Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:25:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lời thú nhận muộn mằn  (Đọc 35225 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2009, 01:04:03 pm »


18 tháng sáu năm 1954... 18 tháng sáu 1940, lời kêu gọi của tướng De Gaulle... Lời kêu gọi ấy giúp ích gì cho chúng tôi đây? Chúng tôi được triệu tập đến một cuộc thao diễn lớn... Tất cả các tù binh của mọi trại giam được tập trung lại, chúng tôi đi diễu hành trước các ống kính quay phim của người Nga. Thật là một cảnh thê thảm! Tôi nắm chặt hai nắm đấm. Ở nước Pháp, chắc chắn là họ bất cần và đang chuẩn bị kỳ nghỉ hè của họ. Nước Pháp đáng thương, vô tư lự, bị đánh bại năm 1940, những đứa con trai của Người, có lẽ là những đứa con ưu tú nhất, lại một lần nữa, sống lạc lõng giữa rừng rậm của cái xứ Bắc Kỳ này.

Tôi gặp lại ở đây những người anh em bị bắt làm tù binh từ nhiều năm nay, đức cha Jeandel, người bị bỏ lại trên đoạn đèo ở Tú Lệ, cậu Martial trung thành của tôi, người đã trốn trại giam nhiều lần, bị bắt lại và hẳn chỉ nặng tối đa bốn mươi kilô. Một vài hạ sĩ quan, họ đến ôm hôn tôi và tay trung úy Allaire nhỏ nhắn của tôi... “Allaire, lẽ ra cậu đã có thể trốn được”. Mười lăm năm sau cậu ấy nhắc lại cuộc hội kiến này, và bảo tôi: “Hai chân tôi đau quá, đi không nổi!”

Ngày lại ngày, tuần này qua tuần khác... từng thời gian, một con gà mái nhỏ nhoi cho mười hai người, chia ra mỗi xuất may ra mới được một lạng. Lúc chia phần, một đồng ngũ cứ loay hoay với câu hỏi: “Một mẩu thịt này cho ai đây? Cho một người!”. Chúng tôi như vậy đấy, những người anh hùng của Điện Biên Phủ, thật là một cảnh tồi tệ!

Là trưởng nhóm, cũng lại là người nấu ăn cho các vị đại tá của chúng tôi, tôi cố gắng để nấu cơm chín tới. Quân Việt, trong một ngày tốt lành, cấp cho tôi một con dê già rất hôi hám, để cải thiện mức ăn ngày thường. Sau khi rửa ráy thật kỹ và mổ thịt, tôi cho hầm qua ba lửa liên tiếp và phục vụ cho các đồng ngũ một món thịt hầm mà họ thấy rất ngon.

Người ta nói đến việc được trả tự do... Quân Việt cho chúng tôi biết về hành động của thủ tướng Mendès France1. Chúng tôi đánh giá là ông ta đã hiểu được tình hình, rằng chỉ có ông ta mới lôi được chúng tôi ra khỏi cảnh này. Cần phải rời bỏ cái xứ Đông Dương này... Tiếp tục theo đuổi liệu có ích gì? Thật vô ích để một ngày nào đó nhìn thấy toàn bộ đạo quân viễn chinh đứng bên trong hàng rào thép gai của trại tù binh.

Viên chính uỷ của chúng tôi, những người lính gác, nói chung, tỏ ra đúng mức. Hẳn là họ đã nhận được lệnh của cấp trên của họ. Nhóm các đại tá chúng tôi, rút cục, đứng vững được. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau chịu đựng, tất nhiên nhóm cứng rắn gồm có Voineau, Pazzis và tôi và những người khác, họ đấu tranh, bám lấy để tồn tại.

Những sĩ quan Việt mà tôi không nắm được cấp bậc triệu tập tôi đến một cái lán nằm bên ngoài khu trại giam. Được tiếp đón đúng mức, họ muốn được cùng với tôi nhắc lại nhiều trận đánh mà tôi và họ đối đầu với nhau. Qua nhiều buổi chiều, chúng tôi nhìn lại trận đánh ở Tú Lệ, ở nước Lào, việc đánh chiếm Điện Biên Phủ, những trận đánh ở khu Thành Cổ và nhiều trận khác.

Họ có vẻ vui thích vì đã phát hiện ra tôi. Tôi được quyền có tách cà phê pha nhanh... Hương vị mới tuyệt làm sao! Chỉ cầu mong tôi có thể mang được hương vị đó về cho các bạn đồng ngũ. Những con người giản dị, có ý tứ ấy, họ cũng thừa nhận những thiếu sót mà họ có thể đã phạm phải, trong những cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Tôi học được rất nhiều điều qua việc tranh luận với họ. Cả một cuốn sách dầy sẽ lại cần thiết để kể lại câu chuyện bốn tháng trời trong thời kỳ bị giam giữ ấy, thời kỳ hình như, sắp kết thúc... Tin chính thức, chúng tôi sẽ trở về. Viên chính ủy tỏ ra vui vẻ, thân ái, chăm sóc cho chúng tôi, những người lính gác thì mỉm cười.

Lalande bảo chúng tôi là đã đến lúc phải lấy lại những cấp hàm thật sự của chúng tôi. Nghe thấy vậy, tôi bị nghẹt thở. Botella rên rỉ: “Lẽ ra ông ta đã có thể biểu lộ sớm hơn”. Dù sao, có lẽ Lalande có lý. Vinh quang và kỷ luật quân sự. Chúng tôi phải đứng lại vào hàng ngũ, khi trở về, tỏ lòng tôn kính đối với những người đã gửi chúng tôi bước vào cuộc sống gian khổ này!...

Langlais, từ nhiều tháng nay ở trong trạng thái ngủ đông, nay tỉnh giấc một cách mạnh mẽ từng giờ một. Anh ấy trở lại là chính mình. Vaillant khá hơn một chút. Ducruix, ngược lại, từ vài ngày nay, không còn muốn ăn nữa, nước da anh ấy vàng ủng.

Thật không ngờ được! Cuộc trở về hằng mơ ước biết bao ấy đã đến. Một vài chặng đi bộ, những chặng khác ngồi xe tải. Người ta hồi sinh, những cái nhìn trong sáng hơn, những dáng điệu thoải mái hơn, thức ăn được cải thiện, quân Việt có ý định thả chúng tôi trong điều kiện khoẻ mạnh. Chúng tôi được trang phục đầy đủ: quần dài, áo sơ-mi, mũi cối Tàu. Tôi giữ gìn bộ trang phục quân dù của tôi, chiếc mũ nồi đỏ của tôi, đôi ủng nhẩy dù được lau chùi cẩn thận.

Buổi chiều hôm trước ngày chúng tôi tới Việt Trì, tại đó chúng tôi sẽ được bàn giao cho các nhà cầm quyền Pháp, viên chính uỷ của chúng tôi tổ chức một bữa tiệc mặn to: cơm, thịt lợn, thịt gà vịt, rượu nấu bằng gạo... Tình hình của Ducruix xấu đi.

- Bruno, đừng có đi. Mình sắp chết. Mình cần có cậu, cậu hãy ở bên mình...

- Nói bậy nào, Ducruix. Bám cho chắc, chúng ta tới nơi rồi, nghiến răng lại, cậu sẽ khỏi thôi.

Tôi ngồi bên cạnh cậu ấy trong lúc các đồng ngũ của tôi đang nhấm nháp bữa tiệc chưa từng có ấy.

Bữa tiệc gần kết thúc thì tôi báo cho họ biết: Ducruix vừa qua đời trong vòng tay của tôi. Chúng tôi yêu cầu có một chiếc quan tài, một lễ mai táng nghiêm chỉnh và để cậu ấy nằm lại vĩnh viễn trong ngôi làng ấy sau khi đã ghi lại tên tuổi và các dấu vết chính xác của thi hài bọc trong tấm vải liệm. Anh bạn già khốn khổ! Tại sao lại gửi cậu ấy đến cái khu lòng chảo với tư cách người quan sát? Để rồi ngã xuống khi đã gần đích đến như vậy! Thật là ngu ngốc, bất công!

Việt Trì, chúng tôi gặp lại những đồng ngũ đã bị bắt từ nhiều năm nay, những người của con đường thuộc địa số 41 và một số khác. Tôi được tin là các trung úy Emptoz và Chevret của tôi, trong nhiệm kỳ thứ hai, đã vĩnh viễn mất tích trong một cuộc trốn trại. Trapp cũng có ở đây, cái chân của cậu ấy cơ bản đã khỏi. Lại gặp đức cha Jeandel... có biết bao chuyện để kể cho nhau nghe! Nhộn nhịp, náo nhiệt làm sao! Cuộc hồi sinh... Thật tốt là mình vẫn còn sống ở trên đời này!

Viên chính ủy của chúng tôi, mặc dầu thích giảng giải học thuyết của ông ấy nhưng về cơ bản là một con người giàu tình cảm. Giống như một con gà mẹ, ông ấy đi lại xung quanh chúng tôi và có vẻ buồn bã với ý nghĩ phải chia tay với chúng tôi, hỏi han địa chỉ của chúng tôi ở nước Pháp... Thật ngốc, nhưng tôi có cảm tưởng là tôi rất muốn được gặp lại ông ấy một ngày nào đó.

Nếu như thử thách những ngày qua là gay go thì giờ đây chúng tôi nhanh chóng cảm thấy là thủ tướng Mendès France sẽ đưa chúng tôi ra khỏi thử thách đó. Và chuyến viễn du đầy sóng gió của chúng tôi không thể nào so sánh được với chuyến đi của các bạn đồng ngũ là sĩ quan cấp dưới, là hạ sĩ quan và các binh sĩ, suốt chặng đường phải đi bộ và rất nhiều người trong số đó đã chết vì các căn bệnh sốt rét, kiết lỵ qua các chặng đi địa ngục mỗi ngày ba mươi kilômét trên cái con đường thuộc địa số 41. Và ở một cấp độ khác, những người bị bắt làm tù binh từ biết bao năm trời, chuyến đi khổ cực ấy, Pouget đã mô tả trong một cuốn sách của anh ấy: “Tuyên ngôn của trại giam số 1”.

Trung úy Allaire của tôi, người đã phải đi bộ tất cả các chặng đường trước khi về tới khu trại giam số 1, mười sáu năm sau, ở Dakar đã rất muốn viết cho tôi vài trang giấy kể lại chuyến đi dài của cậu ấy. Tôi trích lại nhiều đoạn ngắn để bạn đọc rõ hơn về những gì mà họ đã phải chịu đựng. Tôi muốn nhắc lại điều này, non nửa trong số đó đã biến mất trên cái con đường mòn vô nhân đạo này, con đường dẫn tới một trại giam mà họ không đáng phải đi vào đó.
______________________________________
1. Lúc đó là thủ tướng nước Pháp - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2009, 01:05:01 pm »


XXVI
NHỮNG NGƯỜI CỦA CON ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA SỐ 41


Ngay khi tới đông Dương, tướng Navarre muốn mang lại một hình thái mới cho cuộc chiến đấu của chúng tôi. Ông ấy giải thích với chúng tôi rằng bắt đầu từ lúc này, chúng tôi sẽ có sự chỉ huy sáng suốt rằng chúng tôi sẽ chuyển sang tấn công. Ông hướng đạo quân viễn chinh về những hành động theo kiểu đòn đánh úp Lạng Sơn, trong đó một binh đoàn quân dù bất ngờ đánh chiếm một khu kho vũ khí lớn, với một cuộc hành binh khứ hồi, vốn là một kiểu mẫu của chiến thuật đó. Vào thời kỳ đó, người ta có thể nhìn thấy trong các phòng ăn sĩ quan những tấm tranh cổ động rất đẹp, trên đó là hình ảnh một người lính dù chĩa khẩu súng ngắn vào một kẻ địch tưởng tượng. Câu chú thích của bức tranh đó là: “Hãy đi tìm quân Việt trong hang ổ của chúng”. Thực chất chúng tôi đã trở thành nạn nhân của các bức tranh cổ động! Đi tìm hang ổ quân Việt thì tương đối đơn giản, cái khó hơn, tất nhiên, là từ chỗ đó quay về.

Các chiến sĩ bộ đội chạy xung quanh chúng tôi và hò hét giống như canh gác đàn cừu. Họ dồn chúng tôi đi theo một hướng và quát mắng chúng tôi trên con đường thuộc địa số 41. Trong số họ, rất ít cựu binh, mà phần nhiều là thiếu niên, chưa chắc đã nặng hơn khẩu súng của họ. Họ nhiệt tình nhiều hơn là vốn tính hung hăng và người ta cảm thấy trạng thái sung mãn của họ bắt nguồn từ cả niềm vui và nỗi sợ. Một nỗi sợ hãi chỉ vừa mới rời bỏ họ. Cái giá phải trả của một chiến thắng nhiều khi cũng cao như cái giá của một thất bại. Xem xét thật kỹ thì có khi vừa mới hôm qua họ cũng là những người thua trận, đây cũng là một niềm an ủi mỏng manh đối với chúng tôi, những người ngày hôm nay đã vĩnh viễn mất hết, ngoại trừ “danh dự” chăng?

Chuyến đi dài bắt đầu. Chặng đầu tiên tương đối ngắn tuy nhiên lại nhọc nhằn. Những người còn sống sót thuộc trung đội và tiểu đoàn của tôi, bước đi xung quanh tôi, khung cảnh đột nhiên trở lại yên tĩnh làm chúng tôi nghẹt thở. Gánh nặng của năm mươi hai ngày và năm mươi hai đêm tác chiến đè trên hai vai chúng tôi. Mỗi người lặng lẽ tự phê bình trước khi quân Việt nắm được những suy nghĩ của chúng tôi.

Chúng tôi đi qua các trận địa pháo cao xạ. Những khẩu pháo hạng nặng được bố trí, ngụy trang kín đáo, theo đúng trục bắc - nam, của khu lòng chảo để công kích các máy bay vào thời kỳ đầu họ chưa có nhiều đạn dược. Cách khu trận địa hầm hố hai kilômét, chúng tôi phát hiện thấy những chiếc Molotova đầu tiên, loại xe tải chạy dầu diezel, kiểu xe G.M.C. Cái con đường số 41 nổi tiếng này, từ Trung Quốc đến tận Điện Biên Phủ, đã nuôi dưỡng quân đội nhân dân của Bắc Việt Nam, như vậy là không hề bị cắt đứt như lời bảo đảm của không quân chúng ta. Nhưng những chiếc xe tải không phải là dành cho chúng tôi. Đây này, tướng De Castries, đứng thẳng bên con đường, đội mũ kỵ binh, trên ngực đeo đầy đủ các loại huân chương. Trước đây, tôi chưa bao giờ trông thấy ông ấy trong tư thế như vậy. Ông ấy cao lớn, trẻ khoẻ và... vô dụng.

Nỗi mệt nhọc, được coi thường trong trận đánh, nhờ vào cà phê và thuốc lá, nay được thay thế bởi một sự mệt mỏi rã rời. Tôi có cảm tưởng vừa tỉnh lại sau một cuộc can thiệp của phẫu thuật. Tôi bay lơ lửng, tỉnh táo nhưng như người ở ngoài không gian, như người ở ngoài thời gian. Cần phải nghiến răng lại không để cho bản thân mình buông xuôi.

Tôi không còn cảm thấy mình có liên quan gì đến mọi cái diễn ra xung quanh nữa. Nhưng các chàng trai còn đây và vẫn còn hy vọng. Họ bơi giữa dòng tâm linh. Họ nghĩ rằng tôi còn đây thì trang đời còn chưa lật giở, rằng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra lời giải. Tạm thời lúc này một trong số họ phải giúp tôi vượt qua mấy trăm mét cuối cùng trước khi đến chặng nghỉ. Chuyện này chưa bao giờ xẩy đến với tôi. Lần này, đó là hệ thần kinh buông xuôi, con tim thì còn đó nhưng cỗ máy đã không đáp lời nữa, nó đã bị kẹt cứng, hoàn toàn không thể điều khiển.

Dù sao, nếu như việc bị bắt đã trở thành hiện thực, giống như một cú chớp của đèn flát thì những chiến binh của tuyến một, một số nào đó chắc hẳn là có chỗ ở an toàn, ở đáy sâu những căn hầm êm ấm hoặc được chuẩn bị tốt về tâm lý cho loại tình thế như vậy, đã cầm lấy chiếc túi dết như để đi hành quân; tấm vải để căng lều, quần áo lót để thay đổi, khẩu phần ăn để tồn tại, thuốc lá, dao cạo, xà phòng... Trong túi dết không thiếu một thứ gì! Trong số họ, rất nhiều người nhanh chóng hiểu ra rằng chiếc túi dết không làm ra được người tù binh và rằng tồn tại không chỉ có nghĩa là sống đầy đủ hơn.

Thật dễ dàng để nói triết lý về những đức tính và phẩm chất của con người, để phán xét về những con người khi mà người ta no bụng và có sự đảm bảo cho cuộc sống bình thường. Trong cảnh thiếu thốn toàn diện, con người trần trụi hiện ra. Con người đó không phải lúc nào cũng giống như cái hình ảnh mà trước đây người ta hình dung ra. Lúc được giải phóng, việc phân phối lại các cấp hàm và những tấm huân chương đôi khi có vẻ như rời rạc.

Những đoàn người, được thành lập ngay lập tức, “đưa chân bước lên đường” theo kiểu nói của các xạ thủ người châu Phi của chúng tôi. Gió mùa thổi dữ dội. Ai chưa từng biết đến thứ gió mùa châu Á, không thể nào hình dung ra nổi cái cơn đại hồng thuỷ theo mùa ấy, chẳng khác nào sống ba tháng liền dưới một vòi hoa sen nước lạnh giá. Chúng tôi bước đi và nằm nghỉ dưới trời mưa. Chưa bao giờ chúng tôi tận dụng đến cùng những căn hầm đến như vậy. Đôi chân chúng tôi mốc meo lên. Các chặng đường tương ứng với khoảng cách giữa các kho gạo. Nói chung, chúng dài từ hai mươi nhăm đến ba mươi kilômét, những chặng dài nhất là ba mươi nhăm kilômét. Đêm nào chúng tôi cũng đi, chỉ trừ có đêm ngày chủ nhật rạng sáng thứ hai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2009, 01:05:24 pm »


Bước đi, bước đi và bước đi nữa... Vầng trăng, còn chưa bị vấy bẩn, đôi khi đến soi sáng cho cái đoàn dài lê thê những con người xanh xao gầy gò như những bộ xưong. Khi gặp những đêm tối như mực, những viên sỏi trên đường mòn hay những bụi gai của rừng rậm làm cho những đôi chân trần chảy máu. Với chế độ này, quả thật (chúng tôi lội qua nhiều con suối, dòng sông mỗii đêm) những đôi giày không chịu được lâu. Bằng đủ mọi phương cách, mỗi người cố tìm cách kéo dài tuổi thọ của chúng, nhưng thiếu vật liệu.

Xuất hiện một vài đôi bít tất Nga. Có được hai mẩu vải là một người giàu có. Những ai có được hoặc là một mẩu vải dù, hoặc mấy mét dây nhỏ, hoặc là một cái tẩu thuốc, hoặc một con dao con hoặc thứ đồ hiếm hoi khác, được coi như những nhà tư bản. Hai hay ba tù binh ở trong đoàn chúng tôi có được một cái tẩu thuốc và một số khác có một nhúm thuốc lá sợi. Việc trao đổi được cam kết: người có tẩu đổi lấy thuốc sợi và ngược lại. Chuyến đi huy động toàn bộ năng lực của chúng tôi và đôi chân của chúng tôi, là mục tiêu của những sự chăm sóc thường xuyên, như là những nhân tố bảo đảm cho sự sống sót của chúng tôi. Mục tiêu là tới được khu trại. Trại nào đây? Và ở đâu? Không một ai biết được, nhưng tay chỉ huy đoàn áp tải, hay là chỉ huy khu trại lưu động, được đặt tên là “ông khí tượng”, nói thẳng thừng với chúng tôi rằng cổng trại không nằm ở ngay đây.

Ngày đầu tiên bị bắt, một sĩ quan rút trong túi dết của mình ra một hộp khẩu phần ăn. Tôi không thể không bảo anh ta là nên giữ lấy món đồ bổ trợ quý báu đó cho những ngày gay go. Anh ấy trả lời tôi là mãi mãi anh ta không sao “làm quen” được với thứ gạo ô nhiễm này.

- Cậu nói đúng, thứ gạo ấy ô nhiễm nhưng mà hình như ta phải tạm thời không có món thịt bò, khoai tây rán đâu. Anh ấy không chịu nghe và tuần lễ đầu tiên, anh ấy nhâm nhi những hộp khẩu phần ăn. Khi mà những hộp lương khô đã cạn, anh ta cũng đành ăn thứ cơm nấu hàng ngày nhưng không sao làm quen được.

Anh ấy là một trong số người đầu tiên chết trên dọc đường. Anh ấy từ Hà Nội lên thẳng Điện Biên Phủ, ở Hà Nội anh ấy là một kỹ thuật viên... ở nước Pháp, anh ấy là vận động viên năm môn thể thao của thế vận hội.

Ở những người yếu nhất, cơ thể hầu như không đề kháng được và rất nhanh chóng, chúng tôi bỏ lại các đồng ngũ nằm bên đường. Các chỉ lệnh là đề họ nằm lại như thế cùng với ba ngày gạo sống. Tại sao lại là gạo sống! Không một ai biết được lý do. Trong một cảnh thiếu thốn toàn diện, bị bệnh kiết lỵ hành hạ, họ nhìn chúng tôi đi qua... Mỗi người, qua cái nhìn của mình biểu lộ hoặc là lời trách móc, hoặc là nỗi sợ hãi, hoặc là vẻ thờ ơ lãnh đạm?

Với chế độ ăn uống như vậy, bệnh kiết lỵ, bệnh phù thũng xuất hiện. Bất cứ ai bị bệnh là mộl người chết trong sức mạnh. Anh ta tiến bước, chiếc quần dài lốm đốm vết máu, thân hình bốc mùi thối, và bước đi cho đến lúc cạn kiệt mọi sưc lực. Đôi khi chúng tôi thử cáng anh ta, nhưng sức lực của chúng tôi không cho phép. Chúng tôi thử xin các cán bộ cho anh ta lên một chiếc xe Motolova chạy qua nhưng lần nào cũng bị từ chối dứt khoát. “Các chiến sĩ của chúng tôi đi bộ, vậy thì các anh cũng đi bộ! Không có kế hoạch vận chuyển những tù binh bị ốm”.

Nhiều ngày là nhiều đêm trôi qua... Bước chân đưa chúng tôi tới Sơn La, Nà Sản, những vị trí cao cấp của các trận đánh trong các năm 1952 - 1953. Chúng tôi đi bộ qua các trận địa chúng tôi chiếm đóng mấy tháng trước đây. Bóng đen những chiếc lô-cốt nổi rõ trên màn đêm đầy sao và tựa như cười vào mũi chúng tôi. Rồi đến, đây Cò Nòi, trước kia là sở chỉ huy của binh đoàn ứng chiến, Tạ Khoa, con sông Đà, Yên Bái, con sông Hồng.

Chúng tôi tiến vào trung tâm căn cứ của Việt Minh. Dân chúng trở nên hung hăng hơn. Phụ nữ, trẻ em ném đá và la ó, mắng nhiếc chúng tôi. Các bộ đội bảo vệ chúng tôi. Thật đáng chú ý khi nhật ra rằng, ở con người, càng ít phải chịu đựng nguy hiểm bao nhiêu thì lại càng thêm hung hăng bấy nhiêu. Tính hung hăng tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa con người đó với một kẻ địch... có vũ khí.

Ngày 18 tháng sáu, tập trung ở trong một khu rừng thưa, chúng tôi gặp lại ở đó, không phải không ngạc nhiên, các sĩ quan cao cấp và các đội lê dương. Một dàn cảnh lớn diễn ra. Tướng De Castries dẫn đầu, tất cả các sĩ quan được tập hợp theo hàng mười hai, để gây ấn tượng, các đội viên lê dương đi sau cùng, và chúng tôi diễu hành, đi qua đi lại trước một ống kính quay phim đặt trên một chòi cao. Vở kịch tiếp diễn nhiều giờ liền, dưới ánh nắng rực rỡ. Người ta quay phim chúng tôi, cốt để tuyên truyền trong các nước dân chủ. Mặc kệ! Chúng tôi sung sướng được trông thấy các cấp trên và thấy rằng, nhìn chung, họ đã đứng vững được.

Ngày 21 tháng sáu, chúng tôi tới khu trại số 1 và gặp lại các đồng ngũ bị bắt trong các trận đánh và những người cũ của Cao Bằng. Gặp lại họ là một niềm vui và thật là một cơ may lớn là đến được tận chỗ họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2009, 01:07:27 pm »


XXVII
HÀ NỘI LẦN CUỐI CÙNG, RỒI SÀI GÒN


Ngày 4 tháng chín năm 1954. Tự do. Hà Nội... Liệu có thể thế chăng? Cogny tươi cười, thoải mái, tự tin chờ đón chúng tôi... Sau Điện Biên Phủ, Jules Roy sẽ viết: “Cogny trông gầy đi, Langlais chỉ còn như một bóng ma, Bigeard đã mang về chiếc mũ nồi đỏ rực và nắm tay cương quyết”.

Tòa chủng viện của chúng tôi trống vắng, đầy những bóng ma. Kia, chỗ kia, tôi đã từng tập họp tiểu đoàn của tôi. Đây, chỗ này văn phòng của tôi, ở đó từng đã treo lá cờ nhỏ của tôi “Ai dám đánh thì đánh thắng”. Đồ đạc của chúng tôi, hình như, đã được chuyển về nước Pháp... Tay trung úy Porcher to béo chỉ huy hậu cứ của tôi đã được về nước. Những đồ vật kỷ niệm của cá nhân tôi, những tư liệu của tôi, chiếc đồng hồ mạ vàng rất đẹp mà các sĩ quan tặng tôi nhân kỷ niệm sinh nhật ra sao rồi? Mọi thứ đã bị phá phách, mất mát hết. Thực tế, tôi không gặp lại được bất kỳ thứ gì.

Cogny mời Castries, Langlais, Lalande, Pazzis và bản thân tôi đến ăn tối ở nhà riêng của ông. Khăn bàn trắng, hoa, rượu vang ngon, các cô thư ký xinh đẹp... Người ta tưởng như đang mơ. Tôi có cảm tưởng mình phản bội lại những con người vĩ đại vắng mặt. Trong bữa ăn, tôi tấn công bằng các câu hỏi: “Tại sao không có một cấp tướng nào lên Điện Biên Phủ? Tại sao đã không hạ lệnh rời bỏ khu lòng chảo này sớm hơn? Tại sao không cho Bréchignac, Liesenfedt nhảy dù xuống vào thời điểm các trận phản kích trên đồi Eliane 1 và Dominique 2?” Mọi người tảng lờ trước những câu hỏi của tôi. Tôi nghĩ rằng qua cái nhìn của một vài người, câ trả lời là: “Đó không phải là nhiệm vụ của anh”.

Nhà kỹ thuật” của quân dù, đại tá Sauvagnac họp mặt tất cả các sĩ quan dù của Điện Biên Phủ. Trong một bài nói nhạt nhẽo, không có hồn, không có niềm tin, ông ấy nêu lên tất cả những hoạt động ông đã phải tiến hành để chi viện chúng tôi. Không có một chữ nào về các hành động của chúng tôi... Giờ đây, chúng tôi lại trở về với một tập thể, ở đó kỷ luật rất nghiêm khắc. Nếu như tôi hiểu đúng thì cần phải im lặng. Langlais, con người rất dữ dội trong chiến đấu giờ đây tựa như lơ đãng, đầu óc để đi nơi khác.

Castries bố trí một sở chỉ huy tạm thời, vẫn có Pazzis là tham mưu trưởng... Pazzis, Voineau tiếp tục tập thể thao cùng với tôi. Chúng tôi kết thúc một buổi tập bơi trong bể bơi. Bréchignac, Botella, Tourret đến gặp tôi.

- Bruno này, chính anh phải làm bản tổng kết khen thưởng cho các tiểu đoàn chúng ta (danh sách mất tích, các phần thưởng cho những người còn sống và danh hiệu truy tặng cho những người khác). Chúng tôi tin tưởng ở anh và anh là người tốt nhất để làm tốt công việc này giữa cái cảnh lộn xộn hiện tại.

Chúng tôi bắt tay vào công việc cũng là lúc chúng tôi hiểu ra rằng cần phải thoát khỏi Hà Nội để vào Sài Gòn càng nhanh càng tốt. Hà Nội đã trông thấy chúng tôi quá đủ rồi, các vị chỉ huy lớn thấy khó chịu khi cảm thấy chúng tôi ở gần bên họ đến như thế để thanh lọc các chất độc trong mỗi con người.

Sài Gòn. Sau rất nhiều cuộc xin xỏ, chúng tôi được chấp nhận đồng ý cho tập hợp tất cả lại trước khi về nước nhằm để giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi phải vào bệnh viện một thời gian để kiểm tra toàn diện sức khỏe. Về phần tôi, không có vấn đề gì, tôi tự thấy khỏe mạnh. Brèche, Tounet, Botella, cũng như vậy. Chúng tôi làm việc cật lực để xác định xem những đơn vị tuyệt vời của chúng tôi, giờ đây còn lại những gì. Người ta có cảm tưởng là bị bỏ mặc, bị gạt bỏ bởi cái khối đông người đã không tham gia Điện Biên Phủ.

Trú ngụ trong một căn buồng của một khách sạn lớn, tôi nhận được nhiều cuộc viếng thăm: khách dân sự, phụ nữ trẻ, đội viên P.F.A.T, những người muốn được sờ thấy, được nhìn gần những người anh hùng đã thoát hiểm mà người ta đã từng nhắc đến biết bao lần... Trên tờ báo Match, các bức ảnh của chúng tôi... Mấy bài báo ca ngợi trên những tờ báo tồi khác. Gaby, bây giờ đã biết là tôi còn sống, trước đó nàng vẫn tưởng là tôi mất tích vĩnh viễn... Một bệnh binh từ Điện Biên Phủ được về nước đã đến thăm cô ấy để báo tin là tôi đã mất tích trong một lần trốn khỏi trại tù binh.

Castries vênh vang ở Sài Gòn, người ta thì thầm: “Dù người ta muốn hay không, ông ấy sống mãi trong lịch sử và sẽ bước tới những bậc thang cao nhất trong hệ thống cấp bậc quân sự”. Ông luôn luôn thân mật đối với tôi: “Này cậu Bruno, tối nay mình sẽ dẫn cậu đi xả hơi, chúng mình sẽ đi ăn tối rồi sẽ đi nhảy”.

Một vài cô gái xinh đẹp, trong đó một cô cao to, tóc vàng, uyển chuyển như một con hươu, tôi cảm thấy thân hình người phụ nữ ấy áp sát vào người mình... Đã từ bao lâu thiếu vắng những cử chỉ âu yếm, tôi những muốn làm tình với cô ấy, ngủ thiếp đi bên đôi vai cô ấy... Có ích gì nhỉ? Đã có quá nhiều máu phải đổ ra, quá nhiều những người thân yêu biến mất. Làm như thế là quá vội. Tôi chờ đợi Gaby.

Langlais trở lại với chiếc cằm nhọn nhô ra phía trước, đôi mắt xanh trong của ông ấy. Bằng những câu chữ ca ngợi, ông ấy đề nghị cho tôi được thưởng huy hiệu sĩ quan vẻ vang của đội lê dương danh dự... Đề nghị của ông bị bộ chỉ huy từ chối... Danh hiệu vẻ vang này, vài năm sau, tôi được nhận ở Algérie. Được cưng chiều bởi một số bạn bè cho ông tạm trú, Langlais ăn khỏe kinh khủng, nửa đêm thức dậy để khua khoắng tủ lạnh của họ. Ông vừa cười vừa kể lại với tôi chuyện này, đó là sự hồi sinh, sự phục hồi của trạng thái cân bằng nào đó.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, sửng sốt khi không thấy bộ chỉ huy tối cao tập họp tất cả số “diễn viên” ấy của Điện Biên Phủ để kiểm điểm chính xác tình hình, rút ra những bài học từ trận thất bại ấy, xem xét những điều gì có thể cải tiến, hỏi han chúng tôi về những cuộc tiếp xúc với quân Việt. Người ta coi như không biết đến chúng tôi, người ta vội vã muốn nhìn thấy chúng tôi đi khỏi những nơi này và tung hê chúng tôi đi mọi hướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2009, 01:08:13 pm »


XXVIII
CUỐI CÙNG LÀ NƯỚC PHÁP


Ngày 25 tháng chín. Như vậy là chúng tôi đã phải khép lại vĩnh viễn cái trang đời đẫm máu đã khắc sâu vào tâm hồn, con tim và máu thịt của chúng tôi... Ngồi trong chiếc máy bay cùng với Brèche, Tourret, Voineau và các bạn khác, cuộc hành trình thật là dài, rất dài... Cuối cùng, dải bờ biển nước Pháp… Sân bay Orly... Phải chăng đây là một giấc mơ? Dưới áp lực của sự thay đổi áp suất nét mặt xanh xao, căng thẳng, chúng tôi cùng chiếc máy bay lăn bánh trên đường băng... Nước Pháp... Dành cho một dúm người và những người khác bị bỏ lại vĩnh viễn trong cái khu lòng chảo đáng nguyền rủa, khu lòng chảo này hẳn còn hằn sâu trên vầng trán chúng tôi... Không làm sao quên được, chúng tôi vẫn còn ở đó và sẽ còn ở đó cho đến tận những ngày cuối cùng của đời mình.

Gaby, gầy gò, xanh xao, không thể nhận ra được, khóc lóc cảm động. Marie France, đã tám tuổi, xinh xắn, vô tư... Bill Probert, anh bạn người Anh của tôi ở Ariège năm 1944, cũng có mặt ở đây cùng với cô vợ trẻ: “Helo, Marcel, sức khỏe ra sao?”. Tôi xúc động đến phát khóc. Gaby an ủi tôi: “Giờ đây, mọi việc sẽ tốt đẹp, nhưng mà thời gian vừa qua em vô cùng đau đớn tưởng rằng không bao giờ còn gặp lại anh nữa”.

Khách sạn Terminus. Sant Lazarre. Brèche và cô vợ anh ấy ở trong cùng một khách sạn với chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau ăn trưa, ăn tối. Brèche vừa mới mua một chiếc ô tô Mercédès đã qua sử dụng. Cùng với Brèche, có cả Tourret đi theo, chúng tôi tới rình mò số nhà 231, đại lộ Saint Germain, để tìm cách đưa các kiến nghị, làm cho bộ chỉ huy tối cao nghe lời chúng tôi. Nhưng các cảnh cửa hé mở một cách khó khăn. Tôi đã tìm cách gặp được tướng Blance, tham mưu trưởng của chúng tôi: “Thưa tướng quân, xin cẩn thận, lúc chúng tôi lên đường, một sĩ quan Việt đã bảo tôi: “Bigeard này, chúng tôi hy vọng rằng anh đã hiểu được chính sách khoan hồng của Bác Hồ. Rằng anh sẽ thôi, không tham gia vào những cuộc chiến tranh đế quốc nữa bởi lẽ chẳng bao lâu nữa, Algérie sẽ nổi dậy đòi quyền độc lập”. Người ta giải thích cho tôi là tôi cần phải nghỉ ngơi đôi chút... Chắc chắn là người ta cũng nghĩ rằng tôi ăn phải bả tuyên truyền.

Tôi có được cái đặc quyền đáng buồn đến thăm bà Ducruix để kể lại những giờ phút cuối cùng của chồng bà ấy. Tôi gặp một phụ nữ khóc lóc, không cởi mở, có vẻ như trách móc tại sao tôi lại còn sống... Đó là chuyện thường tình của con người. Tôi rút lui, trong lòng băn khoăn.

Như vậy là tôi đi nghỉ ngơi. Toul, sân ga xe lửa... Mẹ tôi. Bà đã từng bảo Gaby: “Lần này nó không trở về nữa”. Bà giơ thẳng cánh tay giữ tôi một lát trước khi ôm hôn tôi. “Tại sao, anh lại bị bắt làm tù binh?”. Tôi nghẹt thở: “Nhưng mà, mẹ ơi, con không có lỗi gì trong chuyện này...”. Tôi đã phải giải thích rất dài.

Bill Probert và cô vợ ở lại Toul mấy ngày. Tôi nhận được nhiều cuộc thăm hỏi, nhiều lá thư, một vài bài trên tờ báo địa phương thuật lại cuộc đời binh nghiệp của tôi, việc tôi tới Toul. Tôi đi Nancy nói chuyện với các sĩ quan ngạch dự bị muốn nghe tôi nói.

Tháng chạp ở Lorraine, trời lạnh. Tôi và Gaby quyết định đi nghỉ trên bờ biển Côte d’Azur ở trung tâm an dưỡng của quân đội ở Agay, gần Saint Raphaël. Chúng tôi gặp ở đó khá nhiều sĩ quan của Điện Biên Phủ. Langlais vừa mới cưới vợ. Brèche và một số khác. Một buổi chiều, tất cả tập trung, chúng tôi chờ đón cuộc viếng thăm của Le Provost de Launay, nguyên chủ tịch hội đồng thành phố của Paris, người có một trang trại lớn ở gần trung tâm an dưỡng. Ông ấy nói với chúng tôi theo cách nói như sau: “Thưa các vị, tôi đến đây để bày tỏ với các vị tất cả tấm lòng cảm phục của tôi và mời các vị tới dự một bữa tiệc đứng ở nhà tôi, tối hôm nay. Trước hết, các vị sẽ không đến do vì tôi là một lão già tốt bụng tám mươi tuổi, tôi rất giàu có, tôi đã hoạt động chính trị rất nhiều, trải qua nhiều tình huống không phù hợp với đời sống của các vị... Vì vậy, xin các vị cố gắng, tối nay đến cho”. Ông ấy đã thành công.Tất cả chúng tôi đều có mặt. Tôi phát hiện ra ở đây một con người chân thành, sẽ giúp đỡ tôi, đi theo tôi cho đến khi tôi qua đời.

Kỳ nghỉ phép của tôi sẽ phải kết thúc vào đầu tháng hai. Sức khỏe của tôi rất tốt bằng biện pháp ăn ít - tôi yêu cầu cho tôi ăn gạo, lại vẫn là gạo, cơ thể của tôi quả là quá quen thuộc với thứ ngũ cốc đó - bằng việc tiếp tục rèn luyện đi bộ, bài thể dục đã gắn bó với tôi từ cái tuổi hai mươi. Tôi chờ đợi việc phân công công tác với niềm tin tưởng, mặc dầu trong bụng không ngớt tự hỏi: “Tại sao tôi vẫn còn sống? Tại sao cái tiểu đoàn tuyệt vời của tôi lại vĩnh viễn biến mất trên những ngọn núi của vùng thượng du?”

Cuối cùng tôi được bổ nhiệm. Thật là quá ư thất vọng? Tôi được điều động về dưới quyền của viên tướng hiệu trưởng Học viện cao cấp Chiến tranh, làm giảng viên trong Học viện Tham mưu... Quân dù, chiếc mũ nồi đỏ mà tôi phải chia tay. Tôi viết thư cho tướng Gilles lúc này đang chiến đấu trên rặng núi Aurès ở Algérie cùng với Ducournau và Fourcade. Người ta lại dùng cũng những con người ấy và người ta lại bắt đầu. Cuộc nổi dậy của Algérie rõ ràng đã diễn ra... Quân Việt đã không nói dối tôi! Tôi van nài Gilles gọi tôi về chỗ ông ấy. Gilles thử làm nhưng không có kết quả! Dù sao, tôi được biết là ở Học viện Tham mưu tôi vẫn còn giữ được một chân trong khoa huấn luyện nhẩy dù và như vậy là giữ lại được chiếc mũ nồi đỏ của tôi.

Ngày 4 tháng hai 1955... Một mình trong cái thủ đô Paris rộng lớn này, người ta bố trí cho tôi ở trong một khách sạn tồi tàn, phố Vaneau, một gian phòng nhỏ bẩn thỉu. Tôi những muốn vứt bỏ tất cả, để quay trở về vùng Lorraine, sống lại cuộc sống dân sự đời thường.



HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM