Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:38:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89400 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:23:19 pm »


6

CUỘC BẦU CỬ NĂM 1964 VÀ HẬU QUẢ CỦA NÓ
NGÀY 8/8/1964 - 27/1/1965


Nhiều người hôm nay tin rằng Tổng thống Johnson trì hoãn đưa ra những quyết định về Việt Nam là vì ông muốn tập trung vào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Thậm chí một số người cho rằng ông Johnson che giấu ý đồ mở rộng cuốc chiến tranh vì các lý do chính trị, tức là ông ta muốn vẽ nên hình ảnh Thượng nghị sĩ Barry M. Goldwater (đảng Cộng hoà-bang Arizona) ứng viên của đảng Cộng hoà như một người hiếu chiến, còn bản thân ông ta là một chính trị gia biết lẽ phải và yêu hoà bình.

Nếu Lyndon Johnson đã có trong đầu một kế hoạch leo thang chiến tranh, thì ông ta cũng chẳng bao giờ cho tôi biết. Và tôi đã tin rằng ông chưa bao giờ có kế hoạch đó. Ông cũng chưa bao giờ tỏ ra cho tôi, hay các Tham mưu trưởng liên quân biết rằng ông muốn chúng tôi ngừng cuộc chiến ở Việt Nam lại để phục vụ cho cuộc bầu cử. Thực tế, hồi đó giữa các cố vấn của ông vẫn không nhất trí được về những việc cần phải làm.


Suốt cả thời gian đó, tình hình chính trị và quân sự ở Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng, làm căng thẳng thêm tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà chúng tôi phải đương đầu - đó là giữa việc tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam và không để mất Nam Việt Nam. Những bất đồng sâu sắc về việc phải làm gì trước tình trạng suy sụp nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn làm chúng tôi bối rối trong việc hoạch định chính sách. Nỗi thất vọng và vỡ mộng trước tình hình ngày càng khó khăn và nguy hiểm cứ như một điềm đen tối len lỏi xuyên suốt các cuộc tranh cãi của chúng tôi.

Trong cả quá trình vận động bầu cử, ông Barry Goldwater luôn thể hiện chính sách cứng rắn về Việt Nam. Vào đầu tháng 3, người ta trích lời ông hồi tưởng rằng 10 năm về trước, khi quân Pháp bị bao vây ở Điện Biên Phủ, lẽ ra Mỹ nên ném bom nguyên tử có sức công phá nhỏ để làm rụng lá tại các khu rừng nơi đối phương ẩn nấp. Ngày hôm sau, ông Barry Goldwater đã khuếch trương luận điểm đó. Bây giờ, khi Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến thì, ông ta nói: chúng ta “lẽ ra đã tiến hành chiến tranh ở Bắc Việt Nam - 10 năm trước chúng ta đã có thể ném bom Bắc Việt Nam mà không hề nguy hại gì tới cuộc sống của chúng ta”. Chẳng cần phải nói cũng biết là những lời lẽ hiếu chiến đó đã làm nhiều cử chi lo ngại1.

Trong khi đó, Tổng thống Johnson lại tỏ ra là một hình mẫu của con người ôn hoà và kiềm chế. Một trong những lời bình luận đầu tiên và thận trọng nhất trong nhiều phương diện về Việt Nam được đưa ra trong diễn văn của ông tại hiệp hội Luật sư Mỹ của thành phố New York ngày 12/8. Lời phát biểu phản ánh kỹ năng của người viết diễn văn cho ông (các báo cáo không nói tên người này), nhưng những niềm tin trong đó thì rõ ràng là của Tổng thống:

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc chúng ta đã kiên nhẫn lao động nhằm xây dựng một trật tự thế giới mà trong đó cả hoà bình và tự do đều phát triển rực rỡ.

Đã sống lâu cùng khủng hoảng và hiểm nguy nên gần như chúng ta nhất trí chấp nhận các tiền đề của mối lo ngại của người Mỹ đối với những gì đe doạ trật tự đó.

Chúng ta làm như vậy vì đã từng phải trả giá đau đớn để học được rằng, không thể chờ lâu hơn nữa, cho đến khi những con sóng xung đột đánh vào bờ chúng ta. Xâm lược và bạo động ở một vài nơi trên thế giới đã reo rắc mầm mống phá hoại nền tự do và văn minh của chính chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta làm như vậy vì một lý do nhiều khi khó hiểu đối với người khác. Chúng ta làm như vậy vì chúng ta làm thế là đúng.

Những người hay phê phán một cách xây dựng hoặc kẻ thù ghê gớm đều thường đánh giá thấp, thậm chí lờ cả cốt lõi của định hướng tinh thần xuyên suốt hệ thống lịch sử nước Mỹ.

Tất nhiên, an ninh và phúc lợi xã hội cấu thành các chính sách của chúng ta. Nhưng sinh lực cho các cố gắng của chúng ta lại bắt nguồn từ các định hướng tinh thần.

Đúng là những nước mạnh nên giúp những nước yếu bảo vệ tự do của họ.

Đúng là các quốc gia này không được áp bức quốc gia khác2.
______________________________________
1. Xem Tạo ra Tổng thống, 1964, Theodore H. White (New York: Atheneum, 1965), tr. 132-133.
2. Phát biểu tại thành phố New York trước Hiệp hội Luật sư Mỹ, 12/8/1964, Văn kiện công khai, Lyndon B. Johnson: 1963-1964, tr. 952.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:23:58 pm »


Người ta tranh cãi sục sôi rằng liệu chính sách đối ngoại của Tổng thống Johnson có dựa trên các nền tảng đạo lý hay không. Tôi tin rằng những suy xét như vậy đã tác động tới Tổng thống và nhiều cố vấn của ông, trong đó có tôi. Liệu những suy xét đó có còn tác động tới chính quyền hôm nay hay không - điều này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Những người giáo điều và các chính trị gia thực tế tranh cãi rằng các suy xét đó không tác động đến chính quyền. Tôi thì cho rằng có tác động, đơn cử là đã có lựa chọn giữa việc tránh ném bom bừa bãi Bắc Việt Nam, hoặc gánh chịu nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Những vướng mắc như vậy đáng được đưa ra tranh cãi, vì Mỹ đang cố sức tìm đúng vị trí của mình trong thế giới sau chiến tranh lạnh.

Trong mọi sự kiện của những tháng đó và rất lâu sau cuộc bầu cử. Tổng thống Johnson lo ngại rằng cánh hữu có thể sẽ đẩy chúng ta dấn sâu hơn vào Đông Dương, cũng như đặt chúng ta trước nguy cơ lớn hơn bất cứ lúc nào về cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Liên Xô. Để chống đỡ với sức ép đó, ông đã phát biểu những điều nhằm tự trấn an mình. Chẳng hạn, vào tháng 8, ông đã tuyên bố và rõ ràng có ngụ ý đề cập tới Barry Goldwater: “Một số người đang thèm khát mở rộng cuộc xung đột. Họ muốn chúng ta gửi thanh niên Mỹ đi làm những việc mà thanh niên châu Á phải làm và chẳng đem lại giải pháp nào cho vấn đề Việt Nam”. Ông nói thêm: “Người Nam Việt Nam có trách nhiệm cơ bản bảo vệ tự do của chính họ”1. Ông nhắc đi nhắc lại câu nói đó trong suốt cuộc vận động bầu cử ở New Hampshire và Oklahoma, ở Kentucky và Ohio.

Liệu ông ta có che giấu điều gì không? Với chúng tôi, những người ở sau hậu trường, thì Jonhson lại rất rõ ràng trong mục tiêu đối với chiến tranh Việt Nam. “Phải thắng” - ông nói vậy với Dean Rusk, Mac Bundy và tôi, ngay trong buổi gặp chúng tôi lần đầu với tư cách là Tổng thống. Ông không bao giờ sao nhãng khỏi mục tiêu đó. Nhưng chúng tôi đã chẳng bao giờ có thể vạch ra được cho ông thấy phải thắng như thế nào với cái giá phải chăng và sự mạo hiểm chấp nhận được.

Lẽ ra ông ta đã có nhiều hơn thế để nói với nhân dân Mỹ. Trong khi chúng tôi chưa hề có một kế hoạch được phê duyệt để gửi quân chiến đấu thì đã có một kế hoạch triển khai lực lượng không quân Mỹ ở mức tối thiểu được đem ra bàn thảo hàng tháng trời, và người ta ngày càng nghi ngờ rằng Sài Gòn có thể kéo dài việc tự đứng vững. Tổng thống không hề tiết rộ một chút gì về thực tế đó cho công chúng. Nếu ông có tiết lộ, thì chắc ông sẽ phải thêm đôi lời như: “Chúng ta đang mắc trong đám bùng nhùng khủng khiếp mà không biết cái gì sẽ xảy ra”. Nhưng ông đã không làm như vậy.

Tất nhiên, trong bối cảnh như vậy, tính vô tư tuyệt đối không phải là thuộc tính của các chính trị gia. Ông Woodrow Wilson đã không hề thể hiện được phẩm chất trên trong thời gian vận động bầu cử tổng thống năm 1916; khi ông nêu khẩu hiệu: “Ông đã giúp chúng ta thoát khỏi cuộc chiến tranh” chỉ để mùa xuân năm sau ông tuyên chiến với Thống chế Đức. Franklin Roosevelt đã không thể hiện phẩm chất đó trong cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 1940, khi ông nói sẽ không gửi quân Mỹ đi tham chiến ở châu Âu ngay trước khi chúng ta bước vào Chiến tranh thế giới thứ II. Tổng thống Johnson tin tưởng chắc chắn là việc ông Goldwater thắng cử có thể gây nguy hiểm cho Mỹ và đe doạ ổn định thế giới. Ông Johnson cũng tin rằng cuối cùng ông Goldwater thất cử đã minh chứng cho suy nghĩ trên của ông là đúng. Vì thế, những gì ông Johnson tuyên bố công khai trong thời gian vận động bầu cử chỉ đúng ở một khía cạnh nhỏ. Điều đó là sự thật, nhưng còn rất xa mới là toàn bộ sự thật.

Vẫn biết việc không hoàn toàn trung thực với công luận đó không có nghĩa là ngài tổng thống đã có sẵn trong tay kế hoạch leo thang chiến tranh. Mặc dù đầu năm 1964, một số Tham mưu trưởng liên quân thúc giục tăng cường hoạt động quân sự ở Việt Nam, nhưng William Westmoreland, Max Taylor, cũng như lãnh tụ của Nam Việt Nam là Nguyễn Khánh lại yêu cầu hoãn các hoạt động quân sự đó lại. Cuối tháng 1/1965 khi tôi và Mac khuyên Johnson thay đổi tiến trình, thì thực sự chúng tôi cũng không chắc là nên mở rộng chiến tranh hay nên rút, trong khi đó Dean không chống lại bất cứ thay đổi nào.

Đánh giá các báo cáo của Tổng thống Johnson trong suốt sự nghiệp lâu dài của ông, một số người có thể cho rằng với cuộc bầu cử chưa ngã ngũ, có khả năng Tổng thống đã giấu công chúng ý định về một cuộc chiến tranh. Có lẽ là như vậy. Nhưng không thể nói là chúng tôi đã quyết định vào năm 1964. Các chứng cứ cho thấy khác hẳn.
__________________________________
1. Sách đã dẫn, tr. 953.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:25:08 pm »


Trong vận động bầu cử, Goldwater đã tiến công cả tôi lẫn Tổng thống. Ông ta thích nhấn mạnh vào vấn đề: liệu Mỹ có sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh thông thường, và ông ta đã nhai đi nhai lại rằng chính tôi là người làm yếu sức phòng thủ của Mỹ. Ngày 20/3 ông ta ráo hoảnh buộc tội: “Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Bộ Ngoại giao đã dính líu vào việc đơn phương giải trừ quân bị”. Ngày 11/8 ông ta tuyên bố: “Dưới sự lãnh đạo của các nhà quân sự hiện nay của chúng ta và việc họ hoàn loàn coi thường các loại vũ khí mới, khả năng hạt nhân của chúng ta có thể bị cắt giảm tới 90% vào thập niên tới”. Ngày 6/10 ông lại có lập luận cứng rắn và tố cáo tôi là “chủ tâm cắt 90% khả năng hạt nhân của chúng ta”. Đoạn trích cuốn tự truyện Nơi tôi đứng của Goldwater đăng trên tờ The Washington Post mùa thu năm đó xác nhận:

Ông Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại đã thực sự trở thành người đi đầu trong việc ủng hộ, mà quả thực, ông ta là kiến trúc sư chính của cái gọi là chính sách quốc phòng mà vào cuối những năm 60 - đầu những năm 70, sẽ biến lá chắn vững chắc của nền cộng hoà thành một bức tường làm bằng pho-mát Thụy Sỹ đầy lỗ hổng; một chính sách quốc phòng mà sẽ khích lệ kẻ thù của chúng ta trở nên trâng tráo hơn, mạo hiểm dấn một bước liều mạng cuối cùng tới cuộc chiến tranh hạt nhân...

Tôi nhắc lại: kiến trúc sư của chính sách này là Bộ trưởng Quốc phòng đương chức. Nói một cách đơn giản, chính sách quốc phòng của chính quyền đương nhiệm biểu lộ sự đơn phương giải trừ quân bị1.

Còn bây giờ là thực tế.

Ngày 3/2/1964 tôi nói với Goldwater và các thành viên khác của Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng trong 5 năm tới có thể tăng số vũ khí hạt nhân chiến lược và số đầu đạn đã ấn định trong chương trình của Tổng thống Eisenhower, và người tiền nhiệm của tôi, ngài Tom Gates, cũng sẽ tăng 74% với tổng sức công phá tăng 31%. Ngày 18/9 tôi công khai tuyên bố: “Một cuộc tổng lực chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô sẽ tiêu diệt 100 triệu người Mỹ ngay trong giờ đồng hồ đầu tiên. Nó cũng có thể giết người Nga nhiều hơn thế, nhưng không có con người lành mạnh đúng mực nào có thể gọi đó là “chiến thắng”. Việc tôi ngày càng nhấn mạnh hoặc công bố công khai hạn định chặt chẽ trong chính sách vũ khí hạt nhân, những rủi ro, đã làm ông Goldwater cáu điên lên. Những phát biểu của ông Goldwater cho thấy là ông không thấy có sự khác biệt thực sự giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Ông ta còn đi xa tới mức đề nghị Tổng thống có thể chỉ thị cho các chỉ huy ở Việt Nam sử dụng mọi loại vũ khí có trong kho của chúng ta. Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến đó và đã nói thẳng ra.

Nhưng vì Goldwater lặp đi lặp lại những phát biểu thiếu thận trọng và không có cơ sở một cách ổn ào và liên tục; nên Tổng thống Johnson e rằng những ý kiến này đang đạt được những tác động chính trị mà nó muốn. Vì vậy, Tổng thống yêu cầu tôi và Dean đưa ra tuyên bố ở hội nghị của Ủy ban Cương lĩnh chính trị của đảng Dân chủ của thành phố Atlantic. Khuôn khổ truyền thống quy định một cách rất khôn ngoan là các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng phải đứng ngoài các đảng phái. Thật đáng tiếc, Dean và tôi bị Tổng thống thuyết phục nên chúng tôi đã phát biểu tại hội nghị đó.

Lúc đó, dường như ông Thượng nghị sĩ bang Arizona đang chống lại chúng tôi chứ không phải đang chống lại ông Johnson. Ông trách tôi về việc Công ty ôtô Ford quyết định tiến cử Công ty Edsel là công ty năm 1959 đã gây ra vụ thua thiệt tài chính lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của nước Mỹ. Ông buộc tội tôi, tương tự như vậy, đang làm phá sản chính sách an ninh của quốc gia. Goldwater biết rõ là tôi không hề liên đới trách nhiệm trong việc thua lỗ của Công ty ôtô Edsel. Ông Goldwater cứ bám vào suy nghĩ đó đến nỗi, cuối cùng, chính ông Ernest R. Breech, cựu Phó Chủ tịch điều hành của Công ty Ford là công ty tài trợ chính cho cuộc vận động bầu cử của Goldwater, đã viết cho ban chỉ huy chiến dịch vận động bầu cử để giải thích là: “Ông McNamara không có liên quan gì tới các dự án cho Công ty sản xuất ôtô Edsel dù ít hay nhiều”2. Nhưng Thượng nghị sĩ Goldwater vẫn tiếp tục buộc tội tôi và những lời buộc tội đó đã trở thành tư liệu của các báo trên thế giới. Thế là mỗi khi tôi bị đem ra chỉ trích vào những năm sau đó thì các nhà báo đều có thể gắn vào tên tôi một tiếp đầu ngữ là “cha đẻ của Edsel”*
________________________________________
1. Barry Goldwater, Nơi tôi đang đứng (New York; McGraw-Hill, 1964), tr. 67.
2. Emest R. Breech gửi Frank Middleton, Điều phối viên Tài chính, Tổng hành dinh Chiến dịch Goldwater, 5/4/1964, Văn kiện của Robert S. McNamara (viết tắt là RSMP).
* Vài năm sau, cuối cùng, tôi phải yêu cầu cán bộ phụ trách các vấn đề dư luận của tôi ở Ngân hàng Thế giới là cứ mỗi khi người ta buộc tội tôi thì lại cung cấp cho báo chí một bản copy bức thư của ông Ernest R. Breech. Cuối cùng, các đợt tiến công đã dừng lại.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:26:14 pm »


Trong suốt thời gian vận động bầu cử, chính quyền đã cố sức giữ cân bằng giữa hai mục tiêu về Việt Nam: tránh sử dụng lực lượng lính chiến của Mỹ, đồng thời không để mất Nam Việt Nam vào tay cộng sản.

Thực hiện cả hai mục tiêu cùng một lúc ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó tình hình Nam Việt Nam, nhất là về mặt chính trị, xấu đi nhanh chóng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ đến nơi mà chúng tôi vẫn bị chia rẽ sâu sắc ở cả Washington và Sài Gòn về việc phải làm gì. Chúng tôi họp liên miên, tranh cãi liên miên. Chúng tôi vẫy vùng tuyệt vọng vì rắc rối ở Việt Nam, vì khó khăn và bối rối của chính chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn không có được sự nhất trí để giải quyết vấn đề.

Ngày 13/8 Mac gửi tới Tổng thống một giác thư đưa ra một loạt cách giải quyết khả thi cho Đông Nam Á. Bức thư phản ánh ý tưởng của Mac, của Dean, của chính tôi và của các đồng nghiệp khác trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Bức giác thư đó và các tài liệu liên quan trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh cãi gay gắt của chúng tôi trong suốt năm tháng sau đó.

Bức giác thư mở đầu bằng sự thừa nhận “tình hình ở Việt Nam đang xấu đi”. Bức thư nêu tiếp là khả năng nắm giữ quyền lực của Khánh chỉ là 50/50, chính quyền Sài Gòn mang nhiều triệu chứng của chủ nghĩa thất bại, những tình hình đó tạo ra sức ép cần phải mở rộng chiến tranh bằng cách quân Mỹ can thiệp trực tiếp hoặc xem xét kỹ lưỡng một giải pháp đối thoại, mà trong bối cạnh lúc đó, tương đương với đầu hàng. Kiến nghị duy nhất rõ ràng và không thích hợp của bức giác thư là: “Chúng ta phải tiếp tục chống lại bất cứ cuộc đàm phán nào về Việt Nam”, bởi vì “đàm phán mà không tiếp tục các hoạt động quân sự thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu trong tương lai gần”.

Mac liệt kê các hoạt động quân sự có thể áp dụng, từ việc mở rộng chiến dịch quân sự ngầm tới việc không quân Mỹ ném bom có hệ thống Bắc Việt Nam và đường vận chuyển của họ vào Nam. Mac tán thành một đề nghị của Max Taylor, theo đó chúng ta lấy ngày 1/1/1965 là ngày triển khai mọi kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự mà chúng tôi có thể chấp nhận1.

Các Tham mưu trưởng liên quân cũng đồng ý rằng nên chuẩn bị kế hoạch ném bom các mục tiêu ở Bắc Việt Nam và Đường mòn Hồ Chí Minh với mục đích triệt hạ ý chí chiến đấu và khả năng tiếp tục hỗ trợ Việt cộng của Hà Nội. Những kế hoạch đó, vào những năm sau, kết hợp với các cố gắng trên bộ, đã thật sự là chiến lược quân sự mà chúng tôi theo đuổi. Kể cả lúc đó và sau này, không bao giờ các Tham mưu trưởng nghiên cứu kỹ khả năng đạt được các mục tiêu đề ra, cần bao nhiêu thời gian, thiệt hại về người và của và mức độ rủi ro của các chiến lược quân sự đó2.

Để triển khai chiến lược không chiến, các Tham mưu trưởng công thức hoá cái gọi là “Danh sách 94 mục tiêu”. Danh sách này bao gồm các sân bay Bắc Việt Nam, các trục liên lạc, các cơ sở công nghiệp và quân sự, các lối trinh sát vũ trang. Họ cho rằng việc tiến công vào các mục tiêu đó sẽ ngăn chặn được vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á khỏi sụp đổ. Công trình về danh sách đó chẳng đề cập gì tới việc liệu phải tiến hành bao nhiêu đợt tiến công từ các sân bay Nam Việt Nam, hoặc cần bao nhiêu quân chiến đấu Mỹ để bảo vệ các sân bay.

Khi đọc những kiến nghị này, tôi đã yêu cầu các Tham mưu trưởng liên quân cần đánh giá hiệu quả về kinh tế, quân sự khi tiến công các mục tiêu đó. Tôi không biết rằng việc tôi yêu cầu như vậy đã gây ra tranh cãi gay gắt giữa các Tham mưu trưởng liên quân. Trong cuộc thảo luận ngày 4/9, Tham mưu trưởng quân đội-tướng Harold K. Johnson lập luận rằng những nguyên nhân cơ bản để ném bom là hoàn toàn sai lầm. Mặc dầu các Tham mưu trưởng đã luôn luôn trích dẫn: “Tiến trình hoạt động quân sự sẽ tạo ra khả năng triệt hạ bằng không quân Bắc Việt Nam và có thể buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngừng trợ giúp quân phiến loạn ở Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hoà)”, nhưng Tướng Johnson không đồng ý như vậy. Ông chỉ ra rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy “phiến loạn Việt cộng ở Việt Nam Cộng hoà sẽ có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài với mức độ như hiện có, thậm chí còn mạnh hơn cho dù Bắc Việt Nam có bị phá hủy hoàn toàn (nhấn mạnh thêm)”. Vì lý do đó, Tướng Johnson đã khuyên các đồng sự của ông rằng đồng thời với việc ném bom Bắc Việt Nam, nên chặn các hoạt động của Việt cộng ở miền Nam, “cuộc chiến chống lại phiến loạn có thể thành công ở miền Nam và dọc theo các biên giới. Ông tiếp tục khuyến nghị rằng nên gác “Danh sách 94 mục tiêu” lại, trừ khi Bắc Việt Nam và Trung Quốc xâm chiếm Nam Việt Nam hoặc Lào. Ông nghĩ rằng đề nghị đó của ông là tiếp tục tất yếu dựa theo tiên đoán của các Tham mưu trưởng rằng, nếu tiến công tất cả 94 mục tiêu đó thì sẽ đẩy đến khả năng tiềm tàng là Bắc Việt Nam và Trung Quốc sẽ phản ứng tổng lực3.

Nhưng cuộc thảo luận giữa các Tham mưu trưởng với Max và tôi ngày 8/9 lại không đề cập gì tới các quan điểm trên, hay là các quan điểm khác của Tướng Johnson.
____________________________________
1. McGeorge Bundy gửi Tổng thống, 13/8/1964, FRUS, 1964-1968, t.1 tr. 672-679.
2. Xem JCSM-701-64, Bộ Tham mưu liên quân gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 14/8/1964, sách đã dẫn, tr. 681-682.
3. CSAM-472-64 gửi JCS, 4/9/1964, JMF 9155.3, trích trong Lịch sử các Tham mưu trưởng Liên quân, Phần 1, Chương 12, tr. 14-16.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:27:11 pm »


Trong suốt ba năm rưỡi sau đó, quan điểm của Tướng Johnson về tác hại của hoạt động ném bom đã trở thành vấn đề tranh cãi cơ bản giữa một bên là Tổng thống và tôi; với các Tham mưu trưởng và Tư lệnh quân sự ở Nam Việt Nam. Đó cũng chính là vấn đề đã gây ra hai cuộc điều trần gay gắt cao độ trước Quốc hội vào năm 1966- 1967, trong hai buổi đó, hầu hết các thành viên của Ủy ban Quân lực và những nhân chứng quân sự đã thừa nhận quan điểm năm 1964 của Tướng Johnson (và được Tổng thống, cũng như các quyết định tiếp theo của tôi, ủng hộ).

Nhưng sự bất đồng giữa các Tham mưu trưởng về vấn đề trên đã nhấn mạnh đến các vấn đề cơ bản hơn. Những người theo xu hướng sử dụng không lực trong lực lượng không quân và hải quân công nhận là tác dụng của việc ném bom là không hoàn hảo, và rất khó biết được chính xác rằng trong các trường hợp cụ thể các cuộc ném bom đó có đạt hiệu quả hay không. Quân đội (ngoại trừ lực lượng đặc biệt) và thủy quân lục chiến nhận thấy quả là rất khó khăn khi nhận thức và thực hiện có hiệu quả các chiến dịch chống quân du kích. Toàn thể quân đội (và cả tôi nữa) đều còn xa mới đánh giá đúng được quyết tâm, lòng bền bỉ và khả năng của Hà Nội tăng cường và mở rộng sức mạnh của Việt cộng ở miền Nam.

Tôi đã gần như tìm thấy câu trả lời trực tiếp cho yêu cầu của mình về 94 mục tiêu trong một báo cáo về một trò chơi chiến tranh tên là “Sigma II-64” do cơ quan Joint War Games của liên quân đưa ra tháng 9/1964. Nó kết luận là ném bom các cơ sở công nghiệp và quân sự ở miền Bắc “sẽ không ngăn chặn được các cuộc nổi dậy ở Nam Việt Nam”, và chắc chắn là “chỉ có một chút tác động tới mức sống thấp của đối phương”1.

Chính quyền Sài Gòn rối tung quá nhanh đến mức chúng tôi không kịp bàn với Tổng thống về các hướng hành động. Ngày 6/9, Max bực tức đánh đi một bức điện “Chỉ có sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo xuất chúng mới có thể cải thiện được tình hình, mà lại không có George Washington nào xuất hiện”. Từ những ngày đầu tiên của chính quyền Kennedy chúng tôi đã xác định ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết cơ bản cho chiến lược của chúng tôi ở Việt Nam. Theo như Max nói thì giờ đây điều đó rõ ràng không thể đạt được. Một bản dự đoán tình báo quốc gia đặc biệt (SNIE) đưa ra ngay sau đó đã nhắc lại lời nhận xét giống như Max. Bản dự đoán này kết luận: “Khó khăn, phức tạp đang cản trở việc hình thành một chính phủ ổn định đủ sức tiến hành có hiệu quả cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam”2.

Hai lời nhận định này lẽ ra đã làm chúng tôi phải suy nghĩ lại mục tiêu cơ bản của chúng tôi và khả năng đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi đã không làm như vậy, phần lớn là do không ai sẵn sàng thảo luận việc rút ra. Chúng tôi cho điều này sẽ dẫn đến một lỗ hổng nghiêm trọng trên con đê ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, và chúng tôi không chấp nhận điều đó.

Vì tôi dựa rất nhiều vào các bản dự đoán SNIE và sẽ luôn nhắc tới chúng trong những trang tới nên tôi sẽ giải thích chúng là gì. Năm 1950, CIA đã thành lập một đơn vị độc lập gọi là Ban Dự đoán quốc gia (BNE). Chức năng của nó là tập hợp xu hướng và dự đoán các đánh giá về các sự kiện chính trị và quân sự. Những phân tích này được rút ra từ các báo cáo của nhiều cơ quan tình báo khác nhau, kể cả Cục Nghiên cứu và Tình báo của Bộ Ngoại giao (INR) và các cơ quan tình báo quân sự. Thông thường, BNE sẽ chuyển các bản dự thảo của họ tới các cơ quan khác và giám đốc BNE sẽ chấp nhận hoặc phản bác các ý kiến đóng góp của các cơ quan đó trong khi tuyển lựa. Sau đó, những phân tích này được chuyển lên cấp cao nhất là Cục Tình báo Mỹ (USIB), và cuối cùng là Giám đốc CIA. Ông này sẽ trực tiếp chuyển những phân tích cuối cùng tới giới chóp bu: Tổng thống hoặc cố vấn cấp cao của Tổng thống.

Sherman Kent, nguyên Giáo sư sử học Trường Đại học Yale, đứng đầu BNE trong suốt thời gian tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng. Sherman, trông giống như ông Chips, người đầu tiên đứng đầu cơ quan BNE là người có lối tư duy địa-chính trị vô cùng sắc bén và cứng rắn mà tôi từng gặp. Thậm chí khi tôi không đồng tình với ông ta, tuy không thường xuyên tôi vẫn đánh giá cao ông. Các báo cáo được viết dưới sự chỉ đạo của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

Cuối cùng, vào ngày 9/9, khi chúng tôi gặp để thảo luận với Tổng thống về các hướng hành động thì sự bất đồng cơ bản giữa các cố vấn quân sự trở nên rõ ràng. Tham mưu Không quân và Tư lệnh Lính thủy đánh bộ thấy cần mở ngay các cuộc không kích Bắc Việt Nam. Tổng Tham mưu trưởng liên quân (Bus Wheeler), Tổng Tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng các lực lượng Hải quân, Tướng Westmoreland và Đại sứ Taylor, tất cả đều cho rằng chúng ta không nên làm quá tải chính quyền Sài Gòn đang yếu kém bằng việc tiến công Bắc Việt Nam.
_____________________________________
1. Báo cáo cuối cùng của Sigma II-64, LBJL, tr. D-14, D-15.
2. Embtel 768 (Sài Gòn), Taylor gửi Rusk, 6/9/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 733-736; và SNIE 53-64, “Cơ hội ổn định Chính phủ Nam Việt Nam”, 8/9/1964, sách đã dẫn, tr. 742-746.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:27:56 pm »


Tình hình chính trị bất ổn định của Nam Việt Nam làm Tổng thống Johnson lo ngại sâu sắc và ông tự nói lên băn khoăn của mình rằng hiện nay mọi cố gắng của chúng ta có nghĩa lý gì hay không. Max nói thẳng thừng là chúng ta không thể để cho Hà Nội thắng. Bus đồng tình với ý kiến đó và nhấn mạnh rằng các Tham mưu trưởng nhất trí cho rằng mất Nam Việt Nam có nghĩa là mất cả Đông Nam Á. Dean Rusk và John McCone ủng hộ mạnh mẽ quan điểm đó. Nhưng không ai (kể cả tôi) đặt câu hỏi là liệu hoặc làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn được điều đó. Tổng thống kết thúc cuộc họp bằng việc chỉ thị cho Bus nói lại với các Tham mưu trưởng, những người muốn tiến công Bắc Việt Nam ngay lập tức - rằng chúng ta không thể đẩy võ sĩ của chúng ta vào cuộc đấu mười hiệp trong khi anh ta còn chưa hoàn hồn sau hiệp thứ nhất. “Chúng ta cần phải để cho anh ta sẵn sàng đấu ít nhất là ba bốn hiệp”, ông càu nhàu. Điều có thể nhận thấy ngay được là Tổng thống không đả động gì đến tác động mà việc leo thang có thể gây ra cho cuộc bầu cử mà chỉ trong vòng hai tháng nữa sẽ diễn ra.

Johnson đã đúng khi lo ngại cho sự vô vọng của Nam Việt Nam. Chỉ bốn ngày sau đó đã diễn ra một cuộc binh biến có thể gọi là đảo chính, do một nhóm theo Đạo Thiên chúa trong quân đội nghĩ rằng tướng Khánh quá ưu ái những người theo Đạo Phật. Quân Thiên chúa giáo kéo vào Sài Gòn và chiếm được một số cơ quan chính phủ, nhưng đã bị những sĩ quan trẻ trung thành với tướng Khánh đẩy lui.

Sau khi thông báo cho Tổng thống về tình tiết đó, Dean điện cho Max rằng “Bức tranh về sự cãi vã lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam gây nên một ấn tượng rất tồi tệ ở nước ngoài”. Ông hỏi đầy mỉa mai: “Mục đích cam kết của chúng ta là gì nếu các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam không tuyên bố chấm dứt các thù địch cá nhân?”. Thậm chí Đô đốc Sharp cũng bắt đầu tỏ ý nghi ngờ. Ngày 25/9, ông điện cho Bus Wheeler rằng “Tình hình chính trị ở Nam Việt Nam hiện mất ổn định đến mức phải đặt ra các câu hỏi nghiêm túc về hành động tương lai của chúng ta... Có thể nghĩ tới quyết định là không dính líu”. CIA nhất trí và nói rằng: “Trong những tuần sắp tới tình hình tiếp tục làm suy sụp ý chí và hiệu quả của chính quyền Nam Việt Nam, đã đến mức đe doạ nền tảng chính trị của chính sách và các mục tiêu hiện tại của Mỹ ở Nam Việt Nam”1.


Giữa lúc tình hình u ám, ngày 5/10/1964, George Ball gửi cho Dean, Mac và tôi một bản ghi nhớ dày 62 trang đưa ra các giả thiết về chính sách Việt Nam của Mỹ hiện tại. Sự sâu rộng và tính chỉ trích của tài liệu thật phi thường, giống như chính tác giả của nó. Là một người cao lớn như một con gấu, với tâm hồn trong sáng, thông minh và ngọn bút đầy tài năng, George là người nghiên cứu về Đại Tây Dương, luôn luôn quả quyết rằng quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ông đã từng công tác tại Ban Điều tra ném bom chiến lược của Mỹ tại Đức vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II và là cố vấn của Chính phủ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương những năm 50. Bởi vì ông là người có thiên kiến nghiêng về châu Âu nên Dean, Mac và tôi xem xét quan điểm của ông một cách thận trọng.

George bắt đầu bằng những điều đã rõ: tình hình chính trị ở Sài Gòn đã xấu đi rất nhiều và ít có khả năng thiết lập được một chính quyền đủ mạnh để đàn áp các cuộc nổi dậy. Tiếp đó, ông đề ra bốn lựa chọn cho chính sách của Mỹ: (1) tiếp tục chính sách hiện nay; (2) trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh; (3) mở các cuộc tiến công bằng không quân vào Bắc Việt Nam; và (4) tìm kiếm một giải pháp chính trị. Ông phân tích từng phương án, và cho rằng chính sách hiện tại sẽ đưa tình hình chính trị và quân sự, vốn đã yếu kém, càng đi xuống. Trực tiếp tiến hành chiến tranh sẽ gây ra nhiều tổn thất cho sinh mạng Mỹ trên địa hình rừng núi và đồng ruộng. Ném bom Bắc Việt Nam sẽ không bẻ gãy được ý chí cũng như làm suy chuyển gì khả năng của miền Bắc ủng hộ Việt cộng. (Ông cũng nói rằng một cuộc oanh kích không làm tăng tư thế của chúng ta trên bàn đàm phán. Nhưng ông đã phải xem xét lại nhận định này vào đầu năm sau).
___________________________________
1. Deptel 654, Rusk gửi Taylor, 6/9/1964, sách đã dẫn, tr. 766-767; CINCPAC 25, Sharp gửi Wheeler, 25/9/1964, PP, t.3, tr. 569-570; và tài liệu của CIA “Sự sa đọa ở Nam Việt Nam”, 28/9/1964, FRUS, 1964-1968, t. 1, tr. 801, McGeorge Bundy gửi Tổng thống, 13/8/1964, FRUS, 1964-1968, t.1 tr. 672-679. Xem cả SNIE 53-2-64, 1/10/1964, sách đã dẫn, tr. 806-811.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:29:07 pm »


Đặc biệt, George đặt giả thiết “chúng ta có thể tiến hành phản công, đồng thời khống chế các rủi ro”. Bằng những lời lẽ chua cay và mang tính tiên tri, ông viết: “Một khi đã ngồi trên lưng hổ chúng ta không thể bám vào đâu mà xuống được nữa”*.

Chỉ còn lại phương án 4. Với nhận xét rằng chúng ta “hầu như không chú ý đến các biện pháp chính trị có thể có để tìm đường ra. George kết luận, chúng tạ phải nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu vấn đề này”.

Ông hoàn toàn đúng ở cả hai nhận định. Nhưng tài liệu của ông không đi sâu vào giải pháp chính trị. Ông lập luận rằng một giải pháp thương lượng phải bao gồm:

a) Cam kết của Bắc Việt Nam chấm dứt các cuộc nổi dậy ở miền Nam.

b) Thành lập một chính phủ độc lập ở Sài Gòn đủ khả năng quét sạch các phần tử nổi dậy một khi Hà Nội đã chấm dứt ủng hộ trực tiếp đối với họ.

c) Thừa nhận chính quyền khi Gòn được tự do kêu gọi Mỹ hoặc bất cứ cường quốc bạn bè nào giúp đỡ nếu họ thấy cần.

d) Các nước ký kết bảo đảm nền độc lập của chính quyền Sài Gòn1.

Dean, Mac và tôi rất tán thành các mục tiêu này. Nhưng chúng tôi cùng cho rằng chủ trương một giải pháp chính trị mà không có các biện pháp có hiệu quả để đạt được giải pháp đó thì cũng tương tự như là sự rút lui không điều kiện. Chúng tôi cân nhắc khả năng đó vì tính đến tác động tiềm tàng của nó đối với an ninh toàn cầu của Mỹ. Chúng tôi đã thấy một thế giới mà: lực lượng Pathet Lào được sự ủng hộ của Hà Nội tiếp tục lấn tới ở Lào, Sukamo đưa Inđônêxia đi gần vào quỹ đạo của cộng sản, Malaixia chịu sức ép của các phiến quân được Trung Quốc ủng hộ, Trung Quốc đã cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên và tiếp tục bài ca cách mạng bạo lực. Khrushchev và những người kế tục ông ta ở Kremlin tiếp tục những lời tuyên bố hiếu chiến chống phương Tây. Với tất cả các mối đe dọa đó, chúng tôi xem việc rút lui không điều kiện là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

George cũng đồng ý với kết luận đó. Chính mâu thuẫn bên trong này là điểm yếu của tài liệu của George. Ông ta đã đúng khi xác định vấn đề chúng ta đang đối mặt. Ông đã đúng khi rà soát các yếu tố rủi ro trong các hành động chúng tôi dự kiến. Ông đã đúng khi kêu gọi hãy quan tâm hơn đến đàm phán. Và ông đã đúng khi định ra các mục tiêu của đàm phán. Nhưng không rõ là hành động dự kiến này có đạt được các mục tiêu đó hay không.

Dean, Mac và tôi thảo luận với George về bản tài liệu vào thứ bẩy ngày 7/11. Tôi đã không tìm ra cuốn sổ tay ghi lại cuộc họp, nhưng tôi tin chúng tôi đã làm rõ quan điểm của mình.

George thừa nhận còn có những “khiếm khuyết dễ thấy” trong tài liệu mới “sơ khai” của mình. Ông nói ông gợi ý ra một số lĩnh vực để tiếp tục xem xét, để từ đó có thể dẫn đến những lựa chọn khác2.

Chúng tôi đã sai lầm nghiêm trọng khi không tiến hành việc nghiên cứu tìm hiểu đó. Tôi trách cả bốn chúng tôi. Bản ghi nhớ của George thể hiện cố gắng của một người trung thực đưa ra một loạt các đề nghị đáng được thảo luận kỹ càng ở cấp cao nhất. Chúng tôi kính nể ông, nhưng ông còn xứng đáng hơn thế nhiều. Lẽ ra chúng tôi phải thảo luận ngay lập tức với Tổng thống về bản báo cáo. Nhưng mãi đến 24/2 năm sau Johnson mới để ý đến nó khi George chuyển cho ông thông qua cố vấn của Tổng thống, Bill Moyers. Và lẽ ra chúng tôi phải trả lại bản báo cáo cho George và yêu cầu ông trình ngay cho các chuyên gia của Bộ Ngoại giao, CIA, Bộ Quốc phòng và Ủy ban An ninh quốc gia (NSC) để đánh giá và phân tích. Chúng tôi đã tỏ ra không tin rằng ông ấy đã tìm ra cách để đạt các mục tiêu mà tất cả chúng tôi đang tìm kiếm. Trong suốt mùa đông và mùa xuân năm 1965, suy nghĩ của George tiến gần đến quan điểm của tôi là đàm phán sau khi gây sức ép quân sự đối với Bắc Việt Nam.

Theo dõi Dean và tôi vật lộn với cuộc chiến tranh Việt Nam, Mac Bundy đưa ra một nhận xét mà tôi sẽ không bao giờ quên. Ông chỉ rõ ràng ngài Ngoại trưởng thì đang tìm kiếm giải pháp bằng biện pháp quân sự, còn tôi, Bộ trưởng Quốc phòng lại tìm cách đi thương lượng. Lời mỉa mai này nói lên rất nhiều về mâu thuẫn sâu sắc mà chúng tôi vấp phải.
_____________________________________
* Nhưng ông không thấy rằng chúng ta đang ở thế đó.
1. George W. Ball, “Tối mật: Lời tiên đoán về sự loại bỏ Tổng thống”, Nguyệt san Atlantic, tháng 7/1972, tr. 45.
2. Sách đã dẫn, tr. 49.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:30:08 pm »


Tình hình ở Nam Việt Nam tiếp tục trượt xa hơn trong suốt tháng 10, khi đó chính quyền Khánh suy yếu và ngày càng có nhiều những lời kêu gọi đòi trở lại chính quyền dân sự. Tới cuối tháng 10, các Tham mưu trưởng liên quân gửi cho tôi một bản ghi nhớ bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của họ. Họ đề nghị có một chương trình hành động quân sự mới và mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm hoạt động của không quân Mỹ đánh phá cả miền Bắc và miền Nam. Họ mở đầu bản khuyến nghị của họ bằng cách nói rằng việc Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam hoặc Đông Nam Á là không thể chấp nhận được. Các Tham mưu trưởng thấy giật mình và cương quyết đòi hành đông quân sự, đến mức đề nghị tôi chuyển bản ghi nhớ của họ cho Tổng thống càng sớm càng tốt1.

Ngày 1/11/1964, tôi gặp Bus Wheeler để thảo luận về ý kiến của các Tham mưu trưởng. Ông nói các Tham mưu trưởng cảm nhận mạnh mẽ rằng trong khi Tổng thống quyết định không có thêm các biện pháp quân sự, thì hầu hết trong số họ tin rằng Mỹ phải rút ra khỏi Nam Việt Nam. Max Taylor lại có quan điểm khác hẳn. Khi hỏi ông nhận xét gì về những đề nghị của các Tham mưu trưởng, Max nói họ đã bỏ nguyên tắc từ lâu nay của chính quyền Kennedy và Johnson là “chiến tranh ở Nam Việt Nam phải do người Việt Nam thực hiện”. Vài tuần trước đó, Westy đã điện báo rằng “trừ khi có những triển vọng về một chính quyền tương đối có hiệu quả ở Nam Việt Nam trong thời gian ngắn trước mắt, còn nếu không thì không có một cuộc tiến công nào của Mỹ ở bên trong hay bên ngoài Nam Việt Nam có thể đảo ngược được tình hình đang xấu đi nghiêm trọng”2.

Trước những lời góp ý đầy mâu thuẫn đó, ngày 2/11, Tổng thống đã thành lập một nhóm công tác do Bill Bundy chỉ đạo để xem xét lại các lựa chọn chính sách. Ngày hôm sau, Lindon Johnson thắng cử với số phiếu áp đảo nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhóm công tác bắt tay từ con số không*. Nhóm tiến hành xem xét, đánh giá toàn bộ các giả thuyết, tiền đề, các phương án, bắt đầu bằng việc đánh giá lại vị trí của chúng ta ở Nam Việt Nam và mục tiêu của chúng ta ở Đông Nam Á. Công việc kéo dài bốn tuần lễ và họ đưa ra một số nhận xét đáng báo động. Để chuẩn bị cho cuộc gặp làm việc với Tổng thống vào mùng 1/12, Nhóm soạn thảo một báo cáo, trong đó có đoạn:

Chúng ta không thể đảm bảo duy trì một Nam Việt Nam không cộng sản mà lại thiếu sự cam kết quân sự của chúng ta ở bất cứ một mức độ cần thiết nào để đánh Bắc Việt Nam, và rất có thể cả Trung Cộng, bằng quân sự. Cam kết quân sự như vậy có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nổ ra xung đột lớn ở châu Á, không chỉ giới hạn ở các hoạt động của không quân và hải quân, mà còn rất có thể không tránh khỏi chiến sự trên mặt đất ở mức độ như chiến tranh Triều Tiên, và thậm chí cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân”.
____________________________________
1. JCSM-902-64, Tướng Wheeler gửi McNamara, 27/10/1964, FRUS, 1964-1968, t. 1, tr. 847-857.
2. Ghi chép về cuộc họp với Tướng Wheeler, 1/11/1964, tài liệu của Robert S. McNamara, Bộ Quốc phòng, Embtel 251 (Sài Gòn), Taylor gửi McNamara, 3/11/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 882-884; và MACV 5532, Westmoreland gửi Wheeler, 17/10/1964, sách đã dẫn, tr. 838-839.
* Ngoài trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao William Bundy, Nhóm công tác còn có Phó Đô đốc, Lloyd M. Mustin, sĩ quan cao cấp của Tham mưu liên quân; Harold Ford, sĩ quan cao cấp về Trung Quốc-châu Á của CIA; và John T.Mac Naughton, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:31:24 pm »


Các Tham mưu trưởng coi nhẹ những nguy cơ này và lập luận rằng chúng còn dễ chấp nhận hơn là “tiếp tục các chính sách hiện nay hoặc rút ra khỏi Đông Nam Á”. Nhưng đó chính là những phiêu lưu mà Tổng thống Johnson và tôi quyết định phải tránh. Cố gắng của chúng tôi tác động mạnh mẽ tới cách quản lý gây nhiều tranh cãi đối với cách thức chúng ta tiến hành chiến dịch oanh kích Bắc Việt Nam những năm sau đó1.

Tổng thống nhận được một báo cáo về sự tiến triển vào ngày 19/11. Dean nói với Tổng thống, Nhóm công tác đã bắt đầu tập trung vào ba phương án: (1) một giải pháp thông qua thương lượng trên bất cứ một cơ sở nào có thể có được*; (2) tăng mạnh sức ép quân sự với Bắc Việt Nam; (3) chính sách xen kẽ giữa gây sức ép đối với Bắc Việt Nam đồng thời nỗ lực duy trì các kênh tiếp xúc trong trường hợp Hà Nội mong muốn có một giải pháp. Ông đảm bảo với Tổng thống rằng chúng ta không cho phép sự cám dỗ đi theo một phương án và do đó, Tổng thống tự do đưa ra bất cứ quyết định nào mà ông tin là có lợi nhất cho đất nước.

Ngày mùng 1/12 là một ngày có nắng, trời lạnh và tuyết đầu mùa phủ một lớp mỏng màu trắng lên mọi vật. Tổng thống Johnson trở về sau Lễ Tạ ơn Chúa ở LBJ Ranch, gặp cố vấn cao cấp về vấn đề Việt Nam để ra các quyết định xung quanh các khuyến nghị của Nhóm công tác. Sự có mặt của Max Taylor từ Sài Gòn về và Phó Tổng thống Hubert Humphrey cho thấy tầm quan trọng của cuộc họp. Tổng thống lại nghe những lời than vãn về tình hình chính trị mong manh của Nam Việt Nam và những lời cảnh tỉnh rằng sự thất bại ở đây sẽ phá hoại nghiêm trọng chính sách ngăn chặn của chúng ta.

Nhóm công tác đưa ra ba phương án (phương án “Giải pháp thương lượng trên bất kỳ cơ sở nào có được” thậm chí không được đề cập):

A. Tiếp tục chiều hướng hiện nay với rất ít hy vọng tránh được thất bại.

B. Tiến hành một chiến dịch ném bom ồ ạt vào các tuyến giao thông nối miền Bắc với miền Nam và 94 mục tiêu do các Tham mưu trưởng đề nghị, nhằm buộc Hà Nội phải chấm dứt ủng hộ Việt cộng và/hoặc ngồi vào bàn thương lượng.

C. Tiến hành chiến dịch ném bom tương tự theo cách thức từng bước vào cùng các mục tiêu trên, nhưng ít nguy cơ làm chiến tranh lan rộng.

Giữa các quan chức quân sự cũng có những bất đồng sâu sắc: các Tham mưu trưởng ủng hộ phương án B; Max thích phương án A rồi từng bước một đi đến phương án C; Westy muốn giữ phương án A thêm 6 tháng nữa.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi CIA, ngay trước khi cuộc họp bắt đầu đã trình bản đánh giá về tính hiệu quả của việc ném bom. CIA nhắc lại quan điểm của các Tham mưu trưởng là hệ thống giao thông và các cơ sở công nghiệp của miền Bắc rất dễ bị oanh tạc. Nhưng CIA còn nhấn mạnh: vì nền kinh tế của Bắc Việt Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phần lớn là phân tán trong hàng ngàn làng mạc tự cấp tự túc, việc ném bom sẽ không gây nên các vấn đề khó khăn kinh tế lớn và không ngăn chặn được Hà Nội cung cấp người và vật chất để tiếp tục cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam. CIA cũng nhận xét rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã nhìn thấy sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và thắng lợi là rõ ràng. Do đó, họ sẽ chịu đựng được cuộc ném bom và không thay đổi chính sách của họ2

Khi nhìn lại, điều rõ ràng là sự trình bày của chúng tôi với Tổng thống đầy những lỗ hổng. Chúng ta đã bỏ qua một số vấn đề cơ bản:

- Nếu vào thời điểm Tổng thống Kennedy chết, chúng ta tin rằng Nam Việt Nam sẽ thắng trong cuộc chiến này (và điều này đòi hỏi cần có sự ổn định chính trị), thì bây giờ cái gì đã làm cho sự vật khác đi?

- Cái gì là cơ sở cho niềm tin rằng kế hoạch ném bom “ồ ạt” và “từng bước” sẽ buộc Hà Nội ngừng ủng hộ Việt cộng và/hoặc đi vào đàm phán?

- Đặt giả thiết Bắc Việt Nam buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, mục tiêu Mỹ muốn đạt trong cuộc thương lượng đó là gì?

- Phương án B và C sẽ đòi hỏi lực lượng quân sự nào của Mỹ tham gia để bảo vệ các căn cứ không quân ở miền Nam và ngăn chặn sự sụp đổ của quân đội Việt Nam cộng hoà trong khi chiến dịch ném bom được tiến hành?

- Tổn thất của Mỹ qua mỗi phương án là như thế nào?

- Quốc hội và nhân dân Mỹ sẽ phản ứng ra sao về chính sách chúng ta lựa chọn?
______________________________________
1. Phó Đô đốc Mustin gửi William Bundy, 10/11/1964, PP, t.3, tr. 621-628, và JCSM-955-64, Wheeler gửi McNamara, 14/11/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 1057-59.
* Đại diện của Tham mưu trưởng liên quân soạn thảo báo cáo này, khi được hỏi sự thất bại ở Nam Việt Nam sẽ ảnh hưởng xấu như thế nào đến lòng trung thành và ý chí của các quốc gia không cộng sản khác, ông trả lời một cách ngắn gọn: “thảm khốc hoặc tồi tệ hơn thế”, và thêm rằng “Nam Việt Nam là yếu tố quyết định về quân sự”.
2. Đánh giá tình báo của CIA: Tình hình ở Việt Nam, 24/11/1964, PP, t.3, tr. 651-656.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:32:24 pm »


Rõ ràng là Tổng thống Johnson đã trở nên hoàn toàn thất vọng. Ông phải đương đầu với một tình thế kéo dài triền miên. Sự lo lắng và thất vọng của ông được. tuôn ra bằng một loạt các câu hỏi nhận xét: “Chúng ta có thể làm gì?”; “Tại sao không nói rằng nó là thế đấy?”; “Chúng ta lấy nguồn lực nào?”; “Nếu họ cần đôla, hãy đưa cho họ”; “Ngày thanh toán đang đến”; “Nếu tôi đang sốt 40oC thì tôi chưa thể đánh người hàng xóm được. Tôi muốn mình phải khoẻ đã... Vì vậy nếu chúng ta bảo Wheeler tát cho họ một cái thì chúng ta cũng có thể nhận một cái tát trả lại”.

Đáp lại nhận xét cuối cùng này. Max nói: “Tôi nghi ngờ là Hà Nội sẽ tát trả lại”.

Johnson đập lại: “Thế sao Mac Arthur không nói như vậy khi Trung Quốc nhảy vào Triều Tiên?”.

Cuối cùng Tổng thống quyết định: “Tôi muốn dành cho Max một cơ hội cuối cùng để ổn định tình hình chính trị. Nếu không đạt được điều đó khi ấy tôi sẽ nói với anh, Tướng Wheeler (về việc ném bom miền Bắc)”. Tổng thống chấp thuận có điều kiện kế hoạch hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ bao gồm cho máy bay trinh sát có vũ trang tiến công các con đường thâm nhập vào Lào, đồng thời đánh trả đũa quân Bắc Việt Nam khi họ tiến công các mục tiêu của Mỹ. Trong khi đó, Max sẽ sử dụng khả năng thực hiện giai đoạn 2 - chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam - làm điều khích lệ các nhà lãnh đạo miền Nam ổn định tình hình của họ1.



Max trở lại Sài Gòn với một thông điệp cho các tướng lĩnh Nam Việt Nam: để có được sự ủng hộ tiếp tục của Mỹ thì cần phải ổn định chính trị và điều này có nghĩa là các tướng lĩnh phải chấm dứt việc chống đối lẫn nhau và chống chính phủ của mình. Mệnh lệnh đã tỏ ra là vô ích. Các tướng lĩnh Sài Gòn vẫn xấu tính như vậy. Ngay sau khi Max ra về, họ đã loại bỏ một bộ phận lớn của Chính phủ, trên thực tế là một cuộc đảo chính nữa. Mục tiêu của họ là thay thế chính phủ dân sự bằng giới quân sự. Việc này làm Max tức giận. Ông xem đây là một sự xúc phạm cá nhân và yêu cầu các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam gặp ông và sàng lọc họ một cách kỹ lưỡng như một huấn luyện viên để có được một đội quân sơ tuyển. Có lẽ tiếng Pháp của ông không được tốt. Ông nói mỉa mai (ông nói rất trôi chảy) với các sĩ quan đã không hiểu mệnh lệnh của ông về việc thiết lập sự ổn định: “Các anh đã làm vỡ rất nhiều đĩa và bây giờ chúng ta phải tìm cách thu xếp đống ngổn ngang này”. Lời khiển trách làm một số cười ngượng ngùng và cả tức giận với Max, nhưng cũng chẳng có kết quả cụ thể nào.

Phần vì tức giận, phần vì thất vọng, Max gửi về Washington một bản báo cáo đánh giá cuối năm, nói rằng: “Nếu điều vốn đã tồi tệ trở nên tồi tệ hết mức... chúng ta có thể ngay từ bây giờ tìm cách không dính líu trong quan hệ với GVN (chính quyền Nam Việt Nam), rút phần lớn cố vấn của chúng ta về nước... Bằng cách này, chúng ta có thể tách mình ra khỏi người đồng minh không thể tin cậy được và tạo cơ hội cho GVN tự đi bằng đôi chân của họ và chịu trách nhiệm về những yếu kém của họ”2.

Nhiều người trong số chúng tôi đọc bức điện của Max đã không chú ý vào đoạn này. Chúng tôi (và tôi tin là cả Max nữa), mong muốn không làm gì để làm vỡ “con đê ngăn chặn”, chừng nào vẫn còn giải pháp khác. Với nhận thức muộn màng, bây giờ nó mới trở nên rõ ràng một cách đau đớn, rằng chính con đường mà Max đã đề cập đó giúp nước Mỹ ít tổn thất hơn nhiều về người, của và sự xói mòn trong chính sách ngăn chặn của chúng ta - trong khi đó, theo đuổi cái kế hoạch của chúng ta đến một điểm nào đó, người Nam Việt Nam cũng sẽ yêu cầu chúng ta rút đi hoặc là sẽ xảy ra một tình hình rối loạn đến mức buộc chúng ta phải rút các cố vấn về nước. Rõ ràng, không dính líu là con đường lẽ ra chúng ta phải chọn.

Chúng ta đã không làm như vậy.

Trái lại, chúng ta lại tiếp tục bận rộn với câu hỏi chúng ta phải đi theo chính sách quân sự nào. Trong một bức điện riêng gửi Max ngày 30/12, Tổng thống tỏ ra tức giận trước việc các Tham mưu trưởng liên quân nhiều lần yêu cầu cho phép ném bom miền Bắc. “Cứ mỗi lần tôi nhận được một khuyến nghị quân sự” - ông nhắc nhở Max một cách phê phán - “họ lại đề nghị ném bom quy mô lớn. Tôi chưa hề tin rằng chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này bằng không quân... Điều cần hơn và có hiệu quả hơn là phải có sức mạnh quân sự đủ mạnh trên mặt đất. Tôi sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của Mỹ theo hướng đó”. Thế là đột nhiên xuất hiện ý kiến triển khai trên quy mô lớn lực lượng bộ binh Mỹ3.
___________________________________
1. Trích dẫn từ bản viết tay trong cuộc họp này của John McNaughton và McGeorge Bundy, trong Hộp số 1, Hồ sơ ghi chép trong cuộc họp (viết tắt MNF), LBJL, và tài liệu của McGeorge Bundy, sách đã dẫn.
2. Embtel 2010 (Sài Gòn), Taylor gửi Rusk, 31/12/1964, NSF, LBJL.
3. CAP-64375, Tổng thống Johnson gửi Taylor, 30/10/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 1057-59.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM