Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:22:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý  (Đọc 60765 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:14:38 pm »


2- Núi An Hoạch. Chùa Báo Ân

Chừng hai cây số phía tây thành Thanh Hóa, có làng An Hoạch, kề đường cái đi làng Sim. Hiện nay, làng có một ngôi chùa cổ, ở phía bắc con đường ấy. Cửa Tam quan cũng là lầu chuông. Cửa khi nào cũng đóng. Nhìn qua rào thưa, ta thấy vườn rộng. Trông xa có nhà bái đường lợp tranh. Đường lên chùa có bậc đá. Trông vào thì bên tả thấy có hai bia, một bia to cao, dựng gần bên lối vào.

Bia rất mòn, nhưng ở ngạch còn tám chữ to và rõ AN HOẠCH SƠN BÁO ÂN TỰ BI MINH, nghĩa là bài minh của bia chùa Báo Ân ở núi An Hoạch.

Đó là một ngôi chùa dựng lên trong lúc Lý Thường Kiệt còn trấn Thanh Hóa. Bia tuy mờ mất niên hiệu và mất tên người dựng. Nhưng cũng còn đọc được. Nó cho ta biết nhiều điều rất quí về Lý Thường Kiệt.

Núi An Hoạch thuộc núi Nhồi, là dãy núi Lèn ở phía tây nam Thanh Hóa. Ở chân núi, có làng Nhồi, tên chữ là Nhuệ Thôn. Dân làng chuyên mộ làm nghề lấy đá ở núi để làm bia, khánh, cối xay, trục lăn, tượng. Nghề ấy có đã lâu đời. Đời Tấn (265-418), thái thú Dự chương là Phạm Ninh sai sứ tới Cửu Chân lấy đá làm khánh; tức là lấy ở đó.

Theo bia Báo Ân, thì “năm Nhâm Tuất (1082), vua Lý Nhân Tông đặt riêng một quán ở Thanh Hóa, ban cho Lý Thường Kiệt, để phong ấp. Thường Kiệt ra đó, coi việc quân dân. Các đầu mục đều theo bóng, tất cả dân gian đều mến đức.

“Ông thấy ở phía tây nam quận lỵ, có quả núi cao và to tên là An Hoạch. Núi sẵn một thứ đá đẹp. Đá rất quý cho thợ. Màu sáng như ngọc lam, chất xanh như khói mới lên. Tạc làm đồ dùng rất dễ, làm khánh đánh rất kêu, làm bia rất bền. Ông bèn sai một người quản giác tên là Vũ Thừa Thiết đem dân Cửu Chân tới núi ấy để lấy đá.

“Ông coi quận trong 19 năm (1082-1101) nay. Dân kính mến. Giặc sợ hãi. Dân tự nghĩ rằng, đó là nhờ Phật tế độ cho dân qua bể khổ, mà dân chưa lấy gì báo đáp. Bèn chọn chỗ này; xảy cỏ dựng chùa, đặt tên là chùa Báo Ân. Đắp tượng vẽ đồ. Chùa bắt đầu làm năm Kỷ Mão, (1099) đến năm sau Canh Thìn (1100) thì xong.

“Chùa ngoảnh mặt về hướng nam. Đất là huyện Cổ Chiến. Sau chùa có núi Tường Phượng. Gần mé sau, có núi Bạch Long, trước chùa có sông chảy ngang; phía tả chảy về phương đông, tới sứ Phàn Dịch; phía hữu chảy về núi Nghiêu Nhạc. Trước cửa có giếng đá, trông ra có hai tảng đá nhọn đứng. Bên cạnh có cầu”. (BA)1.

Trên đây là theo văn bia mà tả. Ngày nay con sông lại chảy quanh sau chùa; có lẽ bị chữa về địa lý. Phía đông sông chia ra hai nhánh, một nhánh xuống qua làng Bố Vệ cạnh đền vua Lê rồi ra sông Mã, một nhánh chảy về phía nam, hợp với sông Hoàng Giang. Phía tây sông bị lấp tại làng Phủ Lý. Sông ấy là sông sóng Bồn. Theo sách Thanh Hóa kỷ thắng chép lại, thì khi xưa, sông ấy thông với Lễ Khê chảy từ Lương Giang ra. Tục truyền rằng có một bà Thái hậu đời Trần, thấy nước Lễ Khê ngọt, cho rằng đất ở đó có thể phát vua, bèn lấp sông ấy.

Tuy rằng bia Báo Ân mất niên hiệu, nhưng theo năm làm chùa xong là năm 1100, và theo câu nói Lý Thường Kiệt coi quận trong 19 năm nay, thì ta thấy rằng bài bia làm năm Hội Phong thứ 9, Canh Thìn 1100. Vậy bia này là bia bằng chữ Hán xưa nhất còn thấy ở nước ta.

Mà chùa cũng rất đáng chú ý, vì trong chùa còn những tượng rất xưa. Như trên đã nói, hạ đường chỉ là một nhà tranh, nhưng thượng đường lợp ngói. Trong có một pho tượng đất cao gần hai mét, xưa thiếp vàng, nay lớp vàng đã phai hết, chỉ còn lớp sơn đen, nhưng trông rất đẹp. Pho tượng lại ngồi trên tòa sen. Tòa sen đặt trên lưng một con vật bằng đá, điêu khắc rất tinh xảo. Con vật ấy, đầu hình đầu lợn, có nanh, mắt hung dữ; chân có vuốt nhọn, đuôi to hình lông xoắn ốc. Cả pho tượng và con thú ấy đặt trên một bệ đá, có lẽ mặt trước có điêu khắc nhưng nay đã bị người ta xây một bệ khác che khuất. Ở hai góc, còn lòi ra một phần, và góc ấy có hình aguda tức là vị thần, thân người đầu chim, có cánh, chân có vuốt, tai đeo khuyên, ngực đeo chuỗi hạt, lấy đầu và hai cánh đỡ trên mặt bệ. Kiểu điêu khắc ấy như kiểu nay còn thấy ở cổ vật Chàm, mà người ta cũng thấy ở một vài chùa ta. Chắc rằng đó là do ảnh hưởng của các thợ Chàm, mà ta bắt đem về đời Lý Thánh Tông. Những bức chạm ở đây rất có thể là do người Chàm mà Lý Thường Kiệt đã đem về năm 1069, hay là những học trò thợ ấy. Đó là một chứng cho ta tin rằng bệ đá, và có lẽ tượng đất, là từ đời Lý để lại.

Trong chùa còn có nhiều bệ con; trong số ấy, có một cũng chạm aguda ở góc. Các tảng đá kê cột cũng chạm hình hoa sen. Chắc xưa chùa to, nay những tảng đá còn lại, to không hợp với những cột nhỏ bé ngày nay. Nếu phá được cái bệ mới thêm vào trước bệ chính ở chùa, thì ta có lẽ thấy những bức chạm khác hay là những dấu chữ xưa.

Ngoài sân đền, còn có một cái khánh đá cũ, nhưng nay bị vỡ. Xem kỹ, không thấy có nét gì. Tên chùa này có nghĩa là báo ơn Phật, mà Phật thì cũng dễ nhắc công Lý Thường Kiệt như ta thấy trong lời tán dương ông ở một chương trên (VIII/8 )


3- Núi Ngưỡng Sơn. Chùa Linh Xứng

Hai chùa trên, tuy có liên quan mật thiết với Lý Thường Kiệt, nhưng không phải tự ông tự dựng lên. Các bia ở hai chùa ấy, tuy có ghi công ông, nhưng cũng không chuyên để tán dương ông. Ở Thanh Hóa còn có một chùa mà tự ông dựng lên, và ta có thể gọi là chùa Lý Thường Kiệt. Ấy là chùa Linh Xứng.

Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn cạnh đền Lý Thường Kiệt, mà tôi đã tả (VIII/7). Núi Ngưỡng Sơn là một núi nhỏ, đất đá hỗn tạp, ở bờ phía bắc sông Lèn (tên chữ Chùy Giang), cách phía tây cầu hỏa xa Đò Lèn chừng hai cây số. Núi ở làng Ngọ Xá, xưa thuộc huyện Vĩnh Lộc, nay thuộc phủ Hà Trung. Núi thấp không dính với núi xung quanh. Phía nam núi có đường đê và sông. Phía bắc núi là một cánh đồng sâu, xung quanh toàn núi. Ở giữa cánh đồng ấy có vài núi nhỏ, có tiếng nhất là núi Chương Các. Phía đông núi là đồng bằng, kéo dài cho đến dãy núi nhỏ ở phủ Hà Trung. Còn phía tây thì rất gần dãy núi cuối cùng của dãy Kim Sơn thuộc Vĩnh Lộc. Đứng phía tây ngắm lại, núi có hình người đàn bà nằm ngửa. Người ta nói vì vậy mới đặt tên là Ngưỡng Sơn.

Đối với trấn lị Thanh Hóa đời Lý. Ngưỡng Sơn khá gần, “chỉ cách năm dặm, phảng phất như ở trong thành quận” (LX). Tên làng sở tại, đời Lý là làng Đại Lý. Tên Đại Lý bây giờ còn, ấy là làng phía nam sông Lèn, đối ngạn với làng Ngọ Xá. Đời Lý, làng ấy rất to (LX), chắc nó gồm cả vùng bắc và nam sông. Đến đời Trần, phần bắc đã đổi tên ra Đại Lại2.

Chùa Linh Xứng nay không còn nữa. Nhưng bia chùa, dựng đời Lý vẫn còn. Dân xã đem để trên thềm đền Lý Thường Kiệt. Bia ấy dựng năm Thiên phù duệ vũ thứ 7, năm Bính Ngọ (1126), nghĩa là 21 năm sau khi Lý Thường Kiệt mất. Tác giả bài văn bia là đại sư Hải Chiếu, tên Pháp bảo, trù trị chùa Phúc Diên tư thánh, kiêm coi công sự ở Thanh Hóa. Đại sư là một thuộc hạ ông. Bia chép khá rõ sự nghiệp của ông, và kể rất tường tận sự ông xây dựng lên chùa Linh Xứng. Văn bia lại rất dài, bia khắc hai mặt, chữ chân phương rất tốt, nét rất rõ. Tuy bia không có chạm trổ trang sức như các bia khác đồng thời, nhưng hàng chữ triệu đề trán bia khá đẹp, và con rùa đội bia rất đơn giản nhưng mỹ thuật.

Nay theo lời bia, ta biết gốc tích chùa Linh Xứng và lòng sùng Phật của Lý Thường Kiệt khi ở Thanh Hóa thế nào.

Ban đầu đời Anh vũ chiêu thắng, vua Lý Nhân Tông ban cho ông hiệu Thiên Tử nghĩa đệ. Ông ra coi các việc quân, dân ở Ái Châu, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa (theo bia BA thì năm 1082, Anh vũ chiêu thắng thứ 7, ông ra Thanh Hóa). Tuy thân vướng tục, nhưng lòng đã quy y. Ấy vì vua và mẫu hậu (thái hậu) tôn sùng đạo Phù đồ: ông vâng ý hai thánh giúp đỡ đạo trời rất nhiều (LX).

Bấy giờ có vị sư hầu thái hậu, là Sùng Tín trưởng lão, từ kinh tới thăm quận.

Vị trưởng lão ấy là ai? Xét sách TUTA, thì có lẽ trưởng lão là Mã giác đại thư3

Đại sư sinh năm 1052, là con viên ngoại lang Lý Hoài Tố, người đi sứ Tống năm 1073, (TUTA chép họ Nguyễn, vì kiêng húy đời Trần; đây theo TB). Lúc nhỏ, học Nho và Thích đều giỏi. Vào khoảng năm 1071, được chọn vào cung dạy hoàng tử Càn Đức mới lên 6 tuổi. Ông bấy giờ mới 20 tuổi, nhưng đã nổi tiếng là học rộng nhớ nhiều. Tuy còn trẻ, ông đã có ý đi tu. Sau khi Càn Đức lên ngôi, thái hậu ban cho ông hiệu Hoài tín. Trong đời Anh vũ chiêu thắng ông dâng biểu đi tu, chừng vào năm 1077. Chẳng bao lâu nổi tiếng, và thành vị lãnh tụ các sa môn. Vua và thái hậu dựng chùa bên cung Cảnh Hưng mời sư về ở, để tiện việc hỏi han về đạo. Vua và thái hậu thường không gọi tên, mà chỉ xưng là trưởng lão, tuy rằng sư mới chừng hơn 30 tuổi mà thôi. (TUTA)
____________________________________
1. Sách ANCL có chép rằng phủ Thanh Hóa có giáp Cổ Chiến, theo bia BA, thì giáp ấy là đất Đông Sơn.
2. Cuối đời Trần, sử chép tên sông Lèn là Đại Lại, làng ở phía bắc sông là làng Đại Lại, núi ở phía bắc Ngưỡng Sơn là núi Đại Lại. Chắc đó là biến danh của Đại Lý. Làng Đại Lại là quê của Hồ Quý Ly. Năm 1398, Quí Ly dựng cung Bảo Thanh ở dưới chân núi Đại lại, để ép vua Trần Thuận Tông ở (TT ). Sau khi Quý Ly lên ngôi, thường hay về nghỉ mát ở đó. Dựng cung gọi là Ly Cung. Có bể tắm, xây đá, có chạm trổ rất đẹp. Bể tắm, thì lấy nước suối cho vào. Nay vết tích bể tắm còn. Nếu bới đất tìm vùng này, ta sẽ biết rõ nhiều điều về đời Trần Mạt. Cũng ở đó, có chùa Kim Âu, dựng đời Trần, nay còn bệ đá điêu khắc rất đẹp, và một pho tượng Phật cổ, có lẽ từ đời Trần.
3. Mã Giác là tên thụy, nghĩa là tên được vua ban cho, sau khi sư đã mất. Húy của sư là Trường. Lúc bé sư vào hầu Càn Đức, Thái hậu rất yêu. Cho nên sau khi Càn Đức lên ngôi, thái hậu lại ban hiệu cho ông là Hoài tín. Sau khi sư đi tu nổi tiếng thái hậu lại mời vào chùa Giáo Nguyên trong cung. Thái hậu không gọi sư bằng tên, mà chỉ gọi bằng trưởng lão. Theo những điều mà TUTA chép trên, thì đang lúc sinh thời, Mãn Giác mang hiệu Hoài tin trưởng lão. Hiệu ấy so với hiệu Sùng tin trưởng lão, chép trong bia LX, có khắc chữ Hoài. Nhưng hai hiệu nghĩa như nhau. Ta có thể đoán rằng, hai trưởng lão kia chỉ là một. Có lẽ, đời Trần có kiêng tiếng Sùng (XV/cth I) cho nên TUTA mới đổi ra Hoài như thế.
    Xét tên, xét chức, xét địa vị của Sùng Tín trưởng lão và Hoài tin trưởng lão, ta có thể tin rằng hai người là một. Vậy, vị sư tới thăm Lý Thường Kiệt, năm 1085, ở Thanh Hóa, chính là Mãn Giác đại sư.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:17:56 pm »


Năm đầu đời Quảng Hữu (1085), trong nước vô sự. Thái hậu (TT chép hoàng hậu, chắc sai) đi chơi khắp núi sông, ý muốn dựng chùa xây tháp. Bấy giờ, Thường Kiệt ra Thanh Hóa đã được ba năm. Trong lúc thái hậu ngao du, có lẽ đại sư được theo hầu. Thái hậu sai đại sư vào Thanh Hóa, thăm ông và bảo dựng chùa. Bấy giờ đại sư mới 34 tuổi.

Vậy năm 1085, Sùng Tín trưởng lão vào chơi Thanh Hóa, thăm Lý Thường Kiệt. “Nhân khi rảnh việc, ông và sư, ngược dòng đi chơi cửa bể Phấn Đại, dừng thuyền ở chân núi Long Tị. (LX)

Cửa bể Phấn Đại và núi Long Tị ở đâu? Không sách nào chép rõ. Nhưng ta có thể nhận rằng cửa Phấn Đại và núi Long Tị là cửa sông Mã và núi Hàm Rồng1. Ta có thể dò lại cuộc hành trình của Lý Thường Kiệt đi cùng Sùng Tín trưởng Lão.

Ông và sư xuất hành từ quận lị Cửu Chân; xuống thuyền trên sông Ngu Giang (Lạnh Trường); “ngược dòng” tới sông Mã, đến ngã ba Tào Xuyên, rồi xuống cửa bể Phấn Đại. Thuyền qua dưới chân núi Long Tị. Ông sai ghé thuyền để lên ngắm cảnh núi.

“Ý sư là tìm nơi thắng cảnh để dựng chùa. Nhưng bấy giờ, ở núi Long Tị đã có chùa rồi. Chắc là chùa ở trong động Linh Quang trên núi Hàm Rồng. Thường Kiệt bèn bảo xây một đình nhỏ trên mỏm đá, xung quanh bọc tường, để làm nơi ngồi ngắm cảnh.

“Sư bèn nói với ông rằng: “Núi này đẹp lạ! Đã có kẻ dựng chùa ở đây rồi. Còn có chốn nào thanh u, có tiếng là thanh lịch từ xưa, thì nhờ đưa tới thăm chơi”. Ông khen sư là người có công to với Phật, rồi sai kẻ hầu chèo thuyền về phương tây” (L).

Vậy thuyền rời núi Long Tị, ngược dòng sông Mã, đến ngã ba Bông (xem bản đồ IV). Thuyền “qua sông trong Nam Thạch, đến ấp lớn Đại Lý” (LX). Nam Thạch chắc là sông Lèn ngày nay. Từ ngã ba Bông đi về phương đông, xuôi sông Lèn, thì đến làng Đại Lý.

“Ông và sư ghé thuyền lên bến. Đưa mắt ngắm trông. Thấy một núi nhỏ, tên là Ngưỡng Sơn; chỉ cách quận lị năm dặm, phản phất như trong thành. Chân núi gần sông; ít kẻ lên đó, nhưng cũng dễ trèo. Hơi mù bám cây cối um tùm, màu lam ngùn ngụt. Sau lưng (phía bắc) có dãy núi Giao Lĩnh, làng Hoàng Hương ôm bọc. Phía trước có núi Nhân Phong, đồi Nê Phụ nhô cao”. (LX)

Núi Giao Lĩnh chắc là núi Mông Cù, Kim Âu; làng Hoàng Hương chắc nay là tổng Hoàng Xã. Núi Nhâm Phong có lẽ là nhỏm núi ở phía đông làng Oai Hổ, phía nam làng Bạch Thỏ; vì nhỏm núi này cao 229 mét, lại cao nhất trong các núi ở trước Ngưỡng Sơn, và cách đó không xa. Còn đồi Nê Phụ phải chăng là núi tại làng Chi Nê, Sơn Đông ngày nay?

Bia LX chép tiếp: “Ở đấy, nguyên đã có một ẩn giả làm am, ở lánh một mình, và đi giáo hóa những vùng lân cận. Gọi là khai thác, nhưng tĩnh giới chưa được nghiêm trang. Ông cùng bộ thuộc bèn lần đường nối gót mà lên núi. Chỉ thấy cổ thụ um tùm, yên hà rằng rịt. Bồi hồi dẫn bước, ngưỡng cúi mà nhìn không chớp mắt. Lòng thấy thích vui, ý muốn xây dựng”. Bia LX không nói rõ đây là cuộc đi chơi cùng sư Sùng Tín hay cuộc khác. Có lẽ, sau lúc sư về Kinh rồi, Thường Kiệt trở lại núi Ngưỡng Sơn với bộ thuộc. Trong số bộ thuộc, có Hải Chiêu đại sư, là người làm văn bia này.

“Ông bèn nói với bộ thuộc: “Kẻ nhân trí vui là vui với núi sông. Đời đời truyền lại danh với đạo. Nếu không dựng chùa ở nơi này để mở đạo, thì danh núi đâu là đủ quý” (LX)

“Rồi ông sai xảy cỏ hoang, đập đá lớn. Thầy xem bóng lấy hướng, thợ trình kiểu làm chùa. Kẻ giúp mang đồ ăn tới, kẻ đi học đua nhau đến xem. Kẻ giúp sức thì đục đẽo, kẻ lành nghề thì xây dựng”. (LX)


Sau đây là cảnh chùa khi hoàn thành.

“Chùa ở phía nam núi. Trai phòng ở hai bên. Tượng đức Phật Như Lai sơn vàng, ngồi cao trên tòa sen nổi lên trên mặt nước. Trên tường chung quanh, vẽ mười sáu La Hán và các biến tướng, thiên hình vạn trạng, không kể xiết

“Sau chùa, xây bảo tháp, đặt tên là tháp Chiêu Ân. Tháp cao chín tầng, đều trương bày lưới. Bốn mặt mở cửa xung quanh có bao lơn. Bốn góc treo chiêng vàng, rung trước gió, cùng chim núi kêu êm; phía trước dựng cột biểu, ánh bóng mai cùng tượng vàng chói sáng. Bao lơn quanh bọc, hoa cỏ đầy thềm. Trước có cửa chính, dựng để treo chuông. Chày kình gõ đánh, tiếng chuyển bay xa: thức kẻ mê, phá kẻ tục, khuyên kẻ thiện, răn kẻ ác. Trước cửa một đường thẳng xuống sông. Hai bên có rãnh nước; giời mưa thì nước chảy theo mà xuống. Kề sông có một đình nhỏ. Thường thường, thuyền bè qua lại dừng đó nghỉ ngơi. Hoặc Chiêm Thành, Chân Lạp sang sứ, tới đó mà quì gối qui y. Hoặc nước lạ, đất xa về chầu, qua đó cũng cúi mình rạp trán” (LX)

Thật vậy, chùa ở trên đường xung yếu bấy giờ. Từ nam tới, thuyền qua sông Mã, sông Lèn, qua trước chùa Linh Xứng, đến sông Hội Thủy, sang Tống Giang và ra cửa Thần Phù, để tới Thăng Long.

Lúc lạc thành, có lập hội. Các sư tụ tập rất đông.

Lý Thường Kiệt có người cháu gái họ (có lẽ con Lý Thường Hiến), tên là Lý Thị Cậu, lấy Văn Thị Hiệu là Sùng Chân Xử Sĩ. Bà cùng qui Phật, hiệu Bà di Diệu tính. Bà sinh được ba trai, người đầu theo đạo Nho, tên là Văn Hai, tự là Bành Tổ. Hai con sau theo đạo Phật:

Là sư Viên Giác hiệu Pháp trí, và sư Minh Ngộ hiệu Pháp Tư. Hai người này xuất gia đời Thần Vũ (1069-1072), phục chiếu được xóa tính danh, không biên vào công điển. Bấy giờ hai người đã tới làm nhà ở núi này mà ở. Hai người lại làm chùa riêng ở phía đông núi, đặt tên là chùa Thánh Ân (LX)

Công xây dựng bốn năm mới thành. Lý Thường Kiệt gọi sư Hải Chiếu mà bảo: “Hưng công đã lâu, nay chùa đã xong. Nếu không khắc bia chép lại sự tích thì người đời sau biết đâu mà tìm. Sư hãy lựa lời văn, kể lại sự sáng tác. Khiến cho rằng tuy vật đổi dời, nhưng lời lành truyền mãi mãi.” (LX)

Đại sư bây giờ trụ trì ở chùa Phúc Diên tư thánh, có lẽ ở trấn lị, kiêm coi công sự ở quận Cửu Chân, và làm việc dưới quyền Lý Thường Kiệt. Sư nghe lời ông dạy bèn viết bài bia và bài minh.

Trong bài văn bia, đoạn đầu tán dương công đức Phật. Rồi chuyển sang khen ngợi công Lý Thường Kiệt đối với chùa. Lời bia nói:

“Vì thế nên có danh sơn, thắng cảnh, thì có chùa chiền; nhưng nếu không có kẻ vương công đại nhân thì không dựng nổi. Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn là do Thái úy lệnh công sáng lập.”

Đoạn sau nói sự nghiệp Lý Thường Kiệt, và kể rõ sự việc xây chùa, như đã chép lại trên. Cuối cùng là bài minh tóm tắt đại ý bài văn bia. Lời minh sẽ phỏng dịch ra sau:

                             “Tam giới luân hồi; Tứ sinh lăn lóc.
                             Lầm lỡ đời mình; Đảo điên tâm sắc.
                             Tham chơi, chuộng giận; Kéo dài ái dục.
                             Há dễ yên đâu, không thể đủ được.
                             Cao thay! Chân như: Thể, lượng mông mù!
                             Thần không lường nổi, hóa rồi vẫn dư
                             Mưa nhuần một trận, ba cỏ được nhờ.
                             Cờ Pháp dựng lên, mối tà liền trừ.
                             Việt có Lý Công, theo dấu người cổ.
                             Coi quận, dân yên; đánh đâu được đó.
                             Tiếng động Chiêm Thành, danh lừng Trúng thổ
                             Dựng chùa chốn nầy, Qui sùng Phật tổ.
                             “Núi cao thay hề! Ngất từng không.
                             Hiền tể coi, hề! Đã mở công.
                             Điện tháp cao, hề! lớp chập chồng.
                             Tượng vàng nghiêm, hề! Vẻ tráng hùng.
                             Điềm tốt nhiều, hề! Chúc Thượng hoàng.
                             Trị vì lâu, hề! Đời xương long.
                             Biến tích khắp, hề! Đến hang cùng.
                             Bia đá bền hề! Với núi sông.”


Chùa làm xong năm nào? Bài văn bia viết năm nào?

Suy lời bia, thì biết rằng năm ấy Thường Kiệt còn ở Thanh Hóa, vì trong bia không hề nói đến việc ông lại trở về triều. Nhưng bia, thì hai mốt năm sau khi ông mất, mới dựng lên. Niên hiệu bia là Thiên phù duệ vũ thứ bảy Bính Ngọ (1126).

Nay chùa Linh Xứng không còn nữa, tháp cũng không còn dấu tích. Có lẽ chùa tháp đều làm bằng gạch, chắc nay nát hết rồi. Hay rằng hãy còn di tích chôn lấp dưới đất. Phải bới tìm. May còn thấy chăng? May sao bia còn vẹn, nay để thềm đền thờ Lý Thường Kiệt (XII/7). Nhờ vậy đỡ được mưa nắng ăn mòn. Nhưng sát cạnh đền, về phía đông, và cao hơn đền một ít; còn có một cái miếu nhỏ, có lẽ nền chùa xưa ở đó.

Tuy chùa cũ không còn, nhưng tấm bia xưa còn đủ làm toại lòng Lý Thường Kiệt muốn, để người đời sau biết đến sự sáng tạo của ông, theo như lời ông dặn sư Hải Chiếu.

Với ba tấm bia đã nói trên, ta biết rằng ông đã có công với Phật giáo không phải ít.

Nhưng ông là một vũ tướng. Trong khi đánh Chiêm, chống Tống, ông đã làm thiệt mạng biết bao nhiêu sinh linh. Kẻ mộ Phật, như vua Lý Thái Tông, lúc thấy quân ta vào kinh đô Chiêm Thành, sát hại nhân dân, còn có lòng thương xót, và đã hạ lệnh “không ai được giết bậy người Chiêm Thành. Ai giết sẽ không tha tội” (TT). Còn Lý Thường Kiệt, khi vào thành Ung, đã để quân mình giết gần sáu vạn người, chất đầu thành đống, mà không có một lời ngăn. Hẳn ông không phải là một Phật tử được gương đức Phật từ bi theo gọi.

Ông giúp Phật giáo, chẳng qua là theo phong trào đương thời mà thôi. Lại thêm thái hậu và vua mộ Phật. Ông dựng chùa chỉ vì “vâng ý hai Thánh” mà thôi chăng?

Hoặc giả, công đức với Phật của ông. Lúc về già, mới có. Nếu thật như vậy, thì biết đâu đó chẳng là vì lòng sám hối tội hiếu sát của ông đương lúc tráng thời hay sao?
______________________________________
1. Theo Lê Tắc là người Thanh Hóa đời Trần, viết trong ANCL thì Thanh Hóa có lên Long đại, mà cũng gọi là Bảo đài. Cảnh lèn u uất, đẹp có động thờ Phật, ngoài có lầu gác trên sườn núi. Trước mặt có sông sâu sau có lối đi ra ngòi nước. Rừng thông vạn dặm, núi đá vạn trùng. Xưa truyền rằng trong hang có thứ dơi lớn. Cho nên tên tục là núi Hang dơi.
    Những sách, ANCL của Lê Tắc, ANCN của Cao Hùng Trưng, Việt kiệu thư, và Minh chí chắc đều chép theo một gốc mà ra, gốc ấy là Lê Tắc. Nhưng vì sao lầm, in lầm, cho nên có khác nhau ít nhiều, ngày nay còn có động Bạch Ác ở làng Trị Nội, huyện Nga Sơn, cũng có tên tục hang Dơi. Nhưng tôi tưởng tên ấy, các hang thường có. Theo trên, núi Long Tị không phải ở đó.
    Sách Minh Chí cũng có chép núi Long Đại vào hàng danh sơn, sách ĐNNTC XIV/31a nói rằng núi Long Đại là núi Hàm Rồng ngày nay, mà tên chữ là Long Hàm.
    Xét hai tên Phấn Đại, Long Tị, ta có thể ngờ rằng cửa bể ấy và núi ấy cũng chẳng xa núi Long Đại đời Trần. Tôi tưởng rằng núi Long Tị là núi Long Hàm (Hàm Rồng), và cửa bể Phấn Đại là cửa sông Mã. Núi Long Hàm hay Hàm Rồng là nhỏm cuối của một dãy núi, chạy dài trên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá đến cầu Hàm Rồng, dài trên khoảng 5 cây số. Núi là núi đất lẫn đá, nhưng nhỏn Hàm Rồng thì toàn đá. Trên cao có động, tên động là Long Quang. Động có hai cửa hai bên, hình như hai mắt rồng, mà thường gọi là Long Nhãn. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá nhô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long Tị. Gần mặt nước hai lớp đá trồng nhau như hàm rồng, đó là Long hàm. Toàn hình, trông từ phương bắc, giống như đầu rồng đương uống nước. Bên kia sông có một mỏm đá tròn, người ta gọi là núi Hỏa Châu. Cảnh chung gọi là Long hỷ châu (rồng vờn hạt ngọc châu). Chắc rằng đời Lý, cửa sông Mã gần núi Long Tị hơn bây giờ. Vả bờ bể từ đó ra đến cửa Thần Phù mỗi năm bồi thêm không ít. Cửa Thần Phù nay ở trong đất ngót 10 cây số, cửa Bạch Câu ở huyện Nga Sơn, xưa cũng gần núi Vân Hoàn, như thơ Phạm Sư Mạnh, để ở động năm 1372 còn chứng.
    Núi này cũng đất đá lẫn nhau, trừ phần cuối về phía nam là toàn đá. Ở đó có động, có chùa. Trước cửa động có bia đời Trần. Trên bia có khắc thêm một bài thơ của Phạm Sư Mạnh tả cảnh xung quanh, thơ nói: Trèo lên động nhìn xuống thấy sóng nổi ngàn vạn dặm, giữa trời nổi nước, giữa nước nổi núi. Đó là tả cửa bể Bạch Câu.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:23:48 pm »


BẢNG CHỈ TÊN ĐẤT

Sau đây là bảng chỉ những tên đất quan trọng.
Cột đầu: tên sắp theo thứ tự ABC. Cột nhì: chương và đoạn. Cột ba: chữ Hán.
Chữ đứng: đất Lý. Chữ ngả: đất ngoài. Chữ số ngả: quan trọng.




Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:27:42 pm »


BẢNG CHỈ TÊN NGƯỜI VÀ CÁC TÊN KHÁC
-------------------------------
Tên người xếp họ theo thứ tự a b c. Người Việt bằng chữ thường, người ngoài bằng chữ ngả. Tên sách bằng chữ hoa. Tên chức, hiệu có chấm ở đầu. TL: tài liệu
-------------------------------







Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2009, 11:53:05 am »


Bia Chùa HƯƠNG NGHIÊM

Tại làng Phủ Lý, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mặt: Cao 145 cm, rộng 90 cm. – Trán: Càn ni sơn, Hương Nghiêm tự bi minh. – Niên hiệu: Thiên phù duệ vũ ngũ niên, Giáp Thìn (1124), thập nhị nguyệt, sơ tứ nhật (dựng bia) Để ý: Dòng chữ bên trái, ngoài khung: Bảo thái thất niên, tuế kỉ Bính Ngọ (1726) đông (khắc lại).

Bia không trang sức. Chữ rõ và tốt. Không tên tác giả.

So với bia Linh Xứng thì thấy có lẽ cùng một tác giả và một người viết.





BẢN ĐỒ I. TỐNG VIỆT CHIÊM
(Phụ đồ:VIJAYA)

Những điều nên chú ý:

I. Biên giới Tống Việt, và so sánh với biên giới ngày nay. (Xem bản đồ III).
a) Năm biên trại Tống thuộc Ung: Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long.
b) Hai trại thuộc Khâm Châu: Như tích và Để trạo.
c) Các biên địa Việt: Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Quang Lang, Tô mậu,Vĩnh An.
d) Địa điểm quan hệ: Động Giáp và Đồn Sơn (Vân Đồn )

II. Biên giới Chiêm Việt và ba châu: Bố chính, Địa Lý, Ma Linh.

III. Hành trình Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành (lịch tây phương).

Xuất quân từ Thăng Long, ngày 8-3.
Qua cửa Đại An, tới Nghệ An ngày 15-3.
Đến Nam giới ngày 18-3.
Phá hạm đội Chiêm ở Nhật Lệ ngày 23-3.
Qua khỏi Đại tràng sa ngày 27-3.
Nghỉ ở cửa Tư Dung ngày 28-3.
Vào cửa Cri bonei ngày 3-4.
Trận Tu Mao
Chiếm Vijaya chừng vào ngày 10-4.
Đuổi bắt được Rudravarman III vào tháng 5.
Rút quân chừng vào ngày 10-6.
Nghỉ ở cửa Tư Dung 19-6.
Thuyền vua đụng đá ở núi Lỗi lối ngày 4-7.
Về đến Thăng Long ngày 17-7.




BẢN ĐỒ II b, TỐNG CHUYỂN QUÂN

I. Hành trình tiến quân của Quách Quỳ (X).
Được cử làm nguyên súy, 2-2 năm B Th 1076.
Mộ quan ở Tân Phượng, Vĩnh Hưng, Thiểm Tây, Hà Đông và Phu Diên.
Đặt An Nam hành doanh ở Biện Kinh, tháng 3.
Tới Đàm Châu, tháng 6. Tới Quế châu, tháng 7.
Dụ các khê động, tháng 7 và tháng 8 (X/3).
Nhâm Khỉ đánh Vĩnh An, tháng 7 (X/4).
Tới Ung Châu, tháng 9. Tới Tư Minh, tháng 10.
Tới Bằng Tường, để xét tình hình quân Lý.
Vượt biên giới Tống Việt, 11-12 năm ấy, B Th 1076.






BẢN ĐỒ III b, MẶT TRẬN PHÚ LƯƠNG

I. Các trận quan hệ:

Yên Đạt đánh Quảng Nguyên, đầu tháng 12 năm B. Th 1076 (X/7).
Khúc Trân lấy Môn Châu, tháng chạp (X/8).
Quách Quỳ qua biên giới ngày 11 tháng 12.
Phá ải Quyết Lý, lấy Quang Lang (X/8).
Tránh ải Giáp Khẩu, qua dãy núi Đâu Đỉnh (XI/1). Đến bắc ngạn sông Phú Lương, ngày 21 tháng 12.
Miêu Lý qua sông ở bến đò Như Nguyệt (XI/2), bị đánh lui.
Tống đại phản công trên sông Nam Định (XI/3).
Lý tổng phản công trên sông Kháo TúC(XI/4).
Tống lui quân, đầu tháng hai năm Đ. Tí 1077

II. Điều đình đòi đất:

Sứ bộ Đào Tông Nguyên, đầu năm M. Ng 1078.

Tống trả năm châu: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên (tháng 10 năm K Vi 1079, xem XII/4).

Đòi Vật Ác và Vật Dương, Hội Nghị Vĩnh Bình lần thứ nhất thất bại (tháng 6 năm Q Ho 1083, xem XI/7).

Hội nghỉ Vĩnh Bình lần thứ hai. Tống trả sáu huyện Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng, Cận và hai động Túc, Tang.

Đòi Vật Ác và Vật Dương lần thứ ba, tháng 6 năm A. Su 1085. Đòi lần thứ tư, tháng giêng năm B. Dn 1086. Đòi lần thứ năm, sứ bộ Lê Chung, đầu năm M. Th 1088. Đòi lần thứ sáu tháng 8 năm ấy. Chung Quy, Tống không trả.

III. Đất Vật Ác là đất Quy Hóa. Đất Vật Dương hay Thuận An ở khoảng giữa An Đức và Bảo Lạc.




BẢN ĐỒ IV. TRẤN THANH HÓA ĐỜI LÝ

Để ý đến vị trí các chùa:
Hương Nghiêm ở làng Bồi Lý
Báo Ân ở làng An Hoạch
Linh Xứng ở làng Ngọ Xá
Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tinh

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2009, 11:56:11 am »


LỜI BẠT
Giáo sư Hà Văn Tấn1


Quyển sách mà chúng ta đọc ở đây đã xuất bản từ năm 45 năm trước. Tác giả, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hiện đang sống ở Pháp.

45 năm đã qua nhưng vẫn chưa có một quyển sử nào viết về Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống có giá trị vượt được tập sách này. Tập sách chẳng hề cũ tý nào, ngoại trừ một số từ ngữ mà ngày nay chúng ta không quen dùng như thế nữa.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một bác học. Ông vốn là một nhà toán học nhưng uyên thâm Hán Nôm và có những công trình về sử học, văn học có giá trị. “Lý Thường Kiệt” là một trong số đó.

Có thể nói, ở Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên đem cái phong cách nghiên cứu khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khoa học nhân văn. Đọc ông, bao giờ chúng ta cũng bị thuyết phục bởi những minh chứng chặt chẽ, ngay cả trong những giả thuyết. Chính ông đã viết trong lời tựa: “Những việc tôi kể trong sách, hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến chứng chính xác mà thôi. Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng: đó là những chuẩn thằng tôi đã theo, trong khi viết cuốn sách này.

Nhưng ở đây chúng ta không chỉ gặp một phương pháp viết sử nghiêm túc, mà còn được đọc nhiều sử liệu quý giá. Ngoài bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi (Nam Hà) dựng năm 1121 mà ít nhiều đã được biết đến từ trước, năm tấm bia khác ở Thanh Hóa liên quan đến Lý Th Thường Kiệt, trong đó có bốn tấm thời Lý, đã được chính tác giả phát hiện và lần đầu tiên công bố. Đối với sử học và văn học nước nhà, một đóng góp như vậy quả là lớn lao. Cũng lần đầu tiên, Việt sử lược, một quyển sử Việt Nam nhưng được khắc in ở Trung Quốc, được sử dụng để nghiên cứu lịch sử đời Lý. Trước Hoàng Xuân Hãn, chưa người Việt Nam nào hiểu rõ giá trị của Việt sử lược. Tác giả còn khai thác một nguồn sử liệu quan trọng khác là Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào đời Tống. Đáng tiếc là mãi tận nay, dường như tác giả là người duy nhất sử dụng tài liệu này mà không có ai khác tiếp tục trực tiếp khai thác nó cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Với một sử bút thật nghiêm, với những nguồn sử liệu phong phú, tác giả đã làm sống lại một giai đoạn hào hùng cửa lịch sử Tổ quốc. Chúng ta không những thấy được chân dung người anh hùng Lý Thường Kiệt, hiểu rõ cuộc kháng chiến chống Tống và lịch sử ngoại giao triều Lý, như phụ đề của tập sách, mà còn hình dung ra nhiều mặt của đời sống xã hội đương thời, như chế độ ruộng đất, văn hóa, Phật giáo...

Tác giả là người tinh thông lịch pháp, việc xác định ngày tháng dương lịch làm cho các sự kiện được sắp xếp với trật tự rõ ràng trên trục thời gian.

Các chú thích công phu cũng giúp ích cho chúng ta rất nhiều, không những làm sáng tỏ các điều đã đề cập trong chính văn mà còn làm mở rộng kiến văn của người đọc.

Nếu giờ đây, viết về Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống, chắc chúng ta cũng bổ sung được đôi điều. Chẳng hạn, chúng ta biết được rằng Lý Thường Kiệt vốn là người họ Ngô, căn cứ vào bài minh trên một quả chuông. Chúng ta có được những tài liệu khảo sát thực địa ở phòng tuyến sông Cầu. Cũng có người cho rằng nếu trên phòng tuyến này, quân ta đã tấn công nhưng thất bại như ở trận Kháo Túc, thì tướng Tống Quách Quỳ không thể đã ra lệnh lui quân sớm. Phải có một trận thắng quyết định. Và người ta nhắc rằng cần chú ý đến một dòng quan trọng của Việt sử lược mà tác giả đã bỏ qua: “Lý Thường Kiệt biết quân Tống sức đã khốn, đang đêm vượt sông tập kích, đại phá được, quân Tống mười phấn, chết đến năm, sáu”.

Tuy nhiên, dầu có thêm được chút ít tài liệu thì các sự kiện lịch sử mà tác giả đã trình bày ở đây, về cơ bản, không có gì thay đổi. Theo tôi, “Lý Thường Kiệt” đã trở thành một tác phẩm mang giá trị cổ điển trong các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đã học, tôi đã say mê đọc “Lý Thường Kiệt”. Tôi bị cuốn hút bởi một phong cách viết sử chính xác với ngồn ngộn sử liệu. Về sau, khi viết cuốn “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII”, chúng tôi đã lấy “Lý Thường Kiệt” làm mẫu mực, cố gắng theo những “chuẩn thằng” mà tác giả đã nêu ra, nhưng dĩ nhiên là khó lòng đạt được như mong muốn.

Sau này, mỗi dịp đến Paris, tôi đều xin phép được đến hầu chuyện giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Mỗi lần như vậy tôi đều nhận được sự chỉ bảo ân cần của ông và biết thêm nhiều điều bổ ích và thú vị về lịch sử và văn học nước nhà. Ở ông, đằng sau những chứng lý nghiêm nhặt, không phải là một thái độ lạnh lùng, mà sôi nổi một tấm lòng yêu nước. Điều này thì chúng ta đã nhận ra từ những dòng mà tác giả đã viết trong lời tựa của “Lý Thường Kiệt”.

“Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây một nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng tổ chức và gìn giữ khoảnh đất gốc cội của tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hòa máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt...

Vẫn biết sống về tương lai; nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại.

Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng; nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật”.


Cũng có lẽ vì những điều như tác giả đã viết mà Nhà xuất bản Hà Nội đã cho tái bản “Lý Thường Kiệt”. Thật tự hào và hạnh phúc khi chúng ta biết rằng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt cũng là một danh nhân Hà Nội.

Thật vinh dự cho tôi khi được viết lời bạt tập sách này. Tôi cũng muốn qua đây, kính chúc tác giả trường thọ để có thêm những công trình khoa học mới, đóng góp lớn cho sự hiểu biết lịch sử dân tộc.
_____________________________________
1. Chủ nhiệm bộ môn Phương pháp luận sử học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Khảo cổ học.


Het!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM