Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:53:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 4  (Đọc 97913 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:15:34 pm »

Năm 1242, Trần Thái Tông thực hiện cải cách hành chính, củng cố hệ thống quan lại địa phương, đặt các chức đại tiểu tư xã cùng các xã chính, xã sử, xã giám, gọi chung là xã quan. Vua ra lệnh làm sổ hộ khầu, phân hạng đinh nam, dưới 18 tuổi gọi là hoàng nam, từ 18 tuổi trở lên gọi là đại hoàng nam; tất cả các hoàng nam và đại hoàng nam đều được ghi tên trong quyển sổ bìa vàng (Sổ quân), trở thành nguồn binh của nhà nước.

Như vậy, công tác quản lý nhân đinh dưới triều Trần về hình thức cũng giống như triều Lý, được tiến hành rất cẩn thận. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Buổi đầu nhà Trần sổ hộ tịch cứ hàng năm làm kế tiếp, phép làm rất rõ và kỹ, vì noi theo phép cũ của nhà Lý nên được như vậy. Về sau số ngạch đã định, lấy làm thành lệ, các đời vẫn có tra xét thêm, nhưng không tường tận bằng trước” 1

Tuy dựa vào con số khai báo hàng năm của các xã, nhưng qua vài năm triều đình lại sai quan các lộ đứng ra tổ chức làm sổ hộ tịch của lộ mình để tâu trình lên trên. Có mẽ vì thế, sách Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn có nói: “Lối cũ nhà Trần, cứ ba năm lại một lần làm lại sổ hộ tịch” 2.

Ở các vùng đất xa, nhà nước thường phái các quan đại thần về trực tiếp chỉ đạo các quan lộ, trấn và xã làm sổ hộ tịch. Chẳng hạn, năm 1233, Trần Thái Tông sai Phụ quốc thái uý Phùng Tá Chu đi duyệt các sắc mục ở Nghệ An. Năm 1238, nhà vua sai Thống quốc Thát sơ Trần Thủ Độ đi duyệt định số đinh ở phủ Thanh Hoá. Năm 1316, Trần Minh Tông sai Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đi Diễn Châu để lập sổ binh và dân. Năm 1366, vua Trần Dụ Tông cử Tả bộc xạ Tăng Khoan và Hữu bộc xạ Lê Quát đi xét định sổ đinh ở Thanh Hoá.

Phùng Tá Chu, Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Tăng Khoan và Lê Quát đều là những bậc đại thần trong triều, vì thế chúng ta có thể hình dung được công tác lập sổ đinh dưới triều Trần quan trọng đến nhường nào.

Vấn đề quản lý nhân khầu mang nhiều ý nghĩa, như việc phân hạng đinh nam để tuyển lính, ổn định cư dân, bảo đảm điều động nhân lực xây dựng đất nước. Chính vì thế, tháng 10 năm Ất Dậu (1285), ngay sau cuộc kháng chiến chống Nguyên vừa kết thúc, vua Trần Nhân Tông đã xuống chiếu định hộ khầu trong cả nước. Lúc đó, triều thần nhiều người can vua là dân đang lao khổ, còn nhiều việc cần làm trước, nhưng nhà vua nói: “Chỉ có lúc này mới nên sửa định hộ khầu, đừng để cho kẻ địch dòm thấy dân ta tiêu hao” 3. Chính vì thế nhà vua biết rõ được số nhân đinh còn, mất bao nhiêu và lấy đó làm cơ sở quan trọng để đề ra các chính sách nhằm ổn định xã hội và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Công việc kiểm kê, quản lý nhân khầu rất nghiêm và chặt chẽ. Triều Trần trừng phạt nghiêm minh những ai vô tình hay cố ý làm sai trái những quy định về hộ tịch với mục đích ẩn lậu dân đinh hay trốn tránh sai dịch và binh dịch.

Sử cũ đã ghi lại câu chuyện giữa Trần Thủ Độ và một người bà con của Linh từ quốc mẫu (vợ ông) khi ông đi xét duyệt hộ khầu ở Thanh Hoá (1238). Trần Thủ Độ nhận lệnh của vua đi Thanh Hoá, quốc mẫu xin cho riêng một người làm câu đương, tức là chức sắc dịch trong làng thuộc hạng quan chứ không thuộc hạng dân để không phải gọi lính. Trần Thủ Độ  gật đầu và biên lấy tên họ, quê quán người ấy. Khi xét duyệt đến xã đó, Thủ Độ hỏi rằng người ấy ở đâu. Kẻ đó vui mừng chạy đến. Thủ Độ nói: “Người vì công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người ấy kêu van mãi mới được tha. Thủ Độ rất nghiêm khắc với những ai có ý định ẩn lậu hộ tịch để trốn lính, bởi vì pháp luật nhà Trần đã có quy định: “Người nào trốn lính thì bị chặt một ngón chân...” 4.
 
Thời Trần Anh Tông, quan kiểm pháp Trần Thì Kiến đã phạm tội chứa dấu nhân đinh, tuy không cố ý vẫn bị bãi chức. Những điều đó chứng tỏ sự nghiêm ngặt của triều đình trong việc lập hộ tịch và phân hạng quản lý nhân khầu thời Trần.

Tóm lại, công việc quản lý nhân đinh, lập sổ hộ, sổ quân, phân hạng nhân đinh là cần thiết cho nhu cầu tuyển quân và điều động nhân lực cho cả thời bình và thời chiến. Các đời vua Trần đều coi trọng vấn đề này, đã thực hiện có nền nếp và nghiêm túc.


_______________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiên chương loại chí, Sđd, t.III, tr.49.
2. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, Nxb. Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1958, t.2, tr.50.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.57.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.57.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:18:53 pm »

2. Tuyển đinh tráng vào quân ngũ, thay lính già yếu bảo đảm đủ quân số trong thời bình, chuẩn bị cho chiến tranh.

Trên cơ sở kiểm kê nhân đinh và phân loại đinh tráng trong cả nước, Nhà nước Đại Việt thời Trần đã tiến hành tuyển đinh tráng sung vào quân ngũ để canh phòng và luyện tập trong thời bình, chuẩn bị cho chiến tranh.

Nhà nước quy định chế độ binh dịch đối với tất cả các đinh tráng. Mọi đinh nam đến tuổi trưởng thành đều có nghĩa vụ binh dịch, hoặc tham gia quân thường trực, hoặc là lính dự bị, hoặc đã được ghi tên trong sổ quân lúc cần nhà nước có thể “chiếu sổ gọi ra làm lính”.

Nhà Trần kế thừa quy chế tuyển quân hàng năm của nhà Lý, nghĩa là hàng năm triều đình cho tuyển những đinh nam khoẻ mạnh sung quân, thải bớt người già yếu. Số lượng tuỳ yêu cầu canh phòng và luyện tập. Số đinh tráng còn lại được ghi tên trong sổ bìa vàng, tức sổ quân, lúc cần gọi ra tòng ngũ. Đó là lệ thường năm của Nhà nước phong kiến Đại Việt.

Phan Huy Chú viết: “Đại ước người trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên vào sổ, có việc mới gọi ra, mến hạn mau chóng có lẽ không nhất định” 1.

Quan điểm chung về tuyển quân của triều Trần là: “Người có quan tước, con cháu được thừa ấm mới được vào làm quan; người khoẻ mạnh kể cả nhà giàu có mà không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính” 2.

Quy chế này thể hiện tính giai cấp rất rõ nét, nó nhằm bảo vệ quyền lợi của giới quý tộc quan lại nhà Trần. Các cấp chính quyền khi tuyển lính và động viên quân đội đều phải thực hiện theo nguyên tắc đó.

Tuy tư liệu lịch sử không cho biết cụ thể về quy chế tuyển quân, nhưng chúng ta thấy, trải qua các đời vua, nhà Trần đều chủ trương chọn những đinh tráng hạng nhất sung làm cấm quân, thứ đến là sương quân, quân phục dịch ở các sảnh, viện và quân các lộ, phủ. Những trai tráng ở Thiên Trường, Long Hưng, Kiến Xương, Trường Yên . . . tức những lộ là quê hương bản quán hoặc những vùng phụ cận nguyên quán nhà Trần đều được tuyển làm cấm vệ quân, đóng ở Thăng Long hay ở phủ Thiên Trường. Đó là hạng lính tin cậy, canh giữ cấm thành, bảo vệ nơi vua và hoàng tộc ở. 

Về chế độ tuyển binh thời Trần, sách An Nam chí lược viết: “Việc tuyển quân không có số nhất định, chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy” 3. Sách Đại Việt sử ký toàn thư phản ánh các đợt tuyển quân như sau:

- Tháng Ba, niên hiệu Thiên ứng chính bình năm thứ 8 (1239) đời vua Trần Thái Tông, chọn dân đinh khoẻ mạnh sung làm binh.

- Mùa Xuân, tháng Hai năm 1241, chọn người khoẻ mạnh am hiểu võ nghệ sung làm quân túc vệ thượng đô.

- Tháng Hai năm Bính Ngọ (1246), định các quân. Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh và Tứ Thần. Người các lộ Thiên Trường, Long Hưng sung làm quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần ; người hai lộ Hồng và Khoái sung làm quân tả, hữu Thánh Dực; người các lộ Trường Yên, Kiến Xương sung làm quân Thánh Dực, Thần Sách; còn ở các lộ khác thì sung làm cấm quân của cấm vệ; loại ba thì sung làm trạo nhi (quân chèo thuyền, khiêng võng và các đoàn đội quân các lộ).


___________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.IV, tr.16.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.9.
3. Lê Trắc: An Nam chí lược, Sđd, tr.89.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:20:29 pm »

- Tháng 8-1281, Trần Thánh Tông cho chọn dân đinh các lộ, người nào khoẻ mạnh thì sung làm binh, còn thì sung làm các sắc dịch ở các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong ở các phủ, lộ.

- Năm 1323, vua Trần Minh Tông cho tuyển những đinh nam béo trắng cho làm binh hạng nhất, vì thế quân sĩ từ đây không được vẽ rồng lên mình nữa.

- Năm 1342, Trần Dụ Tông sai Hành khiển Khu mật viện Nguyễn Trung Ngạn lập sổ quân và dân, chọn đinh tráng ở các lộ sung vào ngạch thiếu của cấm quân.

- Tháng 2-1363, vua lại xuống chiếu chọn dân đinh sung vào quân các lộ.

- Tháng 8-1374, vua Trần Duệ Tông hạ lệnh chọn dân đinh chia làm ba hạng để sung quân ngũ. Hạng nhất làm quân Lan Đô; người thuộc hạng nhì, hạng ba tuy thấp bé nhưng khoẻ mạnh cũng sung làm quân đó. Bấy giờ, quân lính ai cũng phải xăm trán để ghi dấu, như quân túc vệ Tứ Thiên, Tứ Thánh và Tứ Thần thì trán xăm hoa; quân mới đặt như Ung Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực và Điện Hậu thì xăm ba chữ lên trán.

- Năm 1375, Khu mật đại sứ Hồ Quý Ly được cử làm Tham mưu quân sự. ông chủ trương định lại quân số, thải bớt lính già yếu lấy người khoẻ mạnh sung vào. Người Thanh Hoá và Nghệ An đi làm thuê đều phải nhập ngũ, v.v.. 

Những thông tin trên của chính sử ngày xưa tuy tản mạn, nhưng phần nào cho chúng ta biết được phương thức tuyển đinh tráng sung quân dưới triều Trần. Đại thể, khi tuyển chọn cũng căn cứ vào sự phân hạng tráng đinh; hạng nhất được tuyển sung vào ngạch cấm quân, các hạng dưới sung làm sương quân và quân các lộ; thường năm thải bớt binh sĩ già yếu, tuyển người khoẻ trẻ thay thế; số quân mới tuyển thường không có hạn định. . .

Pháp luật nhà Trần có những quy định rất nghiêm ngặt trong việc quân lính đào ngũ, trốn tránh. Sử chép rằng: “pháp chế đời Trần quy định người trốn lính bị chặt một ngón chân, sau đó làm gì thì làm, thậm chí còn cho voi dày chết” 1.

Tư liệu lịch sử chỉ phản ánh một phần về biên chế, tổ chức và quy chế tuyển lính. Số quân trong các đời vua Trần tuyển được bao nhiêu ta không biết rõ. Phan Huy Chú nhận xét: “Quy chế cấm binh đời Trần Thát Tông đã định, về sau đặt thêm nữa, số quân không xét rõ được. Đại yếu chỉ đặt thêm danh hiệu, chứ thực số vị tất đã nhiều hơn trước” 2

Nhận xét đó có lẽ đúng trong hoàn cảnh nước Đại Việt không có chiến tranh. Theo ông, “số quân buổi đầu nhà Trần đại ước không đầy 10 vạn” 3. Đó là con số biên chế quân thường trực thời bình, không kể đến số người được chia về làm ruộng tự túc lương ăn.

3. “Ngụ binh ư nông” - chế độ luân phiên trong quân đội thời bình.

“Ngụ binh ư nông” - “gửi binh ở nông”, là chính sách gắn liền giữa nông và binh, giữa chiến đấu và sản xuất, giữa kinh tế và quân sự. “Binh” có nghĩa là binh lính, là quân sự, là chiến tranh. “Nông” có nghĩa là nông dân, nông thôn, là nông nghiệp. Đây là một chính sách lớn, một quốc sách về xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước. Chính sách “ngụ binh ư nông” gồm những quy định về quân biên sổ và quân chia phiên.

Như trên đã nêu, chế độ lập sổ hộ tịch đã dẫn đến việc phân hạng nhân đinh. Những đinh nam khoẻ mạnh đến tuổi trưởng thành đều có nghĩa vụ binh dịch và được ghi tên vào “Sổ quân”. Hàng năm “tuyển người khoẻ mạnh sung vào quân ngũ” theo yêu cầu, số còn lại ở nhà sản xuất, tham gia dân binh, sẵn sàng nhập ngũ khi cần thiết.


______________________________
1, 2, 3. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, T. IV tr.27.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:23:14 pm »

Đối với quân thường trực, nhà nước quy định chế độ “chia phiên”, dựa trên cơ sở biên chế các tổ chức quân sự trong nước. Về cơ bản, tổ chức quân sự giữa thời Lý và thời Trần giống nhau. Dưới thời Trần, ngoài ba bộ phận cấm quân, sương quân và quân các lộ, còn có quân vương hầu - lực lượng vũ trang riêng của các vương hầu quý tộc Trần. 

Bấy giờ, cấm quân thường xuyên phải túc trực canh giữ Kinh thành, bảo vệ, luyện tập và được cấp lương. Các loại quân khác như sương quân và quân các lộ đều được chia phiên: một bộ phận tại ngũ canh phòng, luyện tập hoặc chịu sai phái tạp dịch; còn các bộ phận khác được về nhà cày cấy hoặc làm công nghệ tự túc lương ăn. Quân lính cứ thế cắt lượt thay phiên, khiến ai cũng được thay nhau ở lại túc trực, luyện tập hoặc được trở về với gia đình, đồng áng. 

Theo dự đoán của Phan Huy Chú, thời Trần quân số có khoảng 10 vạn. Số đó tuy nhiên không phải tất cả đều tại ngũ, mà một phần trong số họ đã được thay phiên về làm ruộng.  Vấn đề tổ chức chia phiên cho quân lính ở lại hay về sản xuất ở thời kỳ này được phản ánh trong các sử sách như sau:

Sách Lịch triều hiên chương loại chí chép: “Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh túc vệ đều được cấp bổng hàng năm. Còn binh các đạo đều chia phiên về làm ruộng cho đỡ tốn lương” 1 .
 
Sách Đại Việt sử ký toàn thơ, khi chép về một hình thức múa rối trong quân đội đời Trần Thái Tông có câu hát: “chóng đến ngày mồng Một để thay phiên”2 .

Như vậy, vào thời Trần chỉ có quân túc vệ (tức cấm quân) là thường xuyên tại ngũ, là lính chuyên nghiệp được nhà nước nuôi dưỡng và cấp quân trang, quân nhu. Còn các quân khác, như sương quân và quân các lộ thì thực hiện phép chia phiên và thay phiên, có thể thời gian thay phiên bắt đầu từ ngày mồng Một. . . Mỗi lộ quân được chia thành nhiều bộ phận, theo định kỳ thay nhau ở lại túc trực, phục dịch và huấn luyện hay về nhà sản xuất tự túc. Cứ vậy, cắt lượt phiên, khiến ai nấy đều được luân chuyển hằng năm, hằng tháng tại ngũ canh phòng luyện tập một thời gian, còn được về với gia đình, ruộng đồng hay làm nghề thủ công trong các cơ sở. Mỗi chu kỳ mấy tháng, mấy ngày có lẽ tuỳ theo từng giai đoạn, từng địa phương, điều này không thấy ghi chép trong sử sách.

Chính sách “ngụ binh ư nông” với chế độ chia phiên và luân phiên tại ngũ hay trở về nhà sản xuất là một quốc sách lớn của Nhà nước Đại Việt phù hợp với hoàn cảnh đất nước, với yêu cầu dựng nước và giữ nước. Với chính sách này, trong nước có số quân thường trực cần thiết, đồng thời lại có sẵn số quân dự bị đông đảo trong các làng xã, sẵn sàng được động viên khi có chiến tranh.

Đó thực sự là một quốc sách nhằm giải quyết nhiệm vụ xây dựng đất nước và củng cố lực lượng quân sự, kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, đã đưa lại một hiệu lực quốc phòng mạnh mẽ. Chính sách trên có một số ưu điểm nổi bật như:

- Quản lý tốt nhân đinh: tất cả các đinh nam từ 18 tuổi trở lên, khoẻ mạnh, đều được phân loại và ghi tên vào sổ quân, đều phải thi hành nghĩa vụ binh dịch.

 - Các đinh tráng đều được huấn luyện quân sự, hiểu biết những kiến thức tối thiểu về võ nghệ, phát huy truyền thống thượng võ của người Việt.

- Thời bình, một bộ phận nhất định thường trực tại ngũ, còn phần lớn đinh tráng là quân dự bị, khi cần có thể huy động ngay và ai nấy đều biết rõ tổ chức quân ngũ của mình. 

-Thay phiên về làm ruộng, thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ quân dịch, lại giảm bớt được chi phí quốc phòng, thực hiện cân đối giữa lực lượng sản xuất và lực lượng quân sự. Sản xuất nông nghiệp và công nghệ được bảo đảm, sức lao động không bị thiếu, lại tạo điều kiện bình thường hoá sinh hoạt của những gia đình tiểu nông - tế bào của xã hội. 


_____________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, T.IV, tr.20.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.44.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:27:35 pm »

Như vậy, chính sách “ngụ binh ư nông”, chế độ quân biên sổ và quân chính phiên dưới triều Trần thực sự là một chính sách tiến bô, hợp với điều kiện Đại Việt lúc bấy giờ vừa phải xây dựng đất nước, vừa phải chiến đấu chống ngoại xâm. Đó là một đặc điểm của binh chế thời Trần, nhờ đó mà Nhà nước Đại Việt đã có điều kiện lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước cường thịnh, có đủ sức mạnh quân sự để đánh giặc giữ nước.

Sử sách của các học giả xưa đánh giá cao chính sách “ngụ binh ư nông” và hiệu quả lớn lao của nó. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và Ngô Thì Sỹ đều nhận xét: “Binh chế Đại Việt rất thịnh”, “lúc nông nhàn thì luyện tập, lúc vô sự thì làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi ra”; cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống giặc”, “thế nước càng thêm vững là nhờ vậy” 1; hoặc như Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Như vậy thì lúc bấy giờ thế quân đã cường thịnh cũng có thể biết được đại khái. Đại thể khi trong nước không có việc thì cho quân lính về làm ruộng, khi có việc chinh chiến thì hết thảy mọi người dân đều là quân lính” 2. Đó cũng là ý nghĩa của “ngụ binh ư nông” dưới triều Trần.
 
4. Động viên quân đội khi có chiến tranh

Do chuẩn bị tốt trong thời bình nên khi có ngoại xâm, tổ tiên ta thời Trần đã có thể huy động lực lượng vũ trang một cách nhanh chóng, đông đảo và rộng khắp, tạo nên một binh lực mạnh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung bạo.  Khi đất nước sắp có chiến tranh, triều đình nhà Trần trong đó đứng đầu là vua thường có lệnh: “tuyển đinh tráng sung vào quân ngũ”, “ thải người già yếu, tuyển người khoẻ trẻ nhanh nhẹn thay thế”, ra lệnh cả nước sắm sửa vũ khí, đóng thuyền chiến, luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đánh giặc.  Đó là lúc chuẩn bị bước vào chiến tranh.

 Khi chiến tranh xảy ra, nhà vua ra lệnh động viên quân đội. Đối với quân thường trực đã có tên trong sổ thì nhà nước “chiếu sổ gọi ra” cho lệ thuộc vào các tướng, tức vào đội ngũ đã được tổ chức, huấn luyện; đó là trường hợp đối với những người lính sương quân hay quân địa phương nằm trong diện thực hiện chính sách ‘ngụ binh ư nông”.

Đối với quân vương hầu, triều đình cũng cho phép điều động đến mức tối đa. Lúc đó các qúý tộc Trần là vương hầu tôn thất đều được lệnh mộ binh và thống lĩnh binh của mình giúp vua đánh giặc. Nhà vua sai Hưng Đạo vương đốc suất các vương hầu điều quân và nhiều vương hầu quý tộc Trần đã trở thành những vị tướng chỉ huy quân đội. 

Đối với dân binh, hương binh các làng xã, động bản thì theo lệnh nhà vua, nơi có giặc ngoài đến thì phải hếu chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh, không được đầu hàng giặc. Điều đó có nghĩa là các dân binh cũng được huy động đến mức tối đa để đánh giặc tại các dịa phương của mình.

Trong vòng 30 năm của thế kỷ XIII, từ năm 1258 đến năm 1288, nước Đại Việt đã liên tục ba lần chống xâm lược Mông - Nguyên, thế lực phong kiến xâm lược hùng mạnh nhất thời đạt.

Thắng lợi trong ba lần kháng chiến này vừa biểu hiện sức mạnh giữ nước của dân tộc ta, vừa chứng tỏ khả năng huy động lực lượng cho chiến tranh của Nhà nước phong kiến Đại Việt thời đó. Bình thường binh số nhà Trần có khoảng 10 vạn. Nhưng trong chiến tranh, số quân huy động được có thể lên gấp bội, đó là chưa kể lực lượng dân binh - dân chúng vũ trang ở các làng xã.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt năm 1285, nhà Nguyên huy động trên nửa triệu quân. Lúc đó, vua Trần Nhân Tông giao cho Hưng Đạo vương quyền tiết chế, điều động và chỉ huy quân đột. Hưởng ứng lời kêu gọi động viên của Quốc công tiết chế, các vương hầu quý tộc Trần đã huy động quân của mình và quân của các hương nơi mình trấn trị để giúp triều đình đánh giặc.

Bấy giờ như sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thế quân phấn chấn lên” chư quân nghe thấy thế, không ai là không đến tập họp” 3 . Số quân điều động được ở mấy lộ phía đông bắc do các vương - con của Trần Quốc Tuấn chỉ huy đã lên tới 20 vạn. Trước khí thế đó, vua Trần Nhân Tông đã làm thơ nói rằng, lúc ấy còn có hàng chục vạn quân dự bị ở các châu Hoan và Diễn (Nghệ An và Diễn Châu) chưa điều động đến. Đó là chưa nói đến lực lượng quân sự ở nhiều vùng khoe và dân binh các làng xã, động bản đứng lên đánh giặc ở khắp mọi nơi.

Tóm lại, chế độ tuyển mộ và động viên quân đội đã được vương triều Trần coi trọng và đặt thành những quy chế, chính sách rạch ròi. Tổ tiên ta thời Trần luôn luôn coi “việc quân là việc thiết yếu của quốc gia” và “quân đội là một thiết bị giữ nước không thể thiếu được”, nên đã chăm lo xây dựng quân đội có số lượng hợp lý, có lực lượng dự bị hùng hậu. Đó là một trong những nhân tố tạo nên chiến thắng trong ba lần kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên hồi thế kỷ XIII.


________________________
1. Theo các sách Đại Việt thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí và Việt sử tiêu án.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.5, tr.26.
3. Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.51.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:29:48 pm »

III. QUẢN LÝ, CHỈ HUY QUÂN ĐỘI

1. Quản lý cấm quân.

Trong cơ cấu binh chế Đại Việt, cấm quân là lực lượng quân sự quan trọng nhất. Vậy cơ quan nào quản lý cấm quân?  Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Theo lệ cũ, cấm quân thuộc thượng thư sảnh, đến nay (1342) đặt Khu mật viện để quản lãnh” 1.

Cũng với ý nghĩa đó, trong Quan chức chí, Phan Huy Chú viết: “Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 2 (1342), sai Khu mật viện quản lĩnh cấm quân. Phép cũ cấm quân thuộc về thượng thư sảnh. Đến đây đặt Khu mật viện  để coi cấm quân” 2. Vậy thượng thư sảnh và khu mật viện được tổ chức như thế nào?

Theo sử cũ, tổ chức chính quyền và quan chế nhà Tiền Lê có phần mô phỏng theo chế độ nhà Tống, nhưng không thấy nói đến thượng thư sảnh. Sang triều Lý, đời vua Lý Nhân Tông, năm Thiệu Thiên thứ nhất (1128), triều đình đặt chức thượng thơ sảnh ngoại lang. Bấy giờ, quan coi việc quân, dân trong cả nước là tể tướng dưới các danh nghĩa như tổng quản trì quân dân (thời Tiền Lê) và phụ quốc thái uý thời Lý).  Thượng thư sảnh ngoại lang là một chức quan lớn, nhưng lại thuộc về ban văn.

Thượng thư sảnh cũng được thành lập trong thời Trần.  Lúc đó, quan đứng đầu sảnh là hành khiển thượng thư tức chức á tướng. Chức á tướng, thời Lý và thời Trần đều là tả hữu tham tri chính sự, đứng sau tể tướng và tướng quốc. 

Thượng thư sảnh có nhiệm vụ giúp tể tướng điều khiển bách quan, tham mưu giúp vua những ý kiến, nhữrlg lời khuyến dụ về các việc trung đại của triều chính, trong đó có cả quân sự. Chức tể tướng là chức tổng quản coi việc quân, giữ việc nước. Đầu thời Trần, vua Thái Tông đặt các quan chức, đứng đầu là tả hữu tướng quốc kiêm kiểm hiệu đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty bình chương sự, tức là chức phụ quốc thái uý thời Lý (tể tướng).

Từ niên hiệu Kiến Trung (1225 - 1232) về sau, trong triều dùng thân vương thuộc hàng tôn thất coi giữ chức ấy, gia phong tước quốc công. Vì thế, những người hiền tài khác họ, dẫu có tài cán được tuyển chọn làm quan triều đình cũng không được bổ chức bình chương, vì theo  quan niệm lấy sự “thân với người thân” làm trọng.

Đó là quy chế đặt chức tể tướng dưới triều Trần, mục đích chính là để tránh tình trạng chức quyền lớn lấn át vua và có thể dẫn đến cướp ngôi. Hiện tượng Hồ Quý Ly cuối thời Trần là một người thuộc họ ngoại cầm quyền, được tiến phong Tư không đồng bình chương, gia đến Phụ chính Thát sư, quốc tổ bình chương, nắm cả quyền quân sự và dân sự rồi “cướp ngôi vua” đã chứng tỏ điều đó.

Khu mật viện còn gọi là Nội mật viện được thành lập từ thời Lý. Dưới triều Trần, Khu mật viện do quan Khu mật viện tham nghị triều sự điều khiển, có nhiệm vụ xem xét những việc cơ mật trong triều, kể cả việc quân cơ.

Dưới đời vua Trần Anh Tông, Đoàn Nhứ Hài vốn là một văn quan đã được giữ chức Tri khu mật viện sự. Năm 1267, Trần Thái Tông đặt Hành khiển ty ở hai cung: Hành khiển tả hữu ty ở cung Thánh Từ (tại phủ Thiên Trường, nơi thượng hoàng ở) và Hành khiển ty ở cung Quan Triều (tại Thăng Long, nơi vua ở) gọi chung là Nội mật viện.

Năm 1325, vua Trần Minh Tông đổi Hành khiển ty làm Môn hạ sảnh, Nội thư hoả cục vẫn là Nội mật viện. Đến đời Trần Dụ Tông, năm 1342, vua hạ lệnh Khu mật viện trực tiếp quản cấm quân và cho Nguyễn Trung Ngạn giữ chức Hành khiển tri khu mật viện sự. Chính vì thế, vừa nắm quyền, Nguyễn Trung Ngạn đã ra lệnh chọn đinh tráng ở các lộ để sung vào ngạch thiếu của cấm quân và lập sổ cấm quân để quản lý.

Năm 1372, đời vua Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly từng giữ chức Khu mật viện đại sứ, nắm giữ toàn bộ cấm quân trong triều, vì thế quyền hành của Hồ Quý Ly rất lớn.


____________________________
1. Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.134.
2[/color]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.II, tr.8.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #46 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:30:39 pm »

Sử cũ của ta ghi chép quá sơ sài về những hoạt động của Khu mật viện. ở Trung Quốc, dưới triều Nguyên (1271 - 1368), Khu mật viện cũng là cơ quan giúp việc của vua trên lĩnh vực quân chính, quản lý quân đội theo lệnh của hoàng đế.

Chẳng hạn, tháng 4-1279, Khu mật viện nhà Nguyên tâu xin Hốt Tất Liệt cho đem quân đánh Đại Việt ngay, nhưng vua Nguyên còn cân nhắc lợi hại, chưa đồng ý; hoặc năm 1289, sau lần thất bại thứ ba ở Đại Việt, việc Nam chinh như ngứa ngáy trong tim Hốt Tất Liệt, biết thế Khu mật viện lại đề nghị lập soái phủ, lấy Lưu Đức Lộc làm đô nguyên soái, chuẩn bị một lần nữa đánh Đại Việt và đã được vua Nguyên chấp thuận, nhưng lệnh đó lại hoãn vì Hốt Tất Liệt xét thấy không còn đủ sức đánh Đại Việt nữa... Ở các địa phương, có khi nhà Nguyên còn lập hành khu mật viện mang tên địa phương để chỉ huy các hoạt động quân sự trong vùng. 

Như vậy, ở Đại Việt thời Trần cũng như ở Trung Quốc thời Nguyên, trong triều đình có cơ quan Khu mật viện, một tổ chức trực thuộc nhà vua, bao gồm những cận thần của vua, thường ngày cùng vua bàn bạc việc cơ mật, trong đó có những hoạt động của nhà nước trên lĩnh vực quân sự mà trực tiếp là hoạt động của cấm quân. Việc quản lý cấm quân do Khu mật viện, song quyết định điều động cấm quân hoàn toàn là quyền của hoàng đế, của nhà vua.

2. Hệ thống võ quan, tướng lĩnh thời Trần

Tổ chức chính quyền Nhà nước phong kiến Đại Việt thời Trần chia thành hai ban văn và võ. Riêng ban võ bao gồm các quý tộc, tôn thất am hiểu võ nghệ, các tướng lĩnh trực tiếp cầm quân chỉ huy các đơn vị. Tất cả đều nằm trong hệ thống võ quan, tướng lĩnh từ trung ương đến địa phương và hình thành hai cấp: quan trong (tức quan trong Kinh, chỉ huy quân triều đình) và quan ngoài (quan ở các địa phương, lộ, trấn hoặc châu) .

Trong hệ thống quan chức thời Trần, ba chức thái (thái sư, thái phó, thái bảo) và thái uý, ba chức thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo) và thiếu uý cùng các chức tư đồ, tư mã, tư không là những trọng chức của các đại thần văn, võ.

Bấy giờ, văn giai có các chức thượng thư, tả hữu bộc xạ, tả hữu ty lang trung, tả hữu gián nghị đại phu, tri khu mật viện sự, khu mật viện tham chính, thiêm tri mật viện sự, trung thơ thị lang, ngự sử đài, các đại học sĩ, hàn lâm viện học sĩ, v.v.  làm việc trong các cơ quan hành chính và chuyên môn.

Về võ giai, có các chức phiêu kỵ thượng tướng quân, cấm vệ thượng tướng quân, kim ngô đại tướng quân, vũ vệ đại tướng quân, phủ quân phó đô tướng quân, thân vệ tướng quân, điện soái đô áp nha, quản quân tiết độ sứ, đô thống chế, v.v.. Đó là hệ thống quan chức triều Trần.

Năm 1225, vua Trần Thái Tông đã trao phẩm cấp cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau. Năm 1337, vua Trần Hiến Tông xét định các quan văn võ. Năm 1342, Trần Dụ tông lại định phẩm trật các quan văn võ.

Trong các triều đại quân chủ ở nước ta, vua luôn là thủ lĩnh quân sự tối cao. Dưới triều Trần cũng vậy, các vua Trần đứng đầu triều đình và thường xuyên là thủ lĩnh quân sự cao nhất, bình thường vua giai) quyền trực tiếp điều khiển bách quan cho tể tướng hoặc phụ quốc thát uý hay tướng quốc.

Đặc biệt, trong các lần chiến tranh chống xâm lược, nhiệm vụ quân sự trở nên cần kíp nên vua Trần đã trao quyền chỉ huy quân đội cho một quý tộc có tài năng quân sự; đó là trường hợp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được trao quyền tiết chế, thống lĩnh chơ quân (tổng chỉ huy) vào năm 1283. 

Để có một đội ngũ võ quan, tướng lĩnh, nhà Trần rất lưu tâm đến việc tuyển chọn và đào luyện các tướng. Nhà vua cũng như những nhà lãnh đạo khác thường xuyên coi trọng vai trò của người tướng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #47 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:32:23 pm »

Binh thư yếu lược viết: “ Nước lấy dân làm gốc, binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ”, “cái đạo mạnh binh để chiến thắng cốt yếu có 5 điều:

1.  Sửa sang binh khí,

2. Có đủ quân lính và xe cộ,

3. Súc tích nhiều,

4. Rèn luyện sĩ tốt,

5. Kén được tướng giỏi” 1.

Trong Di chúc năm 1300 của Trần Quốc Tuấn có câu; “Nếu chỉ thấy quân nó (quân địch) kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự.  Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không ham của dân, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ, tuỳ thời tạo thế. . .” 2. Như vậy, Trần Quốc Tuấn đánh giá rất cao vai trò của người làm tướng cầm quân.

Tuy trong điều kiện thời bấy giờ, quan điểm về người tướng bị hạn chế bởi ý thức hệ, song vẫn chứa đựng những nội dung tiến bộ. Chẳng hạn như quan niệm về tiêu chuẩn chọn tướng thời đó vẫn là đức và tài. Đức là lòng nhân nghĩa, là sự trung thành, là lòng yêu nước. Tài là mưu lược, quyền biến, giỏi võ nghệ. Người tướng giỏi phải trí dũng song toàn. 

Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh người tướng phải xứng đáng là một “trung thần nghĩa sĩ”, “dĩ thân tuẫn quốc” (quên mình vì nước). Theo ông, người tướng ngoài lòng trung còn phải công minh chính trực, phải có lòng “phụ tử” với binh sĩ. Quan điểm “bạt dụng lương tướng” của Trần Quốc Tuấn đã được vương triều Trần vận dụng trong quá trình xây dựng quân đội đánh giặc giữ nước.

Năm 1267, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu, chọn trong tôn thất những người giỏi võ nghệ, tinh thông binh pháp để chỉ huy các đô quân, vệ quân. Năm 1283, nhà vua còn ra lệnh chọn trong quân hiệu những người có tài để chia giữ các đội ngũ.  Việc tuyển chọn võ quan cũng như văn quan, thời Trần luôn theo một quan điểm nghiêm ngặt rằng, có người quan tước con cháu thừa ấm mới được vào làm quan.

Vì vậy, đối tượng tuyển chọn võ quan lúc đó trước hết là những người thuộc tầng lớp quý tộc tôn thất, từ lớp người có quyền lợi gắn liền với hoàng tộc. Các vương hầu, quý tộc Trần có phủ đệ và lực lượng vũ trang riêng, khi có chiến tranh được lệnh làm tướng, chỉ huy quân của mình và quân các lộ nơi mình trấn trị giúp vua đánh giặc, để tăng thêm thế mạnh giữ nước.

 Cùng với chế độ phong vương hầu và cấp phủ đệ, nhà vua còn chú trọng tuyển những người trong hoàng tộc để coi giữ binh quyền. Chức tể tướng chỉ tuyển những người có uy tín trong dòng tôn thất thông hiểu thi thư và binh pháp. Chức phiêu kỵ tướng quân chỉ phong cho các hoàng tử hoặc thiên tử nghĩa nam.

Trường hợp Trần Khánh Dư, con nuôi vua Trần Thánh Tông là trường hợp đặc biệt, được phong làm phiêu kỵ đại tướng quân và làm phó tướng cho Trần Quốc Tuấn.  Nhiều thân vương, tôn thất được làm thái uý, như Trần Liễu, Trần Nhật Hạo; trong số đó, Thái uý Trần Quang Khải từng giữ chức thượng tướng thái sư và tướng quốc trông coi việc lớn trong triều.

Ngoài đối tượng chính yếu nói trên, Nhà nước Đại Việt thời Trần còn chú ý tuyển sung vào hàng ngũ võ quan, tướng lĩnh những tài năng thuộc dòng họ khác. Vua Trần ra lệnh: “Chọn trong các quan viên, người nào có tài năng luyện tập nghề võ, tinh thông thao lược thì không kể tôn thất đều cho làm tướng coi quân”.

Đó là những tài năng như Lê Tần, Nguyễn Khoái, Đỗ Khắc Chung, v.v. . Đặc biệt trường hợp Phạm Ngũ Lão, tuy chỉ là gia thần của Trần Quốc Tuấn, nhưng Quốc Tuấn thấy Ngũ Lão có tài năng khí độ vượt hơn người, gả con gái cho và nhân đó tiến cử lên triều đình. Phạm Ngũ Lão theo Hưng Đạo vương đánh giặc lập được nhiều chiến công lớn nên được triều đình trọng dụng.


_______________________
1. Binh thư yếu lược (Phụ Hổ tướng khu cơ), bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.31, 50.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.79.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #48 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:35:31 pm »

Về phương thức tuyển dụng võ quan, tướng lĩnh thời Trần, ngoài biện pháp nhiệm tử hay tập ấm, tức triều đình đứng đầu là vua bổ nhiệm những nhân tài thuộc hàng ngũ quý tộc tôn thất, nhà Trần còn áp dụng phương thức tiến cử những người không thuộc dòng tôn thất.

Tiến cử tức là hình thức giới thiệu người có tài, có đức nổi tiếng để quan xem xét vua bổ dụng. Đó cũng là một hình thức tốt để tuyển dụng quan lại thời Trần. Yết Kiêu, Dã Tượng và đặc biệt là Phạm Ngũ Lão được Trần Quốc Tuấn phát hiện và bồi dưỡng thành tài, rồi tiến cử với triều đình là những trường hợp cụ thể, tiêu biểu.

Chế độ khoa cử đã xuất hiện từ thời Lý (1075) và phát triển dưới triều Trần, nhưng đó là thi Nho học, tuyển chọn văn quan; còn các sử liệu không phản ánh hình thức thi chọn võ quan lúe đó như thế nào. Tư liệu chỉ cho biết rằng, năm 1246, vua Trần Thái Tông quy định việc khảo xét các quan văn võ: 10 năm gia tước một một cấp, 15 năm gia chức một bậc, còn việc tổ chức thi tuyển võ quan ra sao chúng ta chưa tra xét rõ được.

Do hạn chế về quan điểm giai cấp nên dưới triều Trần cũng như những triều đại phong kiến khác, phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm những người thuộc dòng họ quý tộc tôn thất có những hạn chế nhất định. Có khi nhà vua quá chú ý đến tiêu chuẩn hoàng tộc tôn thất mà bỏ qua hoặc xem nhẹ tiêu chuẩn đức tài. Ví như trường hợp vua Trần Thái Tông có ý định phong cho anh ruột của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng mặc dù biết An Quốc không có tài.

Do yêu cầu chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, triều Trần trong giai đoạn tiến bộ đã tuyển chọn được nhiều nhân tài quân sự và rất chú ý đào luyện tướng sĩ. Giảng Võ đường thời Trần là trường học quân sự cao cấp và chính quy. Ở đó, vua cùng với các vương hầu, tướng lĩnh được học binh thư, binh pháp, học cách bày trận và phá trận.

Do có phương pháp đúng về tuyển chọn và đào luyện tướng sĩ cho nên trong giới quý tộc Trần đã xuất hiện nhiều tướng lĩnh lỗi lạc, mà đại diện tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật.., những tướng trẻ có khí phách như Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, v.v. .

Phạm Ngũ Lão không thuộc giới quý tộc tôn thất nhưng đã được Trần Quốc Tuấn đào tạo đã trở thành một vị tướng nổi tiếng văn võ toàn tài. Ông chỉ huy một đạo quân “phủ tử”, đi đến đâu là giặc ở đấy không địch nổi. Các sử thần triều Lê đã không ngớt lời ca ngợi các tướng lĩnh nhà Trần: “Giao cầm quân thì cùng nhau sống chết”, “dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất phải được” và “khi đối địch với giặc thì tự mình xông pha lên phía trước quân sĩ, giặc trông thấy phải tránh lui, không kẻ nào địch nổi” 1
 

IV- CHẾ ĐỘ TRANG BỊ VÀ HUẤN LUYỆN QUÂN ĐỘI


1. Vũ khí trang bị

Vũ khí trang bị là cơ sở vật chất - kỹ thuật của sức mạnh chiến đấu trong quân đội và các lực lượng vũ trang. Để xây dựng quân đội theo phương châm “cốt tinh không cốt đông”, nhà Trần đã chăm lo rèn đúc và trang bị vũ khí cho quân đội, nhất là trước một kẻ thù hùng mạnh nổi tiếng như quân đội Mông - Nguyên, thì vấn đề trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang trong nước là hết sức cần thiết.

Thế kỷ XIII, trước nguy cơ xâm lược của quân Mông Cổ đến gần, triều dình nhà Trần đã tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự chủ. Năm 1286, vua Trần Nhân Tông đã xuống chiếu cho các tôn thất chiêu mộ binh và lệnh cho Trần Quốc Tuấn đốc suất các vương hầu, quý tộc cùng dân chúng sắm sửa khí giới, đóng thêm chiến thuyền.

Cuối năm 1287, vua Trần Thái Tông xuống chiếu điều quân thuỷ bộ lên bố phòng ở biên giới phía bắc, lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, vì thế quân dân nhà Trần đã sẵn sàng và có đủ vũ khí để đánh thắng đạo ky binh tinh nhuệ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy.


_________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. 2 , tr. 111 .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2009, 10:36:14 pm »

Cứ mỗi lần giặc Nguyên sắp sang xâm lược là vua Trần ra lệnh cho quân dân sắm sửa vũ khí đóng thuyền chiến. Năm 1364, vua Trần Dụ Tông hạ lệnh chế tạo chiến cụ và thuyền ghe nhằm đề phòng giặc từ biên giới phía nam. Bấy giờ, quân Chiêm Thành quấy phá, nhà vua ra lệnh chỉnh đốn quân đội, sửa soạn binh nhung và có ý muốn tự mình cầm quân đánh giặc...

Những điều trên chứng tỏ vấn đề trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu cho quân đội luôn luôn được các vua Trần quan tâm.  Dưới thời Trần, vũ khí, trang bị cho quân đội chủ yếu là bạch khí. Bạch khí (vũ khí lạnh) là thứ vũ khí chủ yếu dùng sức mạnh cơ bắp, không dùng chất nổ, chất cháy.

Các loại bạch khí phổ biến thời bấy giờ gồm có: giáo, mác, dao (đao), kiếm, mã tấu, búa, dao găm, cung nỏ, máy bắn đá, máy phóng dao, chông, v.v.. Bên cạnh các vũ khí đó, người chiến binh còn được trang bị kèm theo các phương tiện hộ thân như áo giáp, khiên, mộc, hộ tâm phiến...

Thương, trượng và nhất là gậy là những vũ khí thông thường, phổ biến trong quân đội và dân binh Đại Việt.

Sứ giả Nguyên là Trần Phu từng nói rằng, ở Đại Việt mỗi khi có biến là trai tráng kéo ra ngay, khí giới đều do họ tự trang bị, có người còn vác cả cây gậy trơn. Trong một cuộc hành quân dẹp “giặc Ngưu Hống” ở tây bắc, tướng quân Phạm Ngũ Lão sai binh sĩ dùng gậy tre ngắn để phang vào chân voi, voi bị đau quay đầu chạy, vì thế đã hạn chế được thế mạnh tượng binh của đối phương. Sách Đại Việt sử ký toàn thơ có nói đến một đội đấu gậy trong cấm quân...

Tre, gỗ chắc vót nhọn (có thể bịt sắt) trở thành cây lao, cũng là thứ vũ khí phổ biến, dễ chế tạo. Phóng lao (ném thủ tiễn) là một sở trường của quân sĩ nhà Trần. Đó là những vũ khí truyền thống, đơn giản và dễ trang bị cho quân đội và dân binh.

Giáo, mác và kiếm (gươm) và dao găm là những vũ khí đột kích bằng sắt, sắc và nhọn rất thông dụng trong quân đội nước ta thời xưa nói chung và trong quân đội thời Trần nói riêng. Một bài thơ của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu trong Sứ Giao Châu tập có câu: “Kim qua ảnh lý tâm đau khổ” (trông thấy bóng giáo mác sáng loè mà lòng đắng cay), với ngụ ý mỗi lần đi sứ sang Đại Việt trông thấy gươm giáo mà não nùng vì những trận chiến quân Nguyên đã thất bại trên chiến trường nước ta. Cũng giống như câu: “Nghe tiếng trống đồng tóc đốm hoa” . . , đó là hiện tượng “hội chứng” chiến tranh của người Nguyên thời ấy.

Trong bài thơ Thuật hoài của tướng quân Phạm Ngũ Lão có câu: “Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu” (Cầm ngang ngọn giáo vì núi sông đã mấy mùa Thu).  Sử thần thời Lê cũng ca ngợi Phạm Ngũ Lão là “người có tài múa giáo, làm thơ”, lập nhiều công lớn. Trên một chiếc thạp bằng sứ tráng men hoa văn thời Lý - Trần, ta thấy hình các chiến binh tay trái cầm giáo, tay phải cầm khiên tròn.  Những di vật giáo sắt mà khảo cổ học tìm thấy ở chùa Bút Tháp, ở phủ đệ Trần Quốc Tuấn... cho ta hình dung được phần nào trang bị của quân đội Đại Việt.

Năm 1285, tại bến Đông, Ô Mã Nhi hăm doạ Sứ giả Đại Việt Đỗ Khắc chung rằng: “Đại quân ta ở xa đến đây, nước ngươi sao không trở giáo đến ra mắt mà lại chống cự mệnh lệnh”.

Trương Hán Siêu mô tả quân nhà Trần trong trận Bạch Đằng như sau: “Bấy giờ muôn dặm thuyền bè tinh kỳ phất phới, Sáu quân oai hùng gươm giáo sáng chói”...  (Phú sông Bạch Đằng)

Như vậy, quân đội thời Trần phần lớn được trang bị và sử dụng đao, kiếm, giáo mác... Đó cũng là những thứ vũ khí bạch binh thông dụng trong quân đội nhiều nước thời bấy giờ. Ngay quân Nguyên, khi đánh Đại Việt cũng trang bị giáo và trên chiến trận, quân ta đã tiêu diệt nhiều giặc và thu nhiều vũ khí, nhất là giáo, vì thế, Thượng tướng Trần Quang Khải sau khi đánh thắng trận Chương Dương - Thăng Long đã làm thơ ca ngợi chiến công, trong đó có câu “Đoạt sáo Chương Dương độ” ( Bến Chương Dương cướp giáo giặc). 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM