Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:13:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trại Đa-vít (Davis Camp) Sài Gòn  (Đọc 292063 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 12:24:51 am »

    Trong :
        http://www.quansuvn.net/index.php?topic=7235.0
Chúng ta đã được đọc những bài viết, hồi ký của các nhà lãnh đạo và các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đấu tranh ngoại giao trong trại Đa-vít. Mặc dù đã cung cấp 1 lượng lớn thông tin nhưng do chỉ là 1 cuốn sách cho nên nó vẫn chỉ nói được 1 phần nào trong cuộc đấu tranh ngoại giao rất phong phú nhưng cũng đầy cam go ngày ấy.

        Để góp phần làm sáng tỏ và làm phong phú thêm những dữ liệu về trại Đa-vít tôi xin mở topic này mong bạn đọc gần xa ủng hộ, tham gia thảo luận, sưu tầm các tài liệu về trại Đa-vít hoặc trực tiếp viết bài về Đa-vít. Các nguồn tài liệu từ phía VNCH và phía Hoa Kỳ về Đa-vit cũng được hoan nghênh vì hiện nay mảng này đang rất thiếu.

       Do số lượng tham gia trực tiếp trong trại Đa-vít không nhiều ( gần 1000 của cả 2 đoàn VNDCCH và CPLTCHMNVN ) -  không thể sánh được với ( hàng trăm nghìn ) Biên giới Tây Nam hoặc Biên Giới phía Bắc nên rất mong các bác ủng hộ         
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:10:34 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 07:22:03 am »

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=7235.160 phần "DANH SÁCH CÁC HÃNG THÔNG TẤN, VÔ TUYÊN TRUYÊN HÌNH, ĐÀI PHÁT THANH, BÁO NƯỚC NGOÀI CÓ ĐẠI DIỆN TẠI SÀI GÒN ĐÃ DỰ CÁC CUỘC HỌP BÁO CỦA TATRONG THỜI GIAN 1973 - 1975" không hiểu tại sao không hề có các hãng thông tấn của Liên Xô, Trung Quốc đến dự ? Các nước XHCN khác cũng không thấy có đại diện đến dự ( trừ Hung-ga-ri và Ba-lan là 2 nước nằm trong Ủy ban Quốc tế ). Chả nhẽ chúng ta không còn được sự ủng hộ rộng rãi của Quốc tế nữa sao ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 04:15:46 am »

   
Trại Đa-vít: Trận địa cách mạng giữa sào huyệt địch

        Nhận định về vai trò của trại Đa-vít, trong cuốn sách "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Cũng có thể coi đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị - quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch…".
 
Giữa hang ổ địch

        Trại Đa-vít vốn là doanh trại của một đơn vị chuyên môn thuộc không quân Mỹ. Người Mỹ đặt tên này để tưởng niệm người lính Mỹ đầu tiên chết trận tại miền Nam Việt Nam. Trại ở gần sát phía Tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, phía Tây giáp với nhà ga sân bay hiện nay (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nằm trong khu vực quân sự. Việc lấy một trại lính làm trụ sở hai phái đoàn quân sự của ta đã nói rõ ý đồ của đối phương, muốn cô lập, không để người dân Sài Gòn tiếp xúc với phái đoàn ta.
 
        Khuôn viên trại Đa-vít như hình thang có đáy và cạnh không đều, chiều rộng nhất khoảng 200m, cạnh ngắn nhất 100m. Trại được xây dựng kiểu dã chiến, theo từng dãy nhà gỗ, nền đất nện và bê tông, lợp phi-brô xi măng, trang thiết bị bên trong từ giường, ghế, bàn, tủ đều bằng sắt, hàng rào vòng trong là lưới sắt. Buổi trưa, trời nắng nóng như nung, cộng với tiếng động cơ máy bay lên xuống cứ 5 phút 1 chuyến cất và hạ cánh, khiến môi trường sống rất căng thẳng.
 
        Bất chấp mọi khó khăn và thủ đoạn của địch, từ tháng 1-1973 đến ngày 30-4-1975, hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã kiên cường bám trụ tại trại Đa-vít để đấu tranh. Trại được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, được pháp lý của Hiệp định Pa-ri thừa nhận, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch. Hoạt động của hai phái đoàn ta đã góp phần đặc biệt xuất sắc phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi nước ta, đánh cho quân ngụy sụp đổ hoàn toàn ngay trong sào huyệt của chúng.
 
Những người lính có văn hóa

        Trước những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cùng những mưu ma chước quỷ của kẻ địch, những chiến sỹ cách mạng vừa giữ vững khí tiết của người lính Cụ Hồ, vừa chứng tỏ với thế giới rằng họ là những người có tầm văn hóa cao. Đại tá Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), Trưởng ban Liên lạc CLB Ban Liên hợp quân sự "Trại Đa-vít", khu vực phía Bắc, nguyên là Trưởng ban Bảo vệ an ninh của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, nhiều nhà báo và sỹ quan của đoàn Hung-ga-ri và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát (ICCS) việc thi hành Hiệp định Pa-ri đã phải thốt lên: "Chỉ có mỗi đạo quân này chịu đựng được như thế". "Chúng tôi ngày đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", Đại tá Bình nói. Nguyên nhân sâu xa của chiến thắng trong lòng địch là bởi họ là những người lính có văn hóa.
 
        Từ chiến trường khốc liệt với tiếng súng, tiếng bom, họ bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu về ngoại giao quân sự xung quanh những vấn đề quan trọng đầu tiên của Hiệp định Pa-ri. Thứ nhất, vấn đề ngừng bắn và vấn đề quân Mỹ, quân chư hầu của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Thứ hai, trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và bị giam giữ.
 
        Những chiến sĩ cách mạng công khai giữa lòng địch, dù cuộc sống bị giới hạn bởi hàng rào dây thép gai tứ phía, 13 vọng gác xung quanh, vẫn rất lạc quan, yêu đời. Họ sống có kỷ luật, trật tự và sạch sẽ. Những hoạt động rèn luyện cơ thể, tinh thần như thể dục thể thao (bóng bàn, bóng chuyền, ten-nít), ca nhạc, chiếu phim được duy trì đều đặn. Thậm chí có đợt bị cắt liên lạc, tiếp tế lâu ngày, không có phim mới để thay thế, đến buổi chiếu phim thì người phụ trách chiếu phim nói rõ ràng, hôm nay chiếu "Trần Quốc Toản "lại" ra quân".

        Dù bị đối xử bằng những lời lẽ và hành vi thô bạo, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn cư xử lịch sự, nói năng đúng mực với mọi người xung quanh, từ những người phục vụ, người làm vệ sinh, người đưa hàng… đến những nhà báo nước ngoài, các sỹ quan Hung-ga-ri, Ba Lan, Ca-na-đa... Việc tổ chức những cuộc họp báo đàng hoàng, chững chạc đã khiến các nhà báo của hơn 80 hãng thông tấn, truyền hình, phát thanh, báo in, tạp chí nổi tiếng trên thế giới có mặt ở Sài Gòn khi đó nể phục và tôn trọng.
 
        Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên là sỹ quan liên lạc của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã từng có mặt tại trại Đa-vít kể lại, trong những buổi họp báo vào những dịp lễ, tết, đoàn ta thường tặng hoa cho các nhà báo nữ. Họ đã rất ngạc nhiên khi biết đó là hoa do chính những người lính cộng sản trồng. Đại tá Kỳ cho biết, ở trại Đa-vít, hai đoàn ta trồng nhiều loại cây, phần để cải thiện cuộc sống, phần để tạo môi trường. Các loại hoa như lay ơn, đồng tiền, hồng, cúc… được trồng bằng giống hoa làng Ngọc Hà (Hà Nội) đưa vào. Thậm chí, họ còn trồng các loại cây chuối, cam, chanh… nhiều loại đã cho quả; mít thì đã cao hơn 2m vào ngày giải phóng.
 
        Do đối phương liên tục gây khó khăn cho CBCS đoàn ta, thậm chí không cấp nước sinh hoạt, bộ đội ta tại trại Đa-vít đã chủ động đào giếng lấy nước.
        Trong ảnh: Thiếu tướng, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Hoàng Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) đang chỉ cho Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Cộng hòa trong BLH Quân sự hai bên  xem giếng do bộ đội ta đào.



Mưu trí giành chiến thắng

        Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá: "Nếu như Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Pa-ri cũng là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt".
 
        Trong suốt 823 ngày đêm đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt của địch, với lòng quả cảm, các chiến sỹ cách mạng đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa của Tổ quốc Việt Nam, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, dũng cảm, mưu trí, chủ động tấn công địch. Đồng thời, hai phái đoàn đã thể hiện sự khôn khéo, nhạy bén, mềm dẻo theo phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
 
        Dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh cách mạng, dựa vào pháp lý của Hiệp định Pa-ri, được thắng lợi giòn giã của quân và dân ta trên chiến trường cổ vũ, những chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao quân sự, mà tiêu biểu là các chiến sỹ tại trại Đa-vít, đã đấu tranh sắc sảo, chiến thắng kẻ thù và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực đấu tranh buộc quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29-3-1973; buộc địch phải trao trả những cán bộ, chiến sỹ của ta bị địch bắt và một số nhân viên dân sự - những cán bộ chính trị, cơ sở cách mạng của ta. Đại tá Vũ Nam Bình nói, hai phái đoàn của ta cũng đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn và mọi hành động phá hoại Hiệp định Pa-ri một cách có hệ thống của Mỹ, ngụy trước dư luận trong nước và thế giới.

        Trại Đa-vít trở thành một biểu tượng sáng ngời của tư tưởng cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.

        Nguồn : http://www.hanoimoi.com.vn/vn/35/205691/
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 10:37:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 04:42:58 am »

   
Những chiến sĩ Công an trên mặt trận ngoại giao

        Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, trong những người có thâm niên lâu nhất ở Trại Đa-vít, kể về chuyến đưa đoàn Ba Lan, Hungari trong Ban Giám sát quốc tế gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình. Đêm ngủ ở Huế, các cán bộ trong đoàn Hungari đưa ông về ngủ cùng. Họ nói: "Chúng tôi sẽ bảo vệ đồng chí!".

         Ngày 30/4, trong không khí tưng bừng kỷ niệm về ngày chiến thắng lịch sử của nhân dân cả nước, tại một góc phố nhỏ và khiêm nhường nằm ven hồ Tây đã diễn ra buổi gặp gỡ tri ân của gần 300 cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an, Ngoại giao… từng kề vai sát cánh trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên thi hành Hiệp định Pari từ cuối tháng 1/1973 đến ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.

        823 ngày đêm sống trong Trại Đa-vít (doanh trại của một đơn vị chuyên môn thuộc không quân Mỹ), đấu tranh với địch trên mặt trận quân sự, ngoại giao cam go.

        Trong buổi gặp mặt hôm nay đã có thêm 149 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 58 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng Kỷ niệm chương vì có thành tích đóng góp vào việc thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam.

        58 cán bộ của lực lượng Công an được Bộ Ngoại giao trao tặng Kỷ niệm chương hôm nay chỉ là một con số nhỏ và chắc chắn chưa dừng lại ở đó. Bởi hơn 30 năm toàn thắng, người còn, người mất, người bị thất lạc, nhưng ký ức về một thời làm công tác đấu tranh ngoại giao vẫn còn tươi nguyên trong những người lính.

Cán bộ, chiến sĩ Công an ôn lại những kỷ niệm hồi chiến đấu tại Trại Đa-vít

         Đại tá Đào Tâm Châu, nay là Phó Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an tâm sự: Hồi đó ông mới 24 tuổi, được lệnh của Bộ Công an là đi ngay cùng đoàn Liên hợp quân sự bốn bên vào Kon Tum làm phiên dịch.

        Phiên dịch là đấu tranh, là phải tìm từng chữ thể hiện tư thế của người chiến thắng, của chính nghĩa Việt Nam trước kẻ thù. Sau này ông còn được Bộ Công an cử sang Mỹ nhiều lần để hợp tác chống khủng bố, tìm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

        Còn Đại tá Nguyễn Viết Sành, nguyên Phó Cục trưởng A18, Bộ Công an (cũng được giao nhiệm vụ phiên dịch và lễ tân) khi kể chuyện cho chúng tôi nghe, giọng ông như nghẹn lại vì năm 1972, Mỹ đánh bom vào Mễ Trì, Từ Liêm (Hà Nội) đã cướp đi cuộc sống của mẹ đẻ, bốn người con của ông, vợ ông thì bị thương nặng.

        Năm 1973, ông vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới tại Trại Đa-vít mà nỗi buồn riêng tư đè nặng, nhưng gạt tình riêng, nén nỗi đau vào lòng, Đại tá Sành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Còn Đại tá Hoàng Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Tổng cục An ninh bồi hồi nhớ về những ngày nằm ở Trại Đa-vít với quân hàm trung uý quân đội, ra đi để dấn thân vào tận sào huyệt của kẻ địch mà lòng dâng tràn niềm tin tưởng vào thắng lợi ngày mai. Anh vô cùng xúc động khi nhận được giấy mời đến nhận Kỷ niệm chương.

       Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ này có Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND. Ông có lẽ là một trong những người có thâm niên lâu nhất ở Trại Đa-vít.

        Hồi ấy khi đang công tác ở Ban An ninh Khu VI thì ông được Bộ Công an điện vào cử tham gia Ban Liên hợp quân sự với tư cách là sỹ quan liên lạc.

        Theo ông, ngay từ tháng 10/1972, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chủ động triệu tập một lớp cán bộ có năng lực và năng khiếu ngoại ngữ, khẩn trương cho học thêm ngoại ngữ để chuẩn bị vào Nam nhận nhiệm vụ trong Ban Liên hợp quân sự.

        Từ tháng 2/1973 đến tháng 11/1973, Thiếu tá liên lạc Nguyễn Đức Minh ở hẳn trong Trại Đa-vít.

        Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh còn ấn tượng mãi chuyến đưa đoàn Ba Lan, Hungari trong Ban Giám sát quốc tế từ Tân Sơn Nhất ra Quảng Trị gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình.

        Biết địch gây khó khăn, đêm ngủ ở Huế, các cán bộ trong đoàn Hungari đã tìm cách đưa ông về ngủ cùng. Họ bảo: "Tất cả chúng tôi sẽ bảo vệ đồng chí!".

        Thiếu tướng tâm sự: "Đây là quãng thời gian ngắn nhưng để lại nhiều dấu ấn cho chúng tôi. Anh em cán bộ Công an như tôi vừa chiến đấu ở rừng ra, được cấp trên điều đi đấu tranh quân sự ngoại giao ngay giữa sào huyệt của kẻ thù.

        Khó khăn, hy sinh gian khổ nhiều lắm, nhưng gặp được một số anh em ở miền Bắc vào và đặc biệt là tình nghĩa bạn bè quốc tế dành cho ta rất tốt, chúng tôi nhận thấy ngay sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an. Chỉ nghĩ đến điều đó là lòng chúng tôi lại náo nức hướng về ngày chiến thắng".

        Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh băn khoăn, cuộc gặp mặt hôm nay còn vắng nhiều anh em, nhất là số chiến sỹ ở đoàn B (số cán bộ ở miền Nam), do nhiều lý do chưa về gặp mặt kịp.

        Ông mong mỏi, thời gian tới, Ban Liên hợp quân sự Trại Đa-vít sẽ có thêm nhiều thành viên mới, để những buổi gặp mặt cùng được sum vầy, được ôn lại một thuở dâng hiến tô thêm truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND…

 Nguồn: http://ca.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoi/tintucsukien/2006/7/103493.cand
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 04:46:10 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 04:54:41 am »

   
Công tác bảo vệ an ninh Trại Davis thời kỳ 1973 - 1975

        Đầu tháng 2/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây gọi tắt là phái đoàn ta) có mặt tại “Trại Davis” trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

        Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam theo phương châm “Mỹ cút, ngụy nhào”.

        Giữa sào huyệt của địch, phái đoàn ta đã hiên ngang, kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ - ngụỵ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đóng góp vào thắng lợi đó, công tác bảo vệ  an ninh có vai trò rất lớn. Trưởng ban Bảo vệ an ninh của phái đoàn ta ở Trại Davis năm ấy là đồng chí Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), năm nay 82 tuổi. Với sức khỏe và trí nhớ hiếm thấy của một người ở tuổi thượng thọ, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi quanh vấn đề bảo vệ an ninh cho phái đoàn ta ở Trại Davis...

        Hiệp định Paris. Giữa sào huyệt của địch, phái đoàn ta đã hiên ngang, kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ-ngụỵ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đóng góp vào thắng lợi đó, công tác bảo vệ  an ninh có vai trò rất lớn. Trưởng ban Bảo vệ an ninh của phái đoàn ta ở Trại Davis năm ấy là đồng chí Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), năm nay 82 tuổi. Với sức khỏe và trí nhớ hiếm thấy của một người ở tuổi thượng thọ, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi quanh vấn đề bảo vệ an ninh cho phái đoàn ta ở Trại Davis...

Mưu sâu của địch...

        Theo thỏa thuận giữa hai bên, 9h sáng 28/1/1973, phía Mỹ sẽ đưa trực thăng tới sân bay Thiện Ngôn (bắc Tây Ninh, do ta kiểm soát) để đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLT do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn vào Trại Davis. Vốn là người thận trọng, đồng chí Trần Văn Trà gọi chúng tôi tới trao đổi: “Cần hết sức cảnh giác, đề phòng với những thủ đoạn của Mỹ - ngụy phá hoại việc thi hành Hiệp định, kể cả việc địch có thể tấn công vào các đoàn đại biểu ta”. Với vai trò Trưởng ban Bảo vệ an ninh, tôi đề xuất: “Để bảo đảm an toàn, đoàn ta chưa nên ra điểm hẹn. Đề nghị anh cho một tổ trinh sát đi tiền trạm”.

        Đúng như nhận định của đồng chí Trần Văn Trà, đúng giờ hẹn, xuất hiện 2 chiếc máy bay lượn vòng rồi trút hàng loạt bom xuống điểm đón đoàn ta! Nhờ cảnh giác, phía ta không thiệt hại về người. Phái đoàn ta ra thông cáo kịch liệt phản đối hành động đê tiện này và yêu cầu Mỹ - ngụy phải đón đoàn tại sân bay Lộc Ninh, nơi Mỹ - ngụy đã chịu nhiều thảm bại, trong đó toàn bộ Ban chỉ huy Chiến đoàn 8 của ngụy bị ta bắt làm tù binh.

       Để xoa dịu dư luận sau vụ ném bom hèn hạ bị tố cáo, Mỹ - ngụy buộc phải chấp nhận yêu cầu của phái đoàn ta. Sau khi hai phái đoàn ta vào Trại Davis, Ban bảo vệ an ninh tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an ninh và chính trị nội bộ, vốn đã được xây dựng chu đáo từ vài tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng tôi thu được một số thiết bị điện tử địch cài trong các phòng họp, phòng làm việc, thậm chí cả phòng ngủ... Chúng tôi buộc phải xây dựng mới nhiều phòng làm việc bằng vật liệu sẵn có.

        Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi biết địch có kế hoạch rất chi tiết nhằm theo dõi, kiểm soát hoạt động của đoàn ta. Địch sẽ triệt để khai thác sơ hở của ta, dùng tâm lý chiến móc nối, lôi kéo, thậm chí bắt cóc người của ta rồi khống chế, vu khống là chiêu hồi, về với “chánh nghĩa quốc gia”! Hầu hết các nhân viên tạp vụ, lái xe, điện nước... đều là người của cơ quan an ninh, tình báo ngụy cài vào “phục vụ” phái đoàn ta.

Một số cán bộ bảo vệ an ninh tại Trại Davis - Tân Sơn Nhất thời kỳ 1973-1975
 (đồng chí Vũ Nam Bình đứng thứ 3 từ trái qua).

        Sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Văn Học, nguyên Đại tá, Trưởng phòng phản tình báo Cục An ninh quân đội ngụy, đã khai nhận đúng như vậy. Chúng có kế hoạch tình báo hỗn hợp để “đánh vào hai phái đoàn Việt Cộng và Bắc Việt”. Địch cho rằng, những thành viên của hai phái đoàn ta chắc chắn đã được lựa chọn rất kỹ, hầu hết là những “phần tử trung kiên” nên không dễ dàng bị lôi kéo.

        Song có thể, một số thành viên của phái đoàn có người thân thích, ruột thịt đang làm việc cho địch, hoặc sống tại vùng địch kiểm soát. Hơn nữa, sau bao năm gian khổ kháng chiến, giờ được sống giữa thành phố Sài Gòn, biết đâu sẽ có người dao động trước những cám dỗ...

        Nguyễn Văn Học còn khai thêm những âm mưu, thủ đoạn hết sức manh động và hèn hạ của các cơ quan an ninh, tình báo ngụy. Trong trường hợp chiến trường có những đột biến bất lợi, chúng sẽ đầu độc nguồn nước, thực phẩm; bắt cóc lãnh đạo phái đoàn ta; thậm chí cho bọn lưu manh, côn đồ khiêu khích và kiếm cớ tấn công vào trại tàn sát phái đoàn ta.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 06:15:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 05:09:59 am »

   
... Đụng phải những “bức tường thép”

       Song với bản lĩnh của từng thành viên trong phái đoàn ta và nghiệp vụ dày dạn của các cán bộ làm công tác an ninh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều gặp phải những “bức tường thép”. Địch thường nhắm đến các sĩ quan trẻ của ta để tác động, lôi kéo; vì chúng cho rằng họ còn ít kinh nghiệm và chưa được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu. Hôm ấy, nhân giờ giải lao của cuộc họp bàn về trao trả tù binh, viên Thiếu tá ngụy Đinh Công Chất (Tiểu ban trao trả) lại gần một thiếu úy trẻ của ta làm quen.

        Khi câu chuyện đã bớt khách khí, viên sĩ quan ngụy chặc lưỡi và nheo mắt nửa đùa, nửa thật: “Sang với tụi này đi, sung sướng lắm; đủ cả các mùi, các vị...”. Đồng chí thiếu úy trẻ của ta quắc mắt, đốp trả: “Này, chiến tranh tâm lý kiểu gì đấy? Có mà vứt vào sọt rác thôi!”. Tên Chất tẽn tò, vội chuồn thẳng.

        Còn viên Đại tá ngụy Dương Đình Thụ thì hỏi với giọng điệu rất ngạo mạn và khiêu khích một đại úy của phái đoàn ta: “Này Đại úy, cấp trưởng các tiểu ban bên tôi đều là đại tá, cấp trưởng các tiểu ban bên anh thì toàn trung tá. Chênh lệch cấp hàm và  trình độ như thế, tôi thấy khi ngồi họp rất bất tiện...?”.

        Đồng chí đại úy của ta dõng dạc đối lại: “Tôi xin trao đổi với ông hai vấn đề. Thứ nhất, ngay cả Tổng thống của các ông cũng không so sánh được với chiến sĩ của chúng tôi đâu. Tổng thống của các ông là kẻ bán nước, còn chiến sĩ chúng tôi là người bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, hiện giờ chỉ huy cấp sư đoàn của chúng tôi hầu hết là trung tá, thượng tá. Nhưng thưa ông Đại tá, qua thực tế chiến trường, nhiều sư đoàn tinh nhuệ do những sĩ quan chỉ huy cấp tướng của các ông cầm quân, lại có sự giúp sức của cố vấn Mỹ, song đều bị chúng tôi đánh cho tơi tả. Vì vậy, đại tá của các ông cũng không so với trung tá của chúng tôi được”.

        Khẩu khí của một đại úy “Việt Cộng” khiến Đại tá Dương Đình Thụ tái mặt và phải lánh đi nơi khác. 

        Sau ngày 30/4/1975, viên Đại tá, Trưởng phòng phản tình báo ngụy Nguyễn Văn Học khai: “Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Tất cả những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra; khiến những sĩ quan có hạng của chúng tôi cũng phải lắc đầu...”.

Những nữ chiến sĩ quân giải phóng có mặt tại trại Davis tháng 2/1973
 (ảnh thu được sau giải phóng miền Nam của cục An ninh quân đội nguỵ).

Câu chuyện cảm động về tình ruột thịt giữa hai người khác chiến tuyến

        Trong số các nhân viên điện - nước của địch tại Trại Davis, có một sĩ quan công binh mang quân hàm thiếu tá, tên là Bùi Thiện Khiêm, chừng hơn 30 tuổi. Khiêm tỏ ra mẫn cán, nhiều lần kiểm tra hoạt động của hệ thống điện - nước và đến được những nơi “cần đến” trong Trại Davis. Nhưng có điều đáng nghi ngại, mỗi khi gặp ai trong phái đoàn ta, Khiêm nhìn người đó rất lâu...

        Được báo cáo việc này, tôi tạo ra một tình huống ngẫu nhiên để gặp Khiêm, thì thấy đúng như thông tin được phản ánh. Anh em bảo vệ an ninh hội ý và thống nhất nhận định: Phải chăng, Khiêm có người quen trong phái đoàn của ta. Có thể lúc Khiêm còn nhỏ, cha hoặc anh trai của Khiêm đi tập kết, nay cũng có mặt trong phái đoàn...

        Tôi tập trung rà soát toàn bộ danh sách phái đoàn thì phát hiện một người có họ, tên đệm trùng khớp với Khiêm; xét về tuổi tác thì có thể là anh trai của Khiêm. Người này tên Bùi Thiện Hùng, làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga cho đoàn ta khi làm việc với đoàn Hungary và đoàn Ba Lan (trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Paris).

        Quả nhiên hôm ấy, sau một phiên họp, khi phái đoàn ta tiễn đoàn Hungary và đoàn Ba Lan ra về, thì bất ngờ Bùi Thiện Khiêm xuất hiện và – có lẽ vì quá xúc động, không thể kìm nén được – đã chạy ào về phía đoàn ta, ôm chầm lấy đồng chí Hùng rồi kêu lên: “Ối anh Hùng ơi, em là Khiêm đây!”. Hai anh em họ ôm chặt lấy nhau và trào nước mắt, khiến những người chứng kiến không khỏi bùi ngùi.

        Đồng chí Hùng sau đó đã báo cáo đầy đủ về mối quan hệ với người em trai. Khi đồng chí Hùng ra Bắc tập kết, Bùi Thiện Khiêm mới trên dưới 10 tuổi. Gần 20 năm, anh em họ mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi tôi báo cáo việc này, đồng chí Trần Văn Trà trầm ngâm giây lát và nhận định: “Việc này cũng bình thường thôi, đó là vì chiến tranh. Ta cứ cho anh em họ gặp nhau thêm; nhưng phải xin ý kiến cơ quan nghiệp vụ cấp trên”.

        Được sự đồng ý của cấp trên, tôi đã bố trí cho hai anh em họ gặp nhau. Trong cuộc gặp ấy, đồng chí Hùng với tư thế của người chiến thắng, đồng thời là người anh trai đã dành cho đứa em ruột những tình cảm chân thành. Sau khi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và những người thân, đồng chí Hùng nhắc nhở Khiêm, đại ý: Gia đình mình có truyền thống tốt, chưa làm gì hại đến Tổ quốc, bản thân em phải ghi nhớ và thực hiện điều đó...

        Cuối cùng, đồng chí Hùng nhắc Khiêm phải làm tốt việc bảo đảm điện nước phục vụ phái đoàn. Sau này, qua đánh giá tình hình thực tế, chúng ta quyết định không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sử dụng Bùi Thiện Khiêm. Phần đồng chí Hùng, sau ngày giải phóng miền Nam đã vào TP HCM tiếp tục công tác và đoàn tụ với gia đình.

        Có mặt 823 ngày đêm tại Trại Davis (từ 28/1/1973 đến 30/4/1975), phái đoàn quân sự Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao, quân sự, đấu tranh bảo đảm việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam.

        Vào lúc 9h30' ngày 30/4/1975, đồng chí Phạm Văn Lãi cùng đồng chí Cẩn, hai thành viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis đã cắm lá cờ của Cách mạng lâm thời giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh tháp nước của trại –  một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên tung bay trên thành phố mang tên Bác trong ngày Chiến thắng 30/4/1975.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2009/6/69307.cand
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 06:16:00 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 05:25:02 am »

   
Chiếu phim trong trại Davis, Sài gòn

        Chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ của Phòng điện ảnh (có mật danh là B8) thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam  (Cục Chính trị B2).

        Như những thành viên khác của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN - Đoàn B), chúng tôi từ Lộc Ninh vào trại Davis bằng máy bay trực thăng của Mỹ. Tổ chiếu phim gồm 4 thành viên: Anh Trần Trung Đệ quê Bến Tre, anh Nghiệp quê Khánh Hòa, anh Nguyễn Cảnh Hòe quê Nghệ An. Các anh được đi trước, còn tôi là Phạm Văn Lãi, quê Thái Bình vào sau.

        Trại Davis (Sài Gòn) vốn là doanh trại cũ của đơn vị thuộc Tập đoàn Không quân số 7 Mỹ. Khi mới đến đây thật khủng khiếp... khắp nơi nhan nhản tạp chí, sách báo, tranh ảnh lõa lồ...

        Ổn định xong nơi ăn ở, chúng tôi bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ. Các buổi chiếu phim của chúng tôi không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà còn cả những người là lái xe cho các phái đoàn, nhà thầu cung cấp lương thực, thực phẩm và phóng viên của hơn 80 tờ báo, tạp chí trong nước, ngoài nước khi vào dự họp báo (trong số phóng viên đó, nhiều người là tình báo an ninh, mật vụ của Mỹ và quân đội Sài Gòn).

        Những tối thứ tư, thứ bảy hàng tuần, chiếu phim phục vụ đơn vị ở ngoài trời còn có thêm những người xem bên kia hàng rào. Họ là lính gác xung quanh khu vực trại Davis, trên các chòi canh, các ụ súng đang chĩa nòng vào chỗ ở của hai phái đoàn ta. Tuy hơi xa nhưng họ xem phim được vì màn ảnh khá rộng và có loa phóng thanh công suất lớn...

        Chúng tôi còn phục vụ cả những “khán giả đặc biệt” nữa.

        Hôm đó là ngày 6/2/1973, gần tối, một thiếu tá Mỹ trong bộ phận sĩ quan liên lạc dẫn vào trụ sở hai đoàn ta 7 lính Mỹ của một đơn vị thông tin. Số lính Mỹ này vào làm giấy “chứng minh thư” cho các thành viên của ta trong Ban Liên hợp quân sự 4  bên. Họ chụp ảnh chân dung từng người, đánh máy họ tên, cấp bậc, đơn vị và bọc nilon.

        Rất nhanh, chỉ vài phút là hoàn chỉnh một chiếc vì mẫu đã được in sẵn theo thỏa thuận của các đoàn. Viên thiếu tá sĩ quan liên lạc của Mỹ sau khi bàn giao 7 người lính này thì ra về. Số ở lại người cấp bậc cao nhất là hạ sĩ, tuổi mười chín, đôi mươi. Có 2 người da đen, 5 da trắng. Họ mới từ Hawaii sang Việt Nam.

        Trông những người lính Mỹ này không thấy vẻ hung hãn man rợ như bọn lính đi càn quét vào các xóm làng, vào căn cứ cách mạng của ta. Họ vui vẻ làm việc, ánh đèn Plasma của máy ảnh liên tục lóe sáng. Tiếng lách tách của chiếc máy đánh chữ Opstima làm cho hội trường nhộn nhịp hẳn lên.

        Ngoài cửa hội trường, chúng tôi căng phông để tối chiếu phim. Một lính Mỹ có cấp bậc hạ sĩ đến gặp đồng chí sĩ quan liên lạc của ta, mạnh dạn đề nghị cho phép họ lần lượt đứng dưới ảnh Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm. Được phép, cả 7 người lính Mỹ, từng người đứng nghiêm trang, vẻ mặt kính cẩn dưới bức ảnh lãnh tụ kính yêu của chúng ta để cho bạn mình chụp ảnh.

        Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ ta đến chụp ảnh làm “chứng minh thư” ai nấy trên ngực áo mình đều có huy hiệu Bác Hồ. Một lính Mỹ da đen, cấp hạ sĩ, sau nhiều lần lưỡng lự đã mạnh dạn hỏi xin tấm huy hiệu Bác Hồ. Các đồng chí ta vui vẻ đồng ý ngay, từng người tự gỡ huy hiệu của mình và tặng  những người lính Mỹ. Thế là, cả 7 lính Mỹ mỗi người được tặng một huy hiệu Bác Hồ. Họ vui sướng tự tay cài huy hiệu lên ngực và nhờ bạn chụp cho một tấm ảnh có đeo tấm huy hiệu của Bác. Chụp xong, họ gỡ huy hiệu ra, lấy bọc cẩn thận và cất vào túi áo mình. Một người lính bỗng hô to: “Việt Nam, Hồ Chí Minh” cả tốp lính Mỹ cùng đồng thanh hô theo.

        Giờ chiếu phim đã đến. Hôm ấy, chúng tôi phục vụ đơn vị hai cuộn phim. Một cuộn phim tài liệu “Bác Hồ với thiếu nhi” và cuộn phim vũ kịch  “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Người xem đến ngồi trước sân hội trường, họ bê ghế ra ngoài và ngồi gần bên máy chiếu. Các đồng chí lãnh đạo hai đoàn ngồi hàng ghế trên, anh em trẻ ngồi bệt trên dép cao su ở phía trước.

        Tốp lính Mỹ đang làm việc trong hội trường thấy phim đã chiếu, hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trên màn ảnh, nói với đồng chí phiên dịch: “Cho chúng tôi thay nhau ra xem phim được không”. Họ đứng bên cạnh máy chiếu và nghe lời thuyết minh phim qua đồng chí phiên dịch của ta.

        Chúng tôi cảm thấy vui vì hôm nay phục vụ cho những khán giả "đặc biệt" này. Bảy lính Mỹ chăm chú xem phim. Khi hình ảnh một cháu bé đưa bàn tay xinh xắn vuốt chòm râu bạc của Bác, Người cúi xuống hôn cháu xuất hiện trên phông, cả tốp lính Mỹ lúc ấy đều hết sức ngạc nhiên.

        Viên hạ sĩ da đen nói như để mọi người xung quanh cùng nghe: “Ông già Noel của Việt Nam”. Buổi chiếu phim tối hôm đó thật nhiều ý nghĩa. Những người lính Mỹ kia sau khi xem hai bộ phim của Việt Nam và được tặng tấm huy hiệu Bác Hồ, chụp ảnh lưu niệm dưới bức chân dung của Người và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vô cùng phấn khởi.

        Những ngày đầu xuân 1975, toàn đơn vị được phổ biến phải khẩn trương chuẩn bị chiến đấu.

        Ngày 28 và 29/4/1975, tiếng pháo 130 ly đã nổ rất gần Sài Gòn. Đại quân của chúng ta không còn cách xa nữa. Pháo binh từ Nhơn Trạch đã trút xuống Tân Sơn Nhất, đường băng bị phá nát, cày xới thành những hố sâu, máy bay địch không thể lên xuống sân bay này.

        Sáng 30/4/1975, đã nghe rõ tiếng nổ của súng AK của bộ binh ta.

        Vào khoảng 9 giờ sáng, đồng chí Mười Sương - Trưởng ban chính trị gọi tôi giao nhiệm vụ trèo lên tháp nước của trại Davis cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đúng 9 giờ 30 phút lá cờ cách mạng tung bay trên điểm cao trại Davis.

        Lát sau, phía đường Hoàng Hoa Thám đã thấp thoáng những chiếc mũ tai bèo tiến về khu vực trại Davis. Tới trại, các đồng chí tự giới thiệu là đơn vị thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vào  giải phóng Sài Gòn. Đồng chí, đồng đội gặp nhau trong những giờ phút chiến thắng hào hùng nhất của dân tộc xúc động không bao giờ quên

Phạm Văn Lãi(kể), Quốc Kỳ (ghi)

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=66218
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 01:35:30 pm »

        Thông tin về 2 đoàn Mỹ và VNCH rất ít ỏi. Sau đây xin trích 1 vài đoạn hồi ký có liên quan tới trại Đa-vít của Dương Hiếu Nghĩa, đại tá Quân lực VNCH : "28 ~ 30/04/1975 Hồi Ký Dang Dở"
       
        " Ngày 28 tháng 4/1975:

        8 giờ sáng,

        Đại Tá Nguyễn Hồng Đài từ tư dinh của Đại Tướng Dương Văn Minh điện thoại trực tiếp cho tôi nhờ đưa một phái đoàn đại diện cho Tổng Thống đến gặp phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng (MTGPMN) ở trại Davis. Phái đoàn gồm có Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng Thống, Luật Sư Vũ Văn Mẫu Thủ Tướng và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền Tham Mưu trưởng QLVNCH từ ngày 28 tháng 4/75.(một bộ hạ thân tín của tướng Dương Văn Minh ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân từ 1955, sau nầy mới được biết là đã làm tay sai cho CS từ đầu thập niên 70 và từ đó đã trở thành một Việt Cộng nằm vùng rất đắc lực của Bắc Việt. ) Khối Ngoại Vụ chúng tôi cho biết là CSBV và Việt Cộng không tiếp phái đoàn, nhưng Đại Tá Đài cho tôi biết là “ông già nhấn mạnh là tôi nên cố gắng, vì cuộc gặp mặt nầy rất quan trọng”. Tôi đành phải đích thân gọi vào trại Davis, gặp Đại Tá Sĩ để điều đình và cuối cùng phái đoàn của Tổng Thống Minh “được đồng ý cho vào trại Davis gọi là để viếng thăm hai phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt và CPLTMN” (nguyên văn lời Đại Tá Sĩ trực tiếp nói với tôi qua điện thoại).

        Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói rõ về anh Đại Tá Sĩ nầy. Tôi biết đưọc anh Nguyễn Văn Sĩ trước học ở trường Collège Cần Thơ, có biệt danh là “Sĩ Kiến”. Theo bản trận liệt mà chúng ta biết được thì anh Sĩ là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh của MTGPMN. Chúng tôi hai đứa gặp nhau và nhìn lại nhau ở cương vị đối nghịch nhau tại bàn hội nghị Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên ở Tân sơn Nhất . Nhờ đó mỗi khi gặp bế tắc trong bất cứ vấn đề gì ở bàn Hội Nghị, nhất là về trao trả tù binh thì anh Sĩ lại được tướng Trần văn Trà cho làm đại diện cho Cộng Sản để “mật đàm với Đại Tá Nghĩa” nhằm tìm ra giải pháp. Đến năm 1989, sau khi ra khỏi trại tù cải tạo, nhân một dịp đi xuống Cần Thơ, tôi lại được gặp anh Sĩ vài lần ở ngay sân quần vợt Cần Thơ, và đươc biết là anh đã rời khỏi quân ngũ từ 1977, vì lý do đảng tịch, và là người Miền Nam nên anh phải “đi một xuồng” với tướng Trà.

        Phái đoàn của Luật Sư Huyền vào trại Davis lúc 9 giở 30 và rời khỏi trại hồi 10 giờ hơn. Tôi tò mò muốn biết kết quả của cuộc gặp gỡ nầy, nhưng Đại Tá Đài không cho biết vì anh không được biết hay vì anh không muốn tiết lộ, hay vì một lý do nào khác? Qua Đại Tá Sĩ thì tôi cũng không được biết gì hơn ngoài câu “như đã thỏa thuận với anh hồi nãy”, tức phải được hiểu ngầm là “chỉ có viếng thăm xã giao mà không có bàn đến các vấn đề gì khác”

        Tò mò hơn, qua điện thoại với trung tá chánh văn phòng Trương Minh Đẩu, tôi được biết là Ông Dương Văn Minh đã “mò” lên tận vùng Long Khánh (không rõ chính xác ở đâu) với liên lạc viên Dương Văn Nhật để gặp Lê đức Thọ từ mấy ngày trước, qua đường dây liên lạc đặc biệt nào đó mà anh không biết.

        (Dương Văn Nhật là em ruột của tướng Minh, tập kết ra Bắc năm 1954, về Nam với quân hàm trung tá của MTGPMN, vào ở ngay Dinh Hoa Lan tại đường Trần quý Cáp với gia đình tướng Minh từ lâu, dĩ nhiên trong nhiệm vụ sĩ quan liên lạc của Cộng Sản .)

        Vẫn theo lời anh Đẩu thì sau khi phái đoàn của ông Nguyễn Văn Huyền về đến Dinh Hoa Lan, ông Minh họp Hội đồng Chánh Phủ và cho biết là MTGPMN đã bác bỏ đề nghị của ông nhằm tìm một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam . Vì vậy ông đã quyết định là “chỉ còn một cách duy nhất là “đầu hàng vô điều kiện” mà thôi.

        4 giờ chiều :

        Tôi muốn nhắc lại ở đây một đoạn đàm thoại ngắn giữa tôi và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ qua điện thoại mà ông gọi tôi lúc 4 giờ chiều ngày hôm nay từ tư dinh của ông ngay trong căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất .

        - Anh còn ở đây chưa đi đâu sao anh Nghĩa ?

        - Thưa thiếu tướng chưa, vì tôi còn trách nhiệm phải lo cho gia đình các anh em quân nhân của Ban Liên Hợp đi cho xong rồi tôi mới đi. Dự trù chiều mai 29 thưa thiếu tướng.

        6 giờ chiều

        Chúng tôi vào D.A.O. đưa một toán 200 người thuộc gia đình sĩ quan và hạ sĩ quan /Ban Liên Hợp Quân sự ra phi cơ trong chương trình di tản (toán thứ 8 ).

        Chờ cho phi cơ cất cánh xong (9 giờ) chúng tôi mới trở về lại Ban Liên Hợp, vẫn phải trực như mọi người và mọi đơn vị.

10 giờ đêm:



        Từ 10 giờ đêm, Bắc Việt bắt đầu pháo kích và bắn hỏa tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất . Ngay ban chiều vào khoảng 7 giờ, họ đã cho một loạt tác xạ điều chỉnh vào khu vực sân bay rồi : tất cả 5,6 quả và 2 hỏa tiễn đều rơi vào khu dân cư ở xóm Trương minh Giảng và Lăng Cha Cà ở bên ngoài khu vực sân bay. Nhưng từ 10 giờ đêm trở đi thì tất cả đạn pháo nặng nhẹ từ 130 ly đến bích kích pháo 82 ly và hỏa tiễn đều rơi vào các đường bay, các ụ chứa phi cơ và các kho bom đạn cũng như Bộ chỉ huy các Không Đoàn. Riêng Ban Liên Hợp chúng tôi cũng được hưởng mấy trái hỏa tiễn và đạn pháo 130 ly làm cho 3 dãy nhà bị cháy và gây tử thương vài binh sĩ, làm bị thương một số khác
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 05:30:40 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 01:36:15 pm »

        Chúng tôi và Đại Tá Ba ra ngoài đường thoát nước lộ thiên bằng xi măng trước văn phòng nằm tránh đạn. Chiếc xe của tôi đậu cách chỗ nằm của chúng tôi chừng 15 thước bị một mảnh đạn và bốc cháy mà chúng tôi không dám chữa. Từ đó, Bắc Việt pháo kích từng chập từng chập cách nhau chừng 15 phút, đủ loại, không ngừng cho đến sáng hôm sau. Hầu như không có phi cơ quan sát hay tiềm kích nào cất cánh lên được suốt đêm nay, và cũng không nghe thấy có tiếng súng phản pháo nào.


        Riêng trại Davis của hai phái đoàn Cộng Sản, cách văn phòng chúng tôi chừng 100 thước, thì không bị một quả đạn nào, tất nhiên đây là vị trí của tiền sát viên Bắc Việt giúp điều chỉnh tác xạ suốt đêm nay thật chính xác, vì trong 2 năm ở đây họ đã nắm rõ từng vị trí trong sân bay nầy rồi !

        Ngày 29 tháng 4:

        9 giờ sáng:

        Chúng tôi qua Phòng họp của Ban Liên Hợp Quân sự không bị trúng đạn pháo, từ đó mới sử dụng được đường dây điện thoại để báo cáo đi các nơi về thiệt hại vật chất và nhân mạng đêm qua..

        Đến 9 giờ sáng thì có một chiếc trực thăng Mỹ (sơn toàn trắng) đáp xuống ngay trước phòng họp để bốc chúng tôi đi. Nhưng không hiểu sao tôi lại không chịu đi . Và tôi cho trực thăng nầy di tản 6 sĩ quan của toán thanh tra ngừng bắn, người Nam Dương .

        Tôi vẫn còn nhớ ơn Đại Tá Abbas, phó trưởng đoàn và trưởng phòng Tình Báo của phái đoàn Nam Dương nầy đã 2 lần đích thân kín đáo trao cho tôi bản đồ trận liệt ghi rõ tiến trình xâm nhập vào Miền Nam của đầy đủ 16 sư đoàn chánh quy bộ binh Bắc Việt và các sư đoàn thiết giáp và sư đoàn pháo binh nặng, vừa được cập nhật vào đầu tháng giêng năm 1975.

        -  Lần đầu ngày 3 tháng giêng 1975. (tôi đích thân mang tay lên trình cho Tổng Thống Thiệu ngày 4 tháng 1, với lời giải thích miệng rất đầy đủ theo đúng tin tức tình báo mà phái đoàn Nam Dương đã sưu tầm rất chính xác và rất đầy đù, (nhưng sau đó tôi đã không thi hành lệnh của Tổng Thống, chỉ vì ông bảo tôi phải mang sang cho Trung Tướng Đặng văn Quang)

        -  Lần thứ hai ngày 1 tháng 3, với chú thích về mục tiêu tiến chiếm dự trù của Cộng Sản là Ban Mê Thuột . Đây là tin tức hết sức chính xác về mục tiêu và thời điểm tấn công của Bắc Việt: tiến chiếm Ban Mê Thuột vào tháng 3/75. Tôi cũng đã mang tay bản đồ và tin tức nầy đến trình cho Tổng Thống Thiệu, nhưng lần nầy thì ông bảo tôi mang sang cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.. Tôi đã y lệnh thi hành. Dĩ nhiên tôi không biết với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Đội và Tổng Tham Mưu Trưởng hai ông đã có quyết định kịp thời về một “đường lối hành động” nào hay không . .

        10 giờ sáng:

        Tôi liên lạc với Đại Tá Nguyệt, Hải Quân, để đưa một số sĩ quan và quân nhân các cấp, khoảng 30 người xuống tàu, di tản theo Hải Quân. Trong số nầy có các Đại Tá Chuân, Đại Tá Đóa,v.v. thuộc Khối Nghị Hội / Ban Liên Hợp. Số anh em sĩ quan và nhân viên còn lại của Ban Liên Hợp, chúng tôi dự trù cũng sẽ xuống luôn bến Bạch Đằng khoảng 12 giờ trưa sau khi thu xếp việc tản thương xong cho một số anh em quân nhân và nữ trợ tá xã hội tử thương và bị thương đêm qua .

        11 giờ 30 sáng:

        Chúng tôi nghe thấy có tiếng súng liên thanh từ dưới đất bắn lên các phi cơ đang cố gắng cất cánh khỏi phi trường. Anh em cho biết là chiếc xe jeep mui trần có gắn liên thanh 12 ly 7 của đại úy Quân Cảnh / phi trường đang nằm ngay giữa các phi đạo bắn lên bất cứ loại phi cơ và trực thăng nào muốn cất cánh rời khòi phi trường. (sau ngày 30/4, đích thân tôi gặp đại úy Quân Cảnh nầy, mang súng lục đang đứng gác ngay tòa nhà Quốc Hội ở đường Tự Do. Thì ra đây là một tên Cộng Sản nằm vùng đã nhận lệnh của Cộng Sản từ trại Davis trong công tác ngăn chận không cho phi cơ cất cánh từ khuya ngày 29 tháng 4.)

        8 giờ 30 tối:

        Các trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ồ ạt đáp xuống D.A. O. (Phòng Tùy viên Quân Lực Mỹ) ở ngay phía sau lưng tòa nhà chánh của Bộ Tổng Tham Mưu để bốc người Mỹ theo đúng tiến trình hành quân di tản của Hoa Kỳ . Không có một tiếng súng nhỏ lớn hay hỏa tiễn phòng không nào của Bắc Việt từ dưới đất bắn lên, điều nầy cho thấy rõ là giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt đã có một mật ước nào đó rồi cho thời gian và lộ trình di tản của Hoa Kỳ ."
Nguồn : http://ongvove.wordpress.com/2009/04/28/28-30041975-qua-c%E1%BB%B1u-d%E1%BA%A1i-ta-d%C6%B0%C6%A1ng-hi%E1%BA%BFu-nghia/
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Bảy, 2009, 05:31:47 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 07:29:06 pm »

Em xin phép khoe sách tí  Grin:

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM