Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:43:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323690 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 04:39:52 pm »

... Ngày này 34 năm trước...

      Cả Trung đoàn hành quân bằng xe ô tô suốt từ Đức lập, qua Sông Bé vào Bình Dương. Khí thế hừng hực. Chỉ có quân vào mà không có quân ra.

      Xe GMC lấy được của địch tại Cheo-reo ê chề. Ban hậu cần Trung đoàn hỏi xuống các đại đội bộ binh: có đồng chí nào biết lái xe?
      Tất nhiên là biết lái chứ không phải là lái xe, vì lái xe đâu có ở bộ binh. Tất cả những thằng biết lái xe đều được điều lên trung đoàn. Thằng Nhàn (Nam Hà) ở C tôi cũng lên. Không biết nó tập tọng học ở đâu mà cũng biết các động tác nổ máy, cài số, đạp ga, vặn Vo-lăng. Có lẽ nó chưa được lái xe tới nghìn mét. Không hề gì. Lên Trung đoàn tập huấn cấp tốc 1 ngày, nó cũng được giao 1 cái xe tải GMC để chở quân. Mỗi B bộ binh lên một xe. Mấy năm hành quân bộ rạc cẳng, nay được leo lên xe hành quân cơ giới sướng quá còn gì. Trung đoàn sắp xếp xen kẽ các tay lái, chạy trong đội hình, tốc độ chậm, lại chạy thẳng ban ngày, trong chúng tôi chỉ thấy sướng chứ không thấy sợ. Thế mà suốt mấy chặng đường dài, cả mấy chục xe chở cả Trung đoàn chẳng gặp sự cố gì.
       Qua nhiều vùng thấy bạt ngàn đồn điền caosu. Nhìn những hàng cây thẳng tắp rất sướng mắt. Các trạm nghỉ cũng trong rừng caosu. Nhưng thú thật là mắc võng trong rừng caosu không khoái bằng ở rừng. Cây mọc cách nhau xa quá, lại thấy cứ thông thống thế nào ấy. Nhìn phía nào cũng thấy lính, chỉ sợ mỗi chuyện địch nó phát hiện dội bom cho một trận thì khiêng nhau mệt. Nhưng có vẻ tình hình chiến trường bây giờ đang đổi khác. Suốt mấy ngày hành quân truy kích địch trên đường 7b từ Cheo-reo về đồng bằng Phú yên non tháng trước có thấy cái máy bay nào của địch đâu.

       Ngày 18/4 đã vào đến Bình Dương. Rừng lưa thưa. Chỗ này chắc cách xa địch. Đơn vị được bổ xung thêm tân binh. Lính mới nghe chuyện lính cũ vừa qua vài trận trong chiến dịch Tây Nguyên, thấy háo hức lắm, hăm hở chờ ra trận. Nhưng còn phải học chiến thuật đã. Lính cũ cũng phải học, vì chúng tôi đánh trong thành phố còn lớ ngớ lắm. Trận đánh Thị xã Tuy Hòa là trận đầu tiên trung đoàn đánh trong thành phố. Xung lực AK và M79 bắn không có vấn đề gì. Chúng tôi cứ nép dọc tường, hoặc tụt vào cửa nhà dân rồi lại thò ra bắn. Chỉ có B40 và B41 là có vấn đề. Lúc Đại đội vượt qua Nhạn Tháp đánh vòng sang đường Trần Hưng Đạo hướng ra biển thì vấp phải địch trụ lại chống cự. Đánh nhau trên mặt phố thì địch bị đẩy lùi dần. Khi vào đến gần bệnh viện (Tôi không nhớ Bệnh viện gì, nhưng chắc bệnh viện quân đội của VNCH, vì lúc làm chủ vào trong chỉ thấy toàn thương binh địch). Bọn địch trụ cả trên những căn nhà tầng 2, thò cả Rocket66 ra bắn vào đội hình đơn vị. Lính ta cũng điên tiết chổng B40, B41 lên bắn trả. Mấy thằng đứng xa chỉ bị tạt lửa nhẹ. Thằng Dung B tôi đứng gần quá, góc bắn cao nên khi quả B40 của nó nổ trúng một cửa sổ thì cu cậu cũng ngã lăn ra vì hơi lửa tạt làm xém cả quần và bắp chận. Nó nằm lăn ra giãy giụa. Thế là nó trở thành thương binh và đây cũng là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh của nó.

      Chính vì thế, lính cũ và mới đều phải tập hết. Ai cũng phải tập bắn B40 để lúc chiến đấu còn có thể thay thế. Chúng tôi làm những cái chòi cao giả làm nhà gác hai tầng, rồi tập ngắm bắn. Quan sát góc nâng của súng khi bắn để tập thói quen nhìn khoảng cách. Có nghĩa là chỉ được bắn xa ở cự ly nào đó thôi, tập nhìn cho quen.
      Được cái ăn uống lúc này quá no đủ. Tụi lính mới bổ xung được ăn sướng vậy nên không tin rằng các anh lính cũ ngày trước nhiều tháng đói vàng mắt, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn (Cái đói nó làm suy nghĩ con người nhiều lúc thấp kém thế đấy. Hạnh phúc mong ước nhiều khi chỉ là cả tiểu đội được một khúc dồi voi và nồi cơm đầy). Khoái cái nữa là ngay cạnh thao trường tạm ấy có một con suối nhỏ, rộng chỉ hơn 2 mét nhưng nước trong veo, mát vô cùng.

      Đêm 25/4, cả Tiểu đoàn chuyển quân. Du kích Củ chi dẫn chúng tôi về địa bàn của họ...

« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tư, 2009, 08:02:03 pm gửi bởi dongadoan » Logged

mig21q
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 04:46:21 pm »

Chào mừng bác CCB chống Mỹ - bác Trọng - Đại đội 6. Hehe, em cứ tạm dịch thế! Grin
Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 06:47:02 pm »

Chào mừng bác CCB chống Mỹ - bác Trọng - Đại đội 6. Hehe, em cứ tạm dịch thế! Grin

Nhiệt liệt chào mừng bác tham gia diễn đàn quansuVN.net,bác bắn loạt đầu công lực rất đầm ấm,chân chất của lính Việt cảm ơn bác,mong nhiều bài của bác.
Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 07:49:56 am »

Hân hoan đón chào đ/c CCB Trọng đại đội 6 dx ey .
QSVN nhiệt liệt chờ mong các hồi ức cực kỳ quí giá của đ/c.Nhớ càng nhiều càng ít nhé.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2009, 08:50:58 pm »

         … Cái địa đạo Củ Chi chủ yếu dùng trong thời còn Mỹ. Tụi Mỹ càn phá ghê quá, muốn bám trụ nên phải đào địa đạo. Rồi cũng lại phải sống luôn trong địa đạo vì tụi Mỹ thường càn bất thình lình. Sau 1973 thì không còn phải sống trong địa đạo nữa. Tụi lính VNCH cũng kiềng mặt khu vùng ven này.

   Cả Tiểu đoàn chúng tôi được vào thẳng một thôn. Bây giờ cũng chẳng còn nhớ cụ thể là thôn gì, chỉ biết nơi đó thuộc Củ Chi. Mỗi C về một xóm. Một B trú tại hai nhà dân liền nhau. Chỉ có BCH đại đội được vào nhà, còn lính tráng ở tất ngoài sân vườn. Trải nilon mà nằm chứ không mắc được võng. Vùng này an toàn nên du kích đi lại trên đường thôn đàng hoàng. Chúng tôi nghỉ là chính chứ không phải tập tành gì. Tất cả các cơ số đạn được bổ sung tại chỗ. Các B tổ chức lau súng đạn, gói thủ pháo và bộc phá, chủ yếu là bộc phá ống để phá hàng rào. Lúc này chúng tôi cũng chỉ đoán là sẽ đánh cứ điểm chứ cũng chưa biết sẽ đánh nơi nào.

   Ngày hôm sau, chúng tôi được phép đi lại trong xóm, thuộc phạm vi của đại đội. Cuối xóm có một cái quán bán dưa hấu. Tôi dẫn cả B hơn chục người đến đó. Lần đầu tiên sau mấy năm, chúng tôi tiếp xúc và giao dịch với dân bằng tiền. Chả là tôi có tờ 1000 đồng miền Nam.

   Nguyên do là ngay chiều 1/4 hôm đánh Tuy Hòa, lúc một tổ 3 người chúng tôi đang làm nhiệm vụ tảo thanh thì có 2 ông nhóc địa phương xán đến. Chúng chỉ độ 13,14 tuổi, Chúng nó líu ríu kéo chúng tôi đi theo. Một lúc sau mới biết không phải chúng nó chỉ chỗ nấp của tàn quân, mà là chúng dẫn chúng tôi đến một nơi gần như một chi nhánh ngân hàng gì đó. Đã có nhiều người dân tụ tập ở đó. Chả hiểu mô tê gì, một thằng bọn tôi cũng chiều ý họ, ra oai và nổ mấy phát AK phá tung cửa. Đám dân ùa vào. Rồi họ lại ùa ra cho một thằng nhóc tiến vào trong. Nó nhanh nhẹn lôi ở đâu đó một quả US cài vào cái tủ và rút chốt rồi lăn ra nấp. chúng tôi cũng chúi vào một góc khuất. Lựu đạn nổ xong mới thấy bay tung tóe ra cơ man nào là tiền. Đám dân xô vào cướp. Chúng tôi cũng ngẩn người ra như bò đội nón. Mãi đến lúc dân chạy hết, rồi một thằng bé dúi vào tay tôi một tờ tiền trước khi lủi mất, thì ba chúng tôi mới chợt nhận ra là mình vừa tham gia thụ động vào một vụ cướp nhà băng. Lại giật mình nhớ lại động tác cài lựu đạn của thằng bé lúc nãy. Sao nó thành thạo thế và không hiểu nó lấy đâu ra quả lựu đạn. Mất cảnh giác quá, may mà không ai bị sao.

    Tôi đã cất cái tờ tiền mệnh giá 1000 đồng có in hình ông Trần Hưng Đạo ấy vào túi định giữ làm kỷ niệm. Bây giờ lính tráng muốn ăn dưa hấu, dân lại không cho như trên vùng đồng bào dân tộc thì mới chợt nhớ đến cái tờ 1000 đ ấy. Tôi đưa tờ tiền ra, mới biết là giá trị nó quá to vì cô bán hàng nói là cả bọn chúng tôi cũng không thể ăn hết được dưa ứng với tờ tiền ấy. Đúng thế thật. Chúng tôi ăn chán chê, cuối cùng chỉ hết có 300đ, còn được trả lại 700đ.

   Suốt cả ngày hôm 27/4 tôi đã quan sát ngôi nhà nhỏ nằm kế bên nhà B tôi trú nhờ. Nhà có 4 mẹ con. Đứa con gái lớn 14 tuổi, còn hai đứa em còn bé, một trai một gái. Đôi lần trong ngày, đứa con gái đi qua sân của ngôi nhà tôi trú. Tôi chú ý đến khuôn mặt trái xoan với vẻ đẹp buồn của nó. Phải thú thật rằng tôi đã hành quân qua nhiều làng quê đất Bắc, nhiều đợt phải đi tiền trạm liên hệ nơi nghỉ đêm cho đơn vị. Chúng tôi xin nhờ dân từ nếp nhà trú đêm, nước tắm giặt, thậm chí cả củi rạ nấu cơm. Đa phần các làng không còn thanh niên. Họ cũng ra chiến trường như chúng tôi. Trong làng chỉ có phụ nữ, người già và trẻ em. Giúp đỡ bộ đội lúc đầu chủ yếu là dân quân nữ. Nhưng tôi đặc biệt thích các em gái 14 tuổi. Các bạn CCB hãy nhớ lại xem, thuở ấy của các bạn ra sao. Ngẫm một chút đi sẽ hiểu tại sao lại thế. Nhờ quen các cô bé 14 tuổi, tôi luôn nắm nhanh được tình hình trong thôn và hỏi được các nhà đồng ý cho bộ đội nghỉ nhờ chỉ trong một vòng  lượn.

   Bây giờ tôi không còn nhớ tên cô bé 14 tuổi đất Củ chi ấy, nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt to, đẹp và đượm buồn của em. Một chút gì xao xuyến. Nhưng tình cảm đó là trong sáng, đừng ai hiểu lầm gì. Rồi tôi biết tại sao mắt cô bé đượm buồn. Ba cô là một người lính cộng hòa chết trận. Mẹ cô đang ốm. Thật lạ lùng là giữa cái mảnh đất "Củ Chi đất thép" ấy tưởng chỉ toàn có quân ta, thế mà vẫn có người đi lính cộng hòa. Có thể đó là lý do khiến du kích địa phương không cho chúng tôi vào ở nhờ nhà đó. Rồi tôi biết nhà cô bé đang hết gạo ăn, chỉ toàn ăn cháo. Tôi là người đa cảm, hay chạnh lòng trước cảnh khó của người khác, nên cứ thấy day dứt.

   9 giờ tối 27/4, đơn vị báo động hành quân ra trận. Tranh thủ lúc í ới tập hợp, tôi kéo nhanh thằng Sai (dân Hà Bắc) cùng B chạy sang nhà cô bé 14 tuổi. Mấy đứa trẻ vẫn thức bên ngọn đèn dầu cạnh người mẹ ốm. Tôi dúi vào tay cô bé 700đ tiền ăn dưa còn hôm trước và bảo thằng Sai cùng tụt nhanh hai ruột tượng gạo (mỗi cái 7 ký) của 2 đứa xuống. Tôi nói nhanh: "Các chú cho gia đình cháu, thôi đừng nói gì cả", rồi hai thằng tôi chạy nhanh ra chỗ tập hợp. Thấy thằng Sai hơi thắc mắc, tôi bảo: "Nhà đó toàn con nít, má nó ốm. Đừng lo chuyện gạo. Nếu thành tử sĩ thì tao với mày có còn ăn được đâu. Còn nếu thắng, lấy gạo của địch, lo gì". Tôi thường hay có quyết định đột xuất, quyết đoán và liều lĩnh như thế đấy. Chuyện được giấu kín. Sau trận đánh mấy hôm sau, đồ lấy của địch thừa mứa, còn ai hơi đâu lo chuyện gạo ta hay gạo địch.

   Nhưng đêm đó vẫn chỉ là báo động giả. Hành quân đi ra ngoài thôn độ ngàn mét, dừng lại nghỉ một tiếng cho nó có khí thế rồi lại quay về. Hôm sau (28/4) mới là một ngày bận rộn thật sự chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của Trung đoàn…
Logged

dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2009, 08:52:55 pm »

Bác Trongc6, em tách những bài của bác ra thành một topic riêng nhé? Bác muốn đặt tên là gì? Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2009, 09:04:40 pm »

Báo đ/c Trongc6, hình như có nhầm 1 chi tiết. Hòi đó tờ 500 đồng có in hình ông Trần Hưng Đạo là có mệnh giá lớn nhất mà?
Logged
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 10:05:37 am »

"Bây giờ tôi không còn nhớ tên cô bé 14 tuổi đất Củ chi ấy, nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt to, đẹp và đượm buồn của em. Một chút gì xao xuyến. Nhưng tình cảm đó là trong sáng, đừng ai hiểu lầm gì. Rồi tôi biết tại sao mắt cô bé đượm buồn. Ba cô là một người lính cộng hòa chết trận. Mẹ cô đang ốm. Thật lạ lùng là giữa cái mảnh đất "Củ Chi đất thép" ấy tưởng chỉ toàn có quân ta, thế mà vẫn có người đi lính cộng hòa. Có thể đó là lý do khiến du kích địa phương không cho chúng tôi vào ở nhờ nhà đó. Rồi tôi biết nhà cô bé đang hết gạo ăn, chỉ toàn ăn cháo. Tôi là người đa cảm, hay chạnh lòng trước cảnh khó của người khác, nên cứ thấy day dứt."

Chào bác Trongc6 ! Bác là lính trinhsat có phải không ạ? Vì em thấy trinhsat thường có cái nhìn vào bên trong như thế này!
Chúc bác khoẻ và viết đều tay!  Cheesy
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 10:25:39 am »

Bác Trọng là f320 rồi, bác tiếp đi , chuyện của bác tuyệt lắm. Chúc bác khỏe thường xuyên tham gia vào QSVN
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 10:55:17 am »

     Chào tất cả các đ/c và các bạn.

      Không biết tôi có viết được nhiều và liên tục những chuyện thường và vụn vặt của một thời lính không nữa. Vì thế các bác đặt ở đây hay bỏ ra topic riêng cũng được, tùy các bác. Còn cái tên đâu có quan trọng gì nhiều. Chỉ là dạng nhớ lại pha chút suy ngẫm thôi mà.

       Mà tự nhiên lại nghĩ vơ vẩn thế này:
       Nếu từ từ mà viết dông dài cả quãng đời quân ngũ của mình, liệu có làm rác tai các bác?
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM