Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:14:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 4  (Đọc 97667 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 12:44:16 pm »

Vua Trần tiếp đãi tử tế sứ bộ. Nhưng tất cả các yêu sách của Hốt Tất Liệt đều không được giải quyết. Sứ bộ Lưu Đình Trực phải trở về không. Trong thư gửi Hốt Tất Liệt, Trần Nhân Tông đã biện bạch về việc không sang chầu và về cái chết của Ô Mã Nhi một cách mềm mỏng và dứt khoát:

“Vi thần ở nơi góc biển hẻo lánh, ốm đau lâu ngày, đường sá xa xôi, thuỷ thổ gian nan, tuy số mệnh do trời định nhưng cái chết vẫn là điều sợ nhất đối với con người. . .

Năm ngoái, nhân dân tiểu quốc đưa đến những quan quân còn sót lại. Vì thần tự xét hỏi, chỉ được ba người là Đại vương Tích Lệ Cơ, Tham chính Ô Mã Nhi và Tham chính Phàn (chỉ Phàn Tiếp -TG). Trăm họ đều căm giận vì vợ con bị giết chóc, nhà cửa bị đốt phá, nhiều người muốn làm điều trái nghĩa, nhưng vi thần hết lòng che chở, cấp dưỡng rất hậu, thê thiếp họ đều được ăn mặc đầy đủ. Trước khi về đã sắm đủ hành lý, đặc sai sứ thần là Tòng nghĩa lang Nguyễn Thinh đi theo Đại vương Tích Lệ Cơ cùng Đường Ngột Đãi vào cửa khuyết. Trong khi đó hai quan tham chính còn chậm lại sau vì đại quân vừa lui ý sợ tham chính chưa nguôi lòng giận ắt sinh ra tai vạ nên để chậm lại rồi mới sai đưa ra bến thuyền để lên đường.

Ngờ đâu kẻ vi thần vô phúc, việc xảy ra trái với ý muốn. Phàn tham chính bỗng phát cơn sốt, vi thần đã dốc hết thuốc thang, thuê bộ hạ tìm thày chạy chữa, nhưng cũng không khỏi, đến phải bỏ mạng. Vi thần đã hoả táng, làm ma chay rồi cấp ngựa cho thê thiếp ông ta để chở xương cốt, các Thiên hộ Mai Thế Anh, Tiết Văn Chính đi hộ tống cùng trở về nhà. Ngày Lưu thiên sứ (chỉ Lưu Đình Trực - TG) đến đều nói họ đã qua Ung Châu rồi. . . Hằng ngày đồi đãi kính trọng hay không, hỏi thê thiếp cũng có thể biết được.

Tham chính Ô Mã Nhi định ngày sẽ tiếp tục về sau. Vì đường về ngang qua Vạn Kiếp nên ông ta xin tới gặp Hưng Đạo để sắm sửa hành trang. Dọc đường đang đêm thuyền bị vấp để nước dội vào, tham chính mình to vóc lớn khó bề cứu vớt thành ra chết đuối. Những người phu của tiểu quốc cũng đều chết hết. Thê thiếp, tiểu đồng của ông ta cũng suýt nữa chết, nhờ người nhỏ nhẹ mà cứu thoát được. Vi thần đã chôn cất ma chay ở bờ biển, thiên sứ lang trung đã thấy tận mắt. Nếu có sự gì bất kính thì thê thiếp (tham chính) ở đó khó mà che dấu được. Vi thần đã sắm đủ lễ vật để đưa thê thiếp cùng với xá nhân, lang trung tiếp tục về nước . . .” 1 .

Tất nhiên Hốt Tất Liệt không thể thoả mãn với những lời giải thích của vua Trần. Do tình hình khó khăn của nước Nguyên và quân Nguyên lúc đó, hắn đã hai lần ra lệnh cho quân lính đã đi đánh Đại Việt được về nghỉ một năm và tháng 2 năm Kỷ Sửu (22-1 - 22-3-1289), bọn quan lại ở Trung thư tỉnh đã đề nghị thu hồi phù ấn của chinh Giao Chỉ hành tỉnh 2.

Mặt khác Hốt Tất Liệt vẫn nung nấu ý đồ xâm lược Đại Việt. Ngày 11-7- 1288, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh cho người Mông Cổ chỉ huy quân Hán tập dượt thuỷ chiến 3. Điều đó chứng tỏ hắn còn nghĩ đến việc chinh chiến ở phương nam.

Ngày 10-3-1289, viên Quản quân Vạn hộ Thành Đô là Lưu Đức Lộc xin đem 5.000 quân chiêu hàng các bộ lạc ở tây nam Trung Quốc rồi từ đó tiến quân đánh chiếm Đại Việt. Khu mật viện đề nghị lập nguyên soái phủ, lấy Lưu Đức Lộc làm đô nguyên soái và chia cho một vạn quân Tứ Xuyên. Hốt Tất Liệt đã nghe theo ý kiến đó 4. Như vậy là hắn đã nghĩ đến một mũi tiến công vào tây bắc của Đại Việt.

Tuy nhiên, tình hình nội bộ tiếp tục có những khó khăn ngày càng lớn. Trong suốt hai năm 1288, 1289, Hốt Tất Liệt vẫn chưa tổ chức được đạo quân xâm lược Đại Việt. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trung Quốc nổ ra liên tiếp ở miền nam. Năm 1288, Đổng Hiền Cử ở Quảng đông, Dương Trấn Long, Liễu Thế Anh ở Chiết Giang, Chung Minh Lượng ở Tuần Châu đã kế tiếp nhau nổi dậy, quân khởi nghĩa lên đến hơn vạn người. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất là của Chung Minh Lượng.


__________________________
1. Về cái chết của Ô Mã Nhi, Đại Việt sử ký toàn thư (q.5, t.56a) chép: Năm Kỷ Sửu (Niên hiệu Trùng Hưng) thứ 5, mùa Xuân tháng Hai (22-2 (22-3-1289), nhà vua sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước. Dùng kế của Hưng Đạo vương, lấy người giỏi ở nước chở thuyền, đang đêm đục thuyền cho ngập nước, bọn Ô Mã Nhi chết đuối.
2. Nguyên sử, q.209, An Nam truyện t.10a.
3. Nguyên sử q.15, Bản Kỷ, t.4b.
4. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông , Sđd, tr . 313 .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 12:47:22 pm »

Tình trạng đó đã làm cho bọn thống trị hoảng sợ. Viên án sát sứ Phúc Kiến là Vương Hồn đã tâu với Hốt Tất Liệt: Phúc Kiến quận huyện hơn 50 chỗ, liền núi tiếp biển, thực là khu trọng yếu ở biên cương, từ khi bình Tống đến nay, quan lại tàn bạo, cho nên dân ngu thường tụ nhau nổi dậy, triều đình đem quân đi đánh lại giày xéo tan nát... Huống dân quy phụ ở Phúc Kiến đến mấy trăm vạn hộ, trong vụ biến Hoàng Hoa đi theo đến 4-5 phần mười, nay thanh thế của Minh Lượng lại rầm rộ hơn Hoa, sao có thể coi là bọn giặc cỏ tầm thường. Nên tuyển tinh binh, nghiêm hiệu lệnh, dùng kế mà đánh, nếu không thì không dứt được mối hoạ.

Hốt Tất Liệt đã phải sai bọn Mang Ngột Đãi, Nguyệt Đích Mê Thất điều động hàng vạn quân các tỉnh Giang Tây, Giang Hoài, Phúc Kiến đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa.  Nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Các cuộc khởi nghĩa vẫn liên tục nổ ra trong suốt năm 1289. Dương Trấn Long chiếm Minh Hải xưng là nước Đại Hưng; Chung Minh Lượng  vờ đầu hàng rồi nổi dậy, chiếm Mai Châu; Giang La nổi dậy ở Chương Châu; Diệp Văn Ngũ với hơn vạn người khởi nghĩa ở Vu Châu; Trần Cơ Sát, Khâu Đại Lão khởi nghĩa ở Long Nham, v.v..

Viên Ngự sử đại phu Ua Lúc đã tâu với Hốt Tất Liệt: “Giặc cướp nổi lên ở Giang Nam hơn 400 chỗ, nên chọn tướng để đi đánh . . . “ Hốt Tất Liệt đã hạ lệnh cấm nhân dân Giang Nam không được dùng vũ khí cung tên. Viên Tả thừa hành tỉnh Kinh Hồ -Chiêm Thành Đường Ngột Đãi được lệnh đem quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Nhưng ngọn lửa khởi nghĩa vẫn tiếp tục cháy ở Giang Nam 1. Trong khi đó, tập đoàn các tôn vương thuộc dòng họ Ô Gô Đây và dòng họ Tra Ga Tai do Khai Đu và Đu Oa cầm đầu chống lại Hốt Tất Liệt vẫn tiếp tục đánh phá ở phía bắc. Sau khi liên kết với tập đoàn tôn vương Na Y An, thế lực của Khai Đu càng mạnh.
Tháng

Năm 1287, Hốt Tất Liệt tự cầm quân đánh Na Y An, Na Y An bị bắt. Nhưng các tôn vương khác vẫn tiếp tục tiến công vào vùng đất Hốt Tất Liệt kiểm soát trong suốt hai năm 1288 và 1289. Ngày 19-7-1289, trước tình hình khẩn cấp của biên giới phía bắc, Hốt Tất Liệt phải tự đem quân chống cự với Khai Đu.

Trong tình hình phải tập trung cố gắng trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trung Quốc và đối phó với tập đoàn các chư vương ở phía bắc, Hốt Tất Liệt chưa thể phát động ngay cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Hắn đành sai bọn Lưu Đình Trực đi sứ, nhưng cuối cùng vẫn không thu được kết quả gì.

Ngày 3-7-1290, thượng hoàng Thánh Tông chết. Tám năm đó (5-9 - 4- 10- 1290), Trần Nhân Tông cử Ngô Đình Giới sang Nguyên báo tang. Đến tháng Chín năm sau (21-9 - 23-10- 1291), vua Trần lại sai các đại phu Nghiêm Trọng Duy, Trần Cử Trường đi cống.

Hốt Tất Liệt muốn nhân cơ hội Thánh Tông chết đem quân đánh Đại Việt. Nhưng viên Thừa tướng Hoàn Trạch và viên Bình chương Bất Hốt Mộc đã can ngăn. Bất Hốt Mộc khuyên trước hết hãy sai sứ đến Đại Việt. Tên vua Nguyên không tin gì vào kết quả của việc sai sứ, vì đã làm nhiều lần mà không có kết quả. Nhưng trong tình hình khó khăn các mặt lúc đó, vua Nguyên đành cử một sứ giả khác sang Đại Việt - Trương Lập Đạo, người đã đến Đại Việt năm 1267 và năm 1271, nay được cử làm Lễ bộ thượng thư. Mục đích là đòi vua Trần vào chầu, không đề cập lại vấn đề đòi trả tù binh.

Trong tờ chiếu, Hốt Tất Liệt vẫn tiếp tục luận điệu đe doạ, trịch thượng nhơng cũng phải thừa nhận thất bại của hắn: “... Cha ngươi giết chú, đuổi sứ của ta, để đến phải đem quân hỏi tội, sinh linh của ngươi chết chóc thực nhiều, mà quân lính của ta cũng tổn hại. Vì Trấn Nam vương Thoát Hoan ít tuổi, nghe nhầm tiến quân đường thuỷ, nên Toa Đô, Ô Mã Nhi rơi vào tay ngươi. Nhân thế ngươi được tạm yên đến nay. . .” Hắn đe doạ: “Nước nào chống cự, không phục thì nước ấy không khỏi bị diệt vong”. Và hắn dụ dỗ: “Nếu ngươi thân đến khuyết đình thì phù ấn tước vương ta cũng không tiếc” . . . 2

Khi đến Đại Việt, Trương Lập Đạo tìm cách biện minh cho thất bại của Thoát Hoan bằng một luận điệu xảo quyệt nhưng vụng về, tuỳ tiện đổ thất bại cho khách quan, lấy những nhân tố thứ yếu, tình cờ thay cho những nhân tố cơ bản, luận điệu nói liều của nước lớn đi xâm lược đã bị đánh bại nhưng vẫn muốn giữ thể diện.

Hắn nói: “Trước kia Trấn Nam vương phụng mệnh đi đánh, không phải là ngài không có thể thắng được. Đó là do không dùng người hướng đạo, đem quân vào sâu, không thấy một người nào, sinh nghi rồi trở về, nhưng chưa ra khỏi nơi hiểm trở thì bị mưa to gió lớn, cung tên đều huỷ hoại, binh sĩ không đánh mà tự tan” 3.


___________________________
1. Theo Hà Văn Tân - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Sđd, tr.315.
2. An Nam chí lược q.2, Đại Nguyên chiếu chế.
3. Nguyên sử q.167, Trương Lập Đạo truyện. t.2b.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 12:49:26 pm »

Hắn tiếp tục đe doạ: “Ngài chỉ cậy có núi biển hiểm trở và lam chướng ác liệt mà thôi. Nhưng người Vân Nam và người Lĩnh Nam thì tập tục giống nhau và tài nghệ sức lực ngang nhau. Nay đem quân ở đấy ra dùng, lại lấy thêm quân tinh nhuệ ở miền bắc, thì ngài chống được chăng? Ngài đánh thua chẳng qua lại trốn ra biển. Dân man di ở hải đảo tất thừa cơ đến cướp bóc. Ngài thiếu ăn, chống không nổi tất phải khuất phục chúng. Làm bề tôi của chúng sao bằng làm bề tôi của thiên tử?” 1.

Trong thư Trương Lập Đạo gửi vua Trần, y đã viết:

“Phía bắc đến cõi Am Sơn, vốn là nơi thánh triều dựng nghiệp, phía nam ra quá Viêm Hải, hết thảy vua các nước xưng thần. Tù trưởng các vùng Hồi Hột, Tây Vực qua bãi Lơu Sa mà đến cống, quốc chúa các nước Cao Ly, Đông Di vượt biển Doanh Hải để vào chầu. Vua các rợ Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân, vì trái trời mà nước bị diệt, chúa các nước Côn Ngô, Thổ Phồn, Bạch Thất bởi theo mệnh nên được kết hôn. Các vua Vân Nam, Kim Xỉ, Bồ Chân gửi con trai làm chí tử, các miền Đại Hạ, Trung Nguyên, Vong Tống hết toàn bộ làm thần dân. Duy nước An Nam là nước bé nhỏ, ngoài mặt thì tùng phục, trong lòng chưa đổi thay. . .” 2.
 
Như vậy, chính Trương Lập Đạo đã nói lên ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta dám đương đầu với kẻ xâm lược to lớn.

Tất cả các luận điệu đe doạ và dụ đỗ của Hốt Tất Liệt và Trương Lập Đạo đều vô hiệu. Vua Trần không chấp nhận việc vào chầu. Trương Lập Đạo phải trở về không.

Ba tháng sau, tháng Chín năm Nhâm Thìn (12-10 - 12-11-1292), Hốt Tất Liệt lại sai viên Lại bộ thượng thơ Lương Tằng và Lễ bộ lang trung Trần Phu đi sứ Đại Việt. Tháng 2-1293, sứ bộ đến Thăng Long. Trần Nhân Tông lấy cớ đang có tang, không chịu ra ngoài thành đón chiếu thư của Hốt Tất Liệt. Trần Nhân Tông tiếp sứ bộ nhưng vẫn cự tuyệt việc vua thân sang chầu và từ chối việc để thái tử sang chầu. Lương Tằng và Trần Phu ngoài mặt vẫn hống hách nhưng trong lòng rất sợ hãi trước những điều mắt thấy tai nghe ở Đại Việt Trần Phu, sau khi đi sứ trở về đã bộc lộ tâm trạng đó trong bài thơ:

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Di hạnh quy lại thân kiện tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.


(Trông bóng giáo mác, tấm lòng đau khổ,
Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc,
May được trở về, thân mạnh khoẻ,
Mỗi khi mộng đến chuyện cũ còn thấy hồn kinh sợ
). 

Tháng Ba năm Quý Ty (8-4 - 7-5-1293) Lương Tằng và Trần Phu về nước. Trần Nhân Tông sai Đào Tử Kỳ và Lương Văn Tảo sang Nguyên.

Năm đó, Hốt Tất Liệt xâm lược Java bị thất bại. Tháng 8- 1293, tướng Nguyên là Diệc Hắc Mê Thất cùng bọn Cao Hưng, Sử Bật kéo binh thuyền trở về. Tên vua Nguyên càng muốn cấp tốc đánh chiếm Đại Việt. Tân Nguyên sử chép:

Năm Chí Nguyên 30 (1293)... Thế Tổ (chỉ Hốt Tất Liệt - TG), triệu Lưu Quốc Kiệt vào bệ kiến và nói rằng: “Java (Qua Oa) đã được lại mất, khanh hãy vì trẫm mà đi một chuyến”.  Quốc Kiệt trả lời: “Java là vật ở đầu ngón tay, An Nam là vật nằm trong bàn tay, thần xin vì bệ hạ mà chiếm lấy”.

Vua nói: “Việc đó như ngứa trong tim, không phải gãi mà đến được.  Lời khanh nói thật hợp ý ta”. Vua bàn cất quân 10 vạn, Quốc Kiệt tâu rằng một vạn người cũng đủ dùng. Vua nói rằng một vạn người thì ít quá, đã lấy năm vạn phiên binh giao cho Hồ Quảng An Nam hành tỉnh được thiết lập lại để phụ trách việc xâm lược. Lưu Quốc Kiệt được giữ chức Bình chương chính sự ở hành tỉnh này để chỉ huy đạo quân xâm lược.


______________________
1. Nguyên sử q.167, Trương Lập Đạo truyện. t.2b.
2. An Nam chí lược, q.5, thư của Trương Lập Đạo gửi vua Trần.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2009, 12:55:01 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #93 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 12:56:55 am »

Con bài Trần ích Tắc lại được dùng đến. Hốt Tất Liệt đã ra lệnh cho Quốc Kiệt đến Ngạc Châu bàn với Ích Tắc và đến tháng Tám, Ích Tắc sẽ cùng đi theo đoàn quân xâm lược. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược, Hốt Tất Liệt đã cho tập trung đến 1000 chiếc thuyền, mỗi chiếc chứa được 100 hộc, 56.570 quân, 35 vạn thạch lương thực, hai vạn thạch thức ăn cho ngựa, 21 vạn cân muối, 70 vạn khí giới. Ngoài ra còn dự cấp bổng phụ cho quân quan và cấp cho quân lính thuỷ thủ mỗi người hai đỉnh tiền.

Hốt Tất Liệt còn sai Khu Túc Tê Mua đến Quảng Đông đôn đốc việc đóng 500 chiến thuyền để dùng vào việc đánh Đại Việt...  Sứ Đại việt là Đào Tử Kỳ bị giữ lại ở Giang Lăng. Quân Nguyên đóng ở Vĩnh Giang, đợi đến mùa Thu năm sau thì xuất phát. Mãi đến tháng 12 năm Quý Tị (29-12-1293 - 27-1-1294) bọn Quốc Kiệt vẫn còn tập trung quân: ngày Ất Tị tháng 12 (11 - 1- 1294) sai sứ đốc suất các châu Tư, Bá và Trấn Viền, Hoàng Bình phát 8000 quân Tống cũ theo đi đánh An Nam. 

Nhưng đến ngày Quý Dậu tháng Giêng năm Giáp Ngọ (18-2-1294) thì Hốt Tất Liệt chết. Tê Mua lên ngôi, tức Nguyên Thành Tông, hạ lệnh bãi binh đánh Đại Việt. Từ đó cho đến đầu thế kỷ XIV, bọn thống trị Nguyên bị chìm ngập giữa cao trào khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc, phải đành từ bỏ âm mưu xâm lược Đại Việt 1.

*

*     *

Thế kỷ XIII, đế quốc Mông - Nguyên rất mạnh và hiếu chiến. Với lòng tự tin của kẻ chưa bao giờ bị đánh bại, chúng có tham vọng đánh chiếm bằng được Đại Việt để làm căn cứ phát triển xâm lược xuống các nước phương nam.  Triều đình nhà Trần và quân, dân Đại Việt có quyết tâm kháng chiến ngày càng vững chắc qua từng cuộc kháng chiến thắng lợi.

Ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên đã thể hiện tài thao lược ngày càng cao, càng vững chắc, càng sắc sảo trong việc điều hành kháng chiến của triều đình nhà Trần, mà tiêu biểu là nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn. 

Sức sáng tạo của quân, dân trong kháng chiến ngày càng mở rộng và nâng cao. Trí tuệ giữ nước và sức mạnh giữ nước của cả dân tộc ta đã chiến thắng mọi mưu ma chước quỷ của quân giặc. Tinh thần kiên trì quyết chiến của dân tộc ta đã đập tan tính ngoan cố của quân xâm lược.

Các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên đã đạt đến trình độ ngày càng cao hơn của cuộc chiến tranh mang tính nhân dân sâu sắc. Tinh thần cả nước đánh giặc, trăm họ là binh đã được biểu hiện ngày càng đậm nét và có hiệu quả.  Cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo tài tình của nhà Trần, đã phát huy cao độ sức mạnh to lớn của mình, kiên quyết đương đẩu và đánh thắng quân xâm lược đông đảo và thiện chiến.

Những chiến công oanh liệt như đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạnh Đằng đã khiến kẻ thù ngày càng khiếp sợ việt xâm lược Đại Việt.  Thắng lợi liên tiếp của ba cuộc kháng chiến trong 30 năm đã đánh thắng hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên, bảo đảm cho dân tộc ta được sống trong hoà bình hơn 100 năm sau chiến tranh, cho đến khi đế quốc Mông - Nguyên sụp đổ.

Chiến công to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm đã khích lệ mạnh mẽ cả dân tộc ta bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng đất nước trong thời bình. Việc bồi dưỡng sức dân sau chiến tranh đã được triều đình Trần chú trọng thực hiện một cách thiết thực và kịp thời.

Các biện pháp ngoại giao sau mỗi lần chiến thắng thể hiện rõ cách ứng xử của một nước nhỏ đã chiến thắng đối với nước láng giềng lớn đến xâm lược đã thua trận. Dân tộc ta đã chăm lo giữ vững quan hệ bình thường, không mất tư thế của người thắng trận, nhưng không phạm tự ái của nước láng giềng lớn bị đánh bại trong cuộc chiến tranh xâm lược, bảo đảm hoà bình lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc.


___________________________
1. Theo Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thê kỷ XIII, Sđd, tí.321,327.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #94 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 01:00:21 am »

CHƯƠNG IV

QUAN HỆ QUÂN SỰ GIỮA ĐẠI VIỆT VỚI CÁC VƯƠNG QUỐC PHÍA NAM VÀ PHÍA TÂY – KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN CUỐI THỜI TRẦN


I. QUAN HỆ QUÂN SỰ GIỮA ĐẠI VIỆT VỚI CHĂMPA VÀ AI LAO

1. Quan hệ quân sự giữa Đại Việt và Chăm pa thế kỷ XIII-XIV

Vương quốc Chăm pa (Chiêm Thành) nằm ở phía nam và đã từng có quan hệ tốt với Đại Việt. Đầu thế kỷ XIII, Chăm pa vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với Đại Việt. Năm 1203, Chăm pa bị đặt dưới quyền Đô hộ của Chân Lạp trong 17 năm (1203-1220). Sau đó quân đội Chân Lạp tự rút khỏi lãnh thổ Chăm pa vì bị Xiêm uy hiếp từ phía tây nam. Nhân thời cơ đó, một hoàng thân Chăm pa giành được chính quyền và tiếp tục quan hệ thân hữu với Đại Việt hơn. 

Năm 1225, ở Đại Việt, nhà Trần lên thay thế nhà Lý.  Trước âm mưu xâm lược miền đất phương nam của đế quốc Mông Cổ, nhân dân Chăm pa và nhân dân Đại Việt càng gần nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Thời Trần, Chăm pa tiếp tục thực hiện “ nghĩa vụ phiên thần” với Đại Việt dưới dạng cống nạp, tuy không định kỳ nhưng khá đều đặn. Tính đến cuối thế kỷ XIII, sử chép nhiều lần Chăm pa cống nạp Đại Việt.

Năm Nhâm Ngọ 1282, cũng là năm Hốt Tất Liệt điều khoảng 10 vạn quân các tỉnh Hoài Triết, Phúc Kiến, Hồ Quảng cùng 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền giao cho Toa Đô đi đánh Chăm pa. Trong âm mưu xâm lược các nước phương nam, chủ trương của vua Nguyên Hốt Tất Liệt là đánh chiếm Chăm pa trước, tạo thành một mũi tiến công Đại Việt từ phía nam.

Bấy giờ, vua Nguyên nhiều lần sai sứ đến Đại Việt đòi vua Trần cho mượn đường, giúp quân, cấp lương thực cho đội quân đánh Chăm pa. Vua Trần khảng khái cự tuyệt những yêu sách đó. Về mượn đường, vua Trần từ chối với lý do: “từ nước tôi đến Cham pa, đường thủy, đường bộ đều không tiện”.

Về giúp quân, thơ vua Trần viết: “Đại Việt quy thuận thiên triều đã 30 năm, gươm giáo không dùng đến, quân sĩ đã cho về làm dân binh”. Về cấp lương, vua Trần bảo A Lý Hải Nha: “Nước tôi địa thế gần biển, ngũ cốc trồng không được nhiều. Từ sau khi đại quân rút đi chỉ cuộc xâm lăng của Ngột Lương Hợp Thai trăm họ lưu vong, lại thêm lụt hạn luôn, sớm no chiều đói, ăn không đủ” 1. Thái độ kiên quyết đó của vua Trần đã gây khó khăn lớn cho quân xâm lược Nguyên trong việc tiến quân và tiếp viện cho Toa Đô đánh Chăm pa.   

Tháng 11 năm Nhâm Ngọ (khoảng từ ngày 2- 12 đến ngày 31-12-1282), Toa Đô cho quân đem 1.000 chiến thuyền xuất phát từ Quảng Châu đổ bộ vào cửa biển Chăm pa (Quy Nhơn ngày nay). Bấy giờ Kinh đô Chăm pa là Vijaya (tức thành Trà Bàn ở Bình Định) 1. Từ trong vịnh Quy Nhơn, có thể theo cáe nhánh sông để tiến về phía Vijaya. Phía tây vịnh là đất liền, quân Chăm pa đã xây dựng thành gỗ để ngăn chặn quân Nguyên tiến về Kinh đô. Bốn mặt thành gỗ dài khoảng 20 dặm, trên dựng những giàn ghe (lâu bằng), đặt hơn 100 cỗ pháo 2. phía tây cách thành gỗ 10 dặm là hành cung của vua Chăm pa, sẵn sàng ứng viện cho đội quân Chăm pa ở thành gỗ.

Trước tình thế đó, Toa Đô liền dàn trận và báo cho quân lính giờ tiến công là nửa đêm ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mùi (tức 13-2-1283). Quân Nguyên chia làm ba mũi tiến về phía thành gỗ của Chăm pa. Mũi chủ yếu do Toa Đô chỉ huy gồm 3.000 quân, tiến công vào mặt nam thành gỗ. Cánh quân Toa Đô vừa tới, quân Chăm pa liền ra nghênh chiến. Cờ trương, trống thúc, mấy chục voi và hơn vạn người hùng dũng xuất trận.

Tên qua, đạn lại, trận chiến đấu ngày càng ác liệt. Suốt buổi sáng, thế giằng co vẫn duy trì, nhưng đến trưa, quân Chăm pa không giữ vững được trận địa. Cửa nam bị vỡ, cánh quân Toa Đô tràn vào thành. Từ bên trong, cánh quân này đánh ra phối hợp với hai cánh quân phía bắc và phía đông. Chẳng mấy chốc quân Nguyên hoàn toàn thắng thế. Mấy nghìn người Chăm pa bị hy sinh. Quân giữ thành và tiếp lương đến mấy vạn người đều rút lui. Thành gỗ lọt vào tay quân Nguyên.


_____________________________
1. Theo Nguyễn Lương Bích: Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng, Sđd, tr. 134.
2. Trà Bàn, còn gọi là Đồ Bàn, thành cổ ở xã Nhân Hậu và Đập Đá huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tây bắc Quy Nhơn 26 km; xây dựng năm 806, hình chữ nhật (1.100m x 1.000 m). Tường thành đắp bằng đất, ốp đá ong, có ba cửa. Các vua Chăm pa đóng đô ở đây từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV.
3. Chữ “pháo" thời Nguyên là chỉ máy bắn đá, đến giữa thời Minh mới dùng chữ pháo với nghĩa là hỏa khí.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #95 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 01:06:49 am »

Sau lần đọ sức đầu tiên này, biết không thể trực diện ứng chiến ngay với quân Nguyên, vua Chăm pa sai giết hai viên sứ Nguyên là Lưu Vĩnh Hiền và Y Lan, đốt kho tàng, bỏ lại lâu đài dinh thự rồi cùng quân đội rút lên núi, tìm mọi cách làm cho Toa Đô tin rằng quân Chăm pa đã bị tan rã không còn sức chiến đấu và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng. 

Ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mùi (15-2-1283), Toa Đô chấn chỉnh đội ngũ tiến đánh Kinh Đô Vijaya. Ngày 19 tháng Giêng (17-2-1283), vua Chăm pa sai sứ đến gặp Toa Đô “xin đầu hàng”. Hôm sau, Toa Đô cho quân đến địa giới đông nam thành Vijaya, đuổi sứ về nói với vua Chăm pa phải đích thân đến ra mắt thì sẽ được miễn tội. Ngày 21 tháng Giêng (19-2 1283), quân Nguyên tiến vào Kinh Đô Vijaya đã bỏ trống, vì thế Toa Đô dễ dàng chiếm đóng kinh thành này.  Để kéo dài thêm thời gian hòa hoãn, vua Chăm pa sai cậu là Bảo Thác Thốc Hoa cùng với hơn 30 người đem theo rất nhiều cống phẩm đến doanh trại của Toa Đô hẹn ba ngày nữa vua Chăm pa sẽ xin đến ra mắt.

Trong khi đó, vua Indravarman V và Thái tử Harijit đã tranh thủ thời gian củng cố và xây dựng căn cứ trên núi Nha Hầu ở phía bắc thành Vijaya. Đó là một tòa thành gỗ được dựng trong khu rừng sâu núi hiểm với một lực lượng tập trung đến hơn hai vạn người. Đồng thời, vua Chăm pa còn cho sứ giả sang Đại Việt xin thêm viện binh. Có thể Đại Việt đã phái quân sang giúp Chăm pa. Vì thế sau này, năm 1284, nhà Nguyên có trách cứ vua Trần đã giúp Chăm pa hai vạn quân và 500 chiến thuyền 1.
 
Sau một tháng tìm cách hoãn binh, lực lượng của Chăm pa đã được củng cố và sẵn sàng ứng phó với những cuộc tiến công mới của quân Nguyên. Khi biết là mình đã bị lừa, Toa Đô tức tối tổ chức một cuộc tiến công vào căn cứ địa của Chăm pa. 

Ngày 16 tháng Hai (16-3-1283), Toa Đô sai Vạn hộ Trường Nang dẫn quân tiến vào đại bản doanh của vua Chăm pa.  Nhưng chúng đã lọt vào thế trận đã bố trí sẵn của quân đội Chăm pa. Từ hai phía, quân Chăm pa đổ ra đánh vào sau lơng giặc, không cho chúng kịp rút lui. Quân Nguyên bị hãm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Cuối cùng, chúng phải “liều chết cố đánh” mới sống sót “thoát được về đến doanh trại” 2.

Sau thất bại, Toa Đô ra lệnh rút quân về vùng bờ biển Quy Nhơn ngày nay chấn chỉnh đội ngũ, dựng thành gỗ, tích trữ lương thực, tính kế đóng quân lâu dài chờ viện binh. Vài ngày sau, 20 tháng Hai năm Quý Mùi (20-3-1283), Hốt Tất Liệt sai Hành tỉnh Long Hưng (Nam Xương và Giang Tây) đưa quân đi hộ tống đoàn thuyền lương đến Chăm pa.

Giữa năm đó, vua Nguyên điều động thêm ba vạn quân và cung cấp thêm vũ khí, cung, tên, giáp, trượng bổ sung cho Toa Đô. Hốt Tất Liệt đã nhiều lần sai sứ sang đòi Đại Việt phải cung cấp quân lương và cho chúng mượn đường sang Chăm pa. Nhưng vua tôi nước Đại Việt vẫn một mực từ chối. Chúng lại phải dùng đường thủy để tiếp viện cho Toa Đô.

Suốt một năm trời chờ đợi không có quân tăng viện, thiếu lương thực, quân Nguyên đói khát và hoảng sợ trước những cuộc tập kích của quân, dân Chăm pa. Trước tình thế đó, Toa Đô buộc phải rút khỏi Cri Vinaya (cửa Thị Nại, Quy Nhơn) tiến ra phía bắc gần biên giới phía nam Đại Việt. . 

Mãi đến ngày 28 tháng Hai năm Giáp Thân (16-3-1284) Hốt Tất Liệt mới cử được đạo quân một vạn rưỡi người và 200 chiến thuyền do Vạn hộ Khu Tu Khu (Qutuqu), Ô Mã Nhi (Ômar) và Lưu Quân Khánh chỉ huy đi tăng viện cho Toa Đô. Nhưng khi chúng cập cảng Cri Vinaya (Quy Nhơn) thì thấy những doanh trại của quân Nguyên đã bị đốt cháy. 

Khi quân của Vạn hộ Lưu Quân Khánh tiến vào đến Tân Châu (Bình Định) bắt được một số tù binh người Chăm thì chúng mới biết quân Toa Đô đã rút. Chúng đành phải quay thuyền trở ra tìm gặp quân Toa Đô, nhưng chưa kịp gặp thì binh thuyền của chúng đã bị bão đánh tan nát hết.  Toa Đô đành phải đem quân đánh chiếm vùng hồ Đại Lãng (khoảng vùng phá cầu Hai ở Thừa Thiên- Huế ngày nay).

Không có lương tiếp viện, chúng đẵn gỗ dựng thành lũy vỡ ruộng cày cấy để tự cấp lương ăn. Từ căn cứ này, Toa Đô một mặt đem. quân đánh tỏa ra vùng Ô Lý và Việt Lý của Chăm pa (tức vùng Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) để cướp bóc tích trữ lương thực theo âm mưu đóng chốt lâu dài; mặt khác, vẫn tiếp tục sai người về triều xin thêm quân. Nhưng khi đó quân Nguyên không dễ gì gửi được viện binh tới nữa. Toa Đô phải đóng quân trong tình trạng nguy khốn và thiếu lương thảo trầm trọng. âm mưu xâm lược Chăm pa cửa nhà Nguyên đã thất bại.

Cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân Chăm pa không chỉ bảo vệ được độc lập cho nước mình mà còn góp phần ngăn chặn bước tiến của quân Nguyên xuống phương nam và cũng do cuộc kháng chiến đó mà vua Nguyên Hốt Tất Liệt đã không thể thực hiện ý đồ lấy Chăm pa làm căn cứ vững mạnh để tiến công từ phía sau lưng Đại Việt.


__________________________
1. Nguyên sử. q. 209, An Nam truyện.
2. Nguyên sử, q.210, Chiêm Thành truyện, t.5b.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #96 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 08:14:59 am »

Đến đầu năm 1285, mặc dù Toa Đô kéo quân từ miền Ô Lý, việt Lý ra phía bắc tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt nhưng một bộ phận quân do Tham chính Y Gơ Mỹ (Ygơmisơ) chỉ huy vẫn đóng ở vùng hồ Đại Lãng của Chăm pa. Phải đến khi đại quân Nguyên bị thất bại hoàn toàn trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai thì bộ phận quân Nguyên này mới rút hoàn toàn khỏi đất Chăm pa.

Thế là cuộc kháng chiến của nhân dân Chăm pa đã góp phần trì hoãn cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên đối với Đại Việt và sau đó, là chính cuộc kháng chiến của vua tôi và quân, dân nhà Trần ở Đại Việt đã chặn đứng bước tiến của đế chế Nguyên xuống phía nam, góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn đất đai Chăm pa.

Như vậy là máu người Chăm và người Việt đã đổ xuống vì quê hương của mình và thực sự đã góp phần ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Nguyên xuống đông Nam á. Nhân dân Chăm pa và nhân dân Đại Việt đã đoàn kết chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. 

Đến đầu thế kỷ XIV, Trần Nhân Tông lúc ấy đã nhường ngôi cho con và lên làm thượng hoàng. Trong dịp đi du ngoạn vùng biên giới phía nam, Trần Nhân Tông đã sang chơi Chăm pa từ tháng 5-1301 đến tháng 1-1302 1.

Nhân dịp này Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã kết mối giao hảo hứa gả con gái cho vua Chăm pa. Năm 1306, Chế Mân sai bề tôi mang phẩm vật và đem hai châu Ô, Lý làm sính lễ xin cưới công chúa Huyền Trân. Bang giao Việt-Chăm pa trải qua những tháng năm êm đẹp. Biên cương phía .  nam Đại Việt ổn định, có thêm hai châu Ô, Lý, đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu (1307), đất Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay 2.

Năm 1307, Chế Mân chết. Vua Trần sai Trần Khắc Chung sang Chăm pa lập mưu đưa công chúa Huyền Trân và Thế tử Chế Đa Da về nước, thoát khỏi tục lệ khắc nghiệt của vương quốc Chăm pa, không bị lên giàn thiêu chết theo chồng. Từ đấy mối quan hệ Đại Việt - Chăm pa trở nên căng thẳng, miền đất ô, Lý trở thành vùng tranh chấp. 

Năm 1311, chúa Chăm pa kế vị là Chế Chí có hành động chống Đại Việt. Năm 1312, Trần Anh Tông xuất binh tiến vào đất Chăm pa. Trước đó, Chế Chí sai người sang cống.  Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với ông. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình (Quảng Bình ngày nay) chia quân làm ba đường: Huệ Vũ vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ, thủy - bộ cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.

Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển ra hàng. Nhưng người Chăm tụ tập đánh vào ngự doanh.

Tiếng voi đã gần, quân sĩ có vẻ lo sợ. Khi ấy, quân của Huệ Vũ vương vừa tới, quân Chăm pa phải rút lui. Trận này không mất một mũi tên mà Chăm pa bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài. Vua Trần rút quân về, mang theo cả Chế Chí, phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm á hầu để giữ đất ấy. Ít lâu sau Chế Chí chết ở Gia Lâm. 

Năm 1313, Chăm pa bị quân Xiêm xâm lược. Nhằm khôi phục ảnh hưởng của mình đối với Chăm pa, vua Trần sai Đỗ Thiên Hựu đi kinh lược Nghệ An, Lâm Bình để đem quân sang cứu. Đỗ Thiên Hựu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỏ ra là một tướng lĩnh xuất sắc và có tài ngoại giao, vì thế sau này việc giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan đến chính sách của Đại Việt ở vùng biên giới phía nam đều được giao cho ông.


________________________-
1. Toàn thư, t.2, Sđd, tr.84-85.
2. Thuận Hóa trở thành một bộ phận của Đại Việt từ năm 1306...  Huế là sự đọc chệch từ Hóa mà ra và xứ Huế có cả một bản Nam Bình tiêu biểu cho ca Huế, xót thương cho số phận công chúa Huyền Trân: Núi non ngàn dặm ra đi, môi tình chi mượn màu son phấn, đền nợ Ô Lý.  Đắng cay vì đương độ xuân thì, số lao đao hay nợ duyên gì. Má hồng da tuyết quyết liều như hoa tàn trăng khuyết, vàng lộn với chì. Lòng lai láng hướng dương hoa quỳ, nhắn một lời Mân quân... Tình đem lại mà cân, đắng cay muôn phần ! Xứ Huế được tích hợp vào quốc gia Đại Việt kể từ thời công chúa Huyền Trân.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #97 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 08:17:47 am »

Năm 1318, Trần Minh Tông sai Quốc Trẩn đem quân đánh Chăm pa. Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đánh nhau với quân Chăm pa bị thất bại và tử trận. Phạm Ngũ Lão quản lĩnh quân Thiên Thuộc, đem quân đánh tập hậu. Quân Chăm pa thất bại, vua Chăm pa là Chế Năng phải sang Giava cầu viện. Quốc Trẩn lập tù trưởng người Chăm là A Nan làm Hiệu Thành á vương rồi rút quân về.

Năm 1326, Huệ Túc vương đem quân đánh Chăm pa, không thắng trở về, vua nói: “Tiên đế tắm mưa gội gió mới bắt được chúa nước đó. Quốc phụ là một trọng thẩn phụng mệnh đi đánh 1 khiến chúa nước giặc là Chế Năng phải chạy sang nước khác (Chế Năng chạy sang Giava cầu cứu), lập tù trưởng A Nan làm Hiệu Thành á vương. Nay Huệ Túc chỉ là một vương thôi, uy vong không thể sánh với quốc phụ, thế mà ta cứ ở yên trong cung, trao cho chuyên việc đánh dẹp, muốn bắt sống chúa nó thì làm nổi chăng” 2.

Thời kỳ này nhà Trần càng ngày càng suy nhược. Quý tộc đã sa đọa, những người có khả năng như Quốc Trẩn đều bị giết, Phạm Ngũ Lão thì đã chết.

Tháng 5-1346, chúa Chăm pa Chế A Nan chết, con rể là Trà Hòa Bố Để tự lập làm vua, sai sứ sang Đại Việt báo tin buồn. Từ đó Chăm pa không sang cống Đại Việt nữa. Tháng 3-1352, Chế Mỗ người Chăm pa chạy sang Đại Việt dâng voi trắng, ngựa trắng mỗi thứ một con và các cống vật xin đánh Chà Hòa Bố Để, lập y làm quốc vương. Vì trước đây khi chúa Chăm pa là Chế A Nan còn sống thì con là Chế Mỗ làm bố điền (tức đại vương), con rể là Chà Hòa Bố Để làm bố đề (tức là tể tướng), nói câu gì, làm kế gì cũng được chúa Chăm pa nghe theo, nhân thế, ông lập bẻ đảng với Chế Mỗ.  Chế Mỗ khi nào bị quở trách, Bố Để thường cứu gở cho.  Người trong nước do vậy mà có lòng khác, không chuyên tâm theo về Chế Mỗ nữa. Đến khi A Nan chết, Bố Để liền đuổi Chế Mỗ mà tự lập làm vua. Thế mới biết kẻ làm tôi mà lập bè đảng thì hẳn là có mưu đồ khác mà Chế Mỗ vẫn không biết là mình bị sa vào thuật của nó.

Tháng 6-1353, vua Trần cử đại binh đi đánh Chăm pa và đưa Chế Mỗ về nước. Nhưng bộ binh vừa đến Cổ Lũy (Quảng Ngãi thủy quân tải lương không tới kịp, do đó đại binh phải rút về, không được bao lâu thì Chế Mỗ chết ở Đại Việt. Tháng Chín năm đó (1353) Chăm pa đem quân vào cướp phá vùng Hóa Châu. Quan quân Hóa Châu chống cự không nổi. Vua gọi Trương Hán Siêu mưu tính việc đó. Hán Siêu trả lời: “không nghe lời thần nên đến nỗi thế”. Vua sai Trương Hán Siêu đem các quân Thần Sách đi trấn giữ Hoá Châu. Sự thất bại của nhà Trần lần này càng bộc lộ sự yếu kém của chế độ phong kiến Đại Việt.

Năm 1360, Chế Bồng Nga trở thành quốc vương của Chăm pa 3. Ông là một tài năng quân sự kiệt xuất, là một vị tướng phiêu lưu đầy mưu mô, chí dũng. Dưới triều vua Chế Bồng Nga, vương quốc Chăm pa lên đến “mức độ tột bực”. Chế Bồng Nga nhân cơ hội nhà Minh lên cầm quyền ở Trung Quốc, bắt đầu tiến công đất Việt.

Năm 1361, quân Chăm pa đã vượt biển đánh vào cửa Di Lý, phủ Lâm Bình (hiện nay là Lý Hòa, Bố Trạch, Quảng Bình). Triều đình nhà Trần phải sai Phạm A Song làm Tri phủ Lâm Bình để trấn giữ vùng đất này. Người Chăm pa thường phục kích cướp của bắt dân Hóa Châu trong những ngày hội đầu xuân.

Tháng 3-1362, Chăm pa cho quân cướp Hóa Châu. Tháng 4, Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu. Đầu năm 1365, người Chăm pa cướp dân Hóa Châu đi chơi xuân. Trước đây, theo tục Hóa Châu, tháng Giêng hằng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu. Người Chăm pa đã nấp sẵn ở đầu nguồn Hóa Châu trước, đến khi ấy ập tới cướp bắt lấy người và của đem về nước.


_________________________
1. Toàn thư chép năm Mậu Ngọ (1318), vua sai Huệ Vũ Đại vương Quốc Trần đi đánh Chăm pa. Toàn thư cũng chép năm Giáp Tý (1424) lấy Huệ Vũ Đại vương Quốc Trần làm Nhập nội quốc phụ thượng tể.  Như vậy quốc phụ ở đây là Quốc Trần và lần đi đánh Chăm pa này diễn ra vào năm 1318.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.112.
3. Chế Bồng Nga là vua và là danh tướng Chăm pa (1360-1390).  Từ năm 1361 đến năm 1390, khi nhà Trần suy yếu, Chế Bồng Nga nhiều lần đem quân đánh Đại Việt (vùng Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Tây); ba lần đánh vào Kinh Đô Thăng Long (1371, 1377, 1878). Chế Bồng Nga đánh bại một số tướng nhà Trần: Trần Thế Hưng (1368), Đỗ Tử Bình (1378), Lê Mật Ôn (1383), Hồ Quý Ly (1889), đặc biệt năm 1377 đánh bại 120.000 quân Trần do vua Trần Duệ Tông chỉ huy đánh thành Trà Bàn (Kinh Đô Chăm pa).  Chế Bồng Nga bị tướng nhà Trần là Nguyễn Đa Phương đánh bại ở cửa Thần Đầu, Tam Điệp (Ninh Bình) năm 1382. Chế Bồng Nga chết trong trận chiến đấu với quân của Trần Khát Chân ở Hải Triều, sông Luộc (đoạn giữa Hưng Yên và Thái Bình).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #98 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 08:21:44 am »

Tháng 3-1366, quân Chăm pa lại đánh Lâm Bình. Quan phủ Phạm A Song chỉ huy quân ở Lâm Bình đánh thắng quân Chăm pa. Năm 1367, Trần Thế Hưng làm thống quân, Đỗ Tử Bình làm phó, đem quân đánh Chăm pa. Tháng 2-1368, Chăm pa sai Mục Bà Ma sang đòi lại đất biên giới Hóa Châu. Tháng 4- 1368, quân Trần kéo đến Chiêm Động 1, bị quân Chăm pa phục kích. Quân Trần thất bại nặng nề, Trần Thế Hưng bị quân Chăm pa bắt, Đỗ Tử Bình rút quân về. 

Trong khi nhà Trần đang ngày càng sa sút thì hiểm họa ngoại xâm lại trở thành mối đe dọa lớn. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ nhà nước quân chủ phải đương đầu với những nguy cơ xâm lược như tình hình vào nửa sau thế kỷ XIV.  Lúc này, lợi dụng lúc Đại Việt suy đốn và nhân việc người mẹ Dương Nhật Lễ trốn sang Chăm pa cầu cứu sau vụ biến Dương Nhật Lễ 2, đầu năm 1371, vua Chăm pa đã đem thủy quân qua cửa Đại An tiến ngược lên Thăng Long, đổ bộ vào Kinh thành đốt phá cung điện, sách vở, cướp người và ngọc lụa. Vua và triều đình phải đi thuyền sang sông để lánh nạn ở vùng đông Ngàn (đông Anh, Bắc Ninh) 3.
 
Khi Nghệ Tông đã nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức Duệ Tông, lui vào làm Thái thượng hoàng thì Duệ Tông lại không nghe theo các lời các can gián đúng. Giữa lúc nhân dân trong nước đang đói khổ vì chiến tranh tàn phá, nhà vua đã nghe theo lời của Hành khiển Đỗ Tử Bình đang trấn giữ ở đất Hóa Châu lúc gấy giờ, quyết chí đem quân đi đánh Chăm pa.

Vào tháng 12-1376, 12 vạn quân Trần được điều động từ Kinh Đô tiến đánh Chăm pa. Trước đó vua Chăm pa là Chế Bồng Nga thường đem quân quấy rối biên giới. Hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh đem quân đến trấn giữ Hóa Châu, Bồng Nga đem 10 mâm vàng để dâng tiến, Đỗ Tử Bình đã tư túi số vàng đó, lại nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên Duệ Tông càng quyết chí đem quân đi đánh.

Hồ Quý Ly được lệnh đốc thúc dân các châu Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa chở lương thực cho quân viễn chinh.  Duệ Tông chỉ huy bộ binh đi ngựa men theo bờ biển cùng thủy quân tiến đến cửa Nhật Lệ, quan quân thì tiến đến cửa Dy Luân (cửa Ròn) . Vua cho đóng quân và luyện tập một tháng ở cửa Nhật Lệ. Đến ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Ty (1377), quan quân nhà Trần đi đến cửa Thị Nại, đóng lại ở động A Mang.

Chế Bồng Nga lúc ấy đang dựng trại ở ngoài thành Trà Bàn, cho Mục Bà Ma đến trá hàng vua Trần, nói dối là Chế Bồng Nga đã trốn chỉ còn thành không. Ngày 24, Duệ Tông và Ngự Câu vương Húc truyền lệnh đem quân tiến vào thành. Tướng Đỗ Lễ can ngăn nhưng vua không nghe cứ tiến quân, bị quân Chăm pa phụt kích, quân Trần bị thua tan tác, Duệ Tông và một số tướng lĩnh như Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều bị chết tại trận 4.  Ngự Câu vương Húc bị bắt. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến cứu, trốn thoát, về đến Kinh sơ bị trị tội. Hồ Quý Ly chỉ huy quân lương nghe tin vua bị chết cũng bỏ trốn về trước.

Thất bại của cuộc viễn chinh lần này càng làm cho tình hình Đại Việt thêm rối ren và càng tạo điều kiện cho Chăm pa lấn tới. Tháng 6- 1377, quân Chăm pa tiến công Đại Việt Thượng hoàng Nghệ Tông sai Cung Chính vương sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Quân Chăm pa biết ở Đại An có phòng ngự nên đã tiến từ cửa Thần Phù vào Thăng Long cướp bóc. Sau một ngày, quân Chăm pa mới rút lui. Khi về đến cửa Đại An, thuyền của quân Chăm pa bị bão đánh đắm, người và phương tiện, khí giới bị thiệt hại nhiều.

Tháng 5-1378, Chăm pa lại tiến công ra Nghệ An. Đi theo quân Chăm pa có Ngự Câu vương Húc, tự xưng là vua để chiêu dụ dân chúng. Tháng 6 quân Chăm pa tiến đánh sông Đại Hoàng. Đỗ Tử Bình chống cự không nổi, quan quân tan vỡ.  Quân Chăm pa tiến thẳng đến Kinh Đô, tàn phá Thăng Long một lần nữa, bắt người cướp của rồi rút về.


_____________________________
1. Đất Chiêm Động của Chăm pa bấy giờ là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Quế Sơn tỉnh Quảng Nam ngày nay. 
2. Ngày 15-6-1369, Hiến Từ Hoàng thái hậu sai người đón con thứ của cố Cung Túc Đại vương Dục là Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ là con người làm trò tên là Dương Thương. Mẹ Nhật Lễ đương có thai, Dục thích nàng xinh đẹp lấy làm vợ. Đến khi đẻ, Dục nhận làm con của mình. Nhật Lễ ở ngôi hàng ngày chỉ rong chơi, thích hát xướng muốn đổi là họ Dương. Ngày 13-11-1370, Nhật Lễ bị phế làm Hôn Đức công, đến ngày 21, Nhật Lễ bị giam ở phường Giang Khẩu (phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay) rồi bị đánh chết. 
3. Toàn thư. Sđd, t.2, tr.154.
4. Toàn thư, Sđd, t.2, tr. 161.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2009, 08:24:34 am »

Để phòng ngừa quân Chăm pa cướp bóc và tàn phá, năm 1319, triều đình nhà Trần đã cho quân, dân mang tiền đồng cho giấu vào trong núi (Thiên Kiện-Thanh Liêm và Khám Khả Lăng- Lạng Sơn), đến năm 1381 lại cho di chuyển thần tượng ở các lăng Quốc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) đem về An Sinh (thuộc vùng núi Quảng Ninh) để lánh nạn.

Năm 1381, quân Chăm pa vào đánh Thanh Hóa. Hồ Quý Ly đem quân ra chống giữ, đóng đồn ở núi Long Đại (Hàm Rồng) . Nguyễn Đa Phương chỉ huy quân đóng cọc giữ ở cửa biển Thần Đầu. Bộ binh của quân Chăm pa chiếm Linh trên núi ném đá xuống, thuyền của quân Trần thiệt hại lớn, Đa Phương không đợi lệnh Hồ Quy Ly đã cho nhổ hàng cọc đánh vào thủy quân Chăm pa, quân Trần thắng đốt hết thuyền của quân Chăm pa, tàn quân Chăm pa chạy trốn, quân Trần truy kích đến tận Nghệ An.

Sang năm 1383, quân Chăm pa lại tiến quân ra bắc, lần này Chế Bồng Nga cùng với tướng La Ngai không dùng thủy quân mà đã đem quân bộ đi theo chân núi ra trấn Quảng Oai, dò đường đến đóng trại ở Khổng Mục. Thượng hoàng sai tướng coi quân Hoa Ngạch là Lê Mật Ôn đem quân chống giữ mới đến bãi Tam Kỳ (Quảng Oai) chưa kịp dàn trận đã bị quân Chăm pa phục kích, quân Trần thua, tướng Lê Mật ôn bị bắt. Cả Thăng Long bị náo động. Sau hơn nửa năm chiếm đóng ở đất Đại Việt, đến cuối năm đó, quân Chăm pa mới rút về nước.

Đợt tiến công cuối cùng của quân Chăm pa vào Đại Việt xảy ra từ cuối năm 1389 đến đầu năm 1390. Tháng 11-1389, Chế Bồng Nga đem quân tiến vào đất Thanh Hóa.  Hồ Quý Ly được lệnh đem quân chống giữ, quân Chăm pa đắp đập ở thượng lưu. Quân Trần đóng cọc để chống giữ.  Quân Chăm pa mai phục giả vờ bỏ trại về. Hồ Quý Ly cho nhọn quân tinh nhuệ và quân cảm tử đuổi theo, thủy quân cũng mở cọc ra đánh.

Quân Chăm pa phá đập chắn nước, quân thủy của nhà Trần không thể ngược dòng tiến lên được nên bị thua, tướng chỉ huy là Hữu thánh dực Nguyễn Trí bị bắt cùng các tướng tá và quân lính hơn 70 người bị thiệt mạng. Hồ Quý Ly chạy trốn về Kinh thành Thăng Long. Quân Chăm pa tiến ra vùng châu thổ sông Hồng.

Tháng 12 năm đó, Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Trần Khát Chân 1 đem quân Long Tiệp đi đánh. Trần Khát Chân vâng mệnh, lúc tiễn đưa cả hai người đều khóc. Quân của Trần Khát Chân theo sông Hồng tiến đến Hoàng Giang thì gặp địch. Trần Khát Chân lui về chống giữ ở sông Hải Triều (giữa Hưng Yên và Thái Bình). Lúc này em Linh Đức vương Hiện là Trần Nguyên Diệu đầu hàng giặc 2

Đầu năm 1390, Chế Bồng Nga cùng Trần Nguyên Diệu đem hơn 100 chiến thuyền đến xem thế trận của quân Trần. Tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Kê bị Bồng Nga trách phạt sợ bị giết, chạy trốn sang phía quân Trần, chỉ cho biết chiếc thuyền sơn lục là thuyền của Chế Bồng Nga. Trần Khát Chân sai bắn vào, Chế Bồng Nga bị trúng tên xuyên suốt ván thuyền tử trận, quân Chăm pa tan vỡ.  Tướng Chăm pa là La Ngai thu thập tàn quân rút về nước đi bộ men theo đường núi không dám rút bằng đường thủy.   

Về đến Chăm pa, La Ngai tự lập làm vua. Con của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và em là Chế Sơn Nô sợ bị giết, chạy trốn sang Đại Việt. Từ khi Chế Bồng Nga bị chết trên chiến trường Đại Việt, quân Chăm pa không dám xâm phạm Đại Việt nữa. Tuy nhiên, qua chiến tranh liên miên, nhà Trần đã bị kiệt quệ nhiều cả về sức người và tài chính khiến tình hình càng trở nên nguy ngập. Quân đội nhà Trần lúc này không còn đủ sức bảo vệ sự an toàn cho đất nước và nhân dân nữa.


________________________
1. Trần Khát Chân (1370-1399), danh tướng cuối thời Trần, quê Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), xuất thân dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Năm 1389, quân Chăm pa vào đánh phá Thanh Hóa, Hồ Quý Ly không đánh dẹp được, Thượng hoàng Nghệ Tông cử Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp đánh tan quân Chăm pa, giết Chế Bồng Nga, từ đó quân Chăm pa không dám quấy phá nữa. Trần Khát Chân được phong Nội vệ thượng tướng quân, tước Vũ Tiết quan nội hầu. Năm 1399, nhân hội thề ở Đốc Sơn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cùng một số vương hầu và tướng nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly, nhằm khôi phục nhà Trần. Việc không thành, Trần Khát Chân cùng 370 chiến hữu bị Hồ Quý Ly giết hại. Nhân dân vùng Kẻ Mơ (Thăng Long) và nhiều nơi khác đã lập đền thờ Trần Khát Chân.
2. Khi vua Duệ Tông chết trận, Đế Hiện là con Duệ Tông, cháu Nghệ Tông lên nôi ngôi, sau Nghệ Tông lập con mình là Nhung làm vua và giáng Đế Hiện xuống làm Linh Đức vương rồi đem xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM