Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:48:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Chư tan Kra  (Đọc 137790 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #90 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2010, 12:12:25 pm »

-Gửi cụ bom: D8-E209 toàn lính Đông anh-Hà nội đấy. Từ Đông anh lên 312 chỉ qua Đền Gióng 1 tẹo thôi. Cả làng em hết nước mắt vì ngày 16/5/1968 đấy! Còn sót mỗi 1 ông từng là liên lạc của C7-D8
-Gửi cụ bucket: Mở rộng cái bản đồ cho em nhờ, cái 446 phía Đông nam của 1485 đấy.
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #91 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2010, 01:46:36 pm »

-Cái bản đồ có từ thời Tây thuộc ghi bình độ 1485(cao nhất trong khu vực, hôm nọ em hóng nhầm là 1800) và bình độ 446.
Hê hê, em chỉ bàn về cái này, vì biết đó chắc chắn không phải là núi cao nhất Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Ngọn cao nhất được coi là "nóc nhà của Gia Lai" là đỉnh Kon ka Kinh cao 1.748m (chưa được 1.800m) so với mực nước biển. Tuy nhiên ở Tây Nguyên đỉnh cao nhất(cao thứ 2 VN) là Ngok Linh (Ngọc Linh) cao 2.598m.
Lần sau bác hóng hớt phải nghe chuẩn nhé, làm cứ phải ném đá hoài! Grin
@minhnam1803: em biết rồi bác ạ, chỉ hỏi bác Giang cho kĩ để ném đá mà! Smiley
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2010, 01:57:15 pm gửi bởi napoleon » Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #92 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2010, 05:17:27 pm »

Đây , bản đồ đây mời các bác ném đá Grin
Logged
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #93 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2010, 07:45:02 pm »

 Sáng sớm 16/5/1968 C7-D8-E209(vào đó với tên gọi K5) đánh cứ điểm Mỹ tọa độ khoảng (68;95), bình độ 1485, lính Mỹ chỉ chốt trên yên ngựa.
 Bản đồ này do huyện đội Chư bả cung cấp khi gia đình vào tìm hài cốt LS năm 2001. Tất cả bút tích ghi bằng mực đỏ, xanh trên bản đồ là do huyện đội ghi.
 To Napoleon: Bác siêu quá, biết hết cả đỉnh cao nhất của khu vực Gia lai và Tây nguyên. Em thì chỉ biết mỗi đỉnh cao nhất của khu vực đó(loanh quanh cái xã Ia mơ nông, cái khu vực mà C7 đánh rất nhanh và cũng...chạy rất nhanh và không bỏ sót tử sĩ, liệt sĩ nào)
 
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Năm, 2010, 08:05:49 pm gửi bởi Giang.K17 » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #94 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2010, 09:58:45 pm »

Hey, ném đá àh? OK, cái 446 của đ/c giang.k17 phải thêm 1000 mét vào!  Roll Eyes
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #95 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 06:41:31 pm »

Hôm nay coi lại báo TT-VH thấy topic chưa đưa lên những hồi ức của các CCB d7/e209 về trận đánh này.
Hồi ức của bác Hồ Đại Đồng (Tổng Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu – Cựu chiến binh C5, D7, E209, F312):
http://thethaovanhoa.vn/306N2009051208189493T132/hoi-am-loat-bai-nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-nguoi-linh-khong-ten.htm

Hồi âm loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”: Người lính không tên
Hồ Đại Đồng (*)

42 năm trước, tháng 3/1967, 1500 chàng trai Hà Nội đã nhập ngũ vào trung đoàn 209. Tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8 và một số đại đội trực thuộc hầu hết là lính Hà Nội.
Như Trung đoàn Sông Lô thời đánh Pháp, Trung đoàn 209 ngày ấy có thể gọi là trung đoàn lính Hà Nội thời đánh Mỹ. Tiểu đoàn 8 được đặt tên là tiểu đoàn Đông Anh, lập những chiến công vang dội ở đường 13, Thiện Ngôn – Sa Mát, Tàu Ô – Xóm Ruộng, Xuân Lộc… được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tiểu đoàn 7 ngay từ tháng 3/1968 đã có một trận đánh táo bạo làm rung chuyển nước Mỹ mang tên Chư tan Kra.

Chúng tôi được lệnh để lại hậu phương miền Bắc các loại nhật ký, ảnh, giấy tờ, tiền bạc, thư từ… và thầm hiểu, lỡ có bề gì, quân địch sẽ không biết chúng tôi là ai và từ đâu tới. Từ đây, chúng tôi là những người lính không tên.

Tháng 2/1968. Không thể nào quên được cuộc hành quân hào hùng, thần tốc của trung đoàn bộ binh mũ sắt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đèn dù Mỹ giăng đầy các trọng điểm. Chớp lửa, tiếng bom, tiếng xe, tiếng súng phòng không, tiếng con gái Thanh niên Xung phong hát, cười trêu ghẹo đoàn lính trẻ, tiếng những đoàn thương binh trên những xe chạy ngược chiều “Nhanh lên! Không thì ống bơ Mỹ không còn mà nhặt”.

Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ. Tới điểm tập kết ở thượng nguồn sông Sa Thầy (Kon Tum) vẫn bị biệt kích Mỹ đeo bám. Dường như chúng đoán được hướng chiến dịch của Trung đoàn, trực thăng bò sát ngọn cây săm soi, B52 rải bom hú họa…

Trung tướng Lê Hữu Đức – hùm xám Tây Nguyên – người đốc chiến trận Chư tan Kra tiếp đồng đội cũ

Tháng 3/1968, đoàn cán bộ trung đoàn và các đơn vị đi trinh sát chiến trường. Khi ấy, tôi là lính trinh sát pháo nên được đi theo đại đội trưởng Khải. Ra trận giữa đại ngàn Trường Sơn, đường rừng không chút nắng, tiếng vượn hú, tiếng chim, khỉ chạy theo từng đàn, những đường voi đi phân voi còn nóng. Gặp những người dân tộc, già trẻ, nam chỉ đóng khố, nữ chỉ mặc váy, ngực trần nâu bóng, mùi thuốc lá khét lẹt, họ gùi gạo, gùi đạn cho Cách mạng. Bên bờ suối, gặp những người đàn ông xanh xao, râu ria, mặc quần áo bà ba hoặc đồ bộ đội cũ kĩ, có người nấp sâu trong rừng vạch lá nhìn chúng tôi. Hỏi mới biết họ là lính Bắc vào trước chúng tôi vài năm, chỉ có một bộ đồ nên tắm giặt xong phải chui vào bụi chờ khô quần áo. Thương quá! Chúng tôi chia cho họ quần áo, lương khô và cả thực phẩm mang vào từ miền Bắc. Đêm ngủ, ngày đi, tiếng pháo địch nghe mỗi lúc một gần.

Chúng tôi tới Chư tan Kra, đó là dãy núi hình vòng cung hướng nam - bắc, ôm một phần thung lũng Kleng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao 1198m. Từ trên sườn đông Chư tan Kra, có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Kleng phía dưới. Đây là một căn cứ quan trọng của Mỹ Ngụy, án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30 km về phía đông. Chúng tôi gặp ông Lê Hữu Đức, sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 1, ông cùng trinh sát sư đoàn đã có mặt ở đây từ trước để chuẩn bị đánh Kleng. Lúc ày tôi mới biết, trung đoàn 209 đã đổi thành trung đoàn 320 của Sư đoàn 1. Các tiểu đoàn 7, 8, 9 được mang mật danh là K4, K5, K6.

Đoàn trinh sát vào Kleng đêm thứ 3 thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu giầy dép và ai đó sơ ý làm rơi vật dụng hoặc thuốc lá Bắc Kỳ. Tôi nghe lính trong trại biệt kích hò hét: “Đ. má mấy thằng Bắc Kỳ” rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa.

Chúng tôi được lệnh quay trở lại, khi ấy các đơn vị cũng lần lượt tiến vào vị trí tập kết chiến dịch ở đông Chư tan Kra. Đoán chủ lực ta chuẩn bị đánh Kleng, Mỹ lập tức điều một số tiểu đoàn thiện chiến thuộc sư 1 (Anh Cả Đỏ), Sư 4 (phản ứng nhanh) và một số đơn vị pháo tăng cường lên khu vực Kleng để đối phó. Chúng dùng B52 rải thảm, bom phát quang, rồi hàng trăm lượt trực thăng đổ 1 tiểu đoàn Mỹ xuống đỉnh 995 – nơi ta vừa đặt Sở chỉ huy Trung đoàn ở lưng núi. Chúng nhanh chóng làm trận địa và lồng ngay sang đỉnh 996 thăm dò. Đại đội 5 chúng tôi và đại đội 3 ở đó. Vậy là trận chiến đánh Mỹ của chúng tôi bắt đầu.

Từ chốt 995 Mỹ đóng sang nơi chúng tôi đóng quân chỉ dưới ngàn mét. Hàng ngày, chúng cho quân sang đánh vào hướng C3. Nói là đánh thôi chứ thực ra gặp dăm loạt đạn, chết dăm thằng là chúng lôi xác lui ngay. Chúng gọi bom pháo bắn phá suốt ngày đêm, chỉ qua một ngày nơi trú quân trong rừng đại ngàn của chúng tôi đã ngổn ngang phơi mình dưới nắng. Lính C3 tức, nhử Mỹ vào thật gần rồi mới bắn, rồi đánh lấy xác. Chúng bắn đạn hơi cay, dùng đại liên bắn lúc đạn thật, lúc đạn giấy tùm lum lừa quân ta. Khi anh em nhổm dậy thì chúng đã bò lên, tung móc kéo xác lính chết ra hết.

Sau gần 3 ngày bị bom pháo, hai trung đội 7 và 8 của C3 bị thiệt hại nặng, đại đội trưởng Tán hy sinh cũng là lúc K4 được lệnh tập kích tiêu diệt quân Mỹ ở đỉnh 995. Chúng tôi  có một buổi chiều để chuẩn bị cho trận chiến. Đầu tiên là phải lau chùi, kiểm tra súng đạn, rồi cơm nắm, lương khô, nước uống. Pháo từ 995 vẫn bắn sang C3 mù mịt. Dong hơn chúng tôi vài tuổi nên đã biết yêu, rút trong ba lô ra tấm ảnh giấu đơn vị mang theo, đó là cô gái tên Thịnh, khen người yêu đẹp và bảo em gái mình cũng đẹp, anh Giảng Trung đội trưởng mê lắm, và rút ra một phong thư “anh Giảng làm thơ tặng em gái tao đây này”. Dong không biết rằng, nhờ lá thư anh Giảng “cưa” em gái mình mà chiếc ba lô của Dong có địa chỉ, sau này ngược Trường Sơn hàng ngàn cây số về tới nhà Dong ở phố Ấu Triệu. Chúc chưa có người yêu thì lẩm nhẩm đọc “Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Thằng An ở Lò Đúc bảo “Tao có lá thư gửi mẹ cất trong túi áo, lỡ có sao chúng mày nhớ gửi cho tao”. Chúng tôi không làm được điều đó vì lá thư đã cùng với anh nằm lại trên căn cứ Mỹ.

Trận đánh nổ ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 26/3/1068. Đại đội 1 chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt tuyến phòng ngự của bộ binh địch, phát triển vào trung tâm trận địa pháo, nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Bọn pháo thủ đưa chết, đua nhau chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua 3 tuyến chiến hào, công sự địch, bị chặn lại trước đỉnh 995 cao nhất. Pháo địch từ Kleng bắn đến dồn dập quanh đỉnh núi. Sau 20 phút ta làm chủ gần như hoàn toàn căn cứ Mỹ. C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng và bắn xuống như vãi đạn. Căn cứ M2 dài hơn 500 mét ngổn ngang xác Mỹ. Những tên lính còn lại co cụm lên mỏm cao, nơi chúng đặt chỉ huy sở. Lúc này súng phun lửa, B41, B40 của ta đều đã hết đạn, địch bắn đạn khói màu phân tuyến giữ khu vực ta chiếm được với khu vực chúng đang cố thủ. Bắt đầu từ đây, đạn từ chiếc C130, pháo từ các trận địa của địch từ Kleng, đạn các loại từ ụ súng và lô cốt mẹ bắn ác liệt vào các hướng tiến quân của ta, như dựng lên một hàng rào lửa. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân quyết định tung trung đội 9 đại đội 3 – lực lượng dự bị của tiểu đoàn và động viên những người lính còn lại tiếp tục tiến công diệt địch. Quân ta lớp lớp xung phong, lớp lớp ngã xuống, giành giật từng đoạn hào, ụ súng, giằng co cho tới sáng không dứt điểm được. Những người còn sống hầu hết đều đã bị thương, trong tay tiểu đoàn trưởng cũng không còn lực lượng chiến đấu nào nữa nên ra lệnh rút quân. Chính trị viên Phan Trung Bắc động viên lực lượng vận tải, thông tin, trinh sát “Đảng viên, đoàn viên hãy lên đưa thương binh tử sỹ ra khỏi trận địa”. Và chính anh Bắc, anh Huy trung đội trưởng thông tin đã bị thương khi lên trận địa cứu thương binh xuống.

Sau này, anh Quý lính thông tin tiểu đoàn bảo, trận này còn có một trung đội đặc công đánh thọc sâu, do anh Lệ dẫn đường, nhưng không thấy có ai trở về. Và còn có một trung đội súng phun lửa, không biết tên ai, không biết ai còn ai mất? Những người lính không tên đã ra đi như vậy, ngày sau tên các anh có thể trở về trên một tờ giấy báo lạnh lùng: hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang mặt trận! Họ đã được nhà thơ – liệt sỹ Lê Anh Xuân khắc họa: “Tên anh đã thành tên đất nước”.

Tôi mơ ước một ngày, tên các anh được khắc chung trên một tấm bia lớn đặt trong khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh trên dãy núi Chư tan Kra của Tây Nguyên.

(* - Tổng Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu – Cựu chiến binh C5, D7, E209, F312).


« Sửa lần cuối: 03 Tháng Năm, 2010, 06:58:18 pm gửi bởi napoleon » Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #96 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 06:45:28 pm »

Hồi ức của bác Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội:
http://thethaovanhoa.vn/132N2009051110047270T0/khong-the-chim-vao-quen-lang.htm

Không thể chìm vào quên lãng
Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội

Tôi là một người lính thuộc đơn vị C1, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, tức C1, K4. Tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh cao điểm 995 thuộc dãy Chư tan Kra, lúc đó có mật danh là M2. Khi đọc bài báo “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” trên báo TT&VH của tác giả Việt Thường, tôi cùng anh em đồng đội C1 thuở xưa, nay đã là những “ông già” ngoài 60, nghẹn ngào xúc động. Những ký ức của 41 năm xưa lại dồn dập dâng trào khiến dòng nước mắt không cầm lại được.

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị trao đổi với Tổng biên tập báo TT&VH Ngô Hà Thái.

Chúng tôi lúc bấy giờ ở độ tuổi 18, 19 là lính của Trung đoàn mũ sắt, đây là Trung đoàn bộ binh duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt cùng với các vũ khí, khí tài hiện đại như súng B40, B41, súng phun lửa, đại liên kiểu mới nhất, mặt nạ phòng độc hoá học… và được huấn luyện kỹ chiến thuật hiện đại. Chúng tôi hùng dũng hành quân bằng xe cơ giới từ Hoà Bình đổ bộ vào mặt trận Tây Nguyên. Sau này, Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Sư đoàn phó Sư đoàn 1, người được mệnh danh là “con hùm xám Tây Nguyên” kể lại: “Mình đi trinh sát về thấy các cậu mà cứ ngỡ là lính Mỹ”. Trung đoàn mũ sắt Tây Nguyên ra quân với khí thế hào hùng, đa số là trai Hà Nội “xịn”. Vừa đặt chân đến đất Kon Tum là chúng tôi nhận ngay nhiệm vụ đánh sân bay Kleng nằm ở phía đông dãy núi Chư tan Kra. Thời điểm đó, khí thế tấn công Mậu Thân đang sôi sục, quân Mỹ được tăng cường đổ vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị chúng tôi chưa kịp đánh sân bay Kleng thì Mỹ đã đổ một đại đội xuống cao điểm 995 thuộc Chư tan Kra để đóng chốt, khống chế quân ta và chắn giữ mặt Tây Bắc căn cứ Kleng.

Tình hình chiến sự thay đổi, cấp trên điều động tiểu đoàn 7 (tức K4) vào đánh địch ở cao điểm 995 Chư tan Kra. Khi trinh sát ta điều nghiên M2 để lập phương án tác chiến thì bất ngờ địch lại đổ thêm quân, nâng quân số lên tương đương một tiểu đoàn. Chúng củng cố công sự vững chắc: lô cốt bê tông, các loại rào kẽm gai có đặt máy dò tiếng động, gài mìn các loại để phòng thủ, và trên đỉnh còn có cả trận địa pháo. Như vậy, lực lượng ta và địch ngang nhau về quân số nhưng Mỹ vẫn hơn hẳn ta vì ở trên cao, có công sự, không quân – gồm trực thăng tác chiến, máy bay ném bom, C130, pháo bầy từ các cứ điểm khác… yểm trợ.

Và rồi khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, tiểu đoàn trưởng Trương Ân bắn pháo hiệu ngay sau lưng tôi, phát lệnh tấn công. Lập tức tiếng kèn xung trận vang lên. Bộc phá mở tung hàng rào. Các chiến sĩ bộ binh Hà Nội nhất loạt lớp lớp xung phong trong tiếng đạn, tiếng pháo vang trời. Pháo sáng của địch sáng trưng cả đỉnh đồi. Cùng với anh em, tôi ôm súng tiểu liêu xông lên xiết cò, băng qua hàng rào. Bỗng một tiếng nổ ầm trước mặt, mắt tối sầm, tôi ngã xuống, khi tỉnh lại đã thấy mình được đưa ra khỏi trận địa.

Sau nhiều năm chiến đấu ở các đơn vị và các chiến trường khác nhau, tôi vẫn không quên được trận đánh Mỹ đầu tiên của các chiến binh Hà Nội. Trong trận đó, đại đội 1 của tôi, đại đội chủ công đã thương vong 2/3 quân số. Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, người anh cả hiền hậu – một danh ca bài chòi quê gốc Quảng Nam đã hy sinh khi chỉ huy trận đánh. Đại đội phó Hoàng Nhạc đẹp trai, dáng thư sinh, bị thương ở vùng ổ bụng và đã hy sinh ở trạm phẫu thuật tiền phương. Hơn 200 chiến sĩ thanh niên Hà Nội đã nằm lại trên đỉnh Chư tan Kra. Các anh nằm đó, lặng lẽ bên bạn bè đồng đội, hơn 40 năm qua vẫn đợi chúng tôi vào. Tôi rất xúc động khi biết ngày 26/3 năm nay, mấy anh em của đại đội 5 (đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 7 gồm đại liên, B41 và cối 82) và cả đại đội 3 bộ binh đã lặn lội lại chiến trường xưa, tìm được cao điểm 995 Chư tan Kra, thắp nén nhang thơm để mát mẻ vong hồn đồng đội.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và một số Cựu chiến binh Trung đoàn Hà Nội đã đến tòa soạn bày tỏ lòng cảm ơn. Tướng Trị cho biết, trong tuần này ông sẽ tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Hà Nội và gửi đơn kiến nghị về vấn đề xây dựng khu tưởng niệm cho các liệt sĩ Hà Nội đã nằm xuống tại dãy núi Chư tan Kra của Kon Tum.
Mặc dù đã trải qua nhiều đơn vị trong suốt 7 năm chiến đấu, nhưng đại đội 1, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 vẫn là cái gốc của tôi. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi tìm nhau, quần tụ trong một hội cựu chiến binh để cùng các gia đình liệt sĩ C1 nhớ về một trận M2 máu lửa.

Mỗi lần tiếp xúc với các gia đình thân nhân liệt sĩ M2 Chư tan Kra, chúng tôi thực sự lúng túng khi nói rằng đơn vị không làm được đầy đủ công tác thương binh tử sĩ. Bởi lẽ trận đánh giằng co đến gần sáng, ta thương vong lớn, hết đạn hỏa lực, không tiêu diệt được hết quân địch nên phải rút ra, cùng lúc Mỹ cho pháo bầy, máy bay ném bom bắn phá hủy diệt. Mỹ đổ tiếp quân để tái chiếm trận địa. Các đồng chí trinh sát cho biết chiều hôm 26/3/1968 đó, lính Mỹ đã đem toàn bộ thi hài bộ đội ta chôn lấp tập thể. Đây là một việc rất đau lòng trong chiến tranh và cũng là điều day dứt của anh em bộ đội còn sống. Qua báo TT&VH, tôi cũng mong thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy hiểu cho hoàn cảnh lúc bấy giờ và thông cảm cho anh em chúng tôi.

Nhớ lại những ngày hào hùng và nhiều mất mát ấy, tôi càng thêm kính trọng, tri ân những đồng chí anh dũng của tôi đã ngã xuống trên đỉnh Chư tan Kra. Tâm nguyện tha thiết nhất của tôi, cũng là của anh em đồng đội tiểu đoàn 7, là mong các cơ quan chức năng Nhà nước tiến hành việc tìm hài cốt các chiến sĩ Hà Nội trận vong M2 1968 và dựng bia tưởng niệm ghi công, để tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #97 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 06:57:49 pm »


Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ.

Hồi 1968 xe chở lính đã vào đến 3 biên rồi ư?
Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #98 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 07:14:11 pm »


Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ.

Hồi 1968 xe chở lính đã vào đến 3 biên rồi ư?
Theo hồi kí bác Đồng Sỹ Nguyên thì có xảy ra:
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,94.20.html
Tuyến đường vào đến Plây Cần:
"...Đặc biệt trong số 12 tiểu đoàn xe nhập tuyến, có tới 4 tiểu đoàn chở súng, đạn B40, B41, súng 12,7 ly tới khu vực ngã ba biên giới..."
Hành quân bằng cơ giới:
"...Tháng 1 này quân qua tuyến vào chiến trường lên tới 45.000, đông gấp đôi tháng trước; có hai trung đoàn và hai tiểu đoàn với gần 6.000 quân được tổ chức hành quân bằng cơ giới..."
Không kích của địch giảm hẳn:
"...không lực Mỹ bị "hút" bởi các đòn tiến công của chủ lực ta vào thành phố, đô thị, và "chất men" của Tổng tiến công "Tết"… là động cơ, là lực đẩy cho những chàng "Tuấn mã Trường Sơn" tung nước kiệu, và những cánh "Đại bàng Trường Sơn" bay xa..."
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #99 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 07:24:17 pm »

Thank bác Na-pồ!  Cool
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM