Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:44:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường tới Điện Biên Phủ  (Đọc 70281 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 04:55:51 pm »

4

Buổi tối, Bác và tôi đi gặp đồng chí Trần Canh.

Đồng chí Trần từ Vân Nam đi thẳng sang đây đã tới Tả Phày Tử, trong khi chờ gặp Bác đã tranh thủ thời gian làm việc với Đoàn cố vấn. Về danh nghĩa đồng chí Trần là khách mời của Bác.

Bác nói với tôi:

- Trong những năm chiến tranh ở Trung Quốc, đồng chí Trần Canh thường được cử tới những nơi nào có khó khăn. Đồng chí Trần là khách, nhưng mình cố gắng tranh thủ ý kiến và kinh nghiệm.

Trần Canh chưa tới năm mươi tuổi, vóc người đậm, nước da sáng, đeo kính trắng, thoạt nhìn có vẻ nghiêm nghị .

Sau khi giới thiệu chúng tôi với nhau, Bác nói từ nay để giữ bí mật mọi người sẽ gọi đồng chí Trần là đồng chí Đông. Trần Canh hỏi tôi:

- Nghe nói Võ Tổng biết cả chữ Hán ?

- Tôi chỉ nhớ chút ít vì học từ ngày còn nhỏ.

- Võ Tổng có biết vì sao Hồ Chủ tịch đặt tên cho tôi là Đông không?

Tôi mỉm cười đáp chưa hiểu. Trần Canh nói:

- Hồi còn là học viên trường Hoàng Phố, tôi rất nghịch ngợm. Chữ Trần có bộ “nhĩ” đứng bên, bỏ bộ “nhĩ” thành chữ Đông. Sang Việt Nam, tôi bị Hồ Chủ tịch “cắt tai”!

Bác và tôi cùng phì cười.

- Trước khi sang Việt Nam, nhìn bản đồ thấy nơi nào cũng có quân Pháp, tưởng không còn đường mà đi. Nhưng một tháng qua đi hàng trăm kilômét vẫn thấy đất trời thênh thang. Có nơi chợ họp, người mua bán tấp nập, không khí đại hậu phương, hỏi “cách địch bao xa?”. Đồng chí dẫn đường nói: “10 kilômét”! Chỗ này cách thị xã Cao Bằng bao xa?

- 25 kilômét.

- Hồ Chủ tịch cũng ở đây, có mạo hiểm không?

- Lần này thì không. Vì phía sau chúng tôi là đại hậu phương.

Trần Canh cười rồi nói:

- Đồng chí La Quý Ba mới về nước. Chúng tôi đã biết rõ khó khăn trước mắt về lương thực của Việt Nam. Chúc từ nay đến cuối năm sẽ có thêm lương thực gửi sang.

Tôi mở bản đồ trình bày về tình hình địch, những lực lượng của ta tham gia chiến dịch, rồi nói về phương án tác chiến, những lí́ do mở đầu chiến dịch bang đánh Đông Khê.

Trần Canh nhìn trên bản đồ, hỏi về binh lực, địa hình, công sự phòng ngự của địch tại Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, rồi nói:

- Tôi thấy Hồ Chủ tịch và Bộ chỉ huy chiến dịch đã có quyết định đúng. Binh lực việt Nam trong chiến dịch không nhiều. Chọn Đông Khê làm điểm đột phá là đúng. Đánh Đông Khê để kéo viện binh địch lên là chiến thuật “đánh điểm diệt viện” Giải phóng quân Trung Quốc thường dùng trong chiến tranh chống quân Tưởng. Việt Nam nên vận dụng nhiều chiến thuật này. Đánh Đông Khê, sẽ có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch. Vì muốn giải phóng đất đai thì trước hết phải tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Võ Tổng định dùng bao nhiêu binh lực trong trận Đông Khê?

- Địch phòng ngự 1 tiểu đoàn. Lực lượng tiến công của ta sẽ là 9 tiểu đoàn. Lần đầu chúng tôi sử dụng ưu thế binh lực cao như vậy trong một trận công kiên.

- Cũng chưa phải là nhiều. Hãy chờ xem sau khi Đông Khê bị tiêu diệt, địch sẽ phản ứng như thế nào. Tôi tin là với sự có mặt của Hồ Chủ tịch, chiến dịch sẽ thành công.

Đêm hôm đó, hướng phối hợp Tây Bắc bắt đầu nổ súng. Trung đoàn 165 đánh đồn Bắc Hà, Lào Cai.

Ngày 12 tháng 9, Bác gặp đồng chí Hoàng Cầm, tiểu đoàn trưởng của trung đoàn 209. Bác nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị chiến đấu của tiểu đoàn, rồi hỏi:

- Chú có tin trận này ta nhất định thắng không?

Đồng chí Hoàng Cầm trả lời:

- Báo cáo Bác, tin ạ.

Ngày 13 tháng 9, sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch di chuyển về Nà Lạn, cách Đông Khê 10 kilômét theo đường chim bay. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định duy trì đài quan sát ở Cao Bằng, để đồng chí Quốc Trung ở lại đây với nhiệm vụ báo cáo kịp thời khi địch có triệu chứng rút quân.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2010, 08:51:12 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 04:57:48 pm »

5

Không hiểu vì đâu tin Bác đi chiến dịch đã lan truyền rất rộng. Có thể là do trên dọc đường Bác đã nhiều lần đi cùng bộ đội và dân công. Người rất thích chuyện trò với chiến sĩ và đồng bào, cả miền ngược và miền xuôi. Bác vẫn đóng vai một cán bộ lớn tuổi đi công tác tại mặt trận. Dù Bác đã chú ý cải trang, nhưng có người vẫn nhận ra Bác.

Người ta rì rầm với nhau những câu chuyện về Bác. Người nói: “Bác đi bộ từ Thái Nguyên lên Cao Bằng mất tám ngày”. Người nói: “Bác thường đi chân đất, chỉ nơi nào nhiều đá mới xỏ dép”. Người nói: “Bác đem theo cả chiếu và cũng đeo gạo như chúng ta”... Những chuyện khó xác định đúng, sai.

Có những chuyện ngộ nghĩnh.

Một chiến sĩ nhìn thấy Bác đi dọc đường cứ lẽo đẽo đi sau. Bác đi nhanh anh ta cũng theo nhanh. Bác đi chậm, anh ta cũng đi chậm. Bác e lộ bí mật, khi lội qua một con suối, Bác dừng lại giữa dòng và lấy xà phòng ra giặt chiếc khăn tay. Anh chiến sĩ đi tới sau lưng Bác, cũng dừng lại vốc nước rửa mặt. Bác quay lại nhìn. Anh chiến sĩ nói: “Bác cho cháu xin một tí xà phòng!” Bác nói: “Xà phòng của chú đâu mà lại đi xin xà phòng của người ta?”. Bác đưa anh chiến sĩ miếng xà phòng: “Chú cầm lấy đem đi mà dùng”. Bấy giờ anh chiến sĩ mới chịu đi vượt lên trước.

Một người còn kể lại chính mình đã gặp Bác và được ngồi nói chuyện với Bác hẳn hoi. Buổi trưa, anh ta ghé vào một ngôi nhà bỏ không bên đường để nghỉ chân, thì thấy Bác và đoàn tùy tùng đã ngồi trong đó. Anh hỏi Bác: “Thưa Cụ, đã có lệnh Tổng phản công từ lâu, sao mãi tới bây giờ vẫn chưa bắt đầu?”. Bác hỏi lại: “Chú đã có con chưa?”. Anh chiến sĩ thưa là mình chưa có vợ. Bác nói: “Như vậy thì đúng là chú chưa biết rồi! Người phụ nữ khi mang thai cũng phải mất chín tháng mười ngày mới đẻ. Ta muốn Tổng phản công cũng phải có chuẩn bị. Đâu phải cứ nói “Tổng” là làm được ngay!”...

Mọi chuyện về Bác Hồ đều được chăm chú lắng nghe. Người kể, ngươi nghe đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng có điều ít được nói tới là những ngày đi chiến dịch cũng đem lại cho Bác một niềm vui rất lớn.

Đó là khi trời vừa rạng sáng Bác đi ngang một bản nhỏ, thấy nhiều cô dân công ngồi dựa lưng vào nhau ngủ trên những thửa ruộng bậc thang. Bác hỏi một cô đang nhóm lửa thổi cơm sáng: “Các cô ngủ cả đêm ngoài trời ư?”. Cô gái đáp: “Nhà dân chật chỉ đủ chỗ chứa lương thực cho khỏi ướt. Chúng cháu ngủ ngoài đồng càng vui!”

Đó là cảnh hàng vạn đồng bào, đủ các dân tộc, từ những bản làng heo hút trong rừng sâu, trên núi cao, từ vùng địch hậu trung du lên, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội.

Từ những năm mười lăm triệu đồng bào còn chìm đắm trong kiếp nô lệ, Nguyện Ái Quốc đã nhìn thấy sức mạnh văn hóa tiềm ẩn trong mỗi con người, và vững tin vào chân lí: “Có dân là có tất cả”…

Thu Đông này, Người đang chứng kiến những thành quả sau năm năm kháng chiến, đang hòa vào với cái văn mới, cái đức mới của dân tộc mà mình đã góp phần tạo thành.

Dọc đường đi chiến dịch, Bác đã làm một bài thơ tặng Thanh niên xung phong:

         “Không có việc gì khó
          Chỉ sợ lòng không bền
          Đào núi và lấp biển
          Quyết chí ắt làm nên”
.

Trong những ngày ở mặt trận Đông Khê, cơ quan đã kiếm một ngôi nhà sàn sạch sẽ ở liền với sở chỉ huy tại Nà Lạn, dành cho Bác. Nhưng Bác lại muốn ở và làm việc trong lán ven rừng. Anh em vệ binh dựng một chiếc lán nhỏ lợp cỏ tranh bên sườn núi có cây cao gần đó. Ở miền núi, trời đã trở lạnh. Khí hậu trong rừng ẩm thấp, chúng tôi lo cho sức khoẻ của Bác. Nhưng thấy Bác làm việc đều, sáng dậy vẫn tập thể dục, tắm suối, chúng tôi tạm yên tâm.

Sau trận Đông Khê, những ngày chờ địch, Bác nói: Dân mình ghê thật! Chỉ mới năm năm sau tám chục năm mất nước mà đã như thế này! Người ta tính sau ba trăm năm bị đô hộ thì một dân tộc sẽ bị đồng hóa. Giao Chỉ bị đô hộ một ngàn năm! Hai ngón chân cái thay đổi, nhưng dân Việt vẫn tồn tại. Bên trên thay đổi gì thì thay, dưới thôn, làng vẫn thế! Vẫn đền miếu thờ phụng Hai Bà Trưng, Bà Triệu... Lần này sẽ có một trận như Chi Lăng!...

Sự có mặt của Bác là một nhân tố quan trọng cho thành công của chiến dịch.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2010, 08:55:31 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:00:26 pm »

6

Sáng ngày 15 tháng 9 năm 1950, trực ban tác chiến chiến dịch truyền thư của Bác tới từng đơn vị tham chiến theo đường dây điện thoại:

“Hỡi các chiến sĩ yêu quý!

Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng.

Chúng ta quyết đánh thắng trận này.

Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm, các chiến sĩ các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc - Lạng...

Tôi đang chờ để khen thưởng các chú”
.

Đêm hôm đó, các mũi tiến công của ta bí mật tiếp cận đồn địch.

Anh Hoàng Văn Thái, Chỉ huy trưởng mặt trận, bất thần bị một cơn sốt rét. Sáng hôm sau đã nổ súng, tôi rất lo.

Sáng ngày 16, Bác và tôi đậy sớm đi lên đài quan sát mới bố trí trên một mỏm núi liền với bản Nà Lạn. Ngọn núi này cách Đông Khê khoảng 10 kilômét theo đường chim bay. Từ đây có thể theo dõi tình hình chung của trận đánh qua ống nhòm.

Trên đài quan sát có đặt máy điện thoại và điện đài. Vệ binh đã dựng mấy chiếc lều cỏ để tạm trú mưa.

Trời sáng. Sương mù tan dần. Qua ống nhòm đã nhìn thấy Đông Khê nằm trên đường số 4 với đồn to, những vị trí Phìa Khoá, Cặm Phầy, đồi Yên Ngựa và những dãy nhà dọc phố.

Đúng 6 giờ, pháo 75 của ta bắt đầu nổ nhắm vào đồn chính. Sau đó, tất cả các loại pháo của ta nổ giòn giã vào các mục tiêu. Cả Đông Khê chìm trong khói pháo. Thung lũng Đông Khê như sôi lên. Giờ đầu địch chưa kịp phản ứng trước đòn tiến công bất ngờ.

Ban chỉ huy Đông Khê báo cáo về, ở hướng bắc và đông - bắc, trung đoàn 174 làm nhiệm vụ chủ công đã chiếm lĩnh đầu cầu. 9 giờ, 174 chiếm đồi Yên Ngựa. 10 giờ 30, chiếm tiếp Phìa Khoá. Địch chưa phản kích. Nhưng vẫn chưa có báo cáo của trung đoàn 209 ở hướng đông - nam.

Máy bay địch xuất hiện. Từ đài quan sát nhìn rõ 6 chiếc Hellcat lồng lộn trên bầu trời, nối nhau lao xuống bắn phá. Quân địch trong vị trí đã trấn tĩnh. Từ pháo đài ở đồn to, địch bắn dữ dội vào đội hình tiến công của 174.

Tôi bắt đầu lo. Vì hướng đông - nam chưa hoạt động nên quân địch có thể dồn toàn bộ sức mạnh đối phó với 174. Trận đánh kéo dài giữa ban ngày. Địch có công sự vững chắc và được máy bay yểm hộ. Ta đang lâm vào thế bất lợi. Tôi đã nhắc anh Thái ra lệnh cho 209 đánh manh ở hướng đông - nam, nhưng hướng này vẫn im ắng.

Buổi trưa, anh Thái báo cáo: Một bộ phận của trung đoàn 209 hành quân lạc, nên trung đoàn không kịp bố trí trận địa tiến công. Đề nghị tạm ngưng trận đánh, chấn chỉnh đội hình ở phía đông - nam, chờ khi trời tối, cả hai mũi sẽ cùng phối hợp tiến công giải quyết vị trí địch.

Mặc dù chuẩn bị kĩ lưỡng, nhưng trận đánh ngay từ những giờ đầu đã có sự trục trặc. Tôi chấp nhận đề nghị.

Bác ngồi trên đài quan sát, nhìn những vị trí máy bay địch lao xuống bắn phá rồi đối chiếu với bản đồ. Người tỏ vẻ xúc động khi những tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh gặp trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc. Nhưng lúc này không ai biết trong đầu Người đang nảy ra những tứ thơ.

Những trận công kiên kéo dài thường gây nhiều thương vong. Không khí sở chỉ huy có nhiều căng thẳng. Một cán bộ muốn Bác yên lòng, nói với người đứng bên:

- Tối nay, chỉ cần hai tiếng là giải quyết xong.

Bác quay lại nói nhẹ nhàng:

- Chú đừng chủ quan.

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt đêm ngày 16. Địch dồn sức đối phó với hướng tây bắc. 4 giờ sáng ngày 17, trung đoàn 174 mới chiếm thêm Cặm Phầy. Ở phía nam, trung đoàn 209 cũng chỉ chiếm được khu phía nam Đông Khê, gồm Phủ Thiện, Nhà cũ và Trường học thì vấp phải những hỏa điểm ngầm và hỏa lực súng cối bắn chặn phải dừng lại. Cả hai mũi đều không phát triển được nữa.

Đồng chí Trần Canh nói: “Không nên để trận đánh kéo dài”. Bác nhấn mạnh: “Dù khó khăn thế nào, trận đầu cũng phải thắng”.

Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho ban chỉ huy Đông Khê: “Lệnh cho hai trung đoàn chấn chỉnh lại bộ đội, rút kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót về chiến thuật, kĩ thuật, đặc biệt là về quan hệ hợp đồng chiến đấu giữa các mũi xung kích, giữa bộ binh với pháo binh. Cần dứt điểm trong đêm 17 tháng 9”.

Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt đề nghị Bộ cho chuyển hướng đột phá của trung đoàn 209 qua phía đông pháo đài, bỏ hướng bắc vì địch tập trung đối phó, và chỉ thị cho 209 đánh một mũi từ phía nam lên, một mũi vào phía sau lưng pháo đài. Đề nghị của đơn vị chủ công được chấp thuận.

8 giờ 30 ngày 17 tháng 9, đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh tổng công kích. Sau khi pháo binh chế áp các mục tiêu một mũi tiến công của 174 chiếm đầu cầu phía đông pháo đài, mũi ở phía bắc chiếm nhà thương, thọc sâu đến lô cốt số 7 thì bắt liên lạc được với 1 tiểu đoàn của 209, cùng phối hợp đánh vào sau lưng pháo đài. Bộ binh các hướng phối hợp nhịp nhàng cùng tiến công vào đồn lớn.

Đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Phía 174, tiểu đội trưởng La Văn Cầu chỉ huy tổ bộc phá đánh lô cốt đầu cầu, anh em đều bị thương, Cầu vẫn hăng hái ôm bộc phá tiếp tục xông lên. Vượt đến giao thông hào thứ ba, Cầu trúng đạn ngất đi. Khi tỉnh dậy, nhận thấy một cánh tay đã gãy nát, nhưng nhiệm vụ chưa hoàn thành, Cầu bảo đồng đội chặt bỏ cánh tay mình cho khỏi vướng, rồi lại ôm bộc phá lao tới đánh tan lô cốt, mở đường cho toàn đơn vị xung phong. Phía 209, đại đội trưởng Trần Cừ dẫn xung kích vượt qua một lô cốt vừa bị tiêu diệt bằng bộc phá, thì một tên lính còn sống sót bất thần từ trong bắn ra. Khẩu liên thanh ào ạt nhả đạn chặn đứng đợt xung phong. Trần Cừ bị thương nặng, nhưng vẫn cố lết về phía lô cốt, bất ngờ nhoài lên ép thân mình vào lỗ châu mai, tạo ra khoảnh khắc ngừng tiếng súng cho xung kích ta ào ạt vượt qua, xông lên tiêu diệt đồn cao. Chị Đinh Thị Dậu, dân công hỏa tuyến, dầm mình trong lửa đạn, cõng thương binh từ trận địa về nơi an toàn. Chị đã đưa 7 thương binh ra khỏi đồn địch: Chị Triệu Thị Soi, một cô gái Nùng vốn rất sợ máu, làm nhiệm vụ chuyển đạn ra trận địa pháo, khi trở về đã dùng thắt lưng lụa buộc thương binh nặng trên lưng, vượt những dốc núi đá cheo leo. Máu chiến sĩ ta đổ khiến chị xót xa, quên cả sợ.

4 giờ 30 ngày 18 tháng 9 năm 1950, bộ đội ta đánh vào sở chỉ huy Đông Khê bắt sống viên đại úy đồn trưởng và các sĩ quan tham mưu. 10 giờ, trận đánh kết thúc.

Trận Đông Khê đã toàn thắng. Địch chết và bị bắt 300 tên. Một số chạy thoát về Thất Khê. Ta thu toàn bộ vũ khí.

Số thương vong của ta lớn hơn dự kiến. Trận đánh phải kéo dài tới 52 giờ. Ban chỉ huy mặt trận Đông Khê được giải tán để các đơn vị nhanh chóng chuyển sang chuẩn bị đánh viện.

Bác viết bức thư gửi các chiến sĩ bị thương: “Chính phủ, đồng bào đều biết ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2010, 09:00:32 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:02:52 pm »

Chương ba

GIẢI PHÓNG BIÊN GIỚI

1

Sau ngày sau khi Đông Khê giải phóng, địch tăng cường bằng đường không lên Cao Bằng 1 tiểu đoàn lê dương, và ném xuống Thất Khê 1 tiểu đoàn dù.

Chúng tôi cho rằng vì trận Đông Khê kéo dài, địch biết ta tập trung bộ đội chủ lực trên chiến trường Đông Bắc, nếu muốn chiếm lại Đông Khê, không thể chỉ sử dụng quân dù như hồi tháng Năm. Ta dự kiến địch sẽ đưa bộ binh từ Thất Khê lên theo đường số 4 và đường Pò Mã - Bố Bạch, phối hợp với quân dù nhảy thẳng xuống Đông Khê và vùng phụ cận. Lực lượng đi theo đường bộ có thể từ 2 đến 3 tiểu đoàn. Lực lượng dù có thể là 1 tiểu đoàn.

Các đơn vị tham gia chiến dịch được chia làm hai bộ phận. Một bộ phận đánh quân đù gồm hai trung đoàn 174 và 209, ém quân ngay tại Đông Khê. Một bộ phận đánh bộ binh địch, gồm cả ba trung đoàn 36, 88, 102 của 308 chưa tác chiến, hãy còn đầy sinh lực. Đại đoàn 308 cơ động trong khu tam giác Lũng Chà - Bình Xiển - Nà Pá, chuẩn bị tiêu diệt địch tại Nà Pá, Lũng Phầy, Khâu Luông.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho lực lượng vũ trang địa phương tạm ngưng mọi hoạt động phá đường, phục kích, quấy rối trong khu vực từ Lạng Sơn lên Thất Khê để cho địch lên.

Ta bố trí lực lượng trinh sát chung quanh Thất Khê và Cao Bằng. Bộ phận trinh sát kĩ thuật Ban 2 có nhiệm vụ bám sát các làn sóng vô tuyến điện của địch, kịp thời báo cáo với Bộ chỉ huy mọi dấu hiệu điều động lực lượng.

Những ngày chờ đợi căng thẳng. Một hôm có tin 3 tiểu đoàn địch vừa ra khỏi Thất Khê đi về hướng Đông Khê. Tôi điện gấp cho anh Vương Thừa Vũ, đại đoàn trưởng 308. Anh Vũ lập tức trao nhiệm vụ cho anh Cao Văn Khánh, đại đoàn phó, đưa 3 tiểu đoàn đi đón lõng quân địch. Sau đó mới biết là hoang báo.

Cả tuần chưa hề thấy động tĩnh của quân địch. Hậu cần thông báo nếu thời gian chờ đợi kéo dài, sẽ không đủ gạo và muối cho bộ đội. Anh Trần Minh Tước, ủy viên Ban Cung cấp chiến dịch nói với Bộ chỉ huy: “Lương thực chưa phải cạn kiệt, đồng bào còn nhiều ngô, nhưng khó huy động vì nằm rải rác mỗi nhà một ít ở những nơi xa, đường rất khó đi”. Một dấu hiệu đáng lo ngại là bộ đội nằm lâu chờ địch trong rừng ẩm thấp, nhiễu muỗi vắt, sức khoẻ giảm sút, nhiều người yếu mệt.

Đồng chí Trần Canh nói với tôi:

- Võ Tổng thấy thế nào! Hay là thu quân thôi! Viện binh địch không lên. Quân địch ở Thất Khê đã tăng lên 4 tiểu đoàn. Bộ đội Việt Nam đánh công kiên quá kém. Không thể đánh Thất Khê. Cũng không thể đánh Cao Bằng. Muốn đánh Cao Bằng phải xây dựng một trận địa chiến hào như Giải phóng quân đánh Hoài Hải!

Tôi nói:

- Trận Đông Khê ta sử dụng nhiều binh lực, nhưng chọn hướng đột phá chưa đúng, các mũi phối hợp kém nên đánh kéo dài. Hồi tháng Năm, chỉ một mình trung đoàn 174 đã nhanh chóng diệt gọn Đông Khê, tổn thất rất ít Tôi thấy nên kiên trì chờ viện, đồng thời, chuẩn bị tiêu diệt Thất Khê theo như kế hoạch.

Kết quả chiến dịch sẽ ra sao nếu dừng lại ở Đông Khê? Đại đoàn 308 với những trung đoàn mạnh nhất của Bộ còn chưa được sử dụng. Ta chưa phải đã hết hi vọng giải phóng Cao Bằng. Chúng không thể rút bằng máy bay vì lực lượng quá đông, ngoài 3 tiểu đoàn còn gia đình binh lính ngụy và bọn tay sai ở thị xã mà chúng không thể bỏ lại. Nếu địch rút Cao Bằng thì cũng sẽ là thời cơ để ta tiêu diệt sinh lực địch.

Cuối cùng, Bác và đồng chí Trần Canh đồng ý trong khi chờ đợi quân viện, dùng một bộ phận nhỏ đánh những đơn vị nhỏ của địch, và chuẩn bị giải phóng Thất Khê.

Ngày 25 tháng 9 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch ra mệnh lệnh số 5, gấp rút chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị chiến trường để khi có điều kiện thì tập trung tiêu diệt Thất Khê. Cùng với mệnh lệnh là quyết định thành lập mặt trận Thất Khê do anh Vương Thừa Vũ làm chỉ huy trưởng kiêm chính ủy, các anh Cao Văn Khánh, Lê Trọng Tấn làm chỉ huy phó, anh Trần Độ là phó chính ủy. Thời gian hoạt động bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 1950.

Để chuẩn bị đánh Thất Khê, lực lượng tham gia biến dịch được bố trí lại. Đại đoàn 308 ở Bản Mán, Bản Niềm, Pò Mã. Trung đoàn 209 ở Nà Gianh. Trung đoàn 174, lực lượng dự bị chiến dịch, chuyển xuống vùng Thiên Lãnh, phía nam Thất Khê. 174 sẽ hoạt động mạnh đánh lạc hướng quân địch, và chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng cùng các đơn vị khác tập trung tiêu diệt Thất Khê.

Trung đoàn 174 bắt đầu hành quân xuống phía nam. Cùng lúc, đại đoàn 308 đưa một số cán bộ cấp trưởng đi nghiên cứu chiến trường Thất Khê, và cho hai phần ba quân số tới Thủy Khẩu lấy gạo chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Một điều chúng tôi chưa lường trước là cán bộ chiến sĩ sau nhiều ngày nằm im chờ đợi, nhận được lệnh mới hầu như quên nhiệm vụ tiếp tục chờ viện, mà chỉ còn nghĩ tới việc sắp đánh Thất Khê. Các đơn vị của đại đoàn 308 đưa hai phần ba quân số đi lấy gạo, chỉ để lại những người yếu mệt làm nhiệm vụ trông coi vũ khí. Suốt trận địa đánh quân viện của đại đoàn bỗng chốc không có cả người trực chiến.

Giữa lúc đó cả binh đoàn Lơpagiơ (Lepage) luồn rừng êm ả vượt qua trận địa phục kích của 308.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2010, 09:04:39 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:54:14 am »

2

Những cuốn sách Việt Nam và Pháp viết về chiến tranh Đông Dương đã đề cập nhiều đến sự kiện mà người Pháp gọi là “thảm họa Cao Bằng”. Ngày nay, đã có điều kiện nhìn rõ cả hai phía trong cuộc đọ sức mở đầu một thời kì mới của chiến tranh.

Hội đồng Quốc phòng Pháp đã có quyết định rút Cao Bằng và Đông Khê trước đó hơn một năm. Nhưng những người chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương không thi hành, vì thấy không có gì đe doạ Cao Bằng. “Nó có những công sự tốt nhất để chống cự cuộc tiến công của 15 tiểu đoàn, dù được pháo binh yểm trợ”, Alétxăngđri đã nói như vậy họ đều đồng ý với nhau nếu giữ Cao Bằng sẽ ngăn chặn được người Trung Hoa tiếp xúc với Việt Minh, và kìm hãm việc chuyển giao vũ khí cho Việt Minh. Nhưng bắt đấu từ tháng 7 năm 1950, vấn đề này được xem xét lại. Các đồn binh trên đường số 4 không còn khả năng bít kín những con đường sang Trung Hoa, cũng không thể ngăn vũ khí Trung Hoa lọt vào miền Bắc. Chúng chẳng kiểm soát mà cũng chẳng bảo vệ biên thùy! Từ đầu năm 1950, cả Cao Bằng và Đông Khê đều phải tiếp tế bằng máy bay. Những tiền đồn quá cô lập nằm lọt giữa vùng Việt Minh trở nên tốn kém, vô ích và nguy hiểm.

Ngày 2 tháng 9 năm 1950, Cao ủy Pinhông (Pignon) và Tổng chỉ huy Cácpăngchiê đi tới quyết định bỏ Cao Bằng, Đông Khê, và bù lại bằng việt chiếm Thái Nguyên.

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, Cácpăngchiê ra mật lệnh rút các tiền đồn Cao Bằng, Đông Khê và đánh chiếm vĩnh viễn Thái Nguyên, hình thành một phòng tuyến mới để bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ chạy từ Kép qua Bố Hạ, Thái Nguyên tới Trung Giã. Thời gian thực hiện là đầu tháng 10 năm 1950. Trước đó, sẽ tăng cường cho Cao Bằng 1 tiểu đoàn. Lộ trình được chọn cho cuộc rút lui là đường số 4. Con đường này tuy khó đi và dễ bị phục kích nhưng là đường ngắn nhất.

Cũng chính ngày hôm đó bộ đội ta tiến công Đông Khê.

Đại tá Côngxtăng (Constans), chỉ huy Khu Biên thùy đông Bắc, yêu cầu lập tức đưa 1 tiểu đoàn dù tới giải tỏa cho Đông Khê. Người chỉ huy quân dù coi đó là một công việc quá nguy hiểm sẽ dẫn tới sự hy sinh vô ích, vì tại Đông Khê chỉ có một khu vực nhảy dù duy nhất đã được sử dụng vào cuối tháng 5 năm 1950, yếu tố bất ngờ không còn. Tướng Mácsăng (Marchand), quyền chỉ huy Bắc Bộ (thay Alétxăngđri về Pháp nghỉ phép) đành cho đưa 1 tiểu đoàn dù tới Thất Khê.

Ngày 18 tháng 9, giữa lúc Tổng chỉ huy Cácpăngchiê đang có mặt ở Bầng Sơn thì nhận được tin Đông Khê thất thủ. Cáepăngchiê càng quyết tâm rút Cao Bằng đồng thời đánh chiếm Thái Nguyên, như mệnh lệnh ông ta đã kí ngày 16 tháng 9.

Cácpăngchiê nói rõ chủ trương của mình với Côngxtăng, và đưa ra những chỉ thị tại chỗ. Chiếm Thái Nguyên và rút Cao Bằng sẽ được thực hiện cách nhau ba ngày. Trước khi rút, phải tăng cường cho Cao Bằng 1 tiểu đoàn Tabo (Tabor). Côngxtăng sẽ đưa binh đoàn Lơpagiơ từ Thất Khê lên đón cánh quân của Sáctông (Charton) từ Cao Bằng rút về. Cánh quân Cao Bằng không được mang theo đồ lề cồng kềnh, đi thật nhanh để gặp cánh quân của Lơpagiơ, tốt nhất là sau chặng hành quân đêm đầu tiên. Côngxtăng sẽ quy định những thể thức và ấn định thời gian tùy theo điều kiện thời tiết tại địa phương. Cácpăngchiê căn dặn phải tuyệt đối giữ bí mật về dự kiến, để tạo nên những hành động nhanh chóng và bất ngờ.

Sau đó, Cácpăngchiê lên ngay Cao Bằng báo cho Sáctông biết sẽ được tăng cường tiểu đoàn 3 Tabo bằng đường không, và cho sơ tán thường dân trong chuyến máy bay quay về. Tổng chỉ huy không hề đả động tới việc rút khỏi thị xã. Cácpăngchiê đã quy định với Mácsăng và Côngxtăng, việc rút khỏi Cao Bằng chỉ ớ.ước thông báo cho những người thực hiện vào phút chót.

Ngày 20 tháng 9 năm 1950, ở Hà Nội, Cácpăngchiê thông báo quyết định của mình với Alétxăngđri vừa từ Pháp quay về, nắm lại quyền chỉ huy Bắc Bộ từ tay Mácsăng. Alétxăngđri phản ứng dữ dội. Cácpăngchiê khẳng định là những biện pháp chủ yếu đều được nghiên cứu tỉ mỉ, và mệnh lệnh đã phát đi.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2010, 09:08:24 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:57:52 am »

Ngày hôm sau, Cácpăngchiê trở về Sài Gòn. Với cương vị tổng chỉ huy, ông ta thấy mình làm như vậy là quá nhiều, và không còn gì phải lo lắng. Thực ra, Cácpăngchiê đã tính toán một cách rất đơn giản. Ông ta coi việc rút lui khỏi Cao Bằng chỉ là một cuộc hành binh bình thường. Trên chiến trường Bắc Bộ, chưa hề có một binh đoàn tác chiến nào của quân Pháp bị Việt Minh tiến công.

Hai binh đoàn với những tiểu đoàn thiện chiến nhất trong quân đội viễn chinh, được sự yểm trợ của không quân, sẽ khiến cho bộ đội Việt Minh phải lẩn tránh như mọi khi. Và nếu ông ta có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự giữ bí mật, đến tính bất ngờ và nhanh chóng nhằm bảo đảm thắng lợi của cuộc hành binh, thì không phải do linh cảm khả năng một thảm họa mà chỉ nhằm tránh những trận đánh và những thiệt hại không cần thiết(1). Ngày 29 tháng 9, Alétxăngđri mở cuộc tiến công lên Thái Nguyên. Hầu như toàn bộ quân ứng chiến còn lại ở Bắc Bộ, gồm 6 tiểu đoàn bộ binh, được tung vào chiến dịch mang tên “Hải cẩu” (Phoque). Quân Pháp đi theo đường số 8 từ Phủ Lỗ lên, và từ Vĩnh Yên lên qua Đèo Nhe. 1 hải đoàn xung kích cũng tiến lên theo sông Cầu. 1 tiểu đoàn dù nhảy xuống phía bắc sông Cầu thiết lập một đầu cầu. Ngày 1 tháng 10, quân Pháp chiếm thị xã Thái Nguyên không người. Ngày 30 tháng 9, Lơpagiơ được lệnh của Côngxtăng đưa binh đoàn từ Thất Khê tiến lên Đông Khê, và phải có mặt ở Đông Khê vào sáng ngày 2 tháng 10 để có thể nhận tiếp nhiệm vụ mới.

Binh đoàn của Lơpagiơ được tổ chức ngày 19 tháng 9 năm 1950, lúc đầu gồm 3 tiểu đoàn Bắc Phi (1 er Tabor, 11è Tabor, 1/8 RTM) tại Lạng Sơn, tới Thất Khê được bổ sung thêm tiểu đoàn 1 dù (1er BEP) đã có mặt tại đó ngày 20 tháng 9, thành 4 tiểu đoàn. Binh đoàn mang tên Baya (Bayard), người “Hiệp sĩ không biết sợ và không có điều gì đáng chê tránh” hồi đầu thế kỉ thứ XVI. Lơpagiơ linh cảm thấy những mối nguy hiểm đang chờ mình phía trước, đề nghị hoãn cuộc hành binh 24 giờ đợi thời tiết tốt hơn, có sự yểm trợ của không quân. Nhưng Lạng Sơn chỉ trả lời ngắn gọn “thi hành đúng mệnh lệnh”.

13 giờ, Lơpagiơ cho binh đoàn hành quân về hướng Đông Khê, với tiểu đoàn dù làm nhiệm vụ mở đường. Địch tiến quân rất thận trọng, và đi suốt đêm. Sau 28 giờ hành quân, binh đoàn mới vượt được chặng đường 28 kilômét từ Thất Khê đến Đông Khê. Dọc đường, không không gặp sự kháng cự nào vì cả trận địa dài 10 kilômét của 308 đã bị bỏ trống.

Tối ngày 1 tháng 10, anh Lê Trọng Tấn khẩn cấp báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch, rất đông quân địch đã xuất hiện trước Đông Khê. Địch gồm lính dù và lính Bắc Phi (Tabor). Trung đoàn 209 đã nổ súng đánh địch.

Tôi hỏi:

- Chúng từ đâu tới!

- Từ phía Thất Khê lên. Chắc là chúng muốn chiếm lại Đông Khê.

- Trung đoàn 209 bằng mọi giá không được để địch chiếm lai Đông Khê. Đây là quân viện mà ta chờ đợi. Ngăn địch lại, chờ 308 đến hợp vây để tiêu diệt.

Cả sở chỉ huy vui mừng. Sự xuất hiện quân địch đã làm tiêu tan những căng thẳng suốt thời gian qua. Nhưng không hiểu vì sao địch ở Thất Khê lên, lại an toàn lọt qua trận địa của 308!

Tôi gọi điện thoại ngay cho anh Vương Thừa Vũ:

- Đồng chí có biết quân viện của địch vừa đi qua trận địa của 308 không!

- Báo cáo anh... một số cán bộ cấp trưởng đi chuẩn bị chiến trường. Hai phần ba bộ đội đi lấy gạo. Anh em ở nhà sơ suất, mất cảnh giác nên không phát hiện quân địch qua ban đêm. Bộ tư lệnh đại đoàn xin nhận khuyết điểm.

- Các đồng chí dồn mỗi tiểu đoàn thành một đại đội, chỉ định người chỉ huy, cho anh em tiến về phía Đông Khê đánh địch ngay. Đồng thời cử người chạy đi các nơi gọi cán bộ và bộ đội đi lấy gạo quay về. Có bao nhiêu lực lượng, đánh bấy nhiêu. Không cho địch quay trở lại Thất Khê. Chú ý những điểm cao xung quanh Đông Khê, đặc biệt là Cốc Xá và Khâu Luông. Nếu không vào được Đông Khê, có thể địch sẽ trú quân tại đây. Không được bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt quân viện!

- Xin chấp hành mệnh lệnh. Nội nhật ngày mai, đại đoàn sẽ nổ súng.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch đánh lên Thái Nguyên nhằm kéo chủ lực ta về để giải tỏa cho Đông Bắc. Tình hình Thái Nguyên không đáng lo ngại. Các cơ quan và nhân dân đã đề phòng từ lâu. Đồng bào Việt Bắc có nhiều kinh nghiệm đối phó với những cuộc tiến công loại này. Trung đoàn 246 cùng với lực lượng vũ trang của tỉnh sẽ ngăn chặn nếu địch tổ chức càn quét rộng ra chung quanh thị xã. Việc địch đưa quân lên Đông Khê có thể nhằm mục đích: - Địch muốn giành lại Đông Khê. - Hoặc lên đón quân từ Cao Bằng rút về. Dù ý định của địch như thế nào, chúng điều quân lên Đông Khê là hoàn toàn có lợi cho ta. Thời cơ tiêu diệt sinh lực địch đã xuất hiện.

Ta cần hình thành nhanh chóng thế bao vây và tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Bác nói: “Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ”.


(1)Đọc La guerre d’Indochine (Chiến tranh Dông Dương) của Yves Gras, 1992, phần III, đoạn 2: Le désastre de Cao Bang (Thảm họa Cao Bằng), tr. 323-366.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Giêng, 2010, 08:30:42 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 11:00:50 am »

3

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh: “Tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch tiến lên Đông Khê, trọng điểm tiêu diệt từ Đông Khê tới Keo Ái. Trung đoàn 209 kiên quyết không cho địch chiếm lại Đông Khê. Trung đoàn 88 chặn địch ở Keo Ái không cho chúng rút về. Trung đoàn 36 có nhiệm vụ chiếm dãy điểm cao Khâu Luông khống chế cả khu vực, nằm trên đường số 4 ở phía nam Đông Khê. Trung đoàn 102 là lực lượng dự bị chiến dịch”.

Toàn mặt trận diễn ra một không khí sôi động và hào hùng. Các chiến sĩ rời những dãy lán lợp lá chuối đã khô héo trong rừng sâu, cầm vũ khí nối nhau chạy trên những con đường mòn đổ ra đường số 4 đang bị những chiếc máy bay hoảng hốt nã súng ngăn chặn. Từ những kho, trạm quân lương, bộ đội đi lấy gạo, người nhận được điện báo tin, người chỉ nghe súng nổ, đều lũ lượt chạy suốt đêm trở về vị trí, vội cấm lấy súng đạn rồi đuổi theo đơn vị đã xuất kích. Có những cán bộ, chiến sĩ bị thương vì máy bay địch, băng bó xong lại cầm súng đi tiếp.

Chiều ngày 1, sau khi tiểu đoàn dù số 1 bị chặn đứng trước Đông Khê, Lơpagiơ đã ra lệnh ngừng tiến công, đưa các đơn vị chiếm những điểm cao ở phía nam Đông Khê, đồn trú qua đêm đợi trời sáng. Những vị trí đóng quân của địch kéo dài trên 10 kilômét dọc đường số 4, từ Đông Khê xuôi về phía nam qua Khâu Luông, Nà Pá, Trọc Ngà tới Lũng Phẩy.

Sáng ngày 2 tháng 10, Lơpagiơ dùng 2 tiểu đoàn tiến công Đông Khê. Tiểu đoàn 11 Tabo chiếm được những mỏm núi phía tây và cứ điểm bảo vệ sân bay Đông Khê, rồi bị 209 chặn lại. Tiểu đoàn dù cũng bị chặn đứng trên dãy núi đá phía nam.

Lơpagiơ cảm thấy việc chiếm lại Đông Khê không dễ dàng. Cùng lúc, máy bay trinh sát phát hiện những cánh quân của Việt Minh đang di chuyển trên con đường mòn Bố Bạch về phía Nà Pá. Lơpagiơ yêu cầu thả dù ngay trung đội pháo của binh đoàn còn để lại Na Sầm.

14 giờ 30, máy bay truyền xuống cho Lơpagiơ mệnh lệnh của Côngxtăng, chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc: Lơpagiơ phải đưa lực lượng về phía Nậm Nàng, bắc Đông khê 15 kilômét, đón binh đoàn Sáctông, rồi cùng rút về. Khi hai binh đoàn gặp nhau, Lơpagiơ sẽ chỉ huy chung.

Lúc này Lơpagiơ mới biết rõ mục đích chủ yếu của cuộc hành binh Têredơ (Thérèse) là đón quân đồn trú từ Cao Bằng về. Lơpagiơ ra lệnh ngừng tiến công Đông Khê. Y quyết định để lại phía nam Đông Khệ một nửa binh đoàn, gồm tiểu đoàn dù 1 và tiểu đoàn 11 Tabo, tiếp tục duy trì sức ép thu hút quân đối phương vào nhiệm vụ bảo vệ Đông Khê. Lực lượng này sẽ chiếm các điểm cao quan trọng trên đường số 4, từ Đông Khê tới Lũng Phẩy, đảm bảo an toàn cho hai binh đoàn khi rút về. Trong lúc đó, Lơpagiơ trực tiếp dẫn 2 tiểu đoàn vòng sang tây Đông Khê, đi lên phía bắc đón Sáctông. Theo mệnh lệnh, cánh quân của Lơpagiơ phải có mặt trước, ở Quang Liệt, đúng trưa ngày 3 tháng 10 năm 1950.

Bộ phận tin kỹ thuật của ta theo dõi sát những cuộc liên lạc của địch qua vô tuyến điện. Trong tình hình gấp gáp, phần lớn những mệnh lệnh đều không dùng mật mã.

Buổi chiều, trung đội pháo binh của Lơpagiơ được thả dù xuống Nà Pá, nơi được Đencrốt (Delcros) đặt sở chỉ huy. Những chiếc King Cobra cổ dài lồng lộn trút bom xuống con đường đèo đá cạnh Bản Xiển ngăn chặn bộ đội ta tiến ra đường số 4.

Chúng ta đã dự kiến nếu địch dùng viện binh để chiếm lại Đông Khê, sẽ diễn ra cuộc tranh chấp giành quyền kiểm soát những điểm cao ở phía nam nậm dọc đường số 4, chủ yếu là những núi Khâu Luông và Trọc Ngà. Khâu Luông (có nghĩa là Núi Lớn) cao nhất khu vực, gồm nhiều mỏm nối tiếp, chạy từ phía đông ra tới đường thì cao lên đột ngột. Địa hình núi rất phức tạp, chỗ cây cối rậm rạp, chỗ có tranh cao lút đầu người. Riềng bốn mỏm cao nhất chụm vào nhau ngay bên đường số 4 khống chế cả một khu vực rộng lớn. Trọc Ngà ở lui về phía nam Khâu Luông, chân núi nhiều cây cối, đỉnh núi rất tròn, trọc lốc, chỉ có bốn cây thông, nhìn xa như chiếc đầu hói. Núi này tuy nhỏ hơn nhưng lại án ngữ con đường xuất kích của bộ đội ta tập trung ở phía đông đường số 4. Đầu chiến dịch, một số đơn vị của 308 đã trú quân dưới chân núi Trọc Ngà và bố trí đánh quân dù trên đỉnh Khâu Luông nên đã làm quen với địa hình hai núi này.

16 giờ ngày 2 tháng 10 năm 1950, cuộc tiến công của 308 bắt đầu. Số người đi lấy gạo vẫn chưa về kịp, các tiểu đoàn được tổ chức lại thành những đại đội kiên quyết vượt qua đoạn đường đang bị máy bay địch ngăn chặn tiến ra đường số 4. Tiểu đoàn trưởng 29 Hùng Sinh chỉ có trong tay 1 đại đội, quyết định cho các chiến sĩ ngụy trang thật kĩ, bí mặt tiếp cận quân địch ở Trọc Ngà. Quân địch cũng bí mật phòng ngự trên núi. Không gian hoàn toàn im ắng, chỉ nghe tiếng chim kêu. Những loạt lựu đạn, tiểu liên bất thần nổ. Trước sự xuất hiện đột ngột của chiến sĩ ta, quân địch đông gấp đôi hoảng loạn tháo chạy lên đỉnh núi. Bộ đội ta nhanh chóng đuổi theo. Chỉ sau 10 phút, một trung đội của 29 đã có mặt trên đỉnh Trọc Ngà. Quân địch bị dồn xuống phía dưới. Vừa lúc đó phía bên kia núi cũng rộ lên tiếng lựu đạn và tiểu liên. Tiểu đoàn 18 đã kịp thời đánh lên phối hợp. Cả đại đội của trung đoàn bộ binh Marốc số 8 bị loại khỏi vòng chiến đấu, viên quan ba chỉ huy chết, những tên sống sót tháo chạy về Khâu Luông. 17 giờ, trận đánh Trọc Ngà kết thúc.

18 giờ, trung đoàn 36 bắt đầu tiến công Khâu Luông. Pháo binh ta bắn chế áp quân địch đóng trên hai mỏm núi cao nhất cho bộ đội xung phong. Lực lượng tiến công là 2 tiểu đoàn 80 và 84, đã được rút gọn thành 2 đại đội.

Những đơn vị của 36 từ trung du mới lên, lần đầu chiến đấu trên địa hình rừng núi, tiểu đoàn 84 đi lạc đường nên chỉ có tiểu đoàn 80 tiến đánh một trong hai mỏm núi. Tiểu đoàn 11 Tabo đóng tại đây lợi dụng thế cao đối phó quyết liệt Từ chiều tới nửa đêm, tiểu đoàn 80 tổ chức ba đợt xung phong đều bị quân địch đẩy lui.

Sáng ngày 3 tháng 10, Lơpagiơ ra lệnh cho viên quan tư Đencrốt chỉ huy những lực lượng ở lại bảo vệ Nà Pá, Khâu Luông và điểm cao 615. Lơpagiơ đi trước với 1 tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh Ma rốc số 8 về phía tây đường số 4 để đón Sáctông. Tiểu đoàn 1 Tabo phải dựa vào sự yểm trợ của máy bay khu trục rút ra khỏi sân bay Đông Khê, để đi theo Lơpagiơ. Chúng lập tức bị 209 truy kích. Sau 10 giờ hành quân, Lơpagiơ chỉ đi được cách Nà Pá 5 kilômét.

6 giờ sáng ngày 3 tháng 10, tiểu đoàn 80 lại tiếp tục tiến công mỏm núi cao nhất ở Khâu Luông. Pháo ta bắn dồn dập dọn đường cho bộ đội xung phong. Sườn núi dốc ngược, cỏ tranh rất trơn. Các chiến sĩ phải bám vào cỏ kéo theo những khẩu đại liên, súng cối. Cuộc chiến lần này diễn ra bằng lựu đạn và lưỡi lê. Trận địa khét lẹt và sặc sụa mùi bom đạn, cỏ tranh cháy, ngổn ngang xác người và những hố bom đạn. Buổi trưa, tiểu đoàn 80 đã bị tiêu hao và mệt mỏi, được lệnh rút lui. Tiểu đoàn 11 Tabo vẫn còn bám lại trên bốn mỏm núi nhưng đã mất dần sức chiến đấu.

Trước tình hình binh đoàn Lơpagiơ đã chia làm hai bộ phận: 2 tiểu đoàn ở với sở chỉ huy Lơpagiơ, 2 tiểu đoàn tách ra ở Nà Pá, Khâu Luông, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy cần chia cắt quân địch không để chúng yểm trợ cho nhau, và tiêu diệt. Trước hết phải diệt bộ phận ở Khâu Luông, Nà Pá.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 11:02:49 am »

Những cán bộ, chiến sĩ đi lấy gạo đã trở về. Đội hình các đơn vị của 308 lại đầy đủ.

15 giờ chiều, bộ đội ta tiếp tục tiến công Khâu Luông. Sơn pháo, súng cối, các cỡ đạn liên thanh của ta cùng nổ dồn dập. Lần đầu, trên chiến trường Đông Dương quân địch thấy xuất hiện một hỏa lực mạnh như vậy. Tiếng kèn xung phong nổi lên. Hai tiểu đoàn 11 và 84 đồng thời đánh lên hai mỏm núi. Tiểu đoàn dù 1 đã từ Đông Khê rút về tăng cường cho tiểu đoàn 11 Tabo ở Khâu Luông ra sức chống cự. Nhân lúc trời trong, máy bay địch ném bom và bắn phá gần 3 giờ liền đẩy lùi cuộn tiến công của ta.

17 giờ 30, vừa tắt tiếng máy bay địch, pháo hỏa chuẩn bị của ta lại dồn dập trút lửa xuống tất cả trận địa địch. Trời tối, tiếng kèn xung phong nổi lên. Những đợt xung phong hết sức quyết liệt. Chớp lửa đạn giần giật trên các đỉnh đồi. Không còn phân biệt được âm thanh các loại đạn. Bọn lính lê dương la hét bằng mọi thứ tiếng. Lần này, tiểu đoàn 84 chiếm mỏm núi cao nhất, khống chế được quân địch ở ba mỏm còn lại.
Tiểu đoàn 1 dù và tiểu đoàn 11 Tabo bị thiệt hại nặng sau một ngày chiến đấu. Khâu Luông đứng trước nguy cơ bị tràn ngập. Đencrốt đề nghị với Lơpagiơ cho toàn bộ lực lượng rút chạy về Lũng Phầy trước khi quá muộn. Lơpagiơ không dám quyết định, chuyên đề nghị này về Lạng Sơn, Côngxtăng buộc phải chấp thuận với điều kiện binh đoàn Lơpagiơ vẫn phải hoàn tất nhiệm vụ đón binh đoàn Sáctông rút về an toàn (!).

Nửa đêm, tiểu đoàn Tabo còn khoảng 1 đại đội, bắt đầu rời Khâu Luông. Tới Trọc Ngà, chúng bị những loạt đạn của các chiến sĩ quân báo ta từ trong rừng bắn ra. Tưởng rơi vào ổ phục kích, những tên lính Tabo nổ súng loạn xạ rồi chạy quay lại với tiểu đoàn 1 dù đi phía sau. Viên quan tư chỉ huy tiểu đoàn dù Xơcrêtanh (Secrétain) quyết định đưa tất cả, cùng với những cáng thương binh, luồn rừng đi về điểm cao 765, nơi Lơpagiơ đang trú quân. Mỗi giờ chúng chỉ đi được vài trăm mét. 1 giờ chiều, chúng mới tới điểm cao 765, kiệt sức vì đói, khát và ba ngày chưa được ngủ.

Trước thất bại của các tiểu đoàn dù và Tabo trong ngày 3 tháng 10, Lơpagiơ quyết định không đi tiếp lên phía bắc, mà chỉ đưa toàn bộ lực lượng do mình chỉ huy nhích dần về phía Cốc Xá, gần với điểm hội quân đã được quy định là dãy điểm cao 477, nơi có con đường chạy về Thất Khê.

14 giờ, Lơpagiơ ra lệnh hành quân. Đêm 4 tháng 10, binh đoàn đến vùng rừng núi Cốc Xá trong tình trạng rêu rã. Tiểu đoàn 1 dù bị rớt lại, phải hành quân thâu đêm, và chỉ tới Cốc Xá vào trưa hôm sau.

Qua tin tức thu thập được của địch, chúng ta đã biết Sáctông sẽ rút khỏi Cao Bằng. Từ đầu chiến dịch, cơ quan tham mưu chiến dịch đã bố trí một tổ điện đài nằm gần thị xã theo dõi mọi động tĩnh của địch. Nhưng vẫn thưa có tin tức từ Cao Bằng. Tôi rất sốt ruột. Trưa ngày 4 tháng 10 năm 1950, bỗng nhận được báo cáo của bộ đội địa phương Cao Bằng qua điện thoại: Sáng ngày 3 tháng 10, Sáctông đã đưa quân rút về phía nam, đến cây số 21, chúng bỏ đường số 4 đi theo đường rừng! Tính ra Sác tông đã rời Cao Bằng được 36 giờ! Sau này, hỏi đồng chí cán bộ được trao nhiệm vụ ở lại phụ trách tổ điện đài, mới biết ta bị địch đánh lừa! Suốt các đêm 3 và 4, đèn điện ở thị xã vẫn sáng, điện đài của địch tiếp tục hoạt động bình thường. Bộ đội địa phương nhìn thấy quân địch rút trên đường số 4, không có điện đài, phải về trạm bưu điện báo tin nên chậm thời gian.

Bộ chỉ huy lập tức ra lệnh cho trung đoàn 209 cấp tốc hành quân lên Quang Liệt làm chậm bước tiến cánh quân Sáctông, và hạ lệnh cho đại đoàn 308 tranh thủ thời gian tiêu diệt binh đoàn Lơpagiơ đã dồn cả vào Cốc Xá trước khi cánh quân Cao Bằng về tới nơi. Tiêu diệt binh đoàn Lơpagiơ xong, sẽ chuyển sang tiêu diệt binh đoàn Sáctông. Đại đoàn 308 được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn của 209.

Cũng lúc này, trinh sát kỹ thuật của Bộ báo cáo tin tức thu được qua vô tuyến điện, Sáctông và Lơpagiơ hẹn gặp nhau ở “phía tây núi đá vôi” (Ouest calcaire) trên điểm cao 477.

Chúng tôi chụm đầu trên bản đồ. “Núi đá vôi” chắc là Cốc Xá rồi! Còn 477? Nó đây rồi! Rất gần với Cốc Xá, và đúng là ở phía tây.

Tôi gọi điện cho đồng chí Hồng Sơn, trung đoàn trưởng 36. Trung đoàn đã có mặt ở Khâu Luông, ngọn núi cao nhất khu vực này.

- Anh đang ở đâu đấy!

- Thưa anh, tôi đang ở 765, trước Cốc Xá.

- Chỗ anh có nhìn thấy điểm cao 477 không!

- Đứng ở đây có thể nhìn thấy nhiều điểm cao chung quanh. Nhưng báo cáo anh, tôi không đem theo bản đồ.

- Nhìn trong bản đồ thì 477 nằm ở phía tây Cốc Xá, khoảng 3 kilômét...

- Phía đó có một dãy núi đất, bên trên khá đông lính Pháp, chân núi có đường mòn đi về Thất Khê.

- Như vậy là đúng rồi. Anh quan sát kỹ địa hình rồi báo cáo với tôi ngay.

Lát sau, Hồng Sơn cho biết đó là một dãy núi đất trên đỉnh toàn cỏ tranh, nhìn xa giống như núi trọc, nhưng dưới chân núi có rất nhiều cây to và rậm.

Bộ chỉ huy chỉ thị tiếp cho 808: “Ngăn không cho Lơpagiơ từ Cốc Xá sang 477 để hội quân với Sáctông”.

Binh đoàn Lơpagiơ đã bị một đòn chí mạng ở Khâu Luông sẽ khó gượng dậy trong những ngày sắp tới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 11:06:04 am »

4

Binh đoàn Sáctông rời thị xã Cao Bằng vào 5 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 10 năm 1950.

Khác với Lơpaglơ chỉ được thông báo nhiệm vụ vào giờ phút cuối cùng, Alétxăngđri tới Cao Bằng đã nói với Sáctông mọi ý đồ của Cácpăngchiê về cuộn hành binh Têredơ. Lực lượng Pháp ở Cao Bằng phải rút thật bất ngờ và nhanh chóng để tránh mọi rủi ro. Theo kế hoạch, chỉ sau một đêm hành quân, Sảctông sẽ gặp Lơpagiơ cách Cao Bằng 35 kilômét, rồi cùng kéo về Thất Khê. Nhưng Sáctông đã thực hiện cuộc rút quân theo ý của mình.

Sáctông rất lo những trận phục kích trên dọc đường số 4 hiểm trở, từ lâu những đoàn quân xa Pháp không dám qua lại. Để phòng ngừa mọi bất trắc, Sáctông đưa một tiểu đoàn đi trước chiếm những mỏm núi cao, sục sạo hai bên ven đường tạo một hành lang an toàn cho cả binh đoàn vượt qua từng chặng theo kiểu sâu đo. Với kiểu hành quân này, cả ngày đầu đoàn quân chỉ đi được 17 kilômét.

Sáng ngày 4 tháng 10, Sáctông nhận điện của Côngxtăng ra lệnh bỏ ngay đường số 4, chuyển sang đường mòn Quang Liệt ở phía tây, và chiều ngày 4, phải có mặt ở Lũng Phây. Tại đây sẽ được quân Lơpagiơ trên các điểm cao 760, 765 bảo vệ.

Sáctông buộc phải bỏ lại pháo, đạn đại bác, và toàn bộ xe cộ trên đường số 4. Con đường mòn in hình rõ nét trên bản đồ, từ lâu không có người qua lại, nhiều quãng đã bị cây cối phủ kín. Binh lính phải phát cây mở đường, mỗi giờ chỉ đi được 300 mét. Mặc dù Côngxtăng luôn luôn thúc giục, nhưng ngày hôm đó, đoàn quân chỉ đi thêm được 7 kilômét.

Ngày 5 tháng 10, Sác tông tìm mãi trên bản đồ không ra cái đèo dẫn tới thung lũng Quang Liệt. Đội hình 3 tiểu đoàn và 500 người dân sự, trong đó có viên tỉnh trưởng Cao Bằng, đã kéo rất dài. Vừa tới Khâu Né, phía tây Đông Khê, thì chạm bộ đội ta. Một bộ phận của trưng đoàn 209 đã kịp có mặt để làm chậm bước tiến quân địch, lập tức nổ súng. Sáctông phải bỏ đường mòn, đi vòng trên những đỉnh núi tới Tân Bể. Ờ đây quân địch lại vấp phải trận địa của đại đội Tô Văn, trung đoàn 88. Một lần nữa, Sác tông phải tìm đường vòng đi tiếp. Buổi chiều, tiểu đoàn 3 Tabo đi đầu, tới Nà Lạn. Binh đoàn chỉ đi được thêm 6 kilômét. Nhưng cái đuôi còn ở mãi Pò La.

Ngày 6 tháng 10, tiểu đoàn 8 Tabo bất đầu đặt chân lên dãy núi 477, địa điểm hội quân. Đội hình của binh đoàn kéo dài 5 kilômét. Tiểu đoàn ngụy binh đi sau không có liên lạc vô tuyến với sở chỉ huy, tự động đi về phía Tân Bể, bị tiểu đoàn 18 đánh chặn, phải quay lại. Trong ngày hôm đó binh đoàn Sáctông chỉ đi thêm được 4 kilômét.

Sau bốn ngày hành quân, Sác tông mới vượt qua 45 kilômét, dù sao cũng đã tới điểm hẹn với binh lực hầu như nguyên vẹn. Nhưng Lơpagiơ đâu? Sao y không có mặt ở đây đón mình? Sáctông không biết cách đó hai ngày, ngay khi tới Cốc Xá, Lơpagiơ đã ra lệnh cho tiểu đoàn 1 dù tới chiếm 477, nhưng không thể vượt qua một phân đội của tiểu đoàn 18 chặn đường chúng bằng trung liên và lựu đạn, buộc phải quay lại Cốc Xá. Và cũng đã hai ngày nay, bình đoàn Lơpagiơ bị bao vây chặt chẽ tại dãy núi đá vôi này.

5 giờ chiều ngày 6 tháng 10, lần đầu Sáctông bắt được liên lạc vô tuyến điện với Lơpagiơ, người chỉ huy tháng hai binh đoàn khi đã hội quân. Sáctông tưởng mình sạp thoát nạn. Nhưng người đang bị nguy khốn lúc này lại chính là Lơpagiơ! Lơpagiơ nói với Sác tông: “Hãy chờ tôi ở 477 và 533!”

Chúng ta nhận định: Cả hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông đã dồn lại trong khu vực Cốc Xá và 477, gồm 5 tiểu đoàn. Lực lượng địch tuy còn đông nhưng tinh thần rất sa sút. 2 tiểu đoàn (1è BEP, 1è Tabor) của Lơpagiơ ở Cốc Xá đều bị thiệt hại nặng qua các trận giao chiến, chỉ còn lẩn tránh quân ta. 3 tiểu đoàn (3è Tabor, III/3È REI, tiểu đoàn ngụy) của Sáctông ở 477 tuy chưa bị tổn thất, nhưng mệt mỏi nhiều sau những ngày luồn lánh trong rừng sâu, chỉ còn nghĩ tới chuyện nhanh chóng rút lui. Chúng đều ở trong thế bị bao vây.

Bộ đội ta đã vận động đánh địch liên tục sáu ngày đêm, thiếu ngủ, cũng rất mệt mỏi, nhưng tinh thần phấn chấn vì đang ở thế thẳng, nhiều đơn vị, chiến sĩ còn chưa có cơ hội gặp địch, khao khát lập công.

Thời tiết đang chuyển xấu, mưa và sương mù nhiều hạn chế hoạt động không quân địch, có lợi cho ta.

Sở chỉ huy cũng trải qua nhiều ngày căng thẳng vì phải bám sát tình hình mặt trận biến động từng giờ. Phái viên đi về không kể ngày đêm. Tuy không thể so với sự vất vả của những người đang trực tiếp đánh nhau với quân địch, nhưng ai nấy mắt đều sâu trũng vì thiếu ngủ, có những đồng khí giọng khản đặc vì hò hét nhiều qua máy điện thoại.

Có ý kiến nên cho bộ đội nghỉ một ngày lấy lại sức trước trận quyết định. Bác nói: “Sao lại nghỉ lúc này! Mình mệt một thì địch mệt mười, chạy thi gần tới đích sao lại nghỉ!”.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển phần lớn lực lượng sang bao vây địch ở 477, để lại một bộ phận ở Cốc Xá nhanh chóng kết liễu số phận của binh đoàn Lơpagiơ.

Thế trận của bộ đội ta đã hình thành, trải dài từ Quang Liệt tới Thất Khê. Phía bắc, 2 tiểu đoàn của 209 từ Quang Liệt áp xuống. Phía nam, trung đoàn 174 đã tiến lên Cốc Tồn - Khâu Pia cắt đứt đường về của quân địch. Vòng vây của 308 đang nhanh chóng siết chặt chung quanh Cốc Xá và 477.

Bác viết một lá thư ngắn cho bộ đội: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng”.

Tất cả lực lượng chiến dịch đã được huy động vào những trận đánh quyết định. Trong cuộc chạy đua giữa rừng rậm và núi đá tai mèo, nếu địch có buổi sáng chỉ đi được 300 mét, thì bộ đội ta cũng có đêm chỉ đi được 1 kilômét. Chúng ta thường chỉ tới đích trước quân địch một, hai giờ. Nhiều đơn vị vừa hành quân vừa tổ chức chiến đấu, vừa đi vừa ăn, vừa đi vừa ngủ, vừa hành quân vừa tìm đường, tìm địch. Không chỉ có những chiến sĩ cầm súng tham gia cuộc chạy đua. Sau lưng họ còn có những đoàn rất đài anh nuôi, dân công đuổi theo tiếp tế cơm nước và đạn dược. Trong những đoàn này cũng có đôi ba người mang vũ khí đễ phòng gặp địch, gặp những tàn quân rải rác trong rừng. Anh nuôi là những chiến sĩ địch vận đã lập nhiều thành tích. Họ giơ cao những nắm cơm trong khi đi trên dọc đường rừng để dụ những tên địch đói khát ra hàng. Những nắm cơm đã có tác dụng hơn những lời kêu gọi, giải thích.

Trước trận Cốc Xá và 477, tôi viết bản nhật lệnh truyền tới bộ đội qua đường dây điện thoại:

”Đêm qua trời mưa, các đồng chí ướt, nhưng lửa của người chiến sĩ vệ quốc, của người chiến sĩ cách mạng luôn hun nấu tinh thần xung phong của các đồng chí.

Quân địch chân đói rét hơn ta, bị thương và chết rất nhiều, chúng lại chỉ có tinh thần một lũ bại binh xâm lược cho nên ta phải cố lên nữa, tiêu diệt cho thật nhiều địch. Mưa, mù càng có lợi cho ta.

Phía nam, có bộ đội của ta sau khi tiêu diệt liên tiếp mấy đồn địch đã gấp rút tiến lên ngang Thất Khê để phối hợp tác chiến.

Các đồng chí tiến lên!”
.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 03:14:49 pm »

5

Cốc Xá cách tây - nam Đông Khê 6 kilômét, là một khu vực địa hình rất hiểm trở, có thung lũng, lòng chảo với núi đá vôi dốc đứng bao quanh. 2 tiểu đoàn của Lơpagiơ cùng với bộ phận tàn binh từ Khâu Luông chạy về, dựa vào một số hang làm nơi trú ẩn, và lợi dụng những hẻm núi, mỏm đá bố trí một khu phòng thủ với hỏa lực nhiều tầng. Từ dãy núi đá đi xuống thung lũng Cốc Xá chỉ có một con đường duy nhất nằm giữa hẻm núi giống như hình lưỡi kiếm. Đầu con đường là điểm cao 765. Ngày 3 tháng 10, Lơpagiơ đã đứng chân ở đây, nhưng khi chuyển vào khu vực núi đá, y đã quên để lại một lực lượng bảo vệ điểm cao này. Một phân đội của 308 đã nhanh chóng chiếm ngay điểm cao bít kín con đường chạy xuống thung lũng.

Những đơn vị của 308 và 209 từ đường số 4 đổ về Cốc Xá. Với tinh thần sớm có mặt ở trận địa, nhiều chiến sĩ cứ nhằm hướng máy bay địch đang thả dù tiếp tế rồi phát bụi, chặt cây mở đường mà đi. Các trung đoàn trưởng thấy đơn vị nào, chiến sĩ nào tới là xếp vào đội hình chiến đấu ngay. Ba cánh quân đã nhanh chóng hình thành siết chặt vòng vây chung quanh Cốc Xá.

Theo kế hoạch dự kiến, 308 sẽ dùng toàn bộ lực lượng 3 trung đoàn tiến công tiêu diệt Cốc Xá. Nhưng binh đoàn Sáctông đã về tới 477, phần lớn lực lượng được chuyển sang phía đó. Trước giờ tiến công, ở Cốc Xá chỉ còn lại 3 tiểu đoàn. Trung đoàn trưởng Hồng Sơn được trao nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị này ngăn chặn không cho quân địch chạy sang 477, và nhanh chóng tiêu diệt chúng tại chỗ.

Hồng Sơn quyết định sử dụng tiểu đoàn 11 tiến công chính diện cắt đứt con đường độc đạo dẫn sang 477, tiểu đoàn 154 của 209 sẽ đánh xuống từ hướng bắc. Riêng tiểu đoàn 89 của 36, do tiểu đoàn trưởng Sơn Mã chỉ huy, tiến công từ hướng đông - nam, sẽ dùng một đại đội leo qua những đỉnh núi đánh từ trên xuống đúng khu trung tâm của quân địch. Tối ngày 5, các tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa ban đêm, và sẽ nổ súng vào 5 giờ sáng 6 tháng 10.

Cũng chính đêm đó, Lơpagiơ quyết định bỏ tất cả thương binh lại Cốc Xá với hai bác sĩ, toàn bộ lực lượng mở một con đường máu tiến sang 477.

Suốt đêm ngày 5 tháng 10, tiểu đoàn 1 dù bốn lần mở đường tiến ra đều bị tiểu đoàn 11 đánh bật trở lại, thương vong rất nhiều.

Sáng ngày 6, lợi dụng sương mù còn dày đặc, tiểu đoàn dù lặng lẽ dẫn đầu cả binh đoàn đi trên con đường nhỏ hẹp gồ ghề tiến xuống thưng lũng Cốc Xá. Bất thần phía trước từ trong sương mù, đạn trung liên và lựu đạn trút về phía chúng. Tất cả đoàn quân bị đẩy lui về phía trong. Tiểu đoàn 11 của ta tiến vào nhưng không thể phát triển nhanh vì đường hẹp và quân địch nấp sau những mỏm đá bắn ra dữ dội.

Phía trong bỗng xuất hiện những chớp lửa cùng với những tiếng nổ. Đại đội 395 của tiểu đoàn 89 đã từ trên đỉnh núi liên tiếp lao những trái đạn cối 60 và lựu đạn xuống giữa đội hình tiểu đoàn 1 Tabo đang tập trung đông đặc bên dưới. Quân địch trở nên cực kỳ rối loạn. Lính Ma rốc bỏ hàng ngũ chạy ra nam dây leo và bám những búi cây bên thành vách đá phía bậc tụt xuống thung lũng. Tiểu đoàn 154 của ta đang chờ chúng ở đây.

Lơpagiơ hạ lệnh cho tất cả chạy ào về phía trước, trên con đường độc đạo tiểu đoàn 11 đang tiến vào. Hơn mười khẩu trung liên của tiểu đoàn 11 nhả đạn liên hồi. Địch chết và bị thương rất nhiều, nhưng chúng vẫn không ngừng lao ra vì phía trong còn ghê rợn hơn. Lơpagiơ cũng trà trộn trong số quân cùng đường này.

Buổi trưa, những binh lính sống sót của binh đoàn Lơpagiơ lần lượt đến 477 trong tình trạng thê thảm. Lơpagiơ điểm lại hàng ngũ. Chỉ còn 650 trong tổng số 2.500 người của binh đoàn. Riêng tiểu đoàn 1 dù còn 9 sĩ quan và 121 binh linh.

Cũng từ 6 giờ sáng ngày 6 tháng 10, tất cả các vị trí của Sáctông tại 477 đều bị tiến công.

477 là một dãy núi đất gồm 5 mỏm nằm cách Cốc Xá 3 kilômét về phía tây và cách Thất Khê 20 kilômét về phía tây - bắc. Ở đây có con đường đi về Bản Ca xuôi xuống Thất Khê.

Lực lượng đánh 477 của ta có 5 tiểu đoàn, các tiểu đoàn 23, 18, 29 của 308 và 130, 166 của trung đoàn 209. Sáng ngày 6 tháng 10, 2 đại đội của ta đã nhanh chóng làm chủ 3 mỏm đồi, trong đó có điểm cao 500 nằm trên con đường chạy về Thất Khê, hi vọng cuối cùng của cả Sáctông và Lơpagiơ. Sáctông đốc thúc binh lính với sự yểm trợ của 6 máy bay khu trục, cố giành lại những điểm cao đã mất, nhưng tới buổi trưa chỉ chiếm được hai mỏm, riêng điểm cao 500 vẫn nam trong tay đại đội 261 của tiểu đoàn 18. Sáctông đang bối rối thì đám tàn quân của Lơpagiơ từ Cốc Xá kéo sang, mang tới cho binh lính ở đây nỗi khiếp đảm. Tiểu đoàn 1 dù lừng danh cùng với cả binh đoàn Lơpagiơ đã coi như bị xóa sổ!

Sáctông đề nghị Lạng Sơn cho nhảy dù ngay xuống Bản Ca 1 tiểu đoàn để mở đường về Thất Khê. Nhưng Côngxtăng chỉ nhắc đi nhắc lại lối thoát duy nhất lúc này là luồn rừng về phía tây, rồi lợi dụng đêm tối lao nhanh xuống phía nam, tới cho được Na Cao, nơi Labôm (De Labaume) đang chờ. Sáng hôm đó, Côngxtăng đã vét được 4 đại đội trao cho viên quan tư Labôm chỉ huy, với mệnh lệnh đi về phía tây Lũng Phầy tới điểm cao 515 và Na Cao bảo vệ sườn cho đoàn quân rút lui. Y biết ném một tiểu đoàn dù xuống Bản Ca lúc này chỉ là nướng quân vô ích!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM