Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:46:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sóng chìm  (Đọc 76224 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #10 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:56:08 pm »

*
 
Một mình một bóng, Tư Nhâm ngồi lệch bên bàn, chị uể oải lùa cơm vào miệng và lại nghĩ đến bé Thảo. Chị đâu muốn xa đứa con gái bé bỏng, gắn bó với mình như hình với bóng. Bé Thảo không chỉ là niềm  vui,  nỗi  an  ủi,  còn  là  nguồn  lực,  chỗ  tựa  để  chị  bíu  vào  đặng không  bị  chìm  trong  hoàn  cảnh  chơi  vơi  này... Để  bé  Thảo  về  dưới quê là chị cố tình gạt bỏ mọi che chắn, như con thuyền liều lĩnh chặt đứt  dây  neo,  chới  với  chống  chọi  giữa  đại  dương  phúc  họa  khôn lường... Nhưng ở  vào  hoàn cảnh  chị, chẳng thể  khác... Thiếu tá  Hai Rạng  vẫn  kiên  nhẫn  với  tình  cảm  mà  chị  rõ  là  hết  sức  chân  thành. Bằng  nhạy  cảm  của  người  phụ  nữ,  Tư  Nhâm  nhận  ra  tình  yêu  nơi anh... Kỷ niệm cũ xưa và hoàn cảnh hiện tại là cái cớ thuận chiều để người  đàn  ông  này  có  lý  nghĩ  về  một  kết  cục  có  hậu...  Và  nữa, chẳng đã có lúc chị giật mình mặc cảm rằng, nói dối mãi con người với tình cảm chân thành này như thể là có lỗi. Không hẳn trong chị đã không có những khoảng thời gian thoáng chút bối rối, nơm nớp lo  lắng  về  một  tai  họa  mơ  hồ  nào  đó.  Và  chị  sợ...  Con  người  chị vốn yếu đuối... Rồi với  những nhận biết về tâm trạng lo sợ ấy nơi mình, chị đã mấy lần đề nghị với Sáu Sinh cho chị được ra cứ. Đó là  giải  pháp  chị  nghĩ  hữu  hiệu  nhất.  Nhưng  mỗi  lần  chị  nằn  nèo trình bầy, Sáu Sinh chỉ lần lữa hứa... Thời gian không ủng hộ. Hầu như  tối  nào  Hai  Rạng  cũng  tới...  Anh  van  vỉ,  cầu  xin...  Vụng  về nhưng chân chất, cảm động...
Lần gặp Sáu Sinh gần đây, chị đã nói như là khóc:
- Chú ơi, chú không thương con sao? Sáu Sinh thở dài:
-  Chú  thấu  nỗi  khó  xử  của  mày...  Nhưng...  Khó  quá  ha...  Thôi được, cứ cho bé Thảo về dưới quê, rồi chú tính...
- Dạ! - Tư Nhâm như chết đuối vớ được cọc.
- Mày nghĩ mày ở trong tình trạng này, chú không khổ tâm sao, Tư?... Công việc sắp tới rất cần đến cháu...
Chị rõ tâm trạng người Bí thư Tỉnh ủy chớ! Dễ gì có được một cơ sở với vỏ bọc ngon lành như Tư Nhâm ở làng Cát, vùng chiến lược ven biển này... Khó khăn lắm, công phu lắm chú Sáu mới cài được chị về đây. Chị chưa làm  được gì cho tổ chức, nhưng như  chú Sáu nói, nuôi quân ba năm chỉ cần dùng một lần...
Sáu Sinh đi rồi, Tư Nhâm thừ ra, thương chú, lại thương cho hoàn cảnh éo le của mình... Và trong nỗi bất định ấy, chị luýnh quýnh sắp xếp để con gái về quê sống với mẹ... “Được ra cứ là êm xuôi mọi chuyện” - Chị thở dài và nghĩ.
Tư Nhâm lùa nốt bát cơm rồi đứng lên thu dọn. Chị rõ tối nay Hai Rạng lại tới. Chị luống cuống không thật rõ mình mong chờ hay lo sợ. Nhưng điều này thì chị biết, từ ngày Hai Rạng xuất hiện, cuộc sống của chị hình như có xáo trộn. Chí ít con người này đã đánh thức, làm sống dậy trong chị cả một quãng tuổi thơ ngộ nghĩnh và vô tư, chân trần lăng tăng trên cát, hơ hải trước gió, trước nắng... Dòng sông, khu vườn, và cả đàn chó vẫn xồ ra nhe răng trêu Tư Nhâm, tất cả ngỡ đã quên, bỗng chốc hiển hiện thành kỷ niệm...
Nghe tiếng động cơ xe máy dừng trước cổng, Tư Nhâm khẽ thở dài.
- Tư ở nhà không? - Giọng người đàn ông xởi lởi cất lên. Chị vuốt nhẹ mái tóc, bước ra:
- Chào thiếu tá! - Chị nói, cũng nhận ra giọng mình không thật. Nó lạc lạc thế nào...
Hai Rạng dựng chiếc Hon đa sát hiên nhà, bước vào:
-  Thiếu tá! -  Anh  cười, nụ cười rất tươi  và thỏa  mãn. -  Tôi  nói nhiều  lần  mà  em  đâu  có  nghe.  Gọi  bằng  thiếu  tá  xa  lạ  và  kỳ  quá... Sáng nay tôi cũng qua mà em đi vắng.
- Thiếu tá cũng có nhiều thời gian vậy sao?... Tôi đi viếng mấy người chết do lính của thiếu tá bắn đó...
- Chiến tranh mà, khó tránh... Nào có ai muốn vậy... Nhưng... Tôi cũng  buồn  lắm.  Bản  tính  tôi,  chắc  em  rõ.  Hai  đứa  đâu  mới  quen nhau...  Chúng  mình  đã  có  một  thời  tuổi  thơ...  Ta  nói  chuyện  khác nghe Tư.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:27:04 pm gửi bởi LuuHuongSoai » Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #11 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:00:35 pm »

Tư  Nhâm  im  lặng. Chị ngồi  xuống phía  bên kia bàn, trước  mặt Hai Rạng, lúng túng rót nước.
- Em còn nhớ thời lẽo đẽo chạy theo bọn con trai ra bãi bắt dế nữa không?... Vậy mà đã bao nhiêu là thời gian rồi. Đời người thiệt ngắn... Không có loạn li, không có chiến tranh khiến mỗi đứa một nơi, cảnh ngộ chúng mình chắc đã khác... Những năm kế đấy tôi vẫn có ý tìm em suốt đó chớ.
Tư Nhâm cố nén hơi đang dồn lên lồng ngực để khỏi bật ra:
- Đã mấy chục năm... thiếu tá nhắc lại chi...
- Người ta có số cả, là tôi nghĩ thế. Thời trước ông già có ý cho tôi học trường “Bách nghệ”, ai dè lại vô lính, rồi đi học trường võ bị, loay hoay thế nào lại về đây và gặp em... Định mệnh cả, đúng không? Đời tôi vẫn còn may mắn.
-  Thiếu  tá  cứ  giễu  hoài...  Loại  đàn  bà  không  chồng  mà  có  con đáng giá gì!
-  Tuổi  trẻ  ai  chẳng  có  lúc  bồng  bột,  vấp  váp.  Đàn  bà  như  em, được mấy người... Tôi ái mộ là ái mộ thiệt lòng, muốn được cùng em làm lại cuộc đời, phải đâu hạng lừa lọc, chơi bời... Chẳng rõ sao khi gặp em, tôi lại muốn có một gia đình...
- Thiếu tá đừng nói vậy... Phụ nữ đã mất danh tiết...
-  Trước  đây  em  đâu  là  người  mặc  cảm  cố  chấp  hoài  vậy,  Tư? Chuyện đã qua thì cho qua luôn. Chỉ cần tôi hiểu em, tôi thông cảm, thương em là đủ... Mà bé Thảo cũng phải có người đàn ông để nó kêu bằng ba chớ.
Tư Nhâm khẽ rùng mình. Rất nhanh, có cái gì đó như thể là nỗi lo sợ vô cớ ập tới, len vào, tỏa ra... Hình ảnh Tư Lăng với bàn tay vụng về xoa xoa lên bụng vợ hôm anh đi tập kết cách đây hơn chục năm như một cuộn băng được tua lại. “Con trai hay con gái cũng đặt tên là Thảo nghe, em”... Tư Nhâm thoáng bối rối. “Bé Thảo có ba chớ. Ba bé Thảo là người đàn ông tốt” - Chị tự nói với mình để trấn an...
- Sao em làm thinh vậy... Tôi nói không đúng sao? Tôi yêu quý bé Thảo và muốn làm ba nó, vậy mà em luôn ruồng rẫy, xua đuổi tôi. Tại sao vậy, Tư? Tôi đã làm gì để em coi thường? Có phải lỗi của tôi
là quá si mê em? Nếu vậy xin em nói một câu, chỉ cần em nói rằng tôi là kẻ xấu xa, không xứng với em, tôi sẽ đi ngay...
“Trời  ơi!”  -  Tư  Nhâm  khẽ  lắc  đầu  một  cách  vô  thức.  Nhưng giọng chị lại khác, tỉnh queo:
- Thiếu tá nặng lời rồi... ở vùng này, ở thị trấn này nhiều cô gái trẻ  đẹp  muốn  được  thành  hôn  với  thiếu  tá  mà...  Tôi  là  gái  lỡ  lầm... Thiếu tá đừng theo đuổi nữa...
- Không theo đuổi nữa? Tại sao? Tại sao chớ? Hay tôi không phải là một thằng đàn ông?... - Hai Rạng nhìn Tư Nhâm, ánh mắt vừa như cầu xin, lại có cái gì bực bõ. - Em nói đúng, ở cái thị trấn này, ở cái làng Cát này, chỉ cần tôi nhẹ búng tay, nhiều cô gái sẽ chạy theo. Tôi có  thế.  Tôi  có  quyền.  Nhưng  tôi  không  thể...  Quên  em  ư?  Phải,  giá như tôi may mắn có cái khả năng ấy... Trời hành mà... Tôi có lỗi gì chớ?... Em mặc cảm về mình, vậy em nghĩ tôi cao giá lắm sao? Tôi cũng là thằng đàn ông đã từng có một đời vợ... Một mụ đàn bà lăng loàn, đỏng đảnh... Bởi đã từng sống với người đàn bà như thế nên tôi mới thực sự rõ giá trị em có...
Tư Nhâm nói như kẻ vô hồn:
- Nói chi những điều ấy, thiếu tá...
- Khi người đàn bà đó vơ mọi thứ trong nhà, bỏ đi theo trai, mà theo ai, theo thằng đại úy bạn thân của mình mới đau chớ, tôi đã thù ghét  đàn  bà... Tôi  túc  trực  ý thức  coi thường,  khinh  bỉ... Để  đỡ  đau lòng, tôi xin chuyển đến vùng cát ven biển này... Ai dè tôi gặp lại em. Em đã đánh thức những gì nhân hậu trong tôi... Em là cứu cánh của tôi, Tư ạ... Em rõ em có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời tôi không? Vậy  mà  tôi  đưa  quà  nhờ  em  có  dịp  biếu  ngoại  bé  Thảo,  em  trả  lại. Tặng em vật kỷ niệm, em từ chối... Tôi muốn được em cho về dưới quê chào ngoại bé Thảo, em không nghe... Tôi biết làm gì để em vui đây, Tư?
- Thiếu tá thỉnh thoảng ghé lại thăm, với gái này đã là hân hạnh...
Tư Nhâm buông một câu sáo mòn vô hồn, trơn tuột, cũng không thật rõ mình nói gì. Chị giống cái máy lắp sẵn chương trình, ấn nút liền buột ra những lời vô cảm.
Mỗi lần Hai Rạng tới rồi nuối tiếc, khó hiểu và thất vọng ra về, Tư  Nhâm giống cái bóng ngồi lặng trên ghế, mệt mỏi như  một diễn viên không chuyên vào vai thiếu thuần thục, buộc phải lên sàn diễn. Nhiệm vụ của chị là đọc những lời thoại khô cứng, áp đặt, không phù hợp trong một kịch bản tồi. Đã từ lâu chị không được sống đúng như bản tính mình nữa. Chị là diễn viên, cuộc  đời là sân khấu. Chị phải tuân thủ, phải ý thức vai trò đó. Có những lúc chị hoang mang không phân định được một cách rành mạch những cuộc đối thoại của chị với Hai Rạng là thật hay giả. Đó là đời hay vai diễn. Điều nghiệt ngã là giữa đời thường và sự nhập vai cứ đan cài trộn lẫn, khó phân biệt rạch ròi để rồi buộc người ta đáng ra có thể sống thật hơn, đơn giản hơn, cởi mở hơn lại phải giữ miếng, lừa nhau. Hoàn cảnh đã tạo nên những nhầm lẫn thật trớ trêu...
Những đêm vắng con, khi Hai Rạng đã ra về, trằn trọc một mình trên giường, Tư Nhâm không sao ngủ được. Chị nghĩ mông lung đủ điều. Và cuối cùng, bao giờ cũng vậy, dù đã cố kìm chế bằng vai trò thực tại mình đang cõng trên vai, người đàn bà trong chị với bản năng giới tính mạnh mẽ bị kìm nén lại có cơ bị đánh thức. Vẫn có một tiềm ẩn nào đó, giống như mạch nước ngầm âm ỉ bấy nay cứ xuyên qua cơ thể, đòi hỏi, thúc ép, khiến chị choáng váng, máu dồn lên mặt, nhức buốt...  Chị  vật  vã,  giải  tỏa  bằng  những  kỷ  niệm  chắp  nối  rời  rạc. Nhưng  hình  bóng  Tư  Lăng  cường  tráng  liều  lĩnh  chỉ  kịp  giật  tuột chiếc quần, mạnh mẽ đổ vào chị đam mê cuồng dại trong những đêm hai người gặp nhau vội vã sau lần anh đi đâu đó về cách đây đã lâu lắm, mờ nhạt, không lấp kín những khát thèm bản năng rát bỏng. Tư Nhâm chống chếnh, bải hoải, thân xác cứng đờ, lại nhão ra. Chị liền liều  lĩnh  tưởng  tượng  tới  những  điều  cụ  thể,  gần  gũi  hơn  đâu  đó, nhưng sự nghĩ ấy, hệ quả của một ước thèm, cũng xa vời, mông lung không làm mờ tan những đòi hỏi rắc rối chập chờn, nhưng có thật... Chị ương ngạnh chống chọi, cố xua đi những ảo giác, gắng quay về với  hoàn  cảnh  thực,  trong  vai  trò  chênh  vênh  của  mình,  nhưng  bản năng tiềm ẩn sức mạnh khó lường lại có bóng tối và nỗi cô đơn làm đồng minh nên ít khi chị thành công. Chị vẫn bị hành hạ... Những lúc chới với mệt  mỏi trong cuộc  giằng co bất lực  đó chị vùng dậy, một mình đi lang thang hành xác ngoài bãi, tự phơi thân dưới ánh trăng, hoặc  lột  bỏ  quần  áo, ngâm  mình  xuống  nước  nhờ  sóng  vuốt  ve, mà nghĩ về những điều không có thật để hôm sau lại nhập vai trong thói quen đã thành ý thức...
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #12 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:01:46 pm »

*

Dân trong vùng gọi Lân Cồ bằng cái tên nôm na: chợ Cá. Gọi vậy có lý bởi mấy thứ người làng Cát kiếm được từ biển, hết thảy đều mang lên chốn này bán. Muốn sắm bộ quần áo, cái giường, cái rổ, cái rá, thếp giấy... phải lên đó. Chỗ mua bán thì gọi là chợ. Cũng có người kêu Lân Cồ là thị trấn. Nhưng trong bản đồ hành chính, Lân Cồ được định danh bằng cái tên chẳng ra ta cũng không phải tây tầu: Thị tứ. Lân Cồ không rộng, nhưng nằm kề quốc lộ, tiện giao thông, lại khít bên làng Cát, một làng biển có nghề đánh bắt hải sản lâu đời nên người tứ xứ khôn ngoan kéo về đây sinh cơ lập nghiệp. Họ thu gom tôm cá chất lên xe chở đi và tha lôi đủ thứ đồ nhựa, đồ ni lông và vô số mặt hàng làm từ bên Mỹ, Thái Lan, Phi Luật Tân... về. Từ ngày có tiểu đoàn Rồng Biển, tiểu đoàn lính chính quy của thiếu tá Hai Rạng đóng quân, Lân Cồ càng sầm uất. Nhiều quán giải khát, quán bar, phòng nhảy mọc lên. Gái tứ chiếng đánh hơi được có chỗ kiếm ăn cũng hấp hởi đua nhau lượn đến. Lính có nhu cầu gì, những người chuyên kinh doanh thính nhạy đáp ứng liền. Có cầu khắc có cung. Tối đến Lân Cồ náo nhiệt. Âm thanh từ những chiếc loa thùng mới tậu được vặn hết cỡ tràn ra đường. Đèn xanh đèn đỏ nhập nhòa. Các quán nhậu gần như mở thông đêm. Khách vẫn là lính Rồng Biển, bảo an, dân vệ...
Hai  Rạng  về  tới  đồn,  trời  đã  khá  khuya.  Anh  vừa  dựng  xe  bên phòng thì gã hạ sĩ công vụ chạy tới:
- Thưa, có đại úy Ba Hoàng vẫn chờ thiếu tá tại phòng khách...
Hai Rạng không đáp, anh lẳng lặng đẩy cửa bước vào. Ba Hoàng vội đứng lên:
- Thưa thiếu tá...
- Có việc gì gấp vậy? Khuya rồi... Ngồi đi!
Hai Rạng vào phòng trong, thay bộ Pi-za-ma, bước ra.
- Làng Cát lâu nay không an toàn, nếu xuống đó, thiếu tá cần cẩn thận, và nên đi bằng ôtô.
- Đó là chuyện riêng của tôi. - Hai Rạng ngồi xuống ghế, đối diện
với Ba Hoàng, giọng không mấy vui. - Đại úy gặp tôi chắc không phải vì việc đó!
- Dạ đúng, thưa thiếu tá... Mụ Tư Đởn...
- Sao?
- Mụ ấy chết rồi...
- Chết rồi?... Tắc trách, hết sức tắc trách! Tôi đã nói hoài mà mấy ai nghe. Họ là dân đen, họ không phải đối tượng... Mục đích đâu phải mấy người đàn bà đó mà là những kẻ cầm đầu, những kẻ nguy hiểm...
- Thưa thiếu tá, loại người như Tư Đởn cũng hết sức nguy hiểm, phải dằn mặt. Đành rằng tụi lính của tôi có quá tay, nhưng...
- Quá tay! Tính mạng một con người mà dửng dưng vậy sao? Đại úy đã nghe câu này chưa, tạo ra lửa, lửa sẽ liếm mặt... Vụ bắt bớ, tàn sát ở làng Cát vừa qua chắc cũng vì quá tay? Đại úy đã nghe dân làng Cát đang réo Quốc gia là bất nhẫn chớ? Muốn thắng trong cuộc chiến này phải được lòng người.
- Dân làng Cát vốn có thâm thù với Quốc gia...
- Bởi sao? Bắn giết vô cớ. Bởi coi mạng người quá nhẹ. Đại úy chớ cài thù riêng vào sứ mệnh Quốc gia nghe. Đôi bên càng đua nhau giết hại càng thêm oán thù.
- Với loại cứng đầu phải có biện pháp rắn... Thưa, tôi định sáng mai  đưa  xác  mụ  Tư  Đởn  về  làng  Cát,  nhân  đó  răn  đe...  Muốn  trình thiếu tá.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #13 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:04:52 pm »

- Răn đe? Đó đã phải biện pháp hay?
-  Tôi  là  người  làng  Cát,  nên  tôi  rõ  người  làng  Cát.  Càng  nhu nhược, dân ở đó càng lấn tới, và nhờn.
- Không đơn giản như đại úy nghĩ đâu. Triết lý phương Đông là lấy nhu chế cương...
- Nếu thiếu tá cho phép... Biện pháp nào phục vụ lý tưởng Quốc gia hữu hiệu đều cần thực thi.
-  Câu  đó trong  kinh thánh là:  để  đạt  được  mục  đích, biện  pháp nào cũng tốt!
Ba Hoàng đi rồi, Hai Rạng ngả người ngồi lặng trên ghế. Thằng cha cà trớn, dựa thế là người của đại tá Hưng nên hay làm càn - Hai Rạng bực bõ nghĩ. Hai Rạng vốn không ưa những biện pháp bạo lực một cách thái quá mang tính vô chính phủ, hằn học, trả thù cá nhân. Mục đích của Hai Rạng rất rõ ràng, bổn phận là phụng sự lý tưởng tự do của Quốc gia và sự phồn thịnh của dân tộc trong ý thức văn hóa và nhân văn. Với Cộng sản phải kiên quyết tiễu trừ, vì đó không chỉ là mầm họa trước mắt mà còn là mầm họa lâu dài nhằm bảo vệ sự tồn tại chính  đáng  của  chính  thể  cộng  hòa  theo  đường  lối  tự  do  trong  một lãnh thổ độc lập, nhưng như vậy không có nghĩa phách lối, dọa nạt và có những hành vi vô luân với dân thường. Dân bao giờ cũng là gốc của mọi sự. Vừa phải cải hóa họ vừa phải biết dựa vào họ. Không ý thức được điều đó khó bề giành thắng lợi trong cuộc chiến dai dẳng giằng co này. Đã nhiều lần Hai Rạng trình bày quan điểm của mình trước thượng cấp và đồng nghiệp. Nhiều người ủng hộ, nhưng không ít  kẻ  dè  bỉu  cho  rằng  Hai  Rạng  nhu  nhược,  thiếu  tư  chất  mạnh  mẽ quân nhân và sự quyết đoán cần thiết nhiều lúc buộc phải nhẫn tâm của một sĩ quan quân lực cộng hòa. Tuy vậy cấp trên và cả các chiến hữu đồng liêu, đồng niên không ai không thừa nhận Hai Rạng là một sĩ quan có học, hăng hái  và  mẫn cán. Ngay Ba Hoàng, phó của  Hai Rạng không mấy ưa cách  xử sự nhiều khi thiếu kiên quyết, nửa  vời của  viên  thiếu  tá,  nhưng  trong  thâm  tâm  kẻ  vô  chữ  này  vẫn  có  chỗ giành để quy phục, nể trọng. Không hẳn vì Hai Rạng là cấp trên trực tiếp của y, mà bằng những nhận biết bản năng vô thức, Ba Hoàng rõ rằng Hai Rạng là người hết lòng vì lý tưởng Quốc gia. Con người này am tường nhiều điều và biết áp dụng những kiến thức đó trong điều hành,  trong  chỉ  huy.  Và  nữa,  Ba  Hoàng  quá  rành  rằng  Hai  Rạng  là người đàng hoàng, dửng dưng với những nhu cầu vật chất. Không cầu cạnh,  không  ham  hố  quyền  chức,  cũng  không  trai  gái, cờ  bạc,  rượu chè như phần đông các sĩ quan khác. Thời Hai Rạng mới được điều về đây, viên đại úy hết sức ngạc nhiên khi thấy những lúc rảnh rỗi, Hai Rạng tự giam mình trong phòng và chỉ làm một việc là chúi mũi vào sách vở. Hai Rạng nghiền sách như người khác nghiện ma túy, nghiện gái...
... Hai Rạng đổ người ra ghế, với tay lấy cuốn Bàn về chủ nghĩa duy vật vẫn để cạnh bàn. Viên thiếu tá có thói quen đọc một cái gì đó trước khi đi ngủ. Nhưng khác với mọi bận, tối nay những con chữ chỉ lướt  qua  một  cách  vô  hồn, vô  nghĩa. Mắt  dán vào  trang  giấy  nhưng đầu óc Hai Rạng lại mông lung nghĩ đến chuyện khác. Hình ảnh Tư Nhâm,  rồi  hình  ảnh  người  đàn  bà  đã  công  khai  đoạn  tuyệt  với  Hai Rạng thậm chí ngang nhiên đi theo viên đại úy dù to con chập chờn chắp nối hiện lên, lướt qua... Cuộc  đời cứ như trò bỡn cợt tinh quái của thượng đế, ngỡ rối rắm ngẫu nhiên, nhưng xét kỹ thì không phải thế, mọi sự  ở  đời  có lẽ  đã  được  sắp đặt sẵn trong  một trình tự  định mệnh bởi bàn tay nhào nặn vô hình có quyền năng tối thượng nào đó. Tình cờ gặp lại Tư Nhâm tại làng Cát, viên sĩ quan cho rằng đó cũng là sự sắp xếp thú vị có chủ ý của số phận. Và Hai Rạng tin vào kết quả của sự sắp xếp đó. Con người Tư Nhâm, bằng những gì Hai Rạng cảm nhận hình như đã tạo nên một trường lực làm xáo trộn, làm thay đổi cuộc  đời  vốn  đơn  điệu  có  cái  gì  đó,  nói  như  bạn  bè  vẫn  giễu,  nhàn nhạt và bất cần nơi anh. Hai Rạng cũng ngạc nhiên nhận ra sự khác lạ trong  mình.  Chưa  bao  giờ  anh  có  tình  cảm  mãnh  liệt,  say  mê,  đắm đuối dằn vặt đến khổ sở như thế. Ngay cả lần yêu đầu tiên, tình cảm ấy hình như cũng chỉ là một tia chớp tựa sự ngẫu hứng nhất thời, một bản năng đã trở thành thói quen vốn hình thành ở con người trong quá trình tiến hóa. Nhưng tình yêu đối với Tư Nhâm khác hẳn. Nó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là định mệnh. Nó đan xen giữa những kỷ niệm, những tình cảm  đã  có đến lúc trỗi dậy và  những tình cảm  mới  hình thành do va  đập và trải nghiệm. Nó hòa  trộn giữa sự khát thèm  bản năng giống đực trước con cái có nhiều khả năng gợi mở nhu cầu đực cái cộng ý thức người lượm lặt qua sách vở. Tình yêu của Hai Rạng vừa ẩn chứa nét lãng mạn vừa mang sắc thái đời thường. Đau khổ và hy vọng. Thấp thỏm và lo lắng. Tư  Nhâm  càng có ý ngại ngần mặc cảm, Hai Rạng càng cuống quýt, mê cuồng... Tình yêu là gì, Hai Rạng không thể lý giải. Trước khi gặp lại Tư Nhâm anh chưa bắt gặp tình cảm  như  vậy.  Thời  Thiện  Trang  bỏ  Hai  Rạng  theo  người  đàn  ông khác, nói rằng không đau, không đúng, nhưng chỉ thời gian rất ngắn anh đã nguôi ngoai, lấy lại được thăng bằng. Sự không chung tình của người vợ khiến Hai Rạng trở nên lạnh lùng dửng dưng, chán ghét đàn bà trong ý thức tự trọng chứ không hành hạ anh về mặt tinh thần cũng như thể xác. Thậm chí có lúc anh quên rằng mình đã từng có một đời vợ. Tình cảm dửng dưng ấy phải chăng bởi giữa anh và Thiện Trang có  quá  nhiều sự  khác  biệt  trong  lối  sống  hay  vì tình  yêu  đến  chóng vánh  nên  ra  đi  cũng  vội  vàng?  Những  năm  đó,  lúc  còn  đồn  trú  tại thành phố biển Nha Trang, Hai Rạng là một sĩ quan trẻ, hào hoa. Anh có khuôn mặt đượm buồn hao hao khuôn mặt các thi nhân thời trung cổ và ánh nhìn ngơ ngác ngây thơ. Nhưng nét ngu ngơ ấy lại gây được sự chú ý của phái đẹp. Các cuộc vui ở câu lạc bộ quân nhân, nhiều cô, nhiều bà muốn được anh mời nhảy. Hai Rạng có bước đi đẹp, cái hất mặt điệu đà gây ấn tượng, phong thái lịch lãm. Những lúc vắng anh trên sàn, người ta cảm giác như hôm đó thiếu thiếu cái gì...
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #14 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:09:37 pm »

Anh  và  Thiện  Trang  gặp  nhau  trong  một  lần  anh  mời  cô  nhảy. Đúng hơn là cô gợi ý để buộc anh phải mời cô. Hai người làm quen rất nhanh. Hết điệu tăng gô anh đưa Thiện Trang lại bàn và gọi cho cô sôđa, còn mình uống một ly nhỏ rượu nhẹ. Thời gian uống hết ly nước và  những  câu  chuyện  chắp  nối  đủ  tin  cậy  để  Thiện  Trang  nhờ  Hai Rạng đưa mình về. Họ đi dọc bãi biển. Bàn chân lún trên cát. Đêm về nước đứng, sóng lười nhác mài lên bãi, âm thanh nhè nhẹ tựa hơi thở mệt  nhọc,  cảm  giác  đại  dương  đang  liu  thiu  ngủ.  Thiện  Trang  thú nhận rằng cô để ý đến anh đã lâu. Hai Rạng cười, cho rằng người đẹp giễu mình.
- Yêu nhiều rồi mà không hiểu tâm lý phụ nữ.
- Yêu ư? Đời lính tội nghiệp mà.
- Xạo... Người như anh các quý mợ ở phòng trà lại buông tha?
- Nghĩa là sao?
- Anh chưa đến với đàn bà thiệt?
Hai  Rạng  không  hiểu.  Anh  dừng  lại,  nhìn  ra  biển.  Ngoài  xa, thuyền câu mực đỏ đèn như sao sa.
- Trả lời đi chớ!
- Trả lời?... Tôi là kẻ vô duyên...
Câu chuyện nhấm nhẳng không đâu vào đâu đại loại như vậy đưa họ đi hết bãi biển. Đến mút con đường, Thiện Trang chủ động vòng trở lại. Hai Rạng ngoan ngoãn bước theo.
- Nhà Thiện Trang ở đâu?
-  Anh  vội?...  Em  muốn  đi  suốt  đêm  nay...  Biển  đẹp  quá...  Anh không thấy vậy sao?
... Sau ngày cưới, hình như hai người vẫn chưa hiểu hết về nhau. Đêm tân hôn Hai Rạng lóng ngóng hệt một gã trai mới lớn. Khi nhìn thấy cơ thể lăn lẳn của Thiện Trang không một mảnh vải trên người trắng hồng, thành thạo và chủ động phơi dưới ánh đèn ngủ, anh ngợp, thở  gấp,  run  lên  luống  cuống.  Máu  dồn  lên  đầu,  anh  hấp  hả  quờ quạng,  rồi  líu  ríu  trườn  lên.  “Không  phải  vậy!  Không  phải  vậy!”  - Thiện Trang sợ hãi la to. Nhưng cô đã không cứu vãn được tình thế. Sự phấn khích thái quá trong nỗi ham muốn ít chuẩn bị của người đàn ông nơi Hai Rạng khiến khúc dạo đầu thất bại. Hai Rạng đã ném đá vào chỗ không người. Thiện Trang nhanh chóng hiểu điều gì xảy ra. Cô  thất  vọng  vùng  dậy,  khoác  vội  chiếc  áo  liền  váy  mỏng  tang,  và mặc cho Hai Rạng lỉu xỉu ngơ ngác, cô chán chường rời giường ngủ và bực bõ đổ xuống chiếc xa lông. “Đụt!” - Từ cổ họng Thiện Trang vô thức buột ra một tiếng. “Anh xin lỗi. Anh sẽ...” - Hai Rạng buồn bã nói, tỏ ra là người biết lỗi và gượng gạo mon men lại gần vợ. Thiện Trang khẽ thở dài, không để ý đến sự vò đầu bứt tai hối lỗi của anh, cô  với  cốc  nước  trắng  rồi  lẳng  lặng  bước  ra  hành  lang,  nhìn  xuống biển... Nhưng những hôm sau tình thế khác hẳn. Thiện Trang đã khôn ngoan và kinh nghiệm biến Hai Rạng thành con gấu dũng mạnh sung sức.  Anh  lấy  lại  được  phong  độ  một  con  đực  khỏe  mạnh,  đam  mê. Song mọi nỗ lực cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ sự ham muốn có cái gì đó thái quá ở người vợ trẻ. Hai Rạng hết sức ngạc nhiên về sự đòi hỏi của Thiện Trang. Trời phú cho người phụ nữ này năng lực ít thấy. Nhu cầu của cô gần như vô tận. Cô không chấp nhận có khoảng trống nghỉ ngơi. Đêm nào Thiện Trang cũng vần vò và hành hạ Hai Rạng bã bời. Anh đã gắng, nhưng mọi sự cố sức chỉ là muối bỏ bể. Sáng ra anh tã tượi liêu xiêu ra khỏi nhà, đó là khoảng thời gian Thiện Trang thư giãn nghỉ ngơi hồi lại sức để đêm đến chủ động thả phanh làm con cái hung dữ...
Cuộc  sống  gia  đình  dịu  ngọt,  hạnh  phúc.  Tối  tối  hai  người  đưa nhau đến quán trà, đến câu lạc bộ. Thời đó Nha Trang vẫn yên ả. Tin tức về những cuộc đụng độ đâu đó với Việt Cộng vọng tới không làm thành phố mất đi những cuộc vui. Bãi tắm vẫn đông khách. Quán bar tấp nập người vào ra. Câu lạc bộ quân nhân ít khi vắng mặt các sĩ quan. Và đường phố vẫn vờn ve, dìu dặt gái điếm... Hai Rạng vốn ít có nhu cầu, anh bằng lòng với cuộc sống dung dị của mình. Thiện Trang lại khác, hình như vẫn có cái gì đó chưa thỏa mãn. Cô mua sắm ngày mỗi nhiều. Vài ba hôm lại tậu một bộ quần áo, loại xịn, đắt tiền. Giầy, dép không còn chỗ cất... Và thích xuất hiện ở các vũ trường. Hầu như đêm nào cũng bắt Hai Rạng đưa tới. Giờ nghỉ giữa hai cuộc nhảy cô không uống sôđa nữa. Cô khoái rượu mạnh. Hai Rạng có những dấu hiệu mệt mỏi. Anh đề nghị mỗi tuần chỉ đến vũ trường hai lần. Anh muốn có thời gian đọc sách. “Em đành đi một mình vậy.” Mọi chuyện nảy sinh từ đó. Gã  đại  úy  dù  đầu  tiên  chỉ  xuất  hiện  trong  câu  chuyện  kể  của  Thiện Trang.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #15 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:12:35 pm »

- Lão ấy mời em nhảy, rồi mời đi dạo bãi biển... - ở vũ trường về Thiện Trang tụt váy áo ra sàn, hăm hở khoe - Trông bộ ga lăng lắm.
- Em đang nói tới ai? Bạn mới phải không? Và hôm sau:
- Hắn nói rằng hắn biết anh!
- Ai?
- Cha đại úy dù. Hình như hai người cùng học ở trường võ bị... Lão mới chuyển qua Nha Trang, làm công tác tham mưu ở quân đoàn Hai...
- Vậy à? - Hai Rạng đặt cuốn sách xuống xa lông - Em biết anh ta học khóa mấy không?
- Lão có cái tên rất điệu đà, Nguyễn Long Trần Hùng.
- à, thằng Hùng cồ. Cao to và tán gái rất mả...
- Coi bộ cũng dễ thương...
Những hôm  kế đó mãi gần sáng Thiện Trang mới mò về. Khác với mọi lần, cô không hành Hai Rạng nữa, thậm chí khi anh có ý hỏi chuyện, cô mệt mỏi ngáp:
- Ngủ nhé... Em mệt lắm.
Thiện Trang thiếp đi rất nhanh. Sau đó là chuỗi ngày Hai Rạng chong đèn chờ vợ nhưng Thiện Trang không về. Cô có nhu cầu đi cách đêm...
Chừng tháng sau, buổi chiều, khi Hai Rạng vừa ở nhiệm sở về đã thấy Thiện Trang ngồi ở phòng khách có ý chờ. Cạnh cô là mấy chiếc va ly khá to. Hai Rạng ngạc nhiên:
- Em định...?
Thiện Trang không mảy may bối rối, cô chỉ chiếc ghế:
-  Anh  ngồi...  Em  muốn  nói  chuyện  với  anh...  Em  không  thích biến mình thành kẻ dối trá. Anh không đáng phải chịu như vậy. Em sẽ đi khỏi đây...
- Thằng Hùng phải không?
- Chẳng ai có lỗi trong chuyện này. ừ, cứ cho rằng em là kẻ phiêu lưu... Nhưng cuộc đời ngắn lắm... Em thừa nhận mình ích kỷ. Em chỉ sống cho bản thân, chỉ nhằm thỏa mãn mình... Em không rõ rằng đó đã  phải  tình  yêu  chưa,  nhưng  thấy  hợp,  thấy  không  thể  thiếu  con người đó. Em cần người đàn ông ấy... Anh thứ lỗi nhé.
Giọng Thiện Trang ráo hoảnh. Sau này khi đã an bài, Hai Rạng có  thù  hận  nhưng  cũng  thầm  cám  ơn  sự  sòng  phẳng  trung  thực ở người phụ nữ đa tình này.
Hai Rạng trốn khỏi Nha Trang vì nhiều lẽ. Anh muốn ẩn mình. Anh muốn quên quãng thời gian ngắn ngủi có nghĩa và vô nghĩa vừa qua. Hai Rạng cần tập trung tâm lực vào công việc phụng sự lý tưởng Quốc gia... Ai dè... Nếu mỗi cuộc đời đều đã được định sẵn thì rõ ràng việc gặp lại Tư Nhâm ở làng Cát là nằm trong sự sắp đặt ấy. Nó làm đảo lộn tình cảm và cuộc sống của Hai Rạng thì đó là lẽ hiển nhiên... Hai Rạng tin như thế.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #16 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:17:20 pm »

III



Khu rừng có cái tên là lạ, rừng ẩn. Có người kể, xưa kia đây là chốn cư ngụ ẩn nấp của nhiều loài thú dữ, chúng thường về làng quậy phá, gây lắm  hiểm  họa. Thậm  chí đã có kẻ mất mạng. Lại có người nói khu rừng là nơi ẩn náu của bọn đạo tặc, thảo khấu, bọn tội phạm chống  đối  triều  đình.  Ban  ngày  chúng  ẩn  trong  những  hốc  cây  hẻm núi, đêm về túa ra đường cái cướp bóc. Dân trong thị tứ Lân Cồ thì giải thích, hồi đánh Chiêm Thành, Lê Thánh Tông đã bí mật lấy khu rừng  nay  làm  điểm  giấu  quân,  ẩn  tướng  nên  mới  có  tên  rừng  ẩn.  ở làng Cát vẫn lưu truyền câu chuyện rằng, thủa xửa xưa khi làng Cát và Lân Cồ chưa mang tên, còn hoang sơ, chỉ là đám bùn lầy lội, có đôi vợ chồng trẻ nọ từ đâu xa lắm kéo tới lập nghiệp. Năm tháng qua đi và họ sinh hạ được hai cậu con trai rất khôi ngô tuấn tú. Chồng làm nghề
chài lưới, ngày ngày ra biển kiếm tôm bắt cá. Vợ khai khẩn đất hoang, trồng  cây  gieo  lúa  và  chăm nom  con  cái...  Nhưng  cuộc  sống  hạnh phúc ấy không kéo dài được lâu, một ngày nọ nhà Vua đã lần ra manh mối hai người và phái lính tới bắt để dẫn giải về kinh. Người vợ chính là công chúa, con gái út đức kim Hoàng thượng, còn chàng trai là gã đánh cá chiều chiều vẫn thả trôi thuyền dọc sông, và ngồi trên mũi thổi sáo.
Tiếng sáo của chàng như có ma lực khiến mây ngừng trôi, chim ngừng bay, và cây cỏ râm ran hòa theo. Mỗi lần tiếng sáo réo rắt cất lên đất trời một vùng xao động... Chiều về, công chúa đứng trên lầu thổn thức, chờ đợi lắng nghe tiếng sáo. âm thanh dìu dặt lúc bổng khi trầm phát ra từ đoạn sáo trúc lan tỏa khiến con gái út đức Vua xao xuyến. Công chúa cảm tiếng sáo, rồi đem lòng yêu chàng ngư dân. Thỉnh thoảng nàng vẫn lẻn ra sông, cùng lên thuyền, theo chàng đi dọc bờ cho tới tận lúc trăng mọc. Hay tin, nhà Vua nổi cơn thịnh nộ, ngài Ngự lệnh đuổi chàng trai biệt xứ, không được đánh bắt cá trên dòng sông này nữa... Chiếu chỉ chưa kịp thực thi thì đêm hôm ấy, công chúa ôm khăn gói cùng người tình trốn khỏi kinh thành. Họ đã đến vùng cát ven biển này... Khi triều đình hay tin, sai quân lính tới, gia đình chàng ngư phủ bèn dắt díu nhau chạy lên rừng. Họ ẩn ở đó. Mấy lần quan quân truy bức, nhưng mỗi lần như vậy, thú dữ nơi đây lại làm rào chắn che cho vợ chồng con cái gia đình nhà nọ... Từ đấy họ yên ổn ẩn trốn. Chẳng rõ câu chuyện có liên quan gì đến cái tên của khu rừng?
Rừng ẩn chếch về phía tây và cách Lân Cồ chừng ba bốn cây số. Đêm đêm đứng trong rừng vẫn có thể nhìn thấy quầng ánh sáng mỏng mảnh nơi thị tứ hắt lên. Từ đây qua sông Thạch Bàn đi tắt về làng Cát không quá một canh giờ. Xưa kia đàn ông vùng này vẫn dắt dao sau lưng lom khom lần lên kiếm củi, hái thuốc. Họ quan niệm rằng rừng ẩn là chốn linh thiêng, là nơi huyền bí, ai có tâm có phúc đều được thần linh nơi đấy che chở, phù hộ... Đường lên núi gập ghềnh, khó đi, nếu không thành tâm sẽ khó lần ra lối về, dễ làm mồi cho thú dữ...
Biết rừng ẩn là căn cứ du kích Việt Cộng, mấy lần binh lính Quốc gia được lệnh càn lên, nhưng rừng ẩn mịt mờ, đường đi lối lại ngoắt ngoéo dễ vào khó ra, u u minh minh thiên la địa võng, Việt Cộng lại ẩn hiện khôn lường, bởi  vậy kéo quân đi rồi lại tơi tả chán nản kéo quân về. Đánh vào rừng ẩn khác nào đấm vào bị bông.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #17 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:26:03 pm »

Mấy ngày qua  rừng ẩn ẩm  ướt trĩu nặng. Mây sà thấp vờn trên ngọn cây. Rồi mưa. Nước trên đồi cao đổ về không ngớt. Những con suối mùa khô co lại, dịp này phình nở, chảy ầm ầm...
Trong hang đá lưng chừng núi, chiều nay có cuộc họp của cán bộ làng Cát. Sau ngày Tám Phụng làm phản và sau trận càn gần đây, hết thảy cán bộ chủ chốt và du kích của làng đều lánh lên cứ. Ai cũng ý thức rằng đây là biện pháp tình thế, biện pháp tạm thời. Phương châm là phải bám dân, bám địa bàn... Hơn  chục  con  người  ngồi  quanh  chiếc  bàn  ghép  bằng  nứa.  ánh sáng từ cửa hang hắt vào mờ mờ... Bí thư chi bộ Ba Tánh nhìn khắp lượt mọi người:
- Ta bắt đầu nghe. Tôi triển khai nhanh để các bộ phận còn vào việc. Tình hình thế nào các anh biết cả rồi. Âm mưu của địch là tìm cách triệt phá cho bằng hết đảng viên, cán bộ, du kích và cơ sở ở làng Cát. Sự phản bội của Tám Phụng đã gây ra không ít tổn thất. Các anh Nguyễn Đình Thanh, Lương Thúc, Đinh Hiệt, Đào Khắc Độ, Nguyễn Bách, Hoàng Mai... người thì bị giết, người bị bắt...
-  Tôi đề nghị tìm cách thịt Tám Phụng! - Xã đội trưởng Mười Bàng chợt  nói to. Anh nhấp nhổm trên ghế  như người ngồi đúng tổ kiến lửa.
-  Chuyện đó rồi tính! - Ba Tánh nói - Nhưng cảnh cáo Tám Phụng không dễ nghe. Từ ngày chiêu hồi Tám Phụng ru rú trong đồn của Ba Hoàng suốt...
- Không diệt Tám Phụng thì diệt Trần Nhũng...
- Anh Mười để tôi nói hết đã... - Ba Tánh ngắt lời xã đội trưởng. Tuy bằng tuổi lại ở cương vị bí thư nhưng lúc nào Ba Tánh cũng tôn trọng Mười Bàng. Anh rõ Mười Bàng nóng nảy nhưng là người bộc trực, tốt tính và hăng hái; còn dũng cảm thì khó ai bì. Từng một mình một súng xông vào làm náo loạn hội đồng xã khiến Trần Nhũng và đàn em xanh mặt. - Tôi nhất trí với ý kiến anh Mười, để lấy lại lòng tin cho dân, một mặt ta phải củng cố lực lượng, mở rộng cơ sở, mặt khác phải cảnh cáo một số tên ác ôn...
- Chuyện đó chúng tôi lo được!... - Mười Bàng sốt sắng.
- Không quá dễ như thọc túi lấy quả mận quả ổi đâu, nhưng phải làm... Kế hoạch cụ thể tôi đề nghị anh Mười chủ động bàn thêm với anh  em  du  kích.  Nhưng  nhớ  đấy  cũng  là  biện  pháp  trước  mắt,  chủ trương lâu dài, tỉnh chỉ thị phải có nhiều trận đánh lớn.
- Ai chẳng khoái đánh lớn, nhưng tìm đâu ra vũ khí, anh Ba?
- Anh hỏi tôi, tôi hỏi ai?
-  Bí  thư  về  bảo  sắp  có  súng  đạn  mà  mong  hoài  vẫn  bằn  bặt... Định đánh địch bằng cùi chỏ sao?
-  Điều  ấy tỉnh biết, huyện biết  và  đang tìm  cách  gỡ... Mấy  ổng còn lo hơn anh em mình... Chuyện tiếp nhận súng đạn là chuyện dài dài, tiến  biến tới  đâu trên phổ  biến đến  đó... Có  cơ  sở  vững, có lực lượng mạnh mới nói tới việc nhận vũ khí được... Hôm rồi Sáu Sinh có nhắc lại rằng trong khi chờ đợi, làng Cát phải hành động. Lấy vũ khí địch đánh địch và tận dụng mọi thứ có trong tay.
- Khó lắm! Mấy khẩu moi ở đất lên, khi bóp cò, đạn không nổ. Tôi ngán cách nói tận dụng mọi thứ trong tay quá trời...
Mười Bàng có cái lý của Mười Bàng. Anh đã nhiều phen len lỏi vào tận sào huyệt bọn trùm ác ôn, tưởng đã ăn chắc, ai dè khi bóp cò, súng không nổ, lanh trí  đưa  được  cái mạng thoát ra khỏi chốn hang hùm ổ sói đã là may. Những lần vậy Mười Bàng bực bõ, vò đầu bứt tai tiếc hùi hụi.
- Chẳng lẽ mình cứ ngồi chờ...
- Không chờ..., là nói để lường cho hết.
- Bây giờ tôi chuyển qua chuyện trước mắt... - Ba Tánh nói tiếp. - Ngay trong đêm nay tôi đề nghị huy động bà con làng Cát đấu tranh chôn cất thím Tư cho chu đáo. Đây là việc nghĩa việc tình và cũng là cách biểu thị thái độ của chúng ta...
- Chuyện thím Tư, nhỏ Ba Thành biết chưa, anh Ba? - Có người hỏi.
- Việc đó anh Sáu Sinh khắc có cách, khỏi lo đi...
- Ba con thằng Ba Hoàng là lũ nhẫn tâm. Hồi nhỏ thằng chó này vẫn lê la tới nhà thím Tư chơi với thằng Thanh thằng Thành đó chớ. Đồ phản phúc! Tôi mà có súng...
- Khỏi dài dòng nữa, anh Mười. Chuyện ba con Trần Nhũng có nói suốt buổi cũng không hết. - Ba Tánh ngước lên. - Sắp tối rồi, các bộ phận chuẩn bị còn qua sông về làng cho kịp. Nhớ không quá khích gây tổn thất nghe.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #18 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:30:51 pm »

... Đêm đó trời tối thui. Làng Cát đông cứng trong nỗi thấp thỏm. Nơi bãi dương đoàn người kéo thành một vệt dài lặng lẽ bước. Bóng họ liêu xiêu hắt lên nền trời đen đặc. Đám đàn bà con gái đi trước. Kế đó là những người  khênh quan tài. Đàn ông chốt hậu. Mọi người  đi chậm. Qua bãi dương. Qua trảng cát. Cuối cùng dừng lại bên gò đất trống. ở đó một hố sâu đã được đào sẵn.
Sáng hôm trước, từ Lân Cồ hai chiếc xe nhà binh vội vã cắn đuôi chạy về làng Cát. Chiếc xe Jeep dẫn đầu. Phía sau là chiếc xe tải. Thi thể thím Tư Đởn, thằng con trai Trần Nhũng cho đặt trên đó. Đến sát bãi dương hai chiếc xe dừng lại. Ba Hoàng từ chiếc Jeep nhảy xuống. Viên  đại  úy  vẫy  tay,  bọn  lính  lập  tức  xúm  vào  khiêng  xác  thím  Tư. Người thím quắt hóp, bê bết máu, cứng khô. Ba Hoàng chọn một chỗ đất cao và lệnh đặt thím lên đó. Rồi thằng đại úy hô:
- Vô làng lùa dân ra. Già trẻ lớn bé gì xua hết!
Gần trưa lính Ba Hoàng cũng đưa được hơn chục người, đa phần là ông bà già và trẻ con ra mô đất trống gần bãi dương, nơi có thi thể người đàn bà làng Cát. Viên đại úy nhìn khắp lượt mọi người, ánh nhìn hăm dọa, rồi y nói:
- Các người nhìn cho thiệt rõ để làm gương nghe. Theo Cộng sản, tiếp tay cho Cộng sản số phận sẽ là vậy... Ai có ý chôn Tư Đởn cũng sẽ bị phơi nắng như Tư Đởn đó.
Nhiều tiếng sụt sùi. Có người lau nước mắt.
- Các người cứ nhìn cho kỹ nghe!
Nói rồi Ba Hoàng vẫy tay, đám lính nhâng nháo nhảy lên chiếc xe tải. Hai chiếc xe lại cuốn bụi hướng về phía Lân Cồ.
Xác thím Tư phải qua hai ngày nằm phơi dưới nắng, tối nay mới được  dân  làng  mang  đi  táng.  Khi  mọi  người  chuẩn  bị  hạ  huyệt,  từ trong làng hơn chục dân vệ do Nguyễn Xấn chỉ huy hò nhau chạy tới. Gã chỉ huy dân vệ chững lại trước đám đông, hô:
-  To  gan!  Ai  cho  các  người  chôn  cất  mụ  Cộng  sản  này.  Đã  có lệnh trên là phơi nắng đến khô...
Ông Năm Bào bước lên:
- Nói vậy mà không sợ phải tội sao ông dân vệ? Thím Tư cũng là người làng Cát như ông đó.
- Mụ đã che chở cho Sáu Sinh, trùm Cộng sản vùng này.
- Ông chớ quên ông giáo Sáu đã từng dạy chữ con ông nghe...
- Không lý luận. - Nguyễn Xấn quát - Anh em dân vệ, đưa xác Tư Đởn về chỗ cũ.
Đám lính rấn vào chỗ chiếc quan tài. Mấy người đàn ông vội cản lại.
- Các chú chớ làm vậy, thất đức.
- Bọn này chỉ biết làm theo lệnh.
- Không được! - Ông Năm Bào đưa tay, huơ con dao bài to bản trông như cây đao của Quan Vân Trường, đứng chắn trước quan tài, nói  to.  -  Kẻ  nào  đụng  vào thím  Tư  Đởn  hãy  bước  qua  xác  lão  đây. Sống ngần này tuổi cũng đủ rồi!
Bọn lính chùn lại. Nguyễn Xấn giẫm chân:
- Định làm loạn phải không?... Gô cổ Năm Bào...
Bọn dân vệ  lại xông vào.  Đám  đông dân làng cũng ào lên. Đôi bên giằng co... Một phụ nữ nói to:
- Anh em dân vệ! Bọn họ giết người mà không cho chôn cất, xét về đạo lý anh em thấy có được không? Cùng là người làng anh em nên để bà con lo cho thím Tư mồ yên mả đẹp...
Có báng súng thúc mạnh vào bụng Năm Bào, ông ối một tiếng, quặn người lảo đảo. Nguyễn Xấn giật khẩu cạc bin trên tay một dân vệ, định bắn, nhưng  đám  đông đã  kịp vây  quanh  ông Năm, Nguyễn Xấn chới với giữa đám người... Trong lúc đang lộn xộn, những người ở gần quan tài đã nhanh trí đưa được thím Tư vào huyệt, và tùa nhanh đất xuống. Nguyễn Xấn bứt ra khỏi đám đông, chĩa súng lên trời, bóp cò. Tiếng nổ vang đanh trong đêm. Mọi người giãn ra.
- Ai dám phản loạn sẽ bị trừng trị. - Nguyễn Xấn nói to - Đừng tưởng người cùng làng nên tụi này chùn tay nghe.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #19 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 10:35:27 pm »

Dân làng đứng im nhìn gã chỉ huy dân vệ. Người phụ nữ lúc nãy bước tới:
- Ông Xấn, ông chớ quên mình cũng là người làng Cát... Người làng mình sống có nghĩa tình. Ác quá sợ rồi chết lại không có đất chôn...
- Mụ dọa ta hả?
- Không ai dọa ông... Nhưng ông cứ ngẫm đi...
Nguyễn Xấn lúng túng, ngó trước nhìn sau, thấy đám dân vệ trơ ra, bèn nói to:
- Các người tự gây họa thì ráng chịu nghe. Ngày mai liệu mà ứng phó với lính của Ba Hoàng... Đi tụi bay.
Cũng tối ấy, Ba Thành và Sáu Quyên ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, vượt sông Thạch Bàn về làng Cát. Mùa này dòng sông rộng ra, nước đỏ lừ, chảy cuồn cuộn. Vừa nhảy lên bờ Ba Thành đã có ý nhào vào làng.
-  Chú  Sáu  dặn  dò  sao,  em  quên  rồi,  Ba? - Sáu Quyên làm bộ nghiêm vội giữ Ba Thành lại.
- Chị ơi, chị cho em  được nhìn mặt má  em lần cuối... - Rồi Ba Thành chợt khóc to: Má ơi, sao má khổ thế... Con về với má rồi nè... Con ở gần má mà... Sao chúng nó ác quá vậy... Má có tội tình gì?...
Sáu Quyên thấy mủi, hai mắt cũng rưng rưng, nhưng cố gắng nuốt nước mắt vào trong, làm bộ cứng:
- Thôi mà... Chị can... Để tụi đó biết em và chị về làng nguy hiểm lắm... Nghe chị.
Ba Thành không  đáp,  ngồi  hướng  mặt  vào  rặng  cây,  khóc  tức tưởi. Sáu Quyên cũng khóc theo, có điều cô kìm không để bật to thành tiếng.
Biết tính Ba Thành, chiều nay Sáu Giáo đồng ý cho anh về làng nhưng ông cử Sáu Quyên đi kèm. “Việc đã rồi, dù thế nào cũng phải bình tĩnh nghe - Ông dặn - Chú cho Sáu Quyên theo. Và Sáu Quyên là người chỉ huy. Nhất nhất cháu phải nghe lời. Rõ không?... Xong mọi việc, khi dân làng chôn cất má và đã về làng, chị em mới được vô... Thắp hương cho má xong phải qua sông trong đêm... - Giọng ông Sáu nghèn  nghẹn -  Chú  chưa  về  được, cháu  thay  chú thắp thêm  cho  má nén  nhang...”. Nước  mắt  người  Bí thư  Tỉnh  ủy  rịn  ra. ông  vội  quay mặt sang chỗ khác, rồi ra hiệu cho Sáu Quyên và Ba Thành lên đường. Với  thím  Tư,  Sáu  Sinh  có  quá  nhiều  điều  để  nhớ  và  chịu  quá nhiều ơn huệ. Thời chín năm, khi còn dạy học ở làng Cát, thím Tư là người duy nhất biết Sáu Sinh được tổ chức cử về đây nắm địch, gây dựng phong trào. Hồi ấy Sáu Sinh ốm nhách, lại đau yếu luôn, trái gió trở trời là ôm ngực ho sù sụ. Mỗi lần thấy vậy, Tư Đởn lo lắm. Thím sốt  sắng  lần  lên  Lân  Cồ  lấy  thuốc,  tự  tay  sắc  rồi  sai  anh  em  thằng Thanh, thằng Thành mang sang. Có miếng gì ngon, thím giấu nhịn để, như thím vẫn nói, dành cho thầy giáo sắp nhỏ. Có dạo Sáu Sinh nằm bẹp tới mấy ngày như người cảm hàn; ông lang hành nghề bốc thuốc trên Lân Cồ thím mời về sau khi xem mạch người bệnh, lắc đầu, lạnh lùng buông một tiếng:
- Khó!
Thím Tư hốt hoảng:
- Không còn cách chi sao, thầy?
- Chị đủ tiền bạc theo chăng?
Tư Đởn hoang mang. Thím đào đâu ra tiền bạc! Kiếm đủ để nuôi hai thằng con đã khó... Thím ẩn tiếng thở dài, bối rối nhìn Sáu Sinh hệt giải khoai héo đang nằm trên giường, lại nhìn người thày lang có khuôn mặt bí hiểm vô hồn như khuôn mặt các pho tượng vẫn để nơi đình chùa. Một lát Tư Đởn tuông vào buồng, lục lọi trong chiếc rương gỗ rồi mang ra một hộp nhỏ được bọc kỹ qua nhiều lần vải, mở ra. Đó là đôi khuyên vàng ba má tặng hồi thím lấy chồng. Đôi khuyên từng được Tư Đởn cất giữ, coi như đồ gia bảo.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM