Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:16:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đồng bằng và chiến sỹ  (Đọc 12872 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ThanhBinh
Thành viên
*
Bài viết: 59


« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2009, 03:05:01 am »

IX. Bác sĩ Uyên:

Trạm điều trị của trung đoàn 56 ở giữa đồng cỏ. Hai dãy nhà dài dặc bẻ hình thước thợ áp vào hai bờ ao hình chữ nhật. Bên kia bờ ao là nhà câu lạc bộ dựng trên một nền cao trông như nhà gác. Rồi sân bóng chuyền, nhà kho, nhà bếp, chuồng lợn hàng chục con, nơi nuôi gà, vịt, ngan ... Tất cả cái cơ ngơi ấy công phu và ngăn nắp đến ngạc nhiên, những tưởng họ phải ở đấy hàng năm chứ không phải mới đến đấy chưa đầy hai tháng, phải hàng trăm người làm, ngờ đâu chỉ có chín người. Chín người ấy gồm một bác sĩ, bốn người vừa làm y sĩ, y tá, ba người nuôi quân, một người tiếp phẩm. Trong hai tháng qua, họ chữa khỏi 875 người mắc bệnh sốt rét và đi ngoài. Tại đội điều trị lúc ít người nhất là 17 người. Lúc cao nhất là 63 giường. Nghe những số liệu đáng „ngờ vực“ ấy tôi tìm đến đội điều trị trung đoàn 56. Chung lại cùng đi với tôi. Chung đi lần này với hai lý do: viết bài cho tờ tin của sư đoàn và giới thiệu tôi làm quen với đội điều trị. Nhưng có một lý do mà không có trong kế hoạch công tác, mãi đến khi lội quá nửa đường, Chung mới đỏ mặt nói là M, đang điều trị ở đấy. Chung kể, một hôm lúc trời đang mưa, trong gian lán dột không sót chỗ nào, Chung đội mũ, khoác vải nhựa ôm ba lô đứng chờ tạnh. M đột ngột từ lán nữ chạy lao vào cửa như một cơn gió. Cô trách trong khi anh vẫn cúi xuống để tránh mưa táp vào mặt: „Sao anh ngang thế?". Anh sực tỉnh hỏi: "Gì cơ?“. „Ai giam ở đây mà anh không sang được lán bên kia cho đỡ ướt". "Không thích". Hai mắt mở to, cô nhìn anh trừng trừng vừa muốn mắng vừa như sắp sửa oà khóc. Phải một lúc lâu cô mới trấn tĩnh để nói tiếp, vẫn giọng gay gắt: "Anh bướng lắm". "Tính tôi thế“. "Hãy bỏ cái tính ấy đi". „Em muốn thế phải không?“. Cái giọng nói cương quyết như một câu hỏi mạnh mẽ đã bắt anh phải trả lời. Đến lúc này thì dù có gan góc bao nhiều, có kém cỏi, xấu xí bao nhiệt so với những người đang „tiến công“ cô cũng không thể lạnh lùng được. Anh nhìn thẳng vào cô bằng đôi mắt sáng và cười âu yếm. Rồi, sau đó những gì xảy ra với họ, Chung không kể. Chỉ biết đấy là những ngày cuối cùng ở đội „tuyên văn" sư đoàn. Mấy ngày sau, Chung về ban tuyên huấn, còn M cùng những chị em khác xuống trung đoàn 56 làm nuôi quân. M phải điều trị do khiêng nồi nước sôi đầy tràn xuống chân.
Tôi hiểu nỗi sốt ruột của Chung nên dù đã mỏi mệt cả hai chân vẫn cố vượt lên để nhanh chóng đến đội điều trị. Thật may mắn cho Chung, nếu chậm vài giờ thì M đã rời khỏi đây. Bàn chân còn băng trắng nhưng M hẹn một người bạn gái đến đón cô về.
M nói với tôi:
- Em đã được đọc thư anh Chung nói về chuyện hai anh em đi công tác vừa qua. Em rất mong gặp anh. Không ngờ hôm nay anh lại đến. Em đề nghị anh cố dành thì giờ gặp các anh các chị ở đây, nhất là bác sĩ Uyên. Nếu không viết được thì cũng để mọi người biết là anh có biết đến việc làm của cán bộ nhân viên trong đội điều trị. Em chắc các anh các chị ấy không nghĩ như em, nhưng tự nhiên em thấy ân hận là mình không thể nói được câu nào cho đúng lấy một phần nghìn tấm lòng của các anh, các chị ấy.
M còn kéo theo năm bệnh nhân khác vừa trai vừa gái "vào hùa“ với cô nói về y, bác sĩ và nhân viên phục vụ của đội.
Mãi tám giờ tối bác sĩ Uyên mới ở ngoài công trường về, bùm vấy lên tận vai áo. Tôi biết anh vừa là chủ nhiệm quân y trung đoàn, vừa làm đội trưởng kiêm chính trị viên, kiêm bí thư chi bộ, lại là bác sĩ duy nhất của đội nên phải trực tiếp khám, điều trị từng bệnh nhân. Tôi hỏi về số ngày anh ra tuyến trong một tháng. Anh cười, nói rằng ngày nào anh cũng ra. Tôi hơi ngạc nhiên vì như thế ngày nào anh cũng lội đi lội về 15 ki lô mét, chỉ đạo việc phòng chống bệnh, xem từng bữa cơm, phuy nước uống của toàn trung đoàn; lại trực tiếp làm nhà đào đất chăn nuôi ở đội. Đấy là chưa nói đến công wệc chính của anh về chuyên môn, không có bệnh nhân nào lai không qua anh khám và vạch phác đồ điều trị. Thường, anh ăn cơm chiều vào lúc 9 giờ tối. Ăn xong kiểm tra lại toàn bộ bệnh án, đi thăm khắp lượt bệnh nhân rồi hội ý với các nhân viên công việc ngày mai. Xong mọi việc thường là mười hai rưỡi, một giờ đêm mới buông màn. Sáng: năm giờ dậy thể dục, rồi đào đất đắp nền, hoặc chẻ lạt đánh tranh, chôn cột dựng nhà. Ở đây việc dựng nhà dường như ngày nào cũng phải làm vì gió lúc nào cũng đùng đùng như bão, nhà lợp cỏ, che xung quanh cũng cỏ, khó mà nguyên vẹn được trong một tuần. Mà đối với bệnh nhân thì không thể ở nhà dột. Lao động xong, ăn sáng. Tám giờ bắt đầu khám bệnh làm thuốc. Mười một giờ tối lội về. Sự tuần tự ấy cũng có khi hơi xê xích từng thời gian, nhưng suốt mấy tháng nay không có ngày nào bác sĩ Uyên đi ngủ trước 12 giờ đêm và dậy sau năm giờ sáng. Sự đều đặn bền bỉ, sự vất vả mà vẫn tươi đầm ấm của anh đã truyền đến mọi bệnh nhân, truyền đến kết quả điều trị, truyền đến năng suất ngoài tuyến của toàn trung đoàn. Tôi đã tìm hiểu công việc của anh qua mọi người. Đêm nay Uyên dành cho tôi gần hai giờ tâm sự.
Khi tôi hỏi về những ý nghĩ của mình. Uyên cười nhìn lại tôi như hỏi: „Ý nghĩ gì nhỉ?“ Tôi nhìn anh mỉm cười khuyến khích: cứ nói tất cả, sự tham lam của tôi muốn biết tất cả. Uyên nghĩ, một lúc anh mới trở lời rằng anh rất nhiều ý nghĩ lộn xộn chẳng hạn như bỗng nhiên cả một đại đội ăn rau muống rồi ngộ độc trăm phần trăm mình phải nghĩ cách giải quyết; một bếp toàn nước chua chưa có cách lọc; một chỗ ở của đơn vị chưa khô ráo; một đại đội nào đó thiếu chỗ tắm giặt… mình đều nghĩ. Tất cả những cái khó nếu chịu nghĩ thì chọn có cách giải quyết. Điều quan trọng là mình có để tâm huyết mà nghĩ đến nó không? Uyên có gia đình cũng như tất cả mọi người khác. Bố mẹ già trên 70 tuổi, một vợ và ba con. Nghề chuyên môn làm bác sĩ điều trị, anh phụ trách bí thư Đoàn của một bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Mọi dự định đã có thể coi là tạm ổn định, đưa bố mẹ già từ quê ra để trông nom, gọi là sự báo đáp của thằng con cả. Hết giờ làm việc có thể lo cơm nước, giặt giũ cho con để vợ học thêm hết chương trình đại học. Đùng một cái có lệnh tòng quân, khiến cả nhà ngơ ngác. Bố mẹ đã bán cả nhà, cả vườn ở quê ra đây rồi mà chưa kịp kiếm chỗ ở, sẽ giải quyết ra sao? Vợ đã chuẩn bị tập trung bồi dưỡng thi vào đại học, sẽ giải quyết ra sao? Những câu hỏi dang dở khi đất nước đang có giặc. Phải suy nghĩ, phải mất ngủ, nhưng mọi việc ấy cũng đâu vào đấy. Uyên lên đường đúng ngày quy định. Đêm trước khi anh ra đi, cả bố, mẹ, vợ và con lớn đều nói rằng mọi việc rồi ở nhà khắc tự thu xếp, việc học hành của mẹ, của con rồi sẽ "liệu cơm gắp mắm". Chính phủ đã động viên tất cả mọi tầng lớp ra trận chắc là phải có sự cố lớn không thể nào đừng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, anh được điều về đơn vị làm đường, rồi đi khai phá đồng bằng rộng lớn này. Trước mặt anh, hàng nghìn đồng đội giảm sút sức khỏe vì uống nước chua, nằm nền đất và thiếu rau, thiếu thức ăn. Sau lưng anh, bố mẹ già hơn 70 tuổi, vợ và ba đứa con nhỏ. Bốn năm anh đi xa, cha mẹ già đã gửi gắm lòng tin vào con dâu. Các con anh đều ngoan, học giỏi. Vợ anh sau khi ổn định gia đình lại tiếp tục theo học lớp tại chức. Uyên nói rằng: có hai sức thôi thúc tạo cho anh "băng“ lên là những đòi hỏi về nhiệm vụ, và sự gắng vượt của cha mẹ, vợ con. Phải sống sao cho ngang tầm với mọi người, với trách nhiệm và phẩm chất của một quân nhân cách mạng. Đó là những điều tôi đã gặp ở nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn này, có lẽ vì thế họ dễ dàng đồng cảm với nhau, dễ dàng đồng cảm một cách không do dự trước những khó khăn. Và, cũng vì thế mà Uyên nói rằng: ở bộ đội ý thức kỷ luật nghiêm túc một cách tự giác là yếu tố quyết định triển khai mọi nhiệm vụ nhanh chóng. Cũng vì thế anh có thể quả quyết rằng: bất cứ khó khăn nào người ta nghĩ đến nó một cách tâm huyết thì cũng vượt qua được hết.
Những nhận xét và khẳng định của Uyên đêm nay, tôi không chút ngờ vực. Không có lý do để ngờ vực vì những gì anh đã nghĩ, đã làm đều là bằng chứng.
Đêm đó cô M người yên của Chung trốn về đơn vị. Cô để lại mấy dòng chữ như sau: "Em xin bác sĩ „tha lỗi“. Về đơn vị em sẽ rửa vết thương và bôi thuốc đều đặn, bác sĩ Uyên ơi, cô bạn đến đón em nó bảo là ngoài tuyến anh em rất xôn xao về chuyện bác sĩ ngày nào cũng lội nhiều quá. Có người nói: với đợt tổng công kích này, chúng tôi đã được quân y "trang bị" lại sức khỏe, nhưng vì cứ lo cho cả trung đoàn nên dạo này trông ông Uyên yếu quá. Em cũng có ý nghĩ về lỗi lo lắng ấy ... Em xin cố gắng hết sức góp phần nhỏ vào dịp này không phụ lòng của bác sĩ.
Chào bác sĩ. Em trốn về đây. Trạm xá "E" lúc 21 giờ ngày.... M".
Nghĩa là cô ta "trốn" sau nửa giờ Trung trở lại phòng Uyên cùng tôi.
Logged
ThanhBinh
Thành viên
*
Bài viết: 59


« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2009, 03:07:48 am »

X- Sau trận mưa lớn:

Có lẽ chưa lần nào trong đời tôi lại gặp một trận mưa dữ dội như đêm nay.
Vào lúc 11 giờ bỗng có tiếng kêu gần như hoảng hốt ở khu lán phía bên kia bãi cỏ rộng. Tiếng kêu vừa dứt lập tức lan truyền tiếng reo hò huyên náo như bất cứ lần nào có mưa. Cả khu doanh trại sư đoàn bộ ầm ầm tiếng reo, tiếng gọi nhau, tiếng nồi xoong, chậu thùng. Rồi gió nổi. Rồi mưa đổ ập xuống mái nhà. Có cả cảm giác phía trên giường nằm sắp sửa sụp bung hết vì lớp cỏ lợp không còn đủ sức chịu đựng, nước tuôn ùng ục như tháo cống. Chỉ vài chục phút sau có tiếng kêu: "Ngập giường, ngập giường rồi" chúng tôi vội lia đèn pin soi cho nhau cuộn chiếu, quơ chăn màn và nhảy lên ngồi thu lu trên mặt bàn. Ai cũng ôm trong lòng phần chiếu màn, sổ sách, ba lô của mình và chuẩn bị đứng lên vì mặt bàn cũng bị ngập. Nhưng sự dữ dội cũng không thể đến vô cùng. Tạnh mưa, nước theo kênh công vụ, ra kênh Tri Tôn rút ra rất nhanh. Trong vòng một giờ nền lán phơi lên nhưng nhìn ra xung quanh vẫn mênh mang. Bỗng một tiếng hỏi vọng lên từ giữa bãi ngập nước: „Nhà "chính trị" có ai sao không?“. Anh Thành trưởng ban tuyên huấn nhanh chóng nhận ra người hỏi: "Không sao cả“. Chỗ ấy chính ủy lội được ạ!". „Được. Nước chỉ ngang vai thôi, anh Thành nói với anh Tuấn cho điện ngay các nơi nắm tình hình xong quay máy cho tôi". "Sao thủ trưởng không gọi điện cho chúng tôi lại phải lội thế?“. „Điện thoại của tôi bị ngập, các đồng chí thông tin đang đi kiếm pin thay. Tôi tranh thủ lội đi nhắc các anh nắm ngay các đơn vị kẻo muộn“.
Chính ủy nói xong lội đi phòng khác. Thành quay vào lẩm bẩm một mình mà như phân bua với mọi người: "Cậu cần vụ chán ghê. Nó lành đến nỗi chính ủy bảo cậu ngủ đi để tôi lội đến các phòng, chắc cậu ta cũng trèo lên giương ngủ'. Chúng tôi phì cười vì cậu cần vụ ngoan, tốt bụng và lành đến nỗi bất cứ ai trong cơ quan cũng có hàng chục câu chuyện hài hước về cậu ta mặc dầu ai cũng thấy cậu là một chiến sĩ cần vụ vô cùng tốt.
3 giờ 10 phút. Các trợ lý nắm và báo cáo tình hình đơn vị cho chính uỷ xong đã tranh thủ ngả lưng để 5 giờ lội ra "tuyến". Và ngoài bờ mương kia, các chiến sĩ đã lội nước đào mò giữa mưa rào, nước ngập.
Hôm nay chúng ta phải gắng chịu đựng, phải vượt lên xây dựng cho mai sau, cho các thế hệ con cháu mình. Rồi đây, trên đồng bằng phì nhiêu rộng lớn này, ta sẽ xây sân bay, bến xe hơi, bến ca nô... đưa khách đến đồng bằng. Cái đó có khó lắm đâu, có còn lâu la gì đâu. Ngay sau khi kênh H9 hoàn thành sẽ có làng bộ đội, có nông trường, có làng xóm của dân xung quanh lập trên bờ, còn dưới sông, thuyền bè, xuồng máy và ca nô đi lại. Từ Luỳnh Quỳnh, sư đoàn sẽ sửa lại đường, phối hợp với địa phương hoàn thành mạng lưới giao thông thủy bộ về Rạch Giá. Những việc đó sẽ làm xong trước khi đào con kênh thứ hai xuyên qua đồng bằng. Việc đi lại thuận tiện ta sẽ xây khách sạn, rạp chiếu bóng, sân vận động, rồi những khu nhà tập thể, những dãy phố, những dãy trường học, những ghế đá dưới hàng dừa... Cũng ở trong kế hoạch 5 năm đầu, chính ủy nói thế. Thú thật những ngày mới đến sư đoàn, gặp một người già nặng nề và ít nói như ông, tôi đã có dự định chỉ tiếp xúc qua loa, cho "phải đạo“. Nhưng gặp ông chống gậy xắn quần lội ra tuyến, mò mẫm đêm hôm kiểm tra ăn ngủ của bộ đội, lắng nghe và thăm hỏi từng chiến sĩ, hát đồng ca với họ sau giờ lao động khó nhọc, dần dần tôi muốn được lội theo ông, muốn nghe ông nói về công việc, về những dự định. Sáng hôm sau, nước dưới đồng chỉ còn lội đến đầu gối. Tôi đến gặp chính ủy từ lúc trời chưa sáng rõ cốt để hỏi xem tình hình của các đơn vị đêm qua ra sao. Nhưng ông đã ra tuyến từ trước đó gần 1 giờ Người chiến sĩ cần vụ nói lời ông dặn tôi: hôm nay ra tuyến xem "khí thế“ bộ đội. Lúc tôi đến trung đoàn 56 đã thấy ông ngâm mình dưới nước cùng các chiến sĩ, khiêng chiếc máy bơm. Ông lên bờ rét run. Tôi hốt hoảng nhìn nét mặt tím bầm của ông: "Anh đã lội suốt đêm qua bây giờ có thể cảm lạnh đấy!". "Mình có cảm giác khang khác. Hôm nay các đơn vị sẽ lùa hết nước ra kênh Tri Tôn và giữ vững chỉ tiêu!“. Những câu cuối giọng phấn chấn. Ông túm tay tôi quay nhìn cả hai phía bộ đội rải khắp nơi người dưới nước, người xúc, gạt trên bờ, người khiêng tre, dựng lán… tất cả đều hăm hở. Tôi tin họ, tin lời chính uỷ về công việc hôm nay và cả những dự định mai sau.
Mười giờ sáng, nghĩa là sau tám tiếng đồng hồ ngớt mưa, nước đã rút khỏi mặt bằng, nhưng hơi nóng bốc lên hầm hập. Bộ đội đang làm lại lán, cọ rửa giường nằm, giặt chiếu, phơi ba lô và bơm nước bằng máy, tát nước bằng gầu. Tất cả mọi việc đều phải nhanh chóng hoàn thành để buổi chiều (nếu mưa nhỏ) hoặc tối bắt tay thi công hoàn thành chỉ tiêu trong ngày ứ lại. Chính ủy sư đoàn lội đến từng nơi làm việc của mỗi trung đoàn nắm tình hình và biểu dương chiến sĩ đang chịu đựng vất vả. Ông trở về sư đoàn bộ lúc 1 giờ 15 phút chiều. Người đầu tiên chạy ra bờ kênh công vụ đón ông là sư đoàn trưởng. Cả hai thủ trưởng sư đoàn đều kêu lên ngạc nhiên về nhau. Chính uỷ ngỡ lúc này sư đoàn trưởng đã nằm trong một bệnh viện ở Sài Gòn, còn sư đoàn trưởng lại không ngờ, chính uỷ lội đi suốt từ đêm qua bây giờ mới trở về. Sau ít giây im lặng chính uỷ hỏi:
- Anh thấy thế nào?
- Nhìn các đơn vị tôi biết bộ đội đã vào thế rồi anh ạ. Cung cách ra quân của "thằng“ 56 chứng tỏ nó đã hiểu ý thủ trưởng sư đoàn, „thằng“ 70 quyết tâm vượt lên, „thằng“ 69 thì bằng mọi cách giữ vững vị trí hàng đầu. Cả ba trung đoàn ra quân trong phạm vi chiều dài 4 ki lô mét, có thể nhìn thấy cách ăn mặc của nhau. Thú thật khi trở về đến Luỳnh Quỳnh nhìn cờ chỉ huy cả ba trung đoàn kéo lên tôi mừng quá. Như vậy không có anh nào ngừng thi công. Anh nào cũng đứng vững trên vị trí cửa mình. Ba lá cờ như ba mũi tiến công, sao cái hình ảnh ấy đẹp quá anh ơi. Tôi vội vàng gọi điện cho các đơn vị, thì biết rằng anh lội ở đấy từ đêm qua đến giờ.
Chính ủy vừa thấy nỗi mệt nhọc vơi đi, vừa ngượng, ông hỏi như cố ý cắt ngang lời sư đoàn trưởng:
- Anh đi đến đâu thì gặp mưa?
- Nằm lại ở Cần Thơ. Trèo lên sân thượng thấy bầu trời đen đặc và gió cứ dồn mây về phía này, tôi sốt ruột quá. Đã mắc màn ngủ, thấy không yên phải nhổm dậy gọi điện cho hậu cứ. Chờ hàng giờ mới gọi được, gào đến khàn cổ mới hỏi được mấy câu thì chỉ nghe trả lời: Mưa, mưa kinh khủng. Mưa… tôi quyết định quay lại. Biết rằng binh đoàn sẽ phê bình, chuyên môn họ sẽ kêu nhưng mình biết rằng còn đủ sức quay về, còn đủ sức chịu đựng mươi lăm ngày sau. Thông kênh xong rồi chữa bệnh chắc còn kịp. Chứ để một mình anh ở nhà tôi thấy mình đi không nỡ. Mà anh có khỏe gì hơn tôi. Chiều nay anh nghỉ, tôi trực thay một buổi.
- Được để rồi ta bàn. Nhưng chiều nay tôi đang theo dõi kinh nghiệm cắt kéo của Ngô Quý Bình ở E69.
- A cái cậu kiện tướng thủy lợi của tỉnh Hải Hưng mới nhập ngũ năm 1975 đã đi phổ biến kinh nghiệm cho E70 và E56 phải không?
- Hôm nay tôi mời tất cả các bí thư chi đoàn toàn sư đến nghe và xem tại nơi chi đoàn ấy làm việc. Cậu ấy sẽ biểu diễn và giải thích xung quanh một điểm: bằng cách nào cậu ấy cắt kéo cho cả 30 người vác, đã lãnh đạo chi đoàn như thế nào để không có đoàn viên từ trung bình trở xuống.
- Hay anh ạ. Tôi cũng nghĩ trong tình hình này phải tạo trong thanh niên, nhất là các chiến sĩ một cao trào thi đua đẩy lùi mọi khó khăn. Và, trong khi động viên "thằng" 69 giữ vững vai trò đầu tàu, thì mới tập trung đầu "thằng" 56 vượt lên.
Không như thế thì công việc của chúng ta mấp mé giữa vinh quang và nhục nhã. Uể oải một chút, chậm trễ một chút, lơi lỏng một chút, ngại ngùng và ỉ vào khó khăn là mùa mưa ập đến xoá sạch mọi cố gắng từ hơn nửa năm nay của hàng vạn con người. Nhưng nguy hiểm ở chỗ mình tự thú nhận là kẻ bất lực, giống như bao nhiêu kẻ bất lực trước ta. Không xong nhiệm vụ này khi bước vào chiến đấu, sẽ không tạo ra sức mạnh ngay từ phút đầu tiên nổ súng. Hoặc, tất cả  những nhiệm vụ tiếp theo của mùa mưa, mùa khô tới đều không có đà. Qua kiểm tra hôm nay, tôi hiểu thêm sức chịu đựng và quyết tâm của anh em thanh niên mình. Trên đà này, ta đẩy thêm bước nữa, tôi cho rằng mọi việc có thể qua được. Lát nữa xuống "thằng“ 56 anh „kéo“ tôi đấy.
Được theo dõi cuộc gặp gỡ và cách làm việc của hai thủ trưởng sư đoàn hôm nay, tôi nhớ đến lời tâm sự của chính ủy mấy hôm trước. "Cả tôi và anh Ất đều chuẩn bị về hưu. Hơn ba mươi tuổi quân đi trọn hai cuộc kháng chiến, "tuổi già sức yếu có về cũng không ai chê trách nữa phải không anh? Khi chuẩn bị về hưu thì anh em bàn được với nhau. Đến khi nhận nhiệm vụ, anh Ất lại đang bận công tác ở xa. Một mình tôi nhận nhiệm vụ cho cả hai người và nói điều này anh đừng cười: đã gọi là tâm sự với một người viết, tôi nói thật hết tâm trạng mình lúc ấy. Vào đây ăn ở như thế mà lương lại giảm 20% so với khu vực cũ. Tính ra thì chỉ tương đương lương hưu. Giữa nghỉ ngơi hoàn toàn với nhiệm vụ mới, khổ và khó gấp ba bốn lần nơi ở cũ nên chọn cái nào? Lúc ấy giữa sự hy sinh và hưởng thụ trong con người ta chỉ lần so đo một chút dùng dằng một chút là ý nghĩ tiêu cực sẵn sàng xuất hiện, sẵn sàng mách hảo mình lẩn tránh và chậm trễ. Dù chỉ chậm trí một vài ngày thì cũng tạo ra ảnh hưởng lớn cho hàng vạn con người, hàng vạn con người phải chờ đợi mình. Sự hy sinh chỉ có ý nghĩa khi mọi người còn thấy ý nghĩ và hành động của ta có tác động tích cực đến họ. Và, chính vì nhận ra cái ý nghĩa đơn giản và cao quý ấy người ta mới tự giác hy sinh phải không anh? Đã trọn hai mươi năm ăn ở với nhau nên tôi và anh Ất hiểu nhau. Có thể nói như các cụ ngày xưa gọi là hiểu hết chân tơ kẽ tóc của nhau đấy. Nhờ thế trước bao khó khăn, tôi vẫn thay mặt anh Ất hứa với các đồng chí thủ trưởng Tổng cục xây dựng kinh tế: "Chúng tôi xin tìm mọi biện pháp hoàn thành nhiệm vụ“. Khi những đơn vị đầu tiên chuyển phương tiện. hành quân theo tàu thủy, tôi mới gặp anh ấy. Nghe tôi nói lại công việc, anh ấy cười ha hả: "Đúng, đúng quá. Anh thay tôi nhận nhiệm vụ cho cả hai người thế là đúng quá, phải tranh thủ thế mới phải, rất phải. Nếu anh đi vắng ở nhà tôi cũng làm như thế".
Đêm ấy chính ủy Đoàn Đạm còn nói với tôi bao nhiêu chuyện về mối quan hệ và mối tình cảm ý hợp tâm đồng giữa hai người. Tôi không thể nhớ hết những lời ông tâm sự. Cho đến chiều nay, sau khi chứng kiến hai người gặp nhau và chia tay nhau, tôi theo chính uỷ xuống trung đoàn 69, xong việc, chính ủy trở về sư đoàn bộ, tôi đến trung đoàn 56, sư đoàn tưởng từ trung đoàn 56 trở về để buổi tối họp đảng ủy sư đoàn. Hai người thủ trưởng đã đi rồi nhưng cả hai trung đoàn đều xôn xao về những việc của hai người làm không hề bàn bạc với nhau mà sao giống nhau đến thế. Chính ủy lại đến các đơn vị. Một mình đi không phải ai đưa đón, giới thiệu. Cứ đi như thế để ngắm nghía, suy nghĩ và bất thần hỏi một chiến sĩ nào đó về một chuyện gì đó. Chẳng hạn, hôm nay đồng chí ăn ngoài cá mắm ra có rau không? Có rau thì rau gì, luộc hay nấu? Còn đồng chí đêm qua ngủ đứng hay nằm, có lâu không? Đến một lán không rõ của đại đội nào, ông đứng lại, đứng rất lâu và chăm chú nhìn anh chiến sĩ ngồi đọc thư. Anh chiến sĩ ấy không rõ bao nhiêu tuổi vì bùn trát kín từ chỏm tóc xuống tận bàn chân. Vừa ở bờ kênh lên anh nhận được thư vội chạy ra đầu lán ngồi đọc. Đọc luống cuống từ trang này lật qua trang khác rồi lại đọc từ đầu. Và ba lần như thế song anh cầm lá thư mắt vẫn trân trân nhìn nó mà hình như không đọc. Anh khóc. Không hiểu khóc nhiều hay ít, đứng xa chỉ thấy trên lớp bùn như vẩy sáp bong ở mặt có những đường thâm lại từ hai mắt xuống. Hẳn là có chuyện chẳng lành, chính uỷ đứng bên cất tiếng chào trước để anh chiến sĩ khỏi đột ngột. Nhưng anh vẫn bị giật mình. một tay buông lá thư, tay kia rụt vội xuống. Chính ủy hỏi như hai người bạn đã quen nhau. "Chuyện ở nhà thế nào?“ Người chiến sĩ trả lời lễ phép và lãnh đạm: "Báo cáo không có gì ạ". Chính ủy ngồi xuống bên anh.
- Không việc gì phải dấu tôi. Tôi là Đoàn Đạm, là . . .
- Báo cáo, tôi có gặp chính ủy xuống đơn vị rồi ạ.
- Tưởng đồng chí chưa biết, tôi tự giới thiệu cốt để đồng chí hiểu với cương vị ấy tôi có thể giúp đồng chí được gì không?
- Dạ ... thưa...
- Tôi đã đứng nhìn đồng chí đọc thư. Tôi đoán đồng chí nhận được một tin gì buồn lắm. Nếu thấy tôi có thể làm được việc gì đó thì cứ nói.
- Dạ ... thằng em ruột tôi nó mới hy sinh.
Nước mắt người chiến sĩ lại trào xuống chảy theo vệt sâu như rãnh đã trôi hết bùn. Thấy chính ủy lặng đi, anh phải hết sức nén lòng mình lại.
- Thưa chính ủy, tôi mới biết đơn vị nó chiến đấu ở cạnh sư đoàn ta.
- Có biết cậu ấy hy sinh ở trận nào không?
- Cách đây ba tháng rồi.
- Ừ hồi đó đánh ở vùng này là "thằng“ 30. Bây giờ nó lại đi xa mất rồi... ừ ... gia đình có nói gì thêm không?
- Chỉ bảo nếu có điều kiện tôi đến thăm mộ nó, khổ nó thằng rất ngoan và có chí ngay từ khi đi học. Không hiểu thế nào gia đình lại biết rất nhiều về trận chiến đấu của nó. Nó bị thương nặng...
Ngẫm nghĩ một lúc chính ủy dặn:
- Tôi sẽ hỏi bên hậu cứ 30. Nhờ các anh ấy chỉ cho địa điểm mộ chí, nếu được, tôi gọi điện báo, đồng chí lên sư, tôi sẽ bố trí thời gian cùng đi với đồng chí.
- Báo cáo... thủ trưởng bận. Xin thủ trưởng cứ hỏi giúp tôi. Để khi nào điều kiện cho phép tôi xin đại đội cho tôi đi ... một mình cũng được.
Logged
ThanhBinh
Thành viên
*
Bài viết: 59


« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2009, 03:08:09 am »

- Nếu hỏi được tôi cũng sẽ đi. Tôi cũng muốn đến xem xét những trận chiến đấu mấy tháng trước của họ. Thế nhé, yên tâm chờ, tôi sẽ hỏi ngay. Còn đồng chí cố nén buồn phiền, lo nghĩ. trong lúc vất vả này là dễ ốm đấy. Tôi đi. Có chuyện gì cứ gọi điện hoặc nhắn tôi một câu. Chính uỷ đi rồi nhưng câu chuyện của ông về một bữa ăn, một giấc ngủ, một nỗi lo âu của từng chiến sĩ như được nhân lên rất nhiều lần, lan khắp trung đoàn, và đêm đó trong buổi họp bàn quyết tâm thông kênh vượt quy định của từng chi đoàn thanh niên, những chiến sĩ trẻ nhắc nhiều đến những câu chuyện buổi chiều giữa đại đội và bản thân họ với chính ủy sư đoàn.
Đến trung đoàn 56, sư đoàn trưởng hỏi ban chỉ huy trung đoàn:
- Các anh đã chuẩn bị kỹ đợt tổng công kích cuối cùng chưa?
Gần như cả ban chỉ huy đáp đồng loạt: „Đã sẵn sàng“. Sư trưởng cười từng đợt rất to:
- Tôi cứ hay phàn nàn và gắt gỏng với các anh. Lần này có dịp để hoan hô các anh.
Mọi người cười vì lây tiếng cười rất sảng khoái của ông.
- Chỉ còn một điểm nhỏ này, các anh cho biết thêm một chút - ông dừng lại - cho đến lúc này, chúng ta còn bao nhiều trường hợp khúc mắc riêng tư? Rất riêng, ngoài những điều các anh đã phản ánh trước.
Trung đoàn trưởng nhìn chính uỷ, chính ủy hơi gật gật để gọi những cảnh ngộ éo le, những khó khăn vướng mắc đang nấp ở phía ngoài xô vào cái danh sách đang hình thành một cách khó khăn trong đầu anh. Lúc này tham mưu trưởng cũng nhìn chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm đưa mắt sang trợ lý thi đua. Anh thi đua nhìn anh tuyên truyền. Ai sẽ trả lời?
Chính ủy hỏi lại sư trưởng như một "kế hoãn binh“:
- Xin anh nói rõ thêm những hoàn cảnh như thế nào?
- Chắc là các anh chưa có ý định nắm chuyện này từ các đại đội và có khi các đại đội cũng không để ý hết trong anh em xem ai có những trở ngại riêng gì lúc này. Nói cụ thể là ngày mai ta "tổng công kích“ tức là phải tập trung toàn bộ sức mạnh của trung đoàn, thế thì trong mấy trăm con người ấy ai có những tâm tư, suy nghĩ nặng nề về hoàn cảnh riêng không?
- Xin báo cáo - chính uỷ nói - chúng tôi mới nắm được mấy trường hợp.
- Chắc là anh em họ tự đến trình bày và xin phép các anh giải quyết . . .
- Vâng. Một đồng chí cán bộ „C" 27 vợ ở nhà cãi nhau với bố mẹ chồng rồi bỏ nhà ra đi. Trường hợp thứ hai là đồng chí chiến sĩ ở „C“ 26 bố chết, mẹ đi lấy chồng khác. Bà ta theo chồng vào Nam được một tuần mới điện cho con về nhận lấy nhà...
Trường hợp...
- Xin phép cho tôi hỏi, các anh đã giải quyết hai trường hợp trên như thế nào?
- Báo cáo, chúng tôi định sau đợt tổng công kích. Đã có giải thích cho anh em.
- Thôi. Tôi xin nói ngay với các anh là sự giải thích ấy rất máy móc, thiếu tình người quá. Trong trường hợp này không phải thiếu một vài người mà làm suy yếu lực lượng, và ngược lại nếu biết khơi động tình yêu đồng đội thì anh em người ta sẽ làm gấp đôi, gấp ba, để những người ấy được nghỉ yên lòng. Các anh cứ thử xem, tôi đề nghị, các anh cho hai đồng chí ấy đi phép ngay ngày mai. Cho đi và tạo điều kiện giúp đỡ các đồng chí ấy về kinh tế trong phạm vi có thể được. Trên sư đoàn có xe của đồng chí tham mưu trưởng về Sài Gòn họp, tôi sẽ bố trí để hai đồng chí ấy cùng đi. Anh nói tiếp trường hợp thứ ba.
Vốn là đơn vị yếu nên thiếu mạnh dạn. Phần khác, trước bao nhiêu khó khăn lớn mà yêu cầu của trên cũng lớn nên không ai còn "bụng dạ“ nào nghĩ đến từng con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Cách giải quyết của sư đoàn trưởng như một sự gợi ý. Không cần trao đổi cả ban chỉ huy trung đoàn cũng đều nói ngay được một đại đội, mà theo họ thì vô cùng phức tạp, không biết bao nhiêu hoàn cảnh éo le, không biết bao nhiêu vướng mắc, mà tất nhiên nó là nơi „hóc búa“ nhất là trung đoàn. Thôi thì cũng là dịp để thủ trưởng sư đoàn thấy hết được khó khăn của trung đoàn nên mọi người đều thốt lên lời mời sư trưởng xuống đại đội đó.
- Được các anh gọi điện xuống báo trước cho họ chuẩn bị tập hợp đơn vị và phổ biến ai có khó khăn, vướng mắc gì cứ nói hết. Nửa giờ nữa làm việc xong với các anh tôi sẽ xuống.
Đại đội mà sư trưởng đến chiều nay nguyên là đơn vị lái máy húc, máy san. máy đầm, v .v… Họ tự gọi là "Đơn vị khoa học kỹ thuật“. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ là lính lâu năm, hưởng lương chuyên nghiệp, nay do điều kiện mưa lầy và trang bị chưa đồng bộ, đơn vị tạm cho xe máy nghỉ đi lao động thủ công. Gần hết hai giờ đồng hồ sư đoàn trưởng chăm chú nghe những thắc mắc của 40 trường hợp. Nghe xong ông hỏi lại:
- Những ý kiến này đều đúng cả. Nhưng chưa có trường hợp nào chết người có đúng không?
- Không chết  nhưng . . .
- Để tôi nói đã. Do chưa cấp bách lắm nên để tháng sau giải quyết cũng được chứ gì?
- Được. Nhưng nửa tháng nữa ai sẽ nhớ mà giải quyết ạ?
- Tôi nhớ cả và sẽ giải quyết. Hiện tại là nhiệm vụ. Tôi xin hỏi: ai là đảng viên giơ tay lên! (những đảng viên giơ tay) thôi được rồi. Bỏ tay xuống. Bây giờ ai là đoàn viên giơ tay! (lại hàng loạt cánh tay nữa). Tất cả là đảng viên, đoàn viên. Hay lắm! Tôi xin thay mặt đảng ủy và thủ trưởng sư đoàn kêu gọi tất cả các đảng viên và đoàn viên, hãy giữ đúng vị trí của mình trong đợt tổng công kích cuối cùng của toàn sư đoàn có ai phản đối tôi không?
Im lặng.
- Không ai phản đối, cứ thế làm. Chúc các đồng chí khỏe. Thôi giản tán!
Mọi người ngỡ ngàng. Nhưng không ai tự cưỡng lại vai trò của mình lúc này. Câu chuyện họp mặt cả đại đội, và chuyện hai chiến sĩ chuẩn bị về phép đêm nay như một giai thoại nhanh chóng truyền lan trong đêm chờ đợi ra quân sáng mai.
Logged
ThanhBinh
Thành viên
*
Bài viết: 59


« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2009, 03:08:53 am »

XI- câu hỏi đã được giải đáp:

Gần hai tháng ở với sư đoàn từ lúc công việc đang nửa chừng đầy gian khổ đến nay đã sắp sửa hoàn thành, một buổi sáng, tôi cùng chính uỷ đi trên bờ kênh rừng rực cờ đỏ và khẩu hiệu. Sự tấp nập hăm hở có thể ví như quang cảnh một ngày hội. Trời nắng rất đẹp. Vòm trời dâng lên cao xanh vời vợi. Gió. Cả đồng bằng mênh mông gió, cả đồng bằng mênh mông cỏ ngả rạp một hướng phẳng như trải chiếu. Chính ủy im lặng. Ông đang nghĩ về công việc. Chỉ một vài ngày nữa sẽ xong xuôi dù có mưa bão, dù cuộc chiến đấu cách đây dăm ki lô mét có biến sư đoàn ông trở thành "thê đội một“ thì việc thông kênh nhất định cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp. Trường hợp ấy có trong phương án, trong kế hoạch của toàn Sư đoàn rồi. Có thể ông nghĩ đến các chiến sĩ đang hăm hở lao động nghiêm túc và ngày càng khó khăn, mà năng suất vẫn vùn vụt tăng, các trung đoàn đều bám sát nhau tiến bộ rõ rệt về mọi mặt. Đó là một niềm vui lớn, một phần thưởng quý giá đối với những cán bộ như ông. Chắc chắn trong suy nghĩ của ông, trong tình cảm của ông đang dào dạt mềm vui ấy. Lúc mới bước lên bờ kênh, ông thốt lên với tôi: „Có tính toán, có phương hướng cả, mà chúng tôi vẫn không ngờ anh ạ! Một công việc tưởng đổ vỡ mà đến nay đang hiện ra một kết quả mỹ mãn, có thể nắm bắt ngay được cái kết quả ấy, khẳng định chắc chắn về kết quả ấy thì điều bất ngờ hẳn là những niềm vui.
Đúng ngày quy định, sư đoàn 150 đã hoàn thành kênh H9, con kênh đầu tiên thông suốt như một lời khẳng định về sức mạnh con người có thể làm ra sự xanh tươi giàu có ở đồng bằng này. Và quan trọng hơn, ngay từ mùa mưa này, bộ đội có thể trụ lại ở đây. Thế là câu hỏi lớn đến nay đã được giải đáp chắc chắn. Các nông trường, những đồng bào từ trên núi xuống có thể trụ lại cùng bộ đội tạo ra một hậu phương, một điểm tựa, để khai thác hết sự trù phú của đồng bằng và sẵn sàng vươn tới bất cứ điểm nào đánh trả bọn xâm lược ở biên giới phía tây nam này. Trong kết quả đầy ý nghĩa ấy, có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã trưởng thành, đã mở ra bao hy vọng và khả năng đánh thắng cả sự hung bạo của thiên nhiên và kẻ thù: Đó là sự gắn bó mềm tin yêu bền chặt giữa đồng bằng mênh mông và người chiến sĩ giầu tình yêu thương mà rất kiên cường.
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM