Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:43:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn Vận tải - Kinh tế - Bộ Binh - Khung huấn luyện thường trực - 250  (Đọc 59487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #10 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2009, 07:59:48 pm »

II. MỞ ĐƯỜNG HÀNH LANG VẬN TẢI, BẢO ĐẢM HẬU CẦN CHO CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN VÀ NAM TRUNG BỘ

Chiến lược "chiến tranh cục bộ" bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" thực hiện 4 biện pháp chiến lược mà biện pháp chủ yếu là cấp tốc "bình định nông thôn". Cuối năm 1968 địch đã tiến hành mở các cuộc hành quân "bình định ở các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, các thôn xóm buôn làng của đồng bào ta ở các nơi bị đốt, phá, hủy diệt, kềm kẹp, địch dồn dân vào các địa điểm tập trung "ấp chiến lược để quản lý không cho Cách mạng móc nối, cài cắm.

Phần lớn các tuyến hành lang vận chuyển từ căn cứ rừng núi Tây Nguyên xuống đồng bằng và các cửa khẩu thu mua đều bị địch đánh phá ngăn chặn.

Đối với vùng rừng núi Tây Nguyên địch liên tục dùng máy bay chiến lược B52 rải thảm và dùng chất độc hóa học phát quang, tung biệt kích thường xuyên lùng sục, đánh phá các đường hành lang.

Các vệt bom B.52

(nguồn: xem properties của hình)

Địch còn ra sức bao vây kinh tế, dồn dân, lập ấp, cấm mọi việc quan hệ giao lưu hàng hóa giữa các vùng, theo dõi, khủng bố không cho dân vùng ven quan hệ buôn bán với vùng giải phóng.

Thủ đoạn đánh phá điên cuồng của địch gây khó khăn cho các lực lượng ta vận chuyển trên các tuyến đường hành lang và sản xuất gây khó khăn trong đời sống hoạt động chiến đấu. Tuy nhân dân các tỉnh Tây Nguyên có truyền thống cách mạng nhưng đời sống kinh tế khó khăn, khả năng đóng góp có hạn và do địch kềm kẹp, nên các mặt hàng hậu cần thu mua từ vùng địch ra gặp nhiều khó khăn.

Về vũ khí đạn dược trên địa bàn tác chiến của Quân khu 5, chủ yếu tự sản xuất và thu chiến lợi phẩm của địch, riêng nguồn hàng viện trợ từ hậu phương lớn miền Bắc vào, bị địch ngăn chặn quyết liệt nên phải sử dụng các nguồn dự trữ.

Không để bộ đội đói và gặp khó khăn trong đời sống, sinh hoạt công tác khi mới thành lập. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5: "Hiện nay ta đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm hậu cần, địch đánh phá ngày càng ác liệt, nhu cầu tác chiến ngày càng lớn, do đó phải có sự nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, của cán bộ chiến sĩ nhất là của ngành hậu cần bảo đảm mới đáp được yêu cầu phát triển của tình hình". Để thực hiện nghị quyết của Quân khu, Đảng ủy Cục Hậu cần đã đề ra nghị quyết trong năm 1969 với các chủ trương cho toàn Đảng bộ và các đơn vị thực hiện là:

- Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, triệt để khai thác nguồn cung cấp tại chỗ.
- Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối kịp thời hàng hóa.
- Sử dụng vật chất tiết kiệm chặt chẽ, hợp lý.

Để thực hiện các chủ trương trên, Cục Hậu cần đã đề ra một số biện pháp chính là:

- Giáo dục và phát động cán bộ, chiến sĩ quán triệt quan điểm: "cần kiệm, tự lực, cánh sinh, nỗ lực tự khắc phục khó khăn".
- Triệt để phát huy và tận dụng khả năng hậu cần tại chỗ và tiếp nhận của trên, vận chuyển bảo đảm cho dưới.
- Kết hợp thực hiện nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến phía trước với xây dựng đơn vị bảo đảm hậu phương vững mạnh. 

Để cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh và Cục Hậu cần Quân khu 5, Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn 250 đã đề ra nghị quyết, thực hiện nhiệm vụ với các nội dung sau:

- Khẩn trương xây dựng Trung đoàn, xây dựng lực lượng vận tải mới được hình thành biên chế. Xác định các tuyến, cung đường vận tải bảo đảm giữa Trung đoàn với các đơn vị.
- Giáo dục ý thức tiết kiệm, không để hư hỏng, hao hụt mất mát hoặc để vũ khí, trang bị, hàng hóa do chủ quan bị địch đánh phá hoặc rơi vào tay quân thù.
- Tăng cường công tác phòng bệnh nuôi quân, tổ chức nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe bộ đội. - Tăng cường quản lý tài sản, chống lãng phí tham ô.
- Tổ chức lực lượng sản xuất ở cấp trung đoàn, tiểu đoàn để vừa bảo đảm nâng cao đời sống bộ đội, vừa tự túc được một phần lương thực trước đây hầu hết do hậu phương lớn miền Bắc chi viện. (1)

Khi nghị quyết được ban hành, các cấp đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện. Trên từng địa bàn, từng cung chặng đường, từng điểm được phân công giao nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã khẩn trương bám địch, bám địa bàn, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị trên dọc tuyến tổ chức chu đáo, chặt chẽ. …

Các tổ trinh sát ngày đêm bám địch mở đường. Cán bộ, cơ quan Trung đoàn nghiên cứu các phương án, tìm mọi cách để cùng các đơn vị tổ chức đưa đội hình vận chuyển luồn lách qua các đồn bót, ấp chiến lược và các ổ phục kích của địch (2). Sau bảy ngày ổn định tổ chức, quán triệt đặc điểm tình hình, nhiệm vụ trên giao, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bước vào thực hiện nhiệm vụ mới. Đơn vị ra quân đầu tiên là Tiểu đoàn 253 với nhiệm vụ soi đường, vận chuyển đường dài chuyến hàng từ Trạm 1 vào Đắc Lắc, xuống bắc Khánh Hòa. Vừa soi đường vừa mở tuyến hành lang, lập các cung chặng hành quân vận chuyển.
------------------------------
(1), (2). Trích Lịch sử Ngành Hậu Cần, quân khu 5.
------------------------------
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #11 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2009, 10:36:40 pm »

Nhiệm vụ mới thật khó khăn, gian khổ và phức tạp. Song, với quyết tâm rất cao của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 253 không quản ngại khó khăn, vất vả, vừa trinh sát vừa mở đường mà tiến, được đồng bào các dân tộc giúp đỡ về phương tiện vận chuyển dẫn lối, chỉ đường tránh biệt kích, thám báo và máy bay địch. Nhờ đó, sau một thời gian ngắn, chuyến hàng đầu tiên đã đến với quân và dân tỉnh Khánh Hòa. Đây là chiến công đầu tiên, một sự khởi đầu rất tốt đẹp của Tiểu đoàn 253; nó khẳng định khả năng to lớn của một đơn vị vận tải bộ; tất cả chỉ bằng đôi vai, đôi chân và nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 253, trên chặng đường dài, với bao khó khăn, gian khổ và ác liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Trên hướng của Tiểu đoàn 251 và 252, sau 20 ngày, các tiểu đoàn đã tổ chức xong tuyến hành lang phía Nam. Để tổ chức tuyến vận tải trên hướng hai Tiểu đoàn 251, 252, cán bộ, chiến sĩ cua các đơn vị gặp vô vàn khó khăn, gian khổ vất vả vì cung đường xa, qua nhiều địa hình phức tạp, địch ngăn chặn, vị trí đứng chân của Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 251 nằm trên phần đất Campuchia. Từ Binh trạm 4 (tỉnh Môn-đun-ki-ri) tiếp nhận hàng vận chuyển qua đường 14 đi qua Đắc Min, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắc Nông) để giao hàng cho Tiểu đoàn vận tải 252. Vị trí Tiểu đoàn bộ 252 và Đại đội 1 nằm ở phía bắc sông Krông Nô, huyện Lạc Thiện (nay thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông), và Tiểu đoàn 252 có nhiệm vụ chuyển tiếp xuống đến nam Khánh Hòa và bắc Ninh Thuận, các tiểu đoàn tổ chức xong 15 cung đoạn, ba cung trực thấu và hệ thống kho tàng; mở hành lang thông qua đường 14A, 14B và Gia Nghĩa - tỉnh Quảng Đức (nay thuộc thị xã Gia Nghĩa - tỉnh Đắc Nông); đồng thời bắt đầu tổ chức vận chuyển hàng. Trong quá trình vận chuyển, các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh các công việc còn lại trên tuyến hành lang.

Đối với Tiểu đoàn 251, địa bàn hoạt động dài và rộng, không có dân cư và lực lượng vũ trang địa phương để làm cơ sở và hỗ trợ nhau nên đơn vị tự độc lập bảo đảm và tác chiến. Khu vực tiểu đoàn bố trí hoạt động chủ yếu giữa 2 con đường 14A và 14B, nên thường xuyên bị địch ở Đức Lập, Gia Nghĩa (Quảng Đức) ngày đêm đánh phá ác liệt bằng bom pháo và tuyên truyền chiến tranh tâm lý bằng các phương tiện thủ đoạn như dùng máy bay rải truyền đơn, phát thanh kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ta ra hàng, chiêu hồi. Nhưng Đảng ủy - Chỉ huy tiểu đoàn đã thường xuyên lãnh đạo tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý bảo vệ Chính trị nội bộ tốt nên cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn giữ vững quyết tâm, ý chí cao, không lung lạc trước lời dụ dỗ mua chuộc của địch.

Chào mừng ngày thành lập Trung đoàn và kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiểu đoàn 251 tổ chức phát động đợt thi đua lập công dâng Đảng, với khẩu hiệu: "Quyết tâm đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, ra quân giành thắng lợi ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quí đầu". Các đại đội đăng ký thi đua với các chỉ tiêu cụ thể: đảm bảo 80 đến 90 phần trăm quân số tham gia vận chuyển; đảm bảo 25 ngày công vận chuyển với năng suất bình quân 50 ki-lô-gam đầu người/ tháng trở lên. Ngày 22 tháng 12 năm 1968, kỷ niệm 24 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tổng kết đợt thi đua, toàn Tiểu đoàn đã vận chuyển được 350 tấn hàng giao cho Tiểu đoàn 252 đúng thời gian, địa điểm qui định. Các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mức đề ra. Sau đó, Tiểu đoàn được Tỉnh ủy, Tỉnh đội các tỉnh gửi thư khen ngợi, vì có thành tích xuất sắc bảo đảm kịp thời hậu cần cho các chiến dịch giành thắng lợi. Trong phong trào thi đua, đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, được Chỉ huy Tiểu đoàn khen ngợi. Nổi bật trong các tấm gương đó có: đồng chí Từ Nhi Thi - Đại đội trưởng Đại đội 1 là chiến sĩ thi đua của Trung đoàn và các đồng chí Hoàng Mạnh Hùng - Đại đội 2; đồng chí Hòa - Trung đội trưởng; đồng chí Thanh, đồng chí Mận, đồng chí Thảng, đồng chí Tường, đồng chí Minh, đồng chí Sơn, đồng chí Tịnh ... thường xuyên đạt ngày công vận chuyển cao, năng suất từ 50 đến 70 ki-lô-gam mỗi chuyến.

Do yêu cầu của chiến trường, đến cuối năm 1969, Trung đoàn được tăng cường thêm hai Đại đội 255, 248 và cụm kho K9 của Trung đoàn 240 bàn giao, Trung đoàn 250 thành lập Tiểu đoàn 254 (1). Tiểu đoàn 254 có nhiệm vụ chuyển tiếp hàng của Tiểu đoàn 253 xuống Khu 7 (tỉnh Gia Lai), sau đó vượt Sông Ba xuống Kà Te đi dốc Thơm xuống Kỳ Lộ (tỉnh Phú Yên), Vân Canh (tỉnh Bình Định), rồi qua Eo Gió (thuộc vùng 10, Tuy An, Tuy Hòa). Tiểu đoàn 254, có nhiều cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số như Ê-đê, Mơ-nông, Gia-rai, Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho, Hrê ... của các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc và một số chiến sĩ mới được bổ sung từ miền Bắc vào các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lên được điều từ Tiểu đoàn Tây Sơn bổ sung về là chủ yếu. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm: đồng chí Kpa Ngãi - Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Y-krook - Chính trị viên; đồng chí Đào Quang Vinh - Chính trị viên phó và đồng chí Hám - Tiểu đoàn phó. Khi đồng chí Y-krook được điều về Trung đoàn bộ làm trợ lý dân vận, đồng chí Vinh lên thay làm chính trị viên; đồng chí Vũ Huy Triệu - nguyên là chính trị viên một đại đội của Tiểu đoàn 254 được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó tiểu đoàn.

Biên chế của Tiểu đoàn 254 có một đại đội vận tải xe đạp thồ và một trung đội vận chuyển bằng voi ( đội voi có 8 con) do đồng chí Quyết phụ trách. Vị trí đứng chân của tiểu đoàn tại một khu rừng tây Dốc Thơm, thuộc tỉnh Gia Lai, giáp với tỉnh Phú Yên. Tiểu đoàn có nhiệm vụ tiếp nhận hàng của Tiểu đoàn 253, vận chuyển xuống phía nam. Đại đội quân bưu 248 có nhiệm vụ vận chuyển các loại công văn, giấy tờ và đưa đón các đoàn cán bộ vào, ra chiến trường.

Do yêu cầu nhiệm vụ của một đơn vị vận tải, trong đó có cả việc vận chuyển thương binh, chuyển quân ra vào, trong năm 1969 Trung đoàn còn được tiếp nhận thêm một trạm thu dung của Trung đoàn 316 Phân khu Nam bàn giao sang giao lại gọi phiên hiệu là A100. Đơn vị này có nhiệm vụ đón nhận, điều trị và nuôi dưỡng thương bệnh binh của các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Quảng Đức và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Trạm thu dung có một bệnh xá do đồng chí Khang làm bệnh xá trưởng. Sau một thời gian, đồng chí Khang được ra miền Bắc học, đồng chí Thành ở Tiểu đoàn 251 về thay (2).
---------------------------------------
(1) Còn gọi là Tiểu đoàn Tây Sơn.
(2) Đến năm 1972, đồng chí Nhạ thay đồng chí Thành làm bệnh xá trưởng cho đến ngày giải phóng (4-1975).

------------------------------------------
Hình sưu tầm - vận tải mang vác trên đường Trường Sơn
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #12 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2009, 10:52:17 pm »

Phần lớn tân binh quê quán hầu hết ở miền Bắc khi mới bổ sung vào đơn vị chưa quen với khí hậu, thời tiết rừng núi Tây Nguyên, ăn uống thiếu thốn, sức khỏe giảm sút, nên một số bị đau ốm như bị sốt rét và ghẻ lở, nhiệm vụ của trạm xá ở chiến trường lúc nào cũng khẩn trương và tích cực. Đặc biệt công tác phòng và chữa bệnh sốt rét là trọng tâm, để thực hiện nhiệm vụ này, quân y các cấp phải thường xuyên hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị thực hiện cả ba biện pháp đó là: diệt muỗi, chống bị muỗi đốt và uống thuốc phòng phải áp dụng thường xuyên. Sau một thời gian thực hiện các biện pháp chống muỗi đốt và uống thuốc phòng, tỷ lệ sốt rét ở các đơn vị giảm từ 30 phần trăm xuống còn 20 phần trăm, nhưng do điều kiện vận chuyển phân tán lại phải cơ động thường xuyên, nên việc phun thuốc diệt muỗi mới chỉ tiến hành ở các đơn vị có điều kiện.

Thuốc điều trị sốt rét rất thiếu, Quân y các đơn vị phải tự sản xuất bằng các loại cây trường sơn (1), hoàng đằng, dây ký ninh ... nhưng cũng mới chỉ có đủ thuốc uống một liều điều trị dự phòng, trước khi bước vào đợt vận chuyển. Việc chống muỗi đốt lại không thể thực hiện trong lúc hành quân, vì vậy tỷ lệ sốt rét ở các đơn vị cấp đại đội vẫn cao.

Đến lúc này, địa bàn hoạt động của Trung đoàn mở rộng ra các tỉnh Quảng Đức, Đắc Lắc, Gia Lai, Phú Yên và Khánh Hòa. Đường vận chuyển của các đơn vị phải vượt qua nhiều loại địa hình khó khăn, phức tạp. Địch thường xuyên đánh phá ngăn chặn, nhằm cắt đứt các tuyến vận chuyển của ta. Trung đoàn phải thường xuyên vận chuyển vượt qua các con đường chiến lược, đó là: 21, 14A, 14B, 19, số 6 và số 7. Đường vận chuyển còn phải vượt qua nhiều con sông lớn như: Mô Cô, E Răng, E Mơ, Ea Bốc, Krông Na, Ea Súp, Sông Hinh, Krông Hnăng, Krông Nô, Ea-Hleo ...

Về đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đến lúc này hầu như vẫn tự cung tự cấp là chủ yếu.

Cuộc chiến đấu để bảo đảm nguồn lương thực trên toàn địa bàn Quân khu 5 nói chung và Trung đoàn 250 nói riêng rất cam go, căng thẳng và phức tạp, địch phong tỏa các ngả đường, nên khi đi lấy lương thực, có đơn vị số bị thương vong tương đương với tổn thất khi làm nhiệm vụ, nên chế độ tiêu chuẩn mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được cấp một lạng gạo (100 gam) trong một ngày, còn lại ăn mì khô, bắp hạt, có thời gian lương thực chủ yếu là măng tre, rau rừng ...

Theo quyết định của Quân khu, mỗi đơn vị đều dành 15 phần trăm quân số để tổ chức sản xuất, cấp Trung đoàn, tiểu đoàn đều phải tổ chức ra các đội sản xuất với nhiệm vụ trồng lúa, sắn, săn bắt thú ... Các lực lượng sản xuất được bố trí quanh vị trí đóng quân của Trung đoàn, tiểu đoàn trên các trục đường cơ động và ở thế đứng có giá trị về mặt tác chiến để sẵn sàng đánh địch tốt. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, chưa tổ chức được các cơ sở sản xuất, các đơn vị của Trung đoàn lâm vào tình trạng thiếu đói triền miên. Lực lượng vận tải trên đường chỉ được một 100 gam gạo/ngày cho một người. Tiêu chuẩn ba lạng gạo phải để dành ưu tiên cho anh em thương binh. Đã thiếu cơm, còn lạt muối, bộ đội thường phải đốt cỏ tranh lấy tro thay muôi. Đây là một trong những thời điểm cực kỳ khó khăn của Trung đoàn "đói, đau, đạn, địch" là 4 từ khái quát mà cán bộ, chiến sĩ thường gặp phải với những khó khăn, gian khổ của chiến trường. Nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, đoàn kết, tìm mọi cách khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh em trong đơn vị có những câu thơ:

"Suối trong tắm mát thịt da
Đói lòng đã có rừng già cho ăn"


Hay:

"Tháng ngày lăn lộn xông pha
Đói cơm, lạt muối vẫn ca vẫn cười" ...


Vượt qua những khó khăn gian khổ ban đầu, do tổ chức tốt việc sản xuất, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung đoàn thu được khoảng 500 tấn thóc, trồng được 100 héc ta sắn. Đời sống của bộ đội từng bước được cải thiện.
======================
(1) Thường sơn - tuaans)
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #13 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2009, 11:01:26 pm »

Để thực hiện tốt nhiệm vụ vận tải, toàn Trung đoàn đã khẩn trương huy động mọi lực lượng để bảo đảm vận chuyển cho phía trước trong các hoạt động Xuân - Hè năm 1969.

Theo dự kiến hoạt động mùa Xuân của toàn Trung đoàn sẽ vào cuối tháng 2 năm 1969, nhưng từ đầu tháng 1 năm 1969, địch đã tổ chức cuộc hành quân liên quân Mỹ - ngụy ở Tây Nguyên để càn quét nhằm ngăn chặn các tuyến hành lang, cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế của ta cho chiến trường. Dưới mặt đất, địch thường xuyên tung thám báo, biệt kích thăm dò phát hiện các tuyến đường vận chuyển. Chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, nhằm đánh phá hậu cứ, kho tàng của ta. ở trên không, địch dùng máy bay trinh sát các loại như L19, OV10 thường xuyên bay lượn nhằm phát hiện lực lượng ta, chỉ điểm cho không quân đánh phá.

Có lần, phát hiện dấu vết ta hành quân vận chuyển, chúng dùng máy bay trực thăng đổ quân nhằm tiêu diệt lực lượng vận tải và cướp hàng của ta. Trước những thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường, địch càng điên cuồng chống phá ta bằng mọi thủ đoạn; dùng cả máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm; dùng bom xăng, bom phát quang, rải chất độc hóa học làm trụi lá cây ...

Một đơn vị vận tải bằng xe đạp thồ bị phục kích

(nguồn: Xem properties của hình)

Đầu tháng 4 năm 1969, toàn Mặt trận Tây Nguyên phát động thực hiện phong trào thi đua: "Trẩy hội Điện Biên, lập công dâng Bác". Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn 250 đã phát động đợt thi đua vận chuyển nhằm lập công mừng Bác thọ 79 tuổi, với khẩu hiệu hành động được đề ra: "Vai tăng cân - Chân tăng chuyến - Vận chuyển an toàn - Đưa hàng tới đích - Đánh địch mà đi - Mở đường mà tiến - Hàng không thiếu một cân - Quân không thiếu một người".

Hệ thống đường vận chuyển của Trung đoàn ngày càng vươn dài, vươn xa. Các kho, trạm ngày càng phát triển theo yêu cầu chiến trường. Tình hình đó, không cho phép ta lánh tránh địch nữa, mà phải bám trạm, bám đường, bám kho, trụ vững công khai để vận chuyển.

Các đội bảo vệ trên các tuyến hành lang vận chuyển phải đương đầu quyết liệt với địch ở các khu vực trọng điểm. Trên các tuyến đường chiến lược như đường 14, đường 19, địch dùng bom phát quang, rải chất độc hóa học làm trụi hết lá cây dọc hai bên đường, có nơi sâu vào hai bên từ hai đến ba ki-lô-mét. Những nơi nghĩ ta có thể vượt qua đường, chúng còn dùng xe ủi đất, ủi rộng hai bên đường nhằm quan sát phát hiện và phòng chống ta phục kích.

Trong khi đó, nhiệm vụ của trên giao cho Trung đoàn là bất cứ tình hình khó khăn ác liệt, đơn vị phải tổ chức bằng mọi biện pháp, với quyết tâm cao để đối phó với kẻ thù và tổ chức vận chuyển công khai đi theo tuyến, theo cung đường đã có kho, có trạm trên tuyến đường để đưa hàng tới đích. Với phương châm: "Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi" các lực lượng của Trung đoàn trên các cung đường vận chuyển vũ khí đạn dược mở đường trong tiếng gầm thét của máy bay địch trên bầu trời đông Trường Sơn và phải chiến đấu với địch hàng trăm trận lớn nhỏ.

Đặc điểm các tuyến đường của các đơn vị vận chuyển có nhiều đoạn gần các quận lỵ của địch như các cung đường của các Đại đội 1, 2, 3, Tiểu đoàn 252, địch trinh sát phát hiện tổ chức càn quét, phục kích ngăn chặn thường xuyên. Tháng 4 năm 1969, Trung đoàn phải quyết định giải thể Đại đội 2 và 3 dồn về Đại đội 1 đi thâu (3 ngày đi, 2 ngày về), các đơn vị phải co lực lượng lên sát Đại đội 6 (gần Tiểu đoàn 251), cạnh bờ sông Krông-na xóa dấu vết nghi binh địch, Tiểu đoàn bộ chuyển xuống Đại đội 4 (chân dốc 4 tiếng), tạo nên một tuyến đường trống để nghi binh địch, từ đó địch không tập kích vào đơn vị được nữa.

Cay cú trước việc xử lý tình huống khôn khéo của ta, địch tăng cường mật độ hoạt động bằng các trận càn quét lùng sục nhiều hơn, bằng chiến lược "tìm diệt" với các thủ đoạn, hành động qui mô, cường độ lớn: ở mặt đất thì sử dụng bộ binh lùng sục truy quét, trên không thì tăng cường máy bay trinh sát và ném bom, ban đêm thì sử dụng máy bay B57, C130 thả pháo sáng và dùng pháo tầm xa từ các căn cứ bắn ngăn chặn các tuyến đường nghi ngờ hoặc phát hiện các đoàn vận tải ta vượt qua, chỉ cần bộ đội ta sơ ý để lộ một đốm lửa về đêm là phải trả giá bằng xương máu. ở chiến trường, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ muốn thắng địch trước tiên là phải bảo đảm bí mật và phải nắm quy luật địch bắn phá, hoạt động. Bởi yêu cầu nhiệm vụ quan trọng của toàn Trung đoàn là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nguồn hàng vận chuyển.

Những trận đánh tao ngộ chiến diễn ra hàng ngày ở các đơn vị, các lực lượng vận tải, trinh sát bảo đảm của Trung đoàn thường xuyên chạm súng với địch ở các tuyến đường hành lang vận chuyển và nơi trú quân, bộ đội vận tải chiến đấu không kém gì các đơn vị bộ binh.

Qua một lần gặp địch, qua một lần nổ súng hoặc địch ném bom, đánh pháo, Trung đoàn, tiểu đoàn lại tổ chức rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiêm cả thành công lẫn thất bại cho các đơn vị trong Trung đoàn nghiên cứu học tập. Các thủ đoạn hoạt động của địch được cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn nắm và đã vận dụng vào từng trận đánh nên kết quả diệt địch được nâng lên, cứ sau khi đánh xong đơn vị lại cho một tổ bám trận địa, kiểm tra hành động địch sau trận đánh và số lượng địch thương vong ta đều nắm được, nên khi địch lui quân ta tổ chức lực lượng chuyển hàng ngay.

Một số trận như, ngày 12 tháng 5 năm 1969, Đại đội 3, Tiểu đoàn 251 tổ chức phục kích địch trên đoạn đường 14A, diệt và làm bị thương 20 tên, bắt hai tên, thu hai súng và nhiều đồ dùng quân sự. Ngày 17 tháng 5, Đội bảo vệ của Tiểu đoàn 253 tổ chức phục kích trên đường 14A, đánh tan một đại đội địch, phá hủy năm xe quân sự, diệt 20 tên, làm bị thương 50 tên khác, thu năm súng tiểu liên và thu một số quân trang, quân dụng. Ngày 2 tháng 6, Đại đội 4 của Tiểu đoàn 251 tổ chức phục kích trên đường 14, trận đánh diễn ra nhanh gọn. Đại đội đã bắt năm tên biệt kích, thu hai súng ngắn. Ngày 8 tháng 9 năm 1969, Đại đội 3 tổ chức trận phục kích trên đỉnh đồi Chông đã tiêu diệt 30 tên, làm bị thương 50 tên, thu nhiều súng của địch, khi một tiểu đoàn địch nống ra càn quét.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #14 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2009, 11:06:48 pm »

Giữa lúc cả Trung đoàn thi đua hoàn thành nhiệm vụ thì một tin đau đớn đã đến: Bác Hồ kính yêu qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969). Nghe thông báo trên đài, ai cũng xúc động tràn nước mắt vì thương Bác, mỗi người đều cảm thấy như mình vừa mất đi cái gì đó vô cùng lớn lao quý giá, thiêng liêng nhất. Tất cả hướng về Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, nơi đang tổ chức lễ tang vĩnh biệt Người. Dù chiến trường ác liệt, nơi đóng quân dã chiến nhưng Trung đoàn vẫn tổ chức lập bàn thờ tưởng niệm Bác. Biến đau thương thành hành động cách mạng từng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn hứa với Bác quyết tâm tiến lên cùng quân dân cả nước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguy nhào", thống nhất đất nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Những ngày đầu tháng 9 năm 1969 thời tiết Tây Nguyên thật khắc nghiệt, mưa như trút nước, thác ghềnh cản trở, đường vận chuyển lại bị bom B52 của địch rải thảm thường xuyên ngày cũng như đêm. Trong những ngày này, Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn đã tổ chức phát động đợt thi đua mừng ngày thành lập nước, đọc lại lời tuyên ngôn độc lập của Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (2/9/1945) và tưởng niệm ngày Bác vừa qua đời; biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn Trung đoàn quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ dạy bằng cách ngày đêm bám trạm, bám đường, vận chuyển tăng cân, tăng chuyến, trong đợt thi đua này hầu hết cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn đều mang từ 70 - 110 ki-lô- gam mỗi người chuyển hàng theo cung trạm; nhiều tập thể, nhiều cá nhân đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn của kẻ thù để bảo đảm an toàn cho hàng hóa đến đích.

Trên hướng của Đại đội 1, tháng 11 năm 1969, trên đường vận chuyển hàng về, bị một tiểu đoàn ngụy phục kích trên đường 14A. Trước tình hình đó, đơn vị đã tổ chức phản công quyết liệt. Nhưng do địch chủ động, quân số đông đã gây cho ta thương vong tổn thất. Nhiều đồng chí hy sinh và bị thương. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm như đồng chí Lê Văn Võ, Chính trị viên đại đội, đồng chí Ký - Trung đội trưởng, đồng chí Lanh, đồng chí Hùng đã quần nhau với địch đến viên đạn cuối cùng.

Hết đạn, hai đồng chí Võ và Ký đều bị thương và bị địch bắt. Chúng đã giết hai đồng chí rồi chặt đầu, bêu trên đường 14A. Đây là những hành động tội ác vô cùng dã man của Mỹ - ngụy. Chúng làm như vậy những tưởng khuất phục được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, nhưng trái lại càng làm tăng thêm ngọn lửa căm thù, càng nung nấu ý chí quyết tâm tiêu diệt quét sạch quân cướp nước và bè lũ bán nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhiều lần địch càn quét vào hậu cứ của Tiểu đoàn 251, số cán bộ, chiến sĩ ốm bệnh ở lại trông coi hậu cứ đã tổ chức đánh địch rất quyết liệt. Có một trận địch càn vào đơn vị, anh em Tiểu đoàn bộ đã mưu trí tổ chức chiến đấu, diệt 10 tên, bắt hai tên. Địch càn vào Đại đội 2, đồng chí Nguyễn Ráo đã tổ chức cho toàn đơn vị đánh trả quyết liệt bảo vệ hàng hóa và giữ vững hành lang, tiếp tục vận chuyển hàng hóa đưa đón cán bộ và thương binh an toàn. Bộ phận trinh sát của Tiểu đoàn cùng các Đại đội ngày đêm bám trụ giữ vững mạch máu lưu thông vận chuyển để tiếp tế súng đạn, thuốc men cho chiến trường. Địch càn vào Đại đội 6, đồng chí Nguyễn Trọng Quý - Đại đội trưởng đã tổ chức toàn đơn vị chiến đấu quyết liệt bảo vệ kho tàng, hàng hóa an toàn.

Một cuộc càn vào các kho hàng trên đường Trường sơn

Nguồn: ttu.edu

Địch tăng cường đánh phá ngày càng ác liệt. Cùng với những trận đánh bom kể cả B52 rải thảm, là những trận càn quét kết hợp cả trên không và mặt đất; pháo binh, máy bay với đủ các loại bom đạn nhằm ngăn chặn vận tải tiếp tế của ta cho các chiến trường. Tình hình chiến trường không cho phép lánh tránh địch nữa, mà phải đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, bám trụ kiên cường, bằng mọi giá phải bảo đảm đủ đạn, gạo cho chiến dịch thắng lợi. Đó là ý chí quyết tâm và mục tiêu hàng đầu của cán bộ chiến sĩ toàn Trung đoàn.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Năm, 2009, 11:09:22 pm gửi bởi tuaans » Logged
quyenkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1581


« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2009, 10:44:42 pm »

Tiếp nữa đi bác tuaans , sao mấy ngày nay bác ngưng vậy , thi em chép một bài thơ trong cuốn sừ vậy .
                                    MỖI BƯỚC TA ĐI VẪN CÓ BÁC DẪN ĐƯỜNG
         
               Chúng tôi chưa một lần gặp Bác
               Nhưng một điều này ai cũng nghĩ thế thôi
               Dẫu gian khổ chiến tranh trên đường giành độc lập
               Bác mãi ở trong tim tất cả mọi người

               Gia đình bé nhỏ của tôi
               Sáu người , sáu vùng quê hợp lại
               Gia tài ngoài những thứ cần dùng trong tiểu đội
               Chúng tôi luôn mang theo tấm ảnh Bác Hồ
               Lán nhỏ tuềnh toàng dù rất đơn sơ
               Vẫn dành nơi trang trọng
               Để Bác nhìn thấy chúng tôi từ mọi hướng
               Âu yếm ân cần chăm giấc ngủ bữa ăn
               
               Bác dẫu xa nhưng tình Bác vẫn gần
               Tiểu đội chúng tôi hôm nào cũng gặp
               Những ngày lễ , quây quần bên ảnh Bác
               Qua máy thu thanh ấm áp tiếng Người

               Rừng núi xác xơ sau những trận bom rơi
               Đất căm giận mở hầm hào dánh giặc
               Gian khổ nào hơn gian khổ chiến trường
               Nhạt muối , đói cơm , măng tre , môn thục

               Thương chúng tôi Bác vẫn đi cùng
               Vượt núi băng sông vượt qua gian khó
               Có Đảng chỉ đường
               Trăm trận tăm lần chiến thắng

               Ôi những ngày dài chiến hào vây lấn
               Lòng chúng tôi nhớ Bác nôn nao
               Đêm tháng Năm giữ chốt đồi cao
               Sáng ánh sao trời thấy mắt nười lấp lánh
               
               Sau mỗi trận thắng chúng tôi
                                    lại sum họp căn lều tiểu đội
               Ôm súng ngả lưng đung đưa cánh võng
               Nhìn đàn con Bác lại mỉm cười
               Đôi mắt hiền thân yêu quá Bác ơi !
               Sự thật đau thương không ai chia nổi
               Bác đã đi xa rồi !
               Ngày Bác đi chúng tôi nhớ mãi
               Mưa tuôn rơi hòa nước mắt tuôn rơi
               Thương nhớ Người , biền réo mãi không thôi .

               Dẫu trăm lần ai biết chuyện ngày mai
               Kẻ thù vẫn trăm lần thất bại !
               Bởi đường đời Bác cùng ta đi mãi
               Niềm tin ta luôn thắm tình người
               Đêm qua rồi tiếp đến đón ngày vui .
   
                                      Quảng Nam 1969
     

Logged
quyenkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1581


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2009, 11:37:30 pm »

Bác tuaans lập topic Trung Đoàn 250, làm em nhớ những anh em trong Tiểu Đội 12,7 mm của mình đã hy sinh và bị thương trên chiến trường K
1- Trương Hữu          cs          Hy sinh trong khu 20 nhà Puốc sát  ( viêm ruột thừa cấp ) quê Quàng Ngãi
2- Trần văn Tới         cs          Hy sinh tháng 3 năm 80 Tà Sanh Batdombong  ( địch tập kích ) Quảng Ngãi
3- Nguyễn lộc Hòa     a phó      Hy sinh tháng 3 năm 80 Tà Sanh Batdombong  ( mìn kp2 ) TP Vinh , Nghệ An
4- Huỳnh Năm           cs          Hy sinh tháng 9 năm 80  Tà Sanh Batdombong  ( mìn kp2 ) Quảng Ngãi
5- Trần minh Trịnh     a trưởng  Hy sinh tháng 10 năm 80 Tà Sanh Batdombong ( mìn kp2 ) Nghệ An
6- Nguyễn v Chương   cs          Hy sinh tháng 10 năm 80 Tà Sanh Batdombong ( mìn kp2 ) Bình Định
7- Nguyễn q Việt       cs           Thương binh  ( mìn QK7 )                                             Bình Thuận

Nhớ về những đồng đội đã cùng nhau chiến đấu từ ngày vượt sông Sê ........ đến cuối năm 1980 tại Tà Sanh
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2009, 07:24:14 am »

Kiếm tư liệu liên quan hơi mất thời gian, bác quyenkh ạ.
Chứ mà post chay theo sách thì khoảng 2 ngày là hết!  Grin

Bác xem anh em đi chung lính có hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn giữ được không, để đến phần 250 qua K, em pót chữ, bác pót hình thì hay.

Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2009, 10:38:50 am »

Bác quyenkh à,
Tôi cũng là btr của trung đội 12.7mm của d, b này có 2 súng 12.7mm và b chia thành 2 khẩu đội 12.7ly chứ nhỉ, không gọi là tiểu đội đâu.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2009, 11:12:22 am gửi bởi Hungnt_E1F2 » Logged
quyenkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1581


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2009, 12:14:24 pm »

Chào bác , Trung Đoàn của em quân số rất hạn chế , C mang tiếng có 3 B , nhưng chỉ có 3 khẩu 12,7 , có B trưởng và B phó khi gần vào chiến dịch B phó xuống D hoặc đi học mất , mỗi B chỉ có một tiểu đội , A phó vào chiến dịch còn phải vác nòng súng , a trưởng phải mang hộp kính ngắm máy bay .
Cuối năm 79 , E em sang 309 không đủ người mang súng 12,7 mm gởi xe mang theo sau , còn phát súng như bộ binh  ( chuyển từ Puốc Sát sư 339 sang Tà Sanh sư 309 ) , trung Đoàn chỉ đi phối hợp khổ lắm bác ơi , đúng là ( không nói ra không ai biết )
Nên suốt 5 năm bên K em và thằng Việt 2 xạ thủ thân B trưởng lắm , còn A trưởng hơi tính toán tụi em không thích , bây giờ anh ấy ở Nghệ An rất nghèo nhưng con học lại giỏi , vẫn liên lạc thường xuyên
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM