Trên thế giới, hầu như không nước nào mà báo chí không thuật lại, không đăng lại các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, và lên tiếng tố cáo cả cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, kéo dài của Mỹ ở Việt Nam.
Về tầm mức nghiêm trọng của vụ Sơn Mỹ, dư luận so sánh vụ thảm sát này với những cuộc thảm sát dã man nhất trong chiến tranh Thế giới thứ 2, dù là do bọn phát-xít hay do chính Mỹ gây ra. Ở Pháp báo
Paris hằng ngày gọi Sơn Mỹ là một Oradour Việt Nam. Ở CHDC Đức, báo
Nước Đức mới nói rằng cái gì xảy ra ở Việt Nam chỉ có thể so sánh với hành động tàn khốc của Phát-xít Đức ở Lidice (Tiệp Khắc), Oradour (Pháp). Ở Biêlôrútxia, ông Kaminxki so sánh Sơn Mỹ với vụ tàn sát do phát-xít Đức gây ra ở làng Katin mà ông là người sống sót duy nhất. Ở Anh, tờ
Thời báo cũng viết: “Sơn Mỹ đứng ngang hàng với Guernica, Hiroshima, Sharpeville, đập vào lương tâm loài người, không thể tha thứ được”. Tờ
Người bảo vệ nhấn mạnh, chuyện xảy ra ở Sơn Mỹ quá khủng khiếp đến nỗi không thể nêu lên một cách sơ lược như mọi điều khủng khiếp khác của chiến tranh. Tờ
Người quan sát nhận định: vụ Sơn Mỹ phản ánh bản chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó là hậu quả của sự can thiệp Mỹ. Báo
Cầu chuyện hằng ngày: “Nếu điều đó có thực, nước Mỹ đi đứt”. Ở Hồng Công, tờ
Đại công báo viết: “Sự tàn ác của bọn phát-xít Đức-Nhật trở thành mờ nhạt trước những tội ác mà quân Mỹ gây ra ở Việt Nam”. Tờ
Tin Hương cảng hằng ngày viết: “Hàng trăm triệu người Mỹ sẽ bị lương tâm dày vò nặng nề và uy tín của quân đội Mỹ sẽ bị phá hoại nghiêm trọng. Những người lính được coi là bảo vệ hòa bình đã có những đặc tính của súc vật”. Ở Liên Xô, tờ
Tin tức viết: “Hằng trăm làng mạc đã bị không quân Mỹ đốt cháy, hàng chục vạn nông dân Việt Nam bị chết vì bom đạn, napan... Chính chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ chịu trách nhiệm về vụ tàn sát Sơn Mỹ, cũng như về toàn bộ cuộc chiến tranh dã man chống nhân dân Việt Nam”. Ở Tiệp Khắc, tờ
Tự do viết: “Tấn thảm kịch Sơn Mỹ chỉ là một chương rất nhỏ trong tấn thảm kịch lớn là cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ ở Việt Nam”. Không chỉ trên các báo, các chính trị gia, các giới, các tầng lớp nhân dân ở các nước còn tổ chức nhiều cuộc mít-tinh lên án hành động tội ác của Mỹ ở Sơn Mỹ. Ở Ấn Độ, trước cuộc mít-tinh đông đảo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn là Khrishna Menon so sánh tội ác của Mỹ ở Sơn Mỹ với tội ác của thực dân Anh thống trị Ấn Độ và nói: “Vụ tàn sát Sơn Mỹ chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài tội ác mà bọn quân phiệt Mỹ gây ra ở Việt Nam”. Ở Thụy Điển, quần chúng mít-tinh ở Upxala phản đối tội ác chiến tranh của Mỹ và ra nghị quyết lên án Mỹ. Ở Pháp, thị trưởng La Souterrain là bác sĩ Parain nói: “Chúng ta đã biết thế nào là những hành động tàn bạo của phát-xít Đức trên đất nước chúng ta. Nhưng vụ tàn sát dân làng Sơn Mỹ của quân Mỹ còn vượt xa tội ác khủng khiếp của bọn phát-xít, khiến lương tri của chúng ta vô cùng phẫn nộ”. Ngày 19/12/1969, một cuộc họp báo ở Trung tâm thông tin quốc tế tại Paris đã được tổ chức với sự chủ tọa của huân tước Anh Bertrand Russell và nhà văn Pháp nổi tiếng Jean Paul Sartre. Những người chủ tọa cuộc họp báo một lần nữa lên án Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Việt Nam. Các giáo sư Mỹ dựa vào cuộc điều tra tại chỗ kết luận rằng chất độc hóa học Mỹ đã biến nhiều vùng ở Nam Việt Nam có quang cảnh như trên mặt trăng. Bà Claire Culhane người Canada làm việc ở bệnh viện Quảng Ngãi trong những năm 1967-1968 đã kể lại nhiều điều tai nghe mắt thấy về tội ác của lính Mỹ.


Trước khi bị giết
Về những kẻ tội phạm chiến tranh, dư luận đều cho rằng Calley chưa phải là thủ phạm quan trọng, càng không phải là thủ phạm chính. Ở Ai Cập, báo
Al Mossawar viết: “Không ai có thể phủ nhận trách nhiệm của bộ chỉ huy cao cấp lục quân Mỹ về các tội ác chống lại nhân dân Việt Nam. Cho dù họ không ra lệnh thực hiện tội ác đó - Điều này thật khó tin - thì họ cũng đã biết và ỉm đi. Chính quyền Mỹ và nhất là Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm vì họ vẫn khăng khăng tiếp tục chính sách xâm lược ở Việt Nam, bất chấp sự phản đối của nhân dân Mỹ”. Ở Irắc, tờ
Al Nour viết: “Tội ác diệt chủng của Calley không bằng tội ác của Abrams, kẻ biết rõ là máy bay trực thăng Mỹ đang dùng bom cháy làm gì và hậu quả của bom napan, bom hơi độc như thế nào. Nó cũng không nghiêm trọng hơn tội ác của Westmoreland, McNamara, Laird, Johnson, Nixon, những kẻ từ nhiều năm nay tiến hành cuộc chiến tranh, giết hại hàng vạn người Việt Nam...”. Ban thư ký thường trực tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi ra tuyên bố nêu rõ vụ Sơn Mỹ không phải là hành động riêng lẻ mà là một tội ác có tính toán nằm trong khuôn khổ chính sách đốt sạch, giết sạch của Mỹ ở Việt Nam.
Ở Mỹ dư luận đặc biệt sôi nổi hơn hết trong việc lên án chính quyền, quân đội và chính sách Mỹ ở Việt Nam. Tại Liên hiệp quốc, vụ Sơn Mỹ được đưa ra công khai tranh luận theo đề nghị của đại diện các nước Angerie, Liên Xô, Arabie Seoudite, Cuba. Đại sứ Cuba R.A. Quesada nói: “Tội ác ở Sơn Mỹ không phải là việc làm của một nhóm lính Mỹ. Đây là sản phẩm của một chính sách đã được vạch ra một cách cẩn thận, trong đó chính phủ Mỹ là người chịu trách nhiệm”. Các tầng lớp nhân dân Mỹ và các chính trị gia, các trí thức ở Mỹ đều lên tiếng bày tỏ thái độ của mình. Ông White Water phát biểu trên tạp chí
Đời Sống: “Phải, điều đó thật là ghê tởm, nhưng lịch sử đã lặp lại điều đó và đây không phải là lần đầu tiên lính Mỹ giết đàn bà, trẻ em một cách man rợ”. Giáo sư Gabriel Kolko nói: “Nói về sinh mạng con người thì chính sách của Mỹ là biến miền Nam Việt Nam thành một biển lửa, biến cả dân tộc đó thành mục tiêu”, “Những tên tội phạm thực sự trong lịch sử không phải là những kẻ đã trực tiếp bắn giết”. Nữ nghệ sĩ điện ảnh Jane Folda: “Trung úy Calley là một con vật bị hy sinh. Những tội phạm chiến tranh thực sự là những kẻ đang cầm quyền ở Washington”. Thượng nghị sĩ Goodell: “Cuộc điều tra về những hành vi tội ác của quân đội Mỹ ở Sơn Mỹ không thể dừng lại ở việc trừng phạt một vài người lính”. Thậm chí trong công chúng Mỹ còn có người muốn làm thức tỉnh lương tâm của cả một đất nước - như bài hát “Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg” của Pete Seeger sau đây:
Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg. Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg. Tất cả đã lên tàu.
Tôi có nhìn thấy trung úy Calley?
Tôi có nhìn thấy đại úy Medina?
Tôi có nhìn thấy tướng Koster và toàn thể ban bệ của ông ta?
Tôi có nhìn thấy tổng thống Nixon?
Tôi có nhìn thấy cả hai viện Quốc hội?
Tôi có nhìn thấy những cử tri, anh cùng tôi?
Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg... Nuremberg từng là nơi đặt tòa án quốc tế xét xử bọn tội phạm chiến tranh trong thế giới thứ hai. Bài hát rất có giá trị nhân bản ở chỗ, nó cảnh giác mọi công dân Mỹ không nên vô tình mà đồng lõa với những hành động tội ác và góp phần ngăn chặn tội ác chiến tranh phải là trách nhiệm của mọi người, của mỗi người.
Góp phần cho nhân dân thế giới thấu hiểu và cảm thông với những nỗi đau nhức nhối của Sơn Mỹ, của Việt Nam, không thể không kể đến Võ Thị Liên. Võ Thị Liên năm ấy mới chỉ là cô bé 13 tuổi, là một trong số rất ít người dân Sơn Mỹ may mắn thoát khỏi bàn tay của tử thần. Năm 15 tuổi, Võ Thị Liên đã đến nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Liên Xô, các nước Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản... để kể những đau thương mà mình và đồng bào mình đã trải qua, làm xúc động hàng triệu trái tim trên thế giới. “Cô bé Sơn Mỹ” Võ Thị Liên đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau Sơn Mỹ, của nỗi đau Việt Nam và về sau chị luôn tích cực hoạt động cho từ thiện và hoà bình.