Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:11:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường tới Điện Biên Phủ  (Đọc 70250 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 04:29:57 pm »

3

Trong thời gian họp trù bị, Bác đã luôn luôn nhắc các đại biểu: “Nhiệm vụ chính của đại hội là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, khi thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó!”. Nhưng vào đại hội vẫn diễn ra những cuộc thảo luận kéo dài về việc đổi tên Đảng, Đảng của ai? Giai cấp nào lãnh đạo? Chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?...

Một vài đại biểu kiên trì viện dẫn những điều trong sách vở, nói đảng cộng sản phải là đảng của giai cấp công nhân, không thể là của nhân dân lao động nói chung, những phần tử tư sản, thân sĩ, đặc biệt là địa chủ, dù có yêu nước, tiến bộ cũng không thể nằm trong thành phần nhân dân lao động... Cuộc tranh luận có lúc trở nên căng thẳng. Bác ngồi điềm đạm lắng nghe những ý kiến khác nhau, bằng những lời lẽ bình dị Bác khéo léo hướng một số đại biểu đi vào trọng tâm hội nghị. Khi cuộc tranh luận “chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?” kéo dài, Bác nhẹ nhàng nói: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là cái gì lợi cho cách mạng thì làm!”. Câu nói của Bác làm rộ lên những tiếng cười và những tràng vỗ tay kết thúc cuộc tranh cãi. Khi đó Bác không thể nói: “Cách mạng Việt Nam đã làm nhiều điều chưa có trong sách vở!”.

Sang ngày thứ tư, các tiểu ban họp riêng. Trung ương họp mở rộng bàn về quân sự dưới sự chủ tọa của Bác và anh Trường Chinh. Tôi báo cáo về tình hình quân sự, âm mưa của địch, chủ trương của ta, phương châm chiến lược và công tác chuẩn bị các chiến dịch sập tới. Các liên khu Việt Bắc, 3, 4, 5 và Nam Bộ lần lượt phát biểu. Trước yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, các nơi nêu lên rất nhiều khó khăn. Bác nói: “Bộ đội ta ngày nay cũng như chú bé Phù Đổng ngày xưa. Từ chỗ là một hài nhi đang nằm trong nôi, đột nhiên lớn vụt, vì vậy mà thiếu áo, thiếu quần, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu khác, có thể thiếu vợ nữa... Những khó khăn này lớn thật, nhưng chỉ là khó khăn vì trưởng thành. Chú thần đồng bộ đội ta sẽ có khả năng hoạt động và có rất nhiều triển vọng, tiễn đồ sẽ rất rực rỡ”.

Thời gian ở đại hội tôi tranh thủ tìm hiểu tình hình những chiến trường xa. Các đồng chí Khu 5 cho rằng nếu được tăng cường vũ khí sẽ có nhiều khả năng đánh lớn. Khu 5 có ba tỉnh tự do, địa hình rừng núi nhiều, dân chúng rất quật cường, Tây Nguyên là một chiến trường có nhiều thuận lợi mà ta còn chưa khai thác. Tôi có những buổi trao đổi với anh Lê Duẩn. Anh Duẩn nói Pháp sẽ cố gắng bình định miền Nam để dồn sức đối phó với chủ lực ta đang lớn mạnh ở miền Bắc. Từ sau khi có lệnh chuẩn bị Tổng phản công, ở Nam Bộ đã thành lập những trung đoàn, liên trung đoàn chuẩn bị đánh lớn, nhưng khi ta tập trung chủ lực lại, phong trào chiến tranh du kích ở cơ sở lại sa sút. Anh dự kiến Nam Bộ sẽ còn trải qua nhiều thử thách gay gắt. Tôi nói năm 1947, Bộ cũng đã triển khai thành lập một đại đoàn chủ lực, lấy tên là Đại đoàn Độc Lập, những đơn vị từ các khu đã được tập trung về, nhưng trước cuộc tiến công chiến lược của địch vào Việt Bắc, ta đã kịp phân tán thành những đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung nên đối phó thắng lợi với cuộc tiến công. Anh Duẩn hỏi về kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực bộ đội địa phương ở miền Bắc và kể những chuyện “xoay vần đánh giặc”, những sáng tạo trong cách đánh du kích ở miền Nam, những kinh nghiệm đấu tranh chính trị phong phú ở đô thị, đặc biệt là Sài Gòn.

Chiều ngày 14 tháng 2, tôi trình bày Báo cáo quân sự tại đại hội. Báo cáo nêu lên quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh vũ trang, kiểm điểm sự chủ quan trong đánh giá địch, lượng định những khó khăn của ta trong thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, như chậm chỉ đạo vận động chiến, coi nhẹ du kích chiến; nêu lên những tiến bộ lớn lao trên chiến trường biên giới và trung du; xác định phương châm chiến lược hiện nay: Trên chiến trường chính, đẩy mạnh vận động chiến, phát triển du kích chiến nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới giành .ưu thế quán sự chuyển sang Tổng phản công, trên các chiến trường Trung Bộ và Nam Bộ lấy du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ.

Báo cáo đề cập một số vấn đề xây dựng quân đội. Về tổ chức biên chế của quân đội, cần giảm bớt thành phần cơ quan để tăng cường cho lực lượng chiến đấu thích hợp với yêu cầu của chiến trường và chiến thuật, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội. Cần cải tiến nội dung huấn luyện quân sự cho thích hợp với phương châm chiến lược, chiến thuật của ta. Về trang bị cần chú trọng cả hai nguồn: vũ khí đoạt được của giặc và vũ khí do ta tự sản xuất; lấy vũ khí của giặc trang bị cho mình vẫn là nguồn chính, nhưng phải ra sức phát triển sản xuất của quân giới, nhất là đối với những vũ khí cơ bản. Về cấp dưỡng, cần kiên quyết cải tiến, quy định chế độ cấp dưỡng thích hợp với nhu cầu của quân đội và khả năng đảm phụ của nhân dân. Về công tác chinh trị, phải lấy việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm trọng tâm, giáo dục mục đích và tính chất của chiến tranh, đường lối và chính sách của Đảng và Chinh phủ cho quân đội, đề cao trình độ giác ngộ, rèn luyện tinh thần chiến đấu, củng cố sự đoàn kết trong và ngoài quân đội, do đó rèn luyện cho mỗi người chiến sĩ đều có quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng sâu sắc và vững chắc. Trong xây dựng quân đội, việc xây dựng Đảng phải đặt lên hàng đầu. Cần thiết lập chế độ đảng ủy thay vào chế độ chính ủy tối hậu quyết định. Đề cao tính đảng, đễ cao ý thức giai cấp, giáo dục đường lối chính sách của Đảng, kiện toàn chi bộ, đề cao tác dụng lãnh đạo của chi bộ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề then chốt trong công cuộc xây dựng quân đội nhân dân. Cần tăng cường sự giáo dục cho cán bộ về chính trị, năng lực công tác, tổ chức việc đào tạo và bổ túc cho cán bộ trong các trường huấn luyện cũng như tại chức, mạnh dạn cất nhấc các cán bộ hay chiến sĩ có thành tích chiến đấu lâu năm, chú trọng cất nhắc cán bộ công nông, nâng cao trình độ cán bộ công nông để có khả năng đảm đương những công việc ngày càng quan trọng, đồng thời cải tạo cán bộ trí thức biến họ thành những người luôn luôn trung thành với quyền lợi của giai cấp và dân tộc...

Tinh thần chiến đấu của bộ đội trên các mặt trận, những chiến thắng lớn trong thời gian qua đã mang tới cho đại hội một niềm hưng phấn tột độ. Anh Hoàng Quốc Việt chạy tới ôm lấy tôi hôn, nước mắt chảy ròng. Bác nhìn chúng tôi rồi nói vui:

- Đó là “quân dân nhất tri”!

Khi ấy anh Hoàng Quốc Việt được phân công phụ trách công tác dân vận của Đảng. Tiếng vỗ tay lại tiếp tức rộ lên xen những tiếng cười. Bác đứng lên biểu dương những gương chiến đấu của bộ đội Việt Nam và nói vì đâu chúng ta có một quân đội như thế. Đó là do kế tục tinh thần quật cường của ông cha ta ngày trước, tinh thần tự lực, sáng tạo của ta ngày nay, và sự học tập kinh nghiệm chiến đấu của các nước anh em, chiến tranh vệ quốc ở Liên Xô, chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc, nên bộ đội ta đã trưởng thành nhanh chóng và vượt bậc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2009, 04:32:49 pm »

Báo cáo quân sự tại đại hội được thông qua.

Đại hội đã ra nghị quyết về quân sự tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kì và tự lực cánh sinh”.

Nghị quyết nhấn mạnh phải kiên trì lãnh đạo chiến tranh. Đảng chủ trương xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, nhân chinh với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ. Khẩn trương xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích.

Phương châm tác chiến vẫn là “lấy du kích làm chính, vận động chiến là phụ, nhưng phải đẩy mạnh vận động chiến tiến lên để vận động chiến trở thành chủ yếu”. Tuy vậy, do đặc điểm chiến tranh phát triển không đều nên chỉ đạo phải dựa vào điều kiện cụ thể của mỗi chiến trường mà vận dụng phương châm cho thích hợp. “Phải nắm vững nguyên tắc tiêu diệt chiến”.

Về mối quan hệ chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, Đại hội nghị quyết: “Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên - Lào nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên - Lào: phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa”.

Với sự kiện Đảng ta ra hoạt động công khai, liên minh chiến đấu của ba nước Việt - Miên - Lào chuyển sang một thời kỳ mới. Đế quốc Pháp xâm lược Đông Dương đã cố kết các dân tộc trên bán đảo trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Từ năm 1941, trong Hội nghị Trung ương lần thứ tám thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, Bác đã nêu ý kiến: “Ở Lào và Miên có thể thành lập Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa”. Người cho rằng việc tổ chức một mặt trận đoàn kết dân tộc thật rộng rãi là thích hợp với cả ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành tự do. Tuy nhiên, tình hình phát triển cách mạng ở ba nước không đều. Tại Lào và Campuchia, cơ sở đảng mới xuất hiện ở một số thành phố, thị trấn có đông Việt kiều, chưa phát triển được xuống nông thôn. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ ta đã kí Hiệp định Liên minh quân sự với Chính phủ Ítxala Lào, cùng với Hiệp định thành lập Liên quân Việt - Lào. Chính phủ ta cũng kí với Ủy ban Cao Miên độc lập tuyên bố chung “Đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp”, và tổ chức lực lượng vũ trang hỗn hợp Liên quân Miên - Việt. Trong những năm kháng chiến, ta đã đưa những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam sang hoạt động ở Lào và Campuchia cùng với Liên quân Lào - Việt, Liên quân Miên - Việt, bộ đội giải phóng Itxala Lào và bộ đội Itxarắc Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Chinh phủ Kháng chiến Lào và Ủy ban Dân tộc giải phóng Campuchia. Do chiến trường bị địch chia cắt, ba nước đã tổ chức những mặt trận liên minh chiến đấu hỗn hợp: Liên khu 10 với Thượng Lào, Liên khu 4 với Trung Lào, Liên khu 5 với Hạ Lào, Đông - Bắc Nam Bộ với Đông và Tây - Bắc Campuchia. Những chiến thắng hồi đầu kháng chiến toàn quốc ở Sầm Tớ, Napé, Sêpôn, Thà Khẹc, Xiêm Riệp... là những biểu hiện về sức mạnh của khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương.

Trước đây, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chung phong trào cách mạng ở cả ba nước. Tại đại hội, anh Cayxỏn Phômvihản thay mặt những người cộng sản Lào, anh Sơn Ngọc Minh thay mặt những người cộng sản Campuchia tham gia Đoàn Chủ tịch. Nhưng sau đây, cách mạng của mỗi nước nằm dưới sự lãnh đạo độc lập, tự chủ của từng đảng, liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương sẽ được tiến hành qua bàn bạc thống nhất, phối hợp hành động phòng giữa ba đảng. Một loạt công việc đặt ra: phải tổ chức Ban vận động thành lập Đảng ở Lào và Campuchia, phải thành lập ngay Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào(1), tổ chức Hội nghị Liên minh ba nước trên bán đảo Đông Dương(2)... Yêu cầu trọng tâm ở Lào và Campuchia lúc này là phải đẩy mạnh phong trào kháng chiến: phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng các khu căn cứ để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Gặp lại anh Cayxỏn ở đại hội, tôi thấy cảm giác của mình lần đầu tiếp xúc với anh năm 1948 không lầm. Người sinh viên lúc đó tới Việt Bắc chinh là hình ảnh của thế hệ mới nhân dân Lào quyết tâm dấn bước trên con đường đấu tranh cho độc lập, dân chủ. Tôi nói với anh Cayxỏn, thời gian qua phải tập trung đối phó với những hoạt động của địch, bộ đội Việt Nam chưa làm được gì nhiều cho cách mạng Lào, nay đã có điều kiện hơn. Lào cần gấp rút xây dựng một căn cứ địa thật vững chắc, địa điểm thuận tiện hiện nay là Thượng Lào. Anh Cayxỏn cho rằng với sự tham gia của Hoàng thân Xuphanuvông, trong giai đoạn mới, cách mạng Lào có điều kiện phát triển nhanh. Cần công khai thành lập Chính phủ kháng chiến Lào. Hoàng thân Xuphanuvông đang có mặt ở Việt Bắc, chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào. Sau khi được gặp Bác, Hoàng thân đã có những tình cảm và sự kính trọng rất đặc biệt.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trưng ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, và đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư.

Đại hội lần thứ II của Đảng được coi là Đại hội kháng chiến. Những đại biểu của lực lượng vũ trang về đây đều như còn mang theo khói súng của chiến trường. Giữa cuộc họp, nhiều đại biểu quân đội đã phải rời đại hội lên đường đi chiến dịch.

Tôi không ở lại đại hội được tới ngày bế mạc, vì phải về cơ quan để kịp dự cuộc họp Đảng ủy Mặt trận lần thứ hai được triệu tập vào ngày 19 tháng 2 năm 1951, quyết định lựa chọn phương án đánh địch trong chiến dịch sắp tới.

Đại hội lần thứ II của Đảng mở ra một thời kỳ cáeh mạng mới trên bán đảo Đông Dương. Với Đảng Lao động Việt Nam, Đảng ta đã trở về với tổ chức ban đầu, được quyết định trong hội nghị hợp nhất những người cộng sản ở Đông Dương ngày 3 tháng 2 năm 1930 (Đảng Cộng sản Việt Nam), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Đảng ta ra hoạt động công khai đã chính thức làm nhiệm vụ của một đảng cầm quyền chịu trách nhiệm trước dân tộc. Đại hội cũng mở ra thời kỳ hoạt động mới của hai đảng anh em, Lào, Campuchia, một hình thức liên minh chiến đấu mới giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương, dẫn tới thắng lợi cách mạng ở mỗi nước sau này.


(1)Mặt trận đoàn kiết Liên Minh Việt- Miên- Lào được thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1951. Bản chỉ đạo mặt trận có các vị: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Xuphanuvông, Nuhắc, Sơn Ngọc Minh, Tútxơmút.
(2)Hội nghị Liên minh ba nước trên bán đảo Đông Dương họp tháng 9 năm 1952.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:21:55 pm »

Chương năm

XUỐNG TRUNG DU

1

Thu Đông năm 1950, trên chiến trường cả nước, khoảng 10.000 quân địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu Riêng tại chiến dịch Biên Giới, chúng ta đã tiêu diệt những đơn vị tinh nhuệ của địch. Các tiểu đoàn dù được coi là lá chủ bài của quân viễn chinh. Lính lê dương, từ ngày đầu chiến tranh đã là chỗ dựa chủ yếu của tướng lĩnh Pháp. Các đơn vị Tabo, từng nổi danh ở Bắc Phi, là những đơn vị đầu tiên vượt sông Rhin trong cuộc chiến giải phóng nước Pháp. Số sĩ quan bị chết và bị bắt khá đông: 90 sĩ quan, 200 hạ sĩ quan, trong đó có cả một trường hạ sĩ quan dù đi thực tập, cả bộ máy chỉ huy 2 binh đoàn và cụm cứ điểm Đông Khê. Một số chiến lược quan trọng của địch: phong tỏa biên giới phía bắc, khu tứ giác bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ, hành lang đông tây nhằm cắt đứt Việt Bắc với miền xuôi... đều bị phá sản.

Thất bại hoàn toàn bất ngờ đã gây một chấn động lớn trong giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương.
Alétxăngđri, viên tướng đến giờ phút cuối còn phản đối việc rút lui khỏi Cao Bằng, lúc này lại đề nghị rút Móng Cái, Tiên Yên và Hòn Gai để có thêm 4 tiểu đoàn bảo vệ Hà Nội. Vanluy (Valluy) đồng tình với ý kiến rút Đình Lập, Tiên Yên. Tổng chỉ huy Cácpăngchiê còn tính tới trường hợp nếu áp lực Việt Minh quá mạnh, sẽ bỏ Hà Nội về cố thủ ở Hải Phòng.

Tin tức từ Hà Nội báo ra, cả thành phố đang nơm nớp lo sợ một cuộc tiến công. Lực lượng thiết giáp tập trung ở phía bắc thành phố đề phòng những binh đoàn Việt Minh từ Cao Bằng, Lạng Sơn đổ về. Đường phố lúc nào cũng có cảnh sát vũ trang đứng gác trong công sự dã chiến vừa xây dựng. Pháp kiều được lệnh chuẩn bị di tản.

Những tin không lành từ Bắc Việt Nam lại gây xáo trộn tại thủ đô Pháp.

Phản ứng đầu tiên cửa Chính phủ Pháp là cử ngay một đoàn điều tra sang Đông Dương, đồng thời cấp tốc tăng viện 7 tiểu đoàn bộ binh cùng với 1 trưng đoàn thiết giáp, 2 cụm pháo binh, 1 phi đội máy bay ném bom, một số lượng khá lớn đại bác các loại, và xe bọc thép để đối phó với cuộc tiến công lớn của Việt Minh. Chinh phủ Pháp đã rất cố gắng. Nhưng Bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Đông Dương đòi hỏi hơn thế rất nhiều: cần có thêm 500.000 quân tinh nhuệ, phải tăng cường lực lượng không quân lên gấp ba, và vẫn phải rút hẹp phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng!

Vấn đề chiến tranh Đông Dương thời gian qua tạm lắng xuống trước những khó khăn về kinh tế (ngân sách thiếu hụt 247 tỉ franc), giờ lại gây sóng gió trong chính phủ, quốc hội, báo chí và dư luận dân chúng.

Tướng Gioăng (Juin), thành viên của phái đoàn điều tra từ Đông Dương về, nói với Tổng thống và Thủ tướng Pháp: “Sớm muộn Pháp cũng phải bỏ Đông Dương vì quá xa xôi và tốn kém. Cách tốt nhất là điều đình với ông Hồ Chí Minh hoặc quốc tế hóa cuộc chiến”. Nghị sĩ Pháp Măngđét Phăng (Mandès France) nhiều lần phát biểu tại quốc hội về bế tắc không thể giải quyết cả về quân sự và chính trị trong chiến tranh Đông Dương, cần phải đi tới “giải pháp tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị, một thỏa hiệp tất nhiên là với người đang chiến đấu chống chúng ta!”.

Với Quốc hội Pháp, có hai giải pháp: Một, tiếp tục chiến tranh với những điều kiện rất khó khăn của nước Pháp, hoặc dựa vào Mỹ. Hai, chấm dứt cuộc chiến bằng cách điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh, một giải pháp mà chính Măngđét Phăng cũng cho là “nặng nề, xót xa, bất công” nhưng phải lẽ.

Chính phủ Plêven (Pleven) tìm ra giải pháp thứ ba.

Từ tháng 6 năm 1949, tại vịnh Hạ Long, Cao ủy Pháp Bôlae (Bollaert) đã ký với Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại một tuyên bố chung, trong đó Pháp long trọng thừa nhận “độc lập” và “thống nhất” của Việt Nam. Nhưng chỉ ba ngày sau đó, bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại đã tuyên bố tại quốc hội: Chính phủ Pháp vẫn duy trì sự thống nhất về ngoại giao và quốc phòng trong khối liên hiệp, Việt Nam chỉ có lực lượng cảnh sát chịu trách nhiệm về nội an, trước mắt quy chế “ba kỳ” trong những hiệp ước ký với triều đình Huế vẫn không thay đổi, kể cả quy chế về Nam Kỳ, nếu chưa có quyết định của Quốc hội Pháp (!).

Với sự thúc ép của Mỹ, hai tháng sau, ngày 3 tháng 8 năm 1949, Hiệp ước Êlydê (Elysée) giữa Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn (Vincent Aunol), bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Cốt Phơlôrê (Coste Floret) và Bảo Đại mới ra đời. Pháp công nhận Việt Nam độc lập, có một quân đội 50.000 người, với những sĩ quan người Việt, nhưng do người Pháp huấn luyện và điều khiển. Về ngoại giao, Việt Nam chỉ được đặt đại sứ ở Xiêm (Thái Lan), Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch), Ấn Độ và Tòa thánh Vaticăng. Về vấn đề thống nhất Việt Nam, hiệp ước ghi: “Nước Pháp sẽ không chống lại sự thống nhất ba kỳ…”.

Nhưng suốt những năm qua, các nhân vật trong “chính phủ Việt Nam” vẫn là những tên bù nhìn thảm hại. Thảm họa của quân Pháp trên đường số 4 đem lại cho chúng một dịp quấy phá, công khai phê phán tư tưởng chủ nghĩa thực dân của những viên chức Pháp trong các cuộc đàm phán.

Ngày 22 tháng 10 năm 1950, Thủ tướng Pháp Plêven bất thần đề nghị quốc hội thông qua một bản hiệp ước trao cho các nước Đông Dương chủ quyền, độc lập, có chính quyền, ngoại giao và quân đội, chấm dứt sự bảo trợ của Pháp, và chuyển giao quyền hành chính cho người Việt trước ngày 1 tháng 1 năm 1951.
Vì đâu chủ nghĩa thực dân Pháp cực kỳ bảo thủ lại bỗng nhiên trở nên hào phóng dù chỉ là với bọn bù nhìn? Pháp đã thấy không còn lực lượng để tiếp tục cuộc chiến. Hiệp ước này sẽ cho phép có thêm 500.000 quân ngụy do Mỹ trang bị vũ khí và góp phần nuôi dưỡng. Đây là cách duy nhất để đối phó với tình hình đã trở nên cực kỳ bất lợi với quân viễn chinh, cùng với sức ép ngày càng tăng trong quốc hội cũng như dư luận Pháp.

Giới cầm quyền Pháp thừa biết quyết định này sẽ mở đường cho Mỹ nắm ngụy quyền và quân đội của nó. Không phải ngẫu nhiên Mỹ nhiều lần thức ép Pháp làm việc này. Họ cũng biết không thể dựa vào một số tên bán nước bị đồng bào mình khinh bỉ để chống lại cả một dân tộc chiến đấu cho độc lập, tự do thực sự, đang trên đà thắng lợi. Nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Một quyết định nữa của Chính phủ Pháp là phải thay thế ngay Cácpăngchiê đã quá mất tinh thần!

Những người đầu tiên được mời là Gioăng và Kơních (Koenig) đều thoái thác. Tổng thống Vanhxăng Ôriôn gợi ý chọn Đờ Lát đờ Tátxinhi. Theo ông, viên tướng 5 sao đã chỉ huy tập đoàn quân 1 tiến từ bờ biển Địa Trung Hải miền nam nước Pháp đến sông Đanuýp (Danube) cuối thế chiến thứ hai, là người duy nhất có tầm cỡ đưa đội quân viễn chinh thoát khỏi hiểm họa. Nhưng không phải không có người phản bác. Thủ tướng Plêven nói: “Một nửa sĩ quan sẽ bỏ đi vì ông ta nổi tiếng nướng quân”. Cuối cùng, chính phủ đồng ý với tổng thống.

Các tướng lĩnh Pháp đã rõ những khó khăn, bế tắc trên chiến trường Đông Dương. Có người cho là Đờ Lát thích những công việc mà mọi người từ nan. Đờ Lát đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ chỉ với một điều kiện: phải trao cho mình cả quyền dân sự và quân sự, ông ta không tin có thể xoay chuyển tình hình nếu còn ai đó ở trên mình.

Ngày 6 tháng 12 năm 1950, Hội đồng Bộ trưởng Pháp bổ nhiệm Đờ Lát chức Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy ở Đông Dương. Lần đầu có người đảm đương một lúc cả hai chức vụ này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:24:50 pm »

2

Cuối năm 1950, tổng quân số của ta là 288.884 người. So với mùa Hè thì lực lượng ta đã tăng nhanh. Nhưng cùng thời gian đó, lực lượng địch cũng tăng lên 239.000 người. Đây là năm duy nhất trong suốt cuộc chiến tranh, về mặt số quân, ta và địch có số lượng tương đương

Trên chiến trường cả nước, lực lượng ta phân chia không đều:

Bắc Bộ: 66%. Riêng chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh chiếm 38%.
Trung Bộ   : 19%.
Nam Bộ   : 12%.
Thượng Lào:   3%.

Chúng ta không thể phát triển lực lượng nhanh vì gặp khó khăn về trang bị, cấp dưỡng, và những vùng dân cư đông vẫn nằm dưới sự kiểm soát của địch.

Nhiệm vụ giai đoạn mới đòi hỏi ta phải có một khối chủ lực mạnh trên miền Bắc đã trở thành chiến trường chính. Ngoài đại đoàn 308 và 304 đã được tổ chức từ trước, cuối năm 1950, ngày 25 tháng 12, Bộ quyết định thành lập đại đoàn 312. Nòng cốt của đại đoàn là trung đoàn 209 trực thuộc Bộ, cộng thêm trung đoàn 165 điều từ mặt trận Tây Bắc về, trung đoàn 141 mới thành lập với 2 tiểu đoàn 11 và 16 của 308, và 1 tiểu đoàn độc lập của Liên khu Việt Bắc.

Đầu năm 1951, ta thành lập thêm 3 đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công binh và pháo binh, thường được gọi là đại đoàn công pháo.

Đại đoàn 320 thành lập ngày 16 tháng 1 năm 1951, gồm 2 trung đoàn chủ lực của Liên khu 3 (48 và 64) và trung đoàn Tây tiến 52.

Đài đoàn 325 thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1951 trên cơ sở của 3 trung đoàn chủ lực của mặt trận Bình - Trị - Thiên.

Đại đoàn 351 (đại đoàn công pháo) thành lập ngày 27 tháng 3 năm 1951, gồm trung đoàn sơn pháo 75 ly với tiểu đoàn pháo của 308, các đại đội pháo của 209 và 174 ghép lại; trung đoàn lựu pháo 105 ly (vốn là trung đoàn bộ binh 34 của Liên khu 3, chuyển binh chủng ở Trung Quốc, tới chiến dịch Điện Biên Phủ mới có mặt trong đội hình); và trung đoàn công binh 151 đã có từ trước.

Đại đoàn 316 được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1951, với trung đoàn 174 trực thuộc Bộ làm nòng cốt, trung đoàn 98 thuộc mặt trận Đông Bắc, và trung đoàn 176 của tỉnh Lạng Sơn.

Khối chủ lực của Bộ gồm 6 đại đoàn: 304, 308, 312, 316, 320, 325 được giữ nguyên vẹn cho tới kết thúc chiến tranh chống Pháp . Đây chỉ là sự tổ chức lại những đơn vị đã có sẵn với chất lượng không đồng đều. Mạnh hơn cả là đại đoàn 308 được thành lập từ trước, đánh tập trung sớm, nên cả ba trung đoàn đều đánh giỏi. 308 được kẻ địch mệnh danh là “Sư đoàn thép”. Tiếp đó là đại đoàn 312, có 2 trung đoàn đánh tốt. Các đại đoàn khác có từ 1 tới 2 trung đoàn đánh tốt. Riêng đại đoàn 320 có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở địch hậu đồng bằng.

Do chủ lực các liên khu được đôn lên thành đại đoàn nên ở liên khu chỉ còn bộ đội địa phương.

Việc trang bị vũ khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đã đưa Chí nguyện quân sang chiến đấu ở Triều Tiên. Để trang bị cho 6 đại đoàn bộ binh, nhu cầu vũ khí của ta lên tới 1.200 tấn. Trong năm 1950, bạn chỉ giao được 20%. Nguồn vũ khí của ta lúc này một phần dựa vào bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất.

Trong tổng quân số viễn chinh vào cuối năm 1950 là 239.000 người, chỉ có 117.000 lính Âu Phi. So với trước chiến dịch Biên Giới, quân số địch tăng lên dăm vạn, chủ yếu là quân ngụy. Tính đơn vị, địch có 118 tiểu đoàn bộ binh, 13 tiểu đoàn pháo binh, 3 trung đoàn thiết giáp; về không quân, địch có 143 máy bay các loại; về hải quân, địch có 263 tàu các loại, trong đó có 1 tuần dường hạm (Duguay Troin), 1 thông báo hạm hạng nặng (La Grondière), 1 thông báo hạm hạng nhẹ (La Moqueuse).

Phân chia lực lượng địch trên các chiến trường như sau:

Bắc Bộ: 54%, với 64 tiểu đoàn. 28 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng (10 tiểu đoàn Âu Phi, 18 tiểu đoàn ngụy). 20 tiểu đoàn cơ động chiến lược (17 tiểu đoàn âu Phi, 3 tiểu đoàn ngụy). 16 tiểu đoàn cơ động chiến thuật (14 tiểu đoàn Âu Phi, 2 tiểu đoàn ngụy). Về binh chủng có: 6 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn cơ giới, 4 tiểu đoàn công binh.

Trung Bộ: 17%, với 20 tiểu đoàn. 16 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng (10 tiểu đoàn Âu Phi, 6 tiểu đoàn ngụy). 4 tiểu đoàn cơ động chiến thuật đều là Âu Phi. Về binh chủng: 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 trung đoàn cơ giới, 1 tiểu đoàn công binh.

Nam Bộ: 19%, với 23 tiểu đoàn. 21 tiểu đoàn chiếm đóng (20 tiểu đoàn Âu Phi, 1 tiểu đoàn ngụy). 2 tiểu đoàn cơ động chiến lược toàn là Âu Phi.

Lào: 6%, với 7 tiểu đoàn chiếm đóng toàn là người Lào.

Campuchia: 4%, với 1 tiểu đoàn Âu Phi và 3 tiểu đoàn người Khơme làm nhiệm vụ chiếm đóng.

Trong năm 1950, địch tích cực phát triển quân ngụy, một phần để bù đắp số thiếu hụt trong đội quân viễn chinh, một phần để xây dựng quân ngụy theo chương trình “quân đội các quốc gia liên kết”. Chúng đã tuyển mộ trên 55.000 lính ngụy, đại bộ phận (30.000) là lấy ở Nam Bộ.

Quân đội ngụy lúc này đã có 30 tiểu đoàn.

Để đối phó với khối chủ lực của Bộ, địch gấp rút xây dựng 7 binh đoàn cơ động (groupement mobile, gọi tắt là GM). Mỗi binh đoàn này tương đương với một trung đoàn, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 cụm pháo binh, 1 đại đội công binh. Lúc này mới có 4 - 5 binh đoàn đủ khả năng hoạt động.

Các binh đoàn cơ động đều bố trí ở bắc và đông - bắc Hà Nội: Binh đoàn cơ động số 1 ở Bảc Ninh. Binh đoàn cơ động số 2 ở Gia Lâm. Binh đoàn cơ động số 3 ở Vĩnh Yên, Việt Trì. Binh đoàn cơ động số 4 ở Hải Dương. Binh đoàn cơ động số 5 ở Bắc Giang. Binh đoàn cơ động Bắc Phi ở Phủ Lỗ. Binh đoàn cơ động số 7 ở Đông Triều.

Các tiểu đoàn dù đều đóng chung quanh Hà Nội.

Nghiên cứu cách bố trí lực lượng của địch, có thể thấy chúng đề phòng một cuộc tiến công lớn của ta về hướng trung du.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:26:42 pm »

3

Cuộc chiến ở Triều Tiên nổ ra vào cuối tháng 6 năm 1950. Chỉ một thời gian ngắn, quân đội Bắc Triều Tiên đã chiếm được phần lớn Nam Triều Tiên. Mọi người đều vui mừng vì cuộc kháng chiến của Việt Nam không còn đơn độc. Riêng Bác giữ thái độ dè dặt. Bác nói với chúng tôi: “Quân đội Bác Triều Tiên vượt giới tuyến tạm thời tiến xuống phía nam, nơi có quân Mỹ đóng, chắc chắn Mỹ sẽ phản ứng, nhất là sau khi Mỹ đã bị đẩy khỏi lục địa Trung Hoa. Cuộc chiến đấu của nhân dân Triều Tiên sẽ khó khăn và lâu dài”. Khi chiến dịch Biên Giới bắt đầu nổ súng thì được tin quân Mỹ đổ bộ vào Triều Tiên, không chỉ ở Nam Triều Tiện mà cả bên trên vĩ tuyến 38. Sau đó, quân đội Bắc Triều. Tiên buộc phải rút lui. Một bộ phận quân Mỹ tiến sát sông Áp Lục. Cuối tháng. 10 năm 1950, Trung Quốc đã phải đưa quân chí nguyện sang Bắc Triều Tiên. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt Chiến trường Triều Tiên trở thành nơi đối đầu quân sự giữa Đông và Tây, giữa quân đội Trung Quốc, quân đội Bắc Triều Tiên, máy bay Liên Xô, với quân đội Mỹ và nhiều nước chư hầu. Những tổn thất về người của cả hai bên đều rất lớn.

Đối với Bác, độc lập và thống nhất của Việt Nam là nguyên tắc không thay đổi. Nhưng suốt quá trình mưu tìm độc lập, tự do bao giờ Người cũng tính cách giành thắng lợi với tổn thất ít nhất bằng những sách lược khôn khéo. Từ đầu năm 1950, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được tất cả các nước xã hội chủ nghĩa công nhận. Sự kiện này mở ra một triển vọng mới cho cách mạng Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng có thêm nghĩa vụ mới, và đứng trước những thử thách mới. Nước Việt Nam đã trở thành một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Bác suy nghĩ rất nhiều.

Trong bản huấn thị ở hội nghị tổng kết chiến dịch Biên Giới, Người đã nhấn mạnh hai điều. Một, “trận thắng này mới chỉ là một thắng lợi bước đầu”. Hai, “phải tranh thủ thời gian”.

Những sa sút tinh thần của đội quân viễn chinh là điều cần sớm khai thác.

Chủ trương chiến lược của ta là nhanh chóng khuếch trương thắng lợi ở biên giới, liên tục tiến công tiêu diệt sinh lực địch để giữ vững quyền chủ động, giải phóng từng vùng đất đai tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ làm thay đổi cục diện chiến trường.

Cũng tại hội nghị tại Chợ Đồn, anh Trường Chinh đã nhắc lại nhiệm vụ quân sự của Đảng năm 1950 trên chiến trường Bắc Bộ là:

“1. Giải phóng biên giới, mở thông đường giao thông vận tải quốc tế.

2. Đánh dần trung du, củng cố căn cứ địa chính, chọc thủng hành lang đông - tây.

3. Phát triển du kích đến cao độ sau lưng địch, phá hoại kế hoạch chiếm đóng đồng bằng Bắc Bộ của chúng”.

Lúc này, ở Bắc Bộ, đại bộ phận quân địch, gồm 51 tiểu đoàn, tập trung tại 15 tỉnh, thành ở đồng bằng và trung du, có diện tích 21.000km2và 8.000.000 dân. Ớ Tây Bắc, địch chỉ có 3 tiểu đoàn. Nếu muốn tranh thủ thời cơ khi địch đang dao dộng lại chưa kịp củng cố thế phòng ngự tại đồng bằng, ta phải mở những chiến dịch nhắm vào trung du và đồng bằng, trước hết là trung du.

Đánh trung du sẽ có điều kiện tiêu diệt những sinh lực địch quan trọng, đẩy lui địch khỏi những vùng tương đối đông dân và trù phú giáp với Việt Bắc, góp phần củng cố và mở rộng căn cứ địa. Người dân các tỉnh trung du rất gắn bó với cách mạng đang trông đợi bộ đội về giải phóng. Một thuận lợi nữa là tại đây ta đã chuẩn bị được một số lương thực cho chiến dịch.

Nhưng đánh trung du là đụng vào phòng tuyến vòng ngoài bảo vệ Hà Nội. Những dải núi cao ở Việt Bắc, Tây Bắc đổ dần về châu thổ sông Hồng tới đây chỉ còn là những gò đồi trọc, cây cối lúp xúp, tiếp đến là những cánh đồng bằng phẳng không có địa hình cho bộ đội ẩn náu khi tác chiến. Trung du có một mạng đường sá, sông ngòi khá thuận tiện cho việc di chuyển xe thiết giáp và những thủy đội. Địa hình này cho phép địch phát huy sức mạnh của không quân, pháo binh và những binh đoàn cơ động. Đó là những thử thách mới đang chờ bộ đội ta.

Tôi trao đổi với đồng chí Vi Quốc Thanh về những thuận lợi và khó khăn khi bộ đội chuyển về tác chiến ở trung du và đồng bằng. Bạn giới thiệu với chúng ta chiến thuật “bôn tập” của Giải phóng quân Trung Quốc. Bộ đội sẽ trú quân cách địch khoảng 15 kilômét, ngoài tầm pháo của chúng, bất thần tiếp cận địch ban đêm, tiêu diệt quân địch và giải quyết chiến trường trong vài giờ, quay trở về căn cứ xuất phát trước khi trời sáng. Cách đánh này cho phép ta hạn chế hỏa lực máy bay, đại bác địch, đặc biệt là hỏa lực máy bay. Nhưng chỉ có thể vận dụng nó trong đánh điểm. Nó rất phù hợp với cách đánh của ta trước đây là: giải quyết gọn cứ điểm địch trong một đêm để hạn chế ưu thế áp đảo của máy bay và pháo, vô hiệu hóa lực lượng tăng viện của địch. Chỉ có khác là lần này đánh cát cứ điểm ở đồng bằng nên phải tiếp cận địch xa hơn, bộ đội sẽ bị tiêu hao nhiều hơn về thể lực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:28:12 pm »

Từ cuối tháng Chín, Bộ Tổng tham mưa đã cử cán bộ xuống phối hợp với Liên khu Việt Bắc chuẩn bị chiến trường. Hạ tuần tháng 11 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Trần Hưng Đạo, tiến công địch ở Trung Du, vùng duyên hải Đông Bắc và Liên khu 3, nhằm mục đích: - Tiêu diệt sinh lực địch. - Mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh. - Tranh thủ thời gian phá kế hoạch củng cố của địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 2 đại đoàn, 5 trung đoàn chủ lực, 4 đại đội pháo binh, 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương, và dân quân, du kích. Hướng chính là vùng trung du từ Việt Trì tới Bắc Giang, đòn tiến công chủ yếu nhằm vào khu vực Vĩnh Yên - Phúc Yên, có 2 đại đoàn. Hướng phụ là vùng duyên hải Đông Bắc có 2 trung đoàn, và Liên khu 3, với 3 trung đoàn.

Đảng ủy Mặt trận được chỉ định ngày 80 tháng 11 năm 1950 gồm 5 đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Trần Hữu Dực, Đào Văn Trường. Tôi là bí thư và chỉ huy trưởng mặt trận.

Chiến dịch sẽ chia thành 2 đợt hoạt động.

Đợt 1 nhằm thu hút quân viện và thăm dò cách đối phó của địch. Ta chủ trương dùng từng tiểu đoàn đứng chân trên địa bàn cách địch 10 - 15 kilômét, vận động thật nhanh tới đánh đồng loạt một số cứ điểm đột xuất trên tuyến trung du đối diện với ta. Lực lượng ta được bố trí trên những khu vực dự kiến để tiêu diệt quân viện. Các đơn vị đánh điểm cần giải quyết chiến trường nhanh, rút nhanh, trước khi trời sáng đã trở về căn cứ.

Tới đợt 2, ta sẽ căn cứ vào cách đối phó của địch, tập trung lực lượng về một hướng địch yếu và sơ hở, vận dụng chiến thuật “đánh điểm diệt viện” từ tiêu diệt cứ điểm nhỏ, diệt viện nhỏ, tiến tới tiêu diệt cứ điểm lớn và diệt viện lớn.

Dự kiến những khó khăn trên chiến trường, Đảng ủy chủ trương làm công tác tư tưởng cho bộ đội hiểu rõ: không nhất thiết trận đánh sau phải lớn hơn trận đánh trước, mà có thể góp nhiều chiến thắng nhỏ thành một chiến thắng lớn. Vận dụng kinh nghiệm của chiến dịch Biên Giới, Đảng ủy yêu cầu từng đơn vị vừa phát huy cao độ tính chủ động linh hoạt sáng tạo trong chiến đấu, vừa tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy theo một kế hoạch chung.

Để giữ bí mật về hướng và thời gian mở chiến dịch, 2 đại đoàn 308, 312 được lệnh ở lại biên giới cho tới gần ngày N.

Sở chỉ huy chiến dịch thời gian đầu chuyển về Khuôn Chu, chân núi Tam Đảo, sau sẽ chuyển lên đỉnh núi Tam Đảo Tại đây có thể theo dõi tình hình mặt trận trên cả hai hướng Thái Nguyên và Vĩnh Yên.

Trước ngày lên đường đi chiến dịch, các đơn vị nhận được thư Bác. Từng phân đội cho đến tổ ba người đều động viên nhau thực hiện lời dặn dò của Bác:

“Mỗi một người, mỗi dợn vị, mỗi bộ phận đều phải:
Bí mật hơn
Nhanh chóng hơn
Kiên quyết hơn”
.

Tổng số quân tham dự chiến dịch Trần Hưng Đạo là 27.638 người. Trong đợt 1 chiến dịch, chúng ta chỉ đánh một số cứ điểm đại đội, hoặc đại đội tăng cường. Mục tiêu của đợt này là tiêu diệt từ 2 đến 3 tiểu đoàn. Một mục tiêu quá khiêm tốn so với chiến dịch Biên Giới.

Chúng ta vừa tiêu diệt hai binh đoàn địch trong vòng 13 ngày tại biên giới trong những trận đánh mặt đối mặt. Nhưng chỉ hai tháng sau, hôm nay, lại phải quay về cách đánh nhỏ trước đây! Chắc chắn không phải như vậy. Thời kỳ né tránh những cuộc tiến công của kẻ thù đã qua. Chúng ta bắt đầu đi tìm một trận đánh quyết định. Ta đã nhìn thấy những trở ngại khi đưa bộ đội về chiến đấu trên địa hình đồng bằng với một kẻ thù tuy đang dao động nhưng vẫn mạnh hơn ta rất nhiều về vũ khí và phương tiện.

Nhưng khi vào chiến dịch ta mới thấy chưa lường trước hết mọi khó khăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:31:11 pm »

4

Chiến dịch Trần Hưng Đạo thường được gọi là chiến dịch Trung Du vì trung du được chọn là chiến trường chinh, là nơi diễn ra những hoạt động chủ yếu của chiến dịch.

Lực lượng ta ở đây có 2 đại đoàn 308, 312 (thiếu 1 trung đoàn), 3 liên đội sơn pháo 75 li, mỗi liên đội có 4 khẩu sơn pháo, 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương của Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên - Phúc Yên), Bắc Ninh, Bắc Giang, và 2 đại đội công binh.

Lực lượng của địch ở 3 tỉnh trung du: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang có 14.806 người, bao gồm 9.326 quân Âu Phi, 5.480 lính ngụy và thổ phỉ. Binh đoàn cơ động số 3 của địch trú quân ngay tại Vĩnh Yên - Việt Trì. Các binh đoàn cơ động khác đóng ở Bắc Ninh, Gia Lâm, Bắc Giang, Hải Dương, Đông Triều có thể nhanh chóng can thiệp khi một nơi bị tiến công. Địch tuy đông nhưng phải phân tán để làm nhiệm vụ giữ đất. Đa số dân chúng trong vùng vẫn thuộc về ta. Trong 705 ban tề địch đã lập ở 3 tỉnh chỉ có 203 ban tề phản động, còn 502 ban đều có liên hệ với kháng chiến. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, được chọn làm hướng chủ yếu, là nơi địch tương đối yếu. Tại đây chúng có 4.300 người, với 2.400 Âu Phi, 1.900 lính ngụy, 5 pháo 105 li và 4 pháo 75 li. địch đã lập 175 ban tề, nhưng chỉ có 20 ban tề phản động, 135 ban tề đã theo ta, 20 ban khác giữ thái độ lưng chừng. Có tình trạng này chính là do ta đã phát động được chiến tranh nhân dân. Trước áp lực mạnh của địch, lực lượng kháng chiến vẫn tồn tại bằng cách ẩn mình tại chỗ, khi có điều kiện lại xuất hiện phục hồi và phát triển phong trào. Mở những chiến dịch lớn thu hút lực lượng định vào mặt trận chính là cách hỗ trợ tích cực cho chiến tranh nhân dân ở hậu địch phát triển.

Hạ tuần tháng 12 năm 1950, 2 đại đoàn chủ lực của ta từ Cao Bằng, Lạng Sơn bí mật di chuyển về phía nam. Bộ đội đã xa khu căn cứ hơn một năm. Những làng bản, phố xá trên dọc đường đối với họ xiết bao thân thuộc. Dưới những mái nhà tranh leo lét ngọn đèn dầu kia có những người thân đang trông chờ họ. Để giữ bí mật, không một cán bộ, chiến sĩ nào ghé qua nhà. Đoàn quân xuất hiện bất thần, đi mải miết, như một cơn lốc tràn qua khu căn cứ. Sau hai tháng học tập, củng cố, được nuôi dưỡng tốt với nguồn lương thực do Trung Quốc viện trợ, các chiến sĩ ta lại tràn đầy sinh lực, phấn khởi vì chiến thắng và mặt trận đang chuyển mình về phía nam.

Ngày 25 tháng 12 năm 1950, cả hai đại đoàn có mặt ở vị trí tập kết. Bộ đội đã hành quân mười bốn đêm liền từ biên giới Cao Lạng về tới trung du. Tới nơi là nổ súng đánh địch ngay để tạo thế bất ngờ.

Ta đã giữ được hoàn toàn bí mật trong chuyển quân. Nhưng kẻ địch vẫn tung ra một số hoạt động thăm dò. Từ trung tuần tháng 12 năm 1950, Bộ Tổng tham mưu đã thông báo cho các chiến trường xa, Bộ sẽ mở chiến dịch, các khu cần có hoạt động phối hợp, không cho địch đưa quân từ Nam tăng viện ra Bắc. Sau này chúng ta mới biết, nguồn tin tình báo quan trọng nhất mà địch thu thập được, lại chính là những bức điện mật mã của ta chuyển đi các địa phương.

Theo kế hoạch, chiến dịch Trần Hưng Đạo sẽ mở màn tại trung du vào đêm 26 tháng 12 năm 1950.

Sáng ngày 26 tháng 12, anh Lê Trọng Tấn, đại đoàn trưởng 312, báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch một cánh quân địch ước chừng một binh đoàn đang tiến về Liễn Sơn, Xuân Trạch thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, là nơi 2 trung đoàn của 312 đang tập kết. Anh Tấn đề nghị cho đơn vị nổ súng tiêu diệt lực lượng này. Đây là điều đáng mừng. Ta đang định kéo quân địch ra khỏi công sự đi vào những khu vực ta đã chuẩn bị thì chúng lại tự ý tiến sâu vào vùng tự do đang có lực lượng ta!

Tôi đồng ý ngay với đề nghị của đại đoàn, và nói với đồng chí đại đoàn trưởng: “Không bỏ lỡ cơ hội tốt này. Coi như đơn vị các đồng chí nổ súng mở màn chiến địch. Trận đầu phải thắng thật giòn giã!”.

Anh Lê Trọng Tấn chỉ huy 3 tiểu đoàn đánh vận động, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn da đen và tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn khác Địch hốt hoảng rút chạy bỏ lại cả trận địa pháo. Đại đoàn ngại lộ mục tiêu chiến dịch, không ra lệnh cho bộ đội truy kích. Không thấy ta đuổi theo, địch quay lại kéo pháo về Vĩnh Yên.

Viên quan tư tiểu đoàn trưởng bị bắt tại trận cùng với 300 quân, khai tên y là Pixca (Piscard) chỉ huy tiểu đoàn 1, trung đoàn 24 bộ binh người Xênêgan (1/24 RTMS), thuộc binh đoàn cơ động số 8 do đại tá Muyle (Muler) chỉ huy, đang tham gia vào một chiến dịch càn quét có tên là “Con dẽ giun” (Becassine).

Đại đoàn 312, vì bận tác chiến không có điều kiện tổ chức lễ thành lập đại đoàn, sau đó đã quyết định lấy ngày chiến thắng Liễn Sơn - Xuân Trạch (ngày 27 tháng 12 năm 1950) làm ngày truyền thống của đại đoàn. Chiến thắng Liễn Sơn - Xuân Trạch tạo đà phấn khởi cho chiến dịch. Tinh thần quân địch rõ ràng là chịu ảnh hưởng những thất trận ở biên giới

Theo đúng kế hoạch, từ đêm ngày 26 đến đêm ngày 29 tháng 12 năm 1950, bộ đội ta đồng loạt tiến công nhiều vị trí địch ở cả Trung Du và Đông Bắc.

Hướng Trung Du, các tiểu đoàn thuộc 308 tiêu diệt gọn các vị trí. Hữu Bằng, Thằn Lằn, Tú Tạo, Gò Sỏi, ấp Cà Phê, Gò Âu, và Yên Phụ. Riêng trận Chợ Thá phải dừng lại giữa chừng vì trời sáng. Trung đoàn 209 của 312 đánh Chợ Vàng hai lấn không thành công.

Hướng Đông Bắc, trung đoàn 174 tiêu diệt vị trí Binh Liêu. Địch đưa viện lên Bình Liêu, nhưng trung đoàn 98 bỏ lỡ cơ hội đánh viện. Bị uy hiếp mạnh, địch vội vã rút các vị trí Châu Sơn, Khe Mo, Phong Dụ, Hoành Mô co về cố thủ ở Tiên Yên.

Bộ đội ta lần đầu tiêu diệt hàng loạt cứ điểm địch trên địa hình trưng du, thực hiện thành công cách đánh bôn tập. Các trận đánh đều được giải quyết trong một đêm, tiến hành cùng lúc ở nhiều nơi, hạn chế khả năng chi viện bằng pháo binh, can thiệp bằng máy bay và những đội quân ứng chiến, khi trời sáng, bộ đội ta đã ra khỏi tầm kiểm soát của pháo binh địch.

Ngày 30 tháng 12 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch cho kết thúc đợt 1. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho đợt này, loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 quân địch, trong đó có 2/3 là Âu Phi.

Qua khai thác tù binh, ta biết địch đã phần nào phán đoán đúng hướng tiến công. Chúng dự kiến: hướng thứ nhất của ta sẽ tiến công từ Việt Trì tới Vĩnh Yên, nếu thắng sẽ tiến về Sơn Tây và Hà Nội. Hướng thứ hai sẽ đánh vào Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi đánh thẳng về Hải Dương cắt đứt đường số 5. Đồng thời địch cũng đề phòng hướng Hải Ninh. Tuy nhiên, khi cuộc tiến công nổ ra, chúng vẫn lúng túng trong cách đối phó. Tinh thần của địch khá sút kém. Tại Xuân Trạch, khi bị bao vây, từng trung đội địch ra hàng. Ở các vị trí địch chống cự yếu ớt, thường rút vào hầm cố thủ chờ quân ứng cứu. Ở Bình Liêu, quân viện lên thấy đồn đã bị tiêu diệt lập tức rút lui.

Ngoài tiến bộ trong đánh tiêu diệt cứ điểm, công tác hậu cần chiến dịch cũng có bước phát triển. Ta đã đưa những kho gạo nhỏ vào sát mặt trận khoảng 6 kilômét, bảo đảm tiếp lương nhanh chóng cho bộ đội khi tác chiến. Bộ đội có lương khô mang theo. Các đại đội được cấp phiếu “Vận động chiến” có thể lấy lương thực, thực phẩm ngay tại chỗ, ở các xã vùng tạm bị chiếm trên địa bàn chiến dịch. Mỗi trung đoàn đều được phối thuộc từ 250 đến 300 dân công làm nhiệm vụ tải thương. Để tập trung lực lượng phục vụ chiến dịch, các trường trung cấp, sơ cấp quân y tạm thời nghỉ học; 10 bác sĩ, 91 y sĩ, dược sĩ, 264 y tá cứu thương lên đường ra tiền tuyến. Các ban quân y trạm sơ cứu, đội phẫu thuật của đơn vị đều được bổ sung thêm thuốc men, dụng cụ.

Số thương vong trong đợt 1 của ta bằng hai phần ba của địch: 218 người hi sinh, 630 người bị thương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:40:18 pm »

5

Ngày 17 tháng 12 năm 1950, Đờ Lát cùng Lơtuốcnô (Letourneau), bộ trưởng Bộ Quốc gia liên kết, đi máy bay riêng tới Sài Gòn.

Đờ Lát đã khẳng định uy quyền của mình ngay từ giây phút đầu tiên. ông ta xuất hiện một mình ở khung cửa máy bay với bộ lễ phục màu trắng nổi bật. Dừng lại giây lát tay chống can, đưa mắt nhìn đám đông, rồi. ông ta mới chậm rãi bước xuống cầu thang. Đờ Lát không giấu giếm thái độ lạnh nhạt và coi thường hai người tiền nhiệm về dân sự và quân sự ra đón mình. Ông ta tuyên bố cách chức tại chỗ viên tư lệnh địa phương đã tổ chức một cuộc duyệt binh thảm hại.

Ngay ngày hôm sau, 18 tháng 12, tại Bộ tổng tham mưa, Đờ Lát quyết định trả về Pháp hầu hết những người đang điều hành các bộ phận, và thay thế bằng bộ sậu do mình đem theo: Xalăng (Salan), vì quen biết Đông Dương, được chỉ định làm Phó tổng chỉ huy; các đại tá Anla (Allard), Bôphrơ (Beaufre), Cônhi (Cogny), Graxiơ (Gracieux) đều là những sĩ quan đã phục vụ tại tập đoàn quân 1 dưới quyền của Đờ Lát.

Viên tướng năm sao rất nhiều tự tin, đã 62 tuổi, không có ý định chôn vùi sự nghiệp của mình trên chiến trường xa xôi tại một thuộc địa cũ của Pháp. Đờ Lát biết nhà cầm quyền Pháp muốn trao chức vu này cho mình từ trước khi có lời đề nghị chính thức. ông ta đã cân nhắc mọi khó khăn. Và óng ta cho rằng mình hoàn toàn có khả năng khôi phục lại tình thế, thậm chí giành chiến thắng bằng việc giữ chắc đồng bằng Bắc Bộ, và xây dựng một đội quân bản xứ thật mạnh với sự giúp đỡ của Mỹ. Ông ta sẽ làm được một việc mà tất cả các giới chính trị, quân sự ở nước Pháp đều coi là bế tắc, góp thêm vào thành tích binh nghiệp của mình lúc cuối đời.

Cũng trong ngày, Đờ Lát được tin những binh lính ở Đình Lập, vị trí cuối cùng còn lại trên đường số 4 nối liền Lạng Sơn với Tiên Yên, đã tự động bỏ đồn rút chạy trước sức ép của đối phương.

Ngay hôm sau, ngày 19 tháng 12, Đờ Lát bay ra Hà Nội. Đúng ngày này bốn năm trước, Vanluy đã làm nổ ra trận đánh trên toàn chiến trường Đông Dương. Dưới bầu trời ảm đạm một buổi chiều đông mưa phùn, tám tiểu đoàn quân viễn chinh trong những bộ trang phục cũ kỹ tổ chức một cuộc diễu binh ỉu xìu đón chào tân tổng chỉ huy. Đờ Lát rời lễ đài tiến lại gần binh linh, chăm chú ngắm nhìn họ với cặp mắt thông cảm. Chờ cuộc diễu binh kết thúc, Đờ Lát triệu tập các sĩ quan tới gặp mình. Ông ta nói với họ bằng một luận điệu hoàn toàn mới: “Cuộc chiến của chúng ta không vụ lợi, chính là vì toàn bộ nền văn minh mà chúng ta chiến đấu bảo vệ Bắc Kỳ. Chúng ta không chiến đấu để thống trị, mà cho sự nghiệp giải phóng. Chưa bao giờ chiến tranh lại cao quý như vậy. Tôi mang tới cho các bạn chiến tranh cùng với sự cao thượng của nó... Tôi đoan chắc với các vị, quân sự cũng như dân sự, từ nay các vị sẽ được chỉ huy”. Ngày tiếp theo, Đờ Lát xuống Hải Phòng. Ông ta lặp lại cách làm ở Hà Nội: Đờ Lát cảnh cáo không thương tiếc những sĩ quan thất trận ở biên giới.

Kiểu cách riêng của Đờ Lát đã tác động đáng kể đến tinh thần sa sút của quân viễn chinh.

Ngày 27 tháng 12, bộ trưởng Lơtuốcnô chuyển giao cho Đờ Lát một văn thư 23 trang trình bày những chính sách chủ yếu của Pháp ở Đông Dương và thu tóm tư tưởng của chính phủ nhằm định hướng hành động cho Đờ Lát. “Toàn bộ hành động của ngài phải dựa trên nguyên tắc: làm cho nền độc lập của các quốc gia liên kết có hiệu lực chừng nào hay chừng ấy, không coi nhẹ bất cứ điều gì có thể cần cho sự điều khiển một cuộc chiến khó khăn. Phải đem lại cho các quốc gia liên kết những phương tiện và ý chí đảm nhận lấy trách nhiệm chiến đấu chống Việt Minh, đòi hỏi chính phủ của họ cầm quyền và dẫn đầu họ theo một chương trình hành động cho phép ngay tức khắc thành lập những đội quân quốc gia”.

Về quân sự, nhiệm vụ của Đờ Lát là “phải nâng cao tinh thần suy sụp của quân đội vì những thất bại trên đường số 4, phải thích ứng với sự gia tăng chất lượng khó lường trước ở kẻ thù, và một cuộc can thiệp Trung Hoa có thể xảy ra. Trước mật, theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng thì nhất thiết phải bảo vệ Bắc Kỳ, kiên quyết bảo vệ xứ Thái. Nhưng tất nhiên, sự bảo vệ đội quân viễn chinh vẫn quan trọng trên hết. Trong trường hợp cuối cùng, có thể tính đến khả năng di tản bộ phận về Hải Phòng và chung quanh căn cứ Đà Nẵng. Ngược lại, sự có mặt của quân đội Pháp ở Nam Kỳ, nơi vẫn còn những lợi ích chính trị, kinh tế Pháp, là có “tầm quan trọng sống còn”.

Đó là những chỉ thị mang nặng tính phòng ngự, dè chừng những biến cố xấu nhất có thể xảy ra, xác định sứ mệnh chủ yếu của Đờ Lát là không để cho đội quân viễn chinh bị tiêu diệt và duy trì một số quyền lợi của Pháp ở Nam Bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:42:22 pm »

Nhưng Đờ Lát có những tham vọng lớn hơn nhiều.

Ông ta không thể bắt đầu sự nghiệp trên chiến trường Đông Dương bằng một cuộc rút lui có giới hạn. Rút lui khỏi miền Bắc sẽ kéo theo sự suy sụp về tinh thần của quân viễn chinh, của quân đội các quốc gia liên kết, và sẽ là sự ra đi vĩnh viễn của Pháp. Vùng vựa lúa châu thổ sông Hồng với 8 triệu dân nếu bị Việt Minh giành lại, cùng với những vũ khí do Trung Quốc và Liên Xô viện trợ, sẽ là hiểm họa lâu dài đối với cả Đông Nam Á. Đồng bằng Bắc Bộ hành là chiếc then cửa (verrou) của Đông Dương. Nó phải trở thành nơi ngăn chặn những đợt sóng đỏ từ phía bắc tràn xuống. Trái với ý định của Chính phủ Pháp, Đờ Lát chủ trương dồn mọi nỗ lực chiến tranh vào miền Bắc, chủ yếu là đồng bằng Bắc Bộ, để xoay chuyển tình hình, giành lại quyền chủ động trên chiến trường, cuối cùng sẽ đi tới phản công. Hiểu rõ tính bảo thủ của bọn quan cai trị thực dân cũ tại Đông Dương, Đờ Lát đã đòi Chinh phủ Pháp phải trao toàn bộ quyền lực về quân sự và chính trị cho mình, vì ông ta biết muốn đạt được ý đồ phải dựa vào Mỹ, và không thể bỏ qua một số yêu cầu của Mỹ.

Đờ Lát quay về Sài Gòn thì chiến dịch Trung Du nổ ra.

Đề nghị của Đờ Latua (De Latour) xin rút quân khỏi Tiên Yên và Móng Cái khiến Đờ Lát hết sức tức giận. Từ Sài Gòn, Đờ Lát ra lệnh phải ngừng tất cả những cuộc rút lui. Sau đó là những mệnh lệnh liên tiếp: Xalăng phải bay ngay ra Hà Nội nắm quyền chỉ huy Bắc Bộ từ tay Đờ Latua. Lấy từ Nam Bộ và Trung Bộ 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 cụm pháo tăng cường cho Bắc Bộ. Phải điều ngay từ đồng bằng Bắc Bộ 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 binh đoàn cơ động, 1 dàn pháo tập trung vào Tiên Yên, Móng Cái để bảo vệ khu vực này bằng mọi giá. Hạm đội của đô đốc Oóctôli (Ortoli) phải di chuyển tới vùng biển ngoài khơi Tiên Yên, dùng trọng pháo yểm hộ cho bộ binh. Riêng Hà Nội sẽ được bảo vệ bằng 3 binh đoàn cơ động.

Ngày 31 tháng 12, Đờ Lát trực tiếp tới Tiên Yên động viên binh lính phải đứng vững trước mọi cuộc tiến công. Chiếc máy bay Moran (Morane) đưa Đờ Lát tới cái mặt trận. Tại đâu cũng có những cuộc duyệt binh, gắn huân chương và những lời khích lệ.

Như vậy, ở hướng phối hợp Đông Bắc, 2 trung đoàn 174 và 98 của ta đã thu hút được một bộ phận quan trọng quân địch. Sang đợt 2 chiến dịch, Bộ chỉ huy hạ quyết tâm trên hướng chính Trung Du, sẽ tiêu diệt thị xã Vĩnh Yên, là nơi binh đoàn cơ động số 3 của địch đang chiếm giữ. Binh đoàn này đã bị thiệt hại nặng trong đợt 1. Vĩnh Yên là nơi địch yếu so với những nơi khoc trên tuyến trung du. Ta sẽ tiêu diệt cứ điểm lớn, đồng thời chuẩn bị tiêu diệt quân viện. Lực lượng sử dụng là 3 trung đoàn 36, 88, 102 của 308, 2 trung đoàn 209, 141 của 312, 2 tiểu đoàn địa phương của Vĩnh Phúc và Phú Thọ cùng với 3 liên đội sơn pháo 75.

Hướng phụ từ Đông Bắc sẽ chuyển về Bắc Giang với 2 trung đoàn 174 và 98 cùng với 3 tiểu đoàn địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên và 1 liên đội sơn pháo 75 li. Hướng phối hợp là Liên khu 3: Mặt trận Sơn Tây do đại đoàn 320 và tiểu đoàn địa phương Sơn Tây - Hà Đông phụ trách. Đại đoàn 304 và lực lượng địa phương chịu trách nhiệm mặt trận Ninh Bình. Mặt Tả Ngạn giao cho trung đoàn 42 và lực lượng địa phương.

Ngày 10 tháng 1 năm 1951, Bộ Tổng tham mưa tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị ở hướng chính tại sở chỉ huy chiến dịch ở Khuôn Chu, huyện Đại Từ, chân núi Tam Đảo. Tôi nói với hội nghị: “Quyết tâm của Đảng ủy trong đợt 2 chiến dịch là tập trung ưu thế binh hỏa lực trên chiến trường Vĩnh Yên đánh điểm diệt viện. Đờ Lát, tổng chỉ huy kiêm cao ủy Đông Dương sang nhận chức vào trung tuần tháng 12 năm 1950 đã tuyên bố: “Không bỏ một tấc đất nào!”. Nên ta đánh điểm, địch sẽ viện, viện nhanh và mạnh!”.

Sở chỉ huy chiến địch chuyển từ Khuôn Chu lên đỉnh Tam Đảo. Chúng tôi ở tại thị trấn trên bình độ 800. Thị trấn đã bị phá hoại hoàn toàn, nhưng vẫn có thể lợi dụng những căn hầm còn lại ở các nhà nghỉ mát của viên toàn quyền Pháp cũ và Bảo Đại. Giữa mùa đông, Tam Đảo lạnh buốt, thường có sương mù. Những khi trời trong, có thể theo dõi qua ống nhòm những trận đánh trên chiến trường Vĩnh Yên.

Đờ Lát không ngồi đợi đợt tiến công mới của ta. ông ta đã nghĩ ngay tới cách giành lại quyền chủ động chiến dịch. Bôphrơ đề nghị cuộc hành binh “Hình thang” (Trapèze), sử dụng 5 binh đoàn cơ động đánh lên Thái Nguyên, nhắm vào cơ sở hậu cần của ta, theo phán đoán là ở chân dãy núi Bắc Sơn. Đờ Lát cảm thấy kế hoạch này quá nguy hiểm. Ông ta quyết định thay nó bằng một cuộc hành binh hạn chế, sử dụng 2 binh đoàn cơ động do viên quan tư Rơđông (Redon) chỉ huy, hướng về phía Chủ vào ngày 15 tháng 1 năm 1951.

Nhưng Đờ Lát chưa kịp thực hiện kế hoạch này, thì cuộc tiến công đợt 2 của chiến dịch Trung Du đã bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2009, 05:44:05 pm »

6

Để nghi binh thu hút địch, đêm 12 tháng 1 năm 1951, trên hướng thứ yếu ở Bắc Bắc, các trung đoàn 98 và 174 nổ súng trước. 174 tiêu diệt đồn Đồng Kế. 98 đánh Cẩm Lý không thành công.

Đêm ngày 13 tháng 1, ở hướng chính, trung đoàn 141 đánh vị trí Bảo Chúc nằm ở tây - bắc Vĩnh Yên 11 kilômét. Đây là một cứ điểm mạnh bảo vệ phía bắc thị xã Vĩnh Yên, có hệ thống lô cốt, hầm hào khá vững chắc, bao bọc bằng bảy lớp vật cản, do 5 trung đội địch chiếm giữ. Các trung đoàn 88, 36, và 209 chiếm lĩnh trận địa ở khu vực Cẩm Trạch, Thanh Vân, Đạo Tú chuẩn bị sẵn sàng đánh viện từ Vĩnh yên lên.

Quân địch ở Bảo Chúc chống giữ quyết liệt. Từ nửa đêm đến 4 giờ sáng ngày 14 tháng 1, ta mới mở hết hàng rào. Trận đánh chỉ kết thúc vào buổi trưa, ta tiêu diệt và bật sống toàn bộ quân địch. Sáng ngày 14, binh đoàn cơ động số 3 từ Vĩnh Yên chia làm hai cánh lên ứng cứu cho Bảo Chúc. Muyle, chỉ huy binh đoàn, bị cách chức sau trận Liễn Sơn, đã được thay thế bằng Vanuyxem (Vanuxem). Tiểu đoàn 8 Mường đi đầu tới Thủy An thì bị trung đoàn 209 chặn đánh, vội co về dãy đồi Cẩm Trạch chống đỡ. Trong khi đó, những tiểu đoàn phía sau của GM3 vẫn tiếp tục dồn lên. Chờ đại bộ phận quân địch lọt vào khu vực đừ kiến, các trung đoàn 36 và 88 nhánh chóng xuất kích, vừa vận động tiếp cận địch, vừa hình thành thế bao vây và chia cắt. Bộ đội ta và quân địch quần nhau trên một cánh đồng giữa vùng gò đồi trống trải. Quân địch có máy bay và pháo binh hỗ trợ, nhưng lâm vào thế bị động ngay từ đầu, nên dần dần tan vỡ. Binh đoàn số 3 sau trận Liễn Sơn đã được củng cố, lần này lại bị thiệt hại nặng: Quân địch tháo chạy về Vĩnh Yên. Bộ đội ta truy kích tới sát thị xã Vĩnh Yên thì dừng lại vì trời đã tối. Trên đường ta truy kích, quân địch ở một số đồn như: Tam Lộng, Mậu Thông, Quất Lưu, Mậu Lâm bỏ vị trí rút chạy.

Trong đêm ngày 14, cơ quan tham mưu báo cáo với tôi, bộ phận kỹ thuật thu được điện của Vanuyxem gửi bộ chỉ huy Bắc Bộ: ‘Vĩnh Yên thực sự bị bao vây” (nguyên văn: Vinh Yên est pratiquement encerclé). Galibe (Galibert), chỉ huy phân khu Vĩnh Phúc, cũng xin gửi gấp quân tăng viện. Địch ở thị xã Vĩnh Yên đang rất hoang mang. Nửa đêm, tôi gọi điện cho anh Lê Trọng Tấn, rồi anh Vương Thừa Vũ, hỏi có thể điều ngay 1 trung đoàn tập kích vào Vĩnh Yên! Nhưng cả hai đại đoàn đều không nắm được các đơn vị đang vận động, xin cho đánh vào đêm 15.

Ở hướng phối hợp: đại đoàn 320 diệt 9 vị trí nhỏ trên đường số 11 Sơn Tây - Trung Hà, tiêu diệt 1 đại đội Âu Phi, thu 1 khẩu pháo. Đại đoàn 304 tiêu diệt 6 vị trí nhỏ ở Ninh Bình.

Bộ đội địa phương 5 tỉnh trung du phối hợp tác chiến từ ngày 20 tháng 12 năm 1950 đến ngày 11 tháng 1 năm 1951 thu được một số kết quả. Riêng bộ đội địa phương ở Vĩnh Tường tiêu diệt 1 đồn, 9 tháp canh, bức rút vị trí Chợ Vàng mà trong đợt 1 trung đoàn 209 đánh hai lần không thành công.

Ở Hà Nội, Xalăng ra lệnh cho binh đoàn cơ động số 1 tiến lên Phúc Yên, sẵn sàng thọc vào sườn đối phương, và 1 tiểu đoàn dù chuẩn bị nhảy xuống Đồng Đau cách Vĩnh Yên 5 kilômét vào hôm sau.

4 giờ chiều ngày 14, Đờ Lát đang tổ chức họp báo ở Sài Gòn tuyên truyền về cuộc chống giữ ở Cẩm Lý, thì được tin dữ ở Vĩnh Yên. Đờ Lát lập tức giải tán các nhà báo, tự mình tính cách đối phó. Ông ta chỉ thị cho Xalăng và viên quan tư Rơđông phải tới ngay Vĩnh Yên để lượng định tình hình tại chỗ, phối hợp hoạt động các lực lượng. Đêm hôm đó, Đờ Lát quyết định rút binh đoàn cơ động số 2 từ Lục Nam về tung vào chiến trường Vĩnh Yên, và ra lệnh cho tham mưa trưởng Anla lấy từ Nam Bộ và Trung Bộ 5 tiểu đoàn đưa ra Bắc, lập ngay một cầu hàng không bảo đảm việc vận chuyển. Đờ Lát chỉ thị cho Maricua (Maricourt), đại tá chỉ huy không quân, sử dụng ngay loại bom napan (napalm) Mỹ vừa gửi tới Hải Phòng, và huy động toàn bộ máy bay chiến đấu vào Vĩnh Yên.

Vẫn lo sợ Việt Minh thu hút sự chú ý của quân Pháp về Vĩnh Yên rồi bất thần mở một cuộc tiến công từ Tam Đảo về Hà Nội, Đờ Lát ra lệnh tập trung một lực lượng bộ binh quan trọng và chiến xa, do Bôphrơ chỉ huy, tại bắc thành phố về phía cầu sông Đuống.

Đêm ngày 14, tại Vĩnh Yên, ngoài tiểu đoàn Mường bị thiệt hại nhẹ, Vanuyxem chỉ còn thu thập được 240 lính kị binh Angiêri và 280 lính Ma rốc, đều kiệt sức, đạn dược đã cạn, thấp thỏm chờ đợi từng phút một đợt tiến công mới của bộ đội ta.
Sáng ngày 15, binh đoàn cơ động số 1 tiến lên Vĩnh Yên vấp phải trận địa của 102 ở Ngoại Trạch, Khai Quang, Mậu Thông, phía đông - nam thị xã. Bộ đội ta đánh bật cánh trái của quân địch phải lùi về Hương Canh, đồng thời chia cắt bao vây 2 đại đội của tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 bộ binh Angiêri (III/1er RTA). Quân ta dồn cả binh đoàn 1 vào thế chống đỡ. Giữa lúc đó máy bay địch xuất hiện và thả bom cháy xuống trận địa. Các chiến sĩ ta lần đầu gặp bom napan chưa biết cách đối phó. Trong ngày hôm đó, máy bay địch xuất kích 70 lần, ném xuống trận địa rất nhiều bom cháy. Bộ đội dùng vải nhựa, chăn trấn thủ trùm lên người để tránh napan. Quân địch nhân lúc đó phản công mở một con đường về phía Vĩnh Yên, nhưng suốt ngày chúng không tiến được quá 1 kilômét.

Từ trên đỉnh Tam Đảo, những lúc quang mây, không phải dùng ống nhòm cũng nhìn rõ những chiếc máy bay lao xuống trút bom lứa ở phía Vĩnh Yên.

Binh đoàn số 3 vẫn bị 209 bao vây chặt trong thị xã. Quân địch nhiều lần tổ chức đánh giải vây để bắt liên lạc với binh đoàn 1 nhưng đều bị đẩy lùi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM