Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:37:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 9  (Đọc 109488 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:04:06 am »

Phân tích tình hình lúc đó, Nghị quyết về Đội tự vệ chỉ ra rằng: hễ cuộc cách mạng vận động ngày càng cao, thì kẻ thù lại khủng bố tiếng dữ dội. Để đương đầu với khủng bố trắng của địch, Đảng phải ra sức vận động, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng cho quần chúng, lấy lực lượng của mình mà đấu tranh, lấy sức mạnh đoàn kết của nhân dân mà chống khủng bố.

Trong quá trình đấu tranh, Đảng không tán thành ám sát cá nhân. Đảng phản đối chủ trương của các “đảng phái quốc gia” thực hành ám sát cá nhân kẻ thù để hộ vệ mình và cho rằng phương sách tiểu tư sản này đã không có kết quả tốt lại có hại cho đoàn thể cách mạng, cho quần chúng. Nghị quyết nêu rõ rằng, trong lúc “đối đầu với khủng bố trắng thì việc hậu vệ cho quần chúng hàng ngày cũng như trong các cuộc tranh đấu nổ ra là vấn đề cần thiết quan trọng. Bởi vậy, Đảng chủ trương tổ chức tự vệ của công nông.  Do làn sóng cách mạng mới đã tràn khắp Đông Dương, nên vấn đề tự vệ đội là “một vấn đề hiện tại cần phải giải quyết ngay” 1, hướng theo ánh sáng của kinh nghiệm cách mạng vận động trong toàn xứ và toàn thế giới.

Từ việc phân tích tình hình thực tiễn thời kỳ đó, Nghị quyết về Đội tự vệ xác định mục đích tổ chức Công Nông cách mạng tự vệ đội nhằm: ủng hộ quần chúng hàng ngày, ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu, ủng hộ các cơ quan   cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông. huấn luyện quân sự cho quần chúng cách mạng. chống quân thù giai cấp tấn công và làm/ cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi” 2 .

Nghị quyết giải thích công nông tự vệ đội là lực lượng vũ trang quần chúng cơ sở, khác với Đội du kích và Hồng quân. Hồng quân tức là quân chủ lực. Du kích đội không phải bao giờ muốn tổ chức thì tổ chức được ngay, còn Đội tự vệ thì trái lại, hễ có vận động cách mạng, thì dù yếu mấy cũng có thể tổ chức được. Tự vệ đội càng mạnh thì càng có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh, võ trang bạo động, Hồng quân.

Nghị quyết còn giải thích mối quan hệ giữa con người và vũ khí; nêu rõ nhân tố con người là quyết định, trang bị vũ khí cũng rất quan trọng.  Nếu nói rằng “tuyệt nhiên không cần binh khí” thì sai, phải có binh khí ít nhiều, càng nhiều càng tốt để thao luyện, để lúc cần thiết xung đột với quân thù có điều kiện thuận lợi bảo tồn tính mạng của quần chúng, giừ gìn cơ quan cách mạng, hộ vệ cuộc đấu tranh của nhân dân.

Nghị quyết về Đội tự vệ đề ra những nguyên tắc cơ bản xây dựng Đội tự vệ. Về chính trị, Nghị quyết xác định bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của Đội tự vệ.  Đây là một tổ chức có “tính chất bán quân sự” 3 của quần chúng lao động, chủ yếu là công nông, do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo.

Thành phần Đội tự vệ là những phần tử nhiệt thành, cương quyết, bao gồm gái và trai, không phân biệt dân tộc nào, từ 18 tuổi trở lên đều có thể được tham gia Đội Nghị quyết nhấn mạnh: Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân uỷ của Đảng Cộng sản. Phải giũ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong Tự vệ thường trực. Phải giữ vững tính chất cách mạng của Đội tự vệ.

Nghị quyết nêu rõ: “Từ Trung ương tới mỗi thành uỷ, tỉnh uỷ phải tổ chức ngay quân uỷ. Quân uỷ này một bộ phận thì lo quân đội vận động (địch vận), một bộ phận thì lo tổ chức và chỉ huy Đội tự vệ” 4.

Nghị quyết lưu ý rằng, các đảng bộ phải đem đảng viên và đoàn viên cương quyết nhất vào Tự vệ và các cấp bộ chỉ huy của Tự vệ, “nhưng như thế không phải là không cho những hội viên thường hăng hái dự cuộc chỉ huy Tự vệ”.

Nghị quyết xác định cơ chế lãnh đạo, chỉ huy: “Các đội trưởng và Đảng đại biểu phải hợp tác mà chỉ huy. Sự hành động hàng ngày thì phục tùng Đảng bộ tương đương. Sự hành động quân sự chung thì phục tùng thượng cấp Tự vệ và quân uỷ tương đương của Đảng. Đội trưởng và đại biểu Đảng có bất đồng ý kiến thì do Đảng uỷ tương đương hay do thượng cấp quân ủy giải quyết” 5

Nghị quyết đề ra nguyên tắc xây dựng kỷ luật và dân chủ nội bộ trong Đội tự vệ dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Về kỷ luật của Đội tự vệ, tuy “không phải là kỷ luật nhà binh, nhưng cũng nghiêm khắc”.  Không thoả hiệp với tính lười biếng và bất tuân mệnh lệnh cấp trên. Thực hiện dân chủ quân sự. Đội viên “có quyền và cần phải thảo luận rộng rãi những vấn đề thuộc về phương diện ủng hộ cách mạng vận động 6, nhưng lúc đã có quyết định hành động thì phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, giữ bí mật.



____________________
1. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945), Sđd, tr.90.
2, 3. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945), Sđd, tr.115, 119.
4, 5, 6. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945), Sđd, tr.118.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:06:32 am »

Nghị quyết lưu ý việc giữ mối quan hệ giữa Đội tự vệ và quần chúng nhân dân. Đội tự vệ tổ chức và phát triển mật thiết liên lạc với quần chúng hằng ngày, phải chăm lo tranh đấu, ngăn cản kẻ thù nhũng nhiễu công nhân, nông dân, phải hết sức ủng hộ quân chúng lao động trong các cuộc bãi công. mít tinh, kháng sưu, kháng thuế, bãi thị v.v., nâng cao tinh thần tranh đấu với quần chúng.

Gắn liền với việc xác định những nguyên tắc xây dựng Đội tự vệ về mặt chính trị, Nghị quyết cũng đã xác định những vấn đề cơ bản về tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện cho Đội tự vệ.

Về tổ chức, Nghị quyết chủ trương lấy xí nghiệp hoặc làng, xã làm cơ sở tổ chức Đội. Về biến chế: từ 5 người đến 9 người tổ chức thành một tiểu đội. Mỗi tiểu đội có một người đội trưởng chỉ huy, tiểu đội lớn thì có một chánh, một phó đội trưởng. Ba tiểu đội tổ chức thành một trung đội. Trung đội có một người chánh, một người phó trung đội trưởng và một người đại biểu của Đảng Cộng sản chỉ huy. Ba trung đội tổ chức thành một đại đội. Đại đội có một chánh, một phó đại đội trưởng và một người của Đảng Cộng sản chỉ huy. Cứ theo phép tam tam chế mà tổ chức lên.

Đi đôi với việc tổ chức tự vệ thường trực, Nghị quyết còn vạch rõ phải huấn luyện quân sự cho đồng chí, cho các Đội tự vệ công nông biết dùng các thứ bính khí thông thường như súng lục, súng trận, liên thanh, tạc đạn; biết chiến thuật đánh nhau trong thành phố, chiến thuật du kích chiến tranh.  Huấn luyện cho các Đội tự vệ biết chức trách chính trị của mình. Đối với quần chúng, nếu có hoàn cảnh thuận lợi thì huấn luyện cho họ tập đi đứng cho có hàng ngũ, tập cách thức tránh máy bay, tránh tạc đạn, liên thanh...

Nghị quyết kiên quyết phê phán xu hướng manh động, xu hướng chỉ lo làm súng, lựu đạn mà quên công tác hằng ngày trong quần chúng lao động. Nghị quyết lưu ý rằng, nhiệm vụ huấn luyện quân sự là quan trọng, “nhưng phải chú trọng hơn hết là thâu phục quần chúng theo ảnh hưởng cộng sản” 1

Nghị quyết về Đội tự vệ của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất (3-1935) có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành đường lối quân sự của Đảng. Lần đầu tiên, những nguyên tắc xây dựng lực lượng nửa vũ trang về mặt chính trị cứng như quân sự được đề ra cơ bản và hệ thống.

Những nguyên tắc đó thể hiện rõ quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm thực tiễn của Đảng trong việc xây dựng lực lượng nửa vũ trang. Đó là những cơ sở tư tưởng, lý luận đầu tiên của quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng về sau của Đảng. 

Bên cạnh Nghị quyết về Đội tự vệ, Đại hội lần thứ nhất của Đảng còn ra Nghị quyết về vận động binh lính. Đây cũng là một nội dung quan trọng, soi sáng cho thực tiễn hoạt động quân sự.

Nghị quyết về vận động binh lính, nêu rõ ở Đông Dương cũng như các xứ thuộc địa và nửa thuộc địa khác, quân đội là công cụ của giai cấp thống trị để đàn áp công nông và các tầng lớp lao động khác. Quân đội của giai cấp thống trị có nhiều hình thức tổ chức. “Hiện thời có lúc quân đội thuộc địa bao gồm binh lính người Pháp, người da đen, người các thuộc địa khác và người các dân tộc bản xứ. . . Ngoài lục quân ra đế quốc Pháp lại đóng không quân và hải quân ở xứ Đông Dương” 2. Tình cảnh của binh lính trăm bề khổ sở.  Ngoài công tác quân sự, binh lính còn phải’ làm việc ở nhà riêng của bọn quan, cai, đội. Binh lính là tôi tớ của quan binh, chúng có quyền đánh đập, bắt giam họ lúc nào cũng được Sau khi mô tả tình cảnh của binh lính, Nghị quyết điểm qua vai trò của binh lính năm 1916 ở Trung Kỳ, 1917 ở Thái Nguyện, tháng 2-1930 ở Yên Bái, v.v. và nhận định:

 “Binh lính. . . chỉ là con em của công nông mang cốt lính, binh lính là một hạng người rất khổ sở” 3 nên phải ra sức tuyên truyền, lôi kéo họ sang phe cách mạng.


_____________________
1, 2. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1940), Sđd, tr. 118.
3. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945) Sđd, tr. 107
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:38:11 am »

Về thái độ của Đảng đối với quân đội của đế quốc ở Đông Dương, Nghị quyết nêu rõ: “Đảng Đại hội công nhận rằng các thứ quân đội của đế quốc Pháp ở Đông Dương là khí cụ bị lợi dụng để đàn áp công nông, nên nhiệm vụ của Đảng là phá hoại quân đội ấy, làm cho nó bị tan rã từ trong hàng ngũ ra” 1.

Từ đó, Nghị quyết nêu nhiệm vụ cần kíp để thực hiện chủ trương của Đảng là ở những nơi quân đội đóng “thì các Đảng bộ ở đấy phải lập ra một ban quân uỷ chuyên môn công tác quân đồi” 2. phải liên lạc công tác vận động quân sự với công tác chống chiến tranh đế quốc; liên lạc các cuộc đấu tranh của binh lính với cuộc vận động cách mạng của công nông. Công nông phải ủng hộ các cuộc đấu tranh của binh lính.

Mặt khác, Đảng cần xuất bản các tài liệu tuyên truyền hướng về vận động binh lính trong hàng ngũ địch, các quân uỷ phải xuất bản báo nói tới tình hình sinh hoạt cũng như kinh nghiệm đấu tranh của binh lính. Nghị quyết còn nêu rõ: Đảng phải chống những xu hướng hoà bình chủ nghĩa, lý thuyết bênh vực “tổ quốc” tư sản, vì đấy chỉ là những mưu mô giai cấp thoả hiệp, làm cho quần chúng quên lãng con đường đấu tranh cách mạng. 

Đảng cho rằng “phương pháp độc nhất chống đế quốc chiến tranh chỉ là hành động cách mạng của quảng đại quần  chúng lao động, là sự liên ái binh lính với công nông” 3.  Sau đó, Nghị quyết khẳng định phương pháp đấu tranh cách mạng trong tình hình mới và cho rằng tổng bãi công là một hình thức có hiệu quả trong cuộc chống chiến tranh đế quốc.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng lưu ý rằng không phải muốn tổ chức tổng bãi công là thực hiện được ngay và đủ ngăn trở được chiến tranh đế quốc. Vấn đề tổ chức tổng bãi công phải căn cứ vào trình độ cách mạng đấu tranh của quần chúng toàn quốc; bởi vì “đã tổ chức được tổng bãi công thì phải dự bị làm võ trang bạo động để biến cuộc đế quốc chiến tranh thành cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc giải phóng” 4.
 
Nghị quyết về Đội tự vệ và Nghị quyết về vận động binh lính của Đại hội Đảng lần thứ nhất đã nêu rõ quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng nửa vũ trang cách mạng và vận động binh lính đối phương. Những quan điểm đó là cơ sở lý luận cho hoạt động thực tiễn trong thời kỳ vận động cách mạng dân tộc, dân chủ và cho công tác tuyên truyền, đặc biệt trong các thời kỳ chiến tranh cách mạng sau này. 

3. Những quan điểm quân sự của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939

Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3-1935), tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp. Loài người đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới do bọn phát xít gây ra ngày càng rõ. Trước tình hình đó, tháng 7-1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản được triệu tập.

Đại hội họp ở Mátxcơva, 65 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản tham dự, trong đó có Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu. Đại hội xác định kẻ thù của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc nói chung, mà là chủ nghĩa phát xít. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh phản cách mạng, giành dân chủ và hoà bình.

Tại Đại hội, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đọc tham luận về phong trào cách mạng Đông Dương từ năm 1930 đến năm 1935, nêu rõ triển vọng của cách mạng Đông Dương: “Có nhiều khả năng rộng lớn hơn để thực hiện Mặt trận nhân dân phản đế, Mặt trận thống nhất của tất cả các dân tộc Đông Dương chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp” 5.


____________________
1, 2. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945)) Sđd, tr. 110, 111.
3, 4. Văn kiện quân sự của Đảng (1930-1945) Sđd, tr. 112.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, t.II, tr.17. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #83 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:40:51 am »

Sau Đại hội Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản ra sức phấn đấu thực hiện Mặt trận nhân dân rộng rãi chống chủ nghĩa phát xít. Trong bối cảnh đó, Mặt trận nhân dân Pháp được thành lập. Cương lĩnh của Mặt trận nhân dân Pháp nêu lên việc tổ chức các phái đoàn của Quốc hội Pháp điều tra tình hình các nước thuộc địa, nhất là Bắc Phi và Đông Dương, toàn xá các tù chính trị, ban hành các quyền tự do, dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải thiện điều kiện làm việc cho nhân dân lao động.

Những chủ trương đó của Mặt trận nhân dân Pháp cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa của Pháp. Các nước Đông Dương đứng trước tình hình khá thuận lợi, song chưa phải đã nằm trong tình thế cách mạng. Bởi vì, kẻ nắm quyền thống trị Đông Dương vẫn là thực dân Pháp. Chúng là những kẻ đại diện cho giới tư bản tài chính, là bọn phát xít ở thuộc địa.

Trên thực tế, chúng vẫn dùng mọi thủ đoạn vu cáo cách mạng Đông Dương, khuyến khích các thế lực phản động gây sức ép đòi Chính phủ Pháp kìm hãm phong trào đấu tranh của nhân dân các nước ở Đông Dương và sẵn sàng đàn áp cách mạng khi tình hình chính trị thay đổi. Vì vậy, triển vọng cách mạng ở Đông Dương chính là do ý chí và khả năng đấu tranh của nhân dân Đông Dương quyết định.

Cách mạng ở Đông Dương cần triệt để khai thác những điều kiện thuận lợi từ tình hình chính trị đang diễn ra ở nước Pháp, phát động nhân dân đứng lên đấu tranh đẩy lùi những thủ đoạn thâm độc và chính sách phản động của chính quyền thực dân ở thuộc địa, tiến lên một cao trào cách mạng mới.

Trong bối cảnh đó, tháng 7-1936, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị được trình bày cụ thể trong tài liệu Chung quanh vấn đề chiến sách mới, xuất bản ngày 30-10-1936.

Tài liệu Chung quanh vấn đề chiến sách mới nêu rõ rằng, theo đúng chiến lược của Quốc tế Cộng sản thì chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương là phải làm cách mạng tư sản dân quyền, tức là phản đế và điền địa, lập chính quyền công nông bằng hình thức xô viết, dự bị các điều kiện để đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng để đạt mục tiêu đó, phải có chính sách đúng.

Do tình hình Đông Dương cũng như tình hình thế giới thay đổi, nên “Đảng Cộng sản Đông Dương sửa đổi chiến sách của mình theo đúng điều kiện xứ Đông Dương như vấn đề lập Mặt trận nhân dân phản đế, vấn đề đối với Chính phủ tả ở Pháp, vấn đề sửa đổi cách tổ chức quần chúng” 1. Tài liệu khẳng định: “Cần nhắc lại rằng, chiến lược của Đảng không thay đổi, còn chiến sách là một thứ mưu kế để hoạt động cần phải sửa đổi luôn” 2. .

Sau khi phân tích bạn, thù của cách mạng, tài liệu nêu rõ: “Đảng cũng không tuyên chiến kịch liệt với các hạng địch nhân trong một lúc nhất định. Chiến sách của Đảng là nhận rõ ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định để tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh” 3.

Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng. Để thực hiện mục tiêu chủ yếu trước mắt thành công, tài liệu nêu khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp và nêu chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương. Mặt trận nhân dân phản đế “là cuộc liên hợp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức đang tranh đấu đòi những quyền lợi hàng ngày cho toàn dân, chông chế độ thuộc địa vô nhân đạo, để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giai phóng được phát triển Đồng thời Mặt trận nhân dân có thể là cuộc vũ trang tranh đấu dân tộc giải phóng” 4.

Chủ trương của Đảng là chuyển hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp nhằm tập hợp và tổ chức đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao, thông qua đó phát triển đội ngũ cách mạng. “Nói tóm lại...  chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng” 5.


____________________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t 6, tr.139, 140.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6: tr. 141, 151, 152.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #84 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:42:16 am »

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936 đánh dấu sự chuyển biến của Đảng trong việc đánh giá khả năng của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; chủ trương “liên hiệp hết các giai cấp trong toàn dân tộc” nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt, “dự bị” cho cuộc vận động giải phóng dân tộc. Đó là sự trở về với tư tưởng Nguyễn Ái Quốc đã trình bày trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930.

Nghị quyết Hội nghị được cụ thể trong tài liệu Chung quanh vấn đề chiến sách mới đã xác định đúng phương hướng, mục tiêu, động lực và đối tượng của cách mạng. Đó là những vấn đề chung của chiến lược sách lược cách mạng, dông thời đó cũng là nội dung quan trọng trong lĩnh vực quân sự.

Được Nghị quyết của Đảng soi sáng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Dương bùng lên. Mở đầu là phong trào Đông Dương Đại hội. Tháng 8-1936, trong một bức thơ ngỏ, Đảng đã nêu rõ lập trường về Đông Dương Đại hội, kêu gọi các đảng phái, các tổ chức chính trị và toàn thể nhân dân Đông Dương vì lợi ích chung, đoàn kết thành lập mặt trận đấu tranh bảo vệ hoà bình, đòi các quyền tự do, dân chủ. Đảng kêu gọi thành lập ngay các uỷ.ban hành động để tập hợp quần chúng. Đáp lời kêu gọi của Đảng, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào nhân dân hưởng ứng Đông Dương Đại hội lan nhanh từ Nam ra Bắc.

Trước phong trào nhân dân lên mạnh và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương lan rộng, được Chính phủ Pháp dung túng, bọn phản động thuộc địa chuyển sang công khai đàn áp, kết hợp với chia rẽ và xoa dịu. Ngày 1-9-1936, chúng ra lệnh cấm tất cả các cuộc họp của nhân dân, bắt giam và xét xử những người đứng đầu các uỷ ban hành động, tịch thu báo chí cổ động cho Đông Dương Đại hội.

Đông Dương Đại hội bị cấm, nhưng không vì thế mà phong trào dân chủ giảm sút; trái lại, phong trào càng lên cao, đi sâu vào quần chúng nhân dân. Chỉ tính trong sáu tháng cuối năm 1936, đã có 361 cuộc đấu tranh, trong đó có 236 cuộc đấu tranh của công nhân. Trong năm 1937 có gần 400 cuộc đấu tranh của công nhân.

Nhiều cuộc đấu tranh có hàng ngàn công nhân tham gia, có cuộc 20.000 người tham gia như cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Uông Bí trong tháng 7-1937. Bên cạnh đó còn có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia lại đất công, đòi giảm tô, giảm tức và nhiều cuộc đấu tranh của các tiểu thương ở các thành phố, thị xã, v.v..

Từ tháng 1 đến tháng 11-1938 có 135 cuộc bãi công của công nhân; 125 cuộc đấu tranh của nông dân. Các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân đều được tổ chức và lãnh đạo vững vàng, các khẩu hiệu đấu tranh được nêu ra chính xác và sát hợp. 

Những cuộc đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, từ thành thị, hầm mỏ, xí nghiệp đến nông thôn trong thời kỳ này là bước tập dượt lần thử hai, tạo tiền đề để sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa toàn dân nổ ra ở thành thị và nông thôn, khắp nước Việt Nam.

Giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương đang diễn ra sôi nổi thì tình hình thế giới có chuyển biến phức tạp. Năm 1937, Đức, ý, Nhật ký hiệp ước liên minh quân sự. ở châu Á, phát xít Nhật, không tuyên chiến, đánh chiếm lục địa Trung Quốc và toan tính xâm lược Đông Nam á. Trước tình hình đó, cuối tháng 3-1938, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị ra một Nghị quyết riêng về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính. 

Trước hết, Nghị quyết về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính khẳng định quan điểm của Đảng: “Đứng trước nạn phát xít và chiến tranh hăm doạ, người cộng sản chủ trương bênh vực chính thể dân chủ, chĩa hết mũi nhọn vào bọn phát xít, chống sự xâm lược của tụi phát xít. . . Nhật sẽ tấn đánh Đông Dương. . . Đảng ta chủ trương chống quân phát xít Nhật” 1.

Tiếp đó, Đảng nêu rõ, muốn đủ sức đói phó với phát xít Nhật, phải thực hiện để dân chúng Đông Dương được các quyền tự do, dân chủ, cải thiện sinh hoạt thì dân chúng mới hăng hái chống bọn xâm lược, “đồng thời phải vũ trang cho họ khi có cuộc xâm lược...” 2.


____________________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, i.6, tr.366, 367.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #85 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2009, 12:45:33 am »

Việc phòng thủ Đông Dương chống phát xít Nhật xâm lược là nhiêm vụ của cách mạng Đông Dương. Nhưng lúc đó Đông Dương đang là thuộc địa của Pháp, nên việc phòng thủ Đông Dương có các ý kiến khác nhau. Có ý kiến nêu ra: nếu phía Pháp không thực hiện các yêu cầu về dân sinh dân chủ, thì nhân dân Đông Dương không cùng với Pháp phòng thủ Đông Dương, vì sự phòng thủ ấy chỉ có lợi cho chủ nghĩa đế quốc. Có ý kiến cho rằng, nếu phát xít Nhật xâm lược Đông Dương thì nhân dân Đông Dương nhất định sẽ chống lại mà không cần đặt ra điều kiện nào. Đảng đã kịp thời phê phán ý kiến tiêu cực, thụ động và cho. rằng: “Ta không nên đặt câu hỏi: “Nếu không được cải cách thì có đánh Nhật không?”, vì như thế là ta tự làm yếu phong trào đòi cải cách tự do đi” 1.

Quan điểm của Đảng là phòng thủ Đông Dương một cách chủ động, nghĩa là Đảng lãnh đạo nhân dân chủ động đấu tranh buộc Pháp phải cùng nhân dân ta phòng thủ Đông Dương, phải thực hiện quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân. Nhân dân ta phải chủ động phòng thủ để bảo vệ quyền lợi dân tộc và tài sản, tính mạng của mình.

Ta chủ trương tranh thủ những người Pháp dân chủ cùng nhân dân Đông Dương chống phát xít Nhật và phản động thuộc địa Pháp. Dù họ có tán thành hay không, nhân dân Đông Dương vẫn chủ động phòng thủ Đông Dương một cách tích cực . 

Do tầm quan trọng của vấn đề, ngày 29-10-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Tuyên ngôn của Đông Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc. Tuyên ngôn phân tích tình hình thế giới và nhận định rằng đây là “thời kỳ đặc biệt nghiêm trọng” 2 do ngọn lửa chiến tranh mà bọn phát xít gây ra đã cháy rải rác khắp thế giới. Tiếp đó, Tuyên ngôn đề cập đến vấn đề “Sự phòng thủ Đông Dương”.

Tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái dân chủ của người Việt Nam và của người nước ngoài ở Đông Dương đoàn kết chặt chẽ xung quanh Mặt trận dân chủ Đông Dương, vì hoà bình, vì tự do mà tranh đấu phòng thủ Đông Dương. Giữa lúc này, không nên “lửng lơ với vấn đề phòng thủ”, cần phải đồng lòng hành động “để đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ, để phòng thủ Đông Dương, để chống phát xít, chống thế lực phản động, chống chiến tranh một cách tích cực hơn” 3
 
Như vậy, từ năm 1930 đến năm 1939, tuy chưa phải là thời kỳ trực tiếp đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc, nhưng để “dự bị điều kiện” cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước “chắc chắn sẽ nổ ra” như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định từ năm 1924, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đấu tranh cách mạng sôi nổi. 

Từ trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, những hoạt động vũ trang đầu tiên có tính chất quần chúng đã xuất hiện. Đội tự vệ Đỏ - mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời. Những nguyên tắc xây dựng Đội tự vệ về chính trị cũng như về quân sự đã được Đảng đề ra rất cơ bản, toàn diện; phản ánh sâu sắc quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn, phù hợp với hoàn canh đấu tranh chính trị hồi đó. Đồng thời, Đảng ta đã ra nhiều Nghị quyết về quân sự. Trong thời kỳ 1930-1939, đường lối quân sự của Đảng từng bước hình thành, bao gồm những quan điểm chủ yếu:

1. Đảng khẳng định: khởi nghĩa vũ trang là phương thức cơ bản để giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng “lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động’. Khi phát động khởi nghĩa vũ trang, nhất thiết phải căn cứ vào “tình thế trực tiếp cách mạng ‘, phải theo “khuôn phép nhà binh”; có kế hoạch chu đáo, tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, thời gian chuẩn xác trong việc phót hợp hành dộng khi khởi nghĩa nổ ra. 

2. Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Quan điểm này được nêu chính xác, rõ ràng trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930). Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 nhấn mạnh đến giai cấp công nông, chưa thấy hết khả năng cách mạng của các tầng lớp khác, nhưng đến tháng 7-1936, Đảng ta đã điều chỉnh lại, chủ trương “liên hiệp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức tranh đấu theo tư tưởng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng". Quan điểm này là cơ sở tư tưởng của đường lối khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân, quốc phòng toàn dân sau này.


____________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.366, 367.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.431, 434.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #86 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:32:52 pm »

3. Nhiệm vụ chính trị quyết định nhiệm vụ quân sự. Chủ trương xây dựng quân đội công nông theo tư tưởng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930) và tổ chức “bộ quân sự của Đảng’ chính là để thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng xác định. Đây là quan điểm quan trọng hàng đầu trong đường lối quân sự của Đảng.

4. Đảng nêu rõ quan điểm về xây dựng Đội tự vệ. Đảng khẳng định: các lực lượng vũ trang cách mạng khi được thành lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.  Đây là vấn đề bản chất giai cấp công nhân, là nội dung cơ bản nhất của quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng.

5. Khẳng định còn chủ nghĩa tư bản, đế quốc thì còn chiến tranh. Phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, coi trọng công tác vận động binh lính trong hàng ngũ đối phương, ra sức tuyên truyền, lôi kéo họ sang phe cách mạng.

6. Trước hoạ xâm lăng của phát xít Nhật, Đảng nêu rõ quan điểm phòng thủ Đông Dương một cách tích cực, chủ động, chuẩn bị lực lượng đối phó thắng lợi với kẻ thù mới là phát xít Nhật.

Đến tháng 10-1939, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng đã hình thành. Đó là cơ sở tư tưởng lý luận soi sáng cho cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới trực tiếp đấu tranh vũ trang, đồng thời là nền móng vững chắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong giai đoạn trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang; bổ sung phát triển trong thời kỳ chiến tranh nhân dân đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.


CHƯƠNG III

CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC 1 CỦA ĐẢNG - PHÁT TRIỂN ĐẤU TRANH QUÂN SỰ -
TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
(8-11-1939 đến 9-3-1945)

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bước đầu hình thành vào những năm cuối của thập kỷ 30, tiếp tục được hoàn chỉnh trong quá trình phát triển của cuộc “vận động Cách mạng tháng Tám 1939-1945”. Tư tưởng đó tác động vào thực tiễn và được biểu hiện rõ trong quá trình “Chuyển hướng chiến lược của Đảng từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI (11-1939) đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII (11-1940) và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5-1941). 

Chuyển hướng chiến lược đưa đến bước phát triển mới trong đấu tranh kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự.  Riêng về quân sự, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng như trong thực tiễn đấu tranh.

I- HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LẦN THỨ VI VÀ LẦN THỨ VII
VỚI SỰ CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC, ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG VŨ TRANG

Chiến lược chung của cách mạng Việt Nam như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2-1930) và Luận cương chính trị (l0-1930) vạch ra bao gồm hai nhiệm vụ phản đế, phản phong. Hai nhiệm vụ chiến lược đó, đến cuối thập kỷ 30, vẫn không thay đổi. Nhưng tình hình trong nước và trên thế giới tiếp đó lại có nhiều biến chuyển mới đòi hỏi cách mạng phải có những đổi mới để giành thắng lợi. 

Trên thế giới, ngày 1-9-1939, phát xít Đức tiến công xâm lược Ba Lan. Ngày 3-9, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức.  Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Ở Pháp, Chính phủ phản động Pháp thi hành chính sách phát xít, giải tán Đảng Cộng sản Pháp, đàn áp các phong trào dân chủ và tiến bộ. Ở Việt Nam, chính quyền phản động Pháp ra sức đàn áp Đảng Cộng sản và các phong trào dân chủ, tiến bộ, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân đã giành được trong cuộc vận động cách mạng 1936-1939.


__________________________
1. Trước đây, khi viết về sự lãnh đạo của Đảng ở giai đoạn này thường dùng khái niệm: chuyển hướng chỉ đạo chiến lược.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #87 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:35:42 pm »

Chúng bắt bớ, giam cầm các chiến sĩ cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt ngày 29-9-1939. Đồng chí Tô Hiệu bị bắt tháng 12-1939... Ngoài những nhà tù đã có, chúng lập thêm nhưng trại tập trung mới như căng Bá Vân, Bắc Mê, Nghĩa Lộ ở miền Bắc; Đắc Lắc, Đắc Tô, Lao Bảo, Trà Kê. . . Ở miền Trung; Tà Lài, Bà Rá. . . Ở miền Nam để giam cầm các chiến sĩ cách mạng.

Đi đôi với việc đàn áp, khủng bố. thực dân Pháp ra sức vơ vét sức người, sức của của nhân dân Việt Nam khiến nhân dân lao động bần cùng, đói khổ; tiểu tư sản thành thị sa sút; trí thức, công chức sụt lương, thất nghiệp; học sinh, sinh viên thất học. Trừ một số phần tử tư sản mại bản và địa chủ lớn lợi dụng cơ hội chiến tranh đầu cơ, tích trữ làm giàu, còn đại bộ phận tư sản dân tộc cũng gặp khó khăn vì sức mua của nhân dân sút kém; trung, tiểu địa chủ cũng sa sút vì sưu cao, thuế nặng. 

Do nhu cầu chiến tranh, bên cạnh việc vơ vét, bóc lột về kinh tế, chính quyền thuộc địa còn ra lệnh tổng động viên, bắt phu xây dựng đường sá và các công trình “phòng thủ Đông Dương”. Đặc biệt, chúng bắt thanh niên Việt Nam vào lính nhằm tăng cường quân đội thuộc địa, đưa sang Pháp phục vụ chiến tranh, đi làm bia đỡ đạn cho chúng trên chiến trường Tây Âu. Chỉ tính riêng ở miền Bắc Việt Nam, trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã có tới 80.000 lính bị bắt đưa sang Pháp.

Ngoài số quân đội Pháp ở Đông Dương năm 1939-1940 lên tới 115.000 người (gồm 93.000 lính Pháp và 22.000 lính khố xanh) từ tháng 9-1940, trên đất Việt Nam có thêm quân phát xít Nhật. Trước sức ép ngày càng gia tăng, ngày 22-9-1939, Pháp ký Hiệp ước, thoả thuận cho Nhật có thể đưa vào Đông Dương tới 25.000 quân, trong đó 6.000 quân có quyền đóng ở bắc sông Hồng.

Ngay lập tức, đội quân đầu tiên của phát xít Nhật đã tràn vào Lạng Sơn 10 giờ tối 22-9 và đội quân thứ hai đổ bộ vào Đồ Sơn ngày 25-9 rồi chiếm Hải Phòng ngày 26-9 không cần phải nổ súng 1

Tình hình trên đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có những sáng tạo mới nhằm vừa khắc phục những khó khăn cực kỳ to lớn do thực dân, phát xít gây ra, vừa khai thác được những thuận lợi do tình thế mới đem lại.  Nhạy bén trước sự chuyển biến của tình hình trong nước và trên thế giới, Trung ương Đảng đã kịp thời chuyển hướng chiến lược nhằm tập trung mũi nhọn vào nhiệm vụ hàng đầu của toàn dân tộc lúc bấy giờ là phản đế, giải quyết một phần cần thiết và có thể nhiệm vụ phản phong, chuyển hình thái đấu tranh từ đấu tranh giành các quyền dân sinh, dân chủ trước đây sang đấu tranh vũ trang, tích cực chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Quá trình chuyển hướng chiến lược đó được biểu hiện tập trung ở nội dung các Hội nghị Trung ương lần thứ VI, VII, VIII.

1. Hội nghị Trung ương lần thứ VI- Bước khởi đầu của quá trình chuyển hướng chiến lược

Hội nghị Trung ương lần thứ VI (từ 6 đến 8-11-1939) được tiến hành tại Nam Kỳ. Sau khi quân Nhật vào Việt Nam, thực dân Pháp đã đầu hàng và ở Đông Dương, chúng hợp tác với phát xít Nhật. Do vậy, giờ đây đối tượng của cách mạng Việt Nam không chỉ là thực dân Pháp mà còn là phát xít Nhật.

Cả hai kẻ thù này cấu kết với nhau đàn áp, bóc lột toàn thể dân tộc Việt Nam. Hầu hết các giai cấp, tầng lớp nhân dân, kể cả nhân sĩ, địa chủ yêu nước có chung kẻ thù, và vi thế có thể cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc - phát xít.


_____________________
1. Hiệp ước Pháp-nhật (22-9-1939) quy định: 1. Quân đội Nhật được quyền sử dụng ba sân bay lớn ở Bắc Kỳ (Gia Lâm, Hải Phòng, phủ Lạng Thương). 2. Bộ Tư lệnh quân đội Nhật có quyền đóng 6.000 quân ở bắc sông Hồng. 3. Quân đội Nhật được quyền đi qua Bắc Kỳ để lên đánh quân đội Tưởng ở Vân Nam. Tổng số quân đội Nhật đồn trú trên đất Đông Dương không lúc nào được quá 25.000 người. 4. Sư đoàn quân Nhật ở Quảng Tây được quyền đi qua đồng bằng Bắc Kỳ để ra biển... Hiệp ước ký chưa ráo mực thì 10 giờ tối cùng ngày, sư đoàn 5 Ngự lâm quân của Nhật do tướng Nakamura chỉ huy đã vượt biên giới Trung-Việt tấn công tiêu diệt các đơn vị Pháp đóng ở Đồng Đăng, Na Sầm, Điềm He, Lộc Bình. Ngày 24-9 Nhật tiến vào Lạng Sơn. Ngày 25-9, tướng Pháp chỉ huy ở Lạng Sơn kéo cờ trắng xin hàng. Cũng trong ngày 25-9, Quân đoàn viễn chinh Đông Dương của Nhật do tướng Nishimura Takuma chỉ huy đổ bộ vào Đồ Sơn. Bộ Tham mưu Pháp cho người cầm cờ trắng ra đón. Ngày 26-9 Nhật chiếm đóng Hải Phòng. (Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Khắc Đạm “Xã hội Việt Nam thời Pháp-nhật 1939-1945”, Nxb. Văn; Sử Địa, Hà Nội, 1957, Q. 1, tr. 17-18).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #88 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:37:50 pm »

Trong những điều kiện đó, Hội nghị cho rằng: “Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. . . cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào đê thực hiện được nhiệm vụ chính cột của cách mệnh là đánh đổ đêl quốc. Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng. Đám đông trung, tiểu địa chủ và tư sản bổn xứ cũng căm tức đế quốc. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết” 1.

Vì thế, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (thay cho Mặt trận dân chủ thời kỳ trước) với nhiệm vụ mới gồm 14 điểm thể hiện rõ sự chuyển hướng chiến lược của Đảng.

Về chính trị: 1. Đánh (đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và tất cả bọn phản động tay sai cho đế quốc và phản bội dân tộc (chứ không ‘Đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến”); 2. Thực hiện quyền dân tộc tự quyết của ba dân tộc anh em Việt - Miên - Lào với chủ trương: Đông Dương hoàn toàn độc lập (thi hành quyền dân tộc tự quyết); v.v..

Về kinh tế, vấn đề ruộng đất là “tịch ký và quốc hữu hoá đất ruộng của đế quốc thực dân, cố đạo và bọn phản bội dân tộc. . . chia cho nông dân cày cấy” (tức mới thực hiện một phần của nhiệm vụ phản phong).

Đặc biệt, nhiệm vụ quân sự được đặt lên hàng thứ 4. Nhiệm vụ quân sự đó bao gồm đánh đuổi hải, lục, không quân của đế quốc Pháp ra khỏi xứ, lập Quốc dân cách mạng quân v.v..

Đề cao nhiệm vụ quân sự nên việc kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng cứu nước của dân tộc cũng được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Tuyên ngôn của Đảng ra cuối tháng 9- 1939, ngay sau Hội nghị Trung ương, đã nhấn mạnh: Dân tộc chúng ta đương ở vào một tình thế một còn một mất. Dòng dõi tinh anh của Trưng Vương, Triệu Ẩu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng... lại là dân tộc đông nhất; dân tộc Việt Nam hãy mau đoàn kết lại!

Đi đôi với việc chuyển hướng về tư tưởng, đường lối, Đảng ta cũng đã đặt vấn đề chuyển hướng về tổ chức. Đảng ta cho rằng, trong hoạt động thực i;ễn, vừa phải xây dựng những tổ chức hợp pháp, đơn giản, rộng rãi; vừa phải xây dựng các đoàn thể với hướng chính là bí mật. Phải chuyển từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Các báo chí công khai bị đóng cửa được thay thế bằng các tờ Giải phóng ở Bắc Kỳ, Bẻ xiềng sắt ở Trung Kỳ và Tiên Zên ở Nam Kỳ. ra đời vào cuối năm 1939 đầu năm 1940: phát hành bí mật, nhằm cổ vũ đấu tranh vũ trang.

Trên thực tế, lúc bấy giờ, khi phong trào thành thị bị địch khủng bố, Đảng chủ trương chuyển hoạt động về nông thôn nhưng không bỏ trống đô thị. Lực lượng vũ trang bí mật và các căn cứ địa cách mạng cũng lấy nông thôn, rừng núi làm nơi xuất phát.
 
Sự chuyển hướng chiến lược với những nội dung mà Hội nghị Trung ương lần thứ VI đề ra là kịp thời và đúng hướng.  Dù vậy, đấy cũng mới là sự chuyển hướng bước đầu nên vẫn còn có những điểm cần hoàn chỉnh thêm. Ví như, về đối tượng của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị vẫn còn đề ra là “Đánh đổ đế quốc Pháp...” mà chưa chỉ rõ là cả đế quốc Pháp và phát xít Nhật.

Do thời cơ khởi nghĩa vũ trang chưa đến, mới chỉ dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc nên các khẩu hiệu hành động mà Hội nghị VI nêu ra vẫn còn là “Chống đế quốc chiến tranh, Chống sưu cao, thuế nặng”, “Đòi hoà bình cơm áo” “Đòi giải phóng dân tộc”; các khẩu hiệu tranh đấu vũ trang chưa được đề cập . 


_______________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr. 538.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #89 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2009, 10:40:41 pm »

2. Hội nghị Trung ương lần thứ VII và các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương

a) Hội nghị Trung ương lần thử VII (11-1940)

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, năm 1940, phong trào quần chúng bắt đầu phát triển mạnh. Số quần chúng có tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ở Trung, Nam, Bắc Kỳ có hàng vạn người. Ngoài ra, còn có nhiều quần chúng trong hội tương tế, ái hữu công khai và các phường hội ở thôn quê chịu ít nhiều ảnh hưởng của Đảng.

Tổ chức Đảng tuy có bị tổn thất do cuộc khủng bố tháng 9-1939, nhưng ngày càng có thêm những người gia nhập Đảng, trong đó, phần đông là nông dân và tiểu tư sản. Đặc biệt ở Đảng bộ Nam Kỳ, trong vòng ba tháng, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10 (1940), số đảng viên tăng 60%. Theo số liệu của Đảng bộ đã có đến 30 phần trăm quần chúng nhân dân có xu hướng cộng sản.

Nhưng trước sự khủng bố, lùng sục gắt gao của kẻ thù, cơ quan lãnh đạo của Đảng bị tổn thất đã ảnh hưởng tới sự lãnh đạo, chỉ đạo.  Hơn nữa, sự lãnh đạo, chỉ đạo đó lại không thống nhất, “xứ nào riêng xứ uỷ ấy, chỉ huy, và liên lạc giữa các cơ quan chấp hành các xứ cũng không được liên tiếp” 1.

Vì vậy, yêu cầu khẩn cấp là Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải được kiện toàn để thống nhất lãnh đạo cách mạng trong cả nước.  Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII đã họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh).  Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh... Hội nghị khẳng định chủ trương chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương Đảng năm 1939 là đúng và nêu rõ: “Mặc dầu lúc này khẩu hiệu cách mạng phản đế - cách mạng giải phóng dân tộc cao hơn và thiết dụng hơn song nếu không làm được cách mạng thổ địa thì cách mạng phản đế khó thành công” 2.

Nghị quyết xác định kẻ thù chính của cách mạng lúc này là “Phát xít Pháp - Nhật”. Mặt trận dân tộc thống nhất tuy vẫn gọi là “phản đế” nhưng làm rõ thêm tính chất cứu quốc của các hội quần chúng trong mặt trận. Nghị quyết ghi rõ: “Đảng Cộng sản Đông Dương, các công hội, nông hội, Việt Nam phản đế cứu quốc hội, các hội phản đế cứu quốc”. Việc thay khái niệm cứu quốc vào khái niệm phản đế phải đến Hội nghị Trung ương lần  thứ VIII (5-1941) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì mới chính thức thực hiện, đi đôi với sự thay đổi tên của Mặt trận từ Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế sang “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh.

Hội nghị Trung ương lần VII khẳng định: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập” 3

Về tổ chức lực lượng võ trang: “. . . Phải lựa chọn người trong các đoàn thể mặt trận đặng mở rộng các đội tự vệ... Mặt trận phải trực tiếp võ trang cho dân chúng cùng Đảng tổ chức nhân dân cách mạng quân, trực tiếp tham gia điều khiển bạo động 4.

Về chỉ đạo cụ thể, sau khi nghe báo cáo kết quả khởi nghĩa Bắc Sơn và chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ, Hội nghị quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, phát triển cơ sở cách mạng tiến tới thành lập căn cứ địa du kích, lấy Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và giao cho đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phan Đăng Lưu về tình hình miền Nam và đề nghị khởi nghĩa, Hội nghị nhận định điều kiện thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở trong cả nước, cũng như ở Nam Ky đều chưa chín muồi. Vì vậy, Hội nghị quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa và chỉ rõ chỉ nên dùng những hình thức đấu tranh chính trị và kinh tế chống địch; phản đối chiến tranh Pháp - Thái Lan; chuẩn bị lực lượng, có thời cơ tốt sẽ khởi nghĩa vũ trang đánh đuổi Pháp - Nhật. Hội nghị cử đồng chí Phan Đăng Lưu về truyền đạt chủ trương của Đảng cho Đảng bộ Nam Kỳ. 

Cả hai chủ trương chỉ đạo cụ thể trên đều rất đúng đắn, sáng suốt. Riêng chủ trương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chưa kịp truyền đạt tới nơi thì khởi nghĩa đã nổ ra. 


___________________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t 7, tr. 61, 68.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 58, 81.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM