Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:11:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người đã cứu Mát-xcơ-va - Robert Guillain  (Đọc 49957 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:02:38 am »

Người đã cứu Mát-xcơ-va
Tác giả: Robert Guillain
Người dịch: Ngô Minh

Nhà xuất bản Hà nội-1985
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp cuốn “L’espion qui sauva Moscova” xuất bản 1982


Nguồn : Đả tự toái thạch công

Mấy lời giới thiệu:
Năm 1972, Nhà xuất bản Thanh Niên đã dịch và cho phát hành cuốn sách NGƯỜI TÌNH BÁO VĨ ĐẠI của các tác giả Gôliacốp và V Ponidốpxki. Cuốn sách đã được các bản trẻ tìm đọc một cách say mê.
Nhà tình báo xô-viết Rihác Sócgiơ đã lập nên những chiến công kỳ diệu góp phần bảo vệ nhà nước Liên Xô, vào những thắng lợi tuyệt vời của Hồng quân đánh bại quân độ phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân loại tiến bộ trên thế giới đều biết ơn Liên Xô và Hồng quân. Nhân dân thế giới cũng biết đến chiến công của nhà tình báo vĩ đại Rihác Sócgiơ – anh hùng Liên Xô – qua nhiều sách báo của tư bản phương Tây ca ngợi.
Cũng có nhiều kẻ nhân chuyện của Rihác hoạt đọng và bị bắt ở Nhật Bản đã tìm cách vu cáo Liên Xô và dấy lên một phong trào điên cuồng chống cộng sản – thực chất là chống Liên Xô – như Mác Caty ở Mỹ trong những năm 50 của thế kỷ này. Nhưng chúng đã không thành công.
Một phóng viên báo chí Pháp và là người bình luận có tiếng trên thế giới của báo LE MONDE (Thế giới) là Rôbe Ghilanh đã từng là nhân chứng khách quan bên cạnh Rihác và nhóm của ông khi hoạt động tại Tôkyô suốt trong thời gian 1938-1945 đã viết lại chuyện về tổ tình báo Rihác và những kỳ tích của ông trong lĩnh vực thu thập tin tình báo chiến lược của Đức quốc xã và Nhật Bản để kịp thời báo cáo về Mát-xcơ-va. Đó là cuốn NGƯỜI ĐÃ CỨU MÁT-XCƠ-VA này.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:03:00 am »

Rôbe Ghilanh, năm nay đã 72 tuổi (sinh năm 1912), được phân đến Tôkyô với chức vụ Giám đốc Phân xã thông tấn HAVAS của Pháp năm 1938. Rihác Sócgiơ đã được phái đến Nhật Bản trước đó, năm 1933, để hoạt động dưới danh nghĩa phóng viên của tờ báo Đức “Nhật báo Phơrăng Phuốc”. Ghilanh có một người phụ tá đắc lực, một người bạn vui tình là nhà báo Nam Tư, Brăngcô đơ Vukêlích. Anh đã đến Nhật Bản trước Ghilanh lại thông thạo mấy thứ tiếng, ngoài tiếng Anh và Pháp, anh còn giỏi tiếng Nhật và tiếng Đức, quen biết nhiều, thạo tin tức ở Nhật nên anh đã giúp được rất nhiều việc cho Ghilanh. Họ đã làm việc với nhau nhiều năm, hợp tác chặt chẽ với nhau trong nghề báo chí và có một tình bạn chân thực và kính nể nhau vì tài năng và nghĩa vụ. Nhà báo Vukêlích lại chính là một tình báo viên, trợ thủ bí mật và tin cậy của Rihác Sócgiơ.
Trong khi cùng hoạt động với nhau, Ghilanh không hề có chút nào nghi ngờ về hoạt động tình báo của anh bạn Vukêlích mà ông quen gọi thân mật là Vuki. Với Rihác, ông cũng không chút hoài nghi về người phóng viên Đức quốc xã ngày và còn đội ơn Rihác vì Rihác đã cho “tiết lộ” qua Vuki nhiều tin tức quan trọng có tầm chiến lược liên quan đến hành động của phát xít Đức-Nhật. Nhờ tin tức ấy, ông đã viết được nhiều tin tức và bài báo có giá trị lớn lao. Năm 1941, khi tổ tình báo xô-viết bị nhà cầm quyền Nhật khám phá và bắt giữ, ông cũng vẫn không tin vào những lời buộc tội của Nhật. Là nhà báo và phóng viên thông tấn của phương Tây, Ghilanh là một nhà báo có đầu óc tiến bộ, biết thừa nhận thực tế nhưng không tán thành chủ nghĩa cộng sản. Mặc dù có những hạn chế, ông rất thành thực khi viết rằng “… Tôi có thể chứng minh rằng không bao giờ Vuki cũng như Rihác tìm cách lôi kéo tôi vào cuộc và dính líu vào cuộc chiến đấu của họ. Tôi muốn nói rằng họ không “giác ngộ” tôi theo họ làm tình báo và cũng chẳng thuyết phục tôi theo chủ nghĩa cộng sản. Chắc rằng tôi cũng sẽ chẳng bao giờ ngả theo họ. Nhưng việc họ đã là tình báo và đã là những người cộng sản, tôi xin nhắc lại là cũng không làm giảm đi sự ngưỡng mộ về dũng khí và sự hy sinh của họ mà tôi sẵn có…”
Nhiều năm sau khi tổ tình báo của Rihác bị khám phá và bị bắt, Ghilanh đã viết cuốn sách này để nhắc lại chiến công của họ, thanh minh cho họ và ca ngợi họ. Ông nhận xét rằng tất cả tin tức “tiết lộ” từ nguồn của Rihác cho ông đều có mục đích trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước xô-viết, phong trào cách mạng và tự do trên thế giới “chống chế độ ác độc của Hítle, tên đao phủ của con người và các dân tộc tự do trên thế giới”
Tác giả Rôbe Ghilanh, với tư cách là một “nhân chứng” về hoạt động tình báo của Rihác Sócgiơ đã viết cuốn sách này năm 1981, có thể xem như một tư liệu khách quan về một chương hấp dẫn nhất của lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai, một câu chuyện lý thú về hoạt động của Rihác, Vukêlích và tổ tình báo xô-viết ở Tôkyô
Cuốn sách “NGƯỜI ĐÃ CỨU MÁT-XCƠ-VA” sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những điều mà các tác giả Liên Xô X. Gôliacốp và V.Pônidốpxki không nói đến trong cuốn “Người tình báo vĩ đại” về những hoạt động của Rihác tại Tôkyô, về người ANH HÙNG LIÊN XÔ dũng cảm, tài trí và những đồng chí cộng sự trong tổ tình báo Liên Xô.
Người dịch
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:03:45 am »

RƯỢU BIA, GẠO VÀ MỲ SỢI.

Lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản vào dịp anh đào đang độ nở hoa. Đó là ngày 1 tháng 4 năm 1938. Năm ấy mùa xuân đến sớm, trời trong xanh không vẩn một gợn mây và nước Nhật xinh đẹp như một cô dâu trong tấm áo cưới trắng toát. Tôi đã có một kỷ niệm tươi sáng về tám ngày đầu đến đất nước ấy. Tôi vừa mới nhậm chức giám đốc hãng HAVAS – cơ quan thông tấn của Pháp, sau này trở thành hãng AFP. Vừa rời khỏi chuyến tàu biển đưa tôi từ Thượng Hải tới đây tôi đã may mắn được mời tham dự một chuyến đi cắm trại hai ngày tại Ha-kô-nê và Atami, ngay dưới chân núi Phú Sĩ. Ông I-ca-naga, chủ tịch công ty thông tấn Nhật Bản Đô-mây đã có nhã ý mời nhóm nhà báo ngoại quốc thường trú lúc đó ở Nhật. Chỉ có khoảng hai mươi đến ba mươi nhà báo, so với bây giờ thì đông hơn nhiều, ít nhất cũng gấp mười lần hơn.

Tại Tôkyô, sau các cuộc đi thăm và chào hỏi xã giao, tôi đã trở thành khách của nhiều cuộc chiêu đãi chúc mừng mới đến và vì vậy đã được thưởng thức ngay những món đặc sản của người Nhật và tính hiếu khách của họ: rất nhiều quà biếu, nước chè xanh theo lễ tiết, đệm ngồi trên chiếu thay cho các ghế, những chén tí xíu đựng rượu sa-kê, những buổi tối khuya trong các tiệm nhẩy Ghin-gia với các cô gái Nhật xinh đẹp.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:04:00 am »

Trong tám ngày đầu tiên ấy, tôi cảm thấy người ta muốn cho tôi được giới thiệu với mọi thứ cùng một lúc: thành phố Tôkyô xanh ngát như một công viên lớn – lúc đó có nhiều mầu xanh hơn bây giờ – những người Nhật lịch sự, những phụ nữ Nhật trẻ đẹp trong bộ quần áo dân tộc Kimônô mầu sắc sặc sỡ, những bữa ăn tối trên chiếu, những món ăn đặt trong khay sơn mài giống như các tranh tĩnh vật mà tôi có thể muốn chụp ảnh trước khi ăn. Những viên chức đáng mến, nhiều khi im lặng rất lâu nghe tôi nói rồi đột nhiên báo cho tôi biết rằng họ không hiểu được tiếng Pháp cũng như tiếng Anh, tục lệ rạp mình xuống chào khách, những cô gái làng chơi được mời đến để làm tươi mát câu chuyện quá nghiêm trang của các bậc quan lại. Những ngôi nhà Nhật Bản bé nhỏ với các ngăn ô, các tủ đặt ẩn trong tường và những cánh cửa lùa đối với tôi có vẻ đầy bí hiểm giống như những chiếc hòm của các nhà ảo thuật vậy. Rồi chuyến du ngoạn qua đồng ruộng và đồi núi, tất cả phong cảnh đẹp xinh và tinh tế cùng với cảnh quan vùng biển dưới chân các vườn cam ở khu Atami và trùm lên tất cả là dãy núi Phú Sĩ đồ sộ một vẻ đế vương với tuyết phủ lưng núi… Đúng vậy, hình như trong một tuần lễ người ta muốn cho tôi thưởng thức tất cả và chính tôi bị tràn ngập bởi những cảnh đẹp, duyên dáng, đã buộc phải công nhận, phải tuyên bố rằng nước Nhật là nước đẹp nhất thế giới và người Nhật Bản là một dân tộc tuyệt vời
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2009, 11:31:37 am »

Điều đáng ngạc nhiên một cách thú vị là tôi đã đến nước này với một ấn tượng rất đen tối. Quả thực với tư cách phóng viên, tôi ở Trung Hoa từ 1937 và từ đó sang Nhật, trong lòng còn nhiều hình ảnh khác hẳn. Tôi đã ghi nhận và viết cho báo chí Pháp những sự kiện khởi đầu cuộc chiến tranh Trung - Nhật, kể từ trận đánh chiếm Thượng Hải đến vụ tàn sát Nam Kinh, một hình ảnh mà nước Nhật tạo ra trên đất Trung Hoa đáng ghê tởm về bạo lực, về máu và tàn bạo. Kể từ vụ xâm chiếm Mãn Châu, Nhật tiếp tục chiếm dần đất nước Trung Hoa suy nhược và nghèo khổ. Có hai nước Nhật chăng hoặc một nước Nhật hai mặt, nửa sáng nửa đen tối? Vì thế bất kể sự say mê trong những buổi đón tiếp đầu tiên tại Tôkyô, tôi vẫn hoài nghi và cảm thấy rằng đất nước này còn là một sự bí ẩn lâu dài và khó mà khám phá ra được trong thời gian dài.

May mắn thay, một người hướng dẫn tốt đã đến gặp tôi và giúp tôi tìm hiểu những bí ẩn của người Nhật. Đấy là người trợ tá của tôi tại hãng thông tấn HAVAS, đã từng sống tại Tôkyô năm năm nay tên là Brăng-cô Vu-kê-lích, người Nam Tư. Có thể nói là tôi được “thừa hưởng” anh ta vì anh đã được một trong những giám đốc trước tôi là Gioóc-giơ An-sô nhận vào làm việc. Đến nước Nhật từ 1933, anh nói thạo tiếng Nhật và biết rất nhiều điều về nước này. Anh ta là một tay giỏi tán chuyện, hài hước và vui tính. Ngay buổi đầu, chúng tôi đã kết bạn với nhau.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2009, 11:32:36 am »

Tôi nhớ lại một ngày tháng tư, vào khoảng một hay hai tuần lễ sau khi tôi đến Nhật thì phải, để giúp tôi thưởng ngoạn vùng bờ biển quanh thành phố Tôkyô, Vukêlích đã dẫn tôi đi thăm khu Hayama. Chính tại đây, lần đầu tiên tôi đã vào nghỉ tại một quán trọ Nhật Bản và cũng lần đầu tiên tôi được nếm món cá gỏi sasimi nổi tiếng thường gây ra sự ngạc nhiên đối với người phương Tây khi mới thử. Vào buổi trưa, chúng tôi ra bãi biển, phía gần lâu đài nhà Vua. Chúng tôi ngồi sưởi nắng trên cát, mắt nhìn ngắm sóng biển đang vỗ bờ. Có ba người nước ngoài xuất hiện phía trước. Một người phụ nữ và hai người đàn ông đang dạo chơi, không mũ, không áo choàng. Vukê-lích nói với tôi “  đấy là tuỳ viên quân sự Đức, tướng Ốt và vợ ông ta. Người thứ ba kia là đồng nghiệp của chúng ta, rồi sẽ gặp trong các phiên họp báo thôi. Anh ta là Rihác Sóc-giơ, phóng viên của tờ Nhật báo Phơ-răng Phuốc. Anh ta nổi tiếng là một nhà báo ngoại quốc giỏi nhất ở đây. Tôi rất biết anh ta vì anh ta đến Tôkyô cùng vào thời gian như tôi cách đây vài năm. Tôi rất thích nói chuyện với anh ta về thời sự chính trị, đấy là một nhà báo rất thạo tin”.

Thực tình, lúc đó trong tình huống khác thường ấy tôi không thể có điều gì nghi ngờ. Nhưng sự thực lại khác hẳn. Trong nghề nghiệp phóng viên báo chí của tôi, tôi có một trợ tá đang ngồi cạnh tôi trên bãi cát. Rihác Sóc-giơ với nghề nhà báo Đức che giấu nghiệp vụ thực sự làm tình báo dưới quyền Xít-ta-lin và Rihác lại có một người trợ thủ… cũng chính là anh Vukê-lích này. Trong những ngày đầu ở Nhật, tôi còn được liên lạc gián tiếp với nhà tình bào vĩ đại nhất của thế kỷ thông qua người trợ tá của tôi, trong khi tôi không mảy may nghi ngờ gì cả.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2009, 11:33:03 am »

Cần nhắc lại rằng Ri-hác đã tiến hành sự nghiệp tình báo ở Nhật từ khi được phái tới đây năm 1933 bởi cơ quan tình báo của Hồng quân Liên Xô hay còn gọi là Cục Bốn. Vào lúc tôi trông thấy anh ta lần đầu tiên anh đã có được thành tích là từ một người viết báo bình thường, anh đã trở thành bạn thân thiết và người tin cậy của tướng Ốt, tuỳ viên quân sự tại sứ quán Đức. Qua tướng Ốt hoặc qua những thành viên khác của sứ quán vốn có nhiều kính nể đối với anh, Ri-hác đã được luôn luôn thông báo những tin tức tối mật trao đổi giữa Béc-lin và Tôkyô và anh đã lừa được các cơ quan phản gián đáng gờm của Nhật để chuyển cho Mát-xcơ-va tất cả những tin tức ấy bằng đường công văn hoặc bằng điện đài. Lúc đó chúng ta đang ở vào một thời đại tranh tối tranh sáng của các cường quốc trong ván bài kỳ lạ nhất về ngoại giao và quân sự của thế kỷ hai mươi, ván bài sẽ quyết định vận mệnh của châu Âu, tương lai của châu Á và châu Mỹ cùng với số phận hàng triệu con người. Và Tôkyô lúc đó đã giữ một vị trí quan trọng chủ yếu trên bàn cờ quốc tế.
Trong sự nghiệp báo chí của bản thân, tôi đã trải qua nhiều thời kỳ và nhiều trường hợp sôi động, nhưng chưa có thời kỳ nào – do ý nghĩa và lợi ích của nó – có thể sánh nổi với thời kỳ sống ở Tôkyô ba năm trước khi xẩy ra vụ Trân Châu cảng. Nhưng tinh tiết bi thảm liên tục xẩy ra với nhịp độ dồn dập: song song với những đòn vũ lực của Hít-le tại châu Âu, quân Nhật lần lượt đánh chiếm miền Bắc Trung Quốc (1938), hiệp ước Đức – Xô và sự bùng nổ chiến tranh tại châu Âu (1939), sự bại trận của nước Pháp và việc ký kết liên minh Đức – Ý – Nhật (1940), và cuối cùng là chiến tranh Đức – Liên Xô trong đó Nhật Bản tách ra không tham chiến (1941) và trận Trân Châu cảng (1941). Trong quá trình ấy những sự kiện ở phương Tây và ở phương Đông tác động qua lại lẫn nhau. Lúc đầu là châu Âu lôi kéo châu Á nhập cuộc và người ta nhận thấy khá rõ mỗi đòn của Hít-le đánh tại châu Âu lại phát động theo phản xạ một giai đoạn xâm lược mới của quân Nhật.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2009, 11:33:34 am »

Nhưng rồi chẳng bao lâu, mỗi quyết định của Nhật Bản tại châu Á, ngược lại đè nặng trĩu lên số phận của châu Âu. Những người phương Tây bị lún sâu trong cảnh bất hạnh chưa hiểu ngay ra điều đó. Trái lại ở Tôkyô, tầm quan trọng của nước Nhật hiện ra rõ rệt. Việc tham chiến của Nhật trở thành quyết định vào việc sụp đổ của các đế chế trước kia của Pháp, của Anh… Nhưng ở mặt khác, quyết định không tham chiến chông Liên Xô trong mùa hạ năm 1941 đã cứu người Nga và châu Âu. Quyết định đánh chiếm Đông Dương cùng thời gian đó đã  bóp nghẹt chính nước Nhật vì đã gây nên sự bao vây cấm vận dầu lửa và tài chính của Mỹ. Sau chót là “chiến thắng” của Nhật tại Trân Châu cảng đã dẫn thực sự đến sự thất trận của chính Nhật Bản và của Hít-le sau này vì nó đã đẩy Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ hai cũng như ném nước Nhật vào cuộc phiên lưu không chịu đựng nổi là đánh bại lực lượng của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.

Trong tất cả các tấn tuồng ở châu Á, trừ vụ Trân Châu cảng, Rihác Sóc-giơ đều trực tiếp tham gia hoặc với tư cách nhà tình báo nhờ vai trò nhân vật “đúp”, vừa là người của Đức quốc xã vừa là người của Liên Xô nên anh đã thành công trong việc tìm ra được những điều bí mật cần thiết, đó là sau nay người ta mới được biết. Anh còn tham gia với tư cách diễn viên tác động trực tiếp đến các sự kiện đại để như vụ biến cố ở Đông bắc Trung Hoa, chiến tranh Đức-Xô, việc giải vây Mát-xcơ-va… Vukê-lích, phụ tá của Rihác chắc chắn không thể hiểu được chi tiết những điều bí mật mà “ông chủ” nắm được nhưng anh ta cũng khá thân cận để ít nhất cũng biết được những nét lớn của các tiến triển của tình hình chính trị và quân sự mà Ri-hác biết rõ. Vì thế chính bản thân tôi “ông chủ” của Vu-kê-lích về phương diện báo chí – tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chấp nhận việc đổi nghề phóng viên báo chí lấy nghề tình báo – thế mà tôi lại được biết những tin mật của Ri-hác, ít ra là một số tin bí mật loại quan trọng nhất qua nguồn trung chuyển là Vu-kê-lích. Chỉ sau này tôi mới hiểu ra tôi đã được may mắn kỳ lạ đến chừng nào trong khi làm phóng viên cũng như lường tính ra hết sự nguy hiểm của tình huống được biết đến những bí mật của Nhà nước. Việc biết về điều bí mật thôi cũng đủ để phải chịu những sự trừng phạt nghiêm khắc. Sau này tôi cũng hiều được lòng dũng cảm phi thường của Vu-kê-lích và Ri-hác trong cuộc chiến đấu chống Hít-le và sự tàn bạo của chế độ quốc xã trên một đất nước xa lạ, không quản ngại hy sinh cả tính mạng mình.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2009, 11:33:56 am »

Văn phòng của phân xã thông tấn HAVAS – tiếng Nhật gọi là thông tấn xã Pháp đặt tại khu Ghin-gia, trong tòa nhà cao tầng Đăng-sư, vào thời đó còn rất hiếm nhà cao tầng hiện đại tại khu này. Hãng thông tấn Đô-mây của Nhật vốn là đồng minh với hãng HAVAS chiếm cứ toàn bộ tòa nhà, ngoại trừ tầng thứ bẩy dành cho các cơ quan đại diện thông tấn nước ngoài. Chúng tôi là láng giềng với các phóng viên hãng Roi-tơ của Anh, hãng A.P và UPI của Mỹ, hãng Stê-pha-ni của Ý, cuối cùng là hãng ĐNB thông tấn xã Đức. Ngoài Vu-kê-lích, tôi còn có một cộng tác viên tuyệt diệu người Nhật là Shimađa, ông ta nói tiếng Pháp và Anh trơn tru thường vẫn làm phiên dịch riêng cho tôi. Vu-kê-lích có bàn giấy của anh đối diện với văn phòng của tôi và ngay từ những ngày đầu tiên giữa chúng tôi đã có sự cộng tác chặt chẽ. Vai trò của anh chủ yếu là thông tin viên và là nhà bình luận miệng, nếu có thể gọi như thế. Thiên bẩm sáng chói của anh trong chuyện trò kết hợp nhuần nhị với sự say mê thực sự về chính trị ở con người anh. Sự quan tâm chính của anh trong cuộc sống là bình luận các sự kiện quốc tế và nền chính trị Nhật Bản với tài hùng biện đáng kể. Anh viết ít thôi nhưng lại nói nhiều hơn, anh có thể phân tích hàng giờ liền về một tình hình, liên tiếp đưa ra những giả định thông thái – những cốt truyện như người ta thường gọi ngày nay – tưởng tượng ra chi tiết của mọi khả năng cũng như hậu quả, anh còn liên kết tài tình những biến cố hiện tại với lịch sự hoặc dự đoán cả tương lai nữa. Đó là sự thực về đường lối chính trị lúc ấy mà tình hình dao động cũng như những chấn động mạnh gắn chặt với tình hình bên ngoài. Đường lối đối nội của Nhật vào thập kỷ ba mươi với những bạo lực của nó, những bí mật, những sự phức tạp quanh co, những cơ chế bán phong kiến của nó đối với tôi cũng hấp dẫn không kém đường lối ngoại giao của Nhật Bản. Những điều giải thích vô tận và những bình luận của anh trong những ngày đầu đã là “bài học về nước Nhật” không có gì so sánh nổi, không một cuốn sách nào có thể giới thiệu cho tôi được như thế và nhờ đó tôi đã có những tiến bộ nhanh chóng trong bước tập sự phóng viên tại Tô-ky-ô. Vu-kê-lích đã kể lại cho tôi chẳng hạn về sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt Nhật từ khi có sự kiện Mãn Châu, vụ nổi loạn 26 tháng 2 năm 1936 mà anh đã chứng kiến và việc tuần tự quân sự hóa nền chính trị Nhật Bản. Anh đã nói cho tôi hiểu các tướng lĩnh Nhật đã thuyết phục được Nhật hoàng và áp đặt ý chị của họ cho chính quyền dân sự như thế nào, kể cả quốc hội, các bộ trưởng và thủ tướng lúc đó là hoàng thân Kô-nô-iê, anh còn miêu tả cho tôi hiểu những tham vọng của chủ nghĩa đế quốc Nhật và thực ra đôi khi tôi cũng khó mà tin được những điều tiên đoán bi quan của anh.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 12:12:44 am »

Tôi còn nhớ vào lúc quân Nhật bắt đầu lấn chiếm xuống Hoa Nam, một hôm Vu-kê-lích bảo tôi: “Mục đích của chúng không phải chỉ có vùng đó đâu và chúng không phải chỉ nhằm vào có Tưởng Giới Thạch và người Trung Quốc. Nước Nhật còn muốn đẩy chiến tranh đến Đông Dương, lãnh địa của Pháp. Còn hơn thế nữa kia, mục tiêu chính của Nhật là Sing-ga-po, anh hãy tin tôi nói, đúng thế!”. Tôi hết sức kinh ngạc, Sao nước Nhật dám nuôi dưỡng những mục tiêu nhắm vào các phần đất đai của đế quốc Anh và cả đến Sing-ga-po thành trì đầy tự hào của cường quốc Anh tại châu Á, cửa ngõ vào Thái Bình Dương, cơ là tôi không thể tin được. Chưa đến mười lăm ngày sau, một tờ báo ảnh có tầm cỡ và được nhiều người đọc của Nhật, tôi còn nhớ là tờ ĐỨC VUA đã ra mắt người đọc với cái tranh bìa in mầu hoàn toàn khẳng định điều Vu-kê-lích đã nói. Người ta thấy trong bức tranh bìa một đứa bé Nhật đang giữ trước mặt một bản đồ Đông Nam Á và nó đang trỏ ngón tay vào đúng mỏm bán đảo Mã Lai trên Sing-ga-po. Điều đó rõ ràng muốn nói: đây chính là điểm chúng ta phải đến!
Tôi vẫn thường dự hai tuần một lần những cuộc họp báo của bộ ngoại giao – Gaimushô theo tiếng Nhật, do một nhà chính trị dầy dặn thời đó là Tát-su-ô Ka-oai chủ trì. Những đại diện báo chí nước ngoài ngồi chung quanh bàn giấy của ông ta thường hỏi về tình hình lúc đó. Ngoài những đồng nghiệp báo chí mà tôi đã kể trên tại khu Đăng-sư còn có khoảng nửa tá các nhà báo Đức trong đó có Ri-hác Sóc-giơ và một số hiếm hoi đại diện các nước như Úc và Hung-ra-ri cùng hai phóng viên xô-viết đại diện hãng TASS nữa, nhưng họ bao giờ cũng im lặng như hến. Những câu hỏi “sắc nhọn” nhất thường là của Vu-kê-lích nêu ra, và để giảm bớt sự căng thẳng, anh thường đưa ra với một nét hài hước dôi khi còn cười cợt nữa. Nhưng ông Ka-oai là một người phát ngôn viên không nói mấy khi. Thường thường ông ta im lặng hoặc tung ra gọn ghẽ một câu ngắn: miễn bình luận! Và nếu có ngoại lệ mà ông ta nói thì thường thường về những vấn đề chung chung chính thức, những điều mơ hồ chẳng hề soi sáng chút nào cho chúng tôi.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM