Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:55:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng Việt Nam - Tập 3  (Đọc 63529 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:11:37 pm »


03. VÕ VĂN DŨNG (? - ?)

Võ công dũng quán quân,
Bách chiến khởi Tây thùy
1.
(Võ công anh dũng vào hàng bậc nhất.
Trăm trận bắt đầu từ biên thùy phía Tây).



Võ Văn Dũng người làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, nay đất làng quê ông thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hiện vẫn chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Theo truyền thuyết của nhân dân dịa phương vùng quê ông thì Võ Văn Dũng là bạn của Nguyễn Nhạc, tuổi tác đại để cũng xấp xỉ Nguyễn Nhạc.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ phát động khởi nghĩa ở quê nhà là Tây Sơn, Võ Văn Dũng là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên. Vốn có võ nghệ cao cường lại rất giàu mưu lược, Võ Văn Dũng nhanh chóng trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, Võ Văn Dũng đã được phong làm Tư Khấu và sau đó không bao lâu, ông được thăng làm Đô Đốc, tước Chiêu Viễn Hầu2.

Năm 1788, khi Quang Trung Nguyễn Huệ vạch kế hoạch cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, Võ Văn Dũng được tin cậy, trao phó trọng trách cùng với Quang Trung Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh cao cấp khác như Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Nội Hầu Phan Văn Lân... chỉ huy đạo quân thứ nhất là đạo quân chủ lực của trận đánh lịch sử này. Và, Võ Văn Dũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, góp phần vinh quang to lớn vào trận đại thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (tết Kỷ Dậu, 1789). Bởi công lao này, Võ Văn Dũng được Quang Trung Nguyễn Huệ gia phong làm Đại Đô Đốc, Đại Tư Đồ, tước Võ Quốc Công.

Dưới thời Quang Trung, Võ Văn Dũng từng được cử làm sứ giả sang Trung Quốc và ông cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề mà mới mẻ này. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, Võ Văn Dũng vẫn tiếp tục được tin dùng và được giao nhiều chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, cũng kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, nội bộ Tây Sơn mất đoàn kết ngày một nghiêm trọng. Bấy giờ, nhân vật lộng quyền bị lên án nhiều nhất là Thái Sư Bùi Đắc Tuyên. Năm 1795, nhân lòng căm phẫn của đồng liêu, lại nhân có lời bàn của văn thần đang bị Bùi Đắc Tuyên bắt đưa đi đày là Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng đã bắt và giết Bùi Đắc Tuyên, sau đó còn sai người bắt giết thêm một số thân nhân của Bùi Đắc Tuyên nữa. Chính quyền của Quang Toản nhờ đó mà tạm được củng cố.

Trong cuộc chiến đấu cam go chống tập đoàn Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng là một trong những tướng lĩnh có nhiều công lao. Từ giữa năm 1799 đến đầu năm 1802, ông và tướng Trần Quang Diệu đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn với quân của Nguyễn Ánh tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay. Thành công của trận vây hãm thành Quy Nhơn liên tục trong mười bốn tháng trời, khiến cho cuối cùng, tướng cao cấp và văn thần cao cấp của Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải tự tử, là thành công gắn liền với tên tuổi của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng.

Tháng ba năm 1802, thấy tình hình Tây Sơn ở vùng Trấn Ninh (phía tây Nghệ An và Thanh Hóa ngày nay) ngày một nguy cấp bởi những trận tấn công ào ạt của Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng đã cùng với Trần Quang Diệu đem quân đi cứu. Rất tiếc là cuộc hành quân này của ông và tướng Trần Quang Diệu không thành công. Trần Quang Diệu bị bắt và bị xử tử một cách rất tàn khốc, còn ông, sử chép vừa không rõ ràng lại vừa không đồng nhất.

Sử sách của nhà Nguyễn chép rằng, ngày 2-11-1802, Võ Văn Dũng bị giết cùng với nhiều bậc cựu cận thần của Quang Trung. Tuy nhiên, một số tài liệu khác lại nói rằng Võ Văn Dũng đã thoát được. Sau, ông quay về vùng An Khê (nay thuộc Gia Lai) rồi sống ở đó cho đến năm 90 tuổi mới mất. Năm 1907, con cháu ông đem hài cốt của ông về cải táng tại quê nhà là làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn.
_________________________________
1. Nguyễn Trọng Trì: Vịnh Võ Đô Đốc (trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện).
2. Chiêu Viễn Hầu (cũng tức Hám Hổ Hầu.).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:17:39 pm »


04. PHAN VĂN LÂN (? -?)

Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi,
hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân, không
mấy khi nhắc đến chuyện nhà. Ông ra vào giản dị chẳng
khác người hầu. Quân Thanh sợ (Phan) Văn Lân, gọi ông
là Phi Tướng Quân nghĩa là tướng như từ trên trời bay xuống
1.



Phan Văn Lân quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào, hiện chưa được rõ. Tuy nhiên, một vài tài liệu cũng cho biết rằng, Phan Văn Lân tôn Trương Văn Hiến làm Thầy, và như vậy cũng có nghĩa là ông cùng ba anh em Tây Sơn có chung một người thầy học. Nếu điều đó đúng thì cũng có thể tạm cho phép đoán định rằng, quê ông không ngoài vùng Thuận Quảng cũ, tuổi ông không quá tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc là bao.

Phan Văn Lân rất giỏi võ, tự cho trường phái võ thuật của mình vốn có từ thời Phạm Ngũ Lão đời Trần lưu truyền lại. Chuyện kể dân gian và ghi chép của một vài dã sử đều nói rằng, sinh thời, Phan Văn Lân có dáng vẻ của một thư sinh ốm yếu hơn là một người có võ nghệ cao cường. Tương truyền, tính ông khiêm tốn, gặp ai cũng cung kính thi lễ chào hỏi cẩn thận, thoạt trông tưởng như ốm yếu đến độ không mang nổi bộ áo quần, hễ ai hỏi đến võ nghệ thì cứ khiêm tốn từ tạ rồi lẳng lặng bỏ đi.

Khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ phát động khởi nghĩa, Phan Văn Lân là một trong những người nhiệt liệt hưởng ứng đầu tiên. Ông được anh em Tây Sơn tin cậy, giao việc chỉ huy quân đánh giặc. Trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Nguyễn Trọng Trì có thuật lại một giai thoại về tướng Phan Văn Lân xẩy ra năm 1778 khá li kì như sau:

Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới chiếm được Quy Nhơn. Một nhà sư ở chùa Thiếu Lâm (Phúc Kiến, Trung Quốc) vượt biển đến theo. Nhà sư rất giỏi võ nghệ nên Nguyễn Nhạc lấy làm yêu quý lắm. Nghe tiếng của Phan Văn Lân, nhà sư bên tìm tới tận dinh trại để xin gặp, nhưng Phan Văn Lân tránh mặt, không chịu ra. Sau, vì quân sĩ thúc giục mãi, Phan Văn Lân mới lặng lẽ đến xem nhà sư dạy võ. Thoáng thấy nhà sư, Phan Văn Lân đã bật cười. Không cần hỏi, nhà sư cũng biết đó chính là Phan Văn Lân và... nhà sư liền thách đấu với Phan Văn Lân. Phan Văn Lân thấy không thể từ chối được, bèn nói rằng:

- Muốn thử thì phải mời vị trưởng quan tới chứng giám và phải giao ước trước rằng, lỡ có chết cũng không được truy cứu trách nhiệm.

Nhà sư đồng ý. Phan Văn Lân rũ áo ngồi yên còn nhà sư thì lao đến đá tới tấp. Phan Văn Lân chỉ hơi nghiêng mình, đưa tay đẩy nhẹ một cái, nhà sư bị tung lên cao rồi rơi xuống đất, đau đến gần chết.

Lại cũng Nguyễn Trọng Trì trong cuốn sách đã nói ở trên còn cho biết thêm một chuyện khác về võ nghệ của Phan Văn Lân như sau:

Một lần, các tướng đưa Phan Văn Lân vào thành rồi đóng chặt cửa thành lại và vừa lạy vừa cung kính thưa với ông rằng:

- Nay cửa thành đã đóng, vào ra đều không thể được, vậy xin tướng công thử võ cho xem.

Bất đắc dĩ, Phan Văn Lân bảo các tướng lấy mấy hòn đá, mỗi hòn nặng đến mấy trăm cân, đem chồng lên nhau rồi nói rằng:

- Tôi chỉ là kẻ yếu đuối, vô dụng, chỉ xin thử một lần cho vui xem có được không.

Nói rồi, Phan Văn Lân đưa sống bàn tay phải chém mạnh xuống, cả ba hòn đá lớn đều bị vỡ làm hai. Ai trông thấy cũng lấy làm kì lạ.

Tài ba, đức độ và sự khiêm tốn của Phan Văn Lân khiến cho quân sĩ rất bình phục. Thường là hễ có công lao ông đều quy hết cho người dưới quyền còn mình thì chẳng hề màng đến.

Đi suốt cuộc trường chinh chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, Phan Văn Lân đã có nhiều cống hiến rất xuất sắc. Ông là người liên tục có mặt trong tất cả những cuộc tấn công của quân Tây Sơn ra Bắc Hà.

Tháng 4 năm 1788, sau khi giết chết Võ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ thành lập một Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà, giao cho Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong Bộ chỉ huy đó, có Phan Văn Lân. Với cương vị này, Phan Văn Lân là một trong những tướng lĩnh có công bàn định kế sách đối phó với quân xâm lược Mãn Thanh. Ban đầu, tuy ý kiến của Phan Văn Lân có phần khác hơn2, nhưng ngay sau đó, ông đã bình tĩnh lắng nghe và nhận ra sự đúng đắn của Ngô Thì Nhậm. Với nghĩa cả chân thành là một lòng vì nước, vì dân, Phan Văn Lân đã ủng hộ một cách mạnh mẽ chủ trương đúng đắn của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà, tạm lui quân về Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng và chờ Nguyễn Huệ mang đại quân ra Bắc.

Trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa (tết Kỷ Dậu, 1789), Phan Văn Lân có vinh dự được cùng với các tướng lĩnh cao cấp khác như Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng... sát cánh với Quang Trung Nguyễn Huệ, chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào Hà Hồi và Ngọc Hồi. Ông đã lập công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của trận đánh lịch sử này. Nhờ công lao to lớn trong nhiều năm liên tục chiến đấu ngoan cường, Phan Văn Lân được Quang Trung Nguyễn Huệ phong tới Đô Đốc, tước Nội Hầu.

Khi Tây Sơn thất bại, số phận của Phan Văn Lân cụ thể ra sao chưa rõ.
______________________________________
1. Nguyễn Trọng Trì: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. (Phan Nội Hầu Văn Lân ngoại truyện).
2. Lúc đầu, Phan Văn Lân chủ trương đem quân lên vùng biên giới phía Bắc, kế thừa kinh nghiệm của Lê Lợi thuở nào, bố trí mai phục để chặn đánh quân Thanh. Tuy nhiên, ý kiến đó đã bị Ngô Thì Nhậm phản bác vì cho rằng Bắc Hà nhân tâm li tán, tình thế không thể tổ chức mai phục được.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:19:13 pm »


05. NGUYỄN VĂN LỘC (? - ?)

Báo quốc nhất thân đô thị đảm
Giao tình thiên tải chỉ luận tâm
1
(Báo đáp Tổ quốc, một tấm thân luôn dũng cảm,
Giao tình với ngàn năm, chỉ luận về chữ tâm mà thôi).


Nguyễn Văn Lộc người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn. Nay đất làng quê ông thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hiện chưa rõ Nguyễn Văn Lộc sinh và mất năm nào.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, Nguyễn Văn Lộc sinh ra trong một gia đình rất nghèo, vì thế mà lúc nhỏ, ông từng phải đi ở chăn trâu cho nhà giàu. Có bậc dị nhân thấy ông tướng mạo và cốt cách đẹp đẽ hơn hẳn những đứa trẻ chăn trâu cùng trang lứa, bèn bí mật truyền dạy võ nghệ cho. Nhờ may mắn này, ngay từ nhỏ võ nghệ của Nguyễn Văn Lộc đã rất cao cường nhưng ông không hề tỏ cho ai biết điều này cả, chỉ khi nào gặp nguy khốn, cực bất đắc dĩ lắm mới đem ra dùng mà thôi.

Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Nguyễn Văn Lộc là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên và cũng ngay từ đầu, Nguyễn Văn Lộc đã liên tiếp lập được nhiều công lớn.

Năm 1775, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đã ồ ạt tấn công vào lực lượng quân chúa Nguyễn do tướng Tống Phúc Hiệp cầm đầu tại Phú Yên. Đây là cuộc tấn công có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ, Tống Phúc Hiệp có trong tay đến hơn hai vạn quân, nếu không đập tan được lực lượng của Tống Phúc Hiệp thì chẳng những kế hoạch tiêu diệt tập đoàn họ Nguyễn đang ẩn náu tại Gia Định bị chặn đứng mà khả năng bị thu hẹp vùng chiếm đóng của Tây Sơn cũng rất có thể sẽ xảy ra. Và, trong trận đánh không cân sức này, Nguyễn Huệ đã thắng. Tống Phúc Hiệp phải bỏ chạy thục mạng. Tướng dưới quyền của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Văn Hiển bị giết tại trận, một viên tướng khác của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Trong chiến thắng vang dội này, Nguyễn Văn Lộc có đóng góp rất quan trọng.

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã vượt đèo Hải Vân, đánh thẳng vào lực lượng quân Trịnh đang đóng tại Phú Xuân. Bấy giờ, tổng chỉ huy quân Trịnh là Tạo Quận Công Phạm Ngô Cầu và Tạo Sĩ Hoàng Đình Thể. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ quân Trịnh ở đây bị tiêu diệt. Hoàng Đình Thể cùng với hai con trai (cũng là tướng cao cấp) và tướng Võ Tá Kiên bị giết tại trận còn Phạm Ngô Cầu thì bị bắt và sau đó cũng bị giết. Trong chiến công chung rất vang dội này, đóng góp của Nguyễn Văn Lộc là rất lớn lao, vì vậy mà sau đó không bao lâu, khi Tây Sơn đã làm chủ được Bắc Hà, ông được trao chức Phòng Ngự Sứ ở Thanh Hóa.

Trong trận đại phá quân xâm lược Mãn Thanh (tết Kỷ Dậu, 1789), Nguyễn Văn Lộc là Đô Đốc, chỉ huy một trong năm đạo quân Tây Sơn. Theo kế hoạch chung của Quang Trung Nguyễn Huệ, từ Biện Sơn, Đô Đốc Nguyễn Văn Lộc chỉ huy một đạo thủy quân, vượt biển tiến ra Hải Dương rồi từ Hải Dương tiến lên Phượng Nhãn và Lạng Giang (vùng Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), sẵn sàng chặn đánh và truy kích quân Mãn Thanh khi chúng bị đánh bật khỏi Thăng Long và bỏ chạy về Trung Quốc. Tuy nhiên, do bất ngờ gặp bão biển cho nên đạo quân do Đô Đốc Lộc chỉ huy tập kết ở Hải Dương muộn hơn vài ngày so với quy định, không kịp bịt kín mọi đường rút lui của quân Mãn Thanh. Mặc dù vậy, đạo quân của Đô Đốc Lộc vẫn đánh được một trận lớn ở Phượng Nhãn, tiêu diệt một bộ phận sinh lực khá lớn của giặc. Tổng chỉ huy quân xâm lược Mãn Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải hốt hoảng vất bỏ cả ấn tín, cờ quạt và sắc phong để chạy thoát thân. Theo ghi chép của Trần Nguyên Nhiếp thì chúng phải: “Đói cơm khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày bảy đêm mới đến trấn Nam Quan”2. Khi về đến Quảng Tây, theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, thì tổng số quân Mãn Thanh chỉ còn lại năm ngàn tên, nghĩa là bọn sống sót chỉ khoảng hơn một phần sáu mươi so với tổng số quân tràn sang nước ta ban đầu. Như vậy, đạo quân do Đô Đốc Lộc chỉ huy đã có công đánh tan tành quân Mãn Thanh trên đường chúng tháo chạy, góp phần quan trọng vào việc đè bẹp ý chí xâm lăng của chúng.

Trong khoảng vài năm đầu của thời Quang Toản, Đô Đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn tiếp tục có thêm nhiều cống hiến xuất sắc. Chính ông là người đã tổ chức đánh bại viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh ở ngay trên đất làng Kỳ Sơn quê hương ông, khiến cho Nguyễn Ánh và tướng tá dưới quyền đều rất kiêng nể tài cầm quân của Đô Đốc Nguyễn Văn Lộc. Sau trận này Đô Đốc Nguyễn Văn Lộc được thăng làm Thần Võ Hữu Quân Đô Thống Chế.

Sau trận Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Lộc có thêm trên hai chục lần đụng độ với quân đội của Nguyễn Ánh do các tướng cao cấp nhất là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành chỉ huy và cả trên hai chục lần đụng độ đó, Nguyễn Văn Lộc đều thắng. Uy danh của ông vang dội ở khắp nơi.

Tiếc thay, cũng đúng vào lúc đó thì chính quyền của Quang Toản ngày một suy yếu bởi sự lộng hành của Bùi Đắc Tuyên. Nguyễn Văn Lộc không cùng phe cánh với tên quyền thần ích kỷ và nhỏ nhen này, vì thế, ông bị Bùi Đắc Tuyên thu hết binh quyền, giáng xuống làm quan Thị Lang ở bộ Lễ. Nguyễn Văn Lộc buồn nản, “từ đó, miệng không nói đến việc binh, ẩn cư ở núi Hoàng Mai huyện Tuy Viễn (nay thuộc tỉnh Bình Định - NKT), thường ngày mang rượu, cưỡi ngựa dong chơi bốn phương”3. Về sau ông mất (không rõ năm nào), được vua Quang Toản ban cho tên Thụy là Trung Liệt.
____________________________________
1. Nguyễn Bá Huân: Lời đề tựa cho Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì.
2. Trấn Nguyễn Nhiếp: An Nam quân doanh kỷ yếu. Dẫn lại của Phan Huy Lê (chủ biên) trong Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1976, trang 441.
3. Nguyễn Trọng Trì: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (Nguyễn Đô Đốc Văn Lộc, ngoại truyện).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:21:24 pm »


06. NGÔ VĂN SỞ (? - 1795)

“Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm,
lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Ông cùng với
Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều
là danh tướng, người đương thời gọi là Tứ kiệt:
Ngô, Trấn, Bùi, Võ. Thường ngày, (Ngô Văn Sở) yêu
kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân”1.



Ngô Văn Sở sinh trưởng tại Bình Khê , Quy Nhơn (nay đất quê ông thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), nhưng tổ tiên ông lại là người Thiên Lộc (nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Hiện chưa rõ họ Ngô di cư vào Tây Sơn lúc nào, cũng chưa rõ năm sinh của Ngô Văn Sở2.

Năm 1771, khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Ngô Văn Sở là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên. Ông đã có mặt trong những trận đánh quan trọng tại Quy Nhơn (1773), Phú Yên (1775) và liên tiếp lập được nhiều công lớn, vì thế, được Bộ chỉ huy Tây Sơn rất tin yêu, trao phó cho những chức vụ ngày càng cao.

Từ năm 1786, Ngô Văn Sở là một trong những tướng lĩnh cao cấp và tin cậy nhất của Nguyễn Huệ. Ông đã có mặt trong Bộ chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào Phú Xuân (1786), vượt sông Gianh đánh ra Bắc Hà (1786), diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787) rồi diệt Vũ Văn Nhậm (1788).

Năm 1786, sau khi giết Vũ Văn Nhậm, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã phong cho Ngô Văn Sở làm Đại Tư Mã, trao quyền đứng đầu Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà. Cùng tham gia Bộ chỉ huy này còn có các tướng cao cấp lừng danh như: Đô Đốc Võ Văn Dũng, Đô Đốc Phan Văn Lân, Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết… cùng một số văn thần xuất sắc mà nổi bật nhất là Ngô Thì Nhậm. Trước khi trở về Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã ân cần dặn rằng:

- “(Ngô Văn) Sở, (Phan Văn) Lân là nanh vuốt của ta, (Võ Văn) Dũng và Ngô (chưa rõ họ - NKT) là tâm phúc của ta, còn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi mới của ta. Ngày nay ta giao việc quân quốc mười một trấn Bắc Hà cho các ngươi, vì thế, các ngươi phải lo toan liệu mà làm việc. Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ. Lòng ta chỉ mong như vậy mà thôi”3.

Tiếp nhận chức vụ quan trọng ấy, Đại Tư Đồ Ngô Văn Sở đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cuối năm 1788, quân Thanh tràn sang xâm lược nước ta, tình hình Bắc Hà diễn biến một cánh rất phức tạp. Thực hiện nghiêm túc lời dặn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rằng “điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ”, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đã triệu tập cuộc hội nghị quân sự cao cấp ngay tại Thăng Long và trong cuộc họp này, Ngô Thì Nhậm là một văn thần mới về với Tây Sơn cũng đã được tham dự. Tại cuộc họp này, ý kiến của Ngô Thì Nhậm hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng và cả ý kiến của chủ tướng Ngô Văn Sở. Nhưng, cảm động thay, Ngô Văn Sở đã biết bình tĩnh lắng nghe và cuối cùng đã nhiệt thành ủng hộ ý kiến của Ngô Thì Nhậm. Đó thực sự là một điều hiếm thấy. Không có một Ngô Văn Sở bình tĩnh và công minh, ý kiến xuất sắc của Ngô Thì Nhậm chắc chắn sẽ bị chìm trong quên lãng mà thôi.

Cuối năm 1788, từ Phú Xuân, Quang Trung Nguyễn Huệ đích thân cầm quân tiến ra Tam Điệp và Biện Sơn, trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến với quân xâm lược Mãn Thanh. Bấy giờ, đại quân của Tây Sơn được chia làm năm đạo. Đạo chủ lực do chính Quang Trung Nguyễn Huệ cầm đầu. Đại Tư Mã Ngô Văn Sở có vinh dự được cùng Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy đạo chủ lực này. Ông đã tham gia chỉ huy hai trận quan trọng nhất của đạo quân chủ lực là Hà Hồi và Ngọc Hồi. Nhờ lập được công lớn trong cả hai trận đánh quan trọng này, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở được Quang Trung Nguyễn Huệ phong tới tước Ích Quốc Công.

Khi quân xâm lược Mãn Thanh và bè lũ tay sai Lê Chiêu Thống đã bị quét sạch khỏi bờ cõi, với cương vị mới là Trấn Thủ Thăng Long, Ngô Văn Sở đã có công lớn trong việc trấn áp các thế lực phản loạn, thiết lập trật tự mới cho đất Bắc Hà.

Đầu đời Quang Toản, Ngô Văn Sở được phong làm Kiến Uy Công, chức Chinh Nam Đại Tướng Quân, chỉ huy lực lượng Tây Sơn đi đánh trả các đợt phản công của Nguyễn Ánh. Ông được coi là hổ tướng ở vùng Diên Khánh (vùng đại để tương ứng với Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay).

Rất tiếc là đang lúc Ngô Văn Sở liên tiếp có những cống hiến to lớn và xuất sắc, thì nội bộ Tây Sơn có sự mất đoàn kết ngày càng nghiêm trọng. Năm 1795, Ngô Văn Sở bị triệu về Phú Xuân và bị dìm xuống sông. Vì chưa rõ năm sinh nên chưa biết khi mất, Ngô Văn Sở thọ bao nhiêu tuổi.
_______________________________________
1. Nguyễn Trọng Trì: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (Ngô Đại Tư Mã Văn Sở ngoại truyện).
2. Về quê cha đất tổ của Ngô Văn Sở, Nguyễn Trọng Trì (sách đã dẫn) nói là ở Thanh Hóa, tuy nhiên, nhiều người khác lại nói là ở Hà Tĩnh, trong đó có các tác giả Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo Dục. Hà Nội. 1990.
3. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:23:28 pm »


07. NGUYỄN VĂN TUYẾT (? -?)

“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân,
vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi
sự bất bình, đó là sở nguyện của ta”1.



Nguyễn Văn Tuyết người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), sinh và mất vào năm nào chưa rõ. Có truyền thuyết dân gian nói rằng ông là cháu họ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ nhưng không thấy tài liệu thư tịch nào xác nhận điều này.

Theo Nguyễn Trọng Trì2 và theo một vài chuyện kể dân gian thì trước năm 1771, Nguyễn Văn Tuyết là một trong số những người du thủ du thực, sống phiêu bạt khắp đó đây. Sau, nhờ một người thầy dạy võ hết lòng yêu thương chỉ vẽ, lại còn đem con gái gả cho, Nguyễn Văn Tuyết đã trở thành người quyết chí đem tài sức của mình ra cứu khổ cho dân. Ông cùng vợ về quê nhà, tham gia khởi nghĩa Tây Sơn và nhanh chóng được anh em Tây Sơn trọng dụng.

Là bậc võ nghệ cao cường lại giàu mưu lược và có biệt tài cầm quân, Nguyễn Văn Tuyết được phong dần lên đến Đô Đốc. Năm 1788, trước khi rút về Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thành lập một Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà và giao cho Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong Bộ chỉ huy ấy có Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết.

Cuối năm 1788, hai mươi chín vạn quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế nguy cấp đó, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đã triệu tập một cuộc hội nghị quân sự cao cấp ngay tại kinh thành Thăng Long. Hội nghị đã thống nhất hai vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một là phải cấp báo cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Hai là triệt để thực hiện ý kiến xuất sắc của Ngô Thì Nhậm, rút quân về Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội đánh trận quyết định số mạng của quân xâm lược Mãn Thanh. Người được Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà tin cậy, trao phó trọng trách gấp rút trở về Phú Xuân một cách an toàn để cấp báo tình hình nguy cấp cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ là Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế ở núi Bân (Huế), Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết được giao trách nhiệm gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc ra Bắc Hà. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ cầm quân ra Bắc, Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết có vinh dự được cùng hành quân ra. Tại Nghệ An và tại Thanh Hóa, Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết vừa có công tuyển lựa, lại vừa có công huấn luyện cấp tốc cho binh sĩ của Tây Sơn.

Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ chia quân làm năm đạo, nhất tề tiến thẳng ra Bắc. Hai trong số năm đạo ấy là thủy quân và một trong hai đạo thủy quân ấy do chính Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy. Đó là một vinh dự lớn, cũng là một vinh dự lớn của Nguyễn Văn Tuyết.

Theo kế hoạch của Quang Trung Nguyễn Huệ, đạo thủy quân do Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy có nhiệm vụ vượt biển tiến vào khu vực sông Lục Đầu, tiêu diệt một bộ phận lực lượng của Lê Chiêu Thống đang đóng giữ tại đây, sau đó, tiến lên uy hiếp phía Đông của kinh thành Thăng Long, tạo cơ hội cho đạo quân chủ lực có thể tràn lên một cách dễ dàng. Và, Đô Đốc Nguyễn  Văn Tuyết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của quân đội Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.

Sau trận đại phá quân Mãn Thanh Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục có thêm nhiều cống hiến đối với chính quyền của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông là một trong những võ quan cao cấp nhất một trong những chỗ dựa quan trọng của Quang Trung Nguyễn Huệ về hoạt động của các lực lượng vũ trang.

Năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, vua kế vị là Quang Toản không đủ năng lực, càng không đủ uy tín để giữ gìn và phát huy những thành tựu của vua cha để lại. Chính quyền của Quang Toản bị chia rẽ và mất đoàn kết ngày càng nghiêm trọng. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Ánh đã liên tục tổ chức phản công. Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta, triều Nguyễn được dựng lên kể từ đó.

Thời Nguyễn, một trong những chính sách lớn được đặt ra là trả thù một cách thậm tệ đối với những người theo Tây Sơn. Nhiều thuyết nói rằng Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết đã bị Nguyễn Ánh giết hại, tuy nhiên cũng có thuyết nói rằng Nguyễn Văn Tuyết đã trốn được và sống mai danh ẩn tích cho đến ngày qua đời. Hiện chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.

Nay, tại đường Hoàng Diệu (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) có một ngôi đền thờ cũng là nhà thờ của dòng họ Nguyễn Văn Tuyết. Ở đấy, con cháu Nguyễn Văn Tuyết vừa thờ tổ tiên của mình là Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết, lại vừa thờ Đô Đốc Long. Đô Đốc Long nói đến ở đây có lẽ là Đô Đốc Đặng Văn Long, người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), tức là đồng hương với Nguyễn Văn Tuyết3. Theo lời giải thích của dòng dõi Nguyễn Văn Tuyết thì sở dĩ họ thờ Đô Đốc Long ở đây vì sinh thời, Đô Đốc Long là thầy dạy võ của Nguyễn Văn Tuyết. Tuy nhiên, tư liệu về Đô Đốc Đặng Văn Long còn quá sơ sài, cho nên, chúng tôi chưa dám giới thiệu gì về ông.
___________________________________
1, 2, 3. Nguyễn Trọng Trì: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (Nguyễn Đô Đốc Văn Tuyết ngoại truyện).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2009, 06:25:05 pm »


08. BÙI THỊ XUÂN (? - 1802)

Cổ kim bất phạp chân anh hùng,
Năng ngự ngoại hồi vi thượng công.
Tráng tai Thị Xuân kì nữ tử,
Thống suất tì hưu biến Tây-Đông.

Tổ tông cương thổ bất dung vong,
Nam nhi tử tất tại sa trường.
Nam nhi bật hướng sa trường tử,
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân
1.


Bùi Thị Xuân người làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay thuộc tỉnh Bình Định), sinh năm nào chưa rõ. Bà là vợ của Thiếu Phó Trần Quang Diệu, vì thế, đời vẫn thường gọi bà là Bà Thiếu Phó.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn, bà cũng là một trong những người nhiệt liệt tham gia hưởng ứng đầu tiên. Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng.

Bấy giờ, bà vừa là vợ lại cũng vừa là một thuộc tướng của Thiếu Phó Trần Quang Diệu. Mỗi khi ra trận, Bùi Thị Xuân luôn giương cao ngọn cờ trên có thêu bốn chữ Tây Sơn nữ tướng (vị nữ tướng của Tây Sơn). Hễ lá cờ này xuất hiện ở đâu là đối phương ở đó phải khiếp đảm. Dưới thời Quang Trung Nguyễn Huệ, tên tuổi của nữ tướng Bùi Thị Xuân chưa có gì nổi bật lắm, nhưng sang thời Quang Toản thì khác hẳn. Bấy giờ có hai sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp tới bà và chính từ hai sự kiện đó, danh thơm của bà được truyền tụng mãi.

Sự kiện thứ nhất là thái độ của bà đối với Bùi Đắc Tuyên (tức Bùi Đắc Kế). Buổi đầu, Bùi Đắc Tuyên là người lập được nhiều công lao, do vậy, được Quang Trung Nguyễn Huệ phong tới hàm Thái Sư. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, Bùi Đắc Tuyên đã tìm cách nắm lấy binh quyền và để củng cố địa vị của mình, Bùi Đắc Tuyên đã tìm cách hãm hại không ít đồng liêu. Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Quang Toản ngày một trầm trọng. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị Võ Văn Dũng giết chết. Bấy giờ, rất nhiều người nghi ngại đối với Bùi Thị Xuân, bởi lẽ Bùi Thị Xuân là cháu của Bùi Đắc Tuyên. Nhưng, khác với suy nghĩ của nhiều người, Bùi Thị Xuân đã có một thái độ rất công minh. Bà không thù oán những người đã giết Bùi Đắc Tuyên, không vì sự rối ren của triều đình mà rời bỏ vị trí chiến đấu của mình.

Sự kiện thứ hai là việc bà tham gia trận Trấn Ninh (tháng 1-1802) chống lại cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Trong trận này, bà là người chỉ huy năm ngàn quân, hiên ngang tấn công một cách quyết liệt vào đội ngũ của đối phương, khiến cho Nguyễn Ánh rất khiếp sợ. Bà và chồng là Trần Quang Diệu thực sự là những hổ tướng lừng danh nhất trong giai đoạn cuối cùng của Tây Sơn. Rất tiếc là lực lượng chung của Tây Sơn đến đó đã hoàn toàn rệu rã, mưu lược, lòng dũng cảm và tài cầm quân của bà cùng với các tướng lĩnh trung thành còn lại không đủ để chống chọi. Tháng 3-1802, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được Trấn Ninh.

Năm 1802, dọc đường rút quân ra Bắc, bà cùng chồng và con gái bị quân Nguyễn Ánh bắt tại Nghệ An, sau đó, chúng đã xử tội cả gia dình bà một cách rất tàn khốc. Trần Quang Diệu bị lột da còn bà và con gái là Trần Bích Xuân thì hiện tại có hai thuyết khác nhau. Thuyết thứ nhất nói hai mẹ con bà bị xử tội lăng trì (tức là xẻo thịt từng miếng cho đến chết thì thôi). Thuyết thứ hai nói cả hai mẹ con bà bị đem ra cho voi giày. Nhưng, cho dẫu là thuyết nào đúng thì việc xử tội bà cũng đều là quá tàn khốc. Và điều đáng nói là, các tài liệu đều nói rằng, bà và con gái đã chết một cách rất hiên ngang, không một lời kêu than, cũng không một chút nao núng. Trong tình cảm nồng nàn và kí ức bất diệt của các thế hệ nhân dân, tên tuổi và hình ảnh của vị nữ tướng anh hùng này mãi mãi tỏa sáng:

“Bạch mã trì khu cổ chiến trường,
Tướng quân bách chiến thanh uy dương”
.

Nghĩa là:

Ngựa trắng (chừng như) vẫn rong ruổi ở chốn chiến trường xưa,
Tướng quân (từng trải) trăm trận, tiếng tăm lừng lẫy.
_________________________________________
1. Nguyễn Trọng Trì: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (Bùi Phu Nhân ca). Mấy câu trên có nghĩa là:
    Xưa nay chẳng thiếu các bậc thực sự anh hùng,
    Có thể ngăn giặc ngoài làm nên công cao.
    Mạnh thay Bùi Thị Xuân, người con gái lạ lùng,
    Cầm quân vùng vẫy khấp tây-đông.
    Đất đai tổ tông không thể để mất,
    Nam nhi hẳn nhiên phải chết ở chốn sa trường.
    Nếu nam nhi mà không hướng về sa trường để chết,
    Hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:51:47 pm »


CHƯƠNG THỨ TƯ
PHỤ LỤC



I - ĐẶNG TIẾN ĐÔNG (1738 -?)
01. TIỂU DẪN

Ngọc Hồi - Đống Đa là một trong những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy vào hàng bậc nhất của lịch sử dân tộc. Người trực tiếp vạch kế hoạch, cũng là vị Tổng chỉ huy thiên tài của trận đánh lịch sử này là Quang Trung Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, bên cạnh Quang Trung Nguyễn Huệ và sát cánh chỉ huy chiến đấu đầy hiệu quả với Quang Trung Nguyễn Huệ còn có một loạt các tướng lĩnh xuất sắc khác, trong đó có vị Đô Đốc được nhiều tài liệu thư tịch cổ chép là Đô Đốc Long, thi thoảng cũng có tài liệu chép là Đô Đốc Mưu.

Trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) có chép chuyện Đô Đốc Long và cho biết đầy đủ cả họ lẫn tên của vị Đô Đốc này là Đặng Văn Long (người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay thuộc huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, phân tích kĩ tài liệu này thì thấy Đô Đốc Đặng Văn Long là một tướng trong đạo quân chủ lực do Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy chứ không phải là vị Đô Đốc chỉ huy một trong năm đạo quân tham gia trận Ngọc Hồi-Đống Đa. Đặng Văn Long có vẻ như là một tướng tiên phong của Quang Trung Nguyễn Huệ chứ không phải là Đô Đốc chỉ huy một đạo quân riêng. Cũng trong Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Đô Đốc Đặng Văn Long chừng như chỉ tham gia chiến đấu ở trận Hà Hồi và Ngọc Hồi chứ không hề đánh trận Đống Đa.

Tượng Đô Đốc Đặng Tiến Đông (chùa Trăm Gian - Hà Tây)


Vậy người chỉ huy một trong năm đạo quân của Tây Sơn từ Tam Điệp, tiến thẳng ra Đại Áng rồi tấn công vào Đống Đa là ai? Xưa nay, nhiều người vẫn theo sử cũ mà chép lại là Đô Đốc Long và không dám chú thích gì thêm, đành tạm cho vào hàng “khuyết truyện”.

Gần đây, khi bắt tay soạn thảo bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM, chúng tôi cũng có may mắn nhận thêm được một số tài liệu về Đô Đốc Long. Nhưng, phân tích các tài liệu mới nhận được, một lần nữa, chúng tôi lại thấy chừng như có một vị Đô Đốc là Đặng Văn Long trong quân đội Tây Sơn. chỉ tiếc rằng Đô Đốc Đặng Văn Long trong tất cả các tài liệu mới nhận được không phải là vị Đô Đốc chỉ huy một trong năm đạo quân tham gia trận Ngọc Hồi - Đống Đa.

Trong điều kiện khó khăn hiện tại, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của Giáo Sư Phan Huy Lê trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 154 (1-1974). Kể ra bài báo được viết cũng đã khá lâu, nhưng giá trị khoa học thì càng ngày càng được khẳng định. Hiện nay ở thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên Đặng Tiến Đông chạy từ phố Tây Sơn (mé tây gò Đống Đa) đến phố Láng Hạ, thuộc quận Đống Đa. Sau, năm mất của Đặng Tiến Đông được xác định là 1801, tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo bài viết của Giáo Sử Phan Huy Lê mà để khuyết năm mất.

Dưới đây là nguyên văn bài viết của Giáo Sư Phan Huy Lê trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 154 (1-1974).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 05:56:19 pm »


02. ĐÔ ĐỐC ĐẶNG TIẾN ĐÔNG – MỘT TƯỚNG TÂY SƠN CHỈ HUY TRẬN ĐỐNG ĐA
PHAN HUY LÊ

Ngọc Hồi - Đống Đa là hai chiến thắng oanh liệt nhất, giữ vai trò quyết định thắng lợi của kháng chiến chống Thanh năm 1788-1789. Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy trận Ngọc Hồi. Nhưng, dưới sự lãnh đạo chung của Quang Trung, ai là người đã chỉ huy quân đội Tây Sơn lập nên chiến công Đống Đa lịch sử. Sử sách chỉ ghi chép một cách sơ lược và mơ hồ: có sách chép là Đô Đốc Long1, có sách chép là Đô Đốc Mưu2. Tên nhân vật đó chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử mà ngay cả dòng họ, quê quán cũng không ai biết.

Gần đây, chúng tôi phát hiện được một số di vật gốc đời Tây Sơn và thu tập được một số tư liệu cho phép xác minh một tướng Tây Sơn được Quang Trung giao cho trọng trách đánh thắng trận Đống Đa là Đô Đốc Đông Lĩnh Hầu Đặng Tiến Đông.

Gia phả các chi họ Đặng, đặc biệt là bộ Đặng gia phổ hệ toản chính thực lục gồm 6 quyển3 do chính Đặng Tiến Đông biên soạn vào đời Tây Sơn và Ngô Thì Nhậm đề tựa.

Đặng Tiến Đông sinh vào giờ Sửu (khoảng từ 01 giờ đến 03 giờ sáng) ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ tư, tức ngày 18 tháng 6 năm 1738, tại xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên (Hà Tây), thuộc chi trưởng dòng họ Đặng, gốc ở làng Lương Xá (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây).

Theo gia phả và bài tựa của Ngô Thì Nhậm thì họ Đặng xưa vốn là họ Trần, tương truyền thuộc dòng dõi Trần Hưng Đạo. Đến đầu đời Lê, Trần Văn Huy đỗ Tiến Sĩ, lấy tự là Đặng Hiên nên từ đó, con cháu lấy tự của cha làm họ rồi chuyển từ họ Trần sang họ Đặng. Ngoài cách giải thích đó, một số con cháu họ Đặng còn lưu lại truyền thuyết cho rằng, vào đời Mạc, họ này có nhiều người “phù Lê diệt Mạc” nên bị nhà Mạc truy lùng và từ đấy, đổi ra họ Đặng. Điều chắc chắn là từ đời Đặng Huấn có công phù Lê, dòng họ Đặng trở thành một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong suốt thời Lê-Trịnh. Vùng Chương Mỹ còn lưu hành nhiều câu hát về dòng họ Đặng ở Lương Xá như sau:

Giầu thì Quảng Bị, Bối Khê,
Làm quan Lương Xá, ngoại đê Đại Từ.

Hay:

Bao giờ chợ Chúc hết người,
Sông Ninh hết nước, Đặng này hết quan.
_________________________________________
1. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà Xuất bản Văn học Hà Nội, 1964, tr. 362,364. Lê Trọng Hàm: Minh đô sử, sách chép tay, q.44.
2. Sử Quán triều Nguyễn: Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách in đời Nguyễn, q.30. Đào Nguyên Phổ: Tây Sơn thủy mạt khảo, sách chép tay.
3. Đặng Tiến Đông: Đặng gia phổ hệ toản chính thực lục. Sách chép tay gồm 6 quyển:
    - Quyển 1 gọi là Ngoại kí chép nguồn gốc xa của họ Đặng vốn là họ Trần.
    - Quyển 2 chép về Nghĩa Quốc Công Đặng Huấn.
    - Quyển 3 chép về đời Hà Quận Công Đặng Tiến Vinh.
    - Quyển 4 chép về đời Doanh Quận Công Đặng Thế Tài.
    - Quyển 5 chép về đời Yên Quận Công Đặng Tiến Thự.
    - Quyển 6 chép về đời Dận Quận Công Đặng Tiến Cẩm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 06:02:25 pm »


Đặng Tiến Đông là con trai thứ tám của Dận Quận Công Đặng Tiến Cẩm và bà vợ lẽ thứ năm là Phạm Thị Yến. Vào thời Lê mạt, cả gia đình ông, từ ông cha đến anh em, chú bác đều là những quan lại, tướng soái cao cấp, giữ nhiều chức tước quan trọng trong triều, ngoài trấn. Nhận xét về họ Đặng và con cháu Đặng Huấn, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: “Ngôi kiêm cả tướng văn, tướng võ; một nhà quý hiển ít ai sánh kịp”1.

Đặng Tiến Cẩm (1679-1749) là con trai thứ năm Yên Quận Công Đặng Tiến Thự. Đặng Tiến Thự đã từng làm Trấn Thủ Nghệ An, phong đến chức Thái Phó, được chúa Trịnh ban cho họ tên là Trịnh Liễu và sau khi chết được truy tặng Thái Tể. Đặng Tiến Cẩm đã từng giữ các chức: Quyền Trấn Thủ Nghệ An kiêm Trấn Thủ châu Bố Chính, Trấn Thủ các xứ Hải Dương, An Quảng; Trấn Thủ Sơn Tây, Đốc Lãnh Hải Dương, Lưu Thủ kinh thành, hai lần làm Đề Điệu kì thi Bác Cử (thi võ) và phong đến chức Điện Tiền Kiểm Điểm Ti, Đô Kiểm Điểm. Anh em của Đặng Tiến Cẩm tức chú bác ruột của Đặng Tiến Đông, đều nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp của chính quyền họ Trịnh. Gia Quận Công Đặng Tiến Lân làm đến chức Đại Tư Đồ. Lại Quận Công Đặng Đình Sở giữ chức Trấn Thủ Sơn Tây. Bộc Quận Công Đặng Tiến Luận làm Đốc Phủ Sơn Tây, Hải Dương. Đặc biệt, Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng đã giữ những chức tước cao nhất của phủ chúa như Bồi Tụng, Tả Đô Đốc Thiếu Phó, Thái Phó, Đại Tư Mã, Đại Tư Không, và - như Phan Huy Chú đã nhận định - “Trong khoảng bảy mươi năm, là một bậc kì cựu trải qua mấy triều, công danh phẩm giá hơn cả các quan, ba con và một cháu của ông đều lấy Quận Chúa, một nhà quý thịnh, người bấy giờ gọi, là ông Tiên Quốc Lão2.

Đặng Tiến Đông thuộc một dòng họ thế phiệt, xuất thân trong một gia đình quý tộc đời đời ăn lộc vua bổng chúa. Nhưng, ông sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức biến động và đảo lộn của xã hội.

Năm 1747, lên 9 tuổi, Đặng Tiến Đông bắt đầu theo học thầy Doãn Xá tại chùa Thủy Lâm (hay chùa Lương Xá, tại xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Tây).

Năm 1749, Đặng Tiến Đông 11 tuổi thì mồ côi cha. Mười năm sau, năm 1759, mẹ ông cũng qua đời.

Đặng Tiến Đông bước vào đời đã phải chứng kiến cảnh đổ nát, tàn tạ của chế độ phong kiến, đời sống lầm than cực khổ của nhân dân và những cuộc đấu tranh rung trời chuyển đất của quần chúng. Những cơn bão táp của chiến tranh nông dân Đàng Ngoài đang lay động tận nền tảng cơ đồ thống trị của vua Lê chúa Trịnh xây dựng mấy trăm năm. Cha anh và chú bác của Đặng Tiến Đông từng cầm quân trấn áp những cuộc khởi nghĩa nông dân đó và nhiều phen bị thất bại thảm hại. Trong gia phả họ Đặng do ông viết, ông đã ghi chép một cách khá đầy đủ và trung thực hành động của cha anh, chú bác, kể cả những lần bị quân nông dân đánh cho thất điên bát đảo. Dưới ngòi bút của ông có thể nhận thấy, hình như ông đã bước đầu cảm thấy trong những cuộc “nổi loạn” của quần chúng một sức mạnh quật khởi khó lòng chế ngự. Nhiều thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa, ông vẫn gọi là “nghịch”, là “giặc”, nhưng qua một số hành động do ông ghi lại, thì không phải là kẻ hung ác, tàn bạo, mà là người có tình, có nghĩa. Trong gia phả ông có kể lại hai trường hợp Quận He Nguyễn Hữu Cầu tha chết cho cha ông là Dận Quận Công Đặng Tiến Cẩm và anh cả của ông là Trí Trung Hầu Đặng Đình Trí.

Thực tế lịch sử đau thương và quật cường những năm giữa thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài đã dần dần tác động đến cách nhìn, tư tưởng và tình cảm của Đặng Tiến Đông. Nhưng phải đến phong trào nông dân Tây Sơn cùng với những chấn động mãnh liệt của nó đối với toàn bộ cơ cấu xã hội, mới mở ra cho Đặng Tiến Đông cũng như một số sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà, một chân trời mới.

Giữa năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Huệ, ào ạt vượt sông Gianh, tiến ra Bắc Hà. Trong chốc lát, nền thống trị của họ Trịnh bị lật nhào. Trật tự chính trị ở Bắc Hà trải qua một cơn đảo lộn. Trước sự ruỗng nát và sụp đổ của chế độ họ Trịnh, phong trào Tây Sơn là tiêu biểu của sức mạnh phi thường, một sức sống đang vươn lên. Hơn một tháng sau, đoàn quân “áo vải cờ đào” và người anh hùng của họ rút về Nam, trao trả quyền hành lại cho nhà Lê. Nhưng rồi triều đình vua Lê mà bấy lâu nhân dân và sĩ phu Bắc Hà vẫn kì vọng, lại có dịp bộc lộ tính chất nhu nhược, bất lực hoàn toàn của nó. Chiếc ngai vàng ọp ẹp của nhà Lê vốn đã rệu rạo, nay càng ngả nghiêng trước tình trạng cực kỳ hỗn loạn của Bắc Hà. Quân Tây Sơn vừa rút, Lê Chiêu Thống đã cảm thấy “một nước trống rỗng” và vội “viết thư triệu hết những người thế gia và bầy tôi cũ dấy quân về bảo vệ hoàng thành”. Nhân đấy, “bọn hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, chiêu tớp binh mã, đều mượn danh nghĩa “bảo vệ”. Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn3. Bọn con cháu chúa Trịnh như Trịnh Lệ, Trịnh Bồng, bọn tướng tá cũ như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế... đều nổi dậy tranh giành, đánh giết nhau và ức hiếp nhân dân thậm tệ. Vua Lê lại bị đặt vào địa vị bù nhìn. Dưới sự hoành hành của bọn tướng quân phiệt, “ngay giữa ban ngày, thủ hạ ra sức cướp bóc dân cư gần kinh thành, không có hiệu lệnh ngăn cấm. Mọi người đều cho là không còn hi vọng gì cả4. Nhân cơ hội đó, cuối năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh lấy danh nghĩa tôn phò vua Lê, chiêu tập binh mã ở Nghệ An rồi kéo ra Thăng Long. Đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh lại thâu tóm mọi quyền hành ở Bắc Hà, “quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước5. Từ một phần tử phong kiến thất thế ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh phải theo Tây Sơn để gây dựng lực lượng, nay lại phản bội Tây Sơn, âm mưu làm bá chủ Thăng Long. Dưới sự chuyên chế của Chỉnh, tình hình Bắc Hà càng rối loạn: “Lòng người lìa tan, quan văn, quan võ ai cũng chán nản... Bọn hào mục gian ác ở đâu thì tụ họp ở đấy rồi đi cướp bóc lẫn nhau. Ngoài thành vài dặm đều là hang ổ của bọn trộm cướp6.

Trong vòng hơn nửa năm kể từ khi quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long (tháng 7 năm 1786), tình hình Bắc Hà đã trải qua những biến động dồn dập. Những biến động đó càng chứng tỏ sự bất lực, sụp đổ không gì cứu vãn nổi của các thế lực phong kiến cũ và càng làm cho nhân dân Bắc Hà hướng về Tây Sơn. Diễn biến lịch sử đó cũng đã ảnh hưởng quyết định đến chí hướng và hành động của một số sĩ phu tiến bộ, thức thời ở Bắc Hà, trong đó có Đặng Tiến Đông, ông đã sớm tìm thấy ở phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của người anh hùng Nguyễn Huệ, một niềm tin và một phương hướng mới của cuộc đời.
___________________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch Nhà Xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960,T.1, Tr. 257.
2. Phan Huy Chú. Sách đã dẫn. Tr.229.
3. Sử Quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục Bản dịch Nhà Xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960. T.XX. Tr.23.
4. Sử Quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, sách đã dẫn, T.XX. Tr. 25.
5. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, Tr.195.
6. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, Tr.219.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 06:03:25 pm »


Khoảng nửa đầu năm 1787, Đặng Tiến Đông lặn lội vào tận Quảng Nam, tìm đến quân doanh yết kiến Nguyễn Huệ khi Nguyễn Huệ đang đóng quân ở đây. Có hai văn bản và di vật gốc đời Tây Sơn xác nhận sự kiện này. Đó là bài văn bia đề là Tông đức thế tự bi do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc và đạo sắc do Nguyễn Huệ phong chức tước cho Đặng Tiến Đông.

Bài văn bia được khắc vào một tấm bia đá dựng trước chùa Thủy Lâm, thôn Lương Xá (nay thuộc xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Tây). Bia cao 1,72m, bề ngang 0,85m, dày 0,34m. Nội dung bài văn bia, ngoài phần nói về thế phả họ Đặng, có một đoạn ngắn nhưng, rất quan trọng, tóm lược công lao, sự nghiệp của Đặng Tiến Đông kể từ khi theo Tây Sơn cho đến khi lập chiến công trong cuộc kháng chiến chống Thanh. Bài văn bia khắc vào ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tị, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ năm, tức ngày 9-7-1797. Cuối bia ghi rõ ngày tháng và niên hiệu:

Hoàng triều đệ nhị đế...(hai chữ Cảnh Thịnh bị đục), vạn vạn niên chi ngũ tuế, tại Đinh Tị lục nguyệt thập ngũ nhật”.

Cùng chức tước, họ tên người soạn và nhuận sắc bài văn bia là:

“Đương triều dực vận công thần, sắc thụ Đặc Tiến Vinh Lộc Thượng Đại Phu, Thị Trung Ngự Sử, Khâm Sai Khánh Hạ Sứ, Thụy Nham Hầu Phan Huy Ích, Chi Dụ Phủ, kính soạn”.

“Đương triều dực vận công thần, sắc thụ Đặc Tiến Vinh Lộc Thượng Đại Phu, Thị Trung Đại Học Sĩ, kiêm Binh Bộ Thượng Thư, quản lĩnh Bí Thư Thự, Tình Phái Hầu Ngô Thì Nhậm, Hy Doãn Phủ, kính nhuận.”

Phan Huy Ích quê ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Tây). Ngô Thì Nhậm quê ở làng Tả Thanh Oai (Hà Tây). Hai người đỗ Tiến Sĩ, đã từng làm quan cho họ Trịnh và tháng 5 năm 1788, khi Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long lần thứ hai, đều theo Tây Sơn. Đối với Đặng Tiến Đông, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm là những người bạn thân thiết cùng quê, cùng triều và cùng chí hướng.

Về việc Đặng Tiến Đông tìm vào Quảng Nam theo Nguyễn Huệ, bài văn bia ghi rõ: “Thái Tổ Vũ Hoàng Đế của hoàng triều, nghĩa thanh vang dội, đóng quân ở Quảng Nam, ông (tức Đặng Tiến Đông - T.g.) đến cửa quân xin yết kiến, được đón tiếp và đãi ngộ riêng, rồi được tin yêu ban cho ấn kiếm, giao cho thống lĩnh việc quân...

Đạo sắc phong chức tước cho Đặng Tiến Đông đề ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ mười, tức ngày 15-8-1787. Văn bản viết trên giấy sắc, khổ 138 × 50 cm, hiện do chi trưởng của dòng họ Đặng ở Lương Xá giữ và đặt thờ trên bàn thờ của chi họ này. Đây là nguyên bản sắc phong chức tước đời Tây Sơn còn giữ được đến nay. Trên tờ sắc có dấu son hình vuông, khổ 7,8 × 7,8 cm đóng trên dòng chữ đề niên hiệu Thái Đức thập niên và hai dấu kiềm hình bầu dục thắt eo ở giữa, khổ 8,4 × 2,5 cm đóng trên dòng chữ ghi họ tên và chức tước của Đặng Tiến Đông.

Thái Đức là niên hiệu của “Hoàng Đế” Nguyễn Nhạc. Nhưng tờ sắc phong này không phải do Nguyễn Nhạc mà do Nguyễn Huệ phong chức tước cho Đặng Tiến Đông. Lúc đó, Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, chưa lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu riêng nên tờ sắc phong còn dùng niên hiệu Thái Đức của Nguyễn Nhạc.

Tờ sắc có đoạn biểu dương Đặng Tiến Đông là người có “khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử, đường làm quan gặp gỡ dựng nên công lớn vua tôi, trước sau báo đền, không quên điều hiểu biết của kẻ sĩ trong nước, trải qua mùa đông mà không chịu khuất như cây tùng lúc giá rét” Đặng Tiến Đông được Nguyễn Huệ đón tiếp niềm nở, tin cẩn và lập tức được ban ấn kiếm, phong chức tước. Theo tờ sắc Nguyễn Huệ phong cho Đặng Tiến Đông làm Đô Đốc Đồng Tri, tước Đông Lĩnh Hầu và sai giữ chức Trấn Thủ xứ Thanh Hoa. Từ đó, Đặng Tiến Đông trở thành một tướng soái cao cấp của quân đội Tây Sơn dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huệ.

Hiện nay gia phả họ Đặng và những tư liệu có liên quan chưa cho biết rõ, trước khi theo Nguyễn Huệ, Đặng Tiến Đông đã đỗ đạt như thế nào, đã giữ những chức tước gì trong chính quyền họ Trịnh rồi rời Bắc Hà vào Quảng Nam vào lúc nào? Điều chắc chắn là Đặng Tiến Đông đã tìm đến yết kiến Nguyễn Huệ trước ngày 15-8-1787. Và chính cuộc tri ngộ đó đã đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Tiến Đông. Như vậy, trong số quan lại, sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà đi theo Tây Sơn phải kể Đặng Tiến Đông là người đầu tiên. So với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... theo Tây Sơn vào giữa năm 1788, hành động của Đặng Tiến Đông sớm hơn gần một năm. Hơn nữa, Đặng Tiến Đông lại tự mình tìm vào Quảng Nam xin yết kiến Nguyễn Huệ, thể hiện một thái độ thức thời, kiên quyết và mạnh dạn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM