn liên quan đến Ctrị. Cuốn tiểu thuyết được đề cử Giải thưởng Stalin nhưng ngay sau đó Grossman đã bị phê phán dữ dội.

     Những tay bồi bút của Đảng đã phát hoảng khi nhận ra Grossman viết cuốn tiểu thuyết về trận Stalingrad mà không hề nhắc tới Stalin. Danh sách những điểm đáng phê bình ngày càng mở rộng. Ông bị cho là đã làm giảm thắng lợi và vai trò của Đảng Cộng Sản trong chiến thắng. Grossman đã buộc phải viết một bức thư sám hối nhưng ông chỉ thoát khỏi trại cải tạo Gulag nhờ cái chết của Stalin tháng 3/1953.

     Mặc dù ghê tởm những tín điều Stalinist mà vì nó ông phải liên tục dối trá và phản bội chính mình, Grossman vẫn không bao giờ đánh mất niềm tin vào những người lính Nga bình thường và thành công to lớn của cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại. Con gái ông kể lại trong hồi ký ông đã thúc giục mọi người trong gia đình hát những bài hát chiến tranh trong nhà mình.

    Trong căn phòng trống lớn, trời đang chạng vạng, ko hiểu vì sắp tối hay sắp có mưa, có ba người chúng tôi: bố, em cùng cha khác mẹ Fedya và tôi ... chúng tôi đang hát vài bài hát thời chiến. Cha tôi bắt nhịp bằng giọng vang và ồm ồm, đôi tai kém thẩm âm của ông ko quan tâm nhiều đến chuyện đó, những câu hát rất quen thuộc với chúng tôi:

     Chiếc máy bay đang quần lượn quanh quanh
      Nó đang gầm rú, lao vào lũ quỹ trên mặt đất ... (3)
      Bất ngờ cha tôi đứng dậy, Fedka và tôi cũng đứng lên. Cha tôi khom mình, tay để hai bên như trong một cuộc duyệt binh, mặt trang nghiêm.
      Tiến lên đất nước vĩ đại
      Tiến lên trong cuộc chiến sống còn
      Trước đám mây đen phát xít
      Trước lũ hung tàn đáng nguyền rủa


      Cha tôi coi việc hát này như một nghi lễ: ông nói rất nhiều và rất thành kính ... Ông lúc nào cũng đứng khi hát.

      Grossman vẫn còn hứng thú với những câu hỏi về lòng dũng cảm và tính hèn nhát. Con gái ông ghi lại một cuộc nói chuyện trong nhà với vài khách khứa, câu chuyện xoay sang chủ đề các hoạt động trong chiến tranh.Một  người nói khi ai đó có những tình cảm mạnh mẽ như yêu nước hoặc tức giận, sự sợ hãi sẽ biến mất. "Grossman trả lời rằng điều đó không đúng. "Chỉ giống như là có hai kiểu dũng cảm thôi, tôi nghĩ anh cần phân biệt hai kiểu sợ hãi khác nhau - nỗi sợ vật chất ví dụ như sợ chết, và nỗi sợ tinh thần ví dụ như sợ bị người khác ghét bỏ trên mặt trận. Như trường hợp Tvardovsky bẩm sinh là một người cực kỳ dũng cảm, còn những người khác như Simonov chẳng hạn thì không sở hữu tính cách đó vì anh ta vốn là thường dân, mặc dù vậy Kostya Simonov vẫn tỏ ra vô cùng dũng cảm trong chiến tranh.""

      Grossman không hoàn toàn bị bỏ rơi về mặt Chính trị, thậm chí trong những lúc khó khăn nhất ông vẫn nhận được sự ủng hộ từ một số tướng lĩnh Stalingrad. Rodimtsev, người ông luôn tôn kính, đã đứng bên ông khi cuốn "Vì Chính Nghĩa" bị công kích, đó là một hành động
thực sự dũng cảm. Năm 1955, sau cái chết của Stalin, khi mọi sự đã không còn quá tệ với Grossman, ông đã gặp một người bạn chí cốt của Stalin là Nguyên soái Voroshilov, người đã cố thuyết phục ông vào Đảng nhưng Grossman khăng khăng từ chối. "Ờ, với tôi vẫn rõ ràng thôi," Voroshilov trả lời với vẻ tốt bụng, "anh là một người Bolshevik ngoài Đảng."

      Năm 1954, cuốn "Vì Chính Nghĩa" được tái bản, lần này dưới dạng sách và lại một lần nữa được ngợi ca. Trong thời gian nghỉ viết những năm năm mươi, Grossman vẫn tiếp tục làm nhiều việc để chuẩn bị cho kiệt tác của mình, cuốn "Cuộc đời và Số phận". Cuốn sách được kính cẩn đề tặng Tolstoy, tác giả cuốn "Chiến tranh và Hoà bình", và cũng là một thiên anh hùng ca, nhưng ở đây trung tâm là trận Stalingrad.Một  trong những khác biệt căn bản giữa hai cuốn tiểu thuyết là cách Grossman đặt vấn đề với những câu chuyện và nhân vật gần gũi với ông. Thực tế cuốn sách hầu hết lấy chất liệu từ đời thực nhưng vẫn không làm mất đi tính tiểu thuyết. Ngược lại, những chất liệu thực tế làm cho cuốn sách có sức hấp dẫn lớn.

    Grossman đã tưởng rằng dưới thời Nikita Khrushchev, cựu Chính uỷ Stalingrad và là người phê phán Stalin tháng 2/1956 tại Đại hội Đảng 20, sự thật cuối cùng cũng đã có thể nói ra. Nhưng sự thiếu óc xét đoán Chính trị đã làm hại Grossman. Ông đã không nhận thấy rằng sự tương đồng ngấm ngầm giữa Nazism và Stalinism trong cuốn sách của ông vẫn là rất khó nghe. Huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại đã quá ăn sâu bén rễ. Ông chỉ nhận ra đầy đủ sự thật khi chứng kiến số phận của cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956, nó đã bị tướng Babadzhanyan, người anh hùng trong cuốn "Nhân dân bất diệt" của ông, nghiền nát không thương tiếc.

     Grossman hoàn thành cuốn "Cuộc đời và Số phận" năm 1960 và đưa đi đánh máy. Những người biên tập làm ra vẻ bất tài và lười biếng nhưng thực ra là họ sợ hãi vì những gì viết trong tác phẩm. Việc cấp phép xuất bản bị đá lên cấp trên và ngày 14/2/1961, ba sĩ quan cao cấp KGB đã tới tịch thu tất cả các bản đánh máy. Họ lục soát căn hộ của cả Grossman lẫn những người đánh máy cho ông, lấy đi các bản chép tay và cả giấy than cũng như những băng chữ trên máy đánh chữ. Bản thảo cuốn sách được chuyển tới trưởng ban tư tưởng Đảng Cộng sản Mikhail Suslov, nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Ban Văn hoá Uỷ ban TW (4). Suslov tuyên án cuốn sách sẽ không được xuất bản trong ít nhất 200 năm nữa, đây cũng chính là một lời khẳng định rõ ràng về tầm quan trọng của cuốn sách.

      Tiếp theo là một sự tàn phá toàn diện, các cuốn sách trước đây của Grossman bị ngừng lưu hành. Ông rơi vào cảnh cơ hàn và chỉ còn lại một số ít bạn bè sẵn sàng chia sẻ rủi ro với ông, không lâu sau ông bị phát hiện ung thư dạ dày. Grossman mất vào mùa hè năm 1964, cho đến
 khi chết ông vẫn nghĩ rằng các tác phẩm vĩ đại của mình sẽ bị cấm xuất bản vĩnh viễn. Ehrenburg đề nghị đưa các tác phẩm của ông ra trước một uỷ ban đánh giá nhưng bị Hội Nhà văn từ chối. Trong con mắt của giới chức cầm quyền Soviet, Vasily Grossman đã hoàn toàn không còn sinh mạng Chính trị.

     Tuy nhiên, Grossman vẫn còn một bản thảo đánh máy cuốn sách gửi nhờ một người bạn. Người bạn đó đã bỏ bản thảo của ông vào một  cái túi vải bạt và bỏ quên nó khi treo trên móc dưới một cái áo khoác trong nhà nghỉ nông thôn của ông ta. Sau này bản thảo đó mới được tìm thấy và copy thành microfilm nhờ công của Andrei Sakharov, một nhà vật lý vĩ đại và một người bất đồng chính kiến. Vladimir Voi-novich, tiểu thuyết gia trào phúng, tác giả cuốn "Binh nhì Chonkin"  (một tác phẩm về Hồng quân tương tự cuốn "Chú lính Schwejk tốt bụng"), đã bí mật chuyển bản microfilm khỏi Liên Xô, tới Thuỵ Sĩ (5). Cuốn "Cuộc đời và Số phận" đã được xuất bản tại Thuỵ Sĩ và nhiều nước trên thế giới. Nó chỉ xuất hiện tại Nga sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ. Lời hứa với mẹ mà Grossman chưa bao giờ nói được với bà đã hoàn thành. Bà đã sống lại trong cuốn tiểu thuyết của ông với nhân vật Anna Shtrum. Bản thân Grosman đã bị cuốn vào một thế kỷ chó sói nhưng tình người và lòng can đảm của ông vẫn sống mãi trong các tác phẩm.


                       …………………………………………..  


     (1)Để biết chi tiết về những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện cuốn Sách Đen có thể xem các ấn bản của Garrard & Garrard trang 199 – 221, của Rubenstein trang 212 – 217 và chi tiết nhất là của Rubeinstein & Naumov. Bản tiếng Anh của cuốn Sách Đen do NXB Vad Yashem ấn hành năm 1981.

     (2)Andrei Aleksandrovich Zhdanov (1896 - 1948), sinh tại Mariupol, gia nhập Đảng Bolshevik năm 1915 và trở thành đệ tử trung thành của Stalin. Sau vụ ám sát Sergei Kirov năm 1934, Zhdanov trở thành thị trưởng Leningrad. Ông đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thanh trừng và lãnh đạo cuộc phòng thủ Leningrad năm 1941. Sau đó ông trở lại với vai trò cũ là phụ trách an ninh văn hoá cho Stalin, trông nom hoạt động của Thông tấn xã Liên Xô và sau đó là Cục thông tin Quốc tế Cộng Sản từ năm 1947. Học thuyết của ông được biết đến dưới cái tên "chủ nghĩa Zhdanovism" lấy căn bản là khái niệm partiynost, hay "tính Đảng", phải là một kim chỉ nam cho các văn nghệ sĩ. Sau này giới chức Soviet có cho rằng cái chết của ông năm 1948 là một  phần vụ "âm mưu của các bác sĩ" nhưng cũng có thể chính Stalin, do lo ngại sự gia tăng quyền lực của nhóm quan chức gốc Leningrad dưới trướng Zhdanov, đã nhúng tay vào cái chết phi tự nhiên này.

     (3)Grossman viết bài hát về những phi công Soviet anh hùng này khi đến thăm trung đoàn ko quân của Vasily Stalin, con trai nhà độc tài, gần Stalingrad vào đầu mùa thu năm 1942.

     (4)Mikhail Suslov (1902 - 1982) Uỷ viên TW Soviet phụ trách tư tưởng, từng tham gia giám sát các cuộc thanh trừng thời năm 1937 - 1938 tại Ukraina và Ural. Trong những năm 1944 - 1945 ông ta trực tiếp tham gia các chiến dịch hành quyết và trục xuất tàn bạo đối với các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong các dân tộc thiểu số Liên Xô do người Đức chỉ huy tại các vùng tạm chiếm.

    (5)Vladimir Nikolayevich Voinovich, sinh năm 1932, bắt đầu làm thơ khi còn trong quân đội Soviet từ 1950 - 1955. Sau đó ông chuyển sang văn xuôi và trở thành một người bất đồng chính kiến. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là "Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của binh nhì Ivan Chonkin" đã khiến ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn năm 1974. Ông vượt biên năm 1980 và bị Brezhnev tước quyền công dân.


                                                             HẾT - 2014

     HUYTOP chỉnh lý và sửa lại bản dịch của bác Danngoc
      NGUỒN : Trái tim Việt Nam online

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM