Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:25:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vasily Grossman - Nhà văn nơi chiến trường  (Đọc 55266 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #40 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 09:51:16 am »

      Đáng tiếc là hạn phép của con sắp hết, con đang rất mệt, con đã vắt kiệt bản thân cho công việc viết lách.Tuy nhiên hoàn toàn bất ngờ, con đã nhận được một bức điện cực kỳ hào phóng từ tay Tổng biên tập độc ác của con, ông ta viết rằng ông ta không phiền nếu con kéo dài thời gian nghỉ phép để tiếp tục công việc tại Chistopol. Với sự cho phép này hầu như chắc chắn con sẽ ở lại đây thêm 7 - 10 ngày so với hạn phép. Con đang viết về cuộc chiến trong giai đoạn từ mùa hè đến mùa thu năm 1941.

      Một điều khác nữa là con đang rất khổ sở vì thiếu tiền ... con đã viết thư gửi về Moscow cho tất cả các nhà xuất bản của con, nhưng chưa một ai trong lũ chó má đó gửi cho con dù chỉ một kopeck.

     Con thường nghĩ tới Katyusha. Con rất muốn nhìn thấy nó ... chắc giờ nó lớn lắm rồi. Con đã nhận được hai bức thư của nó và qua những bức thư đó con cảm thấy nó không nhớ con lắm; chúng đúng là những bức thư lạnh lùng.

     Nhiều đêm con ngồi dưới gốc cây táo, lúc này nó đang trổ hoa, và nhìn những ô cửa sổ sáng đèn của những ngôi nhà. Chúng thật bình yên. Điều đó làm con ngạc nhiên. Một viên tướng tên là Ignatiev từng nói phóng viên là những người dũng cảm nhất trong chiến tranh vì họ phải rời hậu phương để ra mặt trận rất nhiều lần, đó là khoảnh khắc khó chịu nhất, lúc mà một con sơn ca biến thành một cái máy bay.

     Con nhận được một tầm card từ Uỷ ban Di tản nói rằng Mẹ không nằm trong danh sách những người đã được sơ tán. Con đã biết trước rằng Mẹ không thoát được nhưng trái tim con vẫn thắt lại khi đọc những dòng chữ đó.

    Cuối cùng thì Grossman đã không cần đến thời gian kéo dài phép mà Ortenberg đã chấp thuận cho ông. Ông giao bản thảo ngày 11/6 và viết cho cha ngày hôm sau:”Mọi thứ có vẻ ổn với cuốn tiểu thuyết của con. Tổng biên tập đọc nó hôm qua và nhiệt liệt tán thưởng. Đêm qua ông ấy gọi con đến và ôm chặt lấy con. Ông ấy nói rất nhiều những lời tán dương và hứa sẽ đăng trên tờ Krasnaya Zvezda mà không cắt cúp gì hết. Cuốn tiểu thuyết này rất dài ... con đang lo không hiểu người đọc sẽ tiếp nhận nó như thế nào ... Dù sao, việc xuất bản cuốn tiểu thuyết sẽ làm khả năng tài chính của con tăng tiến vượt bậc. Con hy vọng cha sẽ có thể tự đọc nó trong tương lai gần. Con rất vui nếu được như vậy. Cha phải cố tăng cân đi chứ gầy quá rồi đấy, ông già khốn khổ ạh”.

    Cùng lúc đó, Grossman viết cho vợ ở Chistopol những điều đã nói trong bức thư gửi cha nhưng kèm thêm vẻ hãnh diện:”Giờ anh đã là cây đinh của Ban biên tập. Tổng biên tập cho gọi anh lên cả chục lần mỗi ngày. Anh ngủ ngay tại cơ quan, đọc các bản in thử từ hai đến ba giờ sáng.  Ortenberg cũng viết: "Sau đúng hai tháng, Vasily Semyonovich giao cho tôi cuốn "Nhân dân bất diệt", một bản thảo dày khoảng 200 trang. Tôi đọc nó, không còn lời gì để nói, tôi đọc mà không thể đặt nó xuống được. Không một tác phẩm nào thuộc thể loại này được viết kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tôi quyết định đăng tải nó không chậm trễ. Chương đầu tiên được đưa cho người sắp chữ. Khi một trang gồm ba cột đã sẵn sàng, tôi bắt đầu đọc bản in thử. Grossman đứng cạnh tôi theo dõi từng cử động với vẻ ganh tị. Anh ta sợ tôi có thể sẽ sửa chữa những đoạn không cần thiết”. Ngày 14/7, Grossman viết cho cha trong tâm trạng hết sức kích động: “Krasnaya Zvezda đã bắt đầu đăng dài kỳ cuốn tiểu thuyết của con ... con gửi điện chuyển tiền cho cha 400 rúp từ hôm kia! Con sẽ ở Moscow thêm ba tuần hoặc một tháng, đó là thời gian cuốn tiểu thuyết của con sẽ được đăng nhiều kỳ trên báo”.

      Ngày 12/8, Ortenberg viết: "Hôm nay chúng tôi đăng chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết "Nhân dân bất diệt" của Vasily Grossman. Cuốn truyện đã được đăng suốt mười tám số báo và cứ sau mỗi số sự thích thú của độc giả lại tăng lên. Trong mười tám ngày đó, thực ra là đêm, tôi đứng với tác giả tại bàn mình để đọc bản in thử từng chương sách sẽ được xuất bản tiếp theo. Không có mâu thuẫn vào với Vasily Semyonovich. Chỉ đến khi kết thúc cuốn tiểu thuyết mới nổ ra cuộc tranh luận gay gắt vì lý do nhân vật chính, I. Babadzhanyan, bị giết. Khi tôi đọc bản thảo và khi đọc bản in thử chương cuối, tôi đã hỏi tác giả chẳng lẽ không thể cải tử hoàn sinh cho nhân vật chính, người đã được độc giả hết sức yêu mến àh?” Vasily Semyonovich trả lời: "Tôi phải căn cứ theo sự thật tàn nhẫn của chiến tranh”.

      Thực tế, Grossman đã đối mặt với vấn đề hết sức tế nhị, điều mà tất cả các tiểu thuyết gia đều ngại, thậm chí gần như không bao giờ làm, là để nhân vật chính trong tiểu thuyết giữ đúng tên nguyên mẫu. Babadzhanyan không hề bị giết như Grossman nói, nhưng người trong tương lai sẽ trở thành vị tướng xe tăng này đã tha thứ cho anh chàng tiểu thuyết gia vụ bịa ra cái chết của ông.

     Trong khi đó ở Moscow, chỉ có rất ít người có vẻ đã để ý đến mối nguy đang xuất hiện ở phía nam khi các tập đoàn quân của Hitler tiến đến sông Đông và hướng thẳng về Caucasus. Bức thư của Grossman gửi vợ ngày 22/7 cho thấy ngay cả những người vừa có mặt tại khu vực đó trở về Moscow cũng chưa để ý đến nguy cơ.

     Hôm qua Kostya Bukovsky trở về từ Stalingrad bằng đường hàng không, và anh đã tổ chức một "lễ đón tiếp". Bọn anh uống và ca hát ... Tvarkovsky đọc một chương tuyệt vời trong tác phẩm mới của anh ta, "Vasily Tyorkin". Mọi người đã rơi nước mắt. (1)

    Chỉ 3 tuần sau, ngày 19/8, Grossman viết cho cha như sau:

    “Con sẽ ra mặt trận trong vài ngày nữa. Chắc cha sẽ rất vui nếu nhìn thấy con được Hồng quân chào đón thế nào sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết. Lạy Chúa, con rất tự hào về bản thân và rất xúc động. Cuốn tiểu thuyết đã được đánh giá tốt ở mọi cấp độ, từ cấp cao nhất trong quân đội đến những người lính trơn. Cha thân yêu, tâm trạng con đang tốt hơn bao giờ hết. Con đã thành công và được thừa nhận, nhưng vẫn có một cảm giác hết sức, hết sức nặng nề sâu trong tâm hồn. Ước muốn lớn nhất của con là giúp đỡ được tất cả những người con yêu quý, để mọi người được đoàn tụ. Con luôn bị dằn vặt với suy nghĩ về số phận của Mẹ ...Con đã nhận được một bức thư của Yura, con trai Vadya. Nó đang ở mặt trận, là một trung uý. Nó đã đánh nhiều trận và đã từng bị thương”.

     Em họ của Grossman, Yura Benash, cũng sắp được chuyển tới Stalingrad, nơi Grossman cũng đang hướng tới.

                           ………………………………………..

      (1)Tvardovsky được biết đến nhiều nhất với tác phẩm "Vasily Tyorkin", câu chuyện kể về một người lính nông dân lạc quan đã luôn luôn tìm được cách để sống sót. Nhân vật hư cấu này bắt đầu xuất hiện trong các bài báo của Tvardovsky suốt từ thời chiến tranh Xô - Phần và trở thành người anh hùng dân gian trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhờ đó Tvardovsky đã thêm một lần nữa nhận Giải thưởng Stalin năm 1946.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #41 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 09:55:21 am »

                                                                                          MƯỜI BA

                                                                            ĐƯỜNG TỚI STALINGRAD

     Trong khi Grossman vẫn còn đang viết dở cuốn "Nhân dân bất diệt", Bộ tổng tham mưu Đức đã chuẩn bị các kế hoạch cho cuộc tổng tấn công mùa hè của Hitler, Chiến dịch Blue. Trong bản kế hoạch gần giống như việc mở lại Chiến dịch Barbarossa này, Hitler tính sẽ hướng về phía Caucasus để chiếm vựa dầu ở đó. Hắn cho rằng việc kiểm soát nguồn dầu mỏ sẽ cho phép hắn cự nhau được với "Tam Cường" (Mỹ, Nga, Anh) giờ đều đã đứng về phe đối địch.

     Tuy nhiên vào ngày 12/5, sáu ngày trước khi cuộc tấn công của quân Đức dự kiến sẽ bắt đầu, Nguyên soái Timoshenko đã mở chiến dịch tấn công vào nam Kharkov như đã nói trong chương trước. Stavka (Tổng hành dinh - Bộ chỉ huy tối cao Nga) hy vọng sẽ tái chiếm được thành phố. Cuộc tấn công của quân đội Soviet tuy thế đã thất bại thảm hại. Quân Đức đang tập trung với số lượng lớn tại khu vực này đã phản ứng nhanh chóng với tình hình mới dẫn tới một thảm họa khác là cuộc bao vây năm ngày sau đó khi Tập đoàn quân VI Đức của Tướng Paulus khép miệng túi trong đó có hơn ba Tập đoàn quân Soviet. Tin tức về thảm hoạ này đã gây shock, đặc biệt là với Grossman, ông đã ở khu vực này trong một thời gian dài và đã từng gặp nhiều người có tham gia vào trận đại bại này.

      Một kết quả tuy ngoài lề nhưng quan trọng của trận đánh này là đòn đánh chính của Chiến dịch Blue bị hoãn lại đến cuối tháng sáu. Các sĩ quan tham mưu Đức cùng toàn bộ các bản kế hoạch về cuộc tấn công xuống phía nam đã bị bắn hạ vì viên phi công chở họ lạc hướng sang vùng do quân Soviet kiểm soát. Nhưng Stalin không chịu tin vào các chứng cứ thu được, ông nghĩ rằng đó chỉ là một trò lừa đảo, giống như ông đã từng không tin vào các lời cảnh báo trước Chiến dịch Barbarossa. Stalin cho rằng Hitler sẽ một lần nữa đánh thẳng vào Moscow. Tuy nhiên điều này diễn ra không lâu trước khi Stalin nhận thức được sự cố chấp của mình dẫn tới cái gì. Các Phương diện quân Tây Nam và Nam của Timoshenko vừa phải nhận một đòn nặng nề gần Kharkov đã rút lui một cách thiếu tổ chức. Tập đoàn quân VI của Paulus đã đánh vào chỗ có khúc ngoặt lớn của sông Đông, đồng thời 3 Tập đoàn quân khác - Thiết giáp I, Thiết giáp IV và Tập đoàn quân XVII Đức - áp sát vùng hạ lưu sông Đông để tiến về Caucasus.

      Stalin bắt đầu hoảng. Ngày 19/7 ông lệnh cho Uỷ ban phòng thủ Stalingrad lập tức chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho thành phố. Thật không thể tưởng tượng được là quân Đức có thể tới sông Volga, tấn công vào thành phố mang tên mình, nơi ông đã được ủng hộ và đánh bóng tên tuổi nhờ lãnh đạo cuộc phòng thủ thành phố trong thời Nội chiến, khi đó thành phố có tên cũ là Tsaritsyn.

      Trong khi đó Hitler bắt đầu can thiệp vào việc lập kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Đức. Theo cách thông thường, nhiệm vụ của Tập đoàn quân VI của Paulus là tiến thẳng về Stalingrad, nhưng không chiếm nó. Kế hoạch này chỉ đơn thuần nhằm mục đích bảo vệ cánh trái dọc theo sông Volga của Chiến dịch Blue trong khi mũi nhọn chính nhằm về phía nam tới Caucasus. Nhưng kế hoạch này đã nhanh chóng bị thay đổi, Tập đoàn quân VI được một phần Tập đoàn quân IV Thiết giáp hỗ trợ phải chuyển hướng khỏi Caucasus để thực hiện mệnh lệnh đánh chiếm thành phố mang tên Stalin.

       Ngày 28/7, ngay sau khi quân Đức chiếm Rostov và ba tập đoàn quân Đức vượt sông Đông hướng về Caucasus, Stalin ra mệnh lệnh nổi tiếng số 227, thường được biết với tên Mệnh lệnh "Không lùi một bước". Bất cứ ai rút lui mà không có lệnh hoặc đầu hàng sẽ bị coi là "phản bội Tổ quốc". Con gái của Grossman sau này nghe được cuộc tranh cãi sau giữa các biên tập viên của tờ Krasnaya Zvezda. "Khi mệnh lệnh nổi tiếng được ban hành cho phép xử bắn ngay tại trận, Ortenberg nói với cha tôi, Pavlenko và Aleksei Tolstoy (1), ba người lúc đó đều tình cờ có mặt tại Ban biên tập: "Ai trong các anh có thể viết một câu chuyện về đề tài này?" Cha tôi trả lời ngay không suy nghĩ: "Tôi sẽ không viết bất cứ cái gì theo kiểu đó." Điều này làm Pavlenko điên tiết, ông ta vặn vẹo người, rít lên như một con rắn mà nói: "Anh là đồ ngạo mạn, Vasily Semyonovich ạh, đúng là đồ kiêu căng!" Nhưng Tolstoy, người đã chỉ đứng đó mà không tham gia vào cuộc cãi vã, đã nhanh chóng viết một câu chuyện về một tên phản bội chó má, hắn đã bỏ chạy khỏi Hồng quân, trốn vào một ngôi nhà và giết những đứa trẻ trong đó."

      Cuộc rút lui của các tập đoàn quân Soviet diễn ra trong hỗn loạn. Hàng nghìn mạng sống đã bị phung phí trong những cuộc phản công vô ích. Nhiều người bị vây bên bờ sông Đông, sáu mươi km về phía tây Stalingrad, đã chết đuối khi cố thoát ra. Grossman sau đó phỏng vấn nhiều người đã có mặt trong thảm hoạ.

      Đây là một ghi chép của Grossman thu được từ cuộc phỏng vấn Vassily Georgevich Kuliev, một phóng viên quân đội hai mươi tám tuổi, từng là Đoàn viên Komsomol phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong, anh này đã tự chỉ định mình làm chính trị viên của một nhóm.
           
      Chúng tôi rút lui khỏi chiến trường dưới hỏa lực cối và súng máy. Đến trang trại Markovsky, chúng tôi nằm dán mình dưới một con hào dưới hoả lực khủng khiếp và sau đó luồn qua vòng vây. Tôi tự chỉ định mình làm chính trị viên một nhóm mười tám người. Chúng tôi nằm trên một cánh đồng lúa mì. Bọn Đức xuất hiện, một tên tóc đỏ quát: "Rus, uk vekh!" (2) Chúng tôi nã mấy loạt tiểu liên làm bốn tên Đức ngã lộn từ trên ngựa xuống rồi đánh ra, sử dụng một khẩu tiểu liên và một khẩu súng máy. Có khoảng 25 tên Đức, 16 trong số 18 người chúng tôi đã thoát được.

     Đêm xuống, chúng tôi đi bộ qua cánh đồng lúa mì. Lúa đã chín rục và kêu sột soạt khiến bọn Đức nã súng máy về phía chúng tôi ... Sau đó tôi tập hợp 16 người lại và dùng la bàn định hướng tránh các con đường và làng mạc trên đường. Chúng tôi đã mất một đêm nằm trên bờ cao sông Đông (3). Chúng tôi buộc chăn lại với nhau làm một sợi thừng để kéo những người bị thương qua sông, nhưng nó không đủ dài. Tôi đề nghị cả bọn bơi qua sông. Chúng tôi bỏ tất cả giấy tờ vào trong mũ và đạn vào một cái túi. Tôi đã bị đuối sức khi bơi được nửa đường và phải bỏ cái túi còn cuốn sổ ghi chép để trong mũ thì vẫn giữ được."

      Quân Đức trước hết quét sạch các binh sĩ Soviet còn trên bờ tây sông Đông, sau đó tướng Paulus tái bố trí đội hình để chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo. Sáng sớm ngày 21/8, bộ binh Đức dùng xuồng xung phong vượt sông Đông và chiếm nhiều đầu cầu trên bờ đông. Công binh nhanh chóng vào việc và đến trưa hôm sau nhiều cầu phao cho phép xe tăng đi qua đã được bắc qua "Sông Đông êm đềm". Các đơn vị thiết giáp nhanh chóng vượt sông lấp đầy đầu cầu.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #42 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 10:00:32 am »

       Chủ nhật 23/8/1942, Sư 16 Thiết giáp Đức dẫn đầu cuộc tấn công xuyên qua thảo nguyên và tới được sông Volga sát phía bắc Stalingrad chiều tối cùng ngày. Trên đầu, các máy bay ném bom của Hạm đội Không quân IV do tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy nghiêng cánh chào các lực lượng dưới mặt đất. Phía sau những chiếc máy bay là Stalingrad đổ nát dưới những trận bom rải thảm chia làm nhiều đợt. Trong ngày hôm đó và ba ngày tiếp theo, khoảng 40.000 thường dân được cho biết là đã chết trong thành phố bị đốt cháy.

      Hôm đó cũng là ngày Grossman theo lệnh của Ortenberg rời thủ đô Soviet tới Stalingrad để thông tin về trận chiến đang đến gần.

      Tôi rời Moscow bằng ô tô ngày 23/8. Thợ máy trưởng của garage Ban biên tập đã bỏ nhiều thời gian chuẩn bị cho cỗ xe của chúng tôi vượt quãng đường cả nghìn km từ Moscow tới Stalingrad. Tuy nhiên, khi vừa rời khỏi Moscow được ba km chúng tôi đã phải dừng lại. Cả bốn bánh xe đều xì hơi cùng lúc. Trong khi lái xe Burakov tỏ ra rất ngạc nhiên vì sự cố này và bắt đầu vá lốp một cách chậm rãi, cánh phóng viên chúng tôi tiến hành phỏng vấn người dân địa phương thuộc khu vực Moscow. Thật ra là một cô gái đang đứng bên đường. Cô ta có khuôn mặt rám nắng, mũi khoằm và đôi mắt xanh tinh nghịch.

                  "Em có thích các đại tá không?"

                  "Sao tôi phải thích các vị đó?"

                  "Thế các trung uý với những khối vuông trên cầu vai thì sao?"

                  "Các trung uý không phải loại ưa thích của tôi. Tôi chỉ thích các chú lính trơn."

      Mặc dù chuyến nam du rất gấp gáp, Grossman vẫn không quên ghé thăm điền trang của Leo Tolstoy, nơi lần trước ông đã tới ngay trước khi nó bị tướng Guderian chiếm hồi tháng mười năm ngoái.

     Yasnaya Polyana. Tám mươi ba tên Đức đã được chôn ngay cạnh Tolstoy. Chúng đã được chôn xuống rồi lại bị quật lên vì một hố bom Đức. Hoa trước nhà nở thật đẹp, giờ đang là mùa hè ấm áp. Cuộc sống trông thật ngọt ngào và bình yên.

     Mộ Tolstoy. Lại hoa, ong vo ve trên những cánh hoa, những chú côn trùng có cánh này lượn khắp xung quanh mộ. Và ở Yasnaya Polyana, khu vườn lớn đã chết vì giá rét, tất cả cây cối đều chết, những cây táo đứng đó xám xịt, vô tri giác, giống như những cây thập giá trên nấm mộ.

     Con đường cái màu xanh xám. Những ngôi làng giờ trở thành những vương quốc của đàn bà. Họ lái máy kéo, gác kho và chuồng ngựa, xếp hàng mua vodka. Những cô gái ngà ngà say hát ông ổng - họ đang ngắm một người bạn gái sắp rời làng đi lính. Những người phụ nữ mang trên vai toàn bộ gánh nặng công việc. Họ đang nắm giữ một khối lượng công việc khổng lồ và gửi bánh mì, máy bay, vũ khí, đạn dược ra chiến trường. Họ đang nuôi sống và trang bị cho chúng tôi. Và chúng tôi, cánh đàn ông, thực hiện phần tiếp theo của công việc. Chúng tôi chiến đấu! Nhưng chúng tôi chiến đấu không được tốt lắm. Chúng tôi đã rút về Volga. Những người phụ nữ nhìn thấy nhưng không nói gì, không một ánh mắt trách móc, không một lời sỉ vả. Họ có đang nuôi mối bất bình không? Hay họ hiểu rõ gánh nặng chiến tranh, thậm chí là một cuộc chiến thất bại?

       Cô chủ nhà nơi chúng tôi nghỉ qua đêm là người tinh nghịch. Cô ta thích những câu đùa ngu ngốc: "Ah, giờ đang là chiến tranh," Cô nói. "Chiến tranh làm mọi thứ bị tịt." Cô nhìn Burakov hau háu, mắt láo liên. Burakov là một anh chàng đẹp trai. Burakov ra vẻ nghiêm trang, anh đang bối rối. Rồi cô bật cười và bắt đầu "nói chuyện như những người trong gia đình". Cô không quan tâm đến việc đổi chút bơ lấy một cái áo hay mua nửa lít vodka của lính tráng.

     Cô chủ nhà nơi chúng tôi nghỉ đêm tiếp theo là người sạch sẽ. Cô dị ứng với bất kỳ lời tục tĩu nào. Đêm xuống, trong bóng tối cô kể cho chúng tôi nghe một cách thành thật về gia đình và công việc. Cô lôi đám gà qué lên cho chúng tôi xem, cười nói về chuyện chồng con và chiến tranh. Và mọi người đều khâm phục sự trong sáng của cô tự đáy lòng.

     Cuộc sống của những người phụ nữ này sẽ ra sao? Ở hậu phương và tiền tuyến là hai thái cực, một bên sạch sẽ và trong sáng, bên kia thì tăm tối, thế giới của lính. "Ah, giờ đang là chiến tranh," người ta nói thế. Nhưng PPZh là tội lỗi lớn nhất đối với chúng tôi.

      PPZh là tiếng lóng chỉ "vợ hờ ngoài mặt trận" do nếu nói đầy đủ nó là "pokhodno polevaya zhena", hơi giống với PPSh, loại tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân. Vợ hờ có thể là những y tá trẻ hoặc nữ binh sĩ tại các sở chỉ huy - thường là điện đài viên hoặc văn thư - các cô gái này thường đội một chiếc mũ beret lật ra sau gáy thay vì mũ pilotka đội từ trước ra sau. Hầu như tất cả họ đều buộc phải trở thành vợ hờ của các sĩ quan cao cấp. Grossman cũng ghi nguệch ngoạc vài dòng chua chát về chủ đề này, có lẽ để dùng cho những câu chuyện sau này.

      Phụ nữ - PPZh. Ghi chép về Nachakho, phụ trách hành chính của đơn vị hậu cần. Cô đã khóc cả tuần rồi đến với ông ta.

                    "Ai kia?" 

                     "PPZh của tướng quân."

                      "Và chính uỷ cũng có một cô."

      Trước trận đánh, lúc đó là ba giờ sáng.

                       "Tướng quân đâu?" Ai đó hỏi.

                       "Đang ngủ với ả cave của ông ta," lính gác thì thào.

                      Những cô gái đó đã từng muốn trở thành một "Tanya", hay Zoya Kosmodemyanskaya (4).

                     "Thế cô kia thì là PPZh của ai?"

                     "Của một đại biểu Hội đồng Quân sự"

       Bên cạnh những cô gái đó còn hàng chục nghìn phụ nữ mặc quân phục đang làm việc hết mình mà vẫn giữ được phẩm giá.

      Chuyện về một viên tướng đã thoát khỏi vòng vây, dắt theo một con dê với một sợi thừng. Vài sĩ quan nhận ra ông. "Ông đang đi đâu vậy, đồng chí Tướng quân?" Họ hỏi. "Thế các anh định đi đường nào?"

     Tướng Efimov cười với vẻ nhạo báng. "Con dê này sẽ cho tôi biết phải đi đường nào."

      Krasivaya Mecha - thật là một nơi đẹp không thể tả. Tiếng than khóc vang lên suốt đêm từ chỗ một con bò cái, trong ánh sáng xanh của vầng trăng vàng. Con bò đã ngã xuống một con hào chống tăng. Đám phụ nữ khóc lóc: "Thế là mất bốn đứa trẻ rồi." (5) Trong ánh trăng xanh, một người đàn ông đang cầm dao chọc tiết bò. Sáng ra, một cái vạc lớn được đun sôi sùng sục, ai nấy đều có khuôn mặt phè phỡn, mắt đỏ ngầu và mí mắt căng mọng.

     Những người phụ nữ gày gò đầu trùm khăn đang lao động trên đường, chất đất lên những chiếc xe cút kít gỗ, san lấp những chỗ không bằng phẳng bằng cuốc chim và xẻng.

                   "Các bà các cô từ đâu đến thế?" Chúng tôi hỏi.

                   "Chúng tôi đến từ Gomel."

                   "Chúng tôi đã có mặt trong trận đánh gần Gomel."

       Chúng tôi nhìn nhau mà chẳng nói gì thêm, rồi lại phóng xe đi. Đây có lẽ là một điềm báo, cuộc gặp gỡ này diễn ra gần làng Mokraya Olkhovka, chỉ cách sông Volga có bốn mươi km. (6)
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #43 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 10:05:15 am »

      Phụ nữ trong làng. Giờ đây toàn bộ gánh nặng công việc chất hết lên lưng họ. Nyushka vẫn có vẻ cứng rắn, tinh nghịch và lả lơi. "Ah, giờ đang là chiến tranh," cô nói. "Tôi đã phục vụ mười tám thằng đàn ông kể từ ngày chồng tôi ra đi. Chúng tôi có một con bò cái và ba phụ nữ nhưng chỉ mình tôi vắt được sữa của nó. Nó chẳng chịu cho hai mụ kia làm gì với nó cả." Cô cười. "Bây giờ gạ gẫm một phụ nữ còn dễ hơn một con bò." Cô ngoác miệng cười, đề nghị tặng chúng tôi tình yêu của cô theo cách thật là chân phương và dễ nghe.

      Đất Mẹ chúng ta mới mênh mông làm sao. Chúng tôi đã phóng xe suốt bốn ngày. Múi giờ đã thay đổi, giờ chúng tôi đã ở múi giờ sớm hơn một giờ. Thảo nguyên đã khác, những con chim cũng khác: diều hâu, cú, ưng. Đã thấy cả dưa hấu và dưa. Nhưng nỗi đau mà chúng tôi thấy ở đây cũng vẫn thế.

     Làng Lebyazhye. Những ngôi nhà cao được sơn các phòng bằng sơn dầu. Chúng tôi tỉnh dậy, không gian yên ắng, buổi sáng trời u ám, rồi có mưa. Khoảng cách từ đây tới sông Volga là mười lăm km. Sự bình thản và yên tĩnh giả tạo của ngôi làng thật đáng sợ.

     Sông Volga. Vượt sông trong tiết trời trong sáng. Con sông khổng lồ chảy chậm rãi, hùng vĩ. Nói ngắn gọn, đó là Volga. Có một chiếc xe trên phà chất đầy bom cho máy bay. Máy bay địch đang oanh tạc. Tiếng tạch tạch của những loạt súng máy. Và sông Volga vẫn chảy chậm rãi, vô tư lự. Những đứa trẻ vẫn đang thả câu dưới chiếc phà đang bị đạn xuyên lỗ chỗ.

     Có nhiều sân bay trong khu vực này, chúng trở nên quan trọng khi trận Stalingrad diễn ra. Một trong số chúng vốn là một cánh đồng trồng dưa nằm bên một cái chợ vẫn tiếp tục được mở, mặc cho máy bay Đức bắn phá. Liên Xô đã nhận được một số lượng lớn trang thiết bị chiến tranh từ Mỹ theo thoả ước Lend - Lease, bao gồm những chiếc xe Jeep Willy và máy bay Douglas DC-3 "Dakota", người Nga gọi loại máy bay này là "Duglas".

     Đến nơi. Tiếng động cơ gầm rú hỗn loạn, nào Cobra, nào Yak, nào Hurricane, một chiếc Duglas to lớn xuất hiện, bay một cách nhẹ nhàng và êm ái. Đám chiến đấu cơ đang quần đảo điên cuồng đằng sau chiếc Duglas. Chiếc Duglas đang tìm chỗ hạ cánh, mọi người nhảy nhót khắp nơi. Chiếc Duglas hạ cánh, theo sau và xung quanh là đám chiến đấu cơ. Cảnh tượng thật là huy hoàng, như xem một cuốn phim (với hậu cảnh là thảo nguyên và sông Volga).

     Lính tráng xem cảnh tượng này và bàn luận về nó. một người nói: "Trông chứ như đàn ong. Sao chúng nó (đám chiến đấu cơ) cứ bu vào thế nhỉ?"

     "Chắc để bảo vệ ruộng dưa."

     Người thứ ba nhìn chiếc Duglas vừa mới xuất hiện nói: "Chắc hạ sĩ của đại đội ta sắp bắt kịp chúng ta."

     Hành khách trên chiếc Duglas dĩ nhiên quan trọng hơn nhiều, thậm chí có thể chính là tướng Georgi Zhukov, người đã bay tới đây ngày 28/8 theo lệnh của Stalin để giám sát công cuộc phòng thủ thành phố (7). "Có vấn đề gì với họ?" Stalin quát vào telephone với tướng Aleksandr Vasilevsky, đại diện đầu tiên của Stavka tới Stalingrad (Cool. Ông đang rất giận dữ với các chỉ huy quân đội địa phương. "Chẳng lẽ họ không nhận thức được rằng đây không chỉ là thảm hoạ đối với Stalingrad? Chúng ta có thể mất con đường thuỷ quan trọng và ngay sau đó là dầu mỏ!"

     Grossman nghỉ đêm cuối cùng ở Zavolzhye.

     Nghỉ đêm trong nhà của bí thư RAIKOM (Tỉnh uỷ). Ông kể chuyện nông trang tập thể, chuyện những người đứng đầu nông trang đã mang lúa mạch vào sâu trong thảo nguyên và sống ở đó như những ông hoàng, xơi thịt bê, uống sữa, mua bán các kiểu. (Giá một con bò cái giờ lên tới 40.000 rúp.)

     Cánh phụ nữ đang nói chuyện trong bếp căng tin RAIKOM: "Ôi tay Hitler này, hắn đúng là quỷ Satan! Thế mà chúng ta đã từng gọi mấy anh cộng sản là Satan." (9) Đất đai vùng Volga (phía bờ đông) này thật bụi bậm, thảo nguyên có mầu nâu. Trong mùa thu khốn khổ này cỏ, lau lách và ngải đắng mọc tùm lum. Cỏ bò cả lên mặt đường như những con rắn. Thấy có cả chim hồng tước và lạc đà. Tiếng lạc đà kêu ầm ĩ. Mặt trời mọc xuyên qua lớp khói mù mịt màu xanh xám. Một nửa bầu trời bị khói che phủ, khói từ Stalingrad.

     Trận oanh tạc Stalingrad ngày 23/8 đã làm cháy kho xăng dầu trong nhiều ngày, tạo ra những cột khói đen có thể nhìn thấy từ rất xa.

     "Máy bay Đức trên đầu ta!" Ai đó kêu lên. Mọi người vẫn ngồi yên vị.

     "Nó đang quay lại!" Mọi người lao khỏi izba nhìn quanh nhớn nhác.

      Ông cụ chủ izba nói: "Tôi có bốn con trai đang tham chiến và bốn con rể, bốn cháu trai nữa. Một thằng con tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của nó, người ta đã chuyển giấy báo tử của nó cho tôi."

      Nhân dân ta mới tốt làm sao. Tôi không hiểu sao mỗi người đều đủ sức chịu đựng gánh nặng khủng khiếp này. Những ngôi làng trống rỗng một cách thảm thương. Các cô gái phóng đi trên những chuyến ô tô, họ vừa đi vừa khóc, mẹ của họ cũng đang khóc, vì các cô con gái của họ đang tòng quân.

      Một bà già đi tuần đêm để gác kho thóc của nông trang tập thể. Bà vũ trang bằng một cái quai nồi, khi ai đó đến gần, bà quát: "Đứng lại! Ai đó? Tôi sẽ bắn đấy!"

      Một lần nữa, nhìn qua thảo nguyên Volga trải dài đến Kazakhstan, Grossman lại liên tưởng đến sự mênh mông của đất nước ông. Chưa bao giờ kích thước khổng lồ của Liên Xô lại được xem là công cụ phòng ngự quan trọng như lúc này.

      Cuộc chiến đã lan tới biên giới Kazakhstan, hạ nguồn sông Volga, tạo nên một cảm giác đáng sợ về một mũi dao đang đâm sâu vào cơ thể đất nước. Tướng Gordov từng chiến đấu ở tây Belorussia nay lại đang chỉ huy quân đội tại Volga (10). Cuộc chiến đã lan tới Volga.

      Grossman cuối cùng đã tới được điểm đến của cuộc hành trình khi Tập đoàn quân VI và một phần Tập đoàn quân IV Thiết giáp Đức đã áp sát vùng ngoại ô phía bắc, tây và nam thành phố.

      Stalingrad đã bị đốt trụi. Lẽ ra tôi đã phải viết rất nhiều nếu muốn mô tả điều đó. Stalingrad đã bị thiêu trụi. Stalingrad giữa một đống tro tàn. Thành phố chết. Người dân phải sống trong hầm. Mọi thứ đang bốc cháy. Những bức tường nhà nóng bỏng như thân thể những người bị chết vì sốt cao chưa kịp lạnh đi.

      Những toà nhà lớn, đài tưởng niệm, công viên, biển báo ngã tư, hàng đống dây rợ, một chú mèo ngủ trên bậu cửa sổ, hoa và cỏ mọc trong bồn, một lán gỗ vốn dùng để bán nước có ga, kỳ diệu thay những thứ đó vẫn nguyên vẹn giữa hàng nghìn toà nhà lớn đã cháy và đổ nát. Thành phố trông giống như Pompeii, chìm trong thảm hoạ vào một ngày khi mà mọi thứ vẫn đang phát triển hưng thịnh. Tàu điện và ô tô không có kính.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #44 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 10:10:10 am »

       Một toà nhà đã cháy trụi chỉ còn tấm biển đồng tưởng niệm: "I. V. Stalin đã nói chuyện tại đây năm 1919." (11)

      Toà nhà bệnh viện nhi có bức tượng chim bằng thạch cao trên mái. Một cánh chim đã bị gãy lìa, cánh còn lại vẫn vươn cao. Toà nhà Cung Văn hoá cháy thâm đen lại, hai bức tượng khoả thân trắng muốt vẫn đứng trước mặt tiền đen sì.

      Những đứa trẻ đi lang thang, nhiều đứa vừa đi vừa cười. Nhiều người dân đang trong tình trạng mất trí.

      Hoàng hôn trên quảng trường. Một vẻ đẹp ghê sợ và quái đản: Ánh sáng hồng của bầu trời xuyên qua hàng trăm nghìn cửa sổ và mái nhà trống hoác. Một tấm poster khổng lồ có màu sắc rất thiếu thẩm mỹ ghi dòng chữ: "Con đường sáng."

     Một cảm giác bình thản. Thành phố đã chết sau khi trải qua biết bao đau đớn và giờ đây nhìn giống khuôn mặt của một người chết sau cơn bệnh khủng khiếp nhất để rồi tìm thấy cõi bằng an vĩnh cửu. Lại bom, bom rơi xuống một thành phố chết.

       Mặc dù phần lớn đàn ông đã bị điều động ra ngoài thành phố để phục vụ chiến tranh, số lượng thường dân tại Stalingrad vẫn phình ra vì dòng người tị nạn đến từ châu thổ sông Đông. Grossman thử phỏng vấn vài người trong số họ, trong đó có một bà cụ và một phụ nữ trẻ hơn tên là Rubtseva đến từ một nông trang tập thể.

       "Chồng bà đâu?"

       "Không, đừng hỏi," Seryozha, con trai bà thở dài.

       "Chú sẽ làm mẹ cháu đau khổ đấy."

       "Anh ấy đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trong chiến đấu," bà mẹ trả lời. "Anh ấy hy sinh hồi tháng hai

      " Bà đã nhận được giấy báo tử. Câu chuyện của bà về những lính Hồng quân hèn nhát: "Một chiếc máy bay Đức lao tới như một mũi tên. Đúng lúc có thể bắn nó thì tất cả những "người hùng" quân ta lại nằm rạp xuống cỏ. Tôi chửi họ: "Ah, chúng mày là bọn khốn!"

        "Một lần, vài người lính áp giải một tù binh Đức đi qua làng. Tôi hỏi hắn: "Mày tham chiến từ bao giờ?"

        "Từ tháng một," hắn trả lời.

        "Rồi có phải mày đã giết chồng tao không?" Tôi giơ tay, nhưng người vệ binh không để tôi đánh hắn.


       "Thôi nào," tôi bảo, "để tôi cho nó một trận."

       Và anh cảnh vệ trả lời: "Không có luật nào cho phép điều đó."

      "Cứ để tôi đánh hắn chẳng cần luật lệ gì sất, rồi tôi sẽ đi ngay."

       Anh ta không chịu.

      "Đương nhiên ai đó vẫn có thể sống được dưới ách phát xít, nhưng đó không phải kiểu sống của tôi. Chồng tôi đã bị giết. Giờ tất cả những gì tôi còn là thằng Seryozha này. Nó sẽ trở thành một người vĩ đại dưới chế độ Soviet. Dưới tay bọn Đức nó có thể chết như một con vật.

       "Những người bị thương đã lấy của chúng tôi nhiều thứ, chúng tôi cũng không thể giữ chúng thêm. Họ đào sạch khoai tây, vặt hết cà chua và bí ngô, họ quét sạch cả nhà tôi - khăn choàng, khăn tắm, chăn. Họ còn thịt cả con dê nữa, nhưng ai mà chẳng phải thông cảm với họ khi thấy tình cảnh tương tự. Nếu một người bị thương đến với bạn và khóc, bạn sẽ cho họ bữa tối và khóc cùng họ."

       Bà già nói: "Bọn ngu độn đó đã để quân địch tiến tới được trái tim của đất nước, sông Volga. Họ đã cho chúng một nửa nước Nga. Thật đấy, đương nhiên là bọn Đức đã thu được vô số máy móc."

       Khi đến thăm Traktorny, nhà máy sản xuất máy kéo lớn ở phía bắc Stalingrad, Grossman đã được nghe về cuộc tấn công của Sư 16 Thiết giáp Đức hôm 23/8 qua lời của một viên trung tá có cái tên kỳ cục là German (tức là Đức), chỉ huy một trung đoàn phòng không.

       Đêm 23/8, tám mươi xe tăng Đức tiến vào Traktorny thành hai hàng dọc cùng với nhiều chiến xa và bộ binh. Trong trung đoàn của German có nhiều cô gái trẻ, trực tổng đài, trắc thủ, quân báo... Một cuộc oanh tạc dữ dội diễn ra cùng lúc với đà tiến của xe tăng. Một số pháo đội nhằm bắn vào xe tăng, số khác bắn máy bay. Khi những chiếc tăng tiến thẳng tới vị trí pháo đội của đại uý Skakun, anh đã nổ súng vào chúng. Pháo đội của anh sau đó bị máy bay địch tấn công, anh lệnh cho hai khẩu pháo phòng không tiếp tục bắn tăng, hai khẩu còn lại bắn máy bay.

      Sau đó không còn liên lạc gì với pháo đội này nữa. "Thế đấy, chắc là họ đã bị hạ," trung đoàn trưởng nghĩ bụng. Sau đó ông nghe một tiếng súng gầm lên, rồi lại im lặng. "Thôi xong, giờ thì họ đã phải dừng lại!" ông lại nghĩ vậy. Súng lại nổ lần nữa. Chỉ trong đêm 24/8 đó cả khẩu pháo đội đã chỉ còn lại bốn người lính trở về. Họ kéo Skakun theo bằng một tấm vải, anh ta bị thương rất nặng. Những cô gái đều đã hy sinh bên súng.

     Pháo đội của Golfman thì chiến đấu suốt hai ngày bằng vũ khí cướp được của địch: "Các anh là cái giống gì thế, bộ binh hay pháo binh?"

    "Chúng tôi là cả hai."

    Cả hai phe đều đều sử dụng vũ khí và xe cộ chiến lợi phẩm, điều đó gây nên nhiều sự lộn xộn.

    Một lữ đoàn tăng hạng nhẹ do trung tá Gorelik chỉ huy đã đánh vào khu vực nhà máy sản xuất máy kéo, bất thần một số xe tăng ta nổ tung. "Bọn Đức!"

    "Bọn Đức nào?" Chiếc xe tăng dẫn đầu hàng quân Đức là một chiếc KV.(12)

     Một đơn vị nhỏ phòng không được lệnh rút lui nhưng vì không thể di chuyển pháo nên nhiều người đã ở lại. Chỉ huy của họ, trung uý Trukhanov, đã đứng thay vị trí pháo thủ và bắn trực xạ vào quân địch.

    Anh đã hạ được một chiếc tăng và sau đó tự sát.

    Với lữ đoàn của Gorelik. Mọi người không hình dung được tầm quan trọng của các sự kiện xảy ra trong ngày 23/8. Lữ đoàn đã bị thiệt hại vì không được cảnh báo trước. Không huân chương nào được trao sau trận đánh. Xe công vụ của chỉ huy lữ đoàn bị lấy đi vì ông ta cũng đã bị một cơn sốt thương hàn đánh quỵ.

     Sarkisyan. Anh chàng này không tới Stalingrad hôm chủ nhật vì qua một phụ nữ quen được trong làng anh ta phát hiện bia sẽ được chuyển tới đó. Anh đã tự làm mình mắc kẹt trong guồng máy quân sự Đức như một mẩu thép lọt vào cỗ máy. Có lẽ anh đã làm Hitler phải mất ngủ vài ngày: quân đội của hắn đã không giữ được nhịp độ tiến công! Mà tốc độ thì gần như là điều quan trọng nhất.

    Chắc Grossman đang kể lại trận đánh trong hai ngày 23 và 24/8 do đại uý Sarkisyan và các khẩu đội pháo phòng không của anh tiến hành, phần lớn pháo thủ là các cô gái trẻ vốn là học sinh sinh viên Stalingrad.

     Bằng sự can đảm kỳ lạ, họ đã chống trả Sư 16 Thiết giáp Đức cho đến khi toàn bộ ba mươi bảy vị trí đều bị xe tăng Đức tiêu diệt. Sarkisyan cũng như đại tá German đã kể lại trận đánh cho Grossman, nhấn mạnh việc "các cô gái không chịu trốn xuống hầm," và chiến đấu trực diện với những cỗ thiết giáp Đức. Tuy nhiên vấn đề thực sự mà tướng Von Wietersheim của Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức phải đối mặt lại là chuyện thiếu hụt nhiên liệu.

    Sử dụng phối hợp những quan sát của bản thân với lời kể của những người được phỏng vấn, Grossman sau này đã mô tả một cách giàu hình ảnh về cuộc rút lui cuối tháng tám từ sông Đông về sông Volga khi các sở chỉ huy của các đơn vị rút lui thuộc tập đoàn quân 62 và 64 đã tập hợp được về Stalingrad.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2015, 02:02:46 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #45 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 10:14:25 am »

      Đó là những ngày khó khăn ác liệt ... các tập đoàn quân đang rút lui, khuôn mặt ai nấy đều u ám. Bụi phủ lên trang phục và vũ khí, bụi chui vào nòng súng, phủ đầy trên những tấm bạt bọc thùng chứa đầy tài liệu của các sở chỉ huy, trên cổ áo đen bóng của những nhân viên đánh máy, trên hòm xiểng và những khẩu súng trường xếp lộn xộn trên những cỗ xe ngựa kéo. Bụi khô xám chui cả vào lỗ mũi và cổ họng mọi người, làm cho môi khô nẻ.

     Đó là thứ bụi đáng sợ, bụi của cuộc rút lui. Nó ăn sạch niềm tin của con người, làm tiêu tan hơi ấm trong những trái tim, tạo thành một đám mây tối tăm trước mắt những người lính pháo thủ. Có những lúc nó làm người ta quên đi bổn phận, sức mạnh và cả vũ khí, và một cảm giác u tối đang xâm chiếm họ. Những cỗ xe tăng Đức đang gầm rú chạy trên đường. Những chiếc máy bay ném bom bổ nhào Đức vẫn đang lao xuống những cây cầu vượt sông Đông suốt ngày đêm. Bọn "Messer" này rít lên như những cỗ xe hàng. Khói, lửa, bụi và cái nóng khủng khiếp. Trong những ngày đó, gương mặt của những người lính đang hành quân nhợt nhạt như khuôn mặt những thương binh đang nằm trên những chiếc xe tải 1,5 tấn rung bần bật. Trong những ngày đó, người ta mang vũ khí mà đi với vẻ mặt như than như trách, trông chẳng khác gì những con bù nhìn rơm, mình quấn băng rướm máu, mong chờ những chuyến xe cứu thương mang đi. Quân đội vĩ đại của một đất nước vĩ đại đang rút lui.

      Những đơn vị đầu tiên của các tập đoàn quân đó đã rút về tới Stalingrad. Những chiếc xe tải chở theo những người bị thương gương mặt xám xịt, những chiếc xe đi đầu thành xe nát bươm, lỗ chỗ vết đạn và mảnh đạn, những chiếc Emka công vụ thủng toác kính chắn gió, xe nào cũng mắc đầy những mẩu cỏ khô và lau sậy, phủ đầy bụi bậm và bùn đất, vượt qua những phố xá tao nhã của thành phố, vượt qua những khung của sổ sáng lấp lánh của các cửa hàng, vượt qua những kiosk sơn sáng màu bán nước có ga và sirô, vượt qua những hiệu sách và cửa hàng đồ chơi. Và hơi thở của chiến tranh đã đến với thành phố, xuyên thấu tim gan nó. Cũng phải nói thành thật. Trong những ngày đầy lo lắng đó, khi tiếng nổ của các trận đánh có thể nghe được từ ngoại ô Stalingrad, khi đêm đến người ta có thể nhìn thấy rocket bay ngang qua bầu trời, ánh sáng xanh lợt của đèn phòng không cắt ngang dọc, khi những chiếc xe tải đầu tiên, biến dạng vì mảnh đạn, chở theo những người bị thương và đồ đạc của các sở chỉ huy xuất hiện trên các con phố, khi các trang đầu báo chí loan tin về mối nguy hiểm sống còn đối với đất nước, nỗi sợ hãi tìm được con đường len vào những trái tim, và nhiều con mắt dõi qua sông Volga. Có vẻ như những người này không phải là kẻ phải bảo vệ sông Volga mà là sông Volga sẽ phải bảo vệ họ. Mọi người bàn tán rất nhiều về việc sơ tán thành phố, về tình hình giao thông, về các chuyến tàu tới Saratov và Astrakhan; bề ngoài có vẻ như họ lo lắng cho số phận thành phố, trong khi thực tế họ làm cho việc phòng thủ thành phố thêm khó khăn vì những biểu hiện dù câm lặng của họ, nỗi sợ hãi và lo lắng của họ cho thấy rằng họ nghĩ Stalingrad sẽ phải đầu hàng.

                 
            ………………………………………….
         
    (1) Alesei Nikolaevich Tolstoy (1882 - 1945), nhà văn và nhà viết kịch, có họ với Leo Tolstoy nhưng xa lạ với việc ỷ lại vào danh tiếng gia đình. Ông đi theo cách mạng từ trước WW1, đến năm 1923 mới trở về Liên Xô sau khi được giới chức Soviet tâng bốc và đảm bảo về mặt chính trị. Tác phẩm lớn nhất của ông là Sử thi Peter I (Piốt Đại đế), ông cũng viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Sự nghiệp và tính mạng của ông vẫn được đảm bảo trong thời kỳ Đại Khủng bố năm 1938 nhờ cuốn tiểu thuyết hèn hạ "Khleb" ca ngợi Stalin trong cuộc phòng thủ Tsaritsyn thời Nội chiến, thành phố sau này đổi tên thành Stalingrad. Trong thời gian chiến tranh ông viết cuốn "Ivan Grozny" với hai phần cùng nhiều "bài viết yêu nước" như bài viết kể trên.

     (2) Tiếng Nga bồi nói theo giọng Đức, có nghĩa là: "Bọn Nga, giơ tay lên!"

     (3) Có một hiện tượng địa vật lý không thể giải thích được xảy ra với các con sông lớn ở Nga chảy về hướng nam, đặc biệt là sông Volga và sông Đông, theo đó chúng có bờ tây rất cao và bờ đông bằng phẳng.

    (4) Zoya Kosmodemyanskaya, một nữ sinh 16 tuổi người Moscow, đã chiến đấu trong một nhóm du kích sau lưng địch tại tỉnh Tambov, lấy bí danh là "Tanya". Cô bị bọn Đức bắt, tra tấn và hành hình tại làng Petrishchevo ngày 29/11/1941. Trước khi bị chúng treo cổ trên đường làng, cô đã nói trong nước mắt: "Chúng mày sẽ không bao giờ treo cổ hết được chúng tao. Các đồng đội sẽ trả thù cho tao." Cô được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Nhiều năm sau, câu chuyện về sự anh hùng của cô bị vấy bẩn vì lời kể của những người dân địa phương trách cô đã đốt nhiều ngôi nhà theo một mệnh lệnh tàn nhẫn của Stalin. Mệnh lệnh này nhằm phá huỷ mọi chỗ trú ẩn để khiến bọn Đức chết rét, mặc dù những người dân thường phải chịu chung số phận còn nhiều hơn.

    (5) Thực ra họ đang than vãn cho bốn đứa trẻ sẽ bị thiếu sữa.

    (6) Đây là khu vực phía tây thành phố Kamyshin trên sông Volga, cách Stalingrad 200km về phía bắc theo đường quốc lộ.

    (7) Tướng (sau này là Nguyên soái) Georgi Konstantinovich Zhukov (1896 - 1974), trung sĩ kỵ binh trong WW1, bị thương ở Tsaritsyn (sau này là Stalingrad) năm 1919. Năm 1939, ông là người thắng trận Khalkin - Gol chống Nhật Bản trong cuộc chiến ở Viễn Đông. Năm 1941, Zhukov chịu trách nhiệm phòng thủ Leningrad và sau đó vạch kế hoạch cho trận Moscow.

    (Cool Tướng (sau này là Nguyên soái) Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky (1895 - 1977), con trai một thầy tu, từng là sĩ quan quân đội Sa Hoàng trong WW1. Một sĩ quan tham mưu sáng chói trong việc lập kế hoạch, ông thoát khỏi cuộc thanh trừng mặc dù có xuất thân tư sản. Ông là người tham mưu cho Molotov trong cuộc viếng thăm Berlin năm 1940, một cố gắng bảo vệ Hiệp ước Xô - Đức nhưng thất bại. Khi quân Đức tiến về Moscow, Vasilevsky tiếp bước Zhukov trở thành một trong những cố vấn chính của Stalin và được chỉ định làm đại diện Stavka tại những điểm nóng như Stalingrad vào cuối tháng 8/1942.

     (9) Thật là một ghi chép khinh suất, nếu bị một kẻ chỉ điểm báo cáo có thể dẫn tới nhiều năm cải tạo trong trại Gulag, giống như các báo cáo quá rõ ràng từ Uỷ ban Phòng thủ Stalingrad vậy.

    (10) Tướng Vasily Nikolayevich Gordov (1896 - 1950), chỉ huy Tập đoàn quân 64 trong cuộc rút lui vượt sông Đông, trở thành tổng tư lệnh Phương diện quân Stalingrad trong thời gian rất ngắn rồi được tướng Yeremenko thay thế. Bị bắt năm 1947 trong cuộc Tiểu Thanh trừng và bị hành quyết vì tội phản quốc năm 1950.

      (11) Thành phố Tsaritsyn đã được đổi tên thành Stalingrad để vinh danh cuộc phòng thủ được tô vẽ quá mức do Stalin đứng đầu chống lại các cuộc đột kích cướp phá của lực lượng Bạch Vệ trong thời kỳ Nội chiến Nga.

     (12) Loại xe tăng Soviet tiêu chuẩn vào năm 1942 là T34, tăng hạng trung, nhưng vẫn còn một số tăng KV hạng nặng tham chiến. KV là viết tắt của Kliment Voroshilov, bạn chí cốt của Stalin đã từng làm Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh Xô - Phần.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #46 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 02:12:07 pm »

                                                                                         MƯỜI BỐN


                                                                     NHỮNG TRẬN ĐÁNH THÁNG CHÍN


      Thành phố Stalingrad có chiều dài khoảng bốn mươi km chạy dọc theo bờ tây con sông Volga vĩ đại. Sau cuộc đột kích bất ngờ của Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức vào điểm cực bắc thành phố ngày 23/8, đà tiến của Tập đoàn quân vi Đức vào thành phố chậm lại. Stavka dưới sức ép khủng khiếp của Stalin lúc này đang nóng giận cực độ, đã ra lệnh tấn công xuyên thảo nguyên về phía bắc để đánh vào sườn trái Quân đoàn 14 Thiết giáp. Cuộc tấn công vội vàng và thiếu chuẩn bị này đã dẫn tới những thiệt hại to lớn về người và trang thiết bị nhưng đã làm Paulus phải dè chừng và chuyển sự chú ý của Luftwaffe (Không quân Đức) ra khỏi thành phố, đồng thời cho Stavka có thêm thời gian để chuyển gấp các lực lượng dự bị ra mặt trận.

     Trên hướng tây nam, một phần Tập đoàn quân IV Thiết giáp của tướng Hoth vẫn không ngừng tiến về phía Stalingrad, mặc Yeremenko đã tập trung được những mảnh vụn của lực lượng do ông chỉ huy về vị trí này. "Đại biểu Uỷ ban Quân sự" của Yeremenko, tức người đứng đầu các Chính trị viên là Nikita Khrushchev, người từng phụ trách việc sơ tán ngành công nghiệp Soviet khỏi Ukraina (1). Grossman sau đó đã vượt sông Volga để gặp Yeremenko và Khrushchev tại sở chỉ huy mới của Phương diện quân Stalingrad.

      Những bộ phận còn lại của Tập đoàn quân 62 và Tập đoàn quân 64 cuối cùng đã rút hết qua thảo nguyên sông Đông về đến thành phố trong tình trạng kiệt quệ và mất tinh thần. Ngày 12/9, Tập đoàn quân 62 thu hẹp vành đai phòng thủ còn 3km chiều sâu ở điểm cực nam thành phố và 15km ở ngoại ô phía bắc. Đến cuối tháng, vành đai phòng thủ thu lại chỉ còn một dải đất ở phần phía bắc thành phố dài khoảng hai mươi km với chiều sâu từ một đến năm km.

      Do không có một thứ gì tương tự như nhật ký nên rất khó để theo sát được sự di chuyển của Grossman. Tuy nhiên có thể suy luận từ những cuốn sổ ghi chép của ông rằng ban đầu ông đã lưu trú tại Dubovka, một địa điểm nằm trên bờ tây sông Volga cách cực bắc Stalingrad gần 40 km về phía thượng nguồn. Bờ tây con sông dốc đứng và đôi khi có những vách đá nhỏ, cao hơn bờ đông bằng phẳng rất nhiều. Tư tưởng xuyên suốt của những tên xâm lược Đức là tiến tới sông Volga, "trái tim của nước Nga", để tạo nên tâm trạng thất bại trong nhiều người như Grossman đã gặp trong nhiều ghi chép của ông.

      Giờ thì không còn chỗ nào mà rút lui nữa, mỗi bước lùi giờ đây đều có thể là một sai lầm vô cùng tai hại. Người dân sống trong các làng bên bờ sông Volga cảm thấy điều đó, các chiến sĩ đang phòng thủ Volga và Stalingrad cũng vậy.

      Cảm giác vui sướng và đau khổ diễn ra cùng lúc khi ngắm nhìn dòng sông đẹp nhất thế giới này. Những cành cây rủ bóng xuống những dòng suối màu xanh xám, những cầu tàu đứng nhô ra, những lọn khói nhẹ bay ra từ những ống khói ... Khắp mọi nơi, cả ở bờ sông nữa, là những chiến hào, boongke và hào chống tăng.

     Chiến tranh đã lan tới sông Volga.

     Chúng tôi ở trong nhà của một kulak (địa chủ) đã bị trưng thu. Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới bất ngờ bắt gặp bà chủ nhà quay lại, có Chúa mới biết là từ đâu. Bà ta theo dõi chúng tôi suốt ngày đêm nhưng không nói gì. Bà đang chờ đợi. Và chúng tôi cứ sống trong cái nhìn chòng chọc của bà ta. Một bà già ngồi suốt đêm dưới một nhánh hào. Cả Dubovka này đều ngồi dưới những nhánh hào. Một chiếc Kerosinka (2) đang bay trên đầu, nó lắc lư, nhấp nháy đèn (3) và thả vài trái bom nhỏ.

    "Bà già đâu?"

    "Dưới hào ấy," một ông già cười nói. "Thỉnh thoảng bà ấy thò đầu lên nhìn quanh như suslik (4) rồi lại thụt xuống."

    "Với chúng ta thế là hết. Thằng Hitler lừa đảo đã đến được trái tim của đất nước ta."

     Một chú lính mang cây súng trường chống tăng đang lùa một đàn cừu lớn xuyên qua thảo nguyên.

    Trong bài viết tiếp theo, Grossman xuất hiện ở gần thành phố hơn, tại một địa điểm gần Rynok, ngoại ô phía bắc thành phố. Ở đây có những công viên và vườn tược đầy trái chín hiện lên trước mắt những tên lính Sư 16 Thiết giáp Đức như thể Vườn Địa Đàng, chúng đã phải vượt thảo nguyên suốt hai tháng vừa qua dưới ánh nắng chói chang.

    Máy bay gầm rú suốt đêm trên đầu chúng tôi, bầu trời vang động cả ngày lẫn đêm như thể chúng tôi đang ngồi dưới những nhịp của một cây cầu khổng lồ. Cây cầu này xanh sáng vào ban ngày, xanh thẫm vào ban đêm, có hình vòng cung và bao phủ bằng những vì sao - và những hàng xe tải năm tấn đang rầm rập qua cầu.

      Các hoả điểm nằm ở bờ bên kia sông Volga, nơi trước đây là một viện điều dưỡng, trên một vách đá dựng đứng. Dòng sông màu xanh và hồng, rộng như biển. Trong những vườn nho, dưới những cây dương là các pháo đội được nguỵ trang bằng lá nho. Trên những chiếc ghế dài dành cho người đi nghỉ mát, một trung uý đang ngồi trước một cái bàn nhỏ. Anh ta hô: "Pháo đội, bắn!".

     Xa xa là thảo nguyên. Không khí thổi từ sông Volga mát rượi, mang hơi ấm của thảo nguyên. Những chiếc Messer đang bay trên đó, một lính canh hô: "Chú ý trên không!". Không khí trong sạch thoảng hương ngải đắng.

     Những người bị thương quấn đầy băng rướm máu đang đi bộ dọc bờ sông Volga, ngay sát mép nước. Nhiều người cởi trần truồng ngồi trong ánh hoàng hôn màu hồng của Volga để bắt rận trong đồ lót. Những chiếc xe đầu kéo gầm rú, phanh ken két trên lớp sỏi bờ sông. Rồi sau đó là những ánh sao đêm. Ai nấy đều có thể nhìn thấy một ngôi nhà thờ màu trắng ở phía xa, trên bờ Volga.

     Một buổi sáng lạnh và trong lành ở Dubovka. Một tiếng nổ, cửa kính vỡ loảng xoảng, bụi vữa bốc mù mịt. Những tiếng gào thét và khóc than vang lên bên dòng Volga. Bọn Đức đã ném bom giết chết bảy phụ nữ và trẻ em. Một cô gái mặc bộ áo váy màu vàng sáng hét lên: "Mẹ ơi, mẹ ơi!"
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #47 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 02:15:54 pm »

        Một người đàn ông đang khóc như phụ nữ. Một cánh tay của vợ anh đã bị tiện phăng. Vợ anh vẫn đang nói một cách bình tĩnh với giọng thều thào. Một phụ nữ bị bệnh thương hàn trúng mảnh đạn vào bụng, cô vẫn chưa chết. Những cỗ xe ngựa phóng đi, máu từ chúng nhỏ tong tỏng. Và những tiếng gào khóc đang lan khắp Volga.

        Grossman đã được lệnh rời bờ đông, hay bờ trái, qua thành phố đang bốc cháy bên bờ tây. Các điểm vượt sông được Sư 10 Bộ binh NKVD kiểm soát chặt chẽ để bắt những kẻ đào ngũ và cả để ngăn dân thường tháo chạy khỏi thành phố. Stalin cho rằng sự hiện diện của thường dân trong thành phố sẽ buộc binh sĩ Soviet chiến đấu quyết liệt hơn để bảo vệ nó. Grossman được Kapustyansky, một phóng viên khác của tờ Krasnaya Zvezda, hỗ trợ đã vượt sông Volga bất chấp nguy hiểm do Luftwaffe (Không quân Đức) liên tục tấn công các điểm vượt sông.

       Cuộc vượt sông đáng sợ, thật sự là sợ. Chiếc phà chật cứng ô tô, xe ngựa và hàng trăm con người bị mắc cạn. Một chiếc Ju-88 từ trên cao phóng bom xuống.

      Một cột nước khổng lồ màu trắng và xanh dựng lên. Cảm giác thật là sợ. Chẳng có một khẩu súng máy nào trên phà, không một khẩu súng phòng không nào dù là loại nhỏ. Con sông Volga lại lặng câm, tinh sạch mà đáng sợ như một đoạn đầu đài.

      Thành phố Stalingrad những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 và sau khi bị đốt cháy. Để vượt qua sông tới Stalingrad, việc đầu tiên là chúng tôi uống thật nhiều rượu táo trong một nông trang tập thể trên bờ trái để lấy dũng khí.

      Những chiếc Messer đang quần thảo trên sông Volga, khói phủ mờ mặt sông, những hộp khói được đốt liên tục để nguỵ trang cho các phương tiện vượt sông.

     Thành phố chết, thành phố cháy. Trên quảng trường Liệt sĩ, bia tưởng niệm ghi: "Cho những người vô sản Đỏ Tsaritsyn đã chiến đấu vì tự do và hy sinh do bàn tay của bọn tay sai Wrangel năm 1919."

     Những người dân sống trong một ngôi nhà đã cháy trụi đang ăn shchi (súp bắp cải truyền thống Nga) trên bậc cửa, họ ngồi ăn ngay trên đống tư trang cá nhân. Một cuốn sách tựa đề "Tội ác và Trừng phạt" nằm trên mặt đất gần đấy. Kapustyansky nói với những người đó: "Cả các anh nữa, các anh cũng đã phạm tội ác và bị trừng phạt". (5)

     "Chúng tôi bị trừng phạt, nhưng không phạm tội ác," một cô gái trả lời.

     Hai phóng viên đi xa về phía tây vùng ngoại ô Stalingrad nơi các quân đoàn cánh phải của Tập đoàn quân VI Đức do Paulus chỉ huy đang hội quân với Tập đoàn quân IV Thiết giáp của Hoth tiến từ phía tây nam tới. Ở phía này quân Đức có chín sư đoàn, mạnh hơn hẳn 40.000 quân Soviet đã kiệt sức của các Tập đoàn quân 62 và 64 đang rút lui về thành phố.

      Varapanovo, nơi đây có những chiến hào cũ đã mọc đầy cỏ dại. Những trận đánh ác liệt nhất thời Nội chiến đã từng diễn ra ở đây, và giờ một lần nữa kẻ địch mạnh chưa từng thấy lại tấn công trực diện vào chỗ này.

         Tuy vậy, trong phần lớn thời gian lưu lại đây Grossman và Kapustyansky đã ở trong thành phố. Họ được nghe về những tiểu đoàn công nhân đầu tiên đã được lập trong nhiều nhà máy. Chúng nằm dưới sự chỉ huy của Đại tá Sarayev, Sư trưởng Sư 10 NKVD. Cú sốc của cuộc tấn công là một thử thách lớn với hầu hết các cấp quân đội từ trên xuống dưới, vì vậy NKVD và Đoàn thanh niên Komsomol đã siết chặt đội ngũ để ngăn không cho ai bỏ chạy. Các Chính trị viên kể cho hai phóng viên chuyện về quyết tâm của các binh sĩ.

     Một người lính đã bắn một đồng đội, anh này đang kéo một người bị thương khỏi trận địa thì giơ tay hàng. Sau đó người lính đó đã tự mang người bị thương về. Cha của người lính này khi chia tay đã đưa cho anh chiếc khăn mà mẹ anh đã thêu khi còn con gái và bốn chiếc huân chương chữ thập mà ông có được trong WW1.

     Đêm ở Stalingrad. Xe cộ chờ đợi tại điểm vượt sông. Bóng đêm bao trùm. Lửa cháy ở phía xa xa. Một tốp quân tăng cường vừa vượt sông Volga đang từ từ di chuyển lên triền sông. Hai người lính đi bộ sau chúng tôi, tôi nghe thấy một người nói: “Ai thích một cuộc sống dễ dàng thì hãy sống gấp.” (6)

    Grossman đã sử dụng một số ghi chép nói trên như một nguyên liệu cho bài viết của ông đăng trên tờ Krasnaya Zvezda số ra ngày 6/9.

    Chúng tôi tới Stalingrad ngay sau một trận oanh kích. Lửa khói vẫn còn đây đó. Một đồng chí người Stalingrad đi cùng chúng tôi chỉ cho xem căn nhà đã cháy của anh. “Đây là Nhà Thiếu nhi,” anh ta nói. “Còn chỗ này vốn đặt tủ sách của tôi, chỗ làm việc của tôi ở góc kia, chỗ có cái tẩu thuốc móp méo đấy. Nơi đó là bàn làm việc của tôi.” Có thể nhìn thấy khung của những cái giường trẻ con dưới đống gạch vụn. Tường nhà vẫn còn ấm giống như thân thể một người vừa mới chết chưa kịp lạnh đi.

    Những bức tường và hàng cột của Cung Văn hóa Khoa học Tự nhiên phủ đầy bồ hóng sau vụ cháy còn hai bức tượng khỏa thân trước tiền sảnh vẫn trắng muốt. Những con mèo Sibêri béo mượt đang ngủ trên khung cửa sổ các ngôi nhà trống. Gần bức tượng Kholzunov, mấy đứa trẻ đang thu nhặt mảnh bom và mảnh đạn pháo phòng không. Trong buổi tối yên ắng đó, hoàng hôn màu hồng tuyệt đẹp nhìn thật u buồn khi xuyên qua hàng trăm ô cửa sổ trống hoác.

    Nhiều người đã sớm làm quen được với điều kiện thời chiến. Các chuyến phà chuyển quân vào thành phố thường xuyên bị máy bay địch tấn công. Các thủy thủ lái phà vừa ăn dưa hấu vừa quan sát bầu trời. Một chú bé đang chăm chú nhìn chiếc phao của cần câu cá, chân đu đưa. Một bà già đang ngồi trên một chiếc ghế dài đan bít tất trong khi súng máy và súng phòng không vẫn nổ từng loạt xung quanh.

     Chúng tôi tới một ngôi nhà đổ. Những người sống trong nhà đang ăn tối quanh chiếc bàn làm từ những tấm gỗ đặt trên mấy cái hộp. Lũ trẻ thổi shchi (xúp bắp cải) nóng trong bát.

     Đối với các nhà cầm quyền Soviet, có vẻ như cách duy nhất để cứu Stalingrad là mở các cuộc tấn công liên tục vào cánh bắc Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức. Tuy nhiên dù có tới 3 Tập đoàn quân Bộ binh tham chiến là  Cận vệ I, 24 và 66 cơ hội của họ vẫn rất nhỏ, kể cả trong trường hợp họ có quân số vượt trội so với đối phương. Quân Soviet thiếu đạn, đặc biệt là đạn pháo, và phần lớn là sĩ quan và binh lính dự bị.

     Những lệnh đốc thúc được Stalin ra trong lúc giận dữ đã dẫn tới tình trạng cực kỳ hỗn loạn. Các sư đoàn trở nên lúng túng sau khi tiến ra khỏi đầu mối đường sắt Frolovo, phía bắc khúc uốn sông Đông, vì không biết mình được phối thuộc vào Tập đoàn quân nào hay mình sẽ đi đâu. Luftwaffe (ko quân Đức) tha hồ bắn phá họ trên thảo nguyên mênh mông, trong khi đó những lính tăng Đức được huấn luyện hơn hẳn đã khiến cho cuộc chiến trở nên không cân sức. Grossman đã ở Dubovka, gần với khu vực đã diễn ra những cuộc tấn công xấu số đó.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #48 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 02:19:17 pm »

       Các sư đoàn đang di chuyển, gương mặt của mọi người diễu qua, công binh, pháo binh, xe tăng. Họ đi suốt ngày đêm. Những gương mặt, lại những gương mặt, tất cả đều có vẻ nghiêm trọng, đó là gương mặt của những người bất hạnh.

       Trước khi cuộc tiến quân bắt đầu, người vô sản Lyakhov, lính tiểu đoàn bộ binh cơ giới lữ đoàn tăng, viết cho các vị chỉ huy của mình: “Hãy để cho Đồng chí Stalin biết rằng tôi xin hiến dâng mạng sống vì lợi ích của Đất Mẹ, và vì Stalin. Và tôi không hề hối tiếc dù chỉ một giây. Nếu tôi có năm mạng sống, tôi cũng hiến dâng tất cả không do dự. Hãy gửi lời chào tốt đẹp nhất tới đồng chí ấy hộ tôi.”

      Grossman rất thích thú với những lời càu nhàu hàng ngày của cánh lính tráng. Trong trường hợp sau đây, một người lính đã nói về thảo nguyên rộng lớn nơi một phi công Luftwaffe có thể dễ dàng phát hiện một cái bếp dã chiến và sau đó chuyển sang một đề tài khác cũng rất được lính tráng quan tâm: ủng.

      “Người ta chết phần lớn chỉ vì những cái bếp. Các hạ sĩ quan đã “ăn đòn đủ” lúc đang chờ thức ăn bên bếp, vì thế thường người ta chỉ xuất hiện khi đã có thức ăn sẵn sàng. Tôi cũng rất khó chịu với đôi ủng này. Tôi đã phải cuốc bộ với những vết rộp rướm máu. Tôi lấy nó từ một người chết vì chẳng còn cách nào khác, nhưng nó quá nhỏ so với chân tôi.”

      “Cánh lính trẻ chúng tôi chẳng bao giờ nhớ nhà, thường chỉ những lính già mới vậy … Hạ sĩ Đại đội 4 là Romanov đã bỏ rơi chúng tôi ngoài chiến địa. Đám lính trẻ chúng tôi đã được dạy dỗ chu đáo, chúng tôi chịu đựng tất cả một cách kiên nhẫn, nhưng cánh lính già thì cảm thấy tệ hơn nhiều.”

     Grossman hay đi với một lính Hồng quân tên là Gromov, xạ thủ súng trường chống tăng, ở tuổi 38 ông là một thứ đồ cổ xuất hiện giữa đám lính trẻ mới nhập ngũ. Theo lời kể của Ortenberg, Grossman đã lưu lại một tuần trong một đơn vị chống tăng. “Anh ta không hề trở thành một người xa lạ trong gia đình của những người lính chống tăng này,” Ortenberg viết. Ortenberg khẳng định sự tín nhiệm đối với Grossman khi viết về ông, có lẽ do nhân vật Gromov trong tác phẩm của Grossman sau này được hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là bởi Ilya Ehrenburg. Đây là câu chuyện về Gromov trong những ghi chép của Grossman: “Khi bạn bắn nó, bạn sẽ thấy một ánh chớp nhoáng lên trên chiếc thiết giáp. Phát đạn nổ inh tai, vì vậy phải mở miệng khi bắn. Tôi đang nằm thì nghe tiếng thét: “Chúng đến!” Phát đạn thứ hai của tôi bắn trúng chiếc tăng. Bọn Đức bắt đầu gào lên thảm thiết. Chúng tôi nghe tiếng chúng kêu rất rõ. Tôi không hề thấy sợ tí nào, tinh thần tôi dâng cao. Đầu tiên, có một chút khói bốc ra, rồi có tiếng lách tách và ngọn lửa bùng lên. Evtikhov cũng bắn trúng một chiếc ô tô, ngay giữa thân, và bọn Fritz (Đức) kêu mới khiếp chứ!” (Đôi mắt xanh của Gromov hấp háy sáng trên khuôn mặt khắc khổ.) “Số một mang súng trường chống tăng. Số hai mang 30 viên đạn súng chống tăng, 100 viên đạn súng trường thường, hai lựu đạn chống tăng và súng trường. Tiếng nổ khi bắn khẩu súng trường chống tăng thật kinh dị, mặt đất cứ rung lên.”

      “Thương vong của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi phải tự đi lấy bữa sáng và bữa tối. Chúng tôi chỉ có thể đi vào ban đêm. Có nhiều vấn đề với những cái đĩa, vì vậy chúng tôi phải chứa đồ ăn vào xô.”

      “Quân ta thường nằm nghỉ ban đêm và tiến quân ban ngày. Mặt đất phẳng lì như một cái mặt bàn.”

     Những ghi chép nói trên, bao gồm cả những lời của Gromov, đã được đưa vào một bài báo trên tờ Krasnaya Zvezda, bài báo này đã gây ấn tượng mạnh với Ehrenburg và những người khác.

     Khi hành quân, xương vai của những người lính mang súng trường chống tăng đau nhức và cánh tay họ tê dại. Với một khẩu súng trường chống tăng, thật khó để nhảy qua một chướng ngại vật hay đi bộ trên mặt đất trơn. Sức nặng của khấu súng làm bạn đi chậm lại và đảo lộn óc thăng bằng của bạn.

        Những người lính sử dụng súng trường chống tăng bước từng bước nặng nhọc, trông hơi giống người bị thọt chân - một bên người họ bị sức nặng của khẩu súng đè xuống. Gromov lòng tràn đầy tức giận y như một người khó tính, người vì chiến tranh mà phải rời bỏ ruộng đồng, nhà cửa, vợ con. Đó là nỗi tức giận của anh chàng Thomas hay nghi ngờ sau khi tận mắt chứng kiến những trở ngại lớn lao đối với người của mình … Những bức tường trắng ám khói đen và bụi vàng xám dựng lên trước mặt và sau lưng những người lính súng trường chống tăng, chúng thường bị gọi là “đồ chết tiệt” … Gromov nằm dưới một nhánh hào, giữa một địa ngục ồn ã bởi hàng ngàn thứ tiếng  động, ngủ lơ mơ và duỗi đôi chân mỏi mệt: đó là sự nghỉ ngơi của một người lính bình thường và khắc khổ.

      “Tôi bắn vào chiếc tăng một phát nữa,” Gromov nói. “Và tôi thấy trước hết là tôi đã bắn trúng nó. Tôi thở phào. Ngọn lửa xanh phụt ra từ tấm giáp như một tia chớp. Tôi hiểu ngay viên đạn chống tăng của tôi đã xuyên vào trong xe và tạo ra ngọn lửa xanh đó. Rồi có một chút khói bốc lên. Bọn Đức trong xe bắt đầu gào thét. Tôi chưa từng nghe tiếng người nào thét lên kiểu đó, và ngay sau đó trong xe có tiếng nổ lách tách. Chiếc tăng cứ kêu lách tách, lách tách. Rồi đạn trong xe bắt đầu nổ. Và sau đó là ngọn lửa bùng lên, bốc cao lên trời. Chiếc tăng vậy là rồi đời.”

      Trung đoàn trưởng Savinov, khuôn mặt tốt bụng đặc Nga, mắt xanh, da rám nắng đỏ au, trên mũ sắt có một vết đạn lõm sâu. “Khi viên đạn bắn trúng tôi,” Savinov nói, “tôi ngất xỉu và nằm thẳng cẳng mất 15 phút. Một tên Đức đã làm tôi choáng.” Ngay cả thường dân cũng bị hai phía bắt làm một số việc khi hai bên đều nhận thấy đây có thể là trận đánh then chốt của cả cuộc chiến.

     Những gián điệp. Một cậu nhóc 20 tuổi có thể báo nơi đặt sở chỉ huy quân Đức nhờ vào những đường dây thông tin, bếp và sự đi lại của các giao liên. Bọn Đức đã nói với một phụ nữ: “Nếu mày không đi và trở về đây, chúng tao sẽ bắn hai con gái của mày.”

    Phía Soviet tỏ ra quyết liệt hơn đối thủ khi buộc quân sĩ tham gia tấn công. Mệnh lệnh số 227 của Stalin - “Không lùi một bước” - chỉ thị cho mỗi chỉ huy tập đoàn quân tổ chức “từ ba đến năm đơn vị chặn hậu được trang bị tốt (với khoảng 200 người mỗi đơn vị)” bố trí ở tuyến hai để “chiến đấu chống lại sự hèn nhát” bằng cách bắn hạ bất cứ binh sĩ nào định bỏ chạy. Ở khu công nghiệp phía bắc Stalingrad, Grossman đã tới gặp Đại tá S. F. Gorokhov, người sau này chỉ huy Lữ đoàn 142.

    Sau cuộc xung phong thứ bảy, Gorokhov nói với chỉ huy đơn vị chặn hậu: “Nào, bắn vào lưng người khác thế là đủ rồi đấy. Hãy tiến lên và tham gia xung phong.” Viên chỉ huy đơn vị chặn hậu và người của ông ta tham gia vào cuộc xung phong, và bọn Đức bị đánh bật.

    Sức phòng thủ của Stalingrad được tăng cường bởi thứ kỷ luật sắt máu nhất. Khoảng 13.500 binh sĩ đã bị hành quyết trong năm tháng chiến đấu, phần lớn là trong những ngày đầu khi nhiều đơn vị tan vỡ. Grossman được nghe về những “hành vi bất thường”, ngôn ngữ hành chính Soviet để chỉ việc “phản bội Tổ quốc”, một loại tội phạm có định nghĩa rất rộng.

    Một hành vi bất thường. Bản án. Hành quyết. Người ta lột quần áo rồi chôn anh ta. Đến đêm anh ta trở lại đơn vị trong bộ đồ lót dính đầy máu. Anh ta lại bị bắn.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 02:24:09 pm »

       Đây có thể là một trường hợp khác, nhưng nó gần giống những gì xảy ra ở Sư 45 Bộ binh khi đội hành quyết gồm các đặc vụ NKVD phối thuộc vào Sư đoàn đã không giết chết một người đã bị kết án tử hình, có lẽ do rượu đã làm họ mất khả năng ngắm bắn (7). Người lính này, giống như nhiều người khác, bị kết án tử hình vì tự gây thương tích. Sau khi bắn anh ta, đội hành quyết chôn xác vào một hố đạn pháo gần đó, người bị bắn sau đó đã tự chui lên và quay lại đại đội của mình chỉ để rồi lại bị xử bắn lần nữa. Thường thì những người bị kết án sẽ bị buộc cởi hết quần áo trước khi bị bắn để người khác khi được phát lại bộ quân phục này sẽ không ngã lòng trước những vết đạn lỗ chỗ.

     Một số tướng lĩnh Soviet không ngần ngại đánh cả các thuộc cấp có địa vị cao dù tệ đánh lính của sĩ quan và hạ sĩ quan là một trong những đặc tính đáng ghét nhất của quân đội thời Sa hoàng.

     Cuộc nói chuyện giữa Đại tá Shuba và Tarasov với chỉ huy Tập đoàn quân:

    “Cái gì?”

   “Xin cho tôi nói lại lần nữa … ?”

   “Cái gì?”

    “Xin cho tôi nói lại lần nữa … ?”

    “Ông ấy đấm giữa mồm Shuba. Tôi (chắc là Tarasov) vẫn đứng nguyên, cố thụt lưỡi vào sâu và nghiến chặt hai hàm răng vì tôi sợ cắn phải lưỡi hay ra khỏi đây mà không còn cái răng nào.”

      Trong thời điểm khủng hoảng này của cuộc chiến, Grossman ghi lại trong các cuốn sổ nhiều câu chuyện về thói quan liêu trong quân đội và chính quyền Soviet.

     Các đơn vị xe tăng ta đã bị máy bay đánh bom suốt ba ngày, suốt thời gian đó các bức điện báo cáo về tình trạng trên còn bận di chuyển giữa các mắt xích khác nhau trong hệ thống chỉ huy.

     Một sư đoàn bị bao vây, đồ tiếp tế được thả dù xuống, nhưng sĩ quan phụ trách hậu cần không muốn cấp phát thực phẩm vì không có người ký hóa đơn.

     Một sĩ quan chỉ huy trinh sát không thể cho phép làm điều gì đó nếu không có nửa lít vodka hay tệ hơn là không có thứ anh ta cần là một tấm lụa giá tám mươi rúp 50 kopeck.

    Thông tin được nhắc đi nhắc lại: Yêu cầu các phi vụ đánh bom.

    Một chiếc máy bay bốc cháy, phi công muốn bảo toàn nó nên không chịu nhảy dù. Anh ta đưa được chiếc máy bay về sân bay. Người anh cháy sém, chiếc quần cũng cháy. Tuy vậy tay sĩ quan hậu cần từ chối cấp quần mới cho anh vì chưa đủ thời hạn ngắn nhất để được phép đổi đồ cũ lấy đồ mới. Thói quan liêu này phải vài ngày sau mới chấm dứt.

    Một chiếc Yu-53 chứa đầy nhiên liệu bốc cháy trong một đêm quang đãng. Phi công nhảy dù.

    Stalin vô cùng giận dữ khi nghe được vào ngày 3/9 rằng Stalingrad đã bị bao vây trên bờ tây Volga. Đối với tướng Yeremenko, tham mưu trưởng Phương diện quân Stalingrad, và Nikita Khrushchev, đại biểu Hội đồng Quốc phòng kiêm chỉ huy Chính trị, câu hỏi then chốt là ai sẽ được trao trách nhiệm phòng thủ thành phố. Ứng cử viên cho trọng trách này sẽ phải tiếp quản Tập đoàn quân 62 đang trong tình trạng mất tinh thần và thiệt hại nặng, tập đoàn quân này đã bị cắt rời khỏi đơn vị bạn ở phía nam là Tập đoàn quân 64 vào ngày 10/9.


    Ngày hôm sau, 11/9, sở chỉ huy của Yeremenko đặt dưới hệ thống hầm ngầm qua đèo Tsaritsa đã nằm dưới tầm hỏa lực bắn thẳng của địch. Tổng biên tập của Grossman, Ortenberg, đã cùng với nhà văn Konstantin Simonov tới sở chỉ huy này hôm đó. Họ đã nói chuyện với Khrushchev đang trong tình trạng “thảm hại” vì nhận ra rằng thật khó để châm thuốc hút dưới đường hầm này vì thiếu không khí. Khi Ortenberg và Simonov tỉnh dậy vào sáng hôm sau, họ nhận thấy sở chỉ huy đã chuyển đi nơi khác khi họ đang ngủ. Stalin, vẫn đang trong tâm trạng tức tối, đã bị buộc phải chấp thuận cho Yeremenko rút sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad qua bên kia sông Volga. Tướng Vasily Chuikov, một chỉ huy cứng rắn và không khoan nhượng, được triệu đến nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân 62 vẫn còn trên bờ tây (Cool. Grossman sau này đã phỏng vấn tất cả những nhân vật liên quan nói trên.

     Khrushchev - Mệt mỏi, tóc bạc trắng, béo phị. Trông hơi giống Kutuzov. Yeremenko - Đã từng bị thương bảy lần trong cuộc chiến này.

    Yeremenko nhất định đòi được chọn Chuikov.

    “Chính tôi đã tiến cử Chuikov. Tôi biết ông ấy, ông ta chưa hề biết sợ … Tôi biết Chuikov từ hồi còn hòa bình, tôi thường hạ ông ấy trong những cuộc thao diễn. “Tôi biết cậu dũng cảm thế nào,” tôi nói với ông ta, “nhưng tôi không cần kiểu can đảm đó. Đừng ra những quyết định vội vàng như kiểu anh vẫn làm.””

    Theo lời Chuikov, cuộc nói chuyện với Yeremenko và Khrushchev đã diễn ra như sau:

   “Yeremenko và Khrushchev nói với tôi:

      “Anh phải bảo vệ bằng được Stalingrad. Anh cảm thấy sao?”

       “Rõ!”

      “Không, thế chưa đủ cho một lời tuân lệnh, anh nghĩ thế nào về lệnh này?”

       “Nó có nghĩa là chết. Theo lệnh này chúng tôi sẽ đánh đến chết.””

       Trong cuốn Hồi ký viết thời Khrushchev nắm quyền, Chuikov kể lại cuộc nói chuyện này hơi khác:

      “Đồng chí Chuikov,” Khrushchev nói, “đồng chí hiểu nhiệm vụ của mình như thế nào?”

      “Chúng tôi sẽ bảo vệ thành phố hoặc chết trong khi thi hành nhiệm vụ,” Chuikov trả lời.   
 
      Yeremenko và Khrushchev nhìn Chuikov và bảo ông đã hiểu nhiệm vụ của mình rất chính xác.

      Như ta thấy sau này, Grossman đã trở nên vỡ mộng sau khi chứng kiến sự kiêu căng và đố kỵ của các tướng lĩnh chỉ huy Stalingrad sau trận đánh, tất cả họ đều cho rằng vai trò của mình trong trận đánh đã không được đánh giá đúng mức. Yeremenko đã công khai khoác lác về bản thân và cố gắng hạ thấp Khrushchev.

     “Tôi đã từng là cai đội trong cuộc Đại chiến trước và hạ được 22 tên Đức … Có ai lại muốn chết? Chẳng ai háo hức với chuyện giết chóc … Vậy mà tôi đã phải ra những quyết định tàn nhẫn như thế này: “Xử bắn ngay tại chỗ!”

    “Khrushchev đề nghị chúng tôi nên đặt mìn thành phố. Tôi gọi điện thoại cho Stalin về việc đó. “Để làm gì?” Stalin hỏi.

    “Tôi sẽ không để cho Stalingrad đầu hàng,” tôi nói. “Tôi không muốn đặt mìn thành phố.”

     “Sau đấy nói với Khrushchev là cút cha hắn đi,” Stalin trả lời.” (Nguyên văn: fuck off)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM