Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:52:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89385 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 10:56:55 pm »


John F. Kennedy không phải là một người hoàn hảo. Chẳng người nào được như thế cả. Ông là một nhà chính trị thực dụng. Thỉnh thoảng, những lối hoạt động chính trị - đặc biệt của các cộng sự của ông - có những hình thức rất bê bối. Một trường hợp xảy ra minh hoạ cho hiện tượng này.

Một hôm tôi nhận được một cú điện thoại của một cộng sự cũ, ông Rod Markley, Phó Chủ lịch Công ty ôtô Ford phụ trách quan hệ với Chính phủ. Ông nói ông biết được một số điều mà chắc tôi cũng rất muốn biết. Ông nói rằng Red Duffy, Phó Chủ tịch của Công ty Ford, phụ trách việc cung cấp hàng của các nhà máy duyên hải phía đông cho Bộ Quốc phòng, đã được thông báo rằng nếu chi nhánh của ông không đóng góp tài chính cho đảng Dân chủ, thì các hợp đồng sẽ bị huỷ bỏ. Tôi đã làm việc nhiều năm với Duffy ở Công ty Ford. Khi tôi giận dữ hỏi Rod rằng tại sao Duffy không trực tiếp thông báo một hành động rõ ràng là bất hợp pháp đó cho tôi, Rod trả lời rằng Duffy sợ các quan chức ở Bộ Quốc phòng mà tôi sẽ phải đưa vấn đề này ra giải quyết sẽ trả thù Công ty Ford.

Tôi cám ơn Rod, gác máy và ngay lập tức gọi cho Tổng Thanh tra Không quân, Thiếu tướng William H. “Butch” Blanchard. Blanchard đã từng là anh hùng phi công lái máy bay ném bom B-17 ở Phillipin, chỉ huy phi đội B-29 ở Ấn Độ, Trung Quốc và quần đảo Marianas; và là bạn lâu năm của tôi từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi nói: “Butch, hãy xuống phòng tôi và đừng nói với ai - kể cả Bộ trưởng cũng như Tham mưu trưởng không lực - rằng ông tới chỗ tôi”.

Khi Butch tới, tôi kể với ông câu chuyện trên và nói thêm: “Tôi muốn ông ngừng mọi công việc đang làm và điều tra kỹ vấn đề này, rồi báo cáo trực tiếp lại cho tôi”.

Sau khoảng một tháng, tôi gọi Butch để hỏi về các tiến bộ của việc điều tra. Ông trả lời rằng tình hình xấu hơn người ta báo cáo. Ông đã phát hiện các trường hợp khác liên quan đến các công ty ở nơi khác trên nước Mỹ. Sau sáu tháng ông đặt lên bàn tôi một bản báo cáo dầy về những gì đã xảy ra. Khi tôi hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm, ông đã nói tên một quan chức dân sự được Kenny O’Donnell, Trợ lý Tổng thống, cử làm việc tại văn phòng cung ứng không lực.

Tôi gọi điện cho Bộ trưởng Không quân và chỉ thị cho ông ta sa thải quan chức đó ngay trong ngày, theo lệnh của tôi, không giải thích gì hết. Sau đó tôi gửi một bản sao báo cáo cho O’Donnell với một dòng chữ bên ngoài rằng quan chức đó không còn được làm việc tại Bộ Quốc phòng. Tôi chẳng bao giờ nhận được một hồi âm nào.


John Kennedy có một khái niệm rất rõ ràng về vai trò của một Tổng thống. Một hôm tại phòng Bầu Dục, tôi thảo luận về ngôi vị Tổng thống với ông. Tôi vẽ một biểu đồ sau:


Quyền lực nằm trên trục tung và thời gian trên trục hoành. “Thưa Tổng thống”, tôi nói, “Ngài vào nhận nhiệm sở với một số quyền lực đáng kể. Tôi hy vọng Ngài sẽ rời nhiệm sở tay không, sau khi đã sử dụng hết tất cả số quyền lực đó vào những gì mà Ngài và tôi tin rằng có lợi cho dân tộc mình”. “Bob”, Kennedy trả lời, “đó đúng là những gì tôi nghĩ”. Ông nghĩ theo hướng đó, và tôi tin rằng ông cũng sẽ hành động theo hướng đó.

Tổng thống Kennedy cũng có khả năng lùi xa ra khỏi một vấn đề và quan sát ý nghĩa của nó trên một bình diện rộng lớn hơn. Ông hành động với một cảm nhận về lịch sử và vị trí của mình trong đó. Trong thời gian ông làm Tổng thống, một số chúng tôi thỉnh thoảng lại tụ tập buổi tối để tổ chức các buổi thảo luận được gọi là các cuộc hội thảo đồi Hickory. Tại một cuộc thảo luận, tổ chức tại khu gia cư của Nhà Trắng, phụ tá Tổng thống Arthur Schlesinger đã đưa cha mình là Ngài Arthur Schlesinger - nhà sử gia đáng kính của Harvard - đến làm khách danh dự. Tôi không may mắn lại bận việc của Lầu Năm Góc nên phải vắng mặt. Khi trở về nhà tôi hỏi Marg tối hôm đó đi dự một mình: “Cuộc gặp mặt thế nào?”.

“Thật là tuyệt vời” nhà tôi trả lời. “Không ai có thể chen vào một lời nào. Cả buổi tối được dành cho những câu hỏi của Tổng thống: “Ông đánh giá một Tổng thống như thế nào?”, “Với những tiêu chuẩn gì?”, “Tại sao bạn lại coi Tổng thống X vĩ đại hơn Tổng thống Y?”. John Kennedy nhìn cả thế giới như một lịch sử và ông có một tầm nhìn rộng lớn.

Ông đúng là nhà lãnh đạo vĩ đại, với uy tín phi thường và một khả năng gây cảm hứng. Ông đã động viên được cả người già và người trẻ ở trong và ngoài nước, khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong họ. Đây là một năng khiếu vô giá ở các nhà lãnh đạo chính trị. Trong một thế gian không hoàn hảo, ông đã hướng mắt chúng ta về phía các vì sao.

Và huyền thoại của ông vẫn tồn tại. Bao nhiêu năm trời sau cái chết của ông, tôi với tư cách Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã đi cùng với Marg đến các góc xa xôi hẻo lánh nhất của thế giới, tới những ngôi làng đơn độc ở Ấn Độ, Nigeria và Paraguay, nơi hiếm khi thấy một người Mỹ. Ở đó chúng tôi đã nhiều lần gặp ảnh Kennedy, xé từ một tờ báo hay một tạp chí, gắn lên tường của một túp lều, một trong những vật giá trị nhất của chủ nhà. Mọi người đều cần những anh hùng. Và họ tìm thấy một người như vậy ở John F. Kennedy. Nếu ông còn sống, tôi tin chắc rằng dân tộc ta và cả thế giới đã trở nên tốt đẹp hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:01:10 pm »


Việc Tổng thống Kennedy hoàn toàn không hài lòng với cách Dean Rusk điều hành Bộ Ngoại giao không phải là một điều bí mật. Nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi ít lâu sau cái chết của Tổng thống, tôi được Bobby và một số người khác cho biết Tổng thống dự định cử tôi thay Dean làm Ngoại trưởng khi vào nhiệm kỳ thứ hai. Tôi sẽ từ chối vì hai lý do: tôi rất kính trọng và có cảm tình với Dean, và tôi không cho rằng mình có đủ năng lực để đảm nhiệm chức Ngoại trưởng. Sau này, khi đã kết thúc bẩy năm làm Bộ trưởng Quốc phòng và 13 năm tiếp theo làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, tôi có thể có suy nghĩ khác, nhưng vào thời điểm đó, nếu Kennedy ép tôi, tôi có thể đề nghị ông bổ nhiệm Mac Bundy, người có hiểu biết về lịch sử, quan hệ quốc tế và địa-chính trị tốt hơn tôi rất nhiều.

Tôi vẫn thường đề cập đến Mac Bundy trong hồi ký này. Tôi nên nói một lời đặc biệt ở đây vì nhân cách của ông rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng trong suốt thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau dưới thời Tổng thống Kennedy và Johnson. Cả cuộc đời tôi - dù ở Công ty Ford, Bộ Quốc phòng hay Ngân hàng Thế giới - tôi luôn cố gắng bồi đắp thêm những khả năng của mình bằng cách liên hệ hoặc “vay mượn” từ những người có khả năng nhất mà tôi có thể tìm thấy. Nếu họ có khả năng hơn tôi, điều đó càng tốt hơn. Mac là một người trong số đó. Năm 22 tuổi là cán bộ nghiên cứu trẻ, giảng viên của Harvard, 29 tuổi là nhà viết tiểu sử của Henry Stimson, 34 tuổi là Trưởng khoa Nghệ thuật và Khoa học của Harvard, ông có một tri thức sắc sảo mà tôi chưa từng gặp. Cho đến nay ông là Cố vấn an ninh quốc gia có năng lực nhất mà tôi đã quan sát trong 40 năm qua*.

Ông John F. Kennedy sẽ làm gì đối với Việt Nam nếu như ông còn sống? Người ta đã hỏi tôi câu hỏi trên không biết bao nhiêu lần trong hơn 30 năm qua. Từ đó đến nay, tôi vẫn từ chối trả lời câu hỏi trên vì hai lý do: ngoài những vấn đề tôi vừa kể, Tổng thống đã không hề nói cho tôi biết về kế hoạch của ông trong tương lai. Hơn thế nữa, bất kể những suy nghĩ của ông trước khi xảy ra cái chết của Diệm là gì đi chăng nữa, thì những suy nghĩ này cũng đã có thể thay đổi, khi mà tác động của sự kiện đó đối với những biến động về chính trị ở Nam Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn. Thêm vào đó, tôi cũng không thấy có lợi lộc gì cho đất nước chúng ta trong sự suy đoán của tôi hay của những người khác về việc ông Tổng thống quá cố sẽ có thể đã hành động như thế nào.

Nhưng hiện nay tôi lại thấy hoàn toàn khác. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu và nhờ những nhìn nhận lại vấn đề về sau này, tôi cho rằng nếu như Tổng thống còn sống, rất có thể ông đã đưa chúng ta ra khỏi Việt Nam. Có thể ông đã đi đến kết luận rằng người dân Nam Việt Nam không thể tự vệ được, và rằng điểm yếu chính trị nghiêm trọng của chế độ Sài Gòn đã làm cho việc cố gắng bù đắp lại những hạn chế của các lực lượng Nam Việt Nam bằng việc gửi quân Mỹ đến trên quy mô lớn là dại dột. Tôi cho rằng ông đã có thể đi đến kết luận đó mặc dù ông đã lập luận, và tôi tin rằng ông đã làm như vậy, rằng Nam Việt Nam và cuối cùng là cả vùng Đông Nam Á sẽ rơi vào tay cộng sản. Có thể ông đã xem xét sự mất mát đó là đắt giá hơn so với đánh giá của chúng ta hiện nay. Nhưng cũng có thể là ông đã chấp nhận cái giá đó vì ông cho rằng những điều kiện mà ông đặt ra - chẳng hạn đây là một cuộc chiến tranh của Nam Việt Nam, và chỉ có họ mới có thể chiến thắng, và để thắng được trong cuộc chiến này họ cần phải có một cơ sở chính trị vững chắc - là không thể đáp ứng được, Kennedy có thể đã nhất trí rằng sự rút lui sẽ làm cho các con bài Domino đổ, nhưng nếu quân Mỹ còn ở lại thì cuối cùng cũng đi đến kết cục như vậy trong khi đó lại buộc phải trả một cái giá đắt kinh khủng bằng máu.

Khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Kennedy yêu cầu các quan chức trong nội các của ông và các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia đọc cuốn sách Những họng súng tháng tám của Barbara Tuchman. Ông nói cuốn sách này đã tái hiện lại bằng chữ về việc các vị lãnh tụ châu Âu đã bị thất bại như thế nào trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Và ông nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ muốn ở trong tình trạng như vậy”. Kennedy đã nói với chúng tôi sau khi chúng tôi đọc xong cuốn sách: “Chúng ta sẽ không sai lầm lao vào cuộc chiến”.

Trong suốt thời gian làm Tổng thống của mình, dường như Tổng thống Kennedy luôn giữ bài học đó trong đầu. Trong cuộc khủng hoảng Vịnh Con Lợn tháng 4/1961, ngược lại với áp lực mạnh mẽ của CIA và các chỉ huy quân sự, ông luôn giữ niềm tin chắc chắn - như ông đã từng giải thích rõ ràng và đầy đủ với những người Cuba lưu vong trước đó - rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ can thiệp bằng lực lượng quân sự để hỗ trợ cho cuộc xâm lược. Ông vẫn tiếp tục giữ quan điểm này thậm chí cho tới khi mọi việc đã trở nên rõ ràng rằng nếu không có sự hỗ trợ đó thì cuộc xâm nhập này sẽ thất bại, như nó đã thất bại1.

Tôi cũng nhận thấy sự sáng suốt như vậy trong những ngày căng thẳng của cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Đến hôm thứ bảy, 27/10/1962, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng, đại bộ phận các cố vấn quân sự và dân sự của Tổng thống đã sẵn sàng khuyến cáo rằng nếu như Khrushchev không chuyển số tên lửa đó ra khỏi lãnh thổ Cuba (điều mà ông ta đồng ý vào ngày hôm sau đó) thì Mỹ cần phải tấn công hòn đảo này**. Nhưng Tổng thống Kennedy trong ngày hôm thứ bảy đó đã luôn luôn khẳng định, cả trong cuộc họp của Ban chấp hành và sau đó, là trong cuộc họp phạm vi hẹp với Bobby, Dean, Mac và tôi rằng Hoa kỳ phải hết sức cố gắng để tránh nguy cơ của một cuộc chiến tranh không thể dự đoán trước. Ông tỏ ra mong muốn, nếu như cần thiết, đổi việc rút những tên lửa Jupiter đã cũ của Hoa Kỳ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ lấy việc Liên Xô rút tên lửa ra khỏi Cuba nhằm tránh nguy cơ này. Ông biết rằng một hành động như vậy sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và cả hầu hết các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ2. Nhưng ông vẫn sẵn sàng chấp nhận điều đó để tránh cho chúng ta khỏi vướng vào một cuộc chiến tranh.

Vì thế tôi đi đến kết luận rằng John Kennedy rốt cục có lẽ sẽ rút quân khỏi Việt Nam chứ không dấn sâu thêm vào cuộc chiến này. Bây giờ tôi trình bày sự lý giải trên đây của mình vì, dưới ánh sáng của nó, tôi phải giải thích như thế nào và vì sao chúng ta - bao gồm cả Lyndon Johnson - những người kế tục chính sách - thực hiện các vai trò của mình sau cái chết của Kennedy đã quyết định việc đưa nửa triệu quân chiến đấu Hoa Kỳ sang Việt Nam. Vì sao chúng ta đã làm như vậy? Và chúng ta có thể rút ra những bài học gì từ những hành động của chúng ta?
________________________________
* Ông bạn Henry Kissinger của tôi sẽ tự ái về điều này, nhưng câu trả lời của tôi sẽ là: Mặc dù ông mang danh hiệu Cố vấn an ninh quốc gia và văn phòng của ông nằm ở Nhà Trắng, trong những năm đó, thực tế ông đảm nhiệm chức trách như là Ngoại trưởng”.
1. Xem Báo cáo cho trướng Maxwell Taylor, 26/4/1961, “Cuba-Vấn đề, Nhóm nghiên cứu bán quân sự, Báo cáo của Taylor phần III, phụ lục 18,” Hộp số 61A, NSF, JFKL.
** Lúc đó chúng tôi đều không biết, và trái với dự đoán của CIA, Liên Xô đã có khoảng 160 đầu đạn hạt nhân ở Cuba, kể cả một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật. Một cuộc tấn công của Mỹ hầu như sẽ dẫn đến đụng đầu hạt nhân với hậu quả nghiêm trọng. Xem phụ lục để có thông tin chi tiết hơn về điểm này.
2. Xem Bản tốc ký cuộc họp về khủng hoảng tên lửa ở Cuba, 27/10/1962, mọi thành phần, Văn kiện của John F. Kennedy, Văn kiện của Tổng thống, Hồ sơ Văn phòng Tổng thống, JFKL.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:04:13 pm »


Mặc dù bị chấn động bởi vụ Tổng thống bị ám sát, đất nước này tiếp tục sống mà không có John F. Kennedy. Vào buổi chiều chủ nhật, ngày 24/11, trong khi các hoạt động chuẩn bị tang lễ đang tiếp tục và những người công nhân đang tụ tập xung quanh Văn phòng Bầu Dục để chờ đón vị chủ nhân mới của nó thì Tổng thống Jonhson có cuộc gặp với Dean, Mac, George Ball, Henry Cabot Lodge (trước đó đang có mặt ở Washington theo kế hoạch thoả thuận có từ trước), John McCone, và tôi trong văn phòng Phó Tổng thống mà Johnson đã là chủ nhân trong toà Văn phòng hành pháp cũ nằm ngay phía Tây của Nhà Trắng.

Lyndon Baines Jonhson là một trong những người phức tạp, thông minh và cần cù nhất mà tôi đã từng gặp. Trong con người ông chứa đựng tính cách phức tạp: vừa cởi mở, vừa xảo quyệt, vừa nhân hậu, vừa ích kỷ, hẹp hòi, vừa nhiệt tình, vừa cứng rắn, vừa hiền lành, vừa độc ác. Ông là một nhân vật mạnh mẽ, đầy mâu thuẫn, làm tôi nhớ đến một câu trong bài “Bài hát về tôi” của Walt Whitman:

Phải chăng mâu thuẫn với chính mình là tôi đó?
Cũng tốt thôi, vì cũng chẳng làm sao.
Tôi to lớn, để chứa đựng tất cả.


Ông là một nhà chính trị có khả năng điều khiển, chỉ huy người khác. Ông quan niệm vai trò của mình là phân biệt những sự khác biệt giữa những người dân Hoa Kỳ và sau đó điều hoà những điểm khác biệt đó để cho đất nước có thể đi lên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Với ý nghĩa đó, ông lên nhậm chức Tổng thống đúng vào thời điểm người ta cần đến ông nhất: một thời kỳ của tình trạng bất đồng sắc tộc ngày càng tăng và sự bất bình đẳng về kinh tế dai dẳng.

Mặc dù Jonhson đã từng là một bộ phận của chính quyền Kennedy trong ba năm, không một ai trong số chúng tôi đã từng làm việc gần gũi với ông. Sự không ngờ vực lẫn nhau giữa hai phái Kennedy và Jonhson chắc cũng đã làm cho Jonhson phải tự hỏi: liệu ông có thể trông mong vào sự trung thành tuyệt đối ở các thành viên trong nội các của Tổng thống Kennedy hay không? Chỉ trong vòng vài ngày, nếu như không nói là vài giờ sau đó. Ông đã hiểu ra rằng cả Dean và tôi - cũng trung thành, như chúng tôi đã từng trung thành với John Kennedy - đã đến Washington để phục vụ đất nước mình, một đất nước mà bây giờ ông là vị lãnh lụ theo Hiến pháp quy định. Trong những năm tiếp theo, không một lần nào ông lại có thể có lý do để nghi ngờ về lòng trung thành của chúng tôi đối với ông nữa. Nhưng vào thời điểm ông lên nhậm chức, tôi chỉ biết rất ít về ông.



Trong khoảng thời gian từ khi Jonhson lên nắm quyền cho tới khi tôi rời khỏi Lầu Năm Góc, Tổng thống Jonhson và tôi đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ tin tưởng lẫn nhau nhất có thể có được. Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng tôi khác hẳn với mối quan hệ của tôi với Tổng thống Kennedy, và phức tạp hơn. Jonhson là một người thô thiển, đối với cả bạn bè cũng như kẻ thù của chính ông. Ông xét nét tất cả mọi người. Ông cố tìm ra những điểm yếu của mỗi người, và một khi ông đã tìm ra được điểm yếu đó, ông cố gắng sử dụng nó. Ông có thể là một người cục súc, mặc dù ông chưa xử sự như vậy với tôi bao giờ. Ông hiểu rằng tôi sẽ xử sự một cách thẳng thắn với ông, nói cho ông biết tôi tin tưởng vào cái gì hơn là nói những gì mà tôi nghĩ là ông muốn nghe, nhưng một khi ông, với tư cách là Tổng thống, đưa ra một quyết định, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để thực hiện nó. Lòng trung thành một cách thẳng thắn như vậy luôn là phong cách của tôi, và tôi cho rằng điều đó làm cho cả Tổng thống Kennedy và Tổng thống Jonhson đều tin tưởng vào tôi. Họ biết rằng những gì họ nhìn thấy là những gì họ có, rằng tôi sẽ không nói với họ những gì mà họ muốn nghe nếu như tôi không đồng ý với họ. Giống như tất cả những vị lãnh tụ vĩ đại khác, cái mà họ muốn chính là kết quả công việc.

Về một khía cạnh nào đó, cách xử sự như vậy với Kennedy và Jonhson cũng giống như trước kia tôi đã xử sự với Henry Ford II. Một khi tôi đã hoàn thành công việc, họ không phải lo lắng gì nữa. Họ biết rằng lòng trung thành của tôi là tuyệt đối, và rằng các mục liêu của tôi và của họ là một.

Cả hai Tổng thống đều hay đề nghị tôi cố vấn hay giúp đỡ trong cả các vấn đề bên ngoài phạm vi quyền hạn của một Bộ trưởng Quốc phòng. Chính điều này làm cho cuộc sống của tôi trở nên phức tạp.

Một ví dụ về điều này xảy ra vào một mùa thu. Con trai của tôi, Craig, đã chơi trong đội bóng đá của trường St.Paul được ba năm và được coi như là một trung vệ cứng của đội toàn vùng New England, nhưng cả Marg và tôi đều chưa bao giờ được xem nó đá bóng cả: Trận đấu cuối cùng của nó được ấn định vào một ngày nghỉ cuối tuần của tháng 11. Tôi nói với Tổng thống điều đó, đề nghị ông cho tôi nghỉ việc vào một buổi chiều thứ bảy và sẽ trở lại văn phòng vào buổi sáng ngày chủ nhật. Jonhson cằn nhằn: “Nghỉ suốt cả thời gian đó à”, nhưng tôi cho rằng lời nói đó nghĩa là ông đành chấp thuận.

Ngay khi Marg và tôi đến khách sạn ở Concord, bang New Hampshire vào buổi chiều thứ bảy, tôi nhận được một bức thư nhắn phải gọi điện thoại ngay lập tức cho Tổng thống. Khi tôi gọi điện cho ông, Tổng thống nghe điện thoại và hét lên: “Anh đang ở đâu?”. Tôi kiên nhẫn giải thích cho ông tôi đang ở đâu và tại sao lại như vậy. “Tôi muốn anh quay về đây ngay lập tức để làm cho cái giá hàng nhôm chết tiệt ấy hạ xuống”, ông nói một cách giận dữ. Tôi nói rằng tôi không biết một tí gì về giá nhôm cả, và, dù sao Tổng thống cũng đã có Bộ trưởng Thương mại giúp giải quyết vấn đề như vậy. “Thôi được, nếu như anh muốn đặt sự vui vẻ của bản thân mình lên trên lợi ích của Tổng thống của anh và của đất nước anh” - ông dừng lại - “thì anh hãy cứ ở nguyên tại chỗ đó”. Tôi nói: “Tôi xin thoả thuận thế này, tôi và Marg sẽ xem trận đấu bóng buổi chiều nay và tôi sẽ quay trở lại phòng làm việc sáng sớm ngày mai”. Ông dập điện thoại xuống.

Khi tôi đến Lầu Năm Góc hôm chủ nhật, ngay lập tức tôi gọi điện cho người trợ lý trước đây của tôi là Joe Califano ở Nhà Trắng và đề nghị anh ta giải thích điều gì đã xảy ra. Các công ty buôn bán nhôm, dự đoán rằng nhôm sẽ lên giá, đã tăng giá bán nhôm của mình. Lo sợ rằng điều này sẽ gây ra lạm phát trên phạm vi cả nước, Tổng thống đã yêu cầu phải hạ giá nhôm xuống.

“Chúng ta có thể làm gì bây giờ để đạt được điều đó?”, tôi hỏi Joe. Chúng tôi thảo luận về vấn đề đó trong khoảng một hai tiếng, và cuối cùng nẩy ra một ý kiến: Chính phủ đã liên tục cất giữ một cách không cần thiết một lượng dự trữ chiến lược lớn các nguyên liệu thô, trong đó có nhôm, còn lại từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vậy tại sao không nói cho các công ty buôn bán nhôm biết chúng ta đang dự kiến tung một phần số nguyên liệu dự trữ đó ra thị trường? Điều đó chắc chắn sẽ làm cho giá nhôm hạ xuống.

Tôi lập tức gọi điện thoại cho John Harper, chủ tịch của Alcoa, và nói: “John, những người cộng hoà các anh đã từ lâu đòi chúng tôi giảm sự thâm hụt. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra được cách làm được điều đó và tôi hy vọng rằng anh sẽ ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi định bán một phần trong số nhôm dự trữ của Chính phủ và chuyển khoản tiền thu được cho Bộ Tài chính”. “Đồ chó đẻ”, anh ta nói. “Anh đang cố gắng tống tiền chúng tôi. Tôi sẽ đến phòng làm việc của anh vào buổi sáng ngày mai”.

Vào hôm thứ hai, John cùng với Edgar Kaiser và luật sư của ông là Lloyd Cutler đến gặp Joe và tôi. Sau một cuộc thảo luận dài, chúng tôi vạch ra một kế hoạch đưa lại kết quả là hạ giá nhôm, bằng cách tung bớt một phần kho dự trữ, và chúng tôi đã làm được điều đó mà không làm rối loạn thị trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:06:54 pm »


Tình hình Jonhson kế thừa ở Việt Nam không thể phức tạp, khó khăn và nguy hiểm hơn nữa. Vị nguyên thủ, người đã từng liên kết lại các lực lượng ly tâm của Nam Việt Nam trong gần mười năm vừa mới bị gạt ra ngoài trong một cuộc chính biến mà Jonhson phản đối. Nam Việt Nam không có truyền thống thống nhất dân tộc. Nó bị vây hãm bởi lòng hận thù tôn giáo, sự chia rẽ của các đảng phái chính trị, lực lượng cảnh sát tham nhũng và, đặc biệt là sự nổi dậy ngày càng tăng lên của quân du kích được miền Bắc hậu thuẫn. Trước khi Diệm chết, thậm chí những người ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại ông cũng phải thừa nhận rằng các cơ hội để có được sự lãnh đạo chính trị ổn định thay thế ông giỏi lắm là 50/50. Thậm chí điều này cũng đã là quá mức lạc quan: hai chính phủ Nam Việt Nam ra đời và lần lượt ra đi chỉ trong vòng 90 ngày đầu tiên của chính quyền Jonhson, và thêm bốn chính phủ nữa trong vòng chín tháng tiếp theo đó. Hơn nữa, Jonhson còn tiếp nhận một cơ quan an ninh quốc gia mặc dù vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đã bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề Việt Nam. Các quan chức cao cấp của cơ quan này đã không thể giải đáp được các vấn đề cơ bản mà trước tiên là chính quyền Eisenhower và sau đó là chính quyền Kennedy phải đương đầu: Liệu việc mất Nam Việt Nam có là một mối đe doạ đối với an ninh của Hoa Kỳ nghiêm trọng tới mức cần thiết phải có hành động cực đoan để ngăn chặn nó không? Nếu có, thì chúng ta phải hành động như thế nào? Liệu chúng ta có cần đưa lực lượng không quân và bộ binh Mỹ vào hay không? Có tấn công Bắc Việt Nam hay không? Có nên phiêu lưu tiến hành một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay không? Cái giá cao nhất về mặt kinh tế, quân sự, chính trị, con người của một hành động như vậy là gì? Liệu nó có thành công không? Nếu như cơ hội để thắng lợi thấp và cái giá phải trả cao thì có thể có các phương cách xử thế khác – chẳng hạn như trung lập hoá hoặc là rút quân - đáng được nghiên cứu và thảo luận hay không?

Lyndon Jonhson kế thừa những vấn đề này (mặc dù chúng không hề được trình bày một cách rõ ràng cho ông), và ông kế thừa chúng mà không có những câu trả lời. Những câu hỏi này không được trả lời trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông và cả trong nhiều năm sau đó. Nói một cách ngắn gọn, Jonhson kế thừa một mớ bòng bong cực kỳ khủng khiếp, rõ ràng còn nguy hiểm hơn là tình thế mà Kennedy kế thừa từ Eisenhower. Vào một buổi tối không lâu sau khi ông lên nắm quyền Jonhson thú nhận với Bill Moyers, trợ lý của ông, rằng ông cảm thấy mình như một con cá trê “vừa mới đớp được một con giun béo mập trên một lưỡi câu nhọn nằm ngay chính giữa”1.

Tuy nhiên, ngược lại với những tưởng tượng trong dân chúng, Lyndon Jonhson đã không hề lãng quên Việt Nam khi ông lên nhậm chức Tổng thống. Mặc dù ông chỉ tới thăm đất nước này có một lần - vào tháng 5/1961 - và tham dự một vài cuộc họp về vấn đề này trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Kennedy, ông hiểu rất rõ vấn đề và trách nhiệm của mình phải giải quyết nó. Một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị là một Tổng thống, là triệu tập cuộc họp với các cố vấn của ông về Việt Nam vào ngày 24/11.

Một số người nói rằng ông triệu tập cuộc họp này là vì các lý do chính trị nội bộ. Họ lý giải rằng với việc cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng một năm nữa, ông sợ rằng nếu như ông không tỏ ra quan tâm và vững vàng về vấn đề này thì ông sẽ gặp phải những cuộc tấn công dữ dội của những người cứng rắn cực hữu của đảng Cộng hoà. Tôi không tán thành như vậy. Tất nhiên, chính trị nội bộ luôn luôn giữ vai trò hàng đầu trong suy nghĩ của ông và đúng là ông lo ngại những hậu quả về mặt chính trị nội bộ nếu như tỏ ra yếu đuối. Ông cũng còn lo ngại về những tác động đối với các đồng minh của chúng ta, nếu như Mỹ tỏ ra là không thể hoặc không muốn thực hiện các nghĩa vụ an ninh của mình. Nhưng trên hết, Johnson tin chắc rằng Liên Xô và Trung Quốc đều đang cố hết sức mình để giành bá quyền. Ông coi việc họ chiến thắng ở Nam Việt Nam là một bước để họ đạt được mục tiêu đó - đây chính là sự phá vỡ chính sách ngăn chặn của chúng ta - và ông quyết tâm không để điều đó xảy ra. Johnson hiểu rõ hơn Tổng thống Kennedy rằng cái giá phải trả của việc mất Việt Nam còn cao hơn việc đưa quân Mỹ vào tham chiến trực tiếp, và đây chính là điểm chi phối quan điểm và các quyết sách của ông trong năm năm tiếp theo đó. Ông đã không nhận thức được bản chất chính trị cơ bản của cuộc chiến tranh này.

Tổng thống Johnson nói rõ với Lodge hôm 24/11 rằng ông muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, và rằng, ít nhất là trong khoảng một thời gian ngắn. Ông muốn các hoạt động quân sự được ưu tiên trước so với cái gọi là “những cải cách xã hội”. Ông cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã mất quá nhiều thời gian và sức lực vào việc cố nắm các nước khác theo hình ảnh của mình. Phải chiến thắng trong cuộc chiến này! Đó là thông điệp của ông2.

Để làm được điều đó, đòi hỏi phải cải thiện tình hình trong giới quan chức Mỹ ở Sài Gòn. Giữa các quan chức dân sự của đại sứ quán và các quan chức quân sự Mỹ tồn tại những bất đồng gay gắt, vặt vãnh và lòng căm ghét nhau ra mặt. Tổng thống muốn có một đội ngũ mạnh, và ông đã giao trách nhiệm cho người phụ trách vấn đề này, đó là Lodge.

Hai ngày sau, trong bản giác thư về hành động an ninh quốc gia số 273 (NSAM) đã có ngay những chỉ thị của Tổng thống. Nó cho thấy rõ ràng rằng chính sách của Tổng thống Jonhson cũng giống như của Tổng thống Kennedy: “Nhằm giúp đỡ nhân dân và Chính phủ Nam Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh của họ chống lại mưu đồ của cộng sản được sự chỉ đạo và hậu thuẫn từ bên ngoài” bằng việc giúp đỡ huấn luyện mà không có sự tham gia công khai của lực lượng quân sự Mỹ. Nhưng Jonhson cũng thông qua kế hoạch về các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam của các lực lượng Nam Việt Nam được CIA hậu thuẫn. Lần đầu tiên được đưa ra tại hội nghị ở Honolulu ngày 20/11/1963, kế hoạch đó sau này được gọi là Kế hoạch hành quân 34A.3
__________________________________
1. Bill Moyers, “Dẫn đoạn”, Newsweek, 10/2/1975, tr. 76.
2. Xem Báo cáo để ghi âm cuộc họp, Văn phòng Chỉ huy, 24/11/1963, FRUS, 1961-1963, t.4, tr. 635-637.
3. NSAM 273, 26/11/1963, sách đã dẫn, tr. 637-640. Xem Chương 5 để có thêm thông tin về Kế hoạch 34A.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:10:26 pm »


Hai tuần sau đó, Tổng thống yêu cầu tôi tới gặp ông để bàn về Việt Nam. Ông đã giảng bài cho tôi. Ông tin tưởng chắc chắn rằng Chính phủ Hoa Kỳ chưa làm hết những gì cần làm. Ông yêu cầu tôi tới Sài Gòn trên đường trở về từ một cuộc họp của khối NATO ở Paris để xét xem chúng ta có thể làm gì thêm nữa, và ông đặc biệt hỏi ý kiến tôi về việc có cần đặt kế hoạch thêm nữa cho các hoạt động bí mật không1.

Một chương trình hành động bí mật nhỏ bao gồm kế hoạch đưa người đột nhập, phân phát các tài liệu tuyên truyền, thu thập tình báo, và các lực lượng của Chính phủ Nam Việt Nam đã tiến hành các hoạt động phá hoại chống lại Bắc Việt Nam với sự hậu thuẫn và chỉ đạo của Hoa Kỳ trong vài tháng. Nhưng bộ máy kiểm soát cộng sản nghiêm ngặt của Hà Nội - bao gồm cả các chi ủy nằm ở các làng xã và thị trấn đã khám phá ra ngay cả những biểu hiện thay đổi nhỏ nhất - đã làm vô hiệu hoá chương trình này. Nhằm tìm cách làm tổn hại Bắc Việt Nam mà không cần có hoạt động quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ, Tổng thống Jonhson muốn kế hoạch bí mật này được tăng cường hơn nữa.

Bill Bundy cùng đi với tôi trong chuyến công du này. Giống như người anh em trai tên là Mac. Bill thừa hưởng được tính trung thực và thông minh từ người cha, ông Harvey H. Bundy, người trợ lý lâu năm của Henry Stimson. Cùng với John McNaughton, và sau này là Paul Warnke (người lên thay John làm trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế), Bill là một trong những cố vấn đáng tin cậy nhất của tôi về Việt Nam.

Vào lúc kết thúc hội nghị ở Paris, chúng tôi lên chiếc máy bay quân sự ở sân bay Orly, mang theo một lượng xăng dầu nhiều nhất có thể được, để bay thẳng tới Nam Việt Nam. Khi chúng tôi bay dọc theo đường băng dầy đặc sương mù, máy bay tăng tốc độ chuẩn bị cất cánh, một chiếc máy bay dân dụng TWA, vừa mới hạ cánh xuống trước đó bỗng đột nhiên hiện ra lù lù ở phía trước chúng tôi. Viên phi công của chúng tôi, cơ trưởng Sutton, phanh mạnh lại. Chúng tôi xô dúi trong một cú dừng đột ngột diễn ra trong một vài giây (nhưng nó dường như vô tận). Lốp, bánh, phanh bốc cháy và chúng tôi rời máy bay theo cửa thoát khẩn cấp. Trình độ lái siêu việt của đại uý Sutton đã cứu chúng tôi và khoảng 150 hành khách đang ở trên chiếc máy bay của hãng TWA.



Cho đến lúc này, các báo cáo của quân báo gửi tới thông báo rằng chúng ta đã có nhiều tiến bộ ở Việt Nam. Thế nhưng vào ngày 13/12/1963 tôi nhận được bản ghi nhớ từ Cục tình báo quốc phòng nói rằng mặc dù Việt cộng không giành được các thành tích ngoạn mục nào trong năm vừa qua, họ đã duy trì và thậm chí còn tăng cường khả năng chiến đấu của mình. Bản thông báo viết thêm rằng ngoại trừ quân lực Nam Việt Nam cải thiện các hoạt động của mình, các hoạt động của Việt cộng sẽ có thể gia tăng2.

Cuộc họp của tôi ở Sài Gòn ngày 19 và 20/12 đã củng cố nhận định mới ảm đạm này. Điều trở nên rõ ràng rằng cuộc đảo chính chống Diệm đã tạo nên một khoảng trống chính trị đang ngày càng được lấp đầy bởi các sĩ quan đầy tham vọng của quân đội Việt Nam Cộng hoà, những người chỉ muốn làm chính trị ở Sài Gòn hơn là tham gia vào các chiến dịch quân sự trên chiến trường. Cũng đã rõ là thông báo trước đó về các thắng lợi quân sự đã bị thổi phồng vì dựa trên các báo cáo, số liệu giả tạo do các quan chức Nam Việt Nam cung cấp cho Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ. John McCone thông báo lên Tổng thống khi chúng tôi trở về: “Hoàn toàn rõ ràng rằng các số liệu nhận được trong năm qua và thậm chí trước đó từ các quan chức Chính phủ Nam Việt Nam và được Phái đoàn Mỹ thông báo, dựa trên đó chúng ta dự đoán chiều hướng của cuộc chiến tranh về cơ bản là sai lạc”3.

Tại cuộc họp của chúng tôi ở Sài Gòn, Lodge và tướng Harkins đồng ý rằng các nguồn lực vật chất cần thiết cho Nam Việt Nam để chiến đấu - gồm cả hỗ trợ huấn luyện và trợ giúp hậu cần của Mỹ - đã tồn tại. Tuy nhiên họ cũng đồng ý rằng vẫn chưa có được một ban lãnh đạo Nam Việt Nam cần thiết. Dù vậy, họ cảm thấy rằng trong khi tình hình là nghiêm trọng, nó không có nghĩa là không sửa chữa được.

Để tăng cường vị trí của Việt Nam, Harkins và Lodge đã đệ trình một chương trình hành động bí mật mở rộng theo yêu cầu trước đó của tôi. Chương trình sau đó được phê chuẩn bởi Ủy ban 303, một cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm xem xét các kế hoạch như vậy. Tiếp sau khuyến nghị của Dean, Mac, McCone và tôi, Tổng thống đã thông qua một chương trình thử nghiệm bốn tháng, bắt đầu từ ngày 1/2/1964. Mục tiêu của nó là nhằm thuyết phục Bắc Việt Nam rằng vì lợi ích của bản thân họ, họ nên kiềm chế không xâm lược Nam Việt Nam. Nhìn lại, nó quả thật là một mục tiêu đầy tham vọng một cách ngớ ngẩn với một cố gắng nhỏ bé như vậy. Chương trình đã kết thúc chẳng đạt được điều gì4.
______________________________________
1. Xem Biên bản một cuộc nói chuyện điện thoại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ tại Việt Nam, 12/12/1963, sách đã dẫn, tr. 702-703.
2. Xem Báo cáo của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 13/12/1963, sách đã dẫn, tr. 707-710.
3. Xem thư John McCone gửi Tổng thống, 23/12/1963, sách đã dẫn, tr. 737.
4. Xem Biên bản ghi âm của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý đặc biệt, 21/12/1963, sách đã dẫn, tr. 728-731; Báo cáo của Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về các vấn đề Quốc phòng gửi Tổng thống ngày 7/1/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 4-5.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:14:46 pm »


Khi tôi trở về Washington vào ngày 21/12, tôi đã không thật là thành thật khi thông báo cho báo chí. Có lẽ một quan chức cao cấp của Chính phủ ở giữa một cuộc chiến tranh khó có thể nói thẳng vấn đề ra được hơn tôi. Tôi cũng không thể không nhận thấy tác động của những nhận xét kém phấn khởi đối với những người mà chúng ta muốn ủng hộ (người Nam Việt Nam) cũng như đối với những người mà chúng ta đang cố gắng vượt qua (Việt cộng và Bắc Việt Nam). Đây là một tình trạng tiến thoái lưỡng nan sâu sắc, kéo dài, có tính phổ cập về đạo lý và tinh thần: làm sao, trong thời điểm chiến tranh và khủng hoảng, các quan chức cao cấp của Chính phủ có thể hoàn toàn thẳng thắn với đồng bào mình mà lại tránh được việc tạo ra sự hỗ trợ và khích lệ cho kẻ thù?

Dù sao trong hai cuộc trả lời phỏng vấn ngày 21/12, tôi đã nói: “Chúng tôi đã chứng kiến những kết quả của việc gia tăng cơ bản các hoạt động của Việt cộng” (đáng kể); nhưng tôi bổ sung thêm: “Chúng tôi đã nghiên cứu các kế hoạch của chính quyền Nam Việt Nam và chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng họ sẽ chiến thắng” (một tuyên bố cường điệu hết mức)1.

Bản báo cáo của tôi gửi Tổng thống thẳng thắn và ảm đạm hơn nhiều: “Tình hình rất đáng lo ngại”, tôi thông báo, dự đoán rằng: “Xu thế hiện nay, trừ khi có thể đảo ngược trong hai - ba tháng tới, tốt nhất thì sẽ dẫn đến trung lập hoá, hoặc có nhiều khả năng hơn là sẽ dẫn đến một quốc gia do cộng sản kiểm soát”.

Tôi thông báo với ông vấn đề nằm ở cả chỗ những người thay thế Diệm lẫn Phái đoàn Mỹ. Các tướng lĩnh Việt Nam chẳng thể hiện tài năng nào trong điều hành chính trị, không ngừng cãi cọ, kèn cựa nhau và không có khả năng kiểm soát sự phát triển của Việt cộng ở trên chiến trường. Nỗi e ngại tồi tệ nhất của những người phản đối đảo chính dường như đang trở thành sự thật.

Sứ quán Mỹ thiếu sự lãnh đạo, rất ít thông tin và không hoạt động theo một kế hoạch chung. Tôi đã chỉ trích mạnh mẽ Đại sứ Lodge về tình trạng này. Ông ta hầu như không liên hệ gì với Harkins và không chịu chia sẻ những bức điện quan trọng từ Washington gửi tới. Tôi đã nói rõ rằng Lodge không biết phải điều hành như thế nào một hoạt động phức tạp như phái đoàn của Mỹ tại Việt Nam. Hơn nữa, Dean và McCone cũng đồng ý với tôi rằng, mặc dù tất cả chúng tôi đều cố gắng giúp ông ta, nhưng là một con người cô đơn suốt cuộc đời, đơn giản là Lodge đã không thể nghe theo những lời khuyên nhủ. Tuy nhiên, vào lúc này ông ta vẫn là vị Đại sứ2.

Ngay sau khi tôi trở về Washington, Tổng thống đã nhận được một bản ghi nhớ của người lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ Mike Mansfield (đảng Dân chủ), kiến nghị rằng Mỹ nên thúc đẩy một Đông Nam Á trung lập, không phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ và cũng không chịu sự khống chế của Trung Quốc thông qua một kiểu đình chiến hoặc dàn xếp nào đó. Tổng thống đã yêu cầu Dean, Mac và tôi phải có ý kiến3.

Cả ba chúng tôi đều cho rằng con đường của Manfield sẽ dẫn đến việc Nam Việt Nam rơi vào sự kiểm soát của cộng sản với những hậu qủa hết sức nghiêm trọng đối với Mỹ và phương Tây. Tôi đã nêu rõ suy nghĩ chung lúc đó của các quan chức dân sự và quân sự hàng đầu của Mỹ như sau:

Ở Đông Nam Á, Lào gần như chắc chắn sẽ nằm trong vòng ảnh hưởng của Bắc Việt Nam, Campuchia tuy mang vẻ bề ngoài trung lập nhưng trên thực tế sẽ phải chấp nhận sự khống chế của Trung Quốc cộng sản, Thái Lan sẽ rất bất ổn định và Malaixia, vốn đã bị Inđônêxia quấy rầy cũng sẽ như vậy; kể cả Mianma cũng sẽ coi những diễn biến này như một dấu hiệu rõ ràng là cả khu vực giờ đây phải hoàn toàn ngả theo chủ nghĩa cộng sản (với hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh của Ấn Độ).

Về cơ bản thì một Đông Nam Á “trung lập” thực sự là rất không có khả năng hình thành từ chuỗi những sự kiện như vậy, thậm chí dù chính Mỹ cố giữ một vị trí chắc chắn ở Thái Lan, dù ngay cả Malaixia cố đứng vững, và dù những cường quốc ở xa và không dính líu như Pháp ủng hộ khái niệm “trung lập”.

Trong con mắt của các nước còn lại ở châu Á và của những khu vực chủ chốt đang bị chủ nghĩa cộng sản ở cả những nơi khác đe doạ, Nam Việt Nam là một thử thách về sự kiên quyết của Mỹ và đặc biệt là một thử thách đối với khả năng của Mỹ đối với các cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc”. Tại châu Á, từ Nhật Bản chẳng hạn, có bằng chứng là việc Mỹ giảm cam kết và chấp nhận sự khống chế của chủ nghĩa cộng sản sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với lòng tin. Nói rộng ra hơn, gần như chắc chắn là bất kỳ một nước nào bị đe doạ bởi sự lật đổ của cộng sản, trong tương lai sẽ có lý do để nghi ngờ là liệu chúng ta có thực sự giúp họ vượt qua hay không. Điều này cũng sẽ đúng với ngay cả những vùng xa xôi về mặt lý thuyết như Mỹ Latinh.4

Tôi vừa trích một đoạn dài từ bản ghi nhớ của mình vì hai lý do: để cho thấy tính hạn chế và nông cạn trong sự phân tích và trao đổi của chúng tôi về những thay đổi chính sách hiện hành của chúng tôi ở Việt Nam, ví dụ như trung lập hoá hay rút quân; để minh hoạ rằng hậu quả của việc để mất Đông Nam Á đối với Mỹ và an ninh phương Tây lần này đã được trình bày lên Tổng thống Johnson một cách mạnh mẽ và chi tiết hơn trước.

Bản ghi nhớ này đã làm cứng rắn hơn lập trường bấy lâu nay của Tổng thống. Do khả năng thất bại trong chiến lược huấn luyện của chúng tôi trở nên rõ ràng hơn trong mấy tháng tới, chúng tôi ngả dần, nhưng cũng hầu như không để ý thấy, về hướng tán thành việc áp dụng trực tiếp quân lực Mỹ. Chúng tôi đã làm như vậy vì chúng tôi ngày càng sợ về những gì có thể xẩy ra nếu Mỹ không làm như vậy (sau này nghĩ lại mới thấy rõ đó chỉ tại một nỗi sợ hãi phóng đại mà thôi). Nhưng chúng tôi đã không bao giờ tranh luận kỹ về việc lực lượng Mỹ cuối cùng sẽ phải làm gì, về khả năng thành công như thế nào, hoặc về cái giá chính trị, quân sự, tài chính và con người sẽ như thế nào nếu chúng tôi làm điều đó. Thực ra thì những vấn đề cơ bản này đã không hề được xem xét.

Chúng tôi bắt đầu trượt xuống một cái dốc trơn và đầy bi thảm.
___________________________________
1. Giao ban tại Nhà Trắng, 21/12/1963, PSRSM, 1963, t.6, tr. 2792.
2. Báo cáo gửi Tổng thống, 21/12/1963, FRUS 1961-1963, t.4, tr.732-735
3. Xem báo cáo của Thượng nghị sĩ Mike Mansfield gửi Tổng thống, 6/1/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 2-3; và Báo cáo của Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về các vấn đề Quốc phòng gửi Tổng thống ngày 9/1/1964, sách đã dẫn, tr. 8-9.
4. Báo cáo gửi Tổng thống, 7/1/1964, sách đã dẫn, tr. 12-13.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:25:57 pm »


Các Tham mưu trưởng liên quân đã đưa ra một đề nghị với những bước đi mạnh mẽ hơn trong một bản nghi nhớ gửi tôi ngày 22/1/1964. Họ quả quyết rằng trong Bản bị vong lục về Hành động an ninh quốc gia số 273, Tổng thống đã quyết tâm “giành thắng lợi ở Nam Việt Nam”. Trên thực tế, Tổng thống đã không hề làm chuyện này, chắc chắn là không bất chấp cái giá về tính mạng con người. Các Tham mưu trưởng liên quân còn nói rằng: “để giành thắng lợi, các Tham mưu trưởng liên quân cho rằng Mỹ phải sẵn sàng gạt sang một bên nhiều hạn chế tự áp đặt đang hạn chế những cố gắng của chúng ta, và Mỹ phải có những hành động táo bạo hơn dù có thể có những rủi ro lớn hơn”1. Nhưng với giá nào và khả năng thắng lợi ra sao? Bản bị vong lục này cũng như các bản sau này gửi đến tôi trong bốn năm sau đều không đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi quân sự then chốt này.

Tôi chỉ trích Tổng thống, những cố vấn của ông, và cả chính mình cũng như các Tham mưu trưởng liên quân về sự cẩu thả này. Nghề của chúng tôi là phải đòi các câu trả lời đó. Nhưng chúng tôi đã không đủ cố gắng để có câu trả lời. Các Tham mưu trưởng cũng đã không chủ động đưa ra câu trả lời. Tướng Bruce Palmer (Jr.), người đã từng là một chỉ huy lữ đoàn ở Việt Nam năm 1967 và sau này là Phó COMUSMACV, và vào năm 1968 trở thành Phó Tham mưu trưởng lục quân, đã viết: “Suốt thời gian chiến tranh các Tham mưu trưởng liên quân đã không mảy may một lần khuyên Tổng tư lệnh và Bộ trưởng Quốc phòng rằng, chiến lược đang theo đuổi rất có nhiều khả năng sẽ thất bại và Mỹ sẽ không thể đạt được những mục tiêu của mình”2. Tôi coi đây là một sự phê bình có giá trị, nhưng chúng tôi - những cán bộ dân sự cấp trên của họ - đã mắc sai lầm tương tự do không bắt họ phải đưa ra những đánh giá như vậy.

Tại sao chúng tôi đã không nêu ra những câu hỏi này và đòi được trả lời? Đây chính là chủ đề mà tôi sẽ quay lại một cách chi tiết hơn nhưng nó chứa đựng một lời nhắc nhở rằng thất bại của chúng ta phần nào là kết quả của việc có nhiều cam kết khác chứ không chỉ có Việt Nam. Bất ổn định ở Mỹ Latinh, châu Phi, và Trung Đông, và mối đe doạ tiếp tục của Liên Xô ở châu Âu đều đòi hỏi thời gian và sự quan tâm. Chúng ta không có một nhóm cao cấp tập trung vào vấn đề Việt Nam, do đó cuộc khủng hoảng ở đó chỉ là một trong nhiều món trên chiếc đĩa của mỗi người. Nếu kết hợp với sự cứng nhắc trong mục tiêu của chúng ta, và với thực tế là chúng ta đã không thực sự điều tra kỹ những gì thực sự là nguy cơ và quan trọng đối với chúng ta, chúng ta đã bị quấy rầy và có quá nhiều gánh nặng, cầm trong tay một tấm bản đồ mà chỉ có duy nhất một con đường trên đó. Sốt sắng muốn tiến bước, chúng ta đã không bao giờ dừng lại để thăm dò đầy đủ xem có còn con đường nào khác để đi tới đích không.

Các Tham mưu trưởng liên quân cũng đã tuyên bố trong bản ghi nhớ của mình rằng “chúng ta và những người Nam Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh theo điều kiện của đối phương”, và “đã ràng buộc chính chúng ta vào những hạn chế do tự mình áp đặt”. Những hạn chế này bao gồm việc “giữ cuộc chiến trong phạm vi biên giới của Nam Việt Nam”, và “tránh sử dụng trực tiếp lực lượng chiến đấu Mỹ”. Các Tham mưu trưởng liên quân đã khuyến nghị rằng chúng ta cần mở rộng cuộc chiến sang oanh tạc Bắc Việt Nam bằng không quân Mỹ và chuyển từ huấn luyện người Nam Việt Nam sang tiến hành cuộc chiến tranh ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam bằng lực lượng chiến đấu Mỹ. Trên thực tế, khuyến nghị này, một thay đổi cách mạng trong chính sách của Mỹ, chỉ là một bản dài hai trang rưỡi với vài lời phân tích và lý lẽ lập luận sơ sài3.

Các Tham mưu trưởng liên quân đề nghị tôi trao đổi về bản ghi nhớ của họ với Ngoại trưởng. Tôi đã làm như vậy và sau đó chúng tôi trình bày với Tổng thống. Ông ta yêu cầu các Tham mưu trưởng liên quân có đề nghị cụ thể. Họ bắt đầu xây dựng các đề nghị đó vào tháng sau đó, trong đó họ ưu tiên kế hoạch không quân Mỹ oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh (một hệ thống các con đường tiếp tế trong rừng mà Bắc Việt Nam sử dụng xuyên qua Lào và Campuchia) và các mục tiêu quân sự và công nghiệp Bắc Việt Nam, các Tham mưu trưởng liên quân cho rằng: “không có khả năng những người cộng sản Trung Quốc sẽ đưa một số lượng có ý nghĩa các đơn vị bộ binh có tổ chức vào Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt Nam)”, và họ cũng nghi ngờ Matxcơva sẽ “có hành động, mà theo sự suy xét của Liên Xô, sẽ làm tăng khả năng của cuộc chiến tranh hạt nhân”4.

Ý nghĩ của các Tham mưu trưởng liên quân về việc leo thang sang chiến tranh hạt nhân trong kế hoạch tác chiến của Mỹ ở Việt Nam không bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng từ ban đầu và rồi trong suốt bốn năm sau đó, tôi quyết tâm làm giảm nguy cơ do hành động quân sự của Mỹ ở Đông Dương sẽ đưa các lực lượng không quân và mặt đất của Trung Quốc hoặc Liên Xô vào thế đối đầu với Mỹ, dù với lực lượng thông thường hay hạt nhân, ở châu Á hay bất kỳ nơi nào khác. Tổng thống Johnson cũng có quan điểm như vậy. Mối quan tâm đó chính là một trong các lý do khác khiến chúng tôi chống các khuyến nghị liên tục được đưa ra trong bốn năm sau đó đòi tăng cường nhanh chóng hơn cuộc không chiến và mở rộng nhanh hơn cuộc chiến trên bộ.

Sau này, chúng ta sẽ thấy chúng khi nào xuất hiện bằng chứng thuyết phục là Nam Việt Nam sẽ không bị mất nếu chấp nhận quy mô tác chiến mà giới quân sự đã khuyến nghị thay vì một quy mô nhỏ hơn do Tổng thống thông qua. Tuy nhiên, việc mở rộng các hoạt động tác chiến chắc chắn sẽ đưa lại những thiệt hại to lớn hơn về tính mạng cho cả Mỹ và Việt Nam. Tôi đã đề cập các vấn đề này vào ngày 17/2/1964 khi tôi ra điều trần về tiến bộ của Mỹ ở Việt Nam trước Tiểu ban Ngân sách quốc phòng của Hạ viện. Hạ nghị sĩ Harry Sheppard (đảng Dân chủ - bang California) nói: “Thưa ông Bộ trưởng Quốc phòng tôi khen ngợi tính thẳng thắn của ông, nhưng ngồi đây phân tích tuyên bố của ông, tôi thấy như sau: tôi không thể nghĩ tới một sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành mọi biện pháp cần thiết trong khả năng của chúng ta để ngăn chặn thắng lợi của cộng sản”. Ông ta chỉ ra rằng trước đó tôi đã miêu tả chính sách của Mỹ là một kế hoạch huấn luyện hạn chế và trợ giúp hậu cầu cho Nam Việt Nam, nhưng giờ đây tôi lại nói là chúng ta sẽ giành “mọi”sự hậu thuẫn cần thiết. Ý tôi thực sự là như thế nào? Tôi chững lại một lúc trước khi trả lời (điều này vẫn đúng cho hôm nay): “Khả năng quân sự tự nó không thể giải quyết mọi vấn đề ở Việt Nam và cũng như vậy, ở nhiều nơi khác trên thế giới”. Tôi nói tiếp: “Với kiểu chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam thì chỉ có chính nhân dân Việt Nam mới có thể giành thắng lợi. Một trong số các điều kiện cần có để thắng cuộc chiến tranh như vậy là phải có một chính phủ mạnh, ổn định và hữu hiệu, được nhân dân hoàn toàn trung thành và ủng hộ”. Tôi kết thúc câu trả lời của mình bằng mấy lời sau: “Tôi sẽ không hoàn toàn thành thật nếu tôi không bày tỏ với các ngài mối quan tâm của chúng tôi về những lĩnh vực vượt ra ngoài khả năng của chính chúng ta”. Tôi liên tục nhắc lại điểm này trong các tuyên bố với Quốc hội và báo chí, như trong bản điều trần của tôi trước Ủy ban ngân sách Thượng viện vào ngày 22/7/1964, tôi đã nói: “Vấn đề hàng đầu ở Nam Việt Nam không phải là vấn đề quân sự. Vấn đề hàng đầu là vấn đề chính trị và kinh tế. Trừ khi chúng ta có thể đem lại sự ổn định chính trị và kinh tế ở nước này, thì sẽ không có bất kỳ một khả năng nào cho một giải pháp quân sự”5.

Nhưng dưới sức ép của các sự kiện và do không hề nhận rõ hành động của chúng ta sẽ đi tới đâu, chúng ta đã bắt đầu chuyển hướng. Tổng thống đã thông báo cho Lodge vào 21/2 rằng: “Với sự đồng ý của tôi, Ngoại trưởng Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch cụ thể gây sức ép đối với Bắc Việt Nam cả trên lĩnh vực ngoại giao và quân sự”. Ông nói thêm rằng tôi sẽ tới thăm Sài Gòn đầu tháng 3 để nghe quan điểm của Lodge và sau đó “chúng tôi sẽ có những quyết định dứt khoái”6.
_________________________________________
1. Báo cáo 46-64 của JCS gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 22/1/1964, PP, t.3, tr. 496-499.
2. Bruce Palmer (Jr.), Cuộc chiến 25 năm: Vai trò quân sự của Mỹ tại Việt Nam (Lexington: Nhà xuất bản Trường Đại học Tổng hợp Kentucky, 1984), tr. 46.
3. Báo cáo 46-64 của JCS gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 22/1/1964, PP, t.3, tr. 496-499.
4. Báo cáo 174-64 của JCS gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 2/3/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 112-118.
5. Quân sự, 17/2/1964, PSRSM, 1964, t.2, trang 698; và Điều trần trước Ủy ban Đánh giá của Thượng nghị viện, 22/7/1964, sách đã dẫn, t.3, tr. 1423.
6. Deptel 1281, Tổng thống gửi Lodge, 21/2/1964,FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 96.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:27:03 pm »


Cùng ngày, tôi yêu cầu các Tham mưu trưởng liên quân nghiên cứu một loạt các hành động chống Bắc Việt Nam nhằm “làm cho chính phủ Bắc Việt Nam chấm dứt sự ủng hộ và khuyến khích khởi nghĩa ở Nam Việt Nam và Lào”. Tôi hỏi họ xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao ở Đông Dương, Thái Lan, Nam Triều Tiên và Đài Loan, và xem Mỹ phải có cố gắng gì trên không, trên biển và mặt đất để đối phó với phản ứng của Thái Lan. Do tầm quan trọng và tính phức tạp của vấn đề và do khả năng họ sẽ đối đầu với chúng ta trong thời gian tới, tôi đã gợi ý các Tham mưu trưởng liên quân lập một đơn vị chính sách đặc biệt để xử lý với họ1.

Các Tham mưu trưởng liên quân đã trả lời bằng một bản ghi nhớ dài vào ngày 2/3. Trong đó, họ khẳng định quan điểm của mình về “tầm quan trọng hàng đầu đối với lợi ích an ninh của Mỹ trong việc ngăn không để mất Nam Việt Nam”. Nhằm mục tiêu đó, họ tuyên bố rằng chúng ta sẽ phải chuẩn bị đập tan các mục tiêu quân sự và công nghiệp ở Bắc Việt Nam. Họ công nhận là Trung Quốc có thể can thiệp quân sự để phản ứng hành động như vậy, và nếu phản ứng của Mỹ chỉ là phi hạt nhân thì sẽ không buộc Trung Quốc dừng tay được. Họ nói thêm rằng “tấn công hạt nhân sẽ có khả năng to lớn hơn nhiều để ngăn Trung Quốc, nhưng chính ngay lúc đó họ cũng không tuyên bố rõ chương trình dự kiến đó của họ sẽ có thể ngăn không để mất Nam Việt Nam hay không?2.

Rõ ràng là các Tham mưu trưởng liên quân đã công nhận rằng chương trình của họ tạo nên một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng dù sao họ cũng đã hối thúc đòi được thông qua chương trình này.

Trong những tháng này, tình hình ở Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng. Tập đoàn quân sự cầm quyền đã nắm được quyền lực sau khi cuộc đảo chính đã không giúp được gì nhiều trong việc ngăn không cho tình hình tiếp tục xấu đi. Vào ngày 29/1/1964, một nhóm sĩ quan trẻ do Tướng Nguyễn Khánh cầm đầu lật đổ chính phủ chia rẽ và bất lực. Washington đã không khuyến khích và cũng không thúc đẩy thêm cuộc đảo chính; trên thực tế, tình trạng hỗn loạn kinh niên mà cuộc đảo chính là một tượng trưng đã làm tăng thêm sự sốt ruột của Tổng thống Johnson và mối lo ngại của ông là sự mất ổn định chính trị hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh. Vì vậy, ông ta cho rằng chúng ta phải làm cho Khánh trở thành “cậu bé của chúng ta”.

Với cặp mắt nhanh nhẹn, một chòm râu dê và thân hình nhỏ con thường hay đội chiếc bêrê đỏ, Nguyễn Khánh đã gây ấn tượng cho tôi như một người ăn nói rành mạch. tính cách mạnh mẽ, lanh lợi, sắc sảo và đầy tham vọng. Ông ta mới 37 tuổi, là một sinh viên tốt nghiệp trường huấn luyện quân sự Mỹ tại Fort Leavenworth, và sau này là chỉ huy sư đoàn và lữ đoàn, Khánh đã có một bề dày kinh nghiệm nhà binh, nhưng lại ít am hiểu về các vấn đề chính trị và kinh tế. Mặc dù có những hạn chế đó, nhiều người Mỹ và những người khác, kể cả Robert Thompson của nước Anh, đều coi ông là một trong những vị tướng lĩnh có khả năng nhất của Nam Việt Nam.

Trước khi Max và tôi rời đi Sài Gòn, Tổng thống gọi chúng tôi đến Nhà Trắng. Chỉ thị trước khi chia tay, Tổng thống nói: “Bob, tôi muốn thấy hàng ngàn bức ảnh anh chụp với tướng Khánh, mỉm cười, vẫy tay để chỉ ra cho nhân dân ở đó rằng đất nước này hoàn toàn đứng đằng sau Khánh”.

Tổng thống đã đạt được ý nguyện. Mặc dù mắc cỡ biết bao, trong mấy ngày giữa tháng ba này, người Mỹ nhặt tờ báo lên và mở tivi ra xem đều thấy tôi trông rất giống một chính khách đi tranh cử tại miền quê Nam Việt Nam, từ đồng bằng sông Mê Công cho tới Huế, vai kề vai với ông Tướng Nguyễn Khánh thấp lùn, nhanh nhẹn, trước đám đông người Việt Nam, nhằm tán dương ông trước đồng bào của ông. Do vẫn không nhận ra bản chất dân tộc của cuộc đấu tranh của Bắc Việt Nam và Việt cộng, chúng ta đã không bao giờ nhận thấy rằng khuyến khích hình ảnh gắn Khánh với Mỹ trước công chúng chỉ làm củng cố thêm quan điểm của nhiều người Việt Nam là chính phủ của ông ta chỉ tranh thủ sự hậu thuẫn của Mỹ chứ không phải của nhân dân Việt Nam.

Trong khuôn khổ những hạn chế tôi đã nêu ở trên, tôi cố tránh đánh lạc hướng dư luận về tiến bộ của chúng tôi. Trong khi tiếp nhiên liệu ở Hawaii, trên đường đi Sài Gòn, một phóng viên đã nói: “Hôm qua người ta đã trích lời ông nói rằng tình hình hiện nay ở Việt Nam là nghiêm trọng. Đúng vậy không?”. Tôi đáp lại: “Đúng, tôi nghĩ vậy. Như tôi báo cáo hồi tháng 10 và sau đó là tháng 12, tình hình là nghiêm trọng... Chúng ta đã có ba chính phủ trong vòng ba tháng... Việt cộng đã tranh thủ những biến đổi này và tăng cường hơn nhiều mức độ tiến công của họ, cùng những hành động khủng bố và quấy rối. Tình hình là nghiêm trọng”3.

Quay về Washington bốn ngày sau, ngày 16/3 tôi báo cáo Tống thống rằng không nghi ngờ gì, các điều kiện ở Nam Việt Nam đã tồi tệ hơn sau cuộc đảo chính. Điều nổi lên rõ ràng là thế suy yếu của Chính phủ. Bắc Việt Nam tiếp tục tăng sự hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy, nhưng nhân tố lo lắng nhất vẫn là khả năng tồn tại không chắc chắn của Chính phủ Khánh. Chuyến đi Nam Việt Nam của tôi đã làm tôi tin rằng Khánh không có sức hấp dẫn chính trị sâu rộng; tôi đã cảm nhận thấy điều này, không bằng từ ngữ, đơn giản là qua nét mặt vô thần của hầu hết dân quê. Hơn nữa, vòng kiểm soát quân đội của Khánh cũng tỏ ra không chắc chắn.

Lại một lần nữa tôi đã bàn về những hướng hành động thay thế khác. Rút quân xem ra không thể chấp nhận được bởi hậu quả Domino. Lại vẫn chính kết luận cũ đã được đưa ra vào nhiều dịp trước đây và vẫn như trước đây... lại chẳng mấy ai ủng hộ. Tôi cũng trao đổi về vấn đề trung lập hoá và kết luận rằng cách đề cập của De Gaulle cũng sẽ dẫn đến việc cộng sản chiếm lại Nam Việt Nam để lại hậu quả cho an ninh của phương Tây cũng nghiêm trọng như trong trường hợp Mỹ rút quân. Không ai nghĩ đến việc hỏi một câu: Nếu De Gaulle, người cũng mất nhiều như chính chúng ta do “cú đánh” vào phương Tây, có thể chấp nhận trung lập hoá, thì tại sao chúng ta lại không thể?
________________________________________
1. Báo cáo gửi Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên quân, 21/2/1964, Sách đã dẫn, tr.97-99.
2. Báo cáo 174-64 của JCS gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 2/3/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 112-118.
3. Văn bản gửi báo chí, Căn cứ Không quân Hickam, Hawaii, 9/3/1964, PSRSM, 1964, t.3, tr. 970.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:31:20 pm »


Các tuyên bố công khai của Tổng thống Pháp và trung lập hoá có thể thiếu nội dung và do đó cũng thiếu tính chất nghiêm chỉnh. Vài tuần sau khi tôi gặp Johnson. Ngoại trưởng Pháp Maurive Couve de Murville thú nhận với Dean Rusk là Paris thiếu một kế hoạch cụ thể và tuyên bố Pháp không muốn Việt Nam rơi vào tay phe cộng sản1. Nhưng dáng ra ít nhất chúng ta cũng nên ép De Gaulle cố hết sức đạt được mục tiêu mà ông ta đã tuyên bố. Chúng ta đã không làm điều đó.

Tôi cũng đã báo cáo với Tổng thống rằng đề nghị của các vị sử dụng không quân để tiến công Bắc Việt Nam đã được thảo luận rất kỹ. Người ta thừa nhận nguy cơ Trung Quốc sẽ leo thang cũng như không có khả năng các cuộc tiến công bằng không quân sẽ bẻ gãy ý chí và làm giảm bớt hẳn khả năng của miền Bắc tiếp tục ủng hộ quân phiến loạn ở miền Nam. Tuy nhiên, do chẳng có sự lựa chọn nào tốt hơn nên đa số có mặt tại cuộc họp ở Sài Gòn đã ủng hộ các cuộc tiến công này! Đây là một cố gắng tuyệt vọng mà về sau đã trở thành động lực chủ yếu trong chính sách Việt Nam của chúng ta trong những năm sau. Các con số và phân tích đều cho thấy việc dùng không quân tiến công sẽ không có hiệu quả, nhưng có một sự quyết tâm làm một cái gì đó để ngăn chặn những người cộng sản, nên các bản báo cáo đầy sự chán chường thường bị lờ đi.

Bất chấp quan điểm của đa số những người từng có mặt trong các cuộc họp ở Sài Gòn, tôi vẫn kiến nghị chống lại việc mở các cuộc tiến công bằng không quân. Tôi chỉ ra rằng Khánh cũng tán thành với quan điểm của tôi vì cơ sở của ông ta ở miền Nam không đủ mạnh để chịu đựng sự trả đũa có thể xảy ra của Bắc Việt Nam. Trong khi tôi không kiến nghị Mỹ tăng cường can thiệp quân sự. Tôi lại đồng ý bắt đầu đặt kế hoạch để quân Mỹ tiến công miền Bắc bằng không quân. Nhưng chúng tôi thậm chí đã chẳng bàn đến chuyện đưa bộ binh Mỹ vào2.

Tôi báo cáo những kiến nghị trên đây với Tổng thống với sự tán thành của tất cả những quan chức quân sự và dân sự cao cấp đi cùng tôi gồm Max Taylor, John McCone và Bill Bundy. Tuy vậy, khi các Tham mưu trưởng liên quân trình bày ý kiến của mình thì Tướng Wallace Greene, Chỉ huy Lữ đoàn lính thủy đánh bộ và Tướng Curtis LeMay, Tham mưu trưởng Không quân không tán thành bản báo cáo của tôi. Greene cảm thấy rằng nếu chúng ta muốn ở lại và chiến thắng ở miền Nam, thì mục tiêu này phải được theo đuổi bằng toàn bộ tinh lực của Mỹ (nhưng điều này có nghĩa là gì thì ông ta lại không nói). LeMay lại tin rằng phải ném bom các căn cứ hậu cần và đường hành quân tiếp viện của Bắc Việt Nam và Việt cộng ở Lào và Campuchia. Dean đã đồng ý với những kiến nghị của tôi và Tổng thống thông qua những kiến nghị này3.

Những người khác ngoài Greene và LeMay cũng chỉ trích gay gắt những kiến nghị của tôi chống lại việc không quân tiến công miền Bắc ngay lập tức. Những người chỉ trích tôi lập luận rằng Tổng thống do dự trong việc ném bom miền Bắc vì một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước trước bầu cử4.

Năm 1964, vì Lyndon Johnson đang chạy đua trong bầu cử nên nhiều người đã tin rằng ông ta giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở thực dụng chính trị. Nhưng tôi thì không tin như vậy. Tôi cũng không tin rằng đó là lý do khiến ông ta quyết định chống lại việc dùng không quân đánh phá miền Bắc. Bản thân Khánh cũng chống lại hành động như vậy trong thời gian này. Còn tôi chống lại hành động này vì muốn tránh nguy cơ trả đũa của Trung Quốc và/hoặc Liên Xô nếu có thể. Mọi Tổng thống đều phải cân nhắc thoả đáng chính sách đối nội, nhưng tôi không tin được rằng những sai lầm của chính quyền Kennedy và Johnson ở Việt Nam có thể được giải thích trên cơ sở này.

Ngày 26/3/1964, theo yêu cầu của Tổng thống, tôi đã đọc một bài diễn văn dài tại cuộc chiêu đãi trao giải thưởng ở Washington để công bố lập trường về Việt Nam của chúng tôi với dân chúng Mỹ. Thật là ngẫu nhiên, ngày hôm trước, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng nghị viện, ông William Fulbright - sau này trở thành một trong những người chỉ trích chúng tôi kịch liệt nhất - đã đọc diễn văn quan trọng tại Thượng nghị viện với nhan đề “Huyền thoại cũ và thực tế mới”, trong đó, ông ta đã đưa ra quan điểm tương tự với những gì tôi sẽ nói trong buổi tối hôm sau. Về các cuộc đàm phán, Fulbright nói: “Trong những điều kiện quân sự như hiện nay, thật khó có thể thấy khả năng những cuộc thương lượng có thể đem lại việc chấm dứt cuộc chiến tranh với điều kiện vẫn duy trì được nền tự do của Nam Việt Nam”. Vì thế, ông ta còn nói thêm:

Dường như rõ ràng rằng chỉ có hai cách lựa chọn thực tế đang mở ra cho chúng ta trong tương lai gần: hoặc mở rộng cuộc xung đột bằng cách này hay cách khác, hoặc có những cố gắng mới nhằm tăng cường năng lực của Nam Việt Nam để giành chiến thắng trong cuộc chiến trên quy mô như hiện nay. Vấn đề này đòi hỏi các quan chức có trách nhiệm trong cơ quan hành pháp phải suy xét kỹ và cho tới khi họ có cơ hội để đánh giá những bất ngờ và tính khả thi của sự lựa chọn trên đây đem lại, tôi cảm thấy rằng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục ủng hộ Chính phủ và Quân đội Nam Việt Nam với mọi biện pháp hữu hiệu có thể có. Bất kỳ quyết định nào có thể được thông qua đều rõ ràng cho tất cả những ai quan tâm rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ và lời hứa của mình với Việt Nam5.
__________________________________________
1. Xem Bản ghi âm nội dung cuộc họp lần thứ 528 của Hội đồng An ninh quốc gia, 22/4/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 258.
2. Báo cáo gửi Tổng thống, 16/3/1964, sách đã dẫn, tr. 153-167.
3. Các nhận xét của Tướng Greene trong JCS 2343/346-1, 17/3/1964, và của Tướng Lemay trong CSAFM-263-64 gửi JCS, 14/3/1964; trích dẫn trong Ban Lịch sử, Liên Bộ, Bộ Tham mưu liên quân; Lịch sử của Bộ Tham mưu liên quân: Bộ Tham mưu liên quân và chiến tranh Việt Nam, 1960-1968 (viết tắt là HJCS) (1970), Phần 1, Chương 9, tr. 18-19. Tôi xin cám ơn Vụ Lịch sử của Bộ Quốc phòng đã chia sẻ gánh nặng nghiên cứu này với tôi, và Ban Lịch sử của JCS đã loại khỏi danh mục giữ bí mật phần này để sử dụng nó trong quyển sách.
4. Xem Báo cáo của Michael V. Forrestal gửi Cố vấn đặc biệt của Tổng thống về các vấn đề Quốc phòng, 18/3/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 174- 175.
5. Ghi âm của Quốc hội, t. 110, tr. 6227-32.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 11:39:58 pm »


Bài phát biểu của tôi đã đưa ra nhiều nhận định thẳng thắn về Việt Nam: tôi chỉ ra rằng “không thể chối cãi được rằng tình hình ở Việt Nam đang xấu đi”; rằng “thật không thể dễ dàng đánh giá bức tranh toàn cảnh, và do địa hình và kiểu chiến tranh thông tin không phải bao giờ cũng có và chính xác”; rằng “việc nhiều người bản xứ ủng hộ Việt cộng chứng tỏ rằng giải pháp phải vừa mang cả tính chính trị và kinh tế vừa mang cả tính quân sự”; và rằng “con đường phía trước ở Việt Nam sẽ là dài lâu, khó khăn và thất vọng”. Tất cả đều là sự thật. Rồi sau đó, tôi cũng kiểm điểm lại những cách lựa chọn mà tôi từng trình bày với Tổng thống, và một người nghe bất kỳ nào cũng sẽ kết luận rằng tôi đã không đưa ra được bất kỳ câu trả lời nào cho vấn đề của chúng tôi. Hơn thế nữa, tôi còn cả quyết:

Những mối quan tâm của Trung Hoa cộng sản là rõ ràng. Họ đã công khai chỉ trích Matxcơva về sự phản bội sự nghiệp cách mạng mỗi khi Liên Xô đưa ra những lời nói thận trọng. Họ cũng miêu tả Mỹ là một con hổ giấy và khẳng định rằng cuộc đấu tranh cách mạng vì “giải phóng và thống nhất” của Việt Nam có thể được tiến hành mà không lo ngại mối nguy cơ phải luồn cúi trước lực lượng phòng thủ hạt nhân và thông thường của Thế giới tự do. Vì vậy Bắc Kinh dường như cảm thấy họ có quyền lợi lớn trong việc thể hiện chiến lược mới, sử dụng Việt Nam như một thử nghiệm. Thành công ở Việt Nam sẽ được Bắc Kinh xem như sự minh chứng cho quan điểm của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh về ý thức hệ đang diễn ra trên toàn thế giới1.

Chúng ta sẽ không biết được rằng những đánh giá của tôi về mục đích địa - chính trị của Trung Quốc là đúng hay sai cho tới khi Bắc Kinh mở kho lưu trữ của họ về giai đoạn này. Nhưng khi tôi bày tỏ quan điểm chung của các đồng nghiệp cao cấp về chính trị và quân sự thì chỉ có một trường hợp ngoại lệ, đó là trợ lý riêng của tôi, ông Adam Yarmolinsky, tuy không phải là chuyên gia về Trung Quốc, ông ta đã nói rằng những đánh giá của chúng tôi là sai lầm. Điều này cũng đã chứng minh cho một điểm tôi đã nêu trước đây rằng các quan chức chóp bu của Chính phủ cần tới các chuyên gia, chuyên viên dưới tay họ khi đưa ra các quyết định có liên quan tới các vấn đề nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Giá như chúng tôi có nhiều chuyên gia hơn về châu Á xung quanh mình hơn nữa, có lẽ là chúng ta đã không nghĩ về Trung Quốc và Việt Nam đơn giản như vậy. Chúng ta đã từng có những chuyên gia như vậy trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba; và nói chung chúng ta cũng đã có lớp chuyên gia như vậy trong các vấn đề về Liên Xô; nhưng chúng ta đã không có họ trong khi giải quyết vấn đề Đông Nam Á.

Vài ngày sau, phóng viên Đài Truyền hình NBC Peter Hackes đã phỏng vấn tôi trong văn phòng của tôi tại Lầu Năm Góc. Cuối buổi phỏng vấn, anh ta hỏi: “Trong điều kiện nào thì nước ta sẽ hậu thuẫn các cuộc tập kích chớp nhoáng Bắc Việt Nam?”. Tôi đã trả lời rằng một trong những phương án của Max và tôi với Tổng thống sau khi trở về từ Nam Việt Nam bao gồm: “Khởi xướng các hoạt động quân sự ngoài biên giới Nam Việt Nam, cụ thể là chống lại Bắc Việt Nam”. Tôi kết luận rằng: “Bất kể hướng hành động cuối cùng nào do phía bên kia buộc chúng ta phải tiến hành... đều phải được coi là sự bổ sung, chứ không phải là sự thay thế cho những tiến bộ đạt được trong phạm vi Nam Việt Nam”2.

Tôi đã coi bản tuyên bố của mình là một lời cảnh cáo tới tất cả về những gì có thể nằm ở phía trước.

Trong thời gian này, vào tháng 4/1964, tướng Khánh thay đổi suy nghĩ của mình và bắt đầu kêu gào cho cuộc tiến công Bắc Việt Nam. Thất vọng về cuộc chiến kéo dài và buồn tẻ, cáu giận bởi không đạt được tiến bộ ở miền Nam, và bị khó chịu bởi sự can thiệp liên miên của Hà Nội, Khánh hướng ra miền Bắc như một giải pháp. Tại cuộc gặp với Lodge ngày 4/5, ông ta đề nghị cảnh cáo Hà Nội rằng bất cứ một sự can thiệp nào nữa của miền Bắc vào miền Nam sẽ có thể dẫn đến sự trả đũa, và ông ta cũng đã hỏi thẳng rằng liệu Mỹ có sẵn sàng ném bom Bắc Việt Nam không. Tổng thống đã đề nghị tôi dừng chân ở Sài Gòn trên đường trở về sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Tây Đức ở Bonn và cùng với Max đánh giá lại vấn đề cùng Lodge, Harkins và Khánh.

Tôi gặp Khánh ở Sài Gòn ngày 13/5. Ông ta nói ông thực sự đã thay đổi quan điểm của mình kể từ chuyến viếng thăm trước đó của tôi tới Sài Gòn vào tháng 3. Các hoạt động bí mật thco kế hoạch 34A chống lại Bắc Việt Nam tỏ ra không có hiệu quả và cũng sẽ không có khả năng hiệu quả (một nhận định mà tôi cũng đồng ý). Mâu thuẫn hẳn với những gì đã nói trong tháng 3. Khánh nói rằng việc căn cứ của ông ta ở miền Nam thiếu chắc chắn và sức mạnh có thể sẽ là lý do để tiến công đánh miền Bắc ngay, còn hơn ngồi chờ người ta sửa chữa nhược điểm đó3.

Nhưng trước khi tôi rời Sài Gòn, Khánh một lần nữa lại bất ngờ thay đổi quan điểm của mình. Ông ta nói với tôi rằng giờ đây ông không muốn có một cuộc tiến công bằng không quân vào Bắc Việt Nam ngay lập tức nữa, bởi vì ông ta chưa sẵn sàng để sử dụng quân đội Nam Việt Nam vào những mục đích như vậy, và ông ta cũng không muốn kêu gọi không quân Mỹ tham gia.

Lodge phản đối dữ dội. Ông ta muốn tiến công miền Bắc thật nhanh, vừa để cắt đứt sự thâm nhập bằng người và đồ tiếp tế, vừa để tiêu diệt ý chí chiến đấu của Hà Nội. Lodge cũng nói rằng một cuộc đảo chính khác có thể lật đổ Khánh, và trong trường hợp này “Mỹ phải sẵn sàng nắm quyền điều hành đất nước, có thể là từ Vịnh Cam Ranh”. Tôi thật khó có thể tin vào tai mình. Nhưng tôi cũng chẳng thể đưa ra được lời khuyên nào với Tổng thống là làm thế nào để ngăn chặn một cuộc đảo chính khác và phải phản ứng thế nào khi nó xảy ra4.

Trong cơn bối rối, bất trắc và thất vọng này, tôi đã ra một lời tuyên bố công khai đầy bốc đồng, không tính toán kỹ và chính tuyên bố này đã đeo đuổi tôi mãi cho tới ngày nay. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 24/4, những mẩu trao đổi sau đây đã diễn ra:

Phóng viên: Thưa ngài Bộ trưởng, Thượng nghị sĩ (Wayne) Mose (đảng Dân chủ, bang Oregon) gọi đây là “cuộc chiến tranh của McNamara”... Ngài trả lời như thế nào về việc này?

McNamara:... Đây là cuộc chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Tôi thco đuổi chính sách của Tổng thống và hiển nhiên là tôi hành động trong sự cộng tác chặt chẽ với Ngoại trưởng. Tôi phải nói rằng (trong nghĩa này) tôi không phản đối việc gọi cuộc chiến này là Chiến tranh của McNamara. Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh rất quan trọng và tôi lấy làm hài lòng khi được gắn cùng với nó và tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để giành chiến thắng5.

Điều tôi đã cố muốn nói là tôi cảm thấy trách nhiệm phải làm tất cả những gì mà tôi có thể làm được để bảo vệ lợi ích của đất nước trong cái đã trở thành một cuộc xung đột lớn. Với các báo cáo láo về chiến tranh của người Nam Việt Nam và những cách hiểu khác nhau của các quan chức quân sự lẫn dân sự ở Sài Gòn và Washington, Tống thống và tôi đều thấy cần thiết cử một người đồng sự thân cận của ông cứ một hoặc hai tháng sang Việt Nam một lần và báo cáo với Tổng thống, Hội đồng An ninh quốc gia và nhân dân Mỹ qua báo chí. Trọng trách này rơi vào tôi. Kết quả là tôi trở nên gắn liền với chiến tranh hơn bất kỳ quan chức Washington nào khác trong con mắt dư luận nước Mỹ. Đó là thực tế, và tôi cũng chẳng phủ nhận nó. Trong một nội các khác, điều này có thể rơi vào một quan chức khác. Nhưng với nội các này, tôi là người đó.
__________________________________
1. Phát biểu trước bữa ăn tối tưởng nhớ James Forrestal của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng, Khách sạn Sheraton Park, Washington, D.C., 26/3/1964.
2. Trả lời tại phỏng vấn của Peter Hackes, NBC-TV, (chương trình) Sunday Show, 29/3/1964.
3. Xem Embtel 2203, Lodge gửi Rusk, 14/5/1964, FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 315-321.
4. Chú thích trong Báo cáo gửi Tổng thống, 14/5, 1964, sách đã dẫn, tr. 322-327.
5. Họp báo, Lầu Năm Góc, 24/4/1964, PSRSM. 1964, t.3, tr. 1210.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM