Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:24:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 9  (Đọc 109347 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 06:43:09 pm »

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh chủ trương “khai thông dân trí, mở rộng dân quyền”, động viên lòng yêu nước, căm thù giặc, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị ngoại xâm. Ông không tán thành bạo động vũ trang, coi bạo động là chết “Bất bạo động, bạo động tắc tử”, và không tán thành cầu viện ở ngoài, cho đó là điều ngu xuẩn “Bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”.

Chủ trương này của Phan Châu Trinh và phái cải cách, trên nhiều mặt, khác với chủ trương của Phan Bội Châu và phái bạo động. Tuy nhiên, đa số các sĩ phu và nhân dân nam Trung Bộ lúc bấy giờ với lòng yêu nước, căm thù giặc đã không chú tâm phân biệt giữa bạo động và cải cách mà vượt lên trên, họ tán thành và hưởng ứng bất cử một phong trào yêu nước nào có lợi cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Trên thực tế, trong quần chúng và tầng lớp sĩ phu, cải cách và bạo động đã hoà hợp với nhau, gây thành một phong trào duy tân sôi nổi. Nó vượt qua chủ trương và ý muốn ban đầu của Phan Châu Trinh. Và khi phong trào đã thâm nhập vào quần chúng đang căm phẫn vì sưu cao thuế nặng thì những lời hô hào cải cách Duy Tân của Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông lập tức trở thành những khẩu hiệu thiết thực dẫn đến một phong trào đấu tranh mạnh mẽ: phong trào chống xâu thuế. Phong trào bắt đầu bùng nổ ở Quảng Nam - trung tâm của cuộc vận động Duy Tân.

Ngày 10-3-1908, hơn 200 nông dân huyện Đại Lộc biểu tình kéo lên huyện, đấu tranh xin định lại số ngày đi “xâu’, nhưng yêu sách đó không được giải quyết, lập tức, những người biểu tình đó đã kéo thẳng lên dinh công sứ Hội An “xin xâu, chống thuế’.

Tên công sứ Sáclơ (Charles) huy động binh lính xua đuổi dân chúng, chỉ cho đại biểu vào gặp. Chúng bắt giam ngay sáu đại biểu của. nông dân. Lập tức, hàng ngũ đoàn biểu tình ngày càng đông, từ 7, 8.000 người ngày 12-3-1908 tăng lên tới hơn một vạn người ngày 13-3. Họ mang theo lương thực, thay phiên nhau bao vây dinh tổng đốc Quảng Nam.

Cuộc bao vây kéo dài gần một tháng, địch không giải quyết những yêu sách của nhân dân. Chúng tiến hành khủng bố và kết án khổ sai chung thân sáu đại biểu bị bắt giữ.  Quần chúng biểu tình không đủ sức chống lại binh lính địch, họ chuyển sang trừng trị những tên tay sai thực dân tàn ác.

Ngày 20-3, đoàn biểu tình bao vây nhà tên tổng đốc Hồ Đắc Trung. Tiếp đó, nhiều đoàn biểu tình vây các phủ Điện Bàn (22-3), Thăng Bình (26-3), Tam Kỳ (30-3). Ngày 7- 4, quần chúng biểu tình giết tên tay sai tàn ác Trần Quát ở Duy Xuyên; phá nhà giam, đốt các hình cụ, giải phóng những người bị giam cầm.

Ở Quảng Ngãi, ngày 31-3-1908, hàng vạn người biểu tình nằm chật cả bốn mặt thành “xin xâu, chống thuế’. Hơn 1.500 người biểu tình kéo đến trước dinh công sứ đưa yêu sách. Họ bị lừa dối, mắc mưu, gần chục nhà lãnh đạo phong trào bị chúng bắt giam. Thực dân Pháp điều động quân từ Huế, Đà Nẵng vào đàn áp.

Không đủ lực chống lại địch, nhân dân phải phân tán thành từng đoàn đi lùng bắt, trừng trị bọn tay sai của Pháp.  Sáng ngày 17-7-1908, họ bắt tên Thất Tân (một lính tập được phong hàm thất phẩm), đồng thời bắt bốn lính khố xanh, hai lính dõng và một lý trưởng bảo vệ gia đình tuần vũ Nguyễn Thân; bắt vợ con tên lãnh binh Phạm Kế Năng và bốn lính khố xanh về giam tại Ba Lá; giết tên Đinh Văn Kỷ, con nuôi công sứ Đô đê . . .

Ở Bình Định, ngày 12-4-1908, hàng mấy vạn người biểu tình chia thành từng lớp, lớp trong gọi là “dân cảm tử”, lớp ngoài là “dân tự cường” bao vây các phủ, huyện.  Bọn tri phủ, tri huyện hoảng sợ tràn về tỉnh lỵ. Các lý dịch làm việc cho Pháp đều bị trừng trị.

Phong trào đấu tranh lan ra các tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên, thậm chí cả các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Mục tiêu đấu tranh là không đi phu, không nộp thuế cho Pháp, trừng trị bọn tay sai phản động. Thực chất, đây là cuộc bạo động của nông dân mà ở đó, việc kết hợp giữa đấu tranh chính trị và bạo động vũ trang đã vượt ra ngoài ý muốn của những người lãnh đạo phong trào.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 06:51:06 pm »

Thực dân Pháp huy động quân đội từ Bắc Kỳ vào hợp sức với quân ở Trung Kỳ đàn áp, bắt bớ những người lãnh đạo và hàng nghìn người tham gia biểu tình, triệt phá các cơ sở quần chúng. Phong trào “xin xâu, chống thuế”, bạo động vũ trang trong phong trào Duy Tân tạm thời lắng xuống.

Dù cuối cùng bị thất bại vì một loạt nguyên nhân và bản thân còn nhiều hạn chế nhưng dù sao, cũng như các phong trào yêu nước khác, phong trào chống thuế và sau đó dẫn đến bạo động vũ trang, thêm một lần nữa, biểu hiện khí thế mãnh liệt và lực lượng to lớn của nông dân. ở một mức độ đáng kể, nó đã làm rung chuyển chính quyền thống trị của địch ở miền Trung, hun đúc thêm chí khí đấu tranh của quần chúng, làm cho quần chúng nhận thức rõ hơn lực lượng và sức mạnh của chính mình . . .

C. CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI
Ở NAM TRUNG KỲ VÀ HUẾ ỦNG HỘ VUA DUY TÂN (5-1916)


1. Hoàn cảnh dẫn đến cuộc khởi nghĩa

Thực dân Pháp vơ vét sức người, sức của của nhân dân Việt Nam phục vụ cho âm mưu của chúng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã gây ra sự căm phẫn trong nhân dân, kích động mạnh mẽ tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam bị điều sang Tây Âu làm bia đỡ đạn, thậm chí tác động tới cả lòng yêu nước của vị vua Duy Tân trẻ tuổi và thông minh. 

Việt Nam Quang phục hội ở nam Trung Bộ khác với Việt Nam Quang phục hội ở các nơi khác là đã tổ chức được một “Kỳ bộ” do các nhà yêu nước giàu tâm huyết đứng đầu. Đó là Trần Cao Vân, một nhà nho tham gia chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 mới thoát khỏi nhà tù Côn Đảo về; là Thái Phiên đã hơn 20 năm hoạt động cứu nước và là cộng sự thân tín của Phan Bội Châu; là Đỗ Tuyển, Lê Nhung, Phạm Thành ‘ Chương, Phan Thanh Tài, Đỗ Tự, Lê Đình Dương, Cử Suý.  Tất thảy họ đều có chung quyết tâm nổi dậy.

Kỳ bộ Việt Nam Quang phục hội ở đây luôn liên lạc với bên ngoài qua đường biên giới Lào - Xiêm, đã nhận được những tín hiệu của lãnh sự Đức ở Xiêm qua cha xứ Bầu Gốc về việc Đức sẽ viện trợ cho Việt Nam chống Pháp nếu Việt Nam đạt được một số thắng lợi đầu tiên. Đồng thời, Kỳ bộ Trung Kỳ còn liên hệ được với một thiếu tá người Đức trong quân đội lê dương của Pháp ở Huế và viên thiếu tá này hứa hẹn sẽ làm nội ứng khi khởi nghĩa nổ ra.

Ngoài ra, Việt Nam Quang phục hội ở Trung Quốc và Xiêm cũng đưa tin cổ vũ, thậm chí có lúc hứa sẽ có ngoại viện nếu bên trong nổi dậy.  Việt Nam Quang phục hội ở nam Trung Bộ sau khi được biết phong trào của Hội ở Trung Quốc suy yếu đã không trông chờ, mà chủ động đứng lên tổ chức khởi nghĩa.

Nhiều cuộc hội nghị được triệu tập bàn về việc xây dựng lực lượng, phân công các nhà lãnh đạo phụ trách từng địa phương, vận động nhân dân tham gia, xây dựng căn cứ địa, nắm tình hình địch.

Sau một thời gian, Hội đã vận động được nhân dân giúp đỡ lương thực, thực phẩm, lập được một tổ chức hậu cần, sắm sửa quân trang, vũ khí (phụ nữ dệt lụa vải, thợ rèn rèn vũ khí, công nhân các mỏ vàng, mỏ than, đồn điền bỏ việc về quê ứng nghĩa...), xây dựng được căn cứ ở các nơi hiểm yếu (kiểu căn cứ địa cách mạng sau này).

Tại cuộc họp tháng 9-1915, Lê Nhung báo cáo: ở Quảng Ngãi có 580 lính khố xanh, thì có tới 450 người đã ngả theo cách mạng. Ở Quảng Nam cũng vậy, khoảng 80% lính khố xanh và lính tập ngả theo ta. Về vũ khí, ngoài 580 khẩu súng do lính khố xanh sử dụng, còn 350 khẩu đang trong kho và rất nhiều đạn dược.

Đồng thời qua các nguồn tin, Kỳ bộ còn biết được tình hình là lúc bấy giờ, đang diễn ra sự thuyên chuyển lực lượng của địch do chúng phải điều động lực lượng cho chiến tranh. Ở Quảng Nam, trước có 150 lính lê dương nay chỉ còn 35 tên. Ở Huế cũng vậy, riêng ở Mang Cá, trước có một sư đoàn, trong đó nhiều lính Tây, nay chỉ còn 50 tên. Trong số 2.500 lính mộ, mà Pháp chuẩn bị cho xuống tàu, ta đã vận động được khá đông làm nội ứng. . .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 06:52:45 pm »

Hội nghị còn bàn việc chuẩn bị xây dựng đất nước sau thắng lợi, như định rõ chính thể theo dân chủ tư sản đại nghị, định Quốc kỳ, Quân kỳ, Quốc hiệu, Thủ đô và thảo Hịch khởi nghĩa.

Việt Nam Quang phục hội cử Cường Để làm Hội trưởng.  Coi trọng thực lực bên trong, tổ chức này còn vận động vua Duy Tân đứng đầu và được nhà vua ưng thuận 1.
 
Qua các cuộc hội nghị ở Đà Nẵng, Huế, các nhà lãnh đạo đã đi đến nhất trí tiến hành khởi nghĩa dưới danh nghĩa vua Duy Tân, lấy Huế làm địa bàn nổi dậy đầu tiên. Lực lượng khởi nghĩa là những binh lính người Việt, phần lớn là lính sắp bị đưa sang chiến trường châu Âu.

2. Diễn biến và kết quả cuộc bạo động

Sau khi hoãn đi, hoãn lại nhiều lần, cuối cùng, thời điểm tiến hành cuộc khởi nghĩa được quyết định vào ngày 3-5-1916 . Theo kế hoạch vào đêm mồng 2 rạng ngày 3-5, khi vua Duy Tân cùng 4 thị vệ ra khỏi Hoàng thành xuống thuyền ra sông Phú Cam sẽ phát động khởi nghĩa. Nhưng, ngày khởi nghĩa đã bị lộ do việc bảo mật quá sơ hở. Vợ con lính tấp nập dồn về quê, khiến địch sinh nghi.

Việc liên hệ giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với Huế đã bị địch phát hiện. Kế hoạch chuẩn bị đánh đồn Tam Kỳ và đồn Quảng Nam cũng bị lộ. Trần Quang Trữ phụ trách việc điều động 2.500 lính mộ đã phản bội đi báo tin cho khâm sứ Huế. Ở Quảng Ngãi, Huỳnh Quang Trí phụ trách tài chính của Hội bị địch bắt, tri phủ hưu trí là Nguyễn Đĩnh đem giấy tờ sổ sách của Hội nộp cho toà sứ Hội An. . .

Trên cơ sở những nguồn tin nắm được, địch đã chủ động đề phòng và chuẩn bị kế hoạch đàn áp. Ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Pháp đóng chặt cửa trại lính, thu hết vũ khí của binh lính người Việt và ra lệnh giới nghiêm.  Về phía nghĩa quân, theo kế hoạch, đêm 3-5, dân binh ở nhiều địa phương kéo về các tỉnh lỵ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chờ mãi không có lửa hiệu đốt lên, không có binh lính nội ứng nổi dậy, lực lượng này đã buộc phải tự giải tán trước sự truy bắt khám xét gắt gao của địch.

Riêng ở Quảng Nam, dân quân ngoại thành do Trần Chương chỉ huy đã dùng thang trèo vào thành, đốt một nhà nhỏ bỏ trống, làm hiệu, nhưng bên trong binh lính không nổi dậy, nên cũng phải tự giải tán. Ở Tam Kỳ, quân khởi nghĩa nổi dậy diệt ba lính, chiếm huyện lỵ. Ngay sau đó, quân Pháp kéo tới đàn áp, nghĩa quân tan rã.

Ở Huế không có một hành động vũ trang nào, kể cả viên thiếu tá người Đức nhận làm nội ứng cũng không hưởng ứng. Toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị không thực hiện được.

Địch thẳng tay đàn áp, lùng bắt những người yêu nước.  Vua Duy Tân bị bắt ở núi Thiên Mụ (6-5-1916) và bị đưa đi đày ở đảo Rêuyniông. Lê Nhung tự vẫn. Các thủ lĩnh nghĩa quân như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Thành Chương và nhiều yếu nhân khác bị Pháp bắt và xử tử ở cửa An Hoà.  Cuộc khởi nghĩa ở nam Trung Kỳ và Huế đã bị thất bại. 

Cùng với các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa bạo động khác nổ ra trong khoảng thời gian đầu thế kỷ, sự thất bại của cuộc khởi nghĩa ở nam Trung Kỳ và Huế thêm một lần nữa chứng tỏ rằng: đường lối và tổ chức cách mạng của các sĩ phu yêu nước thông qua ảnh hưởng của tư tưởng tư sản càng ngày càng tỏ ra bất cập với thời đại.

Song, mặc dù thất bại, nhưng cuộc vận động này là sự tiếp nối của phong trào yêu nước có xu hướng dân chủ tư sản, thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của các nhà lãnh đạo, ý chí diệt thù cứu nước cao cả của nhân dân và những sáng kiến về chủ động xây dựng lực lượng, vận động vua Duy Tân, vận động binh lính tham gia.



________________________
1. Về việc vận động vua Duy Tân có một vài tư liệu khác nhau:
Theo Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam, t. 3, Sđd, tr.  129 thì Trần Cao Vân nhờ một thị vệ là cháu nội Phan Thúc Duyên xin vào làm phu quét dọn trong cung để vận động vua. Qua trao đổi thơ văn, dần dần vận động có kết quả. Theo Lịch sử cận đại Việt Nam, t.3, Sđd, tr. 307 thì cuộc vận động còn có cả Phạm Hữu Khánh, lái xe của vua, người cùng Phạm Thành Chương và Đoàn Bổng chịu trách nhiệm bố trí các công việc ở Huế.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Năm, 2009, 07:14:08 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:13:15 pm »

IV- HOẠT ĐỘNG VŨ TRANG CỦA PHONG TRÀO HỘI KÍN Ở NAM KỲ (1913-1916)

Trong lúc ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ diễn ra các cuộc khởi nghĩavà binh biến, thì ở Nam Kỳ, một phong trào đấu tranh vũ trang mang tính chất quần chúng rộng rãi - phong trào hội kín hình thành và phát triển. Bề ngoài, phong trào mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, nhưng thực chất bên trong là phong trào yêu nước của nông dân, lấy danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, tổ chức và hoạt động bằng những mật danh, mật hiệu, mật tín kiểu tôn giáo. 

Vào những năm trước và trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cũng như trên toàn quốc, ở Nam Kỳ, phong trào yêu nước chống Pháp thiếu hẳn vai trò lãnh đạo của một giai cấp, một tầng lớp khả dĩ vạch hướng và dẫn dắt một cách đúng đắn.

Giai cấp phong kiến cũng như tầng lớp sĩ phu đã dần tàn lụi sau khi Pháp hoàn thành xâm chiếm Nam Kỳ. Giai cấp tư sản dân tộc cũng như giai cấp vô sản chưa phát triển và do vậy, cũng chưa đủ khả năng lãnh đạo cách mạng. Những người nông dân Nam Bộ vốn yêu nước lại có tinh thần thượng võ, bất khuất không thể chờ đợi, đã tự mình nổi lên theo người xướng nghĩa để dẫn dắt họ tranh đấu.

Trong những điều kiện đó, phong trào hội kín hình thành và phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp lục tỉnh thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Phong trào gồm nhiều tổ chức như : Nghĩa Hoà hội, Duy Tân hội, Thị Bình hội, Phục Hưng hội, Ái quốc hội... Mỗi hội có một phương thức tổ chức và phương pháp hành động ít nhiều khác nhau, nhưng giữa các hội lại có sự đoàn kết, yêu thương, tin cậy lẫn nhau, chung lòng chung sức đánh giặc ngoại xâm vì nghĩa lớn.

Trong những năm 1913-1916, hoạt động của các hội về cơ bản là tập hợp lực lượng, rèn luyện hội viên và đấu tranh có tính chất chính trị hơn là quân sự. Hình thức đấu tranh là chống việc thực dân Pháp và tay sai bắt thanh niên làm bia đỡ đạn cho chúng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa. Người nông dân Việt Nam coi việc bắt lính, bắt phu phục vụ cho chiến tranh đế quốc như một thứ “thuế’, mà sau này đồng chí Nguyễn ái Quốc gọi là “thuế máu”.

1. Cuộc bạo động với danh nghĩa Phan Xích Long (1913) 1
 
Tới năm 1913, trước thủ đoạn thực dân Pháp vơ vét sức người, sức của của nhân dân Việt Nam phục vụ cho cuộc chiến tranh của chúng, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp lấy danh nghĩa Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) - người được loan truyền là dòng dõi nhà trời xuống làm vua nước Nam, lập căn cứ ở núi Thất Sơn thuộc Châu Đốc để chuẩn bị bạo động.

Đêm 23, rạng ngày 24-3-1913, cuộc bạo động nổ ra ở Sài Gòn. Những tín đồ nối nhau đi thành từng đoàn, mặc áo trắng không cổ, quàng khăn trắng, mang theo búa và gậy cùng các loại vũ khí thô sơ cùng một số bom và tạc đạn tự tạo. Khi đi qua một số vị trí của Pháp ở Sài Gòn, Chợ Lớn, họ định ném những quả bom và tạc đạn này vào, nhưng bom và lựu đạn không nổ.

Kế hoạch đánh chiếm các công sở, rồi suy tôn Phan Phát Sanh làm vua của các tín đồ đã không thành.  Những người bạo động chỉ có một số vũ khí thô sơ, chủ yếu dựa vào bùa chú, nên khi thực dân đàn áp, đã mau chóng tan rã. Phan Xích Long bị bắt và kết án tù chung thân giam ở khám lớn Sài Gòn.

Tuy bị thất bại, nhưng cuộc bạo động với danh nghĩa Phan Xích Long đã là sự khởi đầu báo hiệu một phong trào hội kín mang tính quần chúng rộng rãi lan tràn ra khắp lục tỉnh.


______________________
1. Nói “với danh nghĩa” Phan Xích Long, bởi trên thực tế, Phan Xích Long không đứng ra tổ chức, mà người tổ chức đầu tiên là hai nhà yêu nước Nguyễn Hữu Trì (tức Hai Thê) và Nguyễn Văn Hiệp.  Hai ông đã dùng phương thuật mang tính thần bí tôn giáo để lôi cuốn tập hợp quần chúng đi theo, lập ra “Hội kín” từ năm 1911.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #34 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:15:07 pm »

2. Hoạt động vũ trang của quần chúng chống thực dân Pháp bắt lính và cuộc phá khám lớn Sài Gòn (15-2-1916)

Hoạt động vũ trang của phong trào hội kín ở Nam Kỳ không chỉ là hai cuộc bạo động ở Sài Gòn, mà rộng hơn đấy là cả một phong trào quần chúng rộng lớn chống thực dân Pháp mộ lính ở lục tỉnh trong những năm 1915- 1916.

Trong phong trào này, nghĩa quân với hàng trăm người được vũ trang.  bằng gậy gộc, giáo mác, đã đánh phá các trụ sở mộ linh, phá nhà giam, giết bọn quan lại tay sai, hội tề gian ác, chống bọn cảnh sát đi lùng sục bắt thanh niên vào lính, khủng bố nhân dân.

Từ tháng 1-1916, hội kín ở Mỹ Tho hoạt động Táo riết, bí mật chế bom ở Long Hưng, Dương Diễn, Thời Sơn. Ngày 20-1-1916, ở Trà Vinh đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh vũ trang chống lại việc mộ lính của giặt.

Cũng trong thời gian này, ở Tây Ninh, tại các làng An Hoà, Gia Bình, Gia Lộc (huyện Trảng Bàng), nhiều hội kín đã nổi dậy cướp chính quyền, đánh phá các trụ sở xã, đột sổ sách giấy tờ văn khế, đánh bắt bọn hội tề chức dịch và bọn phú hộ gian ác đầu sỏ.

Ở Bến Tre, tín đồ các hội kín tập trung theo từng làng kéo tới bao vây trụ sở mộ binh lưu động, bắt giết số cường hào tay sai đắc lực của địch, phá các nhà hội tề. 

Ở Biên Hoà, ngày 23-1-1916, trong khi các tín đồ hội kín kéo tới đánh phá các trụ sở mộ binh làm một số lính khố xanh canh gác bị thương và giải thoát được một số thanh niên bị bắt đi lính, thì ở tỉnh lỵ Biên Hoà đã nổ ra một cuộc bạo động của tù nhân, phá đề lao, tước vũ khí của lính gác, bắn vào toà sứ.

Tại Bà Rịa, một nhóm hội kín mang theo vũ khí, đeo bùa ghi bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” đã tiến công địch ở Ô Cấp.  Trong khi đó, tại các tỉnh Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ, các nhóm hội kín tiến công vào các toán lính đi bảo vệ nơi mộ lính.  Đến tháng 2 - 1916, phong trào hội kín đã phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ mà đỉnh cao là cuộc phá khám lớn Sài Gòn.

Trong cuộc phá khám này, lực lượng vũ trang bạo động là nghĩa quân hội kín các tỉnh lân cận Sài Gòn. Từ ngày 14-1-1916, nhiều toán nghĩa quân hội kín từ Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Chợ Lớn được huy động đã kéo về Sài Gòn, tập kết ở các địa điểm theo quy định. Vũ khí thô sơ được chuyển bằng ghe thuyền tới các bến trên kênh rạch Sài Gòn. 

Theo kế hoạch, 3 giờ sáng ngày 15-1-1916, khoảng 300 hội viên các hội kín, mặc áo cộc đen, quần trắng, cổ quàng khăn bông hay mùi xoa, cánh tay áo đính bùa hộ mệnh, mang theo giáo mác và mã tấu, tập trung ở bến Ben gích (Belgique) rồi chia làm ba đoàn tiến theo ba đường: Mác Mahông (Mar Mahon), Nêmêdít (Némésis) và Mácsedơ (Marchaise).

Đoàn theo đường Mác Mahông có khoảng 80 người tiến đến dãy nhà 36 gặp một Ô tô hỏng lốp đang chạy chậm đã chặn đánh, khiến tên Bay (Bailly), nhân viên một hãng buôn bị thương nặng. Đoàn tiếp tục tiến đến ngã tư Quảng Đông và tại đây, đã gặp một đội cảnh sát do tên Amơi (Ameil) chỉ huy. Cuộc xung đột nổ ra, Am ơi bị một nhát dao chém vào tay. Cảnh sát Nguyễn Văn Nghiêm bị trọng thương và bị nghĩa quân tước súng. Nghĩa quân hy sinh hai người.

Đoàn biểu tình tiếp tục tiến đến đường Bông (Bonard) thì gặp hai đoàn trên. Ca ba đoàn kéo tới Khám lớn. Đến đại lộ étpanhư (Espagne), một toán 56 người tách khỏi đoàn tiến tới phá toà thống đốc Nam Kỳ. Do cổng sắt kiên cố, việc phá cổng không thành, họ phải quay lại. Đại bộ phận nghĩa quân kéo vào phá Khám lớn. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu giết Tây. 

Khi đoàn biểu tình tiến đến gần Khám lớn, địch huy động một đội quân tuần tiễu, do viên quản gác phụ trách chặn lại. Cuộc xung đột nổ ra làm một lính địch bị thương.

Trước khí thế đấu tranh của đoàn biểu tình, bọn địch phải rút hết vào nhà lao. Nguyễn Hữu Trì, một trong những người lãnh đạo đoàn biểu tình bị thương. Địch bố trí quân nấp sau tường và trên các chòi canh bắn ra dữ dội. Giáo mác, bùa chú đã không chống lại nổi được đạn đồng của địch. Cuộc đấu tranh vì vậy đã nhanh chóng tan rã. Một số phải chống lại binh lính địch truy kích để mọi người chạy thoát. Một số nghĩa quân bị chết, bị thương và nhiều người bị bắt.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:37:26 pm »

Trong khi bạo động nổ ra ở Sài Gòn, thì ở nhiều nơi trong lục tỉnh, các hội kín cũng nổi dậy. ở Tây Ninh, 49 tù nhân đã phá nhà lao, thu 31 khẩu súng của địch. ở Long Xuyên, Châu Đốc, nghĩa quân nổi dậy đánh phá một số nơi trong tỉnh. gây cho địch một số thiệt hại.

Sau sự kiện gây chấn động trên đây, thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, đàn áp. Hàng nghìn người đã bị bắt và kết án.  Tòa đề hình Sài Gòn đã xử 60 án tử hình và gần 100 án đày, tù chung thân và tù có hạn trong khoảng thời gian này. 

Nhìn chung lại, phong trào hội kín ở Nam Kỳ là một trong những phong trào nông dân rộng lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nó đã thu hút được rộng rãi các tầng lớp nhân dân lục tỉnh tham gia nhằm chĩa mũi nhọn vào bọn cướp nước đang vơ vét sức người, sức của của Việt Nam phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất của chúng. 

Phong trào nổ ra ở ngay tại Sài Gòn, thủ phủ của miền Nam, trung tâm của lục tỉnh. Trong các cuộc vũ trang tranh đấu thời kỳ này, vụ Hà thành đầu độc và vụ phá Khám lớn Sài Gòn là hai cuộc nổ ra ngay ở trung tâm đô thị lớn nhất của cả nước.

Cùng với các phong trào đấu tranh yêu nước khác trên cả nước, phong trào hội kín thêm một lần nứa chứng tỏ rằng, đấu tranh quân sự đã và vẫn luôn là hình thức đấu tranh không thể thiếu được của mọi phong trào yêu nước Việt Nam, khi Việt Nam còn dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, phát xít.


V. KHỞI NGHĨA CỦA BINH LÍNH
VÀ TÙ CHÍNH TRỊ Ở THÁI NGUYÊN (30-8-1917)

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhân thời cơ đế quốc chiến tranh đã có gần một chục cuộc bạo động, binh biến, khởi nghĩa nổ ra và điểm chung thường thấy ở các cuộc bạo động này là: lực 1ượng nòng cốt chủ yếu là binh lính người Việt trong quân đội đế quốc - những người nặng lòng với quê hương, đất nước.

Còn về đường lối, các cuộc khởi nghĩa, bạo động hoặc ít hoặc nhiều đều chịu ảnh hưởng đường lối dân chủ tư sản của Việt Nam Quang phục hội. Nếu cuộc vận động nổi dậy ở Huế và nam Trung Kỳ (1916) có sự chuẩn bị lâu dài, nhưng khi nổ ra lại non yếu, thì cuộc nổi dậy ở Thái Nguyên (1917-1918) được chuẩn bị không lâu nhưng kết quả lại có phần nổi trội. Có thể nói được rằng, đấy là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng vang nhất trong những năm 1914 - 1918 .

Hoàn cảnh nổ ra cuộc khởi nghĩa

Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí quan trọng cả về chính trị lẫn quân sự đối với miền rừng núi, trung du Bắc Kỳ. Đây là nơi đã từng nổ ra các cuộc đấu tranh chống Pháp kể từ khi thực dân Pháp chiếm đóng. Do tầm quan trọng đó cũng như trước sức đấu tranh của nhân dân nơi đây nên thực dân Pháp đã bố trí ở Thái Nguyên một lực ‘lượng quân sự khá mạnh. 

Lực lượng quân sự này, cho đến năm 1917, gồm có một trại lính tây gần 50 tên. Chúng còn xây dựng hệ thống nhà tù, trại giam ở thị xã Thái Nguyên, ở Bá Vân, Chợ Chu... để giam giữ tù nhân mà phần lớn là các chiến sĩ trong phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Bái sau này. . . ở một chừng mực đáng kể, quả thực, những tấm gương chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt của nghĩa quân Yên Thế đã có sức cảm hoá mạnh mẽ tinh thần dân tộc trong hàng nghỉ binh lính người Việt đóng quân ở đây.

Thêm vào đó, chính sách cai trị và những thủ đoạn rất tàn bạo mà thực dân Pháp thực hiện đối với nhân dân các dân tộc, đối với tù nhân, kể cả với binh lính người Việt dưới quyền, đã khiến lòng căm thù ngày càng dâng cao trong nhân dân, tù nhân và một bộ phận lớn binh lính Việt; sự liên hệ, nối kết giữa tù chính trị với binh lính yêu nước canh giữ nhà tù, trại giam dần dần được thiết lập và cùng với quá trình đó, một kế hoạch bạo động được bí mật hình thành.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #36 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:40:07 pm »

Lãnh đạo cuộc bạo động là đội trưởng lính khố xanh Trình Văn Cấn (tức Đội Cấn) 1 đang đóng ở Thái Nguyên.  Xuất thân từ một gia đình nông dân vào cuối giai đoạn Cần Vương, nên từ thủa ấu thơ, ông đã sống giữa cảnh chém giết, cướp bóc của thực dân Pháp khi chúng tiến hành bình định quân sự.

Bởi thế, dư âm của phong trào Cần Vương và cảnh sống cơ cực, bị đoạ đày của người dân mất nước đã sớm gieo vào lòng người thanh niên nông dân ấy ý định giết giặc cứu nước. Tiếp đó, ông vào lính khố xanh với hy vọng chờ thời cơ khả dĩ để thực hiện ý định của mình.

Chính những tháng năm ấy, ông đã tận mắt chứng kiến bao cảnh đối xừ khinh miệt của sĩ quan Pháp đối với binh lính người Việt. Trong thời gian bị buộc phải đi đàn áp khởi nghĩa Yên Thế, ông rất khâm phục tinh thần yêu nước của Đề Thám và các nghĩa quân.

Năm 1917, khi đóng quân ở Thái Nguyên, tiếp xúc với tù chính trị, trong đó có Lương Ngọc Quyến 2 - một yếu nhân Việt Nam Quang phục hội. Đội Cấn biết tới đường lối đấu tranh của tổ chức này và tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Nam Quang phục hội.

Cùng với Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến là linh hồn của cuộc bạo động. Hai ông và các đồng chí của mình như Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam... đã bàn bạc và quyết định tổ chức cuộc nổi dậy chiếm tỉnh Thái Nguyên làm căn cứ. Lực lượng nổi dậy là số binh lính người Việt đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên và ở một số đồn nhỏ xung quanh mà Đội Cấn cùng các đồng chí của mình đã vận động được. Ngoài ra, tham gia cuộc nổi dậy còn có các tù nhân do Lương Ngọc Quyến tuyên truyền, giác ngộ . . .
 
Mặc dù kế hoạch khởi nghĩa và ngày giờ khởi sự được những người lãnh đạo và nghĩa quân hết sức giữ bí mật nhưng rồi địch vẫn lờ mờ nhận biết được ý định của nghĩa quân. Để chống lại các cuộc nổi dậy của binh lính người Việt trong quân đội Pháp, chúng luôn thuyên chuyển họ hòng làm đảo lộn hàng ngũ, phá vỡ các tổ chức “nổi loạn” mà chúng đang ráo riết đề phòng. Vì thế, khởi nghĩa đã phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Tới tháng 8-1917, được tin sắp có cuộc thuyên chuyển, kể cả một số cai đội khố xanh, Đội Cấn quyết định khởi nghĩa vào đêm 30 rạng ngày 31 - 8- 1917.

Diễn biến cuộc khởi nghĩa

Đêm 30-8-1917, ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa 3 hạ lệnh hành động. Theo kế hoạch và nhiệm vụ được phân công, khoảng 10 giờ đêm ngày 30-8, đội Trường đi hạ thủ viên giám binh Nhen và Ba Chén giết tên phó quản Lạp. Đáng lẽ phải dùng mưu hạ sát bằng dao, nhưng bị Nhen chống cự, đội Trường buộc phải nổ súng khiến không giữ được bí mật như kế hoạch đã định.

Trong khi bộ phận nghĩa quân đang trừng trị hai tên chỉ huy đầu sỏ, thì đội Giá (tức Dương Văn Giá) đã cùng một bộ phận nghĩa quân khác sang phá đề lao, hai vợ chồng tên giám ngục Loét (Loe) chống cự đều bi giết, hơn 200 tù nhân được giải phóng.

Quân khởi nghĩa đã giành thắng lợi bước đầu, nhưng phát súng giết tên Nhen làm địch cảnh giác thổi kèn báo động, tập hợp quân lính, khiến kế hoạch khởi nghĩa phải thay đổi. Đội Cấn hạ lệnh thổi kèn tập hợp nghĩa quân, gồm hơn 300 người tuyên bố khởi nghĩa. Nghĩa quân toả ra chiếm dinh công sứ, toà án, kho vũ khí, nhà đoan, sở rượu . . . . Riêng nhà bưu điện và kho bạc, nghĩa quân tiến đến quá muộn (1 giờ 30 phút đêm 30 rạng 31-8-1917) tên Bơ xét (Besait) và tên cai Rô xét (Rochette) đã điện báo về Hà Nội cầu cứu. Tại kho bạc, tên chủ sự chạy trốn sang trại lính Tây. Nghĩa quân thu được 71.000 đồng bạc Đông Dương.


_________________________
1. Tên thực Của ông là Trịnh Văn Đạt, quê làng Yên Nhiên, tổng Thượng Chung, phủ lĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc Vĩnh Phúc) .
2. Tức Lương Lập Nham, con trai của Lương Văn Can - người đứng đầu Đông Kinh nghĩa thục. Ông là Uỷ viên quân sự của Việt Nam Quang phục hội, bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở nhà tù Thái Nguyên.
3. Gồm Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam, Đội 935...
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:41:18 pm »

Quân kỳ năm sao với bốn chữ: Nam binh phục quốc được treo cao ở cổng thành Thái Nguyên. Quốc hiệu Đại hùng được công bố. Tất cả 311 nghĩa quân, gồm 131 lính khố xanh và 180 tù phạm tự nguyện chiến đấu dưới cờ nghĩa.

Tuyên ngôn Thái Nguyên độc lập do Lương Ngọc Quyến khởi thảo và được ban lãnh đạo khởi nghĩa phê duyệt, mở đầu: Đại hùng Đế quốc năm thứ nhất, vừa thiết tha, vừa hùng tráng đã được công bố trước nhân dân thị xã Thái Nguyên.

Tuyên ngôn nhấn mạnh:

“... Kẻ thù của chúng ta hiện đang bị đánh chiếm ở Âu châu. Chúng bắt dân ta sang làm bức thành đỡ đạn, vơ vét tài sản xứ ta để tiếp tế cho quân đội chúng. Đồng bào ta bị bắt sang đó từ mấy năm nay, người sống thì phải nai lưng kiệt sức làm lụng, người chết cũng chẳng được chôn cất tử tế. Con côi, vợ goá ngồi nhà kêu van, ông già bà lão khóc lóc ngoài đường. Tình cảnh nước nhà đau khổ không thể tưởng tượng được. Những nỗi đau đớn của dân ta kể sao cho xiết, kiếp sống của dân ta điêu đứng đến nông nỗi này thật không tài nào cam chịu được nửa. Nước ta đã thành ra nghèo nàn, kiệt quệ khác nào sợi chỉ mành sắp đứt, đồng bào ta như kẻ ốm liệt giường đang hấp hối. . .

Vậy chúng tôi kêu gọi những người có tinh thần tự do, độc lập tập hợp thành đội ngũ Quang phục quân để khôi phục lại giang sơn, mở đầu từ tỉnh lỵ Thái Nguyên này.  Lá cờ năm ngôi sao đã phấp phới trên kỳ đài, chúng tôi đã tuyên bố Thái Nguyên độc lập” 1.
 
Kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, sau cuộc khởi nghĩa của người Mường Hoà Bình, do Tổng Kiêm lãnh đạo chiếm được tỉnh lỵ Hoà Bình trong một đêm, đến khởi nghĩa Thái Nguyên mới là cuộc nổi dậy chiếm được tỉnh lỵ lâu dài hơn cả. Nhưng tiếp tục phát huy thắng lợi như thế nào thì tất cả đều gặp khó khăn như nhau.

Với khởi nghĩa Thái Nguyên, rạng sáng 31-8-1917, ban lãnh đạo khởi nghĩa đã họp hội nghị quân sự bàn kế hoạch đối phó với địch. Tại hội nghị có những chủ trương khác nhau được nêu ra bàn luận. Ba Quốc, Ba Lâm (từng chiến đấu dưới cờ nghĩa quân Đề Thám), Nguyễn Gia Cầu (tức Tú Hồi Xuân bị bắt trong cuộc bạo động ở Huế và nam Trung Bộ năm 1916) nêu ra chủ trương, theo đó, nên nhân cơ hội này mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh Phúc Yên, Bắc Giang, Bắc Cạn nhằm gây thanh thế, tăng cường lực lượng, hỗ trợ Thái Nguyên không bị địch tập trung tiêu diệt.

Còn Trịnh Văn Cấn và một số khác lại đã cho rằng, nên cố thủ Thái Nguyên làm gốc, tranh thủ luyện tập quân sĩ, củng cố công sự chống giặc đồng thời liên hệ với Lương Tam Kỳ ở Chợ Chu, Quách Cự ở Hoà Bình và Việt Nam Quang phục hội từ Trung Quốc hỗ trợ chiến đấu.

Riêng Lương Ngọc Quyến đề nghị nên rút toàn bộ lực lượng về phía biên giới Quảng Tây lập căn cứ, sắm sửa vũ khí, mộ binh lính, chiêu tập nhân tài ở hải ngoại để phát triển phong trào. Cuối cùng, Đội Cấn quyết định hành động theo chủ trương thứ hai do ông đề xướng và kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa.

Ngày 31-8, nhiều thanh niên ngoại thị, công nhân mỏ than Phấn Mễ và một số công chức xin gia nhập nghĩa quân, đưa quân số lên tới 300 người tình nguyện tham gia quân khởi nghĩa, trong đó có hơn 50 người là công nhân mỏ than Phấn Mễ, mỏ thiếc Lang Hít. 625 nghĩa quân (kể cả 215 tù nhân được giải phóng tham gia) với số vũ khí thu được ở trại lính khố xanh và số thu thêm 167 súng trường, một súng lục, 16 thanh kiếm, 62.175 viên đạn và vũ khí tự mình trang bị quyết tâm khởi nghĩa.

Trưa ngày 31-8, nghĩa quân làm lễ tế cờ mừng thắng lợi, sau đó theo lệnh tổng chỉ huy, lực lượng nghĩa quân được phân chia đi trấn giữ ở tám phòng tuyến. Năm phòng tuyến ngoài tỉnh lỵ, do Lương Ngọc Quyến làm chỉ huy trưởng, ba phòng tuyến trong tỉnh lỵ do “chủ tướng” Trịnh Văn Cấn làm chỉ huy trưởng.

Về phía địch, ngay sau khi nhận được điện cấp báo, quyền thống sứ Bắc Kỳ Lơ Galăng (Le Gallan) lập tức ra lệnh báo động khẩn cấp cho các đồn bốt xung quanh tỉnh lỵ Thái Nguyên. Đồng thời, chúng điện gọi công sứ Đác từ Đồ Sơn về để cùng với tướng Misác (Michard), Tư lệnh tối cao quân đội Bắc Kỳ lên Thái Nguyên. Sau khi bàn bạc, chúng quyết định triển khai kế hoạch bao vây tiêu diệt nghĩa quân:


_______________________
1. Dẫn theo Lịch sử cận đại Việt Nam, Sđd, t.3, tr. 319.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:41:54 pm »

- Công sứ Đác chốt tại Thái Nguyên. Lực lượng địch tại đây gồm 40 lính khố xanh mới được huy động từ Hà Nội và Bắc Giang lên. Chúng đóng tại nhà tên chủ đồn điền Gia Sàng, cách hầm hào nghĩa quân khoảng 500m trên đoạn đường Hà Nội đi Thái Nguyên.

- Lực lượng tiếp viện gồm 15 xe cơ giới được huy động khẩn cấp từ Bắc Ninh lên. Tiếp đó, địch chuyển phân đội súng máy tới Gia Sàng cùng một trung đội lính Âu và phân đội sơn pháo 80 xuất phát từ Đáp Cầu.

6 giờ sáng ngày 2-9-1917, một trung đội bộ binh địch do đại uý Pâyru (Payroux) chỉ huy, có pháo binh yểm trợ tiến công vào quả đồi bên trái cửa ngõ Thái Nguyên, trên đường Thái Nguyên - Hà Nội. Nghĩa quân do Cai Mánh chỉ huy chiến đấu quyết liệt, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch, buộc chúng phải rút lui chờ viện binh. Rõ ràng, hoả lực mạnh của địch đã không áp đảo được nghĩa quân ngay trong trận giao chiến đầu tiên này.

Ngày 2 và 3-9, địch huy động quân tăng viện gồm 120 lính Pháp, một phân đội sơn pháo, súng cối 80 ly, 15 lính công binh, 150 lính khố đỏ tập kết ở Gia Sàng, dưới sự chỉ huy của quan tư Bécgiê (Berger).

23 giờ đêm 3 rạng ngày 4-9, nghĩa quân bất ngờ mở đợt tiến công vào khu chỉ huy của địch ở Gia Sàng. Tại đây, trận chiến đấu diễn ra ác liệt và kéo dài đến 3 giờ sáng. Nghĩa quân diệt tên giám binh Máctini rồi rút lui về cố thủ chờ ngoại viện .

6 giờ sáng 4-9, địch tập trung một lực lượng lớn gồm 300 lính Pháp và lê dương, bốn khẩu đại bác và moócchiê mở cuộc tiến công vào tỉnh lỵ, từ ba hướng đông, tây, nam. Đến trưa, địch điều thêm 80 lính lê dương từ Yên Bái sang tiếp ứng.  Nghĩa quân chờ địch đến gần mới bắn, gây cho chúng một số thiệt hại. Đến tối, địch chiếm phía đông tỉnh ly.

Ngày 5-9, địch tập trung toàn bộ lực lượng mở cuộc tiến công thị xã. Nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng. Đội nghĩa quân do Cai Mánh chỉ huy, có 36 chiến sĩ, chiến đấu tới khi hy sinh gần hết. Tại dinh công sứ, đội nghĩa quân do Đồ Ba, danh tướng dưới quyền Đề Thám trước đây chỉ huy. đã chiến đấu đến người cuối cùng. Nghĩa quân diệt 107 tên địch, làm bị thương 17 tên khác.

Trong trận này, nghĩa quân bị tổn thất nặng: hy sinh và bị thương 56 người, bị bắt 85 người.  Tổn thất lớn nhất là Lương Ngọc Quyến, chỉ huy trưởng năm phòng tuyến phía ngoài tỉnh lỵ Thái Nguyên đã anh dũng hy sinh. Trưa ngày 5-9, địch chiếm tỉnh lỵ.

Do lực lượng địch mạnh, không thể tiến công giành thắng lợi nghĩa quân quyết định rút khỏi tỉnh ly sang nơi khác để duy trì lực lượng, tiếp tục tiến hành các hoạt động du kích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Ngày 5-9, đại bộ phận nghĩa quân do Đội Cấn chỉ huy rút khỏi tỉnh lỵ theo đường Quán Triều lên Giang Tiên. Tiếp đó, đội nghĩa quân do Đội Giá chỉ huy rút lên Quán Chu, đội nghĩa quân của Ba Chín và đội nghĩa quân của Quyền Yên cũng rút khỏi Thái Nguyên. Trên đường tiến ra Giang Tiên để lên Đại Từ, nghĩa quân đánh chặn một đội lính dõng từ đồn Đu (huyện Phú Lương) ra cầu Giang Tiên, gây cho chúng một số thiệt hại, buộc phải rút quân. Tiếp đó, nghĩa quân đánh đồn Hùng Sơn (huyện lỵ Đại Từ) nhưng không thành.

Từ đây, nghĩa quân chuyển sang chống càn, chống địch truy kích, phục kích và có lúc tổ chức một số cuộc bao vây tập kích chúng, hy vọng xây dựng được căn cứ mới để chờ viện binh. Nhưng do địch truy lùng quá gắt gao nghĩa quân buộc phải phân tán lực lượng.

Ngày 11-9, một toán nghĩa quân do một tuỳ tướng cũ của Đề Thám (tên là Gạch) bị bao vây khi tiến sang Vĩnh Yên, đã phải tách khỏi đội hình của nghĩa quân, mang theo 16 súng và 1.000 viên đạn, tiến về Phúc Yên, Bắc Ninh và xuống Hưng Yên, định vận động lính khố xanh đánh úp tỉnh lỵ Hưng Yên nhưng không thành phải chuyển sang Hà Nam rồi lên Hương Tích (Hà Đông), Bích Động (Ninh Bình).

Bị địch truy kích, lực lượng nghĩa quân bị hao tổn do hy sinh và bị thương. Đến ngày 10-10, toán nghĩa quân này tan rã.  Đại bộ phận nghĩa quân do Đội Cấn chỉ huy tiến từ Tam Đảo sang Vĩnh Yên cũng bị địch truy kích. Ngày 22-9, nghĩa quân bị địch bao vây ở Trung Hà.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2009, 07:42:32 pm »

Ngày 24-9, sau khi thoát vòng vây của địch, nghĩa quân chia thành hai toán. Một toán về Hiệp Hoà (Bắc Giang), có lúc đã tiến tới gần Gia Lâm, nhưng cuối cùng cũng bị hao tổn lực lượng rồi tan rã. Còn đại bộ phận nghĩa quân trở về địa bàn Thái Nguyên vào tháng 10-1917. Lúc này, nghĩa quân chỉ còn 70 người. Sau trận đánh địch ở gần làng Lầy nơi trước đây Đề Thám đã từng cố thủ, nghĩa quân rút lên Đèo Nứa, đào chiến hào cố thủ.

Ngày 6-10, địch tiến công, nghĩa quân chiến đấu quyết liệt, gây cho địch thiệt hại nặng. Nhưng địch tiếp tục tăng viện và khép nhặt vòng vây tiến công, nghĩa quân phải rút về phía tây bắc, lên mạn Hoàng Đàm rồi tiến về Yên Thế mong dựa vào địa thế hiểm trở để xây dựng căn cứ.

Dù vậy, do bị địch truy kích gắt gao, lương thực cạn dần, lực lượng nghĩa quân ngày một hao mòn, tới cuối tháng 11- 1917. toàn bộ quân số của nghĩa quân chỉ còn 40 tay súng và sang tháng 12 sụt xuống còn 25 người. Đội Cấn, Đội Giá, Đội Trường, Cai Sơn quyết định quay về Thái Nguyên. Trong trận bị địch vây hãm ở vùng Phấn Mễ, Cù Vân, Đội Trường ra hàng. Với Đội Cấn, địch dùng thủ đoạn hèn hạ đưa cha mẹ, vợ con đến yêu cầu Đội Cấn ra hàng, nhưng chủ tướng vẫn “quyết chiến không hàng”.

Ngày 24-12, địch tiến công vào vị trí nghĩa quân ở Pháp Sơn. Đội Cấn bị thương ở đùi nhưng vẫn hy vọng cùng Đội Giá, Đội Xuyên tìm nơi ẩn náu lập căn cứ mới chống giặc. Tới đầu tháng 1 - 1918 , nghĩa quân chỉ còn 10 người và dẫu chỉ với 10 người còn lại đó, họ vẫn kiên cường đánh địch bảo vệ căn cứ Pháp Sơn.

Sáng ngày 11-1-1918, trong thế cùng lực kiệt giữa vòng vây quân thù, Đội Cấn đã tự sát để khỏi sa vào tay giặc. Đội Giá, Đội Xuyên chỉ huy số nghĩa quân còn lại bị địch truy lùng ráo riết cũng ra hàng.

Ngày 4-3-1918, thực dân Pháp giải tán đội quân do tên giám binh Rây ne (Rreinert) chỉ huy, coi như kết thúc chiến dịch tiêu diệt khởi nghĩa Thái Nguyên. Chúng lập hội đồng đề hình do tên công sứ Tuýtso làm chủ tịch để xét xử các chiến sĩ khởi nghĩa Thái Nguyên. Hầu hết những người bị chúng bắt đều xử tù khổ sai chung thân đưa đi nhà tù Côn Đảo.

Kể từ đêm 30-8- 1917 - khi hiệu lệnh được phát đi cho đến khi linh hồn của cuộc binh biến là Đội Cấn anh dũng hy sinh và những người còn sống sót buộc phải ra hàng, cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị Thái Nguyên tồn tại gần 6 tháng.

Đây là cuộc vũ trang bạo động duy nhất trong những năm chiến tranh đã lật đổ chính quyền thực dân ở một địa phương. Tham gia cuộc khởi nghĩa là lực lượng tù chính trị phạm (một trong những lực lượng yêu nước, lại được rèn luyện về quân sự hoặc qua trường đào tạo như Lương Ngọc Quyến, hoặc qua trường chiến đấu như hàng chục chiến sĩ tù nhân khác), liên minh với lực lượng yêu nước trong hàng ngũ binh lính người Việt. Điều này nhiều cuộc bạo động, binh biến, khởi nghĩa trước đã thực hiện nhưng chưa thành công bằng khởi nghĩa Thái Nguyên.

Ngoài ra, tham gia ủng hộ cuộc khởi nghĩa còn có đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương. Tất cả điều đó chứng tỏ rằng: tinh thần dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước là bất diệt trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam cho dù họ đứng ở vị trí nào trong xã hội.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại do nhiều nguyên nhân, nhưng xét về phương diện thuần tuý quân sự, việc nghĩa quân cố thủ Thái Nguyên chờ quân tiếp viện quả thực đã là một sai lầm, một nguyên nhân dẫn tới thất bại của cuộc khởi nghĩa.

Bởi vì, tỉnh lỵ Thái Nguyên, nơi trấn ngự cả phía tây bắc nên kẻ thù không thể nào để cho nghĩa quân tồn tại dẫu chỉ một thời gian như kiểu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Trong điều kiện chênh lệch lớn về lực lượng ta địch, cố thủ ở Thái Nguyên, nghĩa quân bị cô lập, gặp khó khăn và thất bại.

Hơn nữa, việc trông chờ ngoại viện của Lương Tam Kỳ, Quách Cự và Việt Nam Quang phục hội từ ngoài về biểu lộ nhãn quan chính trị hạn hẹp của chỉ huy nghĩa quân, đứng đầu là Trịnh Văn Cấn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM