Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:11:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323683 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
q.trung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 450


« Trả lời #440 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2010, 04:28:25 pm »

Tôi đọc cho các bạn nghe một mẩu thơ tâm lý chiến trên truyền đơn thả đầy rừng núi khi chúng tôi mở chiến dịch 139 năm 1969:
  " Từ ngày con lên đường xa mẹ
     Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
     Non xanh nước biếc chập chùng
     Sớm nắng biển chiều mưa rừng, gian khổ...

 Gì gì đó rồi đến:
   
    ...đã nhiều lần tay con run rẩy
      Khi gài mìn và sau bỗng thấy
      Xác người tung, và máu đổ chan hoà...

Lâu quá rồi không nhớ được nữa nhưng mà hồi đó vừa đọc vừa cười tủm, cái bọn củ chuối. Vừa ăn cướp vừa la làng. Mắt mình nhìn thấy nó giết dân như nghoé mà nó lại đổ cho mình, Hồi đó nó còn lợi dụng việc bác Hồ mất. nó bảo hết người lãnh đạo rồi, về hồi chánh theo chánh nghĩa quốc gia, các em gái hậu phương đang mỏi mòn chờ đợi. he he. nhiều cái ngớ ngẩn buồn cười lắm Grin
Logged
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #441 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2010, 04:33:48 pm »

Tiếp :.
sớm nắng biển chiều mưa rừng gió biển
.''Chiều Trường sơn núi rừng cô quạnh
 Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê nhà
 Khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh
 Con bướm trắng mái đình xưa nhớ quá ....
 Truyền đơn này hồi 72 máy bay Mỹ thả xuống quê em trắng đồng cùng nhiễu B52 , bọn trẻ con đứa nào cũng thuộc
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2010, 05:49:43 pm gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #442 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2010, 09:50:22 pm »

Lâu quá rồi không nhớ được nữa nhưng mà hồi đó vừa đọc vừa cười tủm, cái bọn củ chuối. Vừa ăn cướp vừa la làng. Mắt mình nhìn thấy nó giết dân như nghoé mà nó lại đổ cho mình, Hồi đó nó còn lợi dụng việc bác Hồ mất. nó bảo hết người lãnh đạo rồi, về hồi chánh theo chánh nghĩa quốc gia, các em gái hậu phương đang mỏi mòn chờ đợi. he he. nhiều cái ngớ ngẩn buồn cười lắm Grin
Hơn hai tháng trước, tôi có một chuyến đi vào Pleiku đi theo đường Hồ Chí Minh, qua đoạn Khe sanh, a sầu, a lưới, có bác Thanh đi cùng đoàn khi xưa  là lính cận vệ của Tướng Chơn có kể là vào năm 1969 khi Bác Hồ qua đời, đúng là quân ta có một khoảng thời gian ngắn tinh thần giảm sút, hoang mang giao động vì sự ra đi của Bác, Lãnh tụ của cuộc cách mạng..Bên kia chiến tuyến, kẻ thù cho máy bay dùng loa ra rả tuyên truyền rằng Cộng sản Bắc Việt đã như rắn mất đầu...càng làm cho tình hình quân ta rối ren..
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #443 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 08:26:08 am »

……
              Mùa mưa đầu tiên trong chiến trường tôi đã hưởng cái đói. Mà kể cũng lạ, khi ở nhà tiêu chuẩn gạo cán bộ của bố mẹ tôi chỉ có 13,5 kg một tháng (tôi khi đang là học sinh lớp 10 được hưởng cao nhất là 15 kg một tháng) thế mà sao vẫn đủ ăn, không thấy đói. Mà tiêu chuẩn đó là quanh năm, niềm mơ ước được đong gạo bông không bao giờ sợ đói so với dân làng ở quê đấy nhé. Vào trong chiến trường tiêu chuẩn là 21 kg một tháng, nhưng đó là trên giấy thôi, còn thực tế là có đến đâu phát đến đấy, thường là ít hơn. Bắt đầu từ lúc ăn 5 lạng một ngày là thấy đói, thấy thèm ăn rồi. Mà ở đất Nam Lào này mùa mưa chỉ có gạo nếp. Mùa khô thì có gạo đồ của Trung Quốc, thứ gạo không nở và không thể nấu thành cháo. Thành ra gạo nào thì cũng đói. Trên chiến trường Lào, lúc gay go nhất là ăn 3 lạng một ngày. Mỗi bữa một lạng cơm nếp nắm lại chỉ to hơn quả trứng vịt. Nhưng cơm nếp có ưu điểm là để được lâu hơn. Đi chốt cả ngày hay thậm chí 2 ngày chỉ cần tiếp tế cơm một lần. Khi nấu cơm nếp cho tí muối vào là đủ độ đậm, không cần thức ăn. Cũng vì trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ăn nên lính tráng đi đến đâu cũng ngó nghé tìm ăn. Của rừng cũng được mà của dân cũng xong. Bản bỏ ven đường 23 nhiều đấy, nhưng không phải lúc nào cũng được đi qua, hay cây cối cũng phải có thời gian cho nó mọc chứ. Thế là cái từ "bài ca ống cóng" ra đời. Lính mà kém cái phần "ca cóng" là coi như kém hẳn một khả năng để tồn tại.

          Đợt cuối tháng 8 năm 1972 các đơn vị phải đi cùi cõng gạo đạn chéo cho nhau nhiều lắm. Thông thường cùi từ kho trung đoàn về kho dã chiến tiểu đoàn. Khi các C đi nhận gạo từ kho tiểu đoàn về, chúng tôi không được lĩnh gạo theo cân có đóng bao, mà nhận gạo theo đong soong. Một gạt bằng của soong 6 tương đương 5 kg gạo. Tức một nỗi nữa là cái soong dùng để phát gạo cho lính gao giờ cái đít cũng bị lõm vào trong một ít, nên một soong chắc không đủ 5 cân. Đi lĩnh gạo từ kho tiểu đoàn về C thì chúng tôi rất nghiêm chỉnh. Chỉ khi cùi gạo trung chuyển chúng tôi mới giở trò. Thoạt đầu chúng tôi cũng hiền lắm, nhưng hiền cũng không xong. Lúc nhận gạo ở kho trung đoàn, thường bọn ở kho đong cho chúng tôi bắng cái soong lõm đít. Khi trả gạo ở kho tiểu đoàn thì bọn ở đây lại nhận bằng cái soong lồi đít. Thế nên bao giờ chúng tôi cũng bị thiếu gạo. Tình ngay lý gian, lính tráng bị chửi mắng, nhưng chúng tôi cùi cõng theo cả đội hình, có cán bộ C đi kèm thì làm sao ăn cắp gạo. Có tụt hết tất cả ra mà khám thì cũng chẳng tìm được gì, cuối cùng là hòa cả làng. Vậy là 2 thằng thủ kho 2 đầu ăn gian đã dạy cho chúng tôi cũng chẳng cần thật thà làm gì cho mệt. Thế là dù không bảo nhau, nhưng thỉnh thoảng (chỉ thỉnh thoảng thôi) khi cùi gạo, lúc qua suối, thằng nào không phải mang súng là xoay cái cùi gạo nặng hơn hai chục cân của mình lại, ôm chặt trong lòng rồi vừa lội suối vừa cởi nút bốc ra một nắm gạo cho vào cái bình tông đeo bên mình, rồi buộc lại xong nút gùi thì cũng vừa vặn đi qua bên bờ kia suối. Làm thế không dễ đâu nhé, nhưng rồi cũng làm được. Mà ở cái bình tông cũng phải có độ non nửa là nước trong đó, vừa để ngụy trang, vừa không làm cho gạo bị nát mủn. Buổi chiều về đến nhà gom lại chui vào góc hầm nấu cháo là tối đến mỗi thằng cũng được lưng bát cháo hoa. Làm ít và kín đáo nên mùa mưa đó chúng tôi chưa bao giờ bị lộ. Âu cũng là cảnh đói ăn vụng, túng làm liều như các cụ đã dạy.

               Đấy là đánh lẻ khi ở hậu cứ. Ra tuyến trước thường không có gì. Trong rừng chim thú cũng nhiều, nhưng phải tùy vùng. Lại phải giữ bí mật nơi trú quân, nên thường chỉ có đi lùng sục lẻ mới có thịt thú rừng ăn. Đợt cuối tháng 8 năm đó, chúng tôi còn được đi cải thiện thịt ngựa theo chủ trương của tiểu đoàn. Số là khi ta giải phóng thị trấn Pắc-Soong, địch rút chạy đã đành, cả dân ở trong toàn thị trấn và ven đường 23 cũng chạy tứ tán. Các loại gia cầm gia súc được tháo cũi sổ lồng chạy hết vào rừng. Bên Lào thì chỉ cần đi ra khỏi bản độ vài trăm mét thì đã là rừng rồi. Ngày đầu chính sách dân vận được thực hiện nghiêm lắm, nhưng trò đời cái gì để lâu chẳng hóa bùn. Đuổi địch mãi thì cũng phải có lúc dừng lại làm hậu cứ trú quân. Lúc bận quá không sao, nhưng lúc có tí rỗi rãi, tất "nhàn cư vi bất thiện", mà cái bất thiện đầu tiên tất phải hướng đến cái dạ dày. Lính tráng trong các C tìm dịp lần mò quay lại các bản cũ tìm ăn, dù đường xa có khi tới trên hai chục cây số. Cái gì ngon xơi thì làm trước, hết nạc là vạc tiếp xương. Lũ gà vịt vốn là loài thuần hóa, không thể bỏ đi xa, chạy loạn chỉ ít hôm là phải quay về kiếm ăn quanh bản nên được hóa kiếp đầu tiên. Tiếp theo là đám lợn lười nhác và ngốc nghếch lần lượt chui vào bếp lính. Giải phóng Pắc-Soong nửa năm thì các bản trở thành bản hoang hết lượt. Tuy thế có hai loài nhanh chóng thích nghi với đời sống hoang dã của tổ tiên chúng bởi dễ kiếm cái ăn trên những bãi cỏ mênh mông ven các cánh rừng, đó là bò và ngựa. Chúng sống luôn trong rừng và xa lánh con người, nên đã tồn tại được trước sự tham ăn và thèm khát của những anh lính Bắc Việt. Nhưng chết nỗi là loài vật cũng nhiều khi có tình có nghĩa. Chúng chưa hoang dã hoàn toàn nên đôi khi cũng nhớ chủ, nhớ chuồng. Thỉnh thoảng chúng cũng về kiếm ăn ở các bãi cỏ cạnh bản.

          Đầu tiên không ai để ý điều này, nhưng bọn lính trinh sát trên trung đoàn phát hiện ra trước. Bọn trinh sat E vốn được đi loăng quăng nhiều nơi trên địa bàn rộng và chỉ thật bân bịu khi đánh cỡ Tiểu đoàn trở lên (mà những trận đánh như thế thì cả năm có khi đếm chưa hết 5 đầu ngón tay). Đầu tiên chúng nó ngỡ là của dân đang chăn thả, vì một số bản phía trong Cao nguyên vẫn có dân, mãi sau mới đoán ra là những con thú đi hoang. Lúc đầu là trung đoàn cho các C trực thuộc bắn để cải thiện chất tươi. Về sau dưới các tiểu đoàn cũng tham gia cải thiện. Các đại đội cử lính, thường là tốp 3 người về vùng quanh thị trấn Pắc-soong tìm kiếm. Những con bò chậm chạp hơn nên bị săn bắn trước tiên. Ba thằng lính cũng không khiêng nổi con bò, nên sau khi cắt sẻ mang được bao nhiêu thì mang, còn lại vứt đó về báo tọa độ cho các C khác trong tiểu đoàn  đến lấy nốt. Cũng có khi gặp lính C trực thuộc thì chia sẻ luôn, ngược lại cũng vậy. Ở vùng này hiếm thú dữ nên khá an toàn. Bắn được bò thì bao giờ nhóm cải thiện cũng phải chén trước. Thường chúng tôi đi săn phải mất hai ngày, lại xa địch nên thể nào cũng nổi lửa thưởng thức trước đã. Sau đó thì tùy tình hình mà trở về. Hôm nào bắn được bò vào lúc chiều tối thì nghỉ luôn tại chỗ, hôm đó là khỏe nhất. Mà cả con bò chúng tôi cũng chỉ lọc lấy phần thịt, còn xương, da và đầu, chân vứt lại. Đấy là lúc đầu thôi. "Miệng ăn núi lở" nên dần dà về sau mang được đến đâu là mang tất về, anh nuôi khắc lo chế biến.

          Rồi bò cũng tuyệt chủng luôn. Lúc ấy chúng tôi phải quay sang bắn ngựa. Những con ngựa nhanh lắm, nên gặp bất thình lình thường không bắn được mà phải phục kích. Mỗi lần đi săn phải dài ngày hơn. Bây giờ thì các anh người dân tộc phát huy thế mạnh vì khi ở nhà họ cũng đã quen săn bắn. C nào cũng có lính dân tộc nên thế mạnh ngang nhau. Đại đội tôi có anh Quân (Mường) cũng thiện nghệ lắm, nhưng anh ấy là B trưởng nên không thể cử đi bắn ngựa. Thường là C tôi cử anh Sơn (Tày) làm tổ trưởng đi săn, còn lại là lính như bọn tôi. Mỗi lần đi thì chỉ có khác nhau là dài hay ngắn ngày thôi, chứ thể nào đại đội cũng có thịt ngựa ăn. Thịt ngựa đem về chỉ làm độc mỗi món luộc chấm muối, ăn cứu đói rất tốt nhưng nói thật là tôi thấy nó không ngon, cũng gây gây như kiểu thịt khỉ. (Chắc là do khi đó chẳng có rau cỏ gia vị gì để chế biến chứ bây giờ người ta bảo thịt ngựa Sóc Sơn đem về Hà Nội bán được chế biến ngon còn đắt hơn cả thịt trâu, thịt bò).

               Vào cái giai đoạn mà cả bò và ngựa hoang đã vãn ấy, một lần cả trung đoàn được thông báo C hỏa lực bắn được một con voi rừng rất to bên đường xe bò gần bản Pắc-Kụt, các đơn vị cử người đến mà xẻ thịt. Chả có chia bôi gì, anh nào đến trước lấy được bao nhiêu cứ lấy. C tôi cũng vội cử 3 người mang theo gùi và dao sắc đi. Đến tới nơi đã có nhiều lính của các C khác. Bọn bắn được voi và tụi đến trước đã cắt hết cả vòi, tai và đế chân rồi, nghe bảo đó là những thứ có thể coi là ngon của con voi. Các C đến sau hè nhau lột da, cắt thịt đã hết nửa con voi. Nhìn cái bộ khung xương to dính máu trông phát ghê, chúng tôi phải hè nhau dùng gậy bẩy và lật phía bên kia của con voi để cắt thịt. Chắc cuối cùng con voi chỉ còn lại xương với da. Đem về nhà luộc thịt voi lên chấm nước muối ăn, mới hiểu câu nói của các cụ: "trăm voi không được bát nước xáo". Nhạt thếch.

               Hai hôm sau, tưởng không còn nói gì đến chuyện con voi nữa thì trung đoàn thông báo: C hỏa lực bắn nhầm voi của dân. Chỗ bản Pắc-Kụt tuy cũng là bản bỏ, nhưng vẫn là đất rừng của dân Lào thì đương nhiên họ có quyền chăn thả voi. Thằng lính hỏa lực người Hà Tây hôm đó mắt to hơn người, cà là tóe mới nhìn đã vội tưởng voi rừng nên tương cho một loạt AK rồi về báo công. Cũng phúc tổ bảy mươi đời nhà nó là voi nhà đã thuần dưỡng thì mới bắn được như thế chứ nếu voi rừng thì có khi ra bã rồi. Thịt voi ăn đã chẳng ra gì lại còn bị dân bắt đền. Trung đoàn phải cử cán bộ đến xin lỗi và đền mất một tạ muối. Nhưng khi đó chúng tôi cũng thiếu muối nên phải quy ra tiền (kíp Lào) trả cho dân, lính tráng đương nhiên phải nhịn ăn bớt phần đi về vùng dân mua lợn mất hơn tháng. Trung đoàn có lệnh từ nay cấm bắn voi, nhưng chuyện đó giống như "mất bò mới lo làm chuồng" vì về sau cũng chẳng khi nào chúng tôi gặp voi mà không có dân đi kèm.


Logged

daibacvn
Thành viên
*
Bài viết: 128


Chí làm trai dặm nghìn da ngựa...


« Trả lời #444 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2010, 11:20:01 pm »

Chú TrongC6 ới ời, chiến tiếp đi chú... chờ chú mãi mỏi cả cổ rồi!
Logged

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm...
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #445 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:32:43 pm »

Rẽ ngang một tí:

Hôm nay vào trường ĐHBK Hà Nội dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Giáo sư, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, do Bộ GD&ĐT và Hội cựu Giáo chức Việt nam phối hợp tổ chức. Gặp lại một thằng bạn học cũ là Tạ Quang Chính, con trai của GS Bửu.

Tay này cũng là lính trường Trỗi từ 1965 đến 1970. Năm 1970 nó ra ngoài, học cùng lớp 9 với tôi ở trường Yên Hòa III B. Nó lên thiếu tướng từ 9/2009, bây giờ là Chủ nhiệm Chính trị TCCNQP.

Các bác Phong Quảng, Vitinh... chắc có biết vị này.

Chương trình văn nghệ mở đầu có ca sĩ Thanh Lê hát bài Quê hương của Đỗ Trung Quân. Nghe đến câu người lính "có một chiều thu lá thu rơi, ôm súng nhìn quê thầm mong có ngày về" thấy lòng xao xuyến. Cuộc chiến tranh nào cũng ác liệt. Bao thằng cùng nhập ngũ đã không thể có ngày về. Mà mình khi đó cũng chẳng có một chiều thu nào ngồi ôm súng để dám mơ ngày về. Chỉ nghĩ rằng không biết ngày nào sẽ đến lượt mình ngã xuống.
Logged

Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #446 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2010, 09:44:10 pm »

Chúng tôi vẫn biết nhau bác ạ.
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #447 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2010, 10:26:57 pm »

Gặp lại một thằng bạn học cũ là Tạ Quang Chính, con trai của GS Bửu.
Các bác Phong Quảng, Vitinh... chắc có biết vị này.
Vâng, khi cậu Chính chuẩn bị tốt nghiệp ĐH có về đơn vị tôi thực tập.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #448 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2010, 10:32:48 am »



               Đúng là thời gian ấy chúng tôi thiếu muối. Không hiểu tại sao việc vận chuyển muối vào chiến trường khó khăn vậy. Các đơn vị cử người xuống vùng dân mua muối cũng không được là bao. Đơn vị quản lý muối còn chặt chẽ hơn quản lý súng đạn. Mỗi lần đi lĩnh muối trên trung đoàn là phải có cán bộ B đi cùng. Không lĩnh qua tiểu đoàn mà phát thẳng từ kho trung đoàn để tránh khâu ăn bớt. Cả đại đội lâu lâu mới được lĩnh một lần, mỗi lần chỉ được một cân muối.  Đến bữa anh nuôi cho tẹo muối vào canh hay món xào, nhưng chỉ riêng cái đoạn dính soong nồi cũng đã lãng phí. Sau vì chúng tôi ăn cơm nếp là chính nên đại đội quyết định đem chia muối theo đầu người, ai muốn ăn thế nào thì ăn. Chúng tôi cho dúm muối vào cái túi nilon nhỏ xíu, buộc chặt và luôn đem theo người. Khi nào đến bữa hay thèm thì lôi ra liếm một cái. Được cái là khí hậu vùng cao nguyên không ẩm như miền Bắc nên những hạt muối giữ được khá khô. Về sau có đợt được phát muối mỏ, viên muối rắn như đá, rất khó chảy nước. Tôi dùng rất dè xén món muối mỏ đó và bảo quản cũng khá tốt. Cho đến tận khi đánh Đồng Dù 29/4/1975, tôi vẫn còn giữ được hai viên muối mỏ to như hạt ngô nếp, sau này bình thường rồi thì mới đánh rơi mất.

             Năm 1972 trong C tôi có thằng Tuyến người Thái Bình được bình bầu chiến sĩ thi đua không phải do thành tích chiến đấu mà là do ăn cắp vỏ bao đựng muối cho đại đội. Chuyện như hề nhưng thực tế lại đúng như vậy và chúng tôi ai cũng ghi công cho nó. Lần ấy lên kho trung đoàn lĩnh muối, trong lúc mọi người đang xúm xít chia muối thì thẳng Tuyến lỉnh đi đâu mất. Có lẽ trong tất cả các món nhu yếu phẩm của lính thì chia muối là nhiêu khê nhất. Không thể tính cân vì muối nó vốn ẩm ướt, dính nước mưa vào thì còn nặng thêm biết bao nhiêu. Chỉ có cách đong bằng bát đều cho các đơn vị. Muối khi đó được đóng vào bao tải cói chứ không phải bao nilon nên phần muỗi dính và ngấm vào bao tải rất nhiều. Lính kho chỉ vét hết muối ra đong, chia rồi thu lại bao đựng cất đi, tất nhiên trong đó còn dính khá nhiều muối. Thằng Tuyến láu cá đã lần ra cái chỗ bọn coi kho cất vỏ bao và bò vào khuơ trộm một chiếc rồi chui tắt ra rừng cất giấu. Khi chúng tôi ra về thì trong người nó đã có cái vỏ bao ấy rồi, nhưng chỉ khi về nhà nó báo cáo chúng tôi mới biết. Anh quản lý đại đội thu nhận báo cáo C và tất cả nhất trí đó là công, cần giữ kín chuyện. Cào trong đó ra còn được đến gần nửa cân muối hạt. Cái bao tải được bỏ vào soong 20 đem ninh lên cho muối nó thôi ra hết, cũng dùng ăn được mấy ngày. Vì thế mà cuối năm thằng Tuyến được bầu chiến sĩ thi đua, nhận cái bằng khen trên trung đoàn, nhưng tất nhiên báo cáo thành tích là chiến đấu chứ không phải vì ăn cắp cho đại đội cái vỏ bao đựng muối.

          Vùng phía Nam đường 23 nếu đi sâu là hướng xuống biên giới với Căm pu chia. Đi dịch sang phía Đông thì qua cao nguyên A-tô-pơ hướng về biên giới Việt Nam. Trường Sơn bao giờ cũng chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Có rất nhiều vùng còn hẻo lánh, rừng nguyên sinh chưa hề có dấu chân người. Tôi biết điều đó khi một lần được cùng tiểu đội anh Trịnh của B5 vượt qua Pắc-soong sang cao nguyên A-tô-pơ tìm kho súng. Bên đó gần với tuyến đường Trường Sơn hơn so với trục đường 23 từ Mường Phìn vào Pắc-xế nên địch không đóng quân tới đó, kể cả khi Pắc-soong còn chưa được giải phóng. Nhưng nó cũng còn cách khá xa tuyến đường Trường Sơn vì địa hình toàn núi cao và rừng rậm. Khi đánh Pắc-soong, trên Bộ tư lệnh 559 có lập một số kho ở đó, chủ yếu chứa súng đạn, nhưng không dùng đến, bỏ quên lâu ngày thành ra vô chủ. Nó ở xa nên trung đoàn chúng tôi cũng không quản lý, mà thật ra cũng không biết hết các kho đó. Lần ấy chúng tôi sang A-tô-pơ với ý định kiếm súng đạn tự bổ sung cho số bị hỏng và làm mất trong mấy lần vượt suối bị lũ nó cuốn mất. Sáu thằng đùm theo gạo lên đường. Phải công nhận bên đó rừng rậm và núi cao thật. Cây thân gỗ to rất nhiều mà chưa ai khai thác, dù dân Lào làm nhà sàn thì mọi vật liệu đều là từ gỗ (trừ mái tôn). Chúng tôi được đi công tác lẻ một tuần. Anh Trịnh dự định khi ở đó sẽ tìm cách đánh cá cải thiện hoặc tìm bắn một con chồn hay con khỉ gì đó, thế mới bõ cái công và thời cơ được đi công tác lẻ chứ. Thế nhưng bên A-tô-pơ suối còn sâu và chảy siết hơn huội Chăm pi nên chúng tôi bỏ ngay ý định đánh cá. Anh Trịnh dò bản đồ phân định khu vực chúng tôi sẽ tìm kho. Nơi này không có đường xe bò của dân, nhưng đôi chỗ có dấu vết đường xe ô-tô đã từng chạy. Chúng tôi cứ bám theo đó rồi lần ra xung quanh tìm. Thực ra tọa độ kho cũng đã được chấm từ nhà rồi chứ nếu chỉ tìm vu vơ thế này chẳng khác gì tìm kim đáy bể. Sang A-tô-pơ đến ngày thứ hai, đang lò dò tìm theo một vệt đường ô-tô thì thằng Tuân (Nam Hà) đi đầu phát hiện một con hoẵng từ đâu nhảy ngay ra đường. Thật đúng là "con nai vàng ngơ ngác". Tôi không biết nhiều về thú rừng, nhưng cái bọn hươu, nai hay hoẵng chắc cùng một loài. Con hoẵng còn chưa hiểu chuyện gì thì thằng Tuân đã nhanh tay nổ súng. Thằng Tuân cũng là một loại thiện xạ trong C tôi, nhưng chưa có kinh nghiệm nên nó không tương đúng vào chỗ hiểm để con hoẵng phải gục tại chỗ. Con hoẵng nhảy lên rồi phi vào bụi rậm. Chúng tôi thoạt đầu nghĩ cũng hỏng ăn, nhưng vì thằng Tuân khăng khăng là nó đã bắn trúng, lại thấy có vết máu nên anh Trịnh quyết định lần theo để tìm. Chúng tôi rất vất vả lần theo đến hơn trăm mét mới thấy con hoẵng nằm gục bên một gốc cây. Hóa ra viên đạn trúng vào thân nên nó vẫn còn chạy được. Cái giống hoẵng nhỏ lắm, con này chỉ hơn hai chục cân mà anh Trịnh bảo thế cũng là khá rồi. Thế là sáng hôm đó chúng tôi tìm ra suối làm thịt con hoẵng đã. Thịt nó ngon tuyệt, nướng hay luộc đều ngon không chê vào đâu được. Bàn cãi một hồi anh Trịnh quyết định chúng tôi sẽ không tìm cách săn bắn nữa, mà tập trung đi tìm súng đạn. Từng này thịt là đủ ăn thoải mái cho sáu thằng trong mấy ngày tới rồi.

           Tới chiều ngày thứ ba thì chúng tôi tìm thấy kho súng đạn. Qua hai mùa mưa, cái nhà kho đã đổ ụp xuống rồi, chỉ còn cái hầm đất đào sâu đến bụng. Chúng tôi lôi ra được các thùng gỗ, tuy bẩn đầy đất, nhưng phá ra bên trong thì các bao nilon chứa súng còn nguyên cả mỡ bảo quản trong đó. Chúng tôi lấy một khẩu trung liên RPD và 5 khẩu AK, toàn súng của TQ. Thấy đạn rất nhiều chúng tôi nảy ra ý định thử súng. Anh Trịnh đồng ý, thế là hôm sau chúng tôi kéo nhau ra một bên dốc núi. Nhìn xuống suối sâu như cả một bờ vực. Thằng Tuân lắp cả một hộp đạn vào khẩu RPD rồi nằm chĩa xuống vực nghiến răng kéo cò. Khẩu súng rung lên bần bật. Nó kéo mấy loạt hết cả băng đạn 100 viên mới thôi. Mấy chúng tôi cũng chĩa AK phệt mỗi thằng một băng xuống vực. Có thử thế này mới thấy, có muốn kéo cò một lần cả băng AK cũng không được vì nó giật lắm. (Khác hẳn với khẩu AR15 của Mỹ mà sau này chúng tôi cũng lấy bắn chơi. Băng đạn 20 viên chỉ níu mạnh cò làm rẹt một cái đã hết. Đó là chưa kể nếu bấm vào cái nút Turbo của khẩu súng thì nó còn "rẹt" nhanh hơn). Tiếng nổ vang vọng thung lũng, nhưng ở cái chỗ này thì chỉ có chúng tôi nghe, chúng tôi biết mà thôi. Ngày hôm đó chúng tôi nghỉ lại, lau những khẩu súng mới cho hết sạch dầu mỡ và tranh thủ tắm giặt. Đêm đó mắc võng ngủ lại trong rừng mà cứ như ở nhà, chẳng gác sách gì. Hôm sau chúng tôi lên đường, mang theo 6 khẩu súng và một ít đạn. Về đến nơi tập kết của đại đội thì vừa hết một tuần.

   Một điều bất ngờ khác đang chờ chúng tôi. Chúng tôi vừa về kịp để ăn món thịt hổ. Thật là bất ngờ khi chúng tôi luôn nghĩ rằng vùng này không có thú dữ. Cách đây một hôm, B4 lên chốt. Vì chiến sự thưa thớt nên việc lên chốt thật nhàn hạ. Buổi sáng sớm đơn vị cử 5 lính lên chốt, mang theo đủ nước và cơm nắm. Ngồi bí mật và mọc rễ trên đó chờ địch. Chiều tắt nắng thì lại kéo nhau về chỗ trú quân. Chốt chưa phải đánh nhau lần nào, chưa lộ nên ban đêm không cần ở lại chốt. Sáng sớm hôm đó thằng Nhâm (Hà Tây) đi đầu, còn cách chốt độ hai trăm mét thì nó thấy loáng một cái gì đó vọt ngang trước lối đi. Trong đầu nó chỉ kịp nghĩ "thám báo", thế là nó quạt ngay một loạt AK trong khi 4 lính đi sau chưa kịp hiểu chuyện gì. Sau loạt AK đó, cả bọn ngồi sụp xuống, lăm lăm súng. Chờ lúc lâu mới yểm hộ nhau lò mò chui vào hướng đó. Chẳng thấy gì cả, nhưng anh Sơn (người Tày) hít hít mũi rồi phán: Hổ. Cả bọn xanh mắt rồi vội kéo nhau lên chốt. Ổn định vị trí rồi mà vẫn còn run, nghĩ về địch thì ít mà nghĩ về con hổ chưa nhìn rõ thì nhiều. Anh Sơn còn bảo là nếu như đã bắn trúng phải con hổ khiến nó bị thương thì thể nào nó cũng phục kích trả thù, nên đến chiều về phải cảnh giác. Một ngày ngồi chốt dài dằng dặc qua đi vì chỉ lo chiều về tránh hổ. Chưa tắt nắng thì anh Sơn đã giục mọi người thu xếp về để nếu có gì còn dễ xử lý. Nghe kể chuyện về hổ trả thù nhiều rồi nên thằng Nhâm dứt khoát không đi đầu và cũng không đi cuối. Nó bám sau anh Sơn đi đầu, tiếp theo là hai thằng B40 và M79, còn thằng Tiêu (Hà Tĩnh) AK đi cuối. Đoạn đường đi từ chốt xuống cái chỗ ban sáng gặp hổ vừa đi vừa run, thằng nào cũng lăm lăm súng đã mở chốt an toàn. Qua chỗ đó rồi thì tốc độ đi nhanh và hấp tấp hơn. Rồi sự việc xảy ra sau đó rất nhanh. Anh Sơn phát hiện thấy con hổ ngồi ở mé đường phía trước (may anh ấy là người dân tộc có nhiều kinh nghiệm chứ nếu là người khác thì không biết thế nào) liền quát to một tiếng "hổ" rồi quạt AK luôn. Cả 3 khẩu AK cùng quạt túi bụi, thằng Trung B40 cũng nện luôn một trái. Con hổ có lẽ đang trong tư thế thu mình ngồi rình bên lối đi, chưa kịp chồm ra đã bị trúng nhiều viên đạn nên chết ngay tại chỗ. Mọi người còn thăm dò chán rồi mới dám tiếp cận. May là con hổ chết vì đạn AK, trái B40 không trúng nó nên còn sử dụng được. Anh Sơn làm ngay một việc mà theo anh nói đó là quy ước bắt buộc của những người thợ săn. Anh ấy bật máy lửa đốt hết tất cả những cái râu mép của con hổ, dùng dao chặt hết những cái vuốt hổ gom lại rồi vun củi châm lửa đốt hết. Anh ấy bảo làm thế để những người xấu không thể dùng những thứ đó mà ám hại người khác. (Anh ấy kể, đơn giản nếu giấu đi một cái râu hổ, đem cắm vào một mụn măng vầu đang mọc tốt thì chỉ 3 hôm sau là cái măng đó tự nhiên bị chết thối rữa ra. Còn nếu đem cái râu ấy nhúng trộm vào cốc nước của người khác thì cũng gần giống như bỏ thuốc độc vào đó vậy).
   Cả bọn còn đang loay hoay với con hổ thì lại nghe sột soạt ở phía hướng về hậu cứ. Thằng Nhâm sợ són đái, bám ngay vào anh Sơn, còn mấy thằng khác thì lại ngồi thụp xuống lăm lăm súng. Nhưng thật may vì không phải là có con hổ khác đến trả thù mà là một tốp lính từ phía sau đến tiếp ứng. Đại đội nghe tiếng súng nổ loạn lên phía chốt, nghĩ anh em gặp địch nên điều một tổ lên bắt liên lạc và chi viện. Cả hai tốp cùng thở pháo nhẹ nhõm. Mọi người cùng chặt cây làm đòn khiêng con hổ về. Con hổ rất to, hai người khiêng lặc lè. Tối đó anh nuôi đại đội cùng anh Sơn tập trung xả thịt hổ. Tấm da hổ không dùng được vì bị trúng quá nhiều vết đạn. Còn thịt lọc ra được khá nhiều.

   Nhóm anh Trịnh và chúng tôi đi lấy súng bên A-tô-pơ về kịp chiều hôm sau nên được thưởng thức món thịt hổ sào. Tức nỗi trong rừng không có gia vị gì, kể cả gừng nên món thịt hổ ăn cũng thấy gây gây. Thế nhưng vẫn khoái vì mấy khi mà được ăn thịt chúa sơn lâm. Trong đơn vị, thằng lính nào không được tham dự ăn thịt hổ lần đó thì về sau cũng không còn dịp vì đại đội tôi không lần nào bắn thêm được hổ nữa.


Logged

linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #449 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 12:06:51 pm »

Tôi đọc cho các bạn nghe một mẩu thơ tâm lý chiến trên truyền đơn thả đầy rừng núi khi chúng tôi mở chiến dịch 139 năm 1969:
  " Từ ngày con lên đường xa mẹ
     Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
     Non xanh nước biếc chập chùng
     Sớm nắng biển chiều mưa rừng, gian khổ...

 Gì gì đó rồi đến:
   
    ...đã nhiều lần tay con run rẩy
      Khi gài mìn và sau bỗng thấy
      Xác người tung, và máu đổ chan hoà...

Lâu quá rồi không nhớ được nữa nhưng mà hồi đó vừa đọc vừa cười tủm, cái bọn củ chuối. Vừa ăn cướp vừa la làng. Mắt mình nhìn thấy nó giết dân như nghoé mà nó lại đổ cho mình, Hồi đó nó còn lợi dụng việc bác Hồ mất. nó bảo hết người lãnh đạo rồi, về hồi chánh theo chánh nghĩa quốc gia, các em gái hậu phương đang mỏi mòn chờ đợi. he he. nhiều cái ngớ ngẩn buồn cười lắm Grin

Các anh trích dẫn thơ tâm lý chiến làm tôi lại nhớ đến cái hồi ở bên Lào, địch bắt được mấy ông dân công hỏa tuyến nhà mình cho chụp ảnh chung với mấy cô gái Lào cười ngả ngớn. Truyền đơn chiêu hồi thả trắng mấy quả đồi cỏ tranh của huyện Mường Pẹc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM