Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:37:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 4  (Đọc 97679 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 11:20:37 pm »

Tên sách: Lịch sử Quân sự Việt Nam-Tập 4: Hoạt động quân sự thời Trần (Thế kỷ XIII - XIV)
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, UyenNhi05


Ban chủ nhiệm.

Thiếu tướng, PGS , TS . TRỊNH VƯƠNG HỒNG .
Đại tá, TS. LÊ ĐÌNH SỸ
Đại tá TRẦN BÍCH

Tác giả:

Trung tướng, GS, TS. ĐỖ TRÌNH (chủ biên)
Đại tá TS. LÊ ĐÌNH SỸ
Đại tá NGUYỄN VĂN NHÃ
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Năm, 2009, 06:12:46 am gửi bởi ptlinh » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 11:22:40 pm »

                                                   Đoạt sáo Chương Dương độ,
                                                   Cầm Hồ Hàm Tử quan.
                                                   Thái bình tu trí lực
                                                   Vạn cổ thử giang san.


                                                                                  Trần Quang Khải

                                                                   Dịch:

                                                    Chương Dương cướp giáo giặc,
                                                    Hàm Tử bắt quân thù.
                                                    Thái bình rèn trí lực,
                                                    Non nước ấy muôn thu.



LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trong 200 năm tồn tại của mình, vương triều Lý đã có công lao to lớn đưa Đại Việt bước vào thời kỳ phục hưng vĩ đại. Nhưng do những mâu thuẫn trong nội bộ vương triều và trước yêu cầu của lịch sử, nhà Lý đã chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho nhà Trần một cách hoà bình bằng cuộc hôn nhân giữa hai dòng họ.

Vốn xuất thân bình dân từ gia tộc làm nghề đánh cá ở vùng hạ bạn cuối sông Hồng, nhà Trần hưng nghiệp đại diện xứng đáng cho dân tộc, tiếp tục đưa đất nước phát triển mạnh mẽ với hào khí Đông A huy hoàng trong lịch sử. 

Từ kinh nghiệm đau thương trong suốt 15 thế kỷ trước đó và xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể, nhà Trần không ngừng phát triển mọi mặt tiềm lực đất nước, chăm lo xây dựng quân đội, sẵn sàng binh bị, củng cố quốc phòng, đối phó thắng lợi với các cuộc xâm lăng từ hai đầu đất nước, nhất là kẻ thù đến từ phương Bắc.

Đế quốc Mông Cổ là một hiện tượng đột xuất trong lịch sử nhân loại. Sau khi thống nhất quốc gia bằng các cuộc đấu tranh bộ lạc đẫm máu, trở thành Đại hãn Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn đã dốc toàn bộ binh lực và sức mạnh của đất nước vào cuộc chiến tranh xâm lược và nô dịch các dân tộc khác với một khát vọng điên cuồng, kéo thế giới vào cuộc chiến tranh khủng khiếp. Kết quả là một đế quốc rộng lớn từ Hắc Hải đến Thái Bình Dương ra đời và phát triển cường thỉnh đến tột bậc.

Sau khi thôn tính gần hết đất nước Trung Hoa, người Mông Cổ âm mưu tiêu diệt nhà Nam Tống và lần lượt chinh phục các quốc gia Đông á và Đông Nam á, cả các quốc gia xa xôi ngoài biển cả như Nhật Bản.

Để tiêu diệt nhà Nam Tống, Đại hãn Mông Kha cho quân đánh chiếm Đại Việt, vừa tạo bàn đạp bao vây vu hồi Nam Tống từ phía nam, vừa thực hiện kế ở lâu dài, phát triển tiến công xuống Đông Nam á.  Đội quân xâm lược đông chừng bốn vạn tên lần đầu tiên xâm lăng Đại Việt đã bị quân và dân nhà Trần đánh bại chỉ trong vòng một tháng - tháng Giêng năm 1258.

Kế đó Đại hãn Mông Kha tiêu diệt nhà Nam Tống, trực tiếp cai quản Trung Hoa rộng lớn bằng một triều đại mới - triều Nguyên. Nhà Nguyên là sự kết hợp giữa khát vọng phiêu hếu điên cuồng của người Mông Cổ và sự thâm hiểm của tư tưởng bành trướng Đại Hán - trở thành mối đe doạ thường trực đối với các dân tộc trong vùng.

Năm 1285, đội quân hỗn hợp Mông - Hán chừng 50-60 vạn tên đánh chiếm Đại Việt lần thứ hai với quy mô và cường độ ác liệt gấp nhiều lần cuộc xâm lược lần thứ nhất, bằng hai mũi trực diện từ hướng bắc, một mũi vu hồi từ Chăm pa đánh ngược lên nhằm nhanh chóng tiêu diệt nhà Trần.

Ý định chặn giặc từ biên giới không thành, Bộ Thống soái nhà Trần tổ chức rút lui chiến lược, làm thanh dã, tiến hành chiến tranh nhân dân rộng lớn, củng cố lực lượng và thực hành phản công chiến lược đuổi địch ra khỏi bờ cõi. Đây là cuộc kháng chiến khó khăn, ác liệt và dài nhất trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên.

Năm 1288, nhà Nguyên lại tổ chức xâm lược Đại Việt lần thứ ba với cách đánh thâm độc mới - đánh chắc, tiến chắc và chú trọng thủy binh. Bằng trận Bạch Đằng lịch sử, quân và dân Đại Việt thời Trần đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến, trong vòng 30 năm, đánh thắng liên tiếp ba cuộc xâm lược quy mô lớn của kẻ thù hung bạo nhất thời đại. 

Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần không chỉ đối phó với nguy cơ xâm lược đến từ phương Bắc mà còn phải lo phòng bị đối phó với các cuộc xâm lấn từ hai quốc gia phía nam và phía tây đất nước.

Ở giai đoạn hưng thịnh, nhà Trần đã xử lý khôn khéo các mối quan hệ với Chăm pa và Ai Lao, có lúc thì phối hợp giúp đỡ lẫn nhau, lúc quan hệ mềm dẻo để ràng buộc nhằm giữ yên biên giới và mở mang bờ cõi. 

Theo phân công biên soạn, tác giả tập sách gồm các nhà sử học quân sự, do Trung tướng, GS, TS. Đỗ Trình làm chủ biên. Sự thật lịch sử đã được các tác giả trình bày khái quát và sáng tỏ với nhãn quan quân sự ở tầm chiến lược. Vừa chú trọng trình bày diễn trình lịch sử, các tác giả vừa tập trung phân tích bối cảnh lịch sử, binh chế quốc gia, các cuộc kháng chiến chống xâm lược, quan hệ quân sự ngoại giao với các lân quốc, khởi nghĩa nông dân, từ đó đúc kết tư tưởng, nghệ thuật quân sự, một số bài học lịch sử có giá trị lâu bền - cả thành công lẫn không thành công của vương triều Trần (thế kỷ XIII-XIV). 

Trong quá trình biên soạn, biên tập và xuất bản tập sách này, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp rất tâm huyết của GS, TS. Trương Hữu Quýnh, PGS, TS. Nguyễn Danh Phiệt, PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc. Thay mặt Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và các tác giả, Nhà xuất bản xin được trân trọng cảm ơn sự cộng tác quý báu đó. 

Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 12 năm 2003
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Năm, 2009, 01:11:35 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #2 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 11:33:28 pm »

MỞ ĐẦU

Thế kỷ XIII, trong vòng 30 năm (1258 - 1288), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần đã ba lần chiến thắng vẻ vang quân xâm lược Mông - Nguyên.  Đây là một một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng và oanh liệt nhất của quá trình đấu tranh giữ nước và cứu nước của dân tộc ta.

Đế quốc Mông - Nguyên là thế lực xâm lược lớn mạnh nhất thời đó. Quân đội Mông Cổ đã giày xéo, khuất phục nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á, lập nên một đế quốc mênh mông từ bờ đông Hắc Hải đến bờ tây Thái Bình Dương.

Sau khi chúng thôn tính được Trung Hoa thì sức mạnh của đế quốc Mông Cổ được kết hợp với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, tạo thành một thế lực xâm lược cực kỳ to lớn và hung bạo, đe doạ độc lập, chủ quyền nước ta và nhiều nước phía Đông và Đông Nam châu Á. 

Những đạo kỵ binh Mông - Nguyên có khả năng cơ động rất cao, có sức đột kích mạnh mẽ, quen tung hoành ào ạt trên những chiến trường trống trải, bằng phẳng, nhanh chóng đè bẹp quân đội đối phương trong những trận giao chiến trực diện, là mối uy hiếp rất lốn đối với sự tồn tại của nhiều quốc gia.

Từ kinh nghiệm của dân tộc trong hơn một ngàn năm đấu tranh giữ nước trước đó, những nhà lãnh đạo đất nước ta thời Trần đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, kiên cường bất khuất, ý chí cố kết cộng đồng và trí thông minh sáng tạo trong cách đánh giặc, biết đánh giá đúng địch, ta, có những quyết sách đúng đắn bảo toàn được lực lượng, hãm kẻ địch vào thế bất lợi, tuyệt vọng và thua trận.

Qua thực tế ba lần kháng chiến thắng lợi, dân tộc ta đã từng bước xây dựng được một hệ thống những luận điểm quân sự tiên tiến vượt thời đại, mà đến nay có nhiều điểm vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó là luận điểm “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chúng chí thành thành”, “cử quốc nghênh địch”, “dĩ đoản binh chế  trường trận", “ngụ binh ư nông”, xây dựng quân đội “phụ tử chi binh”, “bạt dụng lương tướng”, “quân cốt tinh không cốt nhiều", v.v..

Từ những luận điểm đó, thời Trần đã hình thành một nền tư tưởng và nghệ thuật quân sự ưu việt, biết phát huy sức mạnh cả quân và dân, vận dụng thế thời, đề cao mưu lược, biết lui, biết tiến, tuỳ theo tình thế, biết căng kéo kẻ địch trong một thế trận cả nước đánh giặc, biết tập trung lực lượng đánh những đòn quyết định đúng hướng, đúng thời cơ để giành thắng lợi. 

Tổ chức lực lượng vũ trang thời bấy giờ mang những nét độc đáo của dân tộc, vừa có quân của các lộ, hương binh, thổ binh các làng xã, động bản, đánh địch tại chỗ ở các địa phương, tiêu hao và giam chân một lực lượng lớn quân địch, lại vừa có quân chủ lực tinh nhuệ của triều đình cơ động trong cả nước, phối hợp với quân địa phương đánh những đòn quyết định, từng bước chuyển hoá lực lượng và thế trận, giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến.

Tư tưởng quân sự và tài thao lược, nghệ thuật dụng binh đó bắt nguồn từ nền văn hoá của dân tộc, một nền văn hoá lâu đời và tốt đẹp đã hun đúc cho dân tộc ta những giá trì tinh thần quý báu mà nội dung chủ yếu là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cố kết cộng đồng và trí thông minh sáng tạo của toàn quân, toàn dân ta.

Những nhà lãnh đạo vương triều Trần đã huy động được sức mạnh kháng chiến to lớn của cả dân tộc, đã biết cách sử dụng sức mạnh đó có hiệu quả nhất. Cho nên, chiến thắng của dân tộc ta thời đó là một điều tất yếu. Nó có ý nghĩa rất quan trọng không những đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ta mà đồng thời có ý nghĩa quốc tế quan trọng, tránh cho nhiều quốc gia trong vùng những cuộc xâm lăng đẫm máu của quân Mông - Nguyên.

Trong tập sách này, chúng tôi cố gắng thể hiện thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc ta thời Trần, một trong những giai đoạn lịch sử vẻ vang nhất trong bản anh hùng ca mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

*

*       *
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 12:53:35 am »

CHƯƠNG I

NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI TRẦN, ĐẾ QUỐC MÔNG - NGUYÊN VÀ NHỮNG CUỘC  CHINH PHỤC CỦA NGƯỜI MÔNG CỔ THẾ KỶ THỨ XIII

I. NƯỚC ĐẠI VIỆT NHỮNG CƠ SỞ GIỮ NƯỚC THỜI TRẦN


Đầu thế kỷ XIII, Vương triều Lý suy yếu, đất nước lâm vào cảnh loạn lạc bởi những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các phe phái phong kiến. Kinh thành Thăng Long nhiều lần chìm trong biển lửa nội chiến và bị tàn phá nặng nề. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Trong số các phe phái phong kiến lúc bấy giờ, thế lực họ Trần ở Hải ấp dần dần phát triển và trở thành lực lượng mạnh nhất mà người đại diện là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ và Thái uý Trần Tự Khánh đã khống chế được chính quyền trung ương và chiến thắng các tập đoàn phong kiến cát cứ khác, thống nhất đất nước.

Đầu năm 1226, với sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, triều Lý rời khỏi vũ đài chính trị; một vương triều mới thay thế - triều Trần (1226 - 1400).

Với sự thiết lập triều Trần, nước Đại Việt trải qua một giai đoạn phát triển mới. Về khách quan, điều đó phù hợp với nguyện vọng hoà bình, thống nhất của nhân dân và yêu cầu phát triển của lịch sử. Triều Trần trẻ trung thay thế triều Lý - một triều đại già cỗi đã mất hết sinh khí để lãnh đạo đất nước trong một bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đó là lúc ở phương Bắc, đế quốc Mông Cổ đang phát triển như vũ bão, vó ngựa của những đạo quân viễn chinh người Mông Cổ đã chinh phục nhiều nước và đang đe doạ nghiêm trọng vận mệnh nhiều quốc gia, dân tộc. Đất nước ta vì thế, đang sắp bước vào một thử thách hiểm nguy trước hoạ xâm lăng. 

Vương triều mới đã cùng nhân dân Đại Việt khẩn trương bước vào công cuộc xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi lực lượng để sẵn sàng đánh giặc.

Thế kỷ XIII, nước Đạị Việt đang vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và trên cả lĩnh vực quân sự.

Sự phát triển về mọi mặt của đất nước là nền tảng của nền quốc phòng, có quan hệ lớn đối với các hoạt động quân sự cũng như thành quả của sự nghiệp giữ nước lúc đó.

1. Lãnh thổ quốc gia, vị trí địa lý quân sự

Nước Đại Việt thời Trần là một quốc gia độc lập, tự chủ. So với thời Lý, lãnh thổ Đại Việt thời Trần không mấy đổi thay. Về đại thể, Đại Việt bao gồm vùng lãnh thổ Bắc Bộ và một phần Trung Bộ ngày nay với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá là Kinh thành Thăng Long vốn đã nổi tiếng từ hai thế kỷ trước.


Phía bắc giáp với Trung Quốc ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) bấy giờ thuộc nhà Tống và nhà Nguyên đồng thời giáp với vương quốc Đại Lý (tức Nam Chiếu ) ở vùng Vân Nam 1. Phía đông là biển rộng bao la và các hải đảo. Phía tây giáp lãnh thổ cán bộ tộc Lão Qua (Lào). Phía nam giáp vương quốc Chăm pa (Chiêm Thành). 

________________________________
1. Nước Đại Lý (tức Nam Chiếu cũ) thành lập vào nửa đầu thế kỷ VIII Phía tây giáp ấn Độ, bắc giáp Thổ Phồn (Tây Tạng). Thế kỷ IX, Nam Chiếu từng đánh Tống Bình -  lỵ sở An Nam đô hộ phủ. Đại Lý bị người Mông Cổ đánh chiếm năm 1253 và mất năm 1257.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 12:58:07 am »

Như vậy, Đại Việt như một bao lơn nhìn ra biển Đông, có vị trí địa lý quan trọng, nằm trên đường giao lưu từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đất liền ra biển cả...  Sau hơn 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, qua nhiều lần chia cắt, tách nhập, từ Nam Việt của Triệu Đà đến Giao Chỉ bộ thời Hán, An Nam đô hộ phủ thời Đường, một phần lãnh thổ phía bắc nước ta bị phong kiến Trung Hoa, bấy giờ là nhà Nam Hán chiếm giữ.

Từ khi Khúc Thừa Dụ nổi dậy (905), quyền tự chủ của dân tộc được lập lại trên phạm vi hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Các triều đại Ngô, Đinh,Tiền Lê và Lý kế tiếp nhau củng cố nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Biên giới phía đông bắc đất nước từng bước ổn định và đã khá rõ ràng, vùng biên giới giữa Vĩnh An (Móng Cái) với Khâm Châu và giữa Quan Lang (Ôn Châu) với Ung Châu đã được hai bên Tống, Việt kiểm soát 1.

Nhà Trần cũng như các triều đại trước, rất quan tâm bảo vệ non sông gấm vóc, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập, tự chủ của dân tộc. Vì thế, cương vực lãnh thổ phía bắc dưới thời Trần thường được ổn định. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh vì chủ quyền đất nước diễn ra thường xuyên và kiên trì của ông cha ta.

Phần lãnh thổ phía nam đất nước từ thời Lý là các châu Tân Bình và Minh Linh (Quảng Trị). Năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân (con vua Nhân Tông) cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân đem hai châu Ô và Lý dâng Đại Việt để làm sính lễ.

Hành khiển Đoàn Nhữ Hài được nhà vua cử vào Ô, Lý để hiểu dụ dân chúng, đặt quan cai trị, cấp ruộng đất cho dân, đồng thời đổi tên hai châu đó thành Thuận Châu và Hoá Châu (thuộc Thừa Thiên).

Sự phát triển đó đã củng cố thêm thế nước.  Lãnh thổ Đại Việt thời Trần đã trải dài từ Móng Cái đến miền Trung Trung Bộ, trong đó gồm cả đồng bằng, rừng núi và sông biển.

Sự cấu tạo lãnh thổ với rừng núi, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ và biển khơi cùng với sự phân bố cư dân khắp các miền đất nước có ảnh hưởng lớn đến cấu trúc hành chính, quân sự cũng như các hoạt động quân sự thời đó. 

Bấy giờ xu hướng khai phá đất hoang để tăng thêm diện tích cư trú và canh tác ra vùng biển được tiến hành thường xuyên và trở thành quốc sách. Vua Trần cho phép các vương hầu, công chúa được quyền chiêu tập dân nghèo và những người lưu tán làm nô tì, đắp đê ngăn nước mặn để khai hoang vùng ven biển, lập các đại điền trang. Chính vì thế, vùng phù sa sông Hồng, sông Mã và các sông khác dần dần trở thành đồng bằng và xóm làng của người Việt.

Sách An Nam chí nguyên chép: “Xứ Giao Chỉ dân cư trù mật, đất không đủ cày, cho nên người trước đắp đê cao ở hai bên sông đề phòng nước lụt. Đất ở ven biển bị nước mặn ngập lấn vào, bọn quý tộc thế gia muốn chiếm riêng đất đó đều tự ý đắp đê để ngăn nước mặn rồi gieo trồng cày cấy bên trong, như thế là để yên dân và khai thác hết mối lợi của đất đai. . . Đê cao 3 thước rộng 5 trượng; đặt hà đê chánh và phó sứ để trông coi. . .  Từ đó thuỷ tai không còn nữa mà đời sống dân được sung sướng, đất không bỏ sót nguồn lợi nào” 2.

_________________________
1. Theo sử cũ, năm 1405, dưới triều Hồ, Hành khiển Hoàng Hối Khanh làm “cát địa sứ”, đã cắt 59 thôn cho nhà Minh. Đến giữa thế kỷ XVI, Mạc Đăng Dung đem các động Tự Lẫm, Cổ Sum, Liễu Cát, La Phù, Kim Lặc thuộc hai đô Như Tích và Chiêm Lãng hiến vua Minh.  Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “năm 1542, Mạc Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh đem nộp các động Tê Phù, Kim Lạc, Cổ Sâm, Liễu Cát An Dương, La Phù của châu Vĩnh Yên trấn Yên Bang, xin nội thuộc vào Khám Châu” (T.IV, tr.31). Sách Khâm Châu chí chép: “Mấy châu ấy là đất của họ Hoàng người Việt Đời Minh Tuyên Đức, đất đó thuộc triều Lê, về sau Mạc Đăng Dung hiến vua Minh để cầu phong”.
2. Cao Hùng Trưng: An Nam chí nguyên, tài liệu dịch của Viện Lịch sử quân sự, tr.75.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:03:45 am »

Nhờ phương thức đó mà lưu vực các sông lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã trở thành địa bàn cư trú chủ yếu của dân cư, là những vùng đất phì nhiêu, sản xuất nhiều lúa nhất thuở ấy.  Nước Đại Việt đã sớm quy tụ một cộng đồng dân tộc nhiều thành phần, trong đó đa số là người Kinh. Ở trung du và rừng núi là địa bàn sinh sống của các tộc người khác như Mường, Tày, Thái, Mèo, Nùng, Dao, v.v.. Họ cư trú thành các động bản do các thổ tù, châu mục hay các tộc trưởng có uy tín đứng đầu. Quan hệ giữa các dân tộc sống trên lãnh thổ Đại Việt là mối quan hệ đoàn kết, thân ái và bình đẳng. Khối thống nhất ấy được quy tụ vào chính quyền trung ương, với triều đình nhờ những chính sách “kimi” (ràng buộc lỏng lẻo) tiến bộ của nhà nước.

Sách Đảo di chí lược của Trung Quốc thời Nguyên có ghi: “Nước Đại Việt. . . đất rộng người đông, khí hậu thường nóng, ruộng đất phần lớn phì nhiêu” 1. Sách An Nam chí lược cũng phản ánh: Nước Đại Việt có “dân cư đông đúc”. Và Dư đia chí của Nguyễn Trãi cho biết, thời Trần chia nước thành 12 xứ, viện quan dâng “sổ vàng”, hạng đại nam và trung nam có  4.900.000 đinh, hạng hoàng nam có 2.104.300 đinh 2.

Như vậy theo Nguyễn Trái, thời Trần, Đại Việt đã có trên 7 triệu đinh nam (?). Bấy giờ, do nhu cầu cần nắm vững nhân đinh để tuyển quân, bắt phu và thu thuế, triều đình nhà Trần đã quản lý chặt chẽ số dân bằng phương pháp lập sổ hộ tịch.  Tuy rằng sử sách xưa không ghi chép cụ thể dân số Đại Việt là bao nhiêu, nhưng có thể đoán rằng dân số nước ta thời Trần có khoảng 6 - 7 triệu.

Theo sử cũ, Đại Việt là một xứ sở phồn thịnh. Đó là một nước mà từ sớm đã thu hút thương gia ngoại quốc, như sách Tiền Hán thư chép: “Đất Việt ở gần biển, có nhiều tê, voi, đồi mồi, ngọc châu, ngọc ky, vàng, đồng, hoa quả, vải. Người Trung Quốc đi lại buôn bán phần nhiều trở nên giàu có” 3

Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng viết: “ở đó ruộng màu mỡ, cấy lúa trồng dâu và chăn nuôi đều thích nghi cả . . . Muối thì trắng như tuyết, cánh chim trả thì đỏ tía, đẹp mắt. Vàng thì có sẵn ở châu Phú Lương và Quảng Uyên.  Hạt trai sáng thì sẵn ở các xứ Vĩnh An và Vân Đồn. Còn san hô và đồi mồi thì sẵn ở trong biển” 4.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Nước Đại Việt là nơi đô hội ở phương nam; ruộng cấy lúa tốt, đất trồng dâu tốt, núi sẵn vàng bạc, biển sẵn châu ngọc, người ở đâu đến làm ăn buôn bán cũng làm giàu được cả” 4.
 
Một đất nước giàu đẹp lại nằm ở vị trí địa lý quan trọng thì không thể tránh khỏi con mắt nhòm ngó đầy tham vọng của những thế lực bành trướng xâm lược ở sát nách qua thế kỷ này đến thế kỷ khác.

Kinh nghiệm lịch sử hơn một nghìn năm trước đã được Phan Huy Chú khái quát như sau: “Cái tiếng phong phú ấy đồn đi xa nên Trung Quốc lúc nào cũng nghĩ cách chiếm lấy nước mình, đặt ra làm quận huyện để cai trị từ lâu rồi. Lúc chưa lấy được thì nghĩ cách để lấy, lúc đã lấy được thì không chịu bỏ ra nữa” 6.

Tham vọng xâm lược Đại Việt của các thế lực phong kiến phương Bắc không bao giờ dứt. Triều đại này, thế kỷ này chúng bị đánh bại thì triều đại sau trong các thế kỷ sau lại nuôi tham vọng xâm lược lớn.

Nhà Tống đã hai lần tiến hành chiến tranh để thôn tính nước ta (thế kỷ X và XI). Thế kỷ XIII, quân Mông - Nguyên ba lần xâm lăng Đại Việt. Chúng đã gây những cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc hao binh, tổn tướng, hy vọng mở đường tiến xuống phương nam, nhưng đều bị thất bại, để rồi như vua Nguyên Hốt Tất Liệt nói rằng: “Việc Nam chinh như đang ngứa ngáy trong tim ta”. 

Điều kiện về lãnh thổ, hoàn cảnh địa lý - lịch sử trên đây có những thuận lợi cư bản đối với công cuộc xây dựng đất nước, nhưng cũng đặt ra những thách thức và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp giữ nước. Một đất nước luôn bị kẻ thù lăm le xâm lược, quấy phá thì hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước luôn phải gắn liền với nhau. Điều đó đòi hỏi dân tộc ta, nhân dân ta càng phải thường xuyên cảnh giác, quan tâm xây dựng tiềm lực đất nước trên các phương diện để có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

____________________________
1. Xem Uổng Đại Uyên: Đảo di chí lược, trị phục trai toàn thư, T.3.
2. Nguyễn Trái: Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr. 189.
3. Tiền Hán thư, q.28 hạ, tr.36.
4. Cao Hùng Trưng: An Nam chí nguyên, Sđd, tr.81. 
5. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, T.IV, tr.35.
6. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, T.IV, tr.35.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:05:56 am »

2. Cấu trúc xã hội, chế dộ chính trị

Sau khi đánh thắng quân Tống (l075 - 1077), Đại Việt khẩn trương trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhà Lý dưới các triều vua từ Lý Thái Tổ (1009 - 1028) đến Lý Anh Tông (1137 - 1175) đã đưa đất nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, quốc gia thống nhất và chính quyền trung ương tập quyền được củng cố. Địa vị nước Đại Việt đối với các quốc gia láng giềng được nâng cao. Ở phía bắc nhà Tống phải kiêng nể. Các nước phía nam và phía tây thần phục, có quan hệ giao hiếu tốt.

Trên nền tảng vững vàng đã được xây dựng từ thời Lý, triều Trần tiếp tục công việc dựng nước, trước hết là củng cố quốc gia thống nhất, tăng cường lực lượng quốc phòng và phát triển kinh tế để lo đối phó với nạn ngoại xâm. 

Vào đầu thời Trần, chế độ trung ương tập quyền không những đã được khôi phục mà còn được tăng cường về mọi mặt. Nhà nước phong kiến Đại Việt là một hệ thững chính quyền bốn cấp bao gồm: triều đình trung ương, các lộ trấn, các phủ huyện, châu, các hương, giáp hoặc xã.

Triều đình trung ương là cư quan tập trung quyền lực cao nhất trên mọi hoạt động của đất nước, kiểm soát các địa phương thông qua hệ thống chính quyền các cấp và pháp luật của nhà nước phong kiến. Về nhà nước tập quyền, triều Trần cùng một tính chất với triều Lý, biểu thị một bước phát triển mới cao hơn và ở một trình độ cao hơn.

Trong bộ máy chính quyền nhà Trần, đội ngũ quan lại ngày đông đảo, gồm có quan trong (ở trung ương) và quan ngoài (ở địa phương), chia thành hai ban văn và võ, với đủ các chức vụ, tước hiệu và phẩm hàm khác nhau. Về hình thức, cơ cấu chính quyền Đại Việt có phần mô phỏng theo mô hình Đường - Tống, nghĩa là theo mô hình bộ máy quan liêu đông đảo từ triều đình đến địa phương.

Tuy nhiên, sự mô phỏng đó cũng chỉ theo một chừng mực nhất định, chẳng hạn, chỉ ở tên gọi các tước hiệu, phẩm hàm hay phẩm phục quan chức là giống, còn việc tổ chức, tuyển mộ, sắp đặt và sử dụng quan lại của Đại Việt có nhiều điểm khác biệt.

Tính độc lập, tự chủ ở lĩnh vực này thể hiện trên quan điểm của triều đình cũng như trên thực tế tổ chức. Sử gia Ngô Sỹ Liên viết rằng: “Triều thần (Trần) Minh Tông là Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh có ý muốn thay đổi chế độ quan lại. Vua nói: Nhà nước đã có phép tắc nhất định, Nam - Bắc khác nhau; nếu nghe theo kế của kẻ học trò mặt trắng trên đường tiến thân thì sinh loạn ngay” 1. Hoặc như vua Trần Nghệ Tông nói:“Triều trước dựng nước đã có pháp độ, không nên theo chế độ nhà Tống và Nam, Bắc đều là chủ của nước mình, không phải noi nhau” 2.

Bộ máy triều đình trung ương được tổ chức khá hoàn chỉnh. Dưới vua có tể tướng với chức thống quốc thái sư (như trường hợp Trần Thủ Độ) hay thống chính thái sư (đức việp) và sau được quy định thống nhất là bình chương sự, đồng bình chương sự, nhập nội hành khiển. Thân vương khi làm tể tướng được xưng là quốc công thượng hầu. Bên dưới là hàng quan văn quan võ, đứng đầu là một số trọng chức gồm tam thái và tam thiếu. Những cư quan chuyên trách mang tên các quán, các, sảnh, viện, cục, đài, ty.

Nhà nước trung ương tập quyền thời Trần được khôi phục và phát triển trên mọi phương diện. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét rằng, bộ máy quan liêu thời Trần gồm “các chức quan trong và quan ngoài, lớn nhỏ đều có hệ thống” 3. Đó là hệ thống chính quyền gồm có các cơ quan hành chính và chuyên môn, đội ngũ quan lại được tổ chức, quản lý ngày một quy củ và chặt chẽ hơn.

Đó cũng là một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền phương Đông, đứng đầu là hoàng đế (vua), tiếp dưới là hệ thống quan lại chia thành hai ban “văn giai” và “võ giai” quản lý các cư quan hành chính, quân sự.  Hoàng đế (vua) đứng đầu triều đình, có quyền lực tối cao trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước. Trong đó đáng chú ý là chức năng quân sự của hoàng đế.

Trong lĩnh vực này, hoàng đế Đại Việt thường ở cương vị như một thủ lĩnh quân sự của cộng đồng dân tộc, là người có quyền quyết định trong việc tổ chức, động viên và chỉ huy quân đội, điều hành các hoạt động quân sự của quân đội quốc gia. Khi có chiến tranh, nhiều khi hoàng đế hoặc hoàng tử đã trực tiếp “tự làm tướng” cầm quân đánh giặc.

_________________________
1. 2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1967, t.2, tr. 145, tr. 158.
3. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, T.II, tr.8.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:06:53 am »

Nhiều vị vua Trần đã thân chinh chỉ huy các đạo quân chinh phạt Chiêm Thành quấy phá biên giới, hoặc thực hiện các cuộc hành quân lớn đánh dẹp các thế lực chống đối. Thậm chí có những vị vua đã bỏ mình nơi trận mạc, như Trần Duệ Tông đã hy sinh trên đất Chiêm Thành năm 1377. Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là những vị vua anh hùng của các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, đã từng xông pha trận mạc, từng đồng cam cộng khổ với dân và với binh sĩ.

Những vị đó vừa có học vấn uyên bác lại rất quan tâm xây dựng sự đồng tâm trong triều đình và cả nước. Vua Trần Anh Tông không ngại tuổi già đã thân cầm quân đi dẹp “giặc Ngưu Hống”.

Thông qua cương vị thủ lĩnh quân sự, vua muốn thể hiện chức năng và quyền uy của mình, đồng thời cũng để làm gương trước các quần thần, tướng sĩ. Ngay trong thời bình, các vua Trần thường xuống chiếu nhắc nhở các tướng sĩ không được lơ là việc phòng thủ quốc gia, phải chăm lo luyện rèn binh sĩ, đóng chiến thuyền và rèn đúc khí giới. Nhà vua thường đi kinh lý bốn phương để tỏ ý gần dân, tìm hiểu địa hình và chuẩn bị phương lược giữ nước.

Vua Trần Anh Tông biết Trần Quốc Tuấn ốm không thể qua khỏi đã đến thăm và lo lắng hỏi: “Nếu có điều gì chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” . . . Bảo vệ đất nước, chuẩn bị lực lượng và kế sách đánh phòng là một nhu cầu thường xuyên được những người đứng đầu triều đình hết sức quan tâm.

Tất nhiên, vua Trần cũng như các vua khác ở nước ta hay ở nhiều nước phương Đông khác đều coi mình là ‘thiên tử” (con trời), là người “thế thiên hành đạo” (thay trời trị nước). Trên danh nghĩa, vua là đại diện của thượng đế trước nhân dân, đồng thời cũng là người đại diện nhân dân trước thượng đế. Vua có uy quyền tuyệt đối trên các hoạt động xã hội, có quyền phong thần cho những người có công với nước, nhất là đối với những người anh hùng giữ nước được nhân dân thờ phụng. Đó chính là một đặc điểm phương Đông, là sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền, giữa chính trị và tôn giáo.

Một nét nổi bật của vương triều Trần là các vua thường sớm nhường ngôi cho con rồi lên làm thái thượng hoàng, nhưng vẫn trực tiếp trông nom việc nước. Đây là một cách tập dượt cho vua con làm quen dần với việc điều hành đất nước khi vua cha còn sống, nhưng chủ yếu là để ngăn ngừa cướp ngôi, bảo vệ vương quyền. 

Sau vua là giới quý tộc, thân vương và công chúa có nhiều đặc ân, được phong nhiều chức tước cao và được giao những trọng trách, nhất là trong lĩnh vực quân sự, như các chức tiết chế quân sự, phiêu kỵ tướng quân, thượng tướng, đại tướng, v.v. chỉ huy các đạo quân lớn, phịu trách nhiệm một mũi tiến công, chỉ huy cấm binh bảo vệ kinh thành hay được quyền trấn trị ở các vùng quan trọng. Các vương hầu được phái đi trấn trị, kiểm soát các châu lộ chủ yếu, bảo đảm sự trung thành về mặt chính trị của địa phương đối với triều đình.

So với các triều đại trước, tầng lớp quý tộc, tôn thất triều Trần phát triển hơn và thể hiện vai trò của mình trong sự nghiệp giúp vua giữ nước. Rất nhiều trong số họ là những người tài đức nổi tiếng, những nhà quân sự lỗi lạc, những vị tướng tài ba, tiêu biểu như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn,Trần Quang Khải, Trần Nhật Quật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toàn. . .

Do thiên hướng thượng võ, quý tộc nhà Trần gần như nắm độc quyền chỉ huy quân đội. Các võ quan cao cấp hầu hết thuộc về quý tộc nhà Trần, nhất là trong giai đoạn đầu. Ngoài việc nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong triều chính, các vương hầu còn có quyền lực lớn ở những vùng mình trấn trị. Họ được phân phong thái ấp, có phủ đệ và được tổ chức đội quân riêng. Lúc thường họ sống ở phủ đệ, lúc hữu sự họ về Kinh đô.

Sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Chế độ nhà Trần, vương hầu đều ở phủ đệ riêng tại các hương, khi có triều yết thì về kinh, xong việc lại trở về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (Hải Dương), Thủ Độ ở Quắc Hương (Hà Nam), Quốc Chấn ở Chí Linh (Hải Dương) . . . Đến lúc vào triều làm tể tướng mới thống lĩnh tất cả việc thiên hạ...” 1

Các vương hầu quý tộc được quyền trấn trị các vùng, có thái ấp, điền trang, phủ đệ và đội quân riêng chứng tỏ yếu tố phân tán vẫn còn tồn tại trong xã hội phong kiến thời Trần.  Tuy nhiên, yếu tố phân tán này luôn bị hạn chế bởi tính chất xã hội cùng với những chính sách ràng buộc của nhà nước tập quyền.Vương hầu có quyền thừa ấm, tức kế nghiệp được phong tước, nhưng không được tập chức. Họ không được thừa kế thái ấp.

___________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.2, tr.32.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:09:07 am »

Về nguyên tắc, ruộng đất ở thái ấp là quốc hữu, do nhà nước mà đại diện là vua quản lý. Trong nước, đại bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước, giao cho làng xã quản lý, sử dụng, có nhiệm vụ nộp tô thuế. Như vậy, xu hướng tập quyền là xu hướng chủ đạo, mạnh mẽ trong xã hội thời Trần.

Chế độ phong kiến thời Trần mang đậm tính dân tộc, chịu ảnh hưởng của lễ nghi phong kiến phương Bắc, nhưng tính chuyên chế chưa cao, khoảng cách giữa vua và tôi, giữa quý tộc và bình dân chưa thật lớn. Lối sống sinh hoạt trong chốn cung đình còn thể hiện tính dân chủ của cộng đồng. 

Trần Thánh Tông cho phép các vương hầu, tôn thất xong buổi chầu vào trong cung điện và lan đình, cùng nhau ăn uống, hoặc khi tối trời không về thì đặt gối dài, chăn rộng cùng nghỉ liền giường với nhau, để tỏ tình thân ái, khi tổ chức lễ lớn, tân khách hay yến tiệc, mới phân biệt ngôi thứ... 

Trần Quốc Tuấn đã từng nói với các tướng sĩ: “Lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười” 1.  Điều đó chứng tỏ sự đồng tâm hoà thuận trong nội bộ chính quyền, làm tăng thêm sức mạnh của vương triều, tạo điều kiện cố kết nhân tâm trong cả nước, nhất là khi cần huy động nhân lực và đánh giặc.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Nguyên Phong (đời Trần Thái Tông - TG), giặc Nguyên sang cướp, vương hầu đem gia đồng và hương binh, thổ hào sung vào đội quân cần vương; việc biến năm Đại Đình 2, vương hầu lại đem dân thôn trang sắm sửa nghi trượng để đón vua mới. Như thế, chế độ nhà Trần cũng làm tăng thêm sức mạnh cái thế duy thành, bảo vệ đất nước” 3.
 
Tính chất quý tộc huyết thống hay quý tộc đồng tộc họ Trần là một nét nổi bật của vương triều Trần. Để bảo vệ vương quyền cũng như địa vị thống trị độc tôn của dòng họ, nhà Trần còn quy định những người trong hoàng tộc phải kết hôn với nhau.

Sự cố kết quan hệ họ hàng, tông tộc bằng những lợi ích chính trị và kinh tế có tác dụng thắt chặt tinh thần đoàn kết trong giai cấp thống trị. Điều đó cũng thể hiện trong lời nói của Trần Thái Tông với các tôn thất: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên với anh em trong họ cùng hưởng phú quý. Tuy bên ngoài thì cả thiên hạ tôn thờ một người, nhưng bên trong thì ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. 

Tất nhiên, tính chất quý tộc huyết thống nói trên không phải hoàn toàn, bên cạnh đội ngũ quý tộc dòng họ, còn xuất hiện ngày càng đông và có vị trí ngày càng quan trọng tầng lớp quan liêu xuất thân từ nhiều thành phần xã hội khác nhau. 

Nhìn chung, tầng lớp quý tộc thời Trần là một đẳng cấp xã hội trẻ, đang độ phát triển. Xu hướng cát cứ của quý tộc chưa phải là hiện tượng phổ biến. Điều này khác hẳn với sự phát triển của các nhà nước phong kiến Tây âu cùng thời. Sự đối lập trong nội bộ chính quyền hoặc sự đối kháng giai cấp lúc đó chưa cao. Đặc điểm này tạo nên một không khí chính trị lành mạnh trong giới cầm quyền và trong cả nước nói không, tạo thế mạnh cho chính quyền, cho cả nước trong mối quan hệ nội bộ cũng như trước những thử thách ngặt nghèo cua ngoại xâm.

Bên cạnh tầng lớp quý tộc là bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương. Họ được cấp lương bổng. Năm 1236, nhà Trần quy định lương bổng cho các quan văn võ ở triều đình và địa phương. Tiền lương lấy vào thuế. Năm 1244, nhà nước lại quy định lương bổng một lần nữa, đó là một điều khác với triều Lý. Chế độ tuyển dụng vừa bằng khoa cử vừa tiến cử. Thể lệ thi cử thời Trần từ năm 1232 dần dần đi vào nền nếp chính quy. Tổ chức bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương của thời Trần chặt chẽ và tập trung hơn thời Lý.

Bộ máy chính quyền địa phương cũng được sắp xếp lại có quy củ và hệ thống chặt chẽ hơn, thống nhất hơn. Cả nước chia làm 12 lộ, đứng dầu là chức An phủ sứ. Riêng vùng Kinh thành Thăng Long được coi như một phủ đặc biệt. Năm 1265, chức quan đứng đầu Kinh thành được đổi làm kinh sư an phủ sứ, rồi kinh sư đại doãn.

Dưới các lộ có phủ, châu, rồi đến huyện hay hương và cuối cùng là xã. Mỗi đơn vị hành chính đều có cấp chính quyền tương ứng: phủ có chức trấn phủ sứ; châu có chức thông phán, thiên phán; huyện có lệnh uý, chủ bạ; xã có đại tư xã tiểu tư xã.

_________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.2, tr.82.
1. Năm 1369, Dương Nhật Lễ cướp ngôi vua Trần, tôn thất nhà Trần đem quân đón Trần Phủ ở Đà Giang về giết Nhật Lễ, lập vua mới (tức Trần Nghệ Tông).
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T. 2, tr. 156.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:09:42 am »

Trong cấu trúc xã hội thời Trần, hệ thống cộng đồng làng xã hương thôn đã đóng một vai trò khá quan trọng. Có thể coi đây là nền tảng, là cơ sở của cả cấu trúc, trong đó bao gồm đông đảo những người nông dân và các thợ thủ công, tức thành phần chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, là nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho công cuộc xây dựng sức mạnh phòng vệ đất nước.

Làng xã là những pháo đài xanh bất khả xâm phạm trong kháng chiến chống xâm lược.  Mỗi làng xã Đại Việt là một tế bào xã hội. Ở đó những hộ nông dân sống quần tụ, gắn bó trong mối quan hệ vừa thân tộc vừa láng giềng. Trong điều kiện kinh tế hàng hoá chưa phát triển mạnh, các làng xã nông nghiệp còn tương đối khép kín, tự cung tự cấp.

Ở đây bên cạnh một hệ thống chính quyền cấp xã mang tính chất nhà nước gồm các xã trưởng, xã giám, các đại tư xã hoặc tiểu tư xã - những người đại diện của chính quyền nhà nước giữ việc làm hộ tịch, còn tồn tại song song một hệ thống quyền lực mang tính chất công xã cổ truyền dân cử, gồm các bô lão, những già làng, những tộc trưởng có uy tín cùng tham gia quản lý làng xã và có vai trò lớn trong việc động viên dân xã tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Dĩ nhiên, triều đình nhà Trần ngày càng muốn nắm lấy bộ máy quản lý các làng xã.  Khi đất nước thanh bình, khi nhà nước phong kiến còn thế hiện vai trò tích cực thì những người nông dân vẫn sống thuần hậu, chất phác và cần mẫn với công việc đồng áng, họ tham gia các nghĩa vụ đối với chính quyền như đóng tô thuế, lao dịch và binh dịch. Một bộ phận tham gia đội tuần đinh, dân binh làng xã. Họ là lực lượng vũ trang cư sở, tồn tại dưới hình thức “tĩnh vi nông động vi binh” (lúc yên là nông dân, lúc động là binh lính). Khi đất nước có chiến tranh, nông dân là lực lượng đông đảo nhất tham gia quân đội hoặc các đội dân binh đánh giặc tại chỗ, với ý thức “quốc gia hữu sự thất phu hữu trách” (khi đất nước có giặc thì người dân thường cũng có trách nhiệm), cùng đánh giặc giữ làng, giữ nước. 

Tầng lớp dưới cùng của bậc thang xã hội Đại Việt là nông nô, nô tỳ. Đây là di sản của xã hội cổ xưa. Đến thời Trần nông nô, nô tỳ phát triển tương đối mạnh. Lúc đó, tầng lớp quý tộc, địa chủ đang là lực lượng quan trọng ủng hộ chính quyền và đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, họ được nhà nước cho phép nuôi người phục dịch, chiêu mộ dân nghèo, người lưu tán khai phá đất hoang, lập các trang trại.

Hình thức kinh doanh nông nghiệp đó đã tạo ra tầng lớp lao động có địa vị thấp kém, bị phụ thuộc hoàn toàn về thân phận đối với chủ mình. Nông nô, nô tỳ là lực lượng sản xuất và phục dịch trong các trang trại, phủ đệ, nhưng khi cần họ trở thành lực lượng quân sự của các vương hầu, quý tộc, họ tham gia bảo vệ trị an và đánh giặc giữ nước.

Trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, lực lượng gia nô, nông nô đã có những đóng góp đáng kể, nhiều chiến công của họ đã được lịch sử ghi nhận.

Trong xã hội thời Trần, mâu thuẫn cơ bản giữa nông dân và phong kiến, giữa quý tộc và bình dân, giữa nông nô và gia nô với chủ của họ luôn tồn tại. Song, trong buổi đầu khi vương triều Trần đang phát triển và nhất là khi cả dân tộc đang đứng trước sự đe doạ của ngoại xâm, những mâu thuẫn trên cùng với mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị có lắng xuống và về khách quan, điều đó có lợi cho nhà nước phong kiến thời Trần trong việc đoàn kết lực lượng, thực hiện “vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, nước nhà góp sức” đánh giặc.

Cùng với sự phát triển của chính quyền về mặt hành chính ỉa quá trình kiện toàn chức năng lập pháp và hành pháp của nó. Dưới thời Trần, các hoạt động lập pháp đã phát triển. Bên cạnh bộ Quốc triều thông chế gồm 20 quyển, xác định quy chế tổ chức chính quyền, nhà nước còn tổ chức biên soạn và nhiều lần sửa đổi bổ sung Hình luật - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta.

Các bộ luật này đã thất truyền.  Tuy vậy, căn cứ vào các lệnh dụ của nhà vua hoặc các việc làm cụ thể được sử sách ghi chép, có thể nói rằng, luật pháp thời Trần đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, trong đó có những chế định về quyền hạn và trách nhiệm của mỗi thành viên đối với xã hội, về nghĩa vụ binh dịch của các đinh tráng, về nghĩa vụ đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước, về chức năng của các loại quân trong việc bảo vệ chính quyền và biên giới Tổ quốc... Các hoạt động lập pháp càng ngày càng quy củ chứng tỏ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thời Trần ngày một ổn định và hoàn bị để thực hiện tốt các chức năng của nó.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM