Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:33:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường tới Điện Biên Phủ  (Đọc 70303 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 10:02:42 am »

3

Ngày 30 tháng 11 năm 1951, tôi tới sở chỉ huy tiền phương ở Đồng Lương, thuộc huyện Cẩm Khê, bên bờ sông Thao.

Tại Hòa Bình đã xuất hiện lần đầu một hình thức chiếm đóng quy mô lớn, với những hệ thống cứ điểm hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường số 6 và dọc sông Đà.

Địch đã nhanh chóng cấu trúc hệ thống phòng ngự dã chiến gồm 28 cứ điểm lớn, nhở với những công sự bằng gỗ, đất và hàng rào dây thép gai vây quân. Mỗi cứ điểm có từ 1 tới 2 đại đội bộ binh. Ở những vị trí quan trọng như Pheo, Đồng Hến, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông, Tu Vũ, địch bố trí 3 đại đội bộ binh, tăng cường 1 trung đội xe tăng, 1 đại đoàn pháo.

Quân Pháp tổ chức thành hai phân khu. Ở phía bắc, phân khu sông Đà - Ba Vì có 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 1 trung đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo với sở chỉ huy đặt ở Đan Thê, do đại tá Đêđơliê (Dodelier) chỉ huy. Phân khu này bảo vệ con đường sông nối liền thị xã Hòa Bình với đồng bằng. Phía nam là phân khu  Hòa Bình - đường số 6, có 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội xe tăng, với sở chỉ huy đặt tại Hòa Bình, do đai tá Clêmăng (Clément) chỉ huy. Phân khu này bảo vệ con đường bộ huyết mạch nối liền thị xã Hòa Bình với Hà Nội. Một số đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng chiếm giữ đường số 6. Lực lượng dự bị của địch đóng tại Trung Hà. Phân khu Chợ Bến cũng được tổ chức thành một tiền đồn bảovệ cho Hòa Bình ở phía đông.

Rõ ràng quân Pháp có ý định chiếm đống Hòa Bình lâu dài, và sẵn sàng đón chờ một cuộc tiến công lớn của bộ đội ta.

Ngày 1 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân ủy họp mở rộng thông qua kế hoạch tác chiến.

Tổng Quân ủy nhận thấy trong đợt đàu chiến dịch cần tập trung đánh địch trên tuyến sông Đà - Ba Vì, vừa triệt con đường tiếp tế chủ yếu của địch trên sông, vừa đánh thông hành lang tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận, chuẩn bị khi có điều kiện xẽ chuyển phần lớn lực lượng sang đường số 6.

Trên tuyến sông Đà, địch có hai khu phòng ngự then chốt: khu La Phù - Đan Thê và khu Tu Vũ - Núi Chẹ. Ở La Phù - Đan Thê địch mạnh hơn vì gần các căn cứ Trung Hà, Sơn Tây, và có nhiều đường giao thông thủy bộ cho việc ứng cứu. Ở Tu Vũ - Núi Chẹ, địch tương đối yếu hơn. Hai vị trí này tuy ở gần nhau nhưng lại nằm trên hai bên bờ sông, chỉ có thể yểm trợ cho nhau bằng hỏa lực khi bị tiến công. So với La Phù - Đan Thê, thì Tu Vũ - Núi Chẹ có nhiều sơ hở.

Sau khi thảo luận cân nhắc, Tổng Quân ủy quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ, đồng thời đánh địch vận chuyển trên sông Đà.

Nhiệm vụ mở màn chiến dịch được trao cho 308. Đại đoàn đã tham gia liền bốn chiến dịch. Từ ngày thành lập, đồng chí Vương Thừa Vũ vẫn làm chính ủy kiêm tư lệnh. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, để tăng cường cho đại đoàn, Bộ điều đồng chí Song Hào, Chính ủy Khu 10, về làm chính ủy 308. Anh Vương Thừa Vũ và anh Song Hào đều thấy nên chọn trung đoàn 88 đánh Tu Vũ. 88 vừa qua không thành công trong trận Chùa Cao, nhưng vẫn là đơn vị được rèn luyện nhiều trong đánh công kiên.

Các đơn vị được trao nhiệm vụ cụ thể như sau: Đại đoàn 308 sử dụng trung đoàn 88 tiêu diệt vị trí Tu Vũ, Trung đoàn 36 đánh viện cả trên bộ và trên sông, trung đoàn 1902 làm lực lượng dự bị cho Bộ, bố trí nghi binh tại Hưng Hóa. Đại đoàn 312 sử dụng trung đoàn 209 đánh vị trí Chẹ, 1 tiểu đoàn hoạt động ở bắc Ba Vì, kiềm chế Đan Thê, đánh giao thông trên đường Sơn Tây - Đá Chông, và Trung Hà - Sơn Tây. Thời gian nổ sống là ngày 9 tháng 12 năm 1951.

Bộ Tổng tham mưu đề ra những yêu cầu về chiến thuật: Hành quân tuyệt đối bí mật, đi vào ban đêm, bố trí cảnh giới nghiêm ngặt. Trú quân xa đường cái lớn, cấm khói lửa ban ngày đề phòng máy bay địch. Vượt sông có kế hoạch nghiêm mật đề phòng địch phát hiện, đưa bộ phận sang trước lập đầu cầu, qua sông phải trật tự, vượt sông xong phải xóa dấu vết. Đánh công kiên có kế hoạch bám sát địch, đề phòng xe cơ giới, kiềm chế pháo binh địch, cố gắng kết thúc trong đêm, nếu kéo dài sang ban ngày thì phải có kế hoạch đánh quân nảy dù. Đánh viện trên bộ phải tổ chức chống chiến xa, phá hoại cầu đường. Đánh viện trên sông phải phân tán hỏa khí, bố trí thành nhiều chặng trên một tuyến dài, có kế hoạch phòng không tích cực, làm trận địa giả.

Những người dân làm nghề đánh cá trên sông Hồng và sông Đà đã tập trung 200 thuyền lớn, nhỏ ghép thành một cầu phao trên bến Lạc Song, cách thị xã Hòa Bình 19 kilômét, để đưa đại đoàn 312 vượt sông. Nhưng cả đại đoàn không thể kết thúc cuộc vượt sông trong một đêm. Trận đánh Tu Vũ - Núi Chẹ phải lui lại một ngày.

Sáng ngày 9, tôi được báo cáo đêm qua, trung đoàn trưởng Nguyễn Bàng và tham mưu trưởng Nguyễn Tâm của 209 đi điều tra vị trí Chẹ, rơi vào ổ phục kích cảu địch, đều hi sinh. Đại đoàn đã cử trung đoàn phó Hoàng Cầm thay. Tôi linh cảm thấy việc tiêu diệt vị trí Chẹ sẽ khó khăn.

Sáng ngày 10 tháng 12, bộ phận tin kĩ thuật báo cáo địch dùng 5 tiểu đoàn chia làm ba cánh càn quét vùng tây - nam Ba Vì, đúng khu vực tập kết của 312. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho 312 đưa 209 xuất kích tiêu diệt cánh quân từ Chẹ càn vào khu vực Đồng Song. 209 xuất kích chậm, chỉ tiêu diệt được hai đại đội dù; số còn lại bỏ chạy. Các cánh quân khác của địch cũng rút lui bỏ dở cuộc càn.

Về sau ta mới biết, ngày 9 tháng 12, địch tìm được trong thi thể một sĩ quan ta một cuốn sổ có ghi kế hoạch 308 và 312 đánh Tu Vũ và Núi Chẹ. Xalăng quân đội mở cuộc hành binh “Hoa nhài” (Jasmin) đánh vào phía sau khu vực trú quân của 312 ở Ba Vì. Binh đoàn số 4 được tăng thêm tiểu đoàn dù 7 từ Văn Mông tiến về Núi Chẹ. Hai tiểu đoàn dù thuộc địa khác (1er BPC8è BPC) tiến theo hai hướng nam, bắc để bảo vệ sường cho cuộc hành binh. Tiểu đoàn dù 1 đã rơi vào trận địa của 209 bị thiệt hại nặng. Xalăng vội thu quân.

Cùng ngày, địch tăng cường cho vị trí Chẹ một trung đoàn xe tăng. Sau trận đánh vận động ngày 9, trung đoàn 209 không còn thời gian chuẩn bị tiến công Chẹ đêm ngày 10 tháng 12, được chuyển sang làm nhiệm vụ kiềm chế trận địa pháo ở Chẹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 10:06:24 am »

Nhiệm vụ đánh thắng trận đầu tập trung vào trung đoàn 88.

Trước đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã trực tiếp gặp ban chỉ huy trung đoàn 88. Trung đoàn trưởng Thái Dũng đã có mặt trong nhiều chiến dịch của Bộ. Quân Pháp thường gọi anh với vẻ trọng nể là “Commandant manchot” (quan tư cụt tay). Tôi nói:

- Tổng Quân ủy đã cân nhắc mới trao nhiệm vụ mở đầu chiến dịch cho 88, vì thấy các đồng chí có khả năng hoàn thành. Cần nhớ: Trận đầu phải thắng! Chỉ được thắng! Có nhiều khó khăn đấy. Phải quyết tâm vượt qua, vượt qua được thì trung đoàn sẽ trưởng thành.

Lần đầu, một trung đoàn của ta đánh một vị trí tiểu đoàn Âu Phi tăng cường, tôi hỏi:

- Các đồng chí có đủ lực lượng không?

Trung đoàn trưởng Thái Dũng nói:

- Trung đoàn đã được phối thuộc 1 liên đội pháo 75, như vậy là đủ. Chỉ cần chọn đúng điểm đột phá. Địch có nhiều pháo, huy động quá nhiều bộ đội không có lợi.

Tôi hỏi chính trị viên Đặng Quốc Bảo:

- Tinh thần bộ đội như thế nào?

- Lần trước, trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ dánh Chùa Cao, nhưng vẫn được Tổng Quân ủy chọn mở màn chiến dịch, bộ đội rất phấn khởi. Đảng ủy sẽ làm thật tốt công tác tư tưởng. Chúng tôi tin trung đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Tu Vũ là một cứ điểm đột xuất nằm bên tả ngạn sông Đà, cắm sâu vào địa phận tỉnh Phú Thọ, do tiểu đoàn bộ binh Marốc số 1 (1/2è RTM), một đơn vị thiện chiến, trấn giữ. Vị trí này chạy dài khoảng 300 mét trên bờ sông Đà, chiều ngang hẹp, địa hình bằng phẳng, được chia làm 3 khu: khu A và khu B cách khu C một con ngòi rộng 6 mét. Sở chỉ huy địch ở khu A. Hỏa lực ở đây rất mạnh, gồm 5 lô cốt, có trọng liên và ĐKZ, nhiều ụ súng máy và súng cối. Ngoài ra còn có 6 xe tăng và xe thiết giáp tạo thành những ổ đề kháng di động trong cứ điểm. Vị trí có hàng rào dây thép gai và bãi mìn, rộng 24 mét bao bọc. Những bãi lau chung quanh vị trí đều được phát quan, rộng 100 mét.

Ngày 10 tháng 12, anh Vương Thừa Vũ báo cáo tối nay đánh Tu Vũ mặc dù 312 chưa kịp tiến công Chẹ, đề nghị Mặt trận cho kiềm chế pháo địch ở Chẹ. Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị sử dụng cả trung đoàn 36 làm dự bị, đề phòng trận đánh kéo dài sang ban ngày.

8 giờ tối, bộ đội ta vừa chiếm lĩnh trận địa thì quân địch phát hiện. Từ các vị trí Đan Thê, Đá Chông, Chẹ, pháo địch câu về tạo thành một hàng lửa bao quanh vị trí. Đại đội chủ công Tô Văn lợi dụng kẽ hở giữa những loạt pháo, nhanh chóng tiếp cận được hàng rào khu A. Các đơn vị khác, kể cả sơn pháo đi với bộ binh, đều bị đại bác địch chặn lại. Chỉ riêng tiểu đoàn 322 của 88, ở múi diện kịp nổ súng đúng giờ quy định, chiếm được khu C nằm bên kia Ngòi Lát. Tới nửa đêm, có thêm một số đại đội bộ binh vào được tới hàng rào khu B. Ba khẩu sơn pháo bị bắn hỏng trong quá trình tiếp cận cứ điểm địch. Đại đoàn quyết định điều động trung đoàn 36 sẵn sàng tăng cường cho 88 để đánh Tu Vũ cả ban ngày.

2 giờ sáng ngày 11 tháng 10, 3 trong số 7 khẩu sơn pháo đi cùng bộ binh mới tới được trận địa khu A. Đại đội chủ công Tô Văn đã nằm đợi 5 giờ liền dưới những trận bão đại bác bên hàng rào dây thép gai. Cuộc tiến công lập tức bắt đầu. Ba khẩu pháo cùng lúc pháo hỏa đánh sập ba lô cốt. Tất cả các loại súng của bộ binh phun đạn vào khu A. Xung kích nối tiếp nhau xông lên dùng bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gãi, bãi mìn và xung phong.

Ở khu B, trong lúc chờ đợi cuộc tiến công, các chiến sĩ đại đội 209 của tiểu đoàn 23 đã dùng kìm, kéo bí mật cắt phần lớn hàng rào. Nghe tiếng đại bác nổ ở khu A, biết trận đánh đã bắt đầu, bộ đội ta lập tức giật bộc phá thổi bay hàng rào còn sót lại, tiến vào đồn địch. Các chiến sĩ nhanh chóng tỏa ra diệt liên tiếp sáu ụ súng.

Cuộc tiến công nổ ra quá muộn khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ. Hàng rào lửa đại bác đã chứng tỏ đối phương không thể nào vượt qua. Chúng tưởng rằng trong 5 giờ qua, 29 khẩu phảo đã nghiền nát các đơn vị xung kích. Nhưng họ vẫn xuất hiện giữa vị trí như từ trên trời rơi xuống! Tất cả những tên địch sống sót đều lao chạy về phía bờ sông trước làn đạn truy kích của bộ đội ta.

5 giờ sáng, tôi được đồng chí Đặng Quốc Bảo, chính ủy trung đoàn 88, báo cáo qua điện thoài, Tu Vũ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Từ lúc này, 88 bắt đầu có một danh hiệu mới: Trung đoàn Tu Vũ.

Tôi quyết định đi thăm Tu Vũ. Đồng chí Nam Hà, tham mưu trưởng trung đoàn 88, người đã trực tiếp chỉ huy mũi diện hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ, đưa tôi đi quan sát chiến trường. Tu Vũ là một cứ điểm lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt, nằm trên địa hình hoàn toàn bằng phẳng trên bờ sông. Nhìn mặt đất thấy rõ mật độ pháo chi viện của địch dày đặc. Sau này mới biết địch đã dùng 5.000 trái pháo yểm trợ Tu Vũ. Tôi nhớ tới những trận đánh không thành công ở trung du và đồng bằng. 88 thất bại ở Chùa Cao, nhưng lần này đã vượt qua lưới lửa bắn chặn, và giành chiến thắng. Rõ ràng qua chỉnh huấn, bộ đội ta tiến bộ nhiều. Cần phải rút kinh nghiệm thật kĩ trận đánh. Nó sẽ rất có ích cho trong chiến đấu công kiên sau này trên dịa hình trung du và đồng bằng.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Sáu, 2009, 03:10:04 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 03:13:17 pm »

4

Các hướng đã nổ súng phối hợp với mặt trận chính diện Hòa Bình sớm hơn chúng tôi chờ đợi.

Hướng đồng bằng, cũng trong ngày 11 tháng 12,các chiến sĩ của đại đoàn 320 bí mật vượt qua lớp lớp đồn bốt, sông lạch, đồng lầy, và mạng lưới gián điệp, vệ sĩ thâm nhập sâu vào vùng địch hậu Ninh Bình. 2 giờ 30 sáng ngày 12, cuộc tiến công thị trấn Phát Diệm bất thần nổ ra. Chỉ trong vòng hai tiếng, trung đoàn 48 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch đóng tại Phát Diệm. Một trận đánh táo bạo, quả cảm được tính toán kĩ lưỡng. Để bảo vệ đồng bào, trước khi dùng bộc phá đánh vào những nơi địch ngoan cố chống cự, bội đội ta đã đưa mọi người ở những nhà chung quanh tản ra chỗ khác. Khi trời sáng, thị trấn đã hoàn toàn giải phóng. Phố xá, nhà thờ, tất cả đồ đạc trong nhà, gia súc, những trái cam ửng chín ngoài vườn… đều nguyên vẹn. Những tên lính tiểu đoàn 18 ngụy đã biến mất, thị trấn đầy những anh bộ đội áo xanh. Đồng bào nấu ăn, tổ chức mít tinh mừng bộ đội. Với chiến trường được đồng chí Văn Tiến Dũng gọi là “Hoa sen nở”, trung đoàn 52 giấu quân ngay sát vị trí Chùa Cao, chờ hai đại đội địch tới tiếp viện cho Phát Diệm lọt vào trận địa phục kích trên đường số 10, mới nổ súng diệt gọn. Địch chưa hết hoang mang thì ngày 15 tháng 12, trung đoàn 48 diệt tiếp hai vị trí Yên Mô Thượng và cầu Xanh. Cùng thời gian, trung đoàn 64 ở địch hậu Hà Nam diệt vị trí Ngô Khê. Địch hoang mang rút chạy khỏi các bốt An Nông, Thọ Cầu, Ba Đa. Trung đoàn 64 đã phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng đồng bào nổi dậy tấn công quân địch khắp nơi. Hai khu du kích Lý Nhân và Duy Tiên được khôi phục và nối liền. Hàng trăm ngụy binh bỏ ngũ.

Hướng trung du, các đồng chí Lê Quảng Ba, Chu Huy Mân đã nhanh chóng đưa hai trung đoàn của 316 thâm nhập vùng địch hậu Bắc Ninh. Ngày 9 tháng 12, trung đoàn 98 của 316 diệt vị trí Thứa (quận lỵ Lang Tài) do 1 đại đội và 1 trung đội ngụy bảo vệ. Binh đoàn cơ động số 7 tới chiếm lại Thứa, bị 98 diệt thêm 300 tên. Tiếp đó, 98 diệt bốt Đậu, uy hiếp vùng cầu Đuống và thị trấn Gia Lâm kế cận Hà Nội. Ngày 16 tháng 12, trung đoàn 174 của 316 đánh vị trí Larivê (Larrivé) do 1 đại đội da đen và 1 trung đội ngụy trấn giữ. Đây là lần đầu tiên 1 tiểu đoàn của ta, tiểu đoàn 249 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy, tiêu diệt một vị trí công sự nới nằm trên phòng tuyến boongke của Đờ Lát.

Tại Hòa Bình, Tu Vũ thất thủ đã gây cho quân địch nỗi kinh hoàng, vì đây là một vị trí được tổ chức phòng ngự cẩn mật nhất. Chỉ có một số ít quân địch sống sót bơi qua sông chạy về vị trí Chẹ.

Sự xuất hiện của 312 ở Ba Vì đe dọa vị trí Núi Chẹ. Xalăng phải cho tiếp tục cuọc hành binh “Hoa nhài”. Ngày 11, Bộ chỉ huy chiến dịch được tin một cánh quân 2 tiểu đoàn địch đang càn quét sường núi phía tây Ba Vì, lệnh cho đại đoàn 312 xuất kích. 1 tiểu đoàn GM4 (1/4 RTM) lọt vào trận địa 309 ở xóm Sủi và bị bao vây, có nguy cơ bị tiêu diệt. Xalang phải tổ chức một đoàn quân cứu viện tới giải vây. Sang ngày thứ ba, Xalăng đành phải kết thúc cuộc hành binh.

Thất bại của cuộc hành binh “Hoa nhài” khiến Xalăng ngã lòng. Viên tướng này đã tính trong khu vực Ba Vì chỉ có bốn tiểu đoàn của 312, bộ chỉ huy Pháp tin là với sáu tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ, được 5 cụm pháo và máy bay yểm trợ, có thể đánh bật quân ta ra khỏi đây. Nhưng họ đã thấy các tiểu đoàn viễn chin hoàn toàn bất lực trước một đối phương thua kém hơn về số lượng và trang bị vũ khí nhưng “rất khó nắm bắt và rất cơ động, vận hành với một tốc độ cực kì nhanh chóng và biết tập trung sức mạnh vào thời điểm thích hợp”(1).

Nhưng còn một điều đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của một mặt trận thứ hai, chí ít cũng quan trọng bằng mặt trận này, đã được khởi đầu ở châu thổ sông Hồng. Lần đầu, hai đại đoàn chủ lực 316, 320 cùng tiến công ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Những đồn binh yếu ớt bên trong phòng tuyến Đờ Lát không đủ sức đương đầu với những cuộc tiến công, trong khi phần lớn quân cơ động và quân dù bị giam chân ở đây! Xalăng quyết định điều hai binh đoàn cơ động số 1 và số 4 đang càn quét ở Ba Vì về trung du để đối phó với 316 đã lọt vào Bắc Ninh. Được tin này, Bộ chỉ huy ch đưa ngay trung đoàn 102 của 308 sang hữu ngạn sông Đà phối hợp với 312 đánh địch khi chúng rút qnân. Các đơn vị của ta không bám sát đường, không nắm chắc địch, nên chỉ tiêu hao được 1 đại đội ở gần Đồng Tâm trên sông Đà.

Trên đường số 6, đoạn từ Xuân Mai đến Bến Ngọc, địch đã rải 11 đại đội Âu Phi của trung đoàn 4 bộ binh Marốc (4è RTM) và bán lữ đoàn lê dương 13 (13è DBLE) chiếm giữ. Ngoài ra, còn có một số đại đội ngụy đóng xen kẽ. Ở mỗi điểm cao, địch đóng từ một đến hai đại đội. Các căn cứ Xuân Mai, Ao Trạch, Gò Bùi, Đồng Bái, Đồng Bến, Thịnh Long đều có một trận địa pháo sẵn sàng yểm trợ cho cả hệ thống chiếm đóng. Bên đường 21, từ Xuân Mai đến Chợ Bến, địch tổ chức nhiều cụm điểm cao, trong đó có hai điểm cao lợi hại là Gò Mỗi và Đồng Tâm.

Đại đoàn 304 giao nhiệm vụ cho trung đoàn 66 phục kích hoạt động trên đoạn Chuộm - Đồng Bái, trung đoàn 9 chặn viện và đánh địch tuần tiễu, trung đoàn 57 đánh địch trên đường 21 từ Chợ Bến đến Xuân Mai bảo đảm sường phía nam mặt trận.

Ngày 2 tháng 12 năm 1951, trung đoàn 66 phục kích trên quãng đường từ Cầu Dụ đến Hang Đá cách Hòa Bình 15 kilômét về phía đông - bắc. 11 giờ 45 phút, 30 chiếc xe phủ bạt kín từ phía Xuân Mai đi lên. Cùng lúc, 4 xe chở đầy lính từ thị xã Hòa Bình xuống đón ở Cầu Dụ. Ta nổ súng vào cả hai đầu của đoàn xe. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt. Chỉ trong 20 phút, 66 đã tiêu diệt xong 34 xe giành thắng lợi trận đầu tiên trên đường số 6. Ngày 7 tháng 2, tiểu đoàn 353 của trung đoàn 9 phục kích địch ở Giang Mỗ, phía tây thị xã Hòa Bình 8 kilômét, tiêu diệt 300 địch, phá hủy 10 xe, có cả xe tăng. Trong trận này, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan nhảy lên xe tăng địch, mở nắp thả lựu đạn vào xe. Địch hất lựu đạn ra ngoài, và quay tháp pháo gạt anh khỏi xe. Cù Chính Lan lấy thêm lựu đạn, đuổi theo xe tăng và lại nảy lên. Lần này anh chờ lựu đạn xì khói mới thả vào thùng xe. Chiếc xe tăng bị tiêu diệt. Ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 375 phối hợp với tiểu đoàn Cô Tô đánh địch ở vùng Dốc Kẽm tiêu diệt gần hai trung đội, phá 11 xe công binh.

Những hoạt động tích cực của 304 trên đường số 6 khiến địch la hoảng: đướng số 6 đã bị cắt đứt!
Ở tả ngạn sông Đà, sáng ngày 11 tháng 12,tiểu đoàn 84 của 36 phục kích một đoàn ca nô địch ở Đoan Hạ, bắn chìm một chiếc, bắn bị thương hai chiếc. Buổi chiều, tiểu đoàn 16 của 141 phục kích ở Lạc Song, chặn đánh đoàn ca nô từ Trung Hà lên Tu Vũ bắn bị thương hai chiếc, một chiếc khác kéo cờ trắng chạy vào bờ xin hàng.

Sau bốn ngày chiến đấu, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Tôi đã yên tâm về phương hướng hoạt động của lực lượng vũ trang ta trong Đông Xuân 1951 - 1952. Chỉ trong bốn ngày, trên cả chiến trường Bắc Bộ, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 23 đại đội địch, phần lớn là Âu Phi. Riêng tại Hòa Bình, 10 đại đội bộ binh tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt. Một số vấn đề chiến thuật đã được giải quyết. Điều rất đáng mừng là những trận đánh phối hợp nổ ra đúng lúc ở đồng bằng. Chỉ trong đợt này, đại đoàn 320 đã tiêu diệt được 800 quân địch, giải phóng hầu hết huyện Yên Mô và một phần huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Các khu công giáo Phát Diệm, Bùi Chu trước đây là vùng công giáo tự trị, tự bảo vệ bằng những đội quân tự về công giáo. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, Đờ Lát rất bực tức vì hàng vạn Việt Minh đã lọt vào vùng này mà những người công giáo không hề báo tin, và các đội quân tự về đã bỏ chạy, không đánh khi bị tiến công. Đờ Lát quyết định hủy quyền tự bảo vệ của hai giáo khu này, điều quân đội tới thay thế. Nhưng lần này, những đơn vị “Pháp - Việt” ở Phát Diệm đã nhanh chóng tan rã trước những trận tiến công bất thần của 320.

Chúng ta đã chấp nhận thách thức của Đờ Lát. Đợt 1 chiến dịch chứng minh là ta đã có quyết định đúng.


(1)Yves Gras, Sđd, tr.432.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 03:15:10 pm »

Chương mười

HAI MẶT TRẬN

1

Sở chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ Đồng Lương về Xóm Giớn, Tân Lập, tây Tu Vũ 7 kilômét, nằm sâu hơn về phía thị xã Hòa Bình. Ngày 15 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân ủy họp hội nghị mở rộng.

Hội nghị đánh giá đợt 1 chiến dịch đã thành công. Địch đã thất bại lớn cả về quân sự và chính trị. Khi chủ trương mở chiến dịch Hòa Bình, chúng ta đã có chủ định kìm chân quân cơ động địch tại đây đẻ tạo điều kiện phục hồi chiến tranh du kích ở địch hậu. Qua thực tế chiến đấu đợt 1, chúng ta nhận thấy chiến trường địch hậu trung du và đồng bằng phải trở thành một mặt trận thật sự, phối hợp với mặt trận chính Hòa Bình, để giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân này. Đánh mạnh trên mặt trận chính cũng như mặt trận phối hợp, buộc đối phương phải đồng thời đối phó cả hai nơi, là cách tốt nhất để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phục hồi chiến tranh du kích ở hậu địch, giữ quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

Tại Hòa Bình, ta dự kiến địch sẽ củng cố các vị trí chiếm đóng, đồng thời mở những cuộc hành binh càn quét đẩy chủ lực ta ra xa. Địch có thể chiếm lại Tu Vũ, bảo vệ tuyến tiếp tế trên sông Đà, cũng có thể chuyển lực lượng từ các chiến trường khác về tăng cường cho Hòa Bình. Chúng ta cần tiếp tục tiến công địch trên sông Đà, đường số 6, tiêu diệt sinh lực địch cơ động tại khu vực nam Ba Vì, bắc đường số 6, bắc thị xã Hòa Bình, chuẩn bị đánh điểm, diệt viện trong khu vực Đá Chông, Núi Chẹ. Nhiệm vụ của mặt trận chính trước hết là kiềm chế, giam giữ lực lượng cơ động địch cho chiến trường địch hậu ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ đánh địch.

Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ cắt đứt đường vận chuyển chính của địch trên sông Đà, bảo vệ đường vận chuyển của ta, chuẩn bị đánh điểm, diệt viện ở Núi Chẹ, Đá Chông.

Đại đoàn 312, được tăng cường trung đoàn 66 của 304, có nhiệm vụ tiêu diệt điểm cao 600 và vị trí Chẹ, diệt viện từ Mỹ Khê lên Ba Vì.

Đại đoàn 304 (thiếu) tiếp tục hoạt động trên đường số 6.

Ở mặt trận phối hợp, Tổng Quân ủy quyết định các đại đoàn 316, 320 chỉ để lại một trung đoàn bảo vệ vùng tự do, đồng thời làm lực lượng dự bị. Đại đoàn 316 đưa thêm một trung đoàn vào vùng sau lưng địch ở Bắc Ninh. Đại đoàn 320 đưa một trung đoàn vào các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Nam Định. Như vậy, ở trung du cũng như Hữu Ngạn sẽ có mỗi nơi hai trung đoàn chủ lực của Bộ cùng với lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh chiến đấu ở hậu địch.

Các chiến trường xa, Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ ra sức hoạt động kiềm chế địch, tích cực phối hợp với chiến trường chính.

Chúng ta chấp nhận thách thức của Đờ Lát trên mặt trận Hòa Bình. Tại đây ba đại đoàn chủ lực của ta trực tiếp đương đầu với lực lượng cơ động của địch lên xuống trong phạm vi từ 13 đến 19 tiểu đoàn. Chưa khi nào trên chiến trường Đông Dương, Pháp tập trung một số quân với nhiều phương tiện chiến tranh lớn như vậy vào một trận đánh, do chính bộ chỉ huy quân viễn chinh trực tiếp điều hành. Họ đã đưa tới đây những sĩ quan, chỉ huy gỏi nhất, có những người sẽ trở thành những nhân vật chủ chốt ở Điện Biên Phủ sau này. Một số công trình phòng ngự cũng như chiến thuật đã được áp dụng tại Hòa Bình được coi như mẫu mực trong những bài giảng ở trường quân sự Pháp.

Trên toàn mặt trận, quân địch đóng thành những cụm cứ điểm, hầu hết nằm trên những điểm cao dọc phòng tuyến thị xã Hòa Bình - Đường số 6, và phòng tuyến sông Đà, liên kết với nhau bằng một hệ thống hỏa lực bảo vệ từ xa. Chúng không đi tìm những trận đánh lớn với chủ lực ta trong vận động, mà chờ ta tấn công vào những điểm cao, hoặc vận động ban ngày trên những địa hình trống trải rồi dùng hỏa lực mạnh từ xa để sát thương. Kể cả trog những cuộc càn quét,hễ gặp lực lượng lớn của ta giữa địa hình rừng núi, những binh đoàn cơ động, những tiểu đoàn dù lập tức co lại.

Cách bố phòng của quân địch phản ánh nhược điểm cố hữu của quân xâm lược, chúng luôn luôn phải bảo vệ mạng sống của mình, và bảo vệ những con đường tiếp tế. Lực lượng hùng hậu ban đầu của những binh đoàn tiến công nhanh chóng biến thành lực lượng phòng ngự, chỉ còn là những đại đội, tiểu đoàn giam mình trên những quả đồi rải rác thấp thỏm chờ đợi một cuộc tiến công không biết sẽ bắt đầu vào lúc nào. Đờ Lát có thể chưa tính tới trường họp tung ra hai chục tiểu đoàn vào một cuộc tiến công nhưng lúc này người chiy rất khó rút ra vài binh đoàn cơ động để ném vào một trận đánh.

Đổi lại, phía trận tuyến của ta khồng hề có một công trình phòng ngự nào, ngoài một số hầm trú ẩn ở nơi trú quân đề phòng những trận oanh kích bất ngờ. Từ chiến dịch Biên Giới, chiếc xẻng đã nằm trong trang bị của người lính xung kích. Nó được dùng để đào hỗ tránh đại bác quanh vị trí địch khi chờ đợt trận đánh bắt đầu. Trận tuyến của ta được che phủ bằng tấm lưới ngụy trang khổng lồ, những rừng cây, khe núi, những bản làng và bàn tay đùm bọc của nhân dân. Bộ đội ta hoàn toàn tự do đi lại trên trận tuyến của mình, tiến hành trận đánh với không gian, thời gian do mình lựa chọn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 03:16:32 pm »

Với lực lượng không đông hơn đối phương bao nhiêu, trang bị kĩ thuật còn yếu kém, ta chưa có khả năng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Hòa Bình. Nhưng chỉ riêng việc giam chân hai chục tiểu đoàn địch ở đây trong Đông Xuân 1951 - 1952 cho các chiến trường khác hoạt động, ta đủ giành một thắng lợi quan trọng. Ta biết rõ kẻ địch sẽ không chịu nằm yên một chỗ nếu chúng nhận ra Hòa Bình không có vai trò một cái bẫy thu hút những cuộc tiến công của quân ta!

Các cứ điểm ở Hòa Bình duy đã được củng cố nhưng vẫn còn là công sự dã chiến, chúng liên kết với nhau thành một hệ thống, nhưng vẫn nằm rải trên những tuyến dài, trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Trở ngại lớn trong các trận đánh không chỉ là lực lượng chiếm đống vị trí, mà còn là hỏa lực chi viện từ xa của những trận địa pháo được tính toán rất kĩ lưỡng. Tôi đã nhiều lần trao đổi với Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị tìm cách hạn chế sức mạnh phi pháo địch ban ngày cũng như ban đêm. Nhưng hoạt động kiềm chế sức mạnh pháo địch vẫn chưa hiệu quả. Chúng ta chưa có khả năng dùng pháo binh tiêu diệt những trận địa pháo của địch. Dùng súng cối để kiềm chế pháo địch không dễ dàng. Trong trận Tu Vũ, một trung đoàn đã được phân công kiềm chế pháo địch, nhưng vẫn có hơn năm ngàn trái đại bác rơi vào đội hình quân ta! Pháo địch vẫn là trở ngại lớn nhất trong những trận công kiên.

Trung đoàn 36 nhiều lần đánh tàu địch trên sông Đà chưa thành công. Cơ quan tham mưu đã chỉ thị cho trung đoàn phải rút kinh nghiệm, sớm cắt đường vận chuyển trên sông của địch.

Trưa ngày 22 tháng 12, tôi được tin sáng nay 36 vừa bắn chìm một đoàn tàu vận tải của địch cách thị xã Hòa Bình 10 kilômét, tiêu diệt thủy đội xung kích và đại đội yểm trợ đi trên tàu. Lần này, trung đoàn đã bố trí trận địa phục kích kéo dài 6 kilômét ở khu vực Lạc Song - Đồng Việt, đón các đoàn tàu từ Bến Ngọc xuôi về Trung Hà. Trung đoàn chiến đấu với sự chi viện của pháo binh. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, bộ đội ta tiêu diệt 1 tàu chiến 4 ca nô.

Trận đnáh ngày  22 đã làm tê liệt tuyến vân chuyển trên sông được coi là tuyến tiếp tế chính của địch. Xalăng vội ra lệnh cắt đứt cuộc hành quân càn quét ở Bắc Ninh, điều gấp hai binh đoàn cơ động số 1 và số 4 trở lại Ba Vì bên hữu ngạn sông Đà. Từ đầu chiến dịch, ta đã tổ chức một cánh quân, gồm hai tiểu đoàn của 312, do trung đoàn trưởng Lê Thủy và chính ủy Mạc Ninh chỉ huy, luồn sâu vào vùng chân nhí Ba Vì, Ba Trại, đường 87 với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, ngăn chặn những cuộc hành quân từ Sơn Tây tiếp ứng cho Chẹ và Tu Vũ, thường xuyên tạo một sức ép tại khu vực này. Hai binh đoàn của địch lại tiếp tục càn quét vùng Ba Trại. Máy bay địch bắn dữ dội vào nơi chúng nghi có quân ta. Có tin bộ chỉ huy Pháp chuẩn bị lập cầu hàng không tiếp tế cho Hòa Bình, vì không riêng tuyến đuòng thủy, tuyến đường bộ cũng bắt đầu bị uy hiếp nghiêm trọng.

Đêm ngày 29 tháng 12, trung đoàn 141của 312 do trung đoàn trưởng Nam Long chỉ huy, tiến công điểm cao 400 và 600, hai trong số ba điểm cao trên núi Ba Vì khống chế một phạm vi khá rộng trên phòng tuyến sông Đà. Tại điểm cao 400, chỉ trong vòng 10 phút, tiểu đoàn 16 đã tiêu diệt xong một đại đội địch, bắt sống 20 tên, hoàn thành nhiệm vụ. Trận đánh trên điểm cao 600 do tiểu đoàn 11 tiến hành, gặp quân địch chống cự quyết liệt, kéo dài tới 3 giờ 30 sáng, 120 địch chết, 135 tên bị bắt. Ngày 30, Pháp cho quân chiếm lại điểm cao 600, nhưng cuối cùng cũng phải rút. Địch mất một chỗ dựa vững chắc trên phòng tuyến sông Đà.

Cũng trong đêm ngày 29, trên đường 21, trung đoàn 57 của 304 tiêu diệt Đồi Mồi, vị trí tiền tiêu bảo vệ phân khu Chợ Bến, do một đại đội Âu Phi chiếm giữ.

Đồi Mồi và Hàm Voi là những vị trí rất quan trọng trên đường 21 bảo vệ sườn cho tuyến thị xã Hòa Bình - Đường số 6.

Ở trung du và đồng bằng, chúng ta đã có dịp kiểm tra sức mạnh tuyến phòng thủ Đờ Lát và kết quả chính sách bình định của Pháp và ngụy quyền đã dồn công sức tiến hành suốt năm qua.

Tuyến phòng thủ của Đờ Lát đã ngốn của đội quân viễnchinh 25 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ, 1.200 khẩu súng cối, 500 khẩu pháo, từ 37 li đến 105 li, trên 10.000 súng trường và liên thanh các loại, 800 lô cốt boongke, những khối bê tông thấp lùn với lỗ châu mai sâu hoắm nằm sát mặt đất, như những con quái vật phục trên mọi nẻo đường từ vùng tự do dẫn vào vùng tạm chiếm, sẵn sàng dùng lưới lửa thiêu chay bất cứ người lính, anh cán bộ, chị dân công nào định vượt qua.

Nếu như trong suốt kháng chiến chóng Pháp, chúng ta không có vũ khí đủ mạnh để san bằng những chiếc boongke này, cho đến nay chúng vẫn nằm yên giữa đám lau lách ven đường như dấu ấn chiến tích đáng buồn của Đờ Lát ở Đông Dương - thì ngay từ sau khi hoàn thành cuối năm 1951, chúng đã chứng tỏ sự bất lực trong việc ngăn chặn hàng trung đoàn, đại đoàn của ta ra, vào vùng tạm chiếm.

Ở trung du, ngày 15 tháng 12, trung đoàn 174 cùng với cả đại đội sơn pháo tiến vào địch hậu Bắc Ninh. Đêm ngày 25 tháng 12 một tiểu đoàn của 98 diệt vị trí Cầu Ngà, một tiểu đoàn 174 vừa xâm nhập, với cả trọng pháo tiến công vị trí Phố Mới. Sự có mặt cùng một lúc hai trung đoàn của 316 gây xáo động hậu phương của địch kế cận với Hà Nội trước đó vẫn yên tĩnh. Quân địch nằm yên trong những đồn bốt dày đặc nơm nớp lo sợ một cuộc tiến công. Trung đoàn 176 của 316 ở lại vùng tự do, đề phòng địch đánh lên Lạng Sơn, thấy chưa có gì đe dọa, đã đưa hai tiểu đoàn vào địch hậu Bắc Giang và Hải Ninh. Một tiểu đoàn luồn sâu tới vùng du kích huyện Yên dũng, Bắc Giang. Một tiểu đoàn về tận vùng duyên hải Hỉa Ninh tiễu phỉ và xây dựng cơ sở dọc đường số 4.

Ỏ Hữu Ngạn, đại đoàn 320 và lực lượng vũ trang địa phương khuấy động hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. Bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây bức hàng hàng loạt vị trí. Ở huyện Lý Nhân, Hà Nam, trong một đêm, bộ đội địa phương diệt bốn vị trí địch, 800 vệ sĩ bỏ hàng ngũ trở về với gia đình. Nhân dân các địa phương hăng hái phá tề xây dựng lại cơ sở đã mất trong năm qua. Chưa đầy một tháng, lực lượng vũ trang của ta đã tiêu diệt 45 vị trí tề vũ trang, phá 312 ban tề trong tổng số 380 ban tề ở tỉnh Hà Nam diệt 115 ban tề trong số 121 ban tề ở Ninh Bình.

Lần đầu, hai đại đoàn chủ lực của ta lọt vào địch hậu đồng bằng và trung du. Những vị trí đóng ở vùng trong với lực lượng đại đội, tiểu đoàn không đủ sức đương đầu với chủ lực ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình địch hậu đã thay đổi hẳn. Những vị trí địch liên tiếp sụp đỏ. Các trung đoàn pháo mất mục tiêu bắn vu vơ. 12 tiểu đoàn cơ động của Pháp còn lại ở đồng bằng bị điều đi ứng cứu hết nơi này qua nơi khác, chạy xuôi chạy ngược như đèn cù. Hệ thống ngụy quyền, ngụy quân ở trung du và hữu ngạn ta rã từng mảng lớn. Khắp vùng địch hậu diễn ra phong trào nổi dậy cảu quần chúng. Các khu du kích, căn cứ du kích chẳng những được phục hồi mà còn mở rộng. Căn cứ du kích của ta đã nối liền hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng, từ đồng bằng lên trung du.

Cuối tháng 12 năm 1951, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 2 chiến dịch.

Trong hai đợt chiến đấu, trên chiến trường Bắc Bộ, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 8.000 quân địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 03:25:51 pm »

2

Từ sau trận Lạc Song - Đồng Việt, tàu chiến và ca nô địch không còn xuất hiện trên sông Đà.

Những xứ điểm Đá Chông, Núi Chẹ, La Phù có nhiệm vụ bảo vệ con đường tiếp tế trên sông, đã không còn tác dụng. Trong đợt hai, ta đã có quyết định tiêu diệt Núi Chẹ và Đá Chông. Nhưng cả hai trận đều bị hoãn vì bộ đội phải chuyển sang đối phó với quân địch càn quét ở Ba Vì. Việc tiêu diệt những vị trí nằm trên sông Đà lúc này đã không còn cần thiết, và tốt nhất là cứ giữ tình trạng bố trí phân tán của địch như hiện nay. Qua 30 ngày chiến đấu, quân địch tại Hòa Bình đã bị thiệt hại nặng nề. Đường tiếp tế trên sông Đà bị tê liệt. Đường số 6 luôn luôn bị cắt. Có khả năng địch phải tính đến chuyện rút quân để đối phó với tình hình đồng bằng đang ngày càng nguy ngập.

Tổng Quân ủy họp đúng vào ngay đầu năm 1952. Đợt hai của chiến dịch đã phát triển như dự kiến.

Tổng Quân ủy quyết định chuyển hướng chính của chiến dịch sang tuyến thị xã Hòa Bình - Đường số 6, tuyến sông Đà - Ba Vì trở thành hướng phụ. Ta sẽ cắt đường số 6 tiêu diệt sinh lực địch, tiếp tục kiềm chế quân cơ động địch tại Hòa Bình để các mặt trận phối hợp và vùng sau lưng địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động. Bộ đội sẵn sàng đánh tiêu diệt khi địch rút quân. Một số trung đoàn mạnh của ta vẫn còn sung sức. Ta cần tổ chức một trận đánh lớn trên đường số 6, đoạn kế cận với Hòa Bình tiếp tục uy hiếp quân địch không cho chúng rút lực lượng cơ động về tăng cường cho đồng bằng. Phương châm tác chiến vẫn là “đánh điểm diệt viện”, nhưng tùy tình hình biến chuyển có thể vận dụng linh hoạt. Chủ lực của ta sẽ chuyển sang hữu ngạn sông Đà.

Những nhiệm vụ cụ thể trao cho các đơn vị như sau:

Đại đoàn 308, có trung đoàn 66 của 304 phối thuộc, phụ trách hướng tiến công chủ yếu bắc đường số 6, từ Đồng Bến, Ao Trạch đến Xuân Mai, và trên đường 21.

Đại đoàn 312 phụ trách khu vực Núi Chẹ, Đá Chông.

Trung du và đồng bằng chống càn quét, tích cực phối hợp với chiến trường chính.

Tổng Quân ủy đồng ý với đề nghị của Liên khu 3 đưa một trung đoàn của đại đoàn 320 sang tả ngạn sông Hồng, giúp Tả Ngạn phát triển cuộc chiến tranh toàn diện.

Thời gian hoạt động chậm nhất là ngày 7 tháng 1 năm 1952.

Những hoạt động trên mặt trận phối hợp đã trở nên đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy phân công anh Hoàng Văn Thái trở về hậu phương báo cáo với Trung ương và Bác về kế hoạch đợt 3 chiến dịch, sau đó ở lại giúp Tổng Quân uy chỉ đạo các chiến trường phối hợp tích cức đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đồng chí Hà Văn Lâu, Cục trưởng Cục Tác chiến, được cử làm tham mưu trưởng chiến dịch thay anh Hoàng Văn Thái.

Cùng vào thời gian này, Xalăng nhận thấy không có đủ lực lượng để tiếp tục bảo vệ tuyến Sông Đà. Số thương vong của các binh đoàn cơ động quá lớn và không thể bổ sung ngay. Những đại đoàn của đối phương đang di chuyển về hướng đường số 6. Ngày 6 tháng 1 năm 1952, Xalăng quyết định rút toàn bộ lực lượng trên tuyến Sông Đà, chỉ để lại cụm cứ điểm Đa Thê - La Phù gần Trung Hà (Sơn Tây). Tất cả những lực lượng rút về sẽ được tăng cường cho tuyến phòng ngự thị xã Hòa Bình - Đường số 6. Quyết định này chưa kịp thực hiện thì cuộc tiến công mới của ta đã nổ ra ở thị xã Hòa Bình và trên đường số 6.

Tôi vẫn rất băn khoăn vè vấn đề làm cách nào hạn chế được sự tổn thất vì pháo địch trong những trận công kiên. Từ chiến dịch Hoàng Hoa Thám tới nay, thủ đoạn đối phó chủ yếu của địch trong những trận công kiên là tận dụng hỏa lực pháo chi viện tối đa để bảo vệ những vị trí bị tiến công. Bộ Tổng tham mưu đề nghị một cách giải quyết: dùng một lực lượng đặc biệt đánh vào những trận địa pháo. Ta đang chuẩn bị đánh một số cư điểm trên đường số 6. Tôi trao đổi với anh Vương Thừa Vũ thử vận dụng cách này trong trận sắp tới. Đại đoàn trao nhiệm vụ cho trung đoàn 36, đơn vị đã tổ chức cho một tổ xung kích dùng thuyền chở bộc phá, đánh chìm tàu chiến trên sông Đáy trong chiến dịch Hà Nam Ninh.

Sau mấy ngày nghiên cứu, 36 báo cáo: Những trận địa pháo chung quanh thị xã Hòa Bình đều được bộ binh bảo vệ cẩn mật. Riêng tại thị xã Hòa Bình, trận địa pháo nằm sâu trong cùng, nên sự canh chừng của địch có phần lỏng lẻo hơn. Trung đoàn có khả năng đưa một phân đội bí mật đột nhật thị xã, tiêu diệt vị trí pháo ở đây. Nhưng để giữ an toàn cho lực lượng này cần phải tổ chức một số trận phối hợp, vừa kiềm chế vừa tranh thủ tiêu diệt những cứ điểm nằm dọc đường rút ra. Phòng tuyến địch bên ngoài rắn, bên trong thị xã cứ điểm địch tuy dày, nhưng yếu hơn, lực lượng chiếm đóng đều là ngụy binh. Tôi đồng ý với phương án của trung đoàn.

Nhiệm vụ biệt kích pháo được trao cho đại đội 41, năm xưa vốn là bộ đội địa phương, đã từng đóng giả phụ nữ tiêu diệt đồn Cẩm Lý do một đơn vị Âu Phi chiếm giữ giữa ban ngày. Trong cuộc họp dân chủ quân sự, chi bộ đảng của đại đội đã bàn bạc về các tình huóng phức tạp có thể xuất hiện trong trận đánh, và đề ra những phương án khắc phục. Một số người chỉ còn lo khi rút ra. Mặc dù các đồn địch đều bị đơn vị bạn kiềm chế, nhưng đường vào đã bị lộ, lại còn thêm thương binh, liều có tránh khỏi thương vong? Một đảng viên nói: “Khi đầu đang bị cả tổ ong đốt, địch còn chú ý gì tới đàn kiến bò dưới chân!”. Nhận xét có lí, làm mọi người yên lòng. Chi bộ quyết định lựa chọn ra 41 cán bộ, chiến sĩ (vừa đúng với phiên hiệu của đại đội), bỏ lại toàn bộ súng trường cồng kềnh, chỉ trang bị thủ pháo, thuốc nổ, tiểu liên, mác xung kích đẻ đánh giáp lá cà và làm đòn khiêng thương bình khi rút ra… Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định những hoạt động của 36 tại thị xã Hòa Bình sẽ hình thành hướng phối hợp trong khi hai trung đoàn 102, 66 đánh các vị trí Pheo, Đầm Huống ở hướng chính. Cơ quan tham mưu mặt trận được phân công giúp đỡ thêm về trinh sát, và thông tin cho 36 hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 03:27:38 pm »

Tôi viết một lá thư tay gửi đại đội 41 trước giờ xuất kích:

“Các đồng chí được nhận nhiệm vụ xung phong ngay vào trung tâm địch, diệt hỏa lực của chúng, giúp các bạn chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đó là một vinh dự lớn.

Bí mật và bất ngờ,

Anh dũng và kiên quyết,

Nhanh và gọn!

Tôi tin các đồng chí sẽ làm tròn nhiệm vụ, va trước khi các đồng chí ra trận, tôi gửi các đồng chí lời chào quyết thắng”
.

Chúng ta đã huy động ba trung đoàn vào những trận đánh mở đầu đợt 3 chiến dịch đêm ngày 7 tháng 1 năm 1952.

Sẩm tối, đại đoàn 41 của tiểu đoàn 84 đã có mặt trước cánh đồng trũng dẫn vào thị xã Hòa Bình, nằm kẹp giữa Xóm Dúng và Đồi Dè đều có quân địch. Ánh trăng đêm rằm giúp họ nhìn thấy trận địa pháo địch nằm sâu phía trong. Nhưng họ biết trăng sáng sẽ là trở ngại lớn trên đường tiềm nhập. Đại đội trưởng Chu Tấn quyết định để lại bộ phận cáng thương bên ngoài, lệnh cho các chiến sĩ chỉnh đốn trang bị thật gọn nhẹ, bỏ con đường mòn trống trải, lội qua những đám ruộng lầy ít bị quân địch chúy ý, tiến thẳng tới mục tiêu. Họ đi qua ruộng bùn không để phát ra tiếng động, rồi vượt qua sân bay. Trước giờ nổ súng, họ đã có mặt bên hàng rào dây thép gai của trận địa pháo.

Cùng thời gian đó, các đại đội 61, 62 của tiểu đoàn 80 đã áp sát quanh hai vị trí Đồi Cháy và Đồi Dè, các đại đội 42 và 43 của tiểu đoàn 84 cũng bám sát vị trí Khuỷu và vị trí Rậm nằm dọc con đường rút ra của những chiến sĩ biệt kích pháo.

12 giờ 30. Chỉ sau một ánh chớp bộc phá, hàng rào dây thép gai bỏa vệ trận địa pháo bị thổi bay, các chiến sĩ của đại đội 41 lập tức có mặt bên trong trận địa. Viên quan ba chỉ huy, mặc quần áo ngủ, phân trần với người chiến sĩ đang túm ngực hắn: “Tôi là quan ba chỉ huy pháo binh đây mà!”. Hắn tưởng lầm người đứng trước mặt là một ngụy binh. Nhiều pháo thủ bỏ vị trí chạy trốn. Bộ đội ta nhanh chóng nhét bộc phá vào nòng pháo phá xong bốn khẩu 105 vẫn nằm im trong ụ.

Nghe tiếng nổ phát ra từ trận địa pháo, tất cả các đơn vị xung kích đồng loạt nổ súng. Pháo 75 của ta cũng bắt đầu trút đạn vào ngôi nhà hai tầng duy nhất của thị xã, nơi viên đại tá Clêmăng đã chọn làm sở chỉ huy.

Bị tiến công bất thần, quân địch hoảng loạn. Những cứ điểm chính Đồi Thông, Ba Vành bị pháo ta kiềm chế thỉnh thoảng mới bắn những loạt đạn vu vơ. Trong vòng không đây một giờ, hai tiểu đoàn của 36 đã tiêu diệt gọn bốn vị trí: Đồi Cháy, Đồi Dè, Khuỷu, Rậm và một trận địa pháo. Thắng lợi vươt bậc! Những vị trí Khuỷu, Rậm trước đó chỉ giao cho bộ đội kiềm chế, thấy thời cơ thuận lợi, các đơn vị đã tiêu diệt.

Nhưng ở hướng chính, trên đường số 6, hai trận đánh đồn Pheo và Đầm Huống đều không thành công.

Đồn Pheo, trọng điểm của đợt tiến công, là một vị trí mạnh, do tiểu đoàn 2 tuộc bán lữ đoàn lê dương thứ 13 trấn giữ. Cứ điểm chia làm ba khu: đồn Pheo, làng Pheo và đồi Miều. Ngoài hỏa lực của bộ binh, ở đây địch còn có 4 đại bác 105 li và 1 trung đội xe tăng phối thuộc, cùng với sự chi viện bằng hỏa lực pháo từ những trận địa chung quanh. Địa hình Pheo khá phức tạp, bất lợi cho phía tiến công. Tuy vậy, Pheo vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của 102, một trung đoàn công kiên dày dạn kinh nghiệm, từ đầu chiến dịch vẫn được để dành cho nhiệm vụ quan trọng.

Thắng lợi của các đơn vị bạn trong những trận công kiên trước đó đã làm cho 102 chủ quan. Công tác điều tra cứ điểm quá sơ sài. Khi phố biến kế hoạch tác chiến, bàn cát của trung đoàn không thể hiện rõ sự bố phòng cẩn mật của địch. Cấu trúc phòng ngự của trung tâm đề kháng Pheo sau này được chọn làm thí dụ giảng dạy trong nhà trường quân sự của Pháp. Lực lượng tiến công của ta bị sử dụng phân tán, chi đều làm ba tiểu đoàn đánh ba nơi. Tư tưởng chủ quan của cán bộ truyền sang chiến sĩ. Đơn vị trợ chiến khi ra trận không mang theo cơ số đạn dự trữ, vì anh em cho rằng: “đánh một loáng là xong, mang làm gì cho nặng!”. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói trong tổng kết trận đánh: “Khi chuẩn bị thì tư tưởng chủ quan, đơn giản, kế hoạch đại khái, qua loa. Cho nên khi tiến công thì “đột phá nhập nhằng, tung thâm rối loạn, kiềm chế ma trơi”! Đại đoàn cũng chịu trách nhiệm một phần vì nắm tình hình không sát, không phát hiện kịp thời những sai lầm về tư tưởng và tổ chức của cấp dưới”.

Trận Pheo không thành công khiến cho dự kiến đánh viện của ta không thành. Thất bại này cũng có phần trách nhiệm của Bộ chỉ huy chiến dịch. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi chú ý tới trận biệt kích pháo nhiều hơn, vì đây là một nhiệm vụ mới mẻ, bộ đội phải luồn sâu vào thị xã, vuột qua hàng loạt vị trí dày đặc. Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch rồi chỉ có một lối ra, 36 chuẩn bị rất chu đáo nên đã thành công.
Những hoạt động của 36 ở thị xã khiến cho Clêmăng, chỉ huy phòng tuyến, hoảng hốt yêu cầu Xalăng tăng viện gấp 1 tiểu đoàn Âu Phi. Ngay hôm sau, Xalăng phải ném tiểu đoàn 2 dù (2è BPC) xuống thị xã Hòa Bình.

Trong hai ngày 8 và 9 tiếp đó, Xalăng gấp rút tiến hành cuộc hành binh “Hoa tím” (Violette) đã dự kiến, đưa toàn bộ lực lượng trên tuyến sông Đà về thị xã Hòa Bình và đường số 6.

Đây là màn đầu chuẩn bị cho cuộc rút lui.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 03:30:13 pm »

3

Theo kế hoạch, trong đợt 3 chiến dịch, đại đoàn 320 sẽ đưa một trung đoàn vào Tả Ngạn Liên khu 3. Nhưng đảng úy đại đoàn nhận thấy tình hình Hữu Ngạn đã tạm ổn định, đề nghị chỉ để lại đây trung đoàn 66, đưa cả hai trung đoàn 48 và 52 sang Tả Ngạn và sẽ ở lại lâu dài. Như vậy, cả đại đoàn 320 đều thâm nhập vào địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ. Riêng ở Tả Ngạn, từ trước tới đó chỉ có trung đoàn độc lập 42 và bộ đội địa phương, lần đầu, với sự xâm nhập của hai trung đoàn của 320, sẽ có một lực lượng bộ đội chủ lực tương đương với một đại đoàn.

Con đường hành quân của đại đoàn 320 xuyên qua những đồn bốt dày đặc của năm huyện, hai tỉnh, và phải vượt qua ba con sông. Đại đoàn đã cho một bộ phận đi trước đánh mở đường. Trung đoàn 64 hoạt động mạnh ở Phủ Lý thu hút sự chú ý của quân địch. Sau năm ngày luồn lách, cánh quân thứ nhất đã từ phía nam thị xã Nam Định đặt chân lên đất Thái Bình ngày 17 tháng 1 năm 1952. Cánh quân thứ hai phải dừng lại ba ngày ở hữu ngạn sông Hồng vì binh đoàn cơ động số 4 đang càn quét ở khu vực này đã phát hiện đại đoàn vượt sông, cố tìm cách ngăn cản. Máy bay địch rà soát và ca nô tuần tiễu ngày đêm trên sông. Đơn vị phải tổ chức đánh dịch ở Hoành Lộ, Đò Quan, cầu Vô Tình, buộc địch phải co về Cổ Lễ, tạo thời cơ vượt sông. Các đơn vị địa phương đã huy động hàng trăm con thuyền, hàng trăm chị em phụ nữ chở đò, xóa dầu chân sau khi bộ đội hành quân, giúp bộ phận còn lại của đại đoàn vượt sông an toàn…

Đảng ủy mặt trận Tả Ngạn được thành lập gồm các đồng chí: Đỗ Mười, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Khai, Dương Hữu Miên. Đảng ủy quyết định huy động toàn bộ lực lượng áo ạt tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng các khu căn cứ du kích, khu du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích phá ngụy quyền, ngụy quân, phục hồi cơ sở nhân dân.

Ngày 31 tháng 1 năm 1952, đại đoàn 320 tiêu diệt vị trí La Cao trong hệ thống chiếm đóng của địch ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải. Cùng lúc, tiểu đoàn bô đội địa phương Thái Bình bao vây bức hàng 9 vị trí tề vũ trang ở Tiền Hải, sau đó phát triển lên các huyện Kiến Xương và nam huyện Vũ Tiên.

Các tiểu đoàn Thanh Lũng, Kiên Trung, tiểu đoàn pháo binh của 320 vượt sông Trà Lý giải phóng hai huyện Thái bình, Thụy Anh. Ngày 8 tháng 2, ta tiến công vị trí Chợ Cống diệt và bắt 132 địch, thu 1 khẩu pháo 105.

Ở Bắc Thái Bình, dân quân du kích bức hàng hàng chục vị trí, trong đó có vị trí Tạ Xá huyện Tiên Hưng do 1 đại đội địch đóng giữ.

Sự có mặt của 320 đã thúc đẩy phong trào đấu tranh ở Tả Ngạn Liên khu 3 vùng lên mạnh mẽ. Trong khi bộ đội chủ lực tiến công những vị trí lớn, đồng bào và dân quân du kích kéo tới uy hiếp, gọi hàng, tước vũ khí hương dũng, tổng dũng trong các tháp canh, hàng vạn giáo dân vùng lên kêu gọi con em là “vệ sĩ” trở về. Các gia đình có con em đi lính ngụy kéo vào thị xã, thị trấn đòi cho biết tin người thân, đòi trả chồng con về làm ăn. Có nơi nhân dân dùng gậy tre, đòn gánh đuổi theo  quân địch rút chạy. Toàn bộ các hệ thống phòng ngự của địch đều rung chuyển. Vụng địch hậu Tả Ngạn sống lại không khí những ngày Tổng khởi nghĩa.

Trên mặt trận Trung Du, trung đoàn 174 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích ở nam phần Bắc Ninh diệt đồn Vân Thai, diệt đồn Kênh Vàng mở rộng vùng giải phóng Gia Lương, mở đường sang huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương.

Ngày 23 tháng 1, hai tiểu đoàn của 174 vượt sông Thái Bình sang phối hợp với tiểu đoàn chủ lực Quảng Yên tiêu diệt vị trí An Lật và Vân Tài, bắt sống bọn nhân viên ngụy quyền đang họp ở bốt quận. Ngày 24 tháng 1, tiểu đoàn Bạch Đằng chống càn ở Nam Sách diệt 300 địch, phá các tháp canh dọc đường số 17. Tiểu đoàn 251 của 174 đánh vị trí Đam Trai, diệt và bắt 55 địch, thu toàn bộ vũ khí.

Một bộ phận của trung đoàn 98 bao vây bức hàng vị trí Mão Điền bên bờ sông Đuống, thu 30 súng. Tiểu đoàn Thiên Đức của Bắc Ninh diệt đồn Tiên Xá.

Ta cắt đường 38, uy hiếp đường số 5, buộc địch một lần nữa phải rút quân từ Hòa Bình về để cứu nguy cho Trung Du.

Ngày 7 tháng 2 năm 1952, bộ tư lệnh đại đoàn 316 trực tiếp chỉ huy cuộc vây hãm vị trí Thiên Thai và bố trí đánh viện cả trên đường bộ và đường sông. Trong hai ngày 7 và 8, ta đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, bẻ gãy cuộc hành binh giải vây Thiên Thai, diệt 300 địch hầu hết là Âu Phi.

Ở Bắc Giang, tiểu đoàn 888 của 176 đã vào vùng địch hậu Yên Dũng, cùng bộ đội địa phương nhiều lần pháo kích vào thị xã Bắc Giang, đnáh bật cuộc hành quân càn quét của một tiểu đoàn địch ở An Chư, kiếm soát thuyền bè đi lại trên sông Lục Nam, sông Thương. Ngày 31 tháng 1, tiểu đoàn phối hợp với tiểu đoàn 61 Bắc Giang phục kích quân địch đi cứu viện, diệt 100 tên, phá 5 xe tăng, 4 xe ô tô bắt 5 lính Âu Phi.

Hai đại đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích vừa được phục hồi, đã làm mưa làm gió trên mặt trận địch hậu ở trung du và đồng bằng. Với gần hai phần ba lực lượng cơ động bị giam chân ở Hòa Bình, những tiểu đoàn cơ động còn lại ở đồng bằng và trung du nhanh chóng bị tiêu hao, không đủ sức để bảo vệ hệ thống phòng ngự cũng như bộ máy ngụy quyền ở vùng tạm chiếm.

Trên mặt trận Hòa Bình, từ sau khi rút phòng tuyến Sông Đà, quân Pháp đã hoàn toàn chuyển sang thế phòng ngự. Mọi cố gắng của địch từ ngày 10 đến 31 tháng 1 năm 1952 đều nhằm khai thông con đường số 6 đã bị đại đoàn 304 cắt đứt.

Tổng Quân ủy nhận được thư của anh Hoàng Văn Thái từ hậu phương gửi lên. Anh Thái viết: “Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đồng ý với chủ trương 3 đợt của chiến dịch và nhấn mạnh:

- Hướng chủ lực chủ yếu là cắt giao thông, kiềm chế và bao vây Hòa Bình. Lợi thì đánh, không lợi thì cho bộ đội nghỉ, không nên dùng nhiều lực lượng, tránh những trận tiêu hao, tránh điều dộng nhiều làm cho bộ đội mệt mỏi. - Thời gian không nhất thiết là tháng 1 năm 1952, có lợi thì có thể kéo dài để giữ chủ lực địch ở hướng này, để địch hậu có đủ thời gian phát triển và củng cố. - Địch đánh ra Hòa Bình về mặt quân sự căn bản là thất bại. Ta tạm thời mất Hòa Bình nhưng khôi phục lại địch hậu đó là một thắng lợi lớn”. Hồ Chủ tịch dặn: “Ngay lúc này cần có kế hoạch nếu địch rời Hòa Bình thì ta khuếch trương về quân sự, chính trị như thế nào cũng phải chuẩn bị trước”.

Sau đợt tiến công lớn ngày 7 tháng 1 năm 1952,chúng ta chủ trương tiếp tục cắt đường số 6, bao vây thị xã Hòa Bình, đưa thêm pháo vào khống chế thị xã và sân bay, cắt đứt đường hàng không và tiến hành nhiều hoạt động nhỏ lẻ để tiêu hao quân địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 03:32:09 pm »

Hai chiếc Junker hạ cánh xuống sân bay đã bị pháo ta bắn trúng không thể cất cánh. Địch phải kéo xác máy bay ra khỏi đường băng. Đêm ngày 9 tháng 1, hai ngày sau khi tiêu diệt trận địa pháo, trung đoàn 36 lại phát huy cách đánh này lập thêm một chiến công mới. Một tổ ba người của đại đội 43, tiểu đoàn 84, do một trung đội chỉ huy bí mật tiến qua sáu vọng gác, lọt vào sân bay, dùng bộc phá đánh hỏng chiếc máy bay đầu trên sân, và rút lui an toàn. Lần này quân địch để mặc chiếc Junker nằm giữa đường băng. Và không còn một chiếc máy bay nào dám hạ cánh. Sau đường thủy đến đường không của Hòa Bình bị cắt đứt.

Hòa Bình rõ ràng là một thị xã bị bao vây. Trước ngày quân Pháp tới, thị xã đã bị phá hoại, chỉ còn lại ngôi nhà gạch của “quan lang” Đinh Công Tuân. Ngôi nhà cũng đã bị pháo ta phá hủy đêm 7 tháng 1. Cả thị xã trơ trụi với mấy chiếc máy bay nằm trên đường băng chết lặng. Sở chỉ huy của Clêmăng đã chui xuống mặt đất. Các khẩu pháo và xe tăng đều núp trong ụ đất. Toàn bộ quân địch phải ăn ngủ dưới hầm. Mỗi lần binh lính địch đi lại, ra bờ sông lấy nước, đều nhớn nhác lo trúng đạn bắn tỉa của quân ta. Một chiếc xe chở đồ tiếp tế lên Đồi Gai trúng mìn bộ đội ta cài ngay trước cổng đồn. Một tiểu đội của đại đội 62 đã bí mật bò lên hẳn Đồ Dè, dùng thủ pháo đánh sập lô cốt chôn vùi cả số quân địch bên trong. Thỉnh thoảng từ những cứ điểm lại rộ lên những tràng súng liên thanh hoảng hốt vì những hoạt động quấy rối của ta.

Ngày đầu trung tuần tháng 1 năm 1952, quân báo của 308 báo cáo ở thị xã Hòa Bình địch treo cờ rủ. Chúng tôi không biết có nhân vật cao cấp nào của nước Pháp vừa qua đời? Hôm sau mới biết Đờ Lát đã chết và được truy tặng Thống chế. Mọi người đều nhận thấy sự ra đi đột ngột của Đờ Lát lúc này sẽ tác động xấu tới tinh thần quân đội viễn chinh.

Sau khi từ Việt Nam về, bệnh tình Đờ Lát đã rất nặng, nhưng ông ta vẫn tiếp tục nghe báo cáo về tình hình chiến sự tại Hòa Bình, trực tiếp gặp Tổng thống Pháp đề nghị mở cuộc họp Thượng Hội đồng Liên hiệp Pháp (Hout Conseil de l’UnionFrancaise), và gửi một bức điện cuối cùng cho Xalăng chuyển lời yêu cầu Bảo Đại tới Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm 1951, vì sự có mặt của Bảo Đại đúng vào ngày kỉ niệm chiến tranh Đông Dương sẽ tạo ra “hiệu quả tâm lí chính trị cao hơn”. Khi được biết Bảo Đại sẽ đến thăm Hòa Bình, Đờ Lát vui vẻ nói với vợ: “Cuối cùng, tôi đã thuyết phục được ông ta phải đi thanh tra các binh lính trên chiến trường. Bây giờ ông ta đã nhập cuộc với họ”.

Tết Nhâm Thìn sắp tới. Hậu phương năm nay dành những tình cảm trìu mếm cho các chiến sĩ ở mặt trận. Đường từ hậu phương ra tiền tuyến nườm nượp những đoàn người gồng gánh quà Tết cho bộ đội. Bánh chưng xanh, chè lam Phủ Quảng, đường phèn Nho Quan, thuốc lá Ba Vì, chè búp Đồng Lương, đỗ xanh Phú Thọ, gạo nếp Hòa Bình…, những món quà tình nghĩa này phải vượt qua những cung đường lửa. Các đoàn văn công cũng ra mặt trận đưa lời ca, tiếng đàn tới tận chiến hào, tới nơi điều trị thương binh. Cán bộ, chiến sĩ truyền tay nhau tờ thiếp hồng có in bài thơ Xuân Nhâm Thìn của Bác Hồ:

      “… Trường kì và gian khổ
      Chiến thắng trăm phần trăm”
.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc ở đây một sáng kiến đã mang lại sự cải thiện rất quan trọng trong đời sống các chiến sĩ ngoài mặt trận. Khói lửa từ những bếp của anh nuôi đã nhiều lần làm lộ vị trí trú quân, dẫn đến những tổn thất xương máu. Công việc thổi nấu đều phải tiến hành ban đêm đề phòng máy bay địch. Bộ đội trong mùa đông vẫn phải ăn cơm nguội, uống nước lạnh. Một chiến sĩ nuôi quân ở trạm quân y của đại đoàn 308, đã có sáng kiến đào những đường rãnh thoát khói bên sường núi, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh, chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Từ đó anh nuôi có thể thổi nấu ban ngày ngay cả khi máy bay trinh sát địch bay trên đầu. Bộ đội bắt đầu được ăn cơm nóng, uống nước nóng. Bếp hoàng Cầm, mang tên người sáng tạo ra nó, đã phát huy hiệu quả trong tất cả những chiến dịch sau, kể cả trong những năm chống Mỹ bộ đội trú quân trên dải Trường Sơn. Đồng chí Hoàng Cầm đã trở thành chiến sĩ thi đua của đại đoàn 308.

Ngày 27 tháng 1 năm 1952, đúng vào ngày Tết Nguyên đán, Tổng Quân ủy họp quyết định kết thúc đợt 3 chiến dịch.

Tinh hình mặt trận đang chuyển biến nhanh. Các binh đoàn cơ động của địch đều bị thiệt hại nặng không còn khả năng tìm kiếm một trận đánh lớn với ta. Với lực lượng rút từ phòng tuyến Sông Đà về, hệ thống phòng ngự của địch ở thị xã Hòa Bình và trên đường số 6 đã được củng cố khá chặt chẽ. đặc biệt là hỏa lực pháo binh. Ở đồng bằng, địch không còn đủ lực lượng cơ động đối phó với những hoạt động ngày càng mạnh của các lực lượng vũ trang. Theo tình thế chung hiện nay, dù muốn hay không, Xalăng cũng phải rút quân khỏi Hòa Bình.

Tổng Quân ủy quyết định: “Tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, tiếp tục kiềm chế lực lượng của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở hậu địch, tranh thủ chấn chính lực lượng nhất là bộ đội chủ lực để khi có thời cơ đánh mạnh trên mặt trận Hòa bình, đường số 6. Ta chỉ sử dụng một phần ba  lực lượng để tiếp tục bao vây Hòa Bình và chia cắt đường số 6”.

Phương châm hoạt động là “Đánh nhỏ, phát triển tột bậc hành động phá hoại, gây rối, tích cực tiêu hao địch, khi ta thực hiện được chấn chỉnh rồi, nếu địch chưa rút Hòa Bình thì ta có thể tổ chức đánh điểm, diệt viện. Nếu địch rút, tranh thủ tiêu diệt bộ phận cuối cùng của chúng”.

Căn cứ và quyết định của Tổng Quân ủy, tham mưu xây dựng kế hoạch đánh địch rút chạy:

- Đại đoàn 308 (thiếu 102) được phối thuộc trung đoàn 209 thuộc 312, phụ trách khu vực từ thị xã Hòa Bình tới Ao Trạch, có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch rút lui ở quãng đường này, nặng về phía bắc.

- Đại đoàn 312 (thiếu 209) được phối thuộc trung đoàn 102 của 308, phụ trách từ Pheo đến Ao Trạch, nặng về phía nam, sẵn sàng tiêu diệt địch từ Phượng Lâm tới Pheo, phối hợp với 308 đánh địch từ Pheo đến Ao Trạch, và phối hợp với đại đoàn 304 ở khu vực Đồng Bái.

- Đại đoàn 304 phụ trách từ Ao Trạch đến Xuân Mai, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận nhỏ của địch. Một trung đoàn chuẩn bị vào hoạt động ở vùng Chợ Cháy, Xuân Mai và Mai Lĩnh.

Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu triệu tập các đơn vị trao nhiệm vụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2009, 03:34:10 pm »

4

Thời gian qua, đại đoàn 304 (thiếu 66) với nhiệm vụ bám sát đường số 6 đánh điểm nhỏ, diệt viện, đánh giao thông, đã tiêu diệt bảy đại đội Âu Phi, phá hủy nhiều xe cơ giới và pháo binh làm cho tuyến vận chuyển đường bộ của Pháp lâm vào tình trạng tê liệt.

Ngày 10 tháng 1 năm 1952, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận được báo cáo, địch tập trung một lực lượng rất lớn quân cơ động và quân dù ở Xuân Mai. Ngày 11 tháng 1, lực lượng này tiến quân về phía Ao Trạch. Địch tiến quân rất chậm. Chúng chiếm những điểm cao hai bên đường số 6, và cho phát quang tất cả những bụi rậm, lau lách có thể trở thành nơi trú ẩn của quân ta. Mỗi lần bị chặn đánh, chúng không ham chiến đấu, ngừng tiến quân, tìm nơi ẩn nấp và gọi máy bay, đại bác oanh tạc dữ dội vào đội hình của ta. Ba ngày sau, những tiểu đoàn dù đi đầu cuộc hành binh mới tới Ao Trạch. Địch biến vùng Ao Trạch thành một “thị xã Hòa Bình mới” với 13 cụm pháo binh. Từ đây tới Hòa Bình, quân địch bị 304 kiên quyết chặn đánh. Các chiến sĩ ta giành giật với quân địch từng mỏm đồi. Những tiểu đoàn dù bị thương vong nhiều, phải quay trở lại Ao Trạch. Địch đưa binh đoàn cơ động số 1 lên thay. Bộ binh địch hết sức tránh những trận đụng dộ trực tiếp với quân ta, không tiếc dùng bom đạn đẩy bộ đội ta ra xa trục đường số 6. Mãi tới ngày 31 tháng 1, đoàn quân này mới tới gần thị xã Hòa Bình. Chúng phải tỏ ra 21 ngày đêm để vượt một quãng đường dài hơn bốn chục kilômét.

Trinh sát theo dõi quân địch ở Hòa Bình vẫn không thấy động tĩnh. Chúng tôi phán đoán địch khai thông đường số 6 để bảo vệ tuyến vận chuyển duy nhất còn lại, và cũng để chuẩn bị cho trường hợp phải rút quân khỏi Hòa Bình. Bộ chỉ huy chiến dịch trao nhiệm vụ cho quân báo 308 bắt tù binh để khai thác. Sau ngày Tết Nguyên đán, anh em đưa về một lính Pháp đóng ở đồn Pheo. Hắn bị một tổ quân báo của ta chộp bắt khi ra giếng ngay gần đồn lấy nước. Tên lính trẻ, có đeo chiếc thánh giá bằng bạc, nói rất nhiều về cuộc sống khổ cực của binh lính Pháp ở Hòa Bình, chui rúc trong các hầm hố… nhưng khi hỏi tới ý đồ sắp tới của chỉ huy Pháp thì y hầu như không biết gì, vì y mới là một binh nhất. Y nới từ sau khi Đờ Lát chết, và nhất là gầnn đây, các sĩ quan tỏ ra buồn bã. Họ luôn nói với nhau về những tin thất bại ở đồng bằng, và cho rằng nếu không rút khỏi Hòa Bình thì có thể bị tiêu diệt…

Đờ Lát chết đã mang theo hi vọng giành chiến thắng ở Đông Dương. Đúng lúc này, Liên minh Bắc Đại Tây Dương yêu cầu nước Pháp phải góp 12 sư đoàn vào việc phòng thủ châu Âu. Chiến tranh Đông Dương mỗi ngày đã ngốn của nước Pháp 1 tỉ franc. Những cuộc tranh cãi lại tiếp tục diễn ra trong chính phủ và quốc hội. Những nhà chính trị Pháp vẫn còn chịu ảnh hưởng bới những tướng lĩnh Pháp đã mở đầu cuộc xâm lược Đông Dương. Một số đồng ý với Ganliêni (Joseph Galiéni): “Ai nắm được Bắc Kỳ, người đó nắm được Đông Dương”, một quan điểm được Đờ Lát rất ủng hộ. Một số đồng ý với Lyôtây (Louis Hubert Lyoutey), coi Nam Bộ là “phần đất có ích tại Đông Dương”, thấy nên rút về Nam Bộ. Những người cầm đầu nước Pháp nghiên về giải pháp quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương, nhưng họ cho rằng thời cơ chưa đến, cần chờ cho “quân đội Việt Nam” hình thành. Họ hi vọng qua cuộc đàm phán ngừng bắn ở Triều Tiên sẽ có cơ hội tiếp xúc với Trung Quốc, và thuyết phục được Trung Quốc cam kết tôn trọng “độc lập của Việt Nam”! Trừ những người cộng sản Pháp, chiếm 143 ghế ở quốc hội, kiên quyết đòi chấm dứt chiến tranh bằng cách điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh, Chính phủ Pháp cũng như số đông những thành phần ở Quốc hội đều nhận thấy không có một giải pháp quân sự ở Đông Dương, nhưng họ cũng không thể chấp nhận một cuộc điều đình với chúng ta, và phải dựa vào Mỹ để tiếp tục chiến tranh cho tới lúc tìm ra một lối thoát có lợi.

Để thay thế cho Đờ Lát ở Đông Dương, Chính phủ Étga Phô (Edgar Faure) trao cho tướng Gôchiê (Gautier) và Xalăng tạm quyền. Nhưng chính phủ này cũng không tồn tại được bao lâu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM