Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:49:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến dài ngày giữa nước Mỹ và Việt Nam 1950 - 1975 (George C. Herring)  (Đọc 88277 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #180 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 03:32:47 pm »

... "cú đấm" của Bắc Việt Nam. Số quân Việt Nam Cộng hoà đào ngũ tăng lên mức cao chưa từng có với 240.000 người riêng năm 1974. Việc giảm viện trợ làm tăng khó khăn kinh tế và chính trị của Thiệu, khơi dậy trong nhiều người Việt Nam tâm lý hoà giải và rút lui, một tâm lý ngày càng tăng và đôi khi "lên đến mức tuyệt vọng"(1).

Đầu năm 1975, Hà Nội kết luận rằng thời cơ đã ở trong tầm tay. Tháng 12-1974, các đơn vị chủ lực của Bắc Việt Nam và các lực lượng địa phương của Chính phủ Cách mạng lâm thời đánh Phước Long, ở đông-bắc Sài Gòn, và trong 3 tuần đã tiêu diệt và bắt sống 3.000 quân Việt Nam Cộng hoà, thu một số lượng lớn trang thiết bị vũ khí và giải phóng toàn bộ tỉnh nói trên. Thắng lợi dễ dàng này làm nổi bật thế yếu của quân đội Việt Nam Cộng hoà trong năm trước và bộc lộ rõ lúc này Thiệu bị buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh "kiểu con nhà nghèo", điều này về sau đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng đề cập đến. Qua tin tức tình báo, Hà Nội biết rằng chính quyền Sài Gòn không dự kiến một cuộc tấn công lớn năm 1975, nên vào tháng 1, Bắc Việt Nam đã thông qua một kế hoạch hai năm - một loạt các cuộc tấn công quy mô lớn năm 1975 để tạo đíều kiện cho Tổng tấn công năm 1976. Việc Mỹ không hề phản ứng khi Phước Long thất thủ càng khẳng định những điều mà từ lâu các nhà chiến lược Bắc Việt Nam đã nghi ngờ, tức là sau khi
----------------------------------------------
(1) Guenter Lewy, Mỹ tại Việt Nam, New York, năm 1978, tr.208.
-----------------------------------------------
rút khỏi Việt Nam thì Mỹ sẽ không "nhảy vào nữa". Sau nhiều ngày tranh luận sôi nổi, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam kết luận rằng, dù cho Mỹ có dùng không quân và hải quân để đối phó thì họ cũng không thể "cứu được chính quyền Sài Gòn khỏi sự sụp đổ thảm hại"(1).

Sự sụp đổ này đến thật đột ngột. Huy động các lực lượng ưu việt hơn để đánh vào các lực lượng phòng thủ của Việt Nam Cộng hoà lúc này đang bị kéo căng ra, Quân giải phóng đánh Buôn Ma Thuột ngày 10-3 và chỉ sau 2 ngày đã chiếm được tỉnh này. Để kiểm soát được Tây Nguyên trước khi chấm dứt mùa khô, họ nhanh chóng chuyển quân theo hướng Bắc đánh vào Plâyku và Kontum. Thiệu lúc này do kinh hoàng nên đã sai lầm ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên, nhưng cũng không vạch ra kế hoạch rút quân và quân giải phóng đã cắt mọi con đường quan trọng. Cuộc rút lui cuối cùng đã biến thành một cuộc tháo chạy. Hàng trăm ngàn dân tị nạn đã bỏ chạy cùng với binh lính làm tắc nghẽn những con đường thoát. Phần lớn đội quân này đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt và hàng ngàn dân thường đã chết do hỏa lực của hai bên hoặc do đói ăn trên các đoàn xe mà giới báo chí gọi là "đoàn xe nước mắt". Sau một tuần, Plâycu và Kontum đã thất thủ. Cuộc rút bỏ Tây Nguyên đầy tai hại khiến Thiệu mất 6 tỉnh và ít nhất 2 sư đoàn bộ binh cũng như mất cả lòng tin của cả quân đội lẫn nhân dân. Và không
----------------------------------------
(1) Văn Tiến Dũng, Chiến thắng mùa xuân vĩ đại của chúng ta, New York, năm 1977, tr.17,19-20.
-----------------------------------------
chỉ vậy, nó còn mở đường cho những tai hoạ còn lớn hơn ở các tỉnh ven biển của Nam Việt Nam. Lần đầu tiên Hà Nội cảm thấy là có thể giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975 và ngay lập tức thực hiện các kế hoạch khẩn cấp nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Khi quân Bắc Việt Nam tiến đến Huế và Đà Nẵng, cùng với hàng vạn dân, lực lượng phòng thủ đã bỏ chạy về Sài Gòn và lặp lại thảm bại ở Tây Nguyên nhưng với mức độ còn bi đát hơn, và lớn hơn. Lính tráng thì cướp phá và những thị trấn khát tiền đã bắt dân tị nạn phải trả 2 USD một cốc nước. Mười ngày sau khi trận đánh bắt đầu, cũng là lúc gần 10 năm sau ngày hải quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống bãi biển Đà Nẵng, hai thành phố ven biển đã được giải phóng. Nam Việt Nam bị chia cắt làm đôi, khoảng một nửa số quân bị tan rã mà chẳng đánh chác gì cả. Nha Trang và vịnh Cam Ranh cũng bị bỏ lại trước khi quân đối phương đe doạ. Toàn bộ lực lượng quân giải phóng đã tập trung vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Mỹ kinh sợ trước sự sụp đổ của Nam Việt Nam nhưng đành cam chịu kết quả đó. Tình báo Mỹ đã dự đoán đúng rằng phải đến năm 1976 Bắc Việt Nam mới tính đến một trận đánh lớn, nhưng họ một lần nữa lại đánh giá quá cao khả năng chống cự của Việt Nam Cộng hoà và Washington thấy choáng váng khi Tây Nguyên đột nhiên thất thủ. Có thể thấy rõ Mỹ không muốn tiếp tục dính líu, nên vào ngày Buôn Ma Thuột thất thủ, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề nghị của tổng thống Ford xin thêm 300 triệu USD viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Lá phiếu của các nhà lập pháp đã phản ánh ý nguyện của nhân dân Mỹ. Một số kẻ ngoan cố đã đưa ra lời thỉnh cầu lần cuối cùng đề nghị tôn trọng sự cam kết của đất nước và bảo vệ sự nghiệp tự do và một số người Mỹ khác còn đưa ra bóng ma của cuộc tắm máu trong đó hàng trăm ngàn người Nam Việt Nam sẽ bị cộng sản tàn sát sau chiến thắng. Song những lời thỉnh cầu này dường như rơi vào tai kẻ điếc. Đã mệt mỏi vì sự dính líu dường như vô tận vào Việt Nam và phải chịu thiếu thốn vì suy thoái kinh tế trong nước, nhân dân Mỹ không còn thái độ rộng lượng nữa. Họ chất vấn: Tại sao lại ném tiền vào một việc làm vô bổ khi chính bản thân họ "đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn về tài chính". Họ thấy không có lý do gì để tiếp tục hy sinh cho một chính quyền chẳng những tham nhũng mà còn phung phí và bất hiệu lực". Một người dân quá ngán ngẩm đã kêu lên: "Lạy Chúa, hết thảy chúng ta đều mệt mỏi và ớn cuộc chiến tranh này đến tận cổ. Đã đến lúc người Nam Việt Nam phải được tạo dựng để có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình". Một công dân bang Oregon viết: "55.000 người chết và 100 tỷ USD ném đi, nhưng để làm gì cơ chứ?" (1).

Huế, Đà Nẵng thất thủ và mối đe dọa cận kề đối với Sài Gòn cũng chẳng làm Mỹ thay đổi quan diểm. Dường như
----------------------------------------------
(1) Bà J.S. Mozzanini gửi James J. Kilpatrick ngày 6-2-1975 và rất nhiều lá thư khác trong Văn kiện James J. Kilpatrick, Thư viện đại học Virginia, Charlottesville, Va, hộp 5.
---------------------------------------------
tổng thống Ford không nghĩ đến chuyện dùng hải quân và không quân Mỹ. Để củng cố tinh thần cho chính quyền Nam Việt Nam và giải thoát trách nhiệm cho nước Mỹ (và cho cả chính quyền), vào đầu tháng 4 ông ta đề nghị xin Quốc hội chi 722 triệu USD viện trợ quân sự khẩn cấp và có nhắc lại lập luận ngày xưa rằng nếu không giúp được Nam Việt Nam trong giai đoạn thử thách thì điều đó sẽ làm suy giảm lòng tin vạo cam kết của Mỹ trên thế giới.

Nhưng các nghị sĩ trả lời gay gắt rằng quân đội Việt Nam Cộng hoà đã vứt bỏ lại ở các tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam một lượng vũ khí trang bị nhiều hơn mức có thể mua được bằng khoản viện trợ thêm này. Họ còn nói rằng bao nhiêu tiền cũng không thể đủ để cứu một đội quân không còn muốn chiến đấu. Đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt dính líu vào "cuộc chiến tranh ghê sợ này"(1). Bóng ma Watergate và vịnh Bắc Bộ vẫn treo lơ lửng trong cuộc tranh luận này và việc để lộ ra những hứa hẹn bí mật của Nixon với Thiệu đã làm cho nhiều người giận dữ lên tiếng.

Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua 300 triệu USD dùng vào việc di tản người Mỹ và vào những mục đích "nhân đạo", đồng thời còn chấp nhận đề nghị của Ford cho dùng quân Mỹ để di tản công đân Mỹ khỏi Nam Việt Nam. Nhưng Quốc hội không đi xa hơn nữa. Ngày 17-4, Kissinger nói lời bình luận cuối cùng: "Cuộc tranh luận về chiến lranh Việt Nam đã kết thúc"(2).

Do biết chắc Mỹ sẽ không can thiệp do đó có lẽ niềm ...
-------------------------------------------
(1) Báo cáo của Quốc hội, số 94, phiên họp thứ nhất, tr.10101-10108.
(2) Thời báo New York ngày 18-4-1975.

-------------------------------------------
   
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #181 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 03:43:59 pm »

... hy vọng mỏng manh về khả năng tồn tại của Nam Việt Nam cũng tan biến, nên quân giải phóng tiến từ Đà Nẵng đến ngoại vi Sài Gòn trong chưa đầy 1 tháng và chỉ vấp phải sức kháng cự quyết liệt ở Xuân Lộc, là nơi một bộ phận nhỏ lực lượng Việt Nam Cộng hoà tuyệt vọng chống lại một số lực lượng áp đảo. Với sự kiện thị trấn Xuân Lộc thất thủ ngày 21-4, cùng với việc Quốc hội Mỹ bác bỏ đề nghị của Ford xin viện trợ, nên cuối - cùng Thiệu dù ngoan cố cũng phải miễn cưỡng từ chức và đổ cho Mỹ trách nhiệm gây ra cuộc tháo chạy này.

Thay vào chỗ Thiệu là Trần Văn Hương già cả và bất lực - một nhân vật đã cố thương lượng một giải pháp trên cơ sở Hiệp định năm 1973, nhưng không thành. Sau Hương là Dương Văn Minh - một kiến trúc sư của cuộc đảo chính năm 1963, nhưng cũng là người phải nhận nhiệm vụ nặng nề là đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30-4-1975, quân giải phóng đã treo cờ chiến thắng trên thành phố mới được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vài ngày trước đó, tổng thống Ford đã chính thức tuyên bố một điều đã trở nên rõ ràng: "Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ".

Sự rút lui của Mỹ đã cho thấy mức độ ảo tưởng, thất vọng và bi thảm thể hiện rõ trong trải nghiệm của Mỹ qua cuộc chiến tranh Việt Nam. Các quan chức Mỹ vẫn tin tưởng rằng Nam Việt Nam sẽ tổ chức phòng thủ có hiệu quả cho đến lúc Bắc Việt Nam đánh vào tới cửa ngõ Sài Gòn. Đại sứ Graham Martin ngang bướng ủng hộ Thiệu một thời gian rất lâu sau khi đã biết là ngay cả tổng thống Mỹ cũng không được sự ủng hộ ở trong nước nữa; Martin đã gạt bỏ một số ý đồ đảo chính và thuyết phục Thiệu đừng từ chức nhưng có lẽ từ chức là cơ hội duy nhất để tránh đầu hàng vô điều kiện. Do sợ tâm trạng kinh hoàng sẽ lan khắp Sài Gòn, Marktin đã trì hoãn thực hiện kế hoạch di tản cho đến phút chót. Mỹ tìm cách đưa người của mình cùng với 150.000 người Việt Nam về nước. Nhưng hoạt động này rất rối loạn và gây nhiều nỗi khổ đau cho con người. Nạn tham nhũng hoành hành, việc thoát hiểm thường phải trả giá cao nhất và đại sứ quán Mỹ đã trả những khoản lệ phí cắt cổ để lấy thị thực xuất cảnh cho những người tìm cách trốn chạy. Do thiếu phương tiện nên nhiều người Việt Nam muốn ra đã mà không thể đi được. Cảnh tượng hải quân đánh bộ Mỹ dùng báng súng để cản những người Việt Nam tuyệt vọng gây tắc nghẽn đường thoát và hình ảnh lính Việt Nam Cộng hoà giận dữ nổ súng vào đám người Mỹ ra đi cũng là một cột mốc bi đát của 25 năm Mỹ dính líu vào Việt Nam(2).

Mỹ cũng gánh chịu trách nhiệm với các nhà lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam về vụ tháo chạy tháng 4- 1975. Trong hai năm sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ đã viện trợ cho Thiệu một số lượng đủ để khuyến khích ông ta có thái độ thách thức, nhưng số viện trợ đó vẫn chưa đủ để bảo đảm cho sự tồn tại của Thiệu. Những lời hứa hẹn hão huyền của Nixon đã khiến ông ta từ chối
------------------------------------------------
(1) Alan Dawon, 55 ngày, New York, năm 1977.
-----------------------------------------------
phương án thương lượng mà người ta cho là rủi ro để tiến hành một cuộc chiến tranh không thể giành thắng lợi. Việc Mỹ giảm mức độ dính líu vào chiến tranh và cắt giảm viện trợ đã làm suy yếu khả năng và ý chí kháng cự của Việt Nam Cộng hoà cùng việc Mỹ từ chối can thiệp trong cuộc khủng hoảng cuối cùng đã khiến Việt Nam Cộng hoà cầm chắc sự sụp đổ. Mặt khác thái độ không khoan nhượng của Thiệu, những sai lầm chiến thuật lớn của ông ta và những cố gắng tuyệt vọng nhằm cứu mình trong lúc chính quyền Sài Gòn đang giãy chết cho thấy dù Mỹ có làm gì đi nữa thì kết quả cũng khó có thể khác đi. Chế độ Việt Nam Cộng hoà đã hoàn toàn sụp đổ.

Chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; tình trạng thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm... Trước những thực tế khắc nghiệt này, nỗ lực nhằm tạo nên một thành trì chống chủ nghĩa cộng sản ở ngay phía nam vĩ tuyến 17 đã có mầm mống thất bại ngay từ đầu. Mỹ không thể đem lại những thay đổi cần thiết trong xã hội Nam Việt Nam mà không làm hại đến cái trật tự mà họ tìm kiếm, chẳng có hy vọng tạo nên sự ổn định lâu dài -nếu không có một sự thay đổi cách mạng. Người Mỹ có thể cung cấp tiền và vũ khí, nhưng họ không thể cung cấp những tố chất cần thiết cho một sự ổn định chính trị và cho sự thành công quân sự. Do sợ Việt Nam Cộng hoà không có khả năng tự cứu mình, Mỹ đã gánh vác gánh nặng đó để rồi vứt trở lại cho các khách hàng của mình khi nhân dân Mỹ chán ghét chiến tranh. Nhưng tính phụ thuộc của những năm trước vẫn dai dẳng kéo dài sau khi Mỹ chuyển sang "Việt Nam hoá" chiến tranh. Để đạt tới đích cuối cùng, mặc dù nhiều chứng cứ cho thấy điều ngược lại, Thiệu và các phụ tá của ông ta đã tuyệt vọng bám lấy niềm tin là Mỹ sẽ không bỏ rơi họ (1).

Sau khi Bắc Việt Nam giành thắng lợi, những quân bài "Đôminô" ở Đông Dương đã nhanh chóng sụp đổ.

Trong thực tế Campuchia đã thất thủ trước cả Nam Việt Nam, chấm dứt một cuộc chiến tranh đặc biệt tàn bạo và bắt đầu một giai đoạn dã man chưa từng có. Từ năm 1970 đến năm 1972, Mỹ đã chi hơn 400 triệu USD để chi viện cho chính phủ và quân đội Lon Nol. Chiến dịch ném bom dữ dội vẫn tiếp tục cho đến khi Quốc hội Mỹ ra đạo luật kết thúc nó vào tháng 8 năm 1973.

Trong 6 tháng đầu năm 1973, số bom ném xuống Campuchia đã vượt 250.000 tấn, nhiều hơn cả số bom đã ném xuống Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhưng chính quyền và quân đội Lon Noi vẫn không có dấu hiệu khả quan. Với sự giúp đỡ to lớn của Bắc Việt
----------------------------------------------
(1) Hosmer, đã dẫn, Thất bại của Nam Việt Nam, tr.118-120.
----------------------------------------------
Nam và Trung Quốc, Khơ me đỏ đã tiến về Phnôm Pênh, tấn công ở một số vùng. Chính quyền Lon Nol sụp đổ giữa tháng 4 và Khơme đỏ chiếm thủ đô ngày 17-4. Hàng ngàn người bỏ mạng trong chiến tranh và trên 2 triệu người trở thành dân tị nạn. Toàn đất nước Campuchia lần đầu tiên trong lịch sử đã lâm vào nạn đói. Khơme đỏ đã áp đặt một chế độ chuyên chế cực quyền hà khắc nhất và bắt đầu tái định cư bắt buộc toàn bộ dân cư.

Kết cục ở Lào tuy có gây chấn động nhưng còn đỡ hơn. Giải pháp năm 1962 cho Lào ngay từ đầu chỉ là văn bản vô giá trị. Một chính phủ liên hiệp nhỏ nhoi trên danh nghĩa cố giữ một nền trung lập mong manh (...).

Tuy ủng hộ một chính phủ trung lập, nhưng từ năm 1962 đến năm 1972, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh bí mật đánh các vị trí của Bắc Việt Nam ở Lào. Khi chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam kết thúc vào cuối năm 1968, Lào trở thành mục tiêu chính. Vào năm 1973, Mỹ đã trút xuống đó trên 2 triệu tấn bom khiến cho nhiều vùng đất trở thành hoang mạc. Đồng thời, Mỹ còn đỡ đầu cho một đội quân người Mèo do tướng phỉ Vàng Pao chỉ huy, đội quân này đã tiến hành chiến tranh du kích theo mùa, đánh vào đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào với cái giá phải trả quá đắt: trên 20.000 người đã bị chết khi chiến tranh kết thúc. Việc Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam làm cho chính phủ Lào không còn cơ hội tồn tại nữa. Thỏa thuận tháng 2 - 1973 đã cho ra đời một chính phủ liên hiệp, trong đó pathét Lào có lợi thế hơn. Cùng với sự sụp đổ ...
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #182 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 03:58:50 pm »

... của LonNol ở Campuchia và chính quyền Việt Nam Cộng hoà, Pa thét Lào đã lên cầm quyền (...).

Tác động của thất bại của Mỹ tại Việt Nam lên giới chính trị Mỹ là ít quan ngại hơn những gì mà các nhà hoạch định chính sách dự kiến (...). Sài Gòn thất thủ đã gây tác động sâu sắc. Một số người Mỹ bày tỏ hy vọng nước này có thể gạt bỏ một thời kỳ đau khổ ra khỏi quá khứ và tiếp tục công việc của tương lai. Trong những người từng quen với việc đón chào hoà bình với những cuộc diễu hành tung băng giấy thì cuộc chiến tranh vẫn để lại tàn dư sâu sắc của sự thất vọng, giận dữ và hết ảo tưởng. Người Mỹ nhìn chung nhất trí rằng, chiến tranh là một tấn thảm kịch vô nghĩa và một "thời kỳ đen tối" trong lịch sử dân tộc họ. Một số người tự an ủi bằng suy nghĩ cho rằng Mỹ lẽ ra không bao giờ nên dính líu vào Việt Nam. Nhưng đối với những người khác, nhất là những người đã mất người thân yêu thì như vậy chưa đủ. Một người dân có con tử trận ở Việt Nam đặt câu hỏi "bây giờ mọi việc đã trôi qua và nỗi đau vẫn còn. Con tôi nó đã chết vì cái gì đây?". Nhiều người Mỹ bộc lộ sự tức giận vì giới dân sự không cho phép giới quân sự thắng trong cuộc chiến tranh. Những người khác coi thất bại trong chiến tranh là sự phản bội các lý tưởng của Mỹ và là một biểu hiện của sự yếu kém báo điềm xấu cho tương lai. Một người dân bang Virginia than khóc: "Đó là một ngày đáng buồn nhất trong cuộc đời tôi khi thấm sâu nỗi đau chúng ta đã thất bại trong chiến tranh"(1). Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt
-------------------------------------------
(1) Jules Low, Tâm trạng của một quốc gia, Ap Newsfeature, ngày 5-5-1975.
-------------------------------------------
Nam diễn ra đúng vào lúc nước Mỹ đang chuẩn bị 200 năm thành lập, và nghịch cảnh này thật đau lòng. Theo nhận xét của tờ Newsweek thì "tuy vẫn chưa tiêu tan những niềm hi vọng cao cả và chủ nghĩa lý tưởng đầy ước muốn mà từ khi nước Mỹ ra đời đã có, nhưng người dân Mỹ bị dằn vặt vì nước này đã không thể thực hiện âm mưu của họ ở Đông Dương"(1).

Ngay sau chiến tranh Việt Nam, cả nước Mỹ đã mắc chứng lú lẫn. Cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề ai đã để mất Việt Nam trước đây mà Kissinger, John (?), Nixon vô cùng sợ hãi thì nay họ chỉ còn nhớ là một số ý kiến trao đổi gay gắt giữa Nhà Trắng và Quốc hội về trách nhiệm đối với cuộc tháo chạy tháng 4-1975. Có lẽ vì cả hai đảng đều đã dính sâu vào cuộc chiến tranh nên vấn đề Việt Nam không còn là của riêng Đảng nào và vì những ký ức đó quá đớn đau nên không ai muốn khơi dậy chúng làm gì. Trái lại nhiều nhân vật nổi tiếng đã kêu gọi kiềm chế. Mike Mansfield nói; "Lúc này chẳng có lợi ích gì nếu ta cứ làm rối lên về những giả thuyết lẽ ra cái này hay cái kia đã không xảy ra. Cũng chẳng có ích gì nếu cứ ngồi mà chỉ trỏ"(2). Vấn đề việt Nam gần như bị báo chí lãng quên. Trong cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 1976, cuộc chiến tranh này ít được đề cập đến. Nhà báo nhận xét vào cuối năm 1975: "Bây giờ dường như cuộc chiến tranh này chưa từng xảy ra. Dù
----------------------------------------
(1) Sự châm biếm của lịch sử, Newsweek ngày 28-4-1975, tr.17.
(2) Joseph Siracusa, Bài học Việt Nam và tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ, Australia Outlook, số 30, tháng 8-1976, tr.236.

-----------------------------------------
sao người Mỹ cũng đã gạt bỏ hình ảnh chiến tranh ra khỏi đầu óc mình. Họ không nói chuyện về cuộc chiến tranh mà cũng không nói về những hậu quả của nó"(1).

Nhưng lòng căm thù và tan vỡ ảo mộng vẫn cứ âm ỉ bên trong, gây ra phản ứng gay gắt trong gần ba thập kỷ của các cuộc khủng hoảng ngoại giao và can thiệp có tầm vóc toàn cầu của Mỹ. Thậm chí trước khi chiến tranh kết thúc, những trải nghiệm đau thương ở Việt Nam với sự cải thiện rõ rệt quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc và tình trạng ngày càng bận tâm với các vấn đề nội bộ đã dẫn đến chỗ thay đổi hẳn các thứ tự ưu tiên của quốc gia này. Từ cuối thập kỉ 40 và 60 của thế kỉ, chính sách đối ngoại vẫn luôn đứng đầu danh sách quan tâm của quốc gia, nhưng vào giữa thập kỉ 70, đề tài này xếp hàng thấp hơn hẳn. Cuối năm 1975, nhà phân tích dư luận Burns Roper nhận xét: "Công chúng hầu như lãng quên những khó khăn đối ngoại và các vấn đề ngoại giao"(2). Trải nghiệm ở Việt Nam cũng khơi dậy sự phản đối mạnh mẽ chống can thiệp quân sự ở nước ngoài, thậm chí để bảo vệ những đồng minh lâu đời nhất và kiên trung nhất của Mỹ. Cuộc bỏ phiếu thăm dò ngay trước khi Sài Gòn thất thủ cho thấy chỉ có 36% dân Mỹ thấy việc Mỹ giữ cam kết với các nước khác là cần thiết
-------------------------------------------
(1) Joseph C. Harsch, Bạn có muốn nhắc đến Việt Nam và thế nào là các quân bài Đôminô?, Louisville Tạp chí Người đưa thư, ngày 2-10-1975.
(2) Charles W. Yost, Tại sao người Mỹ dường như vỡ mộng với chính sách ngoại giao?, Louisville, tạp chí Người đưa thư, ngày 26-11-1975.

----------------------------------------------
và chỉ có 34% tỏ ý muốn điều quân Mỹ đi chiến đấu nếu như Liên Xô có ý đồ chiếm Tây Berlin. Đa số người Mỹ chỉ tán thành can thiệp quân sự để bảo vệ Canada. Nhà báo David Broder viết: "Chiến tranh Việt Nam đã để lại dư vị khó chịu mà ta luôn luôn cảm thấy ở mọi ý kiến đề cập đến hành động can thiệp quân sự trực tiếp"(1).

Thuyết chu kỳ trong quan hệ đối ngoại Mỹ dường như càng củng cố: Sau khi trải qua thời kỳ dính líu toàn cầu đầy bão táp, Mỹ dường như quay lại vai trò truyền thống hơn, tức là không có hành động gì cả.

Những người Mỹ đã tham gia cuộc chiến là nạn nhân chính của ý muốn lãng quên này. Tuổi trung bình của họ trẻ hơn lớp người tham gia chiến tranh thế giới lần thứ 2 là bảy tuổi, nhưng đã trải qua một cuộc chiến tranh phức tạp và rối loạn hơn nhiều. Những cựu chiến binh tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã được đưa về nước chỉ trong chớp nhoáng nhờ sự thần kì của kỷ nguyên máy bay phản lực, nhưng họ trở về trong lúc đất nước thù hận chiến tranh hoặc thờ ơ với nỗi đau khổ mà họ phải gánh chịu. Một số người bỗng cảm thấy mình có tội trước hiện tượng sa đoạ về đạo đức của đất nước, còn một số người khác thì cảm thấy mình có trách nhiệm về sự chiến bại này: Phần lớn họ vấp phải một sự yên lặng.

Buộc phải quay về với nội tâm, nhiều cựu chiến binh rất mất tin tưởng vào một chính phủ mà trước đó đã đưa họ
-------------------------------------------------
(1) David Broder, Quan điểm chủ nghĩa biệt lập không mù quáng với thực tại, Bưu điện Washinglon, ngày 22-3-1975.
------------------------------------------------
vào cuộc chiến và rất căm ghét thái độ của một nước Mỹ thiếu tôn trọng những hi sinh của họ. Đại đa số đã tự điều chỉnh cho thích nghi với hoàn cảnh mới mà họ thường gặp nhiều khó khăn và cũng có nhiều cựu chiến binh tìm đến ma tuý và rượu để lãng quên những khó khăn vì thất nghiệp và gia đình chia lìa. Nhiều người cũng phải chịu đựng những rối loạn căng thẳng hậu chấn thương từ trận chiến, một thuật ngữ hiện đại chỉ những gì trước đó đã trải qua nay được hồi tưởng gây sốc hoặc những mệt mỏi do cuộc chiến. Hình ảnh phổ biến về các cựu chiến binh trở về từ Việt Nam trong những năm đầu sau chiến tranh là những người nát rượu, mang súng và hay sử dụng bạo lực không thể điều chỉnh theo xã hội văn minh. Khi mà nước Mỹ vào năm 1982 đã chào đón quá mức những con tin trở về từ một vụ bắt cóc tại Iran được đưa tin rộng rãi, các cựu chiến binh của chiến tranh Việt Nam đã trút cơn thịnh nộ dồn ép trong gần một nửa thập kỷ. Chính họ đã xây dựng tại Washington một bức tường tưởng niệm hơn 58.000 người lính chết trận tại Việt Nam.

Trong một thời gian ngắn sau chiến tranh, chỗ đứng của Việt Nam trong nhận thức của từng người dân Mỹ đã thay đổi hẳn. Chứng lũ lẫn của những năm ngay sau chiến tranh chỉ là một hiện tượng thoảng qua, vào giữa thập kỉ 80, cuộc chiến tranh được bàn luận đến ở mức độ và theo cách thức mà đã có thời không thể có được. Đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài Việt Nam và phần lớn đó là thành quả của các cựu chiến binh. Trong khi  ...
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #183 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 04:10:32 pm »

... cuộc chiến tranh diễn ra, kinh đô điện ảnh Hollywood dường như lãng quên nó, nhưng sau chiến tranh nhiều nhà làm phim lại chộp lấy đề tài này để làm nên nhiều bộ phim, từ phim "Thợ săn hươu" đầy ám ảnh, phim "Ngày tận thế" siêu thực và ngoạn mục, đến những phim không đáng giá trong đó các nhân vật siêu anh hùng trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc còn dang dở. Không có vị lãnh tụ nào trên màn ảnh nhỏ đáng mặt anh hùng nếu anh ta không trở về từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trong thập kỉ 60 người cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam bị quy chụp là tội phạm chiến tranh, nhưng vào thập kỉ 80 đã trở thành vị anh hùng của nền văn hoá đại chúng, đó là hình ảnh một chiến binh kiên cường và tự lập đã vươn lên mặc dù bị chính phủ và đất nước bỏ mặc. Mỗi năm có 2 triệu người Mỹ đến thăm đài tưởng niệm hình chữ V ở Washington, làm cho nơi này trở thành điểm du lịch thu hút nhiều khách ở thủ đô. Sự vớ vẩn đi kèm lần kỷ niệm 10 năm ngày sụp đổ của chế độ Sài Gòn đã cho thấy Việt Nam để lại dấu ấn sâu sắc nhường nào trong tinh thần của nước Mỹ.

Dù người Mỹ muốn nói chuyện về Việt Nam hơn trước thì họ vẫn còn chưa rõ hoặc chưa nhất trí về ý nghĩa của việc làm đó, đặc biệt về ý nghĩa của cuộc chiến tranh đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự thờ ơ và xu hướng muốn rút lui thể hiện quá rõ ràng vào năm 1975, nhưng sau đó 10 năm xu hướng này giảm đi hẳn. Những ký ức cay đắng về Việt Nam cộng với tâm trạng thất vọng của vụ khủng hoảng con tin ở Iran đã tạo  nên một tâm trạng ngày càng kiên quyết, một xung lực mang bản sắc dân tộc cao muốn bảo vệ những lợi ích mà người dân cảm nhận được, thậm chí có cả niềm khao khát muốn đưa Mỹ trở lại địa vị cũ trên thế giới. Thế hoà hoãn tan vỡ, sự gia tăng vững chắc trong sức mạnh quân sự của Liên Xô, việc sử dụng sức mạnh đó ở Apganistan tạo nên mối lo ngại rất lớn đối với nền an ninh nước Mỹ.

Vào đầu những năm 80, ngân sách quốc phòng tăng vọt tới mức kỷ lục với mức chi viện cho hành động can thiệp quân sự để bảo vệ các đồng minh truyền thống cao hẳn lên(1).

Tuy nhiên, những ký ức dai dẳng về chiến tranh Việt Nam đã làm dịu đi chủ nghĩa dân tộc mới. Nhiều người Mỹ vẫn rất hoài nghi thứ chủ nghĩa toàn cầu kiểu thập kỷ 60 và không tin vào các thiết chế của chủ nghĩa quốc tế như ngoại viện hoặc Liên hiệp quốc. Mười năm sau khi chiến tranh kết thúc, đa số áp đảo vẫn tin rằng hành động can thiệp vào Việt Nam là sai lầm. Tâm trạng hoài niệm về Việt Nam đã mang lại sự chống đối mạnh mẽ chống can thiệp vào những cuộc khủng hoảng ở thế giới thứ ba như Li Băng và Trung Mỹ. Do vậy, sau thất bại Việt Nam, thái độ của công chúng Mỹ được cấu thành bởi một sự hoà trộn kỳ lạ giữa lòng hoài cổ và chủ nghĩa hiện thực, giữa tính kiên quyết và thận trọng.

Giới lãnh đạo chóp bu trong việc hoạch định chính
--------------------------------
(1) Adam Clymer, Hiện nay Người Mỹ nghĩ gì, Thời báo New York ngày 31-3-1985, tr.34.
---------------------------------
sách đối ngoại của nước Mỹ cũng không còn dám chắc trong những đánh giá về Việt Nam hơn quần chúng.

Thực vậy, nhiều cuộc bỏ phiếu có hệ thống trong nhóm lãnh đạo làm rõ ra rằng, Việt Nam chính là một "sự kiện đánh dấu bước ngoặt" đã để lại những mối chia rẽ sâu sắc và toàn diện. Người dân Mỹ nhận thấy nếu muốn xây dựng một chính sách ngoại giao có sức sống thì phải rút ra bài học từ chiến tranh Việt Nam. Nhưng họ vẫn không nhất trí với nhau về những gì mà họ phải rút ra bài học (1).

Vấn đề cơ bản vẫn là tính đạo đức và khôn ngoan của hành động can thiệp vào Việt Nam. Theo như những hành động thời hậu chiến của Hà Nội, người Mỹ dường như ít muốn quy kết sự can thiệp vào quốc gia này là một sự vô đạo đức, một dấu hiệu quan trọng về sự thay đổi trong tâm trạng của quốc gia này. Những người vẫn tiếp tục cảm thấy hành động can thiệp này là một tranh cãi vô bổ, rằng là không cần thiết hoặc không thực tế, còn những người phái tự do vẫn cho rằng điều đó nếu không thể hiện cho sự cam kết quá mức trong một vấn đề lợi ích ngoại biên của quốc gia này, thì cũng là một hành động đáng ngờ về đạo đức.

Quan điểm của những người theo phái bảo thủ đã có tiếng nói hơn trong những năm gần đây và có hai loại.
-----------------------------------------------
(1) Ole R. Holsti và James N.Rosenau, Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề quốc tế: Việt Nam và sự đổ vỡ của sự nhất trí, Winchester, năm 1984.
-----------------------------------------------
Một số người, kể cả tổng thống Ronald Reagan, đã tìm thấy trong những sự kiện hậu chiến tại Đông Dương lý do để nói ra một lần nữa điều họ cảm thấy về một thực tế cơ bản là, như Reagan đã liên tục tuyên bố, Việt Nam "thực sự là một cuộc chiến huy hoàng", một "sự cố gắng vì mọi người" của nước Mỹ để cứu nguy cho một "quốc gia tự do" khỏi nạn "ngoại xâm". Những người khác thì thừa nhận rằng Mỹ có thể đã mắc phải sự dính líu ngày một nhiều vào Việt Nam trong giai đoạn đầu, nhưng họ tiếp tục cho rằng thời gian qua đi lợi ích quan trọng đã được thiết lập, đó là đã bảo vệ được uy tín của Mỹ trên toàn thế giới.

Vấn đề lớn thứ hai mà người Mỹ rất bất đồng ý kiến là lý do Mỹ thất bại ở Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo từng tham chiến đã kết luận thất bại của Mỹ chủ yếu là do biện pháp, một kết quả của việc sử dụng không thỏa đáng những công cụ mà họ có trong tay. Tướng Westmoreland và nhiều người khác cho rằng sai lầm chính là ở chính sách "leo thang dần từng bước" do các nhà lãnh đạo dân sự đề ra và còn lập luận rằng giá như Mỹ đã dùng sức mạnh quân sự nhanh chóng, quyết định và không hạn chế thì đã có thể thắng trong cuộc chiến tranh(1). Một số nhà phê bình khác lại coi sai lầm cơ bản là sự lựa chọn phương tiện chứ không phải là cách sử dụng chúng. Họ lập luận, thay vì rập khuôn theo cách
----------------------------------------------------------
(1) William C. Westmoreland, Ghi chép người lính, Garden City, N.Y, năm 1976, tr.410.
------------------------------------------------------------
đánh trong chiến tranh thế giới thứ 2 và Triều Tiên vào Việt Nam, lẽ ra giới quân sự đã phải điều chỉnh cho phù hợp với một cuộc chiến tranh không quy ước mà họ dính vào và phải hình thành một chỉến lược chống nổi dậy thích hợp để đối phó(1). Rồi còn có nhiều người, kể cả các nhà lý luận quân sự nói rằng các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự cùng có trách nhiệm như nhau đối với thất bại của cuộc chiến tranh. Còn đại tá Harry G. Summers (con) lại lập luận rằng thay vì tiến hành những cuộc hành quân "tìm và diệt" phản tác dụng và tốn kém, Mỹ lẽ ra phải dùng lực lượng của mình chống lại quân chính quy Bắc Việt Nam dọc vĩ tuyến 17 để cô lập Bắc và Nam. Nhiều nhà lãnh đạo quân sự chắc chắn đã khăng khăng đòi tuyên chiến để bảo đảm rằng cuộc chiến tranh không được tiến hành một cách tàn bạo và có thể duy trì sự ủng hộ của dân(2).

Những bài học rút ra rất đa dạng do các lập luận lý giải ngày một phong phú. Những người cảm thấy Mỹ thua vì họ không hành động một cách quyết liệt thì kết luận rằng nếu nước này lại dính vào chiến tranh thì họ phải dùng sức mạnh quân sự để thắng nhanh hơn trước khi sự ủng hộ của công chúng giảm đi. Những người cảm thấy vấn dề cơ bản là ở chỗ hình thành chứ không phải là thực hiện chiến lược thì nhấn mạnh rằng các nhà ...
-----------------------------------------------
(1) Bình luận của Robert Komer trong W.Scott Thompson và Donaldson Frizzell, Bài học Việt Nam, New York, năm 1977, tr.223.
(2) Hany G. Summers, Khía cạnh chiến lược: Chiến tranh Việt Nam trong khuôn khổ, Carlisle Barracks, Pa, năm 1981.

-----------------------------------------------
 
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #184 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 05:28:30 pm »

lãnh đạo quân sự và dân sự phải suy nghĩ theo tầm chiến lược họ phải xem xét cẩn thận hơn nữa bản chất cuộc chiến tranh và đề ra một cách chính xác hơn những biện pháp có thể sử dụng tốt nhất sức mạnh của Mỹ để đạt tới những mục tiêu đã xác định cụ thể.

Tất nhiên, những bài học như vậy phụ thuộc vào các chuẩn mực và lòng tin của những người nêu ra chúng, còn những người chống chiến tranh thì lại có những kết luận hoàn toàn khác. Đối với những nhân vật chủ hoà trước đây thì bài học cơ bản là không bao giờ nên dính vào một cuộc chiến tranh mặt đất ở châu Á. Một số người khác lại cho rằng nên tránh can thiệp vào các điểm nóng quốc tế trừ phi lợi ích sinh tử của quốc gia rõ ràng bị lâm nguy. Một số nhà bình luận cảnh báo những nhà hoạch định chính sách cần phải cảnh giác với những kiểu lý giải giản đơn từng tạo nên thuyết Đôminô và phép loại suy như trường hợp Munich. Một số người khác nêu lên những yếu kém của Việt Nam Cộng hoà và khuyên rằng: "Ngay cả một cường quốc cũng không thể cứu được các đồng minh nếu họ không thể và không muốn tự cứu mình"(1). Đối với những hạn chế rõ rệt và để có hiệu lực thì chính sách đối ngoại của Mỹ phải trung thành với những lý tưởng lịch sử của dân tộc.

Bóng ma Việt Nam ám ảnh một cuộc tranh cãi ngày càng gây chia rẽ về một phản ứng thỏa đáng của Mỹ với các cuộc cách mạng ở Trung Mỹ. Ngay sau khi lên cầm
-----------------------------------------
(1) Louisville, Tạp chí người đưa tin, ngày 28-4-1985.
------------------------------------------
quyền, năm 1981, tổng thống Reagan đã ném uy tín của nước Mỹ vào việc bảo vệ chính phủ El Salvador chống lại một cuộc nổi dậy do phái tả lãnh đạo, với hy vọng phần nào thắng lợi ở đó có thể xua đi cái gọi là hội chứng Việt Nam - tức là thái độ thờ ơ của dân Mỹ không muốn gánh vác trách nhiệm ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Khi thấy không giành được một thắng lợi nhanh chóng, chính quyền Mỹ đã tăng cường viện trợ cho El Salvador, xây dựng nên một căn cứ quân sự lớn ở Honduras và tiến hành lộ liễu một cuộc chiến tranh để lật đổ chính phủ Sandinista ở Nicaragua. Chính quyền Reagan nhấn mạnh rằng, Mỹ phải ủng hộ các lực lượng phi cộng sản để tránh một cuộc đổ máu và thống khổ đã diễn ra sau chiến tranh Việt Nam. Đồng thời, giới quân sự và Bộ quốc phòng đã nêu rõ họ sẽ không tham gia chiến tranh trong những điều kiện giống như Việt Nam.

Mặt khác, các nhà phê bình theo phái "bồ câu" đã khuyến cáo hành động can thiệp của Mỹ vào Trung Mỹ sẽ dẫn nước này đến một vũng lầy tương tự như ở Việt Nam(1).

Cuộc tranh luận về việc Mỹ dính líu vào Việt Nam để lại nhiều câu hỏi chưa giải đáp được. Phải chăng nếu dùng sức mạnh quân sự một cách quyết liệt hơn thì có thể đưa chiến tranh đến một kết cục thỏa mãn? Đây vẫn
---------------------------------------------
(1) George C.Herring, Việt Nam, El Salvador và tiền lệ lịch sử trong Kenneth M.Coleman và George C.Herring, Sự khủng hoảng Trung Mỹ, Wilmington, Del, năm 1985, tr.97-110.
---------------------------------------------
là một câu hỏi đáng ngờ. Cũng không bao giờ có thể biết được rằng nếu thực hiện sớm một chương trình chống nổi dậy mạnh hơn và giàu tưởng tượng hơn thì liệu có thể giành được quyền kiểm soát nông thôn từ tay Việt cộng hay không và cũng chưa rõ liệu Mỹ có khả năng triển khai một chương trình như vậy ở một nơi xa lạ hay không? Theo như ý kiến của phái tự do, có vẻ như Mỹ đã phóng đại tầm quan trọng của Việt Nam. Nhưng lập luận của họ làm nảy sinh câu hỏi: Làm sao có thể sớm xác định tầm quan trọng của một khu vực nhất định và quan trọng hơn là làm sao có thể đánh giá sớm được những cái giá cuối cùng của hành động can thiệp.

Nhiều bài học rút ra cho rằng vẫn cần và vẫn có khả năng thực hiện chính sách kiềm chế, ít nhất là dưới dạng điều chỉnh nào đó, và do đó né tránh hoặc lờ đi toàn bộ những câu hỏi quan trọng nảy sinh từ cuộc chiến. Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam để chặn cuộc hành tiến của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô "chỉ đạo" trên toàn khu vực châu Á, mở rộng cam kết của mình để chặn đứng một nước Trung Hoa cộng sản có thể theo chủ nghĩa bành trướng và cuối cùng biến Việt Nam thành nơi thử nghiệm quyết tâm của Mỹ giữ vững trật tự thế giới. Do sai lầm quy chụp cuộc xung đột Việt Nam là do nguồn gốc bên ngoài, Mỹ đã đánh giá quá sai về những động lực nội tại của mình. Bằng việc can thiệp vào vấn đề mà về cơ bản là một cuộc xung đột cục bộ nên nước Mỹ đã đẩy mình vào thế chịu sự chi phối của các lực lượng địa phương, một khách hàng yếu kém và một đối thủ đầy   quyết tâm. Mỹ đã nâng một cuộc đấu tranh đáng ra vẫn ở quy mô cục bộ lên thành một xung đột quốc tế lớn. Do nâng những mối rủi ro lên thành một cuộc thử thách uy tín của mình nên nước Mỹ đã thu hẹp những sự lựa chọn của họ tới mức nguy hiểm. Một chính sách đã khiếm khuyết ngay từ cách đặt vấn đề thì không thể không thất bại và trong trường hợp như vậy thì kết quả thật tai hại.

Qua cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng ta thấy rõ chính sách kiềm chế toàn cầu vốn tự nó không thể phát huy được hiệu lực. Trong những năm 40, thế giới có vẻ đầy rẫy nguy hiểm nhưng vẫn kiểm soát được. Mỹ đã có được một vị thế chưa từng có về sức mạnh cũng như mức độ gây ảnh hưởng, đã sớm đạt được những thành công lớn ngay từ những giai đoạn đầu tiên ở châu Âu. Nhưng sức mạnh của Mỹ có được chủ yếu do sự yếu kém của các nước khác chứ không phải là bắt nguồn từ sức mạnh nội tại thực sự, cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm sáng tỏ rằng dù Mỹ có mạnh đến đâu thì sức mạnh đó cũng có hạn chế. Việc Liên Xô và Trung Quốc đã phát triển được những khả năng quân sự to lớn càng làm tăng rủi ro cho Mỹ nếu họ chi viện quân sự ở Việt Nam trên quy mô cần thiết để đạt những kết quả mong muốn. Những điều kiện thực tế ở Việt Nam và những hạn chế do dư luận công chúng tạo nên đã khiến cho Mỹ không thể hoàn thành những mục tiêu này nếu chỉ dùng những biện pháp hạn chế. Chiến tranh Việt Nam có thể đã thể hiện rõ là Mỹ không thể giữ vững quan điểm của mình về trật tự thế giới khi vấp phải một đối thủ cứng đầu và quyết   tâm mặc dù họ yếu hơn. Cuộc chiến tranh không làm suy giảm sức mạnh của Mỹ như ý kiến đề xuất của một số người, nhưng cuộc chiến tranh đó lại báo hiệu nhiều hạn chế trong sức mạnh quốc gia của quốc gia này ở một thời đại có xu thế đa dạng hoá trên trường quốc tế và có vũ khí hạt nhân.

Do đó, nếu cho rằng Mỹ có thể dễ dàng hồi tỉnh sau cơn ác mộng Việt Nam và lấy lại vai trò ngày xưa của mình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng thì chẳng khác nào mở đường cho một thảm hoạ lớn hơn.

Thế giới của thập kỷ 80 thậm chí nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn thế giới của những năm 40 và 50. Việc phổ biến vũ khí hạt nhân và sự xuất hiện một số lớn quốc gia mới, sự tồn tại nhiều cuộc xung đột khu vực và nội bộ đầy sai lệch đã kết hợp lại, tạo ra một thế giới hỗn loạn hơn và mất trật tự hơn bất kỳ lúc nào trong thời gian trước đó. Quan hệ tam giác đầy mập mờ giữa Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc còn có tác động gây mất ổn định hơn nữa đồng thời tạo nên tâm trạng vô cùng bất an cũng như tạo cho các nước yếu kém có cơ hội và nhiều khả năng hành động. Nếu Mỹ điều chỉnh thành công cho thích ứng với những điều kiện mới thì cần phải bỏ những quan điểm cũ, nhất là phải từ bỏ thái độ dao động truyền thống giữa hai thái cực, một là lao vào cuộc thập tự chinh để cải tạo thế giới, hai là rút lui khỏi thế giới trong tâm trạng giận dữ. Việc chấm dứt một cách logic hội chứng "không bao gìờ lặp lại" và quay lưng lại một "thế giới thù địch và vô ơn" có thể là điều tai hại. Nhưng nếu  coi việt Nam như một sự lầm lỗi và một kinh nghiệm độc đáo mà từ đó không rút ra được bài học gì thì càng dễ dẫn đến thất bại lớn hơn. Để thích nghi với thời đại mới, Mỹ phải nhận rõ chỗ yếu của mình, chấp nhận những hạn chế trong sức mạnh của mình và tự điều chỉnh mình cho thích nghi với nhiều hoàn cảnh không mong muốn. Người Mỹ phải hiểu rằng họ sẽ không thể định đoạt những giải pháp cho các vấn đề thế giới hoặc đạt tất cả các mục tiêu mong muốn. Dù muốn hay không, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc một kỷ nguyên trong lịch sử thế giới và trong đường lối ngoại giao của Mỹ, một kỷ nguyên được đánh dấu bằng những thành quả đầy tính xây dựng nhưng cũng bị ô nhục vì một thất bại cuối cùng, dù đó không phải là thất bại không thể cứu chữa.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM