Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:04:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 4  (Đọc 97867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #110 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:31:21 pm »

Chủ trương, quan điểm đó vừa thể hiện một yêu cầu chiến lược cấp bách thời Trần, lại vừa thể hiện sự kế thừa và phát triển truyền thống của dân tộc Việt Nam - cả nước đánh giặc, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.

Từ cuối thế kỷ thứ III TCN, nhân dân Âu Lạc đã kiên trì kháng chiến đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của gần 50 vạn quân Tần. Sau đó, trong thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta đã liên tục nổi dậy giành lại chủ quyền dân tộc dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng (năm 40), của Lý Bí (năm 542), của Mai Thúc Loan (năm 722), của Phùng Hưng năm 766)... Thời Lý, nhân dân các dân tộc đã phối hợp với quân đội đánh thắng hai cuộc xâm lược của nhà Tống.

Đến thời Trần, kẻ thù xâm lược lớn mạnh và hung hãn gấp nhiều lần so với các thời kỳ trước. Tình hình đó đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa khả năng kháng chiến giữ nước của cả nước, phải tăng cường hơn nữa mức độ gắn bó giữa triều đình và muôn dân trăm họ.

Triều đình nhà Trần cũng hiểu sâu sắc rằng, muốn cho dân chúng trở thành nguồn sức mạnh giữ nước, thực sự cùng triều đình tham gia chiến đấu, không phải chờ đến khi có chiến tranh mới kêu gọi dân chúng đánh giặc, mà ngay trong thời bình đã phải có biện pháp gắn bó quyền lợi của giai cấp phong kiến thống trị với quyền lợi của nhân dân lao động, nới lỏng sự bóc lột phong kiến, bồi dưỡng sức dân, động viên lòng yêu nước của tướng sĩ và trăm họ.

Có như vậy mới phát huy được sức mạnh to lớn của cả nước, bảo vệ được lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, đồng thời bảo vệ được lợi ích của chính triều đình và giai cấp phong kiến.

Những tư tưởng, quan điểm tiến bộ đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống bằng một loạt các chủ trương và chính sách, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm bồi dưỡng sức dân. Vấn đề rất quan trọng là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của dân.

Nhà Trần, nối tiếp nền nếp đã có từ thời Lý, đã quan tâm đến việc phát triển nghề nông, như ra chiếu khuyến nông, nhà vua thân cày ruộng tịch điền,đi xem gặt hay tổ chức lễ tế thần nông, xác định chế độ thuế khoá nói chung là không nặng nề.

Năm 1261, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã ngự về Tức Mạc thăm dân. Các lộ, phủ được lệnh lập kho chứa thóc, dự trữ lương thực để phòng khi gặp thiên tai, mất mùa, đói kém. Nguồn lương thực đó dùng để chẩn cấp cho dân nghèo và những người gặp nạn. Gặp năm thiên tai mất mùa, đói kém, triều đình đều có chính sách cứu giúp cho dân nghèo.

Năm 1288, sau khi chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ ba, Trần Nhân Tông ra lệnh đại xá thiên hạ, những nơi bị binh hoả, giặc cướp phá nhiều thì miễn toàn bộ tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau.

Năm 1290, đời Trần Anh Tông, dân gặp đói to, nhiều người bán ruộng đất, bán con trai làm nô tỳ. Nhà vua xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo, miễn thuế nhân đinh.

Năm 1343, hạn hán, Vua Trần Dụ Tông tiếp tục thực hiện quan điểm đó, đã xuống chiếu giảm một nửa thuế nhân đinh. Năm 1354 sâu cắn lúa, nhà vua lại giảm một nửa tô ruộng. Năm 1358, hạn hán, sâu cắn lúa, năm 1362 đói to, nhà vua lại xuống chiếu khuyến khích nhà giàu ở các lộ bỏ thóc ra khẩn cấp cho dân nghèo, có khen thưởng theo thứ bậc khác nhau. 

Về mặt xã hội, năm 1291, đời Trần Nhân Tông, trước nạn đói nghiêm trọng vào các năm 1290, 1291, dân nghèo phải bán mình làm nô tỳ, nhà vua xuống chiếu những người dân lương thiện bán mình làm nô tỳ phải được chuộc lại.  Sách thời Trần còn ghi lại những tập tục thấm đượm tình người như: “Đêm trừ tịch (30 tháng Chạp), con gái, con trai nhà nghèo trong năm không có đủ tiền sắm đồ sính lễ, cứ việc lấy nhau”. 1 .

Năm 1266, triều đình cho phép các quý tộc “chiêu mộ dân phiêu tán . . . làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang ‘ và các tôn  thất “sai nô tì đắp đê bối ở bãi biển... Khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau và ở ngay đấy” 2.

Để hạn chế sự bóc lột, lạm quyền của các vương hầu quý tộc triều đình quy định: Vương hầu có quyền thừa ấm, tức là được phong tước tuỳ theo phẩm tước của cha, nhưng không được tập chức, nghĩa là không tiếp tục giữ chức vụ của cha. Con cũng không nhất thiết được quyền thừa kế thái ấp của cha 3.


_________________________
1. Hồng Nam và Hồng Lĩnh (chủ biên): Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược Sđd, tr.328.
2. Theo Đại tá, TS. Lê Đình Sỹ (chủ biên): Trần Hưng Đạo, nhà quân sự thiên tài, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.106.
3. Hồng Nam và Hồng Lĩnh (chủ biên): Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chông phong kiên Trung Quốc xâm lược, Sđd, tr. 324. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #111 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:34:01 pm »

Những việc làm, những chính sách đó đã trở thành ý thức của nhiều đời vua, của những nhân vật trọng yếu trong giới quý tộc thời nhà Trần thời kỳ còn hưng thịnh. Vua Trần Nhân Tông đã từng nói: “Trẫm là cha mẹ dân. Nếu thấy dân lầm than thì phải cứu giúp ngay, há nên so đo khó dễ, lợi hại”.

Sau khi chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược, vua Trần Nhân Tông định xây lại thành Thăng Long bị địch tàn phá cho nguy nga lộng lẫy. Trần Quốc Tuấn đã can vua và nói rằng:

“Việc sửa chữa thành không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình phải làm ngay không chậm trễ được là uý lạo nhân dân. Hơn bốn năm qua, giặc sang đánh phá, từ nơi rừng núi đến ruộng đồng đâu cũng bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực đi lính, đóng thuế, làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc.

Nay nhà vua trở về yên ổn, việc cần làm trước hết là phải chú ý ngay đến những nơi bị tàn phá. Tuỳ tình hình nặng nhẹ mà cứu tế, những nơi bị tàn  phá nặng có thể miễn thuế trong mấy năm. Có như thế nhân dân mới nức lòng càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa nói: “Chúng chí thành thành”, ý chí của dân chúng là bức thành kiên cố, đó mới là cái cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ” 1.

Vua Trần Nhân Tông cho là phải, đã tạm đình chi xây thành Thăng Long và ra lệnh miễn tô thuế cho dân trong ba năm. Những cố gắng nói trên của triều đình Trần không chỉ là những biện pháp tình thế nhằm tranh thủ sự ủng hộ nhất thời của dân khi sắp có chiến tranh. Những cố gắng đó xuất phát từ nhận thức của giới lãnh đạo về vai trò của dân, về mối quan hệ gắn bó giữa triều đình và trăm họ.

“Khi Trần Thái Tông 18 tuổi tức năm 1236, nhà sư ở hùa Yên Tử là Quốc sư Trúc Lâm đại sa môn nói lời khuyên ua: “Phàm người làm vua, nên lấy điều muốn của thiên hạ lm điều muốn của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình”. Làm vua đã mười năm, Trần Thái Tông vẫn lắng nghe ý kiến nhà sư, vui vẻ tiếp nhận và khi về già, nhà vua đã ghi lại lời khuyên đó để truyền lời sau” 2.

2. Tạo thế mạnh “cử quốc nghênh địch”

Chính nhờ triều đình nhà Trần trong thời kỳ hưng thịnh đã nhận thức được nguồn sức mạnh là ở trong dân, cậy vào nhân dân là lực lượng chiến đấu giữ nước, không phải chỉ cậy vào quân đội, đã có các chính sách phù hợp với nhận thức đó, nên đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của giai cấp phong kiến với lợi ích của dân tộc.

Trên thực tế, triều đình nhà Trần thời kỳ đó đã gắn chặt lợi ích dân tộc với lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị, đặt lợi ích dân tộc lên một vị trí rất cao. Vì lợi ích của dân tộc vì chủ quyền của đất nước phải đoàn kết toàn dân, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho dân, làm cho dân gắn bó với triều đình, tạo nên sức mạnh kháng chiến to lớn. Có bảo vệ được chủ quyền của đất nước mới bảo vệ được lợi ích của thính giai cấp phong kiến. Nếu thua trận, mất nước thì lợi ích của dân tộc bị chà đạp, mà lợi ích của giai cấp phong kiến cũng không còn.

Mặt khác, nhờ nhận thức và những biện pháp chiến lược đúng đắn của triều đình mà người dân cảm thấy đời sống vật chất và tinh thần ổn định, nên từ trong thời bình đã tạo ra được quan hệ gắn bó giữa triều đình và nhân dân.

Với lòng yêu làng, yêu nước truyền thống của người dân Việt, khi quân xâm lược kéo đến, dân chúng đã cùng triều đình và quân đội đánh giặc bằng mọi cách thích hợp.  Dân chúng vùng sông Thương vẫn truyền tụng gương chiến đấu dũng cảm và mưu trí của hai cô gái và các trai tráng vùng đó.


_____________________________
1. Long Thành dật sử, dẫn theo Phạm Ngọc Phụng: Tổ tiên ta đánh giặc, Nxb. Quân giải phóng, Sài Gòn, 1975, tr.195.
2. Nguyễn Lương Bích: Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1981, tr.47.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:36:38 pm »

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, khi quân xâm lược từ biên giới đã vượt được Khâu Ôn, Chi Lăng tiến xuống vùng sông Thương thì chúng vấp phải sự đánh trả của dân chúng địa phương. Một đội tiên phong của giặc tiến tới bờ bắc sông dừng lại trú quân để tìm thuyền mảng chuẩn bị đưa quân qua sông. Nhân dân ta bên bờ nam bàn cách chống giặc.

Có hai chị em gái là nàng Bảo và nàng Ngọc, người xinh đẹp mở quán bán hàng bên bờ nam sông Thương đã cùng trai tráng trong làng lập mưu kế lừa giết giặc. Hai cô nhận lời giặc sang bên bờ bắc với hai tên tướng giặc. Khi giặc đem thuyền sang đón, hai cô cùng dân làng Đa Mỗi gần đấy làm tiệc rượu khoản đãi. Trong lúc giặc mải vui chè chén ở trong làng thì ngoài bến sông, các trai tráng trong làng Đa Mỗi lặn xuống nước đục thủng thuyền giặc rồi nút kín lại. Đến tối, hai cô cùng hai tên tướng giặc xuống thuyền dự tiệc rượu mừng, làm lễ hợp cẩn trên sông. Trai tráng làng Đa Mỗi lội ngầm theo dưới nước. Khi thuyền giặc ra giữa lòng sông, những trai tráng ở dưới nước rút nút bịt lỗ thủng cho nước vào thuyền. Hai tên tướng giặc và bọn lính trong thuyền bị chết chìm dưới nước. Nàng Bảo và nàng Ngọc được bố trí đưa lên bờ. Tướng giặc bị giết chết, đội quân tiên phong của giặc cũng bị quân và dân địa phương tập kích, tiêu diệt gọn 1
 
Gương chiến đấu anh dũng và thông minh của dân làng Đa Mỗi và của hai cô thật tiêu biểu cho truyền thống yêu nước lâu đời “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của nhân dân và phụ nữ Đại Việt.

Ở những nơi giặc đã chiếm, những bộ phận nhỏ của quân đội triều đình, của quân các lộ, phủ, châu đã phối hợp với hương binh, thổ binh ở lại bám trụ địa bàn sau khi đại quân triều đình đã rút về phía nam, tiến công liên tục ngày đêm vào các mục tiêu sau lưng địch.

Địch rất sợ các cuộc tiến công ban đêm, thường chỉ đối phó cầm cự, chịu thương vong, chờ ban ngày mới kéo quân ra đánh trả. Có những lực lượng quân, dân vùng địch hậu lập thành tích quan trọng, như quân dân ải Nội Bàng tiêu diệt 5.000 quân Mông - Nguyên hộ tống bọn phản bội Lê Trắc về nước, trong cuộc kháng chiến lần thứ ba.

Có nơi các cuộc tiến công của quân, dân địa phương ngày càng mở rộng khi quân Mông - Nguyên phát triển tiến công đuổi theo triều đình và đại quân nhà Trần.  Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, Nguyễn Lộc, hào trưởng dân tộc Tày đã mở rộng phạm vi đánh địch từ châu Thất Nguyên (Tràng Định, Lạng Sơn) ra cả một vùng rộng lớn từ trại Vĩnh Bình (Cao Lộc, Lạng Sơn) cho đến ải Chi Lăng.  Hoạt động của cánh quân này làm cho bọn đầu sỏ xâm lược rất lo ngại và điều này đã được nêu lên trong báo cáo của A Lý Hải Nha gửi Hốt Tất Liệt.

Các cuộc tiến công rộng khắp đó đã buộc quân giặc phải rải quân để đóng giữ các khu vực, các điểm quan trọng, lập các trạm, trại để bảo đảm tiếp tế từ hậu phương, bảo đảm giao thông liên lạc giữa các khu vực, các điểm đóng quân. Lực lượng tiến công của chúng do đó, ngày càng giảm sút.

Ở khắp nơi giặc đến, thực hiện lời kêu gọi của triều đình, dân các địa phương làm thanh dã, cất dấu lương thực. âm mưu của quân xâm lược lấy lương thảo tại chỗ để nuôi sống binh mã không thực hiện được. Người ngựa đói, sức chiến đấu và tinh thần giảm sút. Các cuộc chiến đấu và hoạt động triệt tiếp tế của địch tại chỗ đã góp phần to lớn vào thắng lợi của kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, chỉ chín ngày sau khi quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long, kỵ binh của chúng đã lâm vào tình trạng bị chặn đánh khắp nơi, chịu thương vong thường xuyên, lại thiếu lương thảo, ngày càng thế suy, lực kiệt.

Tình trạng đó đã tạo thời cơ cho quân ta thực hiện trận phản công mạnh mẽ ở đông Bộ Đầu, đánh cho quân xâm lược tan rã, tháo chạy hỗn loạn. Quân xâm lược theo con đường cũ tháo chạy về hướng Vân Nam. Nhưng đến trại Quy Hoá, quân Mông Cổ lại bị nhân dân miền núi do chủ  trại Hà Bổng chỉ huy đổ ra chặn đánh. Quân địch bị đánh bất ngờ, bị tổn thất nặng, hoảng sợ cắm đầu chạy thoát thân không còn dám cướp bóc, đốt phá như khi mới tiến vào Đại Việt.

Trong giai đoạn đầu của hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba, các hoạt động tác chiến và triệt tiếp tế của những lực lượng tại chỗ ở khắp nơi địch kéo đến đã góp phần quan trọng làm suy yếu và kìm hãm quân địch, yểm trợ cho đại quân , bảo đảm cho cuộc rút lui chiến lược của triều đình và đại quân thực hiện thắng lợt. Trong giai đoạn sau của hai cuộc kháng chiến này, quân, dân các địa phương đã góp phần to lớn cùng đại quân thực hiện cuộc phản công chiến lược, chặn đánh, đuổi đánh địch trên tất cả các nẻo đường tháo chạy hỗn loạn của chúng, góp phần to lớn đánh tan đạo quân xâm lược của địch.


________________________
1. Nguyễn Lương Bích: Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng, Sđd, tr. 173. Theo thần tích làng Đa Mỗi (Bắc Giang), nàng Bảo và nàng Ngọc khi chết được nhân dân địa phương lập đền thờ, tôn là công chúa Bảo Nương và công chúa Ngọc Nương.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:38:53 pm »

Triều đình Trần đánh giá rất cao khả năng và vai trò trong kháng chiến của quân đội triều đình, đồng thời cũng đánh giá rất cao khả năng và vai trò của quân và dân các địa phương. Điều đó thể hiện trong việc khen thưởng sau khi kháng chiến thắng lợi.

Ví dụ, sau cuộc kháng chiến lẩn thứ nhất, các tướng chỉ huy quân chủ lực cũng như quân địa phương có công lao đều được trọng thưởng. Lê Phụ Trần được phong tước Bảo Văn hầu và thăng lên chức Ngự sử đại phu.  Còn Hà Bổng cũng được phong tước hầu. Riêng Phùng Lộc Hộ hy sinh trong chiến đấu được nhà vua đặc biệt gia phong tước Lân hổ Đô thống đại vương và khen tặng tám chữ: “Nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm” (Trời Nam khí mạnh, giặc Bắc lòng run).

Cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang tại chỗ cùng toàn dân diễn ra ở khắp mọi nơi. Theo sử cũ chép lại, rất hiếm nơi dân không đánh trả địch. Sau cuộc kháng chiến lần thứ ba thắng lợi, nhà vua cho kiểm điểm công, tội để thưởng phạt. Triều đình chỉ xác nhận có hai hương Ba Điểm và Băng Hà (ở phía đông Vạn Kiếp) là đã không đánh khi quân Ô Mã Nhi kéo đến, bèn xử tội đồ quân, dân hai hương đó, đời đời không được làm quan.

Khái quát thực tiễn đó,Việt sử thông giám cương mục đã viết về các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thời Trần: “Khi có việc chinh chiến, toàn dân đều là lính” 1.
 
Có thể nói rằng các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên đời Trần, nhất là cuộc thứ hai và thứ ba mang tính chất chiến tranh nhân dân thực sự. Phản ánh sự đánh giá của nhà Nguyên về thực tiễn cuộc chiến tranh, Lê Trắc trong An Nam chí lược đã phải viết: “Thế tử cử quốc nghênh địch “, tức là nhà vua đương đầu với giặc bằng sức mạnh của cả nước. 


III. VUA TÔI ĐỒNG LÒNG, ANH EM HOÀ THUẬN, NƯỚC NHÀ GÓP SỨC


Phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất, quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược, tìm nguồn sức mạnh giữ nước to lớn ở trong dân, đó là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có tính sáng tạo và tính hiệu quả cao của nhà Trần trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh giữ nước chống quân Mông - Nguyên xâm lược.

Muốn phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân cần phải đoàn kết tất cả các lực lượng của nhân dân lại thành một khối. Triều đình nhà Trần nhận thức rất rõ tầm quan trọng của nhân tố đoàn kết: đoàn kết trong triều đình làm nòng cốt làm gương mẫu để đoàn kết trong cả nước, đoàn kết triều đình với nhân dân, đoàn kết nước với nhà là mối quan tâm lớn của những nhân vật lãnh dạo chủ yếu thời Trần. Và vua quan thời Trần đã có nhiều cố gắng để xây dựng tinh thần đoàn kết đó.

Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Vua (Trần Thánh Tông - TG) từng bảo người tôn thất rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý; tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy. Đến đây xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, xong buổi chầu thì vào trong điện và lan đình, cùng nhau ăn uống. Hoặc có khi trời tối không về thì đặt gối dài chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau, để tỏ hết lòng yêu mến nhau. Còn như khi có lễ lớn, tân khách, yến tiệc, thì phân biệt ngôi thứ cao thấp. Vì thế nên các vương hầu bấy giờ không ai là không hoà thuận kính sợ, mà không có lỗi lệch vì sự nhờn mặt kiêu căng” 2.

Nhiều nhân vật quan trọng trong triều đình đã dẹp các mối bất hoà hoặc liềm khích cá nhân để cùng nhau đồng tâm hiệp lực lo việc nước. Có thể dẫn vài ví dụ: An Sinh vương Trần Liễu, thân sinh của Trần Quốc Tuấn, vợ có thai trong lúc Trần Thái Tông chưa có con kế nghiệp. Trấn Thủ Độ đã ép Trần Liễu nhường người vợ đó cho Trần Thái Tông để bảo đảm có người nối ngôi nhà Trần.

Trần Liễu căm thù việc đó, khi sắp chết đã dặn Trần Quốc Tuấn: “Con không vì thù của cha mà cướp lấy ngôi vàng thì cha chết cũng không nhắm mắt được”. Trần Quốc Tuấn đặt nghĩa lớn lên trên đã không thực hiện lời trối trăng của cha và một lòng phò tá các vua Trần kế tiếp nhau trong sự nghiệp đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. 


_________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, q.6, t.27b.
2. Toàn thư, Sđd, tr.37.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #114 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:41:07 pm »

Việc gia đình của Trần Quốc Tuấn, nhà vua và triều đình đều biết. Nhưng nhà vua, trọng đức tài của Trần Quốc Tuấn, đặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lên trên, vẫn tin cậy và phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, nắm trong tay vận mệnh của đất nước.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép vài chuyện cụ thể chứng minh tinh thẩn đó trong triều đình. “... Thánh Tôn thân đi đánh giặc. Quang Khải theo hầu, ghế thái sơ bỏ không. Vừa gặp sứ phương Bắc sang. Thái Tôn gọi Hưng Đạo vương Quốc Tuấn bảo rằng: “Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm muốn cho khanh làm tư đồ để ứng tiếp sứ thần phương Bắc. Quốc Tuấn trả lời: “Việc ứng tiếp sứ thần phương Bắc thần không dám từ chối, còn việc cho thần làm tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, mà bệ hạ tự phong cho thần làm chức ấy thì tình nghĩa trên dưới sợ có chỗ chưa ổn, không được thoả lòng quan gia và Quang Khải. Đợi khi quan gia về sẽ xin nhận chức cũng chưa muộn gì” 1.

Lại chép: “Hai người (Quang Khải và Quốc Tuấn) vốn không ưa nhau. Có một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới về. Lại tính Quang Khải lười tắm gội, Quốc Tuấn thì thích xông tắm; có lần nói đùa với Quang Khải rằng: “Thân cáu bẩn, xin tắm  dùm”. Quốc Tuấn mới cởi áo của Quang Khải ra, lấy nước thơm để tắm và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.  Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm cho”. Từ đấy hai người vui chơi với nhau, tình thân càng mặn” 2.

Trên cơ sở tăng cường đoàn kết trong nội bộ triều đình, trong hàng ngũ vương hầu quý tộc, nhà Trần rất chú trọng thắt chặt mối quan hệ giữa trong và ngoài hoàng tộc, giữa triều đình với các địa phương. Từ năm 1282 chế độ thi cử thời Trần được đưa vào nền nếp. Do đó, người ngoài hoàng tộc tham gia vào việc nước ngày càng nhiều, giữ nhiều chức vụ quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực trong triều đình cũng như ngoài các lộ, phủ, châu. Mối quan hệ đồng tâm, nhất trí của vua tôi, trong bộ máy chính quyền nhà nước nhờ đó được tăng cường.

Các vua Trần rất chú ý tăng cường sự gắn bó giữa triều đình với các thủ lĩnh miền núi. Mối quan hệ vua tôi được tăng cường bằng quan hệ hôn nhân. Với những chính sách, biện pháp mềm dẻo, nhà Trần đã tranh thủ được các tù trưởng, thổ ty, tộc trưởng vùng rừng núi biên giới, biến họ thành những bề tôi trung thành của triều đình. Trong cả ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, họ là những thủ lĩnh lãnh đạo cuộc chiến đấu kiên cường và có hiệu quả của nhân dân các dân tộc trên những địa bàn rất quan trọng về chiến lược.

Sức mạnh kháng chiến to lớn và bền bỉ của cả nước thời Trần rõ ràng là kết quả của các cố gắng đoàn kết dân tộc, đoàn kết nước và nhà, của các chính sách tiến bộ được kiên trì thực hiện từ thời bình, trong nhiều năm, nhằm mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá cao sức mạnh đoàn kết trong tập đoàn lãnh đạo kháng chiến vương hầu, tôn thất), sức mạnh đoàn kết nước và nhà, Trần Quốc Tuấn đã nói rõ trong Di chúc Canh Tý:“Vừa đây Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt vây đánh. Vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước cả nhà góp sức, bọn giặc tất phải chịu bị bắt. Đó là do trời xui nên tất nhiên phải như vậy”.

Trong đoạn ngắn này của Di chúc, chúng ta có thể thấy mấy ý rất quan trọng.

Nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, nhân tố đoàn kết, cả nước, cả nhà góp sức (quốc gia tính lực) được đặt lên hàng đầu, mặc dù nguyên nhân bao trùm nêu trong Di chúc, nói ở cuối, có tính chất kết luận, là: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giừ nước”. Thực ra, khoan thư sức dân cũng tức là đoàn kết với dân.

Nói về cả nước, cả nhà góp sức, Trần Quốc Tuấn dùng chữ tính lực (quốc gia tính lực), chứ không phải hợp lực như thường nót. Như vậy là có ý nói sức nước và sức nhà phải gắn chặt làm một, tạo nên một sức mạnh tổng hợp.  Tính quy luật tất yếu của quan điểm: “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước cả nhà góp sức, thì địch tất phải bị bắt” được làm rõ với câu nói: “Đó là trời xui nên tất nhiên phải như vậy .

Trong Di chúc, nói đến chuyện lịch sử của mấy triều đại trước đó, Trần Quốc Tuấn cũng nói về nhân tố đoàn kết: “Đời Đinh, Lê, dùng được người hiền tài, phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới đồng tâm, lòng dân không ly tán (thượng hạ đồng dục, dân tâm bất ly) đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống.


__________________________
1. Toàn thư, Sđd, tr.72.
2. Toàn thư, Sđd, tr.72
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:44:41 pm »

Phản ánh tác dụng to lớn của nhân tố đoàn kết trong kháng chiến, Binh thư yếu lược cũng nêu rõ: “Hoà mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hoà ở trong nước thì ít phải dùng binh. Hoà ở ngoài biên thì không sợ báo động. Bất đắc dĩ mới phạt kẻ làm xằng, càng quý hoà mục. Vua tôi hoà mục thì dùng được người tài. Tướng văn tướng võ hoà mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hoà mục, trong lúc thường sẽ nhường nhịn nhau, gặp nguy nan sẽ cứu giúp nhau. Đó, hoà mục là đạo rất hay cho việc trị nước hành binh, không thay đổi được” 1.
 

IV. NHỮNG QUAN ĐIỂM ĐỘC ĐÁO VỀ XÂY DỰNG
LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐÁNH GIẶC GIỮ NƯỚC

Kế thừa truyền thống đã được thử thách trong chiến tranh của các triều đại trước, nhà Trần phát triển có hệ thống các quan điểm và chính sách rất độc đáo của dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng lực lượng vũ trang phù hợp với yêu cẩu làm nòng cốt cho cả nước đánh giặc. ở đây chỉ nêu lên những vấn đề về quan điểm.

1. Tổ chức ba thứ quân.

Quân của triều đình trung ương, của các vương hầu quý tộc của các địa phương (lộ, phủ, châu), của các làng, bản, xã.  Khác với nhiều nước vào thời kỳ đó và ngay cả ngày nay, để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc người ta thường chăm lo tổ chức quân đội hùng mạnh của nhà nước trung ương. 

Để phù hợp với yêu cầu dựa vào sức mạnh của dân để giữ nước, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt dành giặc, lực lượng vũ trang thời Trần được tổ chức thành các thành phần sau đây:

- Quân chủ lực của triều đình.

- Quân của quý tộc (Vương hầu, tôn thất).

- Quân của các lộ, phủ, châu.

- Lực lượng dân binh (hương binh, thổ binh) trong các làng xã, bản, động.

  a. Quân của triều đình gồm cấm quân và sương quân. Cấm quân trong thời bình đóng ở kinh thành, có nhiệm vụ bảo vệ vua và triều đình. Khi có chiến tranh, là quân chủ lực, quân cơ động để đánh giặc. Sương quân là lính hạng nhì sau cấm quân, dùng để canh gác và làm các việc tạp dịch. Được biên chế trong sổ sách, nhưng sương quân không phải là quân thường trực như cấm quân. Khi nào có việc thì gọi ra hoạt động hoặc huấn luyện, hết việc thì trở về nhà làm ruộng.

b. Các vương hầu, tôn thất thời Trần được phân cấp thái ấp để cai quản và hưởng lộc, được tổ chức lực lượng vũ trang riêng để tự bảo vệ. Việc mộ quân, tuyển quân thực hiện theo lệnh của triều đình,tuỳ theo sự cần thiết về phòng thủ của từng thái ấp. Trong thời bình, lực lượng này số lượng không nhiều. Khi có chiến tranh các vương hầu được quyền phát triển lực lượng đó, nhưng điều đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của triều đình.

Quân của vương hầu, tôn thất ngày thường mang tính chất quân của địa phương, là lực lượng bảo vệ các thái ấp.  Khi triều đình điều động thì trở thành thành phần quan trọng của quân triều đình.
Như vậy, cả hai loại quân trên được tổ chức theo kế hoạch thống nhất của triều đình và đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của triều đình trong chiến tranh.

c. Các lộ phủ, châu, được quyền tổ chức quân của mình, có lúc gọi là phong quân, phong đoàn. Quân địa phương của các lộ phủ , châu có nhiệm vụ canh phòng và đánh giặc ở địa phương mình. Khi có chiến tranh, triều đình có thể điều động quân các lộ di đánh giặc ở những vùng khác. 

Quân các lộ được thay phiên nhau ở tại ngũ hay về sản xuất tự túc Khi cần thiết, số này được gọi nhập ngũ.  Quân các lộ là lực lượng đông đảo, làm nòng cốt cho dân binh đánh giặc.


________________________
1. Binh thư yêú lược, Sđd, tr.39.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2009, 08:46:54 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:49:04 pm »

d. Ở các làng, xã, bản, động có tổ chức dân binh. Quan điểm và chính sách này của nhà Trần phù hợp với yêu cầu tận dân vi binh, cả nước đánh giặc, đồng thời phù hợp với truyền thống cố kết trong cộng đồng làng, xã để sản xuất và chiến đấu bảo vệ sản xuất.

Trải qua ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, dân tộc ta đã hình thành ở cơ sở làng, xã nếp sống “tĩnh vi nông, động vi binh”, ngày thường làm dân, lúc có giặc là binh.

Bốn thành phần nói trên thực chất là phân làm ba loại: quân chủ lực của triều đình, quân địa phương của các lộ, châu, phủ và dân binh các làng xã, bản, động (quân của vương hầu, tôn thất, khi thì làm chức năng quân địa phương, khi thì làm chức năng quân chủ lực của triều đình, tuỳ theo tình hình và nhiệm vụ).

Ở đây đã hình thành rõ nét mô hình tổ chức lực lượng vũ trang truyền thống ở nước Đại Việt. Ba loại lực lượng này kết hợp chặt chẽ với nhau: quân chủ lực làm nòng cốt cho quân địa phương đứng vững trước quân giặc mạnh; ngược lại quân địa phương kiềm chế, phân tán, tiêu hao lực lượng quân địch dể quân chủ lực đánh đòn quyết định; quân địa phương làm nòng cốt cho dân binh đánh giặc, dân binh làm nòng cốt cho toàn dân chiến đấu và đấu tranh. 

Ngược lại, cuộc chiến đấu của toàn dân và dân binh dựa vào lực lượng địa phương làm nòng cốt đã tạo nên thế trận “làng-nước”, thế trận thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân, làm cho những đạo quân mạnh và thiện chiến của Mông- Nguyên bị sa lầy, bất lực, bị hao và thất bại.

2. Ngụ binh ư nông - xây dựng lực lượng vũ trang nằm trong dân, gắn liền sản xuất với sẵn sàng chiến đấu

Kế thừa quan điểm và chính sách xây dựng lực lượng vu trang đã có từ thời Tiền Lê và thời Lý, nhà Trần tiếp tục thực hiện chủ trương ngụ binh ư nông.

Ngụ binh ơ nông, hiểu vắn tắt là gửi binh ở nông. Binh có nghĩa là binh lính, cũng có nghĩa là việc binh, việc quân sự việc giữ nước. Nông có nghĩa là nông dân, cũng có thể hiểu là nông thôn, nông nghiệp. Đây là chính sách lớn, một quốc sách về xây dựng lực lượng vũ trang thời bình, chuẩn bị cho thời chiến.

Theo chính sách này, khi đất nước vô sự, thì trừ cấm quân phải thường xuyên túc trực để làm nhiệm vụ bảo vệ triều đình, còn các loại quân khác như sương quân và quân các vương hầu, các lộ được chia thành nhiều phiên, theo định kỳ, một bộ phận thường trực tại ngũ luyện tập và canh phòng, một bộ phận trở về sản xuất. Thời hạn dài ngắn được tính tuỳ theo tình hình đất nước. Khi có chiến tranh, tất cả trở lại quân ngũ theo đơn vị đã định và lệ thuộc vào các tướng. Theo chính sách này, các xã hằng năm phải lập sổ hộ, chia số dân ra làm nhiều hạng, chọn những người khoẻ mạnh sung vào quân ngũ.

Chính sách ngụ binh ư nông có nhiều ưu điểm:

- Quản lý tất nhân đinh. Tất cả đinh nam từ 18 tuổi trở lên, khoẻ mạnh, đều được ghi tên trong sổ, đều phải thi hành nghĩa vụ binh dịch.

- Các tráng đinh đều được huấn luyện quân sự, luyện tập võ nghệ.

- Thời bình, chỉ cần giữ một bộ phận nhất định tại ngũ, còn phần lớn tráng đinh là quân dự bị, khi cần có thể huy động ngay và ai nấy đều đã biết rõ quân ngũ của mình. 

- Cân đối giữa lực lượng sản xuất và lực lượng quân sự, giảm bớt chi phí quốc phòng, bảo đảm nhân lực cho nông nghiệp, lại bình thường hoá sinh hoạt gia đình ở nông thôn. 

Nhờ vậy, quân số của nhà Trần thời bình thường chưa đầy 10 vạn 1 nhưng trong kháng chiến chống Mông - Nguyên có lúc triều đình đã huy động được 20-30 vạn quân đánh giặc.  Trong khi đó thì khắp nước ở đâu có giặc đến là có dân chúng đánh trả. “Đại để lúc vô sự thì phục binh ở nơi thuận lợi khi có nạn thì đều hết sức chống cự. Thế là thời Trần nhân dân ai cũng là binh nên mới phá được giặc, làm cho thế nước được mạnh” 2.


_____________________
1, 2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Binh chế chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, tr.5-6.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:53:34 pm »

3. Phụ tử chi binh, xây dựng khối đoàn kết trong quân đội.

Trong Di chúc, Trần Quốc Tuấn viết: “Phải đạt được quân đội đồng lòng như cha con một nhà mới có thể dùng được (Thủ đắc phụ tử chi binh, thuỷ khả dụng dã). Đây là cách vận dụng quan điểm về sức mạnh đoàn kết và truyền  thống cố kết dân tộc vào trong quân đội.

Quan diềm này xuất phát từ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, từ quyết tâm tạo nên sức mạnh lớn nhất của một nước nhỏ dể đánh thắng kẻ địch xâm lược lớn mạnh. Thực hiện được phụ tử chi binh trong quân đội mà phần lớn người chỉ huy cấp dưới và quân lính thuộc thành phần nông dân tự do hay nô tỳ, gia nô, điều đó tuỳ thuộc rất nhiều vào phẩm chất và bản lĩnh của người tướng.

4. Quân cốt tinh, không cất nhiều (chú trọng chất lượng của quân đội)

Đầu năm 1287, quân Mông - Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ ba. Đứng trước cuộc đọ sức chắn chắn là rất quyết liệt sắp diễn ra, có một số đại thần trong triều đình nhà Trần xin tăng quân số để đủ sức chống giặc. Trần Quốc Tuấn lúc đó là Quốc công tiết chế (Tổng tư lệnh) đã bác bỏ đề nghị trên và nói rằng: “Quân cốt tinh không cốt nhiều, dù đến như Bồ Kiên có một trăm vạn quân, có làm được gì đâu?” 1. Nhà vua và cả triều đình đã chấp thuận ý kiến của ông.  Quan điểm chiến lược quân cốt tinh, không cất nhiều có những căn cứ khách quan của nó.
 
a. Nước địch lớn, nước ta nhỏ. Quân địch đông, ta cần có số quân cần thiết để cùng toàn dân đánh thắng chúng, nhưng ta không thể đua với chúng về số lượng được. Yêu cầu rất lớn đối với quân đội trong điều kiện đó là phải tinh nhuệ, có chất lượng cao.

b. Binh chế thời Trần, ngoài quân triều đình còn có quân các vương hầu, quân các lộ, phủ, châu, có dân binh các làng xã động bản, làm nòng cốt cho trăm họ đánh giặc. Ta có đủ sức để đánh địch khắp nơi, buộc quân đội đông của chúng phải phân tán lực lượng đối phó bị động, bị sa lầy trong thế trận làng - nước của ta, tạo điều kiện cho quân chủ lực của triều đình với số lượng không nhiều nhưng tinh nhuệ có thể từng bước tập trung lực lượng ưu thế hơn địch, đánh thắng chúng ở những nơi trọng điểm.

Việc thực hiện chính sách ngụ binh ư nông tạo cơ sở về tổ chức để thực hiện việc đó. Mặt khác, lại cho phép mở rộng số quân triều đình khi cần thiết.  Như vậy, xét về quân đội tập trung thì quân ta thường ít hơn địch. Nhưng xét về số người cầm vũ khí đánh giặc thì ta lại đông hơn địch. Và trong các trận đánh quyết định, ta bao giờ cũng đủ sức áp đảo, tiêu diệt địch. 

c. Nước ta nhỏ, tiềm lực các mặt hạn chế so với nước đến xâm lược từ phương Bắc. Việc duy trì một đạo quân tinh nhuệ, vừa đủ, không nhiều làm đỡ bớt gánh nặng cho nền kinh tế bảo đảm giữ nước, lợi cho việc bồi dưỡng sức dân.  Như vậy vừa có kinh tế mạnh, vừa có quốc phòng mạnh, đủ sức đương đầu thắng lợi trước quân xâm lược. 

Quan điểm quân cốt tinh bao gồm nhiều mặt. Trước hết là về chính trị phải có ý chí “Sát Thát”, sẵn sàng “bỏ mình vì nước”. Phải đạt được “phụ tử chi binh” (quân đội một lòng như cha con). Phải sâu rễ bền gốc trong dân, gắn bó với dân với chính quyền dân tộc như Di chúc và Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn.

Điều quan trọng là phải tinh thông võ nghệ “tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông - nhà nhà đều là Hậu Nghệ”. Lại phải nắm vững binh pháp. Phải tổ chức huấn luyện tốt ở giảng võ đường và ở quân doanh khi lính còn tại ngũ. Việc huấn luyện quân đội cần đạt được trên dưới hiểu nhau, hành động ăn khớp. Binh thư yếu lược đề ra yêu cầu: “Khiến quân biết ý tướng, tướng biết tính quân, theo đó mà đi, như cánh tay sai khiến ngón tay, quân tướng cùng quen, người đều tự đánh. . .” 2 .

Và tất nhiên là quân đội phải được trang bị tốt, bảo đảm các mặt tốt và chuẩn bị chiến trường tốt (như trận Bạch Đằng).  Trên thực tế, nhà Trần chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang theo tinh thần quân cốt tinh. Chất lượng và sức chiến đấu cao của quân nhà Trần đã được thể hiện trong các trận đông Bộ Đầu, Chương Dương, Tây Kết, trận giải phóng Thăng Long, trận Vạn Kiếp, v.v.. Đó là nói về bộ binh. Trận Bạch Đằng lịch sử và trận Vân Đồn đã tỏ rõ chất lượng cao của thuỷ binh thời Trần. Và kẻ địch cũng rất sợ hãi những bộ phận nhỏ của bộ binh, thuỷ binh tinh nhuệ của ta lặn xuống nước đục thuyền theo kiểu Yết Kiêu, Dã Tượng. . .


________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.59.
2. Binh thư yếu lược, Sđd, tr.228.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #118 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 08:59:43 pm »

V. BẠT DỤNG LƯƠNG TƯỚNG
(CHỌN DÙNG TƯỚNG GIỎI)


Để đánh thắng một kẻ địch lớn mạnh, thiện chiến và xảo quyệt như giặc Mông - Nguyên, nhà Trần rất chú trọng xây dựng đội ngũ các tướng. Trong các sách cổ của ta, tướng có nghĩa là người chỉ huy, người cầm quân.

Di chúc Canh Tý của Trần Hưng Đạo nêu yêu cầu phải cất nhắc tướng giỏi (bạt dụng lương tướng), nhất là trong hoàn cảnh kẻ thù xảo quyệt thay đổi cách đánh.  Binh thư yếu lược chép: “binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chu” 1.

Theo tinh thần đó, nhà Trần đã xây dựng được một đội ngũ các tướng có phẩm chất, có tài năng, đã lập nhiều công lao xuất sắc, làm tròn vai trò nòng cốt cho ba quân và cho cả nước đánh giặc. Nhiều tướng xuất thân từ tầng lớp quý tộc, một số xuất thân từ dân thường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoát...

Các tướng đều giỏi đánh giặc, nuôi quân. Có tướng còn biết làm thơ động viên quân đội và ca tụng công lao của quân dân, như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, có tướng thông thạo tiếng nói và phong tục các dân tộc thiểu số miền núi như Trần Nhật Duật, có tướng còn làm được chức trách sứ thần hay phái viên của nhà vua đi giao thiệp với giặc, như Lê Phụ Trần, Đỗ Khắc Chung. Nhiều tướng thạo đánh địch ở rừng núi, ở sông, biển, nhiều tướng có tài chỉ huy các lực lượng vũ trang tại chỗ đánh địch rộng khắp như Hà Chương, Hà Bổng, Trần Thông, Nguyễn Lộc, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền. Có tướng có tài chỉ huy thuỷ binh như Trần Khánh Dư. Có người thạo cách đánh bí mật lặn dưới nước, đục thủng đánh chìm thuyền địch như Yết Kiêu, Dã Tượng...

Hàng vạn tướng đã được đào tạo, cất nhắc thời Trần, từ người tướng chỉ huy mười người, trăm người, nghìn người, đến hàng vạn, mười vạn người, cho đến tướng chỉ huy được cả thiên hạ.

Đặc biệt, thời Trần đã nổi lên vai trò của vị danh tướng hàng đầu Trần Hưng Đạo. “Trần Hưng Đạo là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự kiệt xuất, có công lao to lớn trong công cuộc chuẩn bị và thực hành ba cuộc kháng chiến của quân dân ta, đánh thắng mọi cố gắng xâm lược điên cuồng của đế chế Mông - Nguyên, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc, truyền giại cho chúng ta nhiều quan điểm, tư tưởng chính trị - quân sự tiến bộ vượt thời đại” 2.   

Xây dựng đội ngũ tướng lĩnh là một quá trình lâu dài, không dễ dàng. “Người giỏi dùng tướng thì trước hết phải giỏi chọn tướng. Người giỏi chọn tướng thì trước hết phải giỏi biết tướng” 3. Và tất nhiên, trên cơ sở biết tướng, cần có kế hoạch bồi dưỡng người tướng theo những tiêu chí cơ bản về phẩm chất của người cẩm quân đánh giặc. 

Binh thư yếu lược đề ra tướng có năm tài,cũng tức là năm phẩm chất của người tướng, năm yêu cầu đối với người tướng. Năm tài là dũng - trí - nhân - tín - trung. Và giải thích: “dũng thì không ai phạm được, trí thì không cái gì làm rối được, nhân thì yêu dân, tín thì không lừa dối, trung thì không hai lòng” 4.

1. Phẩm chất “dũng” được đặt ở hàng đầu. Có thể hiểu rằng, đương đầu với quân xâm lược mạnh như quân Mông - Nguyên, trước hết người tướng phải có tinh thần dũng cảm dám đánh, không sợ địch. Đó là cơ sở để tìm ra cách đánh hiệu quả.

2. Đáng chú ý là trong Di chúc của Trận Quốc Tuấn cũng như trong nhiều trang của Binh thư yếu lược, phẩm chất “trí” được nhấn mạnh và phân tích trên nhiều mặt. Mục chọn tướng, quyển I chỉ rõ: “Có tướng dũng và tướng trí... Tướng dũng có thể giúp được việc đánh thành hãm trận, nhưng liệu tính việc địch, chia đặt quân kỳ, lâm cơ ứng biến, nếu không có tướng trí thì không được. Mà kẻ dũng thì thường kém kẻ mưu”... 5.

Trong mục Đạo làm tướng của Binh thư yếu lược, có nhắc chuyện Ngô Khởi, một danh tướng thời Chiến quốc: “Ngô Khởi khi ra trận, người tả hữu dâng gươm. Khởi nói: “Tướng   chỉ chuyên cầm cờ trống mà thôt. Lâm nạn quyết đánh-, vẫy gươm chỉ giáo là việc của tướng. Dùng một thanh gươm không phải là việc của tướng” 6.


______________________________
1. Binh thư yếu lược, Sđd, tr.228.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thư gửi cuộc hội thảo nhân dịp Kỷ niệm 700 năm ngày mất Trần Hưng Đạo.
3, 4, 5. Binh thư yêú lược, Sđd, tr.37, tr.55, tr.35.
6. Binh thư yêú lược, Sđd, tr.52, tr.35-37.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2009, 10:30:04 pm »

Binh thư yếu lược khi đề cập đến phạm vi hiểu biết của người tướng đã viết: “Hình gia và danh gia không cần kiêm làm binh gia, mà binh gia thì phải kiêm hình gia và danh gia; âm dương gia thì không cần kiêm làm binh gia, mà binh gia thì phải kiêm âm dương gia” 1.

Như vậy, người phụ trách việc binh, người chỉ huy, người làm tướng phải có kiến thức rộng, toàn diện. Ngoài kiến thức nhà binh, người làm tướng phải hiểu biết về chính trị và pháp luật (hình gia), về tư duy triết học (danh gia) và về những mối quan hệ trong thiên nhiên và trong xã hội (âm dương gia).

“Người làm tướng không nên lấy giỏi cung đao cưỡi bắn làm tài, mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi” 2. Muốn trở thành “tướng trí”, phải không ngừng học tập và suy nghĩ.  Chăm lo học tập để nâng cao trình độ tri thức của tướng sĩ là điều quan tâm lớn của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh. 

Trước sự uy hiếp xâm lược của kẻ địch thì yêu cầu học tập càng trở nên cấp bách. Khi cuộc kháng chiến lần thứ hai sắp nổ ra, Trần Hưng Đạo ban bố Hịch tướng sĩ, trong đó có đoạn: “Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là cừu thù. 

Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa  nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc...” 3.

Người học phải suy nghĩ, nắm được thực chất của nội dung học tập mà vận dụng vào thực tiễn tác chiến. Đề tựa cho sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Trần Khánh Dư nêu yêu cầu: . Người dùng nên bỏ bớt chỗ rờm, lược lấy chất thực... Nên lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền, trái thế thì mình phải chịu tai ương mà vạ lây đến cả con cháu.

Trong Di chúc của Trần Quốc Tuấn, có đoạn: Nếu thấy quân nó kéo đến như lửa như gió thì dễ chế ngự thế của chúng. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không ham của dân, không cầu thắng chóng thì phải chọn dùng tướng giỏi (bạt dụng lương tướng) xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tuỳ thời mà đối phó thích hợp.

Trần Quốc Tuấn đã nắm được quy luật hành động của quân xâm lược. Chúng thường dùng sức mạnh quân sự ưu thế, đánh ào ạt, hòng nhanh chóng đè bẹp quân ta. Nhưng khi cách hành binh đó bị thất bại, kẻ địch xảo quyệt tất phải dùng cách khác, nguy hiểm hơn.

Chiến lược của chúng là đánh nhanh, nhưng nay chúng lại tiến chậm. Yêu cầu chiến lược của chúng là cướp của dân để giải quyết vấn đề tiếp tế khó khăn, nhưng nay chúng lại làm như không ham của dân.  Vì vậy khi thủ đoạn của địch đã thay đổi thì ta không nên dùng cách đánh trả như trước, mà phải tuỳ cơ ứng biến, xử lý tình huống một cách linh hoạt, thích hợp để đánh bại các thủ đoạn mới của địch, chiến thắng chúng.

Tất nhiên, ta cũng hiểu rằng khì địch đánh ào ạt theo lối cũ, ta cũng phải dùng tướng giỏi. Nhưng khi địch đã thay đổi thủ đoạn thì phải chọn tướng giỏi hơn. Điều đó có nghĩa là nếu cứ hăng hái đánh địch, dũng cảm nhiều, mưu trí ít thì không thắng được địch trong hoàn cảnh địch thay đổi âm mưu, thủ đoạn xâm lược. Phải chọn dùng tướng giỏi, tức là vừa có tinh thần dũng cảm, lại vừa có kiến thức, mưu trí, linh hoạt, nhạy bén nắm bắt được diễn biến mới trong âm mưu địch, nghĩ ra cách có hiệu lực để phá chúng. 

Kiến thức sâu rộng là rất quan trọng nhưng kiến thức đó phải được thể hiện ở tài tổ chức và chỉ huy ba quân, phát huy được lòng dũng cảm và trí sáng tạo của ba quân một cách có tổ chức, tạo nên sức mạnh đánh giặc có hiệu quả nhất. 

Mục Đạo làm tướng cũng chỉ rõ: “Quân được hay thua do ở người tướng. Có phải bởi tướng làm nên đâu, chỉ là do sự dùng của tướng mà thôi. Trí địch muôn người, không dùng được muôn người thì cũng như người ngu vậy; dũng nhất ba quân, nếu không dùng được ba quân thì cũng như người nhát vậy. Người tướng giỏi vững vàng mà hay biến hoá, cứng cáp mà hay thương người, nhân từ mà hay quyết đoán, dũng cảm mà hay tường tất, lấy chính sách mà chế ngự quan và quân.  Chưa thấy ai như thế mà không dựng được công nghiệp để dẹp yên hoạ loạn bao giờ 4.


______________________________
1, 2. Binh thư yếu lược, Sđd, tr.52, tr.35-37.
3. Binh thư yếu lược, Sđd, tr.35-37.
4. Binh thư yêú lược, Sđd, tr.60.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2009, 10:32:20 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM