Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:11:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323725 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #520 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2011, 09:07:18 pm »

Cám ơn bác trongc6, đọc bài của bác về trận Đồng Dù, em cũng như các anh em cựu binh E 48 ( giai đoạn 79 - 83 ) mới sáng mắt vì cái thật của trận đánh dưới con mặt của bác - người trong cuộc. Một điều đặc biệt nữa, bác viết rất mộc mạc, rất lính, đọc rất thích. Cám ơn bác rất nhiều
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #521 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2011, 04:33:30 pm »

Nhận lệnh hành quân, hướng thứ yếu, phối thuộc cho bác Trongc6 nhé: bản đồ Păk Sòng, Păk Sế. Cứ tạm cái bản đồ này đã, chi tiết em sẽ có bản đồ khác sau.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2011, 04:41:42 pm gửi bởi quangcan » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #522 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 11:02:00 am »

Cảm ơn bạn Quangcan đã giúp bản đồ.
------------
….
   Thế là lại về Cao nguyên. Trong mấy ngày lính tráng nghỉ ngơi thì các cán bộ C đi họp túi bụi để tổng kết chiến dịch Saravan và nhận kế hoạch tác chiến mới. Ở khu vực này chơ vơ toàn cây Bằng Lăng mọc trên vùng đất đá nên cũng thưa thớt chẳng kém gì rừng khôộc Saravan. Chúng tôi phải làm những cái lán nhỏ như những cái lều chợ, chủ yếu là mái để che bớt nắng. Sang giữa mùa khô rồi nên không sợ mưa. Cũng không mắc võng được nên tất cả trải ni-lon nằm đất. Mà cũng phải loay hoay mới kiếm được chỗ đất bằng ở cái nơi toàn đá lổm nhổm này.

   Sau vài ngày nghỉ là lại cùi đạn và gạo. Lần này chúng tôi tránh xa các bản dân. Chắc cũng vì nhiệm vụ, nhưng thực tình chúng tôi chưa đóng quân trong bản dân bao giờ. Chúng tôi tập trung chuyển đạn từ những cái kho làm vội trong các bãi lau đến khu vực thị trấn Pak soong. Ô tô tải chuyển đạn đến ban đêm thì hầu như hôm sau các đơn vị bộ binh đến chuyển đi hết. Công tác này gọi là lót đạn. Chúng tôi lờ mờ đoán là chuẩn bị đánh bọn Thái đang lập căn cứ ở Thị trấn. Đánh nhau trở thành chuyện thường ngày rồi. Lúc này chúng tôi vẫn chưa biết thêm tình hình gì trên thế giới cũng như ngoài Bắc. B52 của Mỹ dạo trước đã đánh Saravan, nay tiếp tục đánh vào cao nguyên, xung quanh Thị trấn. Không có trinh sát mặt đất, nhưng chúng cứ rà theo bản đồ rồi nhằm khu vực có rừng xanh mà thả bom tọa độ. Trung đoàn phổ biến cho tất cả các đơn vị không được trú quân trong rừng già. Khi đi cùi đạn gạo chỉ đi theo đội hình từng B hơn chục người. Lúc đi lại phải chú ý nghe ngóng. Hễ có dấu hiệu phản lực F105 bay rà sát trên đầu thì phải mau chóng chạy ra các bãi gianh hay khu rừng trống để nghỉ ở đó, chờ bom xong mới đi tiếp. Ngày nào cũng có B52 thả bom. Có chỗ chúng tôi vừa đi thoát, có chỗ hôm sau mới tới lại phải tìm đường vòng. Có hai lần chúng tôi phải nằm rạp trên bãi cỏ tranh, chứng kiến bom rơi thả vào ngay khu rừng cạnh đó chỉ hơn trăm mét, nghe tiếng đất đá bay rào rào. Cái cảm giác nghe tiếng bom nó hút xuống rờn rợn, bây giờ hình dung lại vẫn thấy ghê.

    Ngày 26/1 chúng tôi được ăn tết Quý Sửu sớm. Gọi là ăn Tết vì hôm đó cả tiểu đoàn được nghỉ cùi cõng và được ăn xôi kèm thịt lợn. Chè thuốc vẫn chưa có gì. Đoạn này là tùy sự tháo vát của lính tráng thôi.  Anh Dũng (người Nghệ An, B trưởng B5 từ lúc ở bản Khăm Thà Lạt) dẫn lính mò đi rất xa tìm bản dân đổi chác xin xỏ gì đó nên tối hôm ấy sau khi cơm nước xong, cả B tập trung hút thuốc rê và uống cà phê. Cà phê bột cho vào túi dù rồi bỏ vào xoong 6 đun lên, mỗi lính được một bát B52 đầy. Khu vực này trống trải, xa dân nên nói cười thoải mái.

   Từ hôm sau lại đi lót đạn bình thường. Tối 28/1 chúng tôi tập trung cả C nghe CTV phổ biến Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam vừa mới ký. Không có đài nên thông tin phải phổ biến từ trên xuống. Nội dung cụ thể thì cũng không rõ lắm, nhưng mừng là chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt. Lúc này chưa có phổ biến gì về âm mưu thủ đoạn tiếp theo của địch. Chúng tôi chỉ biết là đất nước đã hòa bình. Bây giờ lại thương cho chính mình đang ở trên đất bạn, vẫn còn chiến tranh và vẫn phải đánh nhau, chả biết đến bao giờ mới hết.

   Có lẽ phấn khởi vì kết quả của Hiệp định Pari và cũng có thêm điều kiện nên Trung đoàn cho chúng tôi ăn Tết lần nữa. Ngày 31/1 có tới một nửa quân số đơn vị không phải đi cùi đạn mà tập trung đi nhận nhu yếu phấm và thịt lợn cũng như kiếm thêm cái gì đó để cải thiện. Nhiều B còn vẽ vời kiếm ít hoa rừng buộc thành tùm treo trong lán cho có không khí Tết. Thế là được ăn Tết 2 lần. Ăn thì vẫn chỉ xôi với thịt lợn, không có rau, dù chỉ là vài nắm rau tàu bay. Một ít nõn chuối sát gốc thái nhỏ bóp muối cũng chỉ tạo được cảm giác man mát một chút. Hậu cần của đoàn 559 chuyển vào được cho chúng tôi cứ 4 người được một hộp mứt tết 250 gram, mỗi người 6 điếu truốc lá Trường Sơn. Mỗi trung đội được một gói chè Ba Đình loại 30 gram. Tuy không thể sánh được với thuốc lá đầu lọc hay cà phê cao nguyên, nhưng như thế là quá tuyệt vì đây là hương vị miền Bắc, lại đúng vào lúc chúng tôi chẳng còn gì. "Biết sống đến mai mà để củ khoai đến sáng", thế là tối đó cả đại đội liên hoan bằng hết. Vài miếng mứt tết như mứt bí, mứt gừng hay cà rốt nhấm nháp với nước chè lại gợi lên cảm giác nhớ nhà. Đây là cái tết đầu tiên trong lính của tôi vì tết trước chúng tôi được về phép ăn tết với gia đình. Thực ra vật chất thế này cũng tạm ổn vì ở nhà (ngoài Bắc) tiêu chuẩn Tết mua theo tem phiếu cũng chả có bao nhiêu. Chỉ hơn ở nồi măng, đĩa rau, miếng bánh chưng và nhất là không khí gia đình. Gia đình tôi có 5 khẩu cũng chỉ có một hộp mứt 500 Gram và một gói kẹo mềm (nhưng rất cứng, gói giấy) độ vài lạng gì đó thôi. Khi thưởng thức cũng phải chờ buổi tối quây quần cả gia đình mới mở ra nhấm nháp.

   Đêm 30 Tết cả đại đội xuất quân, tiến sâu hơn vào Thị trấn Pak soong chừng hai chục cây số làm nơi tập kết mới. Ngày 01 Tết phổ biến nhiệm vụ và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cả trung đoàn 9B tập trung đánh căn cứ của tiểu đoàn Thái 4001 nằm ở phía Tây Bắc thị trấn Pak soong. E19 tập trung đánh các đơn vị cả Thái và Lào ở phía Nam thị trấn dọc xuống đường 23. Trận đánh của E9 sẽ là trận chính. Suốt cả chiều 30 và ngày mồng 1 tết, chúng tôi tập trung làm công tác chuẩn bị y như những lần đánh công kiên trước đó. Súng đạn chuẩn bị theo cơ số (cối 60: 50 trái, B40 và 41 mỗi khẩu 7 quả. M79 40 trái, xung lực AK 250 viên). Tất nhiên vẫn phải chặt gỗ để vác theo làm hầm. Bao cát không có nhiều nên phải vào các khu hầm cũ của cả ta và địch quanh đó để tìm kiếm, gạn lọc và rọc ra thành tấm để lót. Lần này C5 sẽ làm nhiệm vụ mở cửa (hướng Tây) nên chúng tôi không phải chuẩn bị mìn DH. Trên cao nguyên vốn dĩ hàng rào của địch không nhiều nên các đại đội làm thê đội hai không phải chuẩn bị bộc phá ống.  C6 chúng tôi cũng chỉ có hơn nửa đại đội bố trí nằm sau cả C7, nghĩa là đơn vị vào căn cứ sau cùng. Nghe phổ biến K16 sẽ mở cửa làm một mũi hướng Đông Bắc, còn K15 đón lõng và đánh viện binh ở vùng sát với Thị trấn. Riêng B5 tăng cường chúng tôi được làm nhiệm vụ độc lập, làm một mũi đón lõng ở hướng Đông Nam, cách căn cứ địch khoảng 800 mét. Hướng này không có đường từ căn cứ đi ra (căn cứ nằm trên một quả đồi), nhưng lại có một cái bản nằm sát quả đồi bên cạnh và có vệt đường xe bò từ bản đi về Thị trấn. Cấp trên dự đoán nếu bị đánh mạnh hai hướng (phía K18 và K16), có thể địch phá hàng rào rút chạy ra hướng Đông Nam để về Thị trấn.

   Sáng 2 Tết Quý Sửu (ngày 4/2/1972), tất cả chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Có hai việc khác thường mà sau này chúng tôi mới biết rõ. Thứ nhất là một B trưởng của C5 tên là N.V. Tải đang chuẩn bị làm hồ sơ để phong anh hùng. Không biết các đơn vị khác thế nào chứ trong phần truyền thống trung đoàn chúng tôi, ngoài anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng ở đường số 6 Hòa Bình trong thời chống Pháp, không thấy kể tên các cá nhân được phong anh hùng LLVT thời chống Mỹ, mặc dù trong lính cũ có rất nhiều người là dũng sĩ diệt Mỹ, đánh xe cơ giới, thậm chí có dũng sĩ bắn rơi trực thăng bằng B40. (D trưởng K18 chúng tôi là Lê Quang Huân dạo chiến dịch Mậu Thân đánh Huế nhảy lên cướp xe M113 của địch rồi dùng đại liên bắn tiêu diệt tới trên 100 tên địch mà cũng chưa được phong anh hùng. Giữa năm 1972 anh ấy được ra Bắc bổ túc rồi sau đó về làm E trưởng E19 của sư đoàn). Anh N.V. Tải chính là người lính trong chiến dịch Mậu Thân đã dùng B40 trên một quả đồi bắn cháy một trực thăng địch khi nó sà xuống chân đồi. Mãi không có anh hùng, lại sợ trận này ác liệt anh ấy hy sinh thì hỏng to nên trung đoàn quyết định cho anh ấy nghỉ lại ở hậu cứ. C5 thiếu một B trưởng cứng, nhưng cũng đành chấp hành lệnh cấp trên.

   Trường hợp thứ hai là đại trưởng Hùng của C tôi. Anh Hùng người Hà Tây, cao to trắng trẻo đẹp mã và cũng lãng tử lắm, tài "ca cóng" thuộc hàng đẳng cấp, nhưng lại rất mê tín. Vẫn biết sống chết có số, nhưng từ khi có đoàn tân binh Nghệ An bổ sung ở Saravan tháng 12/1972 vừa rồi vào C5 có một thằng cũng tên là Hùng, nghe lính mới đồn nhà nó có truyền thống xem tướng số giỏi lắm, đại trưởng Hùng hay nhân các lúc đi công tác để mò sang C5. Chả biết trò chuyện thế nào mà rồi tin và quý nó lắm. Trước trận này, anh Hùng có sang bên đó chơi. Nghe nó phán sắp tới anh có điềm gỡ, nhưng có thể tránh được, thế là đại trưởng lăn ra ốm. Tất nhiên trước sau gì thì trong lính rồi cũng biết là ốm ra sao, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ nghe tin là anh ấy ốm nặng. Thế là trận này đại phó Chèo phải cầm quân (sau khi kết thúc chiến dịch Saravan, anh Chèo đã được lên đại phó). Mũi đón lõng của trung đội tôi được tiểu đoàn cử anh Điện là trợ lý tác chiến tiểu đoàn xuống tăng cường và chỉ huy.

   Vì đường xa nên sau bữa cơm trưa, nhận bọc cơm nếp to tướng cho 3 ngày ăn nhét vào balo là tôi có mặt trong hàng quân ngay. Nhưng khổ nỗi cái gói cơm nếp nóng trong balo tỳ ngay vào lưng nên rát quá, cứ phải ngọ nguậy như bị bọ chét cắn. Anh Trịnh phải bẻ một nắm lá tươi to tướng nhét vào đệm chỗ đó giúp tôi, nhưng cũng chỉ đỡ được một chút thôi. Chưa đi mà mồ hôi đã vã ra ướt cả lưng áo. Đầu giờ chiều, đơn vị xuất phát. Đi chung được một tiếng thì B5 chúng tôi tách ra đi hướng riêng, có 2 trinh sát D dẫn đường. Trong hai trinh sát, có anh Hợp người Hà Tây là một trinh sát cứng mà trung đoàn đang nhăm nhe rút lên. Chả là hồi ngoài Saravan đẳng hướng như thế, vật chuẩn thì nhìn đâu cũng như nhau, thế mà anh ấy phải nhận dẫn đường cho một đơn vị của sư xuống kiểm tra tình hình và đặt sở chỉ huy theo dõi chiến dịch. Hơn 12 cây số mà anh ấy chỉ nhìn bản đồ, soi địa bàn một lát là đạp thẳng một lượt dẫn cả đoàn đến đúng khúc suối định đặt bản doanh, chệch chưa đến chục mét. Chỉ riêng vụ đó đã được thưởng một huân chương chiến công hạng 3. Lần này có lẽ nhờ có anh Điện vốn ở D bộ xuống tăng cường nên kéo được anh Hợp theo.

   Vẫn luồn rừng mà đi. Lần này quân đông nên cấp trên chọn vị trí tập kết xa căn cứ địch. Trời tối thì chúng tôi cũng lọt vào khu vực thị trấn Pak Soong. Để đến được nơi đào hầm, chúng tôi phải vượt qua một cái đầm nước khá rộng. Tất cả ngồi nghỉ trên bờ chờ trinh sát thăm dò tiếp. Tất cả chúng tôi hạ gỗ và balo rồi ngồi xoài ra nghỉ. Ngọ nguậy và xoa bả vai cho đỡ mỏi. Chỗ này trống trải, nhìn lên trời chỉ thấy sao, không có trăng vì là ngày đầu tháng. Mọi phía nhìn chỉ nhờ nhờ, nhưng cũng đủ nhận ra nhau cách độ hai ba mét. Trời khá mát mẻ. Không ai được hút thuốc. Trinh sát quay lại, tất cả được phổ biến nhanh là phải bám sát nhau, đầm không sâu nhưng dưới nước và ven bờ có nhiều lá tôn cũ vất dưới đó nên chú ý kẻo dẫm lên phát tiếng động, hoặc vấp vào thì què châm. Chỉ có ít người nên cứ chầm chậm mà tiến. Chúng tôi không phải mũi chính, lại càng không phải làm nhiệm vụ mở cửa nên không vội. Chúng tôi có thể đào hầm tới tận sáng cũng được.
 
   Sau khi vượt đầm nước, đi thêm độ dăm trăm mét thì tới vị trí triến khai. Trinh sát D quay về còn chúng tôi bắt đầu đào hầm. Đây là một cái bản cũ, nhà cửa đã sập, chỉ còn sót lại một cái nhà sàn nhỏ gần như còn nguyên nhưng thiếu mái che. Vài chỗ khác còn lại ít cột nhà đã hỏng. Cả Trung đội chia nhau đào thành 5 cái hầm, hai người một cái thành hình cánh cung quay về trận địa địch. Anh Điện và B trưởng Dũng nhận ngay cái gầm sàn của ngôi nhà còn sót để đào hầm. Tôi với anh Trịnh đào phía rìa phải, gần một bụi tre, phía lưng dựa vào một cái vách nhà sàn cũ đã sụt. Chỗ đó vừa kín được gió, vừa che được khá kín. Đào thêm một cái ngách cho hầm là có thể chui vào đó bật lửa châm thuốc hút được rồi. Mùa khô nhưng đất cao nguyên mềm nên chưa sáng chúng tôi đã đào xong hầm. Có thể nói là khá chắc chắn. Ngồi hai người thì đủ, nhưng nằm thì không thể. Mỗi người một phía ngách hầm nếu có đánh nhau. Anh Điện, anh Dũng rồi cả chúng tôi cùng được trèo lên cái nhà sàn không mái, kê đòn gỗ làm thang rồi nhìn về phía trận địa địch nhưng chẳng thấy được gì. Ít nhất là chúng tôi được nghỉ cho tới khi trận địa nổ súng nên làm xong điếu thuốc là cả tôi và anh Trịnh cùng trải nilon ngay bên miệng hầm mà ngủ. Chỗ này chẳng phải gác sách gì.
   …
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #523 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 03:43:41 pm »

...Tất nhiên vẫn phải chặt gỗ để vác theo làm hầm.

Bác Trongc6. Từ tr­ước tới nay tới nay tôi vẫn hình dung chiến trường Lào là chiến trường rừng núi cho nên việc lấy cây rừng làm hầm thuận lợi hơn rất nhiều, ấy thế các bác đi trận ngoài vũ khí trang bị còn phải mang theo gỗ làm hầm thì quả là cực thật đấy. Chúng tôi ở đồng bằng ven biển QT làm hầm thì tận dụng gỗ, ván, tôn ở nhà dân để làm hầm.  
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
binhyen1870
Thành viên
*
Bài viết: 31


« Trả lời #524 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 02:22:15 am »

http://www.quansuvn.net/index.php/topic,6323.270.html
1 năm đời lính thực của bác bằng 20 tháng trong quân sử Roll Eyes Roll Eyes bác hành quân nhanh lên đi ạ Grin
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #525 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 08:57:31 am »

Bác Trongc6.

Hồi học YHB lớp 8A của bác có cậu Thắng (dân Trỗi về là con 1 vị sĩ quan Cục 2 (ông L. th...), cậu này quậy quá trời. Chị gái hắn học cùng khóa với tôi, suốt ngày phải theo nó. Bà cụ nhà Thắng hồi đó là CH trưởng Mậu dịch 12 Bờ Hồ. Sau này 1 lần vào QT tôi có gặp Thắng, nó bảo nó đi lính 1971 sau vào trinh sát ở Cục 2 có bám địch để chuẩn bị cho chiến dịch QT 1972, nó có nói là chúng nó dùng máy quay phim quay được căn cứ Đông Hà, 241, 544...để làm tư liệu cho Bộ TTM. Dân Trỗi như bác TTNL, PQ, VT có biết nhân vật này không. Ngày xưa nó trong nhóm ở Trỗi về cũng là con mấy cốp nên quậy lắm, mấy chục năm nó lại cũng nổ không kém.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #526 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2011, 10:05:56 am »

@ bác LexuanTuong.
   
     Ngày đó trong lớp 8A YHB có 2 thàng ở Trường Trỗi về. Một là Tạ Quang Chính (con trai GS. Tạ Quang Bửu). Thằng này hiền lành, ít nói không để lại nhiều ấn tượng. Thằng thứ 2 chính là thằng Thắng mà bác nói (bác nhớ kỹ quá nhỉ). Thằng này học làng nhàng nhưng nghịch ngơm lắm. Vì cái gốc dân Trỗi nên không mấy ai động vào, dù trong lớp tôi cũng có nhiều thằng thích đánh nhau.
------------------
(Tiếp tục hành quân...)

       …
   Mờ sáng, chúng tôi cùng dậy trước khi có lệnh nổ súng. Anh Điện có đồng hồ nên thúc chúng tôi dậy trước 5 giờ. Chúng tôi được leo lên nhà sàn nấp trong đó để xem trận đánh. Thật ra xa đến 800 mét nên nơi này rất an toàn, nếu như không bị bom pháo. Phía trận địa cũng chẳng nhìn thấy gì, tối om. Đến lúc sáng hơn thì thấy toàn màn sương trắng đục.

   5h00 sáng. Phía trận địa thấy có chớp lửa bùng lên rồi mới nghe tiếng nổ. Tiếng nổ không to. Rồi bắt đầu thấy trong căn cứ địch chớp lửa lóe lên loáng nhóang. Đấy là pháo cấp trên chi viện. Đạn dược có vẻ nhiều nên thấy bắn khá lâu. Lúc này nhìn quang cảnh như xem đánh trận giả. Chắc ngày xưa ở Điện Biên Phủ các cấp chỉ huy nằm trên núi cao xung quanh thung lũng Mường Thanh quan sát bộ đội đánh nhau có lẽ cũng như thế này. Có khi còn không rõ bằng chúng tôi. Sương tan dần nhưng thú thật là ngoài những chớp lửa lục bục thì cũng chẳng thấy gì rõ cả. Chúng tôi chỉ nhìn được đại thể chứ không nhìn rõ cửa mở của C5. Cửa mở của K16 khuất phía bên kia căn cứ nên càng không nhìn thấy gì. Lúc pháo cấp trên chuyển làn bắn sâu vào căn cứ để bộ đội xung phong, anh Điện phải nhắc chúng tôi mới biết. Tiếng hỏa lực B40 nghe cũng bé tẹo, không bằng tiếng pháo đất trẻ con chơi. Mãi mới nhận ra tiếng 12ly7 lạch tạch, còn xung lực AK thì chẳng nghe thấy tiếng. Xem xong cảnh mở màn, anh Điện bắt chúng tôi về hầm, chỉ còn một người ở lại quan sát. Nếu thuận lợi thì trận đánh cũng phải cỡ nửa tiếng nữa mới tạm ổn. Nếu địch có rút chạy thì cũng phải thêm độ nửa tiếng nữa chúng nó mới có thể đến được đây. Vậy là một người quan sát, còn lại tất cả lấy cơm ra ăn rồi ngồi hút thuốc chờ đợi.

   Mũi chúng tôi không có điện đài đi theo nên chủ yếu trông chờ phán đoán và xử lý tình huống của anh Điện. Cái nhà sàn sẽ là đài quan sát rất tốt, nhưng vì nó không có mái nên trống hoác, anh Điện phải cho chặt mấy cây tre gần đó rấp lên để ngụy trang. Tất nhiên là cũng không hợp lý lắm nhưng như thế còn hơn để tơ hơ, L19 nhìn thấy thì chết với nó. Vẫn phải cử một người rúc trong cái đám cành lá tre đó nhô đầu lên quan sát tình hình. Một tiếng đồng hồ căng thẳng trôi qua, không có động tĩnh gì. Một ít thuốc rê còn sót lại từ dịp ăn Tết sớm tuần trước đã hết veo. Ngồi phục bây giờ giống như ngồi chốt, thấy buồn buồn.

   Trời sáng hơn và sương mù tan dần khi có nắng. Vùng đất cao nguyên thì nơi nào cũng giống nhau. Mùa khô nếu sáng sớm có sương mù thì rồi sẽ có nắng. Sương mù sớm càng đặc thì nắng trưa càng to. Phía trận địa Thái 4001 bây giờ không còn pháo cấp trên dập vào nữa, nhưng trong đó vẫn nghe có tiếng nổ lục bục của hỏa lực hai bên. Nắng hơn nữa thì bắt đầu nghe tiếng vè vè rồi một máy bay trinh sát L19 xuất hiện. Hình ảnh của nó trên cao nguyên quá quen thuộc rồi. Anh Điện ra lệnh tất cả im lặng và tụt nhanh khỏi nhà sàn. Thằng L19 chỉ đảo có vài vòng là bắn pháo khói ngay. Nó bắn vào khu vực cửa mở của C5. Chẳng phải chờ lâu, bầu trời vang động tiếng ì ì của máy bay. Chỉ ngồi dưới gốc cây ngửa cổ lên cũng nhìn rõ hai chiếc máy bay ném bom T28 từ hướng Phù Chiêng bay tới. Cửa mở C5 bị đánh bom ngay lập tức. Ngồi xa nhìn rõ và nghe tiếng bom nổ "ục" và khói to hơn vết đạn pháo nhiều. Sau này chúng tôi được biết hướng cửa mở K16 địa hình hơi phức tạp nên chưa mở xong hàng rào ngay từ loạt mìn DH đầu tiên. Vướng cái hàng rào bùng nhùng đánh bộc phá mãi chưa được. Hướng C5 tuy mở thông hàng rào nhưng địch kịp lập các ụ súng phòng thủ ngay trước cửa mở bắn mãnh liệt vào bộ binh ta. Bộ binh làm nhiệm vụ chiếm đầu cầu bị tổn thất một trung đội mà chưa chiếm xong đầu cầu, lại bị bật ra. Địch điều cả DK ra bít cửa mở nên đội hình hỏa lực của D cũng bị tổn thất. Một khẩu 12ly7 bị trúng một phát DK bay mất cả khẩu đội. Thế là tạo thành thế trận giằng co. Đến khi sương tan thì địch cho T28 đến ném bom ngay vào cửa mở. Tiểu đoàn ra lệnh cho bộ phận phía trên sát hàng rào thì ép luôn lên sát hàng rào hơn nữa, còn bộ đội phía sau thì lùi xa lại để tránh vùng ném bom ở giữa. Thế trận chuyển sang đánh vây ép. Thực chất quân ta cũng có nhiều khó khăn hơn so với đánh D621 Thái trong ngã Ba Lào Ngam mấy tháng trước. Không có xe tăng chi viện. Hai tiểu đoàn bộ binh mang tiếng là to nhưng số tay súng bộ binh mỗi D cũng không đến trăm người. Ngay C tôi nếu tính cả cán bộ C và liên lạc mới đủ ba chục, mà mũi chúng tôi đã tách ra mất 10 người rồi. Tất nhiên không kể 3 lính A cối 60. Còn bên địch một tiểu đoàn Thái đầy đủ kể cả bọn hỏa lực tại chỗ có thể tham chiến được chắc cũng không dưới 200 tên. Tại nơi này, địch chỉ kém chúng tôi về pháo vì pháo từ Phù Chiêng của chúng không thể bắn tới. Tất cả lợi thế dồn vào máy bay nên chúng chi viện ngay.

   Chúng tôi ở khu phía Đông Nam quan sát rõ mồn một trận đánh của máy bay, chẳng khác gì ngồi chốt trước trận đánh ngã Ba Lào Ngam hồi tháng 10 năm ngoái. Lại như xem phim và lại tiếc giá có phóng viên đi cùng quay phim ghi lại được cảnh này thì tha hồ tư liệu. Không biết địch ở Nam Lào có bao nhiêu máy bay T28, nhưng có lúc trên bầu trời đủ cả 4 chiếc. Cửa mở hướng K16 cũng bị đánh bom và bộ đội có tổn thất. Bây giờ thì yếu tố bất ngờ không còn nên đành phải quay ra đánh theo kiểu vây lấn. Lần đầu tiên ở chiến trường Nam Lào bộ đội ta phải đào thêm cả giao thông hào. Buổi chiều địch đưa cả phản lực đến đánh bom. Tôi không thạo về máy bay lắm nên cũng chẳng rõ chúng là loại gì, nhưng bọn phản lực ném bom xem ra ghê hơn T28 nhiều. Nếu như T28 vè vè thả từng quả và ở bãi trống có thể vừa quan sát vừa chạy được, thì với phản lực nó nhanh và tiếng động gây uy hiếp lắm. Chúng tôi ở tít xa quan sát cũng thấy sự uy hiếp của nó. Hình như 12ly7 của ta phía trận địa cũng tổ chức bắn lại.

   Chiều tối dần và ngày thứ nhất trôi qua. Chiến sự diễn ra chủ yếu là các trận nem bom của địch. Ở trận địa chính anh em rất vất vả còn chúng tôi ở ngoài này vẫn yên ổn. Đấy chỉ là qua quan sát mà biết thôi. Buổi tối anh Điện cho anh em ra đầm nước lấy nước bổ sung để chuẩn bị cho ngày mai. Anh ấy vẫn bình tĩnh mặc dù chúng tôi không liên lạc được về tiểu đoàn. Anh ấy cũng đoán là chưa dứt điểm được căn cứ. Tình hình chuyển sang vây ép thế này chắc cấp trên cũng đã dự liệu nên mới cho chúng tôi mang đi 3 ngày cơm đùm chứ? Đêm hôm ấy chúng tôi phải tổ chức gác đề phòng có tình huống gì khác, nhưng chắc chưa phải đánh phục kích vì kiểu này địch nó còn trụ lại chứ không đơn giản tự chạy khỏi căn cứ.

   Thuốc lá đã hết và tất nhiên lính tráng thấy mồm miệng rất nhạt. Sáng ngày hôm đó, sau khi phán đoán tình hình còn lâu mới đánh xong, chúng tôi bắt đầu ngó nghiêng cái bản bỏ nơi mình đang chốt giữ. Bản nhỏ, nhà cửa tan nát hết, nhưng vùng đất cao nguyên vốn trù phú nên những cây trồng dù không người chăm sóc cũng có khả năng hồi phục sau nhưng biến cố bom đạn. Trong bản, ngoài mấy bụi tre xanh mướt ngoài rìa thì còn sót lại chừng dăm cây bưởi. Cây nào cũng to, quả sai trĩu cành. Độ này bưởi đã đủ già nên không phải lo hai nhược điểm dễ gặp là non hoặc he. Anh Điện cho lính trẩy bưởi xuống. Ở đây xa địch, chứ lặng lẽ nhẹ nhàng mà thao tác thôi. Bổ bưởi ra thấy may mắn làm sao, toàn bưởi đào ngọt lịm, trời ạ. Cây nào cũng ngon như cây nào, thế là ai bổ nấy chén chẳng phải chung đụng gì. Ngồi nhẩn nha chén bưởi thay cho hút thuôc cũng hay phết. Ngày hôm ấy mỗi lính phải chén hết dăm quả. Bụng dạ lính ta vốn tốt, quả xanh nước lã không làm sao, nhưng do ăn nhiều bưởi quá nên khi đi vệ sinh mùi bưởi xông lên rõ mồn một. Anh Điện và anh Dũng phải ra lệnh cho lính tự đào hố chôn kín vỏ bưởi và hố mèo cũng phải đào sâu.

   Ngày hôm sau, tình hình chiến sự vẫn như ngày hôm trước, nghĩa là quân ta không đánh vào được, còn trận địa suốt ngày bị đánh bom. Ngay từ lúc hửng nắng địch đã bắt đầu ném bom rồi. Cứ hết T28 rồi lại đến phản lực. Máy bay trinh sát L19 vẫn hoạt động và thỉnh thoảng vẫn phải bắn pháo khói để chỉnh lại mục tiêu. Hôm nay anh Điện cũng bình tĩnh hơn nên cho chúng tôi lần lượt lên xem trận địa qua cái nóc nhà sàn còn sót ấy. Lúc nắng to, trong trận địa nhìn rõ hơn những mô đất nhô lên như ụ súng hay hầm lô-cốt. Nhiều lúc thấy những tên địch chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Từ xa, nhìn chúng bé như những quả táo ta, lũn cũn. Thấy rõ cả cái dáng lom khom của chúng. Giá có mấy khẩu súng trường Hung có ống kính bắn tỉa (như trong phim "Bốn chiến sĩ xe tăng và con chó" của Ba Lan) chắc sẽ bắn tốt. Nghe tôi ước ao, anh Điện bảo, "Cậu chẳng biết cái quái gì cả. Bắn tỉa được vài thằng, lộ trận địa phục kích địch nó táng cho hai quả bom thì đi đứt hết tất cả à?".

   Cứ mò lên xem một lát rồi lại quay xuống hầm tránh nắng. Lại bổ bưởi ăn cho đỡ sốt ruột. Cơm thì lính tráng có suất nên cứ tự động mà ăn lúc nào cũng được, tự chia cho đủ 3 ngày. Tôi đặc biệt thích lên quan sát lúc có máy bay đến đánh bom để so sánh với cái thời trẻ con ở nhà xem máy bay Mỹ đến thả bom và đối chiếu với cái kiến thức sơ đẳng về xem hình trái bom rơi để biết nó bay về đâu. Cả ngày hôm đó chủ yếu là máy bay địch ném bom thôi. Không nghe thấy tiếng pháo hay tiếng súng của cả ta và địch. Hôm nay có thể tiểu đoàn đã bố trí lại đội hình để bộ đội tránh thương vong do bom rồi.

   Buổi tối lại đến và tình hình chưa có gì khác. Chúng tôi vẫn đủ cơm ăn một ngày nữa. Nhưng anh Điện và anh Dũng hội ý nếu ngày mai trung đoàn chưa đánh xong căn cứ thì đến tối sẽ phải cử người về bắt liên lạc để nắm tình hình và lấy thêm cơm.

   Ngày thứ ba. Máy bay L19 lại lên từ sáng sớm. Rồi T28 lại đến đánh bom. Hôm nay thấy 12ly7 của ta bắn trả rất mãnh liệt. Trung đoàn chắc không thể thụ động nữa nên cho 12ly7 của các tiểu đoàn lập trận địa bắn trả. Cũng chỉ có 12ly7 là to nhất thôi. Cái đơn vị pháo cao xạ 23ly 2 nòng thì đã rút về đường dây 559 từ khi chúng tôi kết thúc chiến dịch Saravan rồi. Bọn T28 vốn làm mưa làm gió trên cao nguyên, nay bị đánh trả cũng chờn. Chưa có chiếc nào bị hạ, nhưng chúng cũng ném bom thưa hơn và chúng tôi thấy rõ chúng cắt bom từ rất cao, không còn nhìn rõ cả đầu thằng phi công như trước nữa. Ta đổi chiến thuật thì địch cũng đổi chiến thuật. Chúng tăng cường ném bom bằng máy bay phản lực. Lúc nó bổ nhào, súng 12 ly7 vẫn bắn trả mãnh liệt. Có lẽ bây giờ, lính 12ly7 mới được bắn máy bay, tất nhiên là ít kinh nghiệm. Mãi chẳng thấy hạ được chiếc nào. Chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát và xem bắn máy bay không mất tiền.

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #527 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 12:00:06 pm »


   Một ngày không phải của bộ binh đánh nhau mà chỉ là của máy bay và súng phòng không. Trong ngày, chúng tôi leo lên nhà sàn xem trận địa rất nhiều lần. Xen trong các đợt máy bay ném bom vẫn có máy bay trinh sát L19 vè vè. Rất may là chỗ chúng tôi vẫn ngụy trang tốt, hoặc giả nó không nghi ngờ mấy về hướng này nên chúng tôi vẫn yên ổn.

   Theo kế hoạch tác chiến thì vùng Thị trấn Păk Soòng và phía Tây đường 23 dẫn về Păk-xế do E19 đảm nhiệm và chiến sự vẫn phải diễn ra ở những khu vực đó. Nhưng có lẽ trận địa chỗ chúng tôi là chính nên máy bay mới tập trung nhiều vào đây. Mặt khác có lẽ là ở xa hay sao nên chúng tôi cũng chẳng nghe thấy gì ở hướng khác.

   Quan sát trận địa của bọn Thái trong ngày, chúng tôi thấy chúng xuất hiện và di chuyển trên mặt đất trong căn cứ nhiều hơn. Cứ một lúc lại thấy một hay vài cái cục đen đen bé tí di chuyển trong đó, trông như trên sa bàn.

   Trong ngày, vừa rỗi vừa buồn nên các anh Điện và Dũng cũng chạy qua chạy lại hầm chúng tôi hỏi thăm và trò chuyện. Một chốc lại leo lên nhà sàn quan sát địch rồi í ới gọi cho chúng tôi lên cùng xem. Cũng chẳng ai đoán ra địch đang muốn làm gì trong căn cứ.

   Gần trưa thì hỏa lực 12ly7 của K18 làm nên chuyện. Một chiếc phản lực bị trúng đạn, nhưng không rơi tại chỗ. Nó chỉ bị thương, không bay về được căn cứ và rơi ở đâu đó. Sau này nghe đài kỹ thuật mới biết tin và C8 được ghi công.

   Mọi chuyện tưởng diễn ra êm ả thì đầu giờ chiều có một sự kiện đặc biệt, hiếm thấy trong đời lính. Trên bầu trời xuất hiện một chiếc máy bay lạ, loại cánh bằng. Về sau mới biết nó là L21, cũng là một loại máy bay trinh sát. Chiếc máy bay lượn một vòng rồi bay ngang qua căn cứ địch. Vẫn ở tư thế bay bằng, có một cái cục gì đó rơi ra từ máy bay làm nó chúi một cái rồi lấy lại thăng bằng. Chúng tôi chưa kịp ngạc nhiên thì cái cục đen đen đã nở bung ra thành một cái dù và từ từ rơi xuống đất. Chiếc L21 vòng lại hai lần nữa và mỗi lần lại rướn bụng thả xuống một chiếc dù. Phía trận địa im ắng và chúng tôi ngắm mãi mấy cái dù rơi xuống trận địa. Nhìn rõ bọn địch như những quả táo di chuyển trong trận địa ra dỡ dù. Bây giờ thì chúng tôi hiểu là địch thả dù tiếp tế. Lúc này mà có cái ống nhòm pháo binh (loại có tiêu cự nhòm được xa 3 cây số rõ cả nốt ruồi trên mặt) thì sẽ biết ngay là địch thả hàng gì.

   Chừng nửa tiếng sau thì cảnh trượng trên bầu trời căn cứ địch thật ngoạn mục. Vẫn có L19 bay trinh sát vòng ngoài, nhưng trên bầu trời căn cứ xuất hiện thêm cả loại vận tải AC130. Thằng này khi ở ngoài Sara van chúng tôi đã biết, nó bắn pháo sáng dai dẳng suốt cả đêm. Còn lính pháo và lính lái xe thì truyền miệng nhau khả năng nó bắn pháo 105 diệt xe cơ giới của ta rất chính xác nhờ có kính ngắm hồng ngoại. Bây giờ đây thì đến lượt chúng tôi chứng kiến khả năng chở hàng và thả dù của máy bay này. Chả cần nghiêng cánh, cứ lừ lừ bay và ùn ra mỗi lần đến mấy chiếc dù hàng. Chả mấy chốc mà trên bầu trời có đến cả chục chiếc dù lững lờ rơi, cái cao cái thấp, trông thật đẹp mắt và xúc động. Chả khác gì cảnh phim tài liệu thực dân Pháp thả dù ở Điện Biên Phủ, có khi còn đẹp hơn vì đây là cảnh thật sờ sờ ngay trước mắt. Anh Điện và anh Dũng tuổi quân cao hơn tôi nhiều cũng xem rất khoái chí và bảo đây cũng là lần đầu tiên các anh ấy xem thả dù. Bọn lính Thái con nhà giàu có khác, tiếp tế đến tận chân răng. (Dạo ngoài Saravan, địch cũng thả dù hàng tiếp tế cho bọn GM41 và GM42, nhưng toàn thả vào ban đêm nên chúng tôi không ai được nhìn thấy. Chỉ có đánh vào chỗ địch mới thấy những cuộn dù xếp lăn lóc trên đất). Xen kẽ máy bay AC130 thả dù trên tầm cao, chiếc L21 vẫn nhẫn nại thả dù ở tầm thấp hơn, dù mỗi lần chỉ són ra có một chiếc. Không hiểu vì lý do gì mà 12 ly 7 của ta không bắn dù cho rơi vỡ hàng của địch.

   Buổi chiều hôm đó địch thả dù hàng rất nhiều. Chỉ dù hàng thôi chứ không có dù người. Cũng không có máy bay ném bom. Trời bắt đầu có gió và thổi về huớng chúng tôi. Từ trên nhà sàn, chúng tôi đã thấy rõ có những cái dù rơi ra rìa căn cứ. Tuy quân ta không bắn nhưng có lẽ máy bay địch cũng đề phòng nên chúng không dám bay thấp mà cứ thả dù từ tít trên cao. Bọn địch dưới đất có lẽ cũng lo lắng nhưng không làm gì được. Tầm cuối chiều có đến mấy cái dù hàng rơi vượt ra ngoài căn cứ đến cả trăm mét, ra khỏi hẳn những hàng rào. Phía này không có đường ra nên địch cũng đành đứng nhìn. Cuối cùng có cả dù do máy bay L21 thả cũng rơi ra ngoài, hướng về phía chúng tôi. Loại dù này nhỏ hơn và có màu trắng xen đỏ chứ không xám xịt như dù hàng do máy bay AC 130 thả.

   Trong buổi chiều hôm đó, địch thả xuống đến hơn dăm chục chiếc dù, trong đó chúng tôi đếm được có 5 chiếc rơi ra ngoài hàng rào về hướng chúng tôi. Trong số đó có một chiếc dù khác lạ của máy bay L21 thả. Lính tráng chúng tôi ngứa ngáy chân tay lắm, muốn mò ra kiểm tra nhưng anh Điện không đồng ý. Khả năng mò ra đó có thể gặp địch mà cũng có thể gặp cả lính K16 mò sang, bắn nhầm nhau thì hỏng bét.

   Buổi tối chúng tôi ăn nốt chỗ cơm cuối cùng mang theo. Bưởi trên cây còn khá nhiều nhưng ăn bưởi mãi cũng chán. Chắc không ai ăn bưởi thay cơm được. Buổi tối anh Điện và anh Dũng cử một nhóm 3 người do anh Trịnh dẫn đầu về hậu cứ lấy cơm. Tôi cũng đi cùng. Quãng đường về hậu cứ cũng phải mấy tiếng chứ không ít, lấy được cơm về chắc cũng hết đêm. Chúng tôi cùi theo hơn chục quả bưởi để về làm quà cho cánh anh nuôi. Tôi rất sợ lạc vì chúng tôi ra trận địa do trinh sát dẫn, nay trở về phải tự mò mẫm. Rất may là chúng tôi vượt qua hết đầm nước, về nhập được vào với đường trục đi chung với hướng chính thì gặp trinh sát D dẫn anh nuôi mang cơm tiếp tế cho chúng tôi. Cả hai bên đều hết sức vui mừng, chào hỏi nhau rối rít. Chúng tôi trao đổi bưởi và cơm cho nhau. Cơm ăn được tiếp tế thêm hai ngày. Có một cái lệnh kèm theo, ngày mai các hướng chính sẽ không vây ép nữa mà tấn công vì địch thả dù tiếp tế nhiều thế thì có thể chúng định ở lỳ tại đó chứ chưa có ý rút chạy. Vì thế hướng B5 phải thật chú ý chặn đánh địch nếu chúng rút qua đó. Chúng tôi trở lại chỗ chốt của trung đội khi chưa đến nửa đêm. Còn khối thời gian để ngủ.

   Mờ sáng, trời lạnh vì sương rất nhiều. Nằm trong hầm rải đệm cỏ tranh và quấn mình trong mảnh dù ấm thì chả ai muốn dậy lúc này. Thế mà anh Điện lại thúc anh Trịnh và tôi dậy, hỏi:

   - Chúng mày có muốn đi lấy dù không?

   Muốn quá đi chứ. Hai chúng tôi tỉnh hẳn người. Thế là anh Điện, anh Trịnh và tôi mỗi người cắp một AK với hai băng đạn xuất kích. Cứ nhằm cái hướng có mấy cái dù rơi hồi chiều qua mà tiến lên thôi. Trời mờ mờ nhưng tất cả cứ phăm phăm mà đi theo anh Điện. Đi được chừng năm trăm mét thì gặp một con suối nhỏ, nước nông, bờ bên kia có nhiều bụi tre to. Sang qua suối đi độ chục mét thì toàn cỏ tranh cao lút đầu người. Chả còn nhìn thấy gì cả. Theo anh Điện chúng tôi cứ sục lên, ngoắt chỗ này rồi lại ngoéo sang chỗ nọ, tiến tiến lui lui. Được một lúc thì quần áo ướt hết vì thấm sương trên cỏ tranh. Chả có một cái gì cao hơn để leo lên mà nhìn tìm hướng cái dù. Rồi trời cũng dần sáng hơn và nhìn mọi thứ dễ hơn. Anh Điện sục xạo phía trước rất liều. Anh bảo cỏ tranh rậm rạp thế này thì không có mìn đâu. Mà húc phải hàng rào thì lùi cũng kịp, yên tâm. Mò mầm như thế đến gần tiếng chứ không ít, người đã mệt và tinh thần bắt đầu nản thì anh Điện húc phải một cái dù xám. Tất cả mừng rú lên sục luôn vào thùng hàng. Toàn đạn cối, bố khỉ. Anh Điện thần mặt ra, chúng tôi cũng lo lắng. Anh Điện bảo, bọn này bị vây mấy ngày, không đói cơm mà chỉ đói đạn hay sao. Lại sục tiếp. Cứ từ chỗ đó mà sục rộng ra thôi. Loanh quanh một lúc thì gặp được cái dù thứ hai. Hàng hóa là một cái sọt đan theo kiểu dáng như cái gàu tát nước có quai, trong đó có mấy bọc nilon. Lấy dao găm rạch ra thì ôi mẹ ơi, toàn dưa cải muối. Quái lạ thật, sao bọn lính Thái mà cũng ăn đồ ăn như dân mình thế nhỉ. Cả ba người vục tay mỗi người làm một nắm, chén tại chỗ, ngon tuyệt. Nhưng chẳ lẽ chiến lợi phẩm chỉ là mấy bọc dưa cải muối?

   Ngồi thừ một lúc, anh Điện bảo, chúng mày có nhớ cái dù trắng đỏ rơi phía nào không? Tôi nhớ lại, bảo anh là nó rơi gần phía căn cứ hơn so với mấy cái dù xám. Thế là tất cả đứng dậy sục tiếp. Máu đang hăng thì nguy hiểm cũng bất chấp. Anh Điện bắt tôi cùi một bọc dưa cải muối, còn thì vất lại. Lúc này tôi bắt đầu thấy hai cánh tay xót ngứa, hóa ra bị cỏ tranh cứa do cứ vạch cỏ tranh ra mà sục lối đi khi trước. Chắc anh Điện và anh Trịnh cũng vậy, nhưng không thấy ai kêu gì. Sục độ chừng ba chục mét thì thật may, anh Điện túm được cái dù trắng đỏ. Chỗ này chắc cũng gần địch hơn nên phải thận trọng hơn, tuy nhìn quanh cũng chẳng thấy gì xa hơn vạt cỏ tranh kín trên đầu trước mắt. Đúng là trời không phụ công ba người chúng tôi. Thùng hàng của cái dù này chắc dành cho sĩ quan nên toàn đồ ngon. Anh Điện mừng rú lên dù chỉ là ư ử trong cổ họng. Trong cái sọt hàng (vẫn là cái sọt đan bằng một loại sợi mềm gì đó, không phải tre) có ba thùng giấy. Xé ra, trong có những cái gói bằng nilon trơn. Lúc này trời sáng hơn nên tôi đã nhìn thấy ngoài vỏ của nó có những dòng chữ Thái hình con giun và có hai con tôm càng đỏ au. Anh Điện bóc luôn một gói, bẻ ra cho mọi người ăn thử. Trong gói là một cái bánh kết thành bởi những sợi như sợi mỳ (mỳ sợi chỉ có tôi được ăn ngoài Bắc mới biết chứ anh Điện và anh Trịnh đã được ăn bao giờ đâu). Sợi bánh giòn, hơi ngọt, hơi mặn. Anh Điện tuyên bố chắc là bánh trứng, tuy chẳng hiểu sao trong đó lại có một gói nhỏ đựng muối to như ngón tay. Thôi bánh gì cũng được, của quý rồi. Mỗi thùng bánh có 60 gói (Mãi sau này khi giải phóng miền Nam, tôi mới biết nó là mỳ ăn liền hai tôm), anh Điện bảo lấy mang về hết. Sục xuống phía dưới sọt lại có hai thùng giấy nữa nặng chịch. Mở ra, mỗi thùng có 30 hộp sữa nước giống như hộp sữa Thống nhất ngoài Bắc. Loại chiến lợi phẩm này đã lấy nhiều rồi nên không ai còn lạ, đây cũng là của quý phải đem về. Phần hàng ở dưới cùng là một hộp giấy càng làm cho ba anh em sướng đến run người: đó là hai tút thuốc A lào loại đầu lọc đỏ, tuyệt vời luôn. Thật đúng là nếu không có cái dù trắng đỏ này thì cuộc sục xạo sáng nay thật vô duyên, còn bây giờ thì lại quá tuyệt. Thế là toàn bộ hàng của cái dù trắng đỏ cộng với một bọc dưa cải muối được chúng tôi chia nhau mang về. Nhưng là lính thì làm sao mà lại không ăn ngay khi miếng ăn kề miệng cho được. Củ khoai còn không thể để dành đến sáng được thì làm sao số chiến lợi phẩm tuyệt vời như thế này lại không kích thích sự hăm hở và nóng ruột thưởng thức của chúng tôi. Thế là anh Điện lôi ra chia ngay cho mỗi người một hộp sữa nước. Hai mũi dao găm chọc vào tạo hai cái lỗ, thế là hộp của ai nấy tu. Ngọt lừ, ngọt đến khé cổ, nhưng hút đến đâu thì tỉnh và khỏe người ra đến đấy. Lúc này anh Điện mới phấy tay: "rút", và chúng tôi nhanh chóng theo đường cũ chuồn vội. Tôi nhìn cái dù trắng đỏ tiếc rẻ rồi chẳng nói gì với ai, ngồi thụp xuống dùng dao găm cắt nhanh dây dù rồi cuộn luôn cái dù ôm theo. Chiếc dù loại này nhỏ chứ nếu to như cái dù xám thì chắc tôi cũng không tha đi được. Rồi cứ thế, tôi vừa theo hút các anh Điện và anh Trịnh mà đuổi, trong khi một tay vẫn ôm cái dù to cộm trước bụng, một tay vẫn còn cầm hộp sửa tu dở, cứ chạy một đoạn lại đưa lên tu, rồi lại chạy. Khẩu AK khoác trên người ngoặt ngoẹo thế mà cũng không cản được bước chạy của tôi. Chả mấy chốc mà tôi đã đuổi theo kịp anh Điện và anh Trịnh khi các anh ấy cũng vừa đến bờ con suối nhỏ.

Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #528 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 02:18:58 pm »

Bác Trongc6.

Lâu lắm mới lại thấy bác tái xuất. Nghe bác kể v/v đi lấy dù hàng mà mê quá. Bác còn giữ được mảnh dù trẳng đỏ ấy không ?
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #529 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 09:41:57 pm »

  Ối dổi! Lần trước bác ý kể chuyện chén xôi gà đã tứa hết nước miếng. Lần này lại đến dưa muối với mì hai tôm, thật hết chịu nổi. Hai món này nhà em lúc nào cũng có sẵn nhưng có mấy khi động đến đâu. Thôi, phải chạy xuống bếp tí mới được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM