Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:59:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gặp ở tuyến một  (Đọc 15522 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
haivinh
Thành viên
*
Bài viết: 7


« vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2007, 08:11:44 pm »

Bút ký tất nhiên không phải là truyện ngắn, cũng chả phải là tiểu thuyết, nhưng tôi thấy cách hành văn của tác giả thiên về truyện ngắn hơn, và các nhân vật cũng không xác thực được, nên đành để vào mục này:
Gặp ở tuyến một

nguồn: truyện ký binh đoàn Tây Nguyên
Tác giả: Thao Trường

Chuyển mùa, dòng sông Lô đang trong xanh bỗng bừng đỏ bởi những cơn lũ rừng. Dọc triền bờ vào thị xã Hà Giang, khi hàng cây gạo nối tay nhau ném những tàn hoa cuối cùng bay lả tả như đang rắc lửa để đón mùa hè khoát bộ cánh chói chang trở về, thì Hà Tuyên cũng trở thành tuyến một, thành điểm nóng của cả nước. Súng bắt đầu nổ vang từ 12/4. Hà Tuyên trực tiếp đối mặt với một thế lực Sô Vanh đại Hán đầy thù hận với cả dân tộc ta. Một mùa hè đỏ lửa. Vùng địa đầu này ở cái thế địa lý mang đầy tính chất thử thách lòng người. Trước hết thử thách về tình quốc tế. Nơi đây sông núi giáp liền với thổ cư nhà người. Nếu được anh láng giềng thơm thảo thì nơi giáp biên sẽ là nơi tối lửa tắt đèn, nơi chung một tiếng gà, chung một chợ phiên. Nhưng anh láng giềng này hình như ngay từ thời xa xưa bụng dạ đã đen tối lắm, đã sấp ngửa lắm. Chẳng thế mà trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi từ sáu thế kỷ trước, cha ông ta đã phải nói rõ thế này để tránh nhập nhằng “Tuyên Quang…đông và bắc giáp Cao, Lạng, Tây và nam giáp Sơn, Hưng: có 1 lộ phủ, 1 thuộc huyện, 5 châu, 282 xã. Đây là phên dậu thứ 3 ở miền tây…nơi rừng núi không thiếu vật gì mà thứ nhật dụng của dân gian chỉ thiếu có muối, không thế thì người kinh lộ không quen thủy thổ nơi ấy, há chẳng là điều trở ngại cho Trung Quốc ư?...”

Những con số ràng mạch về huyện, về xã để tránh nhận xằng, và những chữ nói rất cụ thể “phên dậu ở miền tây”, “không quen thủy thổ”, “trở ngại cho Trung Quốc” đã mách bảo với ta rằng, anh láng giềng xấu chơi này, thời ấy đã hay đành hanh chiếm đất chiếm cát, và chắc hẳn là nếm mùi bệnh tật ở xứ mà sách Dư địa chí đã nói là “Miền thượng du hiểm trở, rắn rết, ma quỷ thường làm tai quái cho người” này.
Tôi đến Hà Giang sau hôm Trung Quốc vừa bắn 40 quả đạn pháo 130mm vào phường Nguyễn Trãi và Quang Trung của thị xã, làm chết 3 dân thường. Giữa vùng rừng núi uy nghi bạt ngàn, thị xã điểm xuyết vào như một chiếc lẵng hoa với chợ búa, nhà cửa, cầu đường và những màu sắc trên áo quần của những cô gái hiền đến ngơ ngác, chỉ quen dệt thổ cẩm hay làm nương; những chàng trai mê đi săn và thổi khèn. Hàng tuần trai gái lấy việc đi chợ chơi làm nguồn vui. Những phiên chợ thực sự là ngày hội của tuổi trẻ vùng cao. Người ta đi bộ hàng 15-20 km đường rừng để đến chợ. Chân không mỏi, mà lòng dạ cứ phập phồng lên, bởi nơi ấy mua bán thì ít mà đi dạo chơi, hò hẹn, giao duyên, tìm bạn rượu, tìm bạn tình mới là nội dung thiết yếu của một sinh hoạt văn hóa chợ ở đây. Tôi đã đi theo  Thuyên vốn là một chiến sĩ của Binh đoàn Tây Nguyên, nay đã là thổ công vùng này, một tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi, ham hiểu biết để mục kích những cuộc vui của nam nữ thanh niên. Họ đến chợ từ chiều tối hôm trước, kết bè kết bạn từng tốp,từng tốp. Con trai thắt dao găm bên sườn và đeo khiên bên vai, phong thái hết sức là “gươm đàn nửa gánh…” con gái váy áo còn thơm mùi chàm, thêu thùa sặc sỡ như  công chúa. Những ánh mắt đưa đẩy say đắm. Rồi đôi bên buông lời ướm hỏi, hát ghẹo đối đáp nhau lúc nhặt khoan, lúc ráo riết. Tiếng khèn trầm ấm nỉ non phập phồng, bay vờn lên bên những mộ đã, dưới những tán cây. Sương khuya buông trắng như mây, nhưng tình yêu không biết rét. Cứ hát cứ cười rúc rích: tiếng vòng bạc của những cô gái cứ reo lanh canh đến nao lòng suốt đêm. Hôm sau tan phiên chợ, họ lại hẹn nhau chờ phiên tới. Rồi lại gặp lại, lại hẹn, cứ thế! Chợ đã trở thành một nhu cầu của đời sống tình cảm. Đây là nơi hội tụ của những bản xa làng gần. Nơi trao đổi hàng hóa, nơi nhận biết những thông tin. Không thể thiếu được. Bây giờ súng địch bắn thẳng vào nguồn vui của họ! còn có gì đạo lý hơn là phải cầm lấy một khẩu súng? Khắp thị xã sôi lên không khí trận mạc. Xe gạo, xe đạn lao ầm ầm hối hả. Đường xanh màu áo lính. Người già, trẻ em từ các huyện Thanh Thủy, Vị Xuyên, từ các làng bản bên cạnh điểm cao 230, 233, cao điểm Núi Bạc sát đường biên bồng bế nhau sơ tán về đây. Từ thị xã lòng chảo này lại sơ tán về phía sau nữa, đi ra ngoài tầm pháo của giặc. Những gia đình ở thị xã cũng chia đôi người yếu về phía sau, người khỏe ở lại. Những đội tự vệ đi khơi lại hầm hào. Những nơi công cộng vơi đi những trò chơi con trẻ. Những quán ăn, quán giải khát lại phục hồi nếp ưu tiên bộ đội. Tôi đi trong lòng thị xã dần dật những tiếng xe, tiếng chân người vội vã, lòng lại bồi hồi tưởng nhớ những năm tháng chống Mỹ. Cuộc chiến này chưa đến mức toàn cục, trên trời chưa có tiếng gầm rú của máy bay; bầu thinh không chưa phải chốc chốc lại giật lên những hiệu lệnh báo động báo động phòng không qua loa phóng thanh, đêm đêm thị xã vẫn sáng ánh điện. Kẻ thù của chúng ta lần này chỉ chui rúc dưới mặt đất, thì thụt trong bóng tối, nhưng chúng lại lì lợm nham hiểm và cuồng tín vô cùng. Suốt mấy năm nay ở vùng giáp biên, chúng đã hì hụi đi gây sự, quấy phá đời sống của người khác, thù ghét hạnh phúc của người khác. Từ ngày 12/4 đến nay, đã gần suốt mùa hè, nơi ‘phên dậu thứ 3 ở miền Tây” này, súng đạn địch nổ liên hồi.Vừa tuần trước trên báo ta tố cáo quân Trung Quốc bắn hàng ngàn quả đạn D74, 122mm ,130mm và hỏa tiễn H12 theo dọc tuyến biên giới từ Đồng Văn đến Vị Xuyên, làm chết nhiều dân thường, nhiều gia súc và phá huỷ nhiều nhà cửa của đồng bào. Tuần này trên đài lại đưa những con số đau lòng: vẫn ở Đồng Văn, giữa lúc trời mưa, nhân dân phải về nhà để chống chọi với gió bão, vậy mà lúc ây chúng đã bắn hơn 3000 quả đạn pháo lớn vào khu vực Lũng Táo, Sà Phìn. Một cơn mưa đạn vào những người tay không vũ khí. Thật là đến quỷ cũng không thể độc ác ơn. Ở xã Phú Lũng huyện Yên Minh, chúng bắn cháy 96 ngôi nàh, làm chết 5 dân thường, bị thương 13 người khác. Chúng đã nhằm bắn vào những đàn gia súc, như đấy là những địch thủ đang tranh dành quyền sống với chúng, làm chết hơn 54 con trâu, 200 con lợn, đốt 186 tấn thóc.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 01:10:46 pm gửi bởi ptlinh » Logged
haivinh
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2007, 09:53:31 pm »

Cứ thế những con số hàng chục, hàng trăm nhà cháy, người chế vì súng đạn giặc cứ diễn ra ngày ngày, như những năm xưa hễ mở đài lúc nào ta cũng nghe những tin cắt ruột ở miền Nam về những vụ “tố cộng” “diệt cộng” của bọn mặt người dạ thú. Giờ đây lửa lại cháy đùng đùng khắp Ải Bắc. Lũ con cháu quen ngồi xổm trên dư luận này vượt xa ông tổ Tần Thủy Hoàng của chúng về sự tàn bạo, cứ lặng lẽ đốt phá giết chóc làm một cuộc chiến tranh không tuyên bố. Đã mấy tháng nay quân dân Hà Tuyên phải gồng mình lên lấy mồ hôi, lấy máu của mình làm tấm lá chắn giữ yên cho tổ quốc. Cả nước hướng về biên giới, cả nước hướng về Hà Tuyên.
Tôi theo một chiếc xe chở đạn lên tuyến trước tìm gặp Thuyên, người đã dẫn tôi đi chơi chợ kia, tiểu đoàn của Thuyên vẫn phòng ngự phía sau, nhưng Thuyên đã lên tuyến để chỉ huy một tiểu đoàn đang giữ chốt trên đó. Là một người từng trải, đã dày dạn trong chiến đấu, năm 1975, khi ở Binh đoàn Tây Nguyên, Thuyên là tiểu đội trưởng đã dẫn đầu một mũi thọc sâu đánh một trận được công nhận là lừng lẫy ở Cheo Reo – Phú Bổn trong Tây Nguyên. Bấy giờ là giữa chiến dịch, khi mất thị xã Buôn Mê Thuột, cả bộ máy quân ngụy đã rung chuyển, chúng tức tốc huy động chi viện để chống đỡ. Một đoàn hơn 30 chiếc xe chiến đấu gồm M113, M41, M48 chật cứng những lính và súng đạn ầm ầm lao đến. Vừa được tin, Thuyên dẫn đầu tiểu đội, cắt rừng chạy bộ gần 10km đến địa thế hiểm trở nhất, tức quãng Cheo Reo-Phú Bổn, một bên núi, một bên vực sâu, chỉ một con đường độc đạo duy nhất ở giữa. Thuyên vừa đến chưa kịp thời thì đoàn xe cũng gầm rít đang bò lên, vác B40 chạy băng ra chắn chiếc xe đi đầu. Sau này khi bình công, cả tiểu đội đều nói là một hành động dũng cảm, táo bạo như một chiến sĩ cảm tử. Bởi địch đông như thế, vũ khí ngập răng như thế,còn bên ta lúc ấy chỉ có một mình Thuyên, anh em khác trong tiểu đội chưa đến kịp. Nhưng Thuyên đã khi đó chỉ nghĩ đơn giản: dù thế nào cũng phải bắn cháy chiếc xe đi đầu để làm vật cản ách cả đoàn lại.Không mảy may nghĩ đến tính mạng mình, không so đo địa hình địa vật có đảm bảo an toàn cho mình hay không, cứ lao thẳng tới chỗ có lợi nhất, cho tầm bắn khá trống trải. Khi địch phát hiện ra nỗi khủng khiếp từ người chiến sĩ nhỏ bé kia sắp chụp xuống đầu chúng, chúng liền hốt hoảng quay nòng pháo. Nhưng Thuyên đã nhanh hơn chúng một tích tắc. Anh lập tức phóng đạn, khói lửa và những tiếng kêu la. Những chiếc xe sau đang phóng như hóa rồ, bị cản đường bất ngờ, liền đâm chồm vào nhau. Thuyên vừa bắn cháy thêm một xe M41 nữa, cả tiểu đội cũng vừa đến kịp. Trận đáng quá chênh lệch cả số quân lẫn vũ khí, nhưng ưu thế tuyệt đối lại thuộc về những người chân đất. Đoàn xe 30 chiếc của địch đi cứu nạn nhưng tai nạn lại rơi vào chính nó. Chiếc bị cháy, chiếc bị đồng bọn đâm bẹp, chiếc rơi xuống vực, cả đoàn bị đánh tơi tả. Quả đạn đầu tiên của Thuyên đã quyết định cho toàn bộ trận đánh, góp phần vào chiến thắng cho toàn tuyến. Sau giải phóng anh đi học ở một trường đào tạo chính quy. Tốt nghiệp, Thuyên lại xin về binh đoàn chỉ huy một đại đội rồi một tiểu đoàn chiến đấu ở biên giới Tây Nguyên. Khi ở đấy tạm yên, cả đơn vị của Thuyên đã ngất ngưởi cùng kéo nhau lên một một chiếc máy bay vận tải quân sự, mà lính ta cứ suýt soa rằng thì ra khoang máy bay cũng không khác gì khoang những chiếc thuyền dọc ở quê! Và ngồi trên khoang máy bay cũng xóc ngả nghiêng như đi thuyền trên sông. Ra Bắc chưa được bao lâu, Thuyên lại được điều lên phía Bắc với lý do đơn giản: anh đã quen thuộc với các chiến trường miền núi. Lần này thì anh buộc phải xa binh đoàn thân yêu của mình theo yêu cầu của nhiệm vụ. Tôi được biết Thuyên trong một buổi tình cờ khi anh đang kể cho các chiến sĩ của mình nghe về những ngày các anh “sống với sắn” ở chiến trường Tây Nguyên. Câu chuyện của Thuyên kể đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Nghe nói lên đây, Thuyên đã đẩy được một tiểu đoàn từ yếu lên mạnh, cấp trên đã có ý định đưa Thuyên lên làm trung đoàn phó, nhưng Thuyên xin được ở lại một thời gian nữa để xây dựng tiểu đoàn thành một đơn vị điển hình toàn diện của sư vì anh đang có nhiều cơ sở để tin điều đó.
Khi biết chuyện này, tôi đã đến gặp lại Thuyên với ý tò mò muốn xem thực chất người cán bộ đang được đánh giá là có nhiều năng lực này ra sao. Anh có sống vô tư đúng như tiếng đồn không
Logged
haivinh
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 10:34:08 pm »

Giữa lúc cuộc sống đang có nhiều biến động, vàng thau thật giả nhiều khi khó nhận ra. Mới hôm kia ở bến tàu, tôi đã gặp may vì một lòng tốt không được chấp nhận! Chả là có một thanh niên để lại chiếc vé anh mới mua đúng giá quy định vì anh có việc đột xuất chưa đi chuyến đó được. Nhiều người đã xem đi xem lại và nhìn ngắm cả chủ nhân chiếc vé đó đầy vẻ bán tín bán nghi rồi cùng trả lại, kiên nhẫn đứng xếp hàng dài dằng dặc, vì không ai tin con người không hề quen biết kia lại tốt đến thế! tôi ngại xếp hàng nên đánh bạo thì lại vớ may: "vé thật 100%" và còn được biết người thanh niên kia đã được đi lính. Anh biết hết những trò ma mãnh nhưng không làm "nếu tôi bán đắt lên gấp đôi, gấp ba tức là làm cái việc bóc lột người khác thì chiếc vé của tôi mới được công nhận là vé thật, và việc làm của tôi lại được công nhận là một việc làm bình thường! còn tôi bán lại rất thật thà thì bị coi là là một việc không bình thường, một người không bình thường, và cái vật tôi bán bị coi là giả" - anh buồn rầu nói với tôi và tôi cũng đâm dật thột, vì dạo này đến là hay xét nét nghi hoặc! hình như cứ ra khỏi nhà ra khỏi cơ quan là lo! lo vơ lo vẩn! cứ làm như sểnh nhà ra thất nghiệp không bằng! từ hôm lên đây tôi đã tưng đi nhờ xe tải, xe ca hàng trăm cây số không mất tiền với lý do đơn giản là thấy tôi hỏi đi tới những nơi đang có chiến sự. Những anh lái cũng râu rậm tóc dài hẳn hoi, trông ngang tàng một cây, nhưng thái độ lại rất ân tình hào phóng, y như những năm kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đi vào Trường Sơn, đi vào chiến dịch đã gặp gỡ biết bao những sự cưu mang dọc đường. Không, cuộc đời còn nhiều lắm những tấm lòng đầy ân nghĩa. Những nơi nhiều thử thách lòng người càng đầy ân nghĩa. Ý nghĩ này càng được củng cố khi tôi gặp lại Thuyên, người tiểu đoàn trưởng hoạt bát trẻ trung hơn cái tuổi ba nhăm của anh rất nhiều. Hỏi về trận đánh ở Cheo Reo - Phú Bổn và những trận đánh vào chợ xã Tuy Hòa năm ấy, Thuyên cười xuê xoa
- Đấy là những "chuyện cũ viết lại" rồi! xa xôi lắm rồi, Tôi sẽ dẫn anh đi xem những chuyện mới ở đây, hấp dẫn lắm.
Thế là Thuyên dẫn tôi đi chơi chợ, hôm ấy tôi mới được biết cảnh uống rựu bằng bát, say ngả nghiêng quanh nồi thắng cố, rồi đến khi ra chỗ chợ mua bán ngựa thì mới thật đặc sắc, vừa đậm đà màu sắc dân gian, lại vừa pha sắc thái của những cảnh đen đỏ. Thuyên chỉ cho tôi anh lái ngựa. Đắt rẻ, xấu tốt đều là ở miệng anh thày cò này. Với chiếc mũ nồi màu nước da vắt vẻo trên mái tóc rậm.mặt bắt hơi men tía lên như người da đỏ. Tay cầm chiếc roi da, ngồi lim dim không thể đoán được anh ta bao nhiêu tuổi. Đang lừ đừ như một ông lão, nhưng đến khi có người dúi vào tay anh ta một cục tiền, nhờ làm cò mồi, thì anh thoắt trở nên linh hoạt lạ lùng. Nếu là người bán nhờ mồi giá thì con ngựa cà khổ cũng trở thành con tuấn mã. Người mua hoàn toàn bị thôi miên bởi những lời đường mật kia. Còn nếu là người mua nhờ anh làm mối lái, thì dù ngựa nòi cũng trở thành con nghẽo bỏ đi! miệng nói như đọc thần chú, tay cầm cương bắt ngựa chạy vòng quanh để con ngựa tự do bộc lộ những điểm xấu tốt theo lời bình của anh ta. Cao điểm nhất là lúc anh nhảy lên lưng ngựa không cần yên, ra roi, hai chân xiết vào sườn ngựa như hai gọng kìm. Đây chính là ngón võ cuối cùng. Ngựa chạy đẹp hay xấu hoàn toàn là do hai gót chân thúc mạnh hay nhẹ, cao hay thấp của ông chủ.
Thuyên và tôi đã làm quen với một anh lái ngựa như thế. Chả là lúc ấy ban chỉ huy tiểu đoàn của Thuyên có ý mua một con ngựa để làm phương tiện vận tải. Vì đèo dốc, sông suối, xe không kham nổi, nên các đơn vị ở trên này đã dùng ngựa để thay sức người. Từ việc đi lấy gạo, mua thực phẩm, thồ cơm, thồ nước lên chốt cho bộ đội đều chất lên lưng ngựa. Ở đại đội bên có con ngựa khôn đến mức sáng sáng lính ta ở hậu cứ khoác mấy ống bương đựng chừng ba chục lít nước lên lưng ngựa, rồi nó tự động đi lên chốt. Tới nơi lính trên đó đổ nước ra, ngựa lại tự động về cõng thêm hai chuyến nữa. Đều đặn sáng nào cũng 3 chuyến rồi nghỉ, hơn nữa ngựa nhất định không đi, hí ăn vạ! Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã đến tận nơi và viết ca khúc "ngựa hồng lên điểm tựa" tặng đại đội.
Anh cò mồi quen sống bằng ba tất lưỡi kia, khi thấy người đến nhờ mình là bộ đội, là cán bộ hẳn hoi, thì anh ta cảm động đến quýnh lên, miệng lập bập hứa sẽ tìm cho Thuyên một con ngựa tốt mà không lấy một đồng công.
Nhưng tiểu đoàn chưa kịp mua ngựa, thì Thuyên đã chia tay đơn vị lên tuyến trước theo yêu cầu của trung đoàn. Trận đánh sắp tới cần một tiểu đoàn trưởng vững. Thuyên ra đi thật nhanh chóng nhẹ nhàng, không gợn một chút lấn cấn, khiến tôi cảm thấy ngượng ngập trong lòng với ý nghĩ soi xét ban đầu của mình. Cuộc đời còn nhiều lắm những con người như vậy. Trong sáng vô tư, không tự nhỏ bé trước người khác, nhưng cũng không bao giờ công thần. Thấy việc gì mình làm được là xắn tay áo lên, kể cả vào nơi khói lửa cũng không nhiều lời. Tất cả đối với họ đều giản dị sáng, tỏ và thẳng thắn như đôi vai vạm vỡ quen nhận trách nhiệm của anh kia.
Chúng tôi chia tay nhau bằng một chầu rượu sắn đã ngăm ngăm đắng, lại uống với măng đắng nấu suông. Ở giữa vùng đồi núi mà thiếu đi cái chợ thì thật bí.
Chiều ấy chúng tôi cùng Thuyên đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Đồng chí đại tá chỉ huy trưởng lại vốn là thủ trưởng cũ của Thuyên từ ngày Tây Nguyên, đã nồng nhiệt giới thiệu Thuyên với tư lệnh quân khu, rồi anh nói nhỏ với tôi, năm ngoái anh làm sư trưởng dưới kia đã có ý định giới thiệu bồi dưỡng, xây dựng Thuyên trở thành anh hùng. Anh nói, vẻ đẹp của người lính trong thời kỳ chống Mỹ vẫn còn nguyên vẹn ở Thuyên. Chúng ta hãy nâng niu giữ gìn tia lửa đó và cùng nhau góp gió thổi cho nó sáng bừng lên.
Ngay tối ấy Thuyên đến tiểu đoàn mới của anh ở Vị Xuyên trên thượng nguồn sông Lô. Tôi xúc động chia tay người cán bộ trẻ đầy năng lực đã lớn lên từ một binh đoàn có truyền thống chiến thắng. Chiến sĩ Binh đoàn Tây nguyên, các anh đã có mặt ở khắp mọi mặt trận và bây giờ các anh lại đứng nơi đầu gió
Logged
haivinh
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 10:39:21 pm »

haivinh: theo yêu cầu của mod, tôi bổ sung một số thông tin:
Tác phẩm này lấy trong tập Truyện ký Binh đoàn Tây Nguyên, do Cục Chính trị - Binh đoàn Tây Nguyên xuất bản năm 1985 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Binh đoàn (26/03/1975-26/03/1985). người số hóa tất nhiên là haivinh Cheesy
tuần này tôi có vài việc giải quyết, sẽ cố gắng số hóa phần còn lại của bút ký từ 25/11
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM