Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:00:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mẩu chuyện viết từ chiến trường năm ấy  (Đọc 38776 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 07:45:56 pm »

VÀO DÂN


Hàn Thế Khương


Tháng năm, ở quê tôi có những cơn mưa đầu mùa rất kỳ lạ. Mưa không lớn lắm nhưng có thể kéo dài suốt một ngày. Cứ trận mưa này tạnh, chân trời phía tây sáng bàng bạc thì ở phía đông những áng mây đen nặng trĩu, không biết từ miền biển nào lại đưa nhau kéo đến, phủ kín bầu trời rồi mưa trút xuống, chạy ào ào trên những vườn cây ven sông.


Lâu lắm rồi, tôi mới được trở lại xã Mỹ An. Hồi tôi đi bộ đội, cây cối ở hai bên bờ sông đã bị bom đạn quật nát, địch quyết tâm phá hết xóm ấp để gom dân ra thị trấn và đường số 5, nhưng bây giờ cây đã ra nhánh lá xanh tốt, xoài bắt đầu trổ bông. Đôi cây, bông còn sai hơn mấy năm trước nữa.



Mưa đã bớt hột. Sông Cái Bát hiện ra trước mắt tôi mênh mông, gió từ bên kia sông từng chập thổi về làm cho nước trên những ngọn bần cao rơi lả tả xuống mặt đất. Tôi nghĩ đến đoạn đường sắp tới. Một tí nữa tôi sẽ qua sông, đến nghỉ đêm với mấy đồng chí du kích xã rồi sáng mai kiếm người ra ấp chiến lược móc gia đình. Tôi thấy lòng vui trở lại, nhưng dù sao tôi cũng không khỏi bực mình với cái cảnh trời mưa. Đường trơn như thoa mỡ bước vội là trợt té ngay.


Sắp tới bến sông rồi, kêu bến sông nhưng nó chỉ là con đường mòn nhỏ luồn qua mấy đám ô rô đi đến mí nước. Trời này mà ngồi trong ô rô chờ xuồng thì không có gì ngán cho bằng. Nhưng may quá hình như có ai cất chòi tại đó. Tôi tới chòi kéo mấy bẹ dừa nước, ngồi bó gối, nhìn ra ngoài sông Cái Bát vắng ngắt, chìm nhẹ trong màn mưa bay.


Xa xa vọng lại tiếng máy đuôi tôm, chắc xuồng ở Rạch Cùng tới. Tôi mừng thầm: Có xuồng sớm, mình sẽ tới ấp Hoà An trước lúc trời tối và có thể kiếm cái gì bỏ vô bụng được Tôi đứng dậy ra mí nước rửa chân và nhìn về ngọn Rạch Cùng. Một chiếc xuồng có mui gắn máy đuôi tôm, chạy băng băng ra sông Cái Bát. Ở phía sau, một cô thanh nữ đứng lái, chiếc khăn ni lông trên cổ tung bay theo gió. Tôi chưa kịp kêu thì cô đã ngoặc xuồng ghé lại. Tôi thầm nghĩ: Chà! gặp người quen mà quá giang về Hoà An thì hay quá!


Xuống tắt máy và đi lần vô bờ. Từ trong mui một người đàn ông chui ra đứng trước mũi. Người đàn ông trạc 30 tuổi bận quần áo đen, đầu vấn khăn rằn. Tiếng người con gái ở phía sau lanh lảnh:

Anh ba nhớ mang gói trầu vàng cho dì Sáu nghen!

Dì Sáu nhịn trầu năm sáu bữa rày rồi đó. Mai anh về em đón anh ở đâu?

- Khỏi phải đón, người đàn ông không quay lại đáp

- Mai chưa biết có về được không. Em nói với cô Tư ráng triệu tập cho được hội nghị phụ nữ nghen.


Tôi nhận ra người đàn ông này rồi, chẳng lẽ thằng Tài rnà mau già quá vậy. Hồi tôi thoát ly xã nó chèo xuống đưa tôi đến tận ngọn Rạch Cùng kia mà! Nhưng không nó thì còn ai nữa. Một cái nút ruồi bằng đầu đũa hằn rõ dưới tai bên trái của nó. Tôi hỏi lớn:

- Có phải mày không Tài?

- Ai đó? Người đàn ông ngửng lên nhìn tôi, lưỡng lự một lúc rồi cười, niềm vui lộ rõ trên đôi mắt thâm đen: Ô Thời! mày đi đâu đó? ở đơn vị mới về hả?

Xuồng cập bến. Tài nhảy lên bờ. Hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Tôi quên bẵng việc qua sông. Cô thanh nữ chào Tài rồi mở máy, quay xuồng, ngược dòng Cái bát.

- Chết! Tôi giật mình - cô bé đi về đâu đó?

- Về Hòa An...

- Phải để mình quá giang cô đi luôn ... Thôi được! Ở chơi với mấy một lát nữa hãy đi.

- Ở đây ghe xuồng qua lại thiếu gì. Tài nói vâ hỏi tôi:

- Mày về phép phải không?

- Ừ! Đơn vị cho về thăm nhà một tuần. Tao định mai kiếm móc gia đình.

Tài quay sang cười lớn:

- Ôi! Cần gì móc! Bác Hai đã về Hoà An rồi. Chỉ còn bác gái và mấy em mày ở ấp chiến lược thôi. Kế hoạch tháng tới của xã là đưa bà con về hết.

- Vậy hả. Tôi mừng quá vỗ vai Tài.

Hồi còn ở đơn vị gặp người quen ở xã đì dân công, anh em nói địch đã tập trung hết dân và đánh bạt cán bộ ra ngoài. Tôi nghĩ trong tình trạng đó mình làm sao liên hệ được với dân và giữ vững tinh thần của bà con là tốt lắm rồi, không ngờ xã nhà lại đưa được bà con trở về, tôi nói.

- Xã mình làm cách nào mà khá quá vậy.

Tài trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì. Tôi nhìn anh. Tôi nhận ra trên má của anh có những vết nhăn nhỏ. Chắc anh công tác gian khổ lắm. So với hồi chúng tôi sống chung với nhau ở tiểu đội du kích xã, anh trông có vẻ chững chạc hơn nhiều.

- Thì xã mình cũng vậy. Tài nói: Cách đây năm sáu tháng có ai dám bước qua bờ sông bên kia. Biệt kích đi ruồng suốt ngày. Nhưng rồi...anh mỉm cười. đồng bào nhứt định là ở với mình chớ đâu thể ở với địch được.

Câu nói bỏ lửng của Tài gợi lên trong lòng tôi một sự tò mò khó chịu. Tôi muốn hỏi thẳng anh nhưng ngại quá không biết có đụng đến việc bí mật của xã nhà không Tài hỏi tôi:

- Mày ăn cơm chiều chưa?

- Chưa.

- Chà! Tài nói: ở bến này xa nhà quá! Từ đây tới nhà má Năm phải đi bộ hơn một cây số, luồn trong ô rô và dừa nước. Mày có nhớ má năm không? Hai mẹ con má mới về cách đây nửa tháng. Miếng vườn cũ của má bị biệt kích chặt sạch cây.

Bả tức quá dọn luôn qua rẫy ở... hay là tao với mày tới đó xin cơm ăn..."! Nhưng tối nay tao còn hẹn họp với các đồng chí ấp Bình An. Tài dừng lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới nói tiếp:

- Thôi được! Lâu lắm mới được gặp mày...

- Đâu có lỗi hẹn với anh em được. Tôi vội cất lời với Tài.

- Tao cũng chưa đói bụng. Hai đứa mình ngồi nói chuyện chơi một lúc rồi mày phải đi.
Tài ngồi im. Chắc anh đồng ý với tôi, dù là bạn bè thân thiết nhưng đâu có cách nào khác hơn được. Tôi đánh bạo hỏi Tài:

- Mày có thể cho tao biết xã mình làm cách nào mà đưa dân về được không?

- Được chớ! Nhưng chuyện dài lắm mày ơi! nói cả buổi không hết.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 07:46:45 pm »

Tài đứng dậy bước ra khỏi chòi. Ngoài sông trời đã tạnh mưa. Chim én liệng trên mặt sông. Qua lớp mây đen mỏng, mặt trời ló ra đỏ ngầu như dáng giận dữ.

- Coi vậy mà còn sớm. Tài nói: Kiểu này chắc tạnh mưa luôn rồi. Ớn thiệt! Mưa gì mà liên tiếp suốt ba ngày.

Tôi bước ra khỏi chòi với Tài. Chúng tôi cùng nhìn về ngọn sông Cái Bát. Mấy dề lục bình nở bông tím trôi từ từ theo dòng nước màu trắng đục, Tài nói:

- Nước này mà đi xúc tép thì đã lắm, mỗi dề lục bình ít nhất cũng bốn, năm con. Tao rất nhớ cái bữa tao với mày đi xúc tép làm bánh xèo, rồi sau đó lại nhậu cá lóc luộc hèm. Kháng chiến như tụi mình thời đó thì thiệt là vương giả.

- Gian khổ hiện nay chỉ là tạm thời thôi. Tôi nói:

- Tức nhiên! Ồ, cá con xuống nhiều quá! Tài say sưa nhìn lũ cá con ăn móng ở vàm Rạch cùng. Chúng giỡn nhau nhảy tung lên và chạy dài trên mặt nước. Bỗng anh nói: cái khó của chúng ta không phải là đưa dân về đâu Thời à! Cố nhiên phát động quần chúng như thế nào để bà con dám bung ra, trở về chỗ cũ không phải là dễ. Nó đòi hỏi cũng phải kiên trì dữ lắm. Nhưng theo mình trước hết cán bộ phải bám cho được dân. Quần chúng rất tốt, ví như một miếng đất màu mỡ phải gieo mầm vào đó, tức là phải đưa cán bộ vào đó, thì rừng cây mới lên xanh tốt được, mầy có đồng ý với tao?


Ngày còn ở xã, nói chuyện với Tài tôi rất thích giọng nói hồn nhiên thỉnh thoảng pha vào cái cười lớn tiếng của anh. Nhưng có nhiều lúc tôi cũng bực mình lắm. Vì anh hay chuyển chủ đề rất đột ngột làm tôi bị động và không suy nghĩ kịp. Tôi đáp:

- Tao chưa có kinh nghiệm.

Tài như chằng chú ý đến tôi chậm rãi nói tiếp.

- Thú thiệt với mày, sau khi mày đi được vài tháng tình hình ở xã nhà đen tối lắm. Tao có cảm tưởng như mình đang sống lại thời luật 10/59 của thằng Diệm vậy. Tiểu đoàn "Báo đen" về đây càn quét suất một tháng trời. Chúng chà đi xát lại tưởng chừng như một ngọn cỏ cũng không thể mọc lên được. Trong lúc đó bọn địch thẳng tay khủng bố nhân dân, chúng trấn nước các em bé, thiêu sống ông Tư Chí ở ấp Thới An, đạp lòi thai chị Bảy Dậu và tra tấn dã man nhiều người khác, bắt chỉ hầm cán bộ. Nhưng mày biết đó, nhân dân ở xã này đã từng nếm biết bao cay đắng và cũng đã từng cứa cổ bọn tề điệp ác ôn hồi Mậu Thân thì đâu có sợ gì những thứ đó. Chúng đưa về thêm một liên đội bảo an nữa mày à! ban ngày cùng với tụi chủ lực dàn hàng ngang đi xom hầm từng ấp một...


Tài ngồi lặng đi, đôi mắt đượm một nỗi buồn sâu xa. Anh nhìn ra sông Cái Bát, soi mói, hình như muốn tìm ở đó cái gì có thể làm vơi được nỗi ưu tư trong tình cảm và tâm hồn mình. Một lúc sau, anh nói:

- Phải, chiến đấu, tất phải có hy sinh, nhiều đồng chí trong xã mình ngã xuống, đồng chí Huy phó bí thư, đồng chí Hải xã đôi trường, nữ đồng chí Tần hội trưởng hội phụ nữ... Nhưng tao nghĩ nếp sống ở đời này là gây nợ máu thì phải trả bằng máu. Với lòng sôi sục căm thù chúng tao tập trung du kích xã lại tập kích chúng. Ngay đêm đầu chúng tao diệt gần hết bọn bình định nằm trong xã Sau đó diệt chủ lực nữa, Tài mỉm cười - lực lượng mình nhỏ thì đâu thể đánh lớn được. Nhưng những trận tập kích đó làm địch rung động. Chúng xưởng chủ lực của ta về. Ngay hôm sau cả bọn kéo nhau về thị trấn.

- Chúng mày dám đánh như vậy - tôi xen vào - là táo bạo lắm. Ở bộ đội muốn đánh trận chúng tao phải tính đến lực lượng cụ thể.

Tài cười lớn.

- Ở đó mà tính, phải chiến đấu để sống, hơn nữa chúng tao thông thạo địa hình còn địch thì như thằng mù.

Tài móc trong túi ra một gói thuốc thơm.

- Mày dạo này có hút thuốc không? tao nằm dưới địa hình nhịn thuốc hoài thành cũng bắt ghiền. Làm bậy một điếu cho vui đi.

Tài vào chòi lấy tấm vải nhựa trải trên bãi cỏ non, cạnh mí nước. Chúng tôi ngồi hút thuốc. Tôi bật hợt quẹt chârn lửa cho Tài. Anh kéo một hơi thuốc dài rồi nhả khói ra từ từ.

- Mày tưởng như vậy là địch thua mình rồi đó à! Tài gạt tàn thuốc vào một cọng cây khô và nói.

- Đời nào Xã Mỹ An nằm sát thị trấn, nếu chúng không bình định ở đây được thì làm sao bình định nơi khác để thực hiện cái kế hoạch năm 1970 của Thiệu. Cho nên chúng rất quyết tâm. Chỉ mấy hôm sao sau chúng lại kéo vào xã. Lần này có thêm một đại đội Mỹ với xe bọc thép và xe ủi đất. Ban đầu xã chưa nắm được ý đồ của địch. Chúng vào ấp Bình An trước. Chúng dùng máy bay và pháo dọn bãi y như đánh trận thật sự. Sau đó chúng đưa xe bọc thép và bộ binh tới lùa tất cả bà con ra khỏi nhà. Người nào chống cự bị bắn liền. Chính tao cũng không ngờ địch tàn bạo đến mức đó. Chúng đưa trực thăng tới chở bà con đi rồi cho xe ủi đất ủi băng địa nhà cửa vườn tược. Vậy là địch đã thay đổi kế hoạch. Không bình định tại chỗ được chúng gom dân ra thị trấn. Đó, cứ như vậy chúng triệt hạ hết ấp này đến ấp khác. Thời gian không tới 15 ngày.
Tài dừng lại hút hết điếu thuốc. Anh lấy điếu khác ra châm lửa hút nhưng không biết nghĩ sao lại liệng cả điếu xuống sông.

- Một cảnh đau thương trùm lên cả xã mày à. Tài nói tiếp giọng buồn bã: - Gom dân xong địch tiếp tục đánh bom pháo, kể cũng lạ. Hình như chúng quyết diệt hết chúng mình để rửa nhục cho cái việc rút chạy lần trước chăng? ruộng vườn xơ xác. Bà con chết rất nhiều. Cán bộ và du kích, một số bị tiêu hao, một số dạt ra ngoài. Bọn biệt kích luồn sâu vào các ấp, qua cả bên này sông Cái Bát. Nơi nào cây cối còn là chúng chặt cho kỳ hết. Tài quay sang tôi nửa như muốn nói nửa phân trần - Mày nghĩ trong tình thế đó thì làm thế nào? không ở xã được nữa, số anh em còn lại phải tạm rút vào ngọn Rạch Cùng.  Bấy giờ trong xã xảy ra nhiều ý kiến lắm, một số đồng 1 chí xin đi bộ đội, một số muốn lánh sang nơi khác. Anh em nói: “không còn dân nữa thì ở đây làm gì?" duy trì du kích chiến tranh chỉ bị tiêu hao mà chưa chắc đã đánh được địch. Tao cũng rất bối rối. Vừa lúc đó, huyện cử người về. Nói thiệt với mày, chúng tao mừng còn hơn cha mẹ sanh ra một lần nữa.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #32 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 07:47:44 pm »

Tài cười. Từ lúc kể chuyện xã nhà đến giờ, lần đầu tiên tôi mới thấy niềm vui trở lại trên đôi mắt thâm đen của anh. Tôi cũng vui lây niềm vui của anh, phụ hoạ.

Những lúc khó khăn càng thấy sự chỉ đạo của cấp trên là quí giá.

Tài nói tiếp:

- Huyện về, xã bước vào học chỉ thị mới của mặt trận, việc này cũng rắc rối lắm, tao thấy cũng không cần nói hết với mày làm gì. Thú thiệt, trong tình cảnh xã nhà như vậy, làm cho anh em thấy được thắng lợi của ta ngay tại địa phương đâu có dễ, mà mày nghĩ xem, địch phải dùng đến sự tàn bạo chưa từng có để khủng bố và kìm kẹp nhân dân thì rõ ràng là địch không mạnh. Anh em đều nhứt trí với chỉ thị và có một điều là phần lớn cán bộ trong xã rất vui mừng là: Hội nghị quyết nghị phải bám cho được dân, cương quyết đưa bà con trở về sản xuất và xây dựng lại làng chiến đấu chớ không đi đâu hết.


Trên sông Cái Bát có một chiếc xuồng đi tới. Người bơi ngồi ở đằng mũi lay nhẹ dầm cho xuống trôi từ từ theo dòng nước.

- Có xuồng tới kìa! Tôi chỉ cho Tài.

- A xuồng ông Bảy. Tài nói.

- Mày có nhớ ông Bảy không? Ông đi te cá đó.

- Dạo này bà con mình còn te cá à?

- Đi chứ, lúc địch gom dân, có một thời gian không ai bắt, cá nhiêu hơn trước.

Xuồng ông Bảy đến vàm Rạch cùng. Ông Bảy đang ngồi bỗng vụt đứng dậy kéo nhanh vợt lên cao. Một con cá trắng lấp lánh, vùng vẫy trong vợt. Tài hỏi lớn:

- Cá gì đó ông Bảy ơi?

- Sài Vinh.

- Một tháng nay, Tài nói với tôi - Sài Vinh nhiều lắm, con nào bụng cũng đầy trứng.
Ông Bảy bắt con cá bỏ vào rong, te tiếp, chúng tôi nhìn theo ông.

- Xã quyết nghị rồi. Tài trở lại câu chuyện. Tụi mình mừng lắm nhưng cũng rất lo. Làm thế nào bám cho được dân bây giờ đây. Thiệt là khó. Các đồng chí ấp Hoà An về trước bị thất bại. Một đồng chí bị bọn phòng vệ dân sự xung kích bắn chết. Các đồng chí ấp Thới An đi tới đi lui nhiều lần mà không vô được. Đến lượt ấp Bình An, tao suy nghĩ hoài nhưng không kiếm được lối ra. Chùn bước ư? vậy là mình không chấp hành nghị quyết của xã rồi. Trách nhiệm của người cán bộ ở đâu? Nghĩ tới đó tao thấy ân hận quá còn đi thì làm sao? Không nói đâu xa, qua sông Cái Bát đây có thể bị hy sinh rồi. Tao ngao ngán quá. Tài nói nhanh, giọng xúc động - nhưng còn thôn xóm và đồng bào mày ơi! Thôn xóm thân yêu, nơi chôn nhau cắt rún của mình, nơi đã nuôi mình lớn lên, đã để lại trong mỗi bước đi của cuộc sống của mình từng kỷ niệrn xiết bao thân thiết. Thôn xóm xơ xác điêu tàn. Đồng bào mình, những người đã nuôi nấng đùm bọc mình, đã từng chia sẻ với mình những vui buồn trước những thắng lợi và khó khăn của cách mạng. Đồng bào giờ đang sống trong ấp chiến lược, hàng ngày chịu sự kìm kẹp và khủng bố dã man của giặc. Nghĩ tới đó nhiều đêm tao rơi nước mắt! Tao nhớ thôn xóm, tao thương đồng bào quá! Phải đì thồi mày ơi! Dù hy sình cũng phải làm tròn nhiệm vụ đối với cách mạng với tổ chức và đồng bào.


Đầu tiên vào khoảng trưa, khi tình hình coi bộ êm, tao tìm cách qua sông Cái Bát, núp trong dừa nước, chờ đồng bào đi kiếm củi hoặc chặt lá để bắt mối. Tao đi nhiều lần mà không gặp ai hết sau tao thấy qua lại sông ban ngày như vậy nguy hiểm quá mới xây dựng địa hình ở bên kia sông, hàng ngày cứ khoảng ba, bốn giờ sáng tao mang cơm nắm và nước theo, qua sông đến ở bên địa hình có địch đến thì xuống. Nhiều bữa biệt kích ruồng phải nằm dưới địa hình suốt ngày. Tao chờ đến ngày thứ 9 mà không gặp ai hết. Tao bắt đầu thấy hơi nản lòng. Tao tính kiểu này bí rồi, mình không vô được mà đồng bào không ra thì biết bao giờ mới gặp. Nhưng nói thiệt với mày tao không nghĩ tới việc rút lui. Những ý nghĩ cứ thúc giục lòng tao như một ngọn lửa nóng bỏng. Tao thề với mình: thà chết ở đây chớ không thể về.


May quá đến ngày thứ mười một thì thấy ở xã có bóng người thấp thoáng. Ban đầu tao tưởng biệt kích nhưng sau nhìn kỹ lại là bà con mình. Họ đi thẳng ra phía sông, tao nghĩ bụng, nếu gặp người trong tổ chức cũ của mình thì sướng quá, cứ móc nối rồi phát triển cơ sở thôi. Nhưng chờ hoài mà họ không đến. Hài người cứ lẩn quẩn ở cánh đồng xa chắc là bà con lén đi làm rẫy ở cánh đồng gò ấp Bình An chớ không tới đây. Làm thế nào gặp được họ bây giờ? Tao nóng lòng quá.


Từ ngọn sông Cái Bát có một chiếc ghe máy đi tới. Ghe chở đầy mái dầm, rẽ nước lao nhanh về phía trước. Tài hỏi lớn:

Thím Bảy chở cá đi đâu đó?

Đi chợ! Người phụ nữ ngồi ở mũi ghe quay mặt về phía chúng tôi đáp.

Sao đi muộn vậy?

Giăng câu mới về. Ra bán sỉ cho bạn hàng rồi về thôi.

Ghe đi xa Tài nói với tôi.


Cá lóc ở mấy cái bàu ngoài đồng nhiều lắm làm siêng đi nhấp một bữa có thể được cả chục ký.

Anh kể tiếp.

Tao chờ đến ngày thứ mười hai, thứ mười ba cũng vậy, bà con đi đông hơn mà không ra bờ sông. Tài hỏi Tôi: Mày nghĩ phải làm thế nào? Tôi chẳng biết trả lời sao, ngồi im. Tài cười lớn.

Bà con không ra thì mình phải vô thôi. Xung quanh chỗ họ làm rẫy có mấy đám mua già cao khỏi đầu người. Hồi trước, đồng khởi có lần xã đã họp ở đó. Tao dời đia hình vô đám mua. Mặt trời mọc vài sào thì bà con ra đồng. Có một người đến cuốc đất gần đám mua. Tao nhận ra ông Bảy Tình ở ấp Bình An. Ông Bảy Tình nhà ở gần miếu thổ thần đó mày có nhớ không?

- Nhớ chớ! Tôi đáp: Ông già câu cua đinh đó mà!

Ờ phải rồi! Tài nói: Trời còn sớm quá, tao chưa dám gặp ổng. Đến trưa ông nghỉ tay ăn cơm. Tao bò ra rìa dám mua kêu nhỏ:

- Bác Bảy.

Ông già giật mình, dòm xung quanh ngơ ngác: tao kêu nữa:

- Bác Bảy! Tôi là ba Tài đây! Tôi đến gặp bác đây.

Ông già đứng dậy, đi vô đám cây mua rồi nhanh chóng ngồi thụp xuống,
- Thằng Tài đâu, ông thều thào.

- Tôi đây!

- Mày thiệt đó hả Tài.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #33 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 07:48:34 pm »

Tao luồn đến chỗ ông Bảy. ông nhào tới ôm chầm lấy tao. õng vừa khóc, vừa kể cho tao nghe tình hình bà con mình ở trong ấp chiến lược. Chắc mày cũng biết rồi, tao không cần nói lại làm gì. Thú thiệt với mày, tao không cầm được nước mắt. Nói chuyện xong ông Bảy đem cơm cho tao ăn. Lâu nay ăn gạo rang, uống nước lạnh, bây giờ được một bữa cơm nguội mắm sống thiệt không có gì ngon cho bằng.


Cuối cùng tao gợi ý với ông Bảy về việc cho tao về ở nhà ổng. Ổng ngồi làm thinh rất lâu, chắc ổng suy nghĩ dữ lắm. Một lúc ổng nói.

- Không được đâu à! Tao rất thương mày nhưng nhà tao ở sát nhà hàng xóm, sợ không giữ được thì hại cho mày, hại cho cách mạng. Mày tính phải vào ấp chiến lược mới xây dựng được cơ sở và hướng dần đồng bào đấu tranh được, chớ ở ngoài này thì làm gì? Tao cố giải thích cho ông Bảy. ổng ngồi làm thinh, cuối cùng ổng nói:

- Thôi bây giờ thế này! Mày cứ ở đây! Hàng ngày tao đem cơm nước cho mày. Mày cần biết gì trong ấp tao sẽ dò hỏi kỹ.

Thấy không thể thuyết phục ông Bảy được, tao tạm gác lại, hẹn hôm sau nói chuyện thêm. Ổng trở ra đồng cuốc rẫy một lúc rồi về ấp chiến lược.

Hôm sau, đúng hẹn, ông Bảy trở ra, mang cơm nước cho tao, tao và ổng đang nói chuyện thì nghe ngoài đám mua có tiếng sột sạt. Tao đứng lên quan sát. Tao vừa nhìn thấy bọn biệt kích thì ở ngay bên cạnh có tiếng la lớn:

- Việt cộng! Bắt lấy nó.

Tao luồn trong đám mua chạy. Chúng bắn theo một loạt M16 ông Bảy trúng đạn chết. Loạt đạn cắt đứt vạt áo sau của tao, nhưng không có viên nào vào người. Tao thương ông Bảy quá.

Tiếng Tài bỗng nghẹn lại. Anh rơm rớm nước mắt, ngồi im, dằn xúc động một lúc rồi nói tiếp.

Mình chưa làm gì được cho đồng bào mà bà con đã vì mình mà hy sinh rồi. Điều đó gây cho tao một nỗi đau lòng không nguôi dược. Địa hình cũ tao bọn biệt kích chưa phát hiện được nhưng tao dời đi nơi khác. Tao cũng lại ngồi chờ ở ngoài đồng.


Suốt một tuần lễ sau không có ai ra đồng hết mày à! Tao nghĩ chắc có lẽ mình phải xoay cách khác. Hay là cứ vào ấp chiến lược. Nhưng không móc được người thì làm sao vào? Tao đành ngồi chờ. Tao tự khẳng định với mình: Thế nào cũng có người đi làm rẫy, mình phải ở đây chờ.


Mấy hôm sau bắt đầu có người ra đồng. Họ đi ít và làm rẫy ở xa chớ không dám đến gần chỗ đám mua. Nhưng không biết tại sao ngày nào cũng có một người phụ nữ đi qua đi lại chỗ ông Bảy chết. Tao thoáng có một ý nghĩ: "Hay là con Liên, con ông Bảy? Con Liến là đoàn viên cũ. Nếu đúng là nó thì mình có thể bắt mối được" Tao mừng quá. Ngay hôm sau tao trở lại đia hình cũ. Xế chiều thì người phụ nữ đó đến. Đúng là con Liên rồi! Tao ra rìa đám mua kêu:

- Liên!

Cô gái nhìn lên

- Có phải anh ba Tài không?

- Anh đây!

Liên bỏ cuốc xuống chạy nhanh đến chỗ tao. Chưa nói gì nó đã khóc mùi, một lúc, hết khóc nó nói:

- Tụi biệt kích không biết có anh ở đây? Hôm đó về thằng trung sĩ đến gặp em nói:

- Tụi tao tưởng lầm ông già bay là Việt Cộng nên đã bắn chết ở ngoài đám mua rồi. Ra lấy xác về chôn. Bữa sau cấm không được léo hánh đến đó nữa nghe.

Bà con trong ấp ra lấy xác Ba, khiêng lên thị trấn, bắt thằng quận trường bồi thường...

Liên lại khóc một lúc nói

- Bữa đó ba em về có nói lại, em tức ba em ghê lắm. Em cằn nhằn ổng! "Tại sao Ba không đưa anh ba về đây? Ba bị thằng địch làm mất tinh thần rồi!..." ổng nói: Tết tao mới sợ mấy cái thằng chó đẻ đó. Nhưng phải chờ xem đã , xem, xem cái gì?...

Liên lau sạch nước mắt.

- À! Để em lấy cơm anh ăn nghe! Cơm thịt gà kho! Ngày nào Má cũng gói cơm và thịt gà biểu em đì kiếm anh đó.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:12:35 pm »

- Không nên ra, người ta thấy.

Liên nói:

- Em đã bàn kỹ với Má rồi, phải đưa anh về nhà! em kiếm anh mấy ngày rồi mà không gặp.

Liên hẹn chờ với tao rồi ra về. Tối hôm đó tao vào ấp chiến lược, xây dựng chỗ ở. Liên trở thành cơ sở đầu tiên của xã và là người đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa bà con trở về.

- Liên là đứa nào, tao không nhớ rõ. Tôi hỏi:

Tài cười lớn:

Ô, con bé đưa tao đi lúc nãy đó, mày không nhớ sao?

… Ờ hồi mày ở nhà nó còn nhỏ. Hiện nay nó là cán bộ xã đó.


Mặt trời đã xuống dưới ngọn bần bên kia Rạch cùng. Ánh nắng trải dài trên mặt sông Cái Bát, gợn sóng lăn tăn. Có xuồng tới, Tài vào chòi lấy gói trầu rồi cùng tôi xuống xuồng. Tôi đi sông Cái Bát, còn Tài thì đi luôn xuống ấp Bình An. Đến bờ sông bên kia chúng tôi xiết chặt tay tạm biệt nhau, xuồng rồ máy, tách bến ra đi. Tôi đứng nhìn theo Tài lòng tràn ngập một niềm mến thương vô hạn. Tôi suy nghĩ miên man cái gì là yếu tố kết thành sự nỗ lực và quyết tâm sắt đá của con người trong đấu tranh cách mạng? Nguyên nhân nào đưa đến sự biến đổi tình thế mà trước đó tưởng chừng như không thể biến đổi được?.... xuồng máy khuất dần sau doi sông. Hai làn sóng ở sau xuồng tản rộng ra và lặn mất trong bóng dừa nước ở đôi bờ xa.

Tháng 8 năm 1970
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:14:08 pm »

ÁNH SAO BĂNG

Trần Như


Bước lên lộ đá, bác Hai Hòa đứng lặng nhìn cánh đồng lúa chạy dài trước mặt, những ruộng lúa chín vàng rụi xuống, phơi mình dưới ánh nắng chiều trở màu vàng nhạt, như muốn lẫn lộn với màu vàng úa của vườn cây lá bị chất độc khai hoang. Những thân dừa trơ trụi vượt lên, đứng sừng sững giữa khoảng trời hồng như những cột nhà cháy đen, còn lại trên nền đầy than đỏ. Như có một mãnh lực gì thu hút làm cho bác còn do dự, chưa muốn bước chân đi, bác vẫn nhìn về phía đó... bỗng lòng bác thấy bồi hồi xúc động nhớ đến cảnh tiêu tan của thôn xóm hôm nào... Cái ngày mà bọn dưới quận kêu máy bay Mỹ đến dội bom, đốt phá ấp Hòa Bình này, cũng để lại trên nền nhà cũ những cây cột khẳng khiu cháy nham nhở như những thân cây dừa kìa. Sau đó chúng còn đưa cả một tiểu đoàn lính đầu cọp từ trên tỉnh về càn quét, bắt người chở đi bắn chết, bắt xâu để dựng lên cái trụ sở của ban hội đống ấp này, giờ nó lại bắt cả bà con và bác phải đến đó. Nhiều đêm không ngủ được, bác trăn trở nghĩ đến chuyện bắt xâu, bắt gác, chuyện trong nhà ngoài cửa. Bác đã năm mươi tuổi đầu còn bị thúc ép phải bỏ cả việc nhà để đi lo chuyện họp bàn canh gác, thì còn trách gì chuyện lúa thóc ngoài đồng sao bà con không lo gặt hái đem về - Ngày xuân ngày tết đến nơi mà lư hương, bàn thờ ông bà cũng chưa lau chùi, quét dọn được... nghĩ đến đây, bác Hai Hòa chau mày lại rồi lặng lẽ bước đi, bao nỗi uất ức cứ muốn trào lên, như muốn trói chân bác lại cho đến lúc tới bên hàng rào ngoài cửa trụ sở, bác mới thấy như bàng hoàng, cổ họng bác như muốn nghẹn lại, chân bước chậm, bác tằng hắng lên một tiếng lớn như cố nén đi nỗi căm hờn, xót xa rồi tiếp tục đi tới...

Trước sân của trụ sở, đôi ba người cũng trạc tuổi bác đang ngồi chụm lại ở một góc giữa sân, ngay chỗ cột cờ, một tốp thiếu niên đang đứng xếp vòng quanh chiếc xe gắn máy hông đa cạnh đó, chủ ấp Mẹo đang lên tay lên chân, miệng la bai bải:

- Tụi bay vặn phá lung tung, hư xe làm sao? Nhè đưa cả bàn tay mồ hôi không mà in vào bình xăng, thì nó làm mẹ hết nước sơn còn gì?

Rồi không hiểu sao hắn lại xuống giọng nói dịu lại.

- Tụi bây muốn biết thì tao thử cho coi.

Nói rồi hắn vẹt đám thiếu niên bước vào lấy chìa khoá trong túi ra mở công tắc, van khoá xăng. Hắn đạp mạnh một cái, tay hắn xoay xoay cái tay ga cho máy rú lên từng hồi rồi hắn cho máy nổ chậm mặt hất hàm về phía đám thiếu niên, nói khoát lác:

- Coi hơi cũ, chớ xe ở hãng mới kéo ra tao không đổi à. Tao đã chạy thử với tụi nó rồi, đây tới quận tao phóng chưa đầy nửa tiếng đã tới nơi ...

Nói đến đây hắn vụt cho xe rú lên như đang lao nhanh đến đích. Hắn tắt máy vỗ vào vai thiếu niên đứng bên nói:

- Cỡ mày mà ngồi lên chiếc xe này thì coi mới thật là yêng hùng. Con gái ở chợ thấy cũng muốn chạy theo.
Hắn cười khoái trá lúc mở mắt không thấy ai cười theo, hắn nghiêm giọng.

- Nói vậy chớ thời buổi này, tuổi tụi bay muốn làm ra tiền mua cho được chiếc xe này thì thật là khó. Nhưng tao đã có cách giúp tụi bay, chỉ cần tụi bay canh phòng cho cẩn mật, ráng bắt cho được một tên cán bộ Việt cộng chính cống mò vô ấp mình thì tao sẽ trình lên ông quận trường cấp cho liền tụi bay một chiếc xe mới, nếu thằng nào ham quá không chờ đem về, chừng đó bay lấy chiếc hông đa của tao đây cũng được.

Chủ ấp Mẹo định nói thêm gì nữa, nhưng khi nghe tiếng tằng hắng quen thuộc của bác Hai Hòa, hắn nhìn ra cửa rồi xua tay đẩy đám thanh niên qua một bên nói:

- Thôi, tụi bay xê ra cho tao đẩy xe vô, còn phải gặp bác Hai có chút việc.

Dựng xe vào cuối phòng, chủ ấp Mẹo quảy quả trở ra mời lăng xăng.

- Bác vô ngồi nghỉ trong này, cháu định dện gặp bác, nhưng công việc bề bộn quá...

Bác Hai vừa ngồi xuống ghế thì chủ ấp Mẹo nhìn xuống nhà sau kêu lên:

- Ở dưới có đứa nào bưng nước ra cho bác Hai coi bay.

Bác Hai từ chối:

- Thôi, nước nôi gì, tao mới uống đằng nhà. Chủ ấp Mẹo ngồi xuống ghế đối diện, nói nghiêm nghị:

- Cháu ở ngoài quận mới nghe tụi nó nói là bác đã nhận lời mời của cháu đi vô đây gác bốn năm ngày nay, cháu nghe cũng mừng! Bác mà vô phòng vệ dân sự rồi thì chắc bà con mình đây sẽ còn đi đông nữa. Cháu biết bà con ở đây tin nơi bác, việc gì bác làm bà con cũng làm theo.

Chủ ấp Mẹo ngừng nói, nhưng bác Hai Hòa vẫn ngồi im thỉnh thoảng bác lại tằng hắng rồi lấy thuốc vấn hút, chủ ấp Mẹo chờ đợi giây lâu thấy bác vẫn không nói gì, vội nói tiếp:

- Sắp đến đây ông quận trưởng lại vô thăm ấp mình bữa đó bà con đây sẽ tổ chức mít tinh chào mừng, để nghe lời khuyến dụ của ông quận trưởng và bà con cũng phải có người đại diện ra đọc đáp từ, cảm tạ lòng ưu ái của chính quyền. Việc đó, cháu thấy ở đây chỉ có bác nới đủ tư cách làm nên cháu định nói với bác và nhờ bác giúp dúm.

Thấy bác Hai vẫn trầm ngâm, chủ ấp Mẹo sốt ruột hỏi:

- Hay bác thấy có gì trở ngại?

Bác Hai bỏ mẩu thuốc xuống gầm bàn, trả lời từng tiếng:

- Việc gì chớ cái ngữ đó hồi nào tới giờ tao có biết gì đâu.

Chủ ấp Mẹo mừng rỡ nói vội:

- Không, không, bài đáp từ đó bác không phải lo chỉ yêu cầu bác nhận đứng ra đọc lên thôi thì bà con ở đây yên lòng mới hăng hái ra gánh vác việc thung, thiệt tình, từ lúc hay tin bác nhận lời mời đi canh gác cháu đã mừng, nhưng được gặp bác ở đây cháu còn mừng hơn nữa. Chớ lỡ ra có bề gì, cảnh sát sẽ làm bậy làm bạ với bác và bà con ở đây thì lúc đó cháu có hay biết thì chuyện cũng đã rồi... Nghe đến đây, bác Hai Hòa thấy hai vành tai mình nóng rần lên, nỗi uất ức căm hờn từ lâu như bùng cháy. Bác muốn đứng phắt dậy nói thắng vào mặt chủ ấp Mẹo. Nhưng bác đã kịp nén lòng vì bác biết làm như thế không lợi và cũng vì vậy mà bác phải đến đây, bác lại chạy ra tằng hắng, vừa lúc ấy, bác nhận ra người liên đội trưởng phòng vệ dân sự từ ngoài cổng đi vô, được dịp, bác vừa đứng dậy vừa nói với chủ ấp Mẹo:

- Thôi việc đó bây để nán lại coi, giờ để tao ra gặp thằng Bằng coi việc gác sách đêm nay ra sao đây.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:15:29 pm »

Thấy bác Hai Hòa đi xăm xăm về phía mình. Bằng đi chậm lại ở chỗ không người, có ý chờ đợi, bác Hai bước với nói:

- Tao chờ mày tự nãy giờ, đem nay mày định cho bác cháu tao canh gác ở đâu nữa đây? Không lẽ cứ ra cái gò mả đó hoài vậy sao?

Bằng xoa xoa hai bàn tay vào nhau như đang tìm câu trả lời, một lúc sau mới nói:

- Dạ, cháu định nói lại với bác điều đó, nhưng ngặt ở chỗ đông người cháu chưa nói hết được với bác, cháu biết phía cầu sắt đó quan trọng và nguy hiểm, tụi nhỏ còn dại khờ chưa biết gì. Có bác ở bên chỉ vẽ thêm, cháu thấy đỡ lo...

Bác Hai hơi chau mày suy nghĩ. Nhưng bác muốn giấu Bằng, liền nói giả lả:

- Bác hỏi vậy thôi chứ gác ở đâu không là gác, giờ thì bác cháu tao đi đây.

Bốn bác cháu ra đến đường đi, trăng lưỡi liềm đã chếch ngang đầu, bác Hai lầm lùi đi sau. Bác suy nghĩ về lời nói ban nãy của Bằng. Tại sao nó nói phía này là quan trọng, là nguy hiểm, quan trong là quan trong làm sao, và nguy hiểm thì nguy hiểm chỗ nào? Nói là nguy hiểm mà lai đưa bác đến gác là có ý sao đây? Hay là chủ ấp Mẹo bày mưu kế gì cho nó đây? Đối với ai thì bác chưa dám chắc, chớ đối với Bằng thì bác vẫn tin lòng từ thuở nhỏ lớn lên ở ấp này, bác còn lạ gì tâm tính của Bằng, đi đầu trên xóm dưới bác chưa nghe nói nó làm mích lòng ai, mà bà con ở đây ai cũng thương mến nó. Thương hơn nữa vì ba má nó không có ở nhà, thuở Bằng mới lên hai, cha nó là Hai Trung theo kháng chiến, đi bộ đội tỉnh, có khi hằng năm cha nó mới ghé về nhà mấy ngày vậy mà Hai Trung cũng đến thăm bác, nhờ bác nhòm ngó dúm vợ con anh. Sau mẹ Bằng sinh con Nghĩa được mấy tháng thì Hai Trung theo bộ đội đi tập kết. Ba mẹ con sống như vậy cho đến ngày nay. Từ ngày có cái ban hội đồng ấp này, chính bác cũng không hiểu sao Bằng lại ra nhận làm liên toán trưởng phòng vệ dân sự, không kể gì đến lời can ngăn của cô bác, nhiều người nói bác khuyên Bằng, nhưng rồi cũng không có dịp nào. Bác vẫn không nôn nóng vì bác vẫn tin tường là một đứa con hiếu thảo với bà con như vậy không lẽ một sớm một chiều nó lại thay tâm đổi tính, nhưng giờ đây, có thể là Bằng đang bị chủ ấp Mẹo o ép hăm doạ gì thôi... Bác còn đang băn khoăn thì thằng Nghiệp, thằng lớn nhứt trong toán, hỏi vọng lại:

- Mình cũng lại đằng Mả đá lớn hở bác Hai?

Bác chưa kịp đáp thì hai đứa kia nhao nhao lên:

- Ngồi đó chứ dại gì vô lùm vô bụi cho cực.

Bốn bác cháu lại ngồi trên nền đá. Thằng Hớn mon men lại gần bác. Nó đã 14 tuổi mà đẹt ngắt bằng con người ta 11,12 tuổi. Nó ngồi nhìn quanh quẩn rồi thỏ thẻ hỏi bác:

- Mình ngồi đây thấy người ta tới nơi mình làm sao bác?

Bác Hai xoa đầu nó cười nói:

- Thì mình cứ giơ súng lên trời bắn đại mấy phát rồi về nhà ngủ.

Thằng Hớn lại hỏi tiếp giọng nó xui xị:

- Nhưng cháu với bác đâu có súng mà bắn.

- Ừ! Thì có súng của anh Nghiệp, anh Hải đây cũng đủ rồi. Bác vừa trả lời vừa nắm chặt tay nó, nói như dỗ dành: súng ống mà làm gì cho cực hở cháu, thời chống Pháp, súng hiếm lắm, thấy người ta có súng, có boa nha, tao với bác ba thằng Nghiệp đây cũng ham. Tụi tao mới lên nhờ bác Sáu lò rèn đây rèn cho hai cái phảng, không phải như kiểu phảng co của mình đâu. Hình thù nó ít quớt hơn, nhưng bén ngọt, bữa đó tụi tao xin theo bộ đội đánh trận, hôm đó, bác ba thằng Nghiệp đánh xe ngựa đưa bạn hàng đi bán chợ đầu năm, đến sáng ra, anh bỗng thấy lính tráng đi ăn uống đầy chợ, tụi nó nói với nhau là đi vô hòa bình. Bác Ba bay hoảng hồn đánh xe một mạch về cho bộ đội hay. Tao với bác Ba thằng Nghiệp vác phảng xin đi phục kích. Tháng đó lúc gặt hết, tụi tao mới chui xuống mấy đống rơm dọc lộ cầu sắc mình đây nằm chờ. Gần trưa tụi nó mới lên. Đi đầu là xe nồi đồng, kế đó là 10 xe lính toàn là xe 10 bánh. Tụi nó không hay biết gì cứ hùng hùng hổ hổ kéo đầu vô. Khi chiếc xe nồi đồng trúng trái địa lôi nằm bẹp xuống, thì chiếc xe 10 bánh đi sau cùng cũng bị mình giật mìn lật ngang, súng máy, súng trường của mình bắn vãi đoàn xe như mưa, dứt tiếng súng tụi tao tốc đống rơm nhảy lên, lính chết rục trên xe, có thằng nằm vắt ngang thành. Mấy thằng nhảy xuống đất bị tụi tao phạt luôn cho một phảng không kịp trở tay, tao mới xông lên chở xác chết, tao gặp ngay một khẩu súng ngắn, gần một xác chết nằm ngửa. Tao cúi xuống lấy thì bất giác thấy khuôn mặt sao giống cả Mới, cha của chủ ấp Mẹo. Tao còn đứng nhìn kỹ lại thì bác Ba thằng Nghiệp ở đâu vác một cây súng chạy tới. Thấy mặt cả Mới, bác Ba bay nhận ra ngay, liền chĩa luôn họng súng vào mang tai nó bóp cò. Nhưng súng lại không nổ. Tao với bác Ba loay hoay mở tháo cho tới khi bộ đội ra lệnh rút, về mà tháo vẫn không được, nên chỉ còn có nước vác nó chạy theo...

Bác Hai ngừng lại, trầm ngâm giây lâu, rồi mới kể tiếp:

- Cả Mới chết là chuyện cũng đã rồi, nhưng sẵn nói luôn cho nó có đầu có đuôi, cả Mới hồi thời Pháp làm Hương cả làng này. Sau Việt minh nổi dậy cướp chính quyền, có mời cả Mới đến nói về việc trả lại số ruộng vườn mà cả Mới trước đây dùng quyền hành cướp đoạt của bà con. Nhưng cả Mới không nghe đưa cả gia đình trốn lên tỉnh ở. Sau đó cả Mới định đưa lính Tây về đòi lại ruộng đất, thu lúa ruộng và chết trong trận đó.
Cả Mới chết vì đi theo Tây, nhưng chủ ấp Mẹo nói bà con mình giết cha nó để đoạt ruộng. Không rõ nó có hay biết về vụ bác Ba thằng Nghiệp hay không mà về đây là nó bắt liền bác Ba bay đưa lên tỉnh rồi sau đày luôn ra Côn Đảo. Sau đó nó còn sai lính đi bắt chú Năm Tiến, bác bảy Hưng. Chủ ấp Mẹo còn bắn chết bác Tư Còn, bác Hai Lợi ở ngoài xóm, vì nó nghi hai anh tố cáo cha nó với Việt Minh.

Thằng Hải ngồi há hốc miệng ra nghe kể, đến đây nó bỗng kêu lên:

- Hèn gì cháu nhìn thấy mắt chủ ấp Mẹo đỏ ngầu.

Thằng Nghiệp thúc-vào hông nó một cái, nói giọng cằn nhằn:
- Mầy để bác Hai nói tiếp nghe.

Bác Hai đứng dậy, phủi phủi đít quần, nói:

- Tao kể chuyện đầu hôm tới giờ khô giọng. Bây giờ để tao vô bác Sáu kiếm miếng nước uống đã. Để hôm khác rồi tao kể tiếp cho nghe.

Bác Hai vừa bước đi thì nghe thằng Hải khua súng lách cách. Bác quay lại dặn dò:

- Bây coi chừng súng nổ đó. Ngồi đó có gì tao ra không bắn bậy bạ lầm bà con mình. Còn lỡ gặp líh đồn hay cảnh sát thì nó bắn lại chết hết đó.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:16:30 pm »

Thấy bác Hai Hòa bước vô nhà, bác Sáu lò rèn kêu lên:

- Tôi lại tưởng anh không gác, đêm nay thì gặp khó. Anh ngồi xuống ván để tôi lấy nước ra uống.
Bác Hai ngồi xuống đầu ván, nói chậm rãi:

- Nếu đã gác phía khác, thì tôi lại đây cho anh hay từ chiều. Nhưng nó lại nói nó muốn cho tôi gác ở phía này mới làm cho tôi khó nghĩ. Không hiểu thằng Bằng nó có ý gì hay không?

Bác Sáu đặt cái tách nước trước mặt bác Hai vừa róc nước vừa nói:

- Mình tin thằng Bằng nó còn nhớ tới cha nó thì chắc nó còn biết đến bà con ở đây. Bác nhìn ra cửa, cúi xuống nói tiếp: Thằng Chín Kiên nó tán đồng ý anh lắm. Hồi chiều, nghe tiếng xe của chủ ấp Mẹo vọng lại, tôi tưởng là nó lại về quận. Tôi chờ không thấy nó ra. Tôi cho sắp nhỏ đi báo thằng Chín. Nó trả lời: Sau trăng lặn một chút. Thằng Chín còn nói tình hình ở khắp nơi đồng bào mình đã làm tới rồi, mình phải làm thôi. Tôi nghĩ cũng phải anh à! Mấy ngày nay, ngày nào thượng sĩ Ba cũng ra đây chơi với vài thằng lính. Tụi nó nói với tui nhờ nói lại với bà con mình là: thằng chủ ấp Mẹo với tụi cảnh sát làm hung dữ với bà con, tụi nó không biết. Còn anh em tụi nó bị đưa đến đóng bót này thì tụi nó chỉ biết coi bót đó không có gây oán thù gì với bà con mình. Bà con mình muốn làm gì, tụi nó giúp được thì tụi nó giúp, còn không thì ở đó thôi. Thượng sĩ Ba hổm rày cũng rút lính gác cầu về. Tôi thấy đã đến lúc rồi đó anh..."

Bác Hai Hòa bưng tách nước uống vội rồi đứng dậy:

- Có vậy thì để tôi về. Đi lâu không tiện! Còn việc đó anh để tôi lo. Có gì tôi ra hiệu cho anh đằng nầy... thôi, tôi đi nghẹn anh Sáu.

Bác Hai cảm thấy lòng hồ hởi, chân bác như lướt trên mặt đất. Về tới nơi, thằng Hớn thấy bác, nét mặt nó vui lên, nó nói như trách móc:

- Bác đi rồi cháu sợ quá! Mấy anh không nói chuyện gì làm cháu im luôn.

Bác Hai rờ đầu nó rồi ngồi cạnh đó lấy thuốc vấn hút. Bác hết nhìn ra lộ lại nhìn lên trời. Bác mong cho trăng mau lặn. Nhưng hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác bác vẫn thấy trời lâu tối quá.

Thằng Nghiệp ở bên ngoài lấy tay đập muỗi giọng càu nhàu:

- Phục kích cái gì mà đêm nào cũng ra nằm bờ nằm mả hoài!

Được dịp bác Hai mới lên tiếng. Bác vừa khuyên nhủ, vừa nói giả lả cho thời gian qua mau. Bác nói:

- Mình là dân như cá nằm trên thớt. Còn chủ ấp Mẹo, cảnh sát với mấy đứa kia nó có biết nghĩ gì về cảnh ăn nằm ngủ dựa của bà con, bác cháu mình đâu. Nhưng có phải mình chịu gồng lưng gánh hoài vậy sao? Rồi cũng có ngày chớ... cầm phảng mà còn dám xông lên xe nồi đồng thì giờ này đâu có chịu bó tay... ai chịu ngồi ở đó chờ! lúc nào nghe súng nổ thì mình cứ bắn đại mấy phát rồi về nghỉ. Sáng ra lấy cớ đó mà trả súng lại chúng, nghỉ việc gác xách nầy.

Thằng Nghiệp nghe nói vậy, khoan khoái nói luôn:

- Súng nổ thì cháu làm liền.

Vừa lúc đó thì từng loạt đạn nổ vang ngay giữa xóm. Rồi từng loạt khác tiếp theo. Lòng bác Hai rộn lên. Bác định kêu thằng Nghiệp, nhưng nó đã đưa súng lên trời bắn luôn mấy phát, miệng nó kêu lên:

- Mình rút về nghẹn bác Hai?

- Ừ! Đứa nào về nhà nấy, đừng đi đâu (bác vừa nói vừa gọi) cả thằng Hải, thằng Hớn cũng vậy đó.

Bốn bác cháu ra khỏi mả đá, vừa đi vừa chạy. Bỗng một vùng lửa đỏ rực lên sáng cả góc vườn. Thằng Nghiệp kêu lên hớt hải:

- Cháy nhà trụ sở rồi!

Tiếp theo là từng loạt đạn lửa từ đồn trên bót dưới bắn tua tủa đan nhau trên trời. Thằng Hớn dừng lại, ngửa mặt nhìn, vụt reo lên:

- A! Giống sao xẹt đã quá!

Bác Hai Hòa cũng dừng lại. Bác lẩm bẩm như để nói với bác: "Sao đã đổi hướng, nhưng chưa sáng lắm". Dường như bác còn đang chờ đợi những ngôi sao sáng hơn, nhưng tiếng thằng Nghiệp vọng lại:

- Mai tụi cháu ở nhà luôn nghen bác Hai!

Bác Hai Hòa mỉm cười rồi lững thững bước đi. Bác nghe lòng rộn rã, khớp khởi như cái ngày bác xông lên xác giặc, cướp súng ngoài lộ cầu sắt ngày mùng 3 tết năm nào. Đến đầu xóm, bác nghe tiếng nói chuyện rì rầm vang lên. Dường như nhà nào cũng đã thức dậy. Nghe tiếng chân bác đi vô, một người trong nhà hỏi vọng ra:
 
- Ai như anh Hai có phải không?

- Dạ, tôi đây.

Bóng đen từ trong nhà bước ra đến gần bác Hai, nói thì thầm:

- Lúc mấy ảnh nổ súng vào trụ sở tuần tra, thằng Bằng cũng có mặt ở đó. Nó bắn luôn vô tiểu đội cảnh sát, diệt luôn tụi này. Sau đó tụi nó giao súng hết cho các anh.

Bác Hai không dấu được sự mừng rỡ, kêu lên:

- Vậy hả anh?

- Nhưng tụi thằng Bằng nó nói là tụi nó bị tước súng.

- Vậy thì cũng hay (bác Hai vừa đoán vừa gật gù, rồi bác nói luôn) cũng mừng cho ấp mình. Thôi để tôi về cho sớm nghen anh.

Bác Hai Hòa bước đi mà lòng như mở cờ: bao nỗi ưu tư, uất ức trong lòng bác bỗng tan biến từ lúc nào. Bác thấy như trên vòm trời ấp Hòa Bình đang rực lên một vùng ánh sáng, thứ ánh sáng mà bác đã ước mơ từ sau khi trên trời sao đã đổi hướng. Bác về đến đầu ngõ thì trời sáng hẳn, những tia sáng ban mai rọi xuống đồng lúa một màu rừng rực rỡ. Và bác nghe trong xóm vang lên tiếng bà con í ới gọi nhau ra đồng.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:17:57 pm »

Câu chuyện truyền thanh

GIA ĐÌNH ÔNG TƯ


Nguyễn Hồng Trang


Các vai:
- Ông Tư
- Bà Tư
- Em Đào - (con ông Tư)

Ông Tư: Bà ơi! Bà nó ở nhà không?

Bà Tư: Ông đi họp về rồi đó hả ông?

Ông Tư: Bà mần việc gì đó hả bà?

Bà Tư: Tui sàng lại mớ lúa giống để đem đi nộp vào quỹ cứu trợ bà con ấp chiến lược về, để người ta còn kịp làm mùa!

Ông Tư: Ha... ha… (cười vui), coi bộ bà tích cực dữ há!

Bà Tư: Ừ, ông này cứ nói móc nói ngoéo tui hoài. Cách mạng kêu gọi thì mình phản tích cực hường ứng chớ sao!

Ông Tư: Ờ, thì tui nói thiệt tình chứ móc ngoéo gì bà đâu?

Bà Tư: Đứng về tình nghĩa mà nói, bà con người ta mới về, ngoài mấy bộ quần áo ra thì còn có gì nữa đâu. Một nắm khi đói bằng một gói khi no mà.

Ông Tư: Tui nói vui với bà vậy thôi chớ tui cũng biết, việc giúp đỡ bà con người ta mới về là nghĩa vụ của mỗi gia đình trong vùng giải phóng đó.

Bà Tư: Thì tui nói vậy chớ có bắt lỗi bắt phải gì ông đâu.

Ông Tư: Ờ, ờ tui cũng muốn bàn thêm với bà mấy chuyện cần thiết nữa để mình đi tới chỗ đồng lòng với nhau.
Bà Tư: Ông muốn bàn thêm với tôi chuyện gì thì ông nói tui nghe coi?

Ông Tư: Trong cuộc họp hồi sáng nay, chú Năm Tài đại diện Uỷ ban xã cho biết là bà con mới về còn thiếu thốn nhiều thứ lắm đó.

Bà Tư: Điều đó tui hiểu rồi, cho nên tuỳ khả năng của từng gia đình mà giúp đỡ...

Ông Tư: Phải, bà nói rất đúng với ý tui, tuỳ khả năng từng gia đình mà giúp đỡ. Ruộng đất thì có ủy ban lo rồi nè, các gia đình giúp giống, cày bừa, trâu bò, để bà con có thể bắt tay ngay vào việc làm mùa.

Bà Tư: Việc làm mùa như vậy là tạm ổn rồi đó...

Ông Tư: Nhưng mà về ăn ở thì bà con còn thiếu thốn nhiều lắm, như.: cây, lá cất nhà, giường, chiếu, lu khạp, xoong, nồi, dầu đèn...mọi thứ đều cần thiết. Vì vậy mà tui định bàn thêm với bà một việc nữa đó.

Bà Tư: Vậy thì theo ông, ông định giúp thêm những gì nữa nè?

Ông Tư: Mình chỉ giúp một táo lúa giống còn ít quá. Nhà mình không có cây gỗ nhưng mình có lá. Bà coi, hay là ta giúp thêm vài trăm đôi gì đó để bà con còn che tạm cái nhà để đỡ mưa đỡ nắng.

Bà Tư: Ông nói phải đó, nhưng....nhà mình còn...

Ông Tư: Nhà mình cũng vừa lợp năm ngoái. Còn chuồng heo thì dột chút ít không sao.

Bà Tư: Phải, tui tán thành với ý của ông đó!

Ông Tư: Bà con khổ cũng như mình khổ vậy. Năm kia gia đình mình bỏ ấp chiến lược về không có cái gì Mình được bà con và chánh quyền cách mạng giúp đỡ, hôm nay mới được như thế này. Ông bà mình thường nói "Tình ruột thịt, nghĩa đồng bào". Tui thấm thía lời dạy đó lắm bà ạ!

Bà Tư: Ờ! ông nói bao giờ cũng đúng!

Ông Tư: Đó, đó ... bà lại ... lại ... nói móc tui rồi (cười vui).

Bà Tư: Tui khen ông thiệt, chớ móc gì ông đâu chớ! cái ông này.

Ông Tư: Hề... hề... thôi bà không móc tui thì thôi. Như vậy là tui với bà lại đồng lòng thêm một việc nữa rồi nghẹn.

Bà Tư: Nhưng ông nè, tui vẫn thấy mình giúp đỡ vẫn còn…

Ông Tư: Vẫn còn sao hả bà?

Bà Tư: Tui nghe đâu bà Tám Chân, chú năm Thứ, cô Ba Huệ người ta còn giúp cả gà, heo con, vịt để bà con gây giống chăn nuôi. Nhà mình còn mấy con ông thấy mình có thể giúp một đôi không?

Ông Tư: (Suy nghĩ và nói chầm chậm) còn hai đôi, tôi cũng định để gây giống.

Bà Tư: Vậy bây giờ ông nghĩ sao nè?

Ông Tư: Bà nè, hay là mình bắt đôi gà của con Đào, đôi gà này cũng sắp sửa nhảy ổ rồi đó.

Bà Tư: ông cho nó nuôi, bây giờ ông muốn bắt thì phải hỏi nó.

Ông Tư: Thì tui với bà đồng lòng trước, tui tin con nó cũng nhất trí luôn vậy hà!

Bà Tư: Thì tui có nói khác gì ông đâu, ông để nó về rồi hỏi nó.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2009, 02:19:16 pm »

Đào: (ở xa đi dần tới, vừa đi vừa hát)
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ
Em âu yếm hôn đôi má Bác...

Bà Tư: Kìa, nó về rồi đó, ông ra mà hỏi nó, tui đi phơi lúa cái đã.

Ông Tư: Đào, con về đó hả?

Đào: Dạ, con mới về tía ạ!

Ông Tư: Hôm nay có chuyện gì vui đó con? Chà chắc là được cô giáo cho 10 điểm rồi đó.

Đào: Hôm nay cô giáo không lên lớp tía ạ!

Ông Tư: Sao không lên lớp?

Đào: Hôm nay trường con liên hoan đón các bạn mới ở Vàm Xàng về đây học.

Ông Tư: Vậy các cháu nó về có đông không?

Đào: Đông lắm tía ạ, cô giáo nói sẽ cất thêm lớp mới đủ học, cô giáo còn phân công mỗi em giúp dỡ một bạn mới.

Ông Tư: Vậy con có nhận giúp đỡ ai không?

Đào: Có chớ tía, con nhận giúp đỡ bạn ánh, con của dì Năm Khoa. Bạn ánh chưa có một quyển vở nào hết. Con định lấy quyển vở của con tặng lại bạn Ánh đó.

Ông Tư: Con làm như vậy là phải, giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn là điều nên làm, nhưng con cũng phải giúp đỡ bạn học tập nữa chớ. Ở vùng ông Thiệu thì chẳng học hành được gì đâu.

Đào: Con hẹn với bạn ấy là tối đến nhà mình ôn bài.

Ông Tư: Ừ, đưa bạn ấy về nhà ta có bàn ghế, dầu đèn, có gì tía giúp đỡ thêm.

Đào: Tía giúp đỡ nữa thì sướng quá… (cười thích thú).

Ông Tư: Đào nè, bây giờ tía muốn hỏi con một chuyện nữa.

Đào: Chuyện gì hả tía?

Ông Tư: Con cho tía mượn đôi gà đó nghen?

Đào: Tía lại bắt gà của con nhậu rượu nữa chớ gì! Kỳ này con hổng cho tía bắt gà của con đâu.
 
Ông Tư: Con cho tía mượn rồi lứa gà sau tía sẽ bù lại cho con.

Đào: Hổng đâu, gà của con tía cứ bắt nhậu rượu mãi thôi hà, Hiệp định Paris ký kết, tía mần gà uống rượu. Chú bảy Hưng lính dù bỏ ngũ về, tía mừng quá bắt gà nhậu rượu. Ký thông cáo chung tía cũng bắt gà của con nhậu rượu, bây giờ đón bà con ấp chiến lược trở về con chỉ con mấy đôi gà cưng tía cũng định bắt để nhậu, tía cứ nhậu hoài thì con làm sao có gà để cho nó đẻ. Hổng được đâu, tía hổng được bắt gà của con...

Ông Tư: Con bình tĩnh nghe tía nói nè. Vui mừng thì uống rượu chớ sao, hồi xưa nhà mình còn ở trong ấp chiến lược nghèo khổ tía đâu có tiền mà uống rượu. Bây giờ nhờ cách mạng mà mình làm ăn khấm khá, lâu lâu cũng nhậu một bữa cho vui chớ con. Nhưng mà kỳ này tía không bắt gà của con uống rượu đâu mà tía làm một việc khác kia.

Đào: Tía làm việc khác là việc gì, tía nói cho con nghe đi.

Ông Tư: Nhưng mà con có tán thành cho tía bắt đôi gà không?

Đào: Tía nói đi!

Ông Tư: Con biết đó bà con người ta bỏ khu gom dân, ấp chiến lược về sống trong vùng giải phóng ngày càng nhiều, xã mình nhiều bà con đã về rồi đó. Bà con về thiếu thốn nhiều thứ lắm, nên mình phải giúp đỡ bà con ổn định đời sống. Nên tía định bắt một đôi gà của con để góp phần giúp đỡ bà con gây giống chăn nuôi.

Đào: Trời ơi, vậy mà hồi nãy tía hổng nói thẳng luôn cho con biết. Con tưởng...

Ông Tư: (cười thích thú) Vậy lã cả nhà mình đều đồng tâm nhất trí hết mọi việc (cười hài lòng)

Bà Tư: (Bà Tư từ bên ngoài gọi vào nhà) Ông nó ơi, ông nó ơi, đến giờ rồi mà ông chưa chịu đi à? Bà con người ta đi hết rồi đó!

Ông Tư: Đi đâu hả bà?

Bà Tư: Ông quên rồi sao mà, đi giúp đỡ bà con cất nhà chớ, còn đi đâu nữa?

Ông Tư: À, à tui nhớ rồi, nhớ rồi, tui đi ngay đây. Bà ở nhà chuẩn bị các thứ để rồi còn mang đi cho sớm. Chiều nay tui giúp dựng nhà, sáng mai tui nhặt lá để phơi cho kịp nắng.

Bà Tư: Ông đi, chút tui cũng đi, chứ tui có ở nhà đâu!

Ông Tư: Bà đi đâu nữa?

Bà Tư: Ông này hỏi lạ thiệt, ông biết giúp đỡ bà con dựng nhà, tui không biết giúp bà con làm việc khác sao? Ông biểu con Đào chiều nó ở nhà mà làm.

Đào: Chiều nay con cũng không có ở nhà đâu, con đi với các bạn cất lớp học đó.

Ông Tư.: (vẻ mặt vui tươi, hồ hở) Như vậy chiều nay cả nhà mình đều đi giúp bà con. Thôi, ta đi đì, tối về làm tiếp.

Bà Tư: Đi thì đi, ông đợi tôi...

Đào: Con cũng đi...

Ông Tư: Thì cả nhà cùng đi, càng đông người mỗi người một tay, thì càng nhanh chóng có nhà cho bà con mình sớm có chỗ ở chớ sao, thôi ta đi đi, bà nó ơi!

Bà Tư: Mau lên đi con...

Đào: Dạ, con chạy theo tía má đây...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM