Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:17:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam  (Đọc 89410 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:45:57 pm »

 
PHỤ LỤC

NHỮNG HIỂM HỌA HẠT NHÂN TRONG NHỮNG NĂM 60
VÀ NHỮNG BÀI HỌC CHO THẾ KỶ XXI


Chúng ta và toàn nhân loại sống trên trái đất đang đứng trước nguy cơ huỷ diệt hạt nhân. Các kế hoạch chiến tranh hôm nay của nước Mỹ chuẩn bị cho việc bất ngờ sử dụng vũ khí hạt nhân cũng giống hệt như chúng đã từng có trong những năm 19601. Nhưng người dân Mỹ bình thường thì không nhận ra được sự thật này. Không nghi ngờ gì là, họ ngạc nhiên và hài lòng bởi lời tuyên bố của Tổng thống Bush và Tổng thống Yeltsin vào tháng 6/1992 đã thoả thuận giảm đáng kể các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Ngày nay, trên thế giới có tới 40.000-50.000 đầu đạn hạt nhân với sức hủy diệt lớn gấp một triệu lần so với năng lượng của quả bom đã san phẳng thành phố Hiroshima. Cứ cho là với những cắt giảm do Hiệp ước START 1 đề ra thì tổng số vũ khí hạt nhân đã được kiểm kê sẽ giảm xuống còn xấp xỉ 20.000. Bush và Yeltsin đã đồng ý tiếp tục cắt giảm hơn, để đến năm 2003, năm cường quốc hạt nhân công khai chỉ còn tổng cộng khoảng 12.000 đầu đạn hạt nhân. Đó là một động thái rất được mong đợi. Nhưng dù cho Thượng nghị viện Mỹ và Quốc hội Nga có phê chuẩn hiệp ước đi chăng nữa, và điều đó không chắc chắn gì, thì nguy cờ huỷ diệt trên toàn cầu tuy có được giảm đi phần nào, vẫn còn lâu mới bị tiêu diệt. Tôi nghi ngờ là nếu có một ai đó còn sống sót, thì cũng có thể nhận thấy sự khác biệt lớn giữa một thế giới nổ tung bởi 12.000 đầu đạn hạt nhân và một thế giới với nguy cơ bị tiến công bởi 40.000 đầu đạn. Vậy chúng ta không thể đi tiếp được nữa chăng? Chắc chắn câu trả lời phải là có.

Việc chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với sự hiểu biết ngày càng tăng về sự vô dụng của vũ khí hạt nhân và nguy cơ lớn có liên quan đến sự tồn tại tiếp tục của chúng, đã hướng sự chú ý vào cả cơ hội và tính khẩn cấp mà do đó năm cường quốc hạt nhân (Mỹ, Nga, Pháp, Vương quốc Anh và Trung Quốc) cần phải xem xét lại các mục tiêu sức mạnh hạt nhân lâu dài của họ. Chúng ta nên bắt đầu bằng một cuộc tranh luận rộng rãi về ba chiến lược hạt nhân thay thế mà tôi sẽ vạch ra. Tôi tin rằng một cuộc thảo luận như vậy sẽ hỗ trợ cho kết luận là chúng ta nên trở lại một thế giới phi hại nhân, nếu có thể được, và tôi nhấn mạnh những từ đó.

Để hỗ trợ cho quan điểm của mình tôi sẽ nêu lên ba ý:

1. Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, và cụ thể là điều đã học được gần đây, cho thấy rõ ràng là: một khi mà chúng ta và các cường quốc hạt nhân khác vẫn có những kho lớn chứa vũ khí hạt nhân, thì chúng ta sẽ phải đương đầu với nguy cơ chúng được sử dụng.

2. Nguy cơ đó giờ đây không còn chính dáng trên cơ sở quân sự.

3. Những năm gần đây đã có một sự thay đổi dáng kể trong suy nghĩ của các chuyên gia an ninh hàng đầu của Tây Âu về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong quân sự. Ngày càng nhiều người trong số họ, mặc dầu chắc chắn không hẳn là đa số, đang có những quan điểm tương tự như tôi.

Trước hết, hãy nhìn lại cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Giờ đây, mọi người nhận thấy rằng những hành động của Liên Xô, Cuba và Mỹ vào tháng 10/1962 đã đưa ba quốc gia đến bên miệng hố chiến tranh. Nhưng lúc đó người ta đã không biết và cho tới nay, nhiều người vẫn không nhận ra là thế giới đã đến kề bên bờ vực của một thảm hoạ hạt nhân. Không nước nào trong số ba nước liên quan trên đã có ý định gây ra những hiểm họa như vậy.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào mùa hè và đầu mùa thu năm 1962. khi Liên Xô di chuyển các tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom tới Cuba một cách bí mật và với ý định lừa gạt rõ ràng. Những tên lửa và máy bay ném bom này được hướng vào các thành phố dọc bờ biển phía Đông của nước Mỹ. Những bức ảnh do một máy bay do thám U-2 chụp được vào ngày chủ nhật, 14/10/1962, đã buộc Tổng thống Kennedy phải chú ý tới việc triển khai quân. Tổng thống và các cố vấn quân sự, cố vấn an ninh dân sự nhận thấy rằng hành động của Liên Xô đặt ra một mối đe dọa cho phương Tây. Do đó, Tổng thống Kennedy đã cho phép bắt đầu một cuộc phong toả hải quân đối với Cuba, có hiệu lực từ ngày thứ tư, 24/10. Công việc chuẩn bị cho các cuộc không kích và một cuộc đổ bộ cũng dậm dịch tiến hành. Các kế hoạch đối phó bất ngờ đề xuất một cuộc không kích trong ngày đầu tiên với 1080 lần xuất kích. Tổng cộng 180.000 lính đã được tập hợp tại các hải cảng ở phía đông nam của Mỹ để chuẩn bị đổ bộ xâm lược. Cuộc khung hoảng đã lên đến đỉnh điểm vào các ngày thứ bảy, 27/10 và chủ nhật, 28/10. Nếu ngày chủ nhật, 28/10 mà Khrushchev không công khai tuyên bố rằng vào ngày thứ hai, 29/10 ông ta sẽ cho rút các tên lửa, thì đa số các cố vấn quân sự và dân sự của Kennedy sẽ đề nghị tiến hành các cuộc tấn công.

Để hiểu được điều gì đã gây ra cuộc khủng hoảng và làm thế nào để tránh những cuộc khủng hoảng như vậy trong tương lai, những quan chức cấp cao của Liên Xô, Cuba và Mỹ từng tham gia tham vấn cho các quyết định liên quan đến cuộc khủng hoảng đã gặp nhau tại năm cuộc hội nghị kéo dài hơn năm năm và hội nghị tổ chức ở Havana, Cuba vào tháng giêng năm 1992 do Fidel Castro chủ toạ là hội nghị cuối cùng. Với kết luận của hội nghị lần thứ ba ở Matxcơva vào tháng giêng năm 1989, rõ ràng các quyết định của cả ba quốc gia trước và trong cuộc khủng hoảng đã bị bóp méo do thông tin không chính xác, sự định giá và tính toán sai.
_______________________________________
1. Xem Tuyên bố của William Perry gửi Trung tâm Stimson, 20/9/1994; và Họp báo của Bộ Quốc phòng, 22/9/1994.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:46:49 pm »


Tôi chỉ nêu ra đây bốn trong số nhiều ví dụ:

1. Trước khi các tên lửa của Liên Xô được đưa vào Cuba mùa hè năm 1962, Liên Xô và Cuba đã cho là Mỹ có ý định xâm lược nhằm lật đổ Castro và loại bỏ chính phủ của ông ta. Chúng ta đã không có bất kỳ một ý định nào như vậy.

2. Mỹ tin Liên Xô sẽ không bao giờ đặt các đầu đạn hại nhân ra ngoài lãnh thổ Liên bang Xô viết, nhưng họ đã làm điều đó. Mặc dù lúc đó CIA cho biết không có vũ khí hạt nhân ở hòn đảo này, nhưng chúng tôi biết rằng đến tháng 10/1962 các đầu đạn tên lửa của Liên Xô thực sự đã được chuyển tới Cuba và hướng vào các thành phố của Mỹ.

3. Liên Xô tin là vũ khí hạt nhân có thể được bí mật đưa vào Cuba mà không bị phát hiện, và Mỹ sẽ không phản ứng khi sự việc bị lộ tẩy. Ở đây họ cũng đã lầm.

4. Cuối cùng, những người sẵn sàng thúc giục Tổng thống Kennedy phá huỷ các tên lửa của Liên Xô bằng một cuộc không kích và tiếp theo là một cuộc đổ bộ xâm lược đã lầm khi tin là Liên Xô sẽ không đáp lại bằng quân sự. CIA báo cáo là vào lúc đó có 10.000 quân của Liên Xô ở Cuba. Tại hội nghị Mátxcơva, những người tham dự được biết thực ra trên hôn đảo này đã có 43.000 lính Liên Xô cùng với 270.000 lính Cuba được vũ trang đầy đủ. Theo lời các vị Tư lệnh của họ, cả hai đội quân trên đã “quyết chiến đấu đến cùng”. Các quan chức Cuba ước tính họ đã mất 100.000 lính. Người Liên Xô, kể cả Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm Andrei Gromyko và cựu Đại sứ tại Liên hợp quốc Anatoly Dobrynin, hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ nghĩ là trước một thất bại thê thảm như vậy, họ sẽ không phản ứng lại bằng quân sự ở một nơi nào đó trên thế giới. Rất có thể kết quả lẽ ra đã là cuộc leo thang không thể kiểm soát.

Trước khi kết thúc hội nghị ở Mátxcơva, chúng tôi đã nhất trí là chúng tôi có thể rút ra hai bài học lớn từ cuộc thảo luận của chúng tôi: (1) trong thời kỳ của vũ khí công nghệ cao này, giải quyết khủng hoảng là một việc nguy hiểm, khó khăn và không chắc chắn; (2) do thông tin sai lệch, đánh giá và tính toán sai, như tôi vừa liệt kê, không thể đoán trước được một cách tin tưởng những hậu quả của hành động quân sự giữa các siêu cường. Do vậy, chứng ta phải hướng sự chú ý và sức lực vào việc tránh khủng hoảng..

Năm 1962, trong thời kỳ khủng hoảng, một vài người chúng tôi - cụ thể là Tổng thống Kennedy và tôi - đã tin rằng nước Mỹ đang gặp phải mối đe doạ lớn. Hội nghị ở Mátxcơva đã khẳng định sự đánh giá đó. Nhưng trong hội nghị Hanava, chúng tôi biết được là cả hai chúng ta, và chắc là còn nhiều ngươi khác, đã đánh giá thấp một cách trầm trọng những nguy cơ này. Chúng tôi đã được cựu Tham mưu trưởng Hiệp ước Vacsava, Tướng Anatoly Gribkov, cho biết là vào năm 1962 quân đội Liên Xô ở Cuba đã không chỉ có các đầu đạn hạt nhân của tên lửa tầm trung, mà còn có cả bom hạt nhân và các đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ được sử dụng để chống lại quân đổ bộ xâm lược của Mỹ. Như tôi đã nói, lúc đó CIA cho biết là không có vũ khí hạt nhân ở Cuba.

Tháng 11/1992, chúng tôi còn biết thêm qua một bài báo trên báo chí Nga. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, quân Liên Xô ở Cuba đã có tổng số 162 đầu đạn hạt nhân với ít nhất là 90 đầu đạn chiến thuật. Ngoài ra, ngày 26/10/1962 là thời điểm cực kỳ căng thẳng, do dự đoán sẽ có một cuộc đổ bộ xâm lược của Mỹ, nên các đầu đạn đã được chuyển từ các kho tới các vị trí gần các bệ phóng*. Ngày hôm sau Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Rodion Malinovsky nhận được điện của Tướng Issa Pliyev. Tư lệnh quân đội Liên Xô ở Cuba, thông báo về hành động này. Malinovsky đã chuyển bức điện tới Khrushchev. Khrushchev gửi trả lại bức điện với dòng chữ “thông qua” viết nguệch ngoạc. Rõ ràng có khả năng trong trường hợp Mỹ tấn công, mà như tôi đã nêu, nhiều người trong chính phủ Mỹ, quân sự cũng như dân sự, đều sẵn sàng đề nghị điều này với Tổng thống Kennedy, quân đội Liên Xô ở Cuba sẽ quyết định thà sử dụng những vũ khí hạt nhân của họ còn hơn là để mất chúng1.
______________________________________
* Tướng Gribkov đã trình bày chi tiết những điểm này tại một hội nghị của Trung tâm Wilson tại Washington, D.C., ngày 5/4/1994. Tôi cũng có mặt tại hội nghị này.
1. Xem Anatoly Dokochaev, “Những lời cuối cho tin giật gân: 100 ngày cho cuộc phiêu lưu hạt nhân”, Krasnaya Zvezda, 6/11/1992, tr. 2; và V. Bardurkin phỏng vấn Dimitri Volkogonov trong “Chiến dịch Anadyr”, Trud (NGA-ND), 27/10/1992, tr. 3.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:47:28 pm »


Chúng ta không cần đoán xem sự việc sẽ xảy ra như thế nào mà vẫn có thể biết chắc được kết quả.

Mặc dù đội quân xâm lược của Mỹ không được trang bị các đầu đạn hạt nhân chiến thuật vì Tổng thống và tôi không cho phép, nhưng  không ai tin là nếu quân đội Mỹ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân thì nước Mỹ sẽ kiềm chế không đáp lại bằng hạt nhân. Và liệu điều đó sẽ đi đến đâu? Nhất định là thảm hoạ. Không chỉ những tổn thất của chúng tôi ở Cuba sẽ lớn và hòn đảo sẽ bị tàn phá, mà còn có nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân vượt ra ngoài biên giới Cuba.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm: con người có thể sai lầm. Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm. Trong cuộc sống hàng ngày, những sai lầm đó đều đắt giá nhưng chúng ta nên tìm cách rút ra bài học từ đó. Trong một cuộc chiến tranh thông thường, những sai lầm phải trả giá bằng mạng người, có khi tới hàng ngàn nhân mạng. Nếu sai lầm có ảnh hưởng đến các quyết định liên quan tới việc sử dụng sức mạnh hạt nhân thì sẽ dẫn đến sự phá huỷ toàn bộ các xã hội. Do đó, sự kết hợp giữa sai lầm của con người và vũ khí hạt nhân sẽ đem lại nguy cơ lớn của một thảm hoạ tiềm tàng.

Phải chăng có một lời bào chữa về quân sự cho việc tiếp tục thừa nhận nguy cơ đó? Câu trả lời là không.

Trong cuốn: “Vũ khí hạt nhân sau cuộc chiến tranh lạnh”, Carl Kaysen, George W. Rathjens và tôi đã chỉ ra rằng những người khởi xướng sử dụng vũ khí hạt nhân “đã chỉ tạo ra được một khung cảnh có vẻ hợp lý cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân một tình thế không có khả năng trả thù, hoặc là trả thù một quốc gia phi hạt nhân hoặc một quốc gia yếu hơn về quân sự, khi đó người sử dụng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hạt nhân của mình để hoàn toàn giải giáp được quân phía bên kia sau cuộc tiến công đầu tiên”. Chúng tôi nói thêm: “thậm chí trong trường hợp như vậy thực ra không tạo được một cơ sở đầy đủ cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Chẳng hạn, mặc dù, quân Mỹ đã hai lần ở vào tình thế tuyệt vọng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (lần đầu tiên ngay sau cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên vào năm 1950 và lần thứ hai khi Trung Quốc vượt qua Yalu), nhưng nước Mỹ đã không sử dụng vũ khí hạt nhân. Thời kỳ đó, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc không có khả năng hạt nhân và Liên Xô chỉ có một khả năng không đáng kể”. Lý lẽ của chúng tôi dẫn đến kết luận là việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong quân sự được giới hạn trong việc ngăn chặn đối thủ sử dụng. Do đó, nếu đối thủ của chúng ta không có vũ khí hạt nhân thì chúng ta cũng không cần phải có1.

Một phần bởi chúng ta ngày càng hiểu rõ rằng, trong cuộc khủng hoảng tên lửa chúng ta đã đến gần thảm hoạ tới chừng nào, nhưng cũng vì nhận thức ngày càng cao về sự thiếu tác dụng quân sự của thứ vũ khí này, đã có một sự thay đổi có tính chất cách mạng trong suy nghĩ về vai trò của vũ khí hạt nhân. Sự thay đổi này phần lớn diễn ra trong ba năm qua. Nhiều nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, trong đó có cả hai cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, một cựu Tư lệnh tối cao lực lượng Quân đội đồng minh ở châu Âu và cả một sĩ quan không quân cấp cao hiện đang đương chức, giờ đây sẵn sàng đi xa hơn cả thoả thuận giữa Bush và Yeltsin. Một số đi đến chỗ tuyên bố, như tôi đã từng tuyên bố, rằng mục tiêu lâu dài, nếu có thể đạt được, chính là việc quay trở lại một thế giới phi hạt nhân.

Tuy vậy, điều này lại là một vấn đề gây tranh cãi. Đa số các chuyên gia an ninh phương Tây - cả quân sự lẫn dân sự - vẫn tiếp tục tin rằng đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ ngăn chặn được chiến tranh. Cố vấn an ninh Quốc gia của Tổng thống Carter, ông Zbigniew Brzezinski, đã lập luận rằng kế hoạch loại trừ vũ khí hạt nhân “là một kế hoạch nhằm đảm bảo cho thế giới được an toàn đối với một cuộc chiến tranh thông thường. Và vì vậy tôi không nhiệt tình lắm với kế hoạch này”. Báo cáo của một Ủy ban tư vấn do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Richard Cheney lập ra và do cựu Bộ trưởng Không quân Thomas Reed làm Chủ tịch, đã đưa ra một quan điểm về cơ bản tương tự như vậy. Chính quyền hiện nay cũng tỏ ra ủng hộ quan điểm đó2. Dù sao chăng nữa, thậm chí nếu người ta có chấp nhận luận điểm này, thì cũng phải công nhận rằng việc ngăn chặn xâm lược bằng quân đội thông thường luôn kèm theo một cái giá cao phải trả về lâu dài: nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
_________________________________
1. Xem Ngoại giao, mùa thu 1991, tr. 95.
2. Xem “Mỹ chào mừng Kế hoạch quân sự của Liên Xô, nhưng tuyên truyền loại bỏ Hiệp ước” của John J. Fialks và Frederick Kemps, Thời báo phố Uôn, 17/1/1986; “Vai trò của vũ khí hạt nhân trong trật tự thế giới mới” của Thomas C. Reed và Michael O. Wheeler, tháng 12/1991, và Xem Tuyên bố của William Perry gửi Trung tâm Stimson, 20/9/1994; và Họp báo của Bộ Quốc phòng, 22/9/1994.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:49:39 pm »


Không mấy người biết rằng Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Eisenhower, John Foster Dulles, đã nhận ra vấn đề này từ giữa những năm 50. Trong một báo cáo tuyệt mật gửi Tổng thống, chỉ mới được công bố vài năm trước, Dulles đã đi xa tới mức tuyên bố: “Sức mạnh nguyên tử là một sức mạnh to lớn đến nỗi không thể dùng để sử dụng vào mục đích quân sự của bất kỳ nước nào”. Vì vậy, ông ta đã đề nghị “công khai hoá khả năng vũ khí nguyên tử nhiệt hạch để ngăn chặn xâm lược” bằng cách giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với quyền lực tối cao1.

Những năm gần đây, mối quan ngại của Dulles lại được các chuyên gia an ninh nổi tiếng khác nhắc tới, mặc dù tôi nghi là công chúng đã nhận thức được những quan điểm của họ. Những quan điểm này đã được phản ánh trong ba bản báo cáo và hàng loạt những tuyên bố đã được công khai hoá, nhưng không được phổ biến rộng rãi.

Cả ba báo cáo này đều đã được công bố từ năm 1990:

1. Năm 1991, trong một báo cáo do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã về hưu, Tướng David C. Jones ký, một ủy ban của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ có nêu: “Vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng không ngoài mục đích ngăn chặn... cuộc tấn công hạt nhân của bên ngoài”. Ủy ban này tin rằng số vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga có thể được giảm xuống còn 1.000 - 2.000 đầu đạn2.

2. Tạp chí Foreign Affairs số mùa xuân năm 1993 đã đăng một bài đồng tác giả của một Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã về hưu khác, Đô đốc William J. Crowe (Jr.). Bài báo kết luận tới năm 2000, Mỹ và Nga, mỗi bên có thể giảm số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược xuống còn 1.000-1.500. Bài báo này sau đó đã được phát triển thành sách, còn bổ sung: “Con số 1.000-1.500 cũng không phải là mức thấp nhất có thể đạt được vào đầu thế kỷ XXI”3.

3. Và tháng 8/1993, Tướng Andrew J. Goodpaster, cựu Tư lệnh tối cao của các lực lượng đồng minh của NATO ở châu Âu, đã công bố bản báo cáo trong đó ông ta nói rằng năm cường quốc hạt nhân hiện nay cần phải giảm số lượng kho hạt nhân xuống còn “không hơn 200 ở mỗi nước” và “cuối cùng sẽ là mức số không” (nhấn mạnh trong nguyên bản)”.4.
_____________________________________
1. Xem John Foster Dulles và ngoại giao của Chiến tranh lạnh do Richard H. Immerman hiệu đính (Princeton: Nhà xuất bản Trường Đại học Tổng hợp Princeton, 1990), tr. 47-48.
2. Học viện Khoa học quốc gia, “Tương lai quan hệ hạt nhân Mỹ-Xô” (Washington, D.C., 1991), tr. 3.
3. Giảm bớt hiểm hoạ hạt nhân: Con đường duy nhất thoát khỏi bờ vực thảm của McGeorge Bundy, William J. Crowe (Jr.) và Sidney O. Drell (New York: Nhà xuất bản Hội đồng Quan hệ đối ngoại, 1993), tr. 100.
4. “Nút thắt tiếp theo trong lực lượng hạt nhân: bước tiếp theo của năng lượng hạt nhân” của Andrew J. Goodpaster, Hội đồng Atlantic, Washington D.C., tháng 8/1993.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:51:09 pm »


Ba bản báo cáo trên đây không phải là những điều đáng ngạc nhiên. Trong gần 20 năm, ngày càng có nhiều chuyên gia an ninh quân sự lẫn dân sự của phương Tây tỏ ý nghi ngờ về sự hữu ích của vũ khí hạt nhân trong quân sự. Sau đây là những điều họ đã nói:

    * Đến năm 1982, năm trong số bảy Tham mưu trưởng về hưu của Bộ Tham mưu quân đội Anh đã bày tỏ tin tưởng rằng tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân, theo như chính sách của NATO, sẽ dẫn đến thảm hoạ. Lord Louis Mountbatten, Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1959 đến 1965, vài tháng trước khi bị sát hại vào năm 1979 đã nói: “Với tư cách là một nhà quân sự tôi không thấy ích lợi của bất kỳ một loại vũ khí hạt nhân nào”. Và Nguyên soái Lord Carver, Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1973 đến 1976, vào năm 1982 đã viết rằng ông hoàn toàn phản đối mọi sáng kiến sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO1.

    * Henry Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Nixon, vào năm 1979, khi phát biểu tại Brussels đã nói rõ rằng ông tin Mỹ sẽ không bao giờ khơi mào một cuộc tấn công hạt nhân chống Liên Xô, dù có bất cứ sự khiêu khích nào. Ông nói: “Các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu không nên cứ yêu cầu chúng tôi nhắc lại những đảm bảo chiến lược mà chúng tôi không thể có, hoặc nếu có, chúng tôi cũng không nên thực hiện bởi vì nếu chúng tôi làm, tức là chúng tôi đã mạo hiểm với việc phá huỷ nền văn minh”2.

    * Đô đốc Noel Gayler, cựu Tổng Tư lệnh không quân, bộ binh và hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, năm 1981 có nhận xét: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích quân sự là không hợp lý. Lý do thích hợp duy nhất cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân”3.

    * Cựu Thủ tướng Tây Đức, ông Helmut Schmidt đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC năm 1987: “Phản ứng linh hoạt là vô lý (chiến lược của NATO đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Khối Hiệp ước Vacsava). Không phải là lỗi thời, nhưng vô lý... Ý tưởng của phương Tây ra đời trong những năm 1950 nói rằng chúng ta phải sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước để bù đắp cái được gọi là sự thiếu hụt thông thường của chúng ta, đã chưa bao giờ thuyết phục được tôi”4.

    * Người ta đã trích dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Nixon, Melvin Laird, trong tờ The Washington Post ngày 12/4/1982: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta phải là phương án số không về vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới được kiểm soát đầy đủ... Những vũ khí này... vô dụng đối với các mục đích quân sự”5.

    * Cựu Tham mưu trưởng không quân Mỹ và trước đó từng là Tư lệnh của lực lượng không quân chiến lược, Tướng Larry Welch gần dây đã nói lên suy nghĩ trên bằng những lời lẽ sau: “Việc ngăn ngừa hạt nhân phụ thuộc vào những ai tin rằng họ sẽ phạm phải một hành động hoàn toàn phi lý nếu sử dụng”6.
 
    * Và tháng 7/1994, Tướng Charles A. Horner, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trụ Mỹ đã tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân đã lỗi thời. Tôi muốn được hoàn toàn thoát khỏi chúng”7.
_________________________________________
1. Xem Ảo tưởng và hiện thực về hạt nhân (New York: Viking, 1982), tr. 70; và Thời báo Chủ nhật (London), 21/2/1982.
2. “Nền Quốc phòng của NATO và mối đe doạ từ Liên Xô” của Henry Ktssinger, Sự sống còn tháng 11-12/1979, tr. 266.
3. Trích dẫn trong Biên bản của Quốc hội, 1/7/1981
4. Đài BBC phỏng vấn Stuart Simon, 16/7/1987.
5. Xem The Washington Post, 12/4/1982.
6. Larry Welch gửi Adam Scheinman, 21/3/1994.
7. Thế giới Boston, 16/7/1994.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 08:52:02 pm »


Đầu những năm 1960, tôi cũng đã đi đến những kết luận tương tự như vậy. Trong các cuộc đàm đạo dài mang tính cá nhân của tôi, trước tiên là với Tổng thống Kennedy và sau này với Tổng thống Johnson, tôi đã không dè đặt đề nghị họ trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên khơi mào việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi tin, họ đã chấp nhận những khuyến nghị của tôi1. Nhưng cả tôi lẫn họ đều đã không thể thảo luận quan điểm của mình một cách công khai, bởi vì nó trái với chính sách đã được xác định của NATO.

Ngày nay, cùng với những quan điểm hoàn toàn mâu thuẫn về vai trò của vũ khí hạt nhân của một bên là chính phủ và những người theo Brzezinski và Reed, còn bên kia là Goodpaster, Laird và Schmidt - nhưng với sự thừa nhận của tất cả các bên là sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đối phương được trang bị vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn tới thảm hoạ - có nên chăng chúng ta ngay lập tức đi vào thảo luận những giá trị của các mục tiêu lâu dài của năm cường quốc hạt nhân một cách công khai?

Chúng ta có thể lựa chọn trong ba phương án sau:

1. Tiếp tục chiến lược “ngăn ngừa mở rộng” hiện nay. Điều này có nghĩa là hạn chế số đầu đạn của cả Mỹ và Nga ở mức khoảng 3.500 ở mỗi nước, con số này đã được cả Tổng thống Bush và Tổng thống Yeltsin tán thành.

2. Lực lượng phòng ngừa tối thiểu - như một Ủy ban của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ đề xuất và được Tướng Jones và Đô đốc Crowe ủng hộ - hai cường quốc hạt nhân chính lưu giữ không quá 1.000 - 2.000 đầu đạn ở mỗi nước.

3. Như Tướng Goodpaster và tôi mạnh mẽ ủng hộ, cả năm cường quốc hạt nhân quay trở lại một thế giới phi hạt nhân, nếu có thể được*.

Nếu chúng ta có đủ dũng khí để thoát khỏi tư tưởng đã chỉ đạo chiến lược hạt nhân của các cường quốc hạt nhân trong hơn 40 năm qua, tôi tin là chúng ta thực sự có thể “bắt ông thần chui lại vào trong lọ”. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì có nguy cơ thế kỷ XXI sẽ phải gánh chịu một bi kịch hạt nhân.

Andrei Sakharov nói: “Làm giảm nguy cơ hủy diệt nhân loại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân phải được hoàn toàn ưu tiên so với tất cả những mối quan tâm khác”2. Ông ta đã đúng.
_______________________________________
1. “Vai trò quân sự của vũ khí hạt nhân” của Robert S. McNamara, Ngoại giao, mùa thu năm 1983, tr. 79.
* “Nếu có thể được” nói tới việc cần thiết phải duy trì sự bảo vệ chống lại “sự bùng nổ” hay việc mua sắm vũ khí của bọn khủng bố. Phong trào tiến tới loại trừ vũ khí hạt nhân có thể được thực hiện theo nhiều bước, như Tướng Goodpaster và tôi đã gợi ý.
2. Xem Tuyên bố của Bộ trưởng Perry gửi Trung tâm Stimson.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:42:11 pm »


CÁC NHÂN VẬT


DEAN ACHESON (ĐIN ACHEXƠN): Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1949 đến năm 1953 trong chính quyền Truman, sau này là một thành viên có ảnh hưởng trong nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại cho đến khi ông qua đời năm 1969. Đã từng làm cố vấn cho Tổng thống Johnson về vấn đề Việt Nam với tư cách là một thành viên của Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến năm 1968.

RAYMOND AUBRAC (RAYMÔNG ÔBRA): Đảng viên Đảng Xã hội cánh tả của Pháp, nguyên là thành viên nhóm Kháng chiến, người bạn lâu năm với ông Hồ Chí Minh, cùng với Herbert Marcovich, đóng vai trò trung gian với Bắc Việt Nam trong thời gian sáng kiến hoà bình Pennsylvania tháng 7-10/1967.

GEORGE W. BALL (GIOOCGIƠ BÔN): Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 1961 đến năm 1966 trong các chính quyền Kennedy và Johnson. Từng là cố vấn pháp luật cho Chính phủ Pháp. Ông tin rằng lợi ích của Mỹ ở châu Âu quan trọng hơn nhiều so với ở châu Á.

ERNEST R. BREECH (ÊCNÉT BRICHƠ): Phó Chủ tịch điều hành của Công ty ôtô Ford từ năm 1946 đến năm 1960.

DAVID K. E. BRUCE (ĐAVIT BRUXƠ): Một trong những quan chức cấp cao nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1960. Đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh trong các chính quyền Kennedy và Johnson.

MCGEORGE BUNDY (MÁC GIOOCGIƠ BƠNĐY): Giáo sư và Hiệu trưởng của Trường Đại học Harvard, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Kennedy và Johnson từ năm 1961 đến năm 1966. Được giữ làm cố vấn không chính thức cho Lyndon Baines Johnson, và là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1966 đến năm 1968.

WILLIAM P. BUNDY (UYLIAM BƠNĐY): Anh trai của McGeorge Bundy. Tham gia nhiều vào việc hoạch định chính sách đối với Việt Nam với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách an ninh quốc tế trong chính quyền Kennedy và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông trong chính quyền Johnson.

ELLSWORTH BUNKER (ENXƠUỐT BƠNKƠ): Là một nhà doanh nghiệp và một nhà ngoại giao Mỹ đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Johnson và Nixon từ năm 1967 đến năm 1973.

GEORGE A. CARVER, JR. (GIÓCGIƠ CAVƠ, CON): Nhà phân tích tình báo của CIA về Đông Nam Á trong những năm 1960. Thường xuyên thông báo cho các cố vấn cấp cao và Nhóm các nhà thông thái về tình hình Việt Nam.

CLARK M. CLIFFORD (CLAC CLIPHỚT): Luật sư ở Washington và là cố vấn cho các Tổng thống đảng Dân chủ từ thời Tổng thống Truman. Cố vấn không chính thức cho Lyndon Baines Johnson về vấn đề Việt Nam và là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến 1967. Tháng 3/1968 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.

WILLIAM E. COLBY (UYLIAM CÔNBAI): Trùm CIA tại Sài Gòn từ năm 1959 đến năm 1962. Sau trở thành chuyên gia hàng đầu về Việt Nam của cơ quan này và chỉ đạo chương trình chống du kích ở miền Nam. Sau này là Giám đốc CIA trong các chính quyền Nixon và Ford.

JOHN B. CONNALLY, JR. (GIÔNXƠN CÔNNALI, CON): Cộng sự về chính trị của Lyndon Johnson, sau trở thành Bộ trưởng Hải quân trong chính quyền Kennedy từ năm 1961 đến năm 1962. Về sau làm Thống đốc bang Texas và Bộ trưởng Ngân khố trong Chính quyền Nixon.

CHARLES DE GAULLE (SÁCLƠ ĐỜ GÔN): Lãnh tụ của các lực lượng tự do Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ II và là nhà lãnh đạo nước Pháp thời kỳ sau chiến tranh. Ủng hộ việc trung lập hoá Việt Nam và phê phán việc dính líu về quân sự ngày càng sâu vào Đông Dương của Mỹ trong những năm 1960.

EVERETT M. DIRKSEN (EVƠRET ĐICXƠN): Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà của bang Illinois và lãnh tụ thiểu số ở Thượng nghị viện trong những năm 1960. Ủng hộ chính sách đối với Việt Nam của chính quyền Johnson.

BERNARD B. FALL (BÉCNA PHÔN): Sinh ra ở Pháp, là học giả và nhà bình luận về Đông Dương, được nhiều người kính phục. Ban đầu ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam, nhưng ngày càng trở nên hoài nghi và phê phán chính sách đó. Năm 1967 bị giết trong khi đang đưa tin ở Nam Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:42:41 pm »


HENRY FORD II (HENRI PHO II): Cháu nội của nhà sản xuất ôtô đầu tiên - Henry Ford, và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ôtô Ford từ năm 1945 đến năm 1957. Sau Chiến tranh thế giới thứ II đã thuê McNamara và những người thành đạt rất nhanh khác làm việc cho mình.

MICHAEL V. FORRESTAL (MAICƠN PHORESƠTAN): Con trai Bộ trưởng Quốc phòng James V. Forrestal, Trợ lý của W. Averell Harriman và là ủy viên của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) từ năm 1962 đến năm 1965. Ủng hộ việc phế truất anh em họ Ngô ở Nam Việt Nam.

ABE FORTAS (ABÊ PHOTAT): Luật gia ở Washington, Chánh án Toà án Tối cao (1965- 1969) và có chân trong nội các riêng của Lyndon Baines Johnson. Cố vấn cho Johnson về Việt Nam và các vấn đề khác.

J. WILLIAM FULBRIGHT (UYLIAM PHUNBRAI): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Arkansas từ năm 1945 đến năm 1975 và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Đã làm cho Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được thông qua tại Quốc hội năm 1964. Sau này đã quay ra phản đối cuộc chiến tranh và tổ chức các buổi điều trần chỉ trích cuộc chiến tranh.

ROSWELL L. GILPATRLC (RÔSƠOEN GHINPATƠRIC): Luật sư phố Wall, nguyên là quan chức của Chính quyền Truman, Thử trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1961 đến năm 1964. Mùa xuân năm 1961, đã chủ trì một cuộc kiểm điểm liên ngành về chính sách đối với Việt Nam.

ARTHUR J. GOLDBERG (ÁCTUA GÔNBÉC): Bộ trưởng Lao động (1961 - 1962), Chánh án toà án Tối cao (1962-1965), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (1965-1968). Thúc đẩy việc thương lượng với Bắc Việt Nam.

BARRY GOLDWATER (BARI GÔNOATƠ): Thượng nghị sĩ theo trường phái bảo thủ của bang Arizona và là ứng cử viên Đảng Cộng hoà ra tranh cử Tổng thống năm 1964, vận động tranh cử với cương lĩnh chống cộng gay gắt và đã bị Lyndon Johnson đánh bại hoàn toàn. Phê phán gay gắt những hạn chế đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

ANDREW J. GOODPASTER (ANĐƠRIU GUTPASƠTƠ): Trợ lý quân sự của Tổng thống Eisenhower, thành viên Hội động Tham mưu liên quân trong Chính quyền Johnson và sau này là Tư lệnh tối cao quân đồng minh ở châu Âu. Mùa hè năm 1965 đã chủ trì một nghiên cứu về các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

WALLACE M. GREEN, JR. (OALITXƠ GRIN, CON): Sĩ quan chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ năm 1964 đến năm 1968.

PAUL D. HARKINS (PÔN HÁCKIN): Tư lệnh, Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự của Mỹ ở Nam Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1964. Phản đối cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Luôn lạc quan về tiến bộ trong cuộc chiến tranh chống Việt cộng.

W. AVERELL HARRIMAN (AVƠREN HARIMAN): Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các vấn đề Viễn Đông và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về các vấn đề chính trị dưới thời Tổng thống Kennedy và là Đại sứ đặc biệt dưới thời Tổng thống Johnson. Dẫn đầu các phái đoàn của Mỹ tại Hội nghị Geneva về Lào (năm 1962) và các cuộc hoà đàm ở Paris (năm 1968). Ủng hộ việc lật đổ Diệm.

RICHARD HELMS (RICHỚT HENMƠ): Phó giám đốc CIA phụ trách kế hoạch (1962-1965), Giám đốc CIA (1966-1973). Đã cố vấn cho Tổng thống về tình hình chính trị và quân sự ở Nam Việt Nam và hiệu quả của việc ném bom Bắc Việt Nam.

ROGER HILSMAN, JR. (RÔGIƠ HINSMAN, CON): Người kế nhiệm của Harriman làm Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách các vấn đề Viễn Đông từ năm 1963 đến năm 1964. Đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy đảo chính Diệm.

HỒ CHÍ MINH: Lãnh tụ cộng sản của phong trào đấu tranh giành độc lập của nước Việt Nam hiện đại. Đã lãnh đạo Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1954 và lãnh đạo Bắc Việt Nam và Việt cộng trong cuộc chiến tranh chống Chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ từ năm 1954 cho đến khi ông qua đời năm 1969.

HAROLD K. JOHNSON (HARÔN GIÔNSƠN): Tham mưu trưởng lục quân Mỹ từ năm 1964 đến năm 1968. Đã chất vấn về hiệu quả của việc ném bom trong những cuộc thảo luận với các Tham mưu trưởng khác. Ủng hộ việc nhanh chóng tăng cường lực lượng bộ binh ở Việt Nam.

LYNDON BAINES JOHNSON (LINĐƠN BAINƠ GIÔNSƠN): Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ từ năm 1963 đến năm 1969. Phản đối đảo chính lật đổ Diệm khi làm Phó Tổng thống dưới quyền Kennedy. Khi là Tống thống, ông đã làm cho sự dính líu về quân sự của Mỹ ở Việt Nam sâu thêm. Là một nhà cải cách trong nước, nhưng chiến tranh đã làm tan vỡ sự nhất quán trong những quan điểm chính trị của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:43:05 pm »


U. ALEXIS JOHNSON (ALÊXIS GIÔNSƠN): Đại sứ chuyên nghiệp, đã từng làm Phó Đại sứ tại Nam Việt Nam dưới quyền Maxwell Taylor từ năm 1964 đến năm 1965.

NICHOLAS DEB. KATZENBACH (NICÔLAS KÁTZENBACH): Quyền Chưởng lý (1964- 1965) và là Thứ trưởng Ngoại giao (1966- 1969). Đã bảo vệ quyền của Tổng thống Johnson đưa quân Mỹ vào Việt Nam theo Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Chủ trương tìm kiếm một giải pháp bằng thương lượng cho cuộc chiến.

GEORGE F. KENNAN (GIÓCGIƠ KENNƠN): Trưởng Ban Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao cuối những năm 1940, đã có ý tưởng về chiến lược ngăn chặn để kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô. Chiến lược này đã làm cơ sở cho an ninh của phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Sau này làm Đại sứ tại Liên Xô (1952) và tại Nam Tư (1961 - 1963).

JOHN F. KENNEDY (GIÔN KENƠĐI): Sinh năm 1917. Là Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ từ năm 1961 đến năm 1963. Nắm quyền tối cao đối với chính sách của Mỹ trong thời kỳ hoạt động du kích đang lên mạnh ở Nam Việt Nam và suy tàn của chế độ Diệm. Bị ám sát ngày 22/11/1963, ba tuần sau khi Diệm chết.

ROBERT F. KENNEDY (RÔBỚT KENƠĐI): Sinh năm 1925. Là Chưởng lý (1961-1964) và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang New York (1965-1968). Cố vấn thân cận nhất của Tổng thống John F. Kennedy. Là người ngày càng phê phán sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Bị ám sát khi đang chờ đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử chức Tổng thống vào tháng 6/1968.

NIKITA S. KHRUSHCHEV (NIKITA KHƠRÚTSÔP): Lãnh tụ Liên Xô từ năm 1958 đến năm 1964. Ủng hộ các cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc” trong thế giới thứ ba. Đối đầu với Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba vào tháng 10/1962.

HENRY A. KISSINGER (HENRI KITXINHGIƠ): Giáo sư Trường đại học Harvard, trung gian của Mỹ trong sáng kiến hoà bình Pennsylvania năm 1967. Được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia, với tư cách đó ông đã đàm phán cho Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Nixon và Ford.

ROBERT W. KOMER (RÔBỚT KÔMƠ): Ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) (1960-1965). Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Johnson (1965-1966), Giám đốc Chương trình bình định của Mỹ ở Nam Việt Nam (1967-1968).

ALEXEI KOSYGIN (ALẾCHXÂY KÔSƯGIN): Thủ tướng Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1980. Ông đã cùng với Thủ tướng Anh Harold Wilson làm trung gian giữa Mỹ và Bắc Việt Nam vào năm 1967. Đã gặp các quan chức Mỹ tại Glassboro, bang New Jersey vào tháng 6/1967 để thảo luận về việc hạn chế cuộc chạy đua vũ khí chiến lược.

LÝ QUANG DIỆU: Thủ tướng Singapore từ năm 1965 đến năm 1990. Ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, coi đó là cần thiết để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Nam và Đông Á.

CURTIS E. LEMAY (CƠTIS LƠMÂY): Tham mưu trưởng lực lượng Không quân Mỹ (1961-1965 ) và vào năm 1968 đã cùng chạy đua tranh chức Phó Tổng thống với George Wallace. Ủng hộ các cuộc không kích không hạn chế ở Bắc Việt Nam.

LÂM BƯU: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Có một bài phát biểu quan trọng vào tháng 9/1965 kêu gọi tiến hành chiến tranh du kích ở các nước thế giới thứ ba. Năm 1971 đã chết trong một tai nạn máy bay bí hiểm.

HENRY CABOT LODGE, JR. (HENRI CABỐT LỐT, CON): Cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà và ứng cử viên chức Phó Tổng thống. Hai nhiệm kỳ làm Đại sứ của Mỹ ở Nam Việt Nam - lần thứ nhất từ năm 1963 đến năm 1964; lần thứ hai từ năm 1965 đến nam 1967. Đóng vai trò chủ chốt trong việc lật đổ chế độ Diệm.

ROBERT A. LOVETT (RÔBỚT LÔVÉT): Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh phụ trách Không quân trong Chiến tranh thế giới thứ II - kể cả việc chỉ đạo đơn vị của Mcnamara; là Thứ trưởng Ngoại giao (1947-1949); là Bộ trưởng Quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1951-1953). Là cố vấn về các vấn đề an ninh quốc gia, kể cả vấn đề Việt Nam cho các Tổng thống Kennedy và Johnson. Là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến năm 1968.

MAI VĂN BỘ: Quan chức ngoại giao của Bắc Việt Nam tại Paris trong những năm 1960. Là đầu mối tiếp xúc của Hà Nội với Mỹ tại các cuộc gặp thăm dò đàm phán, kể cả những cuộc gặp có sự tham gia của Henry Kissinger vào năm 1967.

MIKE MANSFIELD (MAICƠ MANXPHIN): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Montana (1945-1977), lãnh tụ phe đa số tại Thượng nghị viện (1961-1977). Là người đầu tiên ủng hộ Diệm. Sau này chuyển sang chống chiến tranh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:43:36 pm »


MAO TRẠCH ĐÔNG: Lãnh tụ của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 đến năm 1976. Ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về hậu cần cho Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Tiến hành cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc vào những năm 1966-1976.

HERBERT MARCOVICH (HƠBỚT MACÔVÍC): Nhà khoa học Pháp, thành viên nhóm Pugwash, đã cùng với Raymond Aubrac làm trung gian đàm phán với Bắc Việt Nam trong dự án Pennsylvania năm 1967.

JOHN J. MCCLOY (GIÔN MÁCLOY): Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Franklin D. Roosevelt; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và là Công sứ ở vùng lãnh thổ của Đức do Mỹ chiếm đóng dưới thời Truman. Là cố vấn cho L. B. Johnson về Việt Nam trong Nhóm các nhà thông thái.

JOHN A. MCCONE (GIÔN MÁCCÔN): Nhà công nghiệp bang California, quan chức của Ủy ban Năng lượng nguyên tử trong chính quyền Eisenhower và là Giám đốc CIA dưới thời các Tổng thống Kennedy và Johnson từ năm 1961 đến năm 1965.

DAVID L. MCDONALD (ĐAVIT MÁCĐÔNAN): Chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ từ năm 1963 đến năm 1967. Tán thành không kích Bắc Việt Nam năm 1964, ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ.

JOHN T. MCNAUGHTON (GIÔN MÁCNAUTƠN): Cố vấn chung của Lầu Năm Góc (1962-1964) và là Trợ lý Bộ trườn g Quốc phòng phụ trách an ninh quốc tế (1964-1967). Tham gia vào việc lập chính sách về Việt Nam. Ngày càng trở nên hoài nghi về cuộc chiến.

THOMAS H. MOORER (TÔMÁT MURƠ): Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1964 đến năm 1965 và sau này là chỉ huy các chiến dịch hải quân. Lập chương trình cho các đội tuần tiễu DESOTO ở Vịnh Bắc Bộ.

WAYNE MORSE (OAINƠ MOSƠ): Thượng nghị sĩ bang Oregon từ năm 1943 đến năm l969, đi đầu trong việc chỉ trích sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam ở Quốc hội. Là một trong hai Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.

BILL MOYERS (BIN MOIƠ): Cộng sự lâu năm về chính trị của Lyndon Johnson, từng là quan chức của đội quân hoà bình trong chính quyền Kennedy và là thư ký báo chí của Tổng thống Johnson từ năm 1965 đến năm 1966.

NGÔ ĐÌNH DIỆM: Người đứng đầu chính phủ Nam Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1963. Bị lật đổ và ám sát trong cuộc đảo chính tháng 11/1963, dẫn tới một thời kỳ dài bất ổn định chính trị ở Nam Việt Nam.

NGÔ ĐÌNH NIIU: Em trai Ngô Đình Diệm và là người đứng đầu lực lượng an ninh của Nam Việt Nam. Việc đàn áp Phật tử của ông ta đã châm ngòi nổ cho cuộc đảo chính tháng 11/1963 và ông ta cũng bị giết trong cuộc đảo chính này.

NGUYỄN CAO KỲ: Sinh năm 1930. Tư lệnh Không lực (1964-1965), Thủ tướng (1965-1967), Phó Tổng thống (1967-1971) của Chính phủ Nam Việt Nam. Một trong những sĩ quan trẻ - “những con ngựa non”, đã lên nắm quyền sau khi Diệm chết.

NGUYỄN KHÁNH: Sinh năm 1927. Là một nhân vật cao cấp trong cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Đứng đầu chính phủ Nam Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1965. Lúc đầu phản đối, nhưng sau lại ủng hộ hành động quân sự của Mỹ chống Bắc Việt Nam.

NGUYỄN VĂN THIỆU: Sinh năm 1929. Là một viên tướng, đến năm 1965 trở thành người đứng đầu Chính phủ Nam Việt Nam. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Giữ chức Tổng thống cho đến khi Nam Việt Nam sụp đổ vào mùa xuân năm 1975.

BÀ NHU: Vợ Ngô Đình Nhu. Những lời phát biểu đầy tính kích động của bà ta vào mùa hè và mùa thu năm 1963 đã làm cho các Phật tử ở Nam Việt Nam tức giận và làm cho Mỹ xa lánh chế độ Diệm.

PAUL H. NITZE (PÔN NÍTDƠ): Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (1961-1963), Bộ trưởng Hải quân (1963-1967), Thứ trưởng Quốc phòng (1967-1969). Ủng hộ việc leo thang quân sự của Mỹ vào năm 1965; sau này bắt đầu chất vấn tính thực tế của chiến lược Mỹ dính líu vào Việt Nam.

FREDERICK E. NOLTING, JR (PHRÊĐƠRÍC NÔNTING, CON): Quan chức ngoại giao chuyên nghiệp, đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1963. Phản đối việc lật đổ chế độ Diệm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM