Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:51:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vasily Grossman - Nhà văn nơi chiến trường  (Đọc 55374 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #60 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 07:32:48 am »

       Một cuộc chôn cất diễn ra bên sông, điếu văn, chào. Bài điếu văn đọc bên mộ bắt đầu bằng việc nói rằng họ đã hy sinh và trong trường hợp nào. Việc chôn cất hoàn thành ngay trong đêm, bao giờ cũng kết thúc bằng việc bồng súng chào. Việc bồng súng chào vĩnh biệt ở Stalingrad không có màn bắn lên trời thay vào đó là bắn về phía bọn Đức.

       Đồi Mamaev Kurgan thật đẹp và buồn - nơi đây giờ là sở chỉ huy tiểu đoàn. Lính đại đội cối bật một đĩa hát suốt, bài hát tên là: "Đừng, các bạn, không phải bây giờ, đừng để tôi trên chiếc giường băng giá này."

      Không đâu có nhiều âm nhạc như ở đây. Nơi đất đai bị cày xới, biến màu vì phân và máu này vẫn vang lên tiếng nhạc từ radio, máy hát và cả các "giọng ca vàng" cấp trung và đại đội.

      "Chúng tôi đã tiến hành hai buổi hoà nhạc ở đây," Rodimtsev nói. Thợ cắt tóc Rubinchik chơi violông dưới đường cống ngầm và ai nấy đều mỉm cười khi nhớ lại những buổi hoà nhạc thật sự.

       Rodimtsev cũng kể một chuyện gần như giai thoại phần nào đại diện cho những mối quan tâm của lính tráng; "Ví dụ hôm nay hai người lính tới chỗ tôi. Hoá ra họ đã chiến đấu suốt 14 ngày trong một ngôi nhà bị vây giữa những ngôi nhà do bọn Đức chiếm giữ. Anh biết không, hai người này rất nhẹ nhàng yêu cầu cung cấp bánh bít cốt, đạn dược, đường, thuốc lá, nhét tất cả vào balô rồi lại đi. Họ bảo: "Còn hai người nữa ở đó canh nhà, và họ cần vài hơi thuốc." Trên thực tế, chiến đấu giữa các ngôi nhà quả là một công việc kỳ lạ," ông cười. "Tôi không biết có nên nói ra với anh hay không, nhưng một vụ việc hài hước đã xảy ra hôm qua. Bọn Đức chiếm được một căn nhà, dưới hầm nhà có một thùng rượu mạnh. Các chiến sĩ cận vệ của tôi cay cú vì tưởng tượng bọn Đức đang uống thùng rượu đó, hai mươi người đã tấn công ngôi nhà, chiếm lại nó và lăn thùng rượu đi dù phần lớn con phố đã do bọn Đức chiếm giữ. Tất cả các hành động dũng cảm đó đều xuất phát từ những nguyên nhân rất thực tế ...


      "Tôi không sợ gì hết," Rodimtsev nói. "Đó là cách duy nhất. Tôi nghĩ mình đã trải qua mọi thứ.Một lần xe tăng Đức đã là phẳng sở chỉ huy của tôi và sau đó bọn lính tiểu liên quẳng lựu đạn vào, ngay lập tức tôi nhặt lựu đạn ném trả ... "

       Một lần khác, Grossman cùng với Efim Gekhman cũng đã tới gặp Rodimtsev trên bờ tây. Viên tướng cận vệ nói ông hơi lo lắng với các cuộc phỏng vấn. "Các anh biết không, tôi là người mê tín. Tôi có nhớ bài viết đăng trên tờ Krasnaya Zvezda về lá cờ đầu Dovator như thế nào. Anh ta đã bị giết ngay hôm báo ra." (2)

       Grossman với bản chất tốt đẹp của mình bao giờ cũng ca ngợi lòng dũng cảm của người khác. "Gekhman là người cực kỳ dũng cảm," Ortenberg nhớ có lần Grossman nói. "Một lần, trong một đêm tháng mười tối đen như mực, chúng tôi phải rời đường hầm nơi Rodimtsev đóng sở chỉ huy tại Stalingrad để vượt sông Volga sang bờ bên kia bằng thuyền. Rodimtsev lắng nghe một cách lo lắng tiếng gầm của đạn pháo bên ngoài, lắc lắc đầu và bảo chúng tôi: "Các đồng chí, làm một ly trước khi đi nào, tình hình ngoài đó đang rất nóng bỏng, nhất là tại bến sông." Gekhman nhún vai trả lời: "Không, cám ơn. Tôi thích làm một miếng xúc xích nữa hơn." Anh ta nói một cách rất bình thản và xơi miếng xúc xích một cách thật là ngon lành khiến không ai nhịn được cười."

       Chiều tối ngày thứ hai, 14/10, Tập đoàn quân VI Đức mở cuộc tấn công mà tướng Paulus hy vọng là cuộc tấn công cuối cùng nhằm đẩy Tập đoàn quân 62 khỏi bờ tây. Toàn bộ số máy bay Stuka có thể hoạt động của Tập đoàn quân Không quân IV Đức do tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy đều được sử dụng nhằm làm mềm các vị trí quân Soviet. Đó là một cuộc oanh tạc dữ dội chưa từng có. Chuikov có cảm giác thời điểm quyết định của trận đánh đang tới.

      "Giới truyền thông (3) đã trêu tức Hitler vì sự thất bại của hắn trong việc chiếm Stalingrad, và chúng tôi lãnh đủ. Chúng tôi đang ngồi đây, đang hiểu, đang cảm thấy, đang tin chắc rằng Hitler đã tung các lực lượng quan trọng nhất của hắn vào đây.

       "Sau ngày 14, tôi quyết định đưa toàn bộ phụ nữ sơ tán sang bờ bên kia. Cuộc chia tay có rất nhiều nước mắt. Nhưng lòng can đảm đã lây lan ở đây, giống như sự hèn nhát đã từng lây lan ở những nơi khác. Nói cho ngay, chúng tôi chỉ sống được từng giờ, từng phút, ai cũng đợi tới lúc mình ngã xuống. Thế rồi cảm giác này lại quay lại với tất cả mỗi ngày, đến tối ai cũng nghĩ: "Ơn Chúa, một ngày nữa đã trôi qua, thật ngạc nhiên." Vâng, lúc đó nếu ai bảo tôi sẽ sống tới ngày bắt đầu năm mới tôi sẽ cười vào mũi họ."

      Trong đêm 15/10, 3.500 người bị thương đã được sơ tán qua sông. Nhiều người đã phải tự bò đến bờ sông vì không đủ nhân viên y tế. Sáng sớm 16/10, đích thân tướng Yeremenko vượt sông sang bờ Tây thăm Chuikov. Ông cần biết chính xác quân ta còn có thể giữ vững được ko. "Yeremenko đến trong đêm (4) ... Gurov và tôi ra gặp ông.

      "Lửa cháy như hoả ngục, đang có một cuộc không kích." Chuikov không nói ra ông và Gurov đã không tìm thấy Yeremenko trên bờ sông, tự Yeremenko đã lẻn vào sở chỉ huy Tập đoàn quân 62 và đợi hai ông ở đó. Yeremenko kể cho Grossman việc ông đã chạm trán với một người lính bên bờ sông như thế nào: "Tôi nhận ra ông, thưa đồng chí Tổng Tư lệnh." Anh ta kể tôi nghe anh ta đã ở đâu, chiến đấu ra sao, giết được bao nhiêu tên Đức."

      Sau khi trận Stalingrad kết thúc, Chuikov đã cố kể lại tình hình lúc đó một cách sáng sủa hơn là thực tế nhưng cũng không lấp liếm sự thật là trong cuộc khủng khoảng vào trung tuần tháng 10 đó, đầu cầu của Tập đoàn quân 62 đã thu hẹp lại chỉ còn chưa tới 1.000m chiều sâu và chỉ chút xíu nữa là bị bóp nghẹt.

       "Các cuộc tấn công của bọn Đức: chúng nghiền nát mọi thứ trên mặt đất dưới xích xe tăng. Sau cơn hỗn loạn các chiến sĩ ta xông ra khỏi các chiến hào và cắt rời bộ binh Đức khỏi những chiếc xe tăng của chúng ... Có tiếng thét: "Xe tăng địch đã vào đến sở chỉ huy!"

      "Còn bộ binh?"

      "Quân ta đã tách rời được chúng ra."

      "Thế thì mọi thứ vẫn ổn."

       Grossman hỏi Chuikov xem ông nghĩ thế nào về sự chấp hành mệnh lệnh của quân Đức. "Chúng không phải đội quân đặc biệt xuất sắc, nhưng công bằng mà nói chúng ta phải học tập tính kỷ luật của chúng. Mỗi mệnh lệnh đều là pháp luật đối với chúng."

       Tham mưu trưởng của Chuikov, Krylov, người đã trải qua trận phòng thủ Sebastopol ác liệt, đã so sánh trận đánh đó với trận Stalingrad này. "Tại đó quân ta cứ rút dần ra, trong khi ở đây lại được bổ sung thêm liên tục. Tuy nhiên giữa hai trận đánh có rất nhiều điểm chung. Đôi khi chúng tôi cảm giác như mình vẫn đang tiếp tục trận đánh cũ. Nhưng chúng tôi không hề cảm thấy mất tinh thần như hồi ở Sebastopol."

       Mất Nhà máy sản xuất máy kéo có nghĩa là Lữ đoàn 124 của Gorokhov ở Spartakovka bị cắt rời khỏi đội hình.

      Trong cái ngày bi hùng đó, tôi nhớ đến tiểu đoàn đã vượt sông tiến về hướng khu vực quân của Gorokhov đang phòng thủ nhằm mục đích thu hút đòn đánh chính của địch chuyển hướng nhằm vào chính họ. (5) Tất cả đã hy sinh, không một ai sống sót. Nhưng có ai còn nhớ đến tiểu đoàn này không? Không ai còn nghĩ tới những người đã vượt sông trong đêm mưa cuối tháng 10 đó. (Hai ngày sau tôi đã gặp một tù binh người Gruzia của tiểu đoàn này. Hắn đã đào ngũ và đầu hàng địch. Hắn nói có nhiều người khác cũng đầu hàng.)

      Một người Ossetia tên là Alborov đã hy sinh tại vị trí phòng ngự vì một  trái bom. Tay anh vẫn còn nắm chặt báng súng, nòng đã bị thổi bay vì vụ nổ, mạch của anh vẫn chưa ngừng đập. Bạn anh đang thổn thức, rồi khóc: "Người đồng chí của tôi hy sinh rồi."

         Grossman bỏ nhiều thời gian ở cùng với Sư 308 Bộ binh của Đại tá Gurtiev gồm toàn dân Siberi đang bảo vệ khu vực các xưởng sản xuất silicat nằm ở phía bắc tổ hợp Nhà máy Chiến luỹ. (6) Họ đã vượt sông Volga ngày 30/9 và lập tức xung trận. Đây là những tài liệu mà Grossman sưu tập được cho thấy những gì đã xảy ra với sư đoàn kể từ ngày cuối cùng của tháng chín, ngày họ đã vượt sông sang bờ Tây.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 07:36:38 am »

       Tuyến đầu đã bị vượt qua, rồi tuyến hai, sau đó là tuyến ba. Mười ba đợt tấn công đã được tung ra trong ngày hôm đó. Bọn Đức tìm mọi cách tiến tới bến phà. Pháo binh ta đóng vai trò quyết định.

       Ngày 1/10, bốn trung đoàn pháo và các pháo đội Katyusha bắn trong nửa giờ. Khi đó mọi hoạt động đều tê liệt. Bọn Đức rúc xuống chỗ trú ẩn. Lính ta cũng chỉ quan sát và nghe ngóng.

       Bọn Đức ở ngay hàng rào nhà máy. Đó là buổi chiều ngày 2/10. Một số tên ẩn núp, số khác bỏ chạy. Một chiến sĩ người Kazakh đã tóm được ba tù binh, anh ta cũng đã bị thương, vì vậy anh rút dao ra đâm chết cả ba tù binh. Một lính tăng thân hình to lớn, tóc đỏ, nhảy khỏi chiếc xe tăng đã trúng đạn, nhặt gạch ném bọn Đức một cách tuyệt vọng và mù quáng. Cuối cùng bọn Đức đã quay gót bỏ chạy.

       Tinh thần binh sĩ vẫn cao, họ đã có một số kinh nghiệm chiến đấu, tuổi đời của họ từ 23 đến 46, phần lớn là dân Siberi đến từ Omsk,Novosi-birsk và Krasnoyarsk. Dân Siberi thấp đậm, kín đáo và cứng rắn hơn các sắc dân khác. Họ vốn là dân săn bắn, có kỷ luật cao và chịu lạnh hay gian khổ với họ là chuyện thường. Không hề có một trường hợp đào ngũ nào trên đường tới Stalingrad. Một  người đã đánh rơi súng, anh ta nhảy xuống nhặt rồi chạy bộ đuổi theo đoàn tàu suốt ba km thì bắt kịp nó. Họ không lắm lời nhưng dí dỏm và miệng lưỡi sắc nhọn.

       "Chúng tôi thường xuyên phải chịu đựng bọn "máy rít" (Stuka), thậm chí còn thấy buồn nếu không nghe tiếng rít đó của bọn Đức. Khi chúng rít lên có nghĩa là chúng sẽ không ném cái gì vào đầu chúng tôi. Chúng bắt đầu đánh vào khu nhà máy sản xuất silicat đêm hôm 2/10.

       Toàn bộ trung đoàn của Markelov chết hoặc bị thương hết, chỉ có 11 người thoát được. Bọn Đức chiếm được toàn bộ khu nhà máy vào tối 3/10. Mệnh lệnh dành cho chúng tôi là: không lùi một bước. Trung đoàn trưởng bị thương nặng, chính uỷ hy sinh.

      “Quân ta bắt đầu phòng thủ một con phố đã cháy trụi phía trước công viên điêu khắc. Không ai trở về sau trận đánh, tất cả đều hy sinh tại vị trí. Thời điểm quyết định đến vào ngày 17/10. Địch ném bom chúng tôi suốt ba ngày đêm 17, 18 và 19/10. Hai trung đoàn Đức bắt đầu tấn công.

     “Cuộc tấn công bắt đầu vào năm giờ sáng và chiến sự diễn ra suốt cả ngày. Chúng tấn công thọc sườn quân ta và cắt rời sở chỉ huy khỏi phần còn lại của trung đoàn. Trung đoàn chiến đấu từ nhà ngày sang nhà khác suốt hai đến ba ngày, cả các sĩ quan thuộc ban chỉ huy cũng thế. Đại đội trưởng đại đội 7 cùng 12 người nữa đã đánh bật một đại đội Đức khỏi chiến hào của chúng. Họ rời con hào đó trong đêm, sau đó đánh chiếm một ngôi nhà. Trong nhà có hai mươi tên Đức,hai bên đánh nhau bằng lựu đạn giành giật từng tầng nhà, từng cầu thang, từng ban công, từng phòng.

      “Phó tham mưu trưởng Kalinin đã hạ 27 tên địch và bốn xe tăng bằng súng trường chống tăng. Có 80 công nhân và một đại đội tự vệ bảo vệ nhà máy, chỉ còn ba hay bốn người sống sót. Họ chưa trải qua một khóa huấn luyện quân sự nào. Chỉ huy của họ là một công nhân trẻ, một Đảng viên, và họ đã bị cả một trung đoàn Đức tấn công.

        "Ngày 23/10, cuộc chiến bắt đầu lan vào bên trong nhà máy, các công xưởng bốc cháy cùng với đường sắt, đường bộ, cây cối, bụi rậm và cỏ dại. Tại sở chỉ huy, Kushnarev và tham mưu trưởng Dyatlenko ngồi dưới cống cùng sáu tay súng tiểu liên. Họ có hai thùng lựu đạn và đã đánh lui được bọn Đức. Quân Đức cho xe tăng xông vào nhà máy. Các công xưởng đổi chủ nhiều lần. Xe tăng địch phải phá huỷ các công xưởng bằng cách bắn thẳng ở cự ly gần. Máy bay địch đánh bom chúng tôi suốt ngày đêm. Một tù binh Đức, vốn là một giáo viên, cho chúng tôi biết quân Đức đã nhận nghiêm lệnh phải tới được sông Volga vào ngày 27/10. Đôi bàn tay tên tù binh đen nhẻm, rận chui cả vào tóc hắn, hắn bắt đầu khóc nức nở."

       Mikhalyev, Barkovsky và tham mưu trưởng Mirokhin đã hy sinh, tất cả họ đều được truy tặng huân chương ... Lính tiểu liên Kolosov bị đất vùi lấp đến ngực, anh ta mắc kẹt trong đó nhưng vẫn cười: "Nó làm tôi phát điên!" Trung đội trưởng giao liên Khamitsky vẫn đang ngồi ngoài cửa boongke đọc sách giữa trận bom ác liệt, Sư trưởng Gurtyev tức giận hỏi:

      "Anh sao thế?"

     "Tôi chẳng có việc gì khác để làm, chúng cứ ném bom thế này thì tôi đọc sách vậy."

      Mikhalyev vốn rất được mọi người yêu quý. Khi giờ đây có ai hỏi: "Mọi thứ thế nào?" Câu trả lời là: "Hừ, nói gì đây? Giống như chúng tôi mất cha vậy. Thật tiếc cho quân ta, anh ấy luôn vị tha với mọi người."

      Sĩ quan liên lạc Batrakov,một nhà hoá học, tóc đen, kính trắng, phải đi bộ 10 - 15km mỗi ngày. Ông tới các sở chỉ huy, lau kính, thông báo tình hình rồi lại đi. Ông ngày nào cũng đến vào một giờ chính xác.

      "Tình hình trở nên yên tĩnh vào các ngày 12 và 13/10, nhưng chúng tôi hiểu sự yên tĩnh đó có nghĩa gì. Ngày 14 địch bắt đầu pháo kích sở chỉ huy sư đoàn bằng Vanyusha. (7) Boongke chỉ huy trúng đạn nhưng chúng tôi đã ra được khỏi đó, mất 13 hay 14 người thương vong. Đạn của chúng tạo ra tiếng rít chói tai. Mới đầu chỉ là tiếng ken két: "Aha! Hitler bắt đầu kéo vi ô lông," và rồi càng lúc càng to. Vladimirsky đang hấp hối vì trúng đạn khi đang đi WC. Anh ta đã bị đau bụng khi ăn một hộp đồ ăn của lính và đã phải nhịn từ lúc đêm xuống."

       Phân xưởng 14 bốc cháy từ bên trong. Khi Andryushenko hy sinh, trung tá chính uỷ trung đoàn Kolobovnikov, người đã từng được nhận bốn huân chương và có khuôn mặt sắt đá, gọi điện cho sở chỉ huy và bắt đầu nói: "Thưa đồng chí Thiếu tướng, xin được báo cáo." Ông dừng một lúc rồi nói trong tiếng nấc: "Vanya chết rồi!"

       Một lính tăng "đánh thuê" (tức là xe tăng phối thuộc cho đơn vị bộ binh): mọi người cho anh ta sô cô la, vodka, vác đạn giúp anh. Và anh đã làm việc như trâu. Ai nấy đều nghĩ anh chính là người của trung đoàn.

      "Chúng tôi có lựu đạn, tiểu liên và pháo 45mm chống tăng. 30 xe tăng địch tấn công và chúng tôi đã sợ, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải chuyện này! Nhưng không một ai bỏ chạy. Những cỗ xe tăng bò qua những chiến hào. một lính Hồng quân ló lên nhìn và cười: "Đào sâu đấy!"

      Các bưu tá: Makarevich để ria con kiến, xuất thân nông dân, mang theo cái túi đựng đầy thư từ, postcard, báo chí. Karnaukhov đã bị thương. Đã có ba bưu tá bị thương, một chết ... Khi bị thương, Kosichenko đã giật chốt lựu đạn bằng răng để cho nổ tung tất cả.

      Grossman đã viết câu chuyện về cuộc tấn công vào Sư 308 Bộ binh gửi tờ Krasnaya Zvezda, bài báo được đăng một tháng sau với tựa đề "Cuộc tổng tấn công của quân phát xít". Ortenberg sau đó có viết về kỹ năng phỏng vấn của Grossman. "Tất cả các phóng viên đi theo Phương diện quân Stalingrad đều kinh ngạc không hiểu Grossman đã làm thế nào mà sư trưởng, tướng Gurtiev, một người Siberi kín đáo và kiệm lời, đã chịu nói chuyện với anh ta sáu giờ liền không nghỉ, nói tất cả những gì anh ta muốn biết vào một trong những thời điểm ác liệt nhất của trận đánh."

       Grossman có lẽ cũng bị ảnh hưởng tính mê tín của cánh frontoviki (lính tuyến đầu), kết quả của việc thường xuyên sống với sự chết chóc khó lường nhất, nhưng bản thân ông cũng là một nhà văn với những mê tín riêng. Tổng biên tập của ông đã rất khoái chí khi phát hiện Grossman tin rằng tự dán thư từ sẽ đem lại điềm gở. "Khi anh ta viết một bài báo, anh ta thường nhờ Gekhman, người thường đi cùng trong các chuyến ra mặt trận: "Efim, anh có bàn tay nhẹ nhàng. Làm ơn lấy bài viết này của tôi bỏ phong bì, dán lại và gửi bưu điện đi Moscow bằng chính tay anh được không?"

       Ortenberg, một  nhà báo Cộng sản cứng rắn, cũng cảm thấy thích thú với cách mà Grossman kiểm tra kỹ lưỡng bản in cuối cùng các bài viết của ông. "Tôi còn nhớ anh ta đã thay đổi thế nào mỗi khi một tờ báo có bài của anh ta được chuyển tới. Anh ta đã tỏ ra rất sung sướng, đọc đi đọc lại bài viết, kiểm tra xem từ này hay từ khác đọc lên nghe như thế nào. Là một  nhà văn kinh nghiệm, anh ta thực sự tôn thờ chữ nghĩa." Ortenberg có lẽ cũng hơi cường điệu một chút khi mô tả như vậy. Grossman thường giận dữ với cách mà người ta sửa chữa hay cắt xén bài của ông. Ông đã viết một  bức thư cho vợ, Olga Mikhailovna, hôm 22/10:
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #62 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 09:26:10 pm »

      Anh đã viết một bức thư giận dữ gửi Tổng biên tập và giờ đang chờ trả lời mà không phải không có chút thích thú. Anh đã viết về thái độ quan liêu và những trò xỏ lá của Ban biên tập.

     Thực tế, văn chương của Grossman ít động chạm hơn hầu hết các nhà báo khác. Ortenberg cởi mở thừa nhận rằng nhiều nhà báo quần chúng chịu ảnh hưởng của Grossman. Thậm chí cả những tay bồi bút CS ở Moscow cũng rất quan tâm đến những đề tài mà Grossman đưa ra về những người lính Hồng quân chứ đừng nói đến đông đảo quần chúng. Nó có tác dụng hơn nhiều những câu khẩu hiệu Stalinist đao to búa lớn. Chỉ ở đây người ta mới hiểu chính xác một km có ý nghĩa như thế nào. Một km bằng 1.000m, bằng 100.000cm. Những tên lính tiểu liên Drunken (Đức) vẫn điên cuồng dấn tới một cách ngoan cố. Giờ chẳng còn ai có thể kể trung đoàn của Markelov đã chiến đấu như thế nào nữa ... Vâng, đơn giản là họ đã hy sinh hết, không còn ai trở về.

      Nhiều lần trong ngày, pháo và cối Đức bất ngờ ngừng bắn, và các phi đội máy bay ném bom bổ nhào cũng biến mất, tạo ra một vẻ yên ả kỳ quái. Rồi có tiếng quát của lính canh: "Coi chừng!", lính tại các vị trí tiền tiêu nắm chặt chai cháy (Molotov cocktail), lính chống tăng mở sẵn bao đạn, lính tiểu liên xoa bàn tay lên khẩu PPSh. Khoảng lặng ngắn ngủi này báo hiệu một cuộc tấn công.

     Không lâu sau đó là tiếng của hàng trăm chiếc bánh xích rền vang cùng tiếng ro ro của động cơ cho biết đám xe tăng đang di chuyển.Một trung uý hô: "Chú ý, các đồng chí! Lính tiểu liên sang trái!" Đôi khi bọn Đức tiến gần tới mức những người lính Sibêri nhìn rõ cả khuôn mặt bẩn thỉu và những chiếc áo khoác tả tơi của chúng, nghe được cả thanh âm gầm gừ từ cổ họng chúng ...

     Giờ đây khi nhìn lại, ai cũng có thể nhận ra chủ nghĩa anh hùng đã được thể hiện trong từng khoảnh khắc sống của mỗi người lính sư đoàn. Đó là chỉ huy trung đội giao liên Khamitsky, người bình thản ngồi trên một mô đất đọc tiểu thuyết trong lúc cả tá Stuka bổ nhào gầm thét xung quanh. Đó là sĩ quan truyền tin Batrakov, người luôn lau kính cẩn thận, bỏ báo cáo vào túi dết rồi cuốc bộ qua 20km "vùng đất chết" như thể đó là một cuộc tản bộ trong công viên ngày chủ nhật. (Cool Đó là lính tiểu liên Kolosov, người khi bị một vụ nổ chôn vùi đến tận ngực trong hầm đã quay nhìn chỉ huy phó Spirin mà cười. Đó là nhân viên đánh máy của sở chỉ huy Klava Kopylova, một cô bé má hồng béo ú dân Sibêri, người đang đánh máy chiến lệnh tại sở chỉ huy thì bị chôn vùi trong trận oanh tạc, người ta đã moi được cô lên và cô tiếp tục đánh máy trong một căn hầm khác. Cô lại bị chôn vùi lần nữa và lại được moi ra, cuối cùng cô đã đánh máy xong tờ lệnh trong căn hầm thứ ba và đưa nó cho sư trưởng ký. Đó là những người đã chiến đấu chống lại cuộc tổng tấn công của quân phát xít.

      Các balka, hay đường hẻm, thường bị pháo kích và là nơi nguy hiểm nếu địch tính luồn qua đó để không bị phát hiện, phần lớn chúng chạy dọc theo góc phải của bờ sông Volga.

     Những balka rất có tác dụng, đặc biệt là ở đây tại Stalingrad này. Nó là đường di chuyển tốt vì hẹp và sâu. Các sở chỉ huy và khẩu đội cối cũng thường đặt tại đó.

     Đây là một balka nằm dưới tầm hoả lực địch, nhiều người đã hy sinh ở đây. Dây thông tin chạy qua đây, đạn dược cũng được chuyển qua đây. Máy bay và súng cối địch xác định vị trí của nó căn cứ vào các mốc xung quanh. Chamov cũng từng bị vùi lấp ở đây trong một vụ oanh tạc, người ta đã moi được anh ra. Bọn thám báo cũng qua đây.

      Grossman quan sát cuộc sống tại sở chỉ huy của Gurtiev. Các báo cáo được viết lên giấy tờ, bao gói, bảng biểu hoặc giấy mời, v.v... tìm thấy trong nhà máy. Zoya Kalganova đã trở lại, cô bị thương lần này là lần thứ hai. Sư trưởng chào mừng cô: "Hello, bé yêu."

      Lòng dũng cảm của những nữ nhân viên y tế trẻ được tất cả mọi người khâm phục. Phần lớn các nữ binh sĩ Đại đội quân y Tập đoàn quân 62 là sinh viên hoặc học sinh cấp 3 ở Stalingrad. Sư 308 cũng lấy một  số phụ nữ từ khắp Sibêri để làm những việc từ y tá, văn thư đến giao liên. Các y tá đi dưới làn đạn để tìm kiếm các thương binh, khiêng hoặc kéo họ vào nơi an toàn. Họ cũng ăn khẩu phần như lính tiền tuyến.

     Các cô gái mang bữa sáng đến cho quân ta trong những cái phích vác trên vai. Lính tráng nói chuyện về họ với vẻ hết sức yêu quý. Các cô gái đó không bao giờ chịu trốn xuống dưới hào.

     Một  trong những cô gái trẻ đó sau này đã cung cấp cho Grossman danh sách thương vong của các cô gái đã đi cùng cô tới đây từ Sibêri; "Lyolya Novikova, một nữ y tá vui tính không biết sợ là gì bị trúng hai phát đạn vào đầu. Nina Lysorchuk bị thương. Katya Borodina bị vỡ nát tay phải. Antonina Yegorova hy sinh, cô là một y tá mới và đã đi theo trung đội mình trong một cuộc tấn công, một tay súng tiểu liên địch đã bắn xuyên qua cả hai chân cô, cô chết vì mất máu. Tonya Arkanova đi theo hỗ trợ một số thương binh và được báo cáo là đã mất tích. Galya Kanysheva hy sinh vì trúng bom. Chỉ có hai người thoát được trong số chúng tôi: Zoya và tôi ... Tôi bị thương vì mảnh đạn cối khi đang ở gần một boongke, sau đó lại bị thương một lần nữa vì mảnh bom gần bến phà qua sông Volga.

      "Chúng tôi từng theo học tại Trường số 13 ở Tobolsk. Các bà mẹ khóc lóc: "Các con sẽ ra sao ngoài mặt trận đây? Ở đó toàn là đàn ông mà." Chúng tôi đã tưởng tượng về chiến tranh rất khác với những gì thực tế xảy ra. Tiểu đoàn chúng tôi nằm ở tuyến đầu trung đoàn, tham chiến vào mười giờ sáng. Mặc dầu rất sợ, trận chiến vẫn làm chúng tôi bị cuốn hút. Chỉ còn 13 cô gái còn sống sót sau trận đánh trong số 18 cô ban đầu.

     "Tôi từng rất sợ những xác chết trong một thời gian dài, nhưng một đêm, tôi phải núp dưới một xác chết khi một tên lính tiểu liên địch bắn lia lịa. Tôi nằm ngay dưới cái xác. Hồi đầu tôi rất sợ máu, thậm chí hết muốn ăn gì luôn, nhắm mắt lại tôi cũng vẫn nhìn thấy máu.

     "Chúng tôi hành quân tám ngày liền, 120km, ko ăn không ngủ. Tôi đã từng tưởng tượng chiến tranh như thế nào - đạn nổ khắp nơi, trẻ con khóc, mèo chạy lung tung, và khi chúng tôi tới Stalingrad thực tế hoá ra đúng như vậy, chỉ khác là khủng khiếp hơn rất nhiều.

     "Tôi đang gọt khoai tây với anh nuôi, vừa làm vừa nói chuyện mê mải với các anh lính. Bất thần khói bốc mù mịt, anh nuôi hy sinh, vài phút sau khi trung uý tới lại có một quả đạn cối nữa nổ tung làm cả hai chúng tôi bị thương.

     "Thật đáng sợ khi di chuyển trong đêm mà nghe tiếng quát của bọn Đức ngay gần, rồi mọi thứ xung quanh bùng cháy. Thật khó để mang những người bị thương, chúng tôi toàn nhờ các anh lính khiêng thương binh hộ.

    "Tôi đã khóc khi mình bị thương. Chúng tôi đã không thể đi gom thương binh vào ban ngày. Chỉ đúng một lần Kazantseva đang cõng Kany-sheva thì một tên lính tiểu liên bất ngờ bắn trúng ngay đầu cô. Lúc đó là ban ngày, chúng tôi chỉ kéo được họ xuống một hố đạn pháo, phải đến tối mới mang được họ đi với sự giúp đỡ của các anh lính.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #63 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 09:30:26 pm »

      "Thỉnh thoảng có những lúc tôi đã hối hận vì tình nguyện nhập ngũ, nhưng tôi tự an ủi mình bằng cách tự nhủ ta không phải người đầu tiên, và cũng không phải người cuối cùng. Rồi Klava nói: "Những người đã hy sinh đều là người tốt, cái chết của mình chắc cũng làm thay đổi được điều gì đó." Chúng tôi nhận được thư của các thầy cô giáo, họ tự hào vì đã dạy dỗ những đứa con gái như chúng tôi. Bạn bè ganh tỵ với chúng tôi vì chúng tôi có cơ hội được băng bó những vết thương. Bố tôi viết: "Hãy phục vụ đất nước một cách trung thực và trở về nhà với chiến thắng." Còn mẹ tôi viết ... Vâng, khi tôi đọc những gì mẹ viết cho tôi, nước mắt tôi rơi lã chã."

      Klava Kopylova, văn thư: "Tôi bị chôn vùi trong một boongke khi đang đánh máy một tờ lệnh. Trung uý gào to: "Còn sống không?" Họ moi tôi ra. Tôi chuyển sang boongke bên cạnh và lại bị chôn vùi lần nữa trong đó. Họ moi tôi ra tiếp, và tôi lại đánh máy tiếp, đánh cho đến khi xong văn bản. Tôi sẽ không bao giờ quên vụ đó nếu tôi còn sống. Một đêm có trận oanh tạc, mọi thứ bốc cháy. Người ta đánh thức tôi dậy. Tất cả các Đảng viên đều đang ở trong boongke, họ chúc mừng tôi hết sức chân thành và vui vẻ. Ngày 7/11 đó tôi đã được nhận thẻ Đảng. Người ta đã thử chụp ảnh tôi nhiều lần để dán vào thẻ Đảng nhưng lần nào cũng bị pháo kích. Trong những ngày yên ả, chúng tôi nhảy múa và hát bài "Chiếc khăn xanh nho nhỏ". (9) Tôi cũng tranh thủ đọc mấy cuốn "Anna Karenina" và "Phục sinh".

      Lyolya Novikova, y tá tập sự: "Bạn bè của Galya Titova kể tôi nghe lần cô ấy đang băng bó cho một thương binh thì có bắn nhau dữ dội, người lính hy sinh còn cô ấy bị thương. Cô ấy đứng thẳng dậy nói: "Tạm biệt các chị," rồi ngã xuống. Chúng tôi chôn cất cô ấy ... Các thương binh hầu hết đều viết cho Chính trị viên của họ ... (10) Mặc dù nói được tiếng Đức nhưng tôi không bao giờ nói chuyện với bọn tù binh, tôi không muốn nói chuyện với chúng.

     "Môn học ưa thích của tôi là đại số. Tôi từng muốn theo học tại Viện Nghiên cứu Chế tạo Máy ... Giờ chỉ còn có ba chúng tôi trong số 18 cô gái lúc đầu ... Chúng tôi đã chôn cất Tonya Yegorova. Sau trận đầu, chúng tôi mất hai cô. Chúng tôi đã gặp viên hạ sĩ nói Tonya chết trên tay anh ta, cô ấy nói với anh ta: "Ay, tôi sắp chết rồi, tôi đau lắm, tôi không biết chân tôi còn hay mất rồi." Anh ta trả lời: "Chân cô vẫn còn." Không thể đến gần chỗ cô ấy trong hai ngày vì có hai chiếc tăng ở đó. Cuối cùng khi chúng tôi đến được, chúng tôi tìm thấy cô ấy nằm dưới hào. Chúng tôi thay quần áo cho cô, đặt một chiếc khăn mùi xoa vào tay cô, che mặt cô bằng một chiếc áo choàng, tất cả chúng tôi đều khóc. Lúc đó có tôi, Galya Kanysheva và Klava Vasilyeva, giờ hai người kia đều chết cả rồi. Trong quá trình chiến đấu chúng tôi không được hoà đồng lắm với cánh lính tráng, chúng tôi kiểm tra xem họ có rận không và cãi nhau với họ suốt. Vậy mà giờ các anh lính đều nói: "Chúng tôi rất biết ơn các cô."

     "Chúng tôi tham gia xung phong với trung đội của mình, bò bên cạnh họ, cho họ ăn, đưa nước cho họ, băng bó họ dưới làn đạn. Chúng tôi đã trở nên kiên cường còn hơn cả những người lính và thậm chí còn thường thúc giục họ xông lên. Thỉnh thoảng trong đêm tôi cảm thấy run lên, tôi nghĩ: "Ôi, ước gì mình đang ở nhà."

     Trung sĩ Ilya Mironovich Brysin: "Vào một buổi tối chúng tôi bắt đầu vác đạn pháo xuất phát từ bến phà, đi qua sáu km, đầu tiên là men theo bờ sông, sau đó đi qua một balka, vào thành phố và cuối cùng là tới khu vực nhà máy. Mỗi lần mang được 16kg. Chúng tôi bọc đạn trong một tấm vải lót, tám quả mỗi lần. Chúng tôi đi bộ dọc bờ sông dưới làn đạn cối. Không ai nhìn xuống chân cả, mọi người đều nhìn lên trời cảnh giác. Bom rơi cách chúng tôi chỉ 5m, chúng tôi để những người bị thương lại với mấy người nữa để chăm sóc cho họ, số còn lại tiếp tục đi. Trong đường hẻm (balka), súng cối và tiểu liên địch bắn vào chúng tôi. Chúng tôi đặt tên cho con hẻm này là Con hẻm Chết chóc, nó dài khoảng 400m, cứ đi chỉ độ năm bước là lại phải nằm xuống một lần. 22 người mang theo 200 quả đạn, 10 người đã chết hoặc bị thương ở đây. Khi tới được một con phố, dù muốn dù không chúng tôi cũng phải di chuyển giữa những ngôi nhà. Một lần chúng tôi đã phải cất giấu 300 viên đạn vì bị bọn địch tấn công với những loạt đạn bắn thẳng. Ôi, lộn ruột làm sao khi phải bắt đầu lại từ đầu.

      "Chúng tôi bắn nhau suốt ngày. Bọn Đức chỉ ở cách chúng tôi độ 70m. Nhóm gồm có tôi, Dudnikov, Kayukov, Pavlov, Glushakov và Pinikov. Trước buổi sáng ngày 28 có một trung uý đã bò đến chỗ tôi nhưng mắt của anh ta đã bị thương vì mảnh đạn cối. Tôi phải cho anh ta đi, giao Pavlov tháp tùng anh ta. Vậy là chúng tôi chỉ còn bốn người. Bọn Đức tiến lên theo hàng một, thẳng lưng mà đi.

      "Chúng tôi đã đánh bật được chúng ngày hôm đó. Pavlov gọi tôi: "Tấn công thôi." Tôi hỏi: "Cậu có bao nhiêu người?" "Mười, còn cậu?" "Bốn." "Tốt, tấn công đi!" Và bên kia là cả trăm tên Đức, hai đại đội SS. (11) Thế đấy, chúng tôi vẫn tấn công chúng.

      "Tôi nhảy ra và chạy thẳng về phía trước. "Theo tôi! Ura!" Khi tôi chạy tới căn nhà thứ hai thì thấy có mỗi một mình, bọn Đức chỉ cách 15m. Xung quanh yên lặng, bình minh đang ló rạng. Tôi thấy hơi sợ, tôi lao luôn vào trong nhà và nghe ngóng. Bọn Đức đang bắn từ sau bức tường, chỗ trong góc. Tôi quẳng lựu đạn vào góc qua cửa sổ, một quả nữa qua cửa chính. Thật khó nói cảm giác của tôi lúc đó. Tôi muốn lại gần bọn Đức hơn nhưng chúng đã biến mất sau một bức tường đất và tôi không thể bắt kịp chúng. "Tôi trèo lên tầng hai qua một bức tường vỡ. Tôi đã giấu tám quả lựu đạn ở đó từ chiều hôm qua. Chúng tôi gọi nó là "xúc xích". (12) Tôi đã đứng đó như đứng sau xong sắt nhà tù, súng lăm lăm trong tay nhưng không có tên nào ló ra khỏi bức tường. Tôi ném cả tám quả lựu đạn vào chúng.

      Chúng bắt đầu bắn vào tôi bằng hai khẩu súng máy và một khẩu cối. Tôi thực sự không sợ tí nào nữa. Tôi buộc hai tấm thảm lại với nhau, buộc một đầu vào xà ngang rồi trượt theo đó xuống tầng trệt qua một lỗ đạn pháo, sau đó bò về với người của mình trong ngôi nhà thứ nhất. Tôi bảo: "Kayukov đã bị thương nặng."

      "Đại đội trưởng gọi tôi lên: "Cậu có thể đi trinh sát đống xỉ than sau đường tàu hoả không? Có một căn nhà gỗ ở đó." Tôi bảo: "Tôi phải ăn cái đã. Và ngủ một chút có được không?" "Xuống địa ngục mà ngủ!" Trung uý đưa tôi ít bánh mì và đường, nhưng ngay lúc đó đạn pháo bắt đầu bay tới, tôi không thể ăn được nữa. Thế là tôi phải đi mà chưa được ăn chút gì. Vậy đấy, tôi đi ... đến chỗ đống xỉ than, tôi phát hiện tại đó có hai khẩu súng máy và một cối. Tôi trở lại báo cáo. "Tốt," trung uý của tôi bảo, "Anh đã phát hiện ra chúng thì tiêu diệt chúng đi."

      "Khi bọn Đức ép quân ta đến dán lưng vào bờ sông Volga, bọn lính tiểu liên của chúng hô lớn: "Bọn Nga, chết đuối chưa!" Và quân ta đáp trả: "Hey, lại đây, chúng mày đang khát phải không?" (13)

       Nhiều binh sĩ bị chết cháy trong những ngôi nhà. Thân xác cháy đen của họ được tìm thấy. Không một  ai trong số họ bỏ chạy khi bọn Đức đốt nhà để buộc họ ra hàng.

       Một trong những bài viết được hoan nghênh nhất của Grossman đăng trên tờ Krasnaya Zvezda là bài báo có tiêu đề "Trận chiến Stalingrad", một tập hợp của những lời mô tả có kèm ví dụ minh họa.

      Trong ánh sáng của những quả đạn hoả tiễn người ta có thể nhìn thấy những căn nhà bị phá huỷ, mặt đất bị những đường hào rạch ngang dọc, những boongke xây trên vách đá hay dưới khe sâu, những hầm hố được chèn vỏ đồ hộp và gỗ xúc để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.

     "Hey, nghe tôi nói không? Họ đã mang bữa tối đến chưa?" .Một người lính hỏi, anh ta đang ngồi trước cửa hầm.

      "Họ đã đi lấy đồ ăn từ lâu, và anh thấy đấy, họ vẫn chưa về," có tiếng trả lời vọng ra từ màn đêm.

     "Chắc họ đã phải ẩn náu vào đâu đó, hay họ sẽ không bao giờ trở về được không chừng. Quân địch thường bắn dữ dội vào các bếp dã chiến."

     "Quân chấy rận! Tôi thèm được ăn bữa tối quá," người lính đang ngồi trước cửa hầm nói với giọng sầu não, rồi ngáp ...
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #64 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 09:34:44 pm »

      Bọn Đức cố thủ trong một toà nhà quá chắc chắn đến mức người ta phải cho chúng nổ tung cùng với những bức tường dày của toà nhà. Dưới làn đạn dữ dội của những tên Đức cố thủ đang cảm thấy cái chết đang đến gần, sáu công binh mang vác 10 pood (14) chất nổ đã thổi bay toà nhà. Tôi thử tưởng tượng hình ảnh hiện ra trong giờ phút đó - trung uý công binh Chermakov, các trung sĩ Dubovy và Bugaev, các lính công binh Klimenko, Zhukhov và Messereshvili bò dưới làn đạn dọc theo những bức tường đổ, mỗi người mang theo 1,5 pood thứ hoá chất chết chóc, khi đó trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những khuôn mặt bẩn thỉu đẫm mồ hôi, những bộ quân phục xơ xác, tôi nhớ tới tiếng hô của trung sĩ Dubov: "Hey, công binh không được sợ!" Và Zhukhov vừa trả lời vừa chu mồm nhổ đất ra: "Giờ không có thời gian để sợ. Có sợ thì từ trước kia!" - Tôi đã cảm thấy hết sức tự hào vì họ.

      Đây là nơi mà ý nghĩa của các đơn vị đo lường bị đảo lộn, nơi một bước tiến chỉ vài mét cũng quan trọng ngang với nhiều km trong điều kiện chiến đấu thông thường, nơi mà khoảng cách tới vị trí địch là ngay ô cửa tiếp theo, tức là đôi khi chỉ hơn chục bước chân. Vị trí đóng sở chỉ huy các cấp theo đó cũng thay đổi, sở chỉ huy cấp sư đoàn cách địch 250m, cấp trung, tiểu đoàn gần hơn nữa với mức tương ứng. "Nếu đường dây liên lạc bị đứt, thật dễ dàng để liên lạc với các trung đoàn cấp dưới chỉ bằng cách hét to," một sĩ quan sở chỉ huy sư đoàn nói  một cách hài hước. "Bạn cứ gào lên, và họ sẽ nghe được, rồi họ chuyển các mệnh lệnh xuống cho các tiểu đoàn cũng bằng cách đó" ... Và trong căn hầm chỉ huy này mọi thứ cứ lộn tùng phèo lên vì bị lắc khi bom và đạn pháo nổ. Các sĩ quan và chỉ huy ngồi phệt dưới đất quanh bản đồ. Và một anh giao liên, người luôn xuất hiện trong mọi bài văn về chiến tranh để kêu lên: "Trăng, có trăng kìa!" thì ở đây ngồi khép nép trong xó, tay cầm điếu markhorka (thuốc lá quấn rẻ tiền của lính), mặt quay đi để khỏi phà khói thẳng vào mặt các vị chỉ huy.

      Sau trận Stalingrad, Grossman nghe được câu chuyện về Gurtyev, sư trưởng Sư 308 Bộ binh, và Zholudev, sư trưởng Sư 37 Bộ binh Cận vệ. Họ đã sát cánh bên nhau trong trận ác chiến tại Nhà máy sản xuất máy kéo, khi những người lính cận vệ của Zholudev bị ép mạnh.

      Gurtyev phôn cho Zholudev: "Can đảm lên, tôi có thể giúp anh. Giữ vững nhé!" Khi Zholudev được lệnh chuyển sang bờ trái (tức là rút lui hoàn toàn khỏi trận đánh), ông đã nói với Gurtyev: "Giữ vững nhé, ông bạn già! Can đảm lên!" và cả hai cùng cười.

      Ortenberg cũng kể lại một sự việc kỳ cục diễn ra trong một chuyến đi của Grossman từ Akhtuba đến Stalingrad, Akhtuba là căn cứ hậu phương trên bờ đông sông Volga. "Một lần hồi giữa tháng 10, Grossman nói với các sĩ quan phụ trách Ctrị Phương diện quân rằng anh ta sẽ tới thăm tướng Rodimtsev vào ngày mai. Lúc này tại đó đang có hai thùng quà tặng đầy ự do Hội Phụ nữ Hoa Kỳ chuyển tới qua đường bưu điện, vì vậy Grossman đề nghị mang hộ số quà tặng này cho hai "phụ nữ can đảm nhất trong cuộc phòng thủ Stalingrad". Ban Ctrị Phương diện quân quyết định hai phụ nữ can đảm nhất chắc sẽ được tìm thấy ở Sư đoàn của Rodimtsev, và Grossman là người phù hợp để chuyển số quà tặng này cho họ. Mặc dù không phải là người thích các buổi lễ lạt, Vasily Semyonovich vẫn đồng ý làm việc này dù có hơi miễn cưỡng. Cậu ta vượt sông bằng xuồng máy và đến gặp Rodimtsev. Khi hai cô gái đã đứng trước mặt họ, các cô tỏ ra rất kích động khi được một nhà văn nổi tiếng và một vị tướng người hùng trao quà tặng. Các cô cảm ơn rồi bắt đầu bóc quà luôn. Bên trong toàn là đồ bơi dành cho nữ và dép lê để đi trên bãi biển, ai nấy đều ngượng chín người. Những bộ áo tắm kiểu cách trông thật xa lạ với môi trường ở đây, giữa tiếng gầm của đại pháo trong trận chiến Stalingrad."  Mất Nhà máy sản xuất máy kéo có nghĩa là Lữ đoàn 124 của Gorokhov ở Spartakovka bị cắt rời khỏi đội hình.     

              …………………………………….........................

      (1)Sư 37 Bộ binh Cận vệ được thành lập từ Quân đoàn 1 Đổ bộ đường ko vào tháng 8/1942, sau những thiệt hại nặng nề tại Stalingrad, sư đoàn được tái tổ chức và trở thành một phần của Tập đoàn quân 65.

      (2)Thiếu tướng L. M. Dovator, chỉ huy Quân đoàn Kỵ binh Cận vệ  hai trong trận Moscow, hy sinh ngày 20/12/1941.

      (3)Giới truyền thông quốc tế có lẽ gây hiệu quả (với Hitler) cao hơn là truyền thông Soviet.

      (4)Grossman ghi rằng cuộc gặp gỡ này xảy ra đêm 13/10   nhưng hầu hết các ghi chép khác đều cho biết cuộc viếng thăm trận địa trên bờ tây của Yeremenko diễn ra vào sáng sớm ngày 16/10.

      (5)Grossman có lẽ đang tả lại chiến sự ngày 17/10, khi toàn bộ các đầu cầu trên bờ tây đối mặt với cuộc tổng tấn công của quân Đức.

      (6)Tiểu đoàn này thuộc Sư 138 của Lyudnikov, lực lượng tăng cường vừa mới tới và được Chuikov tung qua sông Volga trong thời điểm quyết định của trận đánh.

     (7)Sư 308 Bộ binh sau chuyển thành Sư 120 Bộ binh Cận vệ trực thuộc Tập đoàn quân 3. Giống như hầu hết các sư đoàn đã tham chiến tại Stalingrad, sư đoàn này cũng tiếp tục chiến đấu trên mọi nẻo đường cho tới tận Berlin.

    (8)Vanyusha là nickname của loại súng cối phản lực nhiều nòng Nebelwerfer của Đức. Phiên bản kém hiệu quả của Katyusha này vốn có tên nguyên thuỷ là Vanya, sau đó những tay hài hước tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh chàng Vanya nhỏ thó kết hôn với cô vợ khủng bố Katyusha nên đổi thành nickname như trên. Loại súng này cũng được gọi là "lừa kêu" vì tiếng rít của quả đạn khi bay trong ko khí giống tiếng be be của lừa.

     (9)Trong bài viết cuối cùng này, chuyến đi diễn ra hàng ngày của Batrakov đã tăng từ 10 - 15km như ghi chép nguyên thuỷ của Grossman lên 20km/ngày.

    (10)Bài hát "Chiếc khăn xanh nho nhỏ" có ảnh hưởng lớn tới mức một số binh sĩ đã thêm tiêu đề bài hát vào tiếng hô xung trận chính thức khiến nó trở thành: "Za Rodinu, za Stalina, za Siny Platochek!" - Vì Tổ quốc, vì Stalin, vì chiếc khăn xanh!"

    (11)Một người lính tốt khi bị thương thường sợ sẽ không được chấp thuận cho trở về đơn vị. Họ cho rằng các quan chức ở hậu phương thường chỉ tập hợp họ lại theo đợt khi tình hình chiến sự lại trở nên cấp thiết và gửi cả đám vào một trung đoàn bất kỳ, vì vậy họ viết thư cho Ctrị viên để xin về lại đơn vị.

    (12)Phần lớn các báo cáo của lính Hồng quân tại Stalingrad đều nói họ chiến đấu với lính SS nhưng thực tế tại đây không có đơn vị SS nào. Đây chỉ là kiểu nói để chỉ lính Đức được trang bị tốt và có kỷ luật tốt.

    (13)Loại lựu đạn tiêu chuẩn do Soviet sản xuất được gọi là "xúc xích". Lựu đạn Mỹ được cung cấp qua Thoả ước Lend - Lease được gọi là "quả dứa".

    (14)Như đã nói ở chương trước, lính bắn tỉa Soviet bắn hạ mọi kẻ định đi lấy nước. Quân Đức vì vậy phải liều mạng mới lấy được nước, thậm chí phải dùng cách giơ bánh mì ra dụ những đứa trẻ Stalingrad lấy nước mang về cho chúng. Nhưng lính bắn tỉa đã được lệnh bắn hạ bất kỳ dân thường nào, kể cả trẻ em, nếu họ hợp tác với quân địch dưới bất kỳ hình thức nào.

    (15)Một pood tương đương khoảng 16kg, vì vậy 10 pood thuốc nổ có nghĩa là 160kg, một lượng thuốc nổ khổng lồ.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #65 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 07:21:33 pm »

                                                                                   MƯỜI BẢY


                                                                            GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU


       Các trận đánh trong tháng 10 đã diễn ra liên tiếp cho đến cuối tháng thì chấm dứt do quân Đức đã cạn kiệt lực lượng và thiếu đạn dược. Pháo binh Soviet đã tái tổ chức lực lượng ở bên kia sông và giờ đây có thể giáng những đòn nặng nề vào những điểm tập trung quân Đức, pháo binh còn tỏ ra hiệu quả hơn nữa lúc quân Soviet chuyển sang phản công. Paulus dưới sức ép của Hitler vẫn còn mở các cuộc tấn công nhưng chúng đều chỉ có quy mô nhỏ để tránh pháo binh và các dàn Katyusha Soviet, ngoài ra cũng bởi các sư đoàn Đức đã thiếu hụt lực lượng. Nguy hiểm hơn cả, Paulus đã tuân lệnh Hitler sử dụng lính thiết giáp như bộ binh, điều đó có nghĩa là hắn không còn lực lượng thiết giáp dự bị trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.

       Hitler bị ám ảnh với việc chiếm Stalingrad – một chiến thắng phụ để lấp liếm thất bại của hắn trong kế hoạch chiếm vựa dầu mỏ Caucasus - nên vẫn không dừng việc thúc ép. Ngày 8/11, Hitler đã có bài phát biểu về vấn đề này tại Munich được phát trên đài truyền thanh. "Tôi muốn đến được Volga," hắn tuyên bố cương quyết, "chính xác chỗ đó, chính xác thành phố đó, để thay cái tên đáng ghét của chính Stalin." Sau đó hắn còn khoác lác rằng "thời gian bao lâu không quan trọng."

      Hitler không thể sai lầm hơn được nữa, thời gian chính là điều quan trọng nhất. Mùa đông đang đến rất gần, và đây chính là mùa của các cuộc phản công Soviet. Lính Đức gọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông là "thời tiết dành cho người Nga". Grossman, không biết tí gì về các kế hoạch sắp tới, viết thư cho cha vào ngày 13/11, chỉ một tuần trước cuộc tổng phản công; “Con làm việc rất nhiều, làm đến stress luôn, và thấy mệt gớm chết. Con không hề có một chỗ trú chân ấm áp đúng nghĩa. Thư từ không đến được tay con ở đây, chỉ có một lần họ mang cho con cả một thùng thư, trong đó có một bức thư và một postcard của cha ... Lúc này thời tiết ở đây thật quá lạnh lẽo”.

      Cả bộ chỉ huy của Hitler đặt tại Đông Phổ lẫn bộ chỉ huy Tập đoàn quân VI Đức đều không nhận thức đầy đủ được rằng Stavka (Tổng hành dinh - Bộ chỉ huy tối cao Soviet) tại Moscow đã sử dụng Tập đoàn quân 62 như một miếng mồi đặt trong một cái bẫy khổng lồ. Quân Đức biết rằng có nguy cơ tồn tại ở các cánh của chúng - phần hậu tuyến cánh trái dọc theo sông Đông do Tập đoàn quân III Rumany phụ trách và phần tiền tuyến phía nam Stalingrad do Tập đoàn quân IV Rumany trấn giữ. Việc quân Soviet tập trung tại các khu vực này đã được phát hiện, nhưng quy mô và mục đích của chiến dịch lại bị đánh giá cực kỳ sai lầm. Mọi ý kiến lo ngại rằng Hồng quân có thể bao vây quy mô lớn Tập đoàn quân VI theo đúng cách các cụm thiết giáp Đức đã bao vây quân Soviet một năm trước đây đã bị coi là không thể xảy ra.

       Tướng Chuikov, vẫn còn một mình trấn giữ Stalingrad, cũng có những vấn đề của riêng ông. Sông Volga đã bắt đầu đóng băng nhưng chưa đủ cứng. Những cơn mưa tuyết lớn đổ xuống sông có nghĩa là việc vận chuyển qua sông giờ đây trở nên cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên ngày 19/11, Chiến dịch Sao Thổ (Uranus) đã được bắt đầu ở cách Stalingrad 150km về phía tây bắc với một cuộc tấn công quy mô lớn vào Tập đoàn quân III Rumany. Sáng hôm sau, một cuộc tấn công nữa giáng mạnh vào Tập đoàn quân IV Rumany ở cách Stalingrad 50km về phía nam. Đến trưa ngày 21/11 người Đức đã nhận ra rằng 300.000 người của Tập đoàn quân VI sắp bị cắt rời mà họ chẳng thể làm gì được.

      Grossman đã xin được đi theo Quân đoàn Kỵ binh 4, đơn vị bảo vệ vành ngoài sườn trái của hai quân đoàn cơ giới đang tấn công. Theo Ortenberg, Grossman đã "chứng kiến việc khởi sự tấn công từ vị trí quan sát của một sư đoàn, và sau đó hành quân bộ cùng những người lính đang tiến tới, cậu ta đã mô tả một cách hết sức truyền cảm mọi thứ nhìn thấy dọc đường."

      Một người lính đã từng là tù binh chiến tranh trong cuộc Đại Chiến lần trước quan sát một chiếc máy bay đang bổ nhào: "Chỉ là một cuộc ném bom vớ vẩn," ông nói. Mọi người lao lên xung phong, bảo vệ mặt bằng xẻng công binh. Trong một cuộc tấn công, một khẩu súng trường tốt hơn là một khẩu tiểu liên.

      Lính Rumany mặc quân phục nâu và đội mũ da cừu kiểu dân Balkan, họ thiếu các trang thiết bị hiện đại và súng chống tăng, chỉ huy tồi. Quân Rumany nhanh chóng ném những khẩu súng trường xuống đất và hô "Antonescu kaputt!" (1), nhưng việc đầu hàng không cứu được họ. Hàng nghìn tù binh đã bị bắn không ai có thể kiểm soát nổi, và những con đường phủ đầy tuyết rải đầy những mảnh vụn của đạo quân thua trận.

      Binh lính đang hành quân, tinh thần của họ giờ mỗi lúc một cao. "Ah, khi nào tới Kiev chắc sẽ rất tuyệt." Người khác nói: "Ah, tôi thích tới Berlin!"

      Một hình ảnh: một hoả điểm bị một chiếc xe tăng tiêu diệt, tại đó có một tên Rumani đã bị là phẳng, chiếc tăng đã chèn qua hắn, khuôn mặt hắn biến thành một bức phù điêu. Bên cạnh hắn là hai lính Đức cũng đã bị nghiền nát. Còn có một chiến sĩ ta nằm trong hào, bị chôn vùi một nửa.

       Mặt đất đầy vỏ đồ hộp, lựu đạn, những mảnh băng rướm máu và những trang tạp chí Đức. Quân ta ngồi lẫn lộn giữa những xác chết, cắt từng miếng thịt của một con ngựa chết bỏ vào vạc nấu, huơ huơ đôi bàn tay lạnh giá trước ngọn lửa.

      Một xác lính Rumani nằm cạnh xác một lính Nga giữa chiến địa. Người lính Rumani có một tập giấy đầy những bức vẽ trẻ con vẽ những con thỏ hay những con tàu. Người lính Nga có một bức thư: "Buổi chiều tốt lành, hay có khi là buổi tối tốt lành, con chào bố ... " Và cuối thư viết: "Về với con đi, vì khi bố không ở đây con về nhà mà thấy nó cứ như nhà thuê. Con nhớ bố nhiều. Về thăm con cũng được, con ước được nhìn thấy bố, dù chỉ một giờ. Con đang viết đây mà nước mắt rơi. Con gái Nina của bố."

      Trong cuộc tiến công thần tốc, chiến tuyến trở nên không rõ ràng, Grossman đã gặp phải một nguy hiểm bất ngờ. Khi đó ông đang đi cùng với Aleksei Kapler, đạo diễn phim và là mối tình đầu của Svetlana Stalin. Vì đã liều mạng làm cô con gái rượu của nhà độc tài phải lòng, năm 1943 Kapler đã bị người của Beria cho ăn đòn và tống đi trại Gulag trong mười năm. Sau khi Stalin chết, Kapler đã kể lại chuyến đi cùng với Grossman này. "Chúng tôi lang thang qua một căn nhà trống và quyết định ở lại đây đêm nay. Sau đó có vài binh lính xuất hiện, chúng tôi nhìn thấy bóng họ in trên trần nhà và nhận ra đó không phải quân ta vì mũ sắt không giống. Thì ra chúng là lính Rumani. May thay chúng không phát hiện ra chúng tôi và bỏ đi."

      Lính Hồng quân đã vô cùng giận dữ khi phát hiện ra đám tù binh Rumani đã từng cướp bóc nhà cửa của dân địa phương. "Khăn trùm đầu của các bà già và khuyên tai, khăn bàn, váy, tã trẻ con, áo choàng sáng màu của các cô gái. Một  tên lính có tới 22 đôi tất trong tư trang."

     Vui sướng nhất là những người dân mới đuợc giải phóng; "Làm thế nào mà chúng tôi nhận ra quân ta tới áh? Chúng tôi nghe ngóng bên cửa sổ: "Yegor, tiếng máy nổ nghe khác hẳn! Quân ta rồi!" chúng tôi hò reo."

       Họ nhanh chóng nói rõ những việc làm ghê tởm của bọn lính Rumani, những kẻ đã học theo bọn Đức đánh đập thường dân cho đến khi họ phải khai ra chỗ cất giấu lương thực.
 
       Bọn Rumani. Một ông cụ gọi chúng là "bọn Thổ Nhĩ Kỳ”. Thực ra chúng là dân Digan, chúng luôn nói: "Chiến tranh thật xấu xa, chúng tôi sẽ về nhà." Nhưng chúng đã đánh ông cụ bốn lần bằng roi, buộc ông đi thu hoạch lúa mì về rồi chúng lấy sạch không sót chút gì, đóng thùng lương thực để ăn dần.

      Một số thường dân cũng gặp phiền phức vì những hoạt động của quân đội Soviet.

      Một bà cụ kể cho chúng tôi nghe việc phi công ta đã làm bà bị thương: "Hắn thả một trái bom, thằng chó đẻ, ĐM nó chứ," bà nói với giọng giận dữ, sau đó nhìn thấy một viên chỉ huy đang tháo ủng bà vội sửa lại: "Chó đẻ, cún con ấy mà. Giờ chả còn con bò nào, không có con nào để dắt đi chăn, không có con nào để dắt về. Chúng tôi chẳng còn vật nuôi nào nữa."
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #66 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 07:25:40 pm »

        Những ghi chép của Grossman đã được tập hợp trong bài viết "Trên đường tiến quân" của ông viết về cuộc phản công ở nam Stalingrad.

        Băng trôi trên sông Volga, những khối băng nghiến ken két, vỡ ra khi húc vào nhau, mặt sông gần như phủ đầy băng. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy được vài khoảng nước trên suốt bề rộng con sông. Volga như một dải băng trắng trôi giữa hai bờ tối đen không có tuyết phủ. Lẫn trong băng là những cành cây, những xúc gỗ, một con quạ lớn đang đậu trên một mảng băng trôi. Xác một lính thuỷ Hồng quân mặc sơmi có sọc ngang đen trắng trôi qua, thuỷ thủ trên một con tàu hàng chạy bằng hơi nước vớt anh lên. Thật khó để kéo xác anh lên khỏi mặt sông băng, xác anh dính chặt vào băng mất rồi, như thể anh không muốn rời khỏi dòng sông Volga, nơi anh đã chiến đấu và hy sinh.

       Những chiếc phà chở đầy tù binh Rumani vượt qua trước mặt chúng tôi. Tù binh đứng trên phà, khoác những tấm áo choàng chật chội, đôi mũ trắng cao, dậm dậm chân, xoa xoa đôi bàn tay lạnh giá. "Giờ chúng đã đến được Volga," những người lái phà nói.

       Một tốp 200 tù binh thường được dẫn giải đi chỉ với hai đến ba lính canh. Đám Rumani đi rất có tổ chức, một số tốp thậm chí còn sắp thành hàng và bước đều khiến những người nhìn thấy cảnh đó phải bật cười ... Tù binh lũ lượt đi qua thành từng tốp, phát ra tiếng kêu lanh canh từ đồ hộp và chai lọ bẩn thỉu mà chúng đeo theo người bằng thừng hay dây thép, vai khoác những tấm chăn đủ màu.Một  phụ nữ vừa nói vừa cười: "Oh, những tên Rumani này đi trông giống hệt dân Di gan."

       Xác lính Rumani nằm dọc các con đường; những khẩu pháo bị bỏ lại ngụy trang bằng cỏ khô của thảo nguyên vẫn còn chĩa về hướng đông. Những con ngựa đi lang thang trong các balka, kéo lê phía sau những cỗ xe đã gãy hỏng, những chiếc ô tô trúng đạn pháo vẫn còn bốc khói xám xanh. Trên đường những chiếc mũ sắt trang trí huy hiệu hoàng gia Rumani vứt bừa bãi cùng hàng ngàn băng đạn, lựu đạn, súng ống. Một  hoả điểm của quân Rumani: ngọn núi trống không, những băng đạn bám đầy bồ hóng nằm vương vãi trong những ổ súng máy, hàng tập giấy viết trắng tinh bị vứt dưới giao thông hào. Thảo nguyên mùa đông vốn có màu nâu giờ biến thành màu đỏ gạch vì máu. Những khẩu súng trường vỡ báng vì đạn Nga. Và hàng đàn tù binh vẫn diễu qua chúng tôi liên miên.

      Tù binh bị khám người trước khi chuyển về hậu phương. Hàng đống tư trang của phụ nữ nông dân đã được tìm thấy trong ba lô và túi quần túi áo của bọn Rumani trông thật đáng cười và đáng khinh. Có khăn trùm đầu của các bà già, khuyên tai phụ nữ, đồ lót, váy, tã lót. Càng đi xa chúng tôi càng thấy nhiều xe cộ và súng ống bị bỏ lại. Có đủ xe tải, xe thiết giáp và xe con chở sĩ quan. Chúng tôi tới Abganerovo,một bà cụ nông dân kể cho chúng tôi về ba tháng sống dưới ách chiếm đóng. "Mọi thứ ở đây đều trở nên trống rỗng, chẳng còn một tiếng gà mái cục tác, một  tiếng gà trống gáy. Không còn một con bò nào để dẫn đi chăn buổi sáng và dẫn về chuồng buổi tối. Bọn Rumani đã cướp đoạt mọi thứ. Chúng đánh tất cả đám già cả tụi tôi: người thì vì bị báo là không đi làm, người khác thì vì đã mó máy vào lúa mì của chính mình. Starosta (trưởng làng do bọn phát xít chỉ định ở những vùng chiếm đóng) làng Plodovitaya đã bị chúng cho ăn roi bốn lần. Chúng đã mang con trai tôi đi, nó bị què, cùng với một bé gái và một bé trai chín tuổi. Chúng tôi kêu khóc suốt bốn ngày mong chúng trở về."

      Ga Abganerovo đầy trang thiết bị thu được của địch, bọn Đức đã thay thế đường tàu ở đây (2) Có những toa chở hàng của Pháp, Bỉ và cả của Ba Lan. Có những đoàn tàu chất đầy bột mì, ngô, mìn, đạn pháo, mỡ chứa trong thùng lớn hình vuông, những toa hàng chất đầy ủng valenki rẻ tiền có đế bằng gỗ dày, mũ da cừu, máy móc, đèn pha. Những teplushkas (toa tàu có sưởi ) y tế trông thật thảm hại vì cuộc rút chạy cuống cuồng của địch đã khiến những chiếc giường phủ đầy giẻ bẩn. Lính tráng càu nhàu khi phải mang những bao bột mì ra khỏi toa hàng chất lên xe tải, mỗi bao đều có hình con đại bàng Nazi in đậm trên vỏ bao.

      Khuôn mặt những người lính Hồng quân đỏ au vì những đợt gió mùa đông lạnh buốt. Chiến đấu trong điều kiện thời tiết này thật không dễ dàng gì. Trong những đêm đông dài, ngọn gió băng giá của thảo nguyên có thể xuyên qua mọi thứ. Nhưng những chiến sĩ vẫn vui vẻ hành quân, vì đây là đi đến Stalingrad. Quân đội ta lúc này có tinh thần đặc biệt cao.

      Kể từ ngày 26/11, hơn 1/4 triệu quân của Tập đoàn quân VI, cấp tổ chức lớn nhất trong quân đội Wehrmacht, do Paulus chỉ huy đã bị bao vây giữa sông Volga và sông Don. Hồng quân do đánh giá thấp quy mô của lực lượng đang bị bao vây này nên đã ngay lập tức mở hàng loạt đợt tấn công nhằm đập tan vành đai phòng thủ, nhưng người Đức tin rằng Hitler sẽ ko bao giờ bỏ rơi họ đã chống trả kịch liệt.
Một ngày đẹp, trời trong sáng. Pháo chuẩn bị.Katyusha.

      Ivan Hung đế. Gầm rú. Khói bụi mù mịt. Và thất bại. Bọn Đức đã rúc kỹ dưới hào, và quân ta không thể trục chúng ra.

     Thời tiết mỗi lúc một xấu đi, tuyết rơi và băng đóng cứng làm giảm cơ hội đánh tháo ra của Tập đoàn quân VI. Hồng quân quen thuộc với những điều kiện thời tiết này hơn nhiều.

     Trận tuyến trên thảo nguyên trong mùa đông. Hố cá nhân được trùm vải bạt, lò sưởi được làm từ mũ sắt, ống khói làm bằng vỏ đạn pháo, nhiên liệu là cỏ dại. Trên đường tiến quân, một người lính mang theo cả một ôm cỏ khô, người khác ít vỏ bào, người thứ ba mang vỏ đạn, thứ tư mang lò sưởi.

     Đầu tháng 12, Grossman quay lại bờ đông đối diện với Stalingrad. Ông viết cho Tổng biên tập tờ Krasnaya Zvezda.

     Thưa đồng chí Ortenberg, tôi đang có kế hoạch tới thành phố ngày mai, tôi muốn viết một bài dài (3), nhưng tôi nhận thấy tôi phải trì hoãn việc này và bỏ chút thời gian thu thập tài liệu trong thành phố. Do hiện nay việc vượt sông rất phức tạp (4) nên chuyến đi của tôi sẽ kéo dài ít nhất một tuần. Đó là lý do đồng chí không nên tức giận nếu bài viết của tôi chậm gửi cho đồng chí. Tại thành phố, kế hoạch của tôi là sẽ phỏng vấn Chuikov, các sư trưởng và đến thăm các đơn vị tiền tuyến. Cũng phải nói rằng tôi rất muốn trở về Moscow vào khoảng tháng một, tôi sẽ rất biết ơn nếu đồng chí có thể triệu hồi tôi vào lúc đó. Thực tế tôi cảm thấy hơi quá tải vì áp lực gửi bài và kiệt sức sau ba tháng căng thẳng vừa qua ở Stalingrad. Nếu có điều gì không may bất ngờ xảy ra với tôi trong chuyến vào thành phố sắp tới, mong đồng chí giúp đỡ gia đình tôi. Vasily Grossman.

     Grossman đã vượt được sông và tới sở chỉ huy Tập đoàn quân 62. Mọi việc đang rất khẩn trương vì lúc này đang thiếu hụt đạn dược cũng như lương thực cho việc bao vây quân Đức. Lực lượng phòng thủ còn lại của chúng được tiếp tế hoàn toàn nhờ vào đường không qua sân bay Pito-mnik nằm ở trung tâm khu vực bị bao vây. Goering đã nói với Hitler rằng hoàn toàn có thể tiếp tế cho Tập đoàn quân VI bằng đường không mặc dù các tướng lĩnh Luftwaffe đã cảnh báo hắn rằng nhiệm vụ to lớn này là không thể thực hiện được. Binh lính Tập đoàn quân VI được tuyên truyền để giữ vững niềm tin hão huyền rằng một tập đoàn quân thiết giáp SS đang tới tiếp viện. Tướng Chuikov nói với Grossman: "Có tin đồn lan truyền trong bọn Đức rằng đích thân Hitler đã tới thăm Pitomik và phát biểu tại đó như sau: "Hãy đứng vững! Tôi đang dẫn quân đội ta đến cứu các bạn." Và hắn ăn mặc như một cai đội."
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #67 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 07:28:28 pm »

        Tin đồn này lan khắp mặt trận cũng giống như một câu chuyện bốc phét tương tự bên phe Soviet rằng trong những ngày tuyệt vọng tháng chín đích thân Stalin đã đến thăm Stalingrad.

        Chuikov nói qua tình hình Tập đoàn quân 62 của ông, thực tế tập đoàn quân cũng đang phải đối mặt với việc không thể tiếp tế qua sông Volga chưa đóng băng hẳn. Việc trao đổi thông tin với bờ đông cũng hầu như hoàn toàn phải dùng điện đài vì mọi dây liên lạc hữu tuyến đều bị băng cắt đứt. Thuận lợi lớn nhất của tập đoàn quân lúc này là đã di dời hết các điểm tập trung pháo binh bên bờ tây sang bên kia sông nên không cần quan tâm đến việc tiếp tế đạn pháo.

       Grossman mô tả boongke của Chuikov trong bài viết tiêu đề "Hội đồng quân sự".

      Khi có ai bước vào boongke hay các hầm ngầm dành cho sĩ quan và binh lính, người đó sẽ cảm thấy mong ước cháy bỏng được giữ lại khoảnh khắc đặc biệt độc nhất vô nhị này trong đời. Những cái đèn và ống thông hơi làm từ vỏ đạn pháo, cốc tách cũng làm từ vỏ đạn đặt trên bàn cạnh những cặp kính. Cạnh một quả lựu đạn chống tăng là một cái gạt tàn bằng sứ trên có dòng chữ "Hỡi những bà vợ, chớ làm chồng các bà nổi giận". Trong boongke tham mưu trưởng có một đống tướng đèn điện, Chuikov cười bảo: "Vâng, nó là một cây đèn trùm. Chúng ta đang sống trong một thành phố phải không?" Có cả tiếng nhạc kịch của Sêchxpia trong nhiệm sở dưới lòng đất của tướng Gurov ... Tất cả đều có ấm samova và máy hát, bát đựng đường gia đình màu xanh, gương tròn đế gỗ đặt sát những bức tường đất của mỗi căn hầm. Tất cả những thứ đó thường được thấy trong một căn hộ yên bình, chúng đã được cứu ra khỏi những căn nhà cháy.

      Grossman mặc dù cực kỳ sung sướng với chiến thắng chắc chắn sẽ tới trước Tập đoàn quân VI nhưng càng ngày càng bực mình với cách mà ban biên tập tờ Krasnaya Zvezda sửa chữa các bài viết của ông. Ông viết cho vợ về chuyện này hôm 5/12. ”Anh làm việc rất nhiều. Em có thể nhìn thấy điều đó trên báo. Giá mà em thấy được cả việc họ đã cắt xén và xuyên tạc những bài viết của anh như thế nào, và không chỉ có thế, họ còn nhét thêm những đoạn mới vào mấy bài viết khốn khổ của anh, có lẽ em sẽ khó chịu hơn là vui sướng khi thấy các bài viết của anh toàn những điều tươi sáng. Ban biên tập đã đề ra quy định cắt bỏ phần kết của mọi bài viết, thay các dấu chấm phẩy, bỏ qua những đoạn mô tả anh đặc biệt thích, thay tiêu đề và thêm vào những đoạn như này: "Niềm tin và tình yêu này đã gần như tạo nên phép màu." Việc biên tập vội vàng này do các biên tập viên cao cấp làm hẳn hoi, và thỉnh thoảng anh phải đọc đi đọc lại một đoạn mới hiểu nó có nghĩa gì. Tất cả những cái đó làm anh cực kỳ khó chịu vì anh đã viết nên chúng trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.

     Tập đoàn quân 62 của Chuikov liên tục thiếu đồ hậu cần - bao gồm cả markhorka và vodka - trong suốt thời gian băng trên sông Volga đóng chưa đủ dày. Cuối cùng, ngày 16/12 mặt sông mới đóng băng hết. Đầu tiên người ta làm một cái cầu bằng ván gỗ cho người đi bộ qua sông. Sau đó là làm hẳn thành một con đường bằng cành cây được giội nước lên để gia cố mặt băng, khi các cành cây ướt đóng băng cứng lại thì xe tải thậm chí pháo hàng nặng cũng đi qua được. "Băng đóng tốt!"

       Những người lính Hồng quân viết thư về nhà như vậy một cách sung sướng. Được biết trong chưa đầy hai tháng, 18.000 xe tải và 17.000 xe cộ khác đã vượt sông qua cầu băng. Grossman chào mừng sự tiến triển này qua bài viết tiêu đề "Một ngày mới".

      Tất cả những người trong cả trăm ngày qua đã trấn giữ bến phà qua sông Volga và qua lại trên dòng sông băng xám xịt đều nhìn thẳng vào đôi mắt tàn nhẫn và giảo hoạt của thần chết. Mỗi ngày lại có ai đó hát lên bài hát về những người đã vĩnh viễn ngủ say trên chiếc giường mang tên Volga ... Đêm xuống, chúng tôi có thể đi bộ qua sông Volga. Băng đã đóng được hai ngày và không còn uốn cong dưới chân nữa. Ánh trăng soi tỏ con đường tạo bởi những vết xe trượt tuyết kéo dài mãi không dứt.Một lính giao liên đi trước chúng tôi, nhanh nhẹn và tự tin như thể anh ta đã đi trên con đường này suốt nửa cuộc đời. Bất thần có tiếng băng nứt, người giao liên tới một mảng băng trống trải và rộng, dừng lại rồi nói: "Aha! Chúng ta sẽ phải đi qua một con đường xấu, giữ ở bên phải tôi." Giao liên bao giờ cũng trấn an bằng những lời ngắn gọn dứt khoát, luôn đưa bạn vào những nơi an toàn.

       Những chiếc sà lan bị đạn pháo bắn nát đã đóng cứng vào băng. Những sợi cáp phủ băng lấp lánh sáng xanh. Đuôi sà lan dựng ngược lên, tạo thành mái vòm che những chiếc thuyền máy đã chìm.

      Chiến sự vẫn tiếp diễn ở khu vực các nhà máy ... Đại bác bắn với những tiếng bang bang, tiếng gầm, sau đó là tiếng nổ của quả đạn dội lại khô khốc và vang vọng. Thông thường, những loạt đạn súng máy và tiểu liên có thể nghe thấy rõ, thứ âm nhạc này thường lén lút vang lên giữa những xưởng máy yên tĩnh, nghe giống như tiếng tán đinh hay tiếng búa máy nện xuống thanh thép, là phẳng nó ra. Cũng giống như thép nóng chảy và xỉ quặng tuôn vào khuôn, những tiếng nổ cũng thắp sáng dòng sông băng tinh khiết Volga trong sắc hồng rực rỡ. Mặt trời mọc rọi sáng cạnh những hố bom lớn, đáy của những cái lỗ đáng sợ này vẫn luôn tăm tối. Ánh mặt trời sợ phải chạm đến chúng ...

      Mặt trời toả sáng trên hàng trăm đoạn đường tàu rải rác đầy những toa xi téc nằm đó như những con ngựa chết với thùng téc vỡ toác; nơi đó hàng trăm toa hàng lật ngang toa này nằm ép vào trần toa khác, chúng bị thổi tới đó vì sức ép của một vụ nổ, nằm túm tụm quanh đám đầu tầu lạnh lẽo như thể đám đông hoảng sợ xúm quanh những người lãnh đạo.

      Chúng tôi đang đi trên mảnh đất hoang tàn đầy hố bom và đạn pháo - những tên bắn tỉa và lính canh Đức có thể nhìn khắp khu vực này dễ dàng, nhưng người lính Hồng quân gầy gò khoác áo choàng vẫn đi bên tôi một cách bình thản và chẳng có vẻ gì vội vã. Anh giải thích đơn giản: "Đồng chí cảm thấy tốt hơn nếu chúng không thể nhìn thấy ta àh? Hừ, chúng có thể đấy. Ở đây chúng tôi thường phải bò vào ban đêm, nhưng giờ thì khác: chúng phải tiết kiệm số đạn còn lại."

      Đi qua một đống phế phẩm kim loại han rỉ, đi qua một cái gầu múc thép nóng chảy khổng lồ, đi qua những tấm thép và những bức tường đổ. Những người lính Hồng quân đã quá quen thuộc với những tàn phá ở đây đến nỗi quên cả việc chú ý đến tất cả những điều đó. Ngược lại, điều được xem là thú vị ở đây là có một khu nhà văn phòng điều hành của nhà máy đã bị phá huỷ hoàn toàn nhưng còn một ô cửa sổ vẫn nguyên vẹn, một ống khói cao, một căn nhà gỗ cũng vẫn sống sót một cách phi thường. "Nhìn kìa, căn nhà này vẫn còn sống," những người đi qua vừa thốt lên vừa cười.

     Không có gì ngạc nhiên, đến giữa tháng 12 thì Grossman đã tỏ ra khổ sở quá mức vì tình trạng căng thẳng triền miên, ông đã viết thư cho cha một lần nữa; “Con nghĩ con sẽ về Moscow vào tháng một. Con ổn nhưng rất căng thẳng thần kinh. Con đã trở nên cáu kỉnh và dễ bị kích động nên thường xuyên công kích các đồng sự. Giờ họ phát sợ con. Con không thể rời chỗ này ngay và cũng không muốn thế. Cha xem, giờ vận may đã trở lại với quân ta, không ai muốn rời khỏi đây khi đã chứng kiến những thời khắc khó khăn ác liệt nhất.

      Khi ngày rời Stalingrad đã đến gần, Grossman trở nên càng lúc càng lơ đãng với những gì ông đã phải trải qua. Những người lính Hồng quân tắt máy hát. "Bật đĩa hát nào tiếp theo đây?"Một người hỏi. Nhiều tiếng nói cất lên: "Đĩa này." "Đĩa kia."Sau đó một điều khác lạ xảy ra. Trong khi những người lính đang chọn đĩa, tôi nghĩ: Thật tuyệt nếu được nghe bài hát ưa thích của mình trong căn nhà đổ cháy đen này. Và bất thần, trong không khí trang nghiêm, tiếng hát u buồn cất lên: "Cơn bão tuyết đang gào thét ngoài cửa sổ ... " Những người lính Hồng quân chắc cũng rất thích bài hát này, mọi người ngồi lặng im, chúng tôi nghe đi nghe lại bài hát đến cả chục lần:

     "Hỡi Thần Chết, chúng tôi xin người,

     Xin hãy đợi ngoài kia."

     Những lời ca và bản nhạc bất hủ của Beethoven vang lên tại đây mạnh mẽ không sao tả xiết. Với tôi, đây có lẽ là khoảnh khắc xúc động nhất trong cả cuộc chiến ... Và tôi nhớ tới những bức thư nhỏ bé viết bởi bàn tay trẻ con tìm thấy bên một người lính hy sinh trong một cứ điểm. "Buổi chiều tốt lành, hay có khi là buổi tối tốt lành, con chào Tyatya (bố) ... " Và tôi nhớ đến người Tyatya đã hy sinh, chắc anh đã đọc bức thư đó khi sắp chết, và tờ giấy bị vò lại nằm bên đầu anh.

            ………………………………………………

        (1)Nguyên soái Ion Antonescu (1892 - 1946), nhà độc tài Rumany, đồ đệ trung thành nhất của nước Đức trong cuộc xâm lược Liên Xô. Tuy nhiên việc các đội quân trang bị yếu kém của hắn tan vỡ dễ dàng trong trận Stalingrad khiến người Đức cực kỳ oán hận kẻ đồng minh mang đến toàn vận rủi này.

       (2)Kích thước đường ray tàu hoả ở Nga khác với ở Tây Âu.

      (3)Tất nhiên hầu hết các bài viết của Grossman là viết về những người lính Stalingrad.

      (4)Sông Volga vẫn chưa đóng băng cứng, vì vậy việc vượt sông là cực kỳ nguy hiểm và không thể đoán lúc nào qua được.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #68 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 11:36:54 pm »

                                                                                     PHẦN BA


                                                                    GIÀNH LẠI NHỮNG VÙNG TẠM CHIẾM

                                      ==================================================


                                                                                        MƯỜI TÁM


                                                                                   SAU TRẬN CHIẾN

      Trong tháng 12/1942, trận chiến Stalingrad giảm dần cường độ trong khu vực thành phố. Chiến sự ác liệt chỉ còn diễn ra bên ngoài trên những thảo nguyên băng giá giữa hai con sông Volga và Don, tại đây bảy Tập đoàn quân Soviet bao vây đang cố đập tan sự chống cự ngoan cố của Tập đoàn quân VI và bỏ đói chúng. Nhưng quân Đức (Wehrmacht) trong vòng vây vẫn còn mạnh. Trong thành phố, có cảm giác các bên đều chống lại việc đẩy mạnh chiến sự xuất phát từ sự pha trộn giữa những suy nghĩ muốn xả hơi, nghỉ ngơi và nỗi buồn vì những tổn thất khủng khiếp. Grossman đã xúc động sâu sắc khi phát hiện ra mộ của người cháu họ hôm 29/12.

     Mộ của Yura Benash nằm bên sở chỉ huy của Mikhailov - bạn phải leo ra đằng sau nó. Sở chỉ huy nằm trên vách đá cao, bốn ngôi mộ nằm ngay sau vách đá đó.

    Ông viết về chuyện này cho vợ ngay sau khi trở lại bờ đông; “Lyusenka yêu quý nhất của anh, anh vừa từ thành phố về đây, anh định viết vài câu chuyện mà. Anh vượt sông bằng cách đi bộ trên mặt băng. Chuyến đi vừa rồi gây cho anh xúc động sâu sắc. Tưởng tượng xem, người yêu của anh, anh đã thấy mộ của Yura Benash, con trai của Vadya, nằm trên vách đá nhìn xuống sông Volga. Anh đã tìm gặp trung đoàn trưởng của cậu ấy và ông đã kể chi tiết về trường hợp của Yura. Yura là một tiểu đoàn trưởng, cậu ấy đã chiến đấu như một người anh hùng. Đại đội chống tăng của cậu ấy đã bắn hạ 16 xe tăng địch. Cậu ấy đã dẫn đầu nhiều cuộc xung phong, mọi người đều nói về cậu ấy với sự khâm phục. Cậu ấy biết anh đang ở đây và đã cố tìm gặp anh thông qua bộ phận tiền phương của toà soạn, cậu ấy còn viết nhiều thư cho anh nữa nhưng anh ko hề nhận được một bức nào trong số đó. Vậy đấy, giờ thì anh đã tìm thấy cậu ta.

     ... Lyusenka, quá nhiều điều đã diễn ra trước mắt anh, quá nhiều điều nặng nề mà anh tâm hồn, con tim, khối óc của anh phải vượt qua, trí nhớ của anh phải ghi lại và chúng vẫn còn tiếp tục. Anh cảm thấy mình đã ngập đến tận cổ giữa những thứ đó ... Ngày mai anh sẽ thử ngồi viết một bài thật dài”.

      Cùng lúc ông cũng viết một bức thư tương tự cho cha, cho biết Yura đã được nhận Huân chương Sao Đỏ và hy sinh trong một vụ nổ một tháng trước đây.

      Chẳng ai khóc cho cậu ấy - cả mẹ và bà ... Con đã đi lang thang suốt mấy ngày vừa rồi, nhìn thấy nhiều điều thú vị, giờ con sẽ ngồi xuống và viết. Con muốn biết một cái gì đó dài và nghiêm túc ... Con chưa biết sẽ viết về cái gì, có quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc, con chưa biết bắt đầu từ đâu. Khi nào gặp cha con sẽ ngồi trên cái sa lông đỏ mà nói chuyện chán chê mê mỏi.

      Sau trận đánh quyết định và ác liệt Stalingrad, Grossman nhận ra một  điều rất khó chấp nhận rằng số phận có thể thay đổi theo cách hoàn toàn khác, rằng sự chia ly có thể diễn ra rất nhanh chóng và bất thần chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi.

     Một trung đoàn trưởng rời khỏi trung đoàn của mình. Chẳng có lời chia tay nào: "Điền vào đây," "Đúng, đúng." Rồi đi cuống cuồng. Vậy mà người đàn ông này đã trải qua tất cả những thử thách gay go nhất của trận chiến Stalingrad.

     Cuộc chia tay của chính Grossman với mảnh đất này được viết thành bài báo tiêu đề "Hôm nay ở Stalingrad" đăng trên tờ Krasnaya Zvezda.

     Mặt trời mùa đông mọc trên những nấm mộ tập thể, trên những hầm mộ do đồng đội tự làm ngay tại nơi những người hy sinh ngã xuống vì cuộc tấn công tổng lực của kẻ thù. Có những xác chết vẫn còn nằm trong đống đổ nát của các nhà máy, dưới những con hào và trong những balka. Giờ họ đang say ngủ ngay tại nơi họ từng chiến đấu khi còn sống. Những ngôi mộ nằm ngay bên chiến hào, boongke, tường đá trổ lỗ châu mai, họ đã ko bao giờ đầu hàng, đó là biểu tượng vĩ đại mà bình thường nhất của lòng trung thành với Tổ quốc, lòng trung thành được tưới bằng máu.

      Mảnh đất linh thiêng! Ai cũng muốn giữ lại nơi đây một chỗ tưởng niệm để thành phố mới sau này sẽ nhắc nhở mọi người về chiến thắng của tự do.Một thành phố sẽ mọc lên từ đống đổ nát sẽ mang trong mình nó tất cả ký ức - những căn hầm ngầm, những đường giao liên chằng chịt, những khẩu cối hạng nặng thò nòng lên khỏi những boongke và hầm trú ẩn, hàng trăm người khoác áo jacket và áo choàng trần bông, đội mũ ushanka làm ngày làm đêm không nghỉ để phục vụ chiến tranh, cắp nách những quả mìn như cắp một ổ bánh mì, gọt khoai tây bằng đầu nòng pháo, cãi vã, hát hỏng trong tiếng thì thào, nói chuyện về những trận chiến bằng lựu đạn suốt đêm. Họ đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng thật vĩ đại mà cũng thật đơn giản.

      Grossman cảm thấy ngạc nhiên và uất ức khi Ortenberg lệnh cho ông lập tức rời Stalingrad chuyển sang Phương diện quân Nam.

      Chúng tôi rời Stalingrad vào ngày đầu Năm Mới, chuyển tới Phương diện quân Nam. Thật buồn! Có cảm giác nơi đây đã trở thành một phần cuộc đời tôi, trong suốt cuộc chiến này tôi chưa bao giờ có cảm giác đó.

     Ortenberg đã quyết định thay Grossman bằng Konstantin  Simonov, người sẽ được bao bọc trong vinh quang của chiến thắng cuối cùng. Simonov đã tới thăm Stalingrad cùng Ortenberg trong tháng chín (nơi họ đã ngủ quên trong boongke của Yeremenko và Khrushchev đặt trên bờ tây và khi tỉnh dậy mới phát hiện ra toàn bộ sở chỉ huy Phương diện quân đã biến mất trong đêm để chuyển sang bờ đông). Grossman là phóng viên tờ Krasnaya Zvezda đã bám trụ trong thành phố lâu nhất, Ilya Ehrenburg là một trong những người cho rằng quyết định này là bất công và phi lý. "Tại sao tướng Ortenberg lại lệnh cho Grossman tới Elista và gửi Simonov tới thay? Tại sao ko để Grossman chứng kiến thời điểm kết thúc trận đánh? Đó là điều tôi vẫn không thể hiểu nổi. Những ngày tháng ở Stalingrad đã in đậm trong tâm trí Grossman thành một phần quan trọng nhất, không thể tách rời."

      Grossman viết cho cha ngay trước khi rời Stalingrad. “Vậy đấy, cha ạh, con sẽ nói lời chia tay với Stalingrad vào ngày mai và đi Kotelnikovo, tiếp sau đó là Elista. Con đi mà thấy buồn, cha biết đấy - như thể con phải xa lìa một người con yêu quý với rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Những cảm giác thất vọng, có ý nghĩa, kiệt sức, không thể quên đã hoà quyện với thành phố này, thành phố với con đã trở nên như một con người. Cha, tình hình mặt trận đang tốt đẹp lên, và tinh thần con giờ đã tốt hơn”.

      Phương diện quân Nam phụ trách một vùng đất trải rộng qua Kalmykia, từ vùng thảo nguyên trơ trụi phía nam Stalingrad cho tới bắc Caucasus, nơi Thống chế Von Manstein đã phải cùng Cụm Tập đoàn quân A rút chạy toé khói. Cuộc tổng phản công thứ hai của quân Soviet trong nửa cuối tháng 12, Chiến dịch Sao Thổ Nhỏ, đã đe doạ đường lui của quân Đức qua biển Azov. Cuộc lui binh vội vã này đã cho Grossman thấy được cuộc sống dưới ách chiếm đóng của bọn Đức, đặc biệt là tại Elista, thủ phủ vùng này, cách Astrakhan khoảng 300km về phía tây.

     Thảo nguyên Kalmykia. Tuyết và bụi vàng quyện với nhau thành một  thứ tuyết màu vàng trắng bị gió cuốn tung trên mặt đường. Không có nhà cửa gì cả, tất cả đều im lặng, không nơi nào có sự tĩnh lặng tuyệt đối như ở đây. Các con đường đều đã bị đặt mìn. "Các anh đi trước đi," mọi người đùa: "Chúng tôi còn hút thuốc và ăn sáng chút." "Và chúng tôi còn phải đổ thêm ít xăng vào bình!" "Và chúng tôi còn phải đun chút tuyết để đổ đầy bộ tản nhiệt." Thật là một con đường lắm mìn kinh khủng.Một chiếc thiết giáp, một chiếc xe tải, lại một xe tải nữa, tiếp theo là một chiếc xe con, tất cả đều bị phá huỷ vì mìn. Những xác chết bị thổi bay khỏi xe vì sức nổ. Xác những con ngựa với cái bụng vỡ toác nằm sát nhau y như lúc chúng vẫn còn đang kéo xe. Lại một chiếc xe tải nữa. Những trái mìn thật đáng sợ.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #69 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 11:42:28 pm »

      Im lặng và hoang vắng.Một con chó đang chạy dọc con đường, miệng cắn một khúc xương người.Một  con chó khác chạy theo sau, đuôi quặp giữa hai chân sau. Các làng mạc - đàn ông đã đi sạch ... Trong một căn nhà kiểu Nga, Đoàn viên Komsomol Bulgakova sống cùng đứa con nhỏ. Cô là người duy nhất trong cả vùng này vẫn còn giữ thẻ Đoàn viên giấu dưới đống kizyak. (1)

      Có tiếng máy hát, sự ấm cúng và cả sợ hãi nơi đây. Có nhiều kẻ cướp trong vùng.Một  người đàn ông trở về từ trại tù binh chiến tranh. Anh là ai?Một tên gián điệp hay một người đáng tin cậy? Đó là điều bí mật, một thứ bóng đen bao quanh anh, anh là một ẩn số. Anh nói anh đã đi bộ 4.000km, đã trốn trại ba lần. Cái chết chưa bao giờ thôi bám riết lấy anh nhưng lại chỉ lượn sát qua khiến anh đau khổ tột cùng: anh đã bị địch bắt gần Smolensk, và thoát khỏi trại tù binh gần Elista. Không một ai tin anh ta, nhưng cũng không ai có thể không tin anh ta hẳn.Một nhân vật bi kịch.

     Không có một con gà trống nào trong làng: cánh phụ nữ giết sạch chúng vì nếu không bọn Romania sẽ phát hiện ra chỗ giấu gia cầm qua tiếng kêu của mấy chú trống choai. Trên thảo nguyên bằng phẳng cuộn lên những đợt sóng của cỏ dại, bụi, tuyết, sương muối, cây ngải đắng (sagebrush) đóng băng như những người cưỡi ngựa trên cánh đồng.

     Elista. Bọn Đức đã đốt sạch Elista, và một lần nữa, giống như 15 năm trước đây, Elista lại chỉ còn là một ngôi làng, chẳng còn thị trấn nào ở đây nữa ... Sĩ quan chỉ huy tại thị trấn Elista là Thiếu tá Ritter.

     Grossman phỏng vấn một giáo viên đã tiếp tục dạy học trong thời kỳ Đức chiếm đóng. "Tôi đã bị dằn vặt bởi cảm giác mình đã sai khi làm việc cho chúng," người giáo viên nói.

     Lực lượng NKVD của Lavrenty Beria đã đến Kalmykia ngay sau đó để truy tìm những kẻ phản quốc, và họ đã làm việc một cách không thương xót. Grossman đã nhắc đến tên người giáo viên trong bài viết là Klara Frantsevna nhưng chúng tôi không rõ đây có phải là tên thật của bà hay không. Những người Kalmyk đã chịu nhiều đau khổ vì chính sách thanh trừng thời chiến của những người Stalinist chống lại những người quốc gia chủ nghĩa miền nam, dù vẫn còn lâu mới tệ hại bằng những gì người Chechen và Crimean Tatar phải chịu nhưng nhiều người Kalmyk đã chào đón quân Đức như những người giải phóng và tự hào khoác lên mình bộ đồng phục xanh lá cây của lực lượng cảnh sát Kalmyk.

       Trường học. Môn lịch sử bị lược bỏ khỏi chương trình giảng dạy, địa lý Liên Xô bị thay bằng địa lý tự nhiên Châu Âu như một phần trong địa lý thế giới (không có các quốc gia). Chỉ có vị trí, biên giới, các biển bao quanh Châu Âu, các đảo, bán đảo, điều kiện thời tiết, núi non, đồng bằng.

       Môn tiếng Nga: bọn Đức không cấp cho chúng tôi sách giáo khoa mới mà chỉ sửa sách cũ bằng cách xé bỏ tất cả các trang nhắc đến nền Chính trị Liên Xô. Người Đức yêu cầu bọn trẻ tự xé bỏ tất cả các trang đó trong sách của chúng, nói chuyện với lũ trẻ là một sĩ quan Đức từng học tập tại Odessa và vốn là thầy dạy hoá ở cấp trung học.

       Môn tập đọc: Sách tập đọc bị cấm (vì "Gorky ko phải là một nhà văn mà là một tên bịp bợm"). (2) Chúng giới thiệu một cuốn sách có tựa đề "Điều gì sẽ xảy ra?" và cuốn tạp chí "Hitler - người giải phóng" đăng bài viết "Trong hang ổ của các Chính trị viên" của Albrecht. (3)

       Toán: chúng bỏ hết khỏi sách giáo khoa những đoạn nói tới thành tựu của chế độ Soviet, thay vào đó là nhưng câu hỏi đại loại như: Vậy số lượng máy bay Soviet bị bắn hạ là bao nhiêu?

       Môn tiếng Đức được đưa vào chương trình.Một  sĩ quan kiểm tra cặp học sinh xem còn trang nào chúng chưa xé hay không. Một  cuốn sách do Lenin viết được tìm thấy trong cặp của một bé gái, cô bé bị quát mắng thậm tệ, nhưng không bị đuổi học.

      Môn khoa học tự nhiên: chương cuối "Nguồn gốc loài người" bị cấm chỉ.

      Bọn trẻ phải học hai giờ mỗi tuần với giáo viên người Đức. Việc trừng phạt học sinh được tả như sau: "Có khi bạn thậm chí phải đánh lũ trẻ."

      Học hát: các bài dân ca Nga, bài "Táo chín", bài "Các con, hãy sẵn sàng đến trường."

     Ngôi trường này không phải là điển hình ở những vùng tạm chiếm - bọn Đức còn bận bịu thực thi quyền lực của chúng. "Một tên Đức đã hỏi tôi: "Bọn trẻ đã đọc cuốn "Chiến tranh và Hoà Bình" chưa?" (4)

     Tôi trả lời: "Chúng còn quá bé để đọc cuốn đó.""

     Thư viện. Tất cả sách Chính trị đều bị bỏ kể cả sách của Heine, sách của tất cả các nhà văn Soviet cũng vậy.

     Metise (người gốc Đức) được nhận khẩu phần ăn như người Đức. Có một cáo thị như sau: "Tất cả người Metise phải được đưa vào các cơ quan quản lý, đó là đặc quyền của họ." Người Metise được cấp những con bò thuần chủng giá hàng ngàn rúp, sô cô la, bột mì, bánh kẹo.Một số người Nga cũng được coi như người Metise.

     Một tên lính Đức vào nhà tôi tìm đường, hắn lấy một viên đường mút mút. Tôi chỉ vào đứa con nhỏ, hắn cười và bỏ đi. Chúng thích những thứ ngọt ngào, lúc nào chúng cũng ngậm đường." (5)

     Dòng chữ trước cửa WC: "Lối vào, cấm người Nga." Bọn Đức ở Elista. Hồi tháng 8, chúng mặc quần đùi mà đi lại hay phóng xe máy ngoài đường. (6)

     Grossman cũng được nghe về những hành động tàn bạo chống lại người Do Thái, có lẽ chúng được thực hiện bởi lực lượng yểu mệnh SS Sonderkommando, thành lập tháng 10/1942 và bị giải thể vào tháng 12, ngay sau khi mặt trận vỡ. Mặc dù có tên như vậy nhưng lực lượng Sonderkommando có trụ sở chính tại Elista này.

     Chín mươi ba gia đình người Do Thái đã bị giết. Bọn Đức đã bôi thuốc độc lên môi những đứa bé.

     Khó mà biết được chính xác Grossman có ý gì khi viết về cái chết của những đứa trẻ, đây là một điều cấm kỵ với người Nga. Việc nhắc đến nó xem ra liên quan đến việc bọn SS đang thử nghiệm một loại chất độc mới.

     Grossman cũng phỏng vấn một cô giáo từng bị một sĩ quan Đức hiếp.

      Phỏng vấn một nữ giáo viên (tôi quyết định không hỏi tên cô). Một đêm, một  tên sĩ quan được hỗ trợ bởi nhiệm vụ mà hắn đang thi hành đã hiếp cô. Cô đang bế đứa con sáu tháng tuổi thì hắn bắn vào cánh cửa và doạ giết đứa bé. Kẻ đang thừa hành nhiệm vụ khoá cửa lại. Vài tù binh quân ta đang bị nhốt ở phòng bên, cô đã cố kêu cứu nhưng chỉ có sự im lặng chết chóc đáp lại.

    Sử dụng những ghi chép từ các cuộc phỏng vấn ở Elista, Grossman cố dựng lại những gì đã diễn ra tại các vùng Đức chiếm đóng. Thật khó tưởng tượng là Grossman có thể phổ biến chúng nếu xét đến việc các chủ đề liên quan tới sự cộng tác với địch là chuyện cấm kỵ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM