Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:49:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những gì tôi thấy ở Việt Nam  (Đọc 39422 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:43:57 pm »


Nguyên lý coi công nghiệp hoá là “nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” vẫn có giá trị trong thời chiến, nhưng nó cần phải được vận dụng một cách phù hợp với tình huống thực tế. Điều cốt yếu là phải bảo vệ được các cơ sở công nghiệp và duy trì được sản xuất. Nguyên tắc đề ra là phải tăng cường các biện pháp bảo vệ và sơ tán những gì có thể sơ tán, đồng thời vẫn duy trì được khả năng sản xuất. Nhờ vậy mà như mỏ Hòn Gai chẳng hạn, trung tâm mỏ lớn nhất miền Bắc, 90% thiết bị kỹ thuật của nó vẫn được bảo vệ an toàn khỏi bom đạn và ngay sau ngày ký Hiệp định Paris, cán bộ công nhân ở đấy đã lập tức bắt tay vào sản xuất. Trong các ngành công nghiệp khác, người ta có thể ước tính 50-70% trang thiết bị được cứu thoát. Chỉ riêng ngành giao thông vận tải là bị thiệt hại nặng, ít nhất cũng phải 50% máy móc và phương tiện của nó bị phá huỷ.

Trong toàn bộ thời gian Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, chính cơ cấu công nghiệp địa phương1 là cơ cấu đóng vai trò chủ yếu trong công nghiệp. Nó kết hợp giữa một số cơ sở công nghiệp trung ương cỡ vừa với công nghiệp nhỏ và thủ công nghiệp ở địa phương, những cơ sở chỉ đòi hỏi một trình độ kỹ thuật thấp hoặc bình thường... Tuy nhiên phần đóng góp của nó vào các mặt hàng tiêu dùng lại khá quan trọng, ví dụ như nó đã bảo đảm 45% nhu cầu về vải cho nhân dân. Sức nặng đáng kể của nó đối với nền kinh tế chung cũng là một điều dễ hiểu, bởi nó phản ánh sự lạc hậu của một đất nước chậm phát triển bị kìm hãm bởi chế độ thực dân trước đây. Song lúc này, nó lại đương trở thành một chỗ dựa về kinh tế để đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ: dưới bom đạn của máy bay, nó có khả năng hoạt động linh hoạt hơn và tỏ ra ít bị tổn thương hơn so với những khu công nghiệp tập trung lớn. Hơn nữa trong điều kiện nông nghiệp miền Bắc còn ở trình độ kỹ thuật thấp thì công nghiệp địa phương là chỗ dựa tốt nhất để cải tiến nó, đồng thời còn là sợi dây liên hệ cụ thể nhất và trực tiếp nhất giữa công nghiệp và nông nghiệp: việc sửa chữa, cải tiến và sản xuất các công cụ nông nghiệp đơn giản là nằm trong tầm tay của nó. Công nghiệp địa phương sẽ bù một phần lớn cho những thiệt hại của công nghiệp nặng do bị chiến tranh gây ra: nếu chỉ số của công nghiệp nặng lại trở về chỉ số của năm 1960 thì ngược lại, chỉ số của công nghiệp nhẹ lại tăng từ 100 năm 1964 lên 134 năm 1974.

Một vài con số khác chứng tỏ sự đóng góp của công nghiệp địa phương trong chiến tranh: nó sản xuất ra 56% công cụ lao động, nguyên liệu và bảo đảm 65% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cuối năm 1968, khoảng hai trăm xưởng cơ khí với 22.000 công nhân được lập ra ở nhiều tỉnh, huyện, cung cấp cho địa phương và đóng góp với Trung ương máy công cụ, máy phát điện, máy bơm nước, máy cày đẩy tay... trong khi một mạng lưới các xưởng, trạm khác được trang bị máy móc đơn giản hơn cũng được bố trí rộng rãi ở nông thôn, tạo thành một mối liên hệ mật thiết với nông nghiệp địa phương: chẳng những nó sửa chữa, cung cấp công cụ lao động, mà nó còn trực tiếp góp phần thúc đẩy sản xuất của địa phương. Chỉ cần nêu một ví dụ đơn giản cũng đủ thấy rõ tác dụng của nó đối với việc tăng năng suất lao động trong nông nghiệp: một máy bơm bơm được 273 mét khối nước trong một giờ, trong khi muốn làm được ngần ấy công việc trong ngần ấy thời gian thì người ta phải bổ sung tới 80 người tát nước bằng tay. Cũng trong khuôn khổ của công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp cũng được chú ý phát triển mạnh mẽ và riêng nó đã đóng góp 65% công cụ lao động đơn giản và vật liệu xây dựng cho nông nghiệp.

Công nghiệp nặng khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất trong chiến tranh. Cuối năm 1972, theo ước tính, tiềm lực của nó đã bị phá huỷ từ 60 đến 70%. Tổng bí thư Lê Duẩn đánh giá một cách tổng quát là nền kinh tế của miền Bắc đã bị chậm lại mười năm do chiến tranh. Ví dụ như ở nhà máy gang thép Thái Nguyên: người ta dự kiến năm 1965 sẽ cho ra lò mẻ thép đầu tiên, thế mà phải mười năm sau, tức năm 1975, mẻ thép đầu tiên của nhà máy mới được ra lò...

Được xây dựng với sự giúp đỡ của Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960-1965, khu liên hợp gang thép Thái Nguyên tiêu biểu cho quyết tâm tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Là một nhà máy thuộc quy mô trung bình, với dự kiến lúc ban đầu mỗi năm sẽ sản xuất được 120.000 tấn thép, khu liên hợp gang thép Thái Nguyên là kinh nghiệm duy nhất về xây dựng công nghiệp nặng của miền Bắc lúc đó: nó là nơi tập trung công nhân đông nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với 8.000 công nhân của nhà máy và 14.000 công nhân làm việc ở các mỏ phụ thuộc vào nó. Trên thực tế, dự án lúc ban đầu của nhà máy đã không được hoàn thành đến chót. Đang xây dựng gần xong, khi lò cao cuối cùng của ba lò cao vừa bước vào hoạt động thì chiến tranh nổ ra ở miền Bắc. Năm 1967, chính phủ lệnh đình chỉ xây dựng và lần đầu tiên 10.000 tấn máy móc thiết bị của nhà máy được sơ tán. Bị đánh phá nặng trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhà máy được khôi phục lại một phần vào năm 1969. Nhưng đến năm 1972, nó lại trở thành mục tiêu đánh phá trở lại của máy bay Mỹ... Sau Hiệp định Paris được ký kết, khi có dịp trở lại khu liên hiệp gang thép, vừa bước đi vừa rút chân khỏi những đám bùn lầy nhão nhoét và chỉ thấy xung quanh mình những khu nhà xưởng đổ nát, đứng im lìm bất động, và ở khoảng giữa hai lò cao bị bom đánh vỡ, trước là mấy con bò đang vục đầu vào cố bứt lấy mấy nhánh cỏ cằn cỗi...
_____________________________________
1. Năm 1964, sản lượng công nghiệp địa phương chiếm 48% trong tổng sản lượng công nghiệp quốc dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:46:35 pm »


CHƯƠNG III
NHỮNG NĂM TỚI...


Hiệp định Paris vừa được ký kết, Bắc Việt Nam đã bắt tay ngay vào tổ chức lại xã hội một cách cơ bản. Hơn một lần nữa toàn bộ những biện pháp đề ra đều chứng tỏ các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn hiệp định Paris được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Mình còn đầy những thương tích chiến tranh trong cuộc đương đầu trực tiếp với cường quốc đầu sỏ đế quốc chủ nghĩa, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tập trung không chậm trễ vào những vấn đề phát triển đất nước. Thế rồi hai năm sau nữa, khi những vết thương còn chưa kín miệng, các nhà lãnh đạo Việt Nam lại tìm thấy ở nhân dân mình quyết tâm và sức mạnh cần thiết để đánh thắng một trận quyết định cuối cùng, làm thất bại mọi toan tính của người Mỹ... Điều đó chỉ có thể làm được là nhờ vào những mối liên hệ mật thiết giữa chế độ và nhân dân, sự đoàn kết của nhân dân xung quanh Đảng, và sự tài tình trong việc chỉ đạo chiến lược của các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đã biết dựa vào sự linh hoạt mềm dẻo của những cơ cấu xã hội để đương đầu với kẻ thù và chuẩn bị cho tương lai. Tương lai ấy, người ta có thể dựa vào những phương hướng lớn của kế hoạch 5 năm 1976-1980, để phác ra những nét chính của nó. Đó là một kế hoạch tất nhiên được xây dựng trên quy mô toàn quốc, nhằm xây dựng một đất nước thống nhất với 320.000 kilômét vuông và thềm lục địa thuộc chủ quyền quốc gia, một đất nước có 45 triệu dân đứng hàng thứ ba trong phe xã hội chủ nghĩa về dân số, trong đó có 21 triệu lao động, tức ngang bằng dân số lao động của nước Pháp.

Kế hoạch này dựa vào một phân tích chủ yếu: mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam trong tổng thể là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất tiên tiến với lực lượng sản xuất lạc hậu. Vậy để giải quyết mâu thuẫn này, Việt Nam cần phải huy động và phát triển những khả năng của cách mạng khoa học và kỹ thuật để chuyển từ một nền sản xuất nhỏ phân tán sang một nền sản xuất lớn dựa trên cơ sở phát triển công nghiệp hoá... Đường lối chủ yếu là: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, bằng cách cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp; kết hợp phát triển kinh tế địa phương với kinh tế trung ương; kết hợp kinh tế với quốc phòng...

Thực hiện kế hoạch này, Việt Nam có những thuận lợi lớn: đất nước đã hoà bình, Việt Nam có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đồng thời có thể hợp tác về khoa học và kỹ thuật với các nước khác trên thế giới. Cuối cùng, tiềm lực của miền Nam sẽ làm thay đổi đáng kể những điều kiện để tích luỹ: tiềm lực ấy sẽ giúp giải quyết một vấn đề lớn là vấn đề tự túc về lương thực và tạo ra một lượng dư thừa để xuất khẩu; tiềm lực ấy cũng sẽ mở rộng thị trường quốc gia và cho phép phân bố những cơ cấu kinh tế một cách hợp lý...

Nhìn vào những mục tiêu mà kế hoạch 5 năm nhằm đạt tới vào năm 1980, người ta cũng thấy rõ nhân dân Việt Nam qua chiến tranh đã phải chịu đựng những khó khăn thiếu thốn như thế nào. Lĩnh vực xã hội đầu tiên mà mục tiêu của kế hoạch đề cập là việc cải thiện đời sống nhân dân về cái ăn, và để làm việc này, người ta đã dự kiến trong vòng hai, ba năm, sẽ bảo đảm cho dân đủ no và bữa ăn có thêm thịt, cá. Rồi đến nhà ở: từ 1976, nhà nước đã tăng đầu tư vào đây 10% so với trước và mục tiêu đề ra vào cuối kế hoạch, nhân dân thành phố sẽ mỗi người có 4 mét vuông nhà ở (hiện nay là 1,2 đến 1,5 mét vuông một đầu người). Về các mặt, sẽ tăng từ 4-5 mét (tiêu chuẩn cán bộ và công nhân viên) trên 7 mét cho mỗi người dân.

Về việc học hành: năm 1976, Việt Nam có 11 triệu học sinh. Nếu kể tất cả số người đi học, trong đó có cả những người học bổ túc, thì cứ ba người dân Việt Nam có một người đi học.

Còn về kinh tế, những mục tiêu đề ra cho nó thể hiện quyết tâm của Việt Nam là tiến nhanh lên thời hiện đại. Mục tiêu đầu tiên là tăng sản lượng gạo để vừa bảo đảm nhu cầu trong nước, vừa bảo đảm có khả năng xuất khẩu. Năm 1980, mục tiêu dự kiến là sẽ đạt được 18 triệu tấn. Về công nghiệp nặng thì sẽ ưu tiên cho sản xuất điện, và ưu tiên này vẫn sẽ được tiếp tục trong kế hoạch 5 năm tiếp theo. Mục tiêu là đến năm 1980, sản lượng điện sẽ tăng gấp đôi so với sản lượng điện của cả nước năm 1975.

Nhà nước cũng sẽ tập trung nỗ lực vào phát triển công nghiệp cơ khí để trang bị cho nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Hiện nay nông nghiệp mới được 11% cơ khí hoá, cuối kế hoạch 5 năm sẽ tăng lên 30%. Sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa sẽ rất quan trọng. Liên Xô dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam một nhà máy chế tạo máy kéo có khả năng sản xuất được 20 đến 25.000 máy kéo trong một năm. Việc tìm kiếm dầu mỏ ở vùng biển miền Nam được đề ra trong kế hoạch 5 năm cũng sẽ mở ra cho Việt Nam kỷ nguyên khai thác dầu khí. Nhưng công trình quan trọng nhất là công trình thuỷ điện sông Đà sẽ được xây dựng ở Hoà Bình với sự giúp đỡ của Liên Xô. Ngoài ra Liên Xô sẽ còn giúp xây dựng một khu liên hợp luyện thép mới với năng suất 1,5 triệu tấn thép một năm...

Vậy là chẳng những không bị “quay về thời kỳ đồ đá”, như lời đe doạ của một người nào đó trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, mà Việt Nam còn đứng vững và giờ đây đang xây dựng tương lai.



Vài tháng sau giải phóng, bà Ngô Bá Thành tiếp tôi ở Sài Gòn. Bà vừa dự hội nghị giữa các đại diện hai miền để quyết định về việc thống nhất đất nước và bà tỏ ra hoàn toàn tán thành các kết luận của hội nghị, đặc biệt là về lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Bà cho biết, đối với riêng bà cũng như đối với phần lớn trí thức miền Nam, sự lựa chọn ấy không hề mang tính chất “tiên nghiệm về mặt học thuyết” mà nó là kết quả của thực tế, căn cứ vào “kinh nghiệm của những sự việc...” Và bà kết luận: “Tất cả mọi người đều có cơ hội ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua tự mình xem xét...”

Hoa Kỳ đã tìm mọi cách để phá hoại Việt Nam, bằng bom đạn cũng như bằng các thủ đoạn đánh vào quyết tâm, ý chí. Họ đã để lại trên đất nước này 25 triệu hố bom. Và chỉ riêng để làm cái mà họ gọi là tác động tâm lý, họ đã quẳng xuống Việt Nam hơn... sáu tỷ hai trăm triệu tờ truyền đơn mà buồn thay cho họ, người Việt Nam chỉ coi nó như những tờ giấy lộn. Chế độ bù nhìn Sài Gòn mà họ muốn dựng lên theo hình ảnh của họ thì nó chỉ càng làm cho hình ảnh ấy thêm đồi bại. Và khi ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hoa Kỳ hiện lên như một người ốm yếu...

Về phía mình, Bắc Việt Nam đã phải ba lần xây dựng lại đất nước: 1954, 1969 và 1972... để rồi lại phải nhìn thấy biết bao công sức trong mười năm của họ đã bị phá huỷ trong tám năm chiến tranh. Thế nhưng qua lửa đạn của những trận ném bom, miền Bắc đầy sức sống vẫn hiên ngang đứng vững...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:47:13 pm »


Thắng lợi của Việt Nam trước hết là thắng lợi của con người Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Việt Nam có một lịch sử lâu đời từ hàng nghìn năm, mà sự chia cắt đất nước năm 1954 chỉ là một chia cắt tạm thời, một “tai hoạ” do sự can thiệp của nước ngoài gây ra. Lịch sử vừa qua chứng tỏ rằng các nhà cách mạng Việt Nam, bám rễ sâu vào lịch sử đồ sộ của họ, đã biết tạo ra một ý nghĩa mới bằng việc trang bị cho nó một vũ khí sắc bén để giành chiến thắng: đó là việc thành lập một Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoạch định một chiến lược cách mạng mới độc lập, sáng tạo, và làm cho truyền thống của lịch sử của dân tộc Việt Nam thêm phong phú bằng cách vạch ra một “con đường Việt Nam” cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa của họ.

Cuộc đấu tranh lâu dài của người Việt Nam sẽ có thể kết thúc một cách khác đi, không như những gì đã diễn ra trong cái buổi sáng cuối cùng của tháng Tư năm 1975, nếu như không có sự ngoan cố của những nhà lãnh đạo Mỹ. Nhưng dù kết cục thế nào thì nguyên tắc chỉ có một - điều đó đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam. Vì vậy mà trong chiến tranh Việt Nam, người thắng là toàn dân tộc Việt Nam và ở Việt Nam không có phân chia người thắng và kẻ bại. Và lúc này, tất cả mọi người Việt Nam đều có một nỗ lực chung là hàn gắn lại các vết thương chiến tranh.

Việt Nam không phải là một chiến trường khép kín mà đương đầu với nhau là “các cường quốc lớn” thông qua một số nước nhỏ bị lôi vào vòng chiến. Nhưng thực sự đó là một cuộc đụng độ giữa hai quan niệm của hai thế giới mà ranh giới của nó không trùng hợp với biên giới của các lãnh thổ, mà ranh giới đó đi qua trái tim và khối óc của nhân dân mỗi nước. Cần nói rằng đây không phải là người Việt Nam muốn khoác cho cuộc đấu tranh của họ cái tầm cỡ ấy mà chính là các người có trách nhiệm Hoa Kỳ muốn thế: họ muốn lấy “gương” của Việt Nam để dạy cho thế giới một bài học, bằng cách ném toàn bộ sức mạnh của họ vào một cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam, một dân tộc không có nguyện vọng nào khác là muốn được sống “độc lập, tự do”. Người Việt Nam đã chấp nhận và tiến hành cuộc chiến đấu đó, hoàn toàn ý thức rằng - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói - họ là người đối diện cho các lực lượng “của văn minh chống lại các lực lượng của bạo tàn”.

Cuộc trốn chạy bằng trực thăng vào sáng sớm 30 tháng Tư của “thái thú” Mỹ Graham Martin vài giờ trước khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn là biểu tượng của một sự kiện lớn: cường quốc lớn nhất của thế giới tư bản chủ nghĩa đã bị Việt Nam trực tiếp đánh bại trên chiến trường. Cùng với nó là thất bại của một chính sách được xây dựng trên sức mạnh của tàu chiến, của B-52 và của đôla Mỹ. Đối với nhân loại tiến bộ, thắng lợi của Việt Nam như xã luận báo Nhân dân viết là “thắng lợi lớn nhất kể từ sau khi thất bại của chủ nghĩa phát xít Hitle” năm 1945. Giành được thắng lợi ấy là nhờ nhân dân Việt Nam có được cái mà họ gọi là “sức mạnh tổng hợp của thời đại”: đó là phe xã hội chủ nghĩa phong trào công nhân và tiến bộ quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc...

Thắng lợi của Việt Nam là một đóng góp hết sức quan trọng cho hoà bình thế giới mà bây giờ hãy còn quá sớm để đo được mức độ rộng lớn của đóng góp ấy. Nhưng trong khi khước từ không chịu chấp nhận “hiện trạng” bị chia cắt cũng như sự nô dịch của nước ngoài trên một nửa đất nước mình, các nhà cách mạng Việt Nam đã có sự hỗ trợ quyết định cho sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình thế giới, bởi bằng việc làm của mình, họ khẳng định rằng thế giới ngày nay đã thay đổi một cách cơ bản; đế quốc Mỹ không phải muốn làm mưa làm gió thế nào thì làm...

Trong mớ bòng bong của lịch sử mà những cuộc đấu tranh trên thế giới đang đan quện vào nhau, chúng ta hãy thử rút một sợi ra xem... Ngày 1 tháng Tám năm 1975, ở Helsinki, hội nghị an ninh và Hợp tác Châu Âu đã ký vào văn kiện cuối cùng.

Bên cạnh các nước Châu Âu, Hoa Kỳ cũng ký vào một văn bản trong đó việc áp dụng các nguyên tắc về chung sống hoà bình ở Châu Âu được lập thành quy tắc: đối với hoà bình ở Châu Âu, tài liệu đó có một ý nghĩa rất cơ bản. Thế mà năm 1954, khi ông Môlôtốp lúc đó là bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô đề nghị với Pháp, Anh và Hoa Kỳ cùng nhau ký một Hiệp ước an ninh tập thể Châu Âu, mà những nguyên tắc của nó thì cũng tương tự như những nguyên tắc của bản Hiệp định Helsinki 1975 - thì ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles trong khi bác bỏ đề nghị ấy đã trả lời Môlôtốp rằng: “Đó là một trò đùa tồi tệ”! Chúng ta nhớ rằng, khi đó là Hoa Kỳ chính thức can thiệp vào Việt Nam...

Ở Việt Nam, từ tháng Năm năm 1975, hàng vạn người ở miền Bắc đã đổ xô vào miền Nam để tìm gặp họ hàng bà con... bằng máy bay, tàu thuỷ, ô tô, xe lửa... Mọi phương tiện đều được huy động: ba người ngồi dồn vào một chỗ, xe tàu chật ních người như muốn vỡ tung ra. Có hôm ở quầy bán vé nhà ga Hà Nội, anh nhân viên bán vé mặt tái mét đi vì sợ khi đám đông giận dữ đập cửa ầm ầm đòi doạ đánh anh ta chỉ vì cái tội anh ta đã trả lời mọi người rằng nhà ga đã... hết vé !...

Lúc 19 giờ 15 ngày 13 tháng Năm, lần đầu tiên từ hai chục năm nay, một chuyến thư tới Hà Nội mang theo 15.600 lá thư gửi thẳng từ Sài Gòn ra. Rồi từ đó hàng vạn lá thư khác cũng được tiếp tục gửi ra trong những ngày sau đó.

T... nhận được một lá thư của vợ. Một lá thư nhỏ đựng trong chiếc phong bì có dấu “Air Mail”, mà trên đó có một nét chữ mờ nhạt, viết một cách vội vã, không ghi địa chỉ mà chỉ có mấy dòng vắn tắt về lai lịch của anh. Và một dòng ghi ngày tháng. Phải mất rất lâu, T... mới dám bóc thư ra xem, bởi vì anh biết rằng nó sẽ đầy những kỷ niệm, những thương nhớ của những con người do hoàn cảnh phải chia ly... Ngày tháng trên phong bì là ngày cưới của vợ chồng anh, và nét chữ là của vợ anh, người vợ yêu dấu mà từ hai chục năm nay anh chưa được một lần gặp mặt...



HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM