Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:57:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89402 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:41:02 pm »


Ngày 15/5/1964, CIA đã gửi một đánh giá tình báo đặc biệt về Việt Nam cho Tổng thống. Dean, Mac, và tôi. Họ đưa ra những tin tức ảm đạm:

Tình hình bao trùm ở Nam Việt Nam là cực kỳ mỏng manh. Tuy đã có một số cải thiện trong khả năng của quân đội Nam Việt Nam, sức ép kéo dài của Việt cộng tiếp tục xói mòn quyền lực của Chính phủ trong cả nước, gây phương hại đến các chương trình của Mỹ và Việt Nam (Cộng hoà) và làm suy sụp tinh thần của Nam Việt Nam. Chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu cải thiện nào... Nếu chiều hướng đang xấu đi này không bị chặn lại vào cuối năm nay, thì vị trí chống cộng của Nam Việt Nam sẽ không thể đứng vững1.

Không còn một kế hoạch nào khác trong tầm mắt nhằm ngăn chặn cái “chiều hướng đang xấu đi” này, vài ngày sau, chúng tôi đã cho phép kéo dài thêm bốn tháng chương trình hành động bí mật mà lẽ ra đã kết thúc ngày 31/5. Cho dù các Tham mưu trưởng liên quân đều thừa nhận rằng kế hoạch hành động 34A chẳng thể đạt được gì mấy, nhưng họ vẫn kết luận rằng tiềm năng của chương trình vẫn còn “cao”. Tuy vậy, tình hình cũng chẳng cải thiện hơn trước, và có thể nó đã khiêu khích Bắc Việt Nam có phản ứng đặc biệt trong vụ Vịnh Bắc Bộ2.

Trước những đánh giá ảm đạm trong báo cáo của CIA và trong những kiến nghị khẩn thiết của các Tham mưu trưởng liên quân, Tổng thống đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng soạn thảo một kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả chính trị và quân sự chống lại Bắc Việt Nam. Cùng với việc đặt kế hoạch này, Bộ Ngoại giao đã dự thảo một nghị quyết nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội trong việc mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Dương.

Đây chính là cội nguồn của cái mà sau này trở thành Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ. Điều đó cũng phản ánh những lời cảnh cáo của Tổng thống Johnson rằng, nếu sự kiện buộc chúng ta phải mở rộng chiến tranh, chúng ta cũng phải tránh những sai lầm của Tổng thống Truman mắc phải tại Triều Tiên, có nghĩa là tiến hành các chiến dịch quân sự mà không được Quốc hội cho phép. Johnson nói, Quốc hội sẽ không chịu bất cứ một trách nhiệm nào về “vụ đâm máy bay”, trừ phi Quốc hội ngồi trên đó lúc “cất cánh”, và như thế, ông ta muốn được sự cho phép của Quốc hội khi mở các hoạt động quân sự lớn ở Đông Nam Á nếu ông ta phải làm việc này.

Một nhóm nhỏ dưới sự chỉ đạo của George Ball chuẩn bị và trình một dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho Hội đồng An ninh quốc gia ngày 24/5. Nghị quyết này đã cho phép Tổng thống, với sự đề nghị của Chính phủ Nam Việt Nam hoặc của Chính phủ Lào, “sử dụng mọi biện pháp, kể cả đưa quân” nhằm bảo vệ họ. Chúng tôi đã tranh luận dự thảo này tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngay ngày hôm đó (không có mặt Tổng thống). Tôi cảm thấy rằng nếu Tổng thống quyết định sử dụng lực lượng chiến đấu của Mỹ (ngoài mục đích huấn luyện) ở Đông Nam Á trong hai, ba tháng tới, chúng tôi phải xúc tiến vấn đề nghị quyết ngay lập tức. Nếu không, chúng tôi có thể sẽ phải chờ3.

Mặc dù tình hình đang xấu đi, tất cả chúng tôi vẫn nhận thức được tính mạo hiểm của việc ném bom đánh phá miền Bắc hoặc đưa lực lượng chiến đấu Mỹ vào miền Nam. Max tin rằng Chính phủ Nam Việt Nam không thắng hoặc bại nhanh và ông ta nói vì vậy quân Mỹ nên chờ đến mùa thu, trước khi tiến hành các hoạt động mở rộng. Chúng tôi đã họp với Tổng thống ngày 26/5 nhưng chẳng rút ra được kết luận gì. Ông ta yêu cầu chúng tôi thảo luận thêm vấn đề này với Lodge và người thay thế Harkins làm COMUSMACV, Tướng William C Westmoreland, và người thay thế cho Felt làm CINCPAC, Đô đốc Hải quân Grant Sharp (Jr.), ở Honolulu.

Westy, người đã là Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968, là khuôn mẫu mơ ước cho vai trò của một vị tướng. Ông ta rất đẹp trai, quả quyết và thẳng thắn. Tối nghiệp West Point, là sĩ quan chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ II và Chiến tranh Triều Tiên, và là cựu quản trị trưởng của Học viện Quân sự Mỹ, Westy tránh được cả tính ba hoa loè loẹt của Patton và cả tính gàn bướng của LeMay, nhưng lại có được sự cương quyết và lòng yêu nước của họ.
_____________________________________
1. An ninh quốc gia, 24/5/1964, sách đã dẫn, tr. 369-374. Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo, Cục Tình báo Trung ương (CIA-ND), 15/5/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 336.
2. Báo cáo 426-64 của JSC gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 19/5/1964, sách đã dẫn, tr. 338-340.
3. Xem Biên bản nội dung cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo Hội đồng An ninh quốc gia, 24/5/1964, sách đã dẫn, tr.369-374.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:45:52 pm »


Cuộc họp Honolulu diễn ra ngày 1/6 trong phòng bản đồ lớn của CINCPAC. Khác với các lần trước đây, khi còn có vài người tham gia tỏ ra đầy hy vọng, lần này, hầu hết tất cả đều tỏ ra lo ngại và chán chường. Lodge tiếp tục tin rằng mọi sự đều sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nhưng ông ta là một ngoại lệ đáng kể.

Cuộc thảo luận tập trung vào kế hoạch hành động đã được dự thảo ở Washington nhưng chưa được Tổng thống, Dean, hay tôi thông qua. Những hoạt động mở đường cho nó bao gồm một nghị quyết của Quốc hội và sự liên lạc với Hà Nội*, được tiếp nối bằng một loạt các biện pháp gây sức ép về quân sự, mà đỉnh cao là tiến công bằng không quân hạn chế chống lại Bắc Việt Nam (việc này có thể sẽ do quân đội Nam Việt Nam tiến hành tới mức độ lớn nhất có thể được). Trước đó mấy ngày, một bản Dự đoán cho Tình báo quốc gia đặc biệt đã kết luận rằng có khả năng sẽ dẫn Hà Nội đến chỗ phải giảm bớt mức độ nổi dậy, dẫu cho điều đó nhấn mạnh khả năng Hà Nội có thể vẫn tiếp tục trụ được1.

Liên quan đến kế hoạch hành động, bốn điểm chính đã được bàn đến:

Sài Gòn tỏ ra vẫn không sẵn sàng cho cả việc leo thang oanh tạc bằng không quân miền Bắc lẫn xử lý sự trả đũa bằng quân sự chống miền Nam trong vài tháng tới; khả năng có sự can thiệp của Trung Quốc có vẻ như kêu gọi phải triển khai vài sư đoàn lính Mỹ; dân chúng Mỹ dường như vẫn tỏ ra hoài nghi về sự quan trọng của Đông Nam Á đối với an ninh của nước Mỹ; một nghị quyết thích hợp của Quốc hội sẽ có tác dụng vừa chứng tỏ sự quyết tâm của nước Mỹ và vừa làm thức tỉnh đất nước này. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu mà chúng tôi đụng phải trong một thời gian dài vẫn không được nêu ra và cũng không tìm được câu trả lời, và cuối cùng thì buổi họp đã kết thúc mà không có kết luận2. Chúng tôi không đi tới một quyết định nào đối với bản dự thảo kế hoạch hành động.

Tôi kể lại cuộc thảo luận ở Honolulu một cách tương đối chi tiết vì hai lý do: (1) chúng tôi đã tiến gần đến miệng vực của sự leo thang chiến tranh lớn mà không xem xét đầy đủ hậu quả cũng như các phương án thay thế khác - nhưng vào giây phút cuối cùng lại lùi ra; và (2) vì không có quyết định nào về việc mở rộng các hoạt động quân sự được thông qua, chính quyền đã quyết định hoãn việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết cho đến tháng 9, khi đó, theo dự kiến, Thượng nghị viện đã thông qua Dự luật về Dân sự. Về sau những người chỉ trích đã lên án Tổng thống giấu nghị quyết trong túi hàng tháng để chờ cơ hội thuận lợi – hoặc hy vọng tạo ra cơ hội đó - để nhét gọn nó qua sự ngây thơ của Quốc hội. Điều đó không phải là đúng trong trường hợp này.

Ngay sau khi tôi từ Honolulu trở về, các Tham mưu trưởng liên quân (không có ông Chủ tịch Hội đồng) đã đệ trình một bản ghi nhớ cho tôi, trong đó tuyên bố rằng chúng tôi chưa hề định ra “một mục tiêu quân sự có giá trị cho Đông Nam Á”, và cũng chưa thông qua, một hướng hành động quân sự để đạt được mục tiêu này”. Họ đề nghị hai hướng hành động: hướng họ thích hơn là bẻ gãy ý chí và khả năng của miền Bắc và hướng khác ở “cấp độ thấp hơn”, đó là chấm dứt sự ủng hộ của Bắc Việt Nam với các cuộc nổi loạn ở miền Nam. Tuy nhiên, các vị Tham mưu trưởng liên quân này cũng đã không đưa ra được một kế hoạch nào cho cả hai hướng trên3.

Khi Max đọc bản ghi nhớ này của các Tham mưu trưởng liên quân, anh ta tuyên bố rằng nó đã không “diễn đạt đầy đủ và chính xác các cách lựa chọn của chúng ta”. Anh ta còn chống lại hướng hành động được ưa thích hơn vì nó làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang4.
______________________________________
* Trong mùa hè 1964, chính quyền Johnson đã mở các cuộc tiếp xúc ngoại giao bí mật với Bắc Việt Nam thông qua J. Blair Seaborn, Đại diện của Canađa tại Ủy ban Kiểm soát quốc tế (ICC), tổ chức được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện các Hiệp định Geneva năm 1954 và năm 1962. Seaborn nói với Hà Nội rằng nếu họ đồng ý chấm dứt sự trợ giúp cho Việt cộng và chấm dứt xung đột, thì Mỹ sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và ủng hộ về ngoại giao. Nếu khác đi, họ sẽ phải lường trước sự tiến công bằng không quân và hải quân của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng trả lời rằng Mỹ phải rút khỏi Nam Việt Nam và chấp nhận sự tham gia của Việt cộng trong Chính phủ liên hiệp “trung lập”. Quan điểm của hai bên thật là xa nhau.
1. Ủy ban Đặc biệt Quốc gia về Tình báo 50-2-64, 25/5/1964, sách đã dẫn, tr. 378-380.
2. Xem Biên bản nội dung cuộc họp, Honolulu, 1/6/1964, 8 giờ 30 sáng - 12 giờ 30 trưa, sách đã dẫn, tr. 412-422; Biên bản nội dung cuộc họp, Honolulu, 2/6/1964, sách đã dẫn, tr. 428-433; và William Bundy, Bản thảo về Việt Nam (viết tắt WB, VNMS), Chương 13, tr. 19.
3. Báo cáo 471-64 của JCS gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 2/6/1964, FRUS, 1964-1968, t. 1, tr. 437-440
4. Báo cáo của Taylor gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, CM-1451-64, 5/6/1964, sách đã dẫn, tr. 457-458.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:46:52 pm »


Năm 1964, chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống của đảng Cộng hoà trở nên quyết liệt hơn, Lodge cảm thấy anh ta phải từ chức để tập trung sức lực vào công việc của cánh ôn hoà của mình. Đây cũng là củng cố đội ngũ người Mỹ tại Nam Việt Nam. Trong đó, trước hết, phải kể đến ông Đại sứ có khả năng mạnh nhất. Mac, Bobby và tôi đều tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Tổng thống đã chọn Max Taylor, và cử Alex Johnson tăng cường thêm cho ông ta. Điều này, cùng với sự thay thế Tướng Harkins bằng Westy, đã đánh dấu quyết tâm của Tổng thống làm tất cả những gì có thể để nâng cao hiệu quả của chính sách của Mỹ tại Đông Dương.

Ngay sau khi Tổng thống quyết định không cử tôi làm đại sứ ở Đông Nam Á, và khi cuộc bầu cử năm 1964 luôn ở trong đầu, ông ta đã yêu cầu tôi chấp nhận việc đề cử tôi làm người tranh cử chức Phó Tổng thống của ông ta. Trước đó đã từng có những cuộc suy đoán của báo chí về đề nghị này - thí dụ Stewart Alsop đầu năm đó đã nhắc tới khả năng này. Dù sao chăng nữa, rất hiểu Tổng thống, tôi hiểu rằng nếu tôi trả lời “có” thì sau này có thể ông ta nghĩ lại và sẽ rút lời mời của mình. Trong mọi trường hợp, tôi đã nói “không”.

Nhưng Tổng thống vẫn tiếp tục có những kế hoạch cho tôi. Ngày 1/8 ông ta tuyên bố muốn tôi trở thành “Phó Chủ tịch thứ nhất thường trực phụ trách Nội các” của ông ta trong nhiệm kỳ tới*. Johnson chẳng bao giờ giải thích cho tôi về ý nghĩa của câu nói trên, nhưng ông ta thường xuyên cho gọi tôi giải quyết những việc khác ngoài các lĩnh vực quốc phòng và tôi đã làm mọi việc trong khả năng của mình để hoàn thành những đề nghị của ông.

Tôi đã từ chối lời đề nghị của Johnson trở thành phó của ông trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống không phải vì tôi đã không suy nghĩ về cơ hội này, ngược lại nữa là khác. Nhìn lại, nếu tôi có thể làm lại cuộc đời lần nữa, tôi sẽ nắm lấy cơ hội để rèn luyện khả năng và tìm kiếm một cơ hội cho chức trách của một dân biểu. Chẳng có mục đích gì khác quan trọng hơn trong một chế độ dân chủ là giải quyết sự khác biệt giữa con người với nhau và tìm ra một phương hướng cho hành động được hậu thuẫn đủ để đất nước có được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đó chính là thách thức và cũng là trách nhiệm của chính trị gia. Nhưng thời đó, tôi thiếu khả năng chính trị và tôi cũng nhận thức được điều này.



Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi nhận được một báo cáo khác từ Vụ Dự đoán quốc gia. Nó phúc đáp câu hỏi của Tổng thống vài ngày trước đó về khả năng diễn ra “hậu quả Domino” ở Đông Á sau khi Nam Việt Nam và Lào thất thủ. Nhóm các quan chức cao cấp và có kinh nghiệm nhất của Chính phủ, gồm những nhà phân tích tình báo, những người không có trách nhiệm gì trong việc đề ra chính sách và cũng không có quyết sách nào trước để bảo vệ, đã kết luận:

Việc Nam Việt Nam và Lào rơi vào tay cộng sản sẽ gây tác hại sâu sắc tới vị trí của Mỹ ở Viễn Đông, đặc biệt bởi vì Mỹ đã cam kết kiên trì, dứt khoát và công khai với việc cộng sản nắm quyền ở hai nước này. Thất bại ở đây sẽ phá hoại uy tín của Mỹ, và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ tin cậy về ý chí và khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở bất cứ nơi nào trong khu vực. Kẻ thù của chúng ta sẽ được khích lệ để tiến những bước mới tại các nước khác ngả theo cộng sản mạnh hơn.

Họ tiếp tục nhận xét:

Bên cạnh sự mừng vui lập tức của miền Bắc vì đã đạt được lý tưởng của dân tộc, hiệu quả chủ yếu có thể sẽ là đối với Trung Quốc cộng sản, kích thích thêm lòng tự tin vốn đã mạnh mẽ của họ, cũng như nâng cao uy tín của họ như người lãnh đạo thế giới cộng sản. Bắc Kinh đã bắt đầu quảng cáo Nam Việt Nam như sự minh chứng cho luận thuyết của họ rằng thời cơ làm cách mạng đã chín muồi cho thế giới những nước kém phát triển, rằng Mỹ chỉ là con hổ giấy, rằng nổi dậy cục bộ có thể tiến hành thắng lợi mà không có nguy cơ nổ ra chiến tranh thế giới. Nam Việt Nam và Lào sụp đổ có thể sẽ hỗ trợ cho quan điểm chiến thuật hiếu chiến của Bắc Kinh, trái với những quan điểm thận trọng hơn của Liên Xô. Trong chừng mực nào đó điều này có thể sẽ khiêu khích và tăng cường các phong trào cách mạng ở nhiều nơi khác trong thế giới kém phát triển1.

Những phân tích của họ dường như một lần nữa, lại khẳng định sự e ngại của tôi và những người khác, mà đây là mối lo sợ nhầm lẫn khi hồi tưởng lại (nhưng không kém phần thực tế trong thời gian đó) rằng chính sách ngăn ngừa của phương Tây đã đứng trước nguy cơ nghiêm trọng ở Việt Nam. Và cứ như thế, chúng tôi đã tiếp tục tuột xuống cái dốc trơn.
_____________________________________
* Đoạn trích này (cũng tương tự như những đoạn trích khác tôi sẽ sử dụng trong các chương sau) là rút ra từ các cuốn băng ghi âm và các biên bản của Tổng thống (từ đây sẽ được viết tắt bằng từ PR) trong thư Viện Lyndon B. Johnson (LBJL). Những đoạn băng và tốc ký trên đây bao gồm các giai đoạn: từ tháng 11/1963 đến tháng 8/1964, tháng 11/1964, tháng 1/1965, tháng 6-7/1965, tháng 12/1965 và từ tháng 12/1966 đến tháng 2/1968. Tôi xin cảm ơn Harry J. Middleton, Giám đốc LBJL đã tạo điều kiện cho tôi đọc các văn kiện, và Hội đồng An ninh quốc gia nhanh chóng bỏ dấu mật các bản ghi chép của tôi để sử dụng trong cuốn sách này. Có một điều cũng rất quan trọng đối với bạn đọc là, hiện nay, Thư viện Kennedy và Johnson vẫn còn lưu trữ những cuộn băng mà tôi và các tác giả khác chưa được đụng chạm tới. Chỉ khi những cuốn băng này được công bố, thì khi đó chúng sẽ rọi thêm ánh sáng lên lịch sử cuộc chiến tranh.
1. Báo cáo của Hội đồng Ủy ban Quốc gia đặc biệt gửi Giám đốc CIA McCone, 9/6/1964, sách đã dẫn, tr. 484-487.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:34:31 pm »


5

NGHỊ QUYẾT VỊNH BẮC BỘ
NGÀY 30/7 - 7/8/1964


Sự kiện gần nhất với việc Hoa Kỳ tuyên bố chiến tranh là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964. Những sự kiện xung quanh nghị quyết này vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi quyết liệt cho tới tận ngày nay.

Trước tháng 8/1964, dân chúng Mỹ theo dõi sự phát triển của tình hình Việt Nam một cách rời rạc và không mấy quan tâm, chiến tranh dường như xa lắc. Vịnh Bắc Bộ đã làm thay đổi tình hình. Trước mắt, cuộc tiến công tàu chiến Mỹ trong Vịnh cùng nghị quyết sau đó của Quốc hội dẫn tới khả năng nước Mỹ sẽ phải can thiệp vào cuộc chiến trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn nữa, về lâu dài, chính quyền Johnson đã viện dẫn bản nghị quyết để khẳng định tính hợp hiến của các hành động quân sự tiến hành tại Việt Nam kể từ năm 1965.

Quốc hội công nhận quyền lực to lớn mà bản nghị quyết đã trao cho Tổng thống Johnson, nhưng lại không nhận thức được rằng nghị quyết này về thực chất là sự tuyên chiến và cũng không có ý định sử dụng như nó đang được sử dụng là cho phép triển khai số lượng khổng lồ lực lượng quân sự của Mỹ ở Việt Nam - từ 16.000 cố vấn quân sự lên 550.000 quân chiến đấu. Bảo đảm sự tuyên chiến và cho phép sử dụng lực lượng chiến đấu trong nhiều năm sau có thể là điều không thể được; nhưng không tìm cách đạt được những điều này dĩ nhiên là sai lầm.



Nhiều người nhìn nhận thời kỳ 9 ngày từ ngày 30/7 đến 7/8 là thời kỳ gây tranh cãi nhất trong “Cuộc chiến tranh hai mươi lăm năm”. Chẳng có gì là lạ. Trong suốt ba thập kỷ, người ta bàn cãi dữ dội xung quanh câu hỏi: thực sự cái gì đã xảy ra trong Vịnh; chúng tôi đã thông báo việc này như thế nào với Quốc hội và công luận; quyền hạn mà chúng tôi giành được từ Quốc hội để phản ứng với các sự kiện; và đội ngũ các nhà hành pháp dưới hai đời Tổng thống tiếp theo đã sử dụng quyền lực này như thế nào trong những năm tiếp theo.

Các câu hỏi lớn và trả lời của tôi như sau:

* Các cuộc tiến công của tàu tuần tiễu Bắc Việt Nam vào chiến hạm của Mỹ được thông báo là đã diễn ra hai lần - ngày 2 và ngày 4/8/1964. Liệu các cuộc tiến công này có diễn ra thật không?

Trả lời: Bằng chứng của cuộc tiến công lần thứ nhất là không cần bàn cãi. Cuộc tiến công thứ hai là rất có thể, nhưng không chắc chắn.

* Thời đó và cho tới nhiều năm sau - vài thành viên Quốc hội và công chúng tin rằng chính quyền Johnson đã cố ý khiêu khích để các cuộc tiến công nổ ra nhằm leo thang chiến tranh và sau đó lẩn tránh bằng cách sử dụng luận điệu, nhằm đạt được sự cho phép của Quốc hội trong việc leo thang chiến tranh. Quan điểm này có giá trị gì hay không?

Trả lời: Không có giá trị gì hết

* Phản ứng đối với các cuộc tiến công này, Tổng thống đã ra lệnh cho máy bay của Hải quân Mỹ tiến công vào bốn căn cứ tàu tuần tiễu và một kho xăng dầu của Bắc Việt Nam. Cuộc tiến công này có được phê chuẩn hay không?

Trả lời: Có thể.

* Liệu nghị quyết của Quốc hội có được đệ trình hay không, nếu không có sự kiện Vịnh Bắc Bộ, và nó có được thông qua không, nếu sự kiện này không xảy ra?

Trả lời: Hầu như chắc chắn là một nghị quyết sẽ được đệ trình lên Quốc hội trong phạm vi mấy tuần, và rất có khả năng được thông qua. Nhưng nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi và từ đó có thể sẽ có xu hướng hạn chế quyền lực của Tổng thống.

* Có phải các hoạt động quân sự ở Việt Nam của chính quyền Johnson - kể cả việc mở rộng phạm vi quân đội - đã được bào chữa trên cơ sở Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ hay không?

Trả lời: Tuyệt đối không. Dẫu cho nghị quyết này đã trao quyền lực một cách khoáng đạt để hỗ trợ việc leo thang sau đó, như tôi đã nói. Quốc hội đã không bao giờ có ý định để nó bị sử dụng làm cơ sở cho hành động kiểu như vậy, và đất nước vẫn tiếp tục muốn thấy nó như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:35:43 pm »


Các sự kiện ở Vịnh Bắc Bộ đã kéo theo hai chiến dịch khác nhau của Mỹ: hoạt động thuộc Kế hoạch 34A và các cuộc tuần tra mà chúng ta đã biết dưới cái tên DESOTO.

Như tôi đã trình bày, tháng 1/1964, Hội đồng An ninh quốc gia đã cho phép CIA giúp đỡ Nam Việt Nam trong các chiến dịch bí mật chống lại Bắc Việt Nam được đặt mật danh là Kế hoạch 34A. Kế hoạch 34A bao gồm hai loại hình hoạt động: thứ nhất, tầu thuyền và máy bay ném điệp viên người Nam Việt Nam được trang bị máy vô tuyến điện vào miền Bắc để phá hoại và thu thập tin tức tình báo; thứ hai, tàu tuần tra tốc độ cao do người miền Nam hoặc người nước ngoài làm thuê, tiến hành các cuộc tập kích bờ biển miền Bắc và đánh phá các căn cứ trên đảo. CIA giúp Nam Việt Nam trong việc tiến hành Kế hoạch 34A, còn MACV duy trì liên lạc thường xuyên với họ như Tướng Krulak của Bộ Tham mưu liên quân ở Washington từng làm.

Ủy ban 303 - được gọi như vậy bởi vì nó đã có các cuộc họp đầu tiên lại phòng 303 trong Trụ sở cũ của cơ quan hành pháp - xét duyệt lại lịch trình của các chiến dịch tuyệt mật. Mọi hoạt động tình báo bí mật của CIA trên khắp thế giới đều phải được Ủy ban 303 này thông qua. Cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống (Mac Bundy) chủ toạ nhóm này, thời đó còn các ủy viên khác bao gồm: Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus R. Vance (người thay thế Ross Gilpatric từ đầu năm 1964) và phó Giám đốc phụ trách kế hoạch của CIA (Richard Helms).

CIA thường bị những người chỉ trích nó gọi là con “voi độc”, nhưng riêng tôi lại cho rằng đó là một nhận xét sai lầm. Trong suốt bẩy năm tôi ở Bộ Quốc phòng, (và tôi tin rằng cả dưới thời các chính quyền trước đó và sau này), mọi “chiến dịch bí mật” của CIA (trừ các hoạt động gián điệp) đều phải được phép của Tổng thống và các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng hoặc đại diện của họ. CIA không có quyền hành động không được phép. Theo như tôi được biết thì CIA đã không bao giờ làm như vậy.

Mục đích và cách tiến hành các cuộc tuần tra của DESOTO khác về căn bản so với kế hoạch 34A. Chúng là một phần của hệ thống do thám toàn cầu do các tàu hải quân có trang bị đặc biệt của Mỹ tiến hành. Hoạt động trong vùng biển quốc tế, các tàu này thu các tín hiệu từ đài phát và ra-đa đặt trên đất liền ở các nước cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và trong trường hợp này là Bắc Việt Nam*1. Những con tàu này cũng giống như các con tàu Liên Xô rà quét gần bờ biển của chúng ta. Những thông tin thu thập được có thể dùng thậm chí trong trường hợp Mỹ cần phải tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các nước này. Các Tư lệnh của Hạm đội Hải quân - trong trường hợp này là Đô đốc Thomas Moorer, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - xác định tần số và hành trình của các tàu DESOTO và xem xét chúng cùng với Bộ Tham mưu liên quân ở Washington.

Dù rằng có một số người biết về sự tồn tại của cả các chiến dịch 34A lẫn các cuộc tuần tiễu DESOTO, nhưng việc thông qua quá trình này lại riêng biệt đối với mỗi người. và nếu có, thì rất ít quan chức cao cấp có thể theo dõi hoặc lập kế hoạch chi tiết cho cả hai chiến dịch trên đây. Chúng tôi đã làm như vậy.

Ngay từ trước khi các sự kiện tháng 8/1964 xảy ra ở Vịnh Bắc bộ, nhiều người trong số chúng tôi, những người biết về các chiến dịch 34A, đã đi tới kết luận rằng chúng chẳng có giá trị gì hết. Phần lớn các điệp viện người Nam Việt Nam được tung vào Bắc Việt Nam đều bị bắt hoặc bị tiêu diệt, còn các cuộc tiến công từ ngoài khơi thì có giá trị hơn một cú châm bằng đinh ghim. Có người sẽ đặt câu hỏi: “Vậy thì vì sao các chiến dịch này vẫn cứ tiếp tục?”. Xin trả lời rằng người Nam Việt Nam đã coi chúng như một phương tiện rẻ tiền để quấy phá Bắc Việt Nam và trả đũa cho sự ủng hộ của Hà Nội đối với Việt cộng.

Đêm 30/7/1964, những tàu tuần tiễu của Nam Việt Nam, theo kế hoạch 34A đã tiến công hai hòn đảo của Bắc Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ vì nghĩ rằng những hòn đảo này giúp cho việc xâm nhập chống lại miền Nam. Sáng hôm sau, tàu khu trục của Mỹ Maddox trong quá trình tuần tiễu DESOTO đã tiến vào Vịnh Bắc Bộ và ở khá xa các hòn đảo. Hai ngày rưỡi sau đó, hồi 3 giờ 40 phút chiều (3 giờ 40 phút sáng, giờ Washington) ngày 2/8. Maddox báo cáo nó bị bao vây bởi một số tàu có tốc độ cao. Trong vòng vài phút, nó bị tiến công bằng thủy lôi và hoả lực tự động. Maddox báo cáo không bị thương vong hay hư hại gì. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc tàu đang bị pháo kích, thủy thủ đoàn đã tìm được một mảnh đạn trái phá của Bắc Việt Nam trên boong và tôi đã đòi gửi nó về văn phòng của mình để thẩm tra cuộc tiến công; vả lại, Bắc Việt Nam, trong lịch sử chính thức về chiến tranh của mình, đã khẳng định họ ra lệnh tiến công Maddox. Khi bị tiến công, Maddox đang nằm trong hải phận quốc tế, cách bờ biển Bắc Việt Nam hơn 25 hải lý2.
_____________________________________
* Điểm gần nhất được quy định cho Bắc Việt Nam là 8 hải lý tới đất liền và 4 hải lý tới các đảo ngoài khơi. Vì Mỹ không có các hồ sơ về đòi hỏi của Bắc Việt Nam về lãnh hải của họ nên Washington đã kết luận rằng hải phận quốc tế là 3 hải lý tới đất liền - ranh giới do Pháp quy định khi còn kiểm soát Đông Dương. Chỉ sau vụ Vịnh Bắc Bộ thì Hà Nội mới đưa ra giới hạn 12 hải lý. Trong tháng 8/1964 không khi nào tàu Mỹ tiến đến gần các hòn đảo gần quá 5 hải lý.
1. Xem Hải quân Mỹ và cuộc tranh chấp ở Việt Nam, t.2, Từ Cố vấn quân sự đến Chiến đấu, 1959-1965, Edward J. Marolda và Oscar P. Fitzgerald (Washington: Trung tâm Lịch sử Hải quân, 1986), tr. 396 và 411.
2. Xem Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tr. 60, và Hải quân Mỹ và cuộc tranh chấp ở Việt Nam, Marolda và Fitzgerald, tr. 415.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:36:37 pm »


11 giờ 30 phút trưa ngày 2/8, Tổng thống họp với các cố vấn cao cấp của mình để nghiên cứu các báo cáo mới nhất và đề ra phản ứng của Mỹ. Cy Vance đã thay mặt cơ quan tôi. Cuộc họp tin rằng có lẽ đây chỉ là sáng kiến của một vị chỉ huy địa phương của Bắc Việt Nam nào đó chứ không phải là của một quan chức cao cấp, và vì thế Tổng thống đã quyết định không trả đũa. Ông đồng ý sẽ gửi công hàm kịch liệt phản đối Hà Nội và tiếp tục tuần tra, đồng thời tiếp viện thêm một tàu khu trục nữa, tàu C. Turner Joy1.

Max Taylor, sau là Đại sứ ở Nam Việt Nam, phản đối quyết định không trả đũa. Trong một bức điện gửi Bộ Ngoại giao đêm khuya ngày 2/8, ông ta đã nói rằng việc chúng ta không trả đũa cuộc tiến công không có nguyên nhân vào tàu chiến Mỹ ngoài khơi hải phận quốc tế có thể sẽ bị hiểu như một “dấu hiệu cho thấy Mỹ ngần ngại không muốn ra mặt đối đầu trực tiếp với Bắc Việt Nam”2.

3 giờ chiều ngày hôm sau, Dean Rusk và tôi đã thuyết trình trước các Ủy ban Thượng viện về các vấn đề đối ngoại và quân sự trong một buổi họp kín về sự kiện ngày 30/7 và 2/8. Chúng tôi đã nói về các chiến dịch 34A, cuộc tiến công các tàu tuần tiễu DESOTO và vì sao Tổng thống quyết định không trả đũa. Dù cũng không thể tìm được hồ sơ của cuộc họp này, tôi tin là chúng tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta đã không cố ý khiêu khích để gây ra cuộc tiến công của Bắc Việt Nam vào chiếc tuần dương DESOTO. Chúng tôi cũng thông báo với các Thượng nghị sĩ rằng các cuộc tuần tra DESOTO cũng như các chiến dịch 34A vẫn sẽ tiếp diễn, và sự thật là trong thời gian đó, có một cuộc tiến công 34A vào bờ biển Bắc Việt Nam (nó diễn ra sau đó, vào sáng sớm ngày 4/8, giờ Sài Gòn).



7 giờ 40 sáng, giờ Washington (7 giờ 40 chiều, giờ Sài Gòn), ngày 4/8, Maddox đánh điện, thông báo cuộc tiến công của các tàu chiến chưa xác định đang sắp sửa xảy ra. Thông tin của Maddox đến từ các báo cáo tuyệt mật do Cơ quan An ninh quốc gia bắt được các chỉ thị của Bắc Việt Nam chuyển tới. Một giờ sau, Maddox đánh điện thông báo nó đã bắt được liên lạc bằng ra-đa với ba tàu lạ. Hàng không mẫu hạm gần đó, tàu Ticonderoga đã gửi máy bay chiến đấu đến giúp MaddoxTurner Joy.

Thời tiết nhiều mây và đầy dông bão của đêm không trăng đó đã gây khó khăn cho việc quan sát. Trong vài giờ tiếp theo đó, sự hỗn loạn bao trùm khắp Vịnh. MaddoxTurner Joy báo cáo đã có hơn 20 cuộc tiến công bằng thủy lôi, những vệt sáng thủy lôi, ánh đèn pha của quân địch, hoả lực tự động và các cuộc liên lạc bằng ra-đa và thiết bị dò quét.

Vì tình hình đang phát triển nhanh, tôi và Cy đã họp với thành viên của Bộ Tham mưu liên quân để bàn biện pháp đối phó. Chúng tôi thống nhất rằng, giả sử các báo cáo là chính xác, phản ứng đáp lại cuộc tiến công thiếu nguyên nhân thứ hai này là hoàn toàn cần thiết. Trong khi chúng tôi chưa chấp thuận quan điểm của Max Taylor về biện pháp trả đũa cuộc tiến công ngày 2/8, thì suy nghĩ của chúng tôi về cuộc tiến công lần thứ hai vào tàu chiến Mỹ ngoài khơi hải phận quốc tế không còn nghi ngờ gì nữa, cần phải trả đũa. Bởi vậy, chúng tôi đã đề ra thật nhanh kế hoạch cho máy bay ném bom bốn căn cứ tuần dương Bắc Việt Nam và hai kho xăng cung cấp nhiên liệu cho chúng.

Hồi 11 giờ 40 phút sáng, tôi họp với Dean, Mac, và các tướng lĩnh để xem xét các cách chọn lựa của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục cuộc bàn bạc tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia và sau đó tại bữa trưa với Tổng thống, Cy và John McCone.

Các cuộc tiến công của Bắc Việt Nam vào khu trục hạm Mỹ ngoài biển khơi tỏ ra hết sức vô lý (trong đó, họ bị buộc phải đẩy mạnh cuộc xung đột) từ đó mà chúng tôi đã suy đoán về động cơ của Hà Nội. Một số người cho rằng các chiến dịch 34A đã có vai trò trong việc kích động các hành động của Bắc Việt Nam chống lại các cuộc tuần tra DESOTO, nhưng một số người khác nhấn manh sự vô hiệu của các chiến dịch 34A, cách giải thích này là khó chấp nhận. Dù sao chăng nữa, Tổng thống cũng đã đồng ý rằng, đối với cuộc tiến công thứ hai, nếu nó có thật, phải áp dụng các biện pháp tiến công trả đũa nhanh chóng và mạnh mẽ.

Từ đó có câu hỏi: liệu cuộc tiến công thứ hai có thật sự xảy ra hay không?

Như tôi đã trình bày, trong thời gian cuộc tiến công xảy ra, tầm nhìn rất hạn chế. Vì lý do đó và vì các báo cáo dựa trên tiếng ồn của các thiết bị dò quét thường tỏ ra không đáng tin cậy, nên vẫn chưa chắc chắn liệu cuộc tiến công thứ hai có thực sự xảy ra hay không. Vì thế, tôi đã phải cố gắng hết sức để hiểu chuyện gì thật sự đã xảy ra. Theo đề nghị của tôi, Trung tướng Không quân David A. Burchinal, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên quân gọi điện cho Đô đốc Sharp ở Honolulu nhiều lần để hỏi về chi tiết của vụ này.
__________________________________
1. Xem Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam: Vai trò Hành pháp và Lập pháp và các mối quan hệ, phần 3, Tháng 1 - tháng 7, 1965, William Conrad Gibbons (Princeton: Nhà Xuất bản trường Đại học Tổng hợp Princeton, 1989), tr. 10.
2. Embtel 282, Taylor gửi Rusk, 3/8/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 593-594.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:38:43 pm »


Hồi 1 giờ 27 phút chiều, giờ Washington, chỉ huy các hoạt động DESOTO trên tàu Maddox, Đại uý John J. Herrick đã gửi mẩu tin ngắn sau đây về Honolulu và Washington:

Việc kiểm tra lại hoạt động dẫn đến các cuộc liên lạc và tiến công bằng thủy lôi như đã được báo cáo là đáng ngờ vực. Thời tiết thay đổi đã gây ảnh hưởng làm những người điều khiển ra-đa và máy dò quét đưa ra nhiều báo cáo. Maddox không nhìn thấy gì cụ thể cả. Đề nghị đánh giá cẩn thận trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào1.

41 phút sau, Sharp gọi điện cho Burchinal và nói với ông ta rằng, không kể tới thông báo của Herrick, ông ta cả quyết là “không còn phải nghi ngờ” gì nữa, cuộc tiến công thứ hai đã diễn ra. Hai giờ 48 phút chiều, giờ Washington, Đại úy Herrick gửi tiếp một thông điệp về với nội dung: “Cuộc tiến công đúng là có thật”2.

Chính tôi đã gọi điện thoại vài lần để có được càng nhiều thông tin càng tốt. Bởi vì đã 30 năm rồi, mà giờ đây các sự kiện vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi, nên tôi muốn thuật lại một vài cuộc nói chuyện của tôi (được ghi lại vào thời đó) một cách chi tiết. Hồi 4 giờ 8 phút chiều, tôi gọi điện cho Đô đốc Sharp bằng điện thoại an toàn và nói: “Có tin giờ chót về hoạt động chưa ?”.

“Tin cuối cùng mà ta có, thưa Ngài - Sharp trả lời - cho thấy có ít nghi ngờ về những gì đang thực sự diễn ra... Rõ ràng là cuộc phục kích được mưu toan bởi các tuần dương hạm có gắn thủy lôi”. Ông nói thêm: “Mưu toan tập kích nói trên đã được xác định”. Tuy vậy, ông ta còn có ý nói rằng “Sóng ra-đa rất không ổn định”, và cánh lính trẻ điều khiển các máy dò quét lại nói rằng mọi tiếng động đều là của thủy lôi, vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, số thủy lôi không nhiều như trong các báo cáo”. Sharp còn nói rằng Turner Joy thông báo có ba tuần dương hạm gắn thủy lôi bị bắn trúng và một đã bị chìm, trong khi đó Maddox lại thông báo rằng có một hay hai bị chìm.

“Không thể có khả năng là không có cuộc tiến công nào đã diễn ra chứ ?”, tôi hỏi Sharp. Ông ta trả lời: “Vâng. Tôi có thế nói rằng cũng có một khả năng mong manh”.

Tôi nói: “Hiển nhiên là chúng ta không muốn làm điều đó (tiến hành việc đánh trả đũa.) cho đến khi chúng ta biết rõ điều gì đã xảy ra”.

Sharp đồng ý và nói rằng ông tin là sẽ có thêm thông tin sau vài giờ nữa3.

Lúc 4 giờ 47 phút chiều, Cy và tôi họp với các Tư lệnh để kiểm điểm lại các bằng chứng có liên quan tới cái được cho là cuộc tiến công thứ hai. Năm nhân tố trên thực tế đã thuyết phục chúng tôi rằng nó đã xảy ra: tàu Turner Joy đã bị rọi sáng khi bị vũ khí tự động bắn: một trong các khu trục hạm đã trông thấy ánh sáng trong buồng lái của tuần dương hạm gắn thủy lôi, các khẩu đội phòng không đã bắn hai máy bay Mỹ đang bay trong khu vực này, chúng tôi bắt được tin mật của Bắc Việt Nam cho biết có hai tàu của họ đã bị đánh chìm; và Đô đốc Sharp quả quyết rằng có lẽ đã có cuộc tiến công xảy ra ở đó. Lúc 5 giờ 23 phút chiều, Sharp gọi điện cho Burchinal và nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tiến công các khu trục hạm đã xảy ra4.

Hồi 6 giờ 15 phút chiều, Hội đồng An ninh quốc gia họp tại Nhà Trắng. Tôi phác qua bằng chứng khẳng định các kết luận của chúng tôi và trình bày về dự kiến phản ứng. Mọi thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia nhất trí về hành động, và Tổng thống đã ủy nhiệm cho lực lượng Không quân trên biển của chúng ta bắt đầu tiến công5.

Hồi 6 giờ 45 phút tối, Tổng thống, Dean Rusk, Tướng Earle G. Wheeler6 “Xe buýt” - Tổng Tham mưu trưởng mới của Bộ Tư lệnh liên quân và tôi đã họp với các lãnh tụ trong Quốc hội để thông báo sơ qua cho họ về các sự kiện trong ngày và kế hoạch phản ứng của chúng tôi. Trong khi trình bày cơ sở cho hành động trả đũa của chúng tôi, Dean đã nói với các lãnh tụ rằng Bắc Việt Nam đã có một quyết định nghiêm túc khi tiến công các chiến hạm của ta ngoài khơi, rằng chúng ta không nên hiểu cuộc tiến công của họ chỉ là sự ngẫu nhiên, rằng chúng ta phải tỏ rõ quyết tâm của Mỹ tại Đông Nam Á, và rằng phản ứng hạn chế của ta có thế tỏ ra rằng chúng ta không muốn chiến tranh với miền Bắc. Tổng thống đã thông báo với cuộc họp là ông đã có kế hoạch trình nghị quyết để đề nghị Quốc hội ủng hộ các chiến dịch tác chiến của Mỹ tại Đông Nam Á, nếu điều đó là cần thiết. Một vài Thượng nghị sĩ và đại biểu nói họ sẽ ủng hộ đề nghị này7.

Hồi 7 giờ 22 phút tối, tàu Ticonderoga nhận được điện của Tổng thống cho phép tiến công và sau đó vài phút, tàu Constellation cũng đã nhận được chỉ thị này. Những máy bay đầu tiên đã cất cánh từ các hàng không mẫu hạm hồi 10 giờ 43 phút đêm, theo giờ Washington. Tổng cộng, các máy bay của Hải quân Mỹ đã bay 64 lần đánh phá các căn cứ Hải quân và khu cung cấp nhiên liệu cho chúng. Điều này được coi là một chiến dịch thành công tuy có hạn chế, nhưng chúng tôi nghĩ là thích hợp để trả đũa cho ít nhất là một và rất có thể là hai cuộc tiến công tàu chiến Mỹ.
____________________________________
1. 041727Z, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ trung tâm, POL 27 VIET S., trích trong sách đã dẫn, tr. 609.
2. Ghi chép - Đô đốc Sharp gửi Tướng Burchinal hồi 2 giờ 8 phút, giờ phía Đông ngày 4/8, Tốc ký buổi điện đàm, ngày 4 - 5/8, tr. 3 1, và 041848Z, cả hai trong “Vịnh Bắc Bộ (hỗn hợp)”, Hồ sơ quốc gia, Việt Nam (Viết tắt là CF, Việt Nam), Hộp số 228, NSF, LBJL.
3. Điện đàm giữa Bộ trưởng McNamara và Đô đốc Sharp, sách đã dẫn.
4. Ghi chép - Đô đốc Sharp gửi Tướng Burchinal hồi 5 giờ 23, giờ phía Đông ngày 4/8, sách đã dẫn.
5. Xem Chú thích về Cuộc họp thứ 538 của Hội đồng An ninh quốc gia, 4/8/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 611-612.
6. Wheeler trong tiếng Anh có nghĩa là cái bánh xe (ND).
7. Xem Ghi chép về Cuộc hội đàm cấp cao, 4/8/1964, sách đã dẫn, tr. 615-621.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:39:36 pm »


Chẳng bao lâu sau lại xuất hiện những cuộc tranh cãi dai dẳng về sự kiện này. Ngày 6/8, vài Thượng nghị sĩ đã tranh luận về bản báo cáo của chúng tôi về những gì đã diễn ra. Cuộc tranh luận đã không kết thúc, vài năm sau (tháng 2/1968) một cuộc điều trần tại Thượng nghị viện đã được tổ chức để xem xét lại các bằng chứng. Cuộc họp này cũng đã đòi xét lại các báo cáo của Chính phủ. Năm 1972. Louis Tordella, sau này là phó giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia đã đưa ra kết luận rằng các thông điệp ra lệnh tiến công bắt được của Bắc Việt Nam, vẫn được hiểu là dành cho ngày 4/8 về thực chất là của hành động trong ngày 2/8. Ray S. Cline, Phó Giám đốc phụ trách tình báo của CIA năm 1964 đã lặp lại đánh giá này trong một lần trả lời phỏng vấn năm 1984. Và James B. Stockdale - một phi công trên tàu Ticonderoga năm 1964, người sau này đã trải qua 8 năm trong nhà tù của Hà Nội và đồng thời cũng được Quốc hội tặng Huân chương Danh dự, tuyên bố trong hồi ký của mình rằng anh ta chẳng nhìn thấy con tàu nào của Bắc Việt Nam khi bay trên hai khu trục hạm ngày 4/8, và anh ta tin rằng chẳng có cuộc tiến công nào đã diễn ra1. Cuộc tranh luận còn kéo dài tới tận ngày nay.



Hồi 9 giờ sáng ngày 6/8, Dean, Bus, và tôi bước vào phòng kín của Thượng nghị viện và ngồi vào chỗ của mình trước khi cuộc họp chỉ đạo hỗn hợp Ủy ban của Quốc hội về Đối ngoại và Quân sự tiến hành để đánh giá các sự kiện xảy ra tại Vịnh Bắc Bộ trong hai ngày 2/8 và 4/8, và để phát biểu ủng hộ nghị quyết của Quốc hội và sau đó trước lưỡng viện.

Dean bắt đầu lời tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn của mình bằng cách nhấn mạnh “lý do trực tiếp của bản nghị quyết này, tất nhiên là các cuộc tiến công của Bắc Việt Nam nhằm vào các chiến hạm của ta đang hoạt động trên hải phận quốc tế trong vùng Vịnh Bắc Bộ ngày 2 và 4/8”. Ông ta tiếp tục: “Các cuộc tiến công trên đây... không phải là các sự kiện riêng lẻ. Chúng là một phần trong những cố gắng của cộng sản nhằm thống trị Nam Việt Nam, đang tiếp tục chinh phục và cuối cùng là thống trị những đất nước tự do khác trong vùng Đông Nam Á”. Sau đó, tôi miêu tả chi tiết hai cuộc tiến công và Bus tuyên bố sự nhất trí tán thành của Bộ Tham mưu hỗn hợp về các hành động trả đũa của Mỹ mà họ cho là hợp lý trong hoàn cảnh này.

Câu hỏi của các Ủy ban xoay quanh hai vấn đề riêng biệt như sau: Cái gì đã xảy ra trong Vịnh này? Phải chăng nghị quyết này là sự ủy quyền hoàn toàn cho Tổng thống sử dụng lực lượng quân sự ở khu vực này?

Thượng nghị sĩ Wayne Morse đã lên tiếng kịch liệt bác bỏ mô tả của chúng tôi về những sự kiện trong Vịnh, phản ứng quân sự của chúng tôi và bản thân nghị quyết:

Tôi kiên quyết chống lại lối hành động mà theo sự đánh giá của tôi là lối hành động xâm lược do Mỹ gây ra. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang lừa phỉnh thế giới nếu các ngài tìm cách gây ấn tượng rằng chúng ta không dính líu vào việc tàu chiến của hải quân Nam Việt Nam bắn phá các hòn đảo nằm trên một khoảng cách không xa với bờ biển Bắc Việt Nam.

Về phía Mỹ, tôi nghĩ rằng sự viện trợ toàn diện của chúng ta cho Nam Việt Nam đủ để thế giới tin rằng các tàu đó không hoạt động một cách vô tư. Chúng ta đã biết rằng các tàu này đang hoạt động ở đó và hoạt động hải quân này chính là sự xâm lấn lãnh thổ Bắc Việt Nam và các chiến hạm của ta ở trong Vịnh Bắc Bộ, trong hải phận quốc tế, nhưng dù sao chăng nữa việc chúng ở trong Vịnh Bắc Bộ - được hiểu như sự yểm trợ cho các hoạt động hải quân của Nam Việt Nam.

Tôi cho rằng điều đã xảy ra là Khánh đã buộc chúng ta đứng sau lưng để công khai xâm lược chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Việt Nam. Tôi đã nghe hết cuộc điều trần này đến cuộc điều trần khác và đến nay, vẫn chẳng có mảy may chứng cớ nào trong bất kỳ cuộc điều trần nào về việc Bắc Việt Nam tiến hành xâm lược Nam Việt Nam bằng bộ binh hay hải quân của họ.

Lời bình luận cuối cùng đã đi ngược lại với bằng chứng hiển nhiên về sự hỗ trợ của Bắc Việt Nam cho Việt cộng bằng đường bộ và đường biển, về người và vũ khí. Thượng nghị sĩ kết thúc tuyên bố của mình bằng khẳng định: “Các chiến hạm của Hải quân Mỹ (đã) rõ ràng là đang túc trực để làm chỗ dựa cho” các chiến dịch 34A của Nam Việt Nam.

Tôi đáp lại: “Hải quân ta đã hoàn toàn không đóng vai trò gì, không cộng tác, (và) không biết gì về bất cứ hoạt động nào của Nam Việt Nam”. Như tôi đã giải thích, Hải quân Mỹ không điều khiển các chiến dịch 34A, và các cuộc tuần tiễu DESOTO không phải là “màn che” mà cũng chẳng là chỗ dựa cho các hải đội 34A. Thượng nghị sĩ Morse biết rõ thực tế này bởi vì ông ta đã có mặt ngày 3/8 khi Dean, Bus và tôi báo cáo về các cuộc hành quân 34A và DESOTO cho các Thượng nghị sĩ. Vì vậy, phần này trong lời đáp của tôi là đúng. Tuy nhiên, khi tôi nói tiếp rằng tàu Maddox “không được thông báo, không biết, và không có bằng chứng nào, cũng như tôi hôm nay, không được biết về bất cứ khả năng nào về các hành động của Nam Việt Nam với hai hòn đảo mà Thượng nghị sĩ Morse đã đề cập”. Sau này, tôi nhận ra rằng phần này trong lời đáp của tôi là hoàn toàn không chính xác; Đại úy Herrick chỉ huy cuộc tuần tiễu DESOTO đã biết về 34A. Lời tuyên bố của tôi đã rất chân thành nhưng sai lầm.
_____________________________________
1. Xem Báo cáo tin Mỹ và Thế giới, 23/7/1984, tr. 63-64; và Tình yêu và Chiến tranh, James Bond Stockdale và Sybil B. Stockdale (New York: Harper và Row 1984), tr. 21, 23.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:40:25 pm »


Rồi cuộc điều trần chuyển thành một cuộc thảo luận nghị quyết. Đoạn chủ yếu của nghị quyết tuyên bố:

Trong khi các đơn vị hải quân (của Bắc Việt Nam)... đang vi phạm luật pháp quốc tế, đã cố ý và liên tục tiến công các chiến hạm Hải quân Mỹ có mặt một cách hợp pháp trong hải phận quốc tế... và khi những cuộc tiến công đó là một phần của chiến địch xâm lược có chủ ý và có hệ thống... chống lại láng giềng của nó,... vì vậy, nước Mỹ chuẩn bị, như Tổng thống xác định, sẽ áp dụng mọi bước đi cần thiết kể cả sử dụng lực lượng vũ trang, để giúp bất cứ thành viên hoặc quốc gia nào ký kết Hiệp ước Phòng thủ tập thể Đông Nam Á yêu cầu sự trợ giúp trong việc bảo vệ nền tự do của mình.

Thảo luận về văn phong, Dean nhấn mạnh rằng nghị quyết trao quyền lực giống như đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết Formosa năm 1955, Nghị quyết về Trung Đông năm 1957, và Nghị quyết về Cuba năm 1962. Lời tuyên bố đã được chuẩn bị trước của ông ta ghi nhận rằng “chúng ta không thể nói về những bước đi cần thiết trong tương lai”, và ông ta nói thêm: “Vì tình hình ở Đông Nam Á đang phát triển, và nếu nó phát triển theo hướng chúng ta không thể lường trước, thì tất nhiên sẽ có các cuộc tham khảo chặt chẽ và thường xuyên giữa Tổng thống và Quốc hội (nhấn mạnh của tác giả)”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện, Thượng nghị sĩ William Fulbright - người đã chủ trì toàn bộ cuộc điều trần, đã cố gắng đạt được nghị quyết tại phòng họp Thượng nghị viện và sau này đã nhiều lần chỉ trích cách giải quyết các sự kiện tại Vịnh Bắc Bộ của chính quyền Johnson - hôm đó đã đưa ra lời nhận xét có tính tán dương qua câu nói: “Sự nhanh nhậy và quyết định... mà các vị đã đưa ra hôm nay thật đáng tuyên dương”.

Những người khác đã tán thành nội dung nghị quyết về việc trao cho Tổng thống quyền hành rộng rãi. Thí dụ như Thượng nghị sĩ Clifford P. Case (đảng Cộng hoà, bang New Jersey) đã hỏi xem có phải là trong ba nghị quyết vừa được nhắc tới cùng chứa đựng một ngôn ngữ rộng rãi: “như Tổng thống quyết định” hay không. “Chúng đã dùng những câu tương tự như vậy”. Thượng nghị sĩ Fulbright trả lời. Thượng nghị sĩ Case tuyên bố hoàn toàn ủng hộ. Hai Ủy ban này đã tán thành đệ trình Thượng nghị viện thông qua bản nghị quyết với số phiếu 31-1, còn Morse bỏ phiếu chống1.

Trong cuộc tranh cãi tại phòng họp chiều hôm đó, Thượng nghị sĩ John Sherman Cooper (đảng Cộng hoà, bang Kentucky) đã có cuộc trao đổi sau đây với Thượng nghị sĩ Fulbright:

COOPER: Phải chăng chúng ta sắp sửa trao cho Tổng thống toàn quyền tiến hành mọi hoạt động mà ông ta thấy là cần thiết có liên quan tới Nam Việt Nam và nền quốc phòng của nó, hoặc có liên quan tới việc phòng thủ của bất cứ quốc gia nào khác trong Hiệp ước (SEATO)?

FULBRIGHT: Tôi cho rằng đúng là như vậy.

COOPER: Rồi thì, sau này, nếu Tổng thống quyết định rằng phải dùng một lực lượng như vậy vì có thể dẫn tới chiến tranh thì bằng Nghị quyết này, chúng ta cũng sẽ trao quyền đó phải không?

FULBRIGHT: Đó là một cách mà tôi có thể giải thích2.

Tôi chẳng nghi ngờ gì về việc Quốc hội hiểu sự rộng lớn trong quyền lực mà bản Nghị quyết đã trao cho Tổng thống. Nhưng cũng không có mối nghi ngờ nào trong tôi rằng Quốc hội hiểu Tổng thống sẽ không sử dụng quyền lực rộng lớn đó mà không tham khảo nó một cách cẩn thận và đầy đủ.

Ngày hôm sau, mùng 7/8, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện đã biểu quyết về bản Nghị quyết. Thượng nghị viện đã thông qua nó bằng số phiếu 88-2. Morse và Ernest W. Gruening (đảng Dân chủ - bang Alaska) bỏ phiếu chống; Hạ nghị viện đã nhất trí thông qua, 416-0.
______________________________________
1. Điều trần Hỗn hợp trước các Ủy ban Thượng nghị viện về Quan hệ Đối ngoại và Quân sự, Nghị viện khoá 88, cuộc họp lần thứ 2, 6/8/1964 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1988), tr. 291-299.
2. Thảo luận của Thượng nghị viện, trích trong Ghi chép tại Thượng nghị viện, t. 110, tr. 18399-471.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2009, 10:41:34 pm »


Trong một thời gian dài, những người chỉ trích khẳng định rằng có một trò lừa đảo được che giấu kỹ xung quanh vụ Vịnh Bắc Bộ. Họ kết án Chính phủ, thèm muốn có được sự ủng hộ của Quốc hội trong chiến tranh Đông Dương, đã tự soạn thảo nghị quyết cho phép, gây ra sự kiện để nhận được sự ủng hộ và đã đưa ra lời tuyên bố giả để tranh thủ sự ủng hộ này. Lời kết án này là không có cơ sở.

Bản Nghị quyết đã nảy sinh từ niềm tin của Tổng thống cho rằng nếu hoàn cảnh buộc Mỹ đưa quân vào Đông Dương - như một vài vị Tư lệnh liên quân đã đề nghị từ tháng 1/1964 - thì việc triển khai lực lượng đó phải được tiến hành với sự tán thành của Quốc hội. Vì mục đích đó, Bộ Ngoại giao đã soạn thảo Nghị quyết vào cuối tháng 5. Tuy vậy, vì Max Taylor, đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân, đã bác lại việc hoãn tiến hành các chiến dịch quân sự của Mỹ ít nhất cho đến mùa thu - một lời đề nghị mà cả Tống thống, Dean, Mac và tôi đều tán thành - nên đã có quyết định hoãn việc trình bản Nghị quyết lên Quốc hội cho tới khi Dự luật về Quyền Dân sự được Thượng nghị viện thông qua vào tháng 9.

Chúng tôi duy trì lịch trình này cho đến khi các cuộc tiến công tàu chiến Mỹ của Bắc Việt Nam làm cho chúng tôi tin rằng chiến tranh đang trở nên nóng bỏng và tự hỏi rồi tiếp đến sẽ là cái gì. Chính điều này làm chúng tôi tin rằng có thể cần đến bản Nghị quyết sớm hơn chúng tôi từng dự đoán. Có thể Tổng thống cũng đã bị ảnh hưởng bởi điều mà ông ta coi như một cơ hội để gắn nghị quyết này với hành động thù địch của Hà Nội, và để làm điều đó ông ta buộc phải tỏ thái độ cứng rắn vừa phải, đối lập với thái độ hiếu chiến của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hoà Barry Goldwater.

Lời buộc tội về một cuộc khiêu khích có chủ ý đã kéo dài một phần bởi vì một số cựu quan chức của Chính phủ cũng tán thành điều này. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC năm 1977, George Ball đã tuyên bố: “Nhiều người có liên quan tới cuộc chiến tranh này...đã tìm cách bào chữa cho việc bắt đầu ném bom... Cuộc tuần tra DESOTO thực chất chỉ là để khiêu khích... Đã từng có cảm giác rằng nếu khu trục hạm này gặp khó khăn, điều đó sẽ tạo ra sự khiêu khích mà chúng ta cần”1.

Ngược lại, Bill Bundy cũng nói với thính giả của đài này rằng Mỹ không có ý định tạo ra khủng hoảng và cũng không “bày ra” những vụ xô xát và coi đó như lý do để bào chữa cho các hành động quân sự của mình. Thật ra, ông ta đã nói rằng, “nói một cách thắng thắn điều này hoàn toàn không phù hợp với các kế hoạch của chúng tôi một chút nào. Chúng tôi không nghĩ rằng, tình hình đã xấu đi đến mức chúng tôi phải cân nhắc hành động mạnh hơn so với những gì đang diễn ra tại Nam Việt Nam”. Ở chỗ khác ông ta viết rằng: “Trường hợp một chính quyền nào đó phải khiêu khích để có va chạm không đơn giản chỉ là thiếu cơ sở, mà nó không thể tồn tại”2.

Ông ta tiếp tục đưa ra một luận điểm khác nhưng không kém quan trọng:

Rốt cuộc, sai lầm trong tính toán của cả Mỹ và Bắc Việt Nam, có nguồn gốc từ giả thiết có tính chất nhận thức muộn màng về thái độ của Hà Nội. Nói một cách đơn giản, thì đó chính là lỗi của một chính quyền đã quá chú ý đến việc giảm bớt sự mạo hiểm của nó để cho cả các chiến dịch 34A và khu trục hạm tuần tiễu hoạt đông, thậm chí trong cùng một thời gian. Những người có lý trí có thể không lường trước được Hà Nội có thể làm họ nhầm lẫn... nhưng các tính toán hợp lý lẽ ra phải tính tới sự vô lý... Washington đã không muốn có sự rắc rối, và dường như Hà Nội cũng đã không muốn điều này. Nhưng mỗi bên đều đã tính nhầm về nhau, và rồi thì sự việc rắc rối đã xảy ra3.

Tôi đồng ý với cả hai đánh giá trên. Và tôi tin Dean, Mac và Max cũng sẽ đồng ý.

Tất nhiên là, nếu Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ không dẫn đến việc can thiệp quân sự càng nhiều và nghiêm trọng vào Việt Nam, thì có thể nó sẽ không còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng nó đã được sử dụng để mở cửa cống. Tuy nhiên, suy nghĩ rằng chính quyền Johnson đã cố tình lừa dối Quốc hội là sai lầm. Vấn đề không phải là ở chỗ Quốc hội đã không hiểu thấu được khả năng của bản Nghị quyết, mà là ở chỗ nó đã không thấu hiểu tiềm năng của chiến tranh và chính quyền sẽ phản ứng như thế nào trước cuộc chiến tranh này. Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện năm 1967, với lời lẽ chung chung, đã kếl luận: “Quốc hội đã phạm phải sai lầm trong việc trao quyền phán quyết cho cá nhân Tổng thống Johnson, để thực hiện Nghị quyết mà lẽ ra nó phải là sự phán quyết tập thể, thứ nhất, vì rằng mọi Tổng thống sẽ làm gì với sự thừa nhận lớn lao như vậy về quyền lực, và thứ hai, vì rằng có trong Hiến pháp hay không điều khoản Quốc hội có quyền trao hoặc ban sự ủy quyền về vấn đề đó (nhấn mạnh trong nguyên bản)”. Tôi đồng ý với cả hai điểm này4.

Thời đó, Thượng nghị sĩ Fulbright đã có cảm giác rằng ông ta đang bị đánh lạc hướng - và quả thật là như vậy. Ông ta đã nhận được sự bảo đảm rõ ràng của Dean ngày 6/8/1964, khi nghe nói (và tôi cũng tin rằng LBJ cũng nói riêng với ông) rằng Tổng thống sẽ không sử dụng quyền lực to lớn trao cho ông mà không có sự thỏa thuận đầy đủ với Quốc hội. Nhưng khi cuộc điều trần được triệu tập ngày 20/2/1968 để xem xét lại sự vụ này, Thượng nghị sĩ Fulbright đã tha thứ một cách khoan dung cho tôi về lời buộc tội đã lừa dối Quốc hội một cách có chủ ý. “Tôi chưa bao giờ định nói rằng tôi nghĩ là ngài đã cố tình lừa dối chúng tôi”, ông ta nói. Các Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Claiborne Pell và Stuart Symington cũng có những tuyên bố tương tự như vậy5.


Vấn đề chủ yếu dính líu đến Vịnh Bắc Bộ không phải là mánh khóe lừa đảo, mà đúng hơn, là sự lạm dụng quyền hành được Nghị quyết trao cho. Ngôn từ của bản Nghị quyết đã trao một cách đơn giản các quyền hành mà sau đó Tổng thống đã sử dụng, Quốc hội đã hiểu phạm vi rộng của các quyền hành đó khi nó thông qua với đa số áp đảo bản Nghị quyết ngày 7/8/1964. Nhưng không ai nghi ngờ rằng Quốc hội đã không định ủy quyền mà không có thoả thuận thêm về việc tăng quân Mỹ từ 16.000 lên 550.000 người, về tiến hành các chiến dịch rộng lớn đầy mạo hiểm, mở rộng chiến tranh với Trung Quốc và Liên Xô, và kéo dài sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam trong nhiều năm sau.

Vấn đề Quốc hội chống lại sự ủy quyền cho Tổng thống trong việc điều hành các chiến dịch quân sự của Mỹ còn kéo dài một cách nóng hổi tới ngày nay. Cốt lõi của cuộc đấu tranh này nằm trong sự mơ hồ về ngôn từ của Hiến pháp, đã coi Tổng thống như Tổng tư lệnh nhưng lại trao cho Quốc hội quyền tuyên chiến.

Vào tháng 12/1990, trước cuộc chiến tranh vùng Vịnh Pecxic, tôi đã phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về khả năng sử dụng quân chiến đấu Mỹ tại đó. Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard B. Cheney đã nhấn mạnh rằng Tổng thống Bush sẽ sử dụng quyền lực như Tổng lư lệnh để đưa số lượng lớn quân đội Mỹ tới tham chiến tại Vùng Vịnh (cuối cùng thì chúng ta cũng đã có tới 500.000 người cả nam lẫn nữ ở đó). Thượng nghị sĩ Paul S. Sarbanes (đảng Dân chủ - bang Mariland) đã hỏi ý kiến tôi về lời tuyên bố của Cheney. Tôi trả lời rằng tôi không phải là luật sư Hiến pháp và vì vậy từ chối trả lời. Biết chắc rằng tôi sẽ từ chối nhận xét tuyên bố của Cheney, Thượng nghị sĩ Sarbanes đã ép tôi rất mạnh để có câu trả lời.

Cuối cùng, tôi đã nói với ông này rằng ông ta đã đặt sai câu hỏi. Vấn đề không đi tới chỗ các thủ tục pháp luật. Nó mang trong mình vấn đề cơ bản của các hoạt động chính trị: Tổng thống có đưa dân tộc ta vào chiến tranh hay không (khác hẳn với việc đẩy lùi một cuộc tiến công trên đất nước ta) khi không có sự tán thành rộng rãi như biểu quyết của Quốc hội? Tôi nói rằng không có Tổng thống nào làm như vậy và tôi tin Bush cũng sẽ không làm thế. Ông ta đã không làm thế. Trước khi bắt đầu các chiến dịch chống Irắc, ông ta đã tìm kiếm và có được ủng hộ của Quốc hội (cũng như của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc).

Tổng thống Bush đã đúng. Tổng thống Johnson và những ai đã làm việc cùng ông ta đã sai.
______________________________________
1. Xem Nhiều lý do vì sao: Mỹ dính líu vào Việt Nam, Michael Charlton và Anthony Moncrieff (New York: Hill và Wang, 1978), tr. 108.
2. Sách đã dẫn, tr. 117; và WB, VNMS, tr. 14A-36.
3. WB, VNMS, tr. 14A-38, 14A-40.
4. Báo cáo của Thượng nghị viện 90-797 (1967), tr. 21-22.
5. Ủy ban Đối ngoại của Thượng nghị viện, Vịnh Bắc Bộ, các sự kiện năm 1964, Cuộc điều trần ngày 20/2/1968, Nghị viện khoá 90, cuộc họp thứ 2 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1968), tr. 82-87 và 106.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM