Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:37:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89254 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 12:43:00 am »


Sau đó tôi tìm hiểu về vai trò của quân Mỹ ở Nam Việt Nam. Hai tuần trước đó, tôi đã chỉ thị cho Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân nghiên cứu các vấn đề chiến lược và chiến thuật quân sự và đánh giá về sự đảm bảo thắng lợi của quân Mỹ ở Nam Việt Nam trong trường hợp chúng ta làm tất cả những gì có thể làm. Tôi yêu cầu rằng việc nghiên cứu này phải vạch rõ chiến lược cụ thể của chúng ta sẽ là như thế nào. Bus Wheeler yêu cầu Andy Goodpaster làm việc này. Ông ta đã sử dụng một nhóm nghiên cứu và cho ra đời một bản báo cáo dày 128 trang mà tôi nhận được vào ngày tôi bay đi Sài Gòn.

Trả lời câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể chiến thắng nếu chúng ta làm tất cả những gì có thể không?”, bản báo cáo viết: “Trong khuôn khổ của những đánh giá một cách hợp lý... không thấy có lý do cho việc chúng ta không thể chiến thắng nếu như đó là ý muốn của chúng ta - và nếu như ý muốn đó được thể hiện trong chiến lược và các hoạt động chiến thuật”. Nhưng bản báo cáo cũng khuyến cáo một cách thẳng thắn rằng “bất cứ sự đánh giá nào về sự đảm bảo thắng lợi của quân Mỹ ở Nam Việt Nam nếu như chúng ta “làm tất cả những gì có thể được” cần phải giữ ở mức độ dự kiến vì nhiều lý do, trong đó đặc biệt bao gồm kinh nghiệm hạn chế của chúng ta ở Nam Việt Nam trong việc xác định thời gian của các cuộc hành quân tiến công gần đúng như loại được dự tính trong báo cáo này”1.

Đó là điểm then chốt còn chưa rõ ràng của vấn đề. Westy và Bộ Tổng tham mưu cho rằng quân Việt cộng và Bắc Việt Nam sẽ bước vào cái mà Bộ trưởng Quốc phòng của Hà Nội, ông Võ Nguyên Giáp, gọi là “giai đoạn 3”, các hoạt động ở quy mô lớn mà chúng ta có thể đối phó và tiêu diệt bằng chiến thuật quân sự thông thường (hoạt động “tìm và diệt”). Còn có một giả thiết khác có tính tuyệt đối hơn: nếu quân Việt cộng và Bắc Việt Nam không bước vào giai đoạn 3, Mỹ và quân Nam Việt Nam có thể phát động các cuộc phản công chống du kích có hiệu quả.

Mặc dù tôi đã chất vấn về những đánh giá cơ bản này trong các cuộc họp của tôi với Westy và các cộng sự của ông ta, các cuộc thảo luận xem ra có vẻ hời hợt. Xét lại vấn đề, tôi thấy đã sai lầm rõ ràng khi không buộc phải có - lúc đó hay về sau này, cả ở Sài Gòn và Washington - một cuộc thảo luận phân rõ thắng bại về những đánh giá lỏng lẻo, những câu hỏi không được trả lời này và những phân tích hời hợt về chiến lược quân sự của chúng ta ở Việt Nam. Tôi đã 20 năm làm việc trên cương vị là một người quản lý, xác định các vấn đề và bắt buộc các tổ chức - thường là ngược lại với mong muốn của họ - phải suy nghĩ kỹ càng và thực tế về các hoạt động mang tính chất phải lựa chọn, hoặc thế này hoặc thế kia, và những hậu quả của nó. Tôi không biết rằng sẽ có khi nào tôi hoàn toàn hiểu được rằng tại sao tôi đã không làm được điều đó ở đây hay không.

Vào ngày 21/7, tôi quay trở về Washington và đệ trình lên Tổng thống bản báo cáo tôi đã chuẩn bị trong chuyến đi. Bản báo cáo được bắt đầu bằng một đánh giá thẳng thắn nhưng gây lo ngại như sau:

Tình hình Nam Việt Narn xấu hơn so với một năm trước đây (khi nó đã xấu đi so với một năm trước đó). Sau vài tháng trì trệ, nhịp độ cuộc chiến đã nhanh dần. Việt cộng đang đẩy mạnh các hoạt động để chia cắt đất nước và đánh tan quân đội Nam Việt Nam. Nếu không có sự giúp đỡ thêm nữa từ bên ngoài, quân đội Nam Việt Nam sẽ phải đối phó với những thất bại về chiến thuật liên tiếp, mất những con đường huyết mạch và các trung tâm dân cư, đặc biệt là ở các vùng cao, sự tiêu tan dần dần các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hoà... và sự mất lòng tin của dân chúng.

Tôi viết tiếp:

“Không có biểu hiện cho thấy rằng chúng ta đã, hoặc có thể, chặn đứng được nguồn cung ứng cho Việt cộng trong khi nhu cầu về vật chất của họ thấp như vậy... cũng như những cuộc không kích của chúng ta vào Bắc Việt Nam đã không đưa lại những bằng chứng rõ ràng về mong muốn của Hà Nội đi tới bàn đàm phán với một tinh thần phù hợp. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Bắc Việt Nam và Việt cộng dường như tin rằng Nam Việt Nam đang đi xuống dốc và sắp sụp đổ; họ không cho thấy những biểu hiện của việc giải quyết vấn đề theo cách nào khác, ngoài việc giành lấy hoàn toàn Nam Việt Nam.

Sau đó tôi nhắc lại ba khả năng mà chúng tôi đã xem xét tới nhiều lần trước đây: (1) rút lui trong những điều kiện tốt nhất có thể có - gần như chắc chắn có nghĩa là một cái gì đó gần như là cuộc đầu hàng không điều kiện; (2) tiếp tục như mức độ hiện nay - gần như chắc chắn buộc chúng ta sau này phải chấp nhận sự lựa chọn thứ nhất, hoặc (3) tăng cường lực lượng của chúng ta đáp ứng các yêu cầu của Westy, trong khi hết sức cố gắng để mở ra đàm phán - gần như chắc chắn là ngăn chặn được thất bại trước mắt, nhưng cũng tăng thêm khó khăn và cái giá phải trả cho cuộc rút lui về sau này. Tôi bị lôi cuốn bởi phương án 3 đã nêu trên, một phương án mà tôi cho rằng “đòi hỏi phải có trước hết một giải pháp nào đó có thể chấp nhận được”. Tôi kết thúc bản báo cáo bằng việc trình bày lập luận của mình rằng “các hoạt động được đưa ra trong bản tài liệu này - nếu như các hoạt động quân sự và chính trị được phối hợp với nhau một cách hài hoà và được tiến hành với sự mạnh mẽ liên tục và lòng quyết tâm rõ ràng - sẽ tạo ra cơ hội tốt cho việc giành được những kết quả có thể chấp nhận được trong một khoảng thời gian hợp lý”. Các sự kiện tiếp sau đó đã chứng tỏ rằng những lập luận nói trên của tôi là sai lầm2.
_____________________________________
1. “Tăng cường các chiến dịch quân sự tại Việt Nam, nhận thức và danh giá”, tr. ii và J-1, CF, VN, LBJL.
2. Báo cáo gửi Tổng thống, 20/7/1965, (đệ trình 21/7), “Việt Nam 2EE, 1965-67” CF, VN, Hộp số 74/75, NSF, LBJL.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 12:44:05 am »


Trong thời gian tôi ở Sài Gòn, Cy Vance đã điện báo cho tôi biết rằng: “ý định hiện nay” của Tổng thống là đồng ý thông qua số quân lính được gửi sang Nam Việt Nam mà ông dự kiến là tôi sẽ đề nghị. Suốt trong tuần lễ tiếp theo sau khi tôi trở về, chúng tôi gặp nhau ít nhất là một lần mỗi ngày để bàn bạc cân nhắc cho tới khi Tổng thống đưa ra quyết định. Những cuộc họp bàn trong những lúc khác nhau này có tất cả các quan chức an ninh quốc gia cao cấp tham dự - đặc biệt là của Bộ Tổng tham mưu và các thư ký Bộ Quốc phòng (Paul Nitze, Eugene Zuckert và Stanley Resor). Tất cả mọi người tham dự đều ủng hộ những khuyến cáo được nêu ra, chỉ trừ có George Ball.

Tổng thống thông qua kế hoạch mở rộng cuộc chiến vào ngày 27/7 và thông báo quyết định của mình cho nhân dân Mỹ trong bài phát biểu vào buổi trưa ngày 28/7. Nhưng ông đã không thông qua biện pháp thích hợp để tài trợ cho kế hoạch này. Tôi dự kiến rằng kế hoạch này đòi hỏi phải chi phí thêm 10 tỷ đôla trong năm tài chính 1966. Với sự ủng hộ của một số nhân vật trọng yếu trong Quốc hội, Tổng thống đã quyết định giữ nguyên đề nghị về khoản chi dành riêng ban đầu của mình thấp hơn nhiều so với dự tính, với một hứa hẹn rằng sẽ xem xét cấp thêm vào tháng 1, “khi mà những con số trở nên chắc chắn hơn”. Ông cũng từ chối thẳng thừng lời khuyên của tôi là tăng thêm thuế để trang trải cho cuộc chiến và để tránh được lạm phát. Tôi đệ trình lên Tổng thống dự kiến chi phí và dự kiến mức tăng thuế của mình trong một bản phúc trình được phân tích rất tỉ mỉ mà chỉ có một số ít người được biết đến. Thậm chí cả Bộ trưởng Ngân khố và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế cũng không được biết.

Khi Tổng thống đọc bản phúc trình và các điều khoản về tài chính của nó, ông nói: “Anh sẽ dành được bao nhiêu phiếu?” (Tôi hiểu ông muốn nói: ông tin chắc rằng một dự luật về thuế sẽ không được Quốc hội thông qua). “Tôi không giành được một phiếu nào cả”, tôi trả lời, “Tôi biết là sẽ khó khăn, nhưng đó chính là cái mà Ngài được những người dân của mình ủng hộ”.

“Anh đã lùa con lừa của mình lên trên đỉnh đồi*, và đừng có quay trở lại cho tới khi anh giành được số phiếu cần thiết”.

Tôi đã làm như vậy. Và dĩ nhiên là không có những lá phiếu ở đó. Tôi nói với Tổng thống về điều đó và nói tiếp: “tôi sẽ đấu tranh cho những gì là đúng và chịu thất bại còn hơn là không thử cố gắng làm như vậy”.

Ông nhìn tôi, bực bội: “Đồ chết tiệt, Bob, đó là điều rất dở của anh - Anh không phải là một nhà chính trị. Đã bao nhiêu lần tôi phải nhắc nhở anh riêng sau khi FDR (Tổng thống Rudơven) cố gắng đưa người của mình vào Hội đồng tối cao để giành đa số phiếu khi quyết định và đã thất bại. Ông ta đã không thuyết phục được Quốc hội quên được điều đó”.

Ông đã cường điệu lên như vậy, nhưng tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Ông bảo vệ chương trình Xã hội vĩ đại của mình. Nếu như cùng lúc đó ông không làm trầm trọng thêm sự khủng hoảng về sự tín nhiệm một cách ghê gớm - điều đã làm xói mòn khả năng xây dựng Xã hội vĩ đại của ông thì có thể là tôi đã đồng ý với ông.

Trong khi đó, Bill Bundy đã lập một danh sách các hành động bao gồm tất cả các mặt trong thông báo của Tổng thống, từ việc thông báo cho Quốc hội tới thông báo cho nhân dân Mỹ. Đó là một chương trình tuyệt vời. Và như hai trợ lý của Tổng thống là Douglas Cater và John Gardner - cả hai đều là những người theo phái tự do mạnh mẽ - nhấn mạnh, vẫn còn thời gian để Johnson giải thích cho dân chúng về những vấn đề mà ông phải đối phó và những biện pháp ông nêu ra, để giành được sự ủng hộ của họ. Cater báo cáo rằng: “những lời chỉ trích hiện nay đại diện cho không ai khác ngoài một nhóm những người bất bình. Gardner tin tưởng rằng, một cuộc bỏ phiếu chỉ dành riêng cho giới trí thức sẽ cho thấy tính phổ biến cũng cao như trong bất cứ nhóm nào khác”1.

Nhưng những lời khuyên của Bundy, Cater và Gardner đã không được thực hiện. Thay vào đó, một thực tế là đất nước này đã bước vào một con đường sẽ đưa nó tới một cuộc chiến tranh lớn đã bị che giấu.

Tại sao như vậy?

Tổng thống hiểu rõ tầm quan trọng của quyết định mà ông đưa ra và cái giá mà ông có thể phải trả cho cách thức mà ông thông báo về nó. Nhưng ông cảm thấy bị kẹp giữa hai sự lựa chọn cay đắng. Sự lẩn tránh mối nguy hiểm gấp đôi của áp lực đòi hỏi sự điều chỉnh và sự thất bại trong các chương trình xã hội của ông.

Chúng ta đang chìm xuống vũng lầy.
_____________________________________
* Ý nói đã đưa được đảng Dân chủ (có biểu tượng là con lừa) vào cuộc đối đầu với Quốc hội (trên đồi Capital) - ND.
1. Cater gửi Tổng thống, 10/7/1965, Hồ sơ phụ của Nhà Trắng, Hồ sơ Văn phòng của Douglass Cater, LBJL.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:29:15 pm »


8

NGỪNG NÉM BOM NHÂN DỊP LỄ GIÁNG SINH,
MỘT CỐ GẮNG ĐI ĐẾN ĐÀM PHÁN KHÔNG THÀNH
NGÀY 29/7/1965 - 30/1/1966


Tôi đã nghe người ta nói về sự khác nhau giữa kết quả và hậu quả: kết quả là những gì người ta mong đợi, còn hậu quả là những gì người ta nhận được. Điều này chắc chắn áp dụng được cho những giả thuyết của chúng tôi về Việt Nam trong mùa hè và mùa thu năm 1965. Thực tế trùng hợp với những dự đoán. Chúng tôi vừa bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng đáng kể quân ở Việt Nam thì nó cũng trở nên rõ ràng rằng có lý do khiến phải đặt câu hỏi về chiến lược mà dựa vào đó, kế hoạch này được xây dựng lên. Một cách chậm chạp, khả năng hạn chế đến đau đớn và thất vọng của các hoạt động quân sự trở nên rõ ràng một cách cay đắng. Tôi vẫn luôn tin mọi vấn đề đều có thể giải quyết được, nhưng lúc đó tôi đã thấy mình đang đối mặt với một vấn đề không thể giải quyết được, một vấn đề có liên quan tới uy tín quốc gia và sự sống của con người.

Cảm giác của tôi về cuộc chiến dần dần chuyển từ lo lắng sang hoài nghi, rồi thất vọng hụt hẫng, rồi đau khổ. Sự chuyển biến này không phải do sự mệt mỏi, như đôi khi vẫn được viện làm lý do, mà bởi vì sự lo lắng đang tăng lên của tôi trước việc ngày càng có nhiều người bị giết và đơn giản là chúng tôi đã không đạt được những mục tiêu của mình.



Trong những ngày sau tuyên bố 28/7/1965 của Tổng thống Johnson, hầu hết người dân Mỹ - trí thức, nghị sĩ, báo chí, dân thường - đã bày tỏ ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống. Cuối tháng Tám, khi cuộc trưng cầu của Viện Gallup hỏi: “Bạn đồng ý hay không đồng ý với cách Chính quyền Johnson đang giải quyết tình hình ở Việt Nam?”, thì 57% đồng ý trong khi có 25% không đồng ý so với tỷ lệ 48% và 28% hai tháng trước đó. Một cuộc điều tra của Harris hồi tháng Chín cho thấy “tỷ lệ người Mỹ ủng hộ lời tuyên bố Việt Nam là mảnh đất để nước Mỹ đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản ở châu Á là 70-30” và cuộc điều tra chỉ ra rằng “đa số công chúng tin là cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa”1.


Vào chính lúc này, khi sự ủng hộ của công chúng cho cuộc chiến tranh trở nên vững chắc hơn lúc nào hết, thì đã xuất hiện những dấu hiệu của sự rắc rối. Tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) ngày 5/8, Max Taylor, người trở thành cố vấn của Tổng thống sau khi Henry Cabot Lodge (Jr.), trở lại Sài Gòn nhận nhiệm kỳ đại sứ lần thứ hai, đã dự đoán một cách tin tưởng là cuộc tấn công của cộng sản sẽ bị đánh bại vào cuối năm và năm 1966 có thể sẽ là “một năm quyết định” đối với nước Mỹ2. Nhưng cùng ngày hôm ấy, Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đã hoàn tất một trò chơi chiến tranh mới. Sigma II-65, gây nghi ngờ về những dự đoán của Max và những giả thuyết tạo cơ sở cho chiến lược quân sự của chúng tôi. Trái với niềm tin là chúng tôi có thể tiến hành các chiến dịch quy mô lớn ở trên bộ và giành được chiến thắng, bản báo cáo về kế hoạch Sigma II-65 cho thấy “cảm giác của những người tham gia là việc Việt cộng áp dụng chiến lược tránh các trận đánh lớn với quân Mỹ sẽ làm cho chiến thuật truy lùng và tiêu diệt gặp khó khăn... Kinh nghiệm chiến đấu trong các khu rừng và chiến tranh du kích của Việt cộng... sẽ gây ra những khó khăn, thậm chí đối với cả lính chính quy Mỹ được trang bị tốt và có tính cơ động cao”. Về việc ném bom, bản báo cáo lưu ý: “Có cảm giác là... giới lãnh đạo Hà Nội sẽ chịu đựng được sự trừng phạt đang được thực hiện... dựa vào thực tế đây là một nước với một nền kinh tế tự cung tự cấp xoay quanh mô hình làng tự lực… Các hoại động công nghiệp đóng một phần hạn chế trong toàn bộ nền kinh tế, do đó việc quấy phá nó có vẻ là một cái giá chấp nhận được3.

Những kết luận của bản báo cáo làm cho tôi lo lắng nhiều nhưng dường như lại ít có ảnh hưởng đối với những người khác ở Lầu Năm Góc và trong Chính phủ. Điều này có thể đã phản ánh thực tế là tin tức trong tháng Tám về Việt Nam là đáng khích lệ. Quân Mỹ đã giành được một thắng lợi quan trọng trong trận giao chiến lớn đầu tiên với Việt cộng diễn ra từ ngày 18/8 đến ngày 21/8 tại bán đảo Sơn Trà, phía Nam căn cứ lính thủy đánh bộ ở Chu Lai. Chiến dịch này cùng với hàng loạt lời phát biểu trên tạp chí Newsweek trong mùa thu năm 1965 của Bernard Fall, một học giả nổi tiếng về Đông Dương, người nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của việc Mỹ ngày càng có mặt ở Việt Nam, đã thuyết phục nhiều người là nỗ lực của Mỹ không thể thất bại.*4
______________________________________
1. Xem The Washington Post, 27/8 và 12/9/1965.
2. Xem Bản tóm lược cuộc họp thứ 554 của NSC, 5/8/1965, 6 giờ chiều, NSF LBJL.
3. Sigma II-65, Báo cáo cuối cùng, tr. D-4 và D-5, LBJL.
* Nỗi lo lắng tăng lên về tính hiệu quả của các chiến dịch quân sự của Mỹ đã làm cho Fall từ bỏ niềm tin là công nghệ và sức mạnh của nước Mỹ không thể không áp đảo. Trước khi qua đời năm 1967, ông ta đã thay đổi lập trường mà ông ta đã thể hiện trên tạp chí Newsweek năm 1965.
4. Xem “Kính ngắm”, Newsweek, 27/9/1965, và “Người thực tế”, Newsweek, 11/10/1965 và cả Bernard Fall, “Cuộc chiến chớp nhoáng ở Việt Nam”, Nước Cộng hoà mới, 9/10/1965, tr. 17-21 và 13/11/1965, tr. 33-34.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:30:30 pm »


Khi quân Mỹ đổ vào Việt Nam, Tướng Westmoreland đã đưa ra một bản báo cáo đặc biệt nêu lên mục tiêu của Mỹ ở Nam Việt Nam và chiến lược quân sự nhằm đạt được mục tiêu đó. Với đầu đề “Khái niệm về các chiến dịch ở Việt Nam Cộng hoà”, bản báo cáo ra ngày 1/9/1965 đã xác định những mục tiêu của chúng tôi là “kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam Cộng hoà bằng cách làm cho Việt cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt Nam) tin là không thể có thắng lợi về quân sự được, và từ đó buộc họ đi đến một hiệp định có lợi cho Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam) và nước Mỹ”. Cuộc chiến tranh trên bộ sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn với một thời gian biểu cụ thể. Giai đoạn 1 sẽ chặn các bước tiến của cộng sản - “để tránh thua trận” - và sẽ kéo dài tới ngày 31/12/1965. Giai đoạn 2 sẽ bao gồm việc tấn công các lực lượng cộng sản và mở rộng chương trình bình định nhằm “giành trái tim và tình cảm” của nông dân Nam Việt Nam. Chương trình này sẽ kéo dài từ ngày 1/1 tới ngày 30/6/1966. Trừ phi cộng sản đầu hàng thì giai đoạn 3 sẽ được đưa vào để “phá tan hay làm mất hiệu quả của các đơn vị có tổ chức còn lại của Việt cộng và các khu căn cứ của chúng”. Nó có thể sẽ kéo dài từ ngày 1/7/1966 tới tận ngày 31/12/1967. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng “vì các lý do chính trị và tâm lý, cuộc xung đột phải luôn giữ tính chất Việt Nam”. Hiển nhiên là điều kiện này đã không được đáp ứng1.

Westmoreland cũng sơ lược cho thấy ông ta đã lập kế hoạch như thế nào để thực hiện những trách nhiệm của mình với chiến lược quân sự hai gọng kìm mà Tổng thống, Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân và các quan chức cấp cao, kể cả tôi, đã chấp nhận làm cơ sở để kết thúc cuộc chiến tranh. Gọng kìm chính - cuộc chiến tranh trên bộ - dự định cho Hà Nội và Việt cộng thấy là họ không thể giành được miền Nam bằng vũ lực. Gọng kìm phụ - ném bom miền Bắc - với ý định làm giảm ý chí và khả năng hỗ trợ Việt cộng của Hà Nội và cũng nhằm làm tăng cái giá mà họ phải trả để thực hiện được điều đó. Chúng tôi đã tin là hai gọng kìm sẽ đưa đến một giải pháp.

Một vài nhà phê bình đã quả quyết là nước Mỹ thiếu một chiến lược quân sự ở Việt Nam. Thực ra chúng tôi cũng có một chiến lược - nhưng việc thực hiện nó có những sai lầm lớn. Chiến lược của Westmoreland ngầm cho rằng bình định và ném bom sẽ ngăn chặn cộng sản bù đắp lại những thiệt hại do quân đội Mỹ và Nam Việt Nam gây ra cho họ thông qua việc tuyển quân ở miền Nam và chi viện từ miền bắc. Giả thuyết quan trọng đó đã đánh giá sai hoàn toàn về khả năng bổ sung thêm quân của cộng sản ở miền Nam giữa lúc chiến tranh và tiếp viện từ miền Bắc bất chấp các cuộc không kích của chúng tôi. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Mỹ đều cho rằng quân đội Mỹ và Nam Việt Nam có thể đánh xé lẻ Việt cộng và quân chính quy của Bắc Việt Nam trong một cuộc chiến tranh thông thường. Sau đó khả năng cơ động và hoả lực của Mỹ cùng với ném bom ngăn chặn hàng tiếp tế và quân tiếp viện từ miền Bắc vào, sẽ buộc họ phải đi đến một giải pháp. Nếu Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam từ chối chiến đấu theo những điều kiện của chúng tôi và quay trở lại với chiến thuật đánh-và-rút, như một số người nghĩ thì chúng tôi cho rằng quân Mỹ và Nam Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chương trình bình định, có thể sẽ tiến hành thành công cuộc chiến tranh chống du kích. Và cuối cùng, chúng tôi đã cho rằng chương trình bình định ở miền Nam sẽ là chính sách bảo đảm chặn không cho những phần tử nổi dậy có thể nhận được hàng tiếp tế và bổ sung thêm quân ở miền Nam. Westmoreland đã vạch ra một chiến lược như vậy tại cuộc họp ngày 17/7 của chúng tôi ở Sài Gòn và tôi đã đề cập đến chiến lược này trong bản cáo báo ngày 20/7 của tôi gửi Tổng thống.

Tất cả những giả thuyết này của chúng tôi đều tỏ ra sai lầm. Chúng tôi đã không buộc được Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam chiến đấu theo những điều kiện của chúng tôi. Chúng tôi đã không thực hiện được một cuộc chiến tranh chống du kích có hiệu quả. Và ném bom cũng không làm giảm được xuống dưới mức cần thiết việc vận chuyển quân và hàng hoá vào miền Nam, hay làm yếu được ý chí tiếp tục cuộc chiến của miền Bắc.

Với sự đồng ý ngầm của Washington, Westmoreland đã tiến hành một cuộc chiến tranh gây tiêu hao sinh lực, mà mục tiêu chính của nó là phát hiện và tiêu diệt dần Việt cộng và các đơn vị quân chính quy của Bắc Việt Nam. Không có bất kỳ một sự lựa chọn nào khác ngoài chiến lược tỏ ra có khả năng tồn tại là chiến lược “tìm và diệt”; trong khi quyết định không xâm chiếm Bắc Việt Nam bởi có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và/hoặc Liên Xô (một nguy cơ mà chúng tôi quyết tâm hạn chế tối đa) và chúng tôi chần chừ mở rộng các chiến dịch trên bộ sang Lào và Campuchia. Westmoreland lý luận là tiêu diệt Việt cộng và các đơn vị chính quy của Bắc Việt Nam sẽ có thể ổn định Sài Gòn về chính trị và giành được sự tin tưởng của người dân Nam Việt Nam, từ đó buộc kẻ thù phải hoặc rút lui hoặc đàm phán về một giải pháp có lợi cho Nam Việt Nam.
_____________________________________
1. USMACV, “Quan niệm về các chiến dịch tại Việt Nam Cộng hoà”, 1/9/1965, tài liệu của Capital Legal Foundation, Hộp số 58F, LBJL.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:31:33 pm »


Nhà lịch sử quân sự và cựu Trung tá chuyên nghiệp Andrew F. Krepinevich đã buộc tội Westmoreland là tự dối mình. Ông ta đưa ra lý lẽ là Westmoreland “đã chỉ đơn giản phát triển một chiến lược để phù hợp với phương thức hoạt động, cơ cấu quân và học thuyết được quân đội thích hơn”. Ông ta tiếp tục giải thích: “Từ bỏ cơ hội giành chiến thắng bằng cách đánh hủy diệt có tính chất quyết định vào Bắc Việt Nam, quân Mỹ nhận thấy rằng chiến lược tiêu hao sinh lực là phù hợp nhất với kiểu chiến tranh mà quân đội đã được chuẩn bị để tham gia... Không gì khác ngoài sự phát triển tự nhiên của phương thức tổ chức để đạt thắng lợi là dựa vào tấm lá chắn sự giàu có, ưu thế về công nghệ của Mỹ và lòng căm thù sâu sắc của dân tộc về những thương vong của binh lính Mỹ”. Krepinevich giải thích tiếp:

Trong khi xây dựng chiến lược, Việt Nam sử dụng các phương pháp quân sự đã thành công trong các cuộc chiến tranh trước đây, quân đội đã làm tổn thương khả năng chiến thắng của mình trước... các hoạt động nổi dậy với một cái giá chấp nhận được. Trong khi tập trung vào việc làm tiêu hao sinh lực của địch chứ không phải vào việc đánh bại kẻ thù bằng cách cắt sự tiếp cận của họ với dân chúng, MACV đã bỏ lỡ mọi cơ hội để giáng cho quân nổi dậy một đòn chí mạng... Ngoài ra, trong những nỗ lực nhằm gây tổn thất lớn nhất về quân sự cho cộng sản, quân đội vẫn thường bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược chống nổi dậy - đó là nhân dân1.

Tướng William E. Depuy, sĩ quan chiến dịch và người lập kế hoạch chính của Westmoreland thời kỳ 1965 - 1968, trong một cuộc phỏng vấn năm 1988 đã đưa ra một quan điểm tuy khác lạ nhưng không kém mạnh khi ông ta nói: “(Chúng ta) rốt cuộc đã thấy rằng chúng ta đã không thể kéo (Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam) vào các cuộc chiến thường xuyên hơn nữa để có thể chiến thắng họ trong một cuộc chiến tranh tiêu hao... Chúng ta đã kiêu ngạo vì chúng ta là người Mỹ và chúng ta là những người lính và những lính thủy đánh bộ, và chúng ta có thể thực hiện được điều đó, nhưng hoá ra đó lại là một quan niệm sai lầm, trong khi họ có những vùng đất thánh và thựctế là Đường mòn Hồ Chí Minh không bao giờ bị khép lại. Đó là một quan niệm quân sự sai lầm”2.

Tại sao lại thất bại? Tướng Bruce Palmer (Jr.), người mà trước đây tôi đã từng trích dẫn quan điểm của ông về chiến tranh bằng không quân, đã đưa ra một lời giải thích mang tính thôi thúc. Palmer viết: “Các Tham mưu trưởng vì đã thấm nhuần tư tưởng “có thể làm được”, nên đã không thể đưa ra... một lời bác bỏ, hay tỏ ra thiếu trung thành”.3

Điều đó chắc chắn giải thích một phần nguyên nhân thất bại. Nhưng Tổng thống, tôi và những người khác trong số những cố vấn dân sự của Tổng thống phải chia sẻ gánh nặng trách nhiệm vì đã tán thành tham gia chiến tranh du kích với những chiến thuật quân sự thông thường chống lại một kẻ thù sẵn sàng chấp nhận những mất mát to lớn ở một đất nước không có ổn định chính trị cần thiết để tiến hành các chiến dịch quân sự và bình định có hiệu quả. Điều đó đã không thể làm được và đã khống được thực hiện.
________________________________
1. Andrew F. Krepinevich, Quân đội và Việt Nam (Baltimore: Nhà xuất bản trường Đại học Tổng hợp Johns Hopkins, 1986), tr. 164, 196 và 259.
2. CRS phỏng vấn tướng William E. DePuy, 1/8/1988, trích dẫn trong Chính phủ Mỹ, phần 4, Tháng 7/1966- 1/1968 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1994), tr. 50.
3. Palmer, Cuộc chiến tranh 25 năm, tr. 45-46.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:32:28 pm »


Mùa thu năm đó, cộng sản đã đáp lại việc leo thang quân sự của chúng tôi bằng cách tuyển thêm quân ở miền Nam, củng cố hệ thống phòng không ở miền Bắc và đẩy mạnh việc vận chuyển quân và hàng tiếp viện theo Đường mòn Hồ Chí Minh. Đơn giản là họ thích ứng với sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ. Đầu tháng Chín, Westmoreland đã đề nghị tăng thêm 35.000 quân nữa, nâng tổng số từ 175.000 lên 210.000 vào cuối năm. Sức ép tăng thêm quân mỗi ngày lại lên cao. Giữa tháng Mười, Westmoreland gửi cho chúng tôi những dự tính về các yêu cầu của năm 1966 đã được sửa đổi. Thay cho con số 275.000 vào tháng 7/1966 mà trước đây ông ta yêu cầu, nay ông ta đòi 325.000 với khả năng sau này còn tăng nữa và không đảm bảo là Mỹ sẽ đạt được những mục tiêu của mình1.

Những yêu cầu tăng thêm quân của Westmoreland làm tất cả chúng tôi lo lắng. Chúng tôi lo đây sẽ là sự khởi đầu của một cam kết không giới hạn. Đà của chiến tranh và khả năng không đoán trước được của sự kiện tràn ngập trong những tính toán cuối tháng 7 của Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân và những dự đoán đầu tháng 9 của Westmoreland. Tôi đã cảm thấy mọi chuyện đang tuột dần ra ngoài sự kiểm soát của chúng tôi.

Nỗi lo sợ ấy đã tăng lên khi các Tham mưu trưởng đề nghị mở rộng các cuộc không kích vào Bắc Việt Nam bao gồm các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng và các khu vực khác gần biên giới với Trung Quốc. Tổng thống và tôi đã bác bỏ đề nghị của họ, một phần vì chúng tôi nghi ngờ là những cuộc tấn công như vậy sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng duy trì của Việt cộng ở miền Nam hoặc thuyết phục Hà Nội từ bỏ, nhưng cũng một phần vì những hành động như vậy sẽ làm tăng nguy cơ của một cuộc đối đầu với Trung Quốc, như đã từng xảy ra ở Triều Tiên 15 năm trước đó2.

Giữa lúc sự chia rẽ ngày càng tăng trong Chính phủ xung quanh chiến dịch trên không, tôi đã đề nghị Tổng thống chỉ định một nhóm đặc biệt nghiên cứu về ảnh hưởng của việc ném bom đối với ý chí và khả năng tiếp tục cuộc chiến của Hà Nội. Tổng thống Johnson đã đồng ý và chỉ định Tommy Thompson, Max Taylor, John McNaughton và Bill Bundy. Nhóm Thompson, như sau này người ta biết đến, ngày 11/10 đã đệ trình một bản báo cáo. Những kết luận của nhóm giống với những đánh giá và lập luận của Tổng thống và tôi. Leo thang chiến tranh trên không có thể gây ra một phản ứng mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc và/hoặc Liên Xô. Đặt thủy lôi ở Hải Phòng và các cảng khác có thể làm đắm các tầu của Liên Xô và làm cho Bắc Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào việc vận chuyển đường bộ từ Trung Quốc, qua đó tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Bắc Việt Nam dường như không chịu đàm phán trong khi đang bị tấn công. Nhóm Thompson gợi ý dừng ném bom một thời gian dài để thử mối quan tâm của Hà Nội đối với các cuộc đàm phán3.
___________________________________
1. Xem WB, VNMS, Chương 31, tr. 31-32.
2. JCSM-670-65, Wheeler gửi McNamara, 2/9/1965, mô tả trong PP, t.4, tr. 29; và McNamara gửi Wheeler, “Ném bom đánh phá Bắc Việt Nam”, 15/9/1965, Tập biên bản 330, Lưu trữ Quốc gia.
3. Xem Báo cáo của Thompson, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ của Lot số 85, D 240 (Tài liệu của William Bundy).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:33:29 pm »


Tại những nơi khác ở châu Á, các sự kiện xảy ra trong mùa xuân năm 1965, sau này mới nhận ra, đã làm thay đổi quan trọng cán cân lực lượng ở khu vực và làm giảm đáng kể lợi thế của Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, vào lúc đó, chúng tôi đã không nhận ra những ý nghĩa của các sự kiện đó.

Trung Quốc chịu một vài thoái trào nghiêm trọng. Đầu tháng 8, xung đột bùng nổ giữa Ấn Độ, đồng minh của Liên Xô, và Pakistan, đồng minh của Trung Quốc, về lãnh thổ Kashmir dưới chân dãy Himalayas. Trung Quốc đã khai thác việc Ấn Độ đang bận tâm với cuộc khủng hoảng để đưa quân tới biên giới với Ấn Độ và đòi hỏi những nhượng bộ về lãnh thổ. Nhưng Ấn Độ đã thắng trong cuộc xung đột với Pakistan, đặt quân Trung Quốc ở vào thế yếu và rồi phải nhanh chóng rút lui. Kết quả thực tế về mặt địa - chính trị là Liên Xô được, còn Trung Quốc thì mất.

Trung Quốc cũng bị mất cơ sở ở Inđônêxia, nơi đang rung chuyển bởi một cuộc điều chỉnh liên minh chính trị lớn vào tháng 10. Cho đến lúc đó, rõ ràng là Giacácta đang chuyển động theo quỹ đạo của Trung Quốc. Chẳng hạn, ngày 17/8, nhà lãnh đạo của Inđônêxia Sukamo chỉ trích mạnh mẽ Washington và đã nói tới một trục “Bắc Kinh -Giacácta - Hà Nội - Phnôm Pênh”. Nhưng chẳng bao lâu sau đảng Cộng sản Indônêxia (PKI) được Trung Quốc ủng hộ đã tiến hành một cuộc đảo chính mà cuối cùng đã thất bại thảm hại. Tư tưởng chống cộng và tư tưởng bài ngoại tràn qua đất nước; trong vụ bạo lực sau đó, Sukamo đã bị đánh đổ và khoảng 300.000 đảng viên của PKI bị giết. Quốc gia lớn nhất và đông dân nhất ở Đông Nam Á này đã thay đổi hướng đi và giờ đây nằm trong tay của những người dân tộc chủ nghĩa độc lập do Suharto lãnh đạo (Suharto vẫn nắm quyền cho tới nay). Trung Quốc ban đầu hy vọng một chiến thắng to lớn, nhưng thay vào đó đã phải chịu một sự tụt hậu mãi mãi.

George F. Kennan, mà chiến lược ngăn chặn của ông là một nhân tố quan trọng trong cam kết quân sự của chúng tôi với Nam Việt Nam, đã đưa ra lý luận tại cuộc điều trần của Thượng viện ngày 10/2/1966, là “Trung Quốc đã phải chịu một thất bại lớn ở Inđônêxia,... một sự kiện có ý nghĩa quan trọng và hạn chế mọi hy vọng bành trướng quyền lực của họ”. Sự kiện này đã làm giảm nhiều lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Ông ta đã quả quyết là hiện nay tồn tại ít những con domino và chúng dường như đều không có mấy khả năng sụp đổ*1.

Quan điểm của Kennan đã không được chúng tôi chú ý, và do đó, không có ảnh hưởng đối với những hành động của chúng tôi. Nhưng những lời phát biểu ngày 2/9/1965 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu thì lại làm được điều đó. Trình bày khái niệm “chiến tranh nhân dân” Lâm đã kêu gọi “các vùng nông thôn trên thế giới” (các nước đang phát triển) chiếm lấy “các thành phố” (các quốc gia công nghiệp hoá) thông qua các cuộc cách mạng vũ trang trong nước. Ông ta chế nhạo quân Mỹ ở Việt Nam và nói “cuộc chiến đấu cổ điển”, của nhân dân Việt Nam chắc chắn đem đến thất bại nhục nhã cho một nước Mỹ đã vươn ra quá xa. Chính quyền Johnson - kể cả tôi - đã coi lời phát biểu trên là hiếu chiến và hung hăng, cho thấy dấu hiệu sẵn sàng của một nước Trung Quốc bành trướng, nuôi dưỡng lực lượng “trong nước” trên toàn thế giới và giúp họ lấn tới khi thời cơ đến. Những nhận xét của Lâm đối với chúng tôi dường như là một biểu hiện rõ rệt của cơ sở của thuyết Domino.

Nhìn lại, ta có thể thấy những sự kiện của mùa thu năm 1965 là những bước lùi rõ ràng đối với Trung Quốc, dẫn đến việc nước này hướng vào giải quyết những vấn đề trong nước và tiến hành cuộc Cách mạng Văn hoá vào năm sau. Chuỗi những sự kiện tiêu cực này đã dẫn đến việc Trung Quốc rút lui khỏi sự tham gia tích cực vào các công việc quốc tế trong hơn một thập kỷ. Nhưng bị loá mắt bởi những giả thuyết của chúng tôi và bận rộn với cuộc chiến đang nhanh chóng leo thang, chúng tôi - như hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây khác tiếp tục nhìn nhận Trung Quốc như là một mối đe doạ nghiêm trọng ở châu Á và các nơi khác trên thế giới.
_____________________________________
* Tôi chắc là George sẽ thấy đau đớn khi nghĩ rằng một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ coi cuộc can thiệp vào Việt Nam là một sự mở rộng lôgic của “chiến lược ngăn chặn”. Không chắc là ông ta đã hình dung ra việc mở rộng chiến lược này ra trên toàn cầu đến mức độ này.
1. Trích dẫn trong Điều trần về Việt Nam (New York: Vintage Books, 1966), tr. 140.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:34:37 pm »


Trong khi Trung Quốc chuyển sang hướng nội, thì nước Mỹ đã tăng sự hiện diện của mình ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh ngày càng mang vẻ bề ngoài và hơi hướng của một doanh nghiệp Mỹ. Điều này đã làm nổ ra một vài lời phê phán ở Mỹ, nhưng các cuộc thăm dò vẫn tiếp tục cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với chính sách của Tổng thống Johnson. Tại Quốc hội, khoảng mười Thượng nghị sĩ và bảy mươi Hạ nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích nặng nề - kể cả những nhân vật có thế lực như William Fulbright, Mike Mansfield và Wayne Morse - nhưng nói chung, ngành lập pháp vẫn ủng hộ. Báo chí, chỉ trừ một vài nhà bình luận nổi tiếng, cũng tiếp tục ủng hộ Tổng thống.

Cho tới thời gian đó, biểu tình phản đối chiến tranh xảy ra lác đác và hạn chế, và không gây được sự chú ý. Rồi buổi chiều ngày 2/11/1965 đã đến. Vào lúc tranh tối tranh sáng ngày hôm ấy, một thành viên trẻ của Hội Bạn hữu tên là Norman R. Morrison, cha của ba đứa con và là một cán bộ của Stoney Run Friends Meeting ở Baltimore, đã tự thiêu cách cửa sổ văn phòng ở Lầu Năm Góc của tôi có 40 feet (12 mét). Anh ta đã tự đổ xăng lên mình. Lúc người anh ta bốc cháy, anh ta đang bế đứa con gái một tuổi trên tay. Những người đứng ngoài đã kêu lên “Cứu lấy đứa bé” và anh ta đã ném đứa con ra. Cô bé sống sót và không bị thương.

Sau cái chết của Morrison, vợ anh ta đã đưa ra một tuyên bố:

Norman Morrison đã hy sinh cuộc đời mình để bày tỏ mối lo ngại về tổn thất lớn lao về sinh mạng và sự đau khổ của con người do chiến tranh ở Việt Nam gây ra. Anh đã phản đối sự dính líu sâu về quân sự của Chính phủ vào cuộc chiến tranh này. Anh đã cảm thấy rằng mọi người dân phải nói ra những lời phán xét của mình đối với hành động của đất nước mình1.

Cái chết của Morrison không chỉ là một bi kịch đối với gia đình anh ta, mà còn là một bi kịch đối với tôi và đất nước. Đó là lời phản đối sự giết chóc đang tàn phá cuộc sống của biết bao thanh niên Việt Nam và Mỹ.

Tôi đã phản ứng lại nỗi kinh hoàng về hành động của anh ta bằng cách che đậy những tình cảm của mình và né tránh nói về những tình cảm đó với bất cứ ai – thậm chí với cả gia đình tôi. Tôi biết Marg và ba đứa con chúng tôi cùng chia sẻ những tình cảm về chiến tranh của Morrison cũng như những người vợ và những đứa con của một vài đồng nghiệp trong nội các của tôi. Và tôi tin là tôi hiểu và chia sẻ một vài suy tư của anh ta. Có nhiều điều Marg và tôi và bọn trẻ lẽ ra phải nói tới, nhưng vào những lúc như thế này tôi lại thường suy tư một mình - đây là một sư mềm yếu sâu sắc. Sự kiện này đã làm sự căng thẳng trong nước trở nên sâu sắc thêm vì sự bất đồng và chỉ trích chiến tranh tiếp tục tăng.

Ba tuần sau, ngày 27/11, có khoảng hai vạn đến ba vạn rưởi người phản đối chiến tranh đã tuần hành về Nhà Trắng. Được SANE (Ủy ban Chính sách hạt nhân lành mạnh) bảo trợ và đi đầu là Sanford Gottlieb, một trong những nhà tổ chức chống chiến tranh tích cực và có trách nhiệm nhất, cuộc tuần hành đã diễn ra hoà bình và trật tự. Vài ngày sau Tiến sĩ Benjamin Spock, bác sĩ nhi khoa nổi tiếng toàn đất nước, và Giáo sư H. Stuart Hughes của Trường Đại học Harvard, Đồng Chủ tịch của SANE, đã gửi cho Hồ Chí Minh một bức điện cho biết SANE đã bảo trợ cuộc tuần hành và giục Người chấp nhận lời đề nghị đàm phán của Mỹ. Họ viết: “Các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục nhưng sẽ không dẫn đến sự rút lui của Mỹ”2.

Tiếp theo sau đó, đã có thêm nhiều cuộc biểu tình.

Có lẽ một số người sẽ ngạc nhiên vì tôi cảm thấy thông cảm sâu sắc đối với những mối lo ngại của những người phản đối. Mary McGrory, một nhà bình luận cho tờ Washington Star, đã nêu được chính xác thái độ của tôi trong bài viết của cô ngày 3/12/1965:

Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara coi những cuộc biểu tình gần đây không có gì đáng báo động, cũng không có gì đáng phải thất vọng.

Ý kiến của ông ta rõ ràng là thiểu số trong Lầu Năm Góc, nhưng nhà quản lý dân sự của bộ máy quân sự này lại là một người ủng hộ tự do ngôn luận.

Ông nói: “Dân tộc này có một truyền thống bảo vệ tự do ngôn luận và quyền có bất đồng chính kiến. Các chính sách của chúng ta trở nên mạnh hơn nhờ có tranh luận”.

Ngài Bộ trưởng là một người sùng bái Norman Thomas, nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa đáng tôn kính, nhà hùng biện có ấn tượng nhất tại cuộc biểu tình hôm thứ Bảy tuần trước của chúng ta ở đây. Nhưng ông ta đặt vấn đề về luận điểm của Thomas là “sẽ thà nhìn thấy nước Mỹ cứu vớt linh hồn mình hơn là giữ thể diện ở Đông Nam Á”.

McNamara hỏi: “Anh cứu vớt linh hồn mình như thế nào? Anh có cứu vớt linh hồn mình bằng cách thoát ra khỏi tình huống này bằng cách thực hiện những cam kết của mình?”3.
________________________________________
1. New York Times, 3/11/1965, tr.1.
2. Xem New York Times, 29/11/1965.
3. PSRSM, 1965.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:35:43 pm »


Trong khi các cuộc phản đối dâng lên trên khắp nước Mỹ thì việc Bắc Việt Nam và Việt cộng mở rộng các chiến dịch quân sự đã buộc Westmoreland phải xem xét lại và tăng đáng kể dự trù xin quân của mình. Trong khi đó, một vài người trong chúng tôi ở Washington, lại nỗ lực tìm cách đi đến đàm phán. Hai vấn đề này đã bao trùm các cuộc tranh luận trong chính quyền suốt các tháng 11, 12 và tháng giêng.

Ngày 7/11/1965, tôi gửi cho Tổng thống một bản báo cáo, bản báo cáo này cùng hai bản báo cáo khác vào các ngày 30/11 và 7/12 đã tạo cơ sở cho phần lớn các cuộc thảo luận vài tuần sau đó. Bản báo cáo mở đầu với lời lẽ như sau:

Quyết định hồi tháng Hai về việc ném bom Bắc Việt Nam và việc thông qua tháng bảy các cuộc triển khai quân giai đoạn 1 chỉ có ý nghĩa nếu chúng hỗ trợ chính sách lâu dài của nước Mỹ là ngăn chặn nước Trung Quốc cộng sản. Trung Quốc - giống nước Đức năm 1917, giống như nước Đức ở phía Tây và nước Nhật ở phía Đông vào những năm cuối thập kỷ 30 và Liên Xô năm 1947 - hiện ra như một cường quốc lớn đe doạ làm giảm tầm quan trọng và ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới và tổ chức cả châu Á chống lại chúng ta tuy xa xôi nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.

… Có ba mặt trận đối mặt với nỗ lực lâu dài kiềm chế Trung Quốc (nhận thức rằng Liên Xô “kiềm chế” Trung Quốc ở phía Bắc và Tây Bắc): (a) mặt trận Nhật Bản - Triều Tiên; (b) mặt trận Ấn Độ - Pakistan; và (c) mặt trận Đông Nam Á. Những quyết định ngày nay đòi hỏi nhiều đầu tư về con người, tiền bạc và danh dự quốc gia vào Nam Việt Nam, chỉ có ý nghĩa khi phù hợp với những nỗ lực thường xuyên có tầm ảnh hưởng tương đương tại những nơi khác ở châu Á và ở trên hai mặt trận chính khác. Những xu hướng ở châu Á đang đi theo hai hướng - đều ngược lại những lợi ích của chúng ta; không có lý do nào để bi quan quá mức về khả năng của chúng ta trong một hay hai thập kỷ tới... ngăn chặn Trung Quốc đạt được những mục tiêu của họ cho tới khi lòng nhiệt tình của họ giảm đi. Tuy nhiên, công việc - thậm chí nếu chúng ta có thể chuyển một vài trách nhiệm sang một số nước châu Á - sẽ còn đòi hỏi mối quan tâm, tiền của và đôi khi, rủi ro thay, cả sinh mạng của người Mỹ nữa.

Bất cứ quyết định tiếp tục chương trình ném bom Bắc Việt Nam và bất cứ quyết định triển khai quân giai đoạn 2 nào - bao gồm cả thiệt hại đáng kể về lính Mỹ như thường xẩy ra, những nguy cơ tiếp tục leo thang và việc đầu tư nhiều hơn danh dự nước Mỹ - phải được xem xét dựa trên những tiền đề liên quan tới những lợi ích lâu dài của chúng ta ở châu Á.

Tôi đã trích những đoạn dài ở trên vì sau này nhận thấy chúng cho ta một dẫn chứng về việc đánh giá hoàn toàn sai lầm về “Mối đe doạ của Trung Quốc” đối với an ninh của chúng ta, đã ảnh hưởng đến toàn bộ tư duy của chúng ta. Trong số những sai lầm khác, có những sai lầm là đã không xét đến sự thù địch hàng thế kỷ giữa Trung Quốc và Việt Nam (mà đã lại bùng lên sau khi Mỹ rút khỏi khu vực này), hay những bước lùi về thế lực của Trung Quốc do những sự kiện gần đây ở Ấn Độ, Pakistan và Inđônêxia gây ra, như tôi vừa mới nói ở trên. Tuy nhiên, theo tôi nhớ và theo những ghi chép, chúng phản ảnh quan điểm của tất cả, hay gần như tất cả, các nhà lập chính sách cấp cao của Mỹ. Ở đây, lại vẫn là sự thiếu chuyên sâu và thiếu hiểu biết về lịch sử đã phá hoại nghiêm trọng chính sách của Mỹ.

Bản báo cáo của tôi tiếp tục với một nhận định đáng buồn về tình hình ở Nam Việt Nam. Nó ghi nhận cuộc chiến tranh du kích tiếp tục ở mức độ cao các cuộc tấn công, phá hoại và khủng bố của Việt cộng đã không cho thấy dấu hiệu giảm bớt nào; Chính phủ Thiệu-Kỳ vẫn tồn tại, nhưng chúng làm được bao nhiêu; và tồi tệ hơn cả là việc kiểm soát chính trị của Sài Gòn ở vùng nông thôn, nơi phần lớn người dân Nam bộ sinh sống, đã suy yếu.

Sau khi trích nêu mục tiêu chính trị hiện thời của chúng tôi ở Nam Việt Nam - một nhà nước độc lập, phi cộng sản - tôi viết tiếp: “Vấn đề là liệu cuối cùng, chúng ta có nên chuẩn bị sẵn sàng cho một giải pháp thoả hiệp... mà có thể sớm gặp phải hay không”. Sau khi phân tích các kế hoạch thay thế mà chúng tôi có được, tôi đề nghị: (1) tăng lính Mỹ lên 350.000 vào cuối năm 1966 so với con số 275.000 mà Westmoreland đã ước tính vào tháng 7; (2) ngừng ném bom một tháng, tương tự như đề xuất của tôi hồi tháng 7 và khuyến nghị của Nhóm Thompson hồi tháng 10; và (3) cố gắng hết sức để bắt đầu các cuộc đàm phán. Tôi nhận thấy là các cuộc đàm phán vào lúc đó dường như khó có thể thành công, nhưng tôi đã lý giải là ngừng ném bom “sẽ tạo cơ sở cho việc ngừng ném bom một lần nữa, có lẽ là vào cuối năm 1966, và nó sẽ tạo khả năng cho một giải pháp”. Nếu ngưng ném bom mà chứng tỏ không có kết quả thì tôi kiến nghị tăng cường các cuộc tấn công Sấm Rền nhằm vào Bắc Việt Nam - không phải để giành chiến thắng (điều mà tôi cho là không thể thắng bằng không quân, mà chỉ là một kiểu huỷ diệt) mà là một gọng kìm của chiến lược hai gọng kìm của chúng tôi để chứng minh cho Việt cộng và Bắc Việt Nam thấy là họ không thể thắng ở miền Nam, đồng thời trừng trị Hà Nội vì tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến tranh.

Tôi đã không can đảm. Quả thực, tôi đã có nói với Tổng thống là “không một hành động nào trong các hành động đó đảm bảo rằng sẽ thành công. Có một nguy cơ tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa, là kế hoạch mà tôi gợi ý... sẽ làm cho người Trung Quốc hoặc người Nga leo thang chiến tranh. Con số những lính Mỹ bị chết trận có thể lên đến 500 -800 một tháng. Và điều khó khăn là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/Việt cộng sẽ vẫn kiên trì theo đuổi, đối chọi một cách có hiệu quả với chúng ta theo công thức một-đổi-một... và mặc dù rất cố gắng, chúng ta sẽ vấp phải sự trì trệ ở mức cao hơn vào đầu năm 1967”.

Nhưng tôi không thấy có cách nào khác. Tôi chỉ có thể kết luận là “cơ hội tốt nhất đạt được mục tiêu của chúng ta và tránh một thất bại đắt giá về chính trị của dân tộc là phải kết hợp các bước đi chính trị, kinh tế và quân sự được miêu tả trong bản báo cáo này. Nếu được thực hiện mạnh mẽ, thì chúng ta sẽ có được cơ hội tốt nhất để đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được cho vấn đề, trong một thời gian hợp lý”1.

Ban đầu, Tổng thống bày tỏ hoài nghi sâu sắc đối với những kiến nghị của tôi. Trong hồi ký của mình. Tổng thống viết: “Việc ngừng ném bom trong tháng năm đã thất bại và tôi đã cho rằng Hà Nội chắc chắn sẽ coi ngừng ném bom là một dấu hiệu yếu thế”. Cũng có những người tốt và những lời tranh luận hay phản bác lại: Dean Rusk tỏ ra hoài nghi là Hà Nội sẽ đáp lại một cách tích cực; Bus Wheeler và Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đoán là Bắc Việt Nam sẽ khai thác việc này về mặt quân sự và lầm tưởng hành động của chúng tôi là sự yếu kém; Henry Cabot Lodge cho là việc này sẽ làm nhụt chí Nam Việt Nam và tạo hố ngăn cách Sài Gòn và Washington; Clark Clifford, một cố vấn của Tổng thống, sợ là nó sẽ cho thấy sự thiếu cương quyết của nước Mỹ và không tăng áp lực nhằm đánh Bắc Việt Nam mạnh hơn nữa. Tôi biết là tôi phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn2.
________________________________________
1. “Phương hướng hành động ở Việt Nam”, Phác thảo đầu tiên chưa sửa chữa, 3/11/1965, gửi cho Tổng thống ngày 7/11, RSMP.
2. Xem Lyndon Baines Johnson, Ưu điểm; những triển vọng của chức Tổng thống, 1963-1969, (New York: Holt, Rinehart và Winston, 1971), tr. 234.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2009, 11:36:51 pm »


Mọi việc dẫm chân tại chỗ mất vài tuần, trong khi Tổng thống về trang trại ở Texas dưỡng bệnh sau khi phẫu thuật mật, còn Dean đã đi Mỹ Latinh. Lúc đó, ý kiến trong Chính phủ về việc ngừng ném bom đã bắt đầu thay đổi khi chúng tôi nhận được tin trên mặt trận quân sự, sự chỉ trích nặng nề về lập trường đàm phán của chúng tôi và một dấu hiệu từ Liên Xô cho thấy họ sẽ tìm cách giúp để bắt đầu các cuộc đàm phán nếu chúng tôi ngừng ném bom.

Trận giao tranh lớn đầu tiên giữa lính Mỹ và lính Bắc Việt Nam xảy ra từ ngày 14- 19/11/1965 ở Thung lũng Ia Đrăng ở miền tây Trung bộ của Nam Việt Nam, gần biên giới Campuchia. Hai trung đoàn quân Bắc Việt Nam đã đánh nhau với Sư đoàn 1 Quân thiết giáp và Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 7 Quân thiết giáp trong một trận đánh dữ dội giữa vùng cỏ voi và những ụ kiến cao bằng đầu người. Khi trận chiến đấu kết thúc Bắc Việt Nam đã để lại hơn 1.300 người chết. Có 300 lính Mỹ đã bị giết. Thoạt nhìn, trận Ia Đrăng dường như là một chiến thắng quân sự vang dội của Mỹ. Những binh sĩ Mỹ, như người ta trông đợi, đã chiến đấu can đảm và anh dũng. Nhưng quân Bắc Việt Nam đã lựa chọn địa điểm, thời gian và thời lượng tham chiến. Đây là trường hợp luôn xảy ra trong suốt cuộc chiến.

Trận Ia Đrăng đã khẳng định những tin tình báo từ MACV cho biết, việc vận chuyển vào Nam của địch lớn hơn nhiều so với dự đoán. Do vậy, lúc này, rõ ràng là có chín trung đoàn của Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam, trái ngược lại ba báo cáo trước đó. Các trung đoàn của Việt cộng cũng đã tăng lên hơn hai lần, từ năm lên mười hai. Mức độ chuyển quân đã tăng ba lần, từ ba trung đoàn một tháng vào cuối năm 1964, lên ít nhất là chín trung đoàn trong một tháng. Và tất cả đều xảy ra vào giữa một chiến dịch ném bom căng thẳng để ngăn chặn của Mỹ1.

Westmoreland đã xem xét những xu hướng này và đã kết luận đúng đắn là cấp độ quân địch trong tương lai sẽ cao hơn nhiều so với dự tính của ông ta. Do đó, ngày 23/11, ông ta đã đánh điện cho Washington đề nghị thêm 200.000 quân nữa trong năm 1966 - gấp hai lần dự tính hồi tháng bảy của ông ta. Như vậy tổng số quân Mỹ ở Việt Nam sẽ tăng lên 410.000 vào cuối năm 1966, trái với dự tính ban đầu là 275.000 quân2.

Bức điện đến như một đòn làm tiêu tan hy vọng. Nó có nghĩa là việc gia tăng mạnh mẽ về số binh lính Mỹ - đáng tranh cãi là không có giới hạn - và cùng với nó là khả năng ngày càng có nhiều lính Mỹ bị thiệt mạng. Lời đề nghị này và những hậu quả của nó lớn tới mức mà tôi quyết định cùng với Bus Wheeler bay đi Sài Gòn để tự mình đánh giá tình hình.

Các cuộc gặp của tôi với Lodge, Westmoreland, Bus và Oley Sharp vào các ngày 28 và 29/11 đã khẳng định những lo ngại xấu nhất của tôi. Lòng dũng cảm và nhuệ khí của binh lính Mỹ đã cho tôi nhiều ấn tượng, nhưng tôi đã thấy và được nghe nhiều vấn đề. Sự hiện diện của Mỹ dựa trên một bát thịt đông: bất ổn định chính trị tăng lên; bình định đã bị chấm dứt; hiện tượng đào ngũ của Quân đội Nam Việt Nam đã tăng vọt. Điều đã đánh động cho tôi và có thể làm thay đổi thái độ của tôi là đề nghị của Westmoreland tăng 400.000 quân Mỹ vào cuối năm 1966 với khả năng là thêm ít nhất 200.000 quân nữa trong năm 1967, cộng với một điều hiển nhiên là Bắc Việt Nam có thể vận chuyển được 200 tấn hàng mỗi ngày dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, bất chấp các cuộc ném bom rải thảm ngăn chặn - nhiều hơn mức cần thiết để hỗ trợ các hoạt động của cộng sản, nếu tính cả số hàng hoá mà Việt cộng giành được ở miền Nam. Điều này đã được nói đến trong những nhận xét của tôi với báo chí khi tôi rời Sài Gòn:

Chúng tôi đã không còn bị thua trận... Nhưng mặc dù thực tế là chúng ta đã thành công,... (Việt cộng và Bắc Việt Nam) đã bù đắp được những tổn thất hết sức nặng nề mà họ đã phải chịu. Mức độ vận chuyển đã tăng lên, và tôi nghĩ là điều này cho thấy một quyết định rõ ràng của Hà Nội tăng mức độ của cuộc xung đột... Quyết định của Việt cộng (và Quân đội Bắc Việt Nam) đương đầu và chiến đấu (trong trận Ia Đrăng gần đây), việc họ nhận thức được mức độ quân chúng ta có thể đưa đến để chiến đấu với họ, và biểu hiện quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh của họ chỉ có thể dẫn đến một kết luận duy nhất. Đây sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài3.

Tôi trở về Washington và đưa ra hai phương án để Tổng thống quyết định: đi đến một giải pháp thoả hiệp (thấp hơn mục tiêu của chúng tôi về một Nam Việt Nam độc lập và phi cộng sản) hoặc đáp ứng những yêu cầu của Westmoreland và tăng cường ném bom Bắc Việt Nam. Tôi cảnh cáo là phương án hai sẽ không đảm bảo thành công, số lính Mỹ chết trận có thể lên đến 1.000 một tháng và đầu năm 1967 chúng tôi có thể gặp phải một tình huống “không quyết định” với mức độ bạo lực, tàn phá và chết chóc thậm chí còn cao hơn.
___________________________________
1. William C. Westmoreland, Báo cáo của một quân nhân, (Thành phố Garden: Doubleday, 1976; New York: Da Capo, 1989), tr. 154; và Báo cáo cho Tổng thống, 30/11/1965, RSMP.
2. MACV 41485, Westmoreland gửi CINCPAC, 23/11/1965, LBJL.
3. Thông cáo Báo chí nhân dịp tới Sài Gòn, 29/11/1965.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM