Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:06:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường tới Điện Biên Phủ  (Đọc 70034 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:26:55 pm »

3

Mỗi lần kết thúc chiến dịch, một câu hỏi lại xuất hiện: sắp tới sẽ đánh đâu?

Sự chênh lệch quá lớn về vũ khí, trang bị đặt ta vào trường hợp một võ sĩ hạng nhẹ phải đọ sức với một võ sĩ hạng nặng, trên vũ đài chật hẹp trong một trận đánh kéo dài, mỗi hiệp là một mùa khô. Khi đối phương đã thuộc những miếng đánh của ta, mỗi lần vào trận càng khó.

Đặc điểm lớn nhất của chiến lược chiến tranh cách mạng là không ngừng tiến công kẻ thù, về tư tưởng chủ yếu là chiến lược tiến công. Bác đã nói điều này từ năm 1942, trong bài thơ “Học đánh cờ”: “Kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Suốt 8 năm qua, dù đánh nhỏ đánh lớn, chúng ta đã duy trì cuộc tiến công không ngừng. Do đó kẻ địch luôn luôn được tăng cường vũ khí trang bị, quân số, vẫn lâm vào thế sa lầy, bị động. Ngay từ những năm đầu kháng chiến, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân và bộ đọi địa phương kết hợp với vận động đánh nhỏ của bộ đội chủ lực, đã làm tiêu tan hi vọng giành một chiến thắng nhanh chóng của kẻ thù. Nhưng nếu muốn kết thúc cuộc chiến đã kéo dài, cần đánh bại đội quân chủ lực của địch trong một trận đánh quyết định. Con đường ta đang khai phá dường như đã bị chặn lại trước sự xuất hiện của tập đoàn cứ điểm.

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc sớm hơn dự kiến. Lực lượng ta tuy bị tiêu hao, nhưng việc bổ sung không khó khăn lắm, đa số là thương binh có thể trở lại đơn vị sau một thời gian điều trì. Bộ đội ta hoàn toàn đủ sức mỏ tiếp một chiến dịch trước mùa mưa. Chúng ta cần duy trì thế tiến công liên tục để ngăn địch tái chiếm Tây Bắc, càn quét lớn ở đồng bằng hoặc đánh ra vùng tự do. Chiến dịch Tây Bắc mở ra một phương hướng mới. Với 80% đất đai Tây Bắc giải phóng, những con đường từ đây sang Thượng Lào đều được giải tỏa. Từ lâu, chúng ta đã nghĩ tới việc giúp bạn mở rộng căn cứ du kích ở Thượng Lào thành một khu giải phóng, nơi đứng chân của Chính phủ Kháng chiến lào. Nay đã có điều kiện. Một mặt trận mới mở ra trên đất bạn cũng buộc địch phân tán quân đối phó, lún sâu hơn vào thế bị động trên chiến trường Đông Dương. Kết thúc chiến dịch Tây Bắc, tôi đã bàn vấn đề này với anh Nguyễn Chí Thanh, rồi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu khi về tới Việt Bắc phải gấp rút nghiên cứu nắm tình hình địch và binh yếu địa chí Thượng lào để trình với Tổng Quân ủy.

Thượng Lào gồm 6 tỉnh: Luông Phabăng, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viên Chăn, Phông Xa Lỳ, Huội Sài, rộng khoảng 135.000 kilômét vuông với 1 triệu dân. Thượng Lào chia làm hai vùng: vùng rừng núi ở phía đông, giáp với Tây Bắc, vùng đồng bằng ở phía tây, dọc theo lưu vực sông Cửu Long. Thượng Lào với Bắc Bộ Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, hai con sông Mã, sông Chu đều từ Sầm Nưa chảy về Thanh Hóa. Từ Bắc Bộ có nhiều con đường chạy sang Thượng Lào: đường số 6 từ Hòa Bình đi Mộc Châu, Pa Háng, Sầm Nưa, đường ngựa thồ từ Sơn La qua Sốp Nạo, đường từ Thanh Hóa qua Sốp Nạo đều tới Sầm Nưa, đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng, đường từ Điện Biên Phủ qua Tây Trang đi Mường Khoa, Luông Phabăng. Về quân sự, Thượng Lào được chia thành: Khu thượng lưu sông Cửu Long, sông Trấn Ninh, và địa hạt quân sự Phông Xa Lỳ. Quân ngụy Lào chiếm 90% tổng số binh lực ở Lào, chất lượng thấp, không có khả năng đương đầu với bộ đội chủ lực ta. Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào được tổ chức thành 3 đoàn công tác, mỗi đoàn có từ 4 đến 6 đại đội, phân tán hoạt động tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Luông Phabăng. Lực lượng của bạn Lào có khoảng 1.500 người, được tổ chức thành 6 đại đội và 24 trung đội chia ra hoạt động ở các tỉnh, chỉ có từ 2 đến 3 đại đội tập trung. Bộ chỉ huy Pháp vẫn coi Thượng Lào là một sân sau an toàn. Sau chiến dịch Tây Bắc, địch đã chú ý Thượng Lào hơn vì khu đệm ở Tây Bắc không còn. Địch tăng cường cho Sầm nưa 2 tiểu đoàn, đưa quân số ở đây lên 3 tiểu đoàn, và xây dựng thị xã Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm nhỏ. Khu vực Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng cũng được tăng thêm một tiểu đoàn.

Ngày 2 tháng 2 năm 1953, Tổng Quân ủy nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè năm 1953 ở Thượng Lào. Tổng Quân ủy đề nghị với Bộ Chính trị và Bác cho phối hợp với các bạn Lào mở một chiến dịch ở Sầm Nưa, nhằm tiêu diệt từ 2.000 đến 3.000 quân địch, giúp Chính phủ Kháng chiến Lào xây dựng hậu phương cho kháng chiến, buộc địch phân tán lực lượng cơ động, ngăn chặn âm mưu địch vãn hồi tình hình ở Tây Bắc và bình định đồng bằng Bắc Bộ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Chính phủ kháng chiến Lào nhiệt liệt tán thành chủ trương của ta, hứa tích cực phối hợp giành toàn thắng cho chiến dịch. Cuối tháng 2, nhiều đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Cung cấp và các đơn vị tham gia chiến dịch lên đường trinh sát địa hình, chuẩn bị chiến trường và hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến.

Thị xã Sầm Nưa nằm dưới một thung lũng nhỏ giữa vùng rừng núi địa hình giống như Hòa Bình tuy đồi núi xung quanh không cao bằng, cây cối ít rậm rạp hơn. Ở đây trước chỉ có một đồn chính, đồng thời là sở chỉ huy khu, với 3 đại đội khố đỏ chủ yếu là người Lào. Sau khi được tăng cường, Sầm Nưa đã có 3 tiểu đoàn, gồm tiểu đoàn dù Lào số 1 (1er BPL), tiểu đoàn bộ binh Lào số 5 (5è BTL), tiểu đoàn biệt kích Lào số 8 (8è BCL) và một số lính Pháp. Quân số là 1.7000 người, do viên quan tư Manlơplát (Maleplatte) chỉ huy. Rút kinh nghiệm ở Nà Sản, địch đóng thêm 10 vị trí trên những điểm cao chung quanh thị xã, xây dựng công sự kiên cố, có hàng rào dây thép gai bao quanh và hệ thống giao thông hào nối liền các vị trí. Chúng chặt nhiều cây cối để mở rộng tầm nhìn. Địch sửa chữa sân bay dã chiến ở Nà Thông và bãi nhảy dù ở Nà Viêng, Manlơplát thường xuyên cho quân càn quét vùng chung quanh, tung biệt kích thăm dò lực lượng và hướng tiến công của ta.

Sầm Nưa thực sự là một tập đoàn cứ điểm nhỏ. Tiêu diệt Sầm Nưa chính là cơ hội tốt cho bộ đội ta tập dượt để tiêu diệt Nà Sản sau này.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:20:05 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:28:10 pm »

Trở ngại trước mắt vẫn là vấn đề tiếp tế. So với Nà Sản thì đường tiếp tế từ hậu phương tới Sầm Nưa dài gấp đôi. Một số đường lớn trước đây xe chạy được, nay đều hư hỏng nặng. Ở miền núi hầu hết là đường mòn, đèo dốc nối tiếp. Tổng cục Cung cấp lập một hệ thống kho tàng, bến bãi trên tuyến đường dài hơn 600 kilômét từ Lạng Sơn qua Suối Rút, Mộc Châu, Sốp Hào tới Sầm Nưa. Công binh dùng thuốc nổ phá thác ở tuyến thượng lưu sông Mã. Đồng bào địa phương khiêng hàng trăm chiếc thuyền nan vượt núi tới Mộc Châu, qua biên giới, thả xuống Hốp Hào để chở hàng vào gần Sầm Nưa. Trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động 80 xe ô tô, gần 90 thuyền các loại, 2.000 xe đạp thồ, 180 ngựa thồ ngoài số dân công dùng quang gánh. Các bạn Lào hứa sẽ tích cực vận động nhân dân ra sức khai thác, huy động lương thực, thực phẩm tại chỗ. Bạn cho biết năm nay tỉnh Sầm Nưa được mùa, riêng huyện Xiềng Khọ có thể huy động 300 tấn gạo, nhưng phải chuẩn bị muối để đổi cho dân.

Một khó khăn nữa là vấn đề giữ bí mật. Nếu hướng chiến dịch bị lộ sớm, địch có thể tăng cường phòng ngự ở Sầm Nưa, đóng thêm một số cứ điểm. Trường hợp này tuy sẽ khó khăn hơn, vẫn nằm trong khả năng giải quyết của bộ đội ta. Nhưng nếu địch biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm lớn, hoặc rút chạy, thì sẽ là khó khăn thực sự đối với chiến dịch. Về vấn đề này cũng có thuận lợi là địa bàn mở chiến dịch vẫn nằm trên hướng Tây Bắc. Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh Nà Sản từ ba hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống, Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch từ hậu phương lên tới Cò Nòi, nếu lộ, địch vẫn có thể nghĩ ta chuẩn bị đánh Nà Sản. Kế hoạch nghi binh sẽ được đại đoàn 316 tiến hành vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 trước ngày mở màn chiến dịch.

Ở hướng chính Sầm Nưa, ta sử dụng 6 trung đoàn, gồm toàn bộ đại đoàn 308, hai trung đoàn của 312, và trung đoàn 98 của 316. Dự bị cho hướng này là trung đoàn 174 cảu 316 đang làm nhiệm vụ bảo vệ Mộc Châu. Binh chủng phối thuộc có 4 đại đội sơn pháo 75 li (12 khẩu), 3 đại đội súng cối 120 li (12 khẩu), 2 tiểu đoàn trọng liên phòng không 12,7 li, 1 tiểu đoàn công binh và 1 đại đội trinh sát.

Về chiến thuật, bộ đội sẽ dùng lối bôn tập chiến dịch, từ xa ập tới bao vây toàn bộ quân địch, khống chế sân bay, bãi thả dù không cho tăng viện, nhổ những điểm cao quan trọng ở ngoại vi, đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch để tiêu diệt.

Hướng phối hợp là Điện Biên Phủ. Trung đoàn 148 đảm nhiệm hoạt động tại khu vực sông Nậm Hu, đánh nhỏ ăn chắc, trường hợp thuận lợi thì mạnh dạn khuếch trương chiến quả.

Hướng Mộc Châu, Yên Châu, trung đoàn 165 của 312 dùng các hình thức biệt kích, tập kích vào các trận địa pháo binh, sở chỉ huy của địch ở Nà Sản, phục kích các đoàn xe, cùng với trung đoàn 174 của 316 kiên quyết không cho địch chiếm lại Mộc Châu.

Hướng thứ yếu là Xiêng Khoảng. Đại đoàn 304 sẽ đưa 2 trung đoàn theo đường số 7 tiến sang Lào, tiêu diệt các vị trí Noọng Hét, Bản Ban, phát triển chiến tranh du kích ở Xiêng Khoảng và Khang Khai.

Ngày 17 tháng 3, anh Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tổng Quân ủy vào Anh Sơn, Nghệ An, cùng với đồng chí Phumi Vôngvichít, đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ítxala, dự hội nghị quân chính của Đại đoàn 394 quán triệt nhiệm vụ chiến dịch. Sau khi dặn dò các anh Hoàng Minh Thảo, Lê Chưởng, tư lệnh và chính ủy Đại đoàn 304, anh Nguyễn Chí Thanh quay trở lại Việt Bắc.

Hai đêm 21 và 22 tháng 3, các đại đoàn 308, 312 lần lượt rời Phú Thọ lên đường tới địa điểm tập kết tại Mộc Châu. Do khó khăn về cung cấp, các đơn vị đều tinh giản tổ chức, tự mang lấy đạn bộ binh. Tuyến vận tải chỉ vận chuyển đạn pháo và đạn trợ chiến cho hướng chính của chiến dịch, ước tính 70 tấn.

Cơ quan tiền phương của Bộ lần này cũng gọn nhẹ, quân số so với chiến dịch Tây Bắc bớt một nửa. Bộ phận nhẹ đi trước bằng xe vận tải để kịp chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các anh Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị, anh Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Cung cấp và tôi, Chiến hào trưởng. Cùng ra mặt trận, về phía bạn, có Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, đồng chí Xanhgapp, Thứ trưởng Quốc phòng Lào, và đồng chí Thao Ma, Bí thư tỉnh Sầm Nưa. Bộ Chính trị cử anh Nguyễn Khanh, Trung ương ủy viên đặc trách công tác ở Lào, cùng đi với chiến dịch.

Các cố vấn Trung Quốc tán đồng chủ trương của ta mở chiến dịch ở Thượng Lào, tin chắc bộ đội ta và lực lượng vũ trang của bạn sẽ giành thuận lợi lớn.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, trung du và các tỉnh hậu phương, ta vẫn để lại lực lượng duy trì các hoạt động tại địch hậu, và sẵn sàng đối phó nếu quân địch đánh ra. Tả Ngạn Liên khu 3 đã có thêm trung đoàn 50 bên cạnh trung đoàn 42. Nhiều tháng qua địch mở những cuộc hành binh vô vọng hòng đẩy các trung đoàn này ra vùng tự do. Bộ chỉ huy Pháp đã cói các đơn vị này là “không thể nắm bắt” (ínaisissable). Hữu Ngạn Liên khu 3 vẫn do Đại đoàn 320 đảm nhiệm. 320 sẵn sàng đánh địch nếu chúng đổ bộ lên duyên hải Thanh Hóa. Hướng trung du dược bố trí 2 trung đoàn 238 và 246 (thiếu 1 tiểu đoàn). Hướng Phú Thọ có trung đoàn 176 (thiếu 1 tiểu đoàn) và 1 tiểu đoàn của 246. Hướng Hòa Bình có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 48 cùng với bộ đội địa phương. Phương châm chung ở các hướng này là dùng chiến trường du kích chóng địch càn quét, khi địch đánh ra vùng tự do thì đánh những trận tiêu diệt gọn từng đơn vị nhỏ của địch.

Tình hình Bắc Bộ đã khác nhiều từ sau chiến dịch Hòa Bình. Tôi cảm thấy an tâm khi cùng bộ đội lên đường sang nước bạn.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:19:13 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:36:04 pm »

4

Sau ba tháng, tôi lại quay về Tây Bắc. Tháng 10 năm trước vào Tây Bắc, từ Yên Bái qua sông Thao đã là vùng tạm chiếm. Bộ đội ta phải tiêu diệt những đồn bốt địch mở đường mà đi. Hơn hai tháng sau, chúng ta mới vượt sông Đà giải phóng Mộc Châu. Lần này, ngày nghỉ đêm đi chỉ mất năm ngày. Phần lớn núi rừng Tây Bắc đã là của ta. Đường 13, đường số 6 đã được sửa, xe chạy thâu đêm, rộng ràng bộ đội, dân công.

Các bạn Lào, Hoàng thân Xuaphanuvông, anh Cayxỏn Phômvihản đều rất phấn khởi. Cả hai nhà trí thức Lào, đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, vì tự do của dân tộc mình đã tự tìm đến với chúng ta, quyết tâm đi cùng theo con đường Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Đây là những đồng chí góp phần xây dựng nền móng cho tình chiến đấu sắt son giữa hai dân tộc Việt - Lào. Dọc đường, ta và bạn cùng sát cánh bàn bạc giải quyết những tình huống mới xuất hiện. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi ý hợp tâm đầu về triển vọng cách mạng Lào. Anh Cayxỏn mong muốn sau chiến dịch này, Sầm Nưa sẽ trở thành “Thái Nguyên”. Thượng Lào trong tương lại không xa sẽ là “Việt Bắc” đối với kháng chiến và cách mạng Lào.

Cơ quan tham mưu báo cáo đài phát thanh địch ở Hà Nội đưa tin các đại đoàn 308, 312 đã rời Phú Thọ, Việt Minh chuẩn bị đánh Thượng Lào hoặc Nà Sản! Địch còn nói ta sẽ tiến công Thượng Lào bằng hai hướng, từ Mộc Châu sang Sầm Nưa, và từ Điện Biên Phủ sang Luông Phabăng. Từ Sầm Nưa, quân báo của ta báo tin về tình hình địch chưa có gì thay đổi. Trinh sát ta ở Nà Sản báo cáo máy bay địch ráo viết vận chuyển lương thực, đạn dược cho Nà Sản. Đại đoàn 316 bắt đầu triển khai kế hoạch nghi binh. Chúng tôi đoán địch rêu rao ta sẽ đánh Thượng Lào, nhưng thực sự đề phòng một cuộc tiến công nhắm vào Nà Sản.

Cuối tháng 3 năm 1953, địch mở một cuộc hành binh lớn ở phía nam đồng bằng, nhằm vào vùng tự do hai huyện Yên Mô (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Đây là cuộc hành binh Hôtơ Ampơ (Houtes Alpes) huy động tới bốn binh đoàn cơ động. Địch đóng thêm 18 vị trí quanh Phát Diệm và trên đường số 1 từ Ninh Bình tới Ghềnh, đe dọa tỉnh Thanh Hóa. Chắc chắn Xalăng đã phát hiện thêm đại đoàn 304 đang tiến về phía tây trên đường số 7, muốn kéo bộ đội ta quay về. Chúng ta đã quá quen với kiểu đối phó này. Thực tế những hoạt động của địch không nhắm vào Thanh Hóa. Và ta đã có kế hoạch đối phó nếu địch tiến công Thanh Hóa. Cùng thời gian, một binh đoàn quân dù từ Nà Sản tiến về Mộc Châu. Đây là cuộc hành binh Guýttavơ (Gustave). Quân dù bị những lực lượng của 165 chặn đánh kịch liệt. Binh đoàn dù chưa tới được Mường Hét thì phát hiện 308 đã có mặt ở Tạ Khoa. Đờ Linarét lập tức ra lệnh cho quân dù và tất cả những đơn vị đóng rải rác đều rút về Nà Sản trong ngày 8 tháng 4 năm 1953.

Ngày 5 và ngày 6 tháng 3 năm 1953, hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị được tổ chức tại sở chỉ huy cách Mộc Châu 20 kilômét. Trừ những cán bộ trực tiếp tham gia chuẩn bị, các đơn vị lúc này mới biết mục tiêu của chiến dịch lần này là Sầm Nưa. Dọc đường, bộ đội vẫn nghĩ sẽ đánh Nà Sản. Ai nấy đều ngỡ ngàng. Nhiều người đã chuẩn bị quyết tâm rửa hận Pú Hồng, Nà Si. Một số cho rằng mục tiêu quá nhỏ so với binh lực được huy động. Cũng có người thấy đây là chủ trương sáng suốt, vì nó hợp với trình độ tác chiến của bộ đội ta. Mọi người chỉ thực sự vui vẻ khi biết đánh Sầm Nưa là cuộc tồng diễn tập để đánh Nà Sản trong chiến dịch sắp tới.

Hội nghị nhận được thư của Bác đề ngày 3 tháng 5 năm 1953. Bác viết: “Lần này là lần đầu tiên mà các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”.

Bác yêu cầu bộ đội:

- “Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng.

- Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn.

- Tuyệt đối giữ gìn kỉ luật, giữ gìn danh tiếng Quân đội nhân dân Việt Nam…”
.

Đại đoàn 308, được phối thuộc trung đoàn 98 của đại đoàn 316, hành quân chiếm lĩnh trận địa chung quanh Sầm Nưa, cử ba tiểu đoàn đi trước khống chế cánh đồng Mường Sầm không cho địch nhảy dù tăng viện, chặn địch ở đường số 6 không cho địch rút chạy về Xiêng Khoảng. Các đơn vị được phân công như sau: Trung đoàn 102 đánh cứ điểm ngoài vi Thou Lou. Trung đoàn 88 đánh hai vị trí Khai Đon 1, Khai Đon 2. trung đoàn 98 bao vây vị trí Bản Vân, chuẩn bị đánh vào phố Sầm Nưa cùng lúc trung đoàn 36 tiến công đồn chính.

Đại đoàn 312 đưa một tiểu đoàn đi trước bao vây kiềm chế sân bay Nà Thông, đông thị xã Sầm Nưa 1 kilômét, khống chế sân bay và bãi thả dù. Trung đoàn 209 có nhiệm vụ khống chế sân bay Nà Thông, bao vây và tiêu diệt cứ điểm Nà Thông Ngoài. Trung đoàn 141 có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Nà Thông Trong. Trung đoàn 165 tiêu diệt vị trí Nà Viêng, tây Sầm Nưa 1 kilômét.

Các đơn vị sẽ có mặt ở vị trí tập kết chiến đấu trước ngày 17 tháng 4 năm 1953. Những trận đánh Nà Thông, Thou Lou, Khai Đon 1 sẽ nổ súng cùng một lúc để mở màn chiến dịch.

Bộ Tổng tham mưu điều tiểu đoàn 888 của 98 đi trước tới sát Sầm Nưa khống chế người ra vào thị xã bao vây tin tức, giữ bí mật các hướng tiến quân trước giờ nổ súng. Ngày 9 tháng 4, đại đoàn 308 dời vị trí tập kết vượt sông Mã tiến vào đất bạn Lào.

Ngày 10 tháng 4, các đại đoàn 312 và 304 từ hai hướng cùng tiến quân vào nước bạn. Sở chỉ huy chiến dịch đi theo hướng 308. Những ngày đầu, cuộc tiến quân diễn ra êm ả. Máy bay địch vẫn hoạt động trên đường số 6 và đường số 41. ngày 12 tháng 4, tới bờ sông Mã, bộ phận tin kĩ thuật báo cáo một cán bộ trung đội cảu tiểu đoàn 888 bị địch bắt ở Sầm nưa đã để lộ một phần kế hoạch cuộc tiến công. Đây là sự cố đáng lo ngại nằm ngoài dự kiến của ta. Bộ chỉ huy chiến dịch điện gấp cho các đơn vị, trước hết là cho đồng chí Hùng Sinh, trung đoàn trưởng 102 đang dẫn đầu đội hình tiến quân của 308: “Địch có thể rút Sầm Nưa… Không bỏ lỡ thời cơ, bộ đội tăng tốc độ hành quân”.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:18:17 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:40:40 pm »

Ngày 13 tháng 4, quân báo của Bộ bám sát địch ở Sầm Nưa báo cáo về: địch bắt đầu rút Sầm Nưa đêm ngày 12 tháng 4 năm 1953.

Lúc này, 1 tiểu đoàn của ta, tiểu đoàn 888 đi trước, đã có mặt bên ngoài thị xã Sầm nưa. Các đơn vị khác còn cách Sầm Nưa một ngày đường. Trường hợp địch rút Sầm nưa nằm trong dự kiến của ta. Từ Sầm Nưa về tới Xiêng Khoảng khá xa, trên 200 kilômét, chỉ có đường mòn xuyên qua rừng núi, địa hình hiểm trở. Với 1.700 quân, có cả nhân viên ngụy quyền ở Sầm Nưa cùng với gia đình đi theo, chúng tôi cho rằng địch không thể rút nhanh. Cũng có thể chúng cho rằng bộ đội chỉ chiếm thị xã đã bị bỏ ngỏ mà không đuổi theo. Chúng ta vẫn còn cơ hội đuổi bắt quân địch. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho bộ đội khẩn trương truy kích.

Tôi điện cho các đơn vị: “Các đồng chí! Địch đã bỏ Sầm Nưa chạy. Sầm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp bạn củng cố căn cứ địa đó thì chúng ta phải tiêu diệt cho kì được sinh lực địch… Đường rút chạy cảu chúng khá xa, tinh thần của chúng càng kém… Chúng ta phải khắc phục mọi khó khăn… chuyển thành quyết tâm diệt địch trong cuộc truy kích này. Đó là nhiệm vụ phải làm cho kì được, vượt lên thực nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút của chúng, tiêu diệt, tiêu diệt cho giòn, cho gọn”.

Bộ Tổng tham mưu ra một loạt mệnh lệnh. Tiểu đoàn 888, đơn vị hiện ở gần địch nhất, lập tức truy kích. Trung đoàn 102 mang theo 2 ngày gạo, 2 ngày lương khô, để vũ khí nặng lại, truy kích ngay trong đêm. Đại đội nào tổ chức xong đi trước, vừa đi vừa điều tra, gặp địch thì tiêu diệt, địch đóng tập trung thì bao vây, ghìm chân quân địch, chờ những bộ phận đến sau cùng tiêu diệt. Trung đoàn 102 đi theo đường Khang Khọ ra Nà Thông qua Sầm Nưa truy kích địch tới Bản Ban và Xiêng Khoảng. Trung đoàn 209 được lệnh đi theo 102. bộ chỉ huy chiến dịch điện cho đồng chí Cao Văn Khánh, đại đoàn phó 308, chỉ huy toàn bộ cánh quân này. Đại đoàn 304, ở phía nam, được lệnh đánh mạnh trên đường số 7 ngăn chặn địch từ Sầm Nưa chạy về Cánh Đồng Chum.

Bộ chỉ huy chiến dịch cử đồng chí Đỗ Đức Kiên, trưởng ban tác chiến chiến dịch, cùng với đồng chí Nguyễn Anh Bảo, phái viên Tổng cục Chính trị, đuổi theo đại đoàn 308 làm nhiệm vụ đốc chiến. Để bảo đảm cung cấp cho bộ đội truy kích, bạn cử đồng chí Nuhắc cùng đi với đồng chí Nguyễn Văn Nam, để huy động nhân vật lực tại chỗ.

Trưa ngày 14 tháng 4, chúng tôi nhận được báo cáo tiểu đoàn 888 đã bắt được toàn bộ ngụy quyền Sầm Nưa cùng với 40 lính dõng tại Mường Hàm trong đêm ngày 13 tháng 4. Bộ chỉ huy chiến dịch điện tiếp cho 308 và trung đoàn 209: “Bộ đội ta còn gặp bọn hành chính của địch đi sau, như vậy chủ lực của địch chưa xa lắm, cần phải đôn đốc bộ đội cố gắng vượt lên đánh địch dãn ra hai bên đường rồi quét trở lại. Cần động viên bộ đội lúc này cố gắng một bước thì tiêu diệt thêm một tên địch, không vị mệt mỏi, thương hại bộ đội mà bỏ lỡ cơ hội”.

Sáng ngày 14 tháng 4, trung đoàn 98 bắt kịp quân địch ở Nà Noọng, cách Sầm Nưa 30 kilômét. Manlơplát không nghĩ bộ đội ta lại đuổi theo ban đêm giữa rừng, nên cho binh lính nghỉ lại qua đêm ở bản Nà Noọng. Buổi sáng, khi bộ phận đi đầu của đoàn quân vừa ra tới đường thì bộ đội ta ấp tới với một trận mưa đạn. Binh lính ngụy Lào không nghĩ tới viện chống cự, tháo chạy hỗn loạn. Bộ đội ta tiêu diệt 50 quân địch trong đó có viên quan ba Rútxơlô (Rousselot), chỉ huy phó tiểu đoàn 8 ngụy Lào, bắt sống 15 lính Âu Phi cùng với 206 binh lính ngụy Lào và 5 viên quan ba người Pháp. Đờ la Gác (De la Garde), tham mưu trưởng phân khu Sầm Nưa, Ơgien (Euzen), tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 ngụy Lào, Peranh (Perrin), Rơhơ (Reher), Moócvăng (Morvan), đều là chỉ huy đại đội. Theo tài liệu thì địch đã mất ở Nà Noọng 40% quân số, đại bộ phận tiếp tục chạy về phía tây.

Trung đoàn 102 và tiểu đoàn 23 của 88 vừa tới nơi, tiếp tục đuổi theo quân địch.

Trưa ngày 16 tháng 4, quân địch tới Hứa Mường trong tình trạng rệu rã, kiệt sức. Manloplát nghĩ là cuộc truy kích đã kết thúc, quyết định cho binh lính nghỉ lại hết đêm hôm đó.

Sáng ngày 17 tháng 4, tiểu đoàn 79, bộ phận đi đầu của trung đoàn 102 tới Hứa Mường. Được nhân dân cho biết quân địch vừa đi khỏi đây một giờ, tiểu đoàn trưởng Ngô Ngọc Dương, người đại đội trưởng chỉ huy trận kì tập đồn Cẩm Lý năm xưa, lập tức ra lệnh khẩn trương đuổi kịp quân địch. Bao nhiêu nhọc mệt sau ba ngày đêm liên tiếp truy kích trên đường đèo dốc dưới nắng hè dường như tiêu tan. Chỉ hơn một giờ sau, 79 đã bắt kịp quân dịch. Ngô Ngọc Dương quyết định mở một mũi thọc sâu vào giữa đội hình quân địch, đánh dạt chúng san hai bên đường, tiến lên đầu, đóng thành cái “nút” chặn chúng lại, sau đó tiến hành vây quét. Tổ trưởng Đặng Đình Lục dẫn đầu một tổ xung kích đánh xuyên suốt đội hình địch kéo dài hàng kilômét, xông lên phía trước chặn đầu, cho các đại đội đi sau tiến lên tiêu diệt.

Sự xuất hiện bất thần của bộ đội ta lần thứ hai trên đường rút lui làm cho quân ngụy Lào mất hết tinh thần. Chúng không còn nghe theo mệnh lệnh những sĩ quan Pháp chỉ huy, ném súng và bao đạn cho nhẹ rồi cắm đầu lao vào rừng. Những sĩ quan Pháp cũng chỉ còn cách chạy theo binh lính đã hoàn toàn tan vỡ. Bộ đội ta chia thành  từng tốp vào rừng truy bắt quân địch. Ta tiêu diệt khoảng 1 đại đội địch trong đó có 40 lính Âu. Viên quan tư Gơruđê (Grudet), tiểu đoàn trưởng, và viên quan ba Đenpho (Delford) chết tại trận. Bộ đội ta bắt thêm hai viên quan ba người Pháp chỉ huy các đại đội.

Đến đây, 3 tiểu đoàn địch cùng với bộ máy ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa rút chạy coi như đã bị xóa sổ. Chỉ có 220 tên, trong đó có viên quan tư Manlơplát, chạy thoát vào rừng, tập hợp thành những nhóm nhỏ nhiều tuần sau đó mới lẻ tẻ tìm về được tới Cánh Đồng Chum.

Một bộ phận của trung đoàn 88 truy kích tới Bản Ban, Xiêng Khoảng, nơi đại đoàn 304 từ Nghệ An sang đã có mặt.

Bộ chỉ huy mặt trận trao nhiệm vụ cho các đồng chí Vương Thừa Vũ, Song Hào chỉ huy và lãnh đạo công tác chiến đấu ở khu vực Sầm Nưa, truy quét tàn binh trao lại cho các bạn Lào, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:17:21 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:50:08 pm »

5

Chỉ sau một tuần vận động truy kích địch trên đoạn đường dài 270 kilômét từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã 2.000 quân địch. Đây là trận truy kích trên chặng đường dài nhất của quân đội ta. Nó giống như một cơn lốc bất thần nổ lên trên chiến trường Lào lâu này yên tĩnh, cuốn theo cả một hệ thống đồn bốt quân địch mất nhiều công sức xây dựng. Bộ đội ta đã thực hiện đúng từng lời trong nhiệm vụ được trao “Đuổi địch đến cùng, tiêu diệt bằng được binh đoàn rút lui của địch. Địch chạy xa 200 kilômét cũng đuổi, 300 kilômét cũng đuổi, hết lương thực cũng đuổi”. Lần đầu đặt chân lên đất bạn, không biết đường đi lối lại, không biết tiếng nói, địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở, chính binh lính địa phương cũng phải mất hàng tháng mới tìm về tới Cánh Đồng Chum, bộ đội ta chỉ lần theo vết giày đinh, phát cây mở đường mà đi, bất chấp nắng mưa, thất thường, bất chấp đói khát, đã hoàn thành nhiệm vụ. Dân công vận tải, chuyển thương bám sát đơn vị đã dành từng nắm gạo rang, từng bi đông nước cho bộ đội trên đường đuổi địch. Thật hạnh phúc cho dân tộc có được những người con như vậy trong chiến tranh! Mệnh lệnh của người chỉ huy dù chính xác tới đâu cũng trở thành vô nghĩa nếu không được những người cầm súng trên chiến trường thực hiện một cách chủ động và sáng tạo.

Ở hướng nam, trước sự uy hiếp của hai tiểu đoàn thuộc 312 và 1 đơn vị Pathét Lào, quân địch đóng ở
Mường Sồi, Bản Phiềng, rồi Sầm Tớ lần lượt bỏ đồn rút chạy.

Tại  Xiêng Khoảng, sau khi Noọng Hét bị tiêu diệt, quân địch ở Bản Ban chạy về Khang Khay. Quân địch ở các vị trí Mường Nga, Mường Ngạn cũng bỏ chạy. Trung đoàn 57 của 304 truy kích địch tới thị xã Xiêng Khoảng. Toàn bộ quân địch ở thị xã vội vã rút về Cánh Đồng Chum. Tiểu đoàn Pathét Lào do đồng chí Thao Ma chỉ huy, làm chủ đoạn đường số 7 từ biên giới Lào - Việt tới Xiêng Khoảng.

Hiệp động với trận đánh Sầm Nưa, ở lưu vực sông Nậm Hu, tiểu đoàn 910 của trung đoàn 148 cùng với các chiến sĩ Pathét lào hoạt động trên hướng bắc. Trước sự xuất hiện của quân ta, ngày 9 tháng 4, địch bỏ các vị trí Huội Sun, Sốp Sao co về cố thủ ở Mường Khoa. Tiểu đoàn 910 đánh vị trí Mường Khoa không thành công, chuyển xuống phía nam Nậm Hu, ngày 21 tháng 4 diệt vị trí Mường Ngòi, ngày 27 tháng 4 diệt tiếp vị trí Nậm Bạc.

Ngày 25 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lênh cho 1 tiểu đoàn tuộc trung đoàn 36 và 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 98 chặn địch rút chạy từ mặt trận Nậm Hu về Luông Phabăng, đồng thời cùng các đơn vị có mặt tạ đây uy hiếp trực tiếp kinh đô Lào. Bộ chỉ huy Pháp phải điều toàn bộ binh đoàn cơ động số 1, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội súng cối 106 li tới Luông Phabăng, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công.

Ngày 25 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 36 và 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 98 chặn địch rút chạy từ mặt trận Nậm Hu về Luông Phabăng, đồng thời cùng các đơn vị có mặt tại đây uy hiếp trực tiếp kinh đô Lào. Bộ chỉ huy Pháp phải điều toàn bộ binh đoàn cơ động số 1, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội súng cối 106 li từ Luông Phabăng, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công.

Ngày 26 tháng 4, trung đoàn 98 sau khi tiểu đoàn Nà Noọng, tiến công vị trí Pạc Sàng diệt toàn bộ địch tại đây, đồng thời chặn đánh địch ở Bản Sẻ, làm tan rã và bắt sống nhiều tên.

Quân địch ở Mường Sung nằm giữa sức ép của tiểu đoàn 910 từ bắc xuống và trung đoàn 98 từ nam lên, vội vã bỏ vị trí rút chạy.

Ngày 17 tháng 5, trung đoàn 98 phối hợp với trung đoàn 148 tiến công vị trí Mường Khoa lần thứ hai. Vị trí này nằm trên hữu ngạn sông Nậm Hu, cách Điện Biên Phủ 50 kilômét về hướng tây nam. Ta diệt và bắt gần 300 quân địch. Viên đại úy Tơliê (Teulier) chỉ huy Mường Khoa bị bắt sống.

Tính chung, trong chiến dịch Thượng Lào, ta và bạn đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã gần 2.800 binh lính và sĩ quan địch, chiếm một phần năm tổng lực lượng địch ở Lào, giải phóng trên 4.000 kilômét vuông, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một bộ phận tỉnh Xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ, chiếm một phần năm diện tích Bắc Lào, và hàng chục vạn dân. Cả dải đất thượng nguồn sông Mã, sông Chu đa giải phóng. Lần đầu, kháng chiến Lào có một căn cứ rộng lớn. Hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối liền với vùng tự do Tây Bắc và Khu 4 của ta. Sau khi phần lớn biên giới phía bắc Việt Nam tiếp giáp với Trung Hoa giải phóng, đến lượt một phần biên giới phía tây giáp với Lào được giải tỏa.

Sau hội nghị tổng kết, là cuộc họp cán bộ trong bộ đội tình nguyện Việt Nam có mặt ở Thượng Lào. Tôi biểu dương tinh thần quốc tế, sự hi sinh, chịu đựng gian khổ của các anh em nhiều năm qua sống xa Tổ quốc, nhắc mọi người hết sức tôn trọng nhân dân Lào, phong tục tập quán của bạn, khi làm việc với các bạn Lào phải có tinh thần hoàn toàn bình đẳng, cùng bàn bạc mỗi khi ra quyết định, giữ vững tình đoàn kết Việt - Lào và hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng là giúp đỡ cách mạng Lào.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:16:13 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2009, 04:52:03 pm »

Lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại một tòa nhà giữa thị xã Sầm Nưa vừa giải phóng. Những cán bộ cao cấp trong quân đội ta và đại diện quân tình nguyện tới dự. Hoàng thân Xuphanuvông nói trong cuộc mít tinh: “Sầm Nưa giải phóng là kết quả của bao nhiêu năm đấu tranh chống quân xâm lược của các bộ tộc Lào. Sầm Nưa giải phóng là kết quả của tinh thần đoàn kết anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, của quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. Tiếp theo là tiệc mừng và cuộc vui liên hoan. Bà Xuphanuvông trực tiếp chuẩn bị bữa ăn cho chúng tôi, với món xôi được nấu theo kiểu của nhà vua. Sau đó mọi người hát Champa, múa Lămvông thâu đêm. Đây là buổi liên hoan quốc tế lớn nhất tôi được dự lần đầu.

Tại Xiêng Khoảng, trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng, đồng chí Phumi Vôngvichít nói: “Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và hai quân đội Việt - Lào”.

Theo yêu cầu của bạn, chúng ta để lại trung đoàn 98 cùng với các đơn vị tình nguyện ở lại thị xã Sầm Nưa và vùng Nậm Hu. Hướng Xiêng Khoảng, đại đoàn 304 cũng để lại trên đất bạn hai tiểu đoàn.

Sầm Nưa trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến. Các bạn Lào sau đó đặt cho nó thêm một cái tên mới: Văn Xây (có nghĩa là Thắng Lợi). Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1971, Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ II được tổ chức tại Sầm Nưa. Đoàn đại biểu Đảng ta tới tham dự đại hội của bạn có tôi và anh Lê Văn Lương. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Kháng chiến Lào về họp đông đủ trong không khí chan hòa, thắm thiết tình đồng chí. Bác thường nói: Sự đoàn kết trong các đồng chí lãnh đạo ở Lào là cơ sở chắc chắn để bảo đảm thắng lợi. Tôi rất vui mừng được gặp lại nhiều đồng chí đã có mặt trong chiến dịch Sầm Nưa.

Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra lúc đầu. Mùa xuân năm 1953, mở ra triển vọng lớn cho hai dân tộc Việt - Lào trong chiến tranh, với thế phối hợp chiến lược mới giữa cách mạng hai nước. Đó là dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào. Cũng chưa bao giờ bạn và ta giành được chiến thắng lớn với số thương vong ít như chiến dịch này. Trong Xuân Hè năm 1953, chiến trường mở rộng, phương tiện chiến tranh và quân lính địch bị căng ra khắp nới, hoạt động phi pháo địch là không đáng kể. Ở đồng bằng Bắc Bộ ta lại giành thắng lợi lớn, 7.200 quân địch bị tiêu diệt. Liên khu 5 diệt
970 tên.

Bộ đội ta trên đường chiến thắng trở về, vẫn tràn đầy sinh lực như khi bắt đầu vào trận. Mỗi người đều giữ lại những tình cảm, những hình ảnh tốt đẹp về các bạn chiến đấu, nhân dân và đất nước Lào. Những bản làng nho nhỏ với những ngôi nhà thanh bình, người dân vô cùng thuần phác, những buổi lễ buộc chỉ cổ tay, điệu múa Lămvông, bài ca Champa…

Với chiến dịch Thượng Lào, chúng ta đã khoét sâu vào nhược điểm của địch, mở rộng quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ ra cả miền Bắc Đông Dương. Suốt thời gian chiến dịch, bội chỉ huy Pháp đã không có một hoạt động đối phó hữu hiệu. Trong thời gian ta mở chiến dịch, địch chỉ cho một số quân nhảy dù xuống Chợ Bờ, Suối Rút, Hòa Bình (cuộc hành binh Corse) và dùng máy bay ném bom, bắn phá con đường từ Mộc Châu đi Sầm Nưa để gây khó khăn cho việc vận chuyển tiếp tế của ta. Địch không hể mở một cuộc hành binh lớn ở đồng bằng, Tây Bắc hoặc đánh ra vùng tự do. Trên đất Lào, địch hoàn toàn bị động chạy theo sự điều động binh lực của ta mà vẫn không bảo vệ được những vùng đất chiếm đóng cùng với lực lượng đồn trú. ở hầu khắp mọi nơi, khi phát hiện bóng dáng chủ lực ta, quân địch đều rút chạy co cụm lại thành tập đoàn cứ điểm. Phải chăng đây là trở ngại cuối cùng trên đường đi đến chiến thắng?

Trên chiến trường Bắc Đông Đương, vào Xuân Hè năm 1953, Xalăng có 37 tiểu đoàn cơ động chiến lược, buộc phải phân tán thành ba nơi: Tây Bắc, 8 tiểu đoàn; Thượng Lào, gồm cả Cánh Đồng Chum và Luông Phabăng, 12 tiểu đoàn; ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ còn lại 17 tiểu đoàn. Tất cả đều nằm im chờ đợi cuộc tiến công của chủ lực ta. Những mưu toan giành lại quyền chủ động của Đờ Lát, với Xalăng đã trở nên bế tắc. Người Pháp bắt đầu chê trách Xalăng cứ tái diễn mãi trò “con nhím”! Bị thất bại trong ba chiến dịch liên tiếp: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Chính phủ Pháp buộc phải tính tới chuyện thay thế Xalăng. Thượng tuần tháng 5 năm 1953, chúng ta được tin Xalăng sẽ bị triệu hồi và thay thế bằng tướng bốn sao Hăngri Nava.

Khởi đầu từ mùa Đông năm 1950 với sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên Giới, đến mùa xuân này nhân dân và quân đội ta đã vuột tiếp một thời kì mới đầy thử thách, gian lao nhưng rất vinh quang, mở ra con đường đi tới điểm hẹn lịch sử: Điện Biên Phủ nửa năm sau đó, trong Đông Xuân 1953-1954.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 09:23:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM