Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:24:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 324288 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #550 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2011, 10:09:18 am »



   Hôm sau chúng tôi lại hành quân tiếp về hướng đường 231. Lúc này chợt có cảm giác đội hình hành quân không đông, hình như chỉ có C6 chúng tôi thôi thì phải. Sau này được biết đúng là thế, cả trung đoàn vẫn nằm im, còn các đại đội khác cùng D và tiểu đoàn bộ hành quân ra vùng bản Sen Vàng giáp gianh Saravan. Vùng này có nhiều bản quần tụ đông đúc, tha hồ mà giao lưu với dân, tha hồ mà "phòn" (múa") với các cô gái mỗi đêm. Dân Lào kể cũng lạ, chả phải ngày hội hè gì, hễ cứ có giao lưu là đốt lửa uống rượu và múa. Điệu "phòn" của Lào khá đơn điệu, chỉ học độ mươi phút là nhún nhẩy và uốn éo chân tay được.

   Nhưng thôi, đấy là việc của người khác, còn mấy chục lính C6 chúng tôi vẫn cặm cụi hành quân ra vùng giáp gianh với địch. Càng đi càng có cảm giác bản làng thưa thớt vì chỗ nào cũng như bỏ hoang, chả có nương rẫy gì. Rừng cũng không phải rừng già âm u mà khá thưa, nhiều chỗ đi qua cánh rừng có rất nhiều loại cây có dây leo chằng chịt. Mấy lính người dân tộc cứ cố nghển cổ tìm cây Gắm (một thứ cây cho quả, chà xát kỹ, rang lên ăn khá bùi, chống đói) mà không có. Tại một chặng, chúng tôi đi qua một dẻo đất kiểu như thung lũng có bùn đất và nước lấp xấp, các loại cây dại ăn được như rau càng cua, tập tàng mọc khá nhiều. Lính tráng thi nhau hái, đi đến đâu hái trụi đến đấy. Tới bữa tập trung lại cho anh nuôi là có món canh cải thiện ngon lành. Loại rau này ăn lành, vùng quê nào cũng có. Ở ngoài Bắc chỗ bãi tha ma gần nhà tôi có loại rau rền cơm mọc dại, loại này nếu chịu khó hái, nấu ăn còn ngon hơn loại rau rền trồng.

   Tại một chỗ khác, chúng tôi thấy có nhiều rau mọc lan trên mặt đất, trông từa tựa rau muống. Tôi nghĩ đến loại rau muống Mèo mọc vùng Tây Bắc mà trong những truyện ký của cha anh về Điện Biên Phủ có nói tới, định hái một ít thì anh Thanh ngăn lại. Anh ấy bảo rau này trông đẹp vậy thôi nhưng không ăn được, ngộ độc có ngày. Các lính dân tộc mà đã nói là phải nghe theo rồi. Chúng tôi đã gặp vụ hái phải nấm độc hồi mới được bổ sung về tiểu đoàn, bây giờ vẫn còn nhớ rõ.

   Chiều tối, chúng tôi đến trú quân tại một cánh rừng rậm, có nhiều cây leo. Nền đất nơi đây khá ẩm ướt. Bếp ăn được ưu tiên chọn chỗ cao khô ráo nhất, còn lại chia trú quân, mắc võng mà nằm. Tất nhiên địa hình thế này không phải đào hầm, vậy là sướng rồi.

   Lúc này C6 chúng tôi được tiểu đoàn cho 2 trinh sát và 01 điện đài đi phối thuộc cùng. Điện đài là máy 2W của Liên -xô (không biết tên là K10 hay PRC10 gì đó, loại đeo vai như balo, màu cứt ngựa, có cái anten cần có 3 râu lá lúa). Lúc dừng chân, thằng lính thông tin chăng một sợi dây lên cành cây làm anten để thu được xa hơn. Lúc thanh bình này, nó hay nghe tin tức qua đài Tiếng nói Việt Nam, có khi cho vài anh em nghe ké. Đêm đó tiểu đoàn lại chỉ tọa độ mới và lệnh cho chúng tôi hành quân tiếp.

   Hôm sau, chúng tôi đi thêm chừng hai chục cây số nữa, vượt qua đường 231 sang phía Tây chừng hai cây số, thuộc đất của địch. Con đường 231 là đường lớn chứ không phải loại đường xe bò, nhưng cũng chỉ là đường đất, cây hai bên đường mọc xòe ra che kín nhiều phần đường. Chúng tôi dừng chân trong một cách rừng già, bố trí các trung đội theo vòng tròn và tổ chức đào hầm chữ A hẳn hoi. Cánh rừng này khá rậm nhưng nhiều cây con, ai muốn mắc võng hay nằm đất sát miệng hầm thì tùy.

   Hôm ấy là ngày 24/3/1973, Hiệp định Viên Chăn mới trôi qua hơn một tháng.

   Tại cánh rừng này, cả đại đội tôi nằm trú quân khoảng 10 ngày, đủ một cơ số gạo 7 kg. Theo trinh sát dẫn đường và bố trí, hàng ngày có một B lùng sục về hướng Bắc, nơi phán đoán có địch đóng quân. Vì không phải mục đích đánh căn cứ nên trinh sát không bám địch đến tận nơi đóng quân của chúng. Họ chỉ báo là có gặp các tốp địch ở phía đó thôi. Vậy mà chúng tôi cũng được lệnh là nếu lùng sục mà gặp địch thì vẫn phải nổ súng, ở nhà sẽ ra chi viện. Cái khó là ở vùng này, chỉ chệch cánh rừng chúng tôi trú quân độ hơn trăm mét là cảnh rừng gần giống Saravan. Toàn cây cối lưa thưa như cây khôộc xen lẫn rất nhiều ụ mối. Không có đường, phải nhắm hướng nên chỉ đi xa lắm độ hai cây số là phải quay về để khỏi lạc. Phía đường 231 hướng về ngã Ba Lào Ngam thì cách một ngày cũng có một B đi lùng sục hướng đó, cũng chỉ men đường đi độ hai cây số thì về. Những lần đi qua hướng này, chúng tôi rất yên tâm vì những dấu vết trên đường luôn chứng tỏ không có người qua lại. Vậy là địch nó cũng chả mò ra đến đây.

   Ngoại trừ các B đi lùng sục, A cối 60, anh nuôi, y tá và B còn lại toàn chơi tiến lên và ngồi tán chuyện gẫu. Ban đêm tuy có tổ chức gác, nhưng tinh thần trực chiến xem ra lỏng lẻo. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu tình hình gay gắt thì tại sao ở hướng này, cả trung đoàn mà chỉ có mỗi một C với hơn ba chục người ra đứng chân cách xa đại quân tới ba chục cấy số thì làm ăn được gì nếu có địch thực sự. Vì vậy khi đi lùng sục theo đường 231, chúng tôi cố gắng tìm dấu vết bản cũ hay cái nương bỏ nào đó để tìm rau, nhưng không gặp. Một vài đêm, chúng tôi tổ chức đi chém cá. Trong cánh rừng này có con suối đá khá rộng chảy qua, nước sâu đến đầu gối. Chúng tôi huy động Pin lấy từ đợt đánh Păk Soòng để đi chém cá. Cá ở đây không nhiều, chỉ to độ ngón tay cái. Ban đêm cá ngủ, nhưng dùng loại dao tông của Mỹ (dao mỏng, to bản) luồn xuống nước kê ngay gần con cá ngủ trên phiến đá rồi "phập" nhẹ một cái là con cá đứt đầu. Hai thằng với hai đôi pin là một tối được một gô cá cho cả đơn vị nấu canh chua (lá chua rừng không thiếu). Được vài đêm thì nguồn pin xem ra có vẻ hao quá, lại thêm một lần gặp phải cá rắn. Con này là cá chứ không phải rắn nước, nó to và dài giống con lươn nhưng bơi lượn rất nhanh. Mấy lính người dân tộc bảo loại cá rắn này còn độc hơn rắn hổ mang trên cạn, và chính họ có ý kiến rút lui trước nên chúng tôi cũng chờn. Thế là chuyện chém cá phải dừng lại.

   Một lần, sau khi chúng tôi ở đây một tuần gì đó thì hai lính trinh sát D báo rằng họ đã phát hiện ngoài bãi trống cách chỗ chúng tôi chừng cây số có khoảng một B của địch thường đi lùng sục qua. Lâu không đánh nhau, không có thành tích nên Ban chỉ huy đại đội cũng ngứa ngáy, liền lập ngay phương án tác chiến. Hôm sau, một B tăng cường chúng tôi (khoảng chục lính) theo trinh sát mò ra phục kích. Đường đất có thành hình gì đâu, nên tất cả cứ theo ý trinh sát rồi chia ra ba tốp nằm phơi lưng sau 3 ụ mối hướng về một phía chờ đợi. Chờ hết buổi sáng không thấy gì. Chỗ này trơ khấc không hầm hố nên thấy khó chịu lắm, mọi thứ cứ tơ hơ ra, thuốc rê cũng không dám hút, mồm miệng nhạt thếch. Đang định nếu trưa đứng bóng không có địch thì rút về cơm nước thì địch lù lù xuất hiện. Một đám chục tên đội hình hàng dọc, không phải tiến qua trước mặt, mà chúng đi ngay từ phía sau lưng chúng tôi, cách độ chỉ dăm bảy mét. Nếu như cách nhau qua ụ mối thì chúng tôi đã nổ súng vì có vật che khuất, đằng này nó đi qua thì mình đang nằm phơi lưng ra huớng địch nên phải nằm im vì ngọ nguậy một cái là lộ ngay. Chúng tôi cứ nằm chịu trận như thế chờ cho tốp địch đi qua rồi khuất dần mới dám ngồi dậy thu quân. Về nhà, nhiều người chúng tôi cho rằng địch nó nhìn thấy mình rồi, nhưng nó không muốn đánh nhau mà thôi. Có vẻ như nó cũng muốn hòa bình yên ổn. Tư tưởng lính như thế khiến BCH đại đội cũng phân vân với ý định mò mẫn đánh địch tiếp. Sau đó điện về tiểu đoàn, cấp trên cũng chủ trương chốt giữ là chính nên chấp thuận cho C6 chúng tôi lên kế hoạch rút. Hai ngày sau, lại theo lệnh tiểu đoàn, cả đại đội được trinh sát dẫn đường mò sâu đến một cánh rừng cách đó hai cây số, tìm ra một cái kho đạn cối 60 có độ trăm quả chia nhau cùi về. Qua đó, tôi biết vùng này khi trước đã có tác chiến và quân ta đã từng đóng quân ở đây rồi.

   Lấy đạn cối xong, cả đại đội lại rút về phía Đông đường 231, tới đóng quân lại ở chỗ khu rừng có nhiều cây leo mà mươi ngày trước chúng tôi đã dừng chân một đêm.

   C6 chúng tôi vẫn phải trụ lại đây chứ không phải được rút về khu bản Sen Vàng cùng tiểu đoàn. Hàng ngày chúng tôi vẫn phải tổ chức đi lùng sục ra các hướng, đi rất xa nhưng chỉ theo từng nhóm 3 người. Cái hướng hay phải đi nhất vẫn là trở lại đường 231. Trong một tuần ở đây, ngày nào A tôi cũng phải đi lùng sục, có tăng cường thêm một lính nữa của A khác. Một tuần liền anh Thanh trổ tài săn bắn. Cứ ra khỏi nơi đóng quân khoảng dăm bảy cây số là anh Thanh nhận đi trước cách độ năm chục mét. Chỉ một lúc sau, nghe "đoàng" một tiếng chúng tôi chạy lên là đã thấy anh Thanh tươi cười với chiến lợi phẩm là một chú gà rừng rồi. Vùng này đặc biệt nhiều gà rừng. Đí đông người thì chúng bay hết, nhưng đi ít người và lặng lẽ thì nhất định gặp chúng đang kiếm ăn theo cả đàn. Anh Thanh chỉ việc chọn một con ngon mắt rồi khai hỏa là xong. Vì vậy đi lùng sục, trưa nào chúng tôi cũng có gà rừng ăn với xôi và muối đơn vị phát cho từ sáng đem theo. Đa phần là vặt lông sống rồi kiếm cái gì đó để luộc, có lần hứng lên mà chỗ nghỉ trưa an toàn thì nướng. Có điều là săn bắn khi đi làm nhiệm vụ lùng sục nên anh Thanh không dám bắn thêm đem về cho đại đội cải thiện, mà chỉ ba anh em ăn và biết với nhau thôi. Kể ra như thế cũng không hay, nhưng cái tình thế nó vậy nên phải chịu. Nhất là anh Thanh lại đang là đối tượng kết nạp Đảng.

   Một lần chúng tôi còn mò sang đường 231, đến cánh rừng chúng tôi đã ở mười ngày trước thì phát hiện địch nó đã mò vào đó và phá tan hoang các hầm của chúng tôi. Dấu vết bếp anh nuôi cũng bị cày sới lung tung. Chắc chúng cũng bực vì quân ta lấn sang chỗ chúng nó sâu quá. Rất may bọn địch không ma quái chứ nếu chúng cứ gài đại vài trái mìn ở đây thì chúng tôi thiệt hại to rồi. Trưa hôm đó nhóm chúng tôi vẫn ung dung ra bờ suối làm thịt gà cho bữa ăn trưa, nhưng tự nhủ từ sau sẽ không quay lại chỗ này nữa.

   Một lần khác anh Thanh dẫn chúng tôi đi lùng sục nhưng không vượt qua đường 231 mà cứ đi dọc theo đường rất xa về hướng Ba Lào Ngam. Đi xa đến mức phát ngại và hơi lo vì sợ lọt vào chốt địch. Thế mà may không hề gì, chúng tôi còn gặp một cái bản cũ. Nhà cửa không còn nhưng cây cối hoang vu tuy không người chăm sóc vẫn ra quả. Chúng tôi khẩn trương hái mấy quả mít đem về cho đại đội cải thiện. Mít còn non nhưng đem về xào thì rất ngon. Món này năm ngoái trong cao nguyên cũng là thức ăn loại ngon mà chúng tôi hay nhắm tới khi đi cải thiện.

   Giữa nửa tuần đầu tháng tư, C6 chúng tôi lại thu quân trở lại bản Noọng Bua và tổ chức làm nhà cạnh đó để trú quân. Vì là mùa khô nên làm nhà cũng đơn sơ, gọi là có chỗ che nắng. Mỗi B là một nhà, bên cạnh nhà vẫn đào lấy lệ một cái hầm chữ A.

   Như vậy về tình hình nhìn chung là toàn trung đoàn 9B chúng tôi gần như đã rút hết ra khỏi cao nguyên Boloven để chuyển ra vùng Saravan. Chỉ còn mỗi C6 chúng tôi là còn đang ở trên đất cao nguyên, quân số hơn ba chục người. Gọi là đứng chân cắm chốt, nhưng với lực lượng như thế thì chỉ là chiếu lệ. Bầu không khí hòa bình tràn ngập khắp đơn vị.


Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #551 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2011, 01:23:13 pm »

@Trongc6: Đọc chuyện của bác tôi phảng phất như được đọc nhưng trang viết về rừng Lào của nhà văn Vũ Hùng, người mà ngay từ nhỏ tôi rất mê đọc sách của ông.

Cám ơn bác đã cho chúng tôi thêm 1 cái nhìn của cuộc chiến đã đi qua về những con người trong cuộc chiến đó.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
th.vanh
Thành viên

Bài viết: 1



« Trả lời #552 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2011, 03:46:24 pm »

Bác Trong C6 kể đoạn bắn hổ thấy hay như "Đất rừng Phương Nam" của Đoàn Giỏi !
Logged
dungthanhcong
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #553 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2011, 02:54:11 pm »

@bác PhongQuang.

       Sư 320 thời chống Mỹ nằm địa bàn B3 (Tây Nguyên). Tháng 5/1973, Trung đoàn 52 của sư 320 bị rút đi bổ sung cho chiến trường Quảng trị (Nó nhập vào sư 325 thì phải). Thế là E9B bị cắt ra khỏi sư 968 và bổ sung cho sư 320A. Mãi đến tháng 8/1975, trung đoàn 9B mới trở lại đội hình sư 968 và ở đó cho đến ngày hôm nay. Đúng như bác PhongQuang đã nói, bây giờ sư 968 thuộc QK4 và đóng tại Quảng Trị

Trung đoàn 52/f320A  - tên truyền thống là trung đoàn Tây Tiến - bổ sung cho chiến trường QT nhưng không về 325. Tại QT lúc đó f320B chỉ có 2 e là 48 và 64 sau đó e27 của QK Trị Thiên sát nhập vào 320B. Thời kỳ đó chúng tôi chưa nghe thấy tên e52.

Gốc gác của f320 từ thời đánh Pháp có 3 e là 48 (Thăng Long), 52 (Tây Tiến)  và 64 (Quyết thắng).

Bác ơi lúc f320 vào Củ chi và đánh Đồng Dù thì trước đó E52 được bổ sung cho Khu 5, quần nhau mãi ngoài Ba tơ, Nghĩa hành sau đó thẳng tiến. Tháng 5/ 1975 thì trở về đội hình f320 và đóng tại Đồng Dù_Củ Chi
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #554 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2011, 10:15:09 am »


   Trung đội tôi không phải là trung đội chủ công của đại đội, mà là trung đội chuyên về chốt giữ. Bởi thế nên trong khi cả đại đội còn đang nghỉ chân tại bản Noọng Bua, chỉ có cùi gạo ăn và tập tành vớ vẩn mấy loại vũ khí, sau đó là học những bài chính trị đã thuộc lòng, thì ngày 10/4/1972, B5 phải hành quân trở lại đường 231, nhưng nhằm hướng Keng Nhao. Cả trung đội có 8 người, được tăng cường 1 y tá và 1 anh nuôi, vừa tròn một chục. Không có cán bộ C nào đi cùng. Trinh sát tiểu đoàn chỉ dẫn chúng tôi đến vị trí tập kết rồi quay về. Đoạn đường 231 chỗ Keng Nhao này cong vênh về hướng sông Me Kông hay sao ấy, nên đường đi từ bản Noọng Bua đến đó cũng phải gần ba chục cây số. B5 chúng tôi sẽ phải đến đó lập một cái chốt, cắm một cái cờ Pathet Lào làm mốc rồi ngồi đó mà canh giữ. Thời gian này, nhiệm vụ của chúng tôi gọi là "giữ cờ". Chúng tôi chỉ lo ngồi chốt trông giữ cờ thôi, còn gạo tiếp tế sẽ do các B khác cùi ra. Tất nhiên nếu có đánh nhau thì khắc có chi viện.

   Trọn một ngày trời, trinh sát dẫn B5 chúng tôi đến nơi trú quân mới. Ở đây không có dấu vết bản, chỉ là một cánh rừng già cây to cao vút, mọc thưa và xen lẫn trong rừng có rất nhiều ụ mối nhỏ, đường kính chỉ chưa đến hai mét. Có một cái nhà sàn bằng gỗ cây dựng ở đó, không biết trước kia của ai. Chúng tôi đoán của bọn coi kho mặt trận hay tụi lính E39 làm nhiệm vụ dân vận. Nhà chỉ còn sàn và mái che, đủ chỗ cho cả chục người nằm, còn vách xung quanh mất hết cả.

   Hôm sau chúng tôi triển khai vị trí cắm cờ. Đi xa qua vài cái nương bỏ không, cách độ 2 cây số thì tới. Đó cũng là một cái bản bỏ khá rộng nằm cạnh đường 231, chỉ còn dấu vết nền nhà và rất nhiều cây ăn quả, nhiều loại quả lạ như Vú sữa, Sầu riêng nhưng nhiều nhất là xoài. Chúng tôi chọn một cây to nằm sát đường và tương đối độc lập để trèo lên đó buộc một cái cờ Pathét, sao cho từ xa mà trời quang thì có thể nhìn thấy cờ. Cắm mốc thì cũng phải cho địch nó nhìn thấy để báo hiệu đây là gianh giới của ta chứ. Trong bản và một vị trí bên rìa khác, chúng tôi đào ba chiếc hầm làm ba điểm chốt có thể chi viện được cho nhau. Tại vị trí nào cũng có thể nhìn thấy cờ và bắn M79 tới đó được. Tuy không nhìn thấy sát gốc cây cắm cờ vì cây lúp xúp mọc um tùm quanh đó che khuất, nhưng nếu bọn địch trèo lên lấy cờ thì chúng tôi sẽ biết mà nổ súng. Còn nếu chúng tương đạn cối từ xa để hạ cờ thì cũng phải đành chịu. Chắc lúc đó cấp trên sẽ có biện pháp khác. Nhưng cứ hình dung tất cả lực lượng chỉ có mươi người, súng ống là loại trang bị cá nhân, mò xa cách đơn vị tới vài chục cây số thì chuyện giữ cờ chỉ là hình thức, chứ đánh nhau thật thì chốt kiểu này chỉ một ngày là bật. Chắc trên khắp các chiến trường, chỉ có chỗ chúng tôi mới có kiểu  chốt giữ như thế này thôi.

   Thế là hàng ngày cơm sáng xong, cứ khi trời bảnh mắt thì 6 lính chúng tôi có mặt tại vị trí cắm cờ để ngồi chốt. Ngoài cơm nắm nấu sẵn mang theo ăn trưa, nước uống chúng tôi cũng phải mang từ nhà cách xa 2 cây số ấy (Tức là ở cái chỗ nhà sàn bỏ hoang trong rừng ấy. Gần chỗ ấy cũng tìm thấy một cái lạch nhỏ đủ cung cấp nước ăn cho vài chục người, nhưng nếu muốn tắm thì cũng phải có cách mới gạn nước lên mà tắm được). Đơn giản là vì cái suối mà dân bản ở đây (chỗ giữ cờ) lấy nước lại phải đi vượt qua đường 231 sang phía địch. Bốn lính ở nhà lo việc cải thiện và nấu cơm chung cho cả bọn. Nếu không có gì xảy ra thì trước lúc hoàng hôn, nhóm lính chốt chúng tôi phải rời chốt để kịp về nhà trước khi tối hẳn. Buổi tối chúng tôi đốt lửa sáng để ăn cơm, sau đó ngồi chơi "tiến lên" đến tận 9 giờ. Nước uống chỉ là nước suông vì không còn chè. Ban đêm chúng tôi không gác (thật chủ quan), nhưng B trưởng Dũng không cho tất cả cùng ngủ trên nhà sàn mà bắt 4 thằng thay nhau tách ra xa mắc võng ngủ ngoài rừng để làm thế chân vạc phòng khi có địch. Nói trước luôn là suốt thời gian ở đó, không có tốp địch nào dám tập kích chúng tôi.

   Chuyện ngồi chốt thì không có gì đáng nói, chỉ có một vài nét sau để ghi lại kỷ niệm trong thời gian một tháng rưỡi trời ở đây. Trước hết là chuyện cải thiện. Biết rằng khu vực này chỉ có mỗi trung đội mình nên anh Dũng triển khai ngay chuyện cải thiện để bồi dưỡng sức quân. Trong thời gian ngồi chốt, có hôm vừa mới sáng vào đến chốt, chúng tôi đã thấy có những bầu nước để sẵn cạnh hầm chốt. Đầu tiên thì nghi ngại, dò xét, sau thì biết dân Lào họ về bản cũ, thấy có hầm bộ đội thì thương tình mang nước tiếp tế, kết hợp hái hoa quả ở đó. Dân họ không có rau nên cũng tôi cũng đành biết vậy, chỉ nhận nước của họ thôi, nhưng cũng chỉ độ dăm lần. Hoa quả ở đay khá nhiều. Những cây xoài cao thấp đủ loại, quả chưa chín nhưng già và to. Mỗi quả xoài úp hai lòng bàn tay không che kín hết. Đây là lần đầu tiên tôi thấy xoài to như vậy. Ở ngoài Bắc chỉ toàn thấy muỗm, quả nho nhỏ thôi. Thế là chúng tôi hái về, nhưng món đó chỉ ăn cho vui (như khoai lang sống) chứ không làm thức ăn được. Sau thời gian chốt ở đó thì vườn xoài cũng nhẵn quả. Còn có hai thứ quả nữa cũng nên nhắc đến. Một là Sầu riêng. Nghe nói đây là đặc sản Nam bộ (Việt Nam), nhưng vùng này thổ nhưỡng thích hợp nên cũng có nhiều. Nhờ anh Dũng hướng dẫn nên chúng tôi mới biết giá trị của nó. Theo tôi, nó cũng là một loại mít, hương vị khá đặc biệt. Thế mà trong khi mọi người khen ngon thì vẫn có 2 lính không dám ăn, dù lính tráng chúng tôi khi đó ăn rất tạp. Chúng nó giải thích mùi này tương tự như kiểu mùi mắm tôm, ai ăn được thì cho là rất ngon, ai không ăn được thì ghê cả đời. Nhưng có một loại quả nữa ở đây, tôi cho là rất lành và rất tuyệt. Đó là quả vú sữa. Cầm nắn cũng thích (mà dứt khoát là phải nắn, nắn nhiều thì ăn mới ngon), còn ăn thì no không chán, chẳng bao giờ nóng người hay đau bụng. Hai thứ quả này dọc đường 23 trên cao nguyên Boloven có trồng nhiều, nhưng lính ở đó đông quá nên chỉ ở đây, chúng tôi mới được thưởng thức tự do và thoải mái như của riêng mình.

   Khu rừng chỗ cái nhà sàn chúng tôi trú quân hàng đêm rất kín đáo. Cây cao, bóng mát và dưới gốc khá quang đãng. Vì có nhiều ụ mối nên những hôm không đi chốt, tôi mò ra xem mối. Mối ở đây rất to, đầu con mối phải bằng hạt đỗ đen, cứng và nâu bóng. Chúng gặm mọi thứ lạ rào rào. Vô tình mà bị con mối bò lên chân, khuơ hai cái càng như hai lưỡi kéo xoẹt qua một cái là rách da như bị đứt do lưỡi lam rạch, máu tứa ra không gì ngăn được. Vô phúc chân trần dẫm đúng ổ mối thì chỉ trong một phút, trên da thịt mình đã có dăm bảy vết cắt như vậy rồi, một lát sau máu tứa ra mới thấy buốt. Đánh rơi cái ba lô xuống sàn thì chỉ qua một đêm nằm trên đất, cái balo đã bị mối ăn không còn đáy. Sau này tôi còn qua nhiều cánh rừng có ụ mối nữa, nhưng chỉ gặp ở đây giống mối to và dữ như thế.

   Điều đặc biệt là tuy mùa khô không có rau, nhưng khu rừng ở đây thì lại bạt ngàn cây "phac van" (rau ngọt - tiếng Lào) mà ở Trường Sơn bộ đội ta hay gọi là cây rau mì chính. Cây nhỏ, thân cứng mọc nguềnh ngoàng như kiểu cây rau ngót, nhưng cành thưa và lá to hơn nhiều. Rau ăn chẳng có vị gì rõ rệt, nhưng đem nấu lên thì nước của nó rất ngọt. Thế là chúng tôi tạm yên tâm về khoản rau. Ở đây được hai ngày thì anh Thanh phát hiện khu vực có gà rừng cách đó chỉ hơn cây số. Thế là anh Thanh không phải đi chốt nữa mà chuyên làm nhiệm vụ bắn gà cải thiện. Thời gian ở đó ngày nào cũng bắn được gà, có hôm được hai con. Gà rừng nhỏ con nhưng thịt của nó thì rất ngon. Anh Thanh còn bày ra những trò đặt bẫy nên đôi lúc chúng tôi còn được ăn cả nhím, chồn và rắn. Chuyện ăn thế là ổn. Đặc biệt có một lần chúng tôi còn kiếm được cả một con hoẵng (họ nai) chừng ba chục cân.

   Chuyện là thế này. Vốn đã được học công binh và cũng có chút tai quái nên tôi nghĩ ra cái trò bẫy mìn ở chỗ cắm cờ. Mìn thật thì không có, lựu đạn lúc này cũng không dư thừa nên tôi lấy hai bánh TNT gói lại như quả thủ pháo. Thay vì có nụ xòe điểm hỏa, tôi vót một que gỗ vừa bằng lòng cái kíp nổ. Một đầu tôi vót nhọn và cắm vào trong cái kíp, sát gần mắt ngỗng. Tôi đem chôn quả thủ pháo đó ngay dưới chân cái cây có cắm cờ Pathet. Nếu tên địch nào mò đến cờ dẫm lên, cái que nhọn chọc vào mắt ngỗng là "bùm". Hàng ngày chúng tôi vẫn ngồi chốt bình thường, cũng không tin tưởng địch nó mò đến nên tôi cứ kệ thế, không kiểm tra hàng ngày. Một hôm vào lúc chiều, mấy thằng ở chốt đang ngồi lặng lẽ nhai xoài cho đỡ buồn thì "bùm" một tiếng rất to ở chỗ cắm cờ. Tất cả lăm lăm súng nhưng chờ mãi chả thấy gì thêm, cũng chẳng nhìn thấy gì rõ ràng. Có đến hai chục phút trôi qua, chúng tôi mới yểm hộ nhau lò dò mò đến. Ôi trời, không phải địch mà là một con hoẵng nằm gục tại đó. Chả biết làm sao nó lò mò qua đó dẫm phải quả "mìn" của tôi. Một cái chân trước tan đâu mất và ngực nát bươm. Thế là hôm đó chúng tôi nghỉ sớm và khiêng con hoẵng về nộp anh nuôi. Tối hôm đó ăn tươi, cả trung đội râm ran nói cười. Tưởng phen này tiếp tục được bẫy thú, nhưng cuối bữa, anh Dũng có vẻ nghĩ ngợi rồi tuyên bố: "Cái chuyện này chỉ là ăn may, không phải là cách bẫy hay. Nhỡ dân họ cũng lọ mọ đi vào thì thật chết, bởi vì bao lâu rồi có thấy địch đâu". Thế là từ đó tôi không nghịch dại cái trò ấy nữa.

   Cứ độ mươi ngày, đại đội lại cử một tốp gùi gạo đến tiếp tế cho chúng tôi. Tốp này ngủ lại cùng một đêm, hôm sau mới về. Có chúng nó nên mới không mù tịt thông tin, nhưng giai đoạn đầu thông tin chẳng có gì mới, ngoài chuyện phổ biến viết thư cho gia đình để chúng nó mang về gửi lên tiểu đoàn. Lúc này chúng tôi vẫn chưa có ai nhận được thư nhà. Hầu như lần nào bọn cùi cõng tiếp tế cũng được chúng tôi đãi canh "phac van" và thịt gà hay thú rừng. Để đáp lại thịnh tình của chúng tôi, đến mấy lần sau chúng nó cũng kiếm được ít lá thuốc  trồng ngoài nương của dân trên đường đi đem đến cho chúng tôi thái phơi để hút. Nếu không có chuyện này thì còn buồn hơn nữa.

   Một lần giữa ban ngày còn có hai thằng du kích Lào (là chúng nó giới thiệu thế chứ chúng tôi cũng có gặp chúng nó bao giờ đâu) mò đến chơi. Chúng nó giới thiệu là ở đơn vị quái quỷ nào đó mà chẳng ai biết. Chỉ tin vì chúng cũng có súng AK. Bọn này cũng bẩn thỉu và hút thuốc rê luôn mồm. Chúng nó chỉ nói chuyện chơi, không nói gì đến chuyện công việc. Chúng nó qua lại với chúng tôi độ ba lần, cũng mang thuốc rê cho chúng tôi, đóng trong ống nứa. Một đoạn ống dài hai mươi phân thì một người hút phải nửa năm. Sau đó chúng nó không đến, và chúng tôi cũng chẳng bị làm sao, chắc chúng là du kích thật. Sau này nghĩ lại thấy mình cũng chủ quan, nhưng đồng thời cũng thấy người Lào hiền lành chất phác thật, không ma quái.

   Một tháng rưỡi trời gần như không sinh hoạt vì có chuyện gì thì buổi tối ngồi ăn cơm anh Dũng đã nói rồi. Nhàn cư vi bất thiện. Ở đâu cũng vậy, nhưng cái phạm vi bất thiện lại bị giới hạn bởi điều kiện cụ thể từng lúc. Lính ta mà ngồi rỗi thì chỉ có hai chuyện thường nói, nói nhiều, nói mãi mà không chán. Đó là chuyện ăn và chuyện về chị em. Chuyện ăn thì không nói làm gì. Chuyện về chị em cũng là vô thưởng vô phạt, nhưng tôi bị vố nhớ đời. Tôi đã kể là anh Thanh A trưởng của tôi người dân tộc Mường, đã có vợ trước khi đi lính. Ông này cũng rất hóm chuyện và không sợ bậy bạ. Thằng Thái "Pitơ" trong C tôi thường bảo, mấy ông dân tộc mà sống lâu với người Kinh là rất hay dẫm vào cứt người Kinh (nghĩa là họ trở nên tinh quái). Nhưng trong vụ này tôi lại thấy rằng mấy bố ấy mà sống lâu với người Kinh thì còn quái đản hơn nhiều, sẵn sàng lừa cho chúng tôi dẫm vào cứt họ. Số là những thằng lính trẻ chưa vợ thì cứ hay tọc mạch, tò mò. Cái tò mò ly kỳ nhất là về cái của chị em. "Chúng mày chưa biết hả, để tao tả cho mà biết". Anh Thanh bắt đầu thế rồi hạ giọng: "Thế chúng mày đã nhìn thấy của trẻ con hai ba tuổi chưa". Nhiều thằng gật đầu vì có thằng ở quê có cháu gái, hoặc giả chúng nó nhìn trộm ở đâu đó nơi đóng quân. Chờ một lát để nhìn rõ mấy gương mặt háo hức của lính trẻ rồi nở nụ cười rất hiền lành, anh Thanh chậm rãi: "Đấy nó cứ từa tựa như thế, nhưng về sau khi lớn lên thì nó quay ngang, nên chúng mày về sau lấy vợ phải cẩn thận kẻo nhầm". Bài lên lớp thế thôi, anh Thanh không tiếp nữa mà để mặc cho chúng tôi thả sức tưởng tượng.

   Khổ cho cái thân tôi, nhìn vẻ mặt dân tộc thật thà của anh Thanh (anh ấy lại là A trưởng gần gũi với tôi) nên tin sái cổ. Chuyện này tôi cứ âm thầm để bụng. Mãi cho đến khi rời khỏi quân ngũ xa nhau rồi, hơn ba chục tuổi đầu mới lấy vợ, tôi đã phải gạ gẫm, năn nỉ, xin xỏ vợ để rồi mới biết là năm xưa, anh Thanh đã cho mình "ăn cứt gà sáp".


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #555 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2011, 02:41:12 pm »


   Độ hơn một tháng, mấy thằng cùi cõng tiếp tế gạo của đại đội đem đến cho chúng tôi một thông tin hoàn toàn bất ngờ: "Toàn bộ trung đoàn 9B đã trên đường hành quân ra Bắc".

   Đêm đó chúng nó kể rất nhiều chuyện. Anh Dũng và anh Thanh háo hức vô cùng vì cuối năm 1969 trung đoàn chúng tôi cũng đã được ra Quảng Bình an dưỡng 6 tháng. Chuyện ở Quảng Bình, các anh lính cũ cũng đã từng kể cho chúng tôi nghe lúc này lúc khác mà tưởng không bao giờ hết. Bây giờ thì hai  anh tha hồ thả hồn vào những chuyện quân dân trong thời gian ấy. Niềm vui của các anh ấy lây lan sang chúng tôi. Vậy thì chúng tôi ở đây chắc cũng không lâu. Mà đơn vị hành quân ra trước chúng tôi cả tháng thì chúng tôi chắc là được đi ô-tô mới kịp chứ. Mà thế cũng đúng vì chúng tôi phải vất vả hơn toàn trung đoàn mà. Ôi, thế là mình có hy vọng ra Bắc sau năm rưỡi trời ở chiến trường rồi.

   Bọn cùi cõng tiếp tế cũng háo hức lắm. Chúng nó bảo bây giờ cả đại đội cũng rút ra ngoài bản Ka-pơ ngoài Saravan rồi chứ không còn ở trong Noọng Bua nữa và cũng đang rục rịch ra Bắc. Chỉ còn lại một tốp 4 người nằm lại Noọng Bua để tiếp tế nốt gạo cho chúng tôi thôi. Tất nhiên là tiếp tế đến bao giờ nữa thì không biết.

   Tình hình như thế thì tư tưởng ngồi chốt giữ cờ cũng thả lỏng. Tất cả đều tin chắc chẳng còn gặp địch nữa. Chúng tôi sẽ rút ra Bắc và thế là những ngày giao tranh với địch trên đất Nam Lào này sẽ chỉ còn lại là những kỷ niệm. Ngoài những lúc kiếm ăn hay phải làm việc gì đó, cứ ngồi với nhau là chúng tôi lại nói chuyện đất Bắc. Khi ngồi chốt có một mình thì cũng lại ngẩn ngơ nghĩ về đất Bắc. Dù chúng tôi biết có được ra Bắc thì may lắm cũng chỉ ra tới Quảng Bình hay Hà Tĩnh là cùng, nhưng như thế là về đất mẹ rồi. Không còn Mỹ thì cũng có nghĩa là miền Bắc đã hòa bình, không thể có chuyện ném bom. Sẽ chỉ có huấn luyện, học tập và làm công tác dân vận, gần gũi với dân. Biết đâu sẽ có những thằng may mắn được cha mẹ lặn lội vào thăm. Nói gì thì nói, lúc ấy chúng tôi đều không nghĩ tới chuyện ở chính quê hương mình cũng đang vất vả và thiếu thốn, mấy nhà đã có thể có điều kiện mà tính chuyện đi thăm con. Chúng tôi ở trong này nhiều lúc cũng rất cực và thiếu thốn, nhưng nhiều khi lại như vua, ở nhà đâu dễ có thể được hưởng, dù chỉ một lần.

   Tin tức cứ ngày một nóng lên, sốt hết cả ruột. Nghe tin đoàn tiền trạm của trung đoàn đã ra tới cây số "không". Cây số đó là ở đâu, tôi không biết. Mà mãi sau này cũng vậy, chẳng ai biết chính xác đâu là cây số "0". Nó được đánh dấu từ sông Bến Hải, hay trạm 5 Quảng Bình, hay tít ngoài Hà Tĩnh chỗ đèo "Pu la Nhích" thuộc nhánh Tây có dốc cua tay áo làm nổi gai lính lái xe Trường Sơn mỗi khi qua, hay là vùng núi Con Cuông, Nghệ An…? Nói tóm lại là nó cũng mờ mịt như cái địa danh "Cổng trời" trên dãy Trường Sơn. Có rất nhiều nơi cao chót vót trên Trường Sơn, lính ta tự đặt tên là "Cổng trời" chứ không ai xác định được nó có phải là duy nhất hay số 1, số 2 gì đó không? Có điều khi đó cái từ "cây số không" nghe ấm áp lắm, chúng tôi tin chắc là nó phải thuộc đất Bắc.

   Ngày 15/5 tôi bị một trận sốt rét nặng, rất may vẫn là loại sốt rét thường niên, không phải sốt ác tính. Sau ba ngày vật vã, dù chân tay còn bủn rủn, tôi vẫn được anh Dũng quyết định cho về Ka-Pơ với đại đội, đi về cùng mấy thằng tiếp tế gạo. Đường xa mấy chục cấy số nên qua Noọng Bua phải nghỉ lại một đêm, hôm sau đi tiếp. Tuy còn mệt nhưng tôi càng đi càng thấy khỏe ra vì lúc nào cũng nghĩ tới hình ảnh đất Bắc. Vậy là nhờ có sốt rét nên tôi được rời khỏi Keng Nhao trước trung đội nửa tháng.

   Vùng bản Ka-Pơ nằm ở phía Đông Nam Saravan. Nơi đây các bản dân nằm sát nhau và khá trù phú, tuy dân số bản nào cũng rất khiêm tốn. Có cả một con đường ô-tô to chạy xuyên qua một loạt bản. Nương lúa và vườn cây là chủ yếu. Rừng già lùi cách rất xa nơi đây, nhưng xen kẽ các nương rẫy vẫn có những khu rừng nhỏ, loại rừng tái sinh hay những đồi cỏ tranh rộng cỡ hàng hec-ta. Phía sau bản nào cũng có suối, không lớn nhưng nước rất trong.

   Những ngày ở đây thật nhàn hạ, vì tất cả đều có tư tưởng ra Bắc, chỉ thỉnh thoảng sinh hoạt chiếu lệ, còn lại là chơi và kiếm ăn. Lúc này Nam Lào đang là mùa mưa rồi nên cuộc sống người dân rất có sinh khí. Lúa nương đã lên xanh, cây cỏ tốt tươi và các loại rau xanh khá sẵn. Dân Lào họ có tục lệ gieo hạt các loại rau xanh như dưa chuột, cải xanh các loại, bí ngô… trên nương để chống cỏ mọc nên họ ăn không hết, lính ta do đó mà tha hồ hưởng nguồn rau xanh ấy. Các loại cây khác như mía, chuối, đu đủ cũng rất dồi dào. Một hôm đơn vị được đi lĩnh đường. Đây là lần đầu tiên từ khi vào chiến trường, tôi được phát đường ăn, mỗi người ba lạng (Thời gian trước đôi lúc có đường để uống cà phê là do lấy của địch hoặc xin đơn vị pháo ngoài Saravan). Thịt lợn thì vẫn là do tiểu đoàn tổ chức mua của dân, làm thịt rồi chia xuống cho các đơn vị.

   Tôi được ở chung với nhóm các anh quản lý đại đội và anh nuôi, y tá. Toàn là lính cũ nên các anh ấy giỏi lo chuyện kiếm ăn. Có tí đường thì nghĩ đủ cách để thưởng thức, trước tiên là nấu kẹo. Ở vùng này không có lạc nên mọi người nghĩ ra cách rang gạo nếp lên rồi nấu kẹo. Cách nấu cũng đơn giản, chỉ cần trông nom cẩn thận cho khỏi cháy là được. Kẹo gạo nếp rang tuy không thể sánh bằng kẹo lạc, nhưng lúc đó tôi ăn thấy rất thơm ngon. Có thanh kẹo nhấm nháp khi uống cà phê và hút thuốc rê thì cái sự khoái khi ấy nó cũng chẳng kém ngồi ở quán Gió công viên Bảy mẫu là bao nhiêu đâu. Có khi còn thấy sướng hơn nữa là khác. Bây giờ thì tôi đã biết cách chế biến cà phê từ quả cà phê tươi. Hạt cà phê có hai nửa, nhưng nó còn một lớp vỏ áo. Phải phơi khô hoặc rang qua rồi giã để bóc lấy hạt nhân chính bên trong. Phần rang cà phê là khó nhất. Loại bỏ những câu chuyện về cà phê cứt chồn và phân biệt các loại cà phê Chè, Mít, Vối, ở đây có gì dùng nấy, nhưng theo các anh lính cũ, cà phê cao nguyên Boloven sánh ngang cà phê Ban Mê thuột của nước mình. Nhưng muốn ngon trước hết phải chọn các quả chín đều (Cùng tuổi). Khi có hạt nhân cà phê thì phải chọn các hạt có cỡ đồng đều nhau (Cái này giống như bí quyết làm lạc rang húng lìu) để khi rang nó phải chín và cháy đều. Cà phê phải rang ba lửa, thực chất là rang cháy đến một độ nào đó. Lần rang cuối cùng trước khi bắc ra phải rưới một ít mỡ gà vào đó cho nó xèo xèo bốc khói. Cà phê rang có mỡ gà, khi pha sẽ có một váng béo loang trên mặt chén, rất thơm và hấp dẫn. Rang xong thì ủ trong áo cho nóng độ một tiếng rồi đem giã. Chầy cối đều là tự tạo. Khoản lọc bột cũng mất công, nhưng vì chúng tôi không có cái "rây" bột nên đành chấp nhận bột cà phê không mịn. Khoản này chỉ có mỗi cách khắc phục bằng kiểu đun cà phê bit-tất. Bây giờ người ta uống cà phê chỉ là một tách nhỏ, nhưng khi đó chúng tôi uống mỗi lần một người phải một bát B52.

   Chuyện ăn uống không có gì đáng ghi nhớ lắm, nhưng chuyện mò ra dân chơi buổi tối lại rất hấp dẫn và phong phú. Đầu têu vẫn phải là các anh lính cũ khá thạo tiếng Lào, hoặc mấy anh dân tộc mất gốc. Kiểu gì thì cũng phải tán bằng lời chứ không thể diễn tả bằng tay được. Các bản dân dù thưa, nhưng bản nào cũng có một vài cô gái độ tuổi thiếu nữ mà người Lào gọi là "sao". "Sao" có nghĩa là 20, và tên các cô gái dậy thì được gọi bằng từ "sao" phía trước "tên" thay cho "tên họ". Khu vực này, các cô gái chắc không thể sánh bằng "gái Făkut" gần Păk soòng, nhưng cũng khá "giòn". Đa số các cô có da bánh mật, đẫy đà và có cô còn đầy đặn hơn nhiều so với cái trọng lượng chưa đến 50 cân của bọn lính chúng tôi. Nhưng tóm lại là rất ưa nhìn. Con gái Lào rất bình dị, thân thiện và không đỏng đảnh. Vài ba thằng lính kéo đến nhà chơi là họ tiếp chuyện bình thản như người quen. Thân thân một tí thì có thể cầm tay khi chào, nhưng nói chung là chúng tôi thường chắp tay và hơi cúi người xuống một chút khi chào, đúng kiểu người Lào.

   Tôi đi theo lính cũ cũng chỉ là để cho mình thêm bạo dạn thôi chứ tiếng tăm chẳng thấm tháp gì. Vui nhất là màn chào hỏi tên nhau. Các cô gái thì tên là "sao" nọ, "sao" kia, còn lính thì toàn phá quấy không nói tên thật. Vùng Nam Lào đàn ông Lào thường có  những "tên họ" như Khăm, Bun, Thao… (không thấy giống tên họ các bác ở vùng thượng Lào hoặc trong Trung ương bạn như Cay-xỏn, Xu-pha…). Thế là khi được các "sao" hỏi tên, người lính tình nguyện Việt Lào thứ nhất khai tên là "Khăm Đớp". Người thứ hai khai là "Bun Khợp" còn tất nhiên người lính thứ ba sau phút lúng túng cũng tìm cho mình được cái tên "Thao Bụp". Toàn là âm vần trắc, và liên quan đến cái dạ dày. Lúc đầu các "sao" tin lắm, tuy có thắc mắc tên bộ đội Việt khó gọi. Về sau lính tráng đồn nhau rồi tốp lính nào đi nhà nào gặp các "sao" cũng lòe mấy cái tên trên. Các cô gái Lào nhanh chóng nhận ra sự đùa bỡn đó. Về sau khi gặp, chưa kịp nói tên thì các cô gái đã nói luôn là "bộ đội Việt đừng có nói tên là Khăm Đớp với Bun Khợp đấy nhớ". Thế là tất cả cùng cười hỉ hả và về sau thì chúng tôi nói tên thật của mình, các "sao" nhớ tên chúng tôi cũng rất nhanh.

   Chúng tôi cũng trêu các cô gái, nhất là cô nào béo núng nính. Noọng "Đăm khư tu mi, phì khư tu khoai" (em "đen như con gấu, béo như con trâu") làm các cô lúc đầu nguây nguẩy chối, nhưng sau rồi cũng cười vui vẻ. Các cô không muốn khen là béo, nhưng "người béo cũng có cái đẹp đáng yêu của nó chứ". Lính mà đã tán thì suối phải ngừng chảy, chim phải ngừng hót nên cuối cùng chia tay nhau lại muốn hẹn "tối mai lại đến chơi". Gái Lào cũng rất thích bộ đội Việt, về văn hóa giữa hai dân tộc cũng có cái gì đó rất gần gũi nên những cuộc giao lưu của chúng tôi diễn ra đều đặn như một thứ sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có những buổi đi chơi tối như thế này thì thời gian ở đây buồn chẳng kém gì ngồi chốt Keng Nhao. Tất nhiên là chỉ có cỡ lính từ cán bộ B trở xuống thôi, chứ cán bộ cấp C và D thì dù có thạo tiếng Lào, họ cũng không vào bản.

   Tình quân dân thật là thắm thiết, nhưng lúc này chúng tôi sắp được về Đất Mẹ rồi nên chính sách dân vận chấp hành rất tốt. Chỉ tán chuyện vui thôi và nhận chút quà là thuốc lá từ tay các cô gái bản. Đêm về ngoài ca gác chiếu lệ thì ngủ say như chết, chẳng thấy mơ mộng gì.

….
Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #556 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2011, 04:15:22 pm »

Đọc bài của bác, thấy đời lính rất thực và rất có nét đẹp của đời.
Tất nhiên thì lính là có đánh nhau. Nhưng suốt ngày chỉ thấy oàng, nhoáng lửa cầu vồng, tiếng mảnh rít xé vải..., thì thằng đọc cũng chóng chết  Grin
Mong bác viết đều tay hơn.
Những bài của bác, còn cho biết, người lính cũng có tâm hồn, cũng là con người bình dị, khi không phải siết cò.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #557 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2011, 03:49:04 pm »

…..
   Đầu tháng 6, trung đội tôi rút khỏi Keng Nhao. Vùng đất ấy giao lại cho bộ đội Pa Thét. Các phái của Lào tiến hành hòa hợp yên bình nên không còn chiến sự và trung đoàn chúng tôi không phải quay lại Boloven để tác chiến nữa. Sau khi hội đủ quân, cả tiểu đoàn K18 hành quân vượt qua vùng đất Saravan về phía Đông để ra đường dây 559 cùng trung đoàn.

   Cảnh vật ngoài Saravan không còn nắng cháy với những rừng khôộc khô quăn lá và những con suối cạn chằng chịt nữa. Thay vào đó là khung cảnh tươi mát đầy sức sống của mùa mưa. Các nương lúa xanh um quanh các bản dân, chúng tôi hành quân qua phải đi tránh ven theo bờ chứ không đạp thẳng qua mà đi như hồi mùa khô nữa. Đi qua bản nào cũng thấy gà lợn chạy quanh sân, có khá nhiều bò. Nhiều bản có cả những con trâu mộng sừng cong tuyệt đẹp, không biết người Lào họ có dùng trâu để cày bừa không. Những cánh rừng khôộc cũng xanh um tùm lá, nhiều chiếc lá to như những cái quạt nan, và cỏ thì mọc xanh um khắp các cánh rừng, trâu bò thả rông tha hồ mà lựa chọn cỏ ăn. Tuy không phải cao nguyên nhưng mưa nhiều cũng làm các con suối cạn đầy nước trở lại. Chúng tôi qua sông Sê Đôn phải chọn tìm chỗ mới lội qua được, nhưng nước khá sâu và chảy mạnh nên vẫn phải căng dây để bám và bọc ba-lô trong ni-lon cho khỏi ướt. Đường ra trận đẹp thế nào không biết, nhưng đường trở về thì trong lòng lúc nào cũng như có tiếng nhạc. Bước chân càng đi càng thấy dẻo dai, chẳng thấy ai kêu ca mệt mỏi gì. Lúc này chúng tôi cũng đủ ăn nên chẳng ai nhắc gì đến cái đói ở cuối mỗi chặng hành quân. Lệnh hành quân chấp hành nghiêm chỉnh, đội ngũ đâu ra đấy chẳng có tụt tạt gì.

   Bình nguyên Saravan và những cánh rừng khôộc tuy thưa nhưng rộng bạt ngàn lùi dần lại sau lưng. Những cánh rừng già và núi non chập trùng trước mắt cứ gần lại dần. Chúng tôi náo nức hành quân, hào hứng đi cả trong trời mưa, nhiều khi như trút nước. Lại chuẩn bị đón cảnh mưa rừng, mưa Trường Sơn có lẽ còn mịt mùng và dai dẳng hơn mưa rừng cao nguyên, nhưng điều đó chẳng hề làm nản lòng chúng tôi. Sau mấy ngày hành quân, chúng tôi đã chạm vào tuyến đường vận tải 559 và dừng lại chia nhau ra tạm trú quân trong những cánh rừng già. Lần đầu tiên đóng quân trong đội hình cả đại đội mà không có lệnh đào hầm, dù nơi đây lần đầu có chúng tôi đặt chân tới. Không phải là những bãi khách binh trạm có sẵn hầm hào như năm kia hành quân vào. Chúng tôi phải tự lo mọi thứ. Mùa mưa nên phải căng võng nằm, nhưng vẫn phân khu theo đội hình các trung đội. Chỉ là dừng chân ít ngày nên chúng tôi chỉ làm bếp dã chiến và phát tạm cây cỏ lấy mấy lối đi giữa các trung đội.

   Cái kiểu đóng quân này nếu như là của năm 1972 trở về trước thì rất dễ bị đón nhận bom B52, nhưng bây giờ rừng Trường Sơn đúng là rừng của ta, trời của ta rồi. Các nhánh đường vận tải được mở rộng thêm, tuy vẫn ở phía Tây là chủ yếu. Mùa mưa xe ô-tô vẫn vận chuyển, nhưng tổ chức theo những chặng đường ngắn, dễ đi.

   Chỉ đóng quân được vài ngày mà đã biết nhiều chuyện. Lúc này chúng tôi ăn uống đều nhờ cấp phát, không còn dựa được thêm vào dân nữa, vì các bản dân đã ở xa lắm rồi. Cải thiện cũng chẳng có gì nhiều ngoài những thứ rau rừng như lá chua, môn thục và thân chuối rừng ăn rất xót ruột. Lần mò xa xa hơn thì có rau tầu bay, món này hấp dẫn hơn cả. Vùng này không thấy có tre bương gì nên không có măng. Cứ nhờ nhu cầu đi cải thiện mà dù chỉ là ở tạm ít ngày, chúng tôi cũng sục xạo khắp cả. Chúng tôi phát hiện ra cả một con đường xe ô-tô vận tải của quân ta. Gần chỗ chúng tôi còn có một đơn vị vận tải ô-tô đóng trong một cánh rừng cây Săng-lẻ. Có lẽ tuổi thọ của chúng bét cũng phải vài chục năm vì cây cao tới hàng hai chục mét và đa phần có cỡ gốc từ hơn một người ôm trở lên. Nhiều cây gốc không tròn mà tòe ra thì phải tới ba người ôm. Tôi đã biết cây Săng-lẻ này có họ với cây Bạch đàn có trồng ngoài Bắc và cây Bạch dương ở tận nước Nga xa xôi. Các lính cũ người từ vùng Thanh Hóa trở vào nói rằng gỗ cây Bạch đàn được chuyên dùng để đóng thuyền đi biển. Nó có đặc tính gì đó mà khi gặp nước biển thì nở ra làm các mộng ghép thêm chặt và khít. Các anh ấy nói ở quê nhà mà có cánh rừng thế này thì thật "bố tướng", còn tôi thì chỉ nhìn thấy nó là gỗ to, chắc để làm nhà hay đóng bàn tủ là tốt thôi. Lại nhớ khi học phổ thông, được dạy rằng "rừng vàng" có lẽ là như thế này đây, bởi vì cánh rừng Săng lẻ này rộng lắm. Nhìn hút tầm mắt chưa hết. Cả cái đơn vị xe ô-tô có dễ đến cả trăm chíếc ấy đỗ vào, mà từ ngoài nhìn vào trông lọt thỏm như ta xếp đồ chơi. Rừng cây cao rậm tới mức máy bay bay trên đầu chắc nhìn xuống chẳng thấy gì. Đơn vị này có lẽ là vận tải thuần túy nên chỉ có hai loại xe ô-tô là Giải phóng của Trung Quốc và Zin kính cong của Liên xô.

   Rừng Lào, trừ phần trôi ra bình nguyên kéo dài từ tỉnh Khăm Muộn ở phía Nam cánh đồng Chum cho đến tỉnh Saravan mênh mông kéo dài tới hơn hai trăm cây số là địa hình xen lẫn giữa cây khôộc với những ụ mối và các dải đá mồ côi, còn thì áp sát dãy Trường Sơn là những cánh rừng đặc chủng mọc xen lẫn với những loại cây cổ thụ rất đa dạng. Có cánh rừng cây già mọc cao hơn chục mét nhưng bám quanh nó rất nhiều loại cây dây leo hay cây ký sinh mọc chằng chịt. Đi qua loại rừng đó mà mang vác nặng hay cồng kềnh là luôn thấy nản lòng. Những dây leo hay cành cây trồi ra lúc nào cũng muốn ngoắc vào các thứ lỉnh kỉnh của lính mà kéo giật ngược trở lại, cản bước hành quân. Đặc biệt những rừng rậm như thế lại thường nằm trên bình độ cao, cây mọc rậm nên ánh nắng lọt xuống ít, mặt đất và xung quanh lúc nào cũng ẩm ướt.

   Rừng Trường Sơn đa số là các vùng có cây mọc tạp đủ loại, nhưng rất nhiều chỗ lại chỉ có một loại cây mọc gần như là duy nhất. Các cánh rừng có cây họ tre nứa đa phần mọc bám sát vào những chỗ có sông suối. Còn vùng thoai thoải hay tương đối bằng phẳng thì lại là những rừng cây có gỗ. Tôi đã từng ngẩn ngơ khi bất chợt bắt gặp cánh rừng Bằng Lăng đúng mùa hoa nở. Cây Bằng Lăng không hợp với khai thác gỗ vì thân nó thường còng queo, nhưng những cây lâu năm thì cũng cực to. Đi mỏi chân mà không vượt qua được một cánh rừng đặc chủng như thế là chuyện thường ở Trường Sơn.

   Vùng Tây Trường Sơn có rất nhiều rừng già, rừng rậm toàn cây lấy gỗ. Ngoài những cánh rừng Săng Lẻ, Bằng Lăng mà tôi đã biết, còn có nhiều cánh rừng gỗ lớn như Lim hoặc họ Lim và rất nhiều loại cây mà tôi chẳng biết được tên. Nói chung là rừng già và phần lớn các đơn vị vận tải hay tăng pháo được đóng quân trong đó.

   Chúng tôi gặp lại đơn vị xe tăng đã cùng đánh trận Ba Lào Ngam hồi tháng 10/1972 với trung đoàn 9. Tôi không rõ biên chế của đơn vị xe tăng, không biết đây là tiểu đoàn hay đại đội tăng, chỉ biết trong cánh rừng đó có chừng chục chiếc xe tăng. Họ cũng đóng dã ngoại như chúng tôi, không biết có phải cũng chờ để ra Bắc không. Lính tráng không tò mò hỏi nhau nhiều chuyện, nhưng tình hình bây giờ cũng không còn phải bí mật nhiều như trước nên họ vẫn cho chúng tôi vào chơi, cùng đánh mấy ván "tiến lên". Giao lưu chẳng có gì nhiều, nhưng rồi vì trú quân ở đó không phải chỉ vài ba ngày nên có lần chúng tôi đã bày trò kéo co với họ. Lính tăng đa phần to con hơn bộ binh, nhưng lính C8 hỏa lực của K18 chúng tôi cũng có nhiều người to cao. Thế là hẹn hò thử sức cho vui. Giằng đi giật lại, nhưng cuối cùng cả mấy keo, bọn lính tăng đều thắng. Lúc ngồi chơi uống nước, bọn lính tăng bảo bài tập đầu tiên khi vào binh chủng tăng là tập kéo co. Sau đó là áp dụng vào để kéo xích xe tăng để lắp xích khi bị đứt trên đường hành quân. Chúng nó bảo mỗi cặp mắt xích xe tăng nặng tới gần hai tạ. Hèn gì chúng nó kéo co thắng là phải.

   Rỗi hơi, ngày nào lính tráng cũng ngóng chờ lệnh hành quân ra Bắc. Chúng tôi biết là sẽ phải hành quân bộ, chẳng có xe pháo gì đâu, vì đang là mùa mưa. Xe ô-tô chỉ có dùng để chở đạn gạo vào, rồi khi quay ra thì chở thương binh nặng. Mà ngay cả lính binh trạm ngoài nhiệm vụ giao liên chẳng vẫn phải cùi cõng và tải thương bạc mặt ra đấy sao. Nhưng cả đội hình trung đoàn, rồng rắn cũng phải ngót nghét hai tháng trời mới ra đến Bắc thì sao không cho đi luôn, chờ mãi thế này nó yếu người đi. Thế là những ngày đầu cứ ngắc ngỏm trông chờ, đi lại chỉ loanh quanh và chờ lệnh từng ngày. Về sau chờ mãi đâm oải và nhàm nên chúng tôi bắt đầu đi lang thang lùng sục xa hơn. Có khi là húc phải đơn vị khác cùng trung đoàn, nhưng đi xa hơn, rộng hơn thì cũng có nhiều chuyện đáng nói. Thậm chí nghe tin có đơn vị quen hay là trạm thương binh thì chúng tôi dám tổ chức đi xa tới cả ngày đường, vì sự quản lý của đơn vị lúc này rất lỏng lẻo.

   Đầu tiên là chúng tôi mò ra được khu trú quân của thương binh mặt trận. Đủ các loại thương binh từ thời đánh nhau ở bản Xoan bên đường 231 đầu tháng 2/1972 cho đến thương binh thời đánh Saravan cuối năm 1972, thậm chí là thương binh đánh Păk soòng đầu năm 1973, tuốt tuồn tuột tất cả đều đang nằm lại ở đây, dù Trạm thương binh này đã thuộc về đường dây 559. Có những anh chúng tôi tưởng đã ra Bắc kịp về quê lấy vợ rồi, thế mà nay lại gặp ở đây.  Đầu tiên gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, nhưng đến khi hỏi rõ chuyện thì ai cũng nản. Chúng tôi sốt ruột ra Bắc, tưởng đã buồn nản lắm rồi, thế mà bây giờ xem ra, đám thương binh của toàn mặt trận này còn ngao ngán biết bao, nản hơn chúng tôi biết chừng nào. Nghe kể chuyện chúng tôi sắp được ra Bắc, nhiều thằng còn bảo bây giờ chuồn về đơn vị có khi còn được ra Bắc sớm hơn. Hỏi sao nằm đây lâu thế, chúng nó nói Binh trạm bảo thương binh ra Bắc phải chờ ô-tô, nhưng không có xe, còn hành quân bộ cả đống thế này thì không đủ người dẫn đường và y tá đi theo phục vụ. Thế là vết thương đã chữa lành nhưng phải nằm chờ đợi và an dưỡng.
 
   An dưỡng là nhàn cư, chơi mãi cũng chán chứ sung sướng gì đâu. Thời gian là vô biên còn ăn uống cũng vô định. Ngoài những tiêu chuẩn ăn hơn hẳn lính trong đơn vị, lính thương binh còn mò sục khắp rừng. Nghe kể tôi mới biết là dọc theo những cánh rừng Trường Sơn này có rất hiều những kho hàng chiến lược đủ loại: súng đạn, gạo và đủ các loại hàng từ quân trang đến nhu yếu phẩm. Có nhiều khu kho chiến lược được cất giấu xong là đánh dấu vào bản đồ rồi định kỳ kiểm tra chứ không hề có người canh gác, vì các kho có rất nhiều và bố trí phân tán. Lại còn có rất nhiều kho lẻ bị bỏ lại, thậm chí lãng quên do mặt trận chuyển hướng, người ta không đủ sức để tổ chức thu hồi gom lại. Một lúc nào đó chiến sự quay lại thì cấp trên mới chỉ tọa độ cho đơn vị ở đó đến lấy, nếu không thì cũng thành của rừng hoang.
 
   Chính vì thế nên cánh thương binh mò ra được cả kho súng đạn và lương thực cất giấu trong rừng. Không có người canh thì mạnh ai muốn làm gì thì làm, vô chính phủ. Thấy rất nhiều thương binh có súng ngắn, hỏi ra thì chẳng phải là cấp chỉ huy được phát mà là do tìm thấy kho rồi tự trang bị để nghịch chơi. Tôi gặp lại thằng Thắng C5 (nhà ở phố Hàng Trống, bị thương đợt Saravan) bị thương ở mắt, bây giờ nó bắn súng K54 thạo như tôi bắn AK. Chẳng ai quản lý, chẳng ai bảo được ai, chúng nó cứ tự lấy súng đạn đem vào rừng tập bắn chơi vào những gốc cây to nằm sát chân núi. Ngày này qua ngày khác, bắn hết bao nhiêu đạn rồi cũng chán. Chúng nó giữ súng lại chơi dù cái hứng bắn nghịch đã xẹp. Tôi cũng được nó đưa ra suối nhằm bắn chơi xuống nước, nhưng tôi cũng thấy chán ngay vì bắn K54 khá giật, ngắm nghía rất nặng tay, còn bắn vẩy như các diễn viên trên phim chắc phải tập đến mùng thất.

   Tôi gặp lại anh Soán B4 (bị thương trong trận lùng sục Lào Ngam bên ngoài bản Phin hồi tháng 5/1972), hơn năm nay rồi mà vẫn còn nằm ở đây. Anh ấy bị đạn văng mất một hàm dưới, bây giờ được chữa lành và ghép tạm một cái hàm giả gì đó để ăn. Nét mặt dăn dúm trông già hẳn đi, nhìn một lúc mới nhận ra. Anh ấy rất khỏe, nhưng nói năng bị ngọng, phải nghe quen mới hiểu được anh ấy nói gì. Anh ấy cứ hay nói mãi cái câu " Ngư nghế ngoày nguây ngờ nghì nghéo ngoai nghó nghêu", nghe mãi mới luận được là "Như thế này bây giờ thì đ… ai nó yêu". Thật là dở cười dở khóc mà thương anh ấy. Có một cái gì đó chợt thấy lành lạnh nơi sống lưng…
…….

« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười, 2011, 07:27:54 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #558 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 11:59:37 am »


   Gặp lại rất nhiều đồng đội thương binh. Ngày trước quả thật cũng có lúc tôi đã nghĩ rằng những người bị thương là gặp may, bởi mọi sự đã an bài. Mất một phần cơ thể (thậm chí có nhiều người chỉ bị vết thương chứ chẳng mất phần nào) nhưng cuộc chiến với họ thế là đã kết thúc. Gạt bỏ cái lý tưởng sách vở đi thì phận làm trai thời loạn coi như cũng đã xong nghĩa vụ với đất nước. Trở về quê với tấm bằng thương binh vẫn có thể sống, học tập và lo toan một mái ấm gia đình hạnh phúc cho riêng mình được. Chẳng phải qua bao cuộc chiến tranh, những người thương binh trở về vẫn sống tốt đấy sao. Nhớ lại ngày nào ở quê, chàng trai nào từ chiến trường trở về là thương binh (tất nhiên là loại vừa vừa thôi chứ không phải thương binh nặng) rất đắt giá. Có quyền chọn lựa các cô gái làng xinh xắn nhất làm vợ. Con gái nông thôn cũng rất đơn giản, lấy được tấm chồng thương binh là xong phận gái, không bao giờ còn phải lo chuyện ngày đợi đêm mong, phấp phỏng lo một ngày nào đó mình phải như hòn "vọng phu" góa bụa lúc tuổi còn đang xuân thì.

   Bây giờ nhìn các anh em thương binh còn đang vật vờ chưa biết ngày nào được về, thì cái viễn cảnh được cùng cả đơn vị hành quân ra Bắc của chúng tôi lại như có vẻ là thiên đường. Chúng tôi quên ngay đi cái tâm sự thầm kín ích kỷ ganh tỵ với anh em thương binh là mình tuy chưa bị thương, nhưng rất có thể lúc nào đó sẽ ngã xuống và nằm lại nơi chiến trường, chẳng bao giờ còn được mơ ước điều gì nữa ở quê hương.

   Nhưng rồi chính chúng tôi cũng cảm thấy mòn mỏi khi cứ ăn chực nằm chờ mãi trong đội hình của cả trung đoàn ở dải rừng Tây Trường Sơn này để đón nhận những trận mưa rừng đã sang chính vụ của Trường Sơn. Tuy so với năm trước không phải đánh nhau và lo cùi cõng trong mưa rừng, nhưng cả ngày ngồi bó gối trên võng nghe mưa rơi ràn rạt trên nóc tăng và nước chảy xối xả dưới đất, nhìn ra đâu cũng thấy màn trời trắng đục và mờ mờ tối thì não ruột vô cùng. Đi lấy cơm cũng ngại mà giải quyết chuyện vệ sinh cũng thật vất vả. Ngủ mãi cũng mệt mỏi. Những lúc đó tôi chỉ còn cách nằm nhìn lên mặt tăng và vơ vẩn ôn lại những kỷ niệm đã qua, nhất là đời học sinh. Rồi còn mơ về những chuyện cổ tích nữa, nhiều lúc đầu óc như kẻ mộng du, tưởng mình đang là chàng hoàng tử ở xứ tít mù nào đó đang tính kế cứu một nàng công chúa.

   Mưa mãi rồi cũng có lúc tạnh, đôi khi trời còn hửng nắng. Chúng tôi lại mò đi khắp nơi, chỉ cần tránh chỗ nào có suối thôi vì gặp nước lũ thì có bơi giỏi mấy cũng không thể coi thường được. Chúng tôi lại ra khu trạm thương binh. Thằng Đức (Cầu Giấy) và thằng Dũng "trắng" (làng Kim Liên) đều bị thương ở Saravan cũng còn nằm ở đây. Cả hai thằng đều cho tôi xem vết thương, gần như giống nhau. Mỗi thằng đều bị một mảnh đạn cối cắt đứt dẻ xương sườn và chui vào nằm trong phổi. Bác sĩ không mổ lấy mảnh, bây giờ mảnh đạn vẫn nằm lại trong đó và đã được bọc mỡ. Chúng nó kéo chúng tôi vào rừng tìm kho lương khô. Ở đây chỉ có lương khô 701 của lính, không tìm thấy loại 702 cao cấp của sĩ quan cấp tá. Nhưng lương khô 701 với chúng tôi cũng là quá tuyệt rồi. Nếu như cánh lính vận tải, pháo binh và xe tăng coi lương khô là thứ nhàm chán khô khan, lúc nào cũng có sẵn thì đám bộ binh chúng tôi lại quý vì có thể đếm được từ ngày vào chiến trường mình đã được phát bao nhiêu phong lương khô rồi.

   Chúng tôi lấy cắp của kho nhưng cũng có ý thức chứ không đến mức phá hoại. Lấy gọn từng thùng 10 kg đem về đại đội chia nhau, nằm võng ăn lúc trời mưa tầm tã thấy cuộc đời lính lại lên tiên. Lúc trời tạnh đem xuống anh nuôi nấu chè, ăn thấy cũng khá. Thời gian này lương thực coi như thoải mái, chỉ có điều là các thứ thực phẩm khác như thịt hộp hay mì chính thì không tìm thấy. Không kể đến chuyện khắc khoải chờ ngày ra Bắc thì thời gian ngắn ở đây cũng có thể coi là ước mơ của lính về vật chất.

   Một ngày đầu tháng 7/1973, C6 chúng tôi được lệnh lên đường. Mệnh lệnh đến nhanh và bất ngờ khiến chúng tôi sung sướng đến ngỡ ngàng. Không còn đủ thời gian để chia tay với anh em ở trạm thương binh đường dây 559, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng họ cũng sẽ lên đường ra Bắc nhanh thôi. Chúng tôi được phổ biến là C đi tiền trạm cho trung đoàn, bởi vì chúng tôi không phụ thuộc vào giao lên và kế hoạch dẫn quân của các binh trạm Trường Sơn. Chỉ có một tổ trinh sát của D đi cùng chúng tôi. Lúc ấy tôi nghĩ chắc các C sau cũng sẽ lên đường chỉ sau chúng tôi một ngày.

   Hành quân đi theo đường rừng vào mùa mưa có phần vất vả. Sau ba ngày, chắc là chỉ đi được độ vài ba chục cây số, nhưng tôi có cảm tưởng là chúng tôi đã đi được rất nhiều, thì chúng tôi được dừng chân tại một bãi khách của binh trạm Trường Sơn. Vẫn là cảnh rừng già, nhưng không khí thanh bình vì chuyện nấu nướng củi lửa không thấy phổ biến khắt khe như năm trước đi vào. Chúng tôi được nghỉ lại một ngày tắm giặt, âu đó cũng là chuyện thường tình.

   Nhưng hình như chuyện bất thường đã xảy ra, bởi vì sang ngày thứ hai, rồi thứ ba, chúng tôi vẫn được nghỉ lại, không thấy có lệnh hành quân tiếp. Rồi đến khi có lệnh thì đó lại là lệnh dừng lại không đi tiếp nữa. Thế là cái quái gì nhỉ. Cả quan lẫn lính nhìn nhau thăm dò, suy đoán rồi cùng ngờ ngợ về một điều không hay gì đó đang xảy ra. Không biết trung đoàn đã lên đường hành quân chưa và mệnh lệnh cho chúng tôi tiếp theo sẽ là gì. Tất cả đều không có gì rõ ràng và cụ thế, ngoài chuyện: "Dừng lại và chờ".

   Lại chờ, ôi ngao ngán quá, cầu mong đừng có chuyện gì không hay xảy ra. Dừng chân và nghỉ ngơi, thế là lính tráng lại lần mò trong rừng. Có một chuyện xảy ra ở đây không thể không kể, vì nó còn ám ảnh trong suy nghĩ của tôi nhiều năm sau về một cuộc chiến tranh giải phóng cùng số phận con người.

   Gần cái binh trạm mà chúng tôi tạm dừng chân là nơi đóng quân của một đại đội thanh niên xung phong, toàn nữ. Nói chính xác hơn thì BCH là nam, nhưng đó không phải là điều chúng tôi quan tâm. Chỉ dừng chân ở trạm khách có vài ngày là những thằng lính quen sục xạo như chúng tôi đã tìm ra nơi đóng quân của họ. Thật không thể tả hết nỗi vui mừng khi gặp nhau. Hỏi tìm đồng hương rối rít, vồ vập cứ như là quen nhau từ lâu lắm rồi. Tôi đã biết các nữ TNXP cực kỳ bạo dạn từ ngày còn đang trên đường hành quân vào chiến trường. Lúc ấy tôi vừa ngượng vừa sợ nên tránh là chủ yếu, còn bây giờ dù sao tôi cũng đã vào chiến trường tới năm rưỡi trời. Cũng là đồng đội, lại khác giới, khác đơn vị thì cũng có nhiều chuyện để mà bốc phét.

   Đại đội TNXP này có khoảng bốn chục chiến sĩ nữ. Họ đều còn trẻ măng, nhưng thực tình mà nói, tôi phải gọi họ là chị mới đúng vì khi đó tôi còn thiếu nửa năm trời nữa mới đủ 20 tuổi. Một điểm đặc biệt là nữ TNXP ở đây đều là người thuộc các tỉnh khu Ba, trong đó Nam Hà và Vĩnh Phú là đông nhất. Các cô ấy (tạm gọi thế vậy) đều đã vào chiến trường ít nhất cũng 3 năm. Họ hăng hái lên đường nhập TNXP từ khi còn 17, 18 tuổi thì nay ít nhất cũng đã 20 tuổi, hơn tuổi tôi là cái chắc. Thế nhưng gian khổ Trường Sơn chỉ làm họ cứng rắn lên chứ không mấy già đi trong con mắt chúng tôi. Có khi chính chúng tôi còn trông già hơn ấy chứ vì thằng nào cũng vừa gầy vừa đen, chỉ được cái tán chuyện thì không ai bằng.

   Giao lưu với TNXP nữ thì vui lắm, vì dù sao chúng tôi cũng đã lâu không gặp con gái Việt. Chuyện hay còn do cả nội dung, những câu chuyện về quê hương, về những kỷ niệm của mỗi người nữa chứ. Các đồng đội nữ TNXP rất mến khách, có thứ gì đem ra đãi khách được là mời luôn. Cứ như là bạn cũ lâu ngày gặp nhau ấy. Thế mà trái lại mấy bố trong BCH đơn vị TNXP thì lại lầm lỳ, gườm gườm nhìn chúng tôi như kẻ thù. Chuyện vặt, sợ quái gì. Chắc là vì cái bản tính tham lam ích kỷ của đàn ông mà ra cái nông nỗi này thôi, chứ chúng tôi, lính Trường Sơn với TNXP thì là người nhà, tình lúc nào chả mặn nồng. Chắc các bố trong BCH sợ vì "đống rơm" của các bố ấy đang phơi đến độ cực nỏ mà thấy "lửa" như đuốc sống của lính mò đến chăm chăm châm ngòi thì lo ngại là phải thôi. Không chấp.

   Nhưng chuyện đáng nói là đến ngày làm quen thứ hai thì rất nhiều cô không ngần ngại mà nói luôn nguyện vọng là muốn có thai, chả cần phải đồng hương đồng khói chi sất. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đơn giản và dễ dàng như vậy sao? Làm cái chuyện ấy ít ra cũng phải có tình cảm, phải thề non hẹn biển xây dựng tương lai gì gì nữa ấy chứ. Thế mà sao nói với nhau điều hệ trọng như thế mà cứ tỉnh như không thì có điều gì không ổn. Từ chỗ háo hức ngắm nghía các cô, bọn lính chúng tôi đâm e ngại. Sau gạn hỏi sự tình thì thấy thật đau lòng. Các cô chả ngần ngại kể cho chúng tôi tất cả mọi chuyện. Các cô hăng hái xung phong lên đường, tưởng rằng tham gia vào cái nhiệm vụ vinh quang của lực lượng TNXP là "Xẻ dọc Trường Sơn mở đường cứu nước" nếu có cùng quá thì cũng chỉ 3 năm thôi rồi được trở về nhà. Gian khổ và hy sinh, các cô không ngại và đã làm tốt nhiệm vụ đấy chứ, nhưng cũng đã đến lúc phải mong được về quê để còn lấy chồng và chăm sóc cha mẹ nữa cơ mà. Thế mà qua 3 năm rồi, thậm chí có cô đã 4 năm mà chưa thấy cấp trên nói gì đến chuyện xuất ngũ cho mình. Nhiệm vụ vẫn cứ là phía trước, mòn mỏi qua tháng ngày. Cái lý tưởng dù cao đẹp đến đâu mà không được vun đắp và giải quyết một cách hợp lý thì lòng người cũng có lúc phải nản. Các cô chỉ là nữ nhi chứ đâu phải cao siêu cốt cán gì cho cam. Ai cũng muốn về nhà, nhưng đặc điểm của phái nữ trong chiến trường là không có gan đào ngũ như lính tráng chúng tôi. Thế là các cô vẫn phải sống và làm việc giữa núi rừng trong trạng thái "tư tưởng không thông, đến bình tông đeo cũng nặng". Mà dù có chây ì, xin chịu kỷ luật đi nữa thì các cô cũng vẫn không được giải quyết về nhà.

   Vậy mà trong hoàn cảnh gieo neo ấy lại có một con đường, một lối thoát cho các cô trở về. Đó là ai có thai (chẳng cần biết từ đâu mà có) thì sẽ "được" đơn vị kỷ luật rồi trả ra Bắc. Thế là phù hợp với mong muốn của nhiều cô rồi. Đành chịu vứt bỏ công lao 3 năm chiến trường để kiếm một cái thai làm giấy thông hành ra Bắc, bất chấp khi về đến nhà lý giải về cái thai và gánh chịu búa rìu dư luận rất nặng nề khi đó để nuôi con. Nhưng ai ký cho các cô cái "giấy thông hành ra Bắc" ấy? Các bố trong BCH thì không dám rồi. Thế là đành trông chờ vào cánh lính lái xe hoặc các đơn vị công tác lẻ đi qua. Đã có một số cô đạt nguyện vọng và lên đường về quê rồi, số còn lại (không phải là tất cả) thì còn phải chờ. Vì thế mà lũ chúng tôi khi đó tưởng như sa vào chĩnh gạo.

   Nhưng sự đời lại không thể đơn giản, vì lính tráng chúng tôi dù sao cũng là con người. Thật là quặn lòng rơi nước mắt trước tình cảnh của những đồng đội đa phần đáng tuổi chị mình ấy, nhưng không phải chúng tôi đã dễ dàng chiều các chị. Thực tình mà nói, khi hiểu hoàn cảnh và nghe giãi bày riêng lẻ ước muốn của các cô thì cái phần "người" trong tôi lại sực tỉnh. Tôi thấy chuyện này trở nên hệ trọng và nghiêm túc. Ở hậu phương tôi chưa có người yêu, nhưng bây giờ dù có muốn yêu một "chị" mà hẹn hò thì cũng phải vạch kế hoạch đàng hoàng cho tương lai chứ ai lại đi làm cái chuyện "cóc nhái" ấy. Không yêu mà "ban ơn" cho các cô thì thật không thể. Sau này nếu còn sống trở về sau chiến tranh, liệu mình có thể không bao giờ nghĩ rằng là trên đời này còn có một giọt máu của mình lưu lạc ở đâu đó mà không tìm kiếm không?

   Trong một chiều mùa mưa Trường Sơn, trên một phiến đá ven suối, tôi đã ngồi cầm tay một đồng đội TNXP, nghe những lời thủ thỉ chân tình và tha thiết của cô ấy mà lòng quặn đau, không nói được nhiều nhưng nước mắt thì nhiều vô kể, chỉ có điều nó chảy vào trong. Giá như có nhiều thời gian hơn…, giá như biết được chiến tranh sẽ kết thúc và mình sẽ trở về… thì biết đâu nơi đây chẳng nảy nở một cuộc tình và tôi sẽ vun đắp cho nó thật đẹp và có tương lai… Nhưng lúc này tất cả chỉ sầm sì một màu xám xịt của rừng chiều mưa. Tôi không nghe theo ý cô ấy, nhưng cũng không biết làm cách nào để gúp cô ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết rằng trên đời này có những quy định thật bất công và nghiệt ngã, còn phận người thì quá mong manh.

   Rồi chúng tôi cũng phải chia tay nhau trong buồn bã. Chia tay mà không hẹn hò, không mong chờ tin tức gì về nhau nữa.

   Từ hôm sau tôi không trở lại đơn vị TNXP ấy để giao lưu cùng các cô như mong ước của ngày đầu gặp mặt. Tôi đã rất buồn và nghĩ mãi về câu chuyện đau lòng này, nhưng tôi nghĩ mình đã hành động đúng.


Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #559 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 12:59:20 pm »

Những tình cảm đi qua trong cuộc đời quân ngũ, thủa đôi mươi.
Ôi trời.
Chúng ta già từ ngày ấy, đúng thế ư.  Angry
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM