Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:33:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323740 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #450 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2010, 09:05:06 am »


   
         Có lẽ ở chiến trường nào và ở đơn vị nào cũng từng xảy ra chuyện nhìn gà hóa cáo, đôi lúc thần hồn nát thần tính mà chung quy lại cũng chỉ là chuyện kỷ luật chiến trường không thật nghiêm. Những quy định đề ra đôi khi bị coi nhẹ hay vì mệt mỏi quá mà tặc lưỡi bỏ qua nên chấp hành lỏng lẻo. Chỉ đến khi xảy ra chuyện, tất cả mới giật mình xem xét lại, nhưng rồi chỉ đơn vị đó rút ra nhiều kinh nghiệm, còn đơn vị khác lại thì lâu lâu không thấy gì, xem nhẹ để rồi lại rơi vào vết xe đổ của đơn vị bạn trong một tình huống khác.

   Ký ức chiến trường không hoàn toàn chỉ là những điều chính mình gặp, mà nó còn là chuyện của đồng đội khác trong đơn vị, thậm chí khác tiểu đoàn, nhưng buộc mình phải nghe, phải biết và phải nhớ.

   Khi chiến sự vừa mới qua đi ở Pắc-soong, địch rút về chốt ở cây số 40, còn K18 chúng tôi thì chốt ở bản vườn lê 42, phía dưới bản Păc-kụt một chút. Ở ngoài Bắc thời bao cấp, mọi thứ của ngon vật lạ đều dành cho đâu đâu ấy chứ nên dân thường thì thèm đủ thứ. Đã có mấy ai có được diễm phúc ngồi trong vườn mà thả phanh ăn quả, nhất là những thứ quả cao cấp như Cam, như Đào, như Lê… Thế nên các đơn vị lập chốt giữ quanh các bản có vườn cây ăn quả thì lính tráng giống như Tôn Ngộ Không lọt vào vườn Đào của Vương Mẫu. Cái kiểu ăn của lính khi ở cương vị chủ nhân của trời đất thì không hề giống ai. Ăn mít mật thì rung cây cho quả chín tụt nõ rơi xuống, chỉ việc bốc ăn, khỏi phải bổ. Ăn đu đủ thì chọn quả chín bổ đôi rồi dùng thìa xúc ăn chứ không gọt vỏ. Đào với lê thì chọn quả to ngon mà trẩy, chùi vào vạt áo rồi chén luôn. Thường lúc đầu thì ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm, sau rồi thì chén đến cả những quả có sâu, bé tẹo. Suốt dọc đường 23, thậm chí trong Cao nguyên chỉ có duy nhất một bản 42 có vườn lê bạt ngàn. Quả lê vỏ xanh, mềm chứ không phải quả Mắc-cọp vỏ nâu cứng ăn hơi có vị chát của vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Bọn C5K18 chốt giữ gần đó, sống như vua nên quên mất rằng dân Lào trên Cao nguyên, những người chủ nhân thật sự của những khu vườn cây trái đó cũng có quyền được hưởng thụ. Dân họ rất dát, nhưng thỉnh thoảng cũng có người liều mạng mò ra các vườn cây. Hôm ấy bọn lính C5 đang chốt quay ra phía Pắc-kụt. Hướng đó quay ra dân hơn là quay ra phía địch nên khá an toàn, thế mà không hiểu sao chúng nó lại tương nhầm dân. Một phần cũng do phía trước chốt cây lá lòe xòe che phủ, mấy người dân đi ra lại lầm lũi không nói chuyện. Họ cứ vạch cây lá đạp đường mà đi vào chốt. Lính ta thấy loạt xoạt là bắn, quên mất quy tắc phải quan sát cho rõ. Lia xong vài loạt AK mà chả thấy đối phương bắn lại. Nghi nghi hoặc hoặc mãi rồi mới mò ra thì đã thấy hai người phụ nữ nằm gục bên vũng máu. Chắc cũng có người chạy thoát. Biết là bắn nhầm dân rồi thì cha con đều sợ, từ thằng lính cho đến cán bộ C, D. Thế là cái chốt ấy phải bỏ, lính chuồn thật xa, để mặc cho dân ra lấy xác rồi sau này coi như là địch bắn, lính ta không biết. Chuyện này khi đó là tuyệt mật với dân, còn tất nhiên lính ta xì xào thì rồi ai cũng biết. Cũng chẳng có ai bị kỷ luật, chắc là chỉ rút kinh nghiệm thôi. Thật đúng là chiến tranh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Rơi vào ai thì người đó phải chịu. Đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác thằng lính nào đã bóp cò AK hôm đó, nhưng nếu sau này không hy sinh, chắc nó cũng có lúc dằn vặt. Còn chúng tôi thì rút kinh nghiệm đại trà là khi ngồi chốt phải chịu khó quan sát, mở to mắt ra mà nhìn, đừng có mà mắt to hơn người.

   Chuyện qua đi, nhưng rồi đến lượt tôi bị vấp trong một tình huống khác. Ấy là khi đang luồn sâu ở đường 23, tại khu trú quân phải canh gác đàng hoàng. Tôi lúc ấy là liên lạc cũng phải tham gia gác. Ca ấy của tôi chỉ tầm mười giờ đêm. Trời mưa nhỏ nên tôi chỉ khoác tấm nilon gập đôi và đi lại nhẹ nhàng quanh cái hầm đại đội. Nếu nằm dưới hầm thì có thể hút thuốc chứ khi gác thì không được. Phải quan sát và dỏng tai lên mà nghe ngóng. Đầu ca gác, mấy cán bộ và lính B6 đi trinh sát tối trở về còn ráp mật khẩu với tôi trước khi về hầm. Tôi cũng hỏi mấy câu chiếu lệ rồi quay ra vị trí gác. Chuyện xảy ra chỉ sau đó chừng mười phút thôi. Khi tôi vừa ôm súng vòng ra mé hầm ngoài rìa khu trú quân thì chợt phát hiện ra một bóng đen lờ mờ trên nền ánh sáng bàng bạc của bầu trời đêm mưa. Chắc bọn thám báo đã bám theo chân mấy bố trinh sát nhà ta mà mò vào đơn vị rồi. Nghĩ vậy, tôi liền ngồi thụp xuống hô to mật khẩu "Sông!" vừa bật chốt an toàn, nhưng tôi vẫn mong chờ tiếng trả lời "Hương!" quen thuộc. Bóng đen không trả lời mà bỗng ngồi sụp ngay xuống. Tôi liền kéo cò súng nhả ngay một loạt vào đó rồi nhảy tạt sang bên cạnh. Không có tiếng súng đáp trả, nhưng loạt AK "tặc.tặc." chìm trong đêm mưa của tôi đã đánh thức đơn vị. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lính B6 đã có mặt sát bên tôi chi viện. Tôi đoán tên địch đã trúng đạn không kêu được tiếng nào rồi, nhưng vẫn phải mò lên thận trọng vì sợ còn tên thám báo khác. Tại chỗ có bóng đen không có cái xác nào, chỉ có một tấm nilon dúm dó. Mọi người tản ra xục xạo, còn anh Ngữ B trưởng B6 soi đèn vào thì hóa ra là tấm nilon của ta. Mọi người nhanh chóng hiểu ra tình huống: Thằng Bình lính B6 đi trinh sát về vô tình ngoắc tấm nilon lên một cành cây ngoài hầm đã làm cho tôi tưởng lầm cái bóng đen trong đêm nhờ nhờ ấy là người, khi mà trước đó ở chỗ ấy không có gì. Đúng cái lúc tôi hô mật khẩu thì cái tấm nilon ấy lại ngẫu nhiên tụt rơi xuống đất nên đã phải hứng loạt AK của tôi. Tất cả cười khoái trá trong cái ngượng nghịu của tôi, may mà đêm tối không ai thấy rõ. Sáng hôm sau tôi mới bị phê bình. Không phải cán bộ C mà là anh Liêu liên lạc mắng tôi. Anh ấy bảo mày đúng là mắt to hơn người (lại cái câu ấy rồi, mà không hiểu sao trong đơn vị khi ấy hễ thằng nào có làm cái gì do hoảng hốt thì đều bị mắng phủ đầu là "mắt to hơn người"). Lẽ ra mày không cần hô mật khẩu vội mà phải quan sát thêm đã, vì mình đang ở thế chủ động cơ mà. Tôi cũng chỉ biết nhận lỗi chứ chẳng thể phân bua được, tuy trong bụng cũng thấy tức thằng Bình đã vắt tấm nilon đêm đó. Nhưng nghĩ lại cũng thấy đáng đời cho nó vì tấm nilon của nó đã nát toét rồi. Từ nay ráng mà chịu ướt chờ kiếm tấm khác nhé.

   Chuyện của tôi tuy có xấu hổ chút ít, nhưng chưa chết ai. Chuyện anh Định B4 (người Nam Hà) sau đó một tuần mới thật là nghiêm trọng. Hôm ấy B4 tổ chức chốt, trời quang không mưa mà còn hơi hửng nắng. Thấy trời đẹp, một nhóm cán bộ B, C mò lên phía trước nắm địch, cũng định kiếm cơ hội làm một trận tập kích lấy khí thế. Bình thường thì khi ở chốt hay luồn sâu mà đi trinh sát thì sẽ theo nguyên tắc đi lối nào, trở về lối đó cho dễ hiệp đồng và bắt liên lạc. Chiều đó, các anh đi trinh sát vẫn theo lối cũ trở về bình thường, chỉ trừ B phó Đương. Có lẽ cũng là số phận hay sao ấy. Tôi đã có lần kể là trong trung đoàn tôi có lệnh cấm lấy quân trang của địch, nhưng nếu có cơ hội thì lính ta vẫn lấy vụng để đem về tuyến sau đổi thuốc. Lần ấy anh Đương cũng đang giấu trộm một cái mũ thám báo vải dù rằn ri. Trong rừng trời mưa, đôi khi anh ấy cũng lấy ra đội. Lần ấy đi trinh sát, anh Đương lại giắt cái mũ trong người rồi vô tình đội lên đầu mà không để ý. Lúc về chốt, anh ấy lại rẽ ngang một mình xuống suối làm gì đó rồi cứ ngược theo sườn dốc ấy mà đi lên chốt. Quanh chốt toàn cây cứt lợn cao ngang đầu người. Anh Định (A trưởng) đang ngồi chốt thấy đám cây phía trước lay động rồi có tiếng người vạch cây loạt xoạt mà đi. Chắc lúc ấy anh ấy cũng hơi buồn ngủ rồi chợt tỉnh, nên khi thấy trên phía lùm cây có cái mũ thám báo nhấp nhô là bắn luôn. Không may là anh Định cũng không phải là tay bắn xoàng. Một loạt AK nổ chói tai kèm cái ngã uỵch và tiếng rống lên ồ ồ không thành tiếng. Anh Định lại bồi thêm một loạt AK nữa cho chắc ăn. Cả chốt nghe tiếng súng cũng vội vào tư thế chiến đấu. Một lúc lâu chẳng thấy thêm động tĩnh gì, mọi người yểm hộ nhau lên kiểm tra thì hỡi ôi, chẳng thấy địch đâu, chỉ thấy anh Đương đã tắt thở trên vũng máu, người lỗ chỗ vết đạn. Anh Định mặt cắt không còn hột máu, quỳ xuống ôm xác anh Đương mà khóc không thành tiếng. Chúng tôi ai cũng sợ.

   Liền trong chiều ấy, đại đội cử người khiêng anh Đương về hậu cứ chôn cất. Anh Định cũng bị gọi về cùng để lên tiểu đoàn chịu kỷ luật. Lúc ấy trong trung đoàn tôi chưa thấy có cái gọi là tòa án binh hay gì đó tương tự. Xử lý những trường hợp như tự thương của thằng Tuấn "đen" hay bắn nhầm đồng đội của anh Định, chỉ là lệnh kỷ luật dội từ trên D hoặc trên E xuống. Sau vụ đó anh Định bị khai trừ đảng, cách chức xuống làm lính thường. Vì bản chất con người là mãi mãi còn hiện tượng chỉ là nhất thời (đúng như quan điểm của đảng), nên sau vụ đó anh Định vẫn tiếp tục chiến đấu và công tác tốt, giống như bản chất của người nông dân cần mẫn trên đồng, dù mùa màng có lúc bội thu hay thất bát.

   Quân số của đơn vị vơi dần theo thời gian và các trận đánh nếu không kịp bổ sung quân số, nên vài tháng sau, anh Định vẫn phải nhận trách nhiệm tiểu đội trưởng. Hơn năm tháng sau, anh ấy và cả tiểu đội đã hy sinh trong một trận giữ chốt bên bờ sông Se-kong, mặt trận Sa-ra-van. Chỉ có cái nguyện vọng được là liệt sĩ-đảng viên mà anh ấy nhiều lần nói khi còn sống thì không thể thực hiện được vì quỹ thời gian quá ngắn, không thể đủ để anh ấy làm lại từ đầu.

   Thế hệ chúng tôi phải công bằng mà nói, sống rất có lý tưởng. Những điều mà bây giờ có rất nhiều người coi là chuyện không đáng quan tâm thì đối với chúng tôi khi đó lại là điều trăn trở. Để khỏi quên do đứt mạch câu chuyện, tôi muốn kể thêm về một người anh khác trong C6 của tôi. B4 cũng có một A trưởng khác là anh Khung người Nam Hà (lại cũng là Nam Hà) là đảng viên. Sau vụ anh Đương bị bắn nhầm, anh Khung lên thay làm B phó B4. Lên được một tháng anh ấy bị khai trừ ra khỏi đảng nhưng vẫn được làm B phó. Lý do, nhà anh ấy ở quê là thành phần trung nông lớp trên (có bát ăn bát để đây), thế mà khi khai lý lịch vào đảng anh ấy chỉ ghi thành phần là trung nông (chỉ đủ ăn no, nếu nhà có nuôi chó nuôi mèo thì phải san bớt chút ít để cho chúng ăn). Vào đảng rồi, sau này tổ chức mới phát hiện ra nên phải khai trừ anh vì đã "không trung thực". Nhưng anh ấy chiến đấu giỏi nên vẫn được làm cán bộ B và vẫn có cơ hội phấn đấu tiếp để lại vào đảng. Anh ấy cũng là nông dân chất phác, sống có lý tưởng nên không nản chí. Hai năm sau, anh ấy lại được kết nạp đảng và được điều sang C5 làm B trưởng. Trong trận đánh Đồng Dù 29/4/1975, anh ấy và hầu hết anh em trong trung đội đã hy sinh trên cửa mở, trước ngày toàn thắng của dân tộc chỉ có một ngày. Nhưng chắc dưới suối vàng, anh ấy cũng ngậm cười vì mình đã là đảng viên, dù chưa kịp trở thành đảng viên chính thức.

   Các anh Định anh Khung ơi, hãy tha thứ cho em là đã đem chuyện của các anh ra kể. Dẫu biết rằng các anh chẳng cần gì, nhưng xin cứ để cho em nói ra một lần, âu cũng là thêm một lần tưởng nhớ tới các anh, để thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn các anh đã hy sinh để cho những thằng như em được sống.

...
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tám, 2010, 09:19:16 am gửi bởi Trongc6 » Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #451 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2010, 10:18:01 am »

Cảm ơn bác Trọng C6, bác đã kể những chuyện rất hay, về các đàn anh - đảng viên chân chính.
Em còn giữ thẻ, cho đến tận hôm nay, cũng chỉ vì: vẫn còn nhớ đến những đàn anh như thế.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #452 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2010, 10:56:38 am »


   Các anh Định anh Khung ơi, hãy tha thứ cho em là đã đem chuyện của các anh ra kể. Dẫu biết rằng các anh chẳng cần gì, nhưng xin cứ để cho em nói ra một lần, âu cũng là thêm một lần tưởng nhớ tới các anh, để thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn các anh đã hy sinh để cho những thằng như em được sống.


       Bác Trongc6 à ! Đúng là khi nhắc lại những chuyện ae mình, nhất là những ae đã hy sinh, bao giờ mình cũng cảm thấy gì đó như có lỗi. Nhưng xin bác cứ chia sẻ cùng mọi người. Những người trong cuộc rất dễ hiểu nhau, thông cảm và sẻ chia. Mình được sống đây là do có nhiều ae đã hy sinh. Thế nên bao giờ trong lòng cũng canh cánh, trĩu nặng tấm tình đồng đội, "sống" . . . và "chết".
Logged

tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #453 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2010, 09:12:36 pm »

Em có thằng bạn là Lương Đình Vơn quê Hương Sơn Hà Tĩnh làm quản lý đại đội , khi ở Lò gò nó nghịch súng M79 , súng  nổ ,bị kỷ luật cảnh cáo toàn C . Khi C em bị vây ở Sa Mát nó bị thương vào động mạch đùi , không đưa ra được, nằm trong hầm chờ  chết  . Lúc hấp hối nó xin anh Thống C tr xóa kỷ luật cho nó , đừng ghi vào lỹ lich ....làm anh Thống  và cả C khóc . Những người lính hồi đó có lòng tự trọng và trong sáng không muốn có một tỳ vết nào ảnh hưởng đến danh dự  .. Sau này em kể chuyện cho anh em trong đơn vị kể cả nhiều người là cấp tá nhưng ít người tin , họ cho là em phóng đại , thật buồn ..
 
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #454 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2010, 08:04:27 am »

Những người lính hồi đó có lòng tự trọng và trong sáng không muốn có một tỳ vết nào ảnh hưởng đến danh dự  ..
Bác tai_lienson
 Quả thực thời kỳ đó chúng ta không có lòng tự trọng và danh dự có lẽ khó có thể vượt qua, cho dù điểm xuất phát của mỗi người chúng có khác nhau. Khi vào vùng mới giải phóng tôi thấy đâu đâu cũng có khẩu hiệu "Danh dự và Tổ quốc" của địch để lại và suy nghĩ rất nhiều vị thế của mỗi con người... Câu đó giờ đây lớp người chúng ta sẽ hiểu như thế nào đây ?  
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2010, 08:50:00 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #455 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 09:20:33 am »

Em có thằng bạn là Lương Đình Vơn quê Hương Sơn Hà Tĩnh làm quản lý đại đội , khi ở Lò gò nó nghịch súng M79 , súng  nổ ,bị kỷ luật cảnh cáo toàn C . Khi C em bị vây ở Sa Mát nó bị thương vào động mạch đùi , không đưa ra được, nằm trong hầm chờ  chết  . Lúc hấp hối nó xin anh Thống C tr xóa kỷ luật cho nó , đừng ghi vào lỹ lich ....làm anh Thống  và cả C khóc . Những người lính hồi đó có lòng tự trọng và trong sáng không muốn có một tỳ vết nào ảnh hưởng đến danh dự  .. Sau này em kể chuyện cho anh em trong đơn vị kể cả nhiều người là cấp tá nhưng ít người tin , họ cho là em phóng đại , thật buồn ..
 

       Tôi hiểu chuyện thật của bác TàiLiênSơn "Danh dự hay là chết" cũng giống như câu của lính Xô Viết "Tổ Quốc hay là chết". Sống mất danh dự không bằng chết.

       Chuyện cảnh cáo trước đại đội có thể chỉ là để làm gương và giữ nghiêm quân kỷ thôi chứ đại trưởng như anh Thống rất hiểu lính chắc chẳng ghi vào lý lịch bạn Lương Đình Sơn đâu. Đơn vị tôi kỷ luật ai đó thực ra là để "dọa" thôi.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #456 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 10:31:19 am »

….
   Những thằng lính trong chiến trường đã từng làm liên lạc đại đội thì sau này khi trở về đời thường đều có phần tháo vát, chăm làm và chịu khó, cung cúc phục vụ vợ con. Cũng phải thôi vì suy cho cùng, vợ cũng là một dạng thủ trưởng mà.

   Cái thằng tôi thật không có khiếu làm liên lạc vì cái khoản ca cóng của mình quá kém. Đi đâu, lúc nào cũng phải nhăm nhăm nhìn trước ngó sau tìm cái ăn để cải thiện thêm cho thủ trưởng (tất nhiên có cả phần mình), cứ như những con chim mẹ trong mùa sinh sản vậy, quá con mọn. Lại cả cái khoản mang vác hộ phần gạo hay gì đó cho thủ trưởng khi hành quân thì thật là quá sức với một gã thư sinh thành phố như tôi. Thú thực là tôi chỉ học được cái nết chịu khó và nhẫn nại qua những việc đó thôi chứ không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế nên tôi rất thích ra tuyến trước, rất thích đi trinh sát cùng anh Băng vì lúc đó mình học được kinh nghiệm chứ không phải lo những chuyện khác. Cũng một phần biết thằng tôi nó là như thế nên anh Băng cũng hay "thả" cho tôi đi làm nhiệm vụ với các B khác, cho tôi được dịp bay nhảy.

   Đầu tháng 9 năm 1972, tất cả đại đội được lệnh rút về hậu cứ. Được một ngày chuẩn bị lán trại trước khi tham gia cùi cõng. Nghe nói cả tiểu đoàn tham gia cùi đạn, chắc là công tác lót đạn.

   Vô tình mà ngày cả đại đội được làm những việc loanh quanh trong hậu cứ lại đúng là ngày 4/9, kỷ niệm một năm ngày nhập ngũ của tôi. Một tuổi quân với 365 ngày đã trôi qua. Có từng ấy ngày thôi mà có biết bao nhiêu chuyện xảy ra với tôi. Kết thúc quãng đời học sinh, bạn bè chia tay, gần hết số con trai trong lớp vào bộ đội, còn đám con gái thì vào đại học hết lượt, trong đó có không ít đứa được ra học nước ngoài. Sinh viên năm đầu thì chắc là cũng còn non nớt lắm, chẳng khác bao nhiêu so với lứa tuổi học trò. Bọn con gái năm đầu học tiếng Tây chắc nhiều vất vả, có khi còn khóc nhè vì nhớ mẹ. Mấy thằng con trai dạng  con một, con liệt sĩ hoặc bị cận thị quá không thể nhìn xa trông rộng được là sót lại để vào đại học thì chắc cũng còn tồ lắm. Cuộc sống chắc vẫn cảnh mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Thế mà mình, cũng chỉ một năm ấy thôi mà đã có vẻ già đi trông thấy, sắp thành lính cũ rồi. Va chạm sống chết mấy lần và kinh nghiệm chiến trường đã thu thập được một mớ trong đầu. Bom đạn nó dạy cho con người ta tuy rất khắc nghiệt, nhưng trưởng thành lên nhanh lắm. Đêm ấy lằm co trong lán nghe tiếng mưa rơi mà tôi cứ nghĩ mãi về một tuổi quân của mình, không ngủ được. Nghe được cả tiếng bước chân của người lính gác, cả tiếng ngáy nhè nhẹ của thủ trưởng Băng. Có một cái gì đó làm mình mềm lòng. Mà sao nhớ về nhà lại không phải nhớ cha mẹ, lại đi nhớ cái lớp 10A với gần năm chục đứa bạn ấy của mình. Mười bảy thằng bạn học cùng nhập ngũ, mà sao lại chẳng có đứa nào vào cùng cái tiểu đoàn hay đại đội này với mình. Chúng nó vào đâu, ở chiến trường nào. Có đứa nào nhớ đến cái ngày hôm nay như mình không. Cũng có thể có đứa nhớ. Còn bọn ở nhà thì chắc chẳng đứa nào nhớ đến cái ngày này năm ngoái đi tiễn bọn chúng tôi ở rạp Đống Đa trên đường Thái Thịnh với những chiếc xe ca Ba Đình chở lính xọc xạch, qua ổ gà cứ như muốn vỡ tung ra. Nhớ và có phần so sánh số phận, có một chút tủi thân. Rồi nước mắt chảy ra lúc nào không biết, lạnh cả cổ áo. Lại thấy mình sao yếu đuối quá. Rùng mình mở to mắt nhìn bóng đêm xung quanh. Đây là hậu cứ, nhưng là hậu cứ chiến trường. Đồng đội xung quanh đang ngủ ngon, nhưng ngày mai vào trận có thể lại có người không thể trở về. Thôi ngủ đi, yếu đuối một chút chấp nhận được, vì dù sao mình cũng thuộc loại thư sinh, nhưng đừng có hèn nhát là được. Rồi những ý nghĩ mờ dần, chìm vào trong đêm…

    Hôm sau anh Băng đi họp trên tiểu đoàn về, nét mặt quan trọng. Tôi đoán sắp có chiến dịch chăng, tham mưu con mà, nhưng cũng không dám hỏi vì sợ mắng. Tôi âm thầm chuẩn bị đồ đoàn gọn nhẹ để mai lên đường. Hướng đi lại vẫn là Nam đường 23. Điều khác là lần này tại khu tập kết ngoài các cán bộ D, C, trinh sát của K18, lại còn thêm trinh sát trung đoàn và các thủ trưởng, các cán bộ tác chiến trên E nữa, đến mấy chục người. Tất nhiên bàn cái gì là việc của các thủ trưởng, liên lạc bọn tôi chỉ biết bám theo thủ trưởng của mình. Có buổi anh Băng đi họp một mình. Lại có đêm chỉ có anh ấy đi với các C trưởng khác và trinh sát tiểu đoàn. Sau rốt rồi cũng đến lúc tôi được đi trinh sát cùng anh Băng, khi đó chỉ có các cán bộ C cùng lính trinh sát D, E. Đây là lúc các C đi thực địa khu vực của đơn vị mình đảm trách. Chắc chắn phải có đánh to thì mới phải đi trinh sát và lên phương án kỹ càng như thế này. Tôi đã quen với các kiểu đánh chốt, phục kích và lùng sục. Bây giờ thêm kiếu đánh địch trong căn cứ có công sự vững chắc. Mấy cái loại đánh đấm như trên thì công tác trinh sát cũng bình thường, thậm chí là chẳng trinh sát gì. Đợt này thấy tổ chức trinh sát bài bản và kỹ càng lắm. Tôi ngó trộm trên bản đồ thì thấy khu vực lần này chính là cái ngã ba Lào Ngam. Khu vực này là một điểm chốt chặn quan trọng của địch trên đường từ Pắc-soong vào Pắc-xế mà. Lại nghe phong thanh bọn lính Thái Lan đóng căn cứ vùng này.

   Bọn lính Thái ở đây được mệnh danh là lính con nhà giàu, được trang bị đầy đủ, yểm trợ tốt và khả năng tác chiến hơn hẳn lính Fumi. Lính Thái chỉ tham chiến ở Nam Lào, vùng Thượng và Trung Lào không có. Cuối mùa mưa năm 1971, trung đoàn tôi mới đụng độ trận đầu với lính Thái trong một trận phục kích của chính C6 chúng tôi. Cả một đại đội lính Thái hành quân từ Pắc-xế lên qua khu vực bãi Dứa, rồi túc tắc vạch cây mâm xôi và cành xấu hổ bò lan ra đường cái sau mùa mưa mò lên đến bản Vườn lê 42, chủ quan và nghênh ngang đã bị C tôi choảng cho một trận phải bỏ mạng gần bốn chục xác. Chúng chạy một mạch về Pắc-xế, bỏ lại cả một tuyến đường 23 dài dằng dặc cho bọn lính Lào chốt giữ. Những thằng nhanh chân và khiếp đảm có lẽ còn vượt qua cả sông Mekong về đất Thái. Sau này các đơn vị khác trong E cũng có đụng độ với lính Thái, nhưng trong đó K18 là nhiều nhất. C tôi cũng gặp lại chúng trong một số trận chốt và phục kích mé đường 231. Các anh lính cũ kể lại chúng nó đánh trận bài bản như trường lớp. Thằng chỉ huy thổi còi toe toe cho lính xung phong. Lính Thái không thạo rừng và láu cá nhanh nhẹn như lính Lào. Mình chặn nó đấy, nhưng nếu là vướng đường nó thì nó trèo cả qua đầu mính mà chạy, khiến trận đầu lính ta tưởng là nó xung phong dũng mãnh quá. Nói tóm lại, trung đoàn chuẩn bị chu đáo thế này thì đúng là đánh bọn Thái rồi.

   Tôi theo anh Băng và trinh sát mò mẫm vào vùng ngã ba Lào Ngam theo một vòng cung từ Tây xuống Nam. Có một con suối rất to và sâu như bờ vực ôm lấy khu ngã ba. Sát hai bên bờ suối thì rừng cây rất to, nhưng lên đến bên trên thì rừng cây lại như kiểu rừng tái sinh mọc rất dày. Không có cây to để leo lên quan sát nên phải theo bản đồ mà mò vào tận nơi. Căn cứ địch nằm cách suối khoảng 500 mét. Toàn bộ khu vực quanh căn cứ được phát quang, có tới 5 lớp rào, toàn là rào lưới đơn và rào bùng nhùng. Trinh sát cắt rào đơn mở lối bò vào. Vì đây vốn là rừng phát quang, gốc rễ cây còn lổn nhổn nên địch không cài mìn nhảy và mìn vướng. Chỗ khó nhất là cái rào bùng nhùng, mầm non cây đã mọc lên quấn vào đó nên tự nhiên tạo thành sự liên kết vững chắc. Địch chỉ làm những con đường nhất định từ đường 23 đi vào căn cứ, chứ những chỗ xung quanh chúng nó cũng không dễ mà mò từ trong ra được. Độ rộng vùng phát quang cũng chỉ chừng năm chục mét. Có lẽ ở Nam Lào thì căn cứ này thuộc loại rào kiên cố nhất. Anh Băng và trinh sát cứ bò vào rồi lại bò ra quanh khu vực hàng rào. Ở phía ngoài nếu nép vào các tán cây thì vẫn có thể đứng mà nhìn vào căn cứ. Tối om vì địch cũng không có đèn đóm, hoặc có thắp dưới hầm thì cũng chẳng nhìn thấy gì. Nghe trinh sát nói đây là căn cứ kiểu trấn giữ nên không có nhà nổi mà chỉ có các loại hầm thôi. Trong căn cứ địch cũng không phát quang hết toàn bộ mà cũng chỉ phát từng phần vì chỗ này vốn là một vườn cà phê rộng lớn. Tấn công vào đó chắc phải chú ý việc ném thủ pháo và lựu đạn.

   Liền mấy đêm tôi theo anh Băng và trinh sát đi nắm địch như thế. Mỗi đêm chọc vào một hướng, cắt rào để chui vào rồi khi ra lại uốn trả lại, địch không thể ra kiểm tra nên cũng không sợ lộ. Quân ta cũng chỉ nằm tại hàng rào quan sát thầm lặng và nghe ngóng chứ không bò vào hẳn căn cứ. Ban đêm bọn lính Thái không bắn bậy bạ và chúng cũng cho là an toàn nên không bắn pháo sáng. Chỉ có pháo lớn từ trong Phù Chiêng bắn ra, nhưng chúng bắn mãi tận đâu đâu trong vùng rừng già chứ không bắn đến vùng căn cứ này. Vì thế mấy đêm đi trinh sát chẳng có gì là căng thẳng. Lúc chui vào trong hàng rào rồi thì lại còn thấy an toàn hơn khi còn ở ngoài. Liên lạc như tôi chẳng biết gì nhiều, chỉ có các thủ trưởng chắc phải bàn tính hướng mở cửa và phương án đánh địch nên phải quay ra quay vào tính toán và giục trinh sát dẫn đường.

   Đã sang đến tuần thứ hai của tháng chín, độ ngoài mùng mười gì đó thì chúng tôi rút về hậu cứ. Một điều bất ngờ đang chờ tôi. Một tối anh Băng bảo tôi, cậu không phải làm liên lạc nữa. Đại đội cho cậu đi học công binh phục vụ cho chiến đấu sắp tới. Té ra anh Băng thấy rõ tôi không có khiếu làm liên lạc nên đã âm thầm chuẩn bị vị trí công tác mới cho tôi. Tôi hơi cụt hứng một chút, nhưng nghĩ lại thấy mình về B chiến đáu cũng phải. Thủ trưởng sắp xếp cho hợp lý chứ không phải ghét bỏ mình. Biểu hiện rõ ràng là anh ấy đã cho tôi đi trinh sát cùng anh lần cuối cùng để chuẩn bị một trận đánh lớn quan trọng, rồi mới trả tôi về B.

   Hôm sau tôi cùng thằng Thành (Hà Tây) B5 vác ba-lô về C công binh cách đấy một ngày đường. Đại đội công binh trú quân trong một cánh rừng ẩm thấp cạnh một con suối đá khá rộng, nước rất trong và chảy xiết. Lán cũng làm nửa chìm; hầm hố cẩn thận, nhưng lâu chẳng ai chui vào nên trong hầm mốc meo, toàn những con gì chân gài loằng ngoằng như con gọng vó. Ẩm thấp vì quanh lán toàn chuối rừng và những cây vả quả còn rất xanh. Cây sung có quả non còn ăn được chứ quả vả nếu chưa chín thì không thể ăn được. Chỉ có khu công binh xưởng là đặt trên mấy vạt đất cao. Nơi này an toàn nhưng xa dân. Khi chúng tôi ở hậu cứ bản Xăn-xi-nuc "may" gần các nương dân thì lúc đói quá cũng có thể trang thủ lúc đi cùi cõng tạt qua hay là chập tối trước giờ sinh hoạt có thể chạy ù ra vừa làm "em ông quận công'" vừa trang thủ hái được mấy trái dưa chuột để bổ sung vào dạ dày. Ở đây xa xôi nên chỉ đến bữa có gì ăn nấy nên đói, lại là vì đi tập huấn công binh nên bị quản về thời gian rất chặt. Lính về tập huấn chừng non hai chục người từ các C bộ binh của các K họp lại. C công binh nhường cho chúng tôi một dãy lán ở sát một con suối làm nơi trú chân trong thời gian tập huấn. Tôi đã đi loanh quanh, thấy nơi này chán ngắt, vừa tối vừa bẩn. Ban đêm tuy có thể đốt lửa trong lán nhưng chẳng kiếm đâu ra củi, thật mang tiếng ở rừng. Chả lẽ đốt bằng thân chuối rừng hay cành vả tươi. May mà chúng tôi mang theo nhiều giấy dầu nên có cái mà thắp sáng ban tối. Chỗ này chỉ được mỗi con suối đá, tuy không rộng nhưng nước chảy xiết và rất trong. Một điều hết sức dở hơi là ở chỗ này mọi người không làm nhà cầu. Tất cả đều cho xuống suối. Vì suối chảy rất mạnh nên tôi đoán là chỉ sau độ một ngày, nếu không bị tan ra cho cá nó rỉa thì tất cả chất thải chắc cũng trôi ra đến sông Me-kong. Mà chẳng hiểu bọn lính nhà bếp lấy nước ở chỗ nào để nấu cơm cho đơn vị. Chẳng lẽ chỉ khoắng qua một cái, khuất mắt trông coi như cầu tõm Nam Hà? Mà ngay cả chúng tôi cũng thế, vừa xử lý nỗi buồn xong, ngoảnh đi ngoảnh lại đã có thể bình thản thò chân thò tay xuống lấy nước rửa dáy, thậm chí là tắm giặt hay rửa mặt được rồi. Lúc đó lính là vua trong rừng nên chẳng xá gì chuyện vệ sinh môi trường. May mà không có thằng nào chết vì bẩn. Nhưng tôi nghĩ các cán bộ C công binh cũng cho xử lý như thế thì thật ẩu và liều.
…..
Logged

dream_kgb
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #457 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 04:27:54 pm »

 Bác Trọng viết cứ như Nắng đồng bằng của Chu Lai ,  cháu kéo cái này lên ạ , đợi bác Trọng lâu quá . Roll Eyes
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #458 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 05:08:47 pm »

@Dream_kgb:

Độ này cũng hơi bận. Hơn nữa bây giờ đang tập trung cho các mạch chuyện của các CCB sinh viên, chiến trường Quảng Trị 72 cho nó liền mạch.

 Chuyện của tôi chỉ làng nhàng là đời sống lính chiến trường, nên xin tạm nghỉ giải lao chờ các bác TTNL, LeXuanTuong và 6971 nổ súng.
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #459 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 11:13:29 am »


Độ này cũng hơi bận. Hơn nữa bây giờ đang tập trung cho các mạch chuyện của các CCB sinh viên, chiến trường Quảng Trị 72 cho nó liền mạch.

 Chuyện của tôi chỉ làng nhàng là đời sống lính chiến trường, nên xin tạm nghỉ giải lao chờ các bác TTNL, LeXuanTuong và 6971 nổ súng.

       Bác Trong6 à ! chuyện bác kể đánh nhau ở bên Lào rất hay. Tôi theo dõi kỹ nhưng không biết gì nên chẳng dám tham gia. Bác cứ kể tiếp đi. Chiến sự ở Việt Nam và Lào xảy ra đồng thời mà .
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM