Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:25:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại Sơn Mỹ  (Đọc 25226 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:10:40 pm »


Tên sách: Nhìn lại Sơn Mỹ
Năm xuất bản:  1996
Số hoá: ptlinh,chuongxedap


Lời giới thiệu

Ngày 16/3/1968, một đơn vị quân viễn chinh Mỹ tiến vào Sơn Mỹ và tàn sát cùng một lúc 504 thường dân Việt Nam – phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em. Mười tám tháng sau, vụ thảm sát được phanh phui ở Mỹ, làm chấn động dư luận thế giới và lương tâm loài người. Khắp nơi trên giới người ta bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động tội ác dã man này và so sánh nó với Oradour, Guernica, Shapeville, Katin, Lidice, Hiroshima... là những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai. Thực vậy, Sơn Mỹ đi vào lịch sử như một trong những vết thương nhức nhối của nhân dân Việt Nam cũng như của cả nhân loại.

Nhân dân Việt Nam vốn độ lượng, khoan hòa, dù vết thương Sơn Mỹ chưa lành, vẫn xem là một chuyện quá khứ. Quan hệ Việt - Mỹ cũng đã trở lại bình thường. Tuy nhiên thế giới sau chiến tranh lạnh vẫn còn nhiều bất ổn. Nhìn lại Sơn Mỹ, một sự kiện hết sức đau thương của quá khứ, không phải để khơi gợi lại hận thù, mà để tìm hiểu một sự kiện lịch sử không thể bỏ qua và quan trọng hơn là để cùng cảnh giác, cùng nguyện cầu và phấn đấu cho hòa bình, để không còn nơi nào trên hành tinh chúng ta còn những thảm cảnh như Sơn Mỹ.

Với ý tưởng ấy, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc tập sách mỏng này với lời chúc bình yên, hạnh phúc.


                                                                                                                                            TẠ HIỀN MINH
                                                                                                                                              Nghệ sĩ ưu tú
                                                                                                                                 Giám đốc Sở VHTT Quảng Ngãi
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:43:54 pm »


1
TỪ SƠN MỸ ĐẾN “LÀNG HỒNG”

Nơi xảy ra vụ thảm sát vốn là một làng quê trong số nhiều làng quê nối tiếp nhau, im vắng trong xứ sở nông nghiệp Việt Nam thuở ấy. Làng quê này nằm giữa miền trung Việt Nam. Từ mé bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, trên Quốc lộ 1 nối liền cả thân dài của đất nước, có một tỉnh lộ dẫn về phía đông, lẩn quất theo tả ngạn sông Trà Khúc, đưa đến tận cửa Sa Kỳ. Phía Bắc của Sơn Mỹ là bán đảo Ba Làng An (Batanggang Peninsula). Phía nam Sơn Mỹ là cửa Đại Cổ Lũy, nơi sông Trà Khúc - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi - đổ ra biển. Cửa biển này từng đóng vai trò là một cửa khẩu quan trọng bậc nhất của tỉnh Quảng Ngãi với phương tiện thuyền buồm trong thời phong kiến thuở trước. Ở khoảng giữa hai cửa biển là xã Sơn Mỹ, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 13 km về hướng đông - đông bắc.

Đối với nhiều người nước ngoài, nhất là người phương Tây, sự tiếp liền giữa các làng mạc trùm mát bóng tre và những cánh đồng phẳng lỳ nơi đây khiến thật khó phân định địa giới, thậm chí có người xem đây là vùng bán khai, và đối với quân viễn chinh Mỹ, thì họ đã xem thường và tự tiện đặt tên cho vùng đất. Kỳ thực, vùng đất này được người Việt đến khai phá và kiến tạo trước Hoa Kỳ lập quốc ít nhất là hai thế kỷ, các địa giới làng xã nơi đây, cũng như trên toàn thể đất nước Việt Nam bốn nghìn năm văn hiến, đã hoàn toàn ổn định và rõ rệt. Trong thời thực dân phong kiến, vùng đất Sơn Mỹ nằm trong tổng Châu1, một trong bốn tổng của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi lật nhào được thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc bằng cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoạch định lại các đơn vị hành chính. Đơn vị tổng quá rộng được xóa bỏ và đơn vị nhỏ hơn được xác lập. Sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc tiếp tục chế độ dân chủ cộng hòa. Ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn tiếp quản. Được sự ủng hộ và khuyến khích của Hoa Kỳ, họ đã ra sức xóa sạch những thành quả của cách mạng Việt Nam, trong đó có việc đặt lại tên đất. Đơn vị huyện về cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng được gọi là quận; đơn vị thôn (dưới xã) được gọi là ấp. Riêng đơn vị xã bị đổi địa danh. Dưới chế độ Sài Gòn, xã Tịnh Khê mang tên là xã Sơn Mỹ, trong khi địa giới hành chính của nó vẫn được giữ nguyên như dưới thời chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đó (trước 1954).

Sông Trà Khúc

Xã Tịnh Khê (tức Sơn Mỹ) tây giáp xã Tịnh Thiện, Tịnh Long, bắc giáp các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, nam giáp sông Trà Khúc và cửa Đại Cổ Lũy, đông giáp biển Đông, với diện tích tự nhiên toàn xã xấp xỉ 20 km2. Xã có 4 thôn (tức ấp) là Tư Cung, Trường Định, Mỹ Lại và Cổ Lũy. Thôn Tư Cung nằm sâu trong đất liền, tức phía tây xã; với những cánh đồng xanh ngát. Thôn Trường Định ở phía nam, Thôn Mỹ Lại ở mạn bắc nhiều gò đất khô cằn, nghĩa địa chen lẫn với thôn xóm. Thôn Cổ Lũy ở phía đông, bị sông Kinh chảy theo hướng nam bắc cắt hẳn với đất liền khiến có địa hình “trước biển sau sông” với nhiều cồn cát, bóng dừa, rặng phi lao và bãi biển. Mỗi thôn có nhiều xóm nhỏ. Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 chủ yếu xảy ra ở xóm Thuận Yên (tức Xóm Làng) thôn Tư Cung (Mỹ Lai 4) và xóm Mỹ Hội thôn Cổ Lũy (Mỹ Lai 2).

Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi theo tỉnh lộ 624 (tức Highway 521) đến Sơn Mỹ, càng xuôi về biển, bạn càng trông thấy rõ những ngọn đồi lác đác trên một vùng bình nguyên phẳng lỳ. Bên phải là một dải đồi phân cách giữa Tịnh Khê và Tịnh Long. Đi vào đất Sơn Mỹ, thì sát bên hữu tỉnh lộ là Núi Voi (Elephant Hill, Hill 85), đối diện với nó, phía tả con đường, là con mương dẫn nước đã đẫm máu trong vụ tàn sát.

Đi lên đỉnh Đầu Voi, bạn sẽ thâu tóm được trong tầm mắt cả một vùng đồng bằng phẳng lỳ dưới chân, những ô ruộng ngang dọc như bàn cờ, các nẻo quanh dẫn về các xóm thôn lẩn khuất sau những hàng cây, những khu vườn xanh đặc, lác đác đó đây những gò đống, lùm bụi, bãi tha ma. Nhìn xuống hướng đông, bạn sẽ thấy một đại dương hùng vĩ, trầm lắng, không thôi xô sóng vào bãi cát vàng Cổ Lũy. Trên bờ, rặng phi lao đứng vững chãi trên bãi cát nóng bỏng chống lại sóng, gió. Vào những ngày đẹp trời, đứng ở đồi Voi cũng có thể thấy rõ dáng hình đảo Lý Sơn (cù lao Ré) như một ngọn đồi hùng vĩ của dãy Trường Sơn từ phía tây Quảng Ngãi trôi dạt ra và nằm ở giữa biển, cách đất liền 24 km. Đồi Voi từng bị quân đội Sài Gòn rồi quân Nam Triều Tiên và quân Mỹ thay nhau đóng đồn để chế ngự cả vùng đất.

Nhìn tổng quan thì Sơn Mỹ thuộc hạng làng quê đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi. Vẻ đẹp ấy phần nhiều nhờ sông, biển. Đẹp nhất là thôn Cổ Lũy “trước biển, sau sông”. Bãi biển Cổ Lũy (còn được gọi là Mỹ Khê) dài 7 km, cong hình lưỡi liềm, có cát vàng, rặng phi lao xanh sậm. Dòng sông Kinh chạy dọc phía sau thôn (suốt chiều dài từ nam đến bắc Sơn Mỹ), có bề rộng 500 mét, nước lên xuống theo thủy triều, lác đác có bần, đước, đặc biệt có những đám dừa nước ken dày. Bên trong thôn Cổ Lũy rợp mát bóng dừa. Thôn này hợp cùng thôn Cổ Lũy nam (nam Cửa Đại) được các nho sĩ xưa xếp hạng là một trong mười cảnh đẹp của Quảng Ngãi với cái mỹ danh “Cổ Lũy cô thôn”. Thôn Mỹ Lại dọc sông Kinh cũng hết sức nên thơ, khiến Trương Đăng Quế, vị quan đầu triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19, khi về hưu đã về sống cùng quê hương của ông nơi đây và tự hào cho rằng quê hương này đẹp chỉ sau kinh đô Huế.
_____________________________________________
1. Tương đương với các xã phía đông Sơn Tịnh ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:48:56 pm »


Nằm trong tỉnh Quảng Ngãi có tinh thần yêu nước rất sớm, đất này cũng sản sinh ra nhiều nhân kiệt. Đó là đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ cuối thế kỷ 18, là Trương Công Định, lãnh tụ phong trào kháng Pháp ngay từ khi quân viễn chinh Pháp khởi sự xâm lược Việt Nam (1859), là Trương Đăng Quế, vị quan hàng đầu dưới 3 triều vua Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) trong suốt 40 năm đầu thế kỷ 19.

Vị trí Sơn Mỹ trên bản đồ Nam Việt Nam

Dưới sự cai trị khắc nghiệt của thực dân phong kiến, khát vọng đổi đời của người dân Sơn Mỹ càng trỗi dậy mãnh liệt, cùng cả nước đứng dậy làm cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp tái xâm lược (1945-1954) Sơn Mỹ đã hiên ngang đứng trước đầu sóng ngọn gió cùng giữ gìn cho tỉnh Quảng Ngãi tự do.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sơn Mỹ là một trong những làng quê sớm giải phóng (1964) nhưng ngay sau dó (1965), quân viễn chinh Mỹ đã ồ ạt đổ vào miền Nam, và trong nhiều hoạt động quân sự, có việc ra sức đánh phá làng Sơn Mỹ.

Sơ đồ cuộc bao vây Mỹ Lai 4

Từ Tịnh Khê hiền hoà, có văn hiến đã lâu, Sơn Mỹ đã biến thành một bãi chiến trường dưới hỏa lực của đội quân xâm lược.

Dưới mắt của quân viễn chinh Mỹ, Sơn Mỹ là “vùng tự do bắn phá”, là xứ của người da đỏ Indian đáng khinh miệt, là Làng Hồng (Pinkville). Nó đã bị khoanh dấu đỏ trên bản đồ quân sự Hoa Kỳ.

Quả vậy, trên tấm bản đồ tác chiến tỉ lệ l/100.000 do công binh Mỹ ấn hành năm 1967 có khoanh một khu vực lớn bằng bút chì đỏ với dòng chữ:

Khu vực trách nhiệm LĐ2TQLC (Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến) Đại Hàn từ tháng 1/1967 đến 31/12/1967, giao lại TF Barker (Task Force Barker - Lực lượng Đặc nhiệm Barker), LĐ 11 (Lữ đoàn 11), Sư đoàn Americal kể từ ngày trên”.

Bên trong có một vòng đỏ nhỏ hơn khoanh lấy khu vực xã Sơn Mỹ và trong cùng là một chấm nhỏ với dòng chú thích: “Ấp Tư Cung, xã Sơn Mỹ

Vụ thảm sát chủ yếu xảy ra ở cái chấm nhỏ này, tức xóm Thuận Yên thôn Tư Cung, hay Mỹ Lai 4, hay Pinkville, như đã nói, và kẻ trực tiếp nhúng tay vào máu không ai khác chính là Lực lượng Đặc nhiệm Barker. Lực lượng này gồm 3 đại đội: đại đội Alpha (ký hiệu là A) thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 1, đại đội Bravo (ký hiệu là B), thuộc tiểu đoàn 4, trung đoàn 3, đại đội Charlie (ký hiệu C) thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 20 và một đơn vị pháo binh - Tất cả đều thuộc lữ đoàn 11. Trong đó đại đội Charlie là đại đội chủ công của vụ tàn sát đẫm máu ở Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 mà người thực hiện chính là trung đội 1. Chỉ huy trưởng đại đội Charlie là đại úy Ernest Medina, sinh năm 1936, ở bang New Mexico, vốn rất hăng máu giết “Việt cộng” nên được đồng đội gán cho cái tên giễu là “Medina chó điên” (Mad dog Medina) từ hồi còn tập luyện ở đảo Hawaii. Chỉ huy Trung đội 1 là trung úy William Calley, có cái tên giễu là “Calley cáu giận” (Rusty Calley). Cũng như nhiều đơn vị lính Mỹ khác, đại đội Charlie đã từng bắn giết lẻ tẻ các thường dân Việt Nam cũng như phá hoại nhà cửa, mùa màng. Có nhiều lời khai báo cho thấy vụ hành quyết tập thể dân làng Sơn Mỹ đã được đại úy Medina ban bố trong cuộc họp ngay từ đêm hôm trước, tức 15/3/1968.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:24:21 pm »


2
BUỔI SÁNG KHỦNG KHIẾP

Tảng sáng ngày 16/3/1968, như lệ thường, người dân Sơn Mỹ dậy sớm lo cơm nước để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Nhiều gia đình đang tụ tập bên mâm cơm. Một vài người đã lên đường đi chợ hoặc vác cuốc ra đồng. Một buổi sáng mùa xuân, có tiếng chim hót, đôi tiếng gà gáy muộn cùng với tiếng người gọi nhau đi làm. Cây xanh trong làng phớt một chút sương mai khiến cảnh vật ở đây có vẻ mơ màng đáng yêu, có vẻ đẹp giản dị và yên tĩnh.

Nhưng cái khoảnh khắc bình yên đó bỗng chốc bị phá vỡ. 5 giờ 30 phút, các tràng pháo đủ cỡ từ núi Răm, Bình Liên (huyện Bình Sơn), chi khu Sơn Tịnh và Tiểu khu Quảng Ngãi nhất loạt dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Mặt đất rung chuyển dữ dội cùng những tiếng nổ đinh tai nhức óc, tiếng cây gãy, tiếng gà vịt kêu, tiếng người kêu khóc thất thanh. Đợt pháo kéo dài chừng 30 phút vừa dứt thì hai chiếc trực thăng HU.1A bay đến, quần đảo nhiều vòng, tới tấp khạc đạn rốc-két và đại liên vào các tụ điểm dân cư của hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy. Kế đó, một tốp trực thăng 9 chiếc từ hướng Chu Lai (căn cứ Mỹ nằm ở hướng bắc) bay vào, đổ quân xuống vạt ruộng phía tây thôn Tư Cung, một tốp trực thăng 11 chiếc đổ quân xuống bãi đất trống gần xóm Gò, thôn Cổ Lũy.

Lính Mỹ bắt đầu tiến vào làng

Những người dân lành đang ẩn nấp trong các hầm tránh pháo, đang ăn sáng trong các túp lều hay đang ở ngoài đồng ai cũng tưởng đây chỉ là cuộc càn quét bình thường như mọi khi, không ai biết số mệnh của mình và đồng bào mình ngay từ lúc này đã bị định đoạt.

Tại thôn Cổ Lũy, vừa bước ra khỏi máy bay, một trung đội của đại đội Bravo đã xông vào xóm Mỹ Hội. Lính Mỹ chia thành nhiều tốp, sục đến từng nhà, tìm đến từng hầm. Nhà bị sục đầu tiên là nhà ông Lệ lúc trong hầm nhà này có 15 người đang trú ẩn. Thấy lính Mỹ kéo đến, 8 người trong hầm bước ra, liền bị xả súng bắn, tất cả đều ngã gục, xác đè lên nhau. Lính Mỹ tiếp tục đặt mìn giật tung hầm, giết nốt những người còn lại, xác những nạn nhân này bị nát nhừ. Một tốp lính Mỹ khác kéo vào nhà chị Trinh kế cận. Con chị Trinh là cháu Đức 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị bắn chết khi miệng cháu còn ngậm đầy cơm. Giết xong cháu bé, tốp lính Mỹ đặt mìn giật tung hầm giết chết cả thảy 7 người gồm mẹ con chị Trinh và ba mẹ con chị Hòa, không một ai được toàn thây. Một sản phụ là chị Võ Thị Mại vừa mới sinh hôm trước, sức yếu không kịp xuống hầm trú ẩn, đã bị lính Mỹ lột hết quần áo, đè xuống hãm hiếp cho đến chết. Đứa bé sơ sinh gào khóc thê thảm và hai đứa con chị đang núp trong hầm cũng bị gọi ra bắn chết. Chị Ngôn có mang đến gần ngày sinh cũng bị hãm hiếp, hiếp xong lính Mỹ dùng lưỡi lê đâm thủng bụng, bào thai lòi hai chân ra ngoài. Ba đứa con của chị thấy vậy sợ quá khóc thét, cũng bị lính Mỹ xả súng bắn. Chị Võ Thị Phụ bị bắn chết đang lúc cho con bú, đứa trẻ vừa khóc thét vừa bò tới nhay vú mẹ. Lính Mỹ nói “vi-xi”, “vi-xi” rồi chất tranh lên cả hai mẹ con, châm lửa đốt, thiêu rụi luôn cả căn nhà. Hai mẹ con bị lửa thiêu co quắp cả chân tay, bộ xương của cháu bé vẫn còn nằm nguyên trên xác mẹ.

Tương tự như vậy, hai chị em gái Ngô Thị Mùi, Ngô Thị Một bị bốn lính Mỹ lôi ra khỏi hầm, thay nhau hãm hiếp, hiếp xong xô hai chị em vào lại trong hầm, giật mìn giết luôn cả 4 đứa con nhỏ của chị Mùi trong đó. Gia đình ông Võ Mãi có 4 người bị giết sạch. Hầm nhà ông Võ Toan có 6 người, bị lính Mỹ ném lựu đạn vào giết chết 4 người. Hầm nhà bà Nguyễn Thị Thi bị đánh sập, có 2 bà già và 6 em nhỏ bị chết, chỉ sót lại một cháu bé 10 tuổi bị thương nặng. Trong số 16 gia đình khác trong xóm có 7 cụ già, 12 phụ nữ, 17 trẻ em dưới 15 tuổi đều bị bắn chết bằng súng trường, súng tiểu liên, mìn và lựu đạn. Nhiều người chết không toàn thây. Nhà cửa trong xóm đều bị thiêu hủy, cây cối đổ gãy, đồ dùng đều hư hại, trâu bò gà vịt đều bị giết sạch. Chỉ trong thoáng chốc, cả một xóm thôn trù phú đã biến thành một vùng đất chết: có 97 người bị tàn sát, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.

Lính Mỹ bắt đầu thể hiện công nghệ

Tại thôn Tư Cung, đại đội Charlie do đại úy Ernest Medina chỉ huy vừa đổ quân xuống đã vây lấy xóm Thuận Yên. Các trung đội 2 và 3 chia nhau chặn các ngả đường, càn qua các ruộng lúa, vừa đi vừa nổ súng vào bất cứ người dân nào chúng bắt gặp. Còn trung đội 1 do trung úy William Calley chỉ huy thì xông thẳng vào làng thực hiện cuộc bắn giết thường dân, trong khi chúng không hề gặp một hỏa lực nào bắn trả lại chúng. Tổn thất duy nhất của lính Mỹ hôm ấy là anh lính da đen Herbert Carter, người không chịu đựng nổi cảnh giết chóc man rợ, nên đã tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia vào hành động tội ác. Sau này Carter kể rằng vụ bắn giết ở Tư Cung bắt đầu ngay khi lính Mỹ rời máy bay trực thăng đổ bộ xuống khoảnh ruộng ở rìa làng: “Tôi thấy một cụ già đứng giữa ruộng vẫy tay tỏ vẻ thân thiện, nhưng bị lính Mỹ hạ sát ngay... Vào trong làng tôi chẳng thấy một Việt cộng nào cả, chỉ toàn là những nông dân chạy khỏi những túp lều bị đốt và bị lính Mỹ bắn chết. Một số lính Mỹ đặc biệt thích thú trong việc giết người này: Mỗi xác người ngã xuống là chúng lại kêu toáng lên: “Ghi cho tao một bàn nữa”. Cánh quân trung đội 2 do trung úy Stephen Brooks chỉ huy sự bắn giết cũng chẳng khác gì hơn. Simpson, lính của trung đội này, kể: “Tôi thấy một phụ nữ bế con chạy về phía làng. Tôi đã được lệnh bắn bất cứ cái gì di động. Người phụ nữ cách tôi chừng 20 thước Anh (hơn 18 mét). Tôi bắn chết người đàn bà và đứa bé. Nó chừng hai tuổi”. Simpson thú nhận rằng hôm ấy y đã giết ít nhất 10 người. Số người bị giết đầu tiên là các nông dân, là trẻ em đi chăn trâu ngoài đồng trước lúc máy bay đổ quân, chủ yếu là dân của hai xóm Bình Đông, Bình Tây. Song cuộc tàn sát dữ dội nhất phải kể là tại xóm Thuận Yên (Mỹ Lai 4).
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:38:52 am gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:34:40 pm »


Tháp tùng với đại đội Charlie hành quân vào “Làng Hồng” hôm đó có Ronald Haeberle, trung sĩ, nhiếp ảnh viên quân đội Mỹ. Theo thời hạn quân ngũ, Haeberle chỉ còn 11 ngày nữa sẽ được về nước và giải ngũ. Chắc anh cũng không ngờ rằng mình sẽ thành một chứng nhân quan trọng góp phần đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới. Hôm ấy Haeberle mang theo 3 máy ảnh, 2 chiếc lắp phim đen-trắng và 1 chiếc lắp phim màu. Sau vụ thảm sát, Haeberle nộp 40 bức ảnh đen-trắng cho quân đội, còn 18 bức ảnh màu thì giữ lại cho mình. Mười tám tháng sau, khi vụ thảm sát được phát giác ở Mỹ, Haeberle đã công bố các bức ảnh màu này khiến chính quyền Mỹ hết đường chối cãi. Kèm theo 18 bức ảnh là những lời kể hết sức chi tiết và rõ rệt của tác giả. Haeberle kể trên tạp chí Mỹ Đời sống (Life): “Tôi đến đại đội C lúc 6 giờ sáng ngày 16/3/1968, trước lúc mặt trời mọc. Không ai giải thích gì cho tôi về cuộc hành quân này. Vừa ra khỏi máy bay trực thăng, tôi đã nghe tiếng súng nổ ran. Liếc sang bên cạnh, thấy những thân người ngã gục, nhưng tôi không quay lại. Một số thường dân Việt Nam, chắc khoảng 15 người, phần lớn là đàn bà và trẻ con, đang đi trên đường, cách đó chừng 100 thước Anh. Bất thình lình lính Mỹ bắn vào họ bằng súng M.16 và cả súng phóng lựu M.79. Trước cảnh tượng ấy, tôi không dám tin vào chính mắt mình nữa”. Ở một chỗ khác, Haeberle kể, “Ngay phía bên phải, tôi thấy một người đàn bà, đầu chị ta nhấp nhô khỏi một bụi rậm. Tất cả lính Mỹ ở đó lập tức nhằm vào đó mà bắn, bắn mãi không thôi, người ta có thể thấy từng mảnh thịt xương bay lên tung tóe”.

Cảnh xác người nằm trên đường

Và đây một cận cảnh khác


Trung đội 1 của Calley là đơn vị đầu tiên xông vào xóm Thuận Yên và triển khai cuộc tàn sát có kế hoạch, có phương pháp, trong đó lính Mỹ được chia thành nhiều tốp, tỏa đi các hướng, nhóm này thì bắn giết, lùng bắt dân, nhóm khác đốt nhà, giật mìn đánh sập các hầm trú ẩn, nhóm nọ lại bắn giết trâu bò, chặt phá cây cối. Cũng như ở xóm Mỹ Hội thôn Cổ Lũy, lính Mỹ ở đây cũng đạt tới đỉnh cao của sự huỷ diệt. Các bức ảnh của Haeberle đã ghi lại rành rành những cảnh đó.

Đốt và giết sạch

Lúc lính Mỹ xông vào nhà thì gia đình bà cụ Nguyễn Thị Đốc đang tụ tập bên mâm cơm sáng - chỉ là cơm nguội với củ lang. Lính Mỹ bất thần xông đến, bắn xối vào mâm cơm. 9 người đã chết: gồm chồng bà, vợ chồng người con trai trưởng, đứa con gái và các cháu nội, ngoại. Đứa cháu nội đầu văng lông lốc mà miệng vẫn còn ngậm chặt củ khoai lang. Chính bà, nhờ bị thương nằm im ở đó và ba đứa cháu nhờ chưa ngồi vào mâm cơm đã thoát chết. Cạnh nhà bà cụ Đốc là nhà ông Đặng, cả 6 người trong gia đình cũng đang ngồi bên mâm cơm thì bị lính Mỹ kéo vào nổ súng bắn chết hết và thiêu rụi luôn căn nhà. Gia đình cụ Lê Lý 7 người đều bị lính Mỹ lùa xuống hầm rồi giật mìn giết sạch. Gia đình ông Liên 5 người, gia đình ông May 6 người, gia đình ông Nguyên 4 người cũng không còn ai sống sót.

Giếng nước và xác người

Ông cụ Trương Thơ, lúc ấy đã 72 tuổi, bị lính Mỹ tóm lấy râu lôi từ nhà ra sân, bị đánh nhừ tử. Lính Mỹ cắt cả chòm râu lẫn cằm dưới của cụ, xô cụ xuống giếng rồi ném lựu đạn theo. Cụ Mục Lại cũng bị bọn lính vặt râu làm trò cười rồi bị bắn chết. Trong một bức ảnh Haeberle chụp một cụ già ngồi xệp dưới đất, mắt nhìn thẳng căm uất, tác giả kể: “Người đàn ông này đã già và đi lại khó khăn, run rẩy tựa hồ không đứng vững nổi. Ông ta nhìn như muốn kêu lên. Vừa quay đi, tôi nghe hai phát súng nổ”.

Với trẻ em, lính Mỹ cũng không chùn tay tàn sát. Một phóng viên khác của quân đội Mỹ cũng đi theo cuộc hành quân là anh Jay Roberts, kể, “Một đứa trẻ nhỏ xíu chỉ mặc một chiếc áo ngắn đang bò lê trên đống xác chết và nắm lấy bàn tay của ai đó, chắc là mẹ nó. Một lính Mỹ đi sau tôi quì xuống và bắn chết nó bằng một phát đạn”. Một trong các bức ảnh gây niềm thương tâm sâu sắc nhất trong dư luận là cảnh hai em bé nằm sấp trên đường bên một thửa ruộng với lời kể của Haeberle: “Khi hai đứa bé bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để che chở em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai”. Một cảnh tượng thương tâm khác, Haeberle kể: “Một đứa trẻ chập chững bước lại chỗ chúng tôi. Nó chẳng hề kêu khóc một tiếng”. Haeberle quì xuống chụp ảnh đứa bé. Một lính Mỹ cũng quì xuống bên cạnh rồi “bắn ba loạt đạn vào đứa bé. Loạt đầu đẩy bật nó ra sau, loạt thứ hai hất nó tung lên, loạt thứ ba quật nó ngã sấp. Sau đó tên lính thản nhiên đứng dậy bước đi”.

Hai đứa trẻ trên đường làng

Đối với phụ nữ, trước khi giết chết một cách man rợ, lính Mỹ đã giở những trò thú vật ghê tởm. Em Phạm Thị Mùi mới 14 tuổi bị nhiều tên lính thay nhau hãm hiếp bên cạnh xác người mẹ vừa bị bắn chết cùng đứa em thơ. Hiếp xong, lính Mỹ đẩy em vào nhà rồi châm lửa đốt. Mỗi lần Mùi cố bò ra, bọn lính lại xô vào nhà cho đến khi em bị lửa thiêu chết mới thôi. Lửa cũng thiêu cháy luôn xác của mẹ và đứa em thơ bên cạnh. Em Đỗ Thị Nguyệt, hồi ấy 12 tuổi, bị mổ bụng. Bà cụ Trương Thị Dậu 60 tuổi bị hai lính Mỹ hiếp trước khi bị giết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:42:18 pm »


Một trong những tấm ảnh màu của Haeberle đăng trên tạp chí Mỹ Đời sống số ra ngày 19/1/1970 là cảnh một tốp phụ nữ và trẻ em Việt Nam đứng tụm lại với nhau, kèm lời thuật: “Haeberle và Roberts chăm chăm nhìn bọn lính tiến lại gần một tốp phụ nữ và trẻ em - trong đó có một cô bé độ 13 tuổi, mặc bộ quần áo bà ba đen. Một gã lính Mỹ tóm lấy em và được mấy tên kia giúp sức, lột quần áo em ra.

- Thử xem người ngợm nó ra sao. Một tên nói.

- Vi-xi bum-bum - Một tên khác nói, ý bảo rằng cô bé này là gái điếm của Việt cộng.

- Tao thèm con bé này quá - Tên thứ ba nói.

Chúng lột quần áo cô bé trong khi chung quanh xác đổ, nhà cháy. Mẹ cô bé ra sức cào cấu bọn lính để cứu lấy con (...) Một tên lính đá đít bà, tên khác tát bà túi bụi.

Haeberle nhảy tới chụp ảnh tốp phụ nữ. Trong ảnh ta thấy em bé gái núp sau mẹ, đang tìm cách cài cúc áo nơi ngực...

Một tên lính hỏi:

- Nào, ta làm gì em1 đây?

- Giết em đi, Một tên nào đó trả lời.

Tôi nghe một loạt đạn M.60 nổ - Roberts kể - và khi chúng tôi quay lại thì cả tốp phụ nữ lẫn con cái họ đều chết cả”.

Đây là những "kẻ địch" của lính Mỹ

Nhà sư trụ trì tại ngôi chùa nhỏ ở xóm Thuận Yên là Thích Tâm Trí (Đỗ Ngộ) cũng bị sát hại thê thảm. Sledge, lính truyền tin của trung đội 1 kể: “Một người mặc áo nhà sư được dẫn đến chỗ trung úy Calley. Ông ta ra hiệu như muốn nói: không phải Việt cộng. Calley hỏi người đó vài câu nhưng ông ta chỉ lắc đầu và nhắc đi nhắc lại: không phải Việt cộng. Kế đó Calley dùng báng súng đánh vào mồm nhà sư. Ông ta ngã ngửa ra và xua tay như muốn thanh minh. Trung úy Calley chĩa thẳng họng súng vào mặt nhà sư và bóp cò. Nửa đầu ông ta vỡ toác ra”.

Sự man rợ của lính Mỹ thể hiện cao độ khi chúng gom dân lại và tàn sát tập thể hàng chục, hàng trăm người cùng một lúc, đặc biệt là ở chỗ bãi đất trống cạnh chòi canh gần nhà ông Nguyễn Nhiều và ở con mương cuối xóm Thuận Yên (bây giờ là rìa phía đông của khuôn viên nhà Chứng tích Sơn Mỹ). Những câu trả lời phỏng vấn sau đây của Paul Meadlo - nguyên là lính của Calley - đối với hãng truyền hình Mỹ CBS cho thấy một phần diễn tiến của những cảnh tượng hãi hùng đó:

Hỏi: Có bao nhiêu người bị các anh tập trung lại?

Meadlo: chừng 40, 50.

Hỏi: Những người như thế nào?

Meadlo: đàn ông, đàn bà, trẻ em và trẻ sơ sinh. Chúng tôi bắt tất cả ngồi xổm. Trung úy Calley bảo chúng tôi: “Có biết làm gì bọn này không?” Tôi đáp có và ngỡ rằng Calley dặn tôi phải canh chừng những người kia. 10, 15 phút sau, Calley quay lại hỏi: “Sao mày không giết chúng nó đi? Tao muốn chúng nó phải chết” rồi Calley lùi lại vài bước và bắt đầu bắn, y bảo chúng tôi bắn. Tôi đã bắn 4 băng đạn M.16.

Hỏi: Lần đó anh giết bao nhiêu người?

Meadlo: Súng tự động cứ lia vào người đứng. Chắc lần đó tôi đã giết chừng 10 đến 25 người.

Hỏi: Toàn đàn ông, đàn bà và trẻ em chứ?

Meadlo: Đàn ông, đàn bà, trẻ em. Và cả trẻ sơ sinh. Rồi chúng tôi bắt gặp thêm 7, 8 người trong làng. Chúng tôi dồn họ vào một túp lều, ném lựu đạn vào đó. Chúng tôi lại dẫn 7, 8 người khác đến một con mương đã có 70, 80 người, viên trung úy đẩy họ xuống rãnh rồi xả súng theo.

Hỏi: Cũng đàn ông, đàn bà, trẻ em?

Meadlo: Đàn ông, đàn bà, trẻ em và trẻ sơ sinh. Tôi đã tận mắt trông thấy chừng 350 người bị giết như thế.

Hỏi: Bây giờ anh nghĩ gì về việc làm đó?

Meadlo: Việc làm đó khắc sâu trong lương tâm tôi và còn đeo đuổi tôi suốt đời. Nhưng ngay hôm sau, Chúa đã phạt tôi. Tôi giẫm phải mìn và cụt mất một chân.
____________________________________
1. Em: Tiếng Việt trong nguyên bản tiếng Anh
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:45:22 pm »


Không riêng gì Meadlo, anh lính truyền tin Sledge cũng kể: “Tôi theo trung úy Calley đến cái mương ở rìa phía đông làng. Ở đó chúng tôi gặp trung sĩ Mitchell. Calley nói điều gì đó với Mitchell, tôi không rõ. Sau đó cả hai người dùng báng súng đẩy dân làng xuống cái mương rồi bắn họ. Bỗng có người nào đó kêu lên: “Một đứa bé kìa”. Tôi thấy một đứa trẻ, không rõ trai hay gái, đang chạy về phía làng. Một đứa bé tí xíu. Trung úy Calley đuổi theo, tóm lấy nó, đẩy nó xuống mương rồi bắn theo”. Một lính Mỹ khác còn khai rõ rằng, anh ta đã nhìn xuống con mương thấy xác người chồng chất trong vũng máu, toàn là người già, phụ nữ và trẻ em. Trung úy Calley đang bắn những người còn sống đang đứng hoặc quì trong lòng mương. Sau đó y bắn tiếp tốp dân làng mới bị điệu đến. Những tốp lính Mỹ cứ tiếp tục giải từng nhóm dân làng đến, lùa họ xuống mương rồi quay đi, để cho Calley đứng mãi ở đó nổ súng suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Con mương dẫn nước đã biến thành hố huyệt đầy những xác người với máu đỏ ngập dòng. Tuy nhiên, vẫn còn một chút may mắn là một ít người đã từ cõi chết trở về và kể lại nỗi hãi hùng của họ, không một chút sai lệch với những lời khai khác. Đó là cụ Trương Châu, hồi ấy 75 tuổi, cô Đỗ Thị Tuyết, 16 tuổi, anh Đỗ Ba, 24 tuổi, Trương Liêm 20 tuổi nhờ xác người đè lên mà thoát chết. Các anh Đỗ Ba, Trương Liêm thoát chết trong cuộc bắn giết của lính Mỹ ở tháp canh đã kể lại những cảnh tàn sát tương tự như ở con mương nước: lính Mỹ điệu dân đến, gôm lại bên dây thép gai, hiếp dâm phụ nữ, rồi chúng lùi lại chừng 15 thước và dùng đại liên bắn xả vào đám đông, xác người đổ lên nhau chồng chất.

Tiếp theo trung đội 1 của Calley, các trung đội khác của đại đội Charlie sau khi bao vây và bắn chết những người dân chạy trốn, lại quét qua xóm và làm nốt những việc còn lại. Lính của trung đội 3 là Michael Terry kể: “Billy và tôi bắt đầu bữa ăn trưa, nhưng ngay gần chỗ chúng tôi ngồi là những xác người Việt Nam chồng chất trên vũng máu, trong đó vẫn còn vọng ra nhiều tiếng rên. Calley đã qua đây trước chúng tôi và hết thảy những người kia đều bị bắn, nhưng vẫn có người chưa chết hẳn... Thế là chúng tôi kết liễu đời họ rồi trở lại chỗ ngồi để ăn trưa”. Terry kể thêm, số người sống sót lại bị lùng sục để bắn chết không chừa một ai còn sống. Cả gia súc cũng vậy.

Mặc dù về sau, đứng trước tòa, Calley cố chối quanh về tội lỗi của y nhưng sự thật về những hành vi tội ác của y đã quá rõ. Còn đại đội trưởng đại đội Charlie? Medina nói rằng y không hề ban lệnh tàn sát thường dân và cũng không hề biết có cuộc tàn sát (!). Dĩ nhiên đã có nhiều bằng chứng ngược lại.

Đốt sạch

Và giết không từ một ai

Hôm 16/3/1968, có hai thông dịch viên người Việt là trung sĩ Dương Minh và trung sĩ Nguyễn Đình Phú cũng đi theo cuộc hành quân. Trung sĩ Phú kể rằng ngay trong đêm 15/3/1968, ở Bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Barker, suốt đêm lính Mỹ được cho uống bia. Khi đêm sắp tàn thì họ đã quá say. Có người nói với anh rằng đã có lệnh trong cuộc hành quân hôm sau sẽ tàn sát hết dân làng, không được để một vật gì còn sống sót. Trung sĩ Phú nửa tin nửa ngờ. Tuy nhiên anh nghĩ rằng chỉ do quá say nên người ta nói bâng quơ vậy thôi, không ngờ đó lại là sự thật. Trung sĩ Phú là người theo sát Medina và bộ chỉ huy đại đội Charlie hôm ấy. Mười năm sau, anh kể: “Khi tiếng súng trong làng bớt dần thì họ (Bộ chỉ huy đại đội C) chuyển vào làng... bằng con đường vòng về phía bên phải. Đến một khúc quanh, thấy một em bé nằm chết sát dậu, bên đường, đầu bể nát, tôi nghĩ có lẽ em bé bị bắn với theo bằng một quả M.79. Đến một ngã ba đường, một hình ảnh quá ghê rợn lại đập vào mắt tôi: một đống xác chết nằm ngổn ngang trên mặt đường, già có, trẻ có, đàn ông có, thậm chí có những em bé hãy còn bú sữa mẹ”. Trung sĩ Dương Minh hồi ấy 26 tuổi, cũng 10 năm sau, anh kể: “Sau khi chứng kiến cảnh giết chóc khủng khiếp, tôi đến gặp Medina và dùng lời lẽ nhẹ nhàng để phản đối việc đồng bào trong làng bị bắn chết cũng như súc vật và nhà cửa bị thiêu hủy. Medina trả lời tôi: “Họ toàn là kẻ thù” (All are enemies). Tôi mới hỏi: “Đại úy thừa biết là một quân nhân Hoa Kỳ (GI) không nên và không có quyền hạ sát một người dân không có vũ trang và không có hành động chống lại”. Medina nói là họ đã chống lại lính của ông ta. Tôi vặn lại: nếu họ chống lại thì tất có vũ khí mà quân của ông thu được sau khi họ chết, hoặc lính của ông phải bị tổn thất, mà cả hai điều ấy đều không có, vậy thì tất cả những người bị giết đều không phải kẻ địch. Cuối cùng, Medina trả lời rằng y đã được lệnh làm như vậy (I had ben ordered to do so), không được hỏi gì cả”. Medina tỏ vẻ bực mình và Dương Minh liền bị đưa đi chỗ khác.

Một số lính Mỹ cũng xác nhận Medina ở trong khoảng cách có thể trông thấy lính Mỹ tàn sát dân làng và chính y cũng đã trực tiếp nhúng tay vào máu. John Paul, lính truyền tin của Medina, kể rằng anh ta đã trông thấy 5 người Việt Nam bị bắn gục trên ruộng lúa, trong đó có một người đàn bà còn sống và Medina đã kết liễu cuộc đời chị ta bằng một phát đạn”. Binh nhì Pendleton: “Cuộc bắn giết sắp đến hồi kết thúc. Một số lính Mỹ đang bắn vào những dân làng còn sống sót. Một đứa bé đứng giữa một đống xác chết chừng 15 người, hình như đang tìm ai. Và đại úy Medina đã bắn chết nó”.

Hắn đã không nhìn thấy


Viên chuẩn úy phi công trực thăng Hugh Thompson cũng có nhiệm vụ bay trên bầu trời Sơn Mỹ hôm ấy, kể rằng, thấy những thường dân bị thương bên dưới, anh ta đã dùng trái khói đánh dấu mong bộ binh chạy đến cứu giúp. Không ngờ có một viên đại úy gần đó bước tới, kết liễu cuộc đời người ấy bằng một phát đạn. Sau này, Thompson nhận diện ra viên đại úy ấy là Medina.

Một lời khai khác của một người lính dưới quyền Medina, John Kinch, đã cho thấy thêm bản chất của viên đại úy: “Ngày hôm sau (vụ thảm sát), chúng tôi ra bờ biển và bắt được 4 người tình nghi, trong đó có một đứa trẻ. Tất cả đã bị tra tấn một cách ra trò. Sau đó đại úy Medina ra lệnh nhét giẻ vào mồm đứa trẻ và trói nó vào một gốc cây. Rồi ông ta đứng để chụp ảnh, một tay cầm quả dừa đưa lên miệng uống, tay kia cầm con dao nhọn chĩa vào cổ họng đứa bé”.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:42:39 am gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:50:37 pm »

Khi đại đội Charlie của Medina rút đi, Sơn Mỹ đã chìm trong khói lửa, chết chóc. Lửa tràn thôn xóm, khói cuộn mù trời, máu ngập đỏ lòng mương, lai láng trên ruộng lúa, đường làng. Xác người ngổn ngang ngoài ngõ xóm, trên nền nhà cháy trụi, bên miệng hầm lở sập. Chỉ riêng ở thôn Tư Cung, trong vòng buổi sáng ấy, lính Mỹ đã giết hại 407 người, hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em. Có 24 gia đình bị giết sạch. Riêng ở con mương cuối xóm Thuận Yên, lính Mỹ đã tàn sát tập thể 170 người.

Một thú vui man rợ

Nơi Nhà Chứng tích Sơn Mỹ xây dựng gần con mương cuối xóm Thuận Yên hôm nay có một bản kê sau đây với đầy đủ tên tuổi của các nạn nhân của vụ thảm sát năm ấy:

Tổng số người bị sát hại: 504 người.

Trong đó có: 182 phụ nữ (có 17 người đang mang thai), 173 trẻ em (có 56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi, 89 trung niên.

Về của cải: có 247 căn nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết.

Tuy nhiên, di hại của vụ thảm sát không chỉ có bấy nhiêu. Còn có nhiều người khác mang vết thương khó lòng chữa khỏi về thể chất lẫn tinh thần không thể thống kê nổi.

Hậu quả của vụ thảm sát năm nào vẫn còn âm ỉ, nhức nhối trong lòng những người dân quen sống hiền hòa, thầm lặng nơi đây.

Mệnh lệnh là không để một ai được sống
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2009, 08:46:18 am gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:54:16 pm »


3
TÒA ÁN CỦA LƯƠNG TRI LOÀI NGƯỜI

Ngay sau vụ quân Mỹ thảm sát thường dân Sơn Mỹ rút đi, cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã trở về Sơn Mỹ, cùng số đồng bào còn sống sót chôn cất người chết, cứu chữa những người bị thương và gây dựng lại xóm làng đã tan hoang đổ nát. Ngày thứ 9 sau vụ thảm sát, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Trung bộ ra tuyên bố khẩn cấp kịch liệt tố cáo tội ác của lính Mỹ ở Sơn Mỹ. Ngày 16/4/1968, phái đoàn đại diện Thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội họp báo công bố bản tuyên bố đó. Đầu tháng 5/1968, Thông tấn xã Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng phát đi một bức thư của Hội phụ nữ Giải phóng xã Sơn Mỹ trong đó tường thuật nhiều chi tiết cụ thể, chân thật về vụ thảm sát. Ngày 15/5/1968, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự cuộc hội đàm hòa bình ở Paris phát hành hai ấn bản Pháp ngữ Sud Vietnam en Lutte (Nam Việt Nam chiến đấu) và Bullitin du Vietnam (Bản tin Việt Nam) một lần nữa lại tố cáo vụ thảm sát đẫm máu này.

Tuy nhiên, do quân đội Mỹ ở Việt Nam và chính quyền bù nhìn Sài Gòn cố tình che dậy, bưng bít nên phải mất hơn 18 tháng sau vụ thảm sát, nhân dân Mỹ và thế giới mới được biết rõ về vụ Sơn Mỹ.

Trong đống tài liệu mà ngụy quyền ở Quảng Ngãi không kịp thủ tiêu trước khi rút chạy (tháng 8/1975) có một tờ trình đề ngày 18/3/1968 gửi trung tâm Dân ý vụ Quảng Ngãi trong đó có đề cập khá cụ thể vụ Sơn Mỹ diễn ra ngay hai hôm trước, kể rằng lính Mỹ đã bắn giết 427 thường dân tại Sơn Mỹ. Ngày 28/3/1968, 12 ngày sau vụ thảm sát, viên trung úy quận trưởng Sơn Tịnh Trần Ngọc Tấn có công văn số 181/HC/ST/M gửi nên Trung tá tỉnh trưởng Quảng Ngãi nói rằng khi quân Mỹ tiến vào Sơn Mỹ thì “hỏa lực địch bắn ra rất nhiều” và “sự giao tranh không làm sao tránh khỏi chết chóc”, “Cộng sản có thể xuyên tạc nhằm làm giảm uy tín quân đội đồng minh (Mỹ)”. Ngụy quyền Sài Gòn còn cho một mật vụ đến hù dọa trung sĩ Dương Minh khi anh này có ý định viết bài về vụ thảm sát đưa lên báo chí.

Về phía quân Mỹ, ngay sau vụ thảm sát, các cấp chỉ huy đã bóp méo sự thật để nó biến thành một chiến thắng lớn. Văn phòng sư đoàn Americal ở Chu Lai đóng ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi dựa vào tường trình của Lực lượng Đặc nhiệm Barker đã chuyển tin ngay vào Sài Gòn trong đêm 16/3/1968 để sáng hôm sau phát cho hàng trăm phóng viên ở đó. Bản tường trình viết rằng binh sĩ Mỹ “đã mở một cuộc hành quân vào làng Mỹ Lai. Cuộc giao chiến đến tận quá trưa. Kết quả: 128 lính địch bị giết, 13 tên khả nghi bị bắt, 3 súng bị tịch thu”. Dựa vào nguồn tin do các phóng viên thường trú ở Sài Gòn cung cấp, tin này được đăng trên trang nhất tờ Thời báo New York và nhiều báo khác ở Mỹ. Về phần mình, bảng tin hàng tuần Chữ thập phương Nam của sư đoàn Americal cũng đăng một bài dài kèm các bức ảnh đen trắng của Haeberle chụp các lính Mỹ trong tư thế chiến đấu để ca ngợi “chiến thắng” Sơn Mỹ. Một bản tường trình từ Sài Gòn cũng được gửi về Lầu Năm Góc ngay trong đêm 16/3/1968.

Chỉ vài ngày sau sự vụ, tướng William Westmoreland, chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ ở Việt Nam đã gửi một bức điện khen ngợi đại đội Charlie:

“Cuộc hành quân Muscatin (mật danh cuộc xạ kích vào Mỹ Lai 4) chạm địch ở đông bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi và đã giáng cho quân thù một đòn trí mạng. Xin chúc mừng các sĩ quan và binh sĩ của đơn vị C-1-20 (đại đội Charlie, tiểu đoàn 1, trung đoàn 20) vì những hành động xuất sắc”.

Ba tháng sau, Barker, chỉ huy trưởng của Lực lượng Đặc nhiệm, đã toi mạng trong một vụ rơi trực thăng, nên y khỏi phải ra trước tòa và công luận để trả lời về vụ bịp bợp trắng trợn này.

Song song với việc công bố “chiến thắng”, các sĩ quan Mỹ đã tìm mọi cách bưng bít sự thật. Không phải ai trong đại đội Charlie cũng đồng tình với những hành động tàn bạo. Harbert Carter tự gây thương tích ngay tại hiện trường, Michael Bernhardt và một số lính Mỹ khác đã lảng tránh việc nhúng tay vào tội ác. Khi được biết Bernhardt định viết thư thổ lộ cho nghị sĩ của bang anh, Medina liền gặp riêng và răn đe anh phải im tiếng. Các sĩ quan Mỹ khác cũng đã hành động như vậy đối với những người lính dưới quyền họ, buộc họ câm lặng trong khi lẽ ra phải lập tức phanh phui tội ác.

Do có báo cáo của chuẩn úy phi công Hugh Thompson lên các sĩ quan chỉ huy của phi hành đoàn 123, sự xì xầm cũng lan truyền ở các đơn vị của sư đoàn Americal, thiếu tướng Samuel Koster - chỉ huy trưởng sư đoàn - buộc phải mở cuộc điều tra vào tháng 5/1968 để xem có xảy ra vụ thảm sát hay không. Và người được giao nhiệm vụ điều tra là Henderson, chỉ huy trưởng lữ đoàn 11. Kỳ thực, vụ tiến quân vào Sơn Mỹ được xem là vụ việc lớn nhất của sư đoàn Americal ngày hôm ấy nên cả Koster lẫn Henderson và Barker đều đã bay thị sát ở độ cao 2.000 bộ. (hơn 600 mét), 2.500 bộ (hơn 760 mét) và 1.000 bộ (hơn 300 mét) trên bầu trời Sơn Mỹ. Chí ít các vị chỉ huy ấy đều đã biết rõ rành những gì xảy ra bên dưới - muộn nhất là lúc nó xảy ra. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc “điều tra” của Henderson kết luận rằng chỉ có 20 người bị giết chết một cách không cố ý do đạn lạc và tin tức về quân Mỹ thảm sát thường dân là “vô căn cứ” và là “một thí dụ nữa về thủ đoạn tuyên truyền của Việt cộng”.

Do sự cố tình che đậy, một vụ thảm sát đẫm máu đã được phanh phui khá muộn màng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:57:28 pm »


Đầu mùa hạ năm 1968, Paul Meadlo trở về nhà ở Terre Haute, bang Indianna, với một chân đã cụt. Đầu năm 1969, hầu hết các cựu binh của đại đội Charlie cũng đã rời Việt Nam về tiếp tục học hay quay lại với nghề cũ ở các thành phố khắp nước Mỹ. Một số người vẫn còn bứt rứt và ám ảnh bởi vụ tàn sát. Số khác cố quên đi những tội lỗi của quá khứ. Song lúc này, có một cựu binh, không phải lính cũ của đại đội Charlie và không dính líu vào sự vụ, đã âm thầm chuẩn bị tố giác vụ thảm sát. Đó là Ronald Ridenhour.

Ronald Ridenhour quê ở Pheonix, bang Arizona, đăng lính tháng 3.1967 và cuối năm ấy anh bị điều sang Việt Nam. Là một xạ thủ súng máy ở cửa trực thăng trong các đội tuần tiễu tầm xa, Ridenhour đã bay trên bầu trời Sơn Mỹ chỉ vài hôm sau vụ thảm sát. Anh để ý thấy làng này xơ xác tiêu điều “thậm chí không một tiếng chim hót”, nhưng không rõ vì sao. Sau đó, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11.1968, Ridenhour may mắn gặp chàng “Đực rựa” Gruver, rồi Terry, Doherty, La Croix, Bernhardt và đều được những người lính này của đại đội Charlie kể cho nghe về vụ Sơn Mỹ. Được giải ngũ, quay về Phoenix đầu tháng 12.1968, Ridenhour vẫn nuôi ý định tố giác vụ thảm sát dù một số bạn bè của anh khuyên can. Với sự trợ giúp của người thầy học cũ là Arthur A.Orman, Ridenhour viết một bức thư dài kể hết những gì anh nghe thấy được về Làng Hồng, về “một cái gì đó thật tối tăm và đẫm máu” và anh đề nghị phải “mở một cuộc điều tra rộng rãi và công khai về vấn đề này”. Ridenhour sao bức thư làm nhiều bản gửi tổng thống Richard Nixon, gửi những nhân vật đứng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ban tham mưu liên quân và nhiều nhân vật quan trọng trong hai viện Quốc hội Mỹ. Dù có nhiều nhân vật nói là họ chưa được đọc hoặc chưa biết lá thư, chính quyền và quân đội Mỹ đã không thể phớt lờ vụ việc được nữa. Đầu tháng 9.1969, Calley bị truy tố “giết có dự mưu” 109 người Việt Nam ở Sơn Mỹ. Từ tháng 10.1969 đến tháng 8.1970, 15 quân nhân Mỹ khác bị truy tố, trong đó có đại úy Medina, đai úy Willinggam (đại đội trưởng đại đội Bravo) đại úy Kotouc (sĩ quan tình báo Lực lượng Đặc nhiệm). Ngày 24.11.1969 tướng William Westmoreland, lúc này đã về Mỹ giữ chức Tham mưu trưởng lục quân và Stanley Resor, Bộ trưởng Lục quân mới ủy nhiệm cho trung tướng William Peers - một người từng san bằng một ngôi làng ở Pleiku, trên cao nguyên Trung bộ Việt Nam - cầm đầu một phái đoàn điều tra vụ Sơn Mỹ. Tiểu ban Quân lực Hạ nghị viện Mỹ cũng thành lập Tiểu ban Điều tra vụ Sơn Mỹ. Những cuộc điều tra tuy đã tốn khá nhiều giấy mực đã không đem lại kết quả gì nhiều. Theo kết luận của các ủy ban điều tra, có thêm 14 sĩ quan bị buộc tội vi phạm luật lệ quân sự “không thực thi đầy đủ trách nhiệm” trong việc điều tra, phát hiện và xử lý vụ Sơn Mỹ, trong đó có trung tướng Koster, cựu tư lệnh sư đoàn Americal, thiếu tướng Young, cựu phó tư lệnh sư đoàn, đại tá Henderson, chỉ huy trưởng lữ đoàn 11, đại tá Person, cựu tham mưu trưởng Sư đoàn Americal, đại úy Luper, chỉ huy trưởng tiểu đoàn 6 pháo binh...

Con tốt thí Calley


Trong khi chính quyền và quân đội Mỹ tỏ ra miễn cưỡng, chậm chạp trong việc tiến hành các cuộc điều tra, thì báo chí Mỹ đã ồ ạt đưa tin về Sơn Mỹ. Ngày 13.11.1969, hàng loạt tờ báo hằng ngày trên khắp nước Mỹ đăng bài tường thuật đầu tiên về vụ thảm sát Sơn Mỹ của ký giả Seymour Hersh. Ngày 16.11.1969, bài của phóng viên Henry Kamm đăng trên tờ Thời báo New York nói rằng có 567 người bị tàn sát trong vụ ấy và đó là những người làng không có hành động chống đối quân Mỹ, cũng không hề mang vũ khí. Ngày 23.11.1969, Meadlo xuất hiện trên màn ảnh truyền hình ở kênh của hãng CBS, trả lời phỏng vấn của phóng viên Mike Wallace thú nhận tội trạng của mình và trung đội của Calley ở Sơn Mỹ. Các phóng viên đổ xô nhau đi tìm các cựu binh của Lực lượng Đặc nhiệm Barker ở rải rác khắp nơi trên đất Mỹ, bay sang Việt Nam tìm các nạn nhân còn sống sót để đưa tin, viết bài. Các chi tiết mới, nhiều nhân chứng mới hằng ngày xuất hiện trên các báo, các đài phát thanh, truyền hình. Tin tức vụ Sơn Mỹ át hẳn tin con tàu vũ trụ Apollo 12 của Mỹ vừa hoàn thành cuộc đổ bộ lần thứ hai lên mặt trăng.

Làn sóng xúc động và phẫn nộ của công chúng Mỹ dâng cao từ khi các bức ảnh màu chụp tại hiện trường tội ác của tác giả Haeberle được công bố trên tờ Người lái buôn thành thật Cleveland số ra ngày 20.11.1969, được đăng lại ở tạp chí Đời sống số ra ngày 19.1.1970 cùng nhiều báo chí Mỹ và nước ngoài. Những bức ảnh đã phơi bày quá rõ rành một sự thật khủng khiếp. Công chúng Mỹ xôn xao phẫn nộ vì con cái họ bị biến thành những kẻ giết người tàn bạo không tưởng tượng nổi.

Trước tình thế đó, ngày 26.11.1969, thư ký báo chí của tổng thống Mỹ là Ronald Ziegler được lệnh ra trần tình trước công chúng, hứa rằng Tòa Bạch Ốc “sẽ có những biện pháp thích hợp để những hành vi bất hợp pháp và phi đạo lý ấy được xử theo đúng quân luật”. Ngày 8.12.1969, đến lượt tổng thống Richard Nixon họp báo, nói: “Điều xảy ra ở Mỹ Lai chắc chắn là một vụ tàn sát mà trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không biện bạch được (...) Chúng ta không thể dung thứ việc sử dụng những phương thức tàn bạo đối với thường dân”.

Trong khi vụ thảm sát đang được phanh phui ở Mỹ, thì ở Sài Gòn, chính quyền bù nhìn vẫn một mực bênh che cho Mỹ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt báo chí Sài Gòn phải im tiếng trong 8 ngày liền. Ngày 21.11.1969, Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm tuyên bố rằng Tổng thống đã quyết định mở một cuộc điều tra và chỉ sáng hôm sau, kết quả “cuộc điều tra” đã được Bộ Quốc phòng Sài Gòn đưa ra, trong đó lặp lại những luận điệu cũ và cho rằng những lời tố cáo về vụ thảm sát là “hoàn toàn thất thiệt” (completely untrue). Nguyễn Cao Kỳ vốn có hiềm khích với Thiệu tuyên bố sẽ chỉ thị Bộ Quốc phòng mở một cuộc điều tra, song liền bị Hoàng Đức Nhã, Bí thư Tổng thống tuyên bố Kỳ không có thẩm quyền ra lệnh như thế. Thượng Nghị sĩ phe đối lập với Thiệu là Trần Văn Đôn tuyên bố vào ngày 25.11.1969 rằng ông ta sẽ dẫn đầu một cuộc điều tra riêng. Không cản được Trần Văn Đôn đi Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Thiệu cho Bộ Tổng tham mưu điện khẩn ra Quảng Ngãi dặn viên đại tá tỉnh trưởng “báo Sơn Tịnh lo trả lời việc này cho thống nhất”. Mặt khác, Nguyễn Văn Thiệu và quân Mỹ còn chơi trò “mèo vờn chuột”: Cuộc đi điều tra tại chỗ do Trần Văn Đôn dẫn đầu “phải bất thần bỏ dở” khi có “30 đạn đại bác Mỹ nổ cách 800 thước” vì “lực lượng Mỹ không biết trước hành trình của phái đoàn (Báo Chính luận, Sài Gòn, số ra ngày 3.12.1969). Cuộc điều tra của Trần Văn Đôn chẳng đưa lại một kết cục gì đáng kể. Được thể, Thiệu càng khăng khăng phủ nhận vụ thảm sát và nhại đi nhại lại đó chỉ là “thủ đoạn tuyên truyền của Việt cộng”, là “một tai nạn chiến tranh, một hành động chiến tranh”, mặc cho khắp nơi trong nước và người Việt ở nước ngoài hết sức phẫn nộ.
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM